Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ chín mươi chín

Tám mươi mốt nạn yêu ma hết 
Vẹn tròn công quả đạo về nguồn

Tạm gác chuyện tám vị Kim Cương đưa tiễn Đường Tăng về nước lại. Lại nói chuyện ở tầng cửa thứ ba, các vị Ngũ phương Yết đế, Tứ trực Công tào, Lục đinh Lục giáp, Hộ giáo Già lam, bước tới trước mặt đức Quan Âm Bồ Tát thưa:

– Trước đây đệ tử chúng tôi vâng lệnh Bồ Tát, ngầm bảo vệ thánh tăng. Hôm nay thánh tăng đã viên mãn, Bồ Tát đã trao trả pháp chỉ cho Phật Tổ, vậy chúng tôi cũng xin được trao trả pháp chỉ cho Bồ Tát.

Bồ Tát vui mừng nói:

– Chuẩn y! Chuẩn y! Lại hỏi:
– Bốn người trong bọn Đường Tăng đi đường đức hạnh thế nào?

Chư thần thưa:

– Thật là lòng thành ý thực, chắc Bồ Tát cũng xét thấy rồi. Có điều Đường Tăng chịu đựng hoạn nạn thì không sao nói hết. Mọi điều tai ương cơ cực mà Đường Tăng gặp phải dọc đường, đệ tử đã chép đầy đủ trong cuốn sổ ghi tai nạn này.

Bồ Tát cầm quyển sổ xem từ đầu tới cuối, thấy ghi rõ:

