Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ chín mươi mốt

Phủ Kim Bình đêm nguyên tiêu xem xét
Động Huyền Anh Đường Tam Tạng khai cung

Tu thiền nhất định tốn công phu, 
Ý mã tâm viên thảy diệt trừ. 
Buộc chặt giữ bền sinh ngũ sắc, 
Lỏng lơi dừng lại rớt tam đồ. 
Thần đan tiết lậu do buông thả, 
Ngọc tinh khô gầy bởi chẳng tu. 
Hỉ nộ ưu tư đều quét sạch,
Giúp thành huyền diệu hợp hư vô.

Lại nói chuyện bốn thầy trò Đường Tăng rời thành Ngọc Hoa,
đường sá bằng phẳng, thật là cõi cực lạc. Đi chừng năm sáu ngày đường, thầy trò lại nhìn thấy một tòa thành trì. Đường Tăng bèn hỏi Hành Giả:

– Đây là vùng nào nhỉ?

Hành Giả thưa:

– Đây là một tòa thành trì, nhưng trên thành có cán mà không
có cờ, nên không biết là thành gì, cứ tới gần rồi hỏi sau.

Khi tới gần cửa Đông, thầy trò nhìn thấy phố xá, tiệm rượu tấp nập, hàng dầu hàng gạo ồn ào. Mấy kẻ phóng đãng nhàn cư vô sự thấy Bát Giới mõm dài, Sa Tăng mặt sắt, Tôn Hành Giả mắt lửa đều chen nhau xô đẩy xông vào xem, có điều bọn chúng chẳng dám tới gần hỏi han. Đường Tăng lau mồ hôi, lòng thắc thỏm chỉ sợ bọn họ gây sự. Thầy trò đi qua mấy phố nữa, mà vẫn chưa tới thành. Bỗng thầy trò lại nhìn thấy một tòa sơn môn, trên cổng có ba chữ “Chùa Từ Vân”, Đường Tăng nói:

– Ta vào đây cho ngựa nghỉ một chút và xin bữa cơm chay, các con thấy thế nào?

Hành Giả nói:

– Đúng! Đúng! Đúng!

Bốn thầy trò bước vào, chỉ thấy nơi đây:

Lầu son tráng lệ, Gác tía nguy nga. Phật các cao vút, Tăng phòng bao la.
Cây cao rợp bóng hồ luân tạng, Ráng đẹp vây quanh tháp phù đồ. Điện Đại Hùng mây tía chan hòa, Thật cung giả long miền tịnh thổ. Hành lang rộng rãi người vui vẻ, Cửa tháp mở toang đón khách thăm. Lò hương nghi ngút tỏa thơm lừng, Bàn thờ, bày đèn hoa phẩm quả.
Bỗng nghe phương trượng chuông gióng giả, Tăng nhân lễ Phật tụng chân kinh.

Bốn thầy trò đang ngắm nghía, bỗng thấy một hòa thượng từ
trong hành lang đi ra cúi lạy Đường Tăng hỏi:

– Trưởng lão từ đâu tới? Đường Tăng thưa:
– Đệ tử từ triều Đường bên Trung Hoa tới.

Hòa thượng kia vội cúi rạp xuống đất lạy. Đường Tăng hoảng
hốt đỡ dậy nói:

– Viện chủ cớ sao lại dùng đại lễ làm vậy? Hòa thượng chắp tay nói:
– Người chúng tôi đây đều làm việc thiện, niệm Phật tụng
kinh, chỉ mong được thác sinh vào nước Trung Hoa của trưởng lão, vừa rồi gặp gỡ, thấy trưởng lão áo mũ chỉnh tề, phong thái thung dung, chắc là kiếp trước tu đã trọn vẹn, nên kiếp này mới được hưởng thụ như vậy, cho nên tôi cúi lạy.

Đường Tăng cười nói:

– Không dám! Không dám! Đệ tử tôi chỉ là nhà sư hành cước,
nào có được hưởng thụ gì. Như viện chủ đây nhàn dưỡng tự tại mới là được hưởng phúc đó.

Hòa thượng mời Đường Tăng vào chính điện lạy tượng Phật, sau đó Đường Tăng mới gọi các đồ đệ vào. Nguyên bọn Hành Giả thấy hòa thượng kia trò chuyện với sư phụ thì cả bọn đều quay mặt đi, trông ngựa giữ đồ, đứng ra một góc, hòa thượng kia cũng chẳng để ý. Bây giờ nghe tiếng sư phụ gọi “đồ đệ”, cả ba người mới quay mặt lại. Hòa thượng kia trông thấy, sợ quá nói:

– Ngài ơi, đồ đệ gì mà mặt mũi xấu xí dữ tợn thế? Đường Tăng nói:
– Tuy xấu xí nhưng lại có nhiều pháp lực. Dọc đường tôi toàn
nhờ cậy bọn họ hộ vệ đấy.

Đang nói chuyện, lại thấy mấy hòa thượng từ bên trong đi ra
chắp tay chào. Vị hòa thượng lúc đầu nói với mấy hòa thượng đến sau:

– Vị trưởng lão này là người triều Đường nước Trung Hoa. Còn ba vị đây là đồ đệ.

