Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ chín mươi tư

Bốn sư dự tiệc vườn ngự uyển
Một quái mơ mộng tình ái vui

Lại nói chuyện bọn Hành Giả ba người đi theo vị quan tới bên ngoài cửa Ngọ Môn. Quan Hoàng Môn lập tức vào báo. Quốc vương cho mời vào. Tới nơi, ba người đứng im như tượng, chẳng cúi lạy gì cả. Quốc vương hỏi:

– Ba vị này là đồ đệ của thánh tăng? Họ tên là gì? Quê quán ở đâu? Đi lấy kinh gì?

Hành Giả sấn tới, toan bước lên điện, viên quan hộ giá đứng bên cạnh quát:

– Không được đi, muốn nói gì cứ đứng nguyên tại chỗ mà tâu! Hành Giả cười nói:
– Chúng tôi là những người xuất gia, được bước là tiến một
bước.

Bát Giới, Sa Tăng theo sau, cũng bước tới gần. Tam Tạng sợ họ thô lỗ quê mùa làm quốc vương sợ hãi, bèn đứng dậy nói:

– Đồ đệ ơi, đức vua hỏi các con, các con hãy tâu đi.
Hành Giả thấy sư phụ đứng hầu bên cạnh, không kìm nổi, nói oang oang:

– Bệ hạ khinh người, khinh mình quá! Đã kén sư phụ tôi làm phò mã, tại sao lại bắt người đứng hầu? Thế gian gọi chồng của con gái mình là “quý nhân”, có lý gì quý nhân lại không được ngồi?

Quốc vương nghe nói sợ hãi tái mặt muốn lui vào điện, nhưng sợ “người ta trông vào”, đành đánh bạo bảo viên quan cận thị mang ra một chiếc đôn gấm, mời Đường Tăng ngồi. Hành Giả bấy giờ mới tâu:

– Lão Tôn quê ở Đông Thắng Thần Châu, nước Ngạo Lai, núi Hoa Quả, động Thủy Liêm. Cha là trời, mẹ là đất, đá nứt sinh ra. Ta đã từng bái phục chân nhân, học nên đạo lớn, sau đó lại trở về làng tiên, tụ tập tiểu yêu nơi động tiên phúc địa. Ta đã từng xuống biển hàng rồng, lên non phục hổ, xóa tên sổ tử, ghi tên sổ tiên, quan phong Tề Thiên Đại Thánh, nhởn nhơ chốn lầu quỳnh, thung dung nơi gác ngọc, hội họp các thiên tiên ngày ngày vui chơi ca hát. Chỉ do phá rối hội Bàn Đào, đại náo thiên cung nên bị Phật tổ bắt sống đem nhốt dưới núi Ngũ Hành, đói ăn đạn sắt, khát uống gỉ đồng, năm trăm năm không hề ăn cơm uống nước. May có sư phụ ta rời cõi Đông sang Tây bái Phật cầu kinh, đức Quan Âm bảo lĩnh cho ta thoát khỏi nạn trời, qua vòng khổ ải, quy y dưới cửa Du Già. Ta tên là Ngộ Không, thường gọi là Hành Giả.

Quốc vương nghe tiếng vang lừng như vậy, vội vàng rời ngai vàng, bước tới gần đưa tay đỡ Tam Tạng dậy, nói:

– Phò mã ạ, âu cũng là do duyên trời của trẫm, nên trẫm mới
được họ hàng thân quyến với bậc thần tiên.

Tam Tạng cảm tạ rối rít, mời quốc vương ngồi vào ngai vàng. Quốc vương lại hỏi:

– Vị nào là đồ đệ hai?

Bát Giới dẩu mõm ra oai nói:

– Lão Trư kiếp trước cũng là người, nhưng nhất sinh chỉ ham
vui chơi, biếng làm lụng, u mê mờ mịt, loạn tính dâm lòng, chẳng biết trời cao đất dày, khó nhận non xa biển rộng. Đang trong vòng u tối, bỗng gặp vị chân nhân. Nửa câu nói gỡ tung lưới nghiệt; dăm ba lời phá vỡ cửa mê. Khi ấy ta tỉnh ngộ, lập tức theo thầy, cần cù tu luyện công phu hai tám, kính cẩn rèn luyện sau trước ba ba, rồi được viên mãn siêu thăng bay lên thượng giới. Đội ơn dầy của Thượng Đế, ta được phong chức Thiên Bồng nguyên soái, tổng quan thủy binh, tiêu dao Vân Hán. Chỉ vì ở hội Bàn Đào ta uống rượu say, trêu ghẹo Hằng Nga, bị cách quan, đẩy xuống phàm trần, đầu thai nhầm thác sinh cửa lợn, chiếm cứ núi Phúc Lăng, gây nhiều tội ác. May gặp đức Quan Âm chỉ rõ đường lành, quy y cửa Phật, hộ vệ Đường Tăng sang phương Tây bái Phật cầu kinh, pháp danh là Ngộ Năng, tên gọi là Bát Giới.

