Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ sáu mươi tám

Nước Chu Tử, Đường Tăng bàn đời trước 
Chữa quốc vương, Hành Giả đóng thầy lang

Thiện chính giữ, vạn duyên thâu,
Tiếng thơm truyền khắp bốn châu trong ngoài.

Trí tuệ sáng, lên bờ rồi,

Ùn ùn che kín chân trời mây bay.

Chư Phật thù tiếp đó đây.

Đài dao mãi mãi tháng ngày thênh thang

Phá tan mộng điệp nhân gian,

Lâng lâng trút sạch bụi trần vấn vương.

Lại nói chuyện thầy trò Đường Tăng dọn sạch đoạn hẻm hôi
thối, bước đi trên đường cái thênh thang, quang âm thấm thoắt, lại tới mùa hè. Chính là lúc:

Thạch lựu phô quả gấm, Sen thắm xòe lọng xanh.
Đàn én ríu rít trong bụi dương xuân, Người đi phe phẩy quạt thần xua nóng.
Đang đi, họ bỗng nhìn thấy một tòa thành trì trước mặt, Tam
Tạng dừng ngựa, nói:

– Các đồ đệ ơi, các con nhìn xem kia là xứ nào?

Hành Giả nói:

– Hóa ra sư phụ không biết chữ, thế mà dám vâng chiếu chỉ vua Đường rời triều ra đi!

Tam Tạng nói:

– Ta đi tu từ bé, thiên kinh vạn quyển lầu thông, tại sao con lại bảo ta không biết chữ?

Hành Giả thưa:

– Biết chữ, tại sao sư phụ không đọc nổi ba chữ đại tự to tướng trên lá cờ vàng cắm ở cổng thành kia, mà lại còn hỏi rằng xứ nào?

Tam Tạng quát lớn:

– Con khỉ khốn khiếp chỉ được cái ăn nói lăng nhăng! Lá cờ bị gió thổi bay phần phật, nên dù có chữ, ta nhìn cũng không rõ!

Hành Giả nói:
– Thế mà lão Tôn nhìn thấy đấy. Bát Giới, Sa Tăng nói:
– Sư phụ đừng có nghe anh ấy khoác lác. Cách xa đến tòa thành còn không nhìn rõ, làm sao đọc được chữ?

Hành Giả nói:

– Không phải ba chữ “nước Chu Tử” là gì kia! Tam Tạng nói:
– Nước Chu Tử tất là ngôi vương vị ở Tây Vực, chúng ta phải mau đến đó xin đổi điệp văn.

Hành Giả nói:

– Đương nhiên rồi.

Một lát sau, thầy trò đã đi tới cổng thành. Tam Tạng xuống ngựa, tất cả qua cầu, bước vào tầng cửa thứ ba. Thật là một chốn đế đô lộng lẫy. Chỉ thấy:

Cửa son cao chất ngất, Điện các xếp lô nhô,
Ven thành hào quanh co, Nam bắc núi thăm thẳm. Hàng hóa đầy phố rộng, Tấp nập người bán buôn.
Quả nơi ở đế vương, Đúng kinh kỳ thiên phủ. Thuyền phương xa neo trú, Gấm vóc, ngọc chất đầy. Thắng cảnh trải trời mây, Lầu cung vút tiêu hán.
Oai nghiêm ba cửa chắn, Muôn thuở vui thanh bình.
Thầy trò Đường Tăng bước đi trên phố lớn, thấy người dân đàng hoàng, quần áo chỉnh tề, giọng nói trong trẻo, chẳng kém gì ở nước Đại Đường. Những người đang mua bán ở hai bên đường phố, chợt nhìn thấy Trư Bát Giới tướng mạo xấu xí, Sa Hòa Thượng cao to đen sì, Tôn Hành Giả mặt lông trán dô, thì bỏ cả mua bán, xúm lại xem.

Tam Tạng chỉ dặn:

– Đừng gây họa nhé, cứ cúi đầu mà đi!

Bát Giới vâng lời, rúc cái mõm to bè như chiếc hương sen vào ngực. Sa Tăng không dám ngẩng mặt, chỉ mỗi Hành Giả nghênh ngang ngó đông ngó tây, theo sát bên Đường Tăng. Trong số những người xem, những kẻ lịch thiệp, xem một lát rồi bỏ đi. Nhưng có mấy tên du thủ du thực và mấy đứa trẻ nghịch ngợm bướng bỉnh, cười cười cợt cợt, lấy gạch đá ném trêu Bát Giới. Đường Tăng lau mồ hôi, dặn:

– Đừng sinh sự nhé!