Mấy vị hòa thượng vừa mừng vừa sợ hỏi:

– Trưởng lão từ Trung Hoa đại quốc tới có việc gì? Đường Tăng thưa:
– Tôi vâng thánh chỉ của vua Đường sang Linh Sơn bái Phật
cầu kinh, đi qua quý xứ ta, ghé vào bảo sái đây, một là hỏi thăm để biết địa phương này, hai là xin bữa cơm chay ăn xong sẽ đi ngay.

Mấy nhà sư nghe xong, ai nấy đều hoan hỉ mời thầy trò vào trong phương trượng. Trong phương trượng còn có mấy vị hòa thượng đang làm cơm chay cho mọi người. Vị hòa thượng vào trước cất tiếng gọi:

– Mấy vị ra mà xem người Trung Hoa này. Hóa ra người Trung Hoa cũng có người đẹp, người xấu. Người đẹp thì đẹp khó vẽ khó tả, người xấu thì cũng cổ quái cực kỳ!

Đông đảo các nhà sư và vị trai chủ đều bước ra đón tiếp. Làm lễ tương kiến xong, ai nấy an tọa. Mọi người cùng dùng trà, Đường Tăng bấy giờ mới hỏi:

– Quý xứ ta tên gọi là gì?
Các nhà sư đáp:

– Vùng chúng tôi là quận ngoài nước Thiên Trúc, tên gọi phủ
Kim Bình.

Đường Tăng hỏi tiếp:

– Từ quý xứ ta tới Linh Sơn còn độ bao xa? Các nhà sư đáp:
– Từ đây tới kinh đô khoảng hai nghìn dặm. Vùng đó chúng
tôi đã đi qua rồi. Còn đi sang Tây tới núi Linh Sơn thì chúng tôi chưa từng tới, không biết còn độ bao nhiêu đường đất, nên không dám trả lời.

Lát sau, cơm chay được dọn ra. Ăn xong, Đường Tăng muốn đi luôn, các nhà sư khẩn khoản giữ lại:

– Trưởng lão nán lại thêm một hai ngày nữa, qua ngày nguyên tiêu, thưởng thức cảnh tượng một chút có sao đâu.

Đường Tăng kinh sợ nói:

– Đệ tử dọc đường vượt qua bao núi bao sông, luôn sợ gặp
phải yêu ma quỷ quái, chẳng để ý tới quang âm vùn vụt, không biết bao giờ mới gặp cảnh “nguyên tiêu giai tiết”?

Các nhà sư cười nói:

– Trưởng lão chỉ tâm tâm niệm niệm bái Phật ngộ thiền, nên
không để ý tới điều đó. Hôm nay là ngày mười ba tháng giêng,
buổi tối sẽ làm lễ “thi đèn”, qua ngày kia là ngày rằm thượng nguyên, tới ngày mười tám, mười chín mới làm lễ “tạ đèn” cơ. Người vùng tôi ưa làm việc tốt, quan thái thú thì thương dân, các nơi đều treo đèn múa hát suốt đêm. Lại còn có cả “cầu đèn vàng” lưu truyền từ thượng cổ, tới nay càng đẹp lắm. Các ngài cứ nán lại vài ngày, chùa chúng tôi lo liệu khoản đãi.

Đường Tăng chẳng biết làm thế nào, đành nán lại. Tối hôm ấy đã nghe thấy tiếng chuông trống vang rền trên điện Phật. Hóa ra là thiện nam tín nữ khắp nơi tới dâng đèn lễ Phật. Đường Tăng và các đồ đệ đều ra ngoài phương trượng xem đèn. Sau đó mọi người đi ngủ.

Ngày hôm sau, các nhà sư trong chùa lại dâng cơm chay. Ăn xong mọi người đi dạo trong vườn sau ngắm cảnh. Quả là một nơi tuyệt đẹp. Chính là:

Thời đúng tháng giêng, Tiết vừa xuân mới. Vườn cây tươi mới, Cảnh vật thanh tân.
Suốt bốn mùa hoa cỏ tươi xanh, Thẳng một mạch núi non trùng điệp. Trước thềm cỏ non xanh mướt mướt,
Đầu cành mai nở ngát hương đưa.

Mơn mởn cành đào tơ, Mỡ màng hàng dương liễu.
Vườn Kim Cốc cảnh quan tuyệt diệu, Đình Cương Xuyên gió mát hây hây.
Một dòng suối chảy, chim rừng chao lượn đó đây, Muôn khóm thủy trúc, tao nhân tứ thơ lai láng.
Hoa thược dược, hoa mẫu đơn, hoa tử vi, hé cười duyên dáng,

Hoa sơn trà, hoa hồng mai, hoa nghênh xuân, hoa thụy hương diễm lệ xinh tươi

Vách non bông tuyết lất phất rơi, Cây xa khói tỏa vương xuân ý. Ven hồ hươu nhởn nhơ gặm cỏ,
Ngọn tùng hạc chao lượn nghe đàn. Đình đông, sảnh tây tân khách dừng chân, Quán nam, tháp bắc tăng nhân thiền định.
Thấp thoáng trong bóng cây hai lầu dưỡng tính, Chập chờn nơi sơn thủy vài chỗ luyện ma. Thật là nơi phong cảnh nên thơ,
Bồng Đảo, Doanh Châu còn tìm đâu nữa!