Quốc vương nghe xong trong lòng sợ sệt chẳng dám liếc nhìn. Chú ngốc được thể càng lên mặt, lắc đầu dẩu mõm, vẫy vẫy đôi tai cười khìn khịt. Tam Tạng e Bát Giới làm nhà vua sợ hãi bèn quát:

– Bát Giới, con bỏ cái trò ấy đi!
Bấy giờ Bát Giới mới khoanh tay đứng im, ra dáng lịch sự. Quốc vương lại hỏi:
– Còn đồ đệ ba, vì sao lại quy y? Sa Hòa Thượng chắp tay thưa:
– Lão Sa vốn cũng là hạng phàm phu, vì sợ luân hồi phải đi
tìm đạo, ngao du nơi góc biển, phóng đãng chốn chân trời, thường được y bát tùy thân, luôn luyện tâm thần tự tại. Bởi chứng có lòng thành nên gặp được bạn tiên, âm dương di dưỡng, công phu đủ ba nghìn, hợp hòa đủ bốn tướng, siêu thăng lên thượng giới, lạy đức Ngọc Hoàng, được phong chức Quyển Liêm đại tướng, đứng hầu bên kiệu phượng xe loan, lại được phong hiệu tướng quân. Cũng vì trong hội Bàn Đào ta lỡ tay đánh vỡ chiếc chén bằng ngọc lưu ly, bị Thượng Đế đày xuống sông Lưu Sa, thay hình đổi dạng, gây ác hại người. May gặp đức Bồ Tát viễn du cỡi sông, khuyên ta quy y, đợi phật tử triều Đường sang Tây bái Phật cầu kinh sẽ thành chính quả. Từ đấy ta đổi chí lớn tu theo đại giáo, lấy tên sông làm họ, pháp danh là Ngộ Tĩnh, tên gọi là Hòa Thượng.

Quốc vương nghe nói vừa sợ vừa vui. Vui vì con gái mình kén được Phật sống. Sợ vì ba đồ đệ là giống yêu thần. Đang trong lúc vừa sợ vừa vui, bỗng thấy quan Chánh đài coi thiên văn bước vào tâu:

– Lễ cưới định cử hành vào ngày mười hai tháng này. Hôm ấy là ngày nhâm tý tốt ngày, mọi việc đều thuận lợi, rất hợp với việc hôn nhân.

Quốc vương hỏi:

– Hôm nay là ngày gì? Quan Chánh đài thưa:
– Hôm nay mồng tám, là ngày mậu thân, con khỉ dâng quả, rất
hợp với việc tiến người hiền cắt cử công việc.

Quốc vương mừng lắm, lập tức sai quan Đương giá quét dọn vườn hoa, cùng lâu đài điện các, mời phò mã cùng ba vị đồ đệ đi nghỉ, đợi triều đình sửa soạn yến tiệc hợp cẩn cho công chúa đi lấy chồng. Mọi người tuân lệnh, quốc vương lui triều, trăm quan ai về nhà nấy. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện thầy trò Tam Tạng đến chỗ vườn hoa thì trời cũng vừa tối. Cơm chay cũng được dọn ra. Bát Giới vui vẻ nói:

– Hôm nay phải chén kỳ no mới được.

Người quản biện mang cơm canh, bánh trái vừa một gánh
nặng, Bát Giới ăn xong lại đòi thêm, thêm rồi lại ăn, cho tới khi bụng căng tròn mới thôi. Một lát sau, đèn được thắp lên, mọi người trải giường mắc màn đi ngủ. Tam Tạng thấy xung quanh không còn ai, bèn oán trách Hành Giả, giận dữ nói:

– Con khỉ già Ngộ Không kia, nhà ngươi hại ta bao phen rồi! Ta đã bảo chỉ đi đổi điệp văn thôi, chứ đừng đi về phía lầu hoa, nhà ngươi lại cứ một mực đòi đưa ta tới đó xem! Bây giờ xem đã sướng chưa? Cớ sự này thì biết làm sao bây giờ?

