Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ tám mươi tám

Thiền đến Ngọc Hoa thi võ nghệ 
Ba trò xin phép nhận môn đồ

Lại nói chuyện Đường Tăng vô cùng hoan hỉ từ biệt quận hầu, ngồi trên lưng ngựa nói với Hành Giả:

– Đồ đệ ơi, thiện quả vừa rồi toàn là nhờ công của con đấy, nó còn lớn hơn cả công đức cứu trẻ ở nước Tỳ Kheo nữa kia.

Sa Tăng nói:

– Ở nước Tỳ Kheo chỉ cứu được một nghìn một trăm linh một trẻ con, sánh làm sao được với trận mưa ngọt lai láng đầm đìa cứu sống tính mạng hàng nghìn hàng vạn sinh linh này. Con cũng thầm thán phục thần thông pháp lực ngang trời, lòng đại từ đại bi tày đất của anh cả đấy.

Bát Giới cười nói:

– Anh con ơn cũng có, thiện cũng có, nhưng chỉ là “miệng nam mô, bụng bồ dao găm” mà thôi. Cùng đi với lão Trư mà toàn là xỏ lá.

Hành Giả nói:

– Tôi xỏ lá chú cái gì? Bát Giới nói:
– Thôi đủ rồi! Thôi đủ rồi! Thường nhường cho tôi bị trói, bị treo, bị hầm, bị nấu đó thôi! Hôm nay ở quận Phượng Tiên thì ơn cứu sống hàng vạn vạn người, lẽ ra nên nán lại độ nửa năm, đưa tôi đi chén vài bữa no căng đã chứ, đằng này chưa chi đã giục phải đi ngay!
Tam Tạng nghe nói bèn quát lên:

– Đồ ngốc, chỉ suy tính thiệt hơn làm phiền người khác! Đi mau lên, không được đấu khẩu nữa!

Bát Giới chẳng dám nói năng, chúi chúi cái mõm cười hà hà gánh hành lý. Bốn thầy trò đi thẳng ra đường cái.

Khi ấy, quang âm vùn vụt, thấm thoắt đã sang tiết giữa thu, chỉ thấy:

Mây mưa vừa thu hết, Vóc núi xa hao gầy. Lá đỏ bay lả tả,
Cúc vàng nở hây hây. Trăng sáng soi song cửa. Sương lạnh hay đêm dài. Khói bếp chiều lan tỏa. Mặt hồ trong vơi đầy. Ngô tía xanh tươi tốt,
Bèo trắng hương thoảng bay, Quýt xanh, chanh vàng ửng.
Lúa chín, liễu khô gầy, Bông lau bay xào xạc, Xóm hoang én lạc bầy. Điếm vắng gà đâu gáy. Mùa gặt đến rồi đây.
Bốn thầy trò đi đã khá lâu, chợt lại nhìn thấy thấp thoáng bóng tường thành. Tam Tạng chỉ roi nói:

– Ngộ Không, con nhìn xem, hình như kia lại là một tòa thành
trì, nhưng không biết là nơi nào.

Hành Giả nói:

– Con và sư phụ đều chưa tới bao giờ, làm sao biết được? Cứ đi tới đó rồi hỏi.

Chưa đứt lời, bỗng thấy một cụ già tay chống gậy trúc, mình mặc áo the mỏng, chân đi đôi hài gai, lưng thắt sợi dây mảnh từ trong bụi cây đi ra. Đường Tăng vội vàng buông cương xuống ngựa, bước tới hỏi thăm. Cụ già chống gậy đáp lễ rồi hỏi:

– Trường lão từ đâu tới? Đường Tăng chắp tay thưa:
– Bần tăng từ nước Đại Đường bên phương Đông, vâng lệnh nhà vua sang chùa Đại Lôi Âm bái Phật cầu kinh. Hôm nay tới quý xứ ta, từ xa đã nhìn thấy thành trì nhưng chưa biết tên là gì, mong cụ chỉ giáo.

Cụ già nghe xong thán phục:

– Đúng là bậc thiền sư có đạo! Vùng chúng tôi là hạ quận của nước Thiên Trúc, tên gọi huyện Ngọc Hoa. Người chủ thành của huyện chúng tôi là tôn thất của hoàng đế nước Thiên Trúc, được phong là Ngọc Hoa Vương. Vương là người rất mực hiền lương, kính trọng tăng đạo, yêu mến lê dân. Lão thiền sư nếu đến yết kiến, chắc chắn sẽ được Vương rất tôn kính.
Tam Tạng cảm tạ xong, cụ già lại rời gót đi về phía rừng cây. Tam Tạng quay lại kể hết với đồ đệ của mình. Ba người mừng
rỡ, đỡ sư phụ lên ngựa. Tam Tạng nói:

– Gần tới nơi rồi, chẳng cần phải cưỡi ngựa đâu.

