Vàng mang trả gây thành tai họa
Thánh hiện hồn cứu thoát cao tăng
Tạm gác chuyện thầy trò Đường Tăng trú mưa vất vả suốt đêm trong nhà Hoa Quang đổ nát lại. Giờ nói chuyện trong huyện thành quận Địa Linh, phủ Đồng Đài có một bọn hung đồ, bởi chơi bời rượu chè cờ bạc phá tán hết tài sản gia tư, chẳng còn cách nào kiếm sống, đành tụ họp nhau thành bọn vài chục đứa đi ăn cướp. Bọn chúng bàn tính với nhau xem trong thành nhà nào giàu nhất, giàu nhì sẽ tới ăn cướp lấy tiền tiêu. Trong bọn có tên nói:
– Chẳng cần phải dò la bàn bạc cũng biết chỉ có nhà Khấu viên ngoại hôm nay vừa đưa tiễn hòa thượng triều Đường là giàu nhất, bọn ta thừa lúc đêm nay mưa to, phố xá không phòng bị, lính canh chẳng đi tuần, tới đó khoắng một mẻ cướp hết gia tư rồi đi đánh bạc, chơi cô đầu thỏa thích không khoái hay sao?
Bọn cướp mừng lắm, bèn giắt đoản đao, vác gậy gộc, khoác thừng trói, đội mưa mò tới phá cửa nhà họ Khấu hò hét ồ vào định giết người cướp của. Người trong nhà sợ quá, già trẻ gái trai ai nấy bỏ trốn sạch. Cụ bà trốn dưới gầm giường, cụ ông nấp vào xó cửa. Khấu Lương, Khấu Đồng dắt vài người bà con thân thích trong nhà run sợ bỏ chạy tứ phía cầu thoát thân. Bọn cướp xách dao đốt đuốc, cậy tung hòm xiểng vơ hết vàng bạc châu báu, quần áo đồ dùng… Viên ngoại tiếc của, liều mạng chạy ra
cửa van xin bọn cướp:
– Các vị đại vương ơi, xin các vị lấy đủ dùng thôi, còn xin để lại cho già này vài thứ quần áo đồ dùng để già này phòng lúc lâm chung.
Bọn cướp chẳng thèm nói năng, xông tới ngay, đá một phát vào hạ bộ, viên ngoại ngã quay ra đất. Đáng thương thay! Thế là ba hồn phiêu diêu về âm phủ, bảy vía vật vờ biệt cõi đời! Bọn cướp lấy được của ra khỏi nhà Khấu Hồng, buộc thang dây vượt thành chuyển đồ ăn cướp ra bên ngoài, đang đêm đội mưa đi thẳng về hướng tây. Những người hầu trong nhà họ Khấu thấy bọn cướp đi rồi mới ló mặt ra xem xét, thấy lão viên ngoại đã chết gục trên đất, bèn khóc váng lên:
– Ối trời ơi, ông chủ nhà tôi chết rồi!
Mọi người gục xuống bên thi hài khóc lóc thảm thiết.
Vào khoảng canh tư, cụ bà nghĩ giận thầy trò Đường Tăng
không nhận sự cúng dâng cơm chay của mình, rồi do tống tiễn linh đình, nên mới gây nên nông nỗi này, bèn sinh lòng oán giận, muốn hãm hại bốn thầy trò. Cụ bà bèn đỡ lấy Khấu Lương nói:
– Con ơi, đừng khóc nữa. Cha con hôm nay nuôi sư, ngày mai nuôi sư, có ngờ đâu hôm nay đủ số viên mãn nuôi được một bọn tống tiễn cả mạng của mình!
Hai anh em nói:
– Mẹ ơi, sao lại là bọn sư tiễn mạng?
Bà mẹ nói:
– Bọn cướp hung tợn kéo vào nhà, mẹ sợ quá núp dưới gầm
giường run rẩy nhìn ra chỗ đèn sáng quan sát. Các con bảo bọn chúng là ai nào? Tên cầm đuốc là Đường Tăng, tên xách đao là Trư Bát Giới, tên vơ vét của cải là Sa Hòa Thượng, còn tên giết cha con chính là Tôn Hành Giả đó.
Hai người con nghe xong, cho là thực bèn nói:
– Mẹ đã nhìn thấy rõ ràng quả là không sai. Bốn tên ấy ở
trong nhà ta những nửa tháng trời, ắt quen thuộc mọi đường lối, ngóc ngách, cửa giả trong nhà, rồi thấy của động lòng tham, thừa lúc đêm khuya mưa gió quay trở lại cướp của giết người, độc ác làm sao! Đợi trời sáng, chúng con sẽ đệ đơn lên phủ đường kiện bọn chúng mới được.
Khấu Đồng hỏi:
– Đơn kiện viết thế nào? Khấu Lương đáp:
– Viết đúng như lời mẹ nói. Viết rằng: “Đường Tăng đốt đuốc,
Bát Giới hô giết người, Sa Hòa Thượng vét của cải, Tôn Hành
Giả giết cha mình”.
Cả nhà bàn tán xôn xao, chẳng mấy chốc trời đã sáng. Một mặt cho người đi mời họ hàng mua sắm quan tài, mặt khác anh em Khấu Lương lên phủ đệ đơn. Nguyên vị quan Thứ sử chánh đường phủ Đồng Đài là người:
Bình sinh chính trực, Ngay thẳng hiền lương,
Hồi trẻ tuổi chăm chỉ văn chương, Khi khôn lớn điện loan đối sách. Trung nghĩa giữ gìn một mực, Nhân từ lòng dạ thiết tha.
Tiếng thơm nức gần xa, Một viên tri phủ giỏi[325].
Bấy giờ quan tri phủ đang ngồi ở công đường, cắt đặt các
công việc đâu đấy, bèn sai khiêng cáo bài ra, anh em Khấu
Lương ôm bài bước vào quỳ xuống thưa:
– Bẩm quan lớn, chúng con tới kêu về việc kẻ cướp cướp của giết người.
Quan thứ sử nhận lấy tờ đơn xem một lượt như thế, như thế bèn hỏi:
– Hôm qua mọi người đồn rằng nhà các ngươi hiến chay sư tăng đã viên mãn dâng chay bốn vị cao tăng là những vị La Hán triều Đường tận phương Đông sang, đánh trồng thổi kèn tiễn đưa ầm ĩ linh đình, vậy làm sao lại có sự ấy?
