Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ tám mươi lăm

Hành Giả đố kỵ lừa Bát Giới
Ma vương bày mẹo bắt Đường Tăng

Lại nói chuyện quốc vương khai triều sớm, văn võ bá quan đều cầm biểu chương tâu rằng:

– Tâu chúa công, muôn xin chúa công tha cho tội thất lễ của chúng thần.

Quốc vương hỏi:

– Các khanh giữ lễ như mọi ngày, có gì thất thố đâu? Các quan thưa:
– Tâu chúa công, không rõ vì cớ gì, qua một đêm tóc của chúng thần bị cạo sạch trơn.

Quốc vương cầm tờ biểu tâu chuyện bị cắt tóc, rời ngai vàng nói với quần thần:

– Quả nhân cũng chẳng biết vì cớ gì, mọi người lớn bé trong cung, qua một đêm, đầu cũng bị cạo trọc cả.

Các quan ai nấy nước mắt giàn giụa nói:
– Từ nay về sau, không bao giờ dám giết hòa thượng nữa. Quốc vương lại bước lên ngai vàng, các quan ai đấy lại đứng
vào ban bệ.

Quốc vương hỏi:

– Ai có việc gì thì bước ra tâu, không có việc thì cuốn rèm tan chầu.

Bỗng thấy quan tổng binh tuần thành từ trong ban võ, và viên
binh mã xứ đông thành từ trong ban văn bước ra, đi tới trước thềm dập đầu tâu:

– Thân vâng lệnh thánh chỉ đi tuần kinh thành, đêm qua bắt được một hòm tang vật và một con ngựa bạch của bọn trộm. Bọn thần không dám tự tiện xử, để tâu lên thánh vương định đoạt.

Quốc vương mừng lắm nói:

– Mang ngay hòm lại đây.

Hai người lập tức lui về bản nha, cắt đặt quân sĩ tề chỉnh, khiêng hòm vào triều. Tam Tạng ngồi trong hồn vía rụng rời nói:

– Các đồ đệ ơi, chuyến này tới trước mặt quốc vương biết ăn nói làm sao?

Hành Giả cười nói:

– Sư phụ đừng làm ầm ĩ lên, con đã có cách khu xử. Khi nào mở hòm, họ sẽ phải bái chúng ta làm thầy đấy. Chỉ cần Bát Giới chớ có tranh cãi hơn thiệt.

Bát Giới nói:

– Chỉ cầu người ta tha giết là đã phúc rồi, còn dám tranh cãi hơn thiệt cái gì!

Vừa dứt lời, chiếc hòm đã được khiêng tới ngoài triều, rồi được khiêng vào lầu Ngũ Phượng, đặt trước thềm son.

Hai viên quan mời quốc vương mở ra xem. Quốc vương bèn ra lệnh mở chiếc hòm.

Nắp hòm vừa mở ra, Bát Giới chịu không nổi, nhảy vọt ra ngoài, khiến các quan sợ quá chẳng ai dám hé răng. Lại thấy Tôn Hành Giả dìu Đường Tăng, Sa Hòa Thượng gánh hành lý bước ra. Bát Giới nhìn thấy viên quan tổng binh dắt ngựa, bèn
sấn tới, hừ một tiếng quát:

– Con ngựa của ta, mang lại đây ngay!

Viên quan sợ quá khuỵu chân ngã lăn ra đất. Bốn thầy trò đứng sắp hàng trước thềm. Quốc vương nhận ra bốn hòa thượng vội vã rời ngai vàng, cho vời hết hậu phi ba cung tới điện Kim Loan, cùng quần thần cúi lạy hỏi:

– Trưởng lão từ đâu tới? Tam Tạng thưa:
– Chúng tôi từ nước Đại Đường bên phương Đông, được nhà vua sai tới chùa Đại Lôi Âm ở nước Thiên Trúc bên phương Tây bái Phật cầu chân kinh.

Quốc vương nói:

– Lão sư từ phương xa tới, tại sao lại ngồi cả trong cái hòm này?

Tam Tạng thưa:

– Bần tăng biết bệ hạ có lời nguyền giết hòa thượng nên bần tăng không dám công khai vào thượng quốc, mà phải giả trang người thường, đêm khuya vào hàng cơm ngủ nhờ. Do sợ mọi người biết rõ tung tích, nên chui vào trong hòm nằm nghỉ. Chẳng may bị bọn trộm cướp đi, rồi lại bị quan tổng binh lấy lại được và khiêng tới đây. Nay được yết kiến long nhan của bệ hạ, thật là vén mây nhìn thấy mặt trời, mong bệ hạ xá tội tha cho bần tăng, khác nào ơn sâu tựa biển vậy!

Quốc vương nói:

– Lão sư là bậc cao tăng của thiên triều thượng quốc, trẫm nghênh đón thất lễ quá. Trẫm thường vẫn có lời nguyền giết nhà sư, vì nhà sư phỉ báng trẫm. Trẫm đã thề rằng phải giết đủ một vạn hòa thượng mới thôi. Không ngờ hôm nay trẫm lại quy y làm nhà sư. Giờ đây quần thần hậu phi phi tóc đều bị cạo trọc
cả, vậy mong lão sư chớ kể cao thấp, xin cho được làm môn đệ.

Bát Giới nghe xong, ha hả cười ngất nói:

– Đã xin nhận làm môn đệ, phải có lễ ra mắt chứ! Quốc vương nói:
– Nếu sư phụ bằng lòng, trẫm xin dâng hết của cải trong nước. Hành Giả nói:
– Chớ nói đến của cải. Chúng tôi là những nhà sư có đạo, chỉ cần bệ hạ đổi điệp văn cho chúng tôi, đưa chúng tôi rời kinh thành, chúng tôi sẽ bảo vệ cho cơ đồ của bệ hạ vững bền mãi mãi, phúc thọ đời đời.