Chú ngốc chẳng dám ngẩng đầu. Một lát sau, thầy trò đi tới một góc phố, chợt nhìn thấy một cái cổng, trên có ba chữ “Quán Hội Đồng”. Đường Tăng bảo:

– Đồ đệ ơi, chúng ta vào nha môn này thôi. Hành Giả hỏi:
– Vào làm gì? Đường Tăng đáp:
– Quán Hội Đồng là chỗ hội họp thông đồng của thiên hạ. Chúng ta vừa bị quấy rầy, vào đó tạm nghỉ ngơi, để ta vào gặp nhà vua, xin đổi điệp văn, rồi lại rời đây lên đường.
Bát Giới nghe xong, bèn dẩu cái mõm ra, khiến số người đi xem sợ hãi ngã lăn đến hơn chục người. Bát Giới bước tói, nói:

– Sư phụ nói phải lắm. Chúng ta vào đó ẩn, để bọn quạ này khỏi bâu đến làm ầm ĩ.

Thầy trò bèn bước vào quán. Số người kia dần dà bỏ đi.

Lại nói chuyện trong quán có hai viên quan coi giữ, một chánh một phó đang kiểm dân phu ở trong sảnh để đi tiếp quản ở đâu đó, bỗng thấy bọn Đường Tăng vào, ai nấy hoảng sợ, hỏi:

– Các ngài là ai? Các ngài là ai? Định đi đâu? Tam Tạng chắp tay, thưa:
– Bần tăng là người nước Đại Đường bên phương Đông, vâng mệnh nhà vua sang phương Tây lấy kinh, nay qua xứ ta, không dám tiện thiện, định vào triều đổi điệp văn, xin tạm vào nha môn đây nghỉ ngơi chốc lát.

Hai viên quan coi giữ quán nghe xong, bèn đuổi mọi người ra, rồi mũ áo chỉnh tề, bước vào sảnh đường đón tiếp, lại sai quét dọn phòng khách để thầy trò nghỉ ngơi và sai quan dẫn dân phu rời dinh ra đi. Những người thủ hạ mời Tam Tạng vào phòng khách nghỉ ngơi. Tam Tạng toan đi. Hành Giả tức giận, quát:

– Tên này hỗn nhỉ! Không mời lão Tôn vào sảnh à? Tam Tạng nói:
– Họ ở đây không thuộc nước Đại Đường ta cai quản, lại không có quan hệ với nước ta. Hơn nữa, có thể bất ngờ có quan khách thượng ty đi qua, cho nên không tiện lưu chúng ta ở đây.

Hành Giả nói:

– Đã vậy, ta phải bắt họ thết đãi mới nghe!

Đang nói, đã thấy người quản sự bưng đến, nào là một mâm
gạo trắng, một mâm miến trắng, hai mớ rau xanh, bốn bìa đậu phụ, một mâm măng khô, một mâm mộc nhĩ. Tam Tạng bảo đồ đệ nhận lấy và cảm ơn người quản sự.

Người quản sự nói:

– Ở phòng phía tây có nồi bếp sạch sẽ, củi lửa đầy đủ, mời các ngài vào đó làm bữa.

Tam Tạng nói:

– Tôi xin hỏi ngài một câu, quốc vương lúc này có ở trên điện không?

Người quản sự thưa:

– Đức quốc vương của chúng tôi lâu nay không ngự triều. Hôm nay là ngày hoàng đạo tốt lành, hiện đang cùng bàn bạc với văn võ bá quan về việc treo bảng vàng. Ngài muốn đổi điệp văn thì đi ngay mới kịp. Để đến ngày mai là không xong đâu, lại phải chờ đợi dây dưa không biết đến bao giờ.

Tam Tạng bảo:

– Ngộ Không, các con ở đây nấu cơm, để ta đi đổi điệp văn rồi về ăn cơm, sau đó lên đường.

Bát Giới vội vàng lấy áo cà sa và tờ điệp văn. Tam Tạng mũ áo ngay ngắn vào triều, dặn dò các đồ đệ không được ra ngoài phố gây chuyện. Đi được một lúc, Tam Tạng đã tới lầu Ngũ Phượng, thấy điện các lộng lẫy, lâu đài nguy nga. Đến cửa Đoan Môn, Tam Tạng nhờ quan tâu việc vào tâu với nhà vua xin vào đổi điệp văn, quan Hoàng Môn bước vào trước thềm ngọc, tâu:

– Ngoài cửa triều, có một nhà sư nước Đại Đường bên phương Đông, vâng mệnh nhà vua đến chùa Lôi Âm bên phương Tây bái Phật cầu kinh, muốn vào đổi điệp văn đang đứng đợi lệnh.

Quốc vương nghe xong, mừng rỡ nói:
– Quả nhân ốm đau đã lâu, chưa hề ngự triều, nay vừa lên điện treo bảng cầu lương y, thì đã có cao tăng đến ngay.

Lập tức truyền lệnh vời vào trước thềm. Tam Tạng cúi mình sụp lạy. Quốc vương lại cho mời lên điện Kim Loan ngồi, sai quan Quang lộc tự làm cơm chay, Tam Tạng tạ ơn, trình tờ điệp văn lên.