Hai anh em Khấu Lương dập đầu thưa:
– Bẩm quan lớn, cha chúng con là Khấu Hồng, dâng cơm
chay nuôi các nhà sư đã hai mươi bốn năm. Vừa rồi có bốn vị cao tăng từ phương xa tới là đủ số một vạn nhà sư. Vì vậy cha chúng con làm lễ viên mãn, giữ họ ở lại nửa tháng, họ bèn để ý thuộc hết cửa giả ngõ ngách. Hôm qua nhà con tiễn họ đi, đêm tối họ quay trở lại, thừa lúc mưa gió đốt đuốc vác dao ập vào nhà cướp hết của cải gia tư, đồ dùng quần áo, lại đánh chết cả cha chúng con nữa. Muôn xin quan lớn làm phúc cho lũ dân đen.
Quan thứ sử nghe xong, lập tức điểm binh mã tinh nhuệ cùng bọn đinh tráng trương tuần gồm một trăm năm mươi người, vũ khí đầy đủ ra khỏi cửa tây đuổi bắt bọn Đường Tăng.
Lại nói chuyện thầy trò Đường Tăng trú mưa trong ngôi nhà đổ nát ở Hoa Quang hành viện cho tới khi trời sáng mới ra khỏi cửa, lên đường sang phương Tây. Vừa lúc ấy bọn cướp đêm qua ăn cướp ở nhà Khấu Hồng ra khỏi thành cũng tìm đường cái sang Tây. Bọn chúng đi miết cho tới khi trời sáng, vượt qua Hoa Quang hành viện về hướng Tây chừng hai mươi dặm, ẩn náu trong thung lũng chia nhau những thứ cướp được. Chia chưa xong, chợt thấy bốn thầy trò Đường Tăng thuận đường đi tới, bọn cướp lòng tham không đáy, bèn chỉ Đường Tăng quát:
– Đúng là bọn hòa thượng hôm qua được tiễn chân đây rồi. Bọn cướp ha hả cười nói:
– Thật đúng lúc! Thật đúng lúc! Bọn ta làm luôn cả món hời
có một không hai này nữa đi! Bọn hòa thượng này từ phương xa tới, nghỉ ở nhà Khấu Hồng đã lâu, ắt hẳn trong người giắt nhiều của quý, bọn ta ách luôn chúng lại, đòi tiền mãi lộ, cướp con ngựa bạch chia nhau, không khoái à?
Bọn cướp bèn lăm lăm dao gậy, hét vang một tiếng, xông ra giữa đường cái, dàn hàng ngang quát:
– Bọn hòa thượng kia chớ có chạy! Mau nộp tiền mãi lộ thì chúng ta tha chết cho, còn nếu hé răng nói nửa lời “không” thì cho mỗi đứa một dao không còn đường sống!
Đường Tăng sợ quá, ngồi trên mình ngựa run lẩy bẩy. Bát
Giới, Sa Tăng cũng hoảng hồn nói với Hành Giả:
– Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào bây giờ? Suốt đêm mưa to đã khổ cực, sáng ra lại gặp cướp chẹn đường. Đúng là “họa vô đơn chí”!
Hành Giả cười nói:
– Sư phụ đừng sợ, anh em chớ lo, để lão Tôn lên hỏi chúng
xem sao.
Đoạn Đại Thánh thắt lại chiếc quần da hổ, vuốt lại chiếc áo dài gấm, bước tới khoanh tay trước ngực hỏi:
– Các vị định giở trò gì nào?
Bọn cướp quát:
– Tên này không biết sợ chết, dám tới hỏi chúng ông hả? Nhà
ngươi dưới trán không có mắt hay sao mà không nhận ra các vị đại vương của nhà ngươi? Mau mau nộp tiền mãi lộ thì bọn ông tha cho đi!
Hành Giả nghe xong, khành khạch cười ngất nói:
– À, hóa ra các ngươi là bọn cướp chẹn đường! Bọn cướp nổi giận quát:
– Giết!
Hành Giả giả vờ sợ sệt nói:
– Thưa các đại vương, chúng tôi là hòa thượng ở chốn quê
mùa, không biết ăn nói, xúc phạm tới các ngài, mong các ngài đừng trách. Còn nếu như các muốn đòi tiền mãi lộ thì đừng hỏi ba người kia, chỉ cần hỏi mình tôi là đủ. Tôi giữ sổ sách. Phàm các khoản tiền kinh, tiền tiêu pha, cùng tiền được bố thí tôi đều cất cả trong tay nải này, toàn do tôi coi giữ. Người cưỡi ngựa kia tuy là sư phụ tôi, nhưng ông ta chỉ biết niệm kinh thôi, công việc chẳng quản, tài sắc đều quên, tiền thì chẳng có. Người mặt đen kia là loại hậu sinh, tôi thu nhận ở dọc đường, chỉ biết nuôi ngựa. Còn anh mõm dài là người ở công cho tôi, chỉ biết gánh đồ. Các ngài thả cho ba người ấy đi, bao nhiêu tiền nong, đồ vật tôi biếu các ngài hết.
Bọn cướp nghe xong, nói:
– Chú hòa thượng này cũng thật thà đây. Đã như vậy chúng
ông tha chết cho, nhưng phải bảo ba tên kia bỏ hành lý lại, chúng ông mới cho đi.
Hành Giả quay đầu đưa mắt ra hiệu, Sa Tăng bèn đặt gánh hành lý xuống, tay dắt cương ngựa cho sư phụ, cùng Bát Giới đi thẳng sang hướng tây. Hành Giả cúi đầu mở tay nải, bốc nắm cát ở dưới đất tung lên, miệng đọc thần chú, sử phép định thân quát một tiếng “im!”. Bọn cướp cả thảy gần ba mươi tên, tên nào tên ấy nghiến răng, trợn mắt, duỗi tay đứng im như phỗng, chẳng hề động đậy. Hành Giả nhảy ra đầu đường gọi:
– Sư phụ lại đây! Lại đây! Bát Giới hoảng hốt nói:
– Hỏng! Hỏng! Sư huynh khai chúng ta ra rồi! Hắn chẳng có
một đồng kẽm, trong tay nải một vẩy vàng cũng không, chắc hắn gọi sư phụ quay lại đòi ngựa, còn chúng ta thì lột lấy quần áo.