Quốc vương nghe xong, lập tức sai quan quang lộc tự bày đại tiệc khoản đãi. Vua tôi cùng tới dự, bái lạy thầy trò, đoạn đổi cho điệp văn và mời sư phụ đổi quốc hiệu cho. Hành Giả nói:

– Cái tên “Pháp quốc” của bệ hạ là hay lắm rồi, chỉ có chữ “diệt” là không thông thôi. Từ khi chúng tôi đi qua, nên đổi là nước “Khâm Pháp”, mong đất nước của bệ hạ biển lặng sống trong nghìn kiếp vững, mưa hòa gió thuận vạn phương vui.

Quốc vương tạ ơn, đoạn sai sắp đặt xa giá đưa bốn thầy trò Đường Tăng rời kinh thành lên đường sang Tây. Vua tôi từ đây làm thiện theo chân, chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện Tam Tạng từ biệt quốc vương nước Khâm
Pháp, ngồi trên mình ngựa hoan hỉ nói:

– Ngộ Không này, cái phép ấy của con hay lắm. Con thật có công to.

Sa Tăng hỏi:

– Anh ơi, anh tìm đâu ra nhiều thợ cắt tóc đến thế? Một đêm mà cắt được bao nhiêu là đầu!

Hành Giả bèn đem chuyện biến hóa thần thông kể hết một
lượt. Bốn thầy trò cứ cười mãi không thôi.

Ðang lúc vui vẻ, bỗng họ nhìn thấy một tòa núi cao chắn lối. Đường Tăng ghìm ngựa nói:

– Đồ đệ ơi, các con nhìn thế núi trước mặt cao vòi vọi thế kia, vậy phải cẩn thận nhé!

Hành Giả cười nói:

– Sư phụ yên tâm! Yên tâm! Con sẽ bảo vệ sư phụ vô sự! Tam Tạng nói:
– Chớ nói vô sự! Ta thấy núi ấy sừng sững, hung khí bảng lảng, mây độc chập chờn, bất giác cảm thấy hoảng sợ, toàn thân tê dại, thần trí chẳng an.

Hành Giả cười nói:

– Sư phụ quên bản Đa Tâm Kinh của thiền sư Ô Sào rồi à? Tam Tạng nói:
– Ta vẫn nhớ chứ. Hành Giả nói:
– Sư phụ tuy nhớ, nhưng quên mất bốn câu tụng. Tam Tạng hỏi:
– Bốn câu nào? Hành Giả thưa:
– Bốn câu:

Tam Tạng nói:

Phật ở Linh Sơn lọ phải cầu, Linh Sơn tại tâm có xa nào. Ai ai cũng có Linh Sơn tháp.
Chân tháp tu hành tốt biết bao!
– Đồ đệ ơi, ta há không biết? Nếu cứ y theo bốn câu thơ ấy thì muôn kinh nghìn điển cũng chẳng bằng tu tâm à?

Hành Giả nói:

– Đúng rồi. Tâm lắng có mình riêng chiếu, tâm còn vạn cảnh đều trong, sơ suất lỡ lầm thành biếng nhác, nghìn đời muôn kiếp chẳng thành công, chỉ cần một tấm lòng thành, Lôi Âm ở ngay trước mặt. Cứ nhìn sư phụ hốt hốt hoảng hoảng, thần trí bất an, thì đạo lớn còn xa lắm và Lôi Âm cũng xa lắm! Sư phụ chớ nghi ngờ cứ đi theo con.

Tam Tạng nghe nói, tinh thần trở lại bình tĩnh, muôn nỗi lo lắng đều tiêu tan.

Bốn thầy trò rảo bước đi lên, được một lúc đã tới chân núi, ngẩng nhìn chỉ thấy:

Ngọn núi này đẹp thật, Nhìn kỹ ngăn ngắt xanh Quanh đỉnh mây bồng bềnh Sườn non cao san sát
Chim bay kêu chiêm chiếp Thú chạy gào hung hăng Rừng sâu nghìn gốc tùng Non cao dăm khóm trúc Cướp mồi lang xanh hực Tranh ăn hồ đói gầm Vượn hú tìm quả ăn
Hươu gào sục tìm cỏ Gió ào ào đây đó Nước róc rách xa gần
Chốc chốc lại tiếng chim

Lanh lảnh vang rừng núi Khắp chốn dây mây bò thành sợi Bờ khe cỏ mọc lẫn hương lan
Lổn nhổn đá quái nằm dọc đường

Rờn rợn đỉnh non cao nhọn hoắt Khỉ vượn thành đàn đang nhảy nhót Cáo cầy từng lũ mải vui chơi
Người đi lòng buồn vì núi đụng trời

Lối mòn lại thêm phần ngoắt ngoéo.

Bốn thầy trò có phần sợ hãi. Đang đi bỗng nghe thấy tiếng gió thổi vù vù, Tam Tạng sợ hãi nói:

– Gió nổi đấy!

Hành Giả nói:

– Mùa xuân có gió hòa, mùa hè có gió nóng, mùa thu có gió vàng, mùa đông có gió bấc, tứ thời đều có gió, vậy gió nổi việc quái gì phải sợ!

Tam Tạng hỏi:

– Trận gió này thổi mạnh lắm, quyết không phải thứ gió trời. Hành Giả nói:
– Xưa nay gió thổi từ đất, mây bốc từ non, làm gì có thứ gió trời!