Quốc vương xem xong, vô cùng mừng rỡ, nói:

– Thưa pháp sư, bên Đại Đường ta đến nay đã bao nhiêu triều vua trị vì? Có bao nhiêu hiền thân? Đến đời vua Đường, vì sao lại mắc bệnh hồi sinh, rồi sai ngài lặn lội trèo đèo lội suối đi lấy kinh?

Tam Tạng nhân nhà vua hỏi, bèn cúi mình chắp tay thưa:

– Ở nước bần tăng:

Tam Hoàng trị thế, Ngũ Đế chia luân, Nghiêu Thuấn tức vị, Vũ, Thang an dân. Thành, Chu con lắm, Chia trị xa gần.
Y mạnh chống yếu, Chia nước xưng quân. Cả mười tám nước, Đều đã định phân. Mười hai còn lại,
Bờ cõi khuôn ngăn, Do thiếu ngựa xe,
Nuốt nhau tranh phần. Bảy nước giành giật, Sáu nước theo Tần. Trời sinh Lỗ, Bái.
Một lũ bất nhân Núi sông thuộc Hán, Lập pháp hộ thân.
Tư Mã cướp Hán, Nhà Tấn lấn dần, Nam Bắc xâu xé,
Tống, Tề, Lương, Trần.

Các tổ truyền nối, Nhà Tùy kế chân.
Vua tôi vô đạo, Chìm đắm muôn dân. Vua tôi họ Lý,
Quốc hiệu Đường quân.

Cao Tổ tạ thế, Nay là Thế Dân.
Sông trong biển lặng, Đại đức khoan nhân.
Bỗng thành Tràng An mạn bắc, Có một thủy quái long thần. Mưa ngọt bớt xén.
Đáng tội chém thân.
Đêm khua thác mộng, Xin vua cứu mình. Vua hứa cứu thoát, Sớm vời hiền thần.
Lưu trong cung khuyết, Đánh cờ lần khân, Vừa đúng giờ ngọ,
Hiền thần mộng chém long thần…

Quốc vương nghe đến đấy, bỗng thở dài não nuột, hỏi:

– Thưa pháp sư, vị hiền thần ấy từ nước nào tới? Tam Tạng đáp:
– Vị ấy là quan thừa tướng trước giá của nhà vua chúng tôi, họ Ngụy tên Trưng. Ngài hiểu thiên văn, thông địa lý, tinh âm dương, thực là một vị đại tể tướng an bang tế thế, một hôm ngài nằm mơ thấy mình chém long vương Kinh Hà. Long Vương cáo giác với âm ty rằng đức vua tôi đã hứa cứu sống, mà sao vẫn bị giết chết. Do vậy đức vua tôi lâm bệnh nặng, dần dà cảm thấy nguy kịch khó qua. Ngụy Trưng bèn viết một phong thư đưa cho đức vua tôi mang xuống âm ty, gửi cho vị phán quan ở Phong Đô là Thôi Giác. Được một lát, vua Đường chết, mãi ba ngày sau mới sống lại. Nhờ có thư Ngụy Trưng, nên Thôi phán quan sửa lại sổ sinh tử, cho nhà vua thọ thêm hai mươi năm nữa. Sau đó nhà vua muốn mở Đại hội thủy lục, sai bần tăng trèo non lội suối, vượt qua các nước, bái Phật tổ cầu ba tạng kinh Đại Thừa để độ cho các oan hồn được siêu thoát.

Quốc vương lại than vắn thở dài, nói:

– Thật đúng là thiên triều đại quốc, vua sáng tôi hiền! Như trẫm đây lâm bệnh đã lâu, mà chẳng một bề tôi nào giải cứu.
Tam Tạng nghe xong, đưa mắt nhìn trộm, thấy nhà vua mặt xanh nanh vàng, thần suy hình yếu, định hỏi thêm, thì đã thấy quan Quang lộc tự mời Đường Tăng đi xơi cơm. Nhà vua truyền lệnh:

– Dọn cơm ở điện Phi Hương, dọn cả cơm của trẫm, để trẫm cùng ăn với pháp sư một thể.

Tam Tạng tạ ơn, cùng đi ăn cơm với nhà vua. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện Hành Giả ở Quán Hội Đồng, sai Sa Tăng đun nước nấu cơm, và sửa soạn canh riêu.

Sa Tăng nói:

– Đun nước nấu cơm thì chẳng khó, nhưng chẳng biết nấu canh với gì?

Hành Giả hỏi:

– Tạo sao?

Sa Tăng đáp:

– Muối mắm mỡ mùng chẳng có gì hết! Hành Giả nói:
– Tôi có tiền đây, chú bảo Bát Giới ra phố mua. Chú ngốc trốn việc, nói:
– Tôi chẳng dám đi đâu. Mặt mũi tôi xấu xí, e gây họa, sư phụ lại trách.