Sa Tăng cười nói:
– Anh hai chớ nói lăng nhăng! Anh cả là người tài giỏi, ma
thiêng quái dữ còn thu phục được, sợ gì mấy thằng cướp ranh! Anh ấy gọi chắc có chuyện gì đó, ta mau mau quay lại xem sao.
Tam Tạng nghe lời vui vẻ quay ngựa tới bên Hành Giả hỏi:
– Ngộ Không, có việc gì mà gọi quay lại? Hành Giả thưa:
– Sư phụ nhìn lũ cướp này thấy thế nào? Bát Giới tới gần ẩy chúng một cái, nói:
– Bọn cướp, tại sao chúng bay cứ đứng im như phỗng thế kia?
Bọn cướp vẫn cứ như vô tri vô giác chẳng nói chẳng rằng. Bát
Giới nói:
– Sao cứ ngây ra thế này? Hành Giả cười nói:
– Lão Tôn dùng phép định thân bắt chúng đứng im đấy.
Bát Giới nói:
– Đã định thân nhưng chưa định khẩu, tại sao chúng chẳng nói
năng được gì?
Hành Giả nói:
– Mời sư phụ xuống ngựa ngồi đây. Thường có câu: “chỉ có
bắt nhầm, không có tha nhầm”, mấy chú quật ngã chúng xuống, trói chúng lại, lấy khẩu cung từng đứa xem chúng là kẻ cướp mới hành nghề hay đã lõi đời.
Sa Tăng nói:
– Không có thừng.
Hành Giả bèn nhổ mấy sợi lông, thổi hơi tiên khí, biến thành
ba mươi sợi thừng, cả bọn ra tay quật ngã từng đứa trói dúm bốn chân tay lại, sau đó Hành Giả đọc thần chú giải phép, bọn cướp dần dần tỉnh lại.
Hành Giả mời Đường Tăng ngồi chỗ cao, ba người cầm binh khí, quát:
– Lũ giặc cỏ kia, bọn các ngươi có bao nhiêu thằng? Hành nghề đã mấy năm? Cướp được bao nhiêu của? Giết chết bao nhiêu người? Hay là mới phạm tội lần đầu, lần thứ hai, lần thứ ba?
Bọn cướp mở miệng van xin:
– Xin các ngài tha tội chết! Hành Giả quát:
– Không van xin, cứ khai ra cho thực! Bọn cướp nói:
– Thưa các ngài, chúng con không phải hạng quen nghề ăn
cướp, mà vốn là con nhà tử tế. Chỉ do bất tài, rượu chè cờ bạc, ham chơi gái, đến nỗi bán sạch cả cơ nghiệp tổ tiên, lâu nay chẳng làm lụng gì, lại không có tiền tiêu, dò la biết được nhà Khấu viên ngoại trong thành phủ Đồng Đài rất giàu có, hôm qua cả bọn bèn tụ tập, thừa lúc đêm tối trời mưa tới ăn cướp, lấy được một ít vàng bạc châu báu, mang vào trong thung lũng ở phía bắc con đường này chia nhau. Bỗng chúng con nhìn thấy các ngài đến, trong bọn có đứa nhận ra là những hòa thượng mà Khấu viên ngoại vừa mới tiễn chân, chắc trong người có giắt của cải, lại thấy gánh hành lý nặng, con ngựa bạch giống tốt, bèn động lòng tham vô đáy, xong tới chặn đường, có biết đâu các ngài phép lực thần thông, trói chặt chúng con, muôn xin các ngài mở lòng từ bi, thu lại những của cải ăn cướp, còn tha cho tính mạng chúng con.
Tam Tạng nghe nói là của cải ăn cướp ở nhà Khấu Hồng thì giật mình sợ hãi, vội vàng đứng dậy nói:
– Ngộ Không, Khấu viên ngoại là người rất mực hiền lành, làm sao lại xẩy ra tai họa như vậy?
Hành Giả cười nói:
– Chỉ vì khi tiễn chúng ta lên đường, viên ngoại lại bày ra đủ thứ, nào là phướn hoa lọng báu, đội trống phường kèn đập vào mắt người ta, vì vậy bọn cướp này mới kéo tới cướp. Nay may mắn gặp chúng ta mới lấy lại được mọi thứ của cải ăn cướp ấy đấy.
Tam Tạng nói:
– Chúng ta quấy nhiễu viên ngoại suốt nửa tháng, cảm kích ơn
sâu chưa biết lấy gì báo đáp, chẳng bằng mang những của cải này về trả cho viên ngoại, đó không phải là việc tốt hay sao?
Hành Giả nghe lời, cùng Bát Giới, Sa Tăng vào thung lũng thu nhặt tang vật đặt lên lưng ngựa. Lại sai Bát Giới gánh một gánh vàng bạc, Sa Tăng thì gánh hành lý, Hành Giả định nện một chập gậy giết chết sạch lũ cướp, nhưng lại sợ Đường Tăng trách là giết người, nên chỉ rùng mình, thu lại những sợi lông lên người. Bọn cướp được sổng chân tay, lồm cồm bò dậy, rồi rúc vào bờ bụi chạy trốn.
Thầy trò Đường Tăng quay trở lại mang trả của cải cho viên ngoại. Chuyến đi này chẳng khác nào thiêu thân bay vào lửa, gặp phải tai ương. Có bài thơ làm chứng rằng:
Ơn trả ơn thế gian hiếm có, Ơn nghĩa kia lại hóa oan cừu. Cứu người thoắt bỗng gặp tai,
Việc làm nghĩ kỹ ấy thời không lo.
Thầy trò Tam Tạng gánh của cải vàng bạc quay lại, đang đi
bỗng thấy đoàn người giáo gươm tua tủa đi tới. Tam Tạng cả sợ nói:
– Đồ đệ ơi, các con nhìn xem giáo gươm ầm ầm kéo tới thế kia là lành hay dữ?
Bát Giới nói:
– Tai vạ tới rồi! Tai vạ tới rồi! Bọn cướp vừa được tha đi nay
cầm binh khí kéo thêm người quay lại đánh chúng ta đó!
Sa Tăng nói:
– Anh hai ạ, đoàn người kéo tới kia không phải kẻ cướp đâu.
Anh cả thử nhìn kỹ xem sao.
Hành Giả thầm thì với Sa Tăng:
– Tai tinh lại chiếu vào sư phụ rồi. Chắc hẳn đây là quan quân
đi bắt cướp đấy.