Bốn thầy trò thưởng lãm một ngày, hết xem đèn ở trên điện
lại đi xem rước đèn. Chỉ thấy:

Thành hoa mã não, Động tiên lưu ly.
Cung Thủy Tinh như gấm thêu hoa, Điện Vân Mẫu long lanh ngũ sắc. Bóng cầu sao đung đưa trời đất, Cây treo đèn đỏ rực gần xa.
Réo rắt tiếng đàn sáo sênh ca, Phố xá cửa nhà hương thơm ngát.
Thấp thoáng ngọn ngạo phong cao ngất, Lượn lờ đàn loan phượng thung dung.
Ánh đèn lồng long lanh, Khí hòa dâng lai láng.
Người nghe sênh ca vui nhộn, Ngựa xe bon chạy lanh canh.
Ngắm sao hết vẻ ngọc mạo hoa dung, Phong nhã hào hoa cảnh đèn tuyệt diệu!

Tam Tạng cùng các nhà sư trong chùa xem đèn xong lại đi
dạo chơi dọc các phố phía cửa đông, tới canh hai mới quay về chùa nghỉ.

Hôm sau, Đường Tăng nói với các nhà sư rằng:

– Đệ tử vẫn có lòng muốn được quét tháp, nhân hôm nay là
ngày thượng nguyên giai tiết, xin viện chủ mở cửa tháp cho đệ tử được toại nguyện.

Các nhà sư bèn mở cửa, Sa Tăng mở tay nải lấy tấm áo cà sa đưa cho Đường Tăng. Đường Tăng bước vào tầng một, khoác áo cà sa, thắp hương lễ Phật xong, bèn cầm cây chổi đót quét tầng thứ nhất, đoạn cởi cà sa đưa cho Sa Tăng, rồi quét tiếp tầng hai, tầng ba, từng tầng cho tới đỉnh tháp. Ngọn tháp này tầng nào cũng có tượng Phật, chỗ nào cũng có ô cửa sổ, Đường Tăng quét tới tầng nào lại thưởng lãm ngắm xem tầng đó. Quét xong bước xuống thì trời cũng vừa tối, đèn các nơi lại được thắp sáng trưng.

Đêm ấy chính là đêm nguyên tiêu rằm tháng giêng. Các nhà
sư nói:

– Thưa lão sư phụ, đêm qua chúng ta mới xem đèn ở trong chùa và ngoài cửa ô. Đêm nay mới là chính tiết, ta nên vào thành xem đèn vàng, lão sư phụ thấy thế nào?

Đường Tăng vui vẻ bằng lòng, cùng bọn Hành Giả và các nhà sư trong chùa vào thành xem đèn. Thật là:

Tiết lương tiêu xuân thắm, Ngày thượng nguyên gió hòa. Hoa đăng treo khắp nhà, Chốn chốn rộn đàn sáo.
Dọc phố đèn sáng rực, Giữa trời trăng bao la. Đèn như gấm thêu hoa, Trăng tựa mâm bạc trắng.
Đèn lồng trăng, lung linh vẻ sáng, Trăng rọi đèn, rực rỡ chan hòa. Ngắm sao hết cây trĩu đèn hoa,

Nhìn bất tận cầu sao óng ánh.

Đèn tuyết hoa, đèn mai hoa băng tan lóng lánh, Đèn tú bình, đèn họa bình năm sắc lung linh. Đèn hoa đào, đèn hoa sen trước ngõ treo lên, Đèn sư tử, đèn bạch tượng bên thềm buộc chặt. Đèn con tôm, đèn ba ba nhấp nha nhấp nháy, Đèn con dê, đèn con thỏ lộng lẫy tinh thần.
Đèn chim ưng, đèn chim phượng liền giải như thành, Đèn con hổ, đèn con ngựa như đi như diễu.
Đèn hạc tiên, đèn hươu trắng Thọ Tinh ngồi cưỡi, Đèn cá vàng, đèn cá kình Lý Bạch bay cao. Đèn ngạo sơn tựa thần tiên tụ hội giữa trời,
Đèn tẩu mã như võ tướng giao tranh giữa trận.

Muôn nghìn nhà đèn hoa lồng lộng, Vài dặm phố mây khói mông lung. Góc này yên ngọc gõ lanh canh,

Phía kia xe thơm lăn rộn rã.

Đám mỹ nữ vai chen vai, tay trong tay, rộn ràng hè phố, Cánh du nhân say túy lúy, cười khà khà, túm tụm bên cầu. Đầy thành tiếng đàn sáo ca lâu,
Suốt đêm giọng sênh ca dìu dặt.

Có bài thơ làm chứng rằng:

Giữa chốn phồn hoa hát hái sen, Trong miền cực lạc khách đua chen. Nguyên tiêu đêm đẹp đèn, trăng sáng, Gió thuận mưa hòa lúa tốt lên.

