Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ một trăm

Về thẳng phương Đông 
Năm thánh thành Phật

Tạm gác chuyện bốn người trốn thoát, bay theo tám vị Kim
Cương cưỡi gió bay đi. Lại nói chuyện mọi người trong chùa Cứu Sinh ở Trần Gia Trang, sáng ngủ dậy, sửa soạn phẩm quả dâng lên, tới dưới lầu, chẳng thấy thầy trò Đường Tăng đâu cả, bèn hốt hoảng kẻ hỏi người tìm chẳng thấy ở đâu. Mọi người kêu la rầm trời:

– Mấy vị Phật sống lẳng lặng đi mất rồi!

Rồi chẳng còn cách nào, bèn sắm sửa phẩm quả, bưng lên lầu, đốt giấy tiền tế lễ. Từ đó trở đi, hàng năm đều tổ chức bốn lần đại lễ, và hai mươi tư lần tiểu lễ. Chưa kể những người cầu khỏi bệnh, cầu yên lành, cầu hôn nhân, cầu con cái, cầu của cải thì rầm rập suốt ngày đốt hương lễ bái không lúc nào vắng. Thật là:

Lò vàng nghìn thuở hương còn ngát, Đèn ngọc muôn năm lửa chẳng tàn.
Lại nói chuyện tám vị Đại Kim Cương nổi hai trận gió thơm đưa bốn người bay về cõi Đông, chưa đầy một ngày, xa xa đã nhìn thấy thành Tràng An.

Nguyên là vua Thái Tông từ ngày trước ngày rằm tháng chín ba hôm, năm Trinh Quán thứ mười ba tiễn chân Đường Tăng ra khỏi thành, tới năm thứ mười sáu, sai quan bộ Công dựng một ngôi lầu Vọng Kinh ngoài cửa Tây An để đón kinh, năm nào vua Thái Tông cũng tuần tới đó. Một hôm xa giá nhà vua vừa tới trước lầu, bỗng nhìn thấy ở phía chính tây mây đẹp khắp trời,
gió thơm lồng lộng. Kim Cương dừng lại giữa không trung nói:

– Thưa thánh tăng, đây đã là thành Tràng An. Chúng tôi không tiện hạ xuống. Người vùng này khôn ngoan lắm, e tiết lộ mất chân tượng. Tôn Đại Thánh và mấy vị này cũng không nên đi, một mình ngài xuống trao kinh cho chúa ngài xong rồi quay lại đây ngay. Chúng tôi đợi ngài trên tầng mây này rồi cùng về trao trả thánh chỉ.

Đại Thánh nói:

– Lời tôn giả tuy đúng, nhưng sư phụ tôi làm sao gánh được kinh? Làm sao dắt được ngựa? Phải cần có chúng tôi đưa sư phụ xuống, phiền các ngài đợi một lát, chúng tôi không dám làm lỡ việc.

Kim Cương nói:

– Hôm trước Quan Âm có thưa với Như Lai, cả đi cả về chỉ trong vòng tám ngày cho đủ số tạng. Nay đã quá bốn ngày rồi, chỉ sợ Bát Giới ham vòng giàu sang lỡ mất kỳ hạn thì chết.

Bát Giới cười nói:

– Sư phụ thành Phật, con cũng mong được thành Phật, đâu còn có lòng tham lam gì nữa! Có họa là đồ ngốc! Các ngài cứ đợi chúng tôi ở đây, trao kinh xong, chúng tôi quay lại ngay, rồi cùng đi.

Chú ngốc bèn gánh kinh, Sa Tăng dắt ngựa, Hành Giả hộ vệ thánh tăng hạ mây bước xuống bên lầu Vọng Kinh.

Vua Thái Tông và các quan nhìn thấy, vội vàng xuống lầu nghênh đón, hỏi:

– Ngự đệ đã về đấy à?

Đường Tăng cúi đầu lạy tạ. Thái Tông đỡ dậy, hỏi tiếp:

– Ba người kia là ai? Đường Tăng thưa:
– Đó là những đồ đệ mà bần tăng thu phục được dọc đường. Thái Tông mừng lắm truyền lệnh cho quan hầu:
– Mau sửa soạn yên cương ngựa của trẫm, mời ngự đệ lên ngựa cùng trẫm về triều.

Đường Tăng lạy ta, cưỡi lên ngựa. Đại Thánh múa gậy sắt đi sát bên cạnh, Bát Giới, Sa Tăng dắt ngựa gánh đồ theo sau xa giá cùng về Tràng An. Thật là:

Năm nào dự yến thanh bình,
Trăm quan văn võ triều đình xênh xang.

Diễn pháp thủy lục đàn tràng,

Vua ban chiếu chỉ lên đường sang Tây.

Điệp văn xuất cảnh trao tay,

Ngũ hành phối hợp mang ngay kinh về.

Tai ương, hoạn nạn vượt qua,

Công thành toại nguyện nay về Tràng An.

Bốn thầy trò Đường Tăng theo xa giá vào triều. Khắp thành không ai là không biết người lấy kinh đã về.