Vừa dứt lời quan quân đã ập tới trước mặt, dàn thành vòng tròn vây chặt bốn thầy trò, quát:
– Lũ hòa thượng này giỏi nhỉ! Đã ăn cướp của cải nhà người lại còn nghênh ngang ở đây!
Đoạn xông vào lôi Đường Tăng xuống ngựa, lấy thừng trói nghiến lại, sau đó cũng trói luôn cả bọn Hành Giả xỏ vào đòn khiêng, cứ hai người khiêng một, dắt ngựa gánh đồ về thẳng phủ
thành. Chỉ thấy:
Đường Tam Tang, Run như cầy sấy,
Nước mắt nghẹn ngào
Trư Bát Giới, Càu nhà càu nhàu, Trong lòng oán thán. Sa Hòa Thượng, Buồn như chấu cắn, Suy nghĩ miên man.
Còn Tôn Ngộ Không, Cười khành khạch, Muốn khoe thủ đoạn.
Quan quân xúm vào khiêng đi, chẳng mấy chốc đã về tới phủ thành, giải hết cả lên công đường báo bẩm:
– Bẩm quan lớn, chúng con đã bắt được bọn cướp về đây rồi ạ.
Quan thứ sử ngồi ngay ngắn giữa công đường, ủy lạo quân sĩ,
kiểm lại tang vật, cho gọi nhà họ Khấu tới nhận, lại cho giải bọn
Tam Tạng vào sảnh đường hỏi tội:
– Bọn hòa thượng này mồm kêu là từ phương Đông xa xôi tới, sang phương Tây bái Phật cầu kinh, hóa ra là một bọn cướp bày đặt ra thế để dò xét đường đi lối lại trong nhà người ta rồi ăn cướp của cải!
Tam Tạng thưa:
– Xin đại nhân cho được nói: Bần tăng thực không phải là
cướp, không dám dối trá điều gì. Trong người hiện có tờ điệp văn đại nhân có thể soi xét. Chỉ nhân nhà Khấu viên ngoại hiến trai chúng tôi nửa tháng, tình cảm sâu nặng, dọc đường gặp bọn cướp, chúng tôi lấy lại được số của cải bọn chúng cướp được ở nhà họ Khấu, định quay lại mang trả nhà họ Khấu để báo ơn, không ngờ gặp quân lính vây bắt cho là kẻ cướp. Thực tình chúng tôi không phải là kẻ cướp, muốn xin đại nhân xét kỹ.
Quan thứ sử nói:
– Bọn các ngươi bị quan quân bắt được, lại khéo nói là báo
ơn. Nếu đã dọc đường gặp cướp, tại sao không bắt ngay lấy bọn chúng, vừa báo quan báo ơn một thể, tại sao lại trơ khấc chỉ có bốn người bọn các ngươi? Các ngươi xem, Khấu Lương đệ đơn kiện, viết rõ tên các ngươi, các ngươi còn dám chối cãi gì nữa!
Tam Tạng nghe xong, khác nào sấm đánh mang tai, hồn xiêu phách tán, cất tiếng gọi:
– Ngộ Không, sao con không thanh minh đi! Hành Giả nói:
– Tang vật rõ rành rành, còn thanh minh gì nữa! Quan thứ sử nói:
– Đúng! Tang vật vẫn kia, còn dám chối cãi à? Đoạn ra lệnh cho thủ hạ:
– Cầm sợi thòng lọng lại đây, thắt vào đầu tên đầu trọc kia rồi
hẵng đánh!
Hành Giả hốt hoảng, trong bụng nghĩ thầm:
– Sư phụ tuy mắc nạn này, nhưng không thể để sư phụ chịu
cực khổ quá nặng được.
Thấy bọn lính lệ nhặt những sợi dây tết thành thòng lọng, Hành Giả vội cất lời nói:
– Quan lớn đừng thắt thòng lọng vào đầu vị hòa thượng ấy. Đêm qua cướp nhà họ Khấu, đốt đuốc là tôi, cầm dao cũng là tôi, cướp của giết người cũng là tôi. Tôi là đầu sỏ bọn cướp, có đánh thì đánh tôi, chứ mấy người này không liên can gì, chỉ bắt tôi là đủ.
Quan thứ sử nghe vậy, bèn truyền lệnh:
– Hãy thắt thòng lọng vào đầu tên này trước!
Bọn lính lệ nhất tề ra tay, chụp sợi thòng lọng lên đầu Hành
Giả, rồi xiết chặt, sợi thòng lọng liền đứt phựt, cứ thế lại xiết lại đứt, đứt đến ba bốn chiếc thòng lọng mà da đầu Hành Giả chẳng có tì vết xước nào. Đang gọi đi tết chiếc thòng lọng khác, thì nghe thấy có người vào báo:
– Bẩm quan lớn, có ngài Trần Thiếu Bảo ở kinh đô tới, mời ngài ra ngoài thành đón tiếp.
Quan thứ sử liền lệnh cho viên quan phòng hình:
– Đem bọn cướp vào nhà lao, canh giữ cẩn thận, đợi ta đi đón
thượng quan xong, lại tiếp tục tra khảo chúng.
Quan phòng hình giải ngay bốn thầy trò vào nhà lao. Bát
Giới, Sa Tăng cũng gánh hành lý của mình đi theo.
Tam Tạng hỏi:
– Đồ đệ ơi, họ giải chúng ta đi đâu thế này? Hành Giả cười nói:
– Sư phụ cứ vào đi! Cứ vào đi! Ở đây không có chó sủa tha hồ
vui chơi.
Thương hại thay bốn thầy trò bước vào, ai nấy bị ẩy vào một xó cũi, bị đá thốc vào bụng, đấm vào mặt, vào lưng. Những tên cai ngục đánh đấm họ túi bụi.
Tam Tạng đau đớn quá không chịu nổi, cất lời than:
– Ngộ Không ơi, biết làm sao bây giờ? Hành Giả thưa:
– Chúng đánh là vòi tiền đấy! Thường có câu “Chỗ tốt yên
thân, chỗ khổ đút tiền”. Nay thì cho chúng ít tiền là êm thôi.
Tam Tạng nói:
– Chúng ta làm gì có tiền? Hành Giả nói:
– Không có tiền thì quần áo cũng được. Mang chiếc cà sa cho
bọn chúng là xong.
