Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ chín mươi tám

Vượn ngựa thục thuần nay thoát xác 
Công quả viên mãn gặp Như Lai

Lại nói chuyện Khấu viên ngoại được hồi sinh, bèn lại sửa soạn cờ phướn, trống kèn, tụ tập các thân hữu tăng đạo tiễn chân thầy trò như lần trước.

Bốn thầy trò Đường Tăng đi thẳng ra đường cái. Thật đúng là Tây phương đất Phật, khác hẳn các nơi khác. Nhìn thấy nào là cỏ ngọc hoa ngà, thông xưa tùng cổ. Nơi đây, nhà nào cũng làm việc thiện, người nào cũng muốn nuôi sư, chân núi gặp người tu hành, rừng sâu thấy người niệm Phật. Bốn thầy trò ngày đi đêm nghỉ được chừng sáu bảy hôm, bỗng nhìn thấy một dải lầu cao, mấy tầng gác thẳm. Thật là:

Trăm thước vút trời, Chọc tầng Vân Hán.
Cúi đầu thấy mặt trời lặn, Với tay hái được sen trời.
Khung cửa sổ thoáng rộng như nuốt vũ trụ xa xôi, Điện các hệt tấm bình phong chắn tầng mây bạc.
Hạc vàng báo tin thu, cây cỗi, Loan tía đưa thư muộn, gió hòa. Thật chính nơi cung báu ngọc ngà, Quả một cõi tụng kinh đàm đạo. Hoa đón xuân về khoe đỏ rực,
Tùng cao mưa gội tán xanh om.

Hoa thắm quả thơm chiu chít quanh năm, Linh thiêng phượng múa ôi tuyệt đẹp!
Tam Tạng chỉ roi, nói:

– Ngộ Không ơi, vùng này đẹp quá! Hành Giả nói:
– Sư phụ những lúc gặp cảnh giả, Phật tượng giả, thì vội sụp người lạy. Bây giờ gặp cảnh thật, Phật tượng thật lại chẳng xuống ngựa là cớ sao?

Tam Tạng nghe vậy, vội vàng xuống ngựa, bước tới cửa tòa lầu, nhìn thấy một đạo đồng đứng nghiêng người trước cổng chùa cất tiếng hỏi:

– Ngài là người đi lấy kinh ở phương Đông đó chăng?

Đường Tăng vội vàng sửa lại quần áo cho ngay ngắn, ngẩng đầu nhìn, thấy đạo đồng ấy:

Mình khoác áo gấm, Tay phất ngọc trần.
Mình khoác áo gấm, gác ngọc lầu ngà thường đặt tiệc; Tay phất ngọc trần, đài son phủ tía sạch như lau.
Cổ tay lục lạc đeo, Chân hài cong bước nhẹ. Phong thái thần tiên quá, Diễm lệ lại thanh kỳ.
Luyện thuốc trường sinh giữa chốn thanh u, Thọ mãi không già khác xa trần thế
Người cõi Linh Sơn, thánh tăng chẳng rõ,
Kim Đính đại tiên tới đón đó mà.

Tôn Đại Thánh nhận ra đạo đồng, bèn nói:

– Sư phụ ạ, đó là Kim Đính đại tiên ở quán Ngọc Chân dưới chân núi Linh Sơn tới đón chúng ta đó.

Tam Tạng bấy giờ mới tỉnh ngộ, bước tới cúi chào. Đại tiên cười nói:

– Thánh Tăng năm nay mới tới đây à. Tôi bị Quan Âm Bồ Tát đánh lừa. Mười năm trước, ngài vâng lệnh Phật tổ sang cõi Đông tìm người lấy kinh, bảo là hai ba năm nữa sẽ tới đây, làm tôi phải năm nào cũng đợi, biệt vô âm tín, không ngờ bây giờ mới được gặp gỡ.

Tam Tạng chắp tay nói:

– Đại tiên chờ đợi vất vả quá! Xin đa tạ! Xin đa tạ!

Bốn người bèn dắt ngựa gánh đồ cùng đạo đồng bước vào quán. Làm lễ tương kiến xong, đại tiên sai pha trà, dọn cơm chay, lại gọi tiểu đồng mang nước thơm cho thầy trò Đường Tăng tắm gội sửa soạn lên đất Phật. Thật chính là:

Công thành tắm gội thơm tho,

Luyện thuần bản tính hợp hòa thiên chân.

Trăm cay nghìn đắng qua lần, Tam quy cửu giới thanh tân vô ngần. Hết ma, đất Phật đặt chân,
Tai qua, nạn khỏi thấy tầng sa môn.

Lầu lầu rửa sạch bụi trần,

Tìm về nguồn gốc thân tâm vững bền.

Thầy trò tắm gội xong, bất giác trời đã tối, bèn nghỉ cả trong quán Ngọc Chân.
Sáng hôm sau, Đường Tăng thay quần áo, khoác tấm cà sa gấm, đội mũ tỳ lư, tay chống gậy tích trượng, bước lên sảnh đường chào từ biệt đại tiên. Đại tiên cười nói:

– Hôm qua lam lũ, hôm nay sáng sủa. Nhìn tướng quả là con
Phật rồi.

Tam Tạng cúi chào từ biệt ra đi. Đại tiên nói:

– Khoan đã, để tôi tiễn ngài đi. Hành Giả nói:
– Ngài không phải tiễn đâu. Tôi biết đường rồi. Đại tiên nói:
– Đại Thánh chỉ biết đường mây, mà thánh tăng chưa đi đường mây bao giờ, phải đi theo đường bộ.