Bốn người đi bộ tới bên thành ngắm nghía phố phường, thấy nhà cửa phố xá buôn bán sầm uất. Cảnh vật cực kỳ phồn thịnh. Xem xét giọng nói dáng người, thấy chẳng kém gì ở Trung Hoa.
Tam Tạng dặn dò:

– Các đồ đệ nên cẩn thận, chớ có buông tuồng.

Bát Giới cúi đầu, Sa Tăng giấu mặt, còn Tôn Hành Giả thì đi bên cạnh dìu sư phụ. Người hai bên đường đổ xô lại xem, rồi nói ồn ào:

– Vùng ta từng có cao tăng hàng long phục hổ, chưa từng thấy hòa thượng hàng lợn phục khỉ bao giờ.

Bát Giới không nhịn nổi, dẩu mõm nói:
– Thế các người đã thấy hòa thượng hàng lợn vương chưa? Đám người sợ quá xô nhau giạt sang hai bên. Hành Giả cười
nói:

– Chú ngốc, mau giấu cái mõm đi, chớ có làm bộ nữa, cẩn thận chân bước qua cầu đấy.

Chú ngốc cúi gằm mặt, chỉ cười hề hề, bước qua cầu treo vào trong cửa thành. Tới đây, họ lại nhìn thấy một phố lớn, san sát quán rượu, nhà hát, náo nhiệt ồn ào. Thật là một nơi thần châu đô hội. Có bài thơ làm chứng rằng:

Thành đồng lũy sắt vững ngàn năm

Dựa núi kề sông sắc vẻ tân Hàng hóa lưu thông thuyền cập bến Quán hàng nhộn nhịp cửa treo rèm Lâu đài san sát dân đông đúc
Phố xá quanh co khách rảo chân Chẳng kém Tràng An phong cảnh đẹp Gà kêu chó sủa rộn xa gần.
Tam Tạng trong lòng mừng thầm nói:

– Người ta đồn về các nước ở Tây vực, nhưng ta chưa từng
đến bao giờ. Giờ đây ngắm kỹ cảnh này, nào có khác gì nước
Đại Đường ta đâu. Thế giới cực lạc chính là nơi đây vậy. Ta
[319]
nghe thấy người ta rao gạo trắng bốn đồng một thạch

, dầu
vừng tám quan một cân. Thật là một nơi dồi dào thực phẩm.

Đi một lát lâu thì tới vương phủ Ngọc Hoa, hai bên cửa phủ còn có Trưởng Sứ phủ, Thân lý sảnh, Điển Thiện sở, Đãi Khách quán. Tam Tạng nói:

– Đồ đệ ơi, đây là vương phủ rồi, để ta vào yết kiến huyện vương xem xét điệp văn rồi đi.

Bát Giới nói:

– Sư phụ vào để chúng con đứng chôn chân ở trước cửa nha môn sao?

Tam Tạng nói:

– Nhà ngươi không trông thấy ba chữ “Đãi Khách Quán” nơi cửa kia à? Các con vào đấy ngồi đợi xem có cỏ giả thì mua cho ngựa ăn. Ta yết kiến vương rồi, thảng hoặc ngài có mời cơm chay, sẽ về gọi các con cùng ăn.

Hành Giả nói:

– Sư phụ cứ yên tâm vào trước đi. Chúng con khắc có cách khu xử.

Sa Tăng gánh hành lý vào trong quán. Số người hầu trong quán thấy mặt mũi bọn Hành Giả xấu xí, không dám hỏi, cũng không dám đuổi đi, để mặc ngồi đó. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện lão sư phụ thay quần áo, cầm điệp văn đến thẳng trước cửa vương phủ, đã thấy viên quan dẫn lễ bước ra đón rồi hỏi:

– Trưởng lão đi từ đâu tới? Tam Tạng thưa:
– Bần Tăng người nước Đại Đường bên phương Đông, vâng lệnh nhà vua sang chùa Đại Lôi Âm bái Phật cầu kinh, hôm nay tới quý xứ ta, muốn vào đổi điệp văn và chúc vương vạn tuế.

Quan dẫn lễ vội trở vào báo. Vương tử quả nhiên là bậc hiền lương đạt đạo, lập tức cho gọi vào. Tam Tạng bước tới trước điện thi lễ. Vương tử mời ngay vào giữa điện ngồi. Tam Tạng dâng điệp văn lên, vương tử nhìn thấy dấu ấn tín của các nước, cũng vui vẻ đóng dấu báu cho. Sau khi đặt con dấu lên án, vương tử hỏi:

– Thưa trưởng lão quốc sư, trưởng lão từ nước Đại Đường tới đây, vượt qua nhiều nước, tất cả mất bao nhiêu độ đường?

Tam Tạng thưa:

– Bần tăng cũng không nhớ được là bao nhiêu. Nhưng nhớ ngày ra đi, đức Quan Âm Bồ Tát hiển thân trước mặt nhà vua chúng tôi, ngài có gửi cho một câu tụng, có nói rằng đường sang phương Tây mười vạn tám ngàn dặm. Bần tăng đi đường đã trải qua mười bốn lần nóng lạnh rồi.