Tam Tạng nghe thấy thế khác nào như dao cắt ruột nhưng qua một hồi bị đánh đau hết chịu nổi, đành mở miệng nói:
– Ngộ Không ơi, tùy con vậy. Hành Giả bèn gọi:
– Các ngài trưởng quan ơi, đừng đánh nữa. Trong hai cái tay
nải nơi gánh hành lý của chúng tôi có tấm áo cà sa gấm đáng giá nghìn vàng, các ngài cởi ra mà lấy.
Bọn canh ngục nghe nói, bèn ra tay ngay, cởi hai chiếc tay nải ra xem xét, thấy có mấy tấm áo vải, mấy chiếc túi, chẳng đáng giá là bao. Bỗng lại thấy một bọc được gói bằng mấy lớp giấy nến, hào quang chói lọi, biết là vật quý, bọn canh ngục bèn mở
ra xem. Chỉ thấy:
Ngọc minh châu tuyệt đẹp Áo Phật diệu kỳ thay Thêu rồng lượn trời mây
Viền phượng dập dờn múa.
Mọi người xúm vào xem làm kinh động ngục quan bản ty. Viên quan bước tới quát:
– Các ngươi làm gì mà ồn ào thế? Bọn canh ngục quỳ xuống thưa:
– Thưa ngài, quan lớn vừa mới xử kiện, tống giam bốn vị hòa
thượng kẻ cướp. Bọn chúng bị chúng tôi đánh đau mấy trận, bèn đút lót hai chiếc tay nải. Chúng tôi mở ra xem, nhìn thấy vật này, chưa biết khu xử thế nào. Nếu phá ra chia nhau thì thực phí quá. Còn chia hẳn cho một người thì người khác không được tí gì. May quá có ngài tới, mời ngài phân xử hộ.
Ngục quan nhận ra đó là tấm áo cà sa, đoạn lại giở tung xem xét các loại quần áo, và lục soát lại toàn bộ chiếc túi. Viên ngục quan giở cả tờ điệp văn ra xem, thấy có đóng dấu triện báu của nhiều nước, bèn nói:
– May mà ta đến kịp xem xét. Nếu không, các ngươi làm hỏng việc mất. Mấy vị hòa thượng này không phải là bọn cướp, chớ
có động vào quần áo của họ. Đợi sáng mai quan lớn thẩm tra lại mới biết rõ hư thực.
Đám canh ngục nghe xong, gói lại cẩn thận trao cho viên ngục quan cất giữ.
Chẳng mấy chốc trời đã tối, tiếng trống canh trên thành lầu đã kiểm, trương tuần đã đi tuần. Vào khoảng canh tư ba khắc, Hành Giả thấy xung quanh im ắng, mọi người đã ngủ say, bèn nghĩ thầm:
– Sư phụ số phải chịu tai nạn ngồi tù đêm nay. Lão Tôn không mở mồm thanh minh, không thi thố pháp lực, cũng chỉ vì thế. Bây giờ đã là canh tư, tai nạn sắp qua khỏi, ta phải đi chuẩn bị trước, đợi trời sáng, ra khỏi nhà lao.
Đoạn Hành Giả thi thố tài nghệ, thu người nhỏ lại, chui ra khỏi cũi, lắc mình một cái, biến thành một con côn trùng, lách qua khe mái ngói chui ra ngoài, thấy trăng sao vằng vặc, trời đêm trong sáng. Hành Giả nhận ra phương hướng bay thẳng về phía nhà họ Khấu, thấy phố xá ở mạn này đèn lửa sáng rực, vội bay tới cửa xem xét, hóa ra là một nhà làm đậu phụ, thấy một cụ ông đang đun bếp, cụ bà thì vắt đậu. Cụ ông bỗng cất tiếng nói:
– Này bà ạ, quan lớn họ Khấu là người vừa có của vừa có con, chỉ có điều là chẳng được thọ. Thuở nhỏ, tôi và ông ấy cùng đi học với nhau, tôi hơn ông ta năm tuổi. Bố ông ấy là Khấu Minh, bấy giờ có tới nghìn mẫu ruộng, phát canh thu tô, thu lợi quá đáng. Năm hai mươi tuổi, cụ Minh mất. Ông ấy nắm cả cơ nghiệp, nhưng thực ra ông ấy cũng gặp vận may. Lấy vợ là con gái ông Trương Vượng, lúc ở nhà gọi là cô Xuyên Châm. Cô này cũng có số vượng phu. Từ ngày về nhà chồng, cày cấy càng
bội thu, tô tức càng nẩy nở, buôn bán cái gì cũng có lãi, làm ăn gì cũng ra tiền, dần dà gia tư cũng tới ức vạn. Tới năm bốn mươi tuổi, ông ấy lại hồi tâm làm thiện, nuôi cơm một vạn nhà sư, thế mà không ngờ đêm qua bị bọn cướp đá chết, thật đáng thương. Năm nay ống ấy sáu mươi tư tuổi, đang độ sung sướng. Ai ngờ những người lương thiện chẳng được gặp may, lại chết oan chết uổng như thế. Đáng thương lắm! Đáng thương lắm!
Hành Giả nghe rõ đầu đuôi, lúc ấy khoảng canh năm, bèn bay ngay vào nhà họ Khấu, thấy quan tài đã đặt ở giữa nhà. Trước quan tài có đặt đèn hương hoa quả, cụ bà ngồi bên cạnh khóc sụt sịt, hai cậu con trai vừa lạy vừa khóc, hai người con dâu đặt lên hai bát cơm cúng. Hành Giả đậu trên quan tài hắt hơi một tiếng, hai cô con dâu sợ quá, ba chân bốn cẳng chạy biến ra ngoài. Anh em Khấu Lương cứ gục mặt xuống đất chẳng dám cựa quậy, chỉ khóc lóc:
– Ới cha ơi, hu! hu! hu!…
Bà cụ mạnh dạn vỗ tay vào quan tài nói:
– Ông viên ngoại ơi, ông sống lại đấy ư? Hành Giả bắt chước tiếng viên ngoại nói:
– Tôi không sống lại được đâu.
Hai người con trai sợ giật thót, dập đầu lia lịa nước mắt ròng
ròng, cất tiếng khóc:
– Ới cha ơi! Hu! Hu! Hu!…
Bà cụ lại đánh bạo hỏi:
– Ông viên ngoại ơi, ông không sống lại sao lại nói được? Hành Giả đáp:
– Ta được Diêm Vương sai quỷ sứ đưa ta về bảo cho mọi
người biết rằng: “Chính mụ Xuyên Châm họ Trương kia ăn gian nói dối hãm hại người vô tội”.