Hành Giả nói:

– Phải. Lão Tôn đã tới đây mấy lần, nhưng toàn đi mây về gió, chưa hề đặt chân tới đất. Nếu có đường dưới đất, phải phiền ngài dẫn mới xong. Sư phụ tôi đang sốt ruột muốn bái Phật, phải đi ngay đừng chậm trễ nữa.

Đại tiên cười khà khà dắt tay Đường Tăng dẫn vào cửa pháp môn. Nguyên con đường này không ra lối cổng chùa, mà từ gian giữa trong quán, đi xuyên qua lối cửa sau. Đại tiên chỉ Linh Sơn nói:

– Thưa thánh tăng, ngài hãy nhìn ở chỗ mây lành năm sắc, khí đẹp nghìn tầng đằng kia kìa. Nơi ấy là núi Linh Thứu, thắng địa của Phật tổ đấy.

Đường Tăng hướng về phía ấy sụp lạy, Hành Giả cười nói:

– Sư phụ ơi, chưa tới chỗ phải lạy đâu. Thường có câu: “Gần
[326]
nhà xa ngõ”

, núi ấy còn cách đây xa lắm, lạy làm gì cho
vội. Nếu lạy từ đây tới đỉnh núi ấy, thì không biết phải dập đầu
biết bao nhiêu lần!

Đại tiên nói:

– Thưa thánh tăng, ngài cùng Đại Thánh, Thiên Bồng, Quyển Liêm đã tới phúc địa, nhìn thấy Linh Sơn, bây giờ tôi xin quay về.

Tam Tạng cúi chào từ biệt.

Đại Thánh dẫn bọn Đường Tăng khoan thai trèo lên núi, được chừng năm sáu dặm, nhìn thấy một dòng nước cuồn cuộn, sóng vỗ tung trời, rộng tới tám chín dặm, bốn phía tịnh không bóng người. Tam Tạng sợ hãi nói:

– Ngộ Không, chúng ta nhầm đường, hay là đại tiên chỉ sai chăng? Dòng sông này rộng quá, sóng đánh dữ dội, lại không có thuyền bè, làm sao qua được?

Hành Giả cười nói:

– Không nhầm đâu! Sư phụ không nhìn thấy đằng kia có một cây cầu đó ư? Phải bước qua cầu mới thành chính quả.

Thầy trò bước tới gần xem xét, thấy một chiếc biển cắm bên cầu, trên biển đề ba chữ “bến Lăng Vân”. Bến này nguyên chỉ có một cây cầu độc mộc. Thật là:

Xa ngắm ngang trời như cột ngọc, Gần trông chẳng khác một cây khô.
Ngăn sông chặn biển dễ ơ,

Cây cầu độc mộc biết qua thế nào. Nghìn tấm lụa trắng phau trời rộng, Muôn trượng cao một cọng cầu vồng. Trơn như mỡ khó đặt chân,
Họa may thần thánh mới lần được sang.
Tam Tạng hồn vía rụng rời nói:

– Ngộ Không ơi, cầu này người không đi được, chúng tôi phải tìm đường khác sang thôi.

Hành Giả cười nói:

– Chính đường này đó! Chính đường này đó! Bát Giới cũng phát hoảng nói:
– Đường này thì bố ai dám đi? Sông thì rộng, sóng thì dữ, độc một cây gỗ vừa nhỏ vừa trơn, ai dám đặt chân?

Hành Giả nói:

– Chú cứ đứng đây, để lão Tôn qua cho mà xem.

Đoạn Đại Thánh rảo bước nhảy lên cầu lắc la lắc lư, trong giây lát qua được bên kia, rồi đứng bên đó gọi to:

– Sang đây, sang đây!

Đường Tăng xua tay. Bát Giới, Sa Tăng cắn móng tay nói:

– Gay lắm! Gay lắm!

Hành Giả từ bên kia lại chạy qua bên này, kéo tay Bát Giới nói:

– Chú ngốc theo tôi! Theo tôi! Bát Giới nằm lăn ra đất nói:
– Trơn lắm! Trơn lắm! Không qua được đâu, anh tha cho tôi, để tôi cưỡi mây qua thôi!

Hành Giả ngăn lại nói:

– Chỗ này là đâu mà chú dám cưỡi mây? Phải bước qua cây cầu này mới thành Phật được chứ.

Bát Giới nói:

– Anh ơi, Phật thành hay không thành cũng cóc cần, em
không qua nổi đâu.

Hai người đứng bên cầu co kéo mãi. Sa Tăng bước tới khuyên giải, họ mới buông tay nhau ra. Tam Tạng quay đầu, chợt nhìn thấy phía hạ lưu có một người đang chèo thuyền bơi tới, cất tiếng gọi to:

– Lên đò! Lên đò!

Tam Tạng mừng quýnh, nói:

– Đồ đệ đừng cãi nhau nữa, có con đò đến kia rồi.

Ba người nhảy lên mừng rỡ, đưa mắt nhìn chăm chú, thấy con thuyền đã tới gần, hóa ra là một con thuyền không đáy. Cặp mắt lửa ngươi vàng của Hành Giả đã sớm nhận ra đó là Tiếp Dẫn Phật Tổ, còn gọi là Nam Vô Bảo Tràng Quang Vương Phật, nhưng chẳng dám nói ra, chỉ cất tiếng gọi:

– Lại đây cắm sào nào!