Vương tử cười nói:

– Mười bốn lần nóng lạnh, vị chi là mười bốn năm. Chắc là dọc đường vất vả lắm nhỉ?

Tam Tạng thưa:

– Một lời nói sao hết! Muôn quái nghìn ma, trải qua không biết bao nhiêu là gian nan khổ sở, mới tới được quý xứ ta đây.

Vương tử vô cùng mừng rỡ, lập tức sai quan Điển Thiện sửa soạn cơm chay thết đãi. Tam Tạng lại thưa tiếp:

– Bần tăng còn có ba đồ đệ nữa đang đứng đợi bên ngoài nên không dám ăn uống sợ lỡ độ đường.

Vương tử bèn ra lệnh:
– Quan Dương Diện, ngài mau ra mời ba đồ đệ của trưởng lão vào cùng xơi cơm một thể.

Quan Dương Diện ra ngoài mời, miệng lẩm bẩm:

– Chẳng thấy đâu cả. Chẳng thấy đâu cả. Người đi theo nói:
– Thấy ba hòa thượng mặt mũi xấu xí ngồi trong Đãi Khách quán, chắc là họ.

Quan Dương Diện cùng mọi người bước vào quán, hỏi viên trông coi quán:

– Ai là đồ đệ của hòa thượng Đại Đường đi lấy kinh? Chúa ta đã có lệnh mời họ vào xơi cơm.

Bát Giới đang, ngồi ngủ gật, vừa nghe thấy tiếng “cơm”, không nhịn nổi, nhảy cả người lên đáp:

– Chúng tôi đây! Chúng tôi đây!

Quan Dương Diện vừa nhìn thấy hồn vía đã rụng rời, run như cầy sấy, miệng lắp bắp:

– Ôi, quỷ lợn! Quỷ lợn!

Hành Giả thấy thế, túm chặt lấy Bát Giới nói:

– Chú em, phải có lễ độ một tý chứ, đừng giở cái thói quê mùa
ra.

Mọi người nhìn thấy Hành Giả, lại kêu toáng lên:

– Ôi, tinh khỉ! Tinh khỉ! Sa Tăng chắp tay nói:
– Các vị đừng sợ. Ba chúng tôi là đồ đệ của Đường Tăng đấy. Mọi người nhìn thấy lại la rầm lên:
– Ôi! Táo quân! Táo quân!
Tôn Hành Giả bảo Bát Giới dắt ngựa, Sa Tăng gánh hành lý cùng vào cả trong phủ Ngọc Hoa. Quan Dương Diện vào trước báo.

Vương tử vừa, nhìn thấy ba người mặt mũi xấu xí, trong bụng cũng hơi sợ. Tam Tạng chắp tay nói:

– Vương tử yên tâm. Đồ đệ tôi tuy mặt mũi xấu xí, nhưng bụng dạ hiền lành.

Bát Giới bước tới dạ một tiếng thật to, rồi chào:

– Bần tăng xin có lời chào.

Vương tử thấy thế càng sợ hãi, Tam Tạng nói:

– Mấy đồ đệ này tôi đều thu phục được ở nơi thôn dã, chưa tường lễ nghi, muôn xin xá tội.

Vương tử đành nén sợ hãi, sai quan Điển Thiện mời thầy trò vào đình Bộc Sa ăn cơm. Tam Tạng tạ ơn, bước xuống điện, cùng ba đồ đệ vào trong đình, vừa đi vừa oán trách Bát Giới:

– Nhà ngươi thô lỗ, chẳng biết chút lễ nghĩa gì cả. Cứ đừng mở mồm ra lại còn hơn. Đằng này lại quá thô lỗ, một câu nói đến đổ cả núi Thái Sơn.

Hành Giả cười nói:

– Cứ như tôi chẳng nói năng gì, lại đỡ được một ít sức lực. Sa Tăng nói:
– Anh nói năng lại không thế à, chưa chi đã đầy một miệng quát tháo.

Bát Giới nói:

– Rõ lắm chuyện! Rõ lắm chuyện! Hôm trước sư phụ bảo tôi gặp người phải chào hỏi mới là có lễ độ. Hôm nay tôi chào thì lại chê. Biết làm thế nào cho phải!
Tam Tạng nói:

– Ta bảo nhà ngươi gặp người phải chào, nhưng có bảo nhà ngươi gặp vương tử lại nhố nhăng như thế đâu. Thường có câu: “Người ba đấng của ba loài”, tại sao nhà ngươi không biết phân biệt kẻ sang người hèn.

Đang nói, đã thấy quan Điển Thiện dẫn người hầu dọn dẹp bàn ghế, bày mâm cơm ra. Bốn thầy trò chẳng nói năng cứ việc ăn uống.