Bà cụ nghe thấy gọi đúng tên tục lúc nhỏ của mình thì sợ quá, quỳ xuống dập đầu nói:
– Ới ông già ơi! Tôi ngần này tuổi đầu mà còn gọi tên tục ngày còn bé của tôi ra sao? Tôi đâu có ăn gian nói dối, hãm hại ai vô tội?
Hành Giả quát:
– Làm gì có “Đường Tăng đốt đuốc, Bát Giới gọi chết người,
Sa Tăng cướp vàng bạc, Hành Giả giết chết cha các ngươi”? Chỉ vì mụ mà khiến cho người ngay gặp nạn. Bốn vị trưởng lão triều Đường đi đường gặp cướp, đã lấy lại của cải mang về trả ta để tạ ơn, hảo ý biết chừng nào! Mụ lại vu oan giá họa, sai con làm đơn đệ lên quan. Quan phủ lại không xét kỹ, bắt người ta giam vào ngục. Thần ngục, thổ địa, thành hoàng đều cuống cả lên đứng ngồi không yên, đi báo cho Diêm Vương biết. Diêm Vương sai quỷ sứ áp giải ta về nhà, báo các ngươi mau mau đi giải cứu cho người ta. Nếu không, Diêm Vương sai ta về nhà quấy nhiễu một tháng, mọi người già trẻ gái trai cùng gia súc trong nhà, ta sẽ bắt đi không còn một mống!
Hai anh em Khấu Lương lại dập đầu van xin:
– Cha ơi, xin mời cha về, nhưng chớ hãm hại mọi người già
trẻ trong nhà. Đợi khi trời sáng, chúng con sẽ tới bản phủ đệ đơn xin tha họ, rút đơn kiện về, cốt mong sao kẻ sống người chết đều được yên ổn.
Hành Giả nghe xong, nói:
– Đốt sắc đi để ta đi đây!
Cả nhà vội vàng đốt tiền giấy.
Hành Giả đập cánh bay đi, bay thẳng vào tận chỗ ở của quan
thứ sử, cúi đầu xem xét, thấy trong phòng đã sáng ánh đèn, quan thứ sử đã trở dậy. Hành Giả bèn lại bay vào gian giữa quan sát, thấy trên bức tường sau gian giữa có treo một bức tranh, vẽ một vị quan cưỡi ngựa, vài người theo hầu vác một cây lọng xanh, cắp một chiếc ghế xếp, chẳng biết vẽ tích gì, bèn đậu ngay vào giữa. Bỗng thấy quan thứ sử từ trong phòng ngủ bước ra, cúi người chải đầu. Hành Giả thình lình hắt hơi một tiếng rất to, quan thứ sử sợ quá cuống quýt chạy vội vào phòng trong. Rửa mặt chải đầu, mặc quần áo xong, quan thứ sử trở ra thắp hương khấn khứa trước bức tranh:
– Kính lạy vong hồn bác Khương Công Càn Nhất, cháu hiếu là Khương Khôn Tam đội ơn âm đức tổ tiên thi đỗ khoa bảng, nay được bổ làm quan thứ sử phủ Đồng Đài, sớm tối thờ phụng hương khói, không hiểu tại sao hôm nay bác lại lên tiếng. Xin bác đừng để mọi người trong nhà phải sợ hãi.
Hành Giả cười thầm nghĩ bụng:
– À, té ra đây là bài vị bác hắn. Đoạn ra vẻ trang nghiêm nói:
– Cháu Khôn Tam kia! Cháu làm quan tuy được thừa hưởng
phúc ấm tổ tiên, giữ gìn trong sạch, thế mà tại sao hôm qua ngu tối, nhầm lẫn cho bốn vị thánh tăng là cướp. Rồi chỉ thẩm vấn tra hỏi qua loa, nhốt người ta vào ngục, khiến cho thần ngục, thổ địa, thành hoàng lo sợ, đi tâu báo Diêm Vương, Diêm Vương sai quỷ sứ áp giải ta về nói với cháu, bảo cháu phải xét thấu tình đạt lý, mau mau thả người ta ra. Nếu không sẽ bắt cháu phải xuống âm ty đối chứng.
Quan thứ sử nghe xong, trong lòng sợ hãi nói:
– Xin vong linh bác cứ ra về, chừng nào cháu ra công đường
sẽ tha họ ra ngay.
Hành Giả nói:
– Đã như vậy thì đốt giấy đi, để ta về tâu lại Diêm Vương. Quan thứ sử vội vàng thắp hương đốt giấy tiền lạy tạ.
Hành Giả lại quay trở ra xem xét, thấy phương Đông trời đã
sáng, bèn bay ngay về huyện Địa Linh, thấy các quan đã tề tựu đông đủ tại công đường. Hành Giả nghĩ:
– Côn trùng nói được, người ta nhìn thấy, sẽ lộ chân tướng, hỏng việc mất.
Bèn bay lên giữa không trung, đổi pháp thân, thò một chân xuống, giẫm lung tung giữa công đường cất tiếng gọi:
– Các quan nghe đây: Ta là Lãng Đãng Du Thần do Thượng Đế sai xuống, nói cho các ngươi biết là bọn canh ngục đánh đập con Phật đi lấy kinh, làm kinh động cả các thần trong ba cõi. Thượng Đế sai ta xuống bảo các ngươi phải thả họ ra ngay. Nếu chậm trễ, ta sẽ thả nốt chân nữa, trước đá chết hết các quan trong toàn phủ huyện, sau đá chết tất cả dân chúng, và đạp đổ thành trì thành tro bụi!
Quan lại trong huyện sợ quá, ai nấy quỳ mọp xuống, dập đầu
van lạy:
– Xin thượng thánh cứ về. Hôm nay chúng tôi vào phủ bẩm
lên quan phủ thả ngay họ ra. Muôn xin thượng thánh đừng giẫm chân, hạ quan chúng tôi sợ chết khiếp.
Hành Giả bèn thu pháp thân lại, chui qua khe ngõ, bay vào nhà giam, bò vào cũi ngủ như cũ.