Hành Giả cười khành khạch nói:

– Sư phụ chẳng bảo “tiên mẫu cũng do gieo quả cầu thêu gặp
nhân duyên cũ, nên vợ nên chồng” đó sao? Sư phụ có ý hoài cổ
như thế, lão Tôn mới dẫn đi chứ. Với lại nhớ tới lời nhà sư già chùa Cấp Cô Bố Kim, thì phải tới để xem xét thật giả nữa. Vừa rồi con nhìn thấy mặt quốc vương có chút ám khí, chỉ chưa biết công chúa thế nào thôi.

Tam Tạng hỏi:

– Con gặp công chúa thì làm thế nào? Hành Giả đáp:
– Cặp mắt lửa ngươi vàng của lão Tôn chỉ nhìn mặt là biết rõ
thiện ác thật giả, giàu sang nghèo hèn. Bấy giờ sẽ ra tay, làm rõ ngay gian.

Sa Tăng, Bát Giới cười nói:

– Dạo này anh lại học được cách xem tướng mặt cơ à? Hành Giả nói:
– Mấy ông thầy tướng chỉ đáng hạng cháu của ta. Tam Tạng quát mắng:
– Câm đi, đừng bẻm mép nữa! Nay họ cố tình kén ta làm phò
mã thì khu xử thế nào?

Hành Giả nói:

– Chúng ta cứ đợi tới hôm mười hai là hôm cưới, nhất định
công chúa phải ra làm lễ lạy cha mẹ. Lúc ấy lão Tôn sẽ đứng
cạnh quan sát. Nếu quả đúng là công chúa thật, thì sư phụ cứ việc làm phò mã, ở lại hưởng vinh hoa phú quý.

Tam Tạng nghe xong, càng tức giận quát mắng:

– Con khỉ già kia, nhà ngươi định hại ta sao! Như lời Ngộ
Năng nói đấy, leo cau đã tới buồng rồi, nhà ngươi lại còn uốn lưỡi dụ ta à? Câm ngay miệng lại, đừng há họng ra nữa. Còn vô lễ, ta sẽ niệm bài khẩn cô nhi chú cho nhà ngươi biết tay!

Hành Giả nghe nói tới niệm chú, sợ quá quỳ xuống van xin:

– Sư phụ đừng niệm! Đừng niệm! Nếu đúng là công chúa thật
thì tới lúc làm lễ hợp cẩn chúng con sẽ đại náo hoàng cung đưa sư phụ đi.

Thầy trò tranh cãi một hồi, chẳng mấy chốc đêm đã khuya. Chính lúc này:

Cảnh vật trầm trầm, Hương hoa ngan ngát. Cửa son buông rèm báu, Sân quạnh bóng đèn mờ. Vắng vẻ cột cây đu,
Sáo đàn im phăng phắc.
Quanh thềm bóng hoa lồng trăng vằng vặc, Muôn sao lấp lánh vòm trời xa xa. Tiếng đỗ quyên thiết tha,
Giấc mộng hoa êm dịu.

Sông ngân bắc ngang trời vời vợi, Mây trắng bay về nơi cố hương.
Chính là lúc người đi lòng dạ ngổn ngang, Gió rung cành liễu non, cảnh vật càng bi thiết.

Bát Giới nói:

– Thưa sư phụ, đêm khuya rồi, có việc gì sáng mai bàn tiếp,
bây giờ đi ngủ đã.

Thầy trò bèn đi ngủ.

Chẳng mấy chốc tiếng gà gáy báo sáng đã vang lên, quốc
vương lên điện khai triều. Chỉ thấy:

Cung điện khí đẹp dâng dâng,

Gió đưa tiếng nhạc vang lừng trời cao.

Cờ bay phấp phới tường hào,

Nắng soi đầu sấu, dập dìu nhạc hoa.

Liễu xanh hương tỏa tràn trề, Long lanh sương sớm đầm đìa nụ hoa. Quan chầu theo hạng đứng ra,
Một triều nhất thống âu ca thái bình.

Trăm quan văn võ chầu lạy xong, nhà vua lại truyền:

– Quan Quang Lộc tự hãy chuẩn bị tiệc cưới vào ngày mười
hai. Còn hôm nay tạm sửa soạn mấy vò rượu xuân mời phò mã vào vườn ngự uyển thưởng lãm.