Lại nói chuyện vương tử rời điện vào nội cung. Trong cung có ba tiểu vương tử. Ba người thấy cha mặt mũi tái nhợt bèn hỏi:

– Phụ vương hôm nay có việc gì mà trông có vẻ sợ hãi thế? Vương tử đáp:
– Vừa rồi có một hòa thượng từ nước Đại Đường bên phương Đông vâng lệnh nhà vua sang chùa Đại Lôi Âm bái Phật cầu kinh đến xin đổi diệp văn. Ngài ấy dáng mạo phi phàm, cha có mời ngài ở lại xơi bữa cơm chay. Ngài ấy nói còn có ba đồ đệ ở ngoài phủ. Cha cho mời vào. Vừa vào, nhìn thấy cha, họ chẳng lấy đại lễ ra mắt, chỉ dạ chào một tiếng, cha đã thấy không hài lòng rồi. Thế rồi khi cha ngẩng đầu nhìn, thấy bọn họ ai nấy dữ tợn như yêu quái, nên trong lòng sợ hãi, mặt mũi nhợt nhạt đi như vậy.

Nguyên ba tiểu vương tử vốn tài đảm khác người, ai nấy khỏe mạnh, võ nghệ cao cường, nghe nói vậy bèn xắn tay giơ đấm nói:

– Hẳn là yêu quái trong núi mò tới, giả trang hình người, để chúng con cầm binh khí ra xem sao.

Đoạn vương tử cả cầm cây côn tề mi, vương tử hai múa cây đinh ba chín răng, vương tử út vác cây gậy sơn đen bóng, hùng dũng hiên ngang bước ra ngoài vương, phủ quát lớn:
– Hòa thượng lấy kinh lấy kệ gì đâu rồi?

Khi ấy, quan Điển Thiện vội quỳ xuống thưa:

– Thưa tiểu vương, họ đang ăn cơm trong đình Bộc Sa ạ. Ba tiểu vương tử chẳng kể hay dở, xông ngay vào quát:
– Các ngươi là người hay là quái, mau nói ra thì ta tha chết cho!

Tam Tạng sợ quá mặt mũi tái nhợt, buông vội bát đũa, cúi người nói:

– Bần tăng là người triều Đường đi lấy kinh, là người chứ không phải là yêu quái đâu ạ!

Tiểu vương tử nói:

– Ngài còn giống người, chứ ba tên kia xấu xí dữ tợn, hẳn là yêu quái.

Bát Giới cứ việc điềm nhiên ăn uống. Sa Tăng, Hành Giả nghiêng người nói:

– Chúng tôi cũng là người cả, mặt tuy xấu xí nhưng bụng hiền lành, người tuy thô kệch nhưng tính lương thiện. Ba ngài từ đâu tới mà lớn tiếng ngông cuồng như vậy?

Viên quan Điển Thiện đứng bên cạnh thưa:

– Ba ngài đây là tiểu điện hạ, con trai của vương tử tôi. Bát Giới buông bát quát:
– Tiểu điện hạ mà lại cầm binh khí làm gì? Định muốn đánh nhau với chúng tôi chắc?

Vương tử hai bước tới, hai tay múa đinh ba định đánh Bát
Giới. Bát Giới cười hì hì nói:

– Cây đinh ba của chú chỉ đáng là con cháu cây đinh ba của tớ thôi.
Đoạn vạch áo, rút cây đinh ba bên mạng sườn ra múa tít một vòng, muôn đạo hào quang lấp lánh; đi vài hướng võ, nghìn tia khí đẹp dâng dâng. Vương tử hai sợ quá chân tay mềm nhũn chẳng dám ho he. Hành Giả thấy cậu cả sử cây côn tề mi, lập tức cũng rút gậy sắt nạm vàng từ trong tai ra, xoay tít một vòng, cây gậy to bằng cái miệng bát, dài chừng hai ba trượng vung lên nện xuống đất một gậy, chỗ đất lõm xuống tới ba thước, đoạn cắm thẳng đứng cây gậy, cười nói:

– Ta biếu cậu cả cây gậy này đấy.

Vương tử cả nghe nói, vội buông cây gậy của mình, chạy lại giật cây gậy của Hành Giả, hai tay lấy hết sức nhấc lên, nhưng cây gậy chẳng hề nhúc nhích. Vương tử lại nhổ, lại lay, cây gậy cứ trơ trơ như mọc rễ. Vương tử ba nổi nóng, vác ngay cây gậy sơn đầu đen bóng xông vào đánh, bị ngay Sa Tăng lấy tay gạt ra, đoạn rút cây bảo trượng hàng yêu múa tít, hào quang sáng ngời, ráng đẹp rực rỡ. Đám quan Điển Thiện sợ quá, ai nấy cứ như ngây như dại, chẳng nói được gì. Ba tiểu vương tử đều sụp xuống lạy nói:

– Quả là bậc thần sư! Thần sư! Chúng tôi người trần mắt thịt không biết, muốn xin các thần sư trổ tài một phen nữa, chúng tôi xin bái phục.

Hành Giả bước tới nhẹ nhàng nhấc cây gậy lên nói:

– Chỗ này chật hẹp khó thi thố, để ta nhảy lên trên không trung đi một bài cho các người xem.

