Gái đẹp thèm lấy chồng, mong được sánh đôi
Ngộ Không bảo vệ thầy, biết ngay yêu quái
Lại nói chuyện vua tôi dân chúng nước Tỳ Kheo tiễn đưa thầy trò Đường Tăng ra khỏi thành, đi xa tới hai mươi dặm mà vẫn không chịu về. Tam Tạng lúc ấy phải nhất quyết xuống xe, cưỡi lên ngựa từ biệt ra đi. Những người tiễn đưa còn đứng trông theo cho tới khi không trông thấy bóng dáng thầy trò đâu nữa họ mới quay về.
Bốn thầy trò đi đường ròng rã, chẳng bao lâu lại đông tàn xuân đến, nhìn không chán mắt cảnh cây rừng hoa nội tươi tốt thơm tho. Bỗng trước mặt lại trông thấy một tòa núi cao sừng sững. Tam Tạng lo sợ hỏi:
– Đồ đệ ơi, ngọn núi cao chắn trước mặt, không biết có đường đi hay không? Phải cẩn thận mới được!
Hành Giả cười nói:
– Sư phụ nói như vậy chẳng phải là lời nói của những người đi đường xa, thật giống hạng vương tử công tôn đáy giếng dòm trời. Từ xưa đã có câu: “Núi không cản đường, đường xuyên qua núi”. Vậy tại sao sư phụ lại hỏi là có đường hay không?
Tam Tạng nói:
– Tuy núi không cản đường, nhưng sợ giữa chốn núi non hiểm trở có yêu quái, trong nơi rừng thẳm có yêu tinh…
Bát Giới nói:
– Sư phụ cứ yên tâm, yên tâm! Chỗ này cũng gần cõi Cực
Lạc, hẳn sẽ thái bình vô sự.
Thầy trò vừa đi vừa trò chuyện, bất giác đã tới chân núi. Hành
Giả rút ngay gậy sắt ra chạy lên sườn núi cất tiếng gọi:
– Sư phụ ơi, chỗ này có đường rẽ, phải đi dấn lên. Mau lên! Mau lên!
Tam Tạng bấy giờ mới yên tâm phóng ngựa đi lên. Sa Tăng nói với Bát Giới:
– Anh hai ơi, anh gánh đỡ tôi một vai.
Bát Giới đỡ lấy gánh hành lý gánh lên vai. Sa Tăng dắt dây cương, sư phụ ngồi vững trên yên. Cả đoàn bước theo Hành Giả đi ra con đường cái trên sườn núi.
Chỉ thấy ngọn núi này:
Mây mù trùm đỉnh núi, Nước mạch cuộn lòng khe. Trăm hoa ngát đường xa, Rừng cây vươn rậm rạp. Mai xanh và mận bạch, Liễu lục với đào hồng.
Cuốc kêu rắng rỏi xuân sắp tàn, Én hót líu lo cuộc tế hết,
Vách đá chon von, tùng mướt mướt, Đá bày lởm chởm, lối gập ghềnh, Vách núi dựng như thành,
Cổ thụ dây leo quấn,
Nghìn ngọn vút cao như kiếm dựng, Muôn khe nước chảy sóng ào ào.
Sư phụ lững thững ngắm cảnh núi, nghe tiếng chim hót líu lo, bất giác lại chạnh nhớ quê hương, bèn gò cương ngựa lại nói:
– Đồ đệ ơi,
Từ thuở thiên bài truyền chiếu chỉ, Nơi bình phong gấm nhận quan văn. Đèn trao mười dặm rời Đông Thổ, Cùng với vua Đường cách núi sông. Chỉ ước gió mây rồng hổ hội,
Nào hay sư đệ giữa non cùng. Vu Sơn mười hai ngọn đi hết,
[299]
Biết đến bao giờ lại cố hương?
Hành Giả nói:
– Sư phụ hay nhớ quê như thế thì chẳng phải là người xuất gia. Tốt nhất cứ yên tâm mà đi, đừng có buồn rầu gì hết. Người xưa nói: “Muốn cầu giầu sang lúc sống, phải dụng công cả khi chết”.
Tam Tạng nói:
– Đồ đệ tuy nói có lý. Nhưng chẳng biết đường sang Tây còn bao xa?
Bát Giới nói:
– Sư phụ ạ, đức Phật Như Lai chắc không muốn rời bộ kinh Tam Tạng ra đâu, biết chúng ta đi đến lấy, có lẽ mang đi rồi, chứ lẽ gì đi mãi mà không tới?
Sa Tăng nói:
– Anh đừng có nói nhảm! Cứ việc mà đi theo anh cả. Có công mài sắt có ngày nên kim[300].
Thầy trò đang vui chuyện, chợt lại nhìn thấy một cánh rừng tối om. Đường Tăng sợ hãi, cất tiếng gọi:
– Ngộ Không ơi, chúng ta vừa đi qua một đoạn đường núi gập ghềnh lởm chởm, mà sao bây giờ lại gặp cánh rừng tùng tối om thế nhỉ? Phải để ý nhé!
Hành Giả nói:
– Chẳng có gì phải sợ hết! Tam Tạng nói:
– Con nói gì vậy? “Chẳng tin cái ngay thẳng trong chốn ngay thẳng, nên phòng điều bất nhân giữa chốn nghĩa nhân”. Ta và con đã đi qua biết bao cánh rừng tùng rồi, có thấy cánh rừng tùng nào tối om thăm thẳm thế này đâu?