Trong giây lát, con đò ghé sát bờ, Phật Tổ nói:

– Mời lên, mời lên!

Tam Tạng thấy vậy, trong lòng sợ hãi nói:

– Thuyền của ngài là thuyền hỏng không đáy, qua sông làm sao?

Phật tổ nói:

– Thuyền ta đây:

Thuở hồng hoang đã từng nổi tiếng, Có ta đây chèo chống giỏi giang. Sóng to gió cả vững vàng,
Không đầu không cuối bước sang cõi lành.

Quay về gốc, bụi trần chẳng bợn, Muôn kiếp đày, thanh thản qua sông.
Thuyền không đáy vượt trùng dương, Xưa nay cứu vớt muôn vàn sinh linh.
Tôn Đại Thánh chắp tay đa tạ, nói:

– Xin cảm ơn tấm lòng tốt đón tiếp sư phụ tôi. Xin mời sư phụ lên đò nào. Chiếc thuyền này tuy không đáy nhưng vững vàng lắm, nhỡ có sóng to gió cả cũng chẳng lật được.

Tam Tạng bấy giờ vẫn chưa yên tâm, Hành Giả đứng khoanh tay trước ngực, bất ngờ ẩy mạnh một cái, Tam Tạng đứng không vững, rơi đánh ào một cái xuống nước. Phật tổ nhanh tay đỡ lấy, dắt xuống đò. Tam Tạng vừa phủi quần áo, vừa giậm chân oán trách Hành Giả. Hành Giả dắt luôn cả Sa Tăng, Bát Giới dắt ngựa gánh đồ xuống đò. Thầy trò đứng cả ở đằng mũi đò. Phật Tổ nhẹ nhàng ẩy con đò ra. Bỗng thấy phía thượng lưu một xác người trôi xuống. Tam Tạng sợ hãi luống cuống. Hành Giả cười nói:

– Sư phụ đừng sợ. Xác đó là sư phụ đấy. Bát Giới cũng nói:
– Đúng sư phụ rồi! Đúng sư phụ rồi! Sa Tăng vỗ tay nói:
– Đúng sư phụ rồi! Đúng sư phụ rồi! Phật tổ giơ tay làm hiệu nói:
– Đúng là ngài! Xin chúc mừng! Xin chúc mừng!

Ba người cùng đồng thanh họa theo lời Phật tổ. Con đò được chèo đi, trong chớp mắt đã vững vàng rời khỏi bến tiên Lăng Vân sang tới bờ bên kia. Tam Tạng quay người nhẹ nhàng bước lên bờ.

Có bài thơ làm chứng rằng:
Thoát rồi xương cốt trần gian, Tương thân tương ái vượt sang Niết Bàn. Viên mãn thành Phật thỏa lòng,
Từ nay rửa sạch bụi trần lâng lâng.

Thế mới gọi là pháp trí tuệ quảng đại, đưa thầy trò lên bờ kia cực lạc.

Bốn người lên bờ quay đầu nhìn, cả người và con đò không biết biến đi đằng nào mất. Bấy giờ Hành Giả mới nói đó là Tiếp Dẫn Phật Tổ, Tam Tạng tỉnh ngộ ra, vội quay người lại lạy tạ ba đồ đệ.

Hành Giả nói:

– Hai bên chẳng phải tạ ơn nhau, bởi cả hai cùng giúp nhau đấy chứ. Chúng con nhờ sư phụ được giải thoát, mượn đường lối tu hành, may thành chính quả. Còn sư phụ nhờ chúng con hộ vệ mà giữ giáo Già Lam, thoát khỏi thai phàm. Giờ đây sư phụ thử nhìn coi cảnh vật cỏ hoa tùng bách, loan phượng hươu nai nơi đây so với các nơi yêu ma quỷ quái, đâu đẹp đâu xấu? Đâu ác đâu lành?

Tam Tạng khen ngợi mãi không dứt. Bốn thầy trò lòng lâng lâng nhẹ nhõm, lên tới Linh Sơn, nhìn thấy ngay tòa chùa cổ Lôi Âm:

Ngọn sát tầng Vân Hán, Rễ tiếp mạch Tu Di, Đỉnh non xếp lô xô, Đá lạ bày cao thấp.
Cỏ lạ hoa kỳ lan vách ngất,

Chi tía huệ thơm ngát đường quanh.
Rừng đào vượn tiện hái quả tưng bừng, Đầu cành hạc trắng phơi lông tựa ngọc, Phượng tía từng đôi.
Loan xanh từng cặp…

Phượng tía từng đôi, chầu mặt trời hót mừng điềm tốt; Loan xanh từng cặp, đón gió xòe lông múa diệu kỳ Lại thấy ngói uyên ương vàng rực gần xa,
Gạch mã não tường xây lấp lánh.