Lúc ấy chính là lúc quan Kim Ngô không cấm lửa, khắp nơi
một màu đỏ rực, cảnh vật vô cùng ngoạn mục, người xem tấp nập đông vui, chỗ này xướng ca, chỗ kia nhảy múa, kẻ đeo mặt nạ, người cưỡi ngựa voi, túm năm tụm ba, nhìn không chán mắt. Sau đó Đường Tăng và các nhà sư bước tới gần cầu đèn vàng ngắm nghía. Nguyên đó là ba cây đèn vàng. Mỗi cây đèn to bằng cái chum, ánh sáng lung linh chiếu sáng rực tới tầng lầu hai. Đèn được tết bằng những sợi vàng nhỏ xíu, bên trong được dát bằng những phiến ngọc lưu ly mỏng dính, ánh sáng rực rỡ
soi thấu tới tận cung trăng, mùi dầu thơm tỏa ra ngào ngạt. Đường Tăng hỏi các nhà sư:

– Cây đèn được thắp bằng thứ dầu gì mà mùi thơm ngát mũi như vậy?

Các nhà sư thưa:

– Lão sư phụ không biết đấy thôi. Phía sau phủ chúng tôi có
một huyện, tên gọi huyện Mận Thiên. Huyện rộng hai trăm bốn mươi dặm, tổng cộng có hai trăm bốn mươi hộ giàu có phải nộp dầu thắp đèn. Các việc phu dịch khác trong phủ huyện còn khả dĩ chứ các hộ lớn này phải chịu nặng nề lắm, mỗi nhà hàng năm phải tốn tới hơn hai trăm lạng bạc. Thứ dầu này không phải là thứ dầu thường, mà là thứ dầu thơm được chế ra bằng cách chưng cất giá một lạng dầu tới hai lạng bạc, một cân giá ba mươi hai lạng. Ba cây đèn, mỗi một phao gồm năm trăm cân, ba phao gần một nghìn năm trăm cân, tổng cộng mất bốn vạn tám nghìn lạng bạc. Ngoài ra còn tiêu pha vào những việc lặt vặt khác, cả thảy hết hơn năm vạn lạng, thế mà chỉ thắp có ba đêm thôi.

Hành Giả hỏi:

– Nhiều dầu như thế mà có ba đêm đã đốt hết cơ à? Các nhà sư đáp:
– Mỗi một phao dầu này có bốn mươi chín bấc đèn to, được
tết bằng cỏ, quấn lại bằng lụa, to bằng quả trứng gà. Đèn chỉ được thắp có một đêm nay thôi, khi nào đức Phật hiện thân rồi, thì đêm hôm sau dầu hết và đèn cũng tắt.

Bát Giới đứng cạnh cười nói:

– Hay là đức Phật lấy hết số dầu đi chăng? Các nhà sư nói:
– Đúng như vậy. Mọi người trong thành này từ cổ chí kim đều
nói như thế. Khi nào dầu hết rồi, mọi người nói rằng đó là Phật tổ thu đèn, thì năm ấy mùa màng bội thu. Năm nào dầu vẫn còn thì mất mùa đói kém, mưa gió trái thời, vì vậy mọi người ai cũng muốn dâng dầu.

Đang trò chuyện, bỗng nghe thấy tiếng gió thổi vù vù giữa tầng không, mọi người xem đèn sợ quá bỏ chạy tán loạn. Mấy nhà sư cũng run rẩy nói:

– Lão sư phụ nên quay về ngay thôi! Gió nổi là đức Phật giáng phàm xuống đây xem đèn đó.

Đường Tăng hỏi:

– Tại sao biết là đức Phật xuống xem đèn? Các nhà sư thưa:
– Hàng năm đều như vậy. Khoảng sắp sửa canh ba là có gió
nổi. Biết là đức Phật giáng phàm, ai nấy đều phải quay về trốn tránh tất.

Đường Tăng nói:
– Đệ tử tôi vốn là người chỉ biết thờ Phật, niệm Phật, lạy Phật mà thôi, nay gặp cảnh đẹp, lại có chư Phật giáng phàm, được tới đó mà lạy các ngài thì tốt biết bao nhiêu!

Các nhà sư nói mãi, Tam Tạng nhất định không về. Một lát sau quả thấy xuất hiện ba thân Phật ở giữa đám gió, Đường Tăng vội vàng chạy lên tới giữa cầu, cúi rạp mình xuống lạy. Hành Giả vội níu lấy Đường Tăng nói:

– Sư phụ, họ không phải là người tốt đâu! Nhất định là yêu quái đấy!

Vừa dứt lời đã thấy đèn tắt phụt, rồi nghe vèo một tiếng,
Đường Tăng đã bị ngọn gió cuốn đi mất. Than ôi! Chẳng biết là yêu quái động nào núi nào, mà hàng năm đóng giả là Phật tới xem đèn. Bát Giới hoảng hốt tìm khắp phải trái, Sa Tăng í ới gọi
ran trước sau. Hành Giả nói:

– Hai chú không phải gọi nữa. Sư phụ sướng quá sinh buồn, bị yêu quái cướp đi mất rồi.

Mấy vị hòa thượng sợ hãi hỏi:

– Các ngài ơi, làm sao các ngài biết là yêu quái cướp đi? Hành Giả cười nói:
– Các ngài chỉ là một lũ người phàm, đâu có biết, nên bị yêu
quái mê hoặc, một mực cho là đức Phật giáng phàm nhận lễ dâng đèn. Vừa rồi ba thân phật xuất hiện theo ngọn gió thổi tới chính là ba con yêu quái. Sư phụ ta chẳng nhận ra, chạy tới cầu dâng lễ, bọn chúng bèn thổi tắt đèn, trút hết dầu trong phao, và cuốn sư phụ ta đi luôn. Ta chỉ chậm có một tý, nên bọn chúng hóa ra làn gió trốn mất!