Lại nói các nhà sư chùa Hồng Phúc là nơi ở cũ của Đường Tăng ở Tràng An thấy mấy cây tùng ngọn nào cũng quay cả về hướng đông thì kinh ngạc nói:

– Quái nhỉ, đêm qua lặng gió, mà sao ngọn tùng lại vẹo cả đi thế kia?

Trong số đó có người là đồ đệ cũ của Tam Tạng, người ấy nói:

– Mau mặc quần áo vào, lão sư phụ đi lấy kinh về rồi đấy! Các nhà sư hỏi:
– Sao ngài biết? Người đồ đệ cũ đáp:
– Năm xưa, khi sư phụ ra đi, sư phụ có dặn rằng: “Sau khi ta đi, hoặc dăm ba năm, hoặc sáu bảy năm, nhưng chừng nào ngọn tùng ngả cả về hướng đông, ấy là lúc ta về”. Sư phụ tôi là bậc thánh, bậc Phật, đã nói tất đúng, nên tôi biết.

Đoạn mọi người mặc áo ra đi, lúc tới phố tây, đã thấy mọi người bàn tán:

– Người lấy kinh vừa mới về, đức vua đã đón vào thành.
Các nhà sư nghe nói vội vàng chạy theo, may ra được gặp. Nhìn thấy xa giá, mọi người chẳng dám tới gần, lẽo đẽo theo đằng sau tới ngoài cửa triều đình.

Đường Tăng xuống ngựa cùng mọi người vào triều, đặt gánh kinh và buộc con long mã lại, cùng Hành Giả, Bát Giới, Sa Tăng đứng cả dưới thềm ngọc. Vua Thái Tông truyền lệnh cho ngự đệ lên điện, mời ngồi. Đường Tăng tạ ơn ngồi xuống, và bảo khiêng số kinh lại. Bọn Hành Giả lấy kinh ra, các quan cận thị chuyển vào. Vua Thái Tông hỏi:

– Lấy được bao nhiêu kinh? Làm thế nào đưa được về? Tam Tạng thưa:
– Bần tăng khi tới núi Linh Sơn, yết kiến Phật Tổ. Phật Tổ sai hai vị tôn giả A Nan, Ca Diếp dẫn vào lầu báu thết cơm chay, rồi đưa vào gác báu trao kinh. Hai vị tôn giả ấy vòi lễ, vì không chuẩn bị, không có vật gì biếu, nhưng hai vị vẫn trao kinh cho. Bần tăng tạ ơn Phật Tổ để về Đông Thổ, bỗng kinh kệ lại bị làn gió yêu cướp đi mất. May có đồ đệ của bần tăng trổ thần thông đuổi theo lấy lại kinh, nhưng kinh bị vứt tung tóe khắp mặt đất. Kịp khi giở ra xem, mới thấy toàn là kinh không có chữ. Bần tăng sợ quá, quay lại trình bày van xin tha thiết với Phật Tổ. Phật Tổ nói: “Đạo kinh ta mới tạo tác ra, thánh tăng, tỳ kheo mang xuống núi tụng cho nhà trưởng giả họ Triệu ở nước Xá Vệ, phù hộ cho những người trong nhà trưởng giả được bình yên, người chết được siêu thoát, mà chỉ lấy có ba đấu ba bơ vàng cốm, ta còn bảo là lấy rẻ quá, sau này con cháu lấy tiền đâu tiêu dùng”. Bần tăng biết hai vị tôn giả đòi ăn của đút, Phật Tổ cũng biết rõ việc đó, nhưng bần tăng vẫn phải biếu hai vị ấy chiếc bát tộ vàng thì mới được trao kinh có chữ. Số kinh gồm ba mươi nhăm bộ, hai vị chọn một số quyển trong đó trao cho, tổng cộng là năm nghìn linh bốn mươi tám quyển. Số ấy là số hợp
với số bộ tạng.

Vua Thái Tông mừng lắm, bèn truyền lệnh:

– Quan Quang lộc tự bày tiệc ở điện Đông Các để tạ ơn.

Chợt nhìn thấy ba vị đồ đệ đứng dưới thềm, mặt mũi dị thường, nhà vua bèn hỏi:

– Mấy đồ đệ này là người nước ngoài à? Tam Tạng phủ phục xuống thưa:
– Đồ đệ cả họ Tôn, pháp danh Ngộ Không, thần quen gọi là Tôn Hành Giả. Hắn là người động Thủy Liêm, núi Hoa Quả, nước Ngạo Lai, thuộc Đông Thắng Thần Châu. Năm trăm năm trước, do đại náo thiên cung, bị Phật Tổ nhốt trong một chiếc hộp đá đè dưới núi Lưỡng Giới ở Tây Phiên, đội ơn đức Quan Âm Bồ Tát khuyến thiện, hắn tình nguyện quy y, thần khi đi qua đó đã cứu hắn ra, công lao bảo hộ dọc đường là nhờ ở hắn nhiều lắm. Đồ đệ hai họ Trư, pháp danh Ngộ Năng, thần thường gọi hắn là Trư Bát Giới. Hắn vốn ở động Vân Sạn núi Phúc Lăng. Do hắn làm yêu quái ở thôn Cao Lão, nước Ô Tư Tạng, rồi đội ơn Bồ Tát khuyến thiện, lại được Hành Giả thu phục, dọc đường chịu khó gánh hành lý, lội nước cũng có công. Đồ đệ ba họ Sa, pháp danh Ngộ Tĩnh, thần còn gọi là Sa Hòa Thượng. Hắn vốn là yêu quái sông Lưu Sa, đội ơn Bồ Tát khuyến thiện, theo đạo Sa Môn. Còn con ngựa này không phải là của bệ hạ ban cho đâu.

