Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ chín mươi sáu

Khấu viên ngoại mừng đãi cao tăng
Đường trưởng lão không màng phú quý

Sắc sắc vốn không sắc, 
Không không cũng chẳng không. 
Lặng thinh cất tiếng vốn vẫn đồng, 
Trong mộng mệt nhoài nói mộng. 
Hữu dụng: vô dụng trọng dụng,
Vô công: công ấy nên công. 
Kìa kìa quả chín tự nhiên hồng, 
Chớ hỏi làm sao trồng cấy.

Lại nói chuyện thầy trò Đường Tăng trổ pháp lực ngăn không cho các nhà sư chùa Bố Kim đi tiễn. Các nhà sư thấy gió thổi mù mịt, không trông thấy thầy trò Đường Tăng đâu cả, cho là Phật sống giáng phàm, chỉ dập đầu lạy rồi quay về, chuyện không nói nữa. Còn thầy trò thì tiếp tục lên đường sang phương Tây, chính là lúc xuân qua hè đến. Chỉ thấy:

Gió ấm trời trong vắt, Sen thắm nở ao đầm.
Mơ – mưa rơi chín vàng, Mạch – gió vờn tươi tốt.
Cỏ thơm hoa tàn lụi, Oanh già liễu phất phơ. Nhạn sông bạn nghêu sò, Gà rừng vang tiếng gáy.

Nói sao hết chuyện ngày đi đêm nghỉ, lội suối băng đèo, đi
đường bình yên vô sự, quãng hơn nửa tháng, bỗng thầy trò lại nhìn thấy xa xa một dãy tường thành. Tam Tạng hỏi:

– Đồ đệ ơi, đây lại là vùng nào nhỉ? Hành Giả thưa:
– Con không biết. Con không biết. Bát Giới cười nói:
– Đường này anh đã đi qua, tại sao lại bảo không biết! Hay lại
có chuyện gì quanh co nên cố ý giả vờ là không biết cợt chúng
tôi chăng?

Hành Giả nói:

– Chú ngốc chẳng hiểu quái gì cả! Đường này tuy tôi đã đi
qua mấy lần thật, nhưng ngày ấy chỉ cưỡi mây bay trên chín tầng không, đâu có đi dưới đất mà biết? Vả lại việc chẳng có liên quan, để ý làm gì, cho nên không biết thật, đâu có điều gì quanh co, bỡn cợt chú làm gì.

Mải trò chuyện, bất giác thầy trò đã đi tới chân thành. Tam Tạng xuống ngựa, bước qua cầu treo vào trong cổng. Trên phố dài chỉ nhìn thấy hai ông cụ già ngồi trò chuyện dưới mái hiên. Tam Tạng nói:

– Đồ đệ này, các con cứ đứng nguyên dưới lòng đường này, cúi gằm mặt xuống, chớ có buông tuồng, để ta vào mái hiên kia hỏi thăm cái đã.

Bọn Hành Giả vâng lời đứng lại. Tam Tạng bước tới gần chắp tay nói:

– Thưa cụ, bần tăng xin có lời chào.

Hai cụ già đang ngồi nói chuyện phiếm về những việc hưng
vong đắc thất, ai thánh ai hiền, sự nghiệp của anh hùng thuở trước nay còn đâu, đoạn thở dài buồn bã, bỗng nghe tiếng chào, bèn tiện mồm hỏi:

– Trưởng lão định hỏi gì? Tam Tạng thưa:

– Bần tăng từ phương xa tới đây bái Phật cầu kinh, hôm nay
tới quý xứ ta, không biết tên gọi là gì ạ? Và xin hỏi chỗ nào có những nhà làm phúc vào xin bữa cơm chay.

Hai cụ già đáp:

– Vùng chúng tôi đây là phủ Đồng Đài, mạn dưới phủ là
huyện Địa Linh. Trưởng lão muốn ăn cơm chay thì không cần phải đi xin, cứ đi dọc theo phố bắc nam này, thấy một tòa lầu kiểu hổ ngồi quay mặt về hướng đông. Đấy là nhà Khấu viên ngoại, trước cửa có treo một tấm biển “Vạn sư không cản”. Ngài là nhà sư từ phương xa tới, tha hồ mà ăn. Đi thôi! Đi thôi! Đừng làm ngắt câu chuyện của chúng tôi nữa.

Tam Tạng cảm tạ, quay về nói với Hành Giả:

– Vùng này là huyện Địa Linh phủ Đồng Đài. Hai cụ già nói:
Cứ đi dọc theo phố bắc nam này, tới một tòa lầu xây kiểu hổ ngồi quay mặt về hướng đông. Ấy là nhà Khấu viên ngoại. Trước cửa có tấm biển “Vạn sư không cản” và bảo chúng ta tới đó mà xin cơm chay.