Hàng bên đông, hàng bên tây lầu son gác phấn, Dãy bên nam, dãy bên bắc cung ngọc điện vàng.
Điện Thiên Vương rực rỡ ánh hào quang, Đường Hộ Pháp huy hoàng tia ráng đẹp.
Tháp phù đồ nổi bật, Hoa ưu bát ngát ngạt ngào.
Chính là nơi phúc địa riêng một góc trời, Mây nhởn nhơ bay, ngày dài tháng rộng.
Muôn duyên dứt, bụi trần chẳng bợn, Vạn kiếp vô biên đại pháp môn.
Thầy trò thung dung khoan thai bước lên đỉnh Linh Sơn, lại nhìn thấy các vị Ưu bà đứng dưới rừng tùng, các ngài thiện sĩ chờ trong rừng bách. Tam Tạng bèn cúi đầu chào. Các vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni vội vã chắp tay nói:

– Thánh tăng khoan hãy làm lễ vội, đợi khi nào yết kiến đức
Mâu Ni xong, ta sẽ nói chuyện sau.

Hành Giả cười nói:

– Đúng! Đúng! Hãy đi bái các vị trên đã.

Tam Tạng mừng rỡ khua chân múa tay đi theo Hành Giả tới bên ngoài cổng chùa Lôi Âm. Ở đấy đã có bốn vị Đại Kim Cương nghênh đón nói:

– Thánh tăng đã đến đấy ư? Tam Tạng cung kính đáp:
– Thưa vâng. Đệ tử là Huyền Trang đã đến.

Chào xong, định muốn bước vào. Kim Cương nói:

– Thánh tăng chờ một lát, đợi chúng tôi vào bẩm đã.

Các vị Kim Cương để một vị vào trong chùa báo với bốn vị Kim Cương ở tầng cửa thứ hai, nói là Đường Tăng đã đến. Tầng thứ hai lại chuyển vào tầng ba báo việc Đường Tăng đã đến. Vị ở tầng cửa thứ ba nguyên là một vị thần tăng làm đồ cúng, nghe báo Đường Tăng đã đến, vội vào ngay điện Đại Hùng thưa với đức Như Lai Chí Tôn Thích Ca Mâu Ni Vạn Phật:
– Thánh tăng triều Đường đi lấy kinh đã tới bảo sơn.

Phật tổ mừng lắm, lập tức xuống chiếu vàng, cho gọi tám vị Bồ Tát, bốn vị Kim Cương, năm trăm vị A La, ba nghìn vị Yết Đế, mười một vị Đại Diệu, mười tám vị Già Lam vào đứng xếp thành hai hàng, sau đó mới xuống chiếu vàng cho gọi Đường Tăng vào. Ở bên ngoài, từng tầng từng lớp kính vâng lệnh Phật, truyền lệnh:

– Mời thánh tăng vào.

Đường Tăng giữ đúng nghi lễ, cùng Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh dắt ngựa gánh đồ bước vào trong cửa. Thật là:

Năm nào vâng mệnh thánh quân, Quê hương từ biệt rời chân cõi ngoài Sáng trèo non đón gió trời,
Chiều về gối đá ngủ nơi mây mù. Gói khăn nghìn dặm xông pha, Đường xa lặn lội biết là bao năm. Sắt son quyết chí cầu kinh,
Như Lai yết kiến thỏa tình từ đây.

Bốn thầy trò vào trước điện Đại Hùng, cúi người kính lạy Như Lai và lạy mọi người đứng ở hai bên hai lạy, đoạn mỗi người lại đi quanh lạy ba vòng, sau đó bước tới quỳ xuống trước mặt Phật Tổ trình dâng điệp văn. Như Lai xem xong trả lại cho Tam Tạng. Tam Tạng cúi đầu lạy thưa rằng:

– Đệ tử là Huyền Trang, vâng mệnh hoàng đế Đại Đường bên phương Đông sang bảo sơn cầu chân kinh cứu vớt chúng sinh. Muôn xin Phật Tổ ra ơn, ban cho chân kinh sớm mang về nước.

Như Lai bèn mở miệng từ bi, động lòng thương xót, nói với
Tam Tạng:

– Cõi đông thổ của nhà ngươi thuộc Nam Thiệm Bộ Châu, trời cao đất dày, người đông vật thịnh, tham lam độc ác, trí trá gian dâm, không theo Phật Giáo, không giữ thiện duyên, chẳng kính tam quang, chẳng trọng ngũ cốc, bất trung bất hiếu, bất nghĩa, bất nhân, lừa mình dối người, tranh to giành nhỏ, hại vật sát sinh, gây ra biết bao ác nghiệt, tạo nên tội lỗi vô vàn, đến nỗi phải đày xuống địa ngục, cho nên rơi mãi xuống cõi u minh, phải chịu đựng biết bao nỗi khổ bị đâm dập giã nghiền, biến thành súc vật. Có biết bao loài đâm lông mọc sừng đem thân trả nợ, lấy thịt nuôi người, mãi mãi rơi xuống ngục A Tỳ, vĩnh viễn chẳng được siêu thăng. Tuy có họ Khổng lập ra thuyết nhân nghĩa lễ trí, các vị đế vương nối nhau, cai trị bằng những hình phạt bỏ tù, đi đày, treo cổ, xử chém, nhưng còn những kẻ ngu xuẩn dốt nát phóng túng ngông cuồng thì biết làm sao? Nay ta
có ba tạng kinh có thể siêu thoát khổ não, giải trừ tai ương, ba tạng đó là: Một tạng Pháp bàn việc trời, một tạng Luận bàn việc đất, và một tạng Kinh siêu độ cho người chết, tổng cộng ba mươi nhăm bộ, gần một vạn năm nghìn một trăm bốn mươi bốn quyển. Đó thực là đường tu chân chính, cửa thiện rõ ràng. Phàm mọi việc thiên văn, địa lý, nhân sự, chim muông, hoa cỏ, đồ vật… trong bốn đại bộ châu không việc gì là không ghi chép. Các ngươi từ xa xôi tới đây, ta cũng muốn trao cho tất cả mang về, chỉ e người phương đó ngu si lỗ mãng hủy báng chân ngôn, không biết ý chí sâu xa trong đạo Sa Môn của ta.