Đoạn dặn dò Ty Nghi chế đưa ba vị đồ đệ vào nghỉ tạm trong quán dịch hội đồng, sai quan Quang lộc tự dọn ba mâm tiệc chay thết đãi. Cả hai nơi đều có người của Ty Giáo phường tấu nhạc hầu hạ các vị thưởng xuân tiêu khiển. Bát Giới nghe thấy vậy, bèn nói ngay:

– Tâu bệ hạ, thầy trò chúng tôi từ ngày gặp gỡ chưa bao giờ rời nhau một giây. Hôm nay uống rượu trong vườn ngự uyển, xin đưa chúng tôi vào cả đó vui chơi vài ngày, sau đó để sư phụ ở lại làm phò mã bệ hạ. Bằng không, việc này sẽ không xong đâu.

Quốc vương thấy Bát Giới dữ tợn, nói năng thô lỗ, lại thấy Bát Giới vênh mặt ưỡn ngực, dẩu mõm vẩy tai tuồng như có ý sừng sộ, sợ phá rối mất việc hôn nhân, đành phải bằng lòng vậy,
bèn truyền lệnh:

– Sửa soạn hai tiệc ở gác Vĩnh Trấn Hoa Di để ta và phò mã cùng ngồi dự. Sửa ba tiệc nữa ở đình Lưu Xuân để mời ba vị đồ đệ, kẻo thầy trò cùng ngồi ăn bất tiện.

Chú ngốc lúc ấy mới ngẩng lên dạ một tiếng thật to, nói lời đa tạ, rồi ai nấy lui ra.

Quốc vương lại truyền lệnh sai các quan trong nội cung đặt tiệc mời hậu phi ở ba cung sáu viện cùng công chúa tới dự bàn tiệc, sắm sửa trang phục đồ cưới, chuẩn bị cho buổi lễ cưới ngày mười hai.

Vào khoảng giờ tỵ, quốc vương sai quân hầu sắp đặt xa giá mời Đường Tăng cùng vào vườn thượng uyển ngắm cảnh.

Thật là một nơi tuyệt đẹp:

Lối lát đá hoa, Lan can dát ngọc.
Lối lát đá hoa, hai bên hoa lạ ngát hương thơm, Lan can dát ngọc, chân thềm cỏ kỳ xanh mướt mướt. Đào yêu nom mỡ màng tươi tốt,
Liễu non lanh lảnh tiếng hoàng oanh.
Bước đi hương ngây ngất quanh mình, Giọt móc đọng trên tà áo mỏng.
Ao rồng chân đài phượng, Gác trúc cạnh hiên tùng.
Nghe sáo, phượng đến múa chân thềm, Ao thiêng cá hóa rồng bay vút,
Gác trúc đề thơ, lời lời thôi xao hay tuyệt; Hiên tùng văn tập, câu câu châu ngọc tuyệt vời. Hòn giả sơn xanh biếc ngấn rêu,
Hồ khúc thủy trong veo làn nước.

Đình mẫu đơn, giàn tường vi gấm hoa trùng điệp, Hiên vị lê, lối hải đường nụ ngọc tầng tầng. Thược dược nhả hương thanh,
Hướng dương khoe sắc lạ. Bạch lê, hồng hạnh xanh óng ả, Huệ tía, lan vàng nở lan man.
Hoa lệ xuân, hoa mộc bút, hoa đỗ quyên rực rỡ bạt ngàn;

Hoa phượng tiên, hoa ngọc trâm, hoa hàm tiếu tưng bừng xán lạn.

Cả một vùng mỡ màng tươi nhuận, Toàn khu vườn xanh tốt thơm tho. Thêm nỗi gió Đông kéo nắng xuân về, Khắp vườn xinh tươi, yêu kiều, rực rỡ.

Một đoàn gồm cả vua tôi, ngắm cảnh hồi lâu, lại thấy quan ở
Ty Nghi chế mời bọn Hành Giả vào đình Lưu Xuân. Quốc vương dắt Đường Tăng vào gác Hoa Di. Ở những nơi này đều bày yến tiệc, nổi đàn sáo. Tiếng hát vang lên tưng bừng nhộn nhịp. Thật là:

Cung điện nguy nga rọi ánh hồng, Lầu rồng gác phượng đẹp vô cùng.
Sắc xuân rải rác hoa thêu gấm, Tia nắng rọi soi áo sáng trưng. Tiên hội sáo đàn vang thánh thót,
Rượu quỳnh bát chén rộn tưng bừng.
Vua tôi thưởng lãm vui say nhỉ, Mãi mãi hoa di phúc hưởng chung.