Vua Thái Tông nói:

– Màu lông giống hệt, sao lại không phải? Tam Tạng thưa:
– Khi thần lội qua khe Ưng Sầu, núi Xà Bàn, con ngựa đó bị con ngựa này ăn thịt mất. May nhờ Hành Giả đi hỏi lai lịch con ngựa này, mới biết hắn là con trai của Tây Hải Long Vương, vì
có tội, may được Bồ Tát cứu thoát, bảo hắn làm ngựa đỡ sức chân cho thần. Khi ấy hắn biến thành con ngựa giống y con ngựa trước, nên bệ hạ không phân biệt được. Dọc đường hắn trèo đèo lội suối, vượt núi băng ngàn, khi đi thần cưỡi, lúc về chở kinh, toàn nhờ vào sức hắn cả.

Thái Tông nghe xong, thán phục mãi không thôi, đoạn lại hỏi:

– Đường sang Tây phương xa độ bao nhiêu? Tam Tạng thưa:
– Theo lời Bồ Tát là mười vạn tám nghìn dặm. Dọc đường thần chẳng ghi được mọi điều, chỉ biết rằng đã trải qua mười bốn lần nóng lạnh, ngày ngày vượt núi, tháng tháng băng đèo, qua bao rừng thẳm, lội bao sông sâu, đi qua kể cũng nhiều nước, tới nước nào đều có đóng dấu vào điệp văn.

Đoạn Tam Tạng gọi:

– Đồ đệ, mang điệp văn lại đây nộp trả cho đức vua.

Điệp văn được dâng lên. Thái Tông nhìn xem thấy tờ giấy cấp vào ngày trước ngày rằm tháng chín năm Trinh Quán thứ mười ba ba ngày, bèn cười nói:

– Lặn lội lâu ngày vất vả quá! Hiện tại đã là năm Trinh Quán thứ hai mươi bảy rồi.

Tờ điệp văn có đóng dấu nước Bảo Tượng, nước Ô Kê, nước Xa Trì, nước Tây Lương đàn bà, nước Tế Trại, nước Chu Tử, nước Tỳ Kheo, nước Diệt Pháp, còn có cả dấu của quận Phượng Tiên, châu Ngọc Hoa, phủ Kim Bình nữa. Thái Tông xem xong, sai cất đi.

Chợt có quan đương giá tới mời đi dự tiệc, Thái Tông bèn dắt tay Đường Tăng cùng xuống điện.

Thái Tông hỏi:
– Mấy đồ đệ có biết nghi lễ không? Tam Tạng thưa:
– Đồ đệ của thần đều xuất thân là yêu quái chốn rừng rú thôn quê, chưa từng am hiểu nghi lễ của thánh triều Trung Hoa, muôn xin bệ hạ tha tội.

Thái Tông cười nói:

– Không bắt tội đâu! Không bắt tội đâu! Xin mời cả vào điện
Đông Các dự tiệc.

Tam Tạng tạ ơn, gọi cả ba người vào điện cùng dự. Quả là đại quốc Trung Hoa, thật khác hẳn những nơi khác. Chỉ thấy:

Cửa treo bức thêu gấm, Đất trải thảm đỏ hồng. Hương xạ thơm ngan ngát, Phẩm lạ đẹp vô cùng.
Nào chén hổ phách, chén lưu ly dát vàng điểm thúy; Nào chén dạ quang, chén bạch ngọc chạm trổ lá hoa Củ từ bung thật dừ,
Khoai sọ thắng mật ngọt. Mạch nha mùi thơm phức, Rong biển vị thanh kỳ. Mấy loại măng ngon ghê,
Hạt hướng dương bùi béo. Miến đậu xanh trắng dẻo Đậu phụ, mộc nhĩ thơm. Rau rừng với hoa tiên, Thức nào cũng tuyệt diệu.
Mấy món thức ăn toàn đồ thượng hảo, Phẩm quả bày kia mới thực thanh kỳ.
Bánh hạnh nhân thơm tho, Vải thiều và long nhãn.
Lê Tuyên Châu đỏ thắm, Táo Sơn Đông mỡ màng. Ngân hạnh vùng Giang Nam, Cùng là lê đầu thỏ,
Đu đủ, bồ đào nữa, Lại củ ấu, hạt sen.
Lâm cầm với trám đen, Mận mơ và sa quả. Các loại đều đủ cả. Mọi thứ bày chỉnh tề.
Lại thêm mật ngọt với bánh, chè

Cùng là hương trà và mỹ tửu.