Đoạn gọi:

– A Nan, Ca Diếp, các ngươi dẫn bốn người này tới dưới lầu báu thết đãi cơm chay. Ăn xong, mở gác báu, trong số ba mươi nhăm bộ của ba tạng kinh của ta, chọn lấy mấy quyển đưa cho họ, bảo họ truyền bá sang cõi Đông, ghi mãi ơn sâu!

Hai vị tôn giả tức khắc vâng lệnh Phật Tổ, đưa bốn thầy trò tới dưới lầu. Ở đây thầy trò thấy cơ man những của ngon vật lạ. Các vị thần bày đồ cúng dọn tiệc chay toàn những thứ hoa quả tiên, món ăn tiên, trà hương tiên, chân tu bách vị mà dưới trần không hề thấy bao giờ. Thầy trò đảnh lễ tạ ơn Phật, rồi thả sức ăn uống.

Thực là:

Hào quang rực rỡ khắp nơi,

Của ngon vật lạ tuyệt vời thơm ngon.

Gác vàng nghìn lớp sáng choang, Nhạc tiên réo rắt rộn ràng gần xa.
Hoa tiên thanh khiết thơm tho,

Trà hương phẩm quả toàn đồ trường sinh.

Bấy nay cực khổ vô cùng,
Hôm nay hưởng thụ thung dung thanh nhàn.

Lần này Bát Giới, Sa Tăng được ăn uống thỏa thuê. Những món ăn xứ Phật, toàn món hưởng thọ trường sinh, thay da đổi thịt, thầy trò tha hồ ăn uống. Hai vị Tôn giả bồi tiếp cho bốn người ăn uống xong, bèn đưa vào gác báu mở cửa cho xem. Bên trong hào quang khí đẹp rực rỡ nghìn trùng, ráng tía mây lành huy hoàng vạn khoảnh. Trên hòm kinh, mặt ngoài tủ báu đều dán thẻ đỏ, ghi đầy đủ danh mục các quyển kinh. Đó là:

Một bộ kinh Niết Bàn 748 quyển

Một bộ kinh Bồ Tát 1021 quyển Một bộ kinh Hư Không Tạng 400 quyển Một bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm 110 quyển Một bộ kinh Ân Ý Kinh đại tập 50 quyển
Một bộ kinh Quyết Định 140 quyển

Một bộ kinh Bảo Tạng 45 quyển

Một bộ kinh Hoa Nghiêm 500 quyển

Một bộ kinh Lễ Thân Như 90 quyển

Một bộ kinh Đại Bát Nhã 916 quyển Một bộ kinh Đại Quang Minh 300 quyển Một bộ kinh Vị Tằng Hữu 1110 quyển Một bộ kinh Duy Ma 170 quyển
Một bộ kinh Tam Luận Biệt 270 quyển Một bộ kinh Kim Cương 100 quyển Một bộ kinh Chính Pháp Luận 120 quyển Một bộ kinh Phật Bản Hạnh 800 quyển Một bộ kinh Ngũ Long 32 quyển
Một bộ kinh Bồ Tát Giới 116 quyển

Một bộ kinh Đại Tập 130 quyển

Một bộ kinh Ma Kiệt 350 quyển

Một bộ kinh Pháp Hoa 100 quyển Một bộ kinh Du Già 100 quyển Một bộ kinh Bảo Thường 220 quyển Một bộ kinh Tây Thiên Luận 130 quyển Một bộ kinh Tăng Kỳ 157 quyển
Một bộ kinh Phật Quốc Tạp 1950 quyển

Một bộ kinh Khởi Tín Luận 1000 quyển

Một bộ kinh Đại Trí Độ 1080 quyển Một bộ kinh Bảo Uy 1280 quyển Một bộ kinh Bản Các 850 quyển
Một bộ kinh Chính Luật Văn 200 quyển Một bộ kinh Đại Khổng Tước 220 quyển Một bộ kinh Duy Thức Luận 200 quyển Một bộ kinh Cụ Xá Luận 200 quyển
A Nan, Ca Diếp dẫn Đường Tăng xem khắp tên các bộ kinh một lượt, đoạn nói với Đường Tăng:

– Thánh Tăng từ phương Đông tới đây, chắc có chút lễ vật gì biếu chúng tôi chăng? Mau đưa ra đây, chúng tôi mới trao kinh cho.

Tam Tạng nghe xong nói:

– Đệ tử là Huyền Trang, vượt đường sá xa xôi, chẳng chuẩn bị được quà cáp gì cả.

Hai vị tôn giả cười nói:
– Hà! Hà! Tay trắng trao kinh truyền đời, người sau đến chết đói mất!

Hành Giả thấy bọn họ giở giọng xoay xở, không chịu trao kinh, thì nổi nóng nói:

– Sư phụ ạ, chúng ta đi thưa với Như Lai, bắt họ phải tận tay mang kinh tới cho chúng ta.

A Nan nói:

– Đừng làm ầm ĩ lên! Đây là nơi nào mà nhà ngươi dám càn rỡ điêu toa? Vào đây mà nhận kinh.