Sa Tăng nói:

– Sư huynh ơi, biết làm sao bây giờ? Hành Giả nói:
– Không được chậm trễ, hai chú cùng mọi người quay về chùa
trông ngựa giữ đồ, để lão Tôn đuổi theo ngọn gió ngay!

Đoạn Đại Thánh lộn vèo một cái, nhảy vút lên giữa tầng không, ngửi theo mùi tanh hôi của ngọn gió đuổi thẳng về hướng đông bắc. Đuổi tới lúc trời tối, bỗng thấy làn gió dừng lại. Hành Giả nhìn thấy một quả núi lớn dựng đứng vô cùng
hiểm trở. Quả núi ấy:

Núi non trùng điệp, Uốn lượn nhấp nhô. Dây mây bò vách đá, Tùng bách vút đôi bờ.
Hạc hót trong sương sớm, Nhạn lượn giữa mây tơ. Đỉnh non mũi kiếm dựng, Đá quái nằm chỏng chơ. Thăm thẳm cao ngàn dặm, Sừng sững lượn quanh co. Hoa nở hay xuân đến, Cuốc kêu biết hè qua.
Nhọn hoắt thêm hiểm trở, Gập ghềnh đường khó đi. Hồi lâu đứng lặng ngắm,

Hổ báo gầm vang xa. Hươu nai lượn đây đó, Cáo thỏ giỡn nhởn nhơ. Suối sâu vòng vạn dặm, Róc rách giữa đôi bờ.

Đại Thánh đứng trên vách đá đang tìm đường, bỗng thấy bốn
người đuổi theo ba con dê từ sườn núi phía tây tới, vừa đuổi vừa hò hét:

– Khai thái!

Đại Thánh đảo đôi mắt lửa ngươi vàng nhìn kỹ, nhận ra ngay
đó là bốn sứ giả Tứ trực công tào Năm, Tháng, Ngày, Giờ đang ẩn tượng hóa hình đi tới.

Tức thì Đại Thánh rút ngay gậy sắt múa tít, to bằng miệng bát, dài chừng trượng hai, từ trên vách núi nhảy xuống quát lớn:

– Các ngươi co đầu rụt cổ đi đâu?

Bốn vị Tứ trực công tào thấy Hành Giả giận dữ, thì sợ quá,
quát đuổi ba con dê hiện nguyên hình bản tướng, nép vào bên đường cúi chào:

– Xin Đại Thánh tha tội! Xin Đại Thánh tha tội!
Hành Giả nói:

– Lâu lắm ta chưa đụng tới các ngươi, các ngươi thấy lão Tôn
khoan dung đâm ra lười biếng. Trông thấy ta không chào ngay còn nói lôi thôi cái gì? Giờ đây các ngươi sao không ngầm đi bảo vệ sư phụ ta, lại còn dắt nhau đi đâu thế kia?

Công tào thưa:

– Sư phụ ngài lỏng lơi Thiền tính, ham cuộc vui ở chùa Từ
Vân phủ Kim Bình, vậy nên thái cực sinh bỉ, lạc thịnh sinh bi, bị yêu quái bắt mất. Hiện giờ bên cạnh người đã có Hộ pháp Già lam bảo vệ rồi, còn chúng tôi biết Đại Thánh đang đêm đuổi theo ngay, e Đại Thánh không thông thạo rừng núi ở đây, vội tới báo cho biết.

Hành Giả nói:

– Các ngươi đã tới báo, tại sao lại còn ẩn tính mai danh đuổi
ba con dê, hò hét loạn xạ làm vậy?

Công tào thưa:

– Ba con dê là để ứng với câu “khai thái”, gọi là “tam dương
khai thái”, phá trừ bĩ vận cho sư phụ của Đại Thánh.

Hành Giả hầm hầm toan đánh, nghe thấy nói như vậy bèn tha cho, thu gậy sắt, đổi giận làm vui hỏi:

– Tòa núi này là sào huyệt của yêu quái à? Công tào thưa:

– Thưa vâng. Ngọn núi này tên gọi núi Thanh Long. Trong
núi có động tên gọi động Huyền Anh. Động có ba yêu quái: Tên lớn là Tỵ Hàn đại vương, tên thứ hai là Tỵ Thử đại vương, tên thứ ba là Tỵ Trần đại vương. Bọn chúng đã sống ở đây đến nghìn năm rồi. Từ nhỏ bọn chúng đã thích ăn thứ dầu thơm chế bằng cách chưng cất đó, lâu ngày thành tinh, tới đây giả trang đức Phật, lừa dối quan dân phủ Kim Bình lập ra đèn vàng, mà dầu thắp đèn phải dùng thứ dầu thơm ấy. Hàng năm cứ đêm rằm tháng giêng bọn chúng biến thành Phật tượng tới lấy dầu. Năm nay bọn chúng gặp sư phụ của Đại Thánh, biết sư phụ là thánh tăng, bèn bắt ngay sư phụ về động, chẳng mấy chốc sẽ cắt nhỏ thịt sư phụ rồi rán bằng thứ dầu thơm đó mà chén. Đại Thánh phải mau mau cố sức mới cứu thoát được sư phụ.