Kể sao hết các món bách vị chân tu tuyệt hảo, Quả là đại quốc Trung Hoa khác hẳn cõi Tây.
Bốn thầy trò cùng văn võ bá quan ngồi ở hai bên, hoàng đế Thái Tông ngồi ở chính giữa. Các đội múa hát sáo đàn tề chỉnh trang nghiêm. Mọi người dự tiệc vui vẻ suốt một ngày. Thật là:

Quân vương mở hội vui sao,

Chân kinh lấy được, phúc nào to hơn?

Công lao muôn thuở còn truyền,

Hào quang Phật rọi ngai vàng đế vương.
Tối hôm ấy, tiệc tạ ơn kết thúc. Thái Tông quay về cung, các quan cũng lui chầu. Thầy trò Đường Tăng về nghỉ ở chùa Hồng Phúc, các nhà sư trong chùa dập đầu đón tiếp. Vừa vào tới cửa chùa, các nhà sư đã nói:

– Thưa sư phụ, ngọn cây này hôm nay bỗng nhiên đều ngả về hướng đông, chúng con nhớ lời sư phụ ngày xưa, bèn ra ngoài thành đón tiếp, quả nhiên thấy sư phụ đã về.

Tam Tạng vui mừng khôn xiết, bèn bước vào phương trượng. Lúc ấy Bát Giới không hề ăn uống tí gì, cũng không nói năng ầm ĩ ồn ào. Hành Giả, Sa Tăng cũng điềm đạm ít nói. Ấy là do đạo quả đã hoàn toàn, nên tự nhiên an tĩnh như vậy. Sau đó mọi người đi ngủ.

Sáng hôm sau, Thái Tông khai triều, nói với quần thần:

– Trẫm nghĩ tới công lao của ngự đệ sâu xa rộng lớn, không gì báo đền được. Đêm qua trẫm không ngủ, ứng khẩu mấy câu nôm na, nhưng chưa viết ra giấy.

Đoạn truyền lệnh:
– Quan trung thư lại đây, trẫm đọc cho khanh viết. Bài văn viết rằng:

“Từng nghe lưỡng nghi[328]