Bát Giới, Sa Tăng quen tính nhịn, khuyên can Hành Giả, rồi cùng quay vào lấy kinh, xếp từng quyển, từng quyển vào trong tay nải, đặt lên mình ngựa, lại xếp thành hai gánh cho Bát Giới và Sa Tăng gánh, đoạn thầy trò quay vào tòa báu cúi đầu tạ ơn Như Lai rồi đi thẳng ra cửa. Tại đây thầy trò gặp một vị Phật Tổ, bèn lạy hai lạy. Gặp một vị Bồ Tát cũng lạy hai lạy. Ra tới cửa lớn, lại cúi chào từ biệt các vị Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, rồi xuống núi ra thẳng đường cái. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện có vị Nhiên Đăng Cổ Phật đứng trên gác báu, nghe mang máng có chuyện truyền kinh, và biết rõ ràng bọn A Nan, Ca Diếp đưa cho những quyển kinh không có chữ, bèn cười thầm nói:

– Các nhà sư bên cõi Đông thổ u mê, chẳng biết đó là kinh không có chữ, thật là uổng phí cả công sức thánh tăng lặn lội!

Đoạn hỏi:

– Có ai ở bên tòa không?

Thấy Bạch Hùng tôn giả bước ra. Cổ Phật dặn dò:

– Ngươi hãy trổ hết thần uy, đuổi theo ngay bọn Đường Tăng, lấy lại những quyển kinh không có chữ ấy và bảo họ quay lại lấy
loại chân kinh có chữ.

Bạch Hùng tôn giả lập tức cưỡi trận cuồng phong, bay vèo ra ngoài cổng chùa Lôi Âm, trổ hết thần uy gây thành một trận gió dữ dội. Thật là:

Trận gió này:

Dũng sĩ đất Phật, Thần gió nào bằng. Thiên thần nổi giận, Ai nấy sợ xanh!

Cá rồng đều vỡ tổ, Sông biển sóng trào dâng. Vượn đen hái quả khó hiếm, Hạc vàng quay vội về rừng,
Phượng tía hót nghe thảm thiết.

Gà rừng eo óc buồn tênh. Cành tùng xanh tươi gãy gục, Hoa ưu bát đảm cánh tung.
Khóm trúc thân dài nghiêng ngả, Đài sen gió thổi rập rình.
Chuông gõ vang mãi tận trời xanh.
Bên bờ hoa lạ tàn đi cả, Cạnh lối cỏ kỳ héo rũ thân. Phượng tía không xòe cánh, Hươu trắng vội ẩn mình.

Thoang thoảng hương bay đầy vũ trụ,
Lâng lâng gió mát rộn trời xanh.

Bọn Đường Tăng đang đi, bỗng nghe thấy một trận gió thơm cuồn cuộn, biết là điềm lành của Phật Tổ, nên chẳng đề phòng. Lại nghe thấy một tiếng vang dội trên không trung, rồi một bàn tay thò xuống, nhẹ nhàng lấy đi tất cả những quyển kinh chất trên mình ngựa. Tam Tạng hốt hoảng ôm bụng kêu ầm ĩ, Bát Giới cắm cổ đuổi theo, Sa Hòa Thượng giữ chặt gánh kinh, Hành Giả cũng lập tức đuổi theo vun vút. Bạch Hùng tôn giả thấy Hành Giả đuổi tới gần, sợ cây gậy sắt của Hành Giả chẳng phân biệt, bất chấp hay dở nện chết thì sao, bèn vội vàng xé tung cả gói kinh vứt vung xuống đất. Hành Giả thấy bọc kinh bị đứt tung rơi xuống, lại bị trận gió thơm thổi bay tứ tung, bèn hạ mây bước xuống nhặt kinh, không đuổi theo nữa. Bạch Hùng tôn giả thu gió cất mù trở về tâu lại với Phật Tổ. Chuyện không nói nữa.

Bát Giới đuổi tới nơi thấy kinh rơi xuống đất, bèn cùng Hành
Giả nhặt nhạnh đặt lên lưng quay về gặp Đường Tăng. Đường
Tăng nước mắt chứa chan than thở:

– Đồ đệ ơi, ở cõi Cực Lạc mà cũng có ma dữ hãm hại sao?

Sa Tăng đỡ lấy những quyển kinh vừa nhặt lại, mở ra xem, thấy trắng phau như tuyết, không có một chữ nào, bèn vội vã đưa cho Đường Tăng, nói:

– Sư phụ ơi, những quyển này không có chữ.

Hành Giả cũng giở một quyển ra xem cũng thấy không có chữ. Bát Giới giở một quyển ra xem cũng thấy không có chữ. Tam Tạng bảo:

– Giở tất cả ra xem nào.

Khi giở ra thì thấy quyển nào cũng chỉ toàn là giấy trắng. Đường Tăng thở vắn than dài:

– Người phương Đông ta thật là vô phúc! Toàn những quyển không có chữ thế này thì dùng được việc gì? Còn mặt mũi nào nhìn mặt đức vua nữa! Cái tội khi quân ấy thực là đáng chết!

Hành Giả đã biết chuyện, bèn nói với Đường Tăng:

– Thôi đúng rồi sư phụ ạ. A Nan, Ca Diếp đòi chúng ta lễ vật. Chúng ta không có, nên trao cho chúng ta những bản không có chữ này đây. Ta mau trở lại thưa với Như Lai, hỏi họ về tội đòi ăn của đút.