“Trao cho Yết Đế phán chỉ quy y, ghi chép đầy đủ số tai nạn của Đường Tăng:
Nạn thứ nhất: Kim Thiền bị biếm (đọa). Nạn thứ hai: Đẻ ra hút chết. Nạn thứ ba: Đầy tháng quăng sông. Nạn thứ tư: Tìm mẹ báo oan. Nạn thứ năm: Ra thành gặp hổ. Nạn thứ sáu: Trượt ngã xuống hố. Nạn thứ bảy: Tại núi Song Soa. Nạn thứ tám: Trên núi Lưỡng Giới. Nạn thứ chín: Đổi ngựa khe sâu. Nạn thứ mười: Đêm bị lửa thiêu. Nạn thứ mười một: Mất áo cà sa. Nạn thứ mười hai: Thu hàng Bát Giới. Nạn thứ mười ba: Gặp quái Hoàng Phong. Nạn thứ mười bốn: Thỉnh mời Linh Cát. Nạn thứ mười lăm: Lưu Sa khó vượt. Nạn thứ mười sáu: Thu phục Sa Tăng. Nạn thứ mười bảy: Bốn thánh hóa phép. Nạn thứ mười tám: Trong quán Ngũ Trang. Nạn thứ mười chín: Nhân sâm khó sống. Nạn thứ hai mươi: Ngộ Không bị đuổi. Nạn thứ hai mươi mốt: Lạc rừng Hắc Tùng. Nạn thứ hai mươi hai: Mang thư nước Bảo Tượng. Nạn thứ hai mươi ba: Hóa hổ điện Kim Loan. Nạn thứ hai mươi tư: Gặp ma núi Bính Đinh. Nạn thứ hai mươi nhăm: Bị treo động Liên Hoa. Nạn thứ hai mươi sáu: Cứu vua nước Ô Kê. Nạn thứ hai mươi bảy: Bị ma hóa thân. Nạn thứ hai mươi tám: Núi Hiệu Sơn gặp quái. Nạn thứ hai mươi chín: Gió cuốn thánh tăng. Nạn thứ ba mươi: Hành Giả bị hại. Nạn thứ ba mươi mốt: Mời thánh hàng yêu. Nạn thứ ba mươi hai: Chìm sông Hắc Hà. Nạn thứ ba mươi ba: Vận chuyển nước Xa Trì. Nạn thứ ba mươi tư: Đánh cuộc thua được. Nạn thứ ba mươi nhăm: Nén đạo bênh tăng. Nạn thứ ba mươi sáu: Đường gặp sông lớn. Nạn thứ ba mươi bảy: Chìm xuống Thiên Hà. Nạn thứ ba mươi tám: Lồng cá hiện thân. Nạn thứ ba mươi chín: Gặp quái núi Kim Đâu. Nạn thứ bốn mươi: Thiên thần khó thắng. Nạn thứ bốn mươi mốt: Hỏi Phật ngọn nguồn. Nạn thứ bốn mươi hai: Uống nước ngộ độc. Nạn thứ bốn mươi ba: Nước Tây Lương giữ cưới. Nạn thứ bốn mươi tư: Động Tỳ Bà gặp tai. Nạn thứ bốn mươi nhăm: Ngộ Không bị đuổi lần hai. Nạn thứ bốn mươi sáu: Hai khỉ khó phân xử. Nạn thứ bốn mươi bảy: Hỏa Diệm Sơn chắn lối. Nạn thứ bốn mươi tám: Mượn quạt Ba Tiêu.
Nạn thứ bốn mươi chín: Bắt trói ma vương. Nạn thứ năm mươi: Trại thành quét tháp. Nạn thứ năm mươi mốt: Lấy báu cứu sư. Nạn thứ năm mươi hai: Ngâm thơ rừng Kinh Cúc. Nạn thứ năm mươi ba: Gặp nạn Tiểu Lôi Âm. Nạn thứ năm mươi tư: Thiên thần bị khốn. Nạn thứ năm mươi nhăm: Nghẽn lối hẻm Hy Thị. Nạn thứ năm mươi sáu: Chữa bệnh vua nước Chu Tử. Nạn thứ năm mươi bảy: Cứu chữa gầy còm. Nạn thứ năm mươi tám: Bắt yêu cứu hoàng hậu. Nạn thứ năm mươi chín: Bảy tình mê muội. Nạn thứ sáu mươi: Thần Đa Mục bị thương. Nạn thứ sáu mươi mốt: Nghẽn lối núi Sư Đà. Nạn thứ sáu mươi hai: Quái chia ba sắc. Nạn thứ sáu mươi ba: Trong thành gặp nạn. Nạn thứ sáu mươi tư: Mời Phật hàng ma. Nạn thứ sáu mươi nhăm: Cứu trẻ con nước Tỳ Kheo. Nạn thứ sáu mươi sáu: Phân rõ thực giả. Nạn thứ sáu mươi bảy: Cứu quái rừng Hắc Tùng. Nạn thứ sáu mươi tám: Buồng sư mắc bệnh. Nạn thứ sáu mươi chín: Khốn đốn ở động Vô Để. Nạn thứ bảy mươi: Bị nạn ở nước Diệt Pháp. Nạn thứ bảy mươi mốt: Gặp ma núi Ẩn Vụ. Nạn thứ bảy mươi hai: Quận Phượng Tiên cầu mưa. Nạn thứ bảy mươi ba: Mất trộm binh khí. Nạn thứ bảy mươi tư: Đại hội đinh ba. Nạn thứ bảy mươi nhăm: Gặp nạn núi Trúc Tiết. Nạn thứ bảy mươi sáu: Chịu khổ núi Huyền Anh. Nạn thứ bảy mươi bảy: Đuổi bắt tê giác. Nạn thứ bảy mươi tám: Nước Thiên Trúc kén rể. Nạn thứ bảy mươi chín: Bị giam ở phủ Đông Đài. Nạn thứ tám mươi: Thoát thai bến Lăng Vân.

Đường dài mười vạn tám nghìn dặm, thánh tăng gặp nạn đã ghi rõ ràng trong cuốn sổ này”.

Bồ Tát xem qua quyển sổ một lượt, bèn truyền bảo:

– Trong đạo Phật “chín chín tám mươi mốt mới về nguồn”, thánh tăng đã chịu tám mươi nạn, còn thiếu một nạn nữa mới đủ số.

Đoạn ra lệnh cho Yết Đế:
– Đuổi theo ngay Kim Cương, tạo thêm một nạn nữa.

Yết Đế lập tức vâng lệnh, cưỡi mây bay về hướng đông, một ngày một đêm thì đuổi kịp tám vị Kim Cương, ghé vào tai nói nhỏ:

– Cứ như thế… như thế… Phải tuân lệnh Bồ Tát không được chậm trễ.

Kim Cương nghe lời, thả luồng gió xuống thấp, khiến cho bốn thầy trò và cả con ngựa ngã lăn quay ra đất. Chà, ấy mới là:

Tám mươi mốt nạn tai ương trọn, Dựng cơ huyền, chí hướng sắt son. Ma lui là bởi lòng bền,
Muốn thành chính pháp phải nên tu trì.