Vừa dứt lời, lại thấy một trận mù cuộn tới. Trận mù này:

Cuồn cuộn đen trời rộng Mênh mang tối đất dày Mặt trời chẳng dám soi Chim chóc thấy im ắng Mịt mờ thuở hỗn độn Phảng phất bụi tung bay Chẳng thấy núi thấy cây
Chẳng thấy người hái thuốc.

Tam Tạng bát giác sợ hãi hỏi:

– Ngộ Không, gió thổi chưa dứt, tại sao sương mù đã xuất hiện?

Hành Giả thưa:

– Chớ vội vàng! Xin mời sư phụ xuống ngựa, hai em bảo vệ sư phụ ở đây, để con đi xem lành dữ ra sao.

Đại Thánh co người một cái đã nhẩy vút lên giữa tầng không, lấy tay khum khum che mắt, tròn xoe đôi mắt lửa quan sát phía
dưới, quả nhiên thấy một con yêu tinh đang ngồi trên sườn núi. Bạn xem hình dáng hắn:

Tấm thân lòe loẹt lêu đêu

Oai hùng dáng điệu ra chiều nghênh ngang

Răng nanh nhọn hoắt bên mồm Đầu mũi quặp xuống tựa cần câu cong Mắt vàng cầm thú hãi hùng
Râu bạc dựng ngược quỷ thần sợ run

Oai hùng ngồi tựa sườn non

Vận thần thông thổi gió tuôn mù trùm.

Lại thấy thủ hạ gồm ba bốn chục tiểu yêu đứng sắp hàng ở đó, còn yêu quái đang làm phép thổi gió phun mù. Hành Giả cười thầm nói:

– Hóa ra sư phụ mình cũng có chút linh giác. Người nói đó không phải là thứ gió trời, quả nhiên thứ gió ấy là do tên yêu quái này thổi ra ở đây. Nếu lão Tôn sử cây gậy lao xuống đánh theo miếng “giã tỏi”, thì hắn chết tươi ngay. Nhưng sẽ bại hoại thanh danh của lão Tôn mất.

Hành Giả nhất sinh hào kiệt, không bày mẹo ngầm hại ai bao giờ, bèn nói:

– Ta tạm quay về nhường cho Bát Giới một chút, bảo hắn tới đánh nhau với yêu quái trước. Nếu Bát Giới có bản lĩnh đánh gục yêu quái thì may mắn. Nhược bằng Bát Giới không đủ thủ đoạn, bị yêu quái bắt đi, bấy giờ ta sẽ đi cứu, mới nổi danh chứ! Ngày thường Bát Giới đối với công việc thường lười biếng, chẳng chịu mó tay, chỉ được cái bẻm mép háu ăn, để ta lừa hắn một mẻ xem hắn ăn nói ra sao.

Bèn hạ mây bước xuống đi tới trước mặt Tam Tạng. Tam
Tạng hỏi:

– Ngộ Không, chỗ có gió và sương mù ấy lành dữ ra sao? Hành Giả thưa:
– Bây giờ trời trong sáng rồi, chẳng còn chút sương gió nào đâu!

Tam Tạng nói:

– Phải, ta cứ thong thả mà đi thôi. Hành Giả cười nói:
– Sư phụ ạ, thường ngày con nhìn rất tinh, lần này thì lại sai. Con nói rằng trong chỗ gió sương e có yêu quái, hóa ra không phải.

Tam Tạng hỏi!

– Thế là cái gì? Hành Giả thưa:
– Trước mặt không xa là một thôn trang. Mọi người trong thôn ưa làm điều thiện, đang nấu cơm gạo thơm, làm lương khô, bánh bao để thết đãi cơm chay sư tăng. Đám sương mờ ban nãy là làn khói họ hấp bánh đấy. Thật là một xóm ưa làm điều thiện.

Bát Giới nghe vậy, ngỡ là thật, túm lấy Hành Giả thì thầm:

– Anh ơi, anh đã nếm trước cơm chay của họ rồi phỏng? Hành Giả nói:
– Nếm tí chút thôi, món canh rau của họ mặn quá, tôi không khoái lắm.

Bát Giới nói:

– Chà, mặc cho họ nấu mặn như thế nào, tôi cũng ních một bữa no chặt ruột, nếu có khát thì quay về uống nước sau.

Hành Giả hỏi:
– Chú muốn chén không? Bát Giới đáp:
– Có, bụng tôi đang đói đây, phải đi nếm trước một tí, không biết có làm sao không?

Hành Giả nói:

– Chú em đừng nhắc nữa. Sách cổ có câu “Cha còn, con không được tự chuyện”. Sư phụ đang còn sờ sờ ở đây, ai dám đi trước?

Bát Giới cười nói:

– Miễn là anh đừng nói gì là em đi được. Hành Giả nói:
– Tôi sẽ không nói, xem chú đi bằng cách nào?

Chú ngốc cũng có chút ít kiến thức mồm mép, bèn bước tới dạ một tiếng thật to và nói:

– Thưa sư phụ, vừa rồi sư huynh con nói trong xóm đằng trước mọi người đang làm cơm chay thết đãi sư tăng. Mà sư phụ xem con ngựa của chúng ta nó cũng hay làm phiền người ta lắm, nào cần cỏ cần mì, như thế không nên. May sao lúc này gió sương đã tắt, mọi người cứ ngồi nghỉ tạm ở đây để con đi tìm ít cỏ non cho nó ăn trước, sau đó chúng ta vào xóm xin cơm chay là hơn.

Đường Tăng mừng rỡ nói:

– Hay lắm! Sao hôm nay con lại chịu khó thế? Nhớ đi nhanh về nhanh nhé!