Hành Giả nói:

– Thuận mua vừa bán, không ăn cướp, không ăn xin, thì lo gì gây họa!

Bát Giới nói:

– Sư huynh không thấy bọn dốt nát vừa rồi đó sao? Vừa rồi ở
ngoài cửa, em mới dẩu mõm ra, mà gần chục người đã sợ ngã lăn quay, huống hồ ngoài chợ búa, không biết sẽ xô ngã bao nhiêu người?

Hành Giả nói:

– Chú chỉ biết chợ búa ầm ĩ, thế chú có biết người ta bán những gì ngoài chợ không?

Bát Giới nói:

– Sư phụ chỉ bảo em cúi đầu mà đi kẻo gây họa, nên thực không biết gì hết.

Hành Giả nói:

– Quán rượu, hàng gạo, chỗ xay xát, lụa là gấm vóc không sao kể xiết. Tất nhiên có cả hàng nước, hàng miến, bánh đa, bánh bột. Quán cơm có món canh rất ngon, có hạt tiêu, tương ớt, rau tươi, cùng các của ngon vật lạ như mứt kẹo, đường sữa, các món điểm tâm, bánh cuốn, dầu béo, mật ngọt… cơ man là món ngon, ta sẽ đi mua một ít về mời chú. Chú tính sao?

Chú ngốc nghe xong, nước bọt ứa ra, cổ họng nuốt nước bọt ừng ực, nhảy cẫng lên, nói:

– Sư huynh cho em đi với. Lần này em quấy sư huynh, lần sau có tiền, em lại mời sư huynh đi.

Hành Giả cười thầm, nói:

– Sa Tăng, khéo đừng làm sống cơm nhé, để chúng tôi ra phố mua thêm các thức nấu khác.

Sa Tăng biết thừa Hành Giả chơi xỏ chú ngốc, vẫn thuận mồn nói:
– Các anh đi nhớ mua nhiều một chút, và ăn cho no hẵng về. Chú ngốc lục lấy bát, chén mang theo, cùng Hành Giả ra cửa.
Hai vị quan nhân hỏi:
– Trưởng lão đi đâu đấy ạ? Hành Giả đáp:
– Đi mua thức nấu. Người kia nói:
– Dọc phố này đi về phía Tây, rẽ qua chỗ lầu trống, ở đấy là cửa hàng tạp hóa nhà họ Trịnh có bán đủ thứ. Các ngài muốn mua thức gì: dầu, muối, tương, giấm, gừng, hạt tiêu, trà đều đủ cả.

Hai người dắt tay nhau bước đi, thẳng lối ra phố. Hành Giả đi qua mấy quán nước, mấy hàng cơm, nhiều cái đáng mua mà chẳng mua, đáng ăn cũng không ăn.

Bát Giới bèn bảo:

– Sư huynh ơi, mua ở đây mà ăn thôi.

Hành Giả cố ý chòng ghẹo Bát Giới, đời nào chịu mua, nói:

– Chú em ạ, chú vẫn chưa có kinh nghiệm, cứ đi nữa đi, chọn hiệu to mà ăn.

Hai người vừa đi, vừa trò chuyện huyên náo, làm cho một số người bám theo sau xem. Một lát sau, họ tới bên lầu trống, thấy cơ man là người chen chúc ồn ào, tắc đường chật phố. Bát Giới thấy vậy, nói:

– Sư huynh ơi, em không đi nữa đâu. Chỗ này người đông lắm, sợ họ bắt cả hòa thượng. Hơn nữa, thấy chúng ta lạ mặt sinh nghi, họ bắt đi thì sao?

Hành Giả nói:

– Vớ vẩn! Hòa thượng không phạm pháp, bắt làm sao được! Chúng ta đi qua đây, tới cửa hàng nhà họ Trịnh mua ít thức nấu.

Bát Giới nói:
– Thôi! Thôi! Em không dại để gây họa. Giờ mà chen vào đám đông, vẫy tai vài cái, làm cho họ sợ ngã lăn đùng, chết vài mạng, mình lại phải đền mạng à!

Hành Giả nói:

– Đã vậy, chú đứng yên ở dưới chân tường này, để tôi qua đó mua về, và mua cho chú mấy cái bánh nướng để chú ăn nhé.

Chú ngốc đưa bát, chén cho Hành Giả rồi quay lưng rúc mõm vào chân tường đứng im như chết.

Hành Giả đi tới bên lầu, quả thấy người đông như nêm, bèn chen thẳng vào đám đông mà đi. Hóa ra là bảng vàng của nhà vua treo ngay dưới lầu, nên người ta mới tranh nhau xúm vào xem đông như vậy. Hành Giả lách vào gần, giương con mắt lửa ngươi vàng đọc kỹ càng, thấy trên bảng viết:

“Trẫm là quốc vương nước Chu Tử thuộc Tây Ngưu Hạ Châu, từ khi dựng nghiệp đến nay, bốn phương phẳng lặng, trăm họ yên vui. Gần đây việc nước không lành, trẫm ốm đau lệt bệt ròng rã không khỏi. Thái y viện nước ta đã tìm chọn nhiều bài thuốc hay, nhưng bệnh chẳng thuyên giảm.