có hình tượng, hiển hiện che
cho chúng sinh: bốn mùa không có hình lặng lẽ tạo nóng rét để nuôi dưỡng muôn vật. Vậy nên: nhìn trời ngắm đất, người bình thường cũng rõ được đầu mối: Sáng âm thấu dương, bậc hiền triết ít kẻ bắt thấu được tận cùng. Thế thì trời đất bao quát cả âm dương, dễ biết được là vì có hình tượng: Âm dương hoạt động trong trời đất, khó thấu tận cùng là vì vô hình thôi. Vậy mới biết hình tượng hiện rõ có chứng cớ, tuy ngu cũng không ngờ vực; Hình tượng lặn đi không nhìn thấy, kẻ trí cũng có khi mê. Huống hồ đạo Phật lại chuộng hư không, vượt vào cõi u
minh, giữ lấy tịch mịch, rộng giúp muôn loài, trị yên mười phương. Nâng uy tinh lên trên hết, nên thần lực không gì bằng. Lớn thì bao trùm cả vũ trụ; Nhỏ thì chứa đựng đến tóc tơ. Không diệt không sinh, trải nghìn kiếp mà vẫn trẻ: Như ẩn như hiện, chở trăm phúc vẫn mới nguyên. Đạo lớn diệu huyền, đi mãi không biết đâu là bờ bến: Dòng pháp trong lắng, bơi lặn lường sao được ngọn nguồn. Vậy nên những kẻ tầm thường, bo bo ngu xuẩn, cố giữ chấp trước, không hoặc không nghi làm sao được? Thế rồi đại giáo hưng thịnh, gốc từ Tây phương bừng tỉnh mộng vượt sang triều đình Hán; khơi dòng từ bi chiếu rọi cõi Đông. Thời xưa, khi mới chia hình chia dấu, lời nói chưa chạy xa mà đã thành giáo hóa; Đương lúc thường hiện thường ẩn, dân dã ngưỡng đức mà noi theo. Kịp khi bóng tối lẩn theo chân lý, dời đổi qua các đời, ánh vàng bị che sắc, không soi được ánh sáng ba nghìn: Tượng đẹp mở tranh, chỉ rõ ràng ba mươi hai tướng đẹp. Thế rồi chân ngôn truyền rộng, vớt loài chim ở ba đường: Di huấn vang xa, dẫn sinh linh khắp mười cõi. Nhà Phật có kinh chia ra đại thừa và tiểu thừa, lại có pháp đó là thuật truyền-ngoa-là-chính. Nhà sư của ta là pháp sư Huyền Trang, đứng đầu trong pháp môn, thuở nhỏ cẩn thận thông minh, sớm giác ngộ công quả tam không, lớn lên hợp với thánh thần, hành vi nào cũng gồm trong tứ nhẫn. Gió thông trăng nươc chẳng sánh vẻ hào hoa: Ngọc sáng móc tiên khó so bề cốt cách. Cho nên đem cái trí vô lụy, suy nghiệm thần tinh từ chỗ chưa thành hình, vượt ra sáu cõi lục trần, thật nghìn đời không ai sánh. Lắng lòng nơi nội cảnh, thường thương chính pháp trễ tràng: Thành tâm chỗ cửa huyền, hay bực bội kinh văn sai suyển. Những muốn xét rõ điều lý, mở rộng đường kiến văn đời trước: Phân rõ chân ngụy, mở lối cho kẻ hậu học đời sau. Cho nên lòng mong sang nơi Tịnh Thổ, chu du tới ba cõi Tây Vực, xông pha lặn lội, chống gậy ra đi. Buổi sớm tuyết trắng xóa lên đường, dặm trường mờ mịt; Buổi chiều bãi hoang lương
dừng lại, trời đất mông lung. Muôn dặm non sông, rẽ khói mây mà tiến bước: Trăm tầng nóng lạnh, đội mưa gió mà xông lên. Tấm lòng thành coi khinh vất vả, ước vọng lớn muốn thành tựu to, rong ruổi cõi Tây mười bốn năm ròng, đi khắp nước ngoài tìm cầu chính giáo. Vườn Lộc Uyển mến dạo xem hoa; Đỉnh Linh Thứu ngưỡng kỳ mộ lạ. Vâng lời chí ngôn của tiên thánh; Nhận sự chân giáo bậc thượng hiền, xem xét cửa diệu môn, nghiền ngẫm nơi áo nghiệp. Đạo tam thừa lục luật, rong ruổi nơi ruộng đồng; Kinh một tạng trăm hôm, chơi vơi nơi cửa biển. Vậy nên trải qua biết bao góc biển chân trời, cầu tìm được vô số kinh kệ. Tổng cộng được ba mươi nhăm bộ kinh Đại Thừa cốt yếu, gồm năm nghìn linh bốn mươi tám quyển, để dịch ra truyền bá khắp Trung Hoa, tuyên dương đức nghiệp. Dẫn mây lành từ Tây Vực, tưới mưa pháp khăp Cõi Đông. Thánh giáo khuyết nay lại tròn; Dân đen tội mà được phúc. Dập lửa đỏ nơi nhà cháy, cùng thoát đường mê; Soi sáng tối nơi nước vàng, cùng sang cõi Phật. Thế mới biết ác vì nghiệt đọa, thiện do duyên thăng. Đầu mối của sự đọa hay thăng, hoàn toàn do con người cả. Ví như cây quế mọc nơi núi cao, mưa móc thấm mới nở hoa thơm; Hoa sen chồi lên từ sóng xanh, bụi bậm không thể bám vào lá. Đâu có phải tính hoa sen tự trong sạch và chất cây quế tự thẳng ngay đâu, mà là do được mọc ở chỗ cao nên vật nhỏ không làm lụy đến; được sinh ở chỗ sạch, nên loài đục chẳng giây vào. Kìa đến cả loài cây có vô tri còn biết nuôi thiện mà thành thiện, huống hồ loài người có tri thức, lại không biết nương theo phúc mà cầu phúc ư? Mong rằng kinh này sáng soi mãi như hai vầng nhật nguyệt; Phúc lớn lan xa trường tồn mãi cùng đất trời!”

Quan trung thư viết xong, nhà vua cho gọi thánh tăng vào. Khi ấy Tam Tạng đã đứng đợi ngoài triều môn chờ lạy tạ, nghe nói nhà vua cho vời vào, bèn bước vào phủ phục làm lễ. Thái Tông mời lên điện, đưa bài văn cho Tam Tạng xem. Xem xong, Tam Tạng lại cúi lạy tạ ơn, thưa rằng:
– Văn từ của bệ hạ lời lẽ cao cả, nghĩa lý sâu xa, nhưng chưa rõ tên gọi là gì?

Thái Tông nói:

– Ấy là trẫm ứng khẩu lúc đêm khuya để tạ ơn ngự đệ đấy. Vậy gọi là bài “Thái giáo tự” không biết có được chăng?
Tam Tạng dập đầu tán thưởng mãi không thôi. Thái Tông nói:

Trẫm tài kém ngọc ngà, Văn từ thua vàng đá. Còn như phần kinh kệ, Lại càng ít được nghe. Bèn ứng khẩu làm ra, Mấy lời văn quê kệch. Làm bẩn cả giấy mực, Múa bút mặt văn nhân. Lòng áy náy băn khoăn,
Mặt ngượng ngùng xấu hổ.

Thật chẳng đáng bày tỏ, Xin tâm thành cảm ơn.
Lúc ấy trăm quan lạy mừng đảnh lễ bài ngự văn thánh giáo, rồi truyền khắp trong ngoài.