Con xem:
Đông tây um tùm, Nam bắc rậm rạp.
Đông tây um tùm liền trời ngất, Nam bắc rậm rạp sát ráng trời. Dưới đất bò chằng chịt góc gai. Trên cành đủ dây leo quấn quýt.
Mây quấn sắn chằng, đông tây khách bộ hành khó bước, Sắn chằng mây quấn, nam bắc người buôn bán khó sang. Trong rừng sâu, đến nửa năm chẳng phân biệt ngày đêm, Đi vài dặm, nhìn không rõ một ngôi sao sáng.
Hãy xem kìa, chỗ âm u muôn hình vạn trạng.
Và nơi sáng sủa đủ loại hoa thơm.
Nào hòe nghìn năm, gội vạn tuổi, từng chịu rét, quả sơn đào,
hoa phù dung, hoa thược dược, khác nào tranh vẽ cảnh thần tiên.
Lại nghe trăm chim ca: vẹt kêu quác quác chim thước chuyền cành, cuốc gào nỉ non, quạ đen mớm mẹ.
Oanh vàng thỏ thẻ, khướu hót véo von, én tía du dương, rộn ràng tu hú…
Chú sáo non học tiếng người rộn rã, Chàng họa mi cũng mê mải xem kinh.
Lại thấy cả: Báo lớn vẫy đuôi rình
Hổ già nhe nanh vuốt.
Cầy cáo thành tinh giả gái đẹp, Lang sói gầm chấn động rừng sâu.
Thác Tháp Lý Thiên Vương dù có phép mầu, Nếu có tới đây cũng hồn bay phách lạc!
Hành Giả không hề sợ sệt, cầm cây gậy sắt bước tới mở đường, đưa Đường Tăng tiến vào rừng sâu. Đi ròng rã quanh co chừng nửa ngày mà chưa thấy lối ra khỏi rừng, Đường Tăng cất tiếng nói:
– Đồ đệ ơi, từ ngày sang Tây, đã qua biết bao rừng sâu núi hiểm, nay tới chốn này cảnh trí thanh nhã, đường lối phẳng phiu, cỏ lạ hoa thơm, tình người thật hợp. Ta muốn ngồi đây nghỉ một chút, một là cho ngựa nghỉ, hai là bụng đã đói, các con tìm đâu ít cơm chay về cho ta ăn.
Hành Giả nói:
– Mời sư phụ xuống ngựa, để lão Tôn đi xin cơm chay.
Tam Tạng bèn xuống ngựa. Bát Giới buộc ngựa vào một gốc cây. Sa Tăng đặt gánh hành lý xuống đất, lấy ra chiếc bát đưa
cho Hành Giả.
Hành Giả nói:
– Sư phụ cứ ngồi yên ở đây đừng sợ sệt gì cả. Con đi sẽ về ngay.
Tam Tạng ngồi ngay ngắn dưới bóng tùng. Bát Giới, Sa Tăng thì tìm hoa nhặt quả đùa nghịch.
Lại nói chuyện Đại Thánh nhảy vút lên đám mây giữa tầng không, ngoảnh nhìn bốn phía, chỉ thấy giữa rừng từng mây lành phơi phới, ráng đẹp mơ màng, bèn buột miệng kêu:
– Tuyệt quá! Tuyệt quá!
Bạn bảo Hành Giả kêu tuyệt là vì sao? Hóa ra Hành Giả khen ngợi Đường Tăng chính là Kim Thiền trưởng lão giáng trần, trải qua mười kiếp tu hành, nên mới có ráng đẹp mây lành bao phủ như thế. Đoạn lại tự nhủ:
– Như lão Tôn đây, năm trăm năm trước đại náo thiên cung, lang thang góc biển, tiêu dao chân trời, tập hợp yêu tinh tự xưng Tề Thiên Đại Thánh, phục hổ hàng long, tiêu hủy sổ tử, đầu đội mũ kim khôi ba lớp, mình mặc bộ giáp phục nạm vàng, tay cầm cây gậy sắt cũng nạm vàng, chân xỏ đôi hài mây, trong tay có tới bốn vạn bảy nghìn yêu quái, bọn chúng đều tôn xưng gọi ta là “Đại Thánh gia gia”, thực cũng đáng làm người. Như ngày nay thoát khỏi nạn trời, giữ việc cỏn con là làm đồ đệ cho sư phụ. Nghĩ tới việc trên đầu sư phụ có ráng đẹp mây lành che phủ, khi nào trở về phương Đông nhất định sư phụ sẽ được tốt đẹp. Và như vậy hẳn lão Tôn cũng sẽ thành chính quả.
Đang lúc một mình nghĩ lan man, bỗng thấy ở phía nam khu rừng có một luồng khí đen bốc lên ngùn ngụt. Hành Giả cả sợ nói:
– Chỗ đám khí đen kia nhất định có yêu quái. Bát Giới, Sa
Tăng nhà mình không bao giờ phóng ra loại khí đen như vậy đâu…
Đại Thánh đứng trên tầng không cứ băn khoăn quan sát mãi. Lại nói chuyện Tam Tạng ngồi trong rừng, minh tâm kiến
tính, lầm rầm niệm kinh Ma ha bát nhã ba la mật đa, bỗng nghe
văng vẳng có tiếng người kêu cứu, thì cả sợ nói:
– Lạ quá! Lạ quá! Ngay giữa rừng sâu mà sao có tiếng người kêu cứu nhỉ? Hay là người nào sợ lang trùng hổ báo mà ngã chăng, để ta đi xem sao.