Chú ngốc ta cười thầm rồi đi luôn. Hành Giả đuổi theo tóm lấy nói:

– Chú em ạ, ở đó người ta thết đãi sư tăng chỉ thết đãi người
tuấn tú thôi, chứ không thết đãi người xấu xí đâu.

Bát Giới nói:

– Như vậy lại phải biến hóa khác đi à? Hành Giả nói:
– Phải rồi. Phải biến hóa khác đi chứ.

Chú ngốc cũng có ba mươi sáu phép biến hóa, bèn đi tới khe núi, bắt quyết niệm chú, lắc mình một cái, biến thành một hòa thượng vừa lùn vừa gầy, tay gõ mõ cá, miệng lầm rầm ê a. Vì Bát Giới không biết niệm kinh, nên miệng chỉ ê a “thượng đại nhân” thôi.

Lại nói chuyện yêu quái thu gió dẹp mù, ra lệnh cho bọn tiểu yêu bày thành một vòng trận ngay giữa đường cái để đợi người qua lại. Chú ngốc ta xúi quẩy, một lát sau xộc ngay vào giữa, bị bọn tiểu yêu vây chặt, đứa túm quần áo, đứa tóm thắt lưng, co co kéo kéo xềnh xệch. Bát Giới nói:

– Đừng có kéo, để tôi tự đến ăn từng nhà. Bọn tiểu yêu quát:
– Hòa thượng kia, nhà ngươi định ăn cái gì? Bát Giới nói:
– Các người ở đây thết đãi cơm chay sư tăng, ta tới ăn cơm chay mà.

Bọn tiểu yêu nói:

– Nhà ngươi tưởng ở đây thết đãi cơm chay sư tăng chắc? Chúng tao ở đây đang muốn ăn thịt sư tăng thì có! Chúng tao đều là những yêu tiên đắc đạo trong núi, chuyên bắt hòa thượng mang về nhà bỏ vào lồng hấp, hấp lên rồi ăn thịt, nhà ngươi lại tưởng tới ăn cơm chay à?

Bát Giới nghe xong, trong lòng sợ hãi, bấy giờ mới ai oán
Hành Giả:

– Thằng Bật Mã Ôn thật là đồ vô lại! Nhà ngươi lừa ta rằng ở đây họ thết đãi cơm chay sư tăng. Ở đây nào có thôn xóm người ở, nào có thết đãi cơm chay sư tăng gì dâu, chỉ rặt là một lũ yêu tinh!

Chú ngốc bị bọn tiểu yêu lôi kéo đau quá, bèn hiện nguyên hình, rút cây đinh ba bên mạng sườn ra, bổ loạn xạ một chập, khiến lũ tiểu yêu phải chạy giạt đi.

Bọn chúng vội vàng chạy về cấp báo với lão quái rằng:

– Thưa đại vương, tai họa rồi! Lão quái hỏi:
– Tai họa gì?

Bọn tiểu yêu thưa:

– Có một hòa thượng từ đằng trước núi tới, nom cũng sạch sẽ, bọn con định bắt mang về nhà hấp hắn lên. Nếu ăn không hết, thì để dành khi mưa dầm gió bấc, không ngờ hắn cũng biết biến hóa.

Lão quái hỏi:

– Hắn biến ra hình thù thế nào? Bọn tiểu yêu thưa:
– Nào có ra hình người! Mà là mõm dài tai to, đằng sau lưng có bờm. Hai tay hắn múa tít cây đinh ba, chẳng nói chẳng rằng bổ loạn xạ, chúng con sợ quá vội vàng chạy về tâu để đại vương biết.

Lảo quái nói:

– Chớ sợ! Để ta đi xem sao.

Bèn múa một cây chày sắt, đi tới xem sao, quả nhiên thấy chú
ngốc cực kỳ xấu xí.

Trông Bát Giới:

Mõm nhọn dài hơn ba thước tư Răng nanh đính bạc mép lòi ra Hai tai phe phẩy như vờn gió Đôi mắt tròn xoe tựa chớp lòa
Lồng ngực lông bờm đâm tua tủa Người mình da cóc xấu như ma Trong tay cầm vật nom kỳ quái Chín mũi đinh ba gớm chết mà!
Yêu quái tỏ vẻ can đảm quát:

– Nhà ngươi từ đâu tới? Họ tên là gì? Mau mau nói ra thì ta tha chết cho!

Bát Giới cười nói:

– Con trai của bố ơi, con không nhận ra cụ tổ họ Trư của con à? Lại gần đây ta nói cho mà nghe:

– Bố đây:

Miệng rộng răng chia thần lực mạnh Thiên Bồng nguyên soái Ngọc Hoàng phong Thiên Hà tổng quản binh mười vạn
Khoái lạc thiên cung hưởng tận cùng.

Chỉ vì say rượu ghẹo cung nga Danh tiếng anh hùng bán trọi trơ Cung báu Đẩu Ngưu gây rối loạn Cỏ chi Vương Mẫu cũng ăn qua.
Ngọc Hoàng thân quất hai nghìn trượng

Đuổi xuống trần gian, khỏi cõi trời Lập chí, nguyên thần khuyên tĩnh dưỡng Không ngờ hạ giới lại thành yêu.
Tại thôn Cao Lão kết duyên lành Mệnh ngắn, gặp ngay chú Ngộ Không Gậy sắt nạm vàng thu phục tớ
Cúi đầu xin nhập cửa Sa Môn. Dắt ngựa gánh đồ đi ở công
Kiếp xưa do thiếu nợ Đường Tăng Nguyên soái Thiên Bồng mang họ Lợn Pháp danh Bát Giới rõ rành rành.
Yêu quái nghe xong, quát:

– Hóa ra nhà ngươi là đồ đệ của Đường Tăng. Ta vẫn nghe nói thịt Đường Tăng ngon lắm, đang muốn bắt hắn, thế mà hắn lại dẫn xác tới, ta nào chịu tha! Chớ có chạy! Coi cây chày của ta đây!

