Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ nhất

Gốc thiêng nảy nở nguồn rộng mở
Tâm tính tu trì, đạo lớn sinh


Thơ rằng:

Hỗn độn chưa chia trời đất loạn,

Mờ mờ mịt mịt chẳng ai hay,

Hồng mông từ khi Bàn cổ mở

Trong đục phân minh tự thuở này

Che chở mọi loài nhờ trời đất

Phát sinh muôn vật tốt lành thay.

Muốn biết công to của tạo hóa

Đọc truyện Tây du giải ách đây.

... Nhớ từ đời Bàn Cổ mở mang, đời Tam Hoàng cai trị, đời Ngũ Đế định ra nhân luân, toàn thế giới mới chia ra làm 4 châu lớn:

1. Đông Thắng Thần châu

2. Tây Ngưu Hạ châu

3. Nam Thiêm Bộ châu

4. Bắc Câu Lư châu.

Bộ sách này nói riêng về Đông Thắng Thần châu.

Ngoài bể có một nước gọi là nước Ngạo Lai ở gần bể, có ngọn núi cao gọi là Hoa Quả sơn. Núi này là mạch tổ của mười châu, là tay long của ba đảo bỏ lại, tự mở giữa trong đục mà đứng lên, phân rõ mờ mịt mà tạc thành, thật là một dãy núi quí, đẹp. Có bài phú chứng dẫn như sau:

Thế chấn bể già,

Trao dáng núi bạc, cá lớn vào hang kín.

Oai yên biển ngọc

Sóng cồn nước rẫy, thuồng luồng tránh vực xa.

Góc Nam phương đỉnh non cao ngất

Phía Đông hải ngọn núi nguy nga.

Sườn non đá lạ

Vách phẳng non hoa.

Ngang sườn non líu lô đôi phượng.

Trước vách phẳng nằm khểnh lân già,

Trên đỉnh núi, giọng gà vang xao xác

Dưới hang đá, bóng rồng lượn vào ra.

Trên cây đủ chim thiêng, hạc tía,

Trong rừng sẵn cáo tiên, hươu già

Cỏ lạ hoa thơm tươi tắn,

Thông xanh, trúc biếc lòa xòa,

Đào tiên thường kết quả,

Trúc tre vẫn ra hoa

Một con suối đục, mây song lan kín

Bốn mặt đê cao, cây cỏ rườm rà

Chính là nơi:

Cột trời sững giữa trăm sông đổ lại

Gốc đất to giữ muôn kiếp không xa.

Trên đỉnh núi này có một tấm đá tiên cao ba trượng sáu thước, năm tấc, chu vi hai trượng, bốn thước. Cao ba trượng sáu thước năm tấc, họp với vòng giời 365 độ, vây tròn hai trượng bốn thước, hợp với lịch chính 24 khí. Trên có 9 khiếu 8 lỗ, hợp với 9 cung 8 quẻ. Bốn mặt không có cây cối che bóng, hai bên tả hữu, chi lan quấn lấy nhau. Có lẽ từ khi sinh ra, tấm đá cảm thụ tinh hoa của trời đất, của mặt trời, mặt trăng nên mới linh thông được. Trong tấm đá lại có một tiên thai. Một hôm tấm đá nứt ra, sinh một trứng đá to bằng quả cầu lớn, gặp gió hóa ra con khỉ đá, đủ mặt, mũi, chân, tay. Con khỉ đá liền học cào, học chạy, vái lạy bốn phương, hai mắt có hào quang sáng rực lên tận trời làm kinh động đến Ngọc Hoàng thượng đế. Khi ấy thiên đình đương hội quần tiên thượng đế chợt thấy hào quang, bèn sai Thiên Lý Nhỡn, Thuận Phong Nhĩ mở cửa Thiên nam môn ra xem. Hai tướng vâng chỉ ra xem xong một lát về báo:

- Chỗ có hào quang ấy là cõi nước Ngạo Lai ở bờ Đông, thuộc Đông Thắng Thần Châu, có ngọn núi Hoa quả, trên núi có tấm đá tiên đẻ ra cái trứng đá, gặp gió hóa thành một con khỉ đá, biết lạy cả bốn phương hào quang ở hai mắt chói lòa đến thiên phủ. Nếu nay ăn nước cháo, hào quang sẽ lặn tắt hết.

Thượng Đế rủ lòng nhân từ thương hại:

- Đó là một vật ở hạ giới, do tinh hoa trời đất sinh ra, không lấy gì làm lạ.