Đoạn Tam Tạng đứng dậy xăm xăm luồn qua những cây bách ngàn năm, lách qua những gốc tùng vạn tuổi, níu bám dây mây dây sắn, tới gần xem xét, thấy một người con gái bị trói vào một gốc cây to, nửa thân trên bị trói bằng những sợi dây mây dây sắn, nửa thân dưới bị chôn xuống đất. Tam Tạng đứng vững chân, cất tiếng hỏi:
– Nữ bồ tát cớ sao lại bị trói ở đây?
Than ôi, rõ ràng ả ấy là yêu quái, Tam Tạng người trần chẳng nhận ra. Yêu quái thấy Đường Tăng hỏi, thì nước mắt ròng ròng chảy dài xuống hai má đào, khiến sắc đẹp càng có vẻ chim sa cá lặn; hai mắt lệ nhòa hình dung thêm có bề nguyệt thẹn hoa nhường. Tam Tạng chẳng dám đến gần, lại cất tiếng hỏi thêm:
– Nữ bồ tát có tội lỗi gì, hãy nói ra cho bần tăng biết bần tăng mới cứu được.
Yêu quái bèn làm ra vẻ thật, bịa chuyện nói khéo, vội vã trả lời:
– Thưa sư phụ, nhà thiếp ở núi Bàn Bà, cách đây chừng hơn hai trăm dặm. Cha mẹ thiếp hãy còn và rất hay làm điều thiện, suốt đời sóng hòa thuận với anh em, yêu mến bạn bè. Một hôm vào dịp thanh minh, cha mẹ thiếp mời đủ già trẻ thân thích trong nhà ngoài họ đi tảo mộ tổ tiên, một đoàn người kẻ kiệu người xe đi tới đồng hoang nghĩa địa. Đến trước mộ, sắp sửa cúng lễ, vừa
mới đốt vàng mã thì nghe ầm ầm tiếng chiêng trống. Một bọn kẻ cướp xông ra, lăm lăm dao gậy, hò hét hô giết ầm ĩ. Mọi người sợ quá, ai nấy hồn vía rụng rời. Cha mẹ và những người thân của thiếp, ai có xe có ngựa đều bỏ chạy trốn thoát cả. Chỉ còn một mình thiếp yếu đuối, chạy không nổi, ngã lăn ra đất, bị bọn chúng bắt mang vào trong núi. Tên đại vương cả muốn lập thiếp làm phu nhân. Tên đại vương hai cũng muốn lập thiếp làm vợ cả. Tên thứ ba, thứ tư thấy thiếp có chút nhan sắc cũng tỏ ý mến yêu. Bảy tám tên tranh nhau loạn xạ, sinh ra bực tức, bèn trói thiếp trong rừng sâu, rồi kéo nhau tản đi. Đã dăm ngày đêm nay, sức thiếp đã kiệt, chắc chẳng bao lâu nữa sẽ chết. Không biết tổ tiên tích góp âm đức từ đời nào, mà hôm nay gặp được lão sư phụ ở đây. Muôn ngàn lần xin sư phụ từ bi cứu lấy mạng thiếp, dù sau này xuống suối vàng, thiếp cũng không bao giờ quên ơn!
Nói xong, nước mắt lại như mưa. Tam Tạng đúng là người hiền lành, nghe kể xong cũng bật khóc thút thít, bèn cất tiếng gọi:
– Đồ đệ!
Bát Giới, Sa Tăng đang tìm hoa kiếm quả trong rừng, bỗng nghe tiếng sư phụ gọi thảm thiết, chú ngốc nói:
– Sa Hòa Thượng này, sư phụ nhận ra họ hàng chăng? Sa Tăng cười nói:
– Anh hai rặt nói lung tung! Chúng ta đi bao lâu, một bóng người cũng không gặp, thì họ hàng ở đâu ra?
Bát Giới nói:
– Không phải họ hàng thì sư phụ khóc với ai ở đấy? Ta lại đó xem sao.
Sa Tăng vội quay lại chỗ cũ dắt ngựa gánh đồ, rồi đến chỗ sư phụ hỏi:
– Sư phụ gọi gì thế?
Đường Tăng chỉ tay vào một gốc cây, nói:
– Bát Giới mau cởi trói cứu thoát cô gái kia!
Chú ngốc chẳng cần biết hay dở, định bước tới ra tay.
Lại nói chuyện Đại Thánh đứng trên tầng không, thấy khí đen dày đặc, che kín cả đám mây lành, liền nói:
– Hỏng! Hỏng! Khí đen trùm kín mây lành thế kia, e sư phụ bị yêu tinh hại mất. Xin cơm chay là việc nhỏ, hãy quay về xem sư phụ làm sao đã.