Lại nói chuyện quan thứ sử trời sáng ra công đường, vừa khiêng tấm bài đựng đơn ra, đã thấy anh em Khấu Lương bưng bài vào quỳ trước cửa kêu van. Quan thứ sử cho gọi vào. Hai người đệ tờ đơn xin rút đơn kiện trước. Quan thứ sử xem xong nổi giận quát:
– Hôm qua các ngươi vừa phát đơn kiện, ta đã cho đi bắt bọn cướp về, tang vật cũng đã trả cho các ngươi, tại sao hôm nay lại đệ đơn xin thôi kiện?
Hai người nước mắt ròng ròng thưa:
– Bẩm quan lớn, đêm qua cha chúng con hiện hồn về nói:
“Thánh tăng triều Đường bắt được bọn cướp thu lại của cải, tha cho lũ cướp, lại có lòng tốt trả lại nhà ta của cải để báo ơn. Thế mà tại sao các ngươi lại vu cho họ là ăn cướp, bắt giam vào ngục chịu nhục hình? Thổ địa, thành hoàng trong ngục lo sợ tâu cho Diêm Vương biết. Diêm Vương sai quỷ sứ áp giải ta về bảo cho các ngươi phải tới phủ đường thưa lại, xin thả Đường Tăng ra, thì may ra thoát nạn. Nếu không già trẻ trong nhà sẽ chết hết”. Vì vậy, hôm nay chúng con đệ đơn xin thôi kiện, muôn xin quan lớn rủ lòng thương giúp đỡ.
Quan thứ sử nghe nói như vậy, nghĩ thầm rằng:
– Cha hắn vừa chết xác hãy còn ấm, ma mới hiện hồn báo ứng
còn có lý, chứ bác ta chết đã năm sáu năm nay, mà đêm qua cũng hiện hồn về bảo ta tra xét lại tha cho họ là cớ sao nhỉ?… Vậy xem ra chắc hẳn là bọn họ bị oan uổng rồi.
Đang lúc băn khoăn, bỗng thấy quan tri huyện và các quan ở huyện Địa Linh ập vào công đường nói cuống quýt:
– Bẩm quan lớn, hỏng rồi! Hỏng rồi! Vừa rồi Thượng Đế sai Lãng Đãng Du Thần xuống hạ giới, bảo ngài phải thả ngay người tốt bị giam trong ngục. Mấy hòa thượng bị bắt hôm qua không phải là kẻ cướp, mà là những Phật tử đi lấy kinh. Nếu chậm trễ, thì sẽ đá chết tất cả quan viên chúng tôi, lại còn đá chết trăm họ và đạp đổ thành trì ra tro bụi nữa.
Quan thứ sử càng sợ hãi tái mặt, gọi ngay quan hình phòng hỏa tốc mang thẻ bài tới nhà lao thả ngay thầy trò Tam Tạng. Bát Giới phát sầu cả người nói:
– Hôm nay không biết họ lại tra tấn kiểu nào đây? Hành Giả cười nói:
– Một roi họ cũng chẳng dám đánh chúng ta. Lão Tôn đã lo
liệu đâu vào đấy cả rồi. Đến công đường không những không phải quỳ, mà còn được họ mời chúng ta ngồi trên nữa ấy chứ. Hơn nữa tôi còn hỏi đòi họ hành lý, con ngựa, thiếu thứ nào, tôi còn nện cho một trận.
Vừa dứt lời, thầy trò đã được đưa tới công đường. Quan thứ sử, quan tri huyện, và đông đủ quan viên trong phủ huyện vừa nhìn thấy thầy trò Đường Tăng đã vội vã bước xuống nghênh đón nói:
– Hôm qua khi thánh tăng tới nơi, một là chúng tôi bận đi đón
quan trên, hai là thấy cả tang vật, nên chưa kịp tra xét kỹ càng cho rõ đầu đuôi…
Đường Tăng chắp tay cúi người, đem chuyện trước kể hết một lượt, mọi người không ngớt thán phục nói:
– Chúng tôi trót lầm lỡ, xin thứ lỗi! Thứ lỗi!
Lại hỏi ở trong ngục thầy trò có bị mất mát gì không. Hành
Giả bước tới trừng mắt, dõng dạc nói:
– Con ngựa bạch của tôi bị người của thượng quan bắt mất, hành lý thì bị lính canh ngục cướp đi, mau mau trả lại cho chúng tôi. Hôm nay mới là ngày tôi bạch tội lại các người đây! Vu cho người ngay là cướp thì mắc tội gì?
Các quan phủ huyện thấy Hành Giả tức giận, ai nấy sợ hãi, vội cho gọi ai giữ ngựa, ai cầm hành lý phải mang đến ngay. Mọi thứ nhất nhất được trao lại đầy đủ. Bọn Hành Giả đều tỏ vẻ giận dữ. Các quan đành phải lôi nhà họ Khấu ra làm cớ che đỡ. Tam Tạng khuyên giải nói:
– Đồ đệ ơi, vẫn chưa hẳn minh bạch đâu. Ta hãy tới nhà họ Khấu, một là để thăm viếng, hai là cùng họ đối chứng, hỏi cho ra người nào thấy chúng ta ăn cướp.
Hành Giả nói:
– Đúng. Để lão Tôn gọi người chết dậy hỏi xem bị người nào
đánh chết.
Sa Tăng đỡ Đường Tăng lên ngựa, quát tháo ầm ỹ, cả bọn kéo
ra. Các quan trong phủ huyện đi theo cùng tới nhà họ Khấu. Anh em Khấu Lương sợ quá đứng trước cửa dập đầu lạy lia lịa mời vào trong nhà. Mọi người trong nhà đang đứng bên màn khóc lóc ầm ỹ. Hành Giả đáp:
– Cái mụ già ăn gian nói dối hãm hại người ngay kia, đừng khóc nữa, để lão Tôn gọi ông cụ dậy xem cụ nói rõ bị ai đánh chết, cho mụ xấu hổ một trận!
Các quan ai cũng cho là Hành Giả nói cho vui mà thôi. Hành
Giả nói:
– Thưa các vị đại nhân, các vị hãy ngồi chơi với sư phụ tôi một lát. Bát Giới, Sa Tăng bảo vệ sư phụ cẩn thận để tôi đi một chuyến.
Đoạn Đại Thánh bước ra ngoài cửa, nhảy vút lên không trung. Chỉ thấy ráng đẹp mông lung trùm đất rộng, hào quang rực rỡ đỡ thiên thần. Bấy giờ mọi người mới nhận ra đó là vị tiên đi mây về gió, bậc thánh cải tử hoàn sinh. Ai nấy thắp hương khấn vái sì sụp. Chuyện không nói nữa.