Bát Giới quát:

– Đồ nghiệt súc! Té ra nhà ngươi xuất thân là một anh thợ nhuộm!

Yêu quái hỏi:

– Tại sao lại bảo ta là thợ nhuộm? Bát Giới đáp:
– Không là thợ nhuộm, tại sao lại dùng cối chày giã?

Yêu quái chẳng thèm nói năng, xông tới đánh loạn xạ. Hai người đánh nhau quyết liệt trong thung lũng:
Đinh ba chín mũi, Chày sắt một cây.
Đinh ba ra miếng ào ào gió lay. Chày sắt đi bài mưa bay dào dạt.
Một bèn ác quái vô danh ngăn trở lối, Một bên Thiên Bồng có tội phò thánh tăng. Chân chính nào sợ ma quỷ lăng nhăng.
Núi cao chẳng thể kim sinh thổ.

Chùy đỡ khác nào mãng xà trườn khỏi tổ.

Chùy vung y hệt rồng biển rời hang.

Tiếng reo hò chấn động núi non, Tiếng gào thét rung rinh địa phủ, Hai kẻ anh hùng phô sức khỏe, Xả thân ra sức trổ thần thông.
Bát Giới phấn chấn oai phong đánh nhau quyết liệt với yêu quái. Yêu quái hét lớn ra lệnh cho bọn tiểu yêu vây chặt Bát Giới, chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện Hành Giả đứng đằng sau Đường Tăng bỗng cười nhạt, Sa Tăng hỏi:

– Tại sao anh cười nhạt thế? Hành Giả đáp:
– Trư Bát Giới quả là ngốc thật! Mới nghe nói có cơm chay thết đãi sư tăng, đã bị tôi lừa, đòi đi rồi. Sớm muộn không thấy quay về thì có thể là một phát đinh ba đánh lui yêu quái. Chú xem, hắn mà chiến thắng quay về, ắt sẽ to mồm tranh công. Còn như thua trận, bị yêu quái bắt đi, thì thật xúi quẩy cho tôi. Sau lưng trước mặt, không biết hắn chửi cái thằng Bật Mã Ôn đến
hàng chục lần ấy chứ. Ngộ Tĩnh! Chú đừng hỏi nữa, để tôi đi xem sao.

Đại Thánh không muốn để Tam Tạng biết, bèn len lén nhổ một sợi lông đằng sau gáy, thổi hơi tiên khí hô “biến!” lập tức biến thành một Hành Giả giả cùng Sa Tăng đứng hầu Tam Tạng, còn chân thân thì xuất thần nhảy vút lên không trung quan sát, thấy chú ngốc bị lũ yêu quái vây chặt, cây đinh ba múa loạng choạng, dần dần khó địch nổi.

Hành Giả nhịn không nổi, hạ mây bước xuống, lớn tiếng gọi:

– Bát Giới chớ hoảng hốt, lão Tôn đã tới đây!

Chú ngốc nghe tiếng Hành Giả, bừng bừng khí thế, phấn chấn oai phong, vung đinh ba xốc tới, bổ loạn xạ một chập. Yêu quái không địch nổi, nói:

– Lão hòa thượng này lúc trước không địch nổi, sao bây giờ lại dữ dội thế?

Bát Giới nói:

– Con trai của bố ơi, không thắng nổi bố đâu. Người nhà của bố đến rồi đấy.

Đoạn chẳng nói chẳng rằng xông vào đánh tới tấp. Yêu quái địch không nổi, bị thua trận, dẫn bọn tiểu yêu bỏ chạy. Hành Giả thấy yêu quái bỏ chạy, nhưng cũng không đuổi theo, quay đầu đám mây trở về thu sợi lông tơ lên người như cũ. Tam Tạng người trần mắt thịt, chẳng hề hay biết.

Một lát sau, chú ngốc cũng thắng trận trở về, mệt mỏi đến nỗi mũi dãi lòng thòng, mồ hôi nhễ nhại, mệt hồng hộc bước tới, cất tiếng gọi:

– Sư phụ!

Tam Tạng thấy vậy thất kinh hỏi:
– Bát Giới, con đi cắt cỏ cho ngựa mà sao trở về bơ phờ thất thểu thế kia. Hay là người trong bản cắt người coi giữ cấm không cho con cắt cỏ?

Chú ngốc đặt cây đinh ba xuống đất, vỗ ngực giậm chân nói:

– Sư phụ đừng hỏi nữa, nói ra bao nhiêu thật xấu hổ đến chết đi được.

Tam Tạng hỏi:

– Vì sao lại xấu hổ? Bát Giới thưa:
– Sư huynh lừa dối con. Ban đầu anh ấy nói rằng trong đám gió sương ấy chẳng có yêu tinh, chẳng có gì gọi là điều dữ cả, chỉ là một xóm thôn ưa làm việc thiện, đang thổi cơm gạo thơm, làm bánh lương khô, bánh bao thết đãi cơm chay sư tăng. Con ngỡ là thật, lại đang lúc đói bụng, muốn đi ăn trước một chút, bèn lấy cớ đi cắt cỏ, đâu biết có một lũ yêu quái vây chặt lấy con. Con đánh nhau quyết liệt một hồi. Giá như không có cây gậy đưa đám của sư huynh con trợ lực thì con khó lòng thoát khỏi vòng vây về đây.