Đoạn quay mây trở về, hạ xuống giữa rừng, thấy Bát Giới đang cởi dây thừng, bèn bước tới lôi tai Bát Giới ẩy ngã vật ra đất. Chú ngốc ngẩng đầu, lồm cồm bò dậy nói:
– Sư phụ sai tôi cứu, tại sao anh cậy khỏe ẩy ngã tôi? Hành Giả cười nói:
– Chú em đừng cởi cho ả. Ả là yêu tinh giả vờ làm thế để lừa chúng ta đấy.
Tam Tạng quát lên:
– Con khỉ khốn kiếp chỉ được cái ăn nói lung tung! Một người con gái như vậy, cớ sao ngươi bảo là yêu tinh?
Hành Giả nói:
– Sư phụ chẳng biết quái gì cả. Những trò ấy lão Tôn giở mãi rồi, vả lại cái cách định ăn thịt người ấy, sư phụ biết làm sao được!
Bát Giới dẩu mõm chế giễu:
– Sư phụ đừng tin! Gã Bật Mã Ôn ấy bịp đấy! Cô gái ấy là người vùng này, chúng ta từ phương Đông xa xôi đến đây, chẳng hề quen biết, lại chẳng phải họ hàng thân thích, làm sao dám bảo
là yêu tinh? Anh ấy muốn thúc chúng ta phải đi ngay để rồi dùng phép thần thông lộn mây trở lại vớ vẩn với cô ấy, còn lạ gì nữa!
Hành Giả quát lên:
– Đồ bị thịt ăn nói bậy bạ! Lão Tôn này từ ngày sang Tây đã giở trò vô lại như thế bao giờ chưa? Không như cái giống ăn cám tham sắc quên thân, thấy lợi quên nghĩa nhà ngươi, đến nỗi bất kể hay dở, bị người ta đánh lừa cho ở gửi rể để bị trói treo lên cành cây rồi đấy!
Tam Tạng nói:
– Thôi được! Thôi được! Bát Giới này, sư huynh con thường ngày xét đoán không sai. Anh con đã nói như vậy, thì mặc cô ấy, ta đi thôi.
Hành Giả mừng lắm nói:
– May quá! Sư phụ thoát rồi! Nào mời sư phụ lên ngựa. Khi nào ra khỏi rừng tùng, gặp nhà dân con sẽ xin cơm chay cho sư phụ xơi.
Bốn thầy trò lại tiếp tục lên đường, để mặc yêu quái tại đó.
Lại nói chuyện yêu quái bị trói ở gốc cây, nghiến răng căm giận nói:
– Mấy năm nay ta nghe nói Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, nay gặp hắn mới biết tiếng đồn chẳng sai. Lão Đường Tăng tu hành từ nhỏ, một ly khí nguyên dương cũng chưa bị tiết mất, ta muốn bắt hắn làm chồng, để thành Thái Ất Kim Tiên, không ngờ bị con khỉ này biết phá mất phép của ta, cứu Đường Tăng đi mất. Nếu bọn chúng cởi thừng cứu ta, ta thuận tay bắt lão Đường Tăng mang đi luôn, thì lão đã là người của ta rồi. Giờ không may bị con khỉ ấy nói linh tinh một hồi và đưa lão Đường Tăng đi luôn chẳng hóa ra “nhọc lòng mà chẳng nên công cán
gì” ư? Để ta kêu lên dăm ba tiếng nữa xem sao.
Đoạn yêu tinh cứ để nguyên dây trói như thế, kêu lên mấy tiếng van xin thảm thiết. Tiếng kêu theo chiều gió văng vẳng truyền tới tai Đường Tăng. Bạn bảo yêu tinh kêu cứu như thế nào? Hắn kêu rằng:
– Sư phụ ơi, sư phụ nỡ lòng nào không cứu sống người, tấm lòng mờ ám như thế thì còn bái Phật cầu kinh làm sao được nữa!
Đường Tăng ngồi trên mình ngựa nghe thấy tiếng kêu cứu như vậy, bèn ghìm cương ngựa gọi:
– Ngộ Không, con hãy đi cứu cô gái ấy. Hành Giả nói:
– Sư phụ cứ việc đi, đừng nghĩ ngợi gì đến ả ấy! Đường Tăng nói:
– Cô ta vẫn kêu cứu ở đó mà. Hành Giả hỏi:
– Bát Giới, chú có nghe thấy gì không? Bát Giới đáp:
– Tai tôi to che kín cả, chẳng nghe thấy gì. Hành Giả lại hỏi:
– Sa Tăng, chú có nghe thấy gì không? Sa Tăng đáp:
– Tôi gánh hành lý đi trước, chẳng để ý, nên cũng chẳng nghe thấy gì.
Hành Giả nói:
– Lão Tôn cũng chẳng nghe thấy gì. Sư phụ nghe thấy ả kêu gì vậy?
Đường Tăng đáp:
– Cô ta kêu cũng có lý rằng: “Mạng người mà không nỡ cứu sống, tấm lòng mờ ám như thế thì còn bái Phật cầu kinh làm sao được!”. “Cứu một mạng người còn hơn xây bảo tháp bảy tầng”. Mau đến cứu ngay người ta. Việc ấy còn hơn cả bái Phật cầu kinh đấy.