Hành Giả nghe xong quát đuổi bốn vị Tứ trực công tào, đoạn nhảy qua sườn núi tìm tòa động phủ. Đi được vài dặm, Hành Giả nhìn thấy bên bờ suối một vách đá, dưới vách đá là một tòa động, hai tấm cửa đá nửa khép nửa mở. Bên cửa có dựng một tấm bia, trên viết sáu chữ “động Huyền Anh núi Thanh Long”. Hành Giả chẳng dám đường đột bước vào, chỉ đứng vững rồi cất tiếng gọi:

– Yêu quái! Mau mau mang sư phụ ra trả ta!

Phía bên kia nghe kẹt một tiếng, cánh cửa động mở toang ra,
một đàn yêu tinh đầu trâu chạy ra ngơ ngơ ngác ngác hỏi:

– Nhà ngươi là ai mà dám tới đây hò hét? Hành Giả nói:
– Ta là đồ đệ cả của thánh tăng Đường Tam Tạng nước Đại Đường bên phương Đông, dọc đường qua phủ Kim Bình xem đèn, sư phụ ta bị đại vương nhà ngươi bắt đi. Các ngươi hãy mau mau mang sư phụ ra trả ta thì ta tha chết cho! Bằng không ta sẽ đạp đổ sào huyệt, đập nát bọn ngươi như cám!

Bọn tiểu yêu nghe xong, vội vàng chạy vào báo:

– Thưa đại vương, tai họa rồi!

Ba lão yêu đang lôi Đường Tăng vào tít đáy động, chẳng
thèm hỏi đầu cua tai nheo, sai ngay bọn tiểu yêu lột hết quần áo, lấy nước trong tắm rửa sạch sẽ, định thái nhỏ băm nát, bỏ vào dầu thơm rán chén. Bọn chúng bỗng nghe tiếng “tai họa”, lão yêu cả sợ hãi, hỏi duyên cơ gì. Bọn tiểu yêu thưa:

– Phía cửa trước có một hòa thượng mặt đầy lông lá, mõm như thiên lôi đang la lối rằng đại vương bắt mất sư phụ của hắn, phải trả hắn ngay thì hắn tha chết cho. Bằng không sẽ đạp đổ động phủ, đập nát chúng ta như cám.

Bọn lão yêu nghe xong đều sợ hãi nói:

– Bọn ta vừa mới bắt tên này về, còn chưa kịp hỏi hắn tên tuổi
lai lịch ra sao. Bọn nhỏ, đưa quần áo cho hắn mặc, rồi giải hắn lại đây, bắt hắn khai xem hắn là ai, từ đâu tới.

Bọn tiểu yêu ùa cả lại, cởi trói cho Đường Tăng, mặc quần áo vào cho, đoạn lôi tới trước tòa. Đường Tăng sợ quá run như cầy sấy, quỳ mọp xuống đất van xin:

– Đại vương tha tội cho! Tha tội cho!

Ba yêu quái đồng thanh hỏi:

– Nhà ngươi là hòa thượng từ phương nào tới? Tại sao thấy
Phật tượng lại không tránh, dám cản trở đường mây của chúng ta?

Đường Tăng dập đầu thưa:

– Bần tăng là người nước Đại Đường bên phương Đông, vâng
lệnh nhà vua sang chùa Đại Lôi Âm nước Thiên Trúc bái Phật cầu kinh dọc đường nhân đi qua phủ Kim Bình, vào chùa Từ Vân xin cơm chay, được các nhà sư trong chùa giữ lại xem đèn đêm nguyên tiêu, bần tăng đang đứng trên cầu đèn vàng bỗng thấy đại vương hiển hiện Phật tượng, bần tăng người trần mắt thịt, thấy Phật bèn lạy, nên làm trở ngại tới đường mây của đại vương.

Bọn yêu quái quát:

– Nhà ngươi từ phương Đông tới đây đường sá xa xôi vậy cả
bọn gồm mấy người? Tên họ chúng là gì? Hãy mau mau khai thực ra thì ta tha chết cho!

Đường Tăng thưa:

– Bần tăng tên tục là Trần Huyền Trang, từ nhỏ đã tu ở chùa
Kim Sơn, về sau được hoàng đế sắc phong cho làm tăng quan ở chùa Hồng Phúc tại Tràng An. Rồi một hôm nhân thừa tướng Ngụy Trưng nằm mộng chém Long vương Kinh Hà, vua Đường phải xuống chơi địa phủ, sau đó hồi sinh trở lại dương thế, ngài bèn mở đại hội thủy lục siêu độ cho các âm hồn. Vua Đường lại
giao cho bần tăng làm đàn chủ, đại xiển đô cương. May mắn có đức Quan Âm Bồ Tát xuất hiện, chỉ giáo cho bần tăng rằng ở chùa Đại Lôi Âm bên phương Tây có ba tạng chân kinh, có thể siêu độ cho các vong hồn lên trời, nhà vua bèn sai bần tăng đi lấy. Nhân vậy, vua Đường ban tên cho là Tam Tạng, lại ban cho họ Đường, vì thế mọi người gọi bần tăng là Đường Tam Tạng. Bần tăng có ba đồ đệ. Đồ đệ cả họ Tôn, tên là Ngộ Không Hành Giả, là Tề Thiên Đại Thánh đã quy y.