Đoạn Đại Thánh dùng phép cân đẩu vân, vút một tiếng, hai chân đã đạp lên đám mây ngũ sắc, cách mặt đất chừng ba trăm bước, múa cây gậy sắt nạm vàng theo bài “tung hoa che đầu” uyển chuyển như rồng vàng uốn lượn, lúc phải lúc trái, khi xuống khi lên. Lúc đầu người và gậy như gấm thêu hoa. Một lát sau chẳng nhìn thấy người đâu, chỉ thấy khắp trời gậy bay loang
loáng. Bát Giới đứng dưới chân tay ngứa ngáy, nhịn không nổi quát lên dõng dạc:

– Để lão Trư múa một bài cho coi!

Đoạn chú ngốc cưỡi lên đần ngọn gió bay tới giữa không trung, rút đinh ba múa kiểu trên ba dưới bốn, trái năm phải sáu, trước bảy sau tám, chỉ nghe thấy tiếng gió thổi vù vù. Đang lúc ầm ĩ, Sa Tăng nói với Đường Tăng:

– Xin phép sư phụ cho lão Sa thi thố võ nghệ một chút.

Đoạn co chân nhảy vút lên không trung, múa tít bảo trượng, chỉ thấy nhuệ khí bừng bừng, hào quang phơi phới. Sa Tăng hai tay cầm bảo trượng múa bài “đan phượng triều dương” khác nào hổ đói vồ mồi, đón trước đỡ sau, khi mau khi chậm. Ba anh em trổ tài võ nghệ giữa không trung. Thật là một cuộc thi tài tuyệt vời. Thế mới gọi là:

Thần tăng khác hẳn người phàm

Căn nguyên đại đạo ngập tràn tầng không.

Ngộ Không sau đó Ngộ Năng,

Rồi Sa Hòa Thượng bừng bừng diễu oai.

Thần binh tinh nhuệ nhất đời,

Múa lên loang loáng khắp trời hoa bay.

Thiên Trúc giữ giới từ nay.

Ngọc Hoa Vương tử theo ngay yên lòng.

Ba tiểu vương tử quỳ sụp xuống mặt đất. Các quan viên lớn nhỏ trong đình Bộc Sa cùng các vương tử trong vương phủ và già trẻ gái trai khắp thành, mọi tầng lớp tăng ni đạo tục, ai nấy lạy Phật cúi đầu, thắp hương lễ bái. Quả thật là:

Quy chân thấy tượng độ chư tăng,
Tạo phúc nhân gian hưởng thái bình.

Lối phẳng Bồ Đề nay đã mở, Ấy do lạy Phật với tham thiền.
Ba người trổ hết tài năng, múa xong bài võ, bèn hạ mây bước xuống, thu cất binh khí, đi tới trước mặt Đường Tăng hỏi han và cảm tạ công ơn sư phụ. Sau đó ngồi an tọa, chuyện không nói nữa.

Ba tiểu vương tử vội vàng quay vào cung thưa với lão vương:

– Phụ vương ơi. Có việc vui lắm! Hôm nay có một công quả không gì sánh bằng! Vừa rồi phụ vương có nhìn thấy cái gì loang loáng giữa không trung không?

Lão vương nói:

– Vừa rồi cha chỉ thấy ráng đẹp rực rỡ giữa không trung, thế là mẫu thân con và mọi người trong cung thắp hương lễ bái, hay là thần tiên giáng lâm ở đâu chăng?

Tiểu vương tử thưa:

– Không phải là thần tiên đâu ạ. Đó là ba đồ đệ xấu xí đi lấy kinh, một người sử cây gậy sắt nạm vàng, một người sử cây đinh ba chín mũi, và một người sử cây bảo trượng hàng yêu, chẳng khác gì ba thứ binh khí của chúng con. Chúng con bảo họ múa một bài, họ nói “mặt đất chật chội khó thi thố, để chúng tôi nhảy lên không trung đi một bài cho các người xem”. Thế là họ cưỡi mây bay lên trổ tài, khắp trời mây lành rực rỡ, khí đẹp tràn dâng. Vừa rồi họ mới hạ mây bước xuống và hiện đang ngồi trong đình Bộc Sa. Chúng con vô cùng khâm phục, muốn tôn họ làm thầy, học tập võ nghệ ở họ để giữ gìn đất nước. Đó là công quả không gì lớn bắng, không biết ý phụ vương thế nào?

Lão vương nghe xong bằng lòng lắm.