Hành Giả cười nói:
– Bệnh muốn làm điều thiện của sư phụ lại nổi lên không có thuốc mà chữa đây. Sư phụ nghĩ xem, từ ngày rời phương Đông lên đường sang Tây, vượt qua biết bao núi cao rừng thẳm, gặp biết bao nhiêu là yêu quái. Bọn chúng thường bắt sư phụ mang về động, lão Tôn tới cứu, dùng gậy sắt đập chết hàng ngàn hàng vạn tên rồi. Nay chỉ có tính mạng một con yêu tinh cũng không dứt nổi, lại muốn đi cứu hắn nữa sao?
Đường Tăng nói:
– Đồ đệ ơi. Cổ nhân có câu: “Chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm. Chớ thấy việc ác nhỏ mà cứ làm”. Thôi mau mau đi cứu người ta đi!
Hành Giả nói:
– Sư phụ cứ nằng nặc như vậy, nhưng cái gánh nặng ấy lão Tôn chẳng gánh được đâu. Sư phụ muốn cứu ả, con cũng chẳng cố khuyên nữa. Con khuyên một hồi, sư phụ lại phát cáu. Thôi, mặc sư phụ đi mà cứu!
Đường Tăng nói:
– Con khỉ đừng lắm lời nữa! Ngươi cứ việc ngồi ở đây, để ta và Bát Giới đi cứu.
Đường Tăng quay lại chỗ người con gái, bảo Bát Giới cởi dây thừng ở nửa thân trên, lấy đinh ba bới đất moi nửa thân dưới. Yêu quái rút chân lên, thắt lại quần, mừng mừng rỡ rỡ đi theo
Đường Tăng ra khỏi rừng tùng đến gặp Hành Giả. Hành Giả cứ cười khảy mãi. Đường Tăng quát lên:
– Con khỉ khốn kiếp! Nhà ngươi cười cái gì? Hành Giả nói:
– Con người sư phụ “vận đến gặp được bạn lành, vận đi lại gặp giai nhân vui vầy”.
Tam Tạng lại quát:
– Con khỉ già khốn kiếp ăn nói bậy bạ! Ta từ khi ra khỏi bụng mẹ đã làm hòa thượng. Ngày nay vâng lệnh sang Tây, thành tâm bái Phật cầu kinh, đâu phải là hạng tham danh cầu lợi mà có vận đến với vận đi.
Hành Giả cười nói:
– Đành rằng sư phụ tu hành từ nhỏ, nhưng chỉ biết tụng kinh niệm Phật, chứ đâu có biết luật pháp nhà vua. Người con gái ấy trẻ tuổi xinh đẹp, con và sư phụ là người xuất gia, bây giờ đi cùng một lối với người ta, thảng hoặc gặp người xấu, họ bắt chúng ta nộp cho quan, chẳng kể là bái Phật cầu kinh gì hết, cứ cho là tình gian, mặc dù không có chuyện đó, nhưng vẫn cứ bị buộc tội. Lúc ấy sư phụ sẽ bị tịch thu điệp văn, bị đánh thừa sống thiếu chết. Bát Giới sẽ bị sung quân. Sa Tăng sẽ bị đi sưu dịch. Còn lão Tôn cũng chẳng thể rửa sạch tiếng, dù có khẩu tài cũng chẳng thể biện hộ, chắc cũng bị khép vào tội bất ưng.
Tam Tạng quát lên:
– Chớ có nói hồ đồ! Nhà ngươi không nghe, ta sẽ đi cứu tính mạng người ta, có liên lụy gì, ta sẽ mang người ta đi; xẩy ra điều gì, ta chịu hết!
Hành Giả nói:
– Sư phụ tuy nói xẩy ra việc gì sư phụ chịu, nhưng đâu có phải sư phụ cứu người ta, mà thực ra là hại người ta đấy.
Tam Tạng nói:
– Ta cứu người ta ra khỏi rừng để người ta thoát chết, tại sao lại là hại người ta?
Hành Giả nói:
– Bây giờ người ta bị trói ở trong rừng, hoặc dăm ba ngày, chục ngày, nửa tháng, không có cơm ăn bị chết đói, còn giữ được toàn thân về âm phủ. Chứ mà sư phụ cứu người ta ra, sư phụ thì ngồi trên mình ngựa phóng đi như bay, chúng con lẽo đẽo theo sau, cô gái ấy chân yếu tay mềm, lê gót không nổi, đi theo sư phụ làm sao nổi? Một hồi, sư phụ bỏ cô ta lại đằng sau, nhỡ gặp lang trùng hổ báo nuốt một miếng chết tươi, có phải là làm hại cô ta không?
Tam Tạng nói:
– Ừ cũng phải. Việc này nhờ con nghĩ xem, nên tính toán thế nào?
Hành Giả cười nói:
– Hay là bế cô ta lên mình ngựa, cùng cưỡi ngựa với sư phụ? Tam Tạng ngẫm nghĩ rồi nói:
– Cô ta cùng ngồi với ta làm sao được? Hành Giả nói:
– Nếu không cô ta đi sao nổi? Tam Tạng nói:
– Bảo Bát Giới cõng cô ta vậy. Hành Giả cười nói:
– Chú ngốc dịp may đến rồi! Bát Giới nói:
– Đường xa gánh nặng, bảo tôi cõng người ta còn may mắn
nỗi gì?
Hành Giả nói:
– Chú mõm dài, khi cõng cô ta, thỉnh thoảng quay mõm lại, tha hồ mà dễ tình tự, không phải tiện lợi hay sao?