Chớ bảo lấy kinh kia là dễ, Công thánh tăng chịu khổ xiết bao. Xưa nay hòa hợp tuyệt sao!
Một ly sai biệt kết nào nổi đan!

Tam Tạng giẫm chân trên mặt đất cõi trần, trong lòng cảm thấy lo sợ. Bát Giới cười ha hả nói:

– Hay lắm! Hay lắm! Thế mới gọi là muốn nhanh lại hóa chậm.

Sa Tăng nói:

– Hay lắm! Hay lắm! Tại chúng ta đi nhanh quá đấy mà, thế này thì chúng ta mới được nghỉ một chút chứ.

Đại Thánh nói:

– Tục ngữ có câu: “Buổi đực, buổi cái” mà[327]

Tam Tạng nói:
– Các con đừng đấu khẩu nữa, hãy nhận phương hướng xem đây là vùng nào.

Sa Tăng ngoảnh đầu nhìn bốn phía nói:

– Ở đây à? Ở đây à? Sư phụ ơi, có tiếng nước réo đấy. Hành Giả nói:
– Nước réo hay là quê quán của chú chăng? Bát Giới nói:
– Quê quán của chú ấy là sông Lưu Sa cơ mà. Sa Tăng nói:
– Không phải, không phải. Đây là sông Thông Thiên. Tam Tạng nói:
– Đồ đệ thử nhìn kỹ xem mình ở bờ bên nào?

Hành Giả nhảy vút lên trời, lấy tay khum khum che mắt quan sát, rồi hạ xuống nói:

– Thưa sư phụ, đây là bờ tây sông Thông Thiên. Tam Tạng nói:
– Ta nhớ ra rồi. Bờ bên đông kia là Trần Gia Trang. Năm xưa đi tới đây, nhờ hai con cứu được con cái họ, họ cảm ơn chúng ta, đóng thuyền tiễn đưa, sau nhờ có con rùa trắng cõng sang. Ta cũng nhớ ra rằng bên bờ tây này không có người ở, biết làm sao bây giờ?

Bát Giới nói:

– Con cứ tưởng người phàm mới làm hại, hóa ra những vị Kim Cương bên cạnh Phật Tổ cũng biết làm hại! Các vị ấy vâng lệnh Phật Tổ, đưa chúng ta về phương Đông, tại sao mới tới giữa đường lại quẳng chúng ta ở đây? Bây giờ tiến thoái lưỡng nan, làm sao qua được?
Sa Tăng nói:

– Anh đừng oán trách nữa. Sư phụ mình đã đắc đạo, đã thoát thai phàm ở bến Lăng Vân, lần này chắc không rơi xuống nước đâu mà sợ. Anh, tôi cùng với sư huynh ta trổ phép nhiếp thân, đưa sư phụ cưỡi mây bay qua.

Hành Giả tủm tỉm cười thầm nói:

– Không cưỡi mây qua được! Không cưỡi mây qua được!

Bạn bảo tại sao Hành Giả lại nói không cưỡi mây qua được? Bởi vì nếu cứ dùng phép thần thông sử dụng những điều huyền diệu của phép phi thăng, thì đến nghìn con sông thầy trò cũng qua được hết sao? Hành Giả lại biết rõ ràng Đường Tăng chưa hoàn thành con số chín chín tám mươi mốt, còn một nạn nữa mới hoàn tất, cho nên mới bị hãm chân ở đây.

Thầy trò vừa băn khoăn bàn tính, vừa thủng thẳng bước tới sát mép nước. Bỗng nghe thấy tiếng người gọi:

– Đường thánh tăng! Đường thánh tăng! Lại đây! Lại đây!

Bốn thầy trò giật mình, ngẩng đầu nhìn, chẳng một bóng người, chẳng một con đò. Hóa ra là một con rùa trắng kếch xù ở dưới sông vươn cổ lên gọi:

– Thưa lão sư phụ, con đợi ở đây mấy năm rồi, sao bây giờ sư phụ mới về?

Hành Giả cười nói:

– Chú rùa ơi, lần trước quấy quả chú, lần này ta lại gặp nhau ở đây.