Hành Giả đứng cạnh cười nói:

– Chú ngốc ăn nói thật hô đò! Một mình chú có tội sao lại định đổ vấy cho người khác? Tôi vẫn đứng đây trông nom sư phụ, không hề rời đi đâu một ly.

Tam Tạng nói:

– Đúng đấy, Ngộ Không chưa hề rời ta một phút nào. Chú ngốc nhẩy lên hét toáng:
– Sư phụ chẳng hiểu gì cả! Anh ấy có phép thế thân đấy! Tam Tạng hỏi:
– Ngộ Không, có thật là có yêu quái không?
Hành Giả không giấu được, cúi người mỉm cười thưa:

– Đúng là có một lũ tiểu yêu thật, nhưng chúng không dám quấy rầy chúng ta đâu. Bát Giới, chú lại đây! Phải nhường chú một chút chứ. Chúng ta bảo vệ sư phụ vượt qua đường núi hiểm trở, thì cũng như hành quân ấy mà.

Bát Giới hỏi:

– Hành quân thì thế nào? Hành Giả đáp:
– Chú là tướng tiên phong đi trước mở đường. Yêu quái ấy không mò tới thì thôi? Nếu hắn mò tới, chú phải đánh nhau với hắn. Đánh thắng yêu quái thì đó là công của chú.

Bát Giới tính toán thấy thủ đoạn của yêu quái kém mình chút đỉnh, bèn nói:

– Tôi dù có chết về tay yêu quái cũng không sao. Được, để tôi làm tiên phong đi trước cho!

Hành Giả cười nói:

– Chưa chi chú ngốc đã gở mồm thì làm sao đánh thắng được! Bát Giới nói:
– Anh ơi, anh không biết câu: “Công tử dự tiệc, chẳng say cũng no. Tráng sĩ ra trận chẳng thương cũng chết” đó sao? Trước nói câu liều thì sau mới có oai phong chứ!

Hành Giả mừng rỡ, lập tức sửa soạn yên cương, mời sư phụ lên ngựa. Sa Tăng gánh hành lý, theo sau Bát Giới, cả đoàn lên đường vào sâu trong núi. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện yêu quái dẫn bọn tiểu yêu bại trận chạy về bản động, ngồi ngất nghểu trên vách đá, buồn bã chẳng nói năng. Bọn tiểu yêu giữ nhà, bước cả tới hỏi:

– Mọi lần đại vương ra đi, khi trở về hớn hở, hôm nay đại
vương có điều gì mà buồn bã vậy?

Lão yêu nói:

– Tụi nhỏ ơi, mọi lần ta rời động đi tuần núi, bất kể là người hay thú ở đâu tới, ta đều bắt lấy vài đứa mang về thết các ngươi. Hôm nay xúi quẩy quá, gặp ngay đối thủ.

Bọn tiểu yêu hỏi:

– Đối thủ nào ạ? Lão yêu đáp:
– Một hòa thượng. Hắn là đồ đệ của Đường Tăng bên phương Đông sang phương Tây lấy kinh tên là Trư Bát Giới. Ta lại bị hắn bổ một chập đinh ba, thua trận chạy về đây. Buồn quá! Ta vẫn thường nghe người ta nói Đường Tăng là vị La Hán trải qua mười kiếp tu hành, ai ăn được một miếng thịt hắn thì có thể trường thọ sống lâu ngang với trời đất. Thế mà tại sao hắn không bị ăn thịt nhỉ?

Bọn tiểu yêu nói:

– Nếu hắn bị ăn thịt thì làm sao tới đây được? Yêu quái nơi khác đã ăn thịt hắn rồi. Hắn có những ba đồ đệ cơ đấy.

Lão yêu hỏi:

– Các ngươi biết ba đứa nào? Bọn tiểu yêu thưa:
– Đồ đệ cả của hắn là Tôn Hành Giả, đồ đệ ba là Sa Hòa
Thượng, tên vừa rồi là đồ đệ hai Trư Bát Giới đấy.

Lão yêu lại hỏi:

– Sa Hòa Thượng so với Trư Bát Giới thế nào? Bọn tiểu yêu thưa:
– Cũng xấp xỉ.
– Thế Tôn Hành Giả so với hắn thế nào? Bọn tiểu yêu thè lưỡi nói:
– Không dám nói đâu. Tôn Hành Giả thần thông quảng đại, biến hóa trăm đường! Năm trăm năm trước hắn đã từng đại náo thiên cung, Nhị thập bát tú, Cửu diệu linh quan, Thập nhị nguyên thần, Ngũ khanh tứ tướng, tinh đẩu đông tây, Nhị thân nam bắc, Ngũ nhạc tứ độc, thần tướng khắp trời chẳng ai có thể phạm tới hắn, thế mà đại vương lại dám ăn thịt Đường Tăng sao?

Lão yêu hỏi.

– Làm sao các ngươi biết hắn kỹ như thế! Bọn tiểu yêu đáp:
– Trước kia con sống với một đại vương ở động Sư Đà núi Sư Đà. Đại vương ấy chẳng biết hay dở, định ăn thịt Đường Tăng, bị Tôn Hành Giả vác gậy sắt nạm vàng đánh tới tận cửa. Đáng thương thay, ngay cả danh hiệu khác trong thẻ ngà cũng bị đập nát vụn. May sao, con còn chút ít hiểu biết, theo đường cửa sau chạy trốn tới đây, đội ơn đại vương thu nhận, nên mới biết rõ tài nghệ của hắn.