Sa Tăng nói:

– Phương Tây là đất Phật, thật có nhiều nhà cúng dâng sư tăng
quá. Vả lại, vùng này chỉ là phủ huyện, không cần phải xuất trình điệp văn, chúng ta đi xin cơm ăn rồi đi luôn.

Tam Tạng và ba đồ đệ thong thả bước trên đường phố, làm cho mọi người ngoài phố nghi hoặc sợ sệt, cứ xúm quanh nhìn tướng mạo. Tam Tạng dặn dò ai nấy phải ngậm miệng và nhắc
luôn:

– Chớ buông tuồng! Chớ buông tuồng!

Ba người cứ cúi gằm mặt, chẳng dám ngẩng đầu. Đi qua chỗ
ngoặt, quả có thấy một dãy phố chạy dọc theo hướng nam bắc.

Đang đi bỗng thấy một tòa lầu kiểu hổ ngồi, tường cửa treo một tấm biển lớn đề bốn chữ “Vạn sư không cản”, Tam Tạng nói:

– Phương Tây là đất Phật, người hiền kẻ ngu chẳng ai trí trá. Thoạt nghe hai cụ già nói là chưa dám tin, đến đây mới thấy quả đúng như lời.

Bát Giới quê mùa, định xộc vào ngay. Hành Giả nói:

– Chú ngốc hãy khoan. Đợi có người ra, hỏi thăm xem thế nào
rồi mới vào chứ.

Sa Tăng nói:

– Anh cả nói phải. Sợ một khi chưa rõ thế nào, làm họ phiền
não.

Cả bọn bèn buộc ngựa, đặt hành lý đứng nghỉ trước cửa. Một lát thấy một người đầy tớ một tay xách cái cân, một tay cầm chiếc bị đi ra thình lình trông thấy, giật mình đánh thót rơi cả cân, bị, vội vàng chạy vào báo:

– Thưa ông chủ, ngoài cửa có bốn nhà sư kỳ hình dị dạng tới.

Viên ngoại tay chống gậy, đang đi bách bộ ngoài sân, miệng
lầm rầm niệm Phật, nghe báo, vội vã quẳng cả gậy, bước ra đón tiếp. Khi nhìn thấy bốn người, viên ngoại cũng không chút sợ hãi vì họ xấu xí, cất tiếng mời ngay:

– Xin mời vào! Xin mời vào!

Tam Tạng lễ phép theo vào. Viên ngoại dẫn qua một cái ngõ,
tới một tòa nhà, bèn giới thiệu:

– Tòa nhà trên chính là nơi thờ Phật, giảng kinh, ăn chay và khoản đãi các ngài. Tòa nhà dưới là nơi ở của người nhà đệ tử chúng tôi.

Tam Tạng khen ngợi mãi không thôi, đoạn lấy áo cà sa ra
khoác vào lễ Phật, rồi bước lên chùa ngắm cảnh. Chỉ thấy:

Mây thơm quấn quýt, Ánh sáng chan hòa.
Gấm chồng hoa chất khắp chùa, Vàng dát huy hoàng bốn phía Chuông vàng trang nghiêm trên giá, Trống hoa gác tía đặt cao.
Mấy đôi phướn thêu hình bát bảo đẹp sao, Nghìn tượng Phật sơn son thếp vàng rực rỡ. Nào là lư đồng cổ, lục bình đồng cổ,
Bàn sơn then, tráp cũng sơn then. Chiếc lư đồng nghi ngút hương trầm, Độc bình cổ hoa sen phô vẻ.
Bàn sơn then mây lành rạng rỡ, Tráp sơn then hương hoa ngất ngây. Chén pha lê tịnh thủy vơi đầy,

Đèn lưu ly dầu thơm óng ánh.

Tiếng khánh vàng vang ngân chùa rộng, Quả nơi đây chẳng bén bụi hồng. Phật đường lễ Phật kính dâng.

Đường Tăng rửa tay thắp hương cúi đầu lễ Phật đoạn lại quay
sang cúi chào viên ngoại. Viên ngoại nói:

– Khoan đã! Xin mời trưởng lão tới nhà giảng kinh họp mặt. Lại thấy:

Đài vuông hòm rộng, Tráp ngọc khảm vàng.
Đài vuông hòm rộng, chất vô số quyển kinh,

[324]
Tráp ngọc khảm vàng, đủ loại thẻ tre

xếp chặt.