Thái Tông nói:

– Ngự đệ hãy tụng chân kinh một lần xem sao. TamTạng nói:
– Thưa bệ hạ, muốn diễn chân kinh phải vào nơi đất Phật chứ, điện báu của bệ hạ không phải là nơi tụng kinh.
Thái Tông mừng lắm, lập tức hỏi quan Đương giá:

– Thành Tràng An có chùa nào thanh tịnh?

Quan đại học sĩ là Tiêu Vũ từ trong ban bước ra tâu:

– Trong thành có chùa Nhạn Tháp là thanh tịnh.

Vua Thái Tông bèn tức thời truyền lệnh cho các quan:

– Mau thành tâm mang mấy quyển chân kinh cùng trẫm tới chùa Nhạn Tháp, để mời ngự đệ tới giảng kinh.

Các quan ai nấy mang vài quyển theo xa giá đưa Thái Tông tới chùa, dựng một ngôi đài cao, sắp xếp ngay ngắn.

Tam Tạng ra lệnh:

– Bát Giới, Sa Tăng dắt con long mã, gánh hành lý. Hành Giả đứng bên cạnh ta.

Lại quay sang phía Thái Tông nói:

– Bệ hạ muốn truyền bá chân kinh trong thiên hạ thì phải sao lục thành một bản phụ khác, thì mới truyền bá được, còn nguyên bản phải giữ gìn trân trọng không được xem thường.

Thái Tông cười nói:

– Lời ngự đệ đúng lắm! Đúng lắm!

Đoạn cho gọi các quan trong viện Hàn lâm và khoa Trung thư sao chép chân kinh. Lại cho dựng một ngôi chùa ở phía đông thành đặt tên là chùa Đằng Hoàng[329] Tam Tạng mang mấy quyển kinh lên đài, đang định tụng niệm, bỗng ngửi thấy mùi gió thơm phảng phất, tám vị Đại Kim Cương hiện thân giữa tầng không dõng dạc cất tiếng gọi:

– Hỡi người tụng kinh, hãy bỏ kinh xuống, theo chúng tôi về
Tây!

Bọn Hành Giả đứng dưới đài và cả con ngựa bạch bỗng từ
mặt đất bay thẳng lên trời. Tam Tạng cũng buông mấy quyển kinh, từ đài cao bay vút lên chín tầng mây cưỡi gió bay đi. Thái Tông và các quan vội vàng ngẩng lên trời lễ bái. Đó chính là:

Thánh tăng gắng sức lấy kinh,

Ruổi rong mười bốn năm ròng trời Tây.

Gian lao vất vả đêm ngày,

Trèo đèo lội suối đắng cay muôn phần.

Hoàn thành công quả vô vàn.

Ba nghìn viên mãn đủ vòng đại thiên.

Chân kinh về tới Đại Đường,

Từ nay mãi mãi lưu truyền cõi Đông.

Thái Tông và các quan lạy tạ xong, sau đó sai kén cao tăng tới chùa Nhạn Tháp, dựng đàn chay thủy lục, tụng bộ Đại Tạng Chân Kinh, siêu thoát cho các oan hồn cõi u minh, ban rộng thiện phúc, và cho sao chép số kinh ấy để truyền bá khắp thiên hạ. Chuyện không nhắc nữa.

Lại nói chuyện tám vị Đại Kim Cương cưỡi làn gió thơm đưa bốn vị trưởng lão cùng con ngựa là năm quay về Linh Sơn, cả đi cả về vừa đúng tám ngày.

Lúc ấy chư Phật ở Linh Sơn đang nghe giảng kinh trước mặt Phật Tổ. Tám vị Kim Cương dẫn thầy trò Đường Tăng vào thưa với Như Lai:

– Đệ tử vâng sắc chỉ đưa mấy vị thánh tăng về nước Đường nộp kinh văn, nay trở về dâng trả sắc chỉ.

Đoạn gọi thầy trò Đường Tăng vào nhận chức. Như Lai nói:
– Này thánh tăng, kiếp trước nhà ngươi là đồ đệ thứ hai của ta, tên gọi Kim Thiền Tử. Chính vì nhà ngươi không chịu nghe thuyết pháp, coi thường đạo giáo của ta, nên ta đày linh hồn nhà ngươi xuống cõi phương Đông. Nay mừng nhà ngươi đã quy y, giữ đạo Sa Môn, tuân theo giáo lý của ta, đi thỉnh chân kinh có nhiều công quả, vậy ta gia phong cho chính quả chức to là Chiên Đàn Công Đức Phật. Tôn Ngộ Không trước kia vì nhà ngươi đại náo thiên cung, ta lấy pháp lực vô biên nhốt nhà ngươi dưới núi
Ngũ Hành. May mắn nạn to đã hết, đi theo Thích Giáo. Cũng mừng nhà ngươi bỏ ác theo thiện, dọc đường diệt ma trừ quái có công, sau trước vẹn tròn, gia thăng chính quả chức to là Đấu Chiến Thắng Phật. Trư Ngộ Năng, nhà ngươi vốn là thủy thần Thiên Hà, giữ chức Thiên Bồng nguyên soái, chỉ vì nhà ngươi say rượu trong hội Bàn Đào, trêu ghẹo tiên nga, cho nên bị đày xuống đầu thai hạ giới, thân làm súc vật. May mà nhà ngươi biết quý thân người, làm yêu quái ở động Vân Sạn núi Phúc Lăng, biết theo về đại giáo, vào cửa Sa Môn của ta, dọc đường bảo vệ thánh tăng. Tuy tính ương vẫn còn, sắc tình chưa hết, nhưng dọc đường gánh hành lý có công, gia phong nhà ngươi chức chính quả là Tịnh Đàn Sứ Giả.