Lại nói chuyện Đại Thánh dùng phép cân đẩu vân tới thẳng địa giới cõi u minh, xồng xộc vào trong điện Sâm La. Đã thấy:
Mười vị Diêm Vương tay chắp, Năm phương quỷ phán dập đầu. Nghìn cây kiếm nhọn cúi chào,
Muôn dãy đao to nghiêng đón. Thành Uổng Tử ma kia hiển hiện, Chân cầu Nại Hà quỷ nọ siêu sinh. Khắp một vùng rực ánh thần quang, U ám âm ty bừng sáng sủa.
Mười vị Diêm Vương đón tiếp Đại Thánh. Làm lễ tương kiến
xong, Diêm Vương hỏi Đại Thánh xuống có việc gì.
Hành Giả đáp:
– Con ma Khấu Hồng nuôi sư ở huyện Địa Linh, phủ Đồng
Đài ai bắt, mau mau đi tìm trả lại cho tôi ngay.
Mười vị Diêm Vương nói:
– Thiện sĩ Khấu Hồng chưa hề bị quỷ sứ câu hồn. Ông ta tự
tới đây, gặp Kim Y Đồng tử của Địa Tạng Vương, cậu ấy dẫn ông ta đến yết kiến Địa Tạng Vương rồi.
Hành Giả vội vã chia tay mười vị Diêm Vương, tới thẳng cung Thúy Vân gặp Địa Tạng Vương Bồ Tát. Hành Giả hỏi Bồ Tát xong, bèn thưa hết chuyện.
Bồ Tát vui vẻ nói:
– Tuổi thọ của Khấu Hồng vừa tới ngày hết. Khi mệnh chung,
không bận giường chiếu, lìa đời đi luôn. Ta thấy hắn là người thiện sĩ, nuôi nấng sư tăng, bèn thu nhận hắn làm người trưởng án giữ sổ thiện duyên. Nay Đại Thánh tới xin, ta bằng lòng cho hắn thọ thêm một giáp nữa, và bảo hắn về theo Đại Thánh luôn thể.
Kim Y đồng tử vâng lệnh đưa Khấu Hồng ra. Khấu Hồng vừa nhìn thấy Hành Giả đã rối rít van xin:
– Lão sư! Lão sư! Cứu tôi với! Hành Giả nói:
– Ông bị bọn cướp đá chết. Nơi đây là cung điện của Địa
Tạng Vương dưới âm ty. Tôi tới đây đưa ông về dương thế làm rõ chuyện này. Đội ơn Bồ Tát tha cho về, lại ban cho thọ thêm một giáp nữa, mười hai năm sau, ông lại về đây.
Viên ngoại cúi đầu tạ ơn mãi không thôi.
Hành Giả vái chào từ biệt Bồ Tát, thổi hồn Khấu Hồng hóa
thành hơi, bỏ vào ống tay áo, rời âm phủ trở về dương gian. Cưỡi mây một thoáng đã tới nhà họ Khấu. Hành Giả gọi Bát Giới mở nắp áo quan, trả linh hồn nhập vào thể xác. Một lát, Khấu Hồng thấm hơi sống lại, bò ra khỏi áo quan, dập đầu lạy bốn thầy trò Đường Tăng, nói:
– Sư phụ ơi, Khấu Hồng này bị chết bất đắc kỳ tử, đội ơn sư phụ xuống âm ty cứu sống, khác nào ơn tái tạo!
Nói rồi cảm tạ khôn xiết. Kịp khi quay đầu lại nhìn thấy các quan đứng cả đó, lại vội vàng dập đầu nói:
– Các vị quan lớn đến nhà tôi chắc có việc gì? Quan thứ sử nói:
– Các con ông lúc đầu đệ đơn kiện, ghi rõ tên, tố giác thánh
tăng này là cướp của giết người. Ta lập tức sai quân đi bắt. Không ngờ thánh tăng dọc đường gặp bọn cướp của giết người ở nhà ông, bèn lấy lại của cải mang trả cho nhà ông. Lính của ta bắt nhầm. Thêm nỗi ta cũng chưa xét kỹ, tống luôn vào ngục giam. Đêm qua ông hiện hồn về, bác ta cũng hiện hồn về trách móc. Lại thêm có Lãng Đãng Du Thần cũng giáng lâm chỉ giáo cho nữa. Một lúc mà có bao nhiêu việc hiển ứng. Vì vậy ta phải thả ngay thánh tăng. Còn vị thánh tăng này vừa đi cứu sống ông về đấy.
Viên ngoại quỳ xuống nói:
– Bẩm quan lớn, kỳ thực thật oan uổng cho bốn vị thánh tăng
này quá! Đêm ấy hơn ba mươi tên cướp, đốt đuốc vác dao xông vào nhà tôi cướp của. Tôi tiếc của, chạy ra van xin lũ cướp, bất ngờ bị chúng đá cho một cái chết ngay lập tức. Nào có liên can gì đến bốn vị này đâu!
Đoạn gọi vợ con lại nói:
– Kẻ cướp đá chết ta, các ngươi lại dám hùa nhau nói dối nói
càn vu cáo là cớ sao? Xin quan lớn định tội xét xử cho.
Lúc ấy mọi người già trẻ trong nhà đều dập đầu van xin. Quan thứ sử khoan dung cũng tha tội cho.
Khấu Hồng sai sửa soạn yến tiệc khoản đãi cảm ơn sâu của quan phủ. Nhưng mọi người đều chối từ trở về công đường.
Ngày hôm sau, Khấu Hồng lại treo biển nuôi sư, lại giữ thầy trò Tam Tạng ở lại khoản đãi, Tam Tạng nhất quyết không chịu. Khấu Hồng đành phải đi mời bạn bè thân thích sắm sửa cờ phướn tiễn đưa thầy trò như lần trước. Chà, như thế mới thật là:
Đất rộng nào ngờ còn việc ác, Trời cao đâu nỡ phụ người ngay.
Như Lai đường rộng thung dung bước, Thẳng tới Linh Sơn cõi phúc dày.
Cuối cùng không biết việc gặp Phật sẽ như thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.
Chú thích:
[325] Nguyên bản nêu tên bốn viên tri phủ giỏi đời Hán là Cung Toại, Hoàng Bá, Trác Mậu, Lỗ Cung để so sánh.
Chúng tôi lược bớt (N. D).