Lúc ấy Tam Tạng thấy quốc vương trọng vọng mình quá,
không biết làm thế nào, đành miễn cưỡng vui theo, nhưng thật ra là ngậm bồ hòn làm ngọt. Khi ấy ở nơi chỗ ngồi, trên tường có treo bộ tranh tứ bình vẽ cảnh bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mỗi tranh đều có thơ đề vịnh của những bậc hàn lâm danh sĩ.

Bài thơ tả cảnh mùa xuân viết:

Âm dương chuyển vận khắp lò hồng, Đất rộng tưng bừng vạn tượng tân. Đào mận tranh xuân hoa lạn mạn, Én về đậu nóc ngát hương trần.

Bài thơ tả cảnh mùa hạ viết:

Gió nóng lao xao dạ phạc phờ, Lập lòe lửa lựu ánh trời xa.
Sáo đàn dìu dặt mộng trưa tỉnh, Sen ngát hương đưa khắp trướng là.

Bài thơ tả cảnh mùa thu viết:

Giếng ngọc ngô đồng lá úa vàng; Rèm châu chẳng cuốn, đêm dầm sương. Én bay miền ấm rời hang đến,
Nhạn bẻ hoa lau biệt cố hương.

Bài thơ tả cảnh mùa đông viết:

Mây bay mưa trút cảnh đông hàn, Gió bấc căm căm tuyết trắng non.
Buồng kín lò hồng hơi ấm áp, Hoa mai nở sớm rực lan can.

Quốc vương thấy Đường Tăng chăm chú xem thơ, bèn nói:

– Phò mã thưởng thức ý vị trong các bài thơ ấy, chắc là cũng
thích ngâm nga. Nếu không tiếc lời vàng ngọc, xin mời phò mã theo nguyên văn họa lại từng bài. Ý phò mã thế nào?

Tam Tạng vốn là người xúc cảnh sinh tình, minh tâm kiến tính, thấy quốc vương trân trọng mời làm thơ họa, bất giác ứng
khẩu đọc ngay một câu:

Nắng chiếu băng tan mặt đất hồng.

Quốc vương mừng lắm sai ngay quan thị vệ:

– Lấy bốn thứ báu trong phòng văn[323]

ra để phò mã viết
những bài thơ họa khi nào thư thả trẫm sẽ ngâm nga thưởng thức.

Tam Tạng vui vẻ nhận lời, cầm bút viết luôn cả bốn bài thơ họa.

Bài họa cảnh mùa xuân viết:

Nắng chiếu băng tan mặt đất hồng, Cỏ hoa vườn ngự sắc càng tân. Gió hòa mưa ngọt dân no đủ,
Biển lặng sông trong tuyệt bụi trần.

Bài họa cảnh mùa hạ viết:

Đẩu chỉ nam phương nhật phạc phờ, Mây hòe lửa lựu chiếu trời xa.

Oanh vàng én tía vang cành liễu, Thánh thót âm thanh lọt trướng là.

Bài họa cảnh mùa thu viết:

Thoảng hương quất lục với chanh vàng, Tùng bách vui xanh thấy tuyết sương. Cúc nở gấm thêu chân giậu trúc,
Sáo đàn rộn rã thủy vân hương.

Bài họa cảnh mùa đông viết:

Tuyết tạnh trời hoe tiết vẫn hàn, Trắng phau màu ngọc phủ sườn non. Đốt lò xương thú hâm vò rượu,
Cao giọng ca ngâm tựa thúy can.

Quốc vương xem xong thơ họa mừng lắm, hết sức tán
thưởng:

– Câu kết “cao giọng ca ngâm tựa thúy can” hay tuyệt!

Đoạn sai Ty Giáo phường đem phổ nhạc những bài thơ mới.
Hết ngày hôm ấy tiệc rượu mới tan.

Bọn Hành Giả dự tiệc trong đình Lưu Xuân cũng thả sức ăn uống. Mỗi người uống vài chén rượu, thấy chuếnh choáng hơi men định đi tìm Tam Tạng, nhưng đã nhìn thấy Tam Tạng và quốc vương cùng ngồi trong một tòa lầu các. Bát Giới tính ngốc nổi lên, ứng khẩu nói:

– Vui vẻ quá! Thú vị quá! Ngày hôm nay ăn uống thật no say, rồi phải đánh một giấc cho đã đời!