Con hầu ấy ở trong núi, đi lại nhảy nhót, ăn cỏ cây, uống nước suối, hái hoa núi, làm bạn với các loài lang, trùng, hổ, báo, hươu, nai, đêm ngủ sườn núi, ngày chơi trong hang động. Thực là:

Trong rừng không năm tháng

Hết rét chẳng hay xuân.

Một hôm trời nóng, khỉ đá cùng cả bọn khỉ đi tìm nơi tránh nắng, đến nô đùa dưới bóng thông.

Từng con từng nô rỡn: leo cây vin cành, hái hoa tìm quả, nào ném đá, nào đánh đinh, nhảy qua thùng, xây bảo tháp, bắt chuồn chuồn, vồ bươm bướm, lạy ông trời, kính bồ tát, xe dây sắn, đan dép đi, bắt chấy rận, cắn rồi xiết, sửa lông lá, mài móng tay, nào run rẩy, nào cưỡi đè, nào kéo co.

Dưới dãy thông xanh nô thỏa thích. Giữa dòng suối bạc tắm hả hê.

Lũ khỉ chơi đùa một lúc, rồi vào tận khe ở giữa núi tắm mát. Chúng thấy nước suối chảy xiết, cuồn cuộn vọt lên. Xưa có câu: “Chim có giọng chim, thú có tiếng thú”. Lũ khỉ đều nói:

- Dòng nước này không biết từ đâu lại, nhân hôm nay chúng ta rảnh, cứ theo bờ suối lần đến chỗ dòng nguồn của nó. Nào ta đi!

Cả bầy reo hò, dắt nhau, đực cái, kêu gọi anh em, một loạt cùng nhau theo bờ suối men lên núi, đến tận nơi ngọn nguồn, té ra chỉ thấy:

Một dải cầu vồng trắng

Nghìn tầm sóng tuyết bay

Gió bể thổi chẳng dứt

Trăng sông soi vẫn đầy

Khí lạnh rõ đá núi

Nước nguồn mát cỏ cây

Réo rắt nước bộc bố

Khác gì treo rèm mây.

Bọn khỉ khoa tay nói:

- Nước tốt lắm, tốt lắm!

Nguyên suối này thông đến chân núi, ra giáp bể, bọn hầu lại nói:

- Nếu ai chui vào tìm được chỗ đầu nguồn mà không xây xát mình mẩy, chúng ta sẽ tôn làm vua.

Chợt từ trong bụi rậm con khỉ đá kêu ba tiếng nhảy ra nói:

- Tôi xin đi, tôi xin đi!

Con khỉ đẹp lắm. Cũng chính là:

Ngày nay được nổi tiếng

Gặp thời vận hanh thông

Có duyên trong chốn ấy

Vua sai vào tiên cung

Khỉ đá nhắm mắt vươn mình nhảy vào suối rồi mở mắt ngẩng đầu nhìn thì ra suối không có nước, rõ ràng sáng loáng một cái cầu. Định thần nhìn kỹ thì là cái cầu bằng sắt. Nước ở gậm cầu thông vào chỗ lỗ đá, khi nước chảy ngược ra sông, liền đóng cửa cầu lại. Khỉ đá lại lên đầu cầu xem, thấy hình như có cửa nhà, có người ở, thấy nào là:

Lăn tăn từng đám rêu xanh,

Ngọc gài mây trắng bức tranh sáng ngời.

Yên hà lớp lớp ánh soi

Nhà thanh cửa tĩnh, ghế ngồi nở hoa.

Long châu, thạch nhũ chan hòa

Quanh co khắp đất, có hoa thanh kỳ.

Còn vết lửa cạnh bếp lò

Chén trên bàn, vẫn thơm tho tiệc nồng.

Ghế giường toàn đá trắng bong

Bát đĩa, chậu rửa đều dùng đá hoa.

Nhành mai ba bảy nở hoa

Mấy cây thanh trúc lòa xòa trước sân.

Thanh tùng lá đượm mưa xuân

Khác gì nhà cửa thường dân trên đời.

Xem xét hồi lâu khỉ đá đi đến giữa cầu, nhìn ngắm chung quanh thấy có tấm bia đá khắc mấy chữ:

Hoa quả sơn, Thủy Liêm động

Nó mừng quá, vội chạy về, lại nhắm mắt nhảy ra ngoài chỗ nước, cười khành khạch nói:

- Khéo quá, khéo quá!