Lão yêu nghe xong sợ tái mặt. Đó thực là “đại tướng quân sợ lời sấm”. Nghe chính người trong nhà nói như vậy thì hèn gì chẳng sợ.

Đang lúc sợ hãi, bỗng có một tiểu yêu bước tới nói:

– Đại vương không việc gì phải buồn, phải sợ. Thường có câu: “Làm việc phải từ từ”. Nếu đại vương muốn ăn thịt Đường Tăng, thì con xin dâng một mẹo bắt hắn.

Lão yêu hỏi:

– Nhà ngươi có mẹo gì?
Tiểu yêu đáp:

– Con có một mẹo gọi là “chia cánh hoa mai” Lão yêu hỏi:
– Thế nào gọi là “chia cánh hoa mai”? Tiểu yêu thưa:
– Bây giờ điểm hết tiểu yêu lớn nhỏ trong động, nghìn tên chọn lấy trăm, trăm tên chọn lấy mười, mười tên chọn lấy ba. Ba tên này phải giỏi giang, biết biến hóa, biến thành hình dáng hệt đại vương, đầu đội mũ khôi của đại vương, mình khoác áo giáp của đại vương, tay cầm chày của đại vương, chia ra mai phục ở ba nơi. Một tên đánh nhau với Trư Bát Giới, một tên đánh nhau với Tôn Hành Giả, một tên đánh nhau với Sa Hòa Thượng, cứ mặc cho ba tiểu yêu đó dụ ba anh em hắn đi, còn đại vương từ trên không trung thò bàn tay mây tóm lấy Đường Tăng, thật chẳng khác nào “thò tay vào túi lấy vật”, “bắt ruồi sa chậu nước” có gì khó đâu!

Lão yêu nghe nói như vậy vô cùng mừng rỡ nói:

– Mẹo ấy tuyệt diệu! Tuyệt diệu! Phen này không bắt được Đường Tăng thì thôi, chứ bắt được Đường Tăng ta quyết không quên nhà ngươi, sẽ phong cho nhà ngươi làm tiền bộ tiên phong.

Tiểu yêu dập đầu tạ ơn, liền hô tập hợp yêu quái, điểm hết yêu quái lớn nhỏ trong động, quả nhiên cũng chọn được ba tên giỏi giang, biết biến hóa giống hệt lão yêu, tay cầm chày sắt, chia đi mai phục đợi Đường Tăng. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện Tam Tạng yên tâm chẳng buồn chẳng lo đi theo Trư Bát Giới ra đường cái. Đi được một lúc lâu, bỗng từ trong bụi rậm ven đường một tiếng thét vang lừng, một tên tiểu yêu nhảy vọt ra xông tới toan tóm Tam Tạng. Tôn Hành Giả gọi:

– Bát Giới, yêu tinh tới đó, sao không động thủ?

Chú ngốc chẳng nhận ra thật giả, rút đinh ba bổ loạn xạ. Yêu quái giơ chày sắt lên đón đỡ, hai người một tiến một lui đánh
nhau bên sườn núi. Đang đánh nhau, lại nghe thấy một tiếng thét vang lừng từ trong bụi cỏ, một yêu quái nữa nhảy vút ra, đuổi theo Đường Tăng. Hành Giả nói:

– Sư phụ ơi, hỏng rồi! Bát Giới mắt kém để sổng yêu quái đó tới bắt sư phụ. Để lão Tôn đánh đuổi hắn!

Bèn vội vàng rút gậy sắt xông tới quát:

– Chạy đi đâu! Coi cây gậy đây!

Yêu quái chẳng nói chẳng rằng, giơ chày lên đỡ, hai người xông xáo đánh nhau ngoài bãi cỏ. Đang lúc tranh giành, lại nghe tiếng gió rít lên ở phía sau, một yêu quái nữa nhảy tới đuổi theo Đường Tăng. Sa Tăng trông thấy, thất kinh nói:

– Sư phụ ơi, anh cả và anh hai mắt kém để sổng yêu quái tới bắt sư phụ. Sư phụ cứ ngồi yên trên mình ngựa, để con bắt hắn!

Đoạn chẳng kể hay dở, rút ngay bảo trượng ngăn cây chày sắt của yêu quái lại. Hai bên đánh nhau quyết liệt, hò hét om sòm, dần dần rời xa chỗ Tam Tạng. Lão quái đứng giữa tầng không, nhìn thấy Đường Tăng một mình ngồi trên lưng ngựa, bèn thò năm móng tay sắt sắc như lưỡi câu móc lấy Đường Tăng. Tam Tạng ngã ngựa rời yên, bị yêu quái nổi một trận gió cuốn đi. Đáng thương thay!

Thật là:

Thiền tinh gặp ma khó thành chính quả

Giang Lưu số khổ lại gặp tai tinh!

Lão yêu ngừng ngọn gió, lôi Đường Tăng vào động cất tiếng gọi:

– Tiên phong!

Tên tiểu yêu bày kế bước tới quỳ xuống lẩm bẩm:

– Không dám! Không dám!
Lão yêu nói:

– Tại sao lại nói như vậy? Đại tướng quân một lời nói ra như đinh đóng cột[314]. Hôm trước ta có nói nếu không bắt được Đường Tăng thì thôi, còn như bắt được Đường Tăng thì sẽ phong nhà ngươi làm tiền bộ tiên phong. Hôm nay kế của nhà ngươi quả đã thành công, lẽ nào ta lại thất tín với nhà ngươi được?