Tam Tạng cùng Bát Giới, Sa Tăng vui mừng khôn xiết. Hành Giả nói:
– Chú rùa ơi, nếu chú có lòng đón tiếp, thì mời chú lên đây. Con rùa bò lên bờ, Hành Giả bảo dắt ngựa bước lên lưng nó.
Bát Giới ngồi xổm đằng sau con ngựa. Đường Tăng đứng bên cạnh đầu ngựa. Sa Tăng đứng ở bên phải. Hành Giả một chân giẫm trên cổ rùa, một chân giẫm trên đầu rùa cất tiếng nói:

– Chú rùa, bơi cho vững nhé!

Con rùa xoải bốn cẳng đạp nước vững vàng như đi trên mặt đất phẳng, cõng thầy trò và con ngựa trên lưng mình, bơi thẳng sang bờ bên đông. Thế mới gọi là:

Bất nhị pháp môn rất diệu huyền, Yêu ma lui sợ – rõ người tiên.
Bản lai diện mục nay mừng thấy, Một thể nguyên nhân đã vẹn tuyền. Đạo cả tam thừa tùy xuất nhập,
Linh đơn chín luyện mặc tuần hoàn.

Gậy bay gói khoác thôi đừng kể, Gặp lại rùa xưa thỏa ước nguyền.
Con rùa cõng thầy trò đè sông rẽ nước bơi chừng quá nửa ngày, tới lúc trời về chiều, sắp tới bờ sông, bỗng mở mồm hỏi:

– Thưa lão sư phụ, năm nao tôi có nhờ ngài khi nào tới Tây phương gặp đức Như Lai thì hỏi giùm tôi việc hậu vận, xem tôi thọ được bao nhiêu năm nữa, vậy sư phụ đã hỏi cho tôi chưa?

Nguyên Tam Tạng lúc tới Tây phương, tắm gội ở quán Ngọc Chân, thoát thai ở bến Lăng Vân, trèo lên Linh Sơn, chỉ chăm chăm việc lạy Phật, rồi tới khi vào yết kiến các vị Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng thì chỉ để ý vào việc lấy kinh, mọi chuyện khác quên khuấy đi mất, kể cả chuyện hỏi tuổi thọ cho con rùa, nên chẳng dám hé răng trả lời. Mặt khác Tam Tạng lại chẳng biết nói dối, chẳng quen trí trá nên cứ trầm ngâm một hồi lâu chẳng biết trả lời thế nào. Con rùa biết là Đường Tăng chưa hỏi giúp mình,
bèn xoay nghiêng người một cái, làm bốn thấy trò và cả con ngựa cùng kinh kệ rơi tõm xuống nước. Chà! Cũng may mà Đường Tăng đã thoát thai đắc đạo, nếu không sẽ chìm tới đáy sông như lần trước. Lại may con ngựa bạch là loài rồng. Bát Giới, Sa Tăng đều biết bơi. Hành Giả cười khành khạch trổ phép thần thông, dìu Đường Tăng chui ra khỏi mặt nước, bước lên bờ bên đông, chỉ có gói kinh, quần áo, yên cương là bị ướt mà thôi.

Thầy trò vừa bước lên bờ, bỗng một trận cuồng phong nổi lên, trời đất tối sầm, sấm chớp ầm ầm, cát bay đá lở. Chỉ thấy:

Một trận gió lung lay đất trời, Một tiếng sấm núi sông chấn động. Chớp lằng nhằng mây đen cuồn cuộn, Trời tối sầm đất rộng mông lung. Tiếng sấm dậy ì ầm,
Tiếng gió gào rin rít. Chớp rạch trời nhằng nhịt, Mù che kín sao trời.
Gió cuốn bụi bay thốc mặt người, Sấm nổi hổ báo run lẩn trốn.
Chim rừng nháo nhác bay tán loạn, Mù giăng nhìn chẳng thấy cây rừng.
Sóng sông Thông Thiên cuồn cuộn trào dâng, Cá sông Thông Thiên hoảng hồn sợ hãi.
Ánh chớp soi đáy sông mông mênh đỏ rực, Mây che bờ Thông Thiên tăm tối mịt mùng.
Gió gớm ghê! Đá lở nghiêng rừng,
Sấm khủng khiếp! Côn trùng nằm nép. Chớp loang loáng – rắn vàng nhằng nhịt, Mù dăng dăng vũ trụ tối đen.
Tam Tạng sợ quá đè chặt gói kinh. Sa Tăng cũng ôm chặt gánh kinh, Bát Giới giữ chặt lấy con ngựa, Hành Giả múa tít cây gậy sắt bảo vệ xung quanh.