Bọn khỉ xúm lại vây quanh hỏi:

- Trong ấy thế nào? Nước có sâu lắm không?

Khỉ đá nói:

- Không có nước, không có nước. Nguyên lai trong đó là một tòa cầu sắt, bên cầu là một cơ nghiệp trời đất xây dựng nên.

Lũ khỉ hỏi:

- Sao biết là tòa cơ nghiệp?

Khỉ đá cười nói:

- Cái vệt nước này chảy xói vào mé dưới cầu, chảy ngoặc lại thì lấp cửa cầu. Bên cầu có hoa cỏ, trong đó là một tòa nhà đá, trong nhà có hang đá, bếp đá, bát đá, chậu đá, giường đá, ghế đá. Ở giữa có một cây mốc đá khắc những chữ: “Hoa Quả sơn phúc địa, Thủy Liêm động, động thiên”. Thực là chốn yên thân của bọn ta. Vả chăng nơi đó lại rộng rãi có thể chứa được hàng trăm hàng nghìn già trẻ. Chúng ta đưa nhau vào cả đấy, khỏi phải chịu khí trời nóng lạnh. Trong đó:

Gió có nơi ẩn náu

Mưa được chốn trú thân

Sương tuyết không lo sợ

Sấm sét chẳng ngại ngần

Mây đẹp thường soi sáng

Điềm lành vẫn xoay vần

Tùng trúc quanh năm tốt

Hoa lạ ngày cùng xuân.

Lũ khỉ nghe đoạn thấy đều vui thích cùng nói:

- Anh lại xuống trước dẫn chúng tôi đi theo!

Khỉ đá lại nhắm mắt, rún mình nhảy xuống kêu to:

- Tất cả mau theo ta!

Có mấy con khỉ bạo dạn nhảy theo. Những con nhút nhát đều co đầu, nghẹo cổ, vuốt mặt vò tai, kêu rầm rĩ, một lúc sau mới nhảy theo xuống. Nhảy qua đầu cầu rồi, chúng thi nhau giật chậu, cướp bát, chiếm bếp, tranh giường, khiêng đi khiêng lại. Rõ là giống khỉ táy máy, không lúc nào ngơi chân, ngơi tay. Khuân dọn mãi đến lúc mệt nhoài chúng mới thôi. Khỉ đá ngồi trên nói:

- Thưa các vị, người mà không có tín thì không biết điều hay. Các vị vừa nói ai giỏi, vào rồi lại ra được, không hại đến thân thể, thì được tôn làm vua. Bây giờ ta vào, lại ra được, ra rồi lại vào, tìm được một cái động trời này để chúng ta cùng vào nghỉ yên ổn, đều được hưởng phúc có cơ nghiệp, sao lại không tôn ta làm vua?

Lũ khỉ nghe nói đều chắp tay cúi nép không dám trái lệnh, theo tuổi chia ban, cùng sụp lạy và đều hô:

- Thiên Tuế đại vương!

Từ đó, khỉ đá lên ngôi hoàng đế, giấu chữ đá đi, xưng là Mỹ hầu vương. Có thơ làm chứng rằng:

Ba dương hợp lại đẻ muôn loài

Chịu khí âm dương đá có thai

Trứng hóa hầu tinh nên đạo cả

Họ tên đổi khác luyện đan tài.

Trong tàng ẩn tướng nhìn không thấy

Ngoài hợp tinh vi dễ kém ai.

Kiếp kiếp trò đời đều thế cả,

Xưng vua xưng chúa dọc ngang hoài.

Mỹ Hầu Vương dẫn một lũ khỉ vượn, khỉ cái, khỉ ngựa, phân phái thành quần thần, tá, sứ, sớm chơi núi Hoa Quả, đêm ngủ động Thủy Liêm, cùng nhau một lòng, không chịu lẫn vào loài chim bay, không đi theo loài muông chạy, độc lập xưng vương, rất là vui thích.

Chính là:

Xuân hái trăm hoa về ăn uống

Hè tìm mọi quả để sinh nhai

Thu đào rau củ qua ngày tháng

Đông bới hoàng tinh đợi tết xài

Mỹ Hầu Vương hưởng phúc vui vẻ thoắt đã ba bốn trăm năm. Một ngày kia đương lúc cùng lũ khỉ ăn yến vui vẻ, Hầu Vương bỗng nhiên sầu não, nước mắt giàn giụa. Lũ khỉ sợ hãi sụp lạy tâu:

- Đại vương làm sao phiền não thế?