Khi ấy bốn cha con lão vương chẳng ngồi xe, chẳng che lọng,
mà rảo bước đi ngay tới đình Bộc Sa. Bốn thầy trò đang thu xếp hành lý, định vào vương phủ tạ ơn và từ biệt lão vương lên đường, bỗng thấy cha con Ngọc Hoa Vương bước vào trong đình cúi rạp xuống lạy. Tam Tạng vội vàng đỡ dậy, đoạn cúi xuống lạy đáp lễ. Bọn Hành Giả tránh sang một bên tủm tỉm cười nhạt. Cha con lão vương chào lạy xong, mời bốn thầy trò vào ngồi chỗ cao sang giữa phủ đường. Bốn thầy trò vui vẻ bước vào. Lão vương lạy xong đứng lên nói:

– Thưa Đường lão sư phụ, tôi có một việc muốn thưa, không biết ba vị đồ đệ có lượng thứ cho không?

Tam Tạng nói:

– Xin lão vương cứ nói, mấy đồ đệ đâu dám không nghe! Lão vương nói:
– Lúc trước, khi mới gặp các vị, tôi cứ ngỡ các vị là những nhà sư hành cước triều Đường, tôi thực người trần mắt thịt, nên cư xử có nhiều điều không phải. Vừa rồi được nhìn thấy Tôn sư phụ, Trư sư phụ và Sa sư phụ múa võ giữa tầng không. Lúc ấy mới biết các vị là tiên là Phật, ba thái tử của tôi, nhất sinh ham chuộng võ nghệ, nay muốn bày tỏ lòng thành tôn mấy cao đệ của lão sư phụ làm thầy để các con tôi xin học tập võ nghệ. Muôn xin lão sư phụ mở rộng tấm lòng bao dung như trời đất, truyền thụ cho các con tôi. Tôi xin dốc hết của cải trong thành bái tạ.

Hành Giả nghe xong, nhịn không nổi, cười khành khạch nói:

– Ngài chẳng hiểu lý lẽ gì cả! Chúng tôi là những người xuất gia, không phải là không muốn truyền cho mấy đồ đệ. Lệnh lang của ngài là có lòng theo thiện, thì thiết nghĩ đừng nói đến lợi lộc làm gì, chỉ cốt có tình nghĩa là cũng đủ được yêu mến rồi.

Vương tử nghe xong, vô cùng mừng rỡ, sai bày ngay yến tiệc ở chính đường của bản phủ, khoản đãi thầy trò. Thật là: một lời
thỏa ý, mọi thứ có ngay. Chỉ thấy:

Đèn treo và hoa kết, Hương đốt ngát mùi thơm, Đồ vàng bạc sáng choang. Thoạt nhìn đến lóa mắt. Bàn ghế gấm mầu bọc, Nom sang trọng hào hoa. Hoa quả tươi bày ra,
Chén trà hương bốc khói. Quà điểm tâm tuyệt diệu, Món vằn thắn thơm ngon. Mật ong càng ngọt hơn, Bánh đường thêm hấp dẫn. Rượu nấu bằng nếp cẩm. Ngọt hơn cả quỳnh tương, Trà tiên tay ai cầm,
Hương át mùi đan quế.

Đủ cao lương mỹ vị

La liệt bày khắp bàn.

Mặt khác, mấy vương tử lại cho ca hát, đàn sáo, diễn trò góp vui. Bốn thầy trò cùng cha con lão vương vui vẻ suốt một ngày! Chẳng mấy chốc trời đã tối, yến tiệc được dọn dẹp. Vương tử lại sai sửa soạn giường màn trong đình Bộc Sa để mời mấy sư phụ đi nghỉ, đợi sáng hôm sau sẽ thắp hương, lạy hai lạy mời thầy dạy võ nghệ. Mọi người vâng lời, mang nước thơm mời sư phụ tắm rửa. Sau đó ai nấy trở về phòng ngủ. Lúc này:
Đêm khuya chim đã yên nằm,

Thi nhân cũng lặng tiếng ngâm thơ rồi.

Sông Ngân vằng vặc sao trời.

Đường đồng hoang vắng cỏ thời mọc xanh.

Chày ai rộn rã xa gần.

Quan san muôn dặm bội phần nhớ quê.

Đế kia đường cũng ê chề, Đêm dài rên rỉ như mê mộng hồn.
Một đêm yên tĩnh đã qua. Sớm hôm sau, cha con lão vương lại tới tương kiến. Tam Tạng hôm qua yết kiến lão vương bằng lễ vua tôi, hôm nay cha con lão vương yết kiến trưởng lão bằng lễ thầy trò. Ba tiểu vương tử dập đầu lạy Hành Giả, Bát Giới và Sa Tăng rồi hỏi:

– Tôn sư mang binh khí của mình ra cho đệ tử coi một tí.

Bát Giới nghe nói, vui vẻ rút cây đinh ba ra quẳng xuống đất. Sa Tăng thì rút cây bảo trượng ra để dựa vào tường. Vương tử hai và vương tử ba chạy tới nhấc thử, thật chẳng khác nào chuồn chuồn lay cột đá, ai nấy đỏ mặt tía tai, mà hai thứ binh khí chẳng nhúc nhích một ly. Vương tử cả thấy vậy nói:

– Các em đừng thử, chỉ tổ phí sức, binh khí của sư phụ toàn là thứ thần binh cả, không biết nặng tới bao nhiêu cân ấy chứ.