Bát Giới miệng lầu bầu:

– Mọi người đều thành Phật, tại sao chỉ mỗi mình con là Tịnh
Đàn Sứ Giả?

Như Lai nói:

– Tại nhà ngươi ăn khỏe tính lười, dạ dày to lắm. Mà khắp bốn đại bộ châu trong thiên hạ, những nơi ngưỡng mộ đạo ta rất nhiều, phàm các việc Phật, ta giao cho nhà ngươi làm tịnh đàn, cũng là một chức phẩm có được ăn uống, sao lại không tốt? Còn Sa Ngộ Tĩnh, nhà ngươi vốn là Quyển Liêm đại tướng, do đánh vỡ chiếc chén ngọc lưu ly trong hội Bàn Đào, nên bị đày xuống hạ giới, trú ở sông Lưu Sa làm yêu quái bắt người ăn thịt, sau đó may mắn theo giáo lý của ta, thành kính giữ gìn, bảo hộ thánh tăng, dắt ngựa trèo non có công, gia phong chính quả chức to làm La Hán Mình Vàng.

Rồi Phật Tổ lại nói với con Ngựa Bạch:

– Nhà ngươi vốn là con của Long Vương Tây Dương đại hải Quảng Tấn. Do nhà ngươi trái mệnh cha, mắc vào tội bất hiếu. May được quy y đạo pháp, theo đạo Sa Môn, hàng ngày cõng
thánh tăng sang Tây, lại cõng thánh tăng về Đông có công, ta gia phong cho nhà ngươi chức chính quả là Bát Bộ Thiên Long.

Bốn vị trưởng lão đều dập đầu tạ ơn. Con ngựa cũng cúi đầu lạy tạ. Phật Tổ sai các vị Yết Đế dẫn con ngựa xuống thung lũng đằng sau núi Linh Sơn, đến bên ao để hóa rồng. Con ngựa được đẩy xuống ao, trong chớp mắt nó vươn mình, trút hết da lông, thay đổi đầu tóc, vẩy vàng mọc ra khắp người, râu bạc dài hai bên mép, khắp người khí đẹp, bốn vuốt mây lành, hóa rồng bay ra khỏi ao, lượn quanh cửa chùa, sừng sững chống trời trên cây hoa biểu. Chư Phật đều không ngớt tán thưởng pháp lực của Như Lai.

Tôn Hành Giả nói với Đường Tăng:

– Thưa sư phụ, bây giờ con đã thành Phật giống sư phụ rồi, mà vẫn phải đội mãi cái vòng Kim Cô này sao? Sư phụ từ nay vẫn còn đọc bài “Khẩn cô nhi chú” để bóp đầu con nữa hay sao? Sư phụ mau mau đọc bài “Tùng cô nhi chú”, tháo vòng ra đập nát tan tành, đừng để Bồ Tát mang đi hại người khác nữa!

Đường Tăng nói:

– Trước đây chỉ vì con khó bảo, nên phải dùng phép đó để chế ngự con. Nay con đã thành Phật, nên phải dùng phép đó để chế ngự con. Nay con đã thành Phật, cái vòng ấy tự nhiên cũng biến mất, lẽ đâu cứ nằm trên đầu con mãi, con cứ thử sờ lên đầu mà xem.

Hành Giả giơ tay sờ lên đầu, quả nhiên không thấy cái vòng Kim Cô đâu nữa. Bấy giờ bốn vị Chiên Đàn Phật, Đấu Chiến Phật, Tịnh Đàn Sứ Giả và Kim Thân La Hán đã đều thành chính quả, con long mã cũng được trở về với chân như. Có bài thơ làm chứng rằng:

Một thể chân như lạc xuống trần, Hợp hòa bốn tướng lại tu thân.
Ngũ hành sắc tướng không rồi tịch, Trăm quái hư danh thấy chẳng bàn. Chính quả chiên đàn theo đại giác, Hoàn thành phẩm chức thoát trầm luân, Kính truyền thiên hạ ân vô lượng,
Năm thánh ngồi cao bất nhị môn.