Hầu vương nói:

- Ta dẫu đang khi vui thích, nhưng có một điều phải lo xa cho nên phiền não.

Lũ khỉ lại cười nói:

- Đại vương thực không biết thế nào là đầy đủ! Chúng ta ngày nay sung sướng ở nơi núi phúc đất tiên, động cổ, châu thần; không chịu sự cai trị của kỳ lân, không chịu sự cai quản của phượng hoàng và cũng không bị sự câu thúc của vua chúa nhân gian, tự do tự tại, thật là hạnh phúc khôn lường. Còn phải lo xa gì nữa?

Hầu Vương nói:

- Ngày nay dẫu không phải theo luật lệ của vua chúa, không sợ oai quyền của chim muông, nhưng sau này tuổi già sức yếu, trong đó có lão Diêm Vương cai trị. Một ngày kia chết đi, chẳng hóa uổng công sinh ở trong thế gian, không được mãi hưởng phúc trời ư?

Lũ khỉ nghe nói, con nào con nấy gục mặt rên khóc, đều lo sợ chuyện không thường xảy ra.

Trong ban bệ, bỗng có một con vượn nhảy ra lên tiếng nói to:

- Đại vương lo xa như thế là đạo tâm ngài thực đã khai phát rồi đấy! Hiện nay trong năm giống[2]. có ba đấng danh sắc là không chịu Diêm Vương cai quản.

Hầu Vương nói:

- Nhà ngươi có biết ba đấng ấy là thế nào không?

Vượn nói:

- Những đấng ấy là: Phật, Tiên, Thần thánh, tránh khỏi luân hồi, không sinh không diệt, thọ ngang với trời đất núi sông.

Hầu Vương nói:

- Ba đấng ấy ở đâu?

Vượn nói:

- Chỉ ở trong diêm phù thế giới này[3]. Ở những nơi động cổ núi tiên.

Hầu Vương nghe nói, rất mừng rỡ nói:

- Ngày mai ta sẽ từ giã các ngươi xuống núi đi khắp góc bể chân trời, tìm cho được ba đấng ấy, học lấy phép sống mãi không già, để tránh nạn Diêm Vương.

Ôi! Câu nói đó thúc giục vượt qua lưới luân hồi, làm thành danh Tề Thiên đại thánh!

Lũ khỉ nghe nói vỗ tay tán thưởng và nói:

- Hay lắm, Hay lắm! Ngày mai chúng tôi sẽ qua rừng trèo núi, tìm nhiều hoa quả đặt tiệc tiễn đại vương.

Ngày hôm sau, lũ khỉ đi hái đào tiên, bứt quả lạ, tìm kiếm sơn dược, hoàng tinh, lan thơm, huệ ngát, cỏ ngọc, hoa kỳ, đầy đủ cả rồi bày hàng bàn đá, ghế đá, để lên rượu ngọt nhắm ngon.

Thấy rặt những:

Hòn vàng đạn ngọc anh đào tháng chạp ngon lành.

Khe đỏ da vàng mơ tía chín dừ thơm ngát.

Quả nhãn tươi múi ngọt mỏng da

Trái vải lớn cùi dày hạt nhỏ.

Lâm cầm màu biếc hiến nguyên ngành

Quả bứa túi vàng bọc cả lá.

Quả lê đầu thỏ, táo trứng gà.

Giải khát trừ phiền lại tỉnh rượu

Mận mềm mơ rắn, béo hơn mỡ lợn sữa bò.

Hạnh ngọt đào thơm mát tựa quỳnh tương ngọc dịch

Dưa hấu đỏ lòng đen hột

Quả hồng da mọng bốn tai

Thạch lựu nứt ngang, hạt óng ánh như viên thuốc đỏ.

Quả giẻ bửa dọc, thịt rắn cứng như mã não vàng.

Hồ đào, ngân hạnh để pha trò

Dừa nước, nho tươi dùng cất rượu.

Bòng na mít dứa chất đầy mâm.

Quất mía cam chanh bày chật án

Hoàng tinh luộc chín

Sơn dược bung dừ.

Giã nát phục linh cùng ý dĩ

Nấu canh nồi đá, lửa lom dom.

Thế gian tuy có mùi ngon ngọt,

Khôn ví Hầu Vương hưởng thái bình.