Bát Giới cười nói:

– Đinh ba của ta chẳng nặng lắm đâu, cả cán chỉ chừng năm nghìn bốn mươi tám cân thôi.

Vương tử ba hỏi Sa Tăng:

– Cây bảo trượng của sư phụ nặng bao nhiêu? Sa Tăng cười nói:
– Cũng khoảng năm nghìn bốn mươi tám cân.

Vương tử cả có ý muốn xem cây gậy sắt nạm vàng của Hành Giả. Hành Giả bèn rút từ trong tai ra một cây kim thêu, đón gió múa tít một vòng, cây gậy liền to bằng cái miệng bát, sừng sững dựng trước mặt. Cha con lão vương đều lè lưỡi, trăm quan hãi hùng. Ba tiểu vương tử sụp lạy nói:

– Binh khí của Trư sư phụ và Sa sư phụ đều giắt ở bên sườn, dưới lớp áo, rút ra được ngay. Còn binh khí của Tôn sư phụ lại giắt ở trong tai, gặp gió liền dài ra, chẳng hiểu ra làm sao!

Hành Giả cười nói:

– Các ngươi đâu có biết cây gậy của ta. Cây gậy đó không phải là thứ mà trần gian có được. Cây gậy này là:

Sắt thần luyện từ thuở hồng hoang, Đại Vũ thần nhân vốn tự làm.
Hồ biển sông ngòi sâu hoặc cạn. Gậy này cắm xuống biết căn nguyên. Khai sơn trị thủy thuở thanh bình, Lưu lại Đông Dương trấn thủy cung. Năm tháng trôi đi sinh ráng đẹp. Trưởng tiêu nào khó, sáng vô ngần. Lão Tôn có phận lấy đem về,
Biến hóa thần thông thật diệu kỳ. Muốn nhỏ, nhỏ bằng kim bé tẹo, Muốn to, to tựa cả sơn hà.
Tên gậy gọi là Như ý bổng, Trên trời dưới đất tiếng lừng vang.
Mười ba ngàn năm trăm cân nặng, Biến to biến nhỏ giỏi vô ngần.
Đã từng giúp tớ náo thiên cung, Địa phủ dọc ngang tiếng lẫy lừng. Phục hổ, hàng long đều thắng cả, Diệt trừ yêu quái dễ như không. Ngẩng đầu gậy chỉ, trời tối sầm. Thiên địa quỷ thần đều hãi sợ,
Tự thuở hồng hoang truyền lại đó, Phải đâu thứ sắt chốn phàm trần!
Các vương tử nghe vậy, ai nấy đảnh lễ mãi, đoạn bước tới sụp lạy, thành tâm mong được truyền thụ. Hành Giả nói:

– Không biết ba vương tử định học ban võ nghệ nào? Vương tử thưa:
– Ai quen đánh gậy xin học gậy, ai quen đánh đinh ba học đinh ba, ai quen đánh bảo trượng học bảo trượng.

Hành Giả cười nói:

– Dạy thì dễ thôi, nhưng chỉ lo các người không đủ sức, không sử nổi binh khí của chúng tôi, khi ấy học không tinh, thành thử “vẽ hổ chẳng giống, lại giống chó” thì chết. Cổ nhân chẳng có câu: “Dạy dỗ chẳng nghiêm, lỗi ở thầy. Học vấn chẳng rành, tội ở trò” đó sao? Nếu quả các người thật lòng thành tâm, thì hãy thắp hương khấn trời đất, ta sẽ truyền cho một ít sức lực trước, rồi sau đó mới truyền thụ võ nghệ được.

Ba tiểu vương tử nghe nói vô cùng mừng rỡ, lập tức tự tay khiêng hương án, rửa tay thắp hương, ngẩng lên trời khấn. Khấn xong, mời sư phụ truyền phép. Hành Giả quay lại lạy Đường
Tăng nói:

– Thưa tôn sư, tôn sư tha tội cho đệ tử. Từ ngày ở núi Lưỡng Giới, nhờ ơn đức lớn của sư phụ cứu thoát đệ tử, theo đạo Sa Môn, lên đường sang Tây, tuy chưa từng được báo đáp ơn sâu, nhưng cũng đã hết lòng hết sức gìn giữ dọc đường. Hôm nay đã tới nước Phật, may mắn được gặp gỡ ba người con của hiền vương, ba người sụp lạy chúng con xin truyền võ nghệ. Họ đã là đồ đệ của chúng con, cũng tức là đồ đệ cháu của tôn sư. Vậy kính mong tôn sư cho phép, chúng con được truyền thụ.

Tam Tạng mừng lắm. Bát Giới, Sa Tăng thấy Hành Giả sụp lạy, cũng quay người dập đầu lạy Tam Tạng nói:

– Thưa sư phụ, chúng con đầu óc ngu muội, mồm miệng vụng về, chẳng biết ăn nói thế nào, mong sư phụ ngồi cao nơi pháp vị, cũng cho phép hai chúng con được chiêu tập đệ tử truyền thụ võ nghệ, gọi là chút kỷ niệm trên đường sang Tây.