Nay trẫm treo bảng mời hiền sĩ khắp trong thiên hạ, bất kể Bắc hay Nam, Trung Hoa ngoại quốc ai giỏi thuốc men xin mời vào bảo điện chữa bệnh cho trẫm. Nếu trẫm khỏi, nguyện chia đôi xã tắc nhường cho một nửa. Trẫm quyết không sai lời.

Vây trẫm treo bảng này cho mọi người hay.”

Xem xong, Hành Giả trong lòng vui mừng, nói: Người xưa có câu: “Làm việc gì cũng phải được ba phần tài lợi” Mình đâu có chịu nằm dài ở quán mãi. Đã vậy chẳng cần mua thức ăn vội, và tạm để chậm việc lấy kinh một ngày cũng chẳng sao, để lão Tôn đi làm thầy lang chơi đã.

Đoạn Đại Thánh khom người, quẳng bát, véo một cục đất, giơ
cục đất lên, miệng đọc thần chú, dùng phép ẩn thân, nhẹ nhàng bước tới bóc tờ bảng văn, ngoảnh mặt về phương đông nam hít một hơi tiên khí rồi thổi ra, lập tức một trận gió lốc thổi lên, ai nấy sợ hãi chạy tản hết. Hành Giả bèn quay người, đi thẳng về chỗ Bát Giới đứng, thấy chú ngốc mõm vẫn cắm xuống dưới chân tường, đánh một giấc ngủ. Hành giả không đánh thức Bát Giới, gấp tờ bảng văn, khe khẽ đút vào bụng Bát Giới, đoạn rảo cẳng quay về quán Hội Đồng trước.

Lại nói chuyện mọi người đứng dưới lầu thấy gió nổi to, ai nấy bưng đầu nhắm mắt, một lát sau trận gió thổi qua, không thấy bảng văn đâu, thì sợ hãi lắm.

Nguyên tờ bảng này, mười hai vị quan thái giám mười hai vị quan hiệu úy sáng nay vừa mới lĩnh mang ra, treo chưa được ba giờ đã bị gió cuốn đi, khiến ai nấy vô cùng run sợ truy tìm khắp nơi. Bỗng họ nhìn thấy một góc tờ bảng văn thò ra từ bụng Trư Bát Giới, mọi người bèn quát hỏi:

– Nhà ngươi bóc tờ bảng văn phỏng?

Chú ngốc ngẩng phắt đầu, dẩu cái mõm ra, mấy viên hiệu úy sợ quá loạng choạng đứng không vững ngã lăn ra đất. Chú ngốc quay người định chạy, nhưng bị mấy người to gan chặn trước mặt túm chặt lấy, nói:

– Nhà ngươi đã bóc tờ bảng văn mời thầy lang của nhà vua, không vào triều chữa bệnh cho nhà vua, còn định chạy đâu?

Chú ngốc ngơ ngơ, ngác ngác, hỏi:

– Con các người bóc bảng văn à! Cháu các người làm thầy lang à?

Viên hiệu úy đáp:

– Cái gì nhét trong bụng nhà ngươi kia?

Chú ngốc cúi đầu nhìn, thấy đúng là một tờ giấy, bèn mở ra
xem, bấy giờ mới nghiến răng chửi:

– Con khỉ già ấy giết ta rồi!

Đoạn hừ một tiếng toan xé tờ giấy, nhưng bị mọi người ngăn lại, nói:

– Nhà ngươi muốn chết hả? Đây là tờ bảng văn của nhà vua, ai dám xé nát? Nhà ngươi bóc giấu vào trong bụng, chắc hẳn là thầy lang giỏi, vậy hãy mau mau đi theo chúng tôi!

Bát Giới quát to:

– Các ngươi thật không biết gì. Bảng này tôi đâu có bóc. Sư huynh tôi là Tôn Ngộ Không bóc đấy. Anh ấy giấu trộm vào bụng tôi rồi bỏ đi. Các ngươi muốn việc này được minh bạch, thì hãy đi với tôi tìm cho được anh ấy.

Mọi người nói:

– Nói gì mà lạ thế! “Vật chẳng bắt, lại đi bắt bóng [282]

sao?
Rõ ràng nhà ngươi bóc tờ bảng văn, còn bảo chúng tôi đi tìm ai? Mặc kệ, nhà ngươi bóc thì chúng tôi cứ đưa đi gặp chúa thượng!

Thế là bọn người ấy chẳng cần tra xét rõ ràng làm gì, một mực kéo Bát Giới đi. Chú ngốc cứ đứng trơ trơ như mọc rễ, gần chục người lôi cũng chẳng nổi.