Trên bàn giấy mực bút nghiên toàn những đồ tốt nhất; Lại thêm thư họa cầm kỳ rặt là những thứ thanh cao, Tiếng khánh tiên dìu dặt trong veo,
Bóng cành phướn vờn trăng giỡn gió.

Thanh khí lâng lâng, thần khí nhẹ, Lòng không ham muốn, đạo tâm tràn.

Đường Tăng bước tới toan làm lễ chào, viên ngoại vội đỡ lại,
nói:

– Xin mời cởi áo Phật đã.

Tam Tạng cởi áo xong, cúi chào viên ngoại. Viên ngoại lại
cho mời bọn Hành Giả vào, bảo người nhà cho ngựa ăn, để hành lý vào góc hiên, xong xuôi mới hỏi đến lai lịch. Tam Tạng thưa:

– Bần tăng người nước Đại Đường bên phương Đông vâng mệnh nhà vua sang quý xứ ta yết kiến Linh Sơn bái Phật cầu kinh, nghe nói tôn phủ ta kính tăng, bèn tới yết kiến, xin bữa cơm chay rồi lại đi ngay.

Viên ngoại vui mừng ra mặt, cười giòn giã nói:

– Đệ tử tên gọi Khấu Hồng, tự là Đại Khoan, năm nay sáu
mươi tư tuổi. Từ năm bốn mươi tuổi, đệ tử đã nguyện dâng cơm chay cho đủ một vạn nhà sư thì lúc ấy mới làm lễ viên mãn. Tới nay đã qua hai mươi bốn năm, và có cả một quyển sổ ghi chép việc nuôi sư. Mấy hôm nay nhàn rỗi, đệ tử mang quyển sổ đó ra tính thì thấy đã dâng cơm chay chín nghìn chín trăm chín mươi sáu vị, chưa đủ số. Hôm nay vừa vặn trời giáng xuống bốn vị lão sư, thế là tròn số một vạn. Vậy xin các vị để lại tôn danh, và dù thế nào cũng xin thong thả nán lại ở chơi một tháng, đợi làm lễ
viên mãn xong đệ tử sẽ sắp đặt ngựa xe đưa lão sư lên núi. Từ đây tới Linh Sơn còn độ tám trăm dặm thôi, không xa lắm đâu.

Tam Tạng nghe nói vô cùng mừng rỡ, trước mắt tạm vâng lời. Chuyện không nói nữa.

Mấy người hầu trong nhà viên ngoại, vào trong bổ củi gánh nước, vo gạo thổi cơm, sửa soạn bữa chay, khiến cho viên ngoại bà biết chuyện, bèn hỏi:

– Nhà sư ở đâu tới mà làm cơm vội vã vậy? Người hầu thưa:
– Vừa có bốn vị cao tăng, ông nhà ta hỏi lai lịch, họ nói là
người nước Đại Đường tận phương Đông vâng lệnh nhà vua sang Linh Sơn bái Phật cầu kinh, nay tới vùng ta, không biết là đã đi qua bao nhiêu đường đất. Ông nhà ta cho là trời giáng xuống, bảo chúng con thổi cơm ngay để cúng dâng họ.

Viên ngoại bà nghe xong mừng lắm, gọi người hầu gái vào bảo:

– Lấy quần áo cho ta thay, ta cũng ra xem nào. Người hầu gái nói:
– Thưa bà, chỉ có một vị coi được còn ba vị kia thật khó coi,
mặt mũi người ngợm xấu xí cổ quái gớm ghiếc lắm.

Bà cụ nói:
– Các ngươi không biết, những người mặt mũi xấu xí cổ quái kỳ dị ắt là người trời xuống trần, mau đi báo cho ông nhà ta biết.

Người đầy tớ chạy tới nhà giảng kinh nói với viên ngoại:

– Bà nhà đã tới, muốn bái kiến các vị trưởng lão từ phương
Đông đến.

Tam Tạng nghe nói vội vàng đứng dậy bước xuống. Vừa dứt lời, bà cụ đã vào tới trước nhà, ngước mắt nhìn thấy Đường Tăng tướng mạo đường hoàng, phong tư anh tuấn, đoạn ngoảnh lại nhìn thấy ba người bọn Hành Giả hình dạng khác phàm, tuy biết là người trời xuống hạ giới, nhưng vẫn hơi sợ vội quỳ xuống lạy. Tam Tạng vội vã đỡ dậy nói:

– Phiền cụ chào thăm vất vả quá. Bà cụ hỏi viên ngoại:
– Bốn vị sư phụ sao không cùng ngồi? Bát Giới dẩu mõm đáp:
– Ba chúng tôi là đồ đệ.