Bát Giới làm ầm lên:

– Đúng! Đúng! Phải đi tố giác họ!
Bốn thầy trò lập cập quay lại, vội vã trèo lên chùa Lôi Âm. Chẳng mấy chốc thầy trò đã tới cửa chùa, thấy mọi người đã
đứng chắp tay đón tiếp, cười hỏi:

– Có phải thánh tăng quay lại đổi kinh không?

Tam Tạng gật đầu tạ ơn. Các vị Kim Cương cũng không ngăn
cản để thầy trò đi vào. Tới trước điện Đại Hùng, Hành Giả kêu ầm ĩ:

– Thưa Như Lai, thầy trò chúng con chịu đựng trăm cay nghìn đắng từ phương Đông xa xôi tới đây, đội ơn được Như Lai bằng lòng trao kinh cho. Thế mà A Nan, Ca Diếp vòi tiền không xong, hùa nhau làm bậy, cố ý trao cho chúng con những quyển kinh không có chữ, chúng con mang về dùng được việc gì! Mong Như Lai xét cho!

Phật Tổ cười nói:

– Nhà ngươi cứ bình tĩnh. Việc hai người vòi lễ các ngươi ta đã biết rồi. Có điều kinh cũng không phải trao cho một cách dễ dàng, không thể lấy không được. Trước kia các Tỳ Kheo thánh tăng xuống núi cũng đem kinh này tụng hết một lượt cho nhà trưởng giả họ Triệu ở nước Xá Vệ, giúp cho nhà ấy người sống yên ổn, kẻ chết siêu thoát, thế mà chỉ lấy có ba đấu ba bơ vàng cốm của họ mang về thôi. Ta còn bảo họ bán kinh rẻ quá, con cháu đời sau lấy tiền đâu mà tiêu. Nhà ngươi tay không đến cầu, nên họ mới trao cho những quyển trắng tinh. Quyển trắng tinh là chân kinh không chữ, cũng là những kinh hay. Các ngươi là chúng sinh ở cõi Đông u mê ngu tối, lẽ ra chỉ nên trao cho những thứ đó thôi.

Đoạn lại gọi:

– A Nan, Ca Diếp, mau đem những chân kinh có chữ, mỗi bộ chọn vài quyển trao cho họ rồi về đây báo lại.

Hai vị tôn giả lại đưa thầy trò tới dưới lầu ngọc gác tía, nhưng vẫn vòi Đường Tăng phải có chút lễ vật. Tam Tạng chẳng có vật gì dâng, đành bảo Sa Tăng mang ra chiếc bát tộ vàng, hai tay dâng lên nói:

– Đệ tử xa xôi bần hàn, không chuẩn bị được thứ lễ vật gì. Chỉ có chiếc bát này đích tay vua Đường ban cho, bảo đệ tử giữ lấy
dọc đường xin ăn. Nay xin kính dâng tỏ chút lòng thành, muốn xin tôn giả nhận cho. Chừng nào đệ tử về nước, tâu lên nhà vua, chắc chắn có hậu tạ. Chỉ mong tôn giả lấy chân kinh có chữ ban cho, kẻo lỡ mất lệnh vua sai và uổng công lặn lội xa xôi vất vả.

A Nan nhận lấy chiếc bát, tủm tỉm cười. Mấy vị lực sĩ trông coi lầu báu, mấy người nhà bếp, cùng mấy vị tôn giả trông coi gác báu, người vuốt mặt, kẻ vỗ lưng, xua tay, bỉu môi cười rộ lên nói:

– Không biết xấu hổ! Không biết xấu hổ! Vòi của đút của cả người đi lấy kinh!

A Nan ngượng ngùng mặt mũi nhăn nhúm, nhưng vẫn giữ chặt chiếc bát không rời. Ca Diếp mời thầy trò vào gác báu soạn kinh, từng quyển từng quyển trao cho Tam Tạng. Tam Tạng nói:

– Đồ đệ ơi, các con phải xem lại cẩn thận, đừng để như lần trước.

Ba người nhận quyển nào đều mở ra xem quyển ấy, thấy quyển nào cũng có chữ cả. Tất cả gồm năm nghìn bốn mươi tám quyển, là số một tạng kinh. Thầy trò gói ghém cẩn thận chất lên lưng ngựa. Số còn thừa xếp vào một gánh để Bát Giới gánh, Sa Tăng thì gánh hành lý, còn Hành Giả thì dắt ngựa. Đường Tăng chống cây gậy tích trượng, sửa lại chiếc mũ tỳ lư, vuốt lại chiếc áo cà sa gấm, tươi cười bước tới trước mặt đức Như Lai. Thực là:

Đại Tạng chân kinh vị ngọt ngào, Như Lai tạo tác nhiệm mầu sao. Mới hay Tam Tạng trèo non khổ,
Đáng trách A Nan hạch sách nhiều. Lúc trước chẳng tường nhờ Cổ Phật, Rồi sau thành thực mới tin nhau.
Từ đây thỏa chí về Đông Thổ, Mưa móc sinh linh được thấm sâu.
A Nan, Ca Diếp đưa Đường Tăng vào yết kiến Như Lai. Như Lai ngồi trên tòa sen, truyền cho hai vị đại la hán Hàng Long, Phục Hổ nổi khánh mây mời ba nghìn chư Phật, ba nghìn vị Yết Đế, tám vị Kim Cương, bốn vị Bồ Tát, năm trăm vị La Hán, tám trăm vị Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, cùng các vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, các trời các động, đất phúc núi linh, các vị thánh tăng, tôn giả lớn nhỏ tới dự đông đủ, có người được mời ngồi trên tòa báu, có người đứng hầu ở hai bên. Một lát sau, nhạc trời ngân nga, sáo tiên réo rắt, khắp trời mây lành quấn quýt, xa gần khí đẹp vờn quanh. Các chư Phật đã tới đông đủ, cúi lạy Như Lai. Như Lai hỏi:

– A Nan, Ca Diếp đã trao được bao nhiêu quyển kinh cho họ, kể lại từng quyển xem nào.