Tam Tạng cũng vui vẻ bằng lòng.

Hành Giả bèn bảo ba vương tử ra phía sau đình Bộc Sa, chọn nơi vắng vẻ, đoạn vẽ vòng cang đẩu, bảo ba người ngồi ở trong nhắm mắt định thần. Sau đó Hành Giả lầm rầm đọc chân ngôn, niệm thần chú, thổi tiên khí vào trong bụng ba người, đem nguyên thần truyền vào nơi bản xá, lại truyền cho khẩu quyết. Hành Giả truyền cho ba người muôn nghìn khí lực, lại truyền thêm cho vua lửa, chẳng khác nào phép thay da đổi thịt vận chuyển hết một vòng trời tý ngọ, ba tiểu vương tử bấy giờ mới tỉnh lại, đứng vụt dậy, lấy tay xoa mặt, cảm thấy tinh thần phấn chấn, xương cứng gân dai. Vương tử cả nhấc nổi cây gậy sắt nạm vàng, vương tử hai múa được cây đinh ba chín mũi. Vương tử ba vung được cây bảo trượng hàng yêu.

Lão vương thấy vậy vui mừng khôn xiết, sai bày tiệc chay khoản đãi bốn thầy trò. Thế rồi ngay trước bàn tiệc, người dạy người học. Người học gậy múa gậy, người học đinh ba múa đinh ba, người học bảo trượng múa bảo trượng. Tuy vậy cũng mới chỉ chuyển được mấy vòng, đi được vài đường. Bởi bọn họ vẫn chỉ là hạng phàm phu có chút ít sức lực mà thôi, nên mới đi có một đường mà đã thở phì phò, không sử được lâu. Cũng do mấy thứ binh khí của bọn Hành Giả đều biết biến hóa, nên sự tiến thoái đánh đỡ của mấy vương tử làm sao sánh được với sự biến hóa tự nhiên tuyệt vời đó được! Sau đó yến tiệc được thu dọn.

Ngày hôm sau, ba vương tử lại tới cảm tạ rồi nói:

– Đội ơn thần sư truyền thụ cho chút sức lực. Nhưng múa được những binh khí của thần sư thì còn vất vả lắm. Ý đệ tử muốn sai thợ theo đúng mẫu binh khí của thần sư rèn lấy mỗi thứ một chiếc, chỉ giảm số cân cho nhẹ hơn thôi, không biết sư phụ có cho phép không?
Bát Giới nói:

– Được! Được! Được lắm! Binh khí của chúng ta, một là các ngươi sử không nổi, hai là chúng ta còn phải hộ pháp hàng yêu, vậy cần phải rèn cái khác.

Vương tử lập tức cho vời thợ rèn, mua một vạn cân sắt, dựng một xưởng rèn ngay ở trong sân vương phủ để rèn binh khí. Hôm đầu số thép luyện xong. Hôm sau, cho mời ba sư phụ Hành Giả, Bát Giới, Sa Tăng mang gậy sắt nạm vàng, đinh ba chín mũi, bảo trượng hàng yêu vào trong xưởng cho thợ nhìn mẫu chế tạo, liên tục mấy ngày đêm chẳng lấy về.

Than ôi, mấy thứ binh khí ấy vốn là bảo bối tùy thân, một giây cũng không thể rời. Khi giấu trong người, tự nó phát ra ánh sáng hộ thân, nay để trong xưởng mấy ngày đêm, mấy thứ binh khí đó phát ra hào quang muôn đạo ngút trời, khí đẹp nghìn tia rực đất. Cách thành chừng bảy mươi dặm có một quả núi tên gọi núi Báo Đầu, và một động tên gọi động Hổ Khẩu. Nơi đó có một con yêu tinh. Đêm ấy yêu tinh đang ngồi bỗng nhiên nhìn thấy hào quang khí đẹp rực rỡ, bèn cưỡi mây bay đi xem, thấy chỗ ánh sáng ở trong vương phủ bèn hạ mây tới gần xem xét. Hóa ra là ánh sáng của ba thứ binh khí phát ra. Yêu tinh vừa mừng vừa thú nói:

– Bảo bối tuyệt vời! Bảo bối tuyệt vời. Chẳng biết của ai lại để ở đây nhỉ? Âu cũng là pháp duyên của ta, xách luôn đi cho rảnh! Xách luôn đi cho rảnh!

Lòng tham vừa động bèn trở uy phong mang tuốt cả ba thứ binh khí về thẳng bản động. Thật đúng là:

Đạo một phút không rời, Nếu rời không phải đạo.
Thần binh bị mất ráo, Phí cả đời tu hành!
Cuối cùng không biết thầy trò Hành Giả làm cách nào tìm lại được binh khí, xem hồi sau sẽ rõ.

-----------------------------
[319] Một thạch bằng mười đấu.