Chà, một tiếng Bát Giới nói ra khác nào hổ thét non sâu, bà
cụ lại càng sợ hãi.

Đang trò chuyện, thấy một người đầy tớ vào báo:

– Hai cậu đã tới.
Tam Tạng vội quay đầu nhìn hóa ra là hai cậu tú tài trẻ tuổi. Hai cậu tú tài bước vào nhà giảng kinh cúi người lạy trưởng lão. Tam Tạng vội vàng cúi chào đáp lễ. Viên ngoại bước tới ngăn lại nói:

– Đó là hai con trai tôi tên gọi Khấu Lượng, Khấu Đồng, đọc sách trong thư phòng vừa về, chưa kịp ăn cơm trưa, nghe tin trưởng lão giáng lâm, vội tới lạy chào.

Tam Tạng hoan hỉ nói:

– Ngoan quá! Ngoan quá! Đúng là: “Nhà cao cửa rộng nhờ
làm thiện, con cháu hiền ngoan bởi học chăm”.

Hai cậu tú tài hỏi phụ thân rằng:

– Các vị trưởng lão đây từ đâu tới? Viên ngoại cười nói:
– Từ xa lắm. Tận nước Đại Đường thuộc Nam Thiệm Bộ
Châu, vâng mệnh vua Đường sang Linh Sơn bái Phật cầu kinh.

Hai cậu tú tài nói:

– Chúng con đọc trong sách Sự lâm quảng ký thấy nói thiên hạ
chia làm bốn đại bộ châu. Chúng ta thuộc về Tây Ngưu Hạ Châu, còn có Đông Thắng Thần Châu. Không biết từ Nam Thiệm Bộ Châu tới đây phải đi mất bao nhiêu năm?

Tam Tạng cười nói:
– Bần tăng đi đường, những ngày dùng dằng nấn ná thì nhiều, còn ngày đi thì ít thôi, thường gặp yêu ma quỷ quái, trăm đắng nghìn cay, việc gì cũng nhờ ba đồ đệ này bảo hộ cả, kể ra đã qua mười bốn lần nóng lạnh mới tới được quý xứ ta đấy.

Hai cậu tú tài nghe xong thán phục mãi không thôi:

– Thật là thần tăng! Thật là thần tăng! Vừa dứt lời, đã thấy một cậu bé vào mời:
– Cơm chay đã dọn, xin mời trưởng lão đi xơi cơm.

Viên ngoại bảo vợ và các con vào nhà trong, còn mình đưa
bốn người tới phòng ăn, ngồi tiếp. Ở đấy cơm canh đã bày biện tề chỉnh, bàn sơn son thếp vàng óng, ghế sơn then bóng trong. Trước mặt là mâm bông bầy ngũ quả cao ngất, đều là kiểu mới nhất do thợ khéo làm; Hàng thứ hai là năm khay rau ghém; Hàng thứ ba là năm đĩa củ ấu; Hàng thứ tư là năm mâm lớn bày những thức ăn nhẹ, món nào cũng ngon lành thơm phức, cơm dẻo canh ngọt, bánh cuốn bánh bao sốt dẻo bốc hơi nghi ngút, thảy đều ngon miệng, ăn mãi chẳng biết chán. Bảy tám người hầu hạ chạy đi chạy lại bưng bê tiếp món, bốn năm người nhà bếp không lúc ngừng tay, người múc canh, kẻ bưng cơm, đi lại nhộn nhịp như mắc cửi. Trư Bát Giới mỗi bát chỉ lùa có một miếng, chẳng khác rồng cuốn hổ vồ. Thầy trò chén một bữa no. Ăn xong, Tam Tạng đứng dậy cảm tạ viên ngoại, tỏ ý muốn đi ngay. Viên ngoại giữ lại, nói:

– Trưởng lão cứ thư thả ở lại vài ngày nữa. Thường có câu: “Đầu xuôi đuôi lọt”, đợi tôi làm lễ viên mãn xong, sẽ tiễn trưởng lão lên đường.

Tam Tạng thấy viên ngoại thành tâm thật bụng, không còn
cách nào, đành ở lại.