Hai vị tôn giả thưa:

– Hiện đã trao cho Đường Tăng:

Kinh Niết Bàn 400 quyển

Kinh Bồ Tát 360 quyển

Kinh Hư Không Tạng 20 quyển

Kinh Thủ Lăng Nghiêm 30 quyển Kinh An Ý đại tập 40 quyển Kinh Quyết Định 40 quyển
Kinh Bảo Tạng 20 quyển

Kinh Hoa Nghiêm 81 quyển Kinh Lễ Chân Như 30 quyển Kinh Đại Bát Nhã 600 quyển
Kinh Đại Quang Minh 50 quyển

Kinh Vị Tăng Hữu 550 quyển Kinh Duy Ma 30 quyển Kinh Tam Luật Biệt 42 quyển Kinh Kim Cương 1 quyển
Kinh Chính Pháp Luận 20 quyển Kinh Phật Bản Hạnh 116 quyển Kinh Ngũ Long 20 quyển
Kinh Bồ Tát Giới 60 quyển

Kinh Đại Tập 30 quyển Kinh Ma Kiệt 140 quyển Kinh Pháp Hoa 10 quyển
Kinh Du Già 30 quyển Kinh Bảo Thường 170 quyển Kinh Tây Thiên Luận 30 quyển
Kinh Tăng Kỳ 110 quyển

Kinh Phật Quốc Tạp 1638 quyển Kinh Khởi Tín Luận 50 quyển Kinh Đại Trí Độ 90 quyển
Kinh Bảo Uy 140 quyển Kinh Bản Các 56 quyển Kinh Chính Luật Văn 10 quyển
Kinh Đại Khổng Tước 14 quyển

Kinh Duy Thức Luận 10 quyển

Kinh Câu Xá Luận 10 quyển
Tổng số tạng là 35 bộ, chọn trong các bộ được năm nghìn linh bốn mươi tám quyển, trao cho thánh tăng cõi Đông Thổ mang về triều Đường. Hiện đã gói ghém gọn gàng xếp trên lưng ngựa và thành một gánh, chỉ chờ vào tạ ơn.

Bốn thầy trò buộc ngựa, đặt gánh, đoạn chắp tay ngước lên lễ. Như Lai nói với Đường Tăng:

– Công đức của những quyển kinh này không gì sánh nổi. Tuy là giới luật của cửa ta, nhưng cũng là nguồn dòng của tam giáo. Khi về tới Nam Thiệm Bộ Châu phải bảo cho hết thảy chúng sinh không được coi thường, phải tắm gội trai giới sạch sẽ mới được mở xem. Phải quý báu! Phải coi trọng! Bởi trong đó có phép màu đắc đạo thành tiên, có phương lạ phát minh biến hóa.

Tam Tạng dập đầu tạ ơn, vâng mệnh tuân theo, lại cúi lạy Phật Tổ ba lần như lần trước, kính cẩn chân thành, rồi lãnh kinh ra về. Đi tới tầng cửa chùa thứ ba, lại cúi lạy cảm tạ các thánh. Chuyện không nói nữa.

Như Lai cho phép Đường Tăng ra về rồi, bèn bãi hội trao kinh. Lúc ấy, Quan Thế Âm Bồ Tát đứng bên cạnh ra chắp tay thưa với Phật Tổ:

– Trước đây đệ tử vâng lệnh sang phương Đông tìm người lấy kinh, nay đã thành công, tính ra là mười bốn năm, gồm năm nghìn linh bốn mươi ngày, còn thiếu tám ngày mới hợp với số tạng, vậy cho phép đệ tử được tiếp tục vâng lệnh nốt.

Như Lai mừng lắm nói:

– Lời ấy đúng lắm, chuẩn y lời tâu.

Liền gọi tám vị Kim Cương đến dặn dò:

– Các ngài mau mau trổ hết thần uy, đưa thánh tăng về cõi Đông, truyền bá chân kinh, rồi đưa thánh tăng về cõi Tây ngay. Phải làm xong trong vòng tám ngày cho đủ số tạng, chớ có chậm
trễ.

Các vị Kim Cương lập tức đuổi theo Đường Tăng cất tiếng gọi:

– Các người lấy kinh hãy theo ta!

Bọn Đường Tăng thân thể nhẹ nhàng, phiêu diêu phơi phới, cưỡi mây bay theo các vị Kim Cương. Đó thực là:

Thấy tính sáng lòng chầu Phật Tổ

Công thành hành mãn được siêu thăng.

Cuối cùng không biết về phương Đông truyền thụ thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích:
[326] Nguyên văn: Trông thấy núi rồi còn phải chạy đổ ngựa