Bọn yêu quái nghe vậy, giật mình hỏi:

– Có phải Tề Thiên Đại Thánh năm trăm năm trước đại náo
thiên cung không?

Đường Tăng đáp:

– Chính phải, chính phải. Đồ đệ hai họ Trư, tên là Ngộ Năng
Bát Giới, tức là Thiên Bồng đại nguyên soái giáng phàm. Đồ đệ ba họ Sa, tên là Ngộ Tĩnh Hòa Thượng, tức là Quyển Liêm đại tướng hạ giới.

Ba yêu vương nghe xong, tên nào tên nấy sợ hãi nói:

– May mà chưa chén thịt hắn. Bọn nhỏ, lôi Đường Tăng ra
đằng sau, lấy khóa sắt khóa lại, đợi khi nào bắt gọn cả ba tên kia rồi chén một thể.

Đoạn điểm hết bọn yêu tinh trâu rừng, trâu nước, bò vàng, binh khí trong tay, ra cả ngoài cửa phất cờ gióng trống.

Ba yêu vương nai nịt gọn ghẽ, bước ra ngoài cửa cất tiếng quát:

– Nhà ngươi là ai mà dám tới cửa ta quát tháo?

Hành Giả nép vào vách đá nhìn kỹ, thấy yêu quái:

Mặt phấn mắt tròn xoe, Hai sừng cong dài ghê. Bốn tai vểnh nhọn hoắt, Mắt chơm chớp sáng lóe.
Một khoáy hoa văn như đồ họa,

Một tên: Một tên: Một tên:

Khắp người đẹp tựa gấm thêu hoa

Đầu đội mũ da cừu ấm áp, Mặt vênh lên sát khí đằng đằng.

Mình choàng lụa mỏng bay phơ phất, Bốn chân lốm đốm ngọc lung linh.

Oai hùng gầm thét vang như sấm, Răng nhọn chìa ra sắc tựa dùi. Tên nào tên ấy nom hùng dũng, Binh khí lăm lăm chẳng sợ ai. Một tên sử một cây búa nặng, Một tên sử một lưỡi đại đao.
Còn tên kia, bạn ơi coi thử, Vắt vẻo bên vai một sợi hèo.

Lại thấy cả một bọn tiểu yêu lớn nhỏ cao lùn gầy béo toàn là
loại yêu quái đầu trâu, lăm lăm thương gậy. Thấy cả ba lá cờ to, trên cờ thêu rõ ràng hàng chữ “Tỵ Hàn đại vương”, “Tỵ Thử đại vương” và “Tỵ Trần đại vương”. Tôn Hành Giả quan sát hồi lâu, không nhịn nổi nữa, bước tới quát vang:

– Đồ yêu quái ăn cướp khốn kiếp kia có nhận ra lão Tôn không?

Yêu quái quát lại:

– Nhà ngươi là Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung phải
không? Quả mới nghe tiếng mà chưa nhìn mặt. Nhìn mặt mới biết là xấu xí quá chừng! Nhà ngươi chẳng qua cũng chỉ là con khỉ hồ tôn mà thôi!

Đại Thánh càng quát vang:

– Đồ yêu quái khốn kiếp kia, đồ ăn trộm dầu, mồm mép trơn
như mỡ, chớ có nói lôi thôi, mang trả sư phụ ta ngay!

Đoạn xông tới, múa gậy sắt đánh liền. Ba lão yêu cũng vung binh khí đón đỡ. Trận đánh nhau quyết liệt diễn ra ngay giữa thung lũng:

Búa nặng cương đao lẫn sợi mây,
Hầu Vương một gậy quyết ra tay.

Tỵ Hàn, Tỵ Thử, Tỵ Trần quái, Biết rõ Tề Thiên Đại Thánh này. Gậy nện quỷ thần đều sợ hãi,
Búa vung đao chém sợi mây quay. Hỗn nguyên có phép chân không tượng, Đánh với ba yêu giả Phật này.
Yêu quái trộm dầu nay xuống phạm, Bắt ngay hòa thượng tính sao đây.
Một kẻ: Quen thói hàng năm dầu xuống trộm, Một người: Chẳng quản đường xa quyết cứu thầy. Binh khí va nhau kêu loảng xoảng,
Tiếng gậy vèo vèo nhận rõ ngay.

Hùng hùng hổ hổ ba vây một, Thần thông võ nghệ quyết ra tay. Đánh nhau một thoáng trời sầm tối,
Chưa rõ ai thua ai được đây.