Lũ khỉ mời Mỹ Hầu Vương ngồi trên. Các khỉ theo tuổi thứ tự ngồi dưới, rồi lần lượt dâng rượu, dâng hoa, dâng quả, ăn uống suốt cả ngày. Hôm sau, Mỹ Hầu Vương dậy sớm truyền lệnh:

- Các con đi lấy một ít cây thông già, cuốn thành một cái bè, đẵn tre làm sào đẩy, hái lấy một ít quả, để ta ra đi.

Hầu Vương một mình xuống bè, ra sức chèo chống, bồng bềnh thẳng hướng ra bể lớn, thuận chiều gió, bè giạt vào địa giới Nam Thiêm Bộ châu. Đi lần này chính là:

Tiên khí trời sinh đạo lớn sao!

Rời non thuận gió cưỡi bè vào,

Lênh đênh vượt bể tìm tiên đạo

Canh cánh bên lòng lập chí cao

Có phận có duyên xa tục lụy,

Không lo không sợ, phúc dồi dào

May mà được gặp tri âm tốt

Chí rõ nguồn dòng mọi phép màu.

Cũng là lúc thời vận Hầu Vương đến, nên từ khi cưỡi bè ra biển, luôn luôn có gió đông nam, đưa bè tới bờ bể tây bắc, chính là địa giới Nam Thiêm Bộ châu. Chống sào dò đất đã đến chỗ đất nông, liền rời bè lên bộ, thấy nhân dân ở bờ bể, đánh cá, bẫy chim, đào sò, phơi muối. Hầu Vương đến gần đùa bỡn giả làm ma quái dọa nạt, làm cho mọi người sợ sệt, vứt bẫy quẳng lưới chạy tán loạn. Hầu Vương bắt được một người chạy không kịp, lột lấy quần áo, bắt chước mặc vào mình, nghênh nghênh, ngáo ngáo, qua châu đến huyện, khắp chợ rồi quê, học lễ phép, học nói năng, ngày ăn tối ngủ, một lòng dò nơi đạo phật, tiên, thần thánh, tìm phương trường thọ không già. Chỉ thấy người đời là phường trục lợi, tranh danh, không có một ai lo toan về thán mạnh cả. Chính là:

Tranh giành trục lợi có thôi đâu

Dậy sớm nằm khuya bó buộc nhau.

Cưỡi chú lừa già, thèm ngựa tốt

Làm quan tể tướng muốn vương hầu

Chỉ vì cơm áo mà lao khổ

Chẳng sợ Diêm vương bắt chóng mau

Chúi mắt, làm giàu cho cháu chắt.

Chẳng ai tỉnh giấc biết quay đầu.

Hầu Vương dò hỏi tiên đạo, không sao tìm được, ở Nam Thiêm Bộ châu chốc đã tám năm, qua thành nọ đến châu kia, chợt đi đến Tây Dương đại hải, nghĩ bụng: ngoài bể ắt có thần tiên. Rồi tự mình đóng bè vượt qua Tây Hải thẳng tới địa giới Tây Ngưu Hạ châu. Khi lên bờ tìm hỏi, chợt thấy một tòa núi cao đẹp đẽ, rừng rậm âm u, Hầu Vương không sợ lang sói, chẳng hãi hùm beo, trèo lên đỉnh núi xem, quả là tòa núi đẹp:

Nghìn ngọn như đám giáo

Muôn tầng tựa bình phong

Sáng rọi, màu xanh lồng vẻ biếc

Mưa nhuần sắc xám lạnh thêm trong

Mây khô vòng cổ thụ

Bến cũ cách đường vòng

Hoa thơm cỏ lạ,

Khóm trúc, cây tùng

Muôn thuở vẫn xanh miền đất phúc

Bốn mùa chẳng rụng chốn non bồng

Tiếng chim kêu ríu rít

Nước suối chảy ròng ròng

Hang, hốc, nơi nơi lan huệ quấn

Sườn non chốn chốn có rêu vòng

Nhấp nhô đầu núi tay long đẹp

Hẳn có cao nhân ẩn ở trong

Đương khi xem xét, trong rừng sâu chợt nghe có tiếng người, Hầu Vương vội vàng chạy vào trong rừng, lắng nghe thì ra tiếng hát.

Hát rằng:

Xem cờ mục cán búa,

Chặt củi rình rình.

Cửa hang lững thững mây xanh

Bán củi mua rượu

Cười say thỏa tình.