Sa Tăng cười nói:

– Anh hai chẳng biết quái gì, chén no phồng bụng ngủ nghê
làm sao được!

Bát Giới nói:

– Chú thì biết cóc khô gì! Tục ngữ có câu: “Ăn no chớ có
vươn vai, mỡ màng trong bụng tiêu đời nhà ma” đấy thôi!

Đường Tăng chia tay quốc vương bước vào trong đình, mắng
Bát Giới:

– Đồ khốn kiếp kia, thật ngày càng thô lỗ! Đây là chỗ nào mà cứ bô bô nói nhảm, nhỡ ra làm quốc vương giận dữ có phải nguy hại tới tính mạng không?

Bát Giới nói:
– Không sao! Không sao! Chúng ta đã là thông gia với họ, lẽ nào họ lại giở mặt với mình? Thường có câu: “Thông gia ai lại đánh nhau, láng giềng ai lại nói câu phũ phàng”. Mọi người cứ vui đùa đi, sợ quái gì họ?

Tam Tạng quát:

– Lôi con lợn lại đây đánh cho hai mươi roi!

Hành Giả túm lấy Bát Giới lôi lại, Tam Tạng vung roi đánh
liền. Chú ngốc kêu toáng lên:

– Ngài phò mã ơi, ngài tha tội cho, tha tội cho!

Viên quan hầu đứng bên cạnh khuyên can mãi, Tam Tạng mới
thôi. Chú ngốc lồm cồm bò dậy, lầu bà lầu bầu:

– Quý nhân thế đấy! Phò mã thế đấy! Hôn nhân chưa thành mà đã giở phép vua ra rồi!

Hành Giả bịt lấy mồm Bát Giới nói:

– Chớ nói lăng nhăng! Chớ nói lăng nhăng! Mau đi ngủ đi!

Cả bọn ngủ trong đình Lưu Xuân một đêm nữa, sáng hôm sau
lại tiệc tùng ăn uống như hôm trước.

Ba bốn ngày mải vui chơi thấm thoắt đã tới ngày mười hai tốt ngày, các quan ở ba bộ Quang lộc tự quay vào tâu:

– Lũ thần từ ngày mồng tám vâng chiếu chỉ, đến nay phủ phò mã đã dựng xong, chỉ đợi bầy đồ nội thất. Tiệc cưới cũng đã sửa
soạn đầy đủ, tổng cộng là hơn năm trăm mâm cả tiệc chay lẫn tiệc mặn.

Quốc vương mừng lắm, muốn mời phò mã đi dự tiệc. Bỗng thấy quan nội cung bước tới trước mặt nhà vua rằng:

– Vạn tuế! Chính cung hoàng hậu có lời mời.

Quốc vương bèn lui vào nội cung đã thấy hoàng hậu ba cung,
phi tần sáu viện đưa công chúa tới cung Triêu Dương trò chuyện vui vẻ. Thật là hoa chồng gấm chất, xinh đẹp yêu kiều, còn hơn cả thiên đường nguyệt điện, nào có kém Bồng Đảo, Doanh Châu. Có bốn bài từ Hỉ, Hội, Giai, Nhân làm chứng rằng:

Bài từ Hỉ viết:

Hỉ! Hỉ! Hỉ! Mừng vui quá nhỉ!
Kết hôn nhân, ân ái mỹ Khéo léo điểm trang, Thường Nga nào kể!
Trang sức phượng với rồng,

Áo vàng ươm rực rỡ.

Môi hồng răng trắng má hây hây,

Yểu điệu như hoa sao đẹp thế! Tầng tầng gấm vóc sắc long lanh,
Trong đội nghìn vàng hương thoảng nhẹ.

Bài từ Hội viết:

Hội! Hội! Hội! Yêu kiều tuyệt vẻ!
Hơn Mao Tường, vượt gái Sở. Nghiêng nước nghiêng thành, Ngọc hoa nào kể.
Trang sức xinh tươi, Nhẫn vàng óng ả.
Lòng lan tính huệ thanh cao, Mặt phấn da băng cao quý.
Mày cong xanh mượt nét núi xa, Chen trong đội gấm xinh tuyết mỹ!

Bài từ Giai viết:

Giai! Giai! Giai! Ngọc nữ tiên nga,
Sao yêu thế, đáng khen là… Hương bay thơm phức, Son phấn đẹp ghê!
Thiên Thai phúc địa xa lắc,

Sao bằng ngay tại vương gia.