Bát Giới nghe Hành Giả nói như vậy, tức đến tận cổ nói:
– Không được! Không được! Sư phụ cứ đánh con mấy roi, con xin nén chịu đau, còn hơn là cõng cái của không sạch sẽ ấy. Sư huynh bẩm sinh rặt chơi xỏ ngầm, con cõng sao nổi?
Tam Tạng nói:
– Thôi được, thôi được! Ta cũng còn sức đi bộ được vài bước, ta sẽ xuống ngựa cùng đi chầm chậm với các con, để Bát Giới dắt con ngựa không vậy.
Hành Giả cười to nói:
– Chú ngốc lại càng được món hời. Sư phụ chiếu cố để chú dắt ngựa đấy.
Tam Tạng nói:
– Con khỉ rặt nói lăng nhăng. Cổ nhân có câu: “Ngựa đi nghìn dặm, không người chẳng thể tự đi”. Giá như ta đi bộ chậm chạp, các con có thể bỏ ta mà đi được không? Mọi người cùng đi với cô gái ra khỏi rừng, gặp am quán chùa chiền nào, hoặc gặp nhà dân, để cô ta lại đó, thế cũng là mình cứu người ta đấy!
Hành Giả nói:
– Sư phụ nói chí lý lắm. Mời sư phụ đi ngay cho.
Tam Tạng bèn đi trước, Sa Tăng gánh hành lý, Bát Giới dắt con ngựa không, đi cùng người con gái. Hành Giả cầm cây gậy sắt, đoàn người hàng một bước đi.
Đi chừng không đầy hai ba mươi dặm, trời đã nhá nhem tối, chợt họ lại nhìn thấy một tòa lâu đài điện các. Tam Tạng nói:
– Đồ đệ ơi, đằng kia chắc lại là am quán chùa chiền đấy thôi, ta tới đó ngủ nhờ, sáng mai đi sớm.
Hành Giả nói:
– Sư phụ nói phải. Mọi người nhanh chân lên! Một lát đã tới ngoài cổng, Tam Tạng dặn dò:
– Các con đứng lui ra xa một tí, để ta vào trước hỏi ngủ nhờ. Nếu được sẽ sai người ra gọi.
Mọi người vâng lời, đứng cả dưới bóng cây liễu. Một mình
Hành Giả lăm lăm gậy sắt đứng cạnh người con gái.
Tam Tạng rảo bước đi vào, chỉ thấy cửa xiêu tường đổ, cảnh vật tiêu điều. Đẩy cửa ra xem xét, càng thấy thê thảm hơn: Hiên dài vắng lặng, chùa cổ điêu tàn, rêu phủ đầy sân, cổ bò khắp đất, chỉ thấy đom đóm bay lập lòe, tiếng ếch kêu ồm ộp. Bất giác Tam Tạng ứa hai hàng lệ. Thật là:
Đền miếu sao đổ nát. Hành lang cũng vắng teo. Ngói vỡ và tường xiên, Cột nghiêng kèo gẫy cả. Trước sau cỏ che phủ,
Bếp núc bụi bám dày. Gác chuông đổ thảm thay, Đèn lưu ly vỡ nát.
Tượng Phật Tổ phai sắc, Tượng La Hán đổ lăn. Tượng Quan Âm bở tan, Bình nước cành dương rớt.
Ngày chẳng bóng sư sãi, Đêm cáo thỏ nô đùa. Gió rít thổi vù vù.
Nơi ẩn thân hổ báo. Bốn vách tường xiêu vẹo Cánh cửa đóng cũng không.
Có bài thơ làm chứng rằng:
Bao năm chùa cổ chẳng ai tu, Đổ nát thê lương dạ thẫn thờ. Thốc mặt Già Lam cơn gió lạnh, Hắt đầu Phật Tổ trận mưa to.
Kim cương tượng gỗ dầm sương gió, Thổ địa phòng không dãi nắng mưa.
Ngó tới hai bên càng chán ngán, Chuông đồng lăn lóc giữa hoang sơ.
Tam Tạng đánh bạo bước vào tầng cửa thứ hai thấy lầu chuông gác trống đều đổ nát, chiếc chuông đồng nằm lăn lóc trên mặt đất, nửa trên trắng xóa như tuyết, nửa dưới xám xịt như chì, chính là do năm tháng dãi dầu, nửa trên bị nước mưa rửa trắng xóa, nửa dưới bị hơi đất ẩm thấp xông lên thành mầu gỉ xanh. Tam Tạng đưa tay sờ vào quả chuông, đoạn than thở:
– Chuông ơi, nhà ngươi:
Đã từng treo ở gác chùa,
Đã từng văng vẳng ngân nga sớm chiều.
Đã từng lảnh lót sớm mai,
Đã từng bảng lảng giục trời hoàng hôn.
Đạo nhân đúc cũng chẳng còn,
Và người thợ khắc biết còn hay không?
Chắc là về cả cõi âm,
Không người nên chú âm thầm chẳng kêu.
Tam Tạng than vắn thở dài, không ngờ làm kinh động người trong chùa. Trong chùa vẫn có một đạo nhân coi việc đèn nhang. Hắn nghe thấy tiếng người bèn nhỏm dậy, nhặt một hòn gạch vỡ, ném một cái vào đúng quả chuông, kêu boong một tiếng, khiến cho Tam Tạng sợ quá ngã lăn xuống đất, định chồm dậy chạy ra, nhưng chân vấp vào rễ cây, lại ngã sấp xuống đất, vội ngẩng đầu cất tiếng gọi:
– Chuông ơi!