Thấm thoắt bảy tám ngày trôi qua, khi ấy viên ngoại mới mời hai mươi bốn vị kính Phật trọng tăng trong vùng, dựng một đàn tràng viên mãn. Các nhà sư viết sớ điệp đến ba bốn ngày, rồi chọn giờ tốt bắt đầu việc Phật. Nghi lễ ở đây cũng chẳng khác gì bên nước Đại Đường. Cũng vẫn là:

Phướn bay phần phật, Lộng lẫy ánh vàng. Đuốc sáng huy hoàng, Hương trầm ngào ngạt,
Trống chiêng nhộn nhịp, Đàn sáo du dương.
Xen tiếng trống chiêng, Ê a kinh tụng.
Thổ địa kính trọng, Thần tướng thảy mời. Đốt sắc xong rồi,
Kính lạy tượng Phật. Tụng kinh Khổng Tước, Trừ mọi hiểm nguy. Châm đèn Dược Sư, Sáng ngời lấp lánh. Tụng kinh Thủy Sám, Giải mọi oan khiên. Tụng kinh Hoa Nghiêm, Trừ mọi tai ách.
Tam thừa diệu pháp bao tinh mật, Nhất nhị sa môn thảy giống nhau.

Làm lễ liền ba ngày đêm, việc đạo tràng xong xuôi. Đường
Tăng sốt ruột nghĩ tới Lôi Âm, một mực xin đi, chào từ biệt viên ngoại. Viên ngoại nói:

– Trưởng lão đòi đi gấp thế! Có lẽ vì việc Phật bận rộn suốt ngày, chúng tôi có điều gì sơ xuất, trưởng lão có ý trách chăng?

Tam Tạng nói:
– Chúng tôi phiền tôn phủ nhiều quá, không biết lấy gì báo đáp, đâu dám trách cứ. Chỉ vì một điều nhớ nỗi thánh quân tiễn bần tăng rời cửa quan, thánh quân có hỏi bao giờ thì về. Tôi trót lỡ lời nói chỉ ba năm là về. Không ngờ dọc đường trắc trở, nay đã mười bốn năm rồi. Việc lấy kinh lại chẳng biết được hay không, rồi quãng đường về phải mất mười hai năm nữa, như thế e không làm đúng thánh chỉ, tránh sao khỏi bị tội. Muôn xin lão viên ngoại cho phép bần tăng lên đường, đợi khi nào lấy kinh về, sẽ nán lại ở tôn phủ ta lâu hơn, không biết thế có được không?

Bát Giới không nhịn nổi, nói oang oang:

– Sư phụ thật chẳng biết lựa ý người ta, chẳng biết nể nang
người ta một tí nào. Lão viên ngoại đây là nhà đại gia cự phú, lại phát nguyện hiến chay sư tăng, nay đã đủ số viên mãn. Hơn nữa viên ngoại lại thành tâm mời ở lại, dù có ở hàng năm cũng chẳng sao, thế mà sư phụ lại cứ nằng nặc đòi đi là thế nào? Cơm chay ngon lành có sẵn bỏ đi không ăn, để rồi lại phải đi xin cơm ở nhà người khác. Trần đời thật sư phụ là người dở có một!

Đường Tăng hừ một tiếng, quát:

– Đồ khốn kiếp, nhà ngươi lúc nào cũng chỉ biết có ăn ngon,
chẳng bao giờ biết nghĩ xa nghĩ gần gì cả. Đúng là đồ súc sinh ăn no vác nặng. Các ngươi mà ngu si tham ăn như thế, để ngày mai ta đi một mình cũng được.

Hành Giả thấy sư phụ giận tái mặt, bèn túm lấy Bát Giới, bợp vào đầu một cái, mắng:

– Đồ ngốc nghếch chẳng biết cái quái gì, làm sư phụ trách lây
sang cả ta!

Sa Tăng cười nói:

– Đánh là đúng! Đánh là đúng! Đã không thèm nói rồi, lại còn
cứ chõ mồm vào chọc tức!

Chú ngốc thở phì phò, đứng bên cạnh, chẳng dám hé răng nói gì. Viên ngoại thấy thầy trò gắt nhau, vẫn vui vẻ tươi cười nói:

– Trưởng lão đừng sốt ruột, hôm nay cứ thong thả, đến ngày mai tôi sẽ sắm sửa ít cờ quạt chiêng trống, mời mấy người thân thích xóm giềng tiễn trưởng lão lên đường.

Đang trò chuyện, thấy cụ bà bước ra nói:

– Lão sư phụ đã quá bộ tới tệ xá đây, sao cứ một mực chối từ
như thế, nán thêm mấy ngày nữa có đáng là bao?

Tam Tạng nói:

– Thưa cụ, đã nửa tháng rồi còn gì. Cụ bà nói:
– Nửa tháng ấy mới là công đức của ông nhà tôi, già đây còn
dành dụm được ít tiền may vá, xin nguyện hiến chay các vị nửa tháng nữa.