Nói cười tưng bừng nhộn nhịp, Bổng trầm thánh thót sênh ca.
Hoa chồng ngọc chất bao xinh đẹp, Khắp chốn nhân gian thật kém xa.

Bài từ Nhân viết:

Nhân! Nhân! Nhân! Lan xạ hương thơm.

Tốp tiên tử, đám mỹ nhân.

Phi tần lộng lẫy, Công chúa thanh tân. Tóc mây quấn mỏ quạ,
Nghê thường kiểu áo quần, Một tiếng âm tiên ròn rã, Hai hàng son tía tươi xinh.
Năm nào từng kết duyên loan phượng, Giờ đây mừng dự hội hôn nhân.

Lại nói chuyện xa giá quốc vương tới nơi, các bà hậu phi dẫn
công chúa cùng cung nga thái nữ ra đón tiếp. Quốc vương mặt tươi roi rói bước vào cung Triêu Dương an tọa. Đám hậu phi cúi lạy xong. Quốc vương nói:

– Công chúa nương nương của trẫm từ hôm mồng tám gieo quả cầu thêu, kén được thánh tăng, chắc đã mãn nguyện thỏa lòng. Các quan trong các nha môn đã thể theo bụng trẫm, mọi việc cũng đã chuẩn bị chu đáo. Hôm nay tốt ngày, nên sơm sớm bắt đầu tiệc cưới, kẻo nhỡ mất giờ tốt.

Công chúa bước tới gần cúi lạy quốc vương nói:
– Thưa phụ vương, phụ vương hãy tha tội cho con, con mới dám thưa một điều này: Mấy ngày qua, con có nghe các quan trong cung kháo nhau rằng Đường thánh tăng có ba đồ đệ mặt mũi cực kỳ xấu xí dữ tợn, con chẳng dám nhìn họ đâu, sợ nhìn họ sinh lòng sợ hãi. Muôn xin phụ vương đưa họ ra ngoài thành để họ không gây kinh sợ tới tấm thân yếu đuối của con, kẻo sinh tai họa.

Quốc vương nói:

– Con không nói, khéo cha quên khuấy mất. Đúng là mặt mũi
họ xấu xí dữ tợn lắm. Suốt ngày nay cha đã khoản đãi họ trong đình Lưu Xuân rồi. Hôm nay lên điện cha sẽ đổi điệp văn cho họ, bảo họ ra ngoài thành cho tiện việc tổ chức tiệc cưới.

Công chúa dập đầu tạ ơn. Quốc vương lên xa giá tới cung
điện, truyền lệnh cho mời phò mã và ba vị đồ đệ cùng đến.

Nguyên Đường Tăng bấm đốt ngón tay tính ngày, chịu đựng cho tới ngày mười hai. Hôm ấy, trời chưa sáng, đã bàn kế hỏi ba đồ đệ rằng:

– Hôm nay là ngày mười hai rồi, việc này phải khu xử thế nào bây giờ?

Hành Giả thưa:

– Con đã nhìn thấy một chút ám khí trên mặt quốc vương,
nhưng chưa thấm khắp người, chưa đến nỗi hại lắm. Chỉ còn chưa nhìn mặt công chúa xem thế nào thôi. Nếu công chúa ra, lão Tôn chỉ liếc một cái là biết ngay thật giả, lúc ấy mới tính được. Sư phụ cứ yên tâm. Hôm nay họ nhất định lại đây mời sư phụ và bảo chúng con ra ngoài thành. Sư phụ cứ tuân theo đừng sợ. Trong chớp mắt con sẽ tới, theo sát bên cạnh bảo vệ sư phụ.

Thầy trò đang bàn tính, đã thấy quan Đương giá và Ty Nghi chế tới mời. Hành Giả cười nói:

– Đi thôi! Đi thôi! Chắc chắn họ sẽ tống tiễn chúng ta, chỉ để một mình sư phụ đi dự tiệc.

Bát Giới nói:

– Tống tiễn thì phải tặng hàng trăm nghìn lạng vàng ròng bạc
trắng để chúng ta mua vài thứ về nhà ông bố vợ tôi, họp mặt vui vẻ tí chút chứ!

Sa Tăng nói:

– Anh hai ngậm miệng vào! Chớ có nói lăng nhăng, mọi việc
đã có anh cả định đoạt.