Nguyên trận gió, mù, sấm chớp dữ dội ấy là do lũ ma ám gào thét, muốn cướp số kinh, làm ồn ào suốt một đêm, tới khi trời sáng mới thôi. Tam Tạng mình mẩy ướt sũng, run lẩy bẩy nói:

– Ngộ Không, làm sao bây giờ? Hành Giả thở hồng hộc nói:
– Sư phụ không biết đó thôi. Chúng con hộ vệ sư phụ lấy được kinh về, tức là cướp cả công tạo hóa của trời đất, mãi mãi dài lâu với càn khôn, sáng soi cùng nhật nguyệt, hưởng thọ vĩnh hằng, pháp thân chẳng nát. Vì vậy trời đất chẳng dung, quỷ thần ghen ghét, muốn ngầm cướp đi đấy mà. Vừa rồi, một là kinh kệ bị ướt hết, hai là được pháp thân sư phụ đè chặt, nên sấm hết đường nổ, chớp hết đường soi, mù hết đường trùm, lại được lão Tôn múa tít gậy sắt, mang tính thuần dương ra giữ gìn kín đáo, kịp khi trời sáng, khí dương hưng thịnh, cho nên số kinh không bị cướp đi đấy.

Tam Tạng, Bát Giới, Sa Tăng bấy giờ mới tỉnh ngộ, cảm ơn rối rít. Một lát sau, mặt trời lên cao, thầy trò mang kinh ra chỗ bờ cao, cởi ra phơi phóng.

Đến nay tảng đá phơi kinh hãy còn. Thầy trò lại cởi cả quần áo, giày dép ra phơi, kẻ đứng người ngồi mừng mừng rỡ rỡ. Chính thật là:

Một thể thuần dương thấy ánh dương, Ma âm thôi dám, chẳng ngăn đường.
Mới hay nước có làm kinh ướt, Chẳng sợ gió, mây, sấm dập dồn. Thỏa chí từ đây về chính quả,
Vui lòng nay đã hưởng Tây phương.

Phơi kinh đá nọ còn ghi dấu, Nghìn kiếp yêu ma chẳng bén bàng.
Bốn thầy trò kiểm lại tất cả số kinh đã phơi khô. Bỗng nhìn thấy có mấy người đánh cá dưới bờ sông đi lên. Trong số đó có
người nhận ra Đường Tăng bèn hỏi:

– Thưa lão sư phụ, ngài có phải là người năm xưa vượt sông đi lấy kinh đó không?

Bát Giới đáp:

– Phải phải. Các bác là ai mà lại nhận ra chúng tôi? Mấy người đánh cá thưa:
– Chúng tôi là người trong xóm Trần Gia Trang. Bát Giới hỏi:
– Trần Gia Trang cách đây bao xa? Người đánh cá đáp:
– Cách đây về phía nam độ hai mươi dặm. Bát Giới nói:
-Sư phụ ạ, chúng ta mang kinh tới Trần Gia Trang mà phơi. Tới đó vừa có chỗ ngủ vừa có chỗ ăn, nhờ họ giặt hộ cả quần áo nữa, không tốt hơn à?

Tam Tạng nói:

– Không. Phơi ngay ở đây rồi thu xếp tìm đường về.

Mấy người đánh cá đi cả về phía nam, vừa vặn gặp Trần
Trừng, bèn cất tiếng gọi:

– Thưa ông, vị trưởng lão năm nào làm vật tế thay cho con ông quay trở lại kia kìa!

Trần Trừng hỏi:

– Các vị ấy ở đâu?

Mấy người đánh cá chỉ tay đáp:

– Họ đang phơi kinh trên tảng đá đằng kia.

Trần Trừng dẫn mấy người tá điền đi về hướng tay chỉ, bước
tới gần, quỳ xuống nói:

– Trưởng lão lấy kinh đã về, công thành hành mãn sao không ghé qua tệ xá mà lại bày kinh ở chỗ này? Xin mời về nhà tôi nghỉ.