– Nhà ngươi hãy đem Đường Tăng lại đây, sai lũ nhỏ gánh nước cọ nồi, bổ củi nhóm bếp, đoạn đem hấp hắn lên, ta và nhà ngươi cùng ăn thịt của hắn để được sống lâu mãi mãi.

Tiên phong nói:

– Thưa đại vương, hãy khoan ăn vội. Lão yêu hỏi:
– Bắt được rồi, cớ sao lại khoan ăn? Tiên phong đáp:
– Đại vương mà chén hắn ngay, thì Trư Bát Giới và Sa Tăng còn thể tất nhân tình, chứ còn Tôn Hành Giả là tay chúa ác độc. Hắn mà biết chúng ta ăn thịt sư phụ hắn, hắn lại không đến tận cửa nhà ta đánh phá ấy à? Cây gậy sắt nạm vàng của hắn chỉ thọc vào sườn núi của chúng ta một phát thì cả hang động núi non của chúng ta đều đổ sập hết! Chỗ nương thân của chúng ta thế là đi đời nhà ma!

Lão yêu nói:

– Vậy tiên phong có cao kiến gì không? Tiên phong đáp:
– Theo tôi, ta hẵng tạm đưa Đường Tăng ra vườn sau, trói hắn vào gốc cây, hai ba ngày bắt hắn nhịn đói, một là để trong ruột hắn được sạch sẽ, hai là đợi xem ba tên kia không tới đây tìm,
nghe ngóng thấy chúng bỏ đi rồi, bấy giờ chúng ta mới lôi hắn ra nấu nướng ung dung đàng hoàng đánh chén lại không hơn à!

Lão yêu cười nói:.

– Phải lắm! Phải lắm! Tiên phong nói có lý lắm!

Bèn hạ lệnh giam Đường Tăng vào vườn sau lấy thừng trói chặt vào gốc cây. Bọn tiểu yêu thì tản ra đằng trước nghe ngóng tin tức.

Tam Tạng bị sợi thừng trói chặt đau đớn, không ngăn được những giọt nước mắt giàn giụa trên hai gò má, cất tiếng than thở:

– Đồ đệ ơi, các con bắt quái ở núi nào, đuổi yêu ở đường nào, để ta bị bọn yêu ma khốn kiếp bắt đi, chịu khổ cực ở nơi đây, biết bao giờ mới được gặp nhau? Ta đau đến chết mất!

Đang lúc nước mắt, ròng ròng, bỗng nghe thấy có tiếng người gọi ở ngọn cây trước mặt:

– Trưởng lão ơi ngài cũng tới đây ư? Tam Tạng định thần hỏi:
– Ngài là ai đây? Người kia đáp:
– Tôi là người tiều phu trong núi này, hôm trước, bị chúa núi bắt về, trói giam ở đây đã ba ngày nay, đang định ăn thịt tôi đấy.

Tam Tạng ứa nước mắt nói:

– Bác tiều phu ơi, bác chết thì chỉ có một thân bác, chẳng có trở ngại gì. Còn tôi chết thực chẳng yên lòng.

Tiều phu nói:

– Thưa trưởng lão, ngài là người xuất gia, trên không có bố mẹ, dưới không có vợ con, chết là hết, có gì mà không yên lòng?
Tam Tạng nói:

– Tôi vốn ở phương Đông sang phương Tây lấy kinh, vâng ngự chỉ của vua Thái Tông nhà Đường đi bái Phật sống cầu chân kinh, siêu độ cho những cô hồn vô chủ dưới cõi u minh. Nay tôi mà chết thì lại không làm mất hy vọng của quân vương, phụ cả đạo thần tử hay sao? Bao nhiêu oan hồn dưới thành Uổng Tử mất hết trông mong, vĩnh viễn không được siêu sinh, một tòa công quả hóa thành tro bụi. Đó chẳng phải không yên lòng là gì?

Người tiều phu nghe xong, nước mắt lại ứa ra nói:

– Trưởng lão ơi, ngài chết thì như vậy. Còn tôi chết cũng thương tâm lắm. Tôi từ nhỏ, bố đã mất, tôi sống với mẹ góa, gia sản chẳng có, chỉ nhờ vào nghề hái củi kiếm ăn. Mẹ già tôi năm nay tuổi đã tám mươi ba, chỉ trông cậy vào một mình tôi phụng dưỡng. Thảng hoặc tôi bị chết đi, thì lấy ai chôn cất mẹ già? Khổ quá! Khổ quá! Tôi đau khổ đến chết mất!

Tam Tạng nghe xong lại nức nở khóc rống lên:

– Đáng thương thay! Đáng thương thay! Người quê còn biết ơn cha mẹ, không lẽ bần tăng chỉ niệm kinh! Thờ vua thờ cha đều cùng một lý cả. Bác thì nhớ ơn cha mẹ, tôi thì nhớ ơn vua.

Thật đúng là:

Mắt đỏ hoe nhìn mắt đỏ hoe

Người đứt ruột đưa người đứt ruột!

Tạm gác chuyện Tam Tạng gặp hoạn nạn lại.

Lại nói chuyện Tôn Hành Giả đánh lui tên tiểu yêu ở bãi cỏ, vội quay về chỗ cũ bên đường, chẳng thấy sư phụ đâu cả, chỉ còn trơ con ngựa bạch và gói hành lý, thì sợ quá, vội vàng dắt ngựa, gánh đồ vào núi tìm. Than ôi! Thật là:

Giang Lưu số khổ toàn gặp khổ
Đại Thánh hàng ma lại gặp ma.

Cuối cùng, không biết việc tìm sư phụ sẽ như thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.
----------------------------
[314] Nguyên văn: trắng nhuộm thành đen.