Bát Giới nói:

– Các người chẳng biết cao thấp gì cả, cứ lôi giật tôi, tính ngốc tôi nổi lên, thì chớ có trách!

Một lúc sau, ầm ĩ cả phố, mọi người xúm đông quanh Bát
Giới. Hai viên quan thái giám có tuổi trong số đó, hỏi:

– Người tướng mạo kỳ lạ, tiếng nói cũng khác, vậy ở đâu tới đây mà bướng bỉnh thế?

– Chúng tôi ở phương Đông, được nhà vua sai sang phương
Tây lấy kinh. Sư phụ tôi là pháp sư, ngự đệ của vua Đường vừa
mới vào triều đổi điệp văn. Tôi và sư huynh tôi ra phố mua ít thức nấu, thấy bên lầu đông người, tôi chẳng dám đi. Sư huynh tôi bảo tôi đứng ở đây đợi. Chắc anh ấy thấy tờ bảng văn, biến ra trận gió bóc lấy đem giấu trộm vào bụng tôi, rồi bỏ đi đấy mà.

Viên thái giám nói:

– Lúc nãy tôi thấy một vị hòa thượng béo tốt, trắng trẻo, đi thẳng vào triều đình, hẳn đó là sư phụ ngươi chắc?

Bát Giới nói:

– Chính phải! Chính phải! Viên thái giám hỏi:
– Sư huynh ngươi đi đâu rồi? Bát Giới đáp:
– Đoàn chúng tôi gồm bốn người. Sư phụ tôi đi đổi điệp văn. Ba chúng tôi mang cả hành lý, dắt cả ngựa vào nghỉ trong quán Hội Đồng. Chắc sư huynh tôi trêu tôi, về quán trước rồi.

Viên thái giám nói:

– Quan hiệu úy đừng kéo ngài ấy nữa. Chúng ta về cả quán là biết đầu mối ngay.
Bát Giới nói: [283]
– Hai bà

này biết việc đấy!

Mấy viên hiệu úy nói:

– Vị hòa thượng này chẳng biết quái gì! Tại sao dám gọi mấy ông đây là bà hử?

Bát Giới cười, nói:

– Không biết xấu hỏ! Làm trái cả cái đạo âm dương! Hai mẹ già ấy của các ông không gọi là bà, là mụ thì gọi là ông chắc?
Mọi người nói:
– Đừng bẻm mép nữa! Mau đi tìm sư huynh cho được việc! Người ngoài phố lúc ấy có tới ba, bốn trăm người ồn ào ầm ĩ
kéo cả đến cửa quán.

Bát Giới nói:

– Các ngài đứng cả ở đây. Sư huynh tôi không dể cho các người mặc sức đùa cợt đâu. Sư huynh tôi là người lạnh lùng cứng cỏi. Các ngày thấy anh ấy là phải sụp lạy và gọi là “Tôn lão gia” anh ấy sẽ đối xử tử tế. Nếu không, anh ấy trở mặt, là hỏng hết việc.

Mấy viên thái giám, hiệu úy đều nói:

– Nếu sư huynh ngươi quả có tài cao, chữa khỏi cho quốc vương, được chia một nửa giang sơn, chúng tôi còn phải chắp tay sụp lạy ấy chứ!

Đám người đi theo đứng cả bên ngoài bàn tán ầm ĩ. Bát Giới dẫn mấy viên thái giám, hiệu úy vào thẳng trong quán, thấy Hành Giả đang kể chuyện bóc tờ bảng cho Sa Tăng nghe, cả hai cười nói ầm ĩ trong phòng khách. Bát Giới xộc vào túm lấy Hành Giả, quát tháo:

– Sư huynh thật không ra cái giống người! Lừa em đi mua miến, mua bánh cho ăn, toàn là hão cả! Lại còn nổi trận cuồng phong, bóc tờ bảng văn nào đó giấu trộm vào bụng em, bắt em giơ đầu chịu bảng, thế có đáng anh em không?

Hành Giả cười, nói:

– Cái đồ ngốc nhà chú! Chú đi lạc đường ra tới phố nào, ta qua bên lầu trống, mua ít thức nấu, quay về ngay tìm chú chẳng thấy, ta đành về trước, có bóc bảng văn nào đâu?

Bát Giới nói:
– Hiện có các quan coi bảng đến cả đây.

Chưa dứt lời đã thấy mấy viên thái giám, hiệu úy bước tới cúi chào, nói:

– Thưa ngài Tôn lão gia, hôm nay quốc vương tôi có duyên, trời sai lão gia hạ giáng, chắc hẳn ngài sẽ trổ tài kinh luân, ra tay tế độ chữa cho quốc vương tôi khỏi bệnh. Và rồi sẽ được hưởng một nửa sơn hà xã tắc.