Đoạn mọi người thu xếp hành lý, ngựa, đi theo mấy viên quan tới trước thềm son. Quốc vương trông thấy mời bọn Hành Giả tới nói:

– Các ngài mang tờ điệp văn lên đây, trẫm sẽ đóng triện cho rồi trao trả các ngài. Ngoài ra trẫm sẽ tặng nhiều tiền ăn đường, tiễn các vị lên đường tới Linh Sơn bái Phật cho sớm. Lấy được kinh về, trẫm sẽ trọng thưởng. Trẫm chỉ giữ một mình phò mã ở lại đây thôi, các ngài đừng có nhớ nhung gì hết.

Hành Giả cảm tạ, bảo Sa Tăng lấy tờ điệp văn dâng lên. Quốc vương xem xong, cầm quả ấn đóng vào, lại sai mang ra mười lạng vàng ròng, hai mươi lạng bạc trắng tặng biếu tạm gọi là lễ của hai nhà thông gia. Bát Giới vốn là người nặng lòng tài sắc vội vã nhận liền. Hành Giả ngước lên dạ một tiếng thật to nói:

– Xin đa tạ! Vui vẻ quá!

Đoạn quay người định đi luôn. Tam Tạng sợ quá chồm dậy
níu chặt lấy Hành Giả nghiến răng rin rít nói:

– Các con không đoái hoài tới ta nữa thật sao?

Hành Giả bấm vào lòng bàn tay Tam Tạng một cái, đoạn đưa
mắt ra hiệu nói:

– Sư phụ cứ ở đây yên tâm hưởng phúc, chúng con đi lấy kinh khi nào quay về, sẽ ghé vào thăm.

Tam Tạng nửa tin nửa ngờ, chẳng chịu rời tay. Trăm quan
trông vào cứ ngỡ thầy trò chia tay nhau thực.

Quốc vương lại mời phò mã lên điện và sai các quan tiễn bọn Hành Giả ra ngoài thành. Bấy giờ Tam Tạng đành buông tay Hành Giả bước lên điện.

Bọn Hành Giả cùng mọi người bước ra khỏi triều đình, hai bên chia tay nhau. Bát Giới hỏi:

– Chúng ta đi thật à?

Hành Giả chẳng nói chẳng rằng đi tới quán dịch. Viên dịch
thừa đón vào pha trà dọn cơm. Hành Giả nói với Bát Giới, Sa
Tăng:

– Hai chú cứ ở đây, chớ có thò mặt đi đâu. Viên dịch thừa có hỏi gì thì cứ trả lời ỡm ờ cho qua chuyện, đừng có nói gì về tôi, để tôi đi bảo vệ sư phụ.

Đại Thánh bèn nhổ một sợi lông, thổi khí tiên, hô “biến!” lập tức biến thành một Hành Giả giả cùng ngồi với Bát Giới, Sa Tăng trong quán dịch, còn chân thân, nhảy vèo một cái lên giữa tầng không, biến thành một con ong mật. Chỉ thấy:

Cánh vàng mồm ngọt đuôi châm Múa may theo gió bay gần bay xa Thích nhất hút nhụy muôn hoa
Xuyên hoa đậu lá bay là bay cao

Mấy phen vất cả cần lao

Bay đi bay lại xiết bao vội vàng

Ủ thánh mật ngọt vô vàn

Tiếng thơm công trạng thế gian tỏ tường.

Hành Giả nhẹ nhàng bay vào trong triều, nhìn thấy Đường
Tăng đang ngồi trên một chiếc đôn gấm bên trái quốc vương, nét mặt đăm chiều, lòng buồn rười rượi. Hành Giả bay đến đậu trên mũ tỳ lư, nhẹ nhàng bò xuống mang tai, khe khẽ cất tiếng gọi:

– Sư phụ, con đã tới đây, đừng buồn phiền nữa.

Câu nói ấy chỉ có Đường Tăng nghe thấy, những kẻ phàm phu
làm sao nghe được! Đường Tăng nghe vậy mới thấy yên lòng. Một lát sau, mấy vị quan trong cung bước tới mời:

– Vạn tuế! Tiệc cưới đã bày tinh tươm trong cung Chi Thước, hoàng hậu và công chúa đang đợi ở đấy, xin mời bệ hạ và quý nhân tới dự.

là:

Quốc vương vui mừng khôn xiết cùng phò mã vào cung. Thật

Tà chúa yêu hoa, hoa tác họa,
Lòng thiền động niệm, niệm sinh buồn.

Cuối cùng không biết Đường Tăng ở trong cung được giải thoát ra làm sao, xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích:
[323] Bốn thứ báu trong phòng văn là: bút, nghiên, giấy, mực.