Hành Giả nói:

– Đợi khô kinh đã rồi cùng đi với ông một thể. Trần Trừng lại hỏi:
– Kinh kệ, quần áo của trưởng lão sao lại ướt cả thế này? Tam Tạng đáp:
– Năm xưa, nhờ con rùa trắng cõng qua sông sang bờ tây, năm nay lại nhờ nó cõng qua sông, tới gần bờ con rùa có hỏi lại việc nhờ Phật Tổ xem cho tuổi thọ của nó thế nào, tôi quên khuấy không hỏi hộ nó, nó bèn lặn xuống nước, nên mới bị ướt như chuột lột thế này đây.

Đoạn lại đem các việc trước kể hết một lượt. Trần Trừng mời tha thiết quá, Tam Tạng không biết làm thế nào, bèn thu xếp kinh kệ lại, không ngờ quyển kinh Phật Bản Hạnh dính vào đá, rách mất mấy tờ cuối quyển. Vì vậy Kinh Bản Hạnh hiện nay không được đầy đủ, tảng đá phơi kinh vẫn còn dấu chữ. Tam Tạng hối hận nói:

– Tại chúng ta cẩu thả, không xem xét cẩn thận đấy mà. Hành Giả cười nói:
– Không phải! Không phải! Ấy là tại trời đất cũng không trọn vẹn đấy. Bộ kinh này vốn vẫn đầy đủ, nay dính rách, đó cũng là một sự huyền diệu ứng với sự không trọn vẹn đó thôi. Sức người giữ làm sao được!

Thầy trò thu xếp xong, cùng Trần Trừng về thôn. Người trong thôn một truyền mười, mười truyền trăm, trăm truyền nghìn, đủ
cả già trẻ gái trai đều tới đón tiếp. Trần Thanh nghe nói, bèn đặt hương án ngay trước cửa nghênh đón. Lại sai thổi kèn đánh trống tưng bừng. Một lát sau, đón Tam Tạng vào. Trần Thanh dẫn cả gia quyến ra đón, lạy tạ công ơn cứu con gái ngày nào, đoạn sai pha trà nấu cơm. Tam Tạng từ ngày được ăn những món ăn tiên; hoa quả tiên; trà hương tiên của Phật Tổ thết đãi, đã thoát thai phàm, không còn tơ tưởng gì đến những món ăn trần gian nữa. Hai cụ họ Trần năn nỉ mời mãi, bất đắc dĩ Tam Tạng đành phải chiều ý. Tôn Đại Thánh từ ngày không ăn những thức nấu nướng nữa, cũng nói:

– Xin đủ ạ.

Sa Tăng cũng không ăn gì. Bát Giới không như trước kia, cũng đặt bát xuống. Hành Giả nói:

– Chú ngốc không ăn à? Bát Giới đáp:
– Chẳng biết vì sao dạo này tỳ vị kém lắm.

Người nhà bèn cất dọn mâm bát, rồi hỏi chuyện đi lấy kinh. Tam Tạng lại đem những chuyện đầu tiên tới tắm gội ở quán Ngọc Chân, thân thể nhẹ nhàng ở bến Lăng Vân, sau đó tới chùa Lôi Âm yết kiến Như Lai, được ban yến ở lầu báu, trao kinh ở gác báu rồi bị hai vị tôn giả vòi của đút, trao cho những kinh không có chữ, sau lại bái yết thưa cho Như Lai biết rõ, mới được trao cho đủ số một tạng kinh, đến chuyện con rùa dìm xuống nước, ma âm định cướp kinh kể hết một lượt, rồi định xin từ biệt.

Cả nhà hai cụ Trần nhất định không nghe, nói:

– Ơn sâu cứu cháu bé khi xưa chưa được báo đền, cho nên chúng tôi đã xây một ngôi chùa nhỏ đặt tên là chúa Cứu Sinh, hương khói thờ cúng quanh năm.
Liền gọi con trai con gái là Trần Quan Bảo và Nhất Xứng Kim được tế thay ngày trước ra cúi lạy bốn thầy trò, và mời thầy trò tới chùa vãn cảnh. Tam Tạng sai cất những xếp kinh vào nhà, chỉ tụng cho họ một quyển kinh Bảo Thường thôi. Vào tới trong chùa, đã thấy nhà cụ Trần dọn cơm ở đó. Thầy trò chưa kịp ngồi xuống, đã có một toán khác tới mời, chưa kịp cầm đũa, lại thấy một toán khác tới đón, liên tiếp không ngớt. Tam Tạng không nỡ chối từ, đành phải chiều ý. Tam Tạng thấy ngôi chùa rất tề chỉnh:

Cổng chùa quét sơn đỏ, Ấy chính công họ Trần.
Một tòa lâu đài cổ, Cùng hai dãy hành lang. Quạt quý màu son tía, Thất bảo sáng lung linh.
Khói hương xông nghi ngút, Lan tỏa khắp trời xanh.
Trắc biếc mấy cây soi bóng nước, Vài hàng tùng cổ rợp xung quanh. Thông Thiên sóng vỗ dâng đằng trước, Mạch núi tầng tầng tựa phía lưng.
Tam Tạng xem xong rồi bước lên lầu cao. Trên lầu, thấy đặt bốn pho tượng thầy trò, Bát Giới túm lấy Hành Giả nói:

– Pho tượng sư huynh giống quá! Sa Tăng nói:
– Anh hai trông cũng giống lắm. Chỉ có sư phụ thì đẹp hơn người thực.
Tam Tạng nói:

– Càng tốt! Càng tốt!

Thầy trò bèn xuống lầu. Bên dưới, trong hành lang sau tòa điện trước, cơm chay đã bày sẵn chờ đợi.

Hành Giả lại hỏi:

– Ngôi miếu đại vương ngày xưa thế nào rồi? Các cụ bô lão thưa:
– Ngôi miếu ngày ấy đã phá rồi. Trưởng lão ạ, từ ngày dựng ngôi chùa này, năm nào chúng tôi cũng được mùa, ấy là nhờ phúc ấm của trưởng lão.

Hành Giả cười nói:

– Trời ban cho đấy, chúng tôi có can dự gì đâu. Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ phù hộ cho mọi người trong thôn ta con cháu đông đúc, súc vật dồi dào, năm năm gió hòa mưa thuận, tháng tháng gió thuận mưa hòa.

Mọi người dập đầu tạ ơn.

Lại thấy tíu tít xung quanh nào người hiến quả, nào người dâng cơm. Bát Giới cười nói:

– Thuở trước lận đận, ăn được thì chẳng có ma nào mời. Nay không ăn được thì chưa xong nhà này đã thấy nhà kia mời rồi.

Thầy trò tuy đã no, nhưng cũng gọi là nhúng đũa ăn liền tới tám chín mâm cơm chay. Ấy là tỳ vị đã kém, mà vẫn ăn thêm hai ba chục chiếc bánh bao nữa. Bụng đã no căng mà mọi người vẫn tới mời, Tam Tạng nói:

– Đệ tử có tài cán gì mà được yêu quý như vậy! Xin cho được chiều nay tạm dừng, sáng mai nhận tiếp.

Đêm đã khuya, Tam Tạng giữ chặt chân kinh, chẳng rời một ly, ngồi luôn dưới lầu coi giữ. Tới khoảng canh ba, Tam Tạng
khe khẽ gọi:

– Ngộ Không, mọi người ở đây biết chúng ta công thành hành mãn. Tự cổ có câu: “Chân nhân chẳng lộ tướng, lộ tướng chẳng phải chân nhân”, dùng dằng lâu e hỏng mất việc lớn.

Hành Giả nói:

– Sư phụ nói phải lắm. Ta nhân đêm khuya, mọi người ngủ say, cứ lẳng lặng ra đi.

Bát Giới cũng đã dậy, Sa Tăng cũng đã biết. Ngựa Bạch cũng hiểu ý, tất cả đều trở dậy, nhẹ nhàng xếp kinh lên lưng ngựa, gánh đồ men theo hành lang ra đi. Tới cổng chùa, thấy cổng chùa khóa kín, Hành Giả bèn dùng phép cởi khóa mở tầng cổng thứ hai, rồi tầng cổng ngoài, tìm ra đường cái đi thẳng hướng đông mà đi. Bỗng nghe thấy tiếng tám vị Đại Kim Cương đứng giữa tầng không cất tiếng gọi:

– Hỡi những vị đi trốn, theo tôi ngay!

Tam Tạng ngửi thấy mùi gió thơm thoang thoảng, bèn bay vút lên không trung. Ấy mới là:

Đan thành biết rõ diện mục cũ

Thân khỏe thung dung lạy chủ nhân.

Cuối cùng không biết việc gặp vua Đường như thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích:
[327] Nguyên văn: Mười ngày ngồi đầu bãi, một ngày đi chín bãi.