Hành Giả nghe xong, nghiêm sắc mặt, cầm tờ bảng văn trong tay Bát Giới, hỏi mọi người:

– Các ngài là quan coi bảng à? Viên thái giám dập đầu thưa:
– Kẻ nô tỳ này là nội thần của Ty lễ giám. Còn mấy vị đây là quan Cẩm y hiệu úy ạ.

Hành Giả nói:

– Bảng chiêu y này chính tôi đã bóc, và sai sư đệ tôi đây dẫn các ngài đến. Nhà vua các ngài đã mắc bệnh. Thường có câu: “Thuốc không bán rẻ, ốm phải cầu thầy”. Các ngài về nói với vị quốc vương ấy phải tự thân đến mời ta, ta đến sờ tay là bệnh khắc khỏi.

Mấy viên thái giám nghe vậy, ai nấy kinh hãi. Quan hiệu úy noi:

– Ngài đã nói ra những lời đại ngôn, tất có đại tài. Chúng ta để một nửa ở đây còn phân một nửa về triều tâu rõ.

Cả bọn bèn chia ra bốn viên thái giám, bốn viên hiệu úy, chẳng đợi tuyên chiếu, vào thẳng trong triều, đến bên thềm tâu:

– Chúa công có muôn nghìn việc đáng mừng ạ!

Quốc vương lúc ấy đã cùng Tam Tạng ăn cơm xong, đang ngồi chuyện phiếm, chợt nghe lời tâu như vậy, bèn hỏi:
– Việc đáng mừng gì? Quan thái giám thưa:
– Bọn nô tỳ chúng tôi sáng nay lĩnh bảng chiêu y, treo dưới lầu trống, bỗng có vị thánh thăng từ nước Đại Đường bên phương Đông xa xôi đi lấy kinh tên là Tôn trưởng lão đã bóc tờ bảng văn ấy. Vị thánh tăng này hiện đang ở quán Hội Đồng, muốn bệ hạ tự thân tới mời. Ngài ấy có tài sờ tay là bệnh khỏi, nên chúng tôi vào tâu để bệ hạ rõ.

Quốc vương nghe xong, trong lòng mừng rỡ, quay sang hỏi
Đường Tăng:

– Pháp sư có mấy đồ đệ? Tam Tạng chắp tay thưa:
– Bần tăng có ba đồ đệ. Quốc vương hỏi:
– Vị đồ đệ nào giỏi chữa bệnh? Tam Tạng thưa:
– Thực chẳng giấu bệ hạ, mấy đồ đệ của thần là hạng tài mọn nơi sơn dã, chỉ biết gánh đồ dắt ngựa vượt suối qua khe, đưa bần tăng trèo đèo lội suối hoặc giả gặp nơi hiểm trở chỉ có thể bắt quái hàng yêu, hàng long phục hổ mà thôi. Chứ có ai biết thuốc men gì đâu.

Quốc vương nói:

– Pháp sư hà tất quá khiêm tốn. Trẫm hôm nay ngự triều, may gặp pháp sư, thật là duyên trời đó. Đồ đệ nếu không biết thuốc, đâu dám bóc bảng văn của trẫm? Lại bắt trẫm tự thân đi mời, hẳn có tài thánh đấy.

Bèn truyền lệnh:

– Hỡi văn võ bá quan, trẫm mình gầy sức yếu chẳng dám ngồi
xe. Các khanh hãy thay trẫm ra ngoài triều, ân cần mời Tôn trưởng lão đến thăm bệnh cho trẫm. Các khanh gặp ngài ấy, chớ có khinh nhờn, phải gọi là “thần tăng Tôn trưởng lão”, lấy lễ quân thần mà đón tiếp!

Các quan vâng mệnh, lập tức cùng mấy viên quan thái giám, hiệu úy đi thẳng tới quán Hội Đồng đứng sắp hàng sụp lạy. Bát Giới sợ hãi lẩn vào phòng trong, Sa Tăng núp dưới chân tường. Riêng Đại Thánh thấy vậy vẫn ngồi chễm chệ giữa nhà chẳng hề nhúc nhích. Bát Giới trong bụng oán trách, nói:

– Con khỉ già láu cá đáng chết kia! Bao nhiêu là quan viên đến sụp lạy mà làm sao không thèm đứng dậy thi lễ, cứ ngồi ì ra thế kia!

Lát sau, các quan lạy xong, chia ban đứng tâu:

– Thưa thần tăng Tôn trưởng lão, chúng tôi đều là bề tôi của nhà vua nước Chu Tử, nay vâng lệnh của nhà vua lấy lễ vua tôi mời thần tăng vào triều thăm bệnh.

Hành Giả lúc ấy mới đứng dậy hỏi mọi người:

– Nhà vua các người làm sao không tới? Các quan kính cẩn thưa:
– Nhà vua chúng tôi mình gầy sức yếu, không dám ngồi xe, lệnh cho chúng tôi lấy lễ vua tôi, thay mặt nhà vua đến mời thần tăng.