Hành Giả đánh nhau với ba yêu quái chừng năm trăm mười
hiệp thì trời đã sập tối mà thắng bại chưa phân. Bỗng thấy tên Tỵ Trần đại vương vung sợi roi mây loáng một cái, nhảy tới trước trận phất phất cây cờ, lập tức một đàn yêu quái đầu trâu ào cả lên, vây chặt Hành Giả vào giữa, tên nào tên ấy múa tít binh khí đánh loạn xạ. Hành Giả thấy cơ sự bất lợi, vội vàng nhảy vèo lên mây, thua trận bỏ chạy. Yêu quái không đuổi theo, thu bọn tiểu yêu quay về động dọn cơm ăn uống, đoạn lại sai một tên tiểu yêu đem cho Đường Tăng một bát cơm, đợi khi nào bắt được Hành Giả sẽ ăn thịt cả thể. Sư phụ một là chỉ chuyên ăn trường chay, hai là đang lo buồn, nên chỉ khóc rưng rức chẳng hề chạm môi. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện Hành Giả cưỡi mây bay về chùa Từ Vân cất tiếng gọi:

– Sư đệ ơi!

Bát Giới, Sa Tăng đang bàn tán chờ đợi, nghe tiếng gọi, chạy
ùa cả ra đón hỏi:

– Anh ơi, sao anh đi suốt một ngày bây giờ mới về? Việc cứu sư phụ thế nào?

Hành Giả cười nói:

– Đêm qua, theo vệt gió, tôi đuổi theo cho tới lúc trời tối, tới
một quả núi thì không thấy chúng đâu nữa. May có Tứ trực công tào tới bảo cho biết rằng đó là núi Thanh Long. Trong núi có
động Huyền Anh. Trong động có ba yêu quái là Tỵ Hàn đại vương, Tỵ Thử đại vương và Tỵ Trần đại vương. Hóa ra là chính bọn chúng hàng năm tới đây ăn trộm dầu, biến thành Phật giả, lừa dối quan dân phủ Kim Bình. Năm nay chúng tới gặp phải chúng ta, chẳng kể hay dở, bắt ngay sư phụ mang đi. Lão Tôn đã nắm chắc mọi lẽ, dặn dò công tào ngấm ngầm bảo vệ sư phụ, đoạn tới tận cửa quát mắng. Ba yêu quái đều xông ra, trông chúng chẳng khác bọn quỷ đầu trâu. Một tên sử một chiếc búa to, một tên sử cây đại đao, còn tên kia sử chiếc gậy mây. Sau đó bọn chúng kéo hết bọn quỷ quái đầu trâu cả động ra phất cờ gióng trống đánh nhau với lão Tôn suốt một ngày bất phân thắng bại. Rồi tên yêu vương đó lại phất cờ, xua bọn tiểu yêu xông ra. Ta thấy trời tối, e khó thắng được chúng, bèn nhảy lên mây bay về.

Bát Giới nói:

– Hay là bọn quỷ vương dưới thành Phong Đô náo động
chăng?

Sa Tăng hỏi:

– Tại sao anh lại đoán là bọn quỷ vương thành Phong Đô? Bát Giới cười nói:
– Anh cả vừa nói là bọn quỷ quái đầu trâu, nên tôi đoán thế! Hành Giả nói:
– Không phải! Không phải! Cứ như ý lão Tôn sau khi đã nhìn
thấy bọn chúng thì chúng chỉ là ba con tê giác thành tinh mà
thôi.

Bát Giới nói:

– Nếu là tê giác thì bắt về cưa sừng, bán ít ra cũng được vài
lạng bạc đấy.

Đang trò chuyện thì các nhà sư bước ra hỏi:

– Thưa Tôn trưởng lão, ngài đã dùng bữa tối chưa ạ? Hành Giả nói:
– Tiện thì ăn tí chút, không ăn cũng chẳng sao. Các nhà sư nói:
– Ngài đánh nhau suốt một ngày lại không đói à? Hành Giả cười nói:
– Có một ngày đánh nhau làm gì đã đói! Lão Tôn đã từng năm
trăm năm không ăn uống tí gì kia!

Các nhà sư không biết chuyện, chỉ cho là Hành Giả nói vui. Một lát sau, mâm cơm được mang lại. Hành Giả cũng ăn chút ít, đoạn nói:

– Các ngài sửa soạn đi ngủ đi, đợi ngày mai tôi sẽ đi đánh nhau, bắt bọn yêu vương cứu sư phụ về.

Sa Tăng đứng cạnh nói:

– Anh nói gì thế! Thường có câu: “Nhanh tay hơn hay
thuốc”[321] nhỡ ra yêu quái đêm nay không ngủ, hại mất sư phụ thì làm sao? Không bằng đi luôn bây giờ, hò hét khiến chúng trở tay không kịp thì mới cứu được sư phụ. Chậm trễ e hỏng mất.

Bát Giới nghe vậy cũng phấn chấn tinh thần nói:

– Chú Sa nói chí phải! Chúng ta nhân trăng sáng đi hàng yêu
luôn thôi!

Hành Giả nghe lời, dặn dò các nhà sư trong chùa:

– Các ngài trông ngựa giữ đồ hộ để chúng tôi đi bắt yêu quái
về, để cho quan thứ sử bản phủ biết đó là Phật giả mà bỏ lệ hiến dầu, đỡ cho dân nghèo nỗi khổ sở, thế không phải là điều hay sao?

Các nhà sư vâng lời. Ba người bèn nhảy vút lên mây, rời thành đi luôn. Thế mới thật là:

Lười biếng buông tuồng Thiền tính loạn

Tai ương xảy đến đạo tâm mờ.

Cuối cùng không biết chuyến đi này thắng bại ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích:
[321] Nguyên văn: Dừng lại để có trí dài