Đêm thu xanh thẫm

Gối cây nằm ngắm trăng thanh

Một giấc đèn sáng.

Theo rừng cũ

Vượt núi qua đồi

Giơ búa chật cành nỏ

Thu lại thành bó rồi

Nghêu ngao trên chợ

Đổi gạo ba thăng

Không có chút gì tranh cạnh

Thời giá vần ngang bình

Chẳng biết lường thưng giáo đấu

Đời sống thanh đạm

Kệ nhục vinh.

Gặp gỡ không tiên thời phật

Ngồi yên giảng sách Hoàng đình[4].

Mỹ Hầu Vương nghe đoạn, trong lòng vui vẻ nghĩ “Thế ra thần tiên an ở chốn này”. Liền vội vàng đi vào mé trong, nhìn kỹ thì thấy một người hái củi đương đẵn củi, ăn mặc rất lạ thường:

Đầu đội nón lá, bằng mo nang mới rụng

Mình bận áo vải bằng sợi bông mới xe

Lưng thắt đai vòng, bằng tơ tằm mới kéo

Chân đi giày cỏ, bằng cỏ khô đan thành.

Tay cầm cây búa thép

Vai gánh bó gai hồng

Đẵn thông, chặt cây nỏ,

Có ai giỏi hơn không?

Hầu Vương đến gần nói:

- Đệ tử xin kính chào lão thần tiên.

Người kiếm củi vội vàng bỏ búa quay mình đáp lễ:

- Không dám, không dám! Tôi là người vụng về, ăn mặc không đủ, đâu dám nhận hai tiếng thần tiên.

Hầu Vương nói:

- Ngài không phải là thần tiên sao lại nói những câu thần tiên như thế?

Tiều phu nói:

- Tôi có nói chuyện thần tiên đâu?

Hầu Vương nói:

- Khi tôi vừa đến mé rừng, đã nghe thấy ngài nói gặp gỡ không phải thần tiên thời đạo sĩ, ngồi lặng giảng sách Hoàng đình là những châm ngôn của đạo đức, không phải thần tiên là gì?

Tiều phu cười nói:

- Chả giấu gì bác, bài hát đó tên là Mãn Đình Phương của một vị thần tiên đã dạy tôi. Vị thần tiên đó là hàng xóm với tôi. Ngài thấy tôi làm việc lao khổ, thường phiền não, nên có bảo tôi: Lúc nào phiền não thì hát bài ấy. Một là giải trí, hai là giải khổ. Hôm nay tôi có điều tư lự nên mới hát bài ấy, không ngờ bác lại nghe thấy.

Hầu Vương nói:

- Nhà ông đã là hàng xóm với thần tiên sao ông không theo người đi tu. học lấy phương thuốc bất lão, chẳng tốt lắm ư?

Tiều phu nói:

- Tôi nhất sinh đã khổ sở. Từ khi còn nhỏ, được bố mẹ nuôi, đến năm tám chín tuổi, vừa mới hơi biết việc đời chẳng may bố chết. Mẫu thân ở góa, lại không có anh chị em, một mình tôi sớm hôm chăm sóc. Mẹ già ngày nay có một mình, tôi không dám đi đâu. Ruộng vườn bỏ rậm, áo không đủ, mỗi ngày chỉ kiếm vài gánh củi đem đến chợ bán lấy tiền đong vài đấu gạo, một mình thổi cơm nấu nước phụng dưỡng mẹ già. Vì thế không tu hành được.

Hầu Vương nói:

- Cứ như lời nói đây, ông thực là một người hiếu hạnh quân tử, sau này hẳn gặp điều hay. Xin ông chỉ giáo cho tôi nơi thần tiên ở, để tôi được đến lạy chào.

Tiều phu nói:

- Không xa. không xa. Núi này gọi là “Linh Đài Phương Thốn”. Trong núi có một cái động gọi là “Tà nguyệt tam tinh”. Trong động có một vị thần tiên xưng danh là Tu Bồ Đề tổ sư. Đồ đệ của vị tổ sư đó không biết bao nhiêu mà kể. Hiện nay còn ba bốn mươi người theo tu hành. Bác cứ theo con đường nhỏ này, đi về phía nam độ trên dưới bảy tám dặm thì thấy nhà tổ sư ở đó.

Hầu Vương cầm tay giữ tiều phu lại nói:

- Thưa lão huynh, lão huynh làm ơn đưa tôi đến. Nếu gặp được tốt, không bao giờ dám quên ơn chỉ dẫn.