Lúc ấy năm thánh đã thành chính quả, các vị Phật Tổ, Bồ Tát, Thánh Tăng, La Hán, Yết Đế, Tỳ Kheo, Ưu Bà Di, Ưu Bà Tắc, các vị thần tiên ở các núi các động, các vị đại thần, Lục đinh Lục giáp, Công tào, Già lam, Thổ địa, cùng các vị sư tiên đắc đạo tới nghe giảng kinh, đến bây giờ đều ra về. Thật là:

Đỉnh Linh Thứu ráng đẹp mơ màng, Cõi Tây phương mây lành quấn quýt.
Rồng vàng ngồi vững chãi, Hổ ngọc nằm yên vui.
Vầng ô bóng thỏ tùy ý trôi, Rắn rùa mặc sức bò quanh quẩn. Phượng tía loan xanh hót lanh lảnh, Vượn đen hươu trắng chạy tung tăng. Tám tiết hoa lạ nở tưng bừng,
Bốn mùa quả tiên sai chíu chít.

Tùng già gội cỗi, Trắc biếc hòe xanh.
Mơ năm sắc quả thơm trĩu cành, Đào vạn niên chín hồng đỏ mọng. Muôn quả nghìn hoa như thêu gấm,
Một trời rực rỡ ráng mây lành.

Mọi người chắp tay quy y cùng niệm:

– Nam Vô Nhiên Đăng Thượng Cổ Phật. Nam Vô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Nam Vô Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Vô Quá Khứ Vị Lai Hiện Tại Phật. Nam Vô Thanh Tịnh Hỉ Phật. Nam Vô Tỳ Lư Thí Phật. Nam Vô Bảo Tràng Vương Phật. Nam Vô Di Lặc Tôn Phật. Nam Vô A Di Đà Phật. Nam Vô Vô Lượng Thọ Phật. Nam Vô Tiếp Dẫn Quy Chân Phật. Nam Vô Kim Cương Bất Hoại Phật. Nam Vô Bảo Quang Phật. Nam Vô Long Tôn Vương Phật. Nam Vô Tinh Tiến Thiện Phật. Nam Vô Bảo Nguyệt Quang Phật. Nam Vô Hiện Vô Ngu Phật. Nam Vô Bà Lưu Na Phật. Nam Vô Na La Diên Phật. Nam Vô Công Đức Hoa Phật. Nam Vô Tài Công Đức Phật. Nam Vô Thiện Du Bộ Phật. Nam Vô Chiên Đàn Quang Phật. Nam Vô Ma Xi Tràng Phật. Nam Vô Tuệ Cừ Chiếu Phật. Nam Vô Hải Đức Quang Minh Phật. Nam Vô Đại Từ Quang Phật. Nam Vô Từ Lực Vương Phật. Nam Vô Hiến Thiện Thủ Phật. Quảng Trang Nghiêm Phật. Nam Vô Kim Hoa Quang Phật. Nam Vô Tài Quang Minh Phật. Nam Vô Trí Tuệ Thắng Phật. Nam Vô Thế Tinh Quang Phật. Nam Vô Nhật Nguyệt Châu Quang Phật. Nam Vô Tuệ Tràng Thắng Vương Phật. Nam Vô Diệu Am Thanh Phật. Nam Vô Tu Di Quang Phật. Nam Vô Đại Tuệ Lực Vương Phật. Nam Vô Kim Hải Quang Phật. Nam Vô Đại Thông Quang Phật. Nam Vô Tài Quang Phật. Nam Vô Chiên Đàn Công Đức Phật. Nam Vô Đấu Chiến Thắng Phật. Nam Vô Quan Thế Âm Bồ Tát. Nam Vô Đại Thế Chí Bồ Tát. Nam Vô Văn Thù Bồ Tát. Nam Vô Phổ Hiền Bồ Tát Chư Bồ Tát. Nam Vô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. Nam Vô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát. Nam Vô Tây Thiên Cực Lạc Chư Bồ Tát. Nam Vô Tam Thiên Yết Đế Đại Bồ Tát. Nam Vô Ngũ Bách A La Đại Bồ Tát. Nam Vô Tỳ Kheo Di Tắc Ni Bồ Tát. Nam Vô Vô Biên Vô
Lượng Pháp Bồ Tát. Nam Vô Kim Cương Đại Sĩ Thánh Bồ Tát. Nam Vô Tịnh Đàn Sứ Giả Bồ Tát. Nam Vô Bát Bảo Kim Thân La Hán Bồ Tát. Nam Vô Bát Bộ Thiên Long Quảng Lực Bồ Tát.

Ấy là niệm Chư Phật ở tất thảy thế giới.

Nguyện đem thửa công đức, Đất Phật tổ trang nghiêm. Trên báo bốn trọng ơn, Dưới cứu ba đường khổ. Những kẻ kiến văn tỏ,
Ắt phát tâm Bồ Đề. Cõi Cực Lạc theo về,
Thân này được tận báo

Tất cả các vị Phật ở mười phương ba cõi, Chư tôn Bồ Tát ma ha tát, Ma ha bát nhã ba la mật.

Truyện Tây du ký đến đây là hết.

HẾT

Chú thích:
[328]
Lưỡng nghi – tức âm dương.

[329]
Đằng hoàng nghĩa là chép kinh.