Vừa dứt lời, anh em Khấu Đồng lại bước ra nói:

– Thưa bốn vị trưởng lão, cha chúng cháu đã hiến chay sư
tăng hơn hai mươi năm nay, chưa hề gặp được người tốt nào. Nay may mắn đủ số viên mãn, được bốn vị hạ giáng, thật là vinh hạnh cho gia đình chúng cháu. Chúng cháu học trò ít tuổi, chưa biết việc nhân quả, thường nghe nói: “Ông tu ông được, bà tu bà được, không tu không được”. Bố mẹ chúng cháu đã thành tâm dâng lễ mọn, ý là muốn cầu một chút công quả, mong các vị đừng từ chối. Rồi còn anh em chúng cháu dành dụm được ít tiền, cũng muốn cúng dâng các vị nửa tháng nữa, khi ấy mới tiễn các vị lên đường được.

Tam Tạng nói:

– Tấm thịnh tình của lệnh đường, lão bồ tát đây tôi còn chưa
dám nhận, đâu dám nhận tấm lòng quá yêu của các cậu. Chúng tôi quyết không dám nhận đâu. Hôm nay chúng tôi phải lên đường kẻo trái thánh chỉ, chúng tôi không tránh khỏi tội chết đâu.

Cụ bà và hai cậu con trai thấy thầy trò Đường Tăng một mực khăng khăng từ chối, cũng phát bẳn nói:

– Mình có lòng tốt giữ họ, họ nằng nặc đòi đi. Thôi, đi thì đi, nhiều lời xin xỏ làm gì!

Cụ bà bèn quay ngoắt vào, Bát Giới nhịn không nổi, nói với
Đường Tăng:

– Sư phụ không nên quá thể như vậy. Thường có câu: “Giữ người lại thêm lắm tội”. Chúng ta cứ ở thêm một tháng nữa, cho mẹ con cụ ấy thỏa lòng mãn nguyện, vội đi làm gì?

Đường Tăng lại quát um lên. Chú ngốc vội tự vả mình hai cái
rồi nói:

– Hừ! Hừ! Đã bảo không nói nữa mà lại cứ nói!

Hành Giả và Sa Tăng đứng bên cạnh khúc khích cười. Đường
Tăng lại gắt với Hành Giả:

– Nhà ngươi cười cái gì?

Đoạn định niệm bài “Khẩn cô nhi chú”. Hành Giả sợ quá quỳ
vội xuống van xin:

– Thưa sư phụ, con không cười nữa! Con không cười nữa! Xin sư phụ đừng niệm! Xin sư phụ đừng niệm!

Viên ngoại thấy thầy trò lại cáu gắt với nhau, đành không dám giữ nữa, cất tiếng nói:

– Lão sư phụ không phải to tiếng nữa, sáng mai chúng tôi sẽ tiễn lên đường.

Đoạn rời nhà giảng kinh, dặn dò người thư biện viết một trăm tấm thiếp mời họ hàng làng xóm sáng mai đưa tiễn bốn thầy trò lên đường tới Linh Sơn. Một mặt bảo nhà bếp sửa soạn bữa tiệc tiễn chân, một mặt sai người quản gia cắt lấy hai mươi đôi cờ ngũ sắc, mời phường nhạc thổi kèn đánh trống, cùng các hòa thượng chùa Nam Lai, đạo sĩ quán Đông Nhạc, hẹn giờ tỵ sáng mai phải có mặt đông đủ. Mọi người vâng lệnh làm ngay. Chẳng bao lâu trời đã tối. Ăn cơm tối xong, ai nấy đi ngủ. Chỉ thấy:

Quạ bay về tổ rời thôn,

Xa xa vẳng tiếng trống dồn sang canh.

Phố phường chợ búa vắng tanh, Cửa nhà thôn xóm đèn xanh nhạt nhòa. Trăng thanh gió mát chan hòa,
Muôn sao nhấp nháy, bóng hoa mơ màng.

Cuốc kêu khắc khoải canh trường, Sáo trời bặt tiếng, xóm làng lặng yên.

Lúc ấy vào quãng canh ba canh tư, những gia đình trông nom
công việc đã trở dậy, mua bán làm lụng các việc. Người sửa soạn yến tiệc nhộn nhịp trong bếp; kẻ khâu vá cờ hoa tất bật trên nhà; người mời tăng đạo chạy ngược chạy xuôi; kẻ gọi phường kèn đi quanh đi quẩn; người đưa thiếp gọi chạy như đèn cù, kẻ sắp ngựa xe gọi nhau í ới, ồn ào nhộn nhịp từ nửa đêm cho tới lúc trời sáng. Khoảng giờ tỵ, mọi việc đã xong xuôi. Chẳng qua cũng bởi lắm tiền mới nhanh như vậy.