Bần tăng thương chú thở than,
Bỗng boong một tiếng kêu vang giật mình.
Hẳn đường Tây ít khách thăm,
Lâu dần chuông đã biến thành yêu tinh?
Đạo nhân chạy ra ngoài, đỡ lấy Tam Tạng nói:
– Xin mời ngài đứng dậy. Không phải chuông thành tinh đâu, mà là tôi làm chuông kêu đấy.
Tam Tạng ngẩng đầu, thấy người ấy hình dung xấu xí đen đủi, bèn nói:
– Nhà ngươi là yêu ma quỷ quái phải không? Ta không phải là người tầm thường, ta từ nước Đại Đường tới. Thủ hạ ta là những đồ đệ có tài hàng long phục hổ. Nhà ngươi mà động tới ta thì đừng hòng sống sót!
Đạo nhân quỳ xuống nói:
– Xin ngài đừng sợ. Tôi không phải là yêu tinh, mà là đạo nhân coi việc đèn nhang trong chùa này. Vừa nãy nghe tiếng ngài than thở những lời từ thiện, tôi muốn ra đón, nhưng lại sợ ma quái gõ cửa, đành nhặt hòn gạch vỡ, ném vào chiếc chuông cho đỡ sợ, rồi mới dám ra.
Bấy giờ Đường Tăng mới hoàn hồn nói:
– Thưa ngài trụ trì, ngài làm tôi sợ hết hồn. Bây giờ hãy đưa tôi vào nào.
Đạo nhân bèn dẫn Đường Tăng vào trong tầng cửa thứ ba. Thấy phong cảnh ở đây khác hẳn. Chỉ thấy:
Tường hoa xây toàn gạch đỏ, Điện báu lợp toàn ngói xanh. Tượng thánh đắp nạm vàng ròng, Thềm điện lát toàn ngọc trắng.
Điện Đại Hùng dịu xanh làn ánh sáng,
Gác Tỳ La rực rỡ ánh hào quang. Điện Văn Thù mây đẹp mơ màng, Lầu Luân Tạng trạm hoa trổ lá, Bình báu đắp đỉnh tam thiền đó, Lọng tía bay lầu ngũ phúc kia.
Bên tòa Phật nghìn khóm trúc phất phơ, Trước cửa Phật vạn gốc tùng xanh mướt.
Đám mây xanh hào quang tỏa đẹp. Tầng ráng tía khí phủ mông lung
Sớm sớm hương đưa từ khắp cánh đồng. Chiều chiều non cao tiếng chuông văng vẳng. Người vá áo đông vui ngày nắng,
Kẻ tụng kinh rộn rã đêm thanh.
Lại chỉ thấy viện sau cửa bóng đèn xanh, Một làn khói thơm tỏa nơi sân giữa.
Tam Tạng thấy vậy chẳng dám bước vào, chỉ cất tiếng hỏi:
– Thưa đạo nhân, đằng trước thì đổ nát điêu tàn, đằng sau thì uy nghi tề chỉnh là cớ sao?
Đạo nhân cười nói:
– Thưa ngài, vùng này có nhiều yêu ma trộm cướp. Trời đẹp chúng đi dọc núi cướp bóc. Xấu trời chúng vào chùa nương thân, quẳng tượng Phật lấy chỗ nằm, dỡ cây que làm đồ sưởi. Tăng nhân chùa này hèn yếu, chẳng dám giảng giải can ngăn. Vì vậy, đành phải để mấy gian chùa nát phía trước cho bọn chúng nương thân, rồi lại đi khuyên gáo các thí chủ xây dựng nên tòa tự viện mới này. Trong đục ở lẫn, đó là sự thể cõi Tây phương này đó.
Tam Tạng nói:
– À ra thế.
Đang đi lại nhìn thấy trên cửa sơn môn có năm chữ đại tự “Chùa Trấn Hải Thiền Lâm”, bèn rảo bước rẽ vào, thì gặp ngay một hòa thượng đang đi ra. Hòa thượng này ăn mặc:
Đầu đội mũ gấm thắt trâm nhung bên trái.
Đôi khuyên đồng chảy xệ hai tai. Áo lông kim tuyến khoác trên người. Mắt trắng giã tia nhìn sáng quắc. Chiếc trống bỏi tay rung lúc lắc. Miệng lầm rầm nhẩm đọc kinh Phiên.
Tam Tạng không hay bởi khác bên Đường, Chính là sư Lạt Ma bên Tây phương đó.
Vị hòa thượng Lạt Ma bước ra cửa nhìn thấy Tam Tạng mục tú mi thanh, trán cao mũi nở, tai rủ tới vai, tay dài quá gối, chẳng khác vị La Hán giáng phàm, bèn bước tới níu chặt lấy, vẻ mặt tươi cười, đưa tay vuốt chân vuốt tay, sờ mặt sờ tai Tam Tạng ra chiều thân thiết lắm, đoạn dắt Tam Tạng vào phương trượng, cúi chào xong bèn hỏi:
– Lão sư phụ từ đâu tới? Đường Tăng thưa:
– Đệ tử người nước Đại Đường bên phương Đông vâng lệnh nhà vua sang chùa Đại Lôi Âm, nước Thiên Trúc bên phương Tây bái Phật cầu kinh. Đi tới quý xứ ta trời vừa tối, vào xin ngủ nhờ một đêm, sáng mai đi sớm, mong ngài mở lòng từ bi giúp đỡ.