Tiều phu nói:

- Bác là người hảo hán mà không biết thông biến. Tôi vừa nói chuyện với bác, bác còn không hiểu ư? Nếu tôi đi cùng bác, thì chẳng hỏng việc bán củi của tôi sao? Mẹ già tôi lấy ai phụng dưỡng? Tôi còn bận kiếm củi. Bác cứ đi đi!

Hầu Vương nghe nói, từ giã tiều phu ra khỏi rừng sâu, tìm đường tắt qua sườn núi ước độ bảy tám dặm, quả nhiên thấy một tòa động phủ. Hầu Vương đứng thẳng người lên xem xét thật là một nơi đẹp. Những là:

Yên hà ve nhạt

Nhật nguyệt sáng choang

Gỗ trắc nghìn cây

Mưa đượm lưng trời xanh mướt

Trúc vàng muôn đốt

Khói quây khắp hố mịt mùng.

Ngoài cửa hoa thơm thêu gấm,

Bên cầu cỏ mọc phun hương.

Lô nhô núi đá, rêu xanh phủ

Vách dựng cao cao, vết mốc tường.

Thường nghe hạc kêu gió

Vẫn thấy phượng bay sương.

Tiếng dậy chín gò tiêu hán thẳm

Cánh lồng năm sắc lóe vân quang.

Ẩn hiện đủ vượn đen, hươu trắng,

Ra vào nhiều voi ngọc lân vàng

Ngắm nhìn nơi phúc địa

Còn đẹp hơn thiên đường.

Lại thấy cửa động đóng chặt, im phăng phác không vết chân người ra vào. Chợt ngoảnh đầu nhìn sườn non thấy có một bia đá cao chừng hơn ba trượng, rộng hơn tám thước, có khắc một dòng mười chữ lớn:

“Núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh”.

Hầu Vương mười phần vui vẻ nói:

- Người ở đây thật là chất phác, mới có núi có động như thế.

Hầu Vương đứng xem hồi lâu không dám gõ cửa. Rồi trèo lên ngọn cây thông vặt quả thông ăn.

Một lúc sau nghe thấy một tiếng kẹt. Cửa động mở.

Có một tiểu đồng từ trong đi ra. Thật là khổ dạng tốt đẹp, vẻ mặt thanh kỳ, bọn tục tử tầm thường không sao sánh kịp:

Hai trái đào phất phới

Đôi tay áo gió tung

Mặt cùng thân khác biệt,

Tâm với tướng lâng lâng.

Sống lâu ngoài cõi tục

Trẻ nhỏ giữa núi rừng

Bụi trần không chút bợn

Năm tháng tự ung dung.

Tiểu đồng vừa ra khỏi cửa liền kêu to một tiếng:

- Người nào nghịch ngợm ở đây thế?

Hầu Vương từ trên cây thông nhảy xuống, đến trước mặt tiểu đồng cúi mình nói:

- Thưa tiểu đồng, tôi là đệ tử đi tìm đạo học tiên, đâu dám quấy nghịch.

Tiểu đồng cười nói:

- Chú là người đi tìm đạo phải không?

Hầu Vương đáp:

- Vâng

Tiểu đồng nói:

- Sư phụ chúng ta vừa mới lên đàn giảng đạo, chửa nói rõ nguyên do, đã bảo tôi ra mở cửa. Ngài nói: “Ngoài cửa có kẻ tu hành đã đến, nên ra tiếp đón hắn. Có lẽ là chú chăng?”

Hầu Vương cười nói:

- Chính tôi, chính tôi!

Tiểu đồng nói:

- Chú theo tôi vào!

Hầu Vương sửa lại quần áo, theo đồng tử đi thẳng vào trong động sâu xem xét:

Gác tía lầu son, từng từng lớp lớp. Khi tiến đến cung châu cửa ngọc, nói không hết sự tĩnh mịch bên trong. Hầu Vương đi thẳng đến dưới đền ngọc, thấy vị bổ tát tổ sư ngồi ngay ngắn ở trên đền. Hai bên có ba mươi vị tiểu trên đứng hầu.

Quả là:

Đại giác kim tiên trong sạch ghê

Phương tây huyền diệu tổ bồ đề.

Đại hạnh ba ba sinh, diệt hết.

Từ bi vạn vạn khí thần mê.

Không tịch, tự nhiên tùy biến hóa,

Chân như bản tính chẳng suy vi.