Lại nói chuyện thầy trò Đường Tăng sáng dậy đã thấy một toán người tới hầu hạ. Đường Tăng dặn dò đồ đệ thu xếp hành lý, buộc đóng yên cương. Chú ngốc nghe nói sắp đi vừa lắp bắp đôi môi dày càu nhà càu nhàu, vừa thu xếp y bát cất vào tay nải, tìm đòn gánh sửa soạn gánh đồ. Sa Tăng đóng yên buộc cương đứng đợi. Hành Giả cầm gậy tích trượng chín vòng đưa vào tay Đường Tăng. Đường Tăng đeo túi đựng điệp văn vào trước ngực. Cả bọn đã sẵn sàng ra đi. Lúc ấy, viên ngoại lại mời thầy
trò vào cả trong ngôi nhà lớn ở phía sau. Ở đây yến tiệc đã được bày ra, nom thịnh soạn hơn cả bữa khoản đãi ở trong phòng chay nhiều. Chỉ thấy:

Rèm lụa treo cao, Bình phong tứ phía.
Chính giữa nhà, dựng bức tranh non thọ biển phúc; Hai bên tường, treo bốn bức xuân hạthu đông. Đỉnh vây rồng nghi ngút khói hương.
Lư ngư thước trầm xông ngào ngạt. Bàn ghế bầy toàn đồ ngọc ngà tuyệt đẹp, Mâm đĩa đựng đủ loại bánh kẹo thơm ngon.
Trước thềm, đội kèn trống dạo nốt cung thương, Trong nhà, sơn hào phẩm quả bày lóa mắt. Cơm dẻo canh ngọt mùi thơm phức,
Rượu ngọt trà thơm thứ tuyệt ngon.

Tuy chỉ là nhà loại dân thường, Nào có kém vương hầu quý tộc.

Chỉ văng vẳng tiếng sênh ca dìu dặt, Mà tiếng đồn rộn khắp nơi nơi.

Đường Tăng và viên ngoại đang vái chào nhau, bỗng thấy gia
đồng vào báo:

– Khách đã đến đông đủ.

Khách mời là bà con xóm giềng xung quanh, và những họ
hàng thân thích như vợ cậu, chồng dì, anh em dâu rễ… Lại có cả những vị vẫn nuôi tăng đạo, những vị thiện nam tín nữ chăm chỉ niệm Phật cầu kinh. Mọi người bước cả tới trước mặt Đường Tăng cúi chào. Chào xong, ai nấy theo thứ tự ngồi vào chỗ. Lúc này tiếng đàn tiếng trống đã nhộn nhịp, giọng đàn giọng ca trên tiệc đã vang lừng. Bát Giới đã để ý tới bữa tiệc này bèn nói với Sa Tăng:

– Chú em này, phải dành bụng ăn cho thỏa thích nhé! Ra khỏi nhà họ Khấu, thì không đâu có những thức ăn ngon như ở đây nữa đâu.

Sa Tăng cười nói:

– Anh hai nói gì vậy? Thường có câu “Trăm món chân tu,
ních no thì đừng, chỉ có đường riêng, đâu có bụng riêng” đấy thôi.

Bát Giới nói:

– Chú xoàng lắm! Xoàng lắm! Tôi mà chén no căng một bữa
thì đến ba ngày sau vẫn còn anh ách không thấy đói.

Hành Giả nghe thấy vậy, bèn nói:

– Chú ngốc định ních cho vỡ dạ dày hả? Chuẩn bị hôm nay
lên đường đó.

Lúc này mặt trời đã đứng bóng. Tam Tạng cầm đũa niệm kinh Yết trai. Bát Giới vội vã bưng bát cơm xới thêm, cứ mỗi bát và một miếng, đánh một lèo năm sáu bát, rồi vơ vét nào là bánh bao, bánh cuốn, bánh đường, hoa quả, chẳng kể ngon hay không ngon nhét chặt hai ống tay áo, bấy giờ mới đứng dậy theo sư phụ. Đường Tăng cảm tạ viên ngoại, cảm tạ mọi người rồi bước ra cửa. Ngoài cửa đã sắp sẵn cờ hoa lọng báu, đội nhạc phướng kèn. Lại thấy hai ban tăng đạo cũng tới. Viên ngoại cười nói:

– Các vị tới chậm quá, trưởng lão lại vội đi, không kịp mời cơm chay các vị, đợi lúc quay về tôi sẽ cảm tạ.