Hòa thượng kia cười nói:
– Không ra cái giống người! Không ra cái giống người! Chúng tôi không phải hạng người mong ước xuất gia, chỉ vì cha mẹ đẻ ra, mệnh phạm sao hoa cái, nuôi tại gia không được, mới cho đứt đi tu. Đã là đệ tử cửa Phật thì chớ nên nói những lời dối trá như thế.
Tam Tạng nói:
– Tôi nói thật mà. Hòa thượng nói:
– Từ phương Đông sang phương Tây đường xa dặm thẳm. Dọc đường biết bao núi non hang động, lắm loài quỷ quái yêu ma, ngài một mình đơn độc, dáng người lại yếu đuối thế kia đâu có phải là hàng người đi lấy kinh.
Tam Tạng nói:
– Viện chủ nói rất đúng. Một mình bần tăng làm sao tới được đây. Bần tăng còn có ba đồ đệ gặp núi mở lối, gặp sông bắc cầu, bảo vệ cho đệ tử, nên mới tới được đây đấy ạ.
Hòa thượng kia hỏi:
– Ba vị đồ đệ đâu? Tam Tạng thưa:
– Hiện đứng chờ ngoài cửa chùa. Hòa thượng kia sợ hãi nói:
– Sư phụ không biết. Vùng chúng tôi đây có nhiều hổ báo, quái yêu, trộm cướp hại người lắm. Ban ngày ban mặt mà còn chẳng ai dám đi xa. Trời chưa tối đã đóng cửa chùa. Trời tối thế này rồi mà ngài còn để họ ở ngoài đó sao?
Đoạn cất tiếng gọi:
– Đồ đệ, mau ra mời họ vào.
Hai chú tiểu Lạt Ma chạy ra nhìn thấy Hành Giả sợ quá ngã lăn quay, nhìn thấy Bát Giới lại ngã giúi giụi, đoạn lồm cồm bò dậy chạy như bay vào báo:
– Thưa sư phụ, nguy quá! Đồ đệ của ngài đây chẳng thấy, lại thấy ngay ba bốn yêu quái đứng trấn ngoài cửa chùa.
Tam Tạng hỏi:
– Hình dáng chúng thế nào? Tiểu hòa thượng đáp:
– Một người mồm như ông thiên lôi, một người mồm to dẩu ra, một người mặt xanh răng lòi, lại có cả một người con gái mặt hoa da phấn.
Tam Tạng cười to nói:
– Chú không biết đấy thôi. Ba người xấu xí ấy là đồ đệ của tôi. Còn người con gái là chúng tôi cứu được ở trong rừng.
Nhà sư Lạt Ma nói:
– Cha mẹ ơi, sư phụ khôi ngô tuấn tú, mà đồ đệ xấu xí đến thế kia à?
Tam Tạng nói:
– Họ tuy xấu thực nhưng hữu ích lắm. Ngài mau mời họ vào. Nếu chậm trễ, cái người có mõm như ông thiên lôi không phải do cha sinh mẹ dưỡng ấy tính nết nóng nảy lắm, hắn xông vào đánh ngay!
Mấy chú tiểu vội vàng chạy ra run rẩy quỳ xuống nói;
– Thưa các vị, ngài Đường lão gia mời các vị vào. Bát Giới cười nói:
– Anh ạ, họ mời thì vào. Nhưng tại sao lại run như cầy sấy thế?
Hành Giả nói:
– Thấy bọn ta xấu xí chắc là sợ. Bát Giới nói:
– Nhưng biết làm sao! Cha mẹ sinh ra mà, ai muốn xấu làm gì!
Hành Giả nói:
– Hãy giấu cái xấu đi một tí.
Chú ngốc thật thà giấu mõm vào trong ngực, cúi gầm mặt, dắt con ngựa, Sa Tăng gánh hành lý, Hành Giả đi sau kèm người con gái, tay lăm lăm cây gậy. Cả bọn đi xuyên qua khu chùa đổ vào trong tầng cửa thứ ba buộc ngựa, đặt hành lý, bước vào phương trượng, cúi chào nhà sư Lạt Ma, rồi chia ngôi thứ ngồi xuống. Vị hòa thượng kia đi vào bên trong dẫn ra bảy tám mươi chú Lạt Ma nhỏ. Họ cúi chào xong, rồi sửa soạn cơm chay thết đãi. Thật là:
Từ bi tích chứa bao công đức, Phật pháp hưng rồi sư trọng sư.
Cuối cùng không biết Tam Tạng làm thế nào ra khỏi chùa, xem hồi sau sẽ rõ.
------------------------
[299] Trong bài thơ này, tác giả dùng những thuật ngữ con bài chơi mạt chược tạo thành. Như: Thiên bài, cẩm bình phong, quan đăng thập ngũ, Thiên địa phân, long hổ phong vân hội, ảo mã quân, Vu Sơn phong thập nhị đối từ … chúng tôi theo ý dịch nghĩa để được dễ hiểu.
[300] Nguyên văn: Có công đi mãi ắt có ngày đến