Trang nghiêm hưởng thọ cùng trời đất

Muôn kiếp tôn là đại pháp sư.

Hầu Vương trông thấy, cúi mình lạy sụp xuống nói to:

- Thưa sư phụ, thưa sư phụ, đệ tử con chí tâm chầu lễ.

Tổ sư nói:

- Ngươi là người ở đâu, hãy nói tên họ, quê hương cho rõ ràng rồi sẽ lạy.

Hầu Vương nói:

- Đệ tử là người ở Đông Thắng Thần châu, nước Ngạo Lai núi Hoa Quả, động Thủy Liêm.

Tổ sư quát mắng hạ lệnh:

- Tống cổ nó ra. Thằng này là phường nói quanh nói dối, còn tu hành chính quả sao được.

Hầu Vương sợ hãi dập đầu thưa:

- Đệ tử nói thật đâu dám dối trá.

Tổ sư nói;

- Mày đã thực thà sao lại nói ở Đông Thắng Thần châu? Từ nơi ấy đến đây cách hai lần biển lớn, một tòa Nam Thiêm Bộ châu, làm thế nào đến được?

Hầu Vương cúi đầu nói:

- Đệ tử lênh đênh qua bể, lên đất, lang thang đủ mười mấy năm trời mới đến được đây.

Tổ sư nói:

- Đã thế đi mãi dần dà tới nơi cũng được. Nhưng tính danh ngươi là gì?

Hầu Vương nói:

- Con không có tính[5] gì cả. Người ta chửi con, con cũng không giận. Người ta đánh con, con cũng không thù, chỉ lễ phép với người ta mà thôi. Nhất sinh không có tính.

Tổ sư nói:

- Không phải là tính tình. Tính danh bố mẹ nhà ngươi trước là gì?

Hầu Vương nói:

- Con tuy không phải ở trên cây đẻ ra, nhưng lại là ở trong hòn đá sinh ra. Con chỉ nhớ rằng trên núi Hoa Quả có một tảng đá tiên. Năm ấy đá vỡ ra và sinh ra con.

Tổ sư nghe nói trong dạ mừng thầm nói:

- Như thế là trời đất sinh thành ra ngươi. Hãy lại đây cho ta xem.

Hầu Vương nhảy tót đến, loanh quanh chạy hai vòng.

Tổ sư nói:

- Ta muốn đặt họ ngươi là Tôn. Chữ Tôn bỏ chữ khuyển ở bên đi thì còn chữ tử, chữ hệ. Tử nghĩa là con trai. Hệ nghĩa là trẻ nhỏ. Ngươi chính hợp với bản tính trẻ nhỏ nên đặt họ cho ngươi là Tôn vậy

Hầu Vương nghe xong hết sức vui vẻ sụp lạy khấu đầu nói:

- Tốt, tốt, tốt! Ngày nay con mới biết có họ. Muôn trông sư phụ từ bi, đã cho được có họ, xin đặt cho tên để tiện gọi hỏi.

Tổ sư nói:

- Trong môn phái ta có mười hai chữ, phân phái để đặt tên. Đến ngươi là tiểu đồ nhóm mười.

Hầu Vương hỏi:

- Mười hai chữ là những chữ gì?

Tổ sư nói:

- Mười hai chữ là: Quảng, Đại, Trí, Tuệ, Chân, Như, Tính, Hải, Dĩnh, Ngộ, Viên, Giác. Đến lượt ngươi chính là chữ Ngộ. Ta sẽ đặt tên cho ngươi là Tôn Ngộ Không. Có được không?

Hầu Vương cười nói:

- Tốt, tốt, tốt, từ nay ta sẽ là Tôn Ngộ Không.

Chính là:

Hồng mông mới mở xưa không họ

Nay hết mịt mờ: tên Ngộ Không

Muốn biết Ngộ Không tu hành đạo quả ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.



Chú thích
[2] Cổ nhân chia động vật ra làm năm loài: khỏa trùng (loài người trần trụi không có cánh), mao trùng (loài thú có lông), vũ trùng (loài chim có cánh), lân trùng (loài cá có vẩy), giới trùng (loài sâu có mai).

[3] Diêm phù: thế giới loài người nhân gian (Nguyên chú).

[4] Sách nói về lá lách, dạ dày. Hoàng đình là tên thần lá lách.

[5] Tính: có hai chữ tính đồng âm, tính là tính tình và tính là họ.