Mọi người đứng dẹp tránh lối. Người khiêng kiệu, người cưỡi ngựa, kẻ đi bộ, tất cả đều khiêng cho bốn thầy trò đi trước. Tiếng trống tiếng chiêng vang trời, bóng phướn bóng cờ rợp đất, người đi chen chân tấp nập, ngựa xe nhộn nhịp đông vui. Tất cả mọi người đều đi xem Khấu viên ngoại tiễn Đường Tăng. Một cảnh giàu sang còn hơn cả màn gấm trướng nhung nào có kém gì lầu son gác tía!

Bên hàng nhà sư niệm một bài kinh Phật, bên hàng đạo sĩ thổi một khúc nhạc huyền, tiễn đưa thầy trò Tam Tạng ra khỏi thành. Đi được khoảng mười dặm, lại thấy bày giỏ cơm bầu rượu, bát đũa chén thìa, mọi người lại cùng nhau ăn uống tiễn biệt. Viên ngoại vẫn không nỡ rời, nuốt nước mắt nói:

– Bao giờ trưởng lão lấy kinh quay về, xin mời quá bộ vào tệ
xá ở chơi vài ngày cho Khấu Hồng này được thỏa lòng nhé!

Tam Tạng cảm tạ khôn xiết rồi nói:

– Khi nào tới Linh Sơn, gặp được Phật tổ, việc đầu tiên sẽ nói
rõ đại đức của viên ngoại, lúc trở về nhất định sẽ lê gót tới cửa dập đầu lạy tạ! Dập đầu lạy tạ!

Mải trò chuyện, chẳng mấy chốc đi thêm được hai ba dặm
nữa. Đường Tăng tha thiết xin từ biệt. Bấy giờ viên ngoại bỗng khóc òa lên rồi quay về. Đó chính là:

Có nguyện nuôi sư quy diệu giác

Không duyên được gặp Phật Như Lai.

Hãy gác chuyện Khấu viên ngoại tiễn đưa mười dặm trường
đình, rồi cùng mọi người quay về. Lại nói chuyện bốn thầy trò tiếp tục lên đường sang phương Tây, đi chừng bốn năm chục dặm thì trời đã tối. Tam Tạng nói:

– Trời tối rồi, biết nghỉ ở đâu bây giờ nhỉ? Bát Giới đang gánh đồ, bĩu môi nói:
– Cơm dẻo canh ngọt chẳng ăn, nhà ngói mát mẻ chẳng ở, lại
cứ đòi đi như người mất hồn! Bây giờ trời tối, nhỡ mà mưa nữa thì biết làm sao!

Tam Tạng quát mắng:

– Đồ nghiệt súc khốn kiếp kia, ca thán nỗi gì! Thường có câu:
“Tràng An tuy tốt, nhưng chẳng phải chỗ ham lâu”. Đợi khi nào chúng ta có duyên bái Phật lấy được kinh rồi, chừng ấy quay về cõi Đông, tâu lên chúa thượng, mang cơm trong bếp ngự ra, tha hồ cho nhà ngươi ăn mấy năm liền, ăn cho vỡ bụng cái đồ nghiệt súc nhà ngươi ra, cho nhà ngươi thành con ma no!

Chú ngốc hí hí cười thầm, không dám nói năng gì nữa. Hành Giả ngẩng đầu giương mắt nhìn ra xa, thấy có mấy ngôi nhà ở bên đường, bèn nói với sư phụ:

– Đến kia nghỉ thôi! Đến kia nghỉ thôi!

Tam Tạng đi tới nơi, thấy đó là một dãy nhà đổ nát, trên cửa
còn tấm biển cũ bụi bám đầy viết bốn chữ đại tự “Hoa Quang hành viện”. Tam Tạng xuống ngựa nói:

– Hoa Quang Bồ Tát là đồ đệ của đức Hỏa Diệm Ngũ Quang Phật. Do việc tiễu trừ Độc Hỏa quỷ vương nên bị giáng chức làm Ngũ Hiển Linh Quan. Chắc đây có miếu thờ.

Thầy trò bèn cùng kéo cả vào, thấy nhà cửa đổ nát, không một bóng người, định quay trở ra, bỗng thấy mây đen kín trời, mưa to như trút. Chẳng còn cách nào, thầy trò đành núp dưới mái nhà nát tìm chỗ kín ẩn náu, ai nấy im lặng chẳng nói câu gì, e sợ yêu quái biết. Cứ thế kẻ ngồi người đứng chịu cực suốt đêm chẳng ngủ được tí nào. Chà, thật là:

Cực sướng lại sinh khổ

Đang vui bỗng gặp buồn.

Cuối cùng không biết khi trời sáng, thầy trò ra đi như thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích: 
[324] Thẻ tre: tức sách cổ. Thời xưa, chưa chế ra giấy, người ta khắc chữ lên những thanh tre.