Hành Giả nói:

– Đã vậy các ngài cứ về trước, tôi sẽ vào sau ngay.

Các quan theo thứ tự ra về. Hành Giả cũng đứng dậy sửa lại áo xống.

Bát Giới nói:

– Sư huynh chớ có kéo chúng em đi đấy nhé!
Hành Giả nói:

– Tôi không lôi các chú đi đâu, chỉ cần hai chú thu nhận thuốc cho tôi là được.

Sa Tăng hỏi:

– Thu nhận thuốc gì? Hành Giả đáp:
– Phàm có người đưa thuốc tới cho tôi, các chú cứ theo số thu lấy, để tôi về lấy dùng.

Hai người vâng lời. Chuyện không nói nữa.

Hành Giả bèn đi theo các quan. Một lát sau đã tới nơi. Các quan vào trước, tâu với quốc vương. Bấy giờ rèm ngọc treo cao, quốc vương hé đôi mắt phượng mở miệng rồng hỏi lời vàng ngọc:

– Vị nào là thần tăng Tôn trưởng lão?

Hành Giả bước tới một bước, cất cao tiếng đáp:

– Lão Tôn đây.

Quốc vương nghe thấy giọng nói hung hãn, lại thấy mặt mũi xấu xí, thì sợ quá run lẩy bẩy ngã nhào xuống. Bọn nữ quan, hoạn quan sợ quá, vội vàng vực nhà vua vào nội cung.

Quốc vương nói:

– Trẫm sợ chết khiếp!

Các quan ai nấy oán trách Hành Giả, nói:

– Hòa thượng này quê mùa thô lỗ quá! Thế mà tại sao lại cả gan bóc tờ bảng văn?

Hành Giả nghe xong, cười nói:

– Các ngài đừng vội trách tôi. Cứ cái thói khinh người như thế, thì bệnh tật của quốc vương các ngài đến nghìn năm cũng
chẳng khỏi!

Các quan nói:

– Đời người ta sống được bao lâu mà nghìn năm cũng chẳng khỏi?

Hành Giả nói:

– Nhà vua bây giờ sống là một ông vua ốm, chết vẫn là một con ma ốm, chuyển sinh kiếp khác vẫn là một người ốm, thế không phải một nghìn năm cũng chẳng khỏi à?

Các quan tức giận, nói:

– Hòa thượng này thật vô lễ! Mở mồm ra toàn nói nhảm nhí! Hành Giả cười, nói:
– Không nhảm nhí đâu. Các ngài nghe tôi nói đây:

Y môn lý pháp cực huyền,

Trong lòng cốt phải cần chuyên mới thành.

Vọng, văn, vấn, thiết rành rành, Thiếu một điều ấy chẳng thành y khoa. Một là thần sắc xem qua,
Nhuận khô, gầy béo nhận ra tỏ tường.

Hai nghe giọng nói trong, khàn,

Lời chân chất hoặc ngông cuồng biết ngay.

Ba hỏi bệnh đã mấy ngày, Uống ăn, đái, ỉa bấy nay thế nào? Bốn bắt mạch biết thấp cao,
Phù trầm, biểu lý loại nào rõ ngay.

Vọng, văn, vấn, thiết không hay,
Mệnh này đừng tưởng có ngày được yên.

Trong số hai ban văn võ có cả quan ở Thái y viện. Quan thái y nghe nói như vậy, bèn tỏ ý khen ngợi nói với mọi người:

– Vị hòa thượng này nói có lý lắm! Ngay bậc thần tiên xem bệnh cũng phải vọng, văn, vấn, thiết, kết hợp với công dụng xảo diệu của các bậc thần thánh.

Các quan nghe vậy, bèn sai quan cận thị vào tâu rằng:

– Trưởng lão muốn dùng các phép vọng, văn, vấn, thiết. Có thể mời xem bệnh bốc thuốc được.

Quốc vương nằm trên long sàng, luôn miệng nói:

– Bảo ông ấy đi thôi! Trẫm không dám nhìn mặt người lạ đâu! Quan cận thị bước ra, nói:
– Hòa thượng kia, đức vua ta ra lệnh mời ngài đi ngay. Người không dám nhìn mặt người lạ.

Hành Giả nói:

– Nếu không nhìn được mặt người lạ, thì tôi đã có cách “treo sợi tơ bắt mạch”.

Các quan mừng thầm, nói:

– “Treo sợi tơ bắt mạch”, chúng tôi đã từng được nghe, nhưng mắt chưa được thấy. Để chúng tôi vào tâu lại xem sao.

Viên quan cận thị lại vào cung tâu:

– Thưa chúa công, Tôn trưởng lão không cần nhìn mặt chúa công, ngài ấy có phép “treo sợi tơ bắt mạch”.

Quốc vương trong bụng mừng thầm, nói:

– Quả nhân mắc bệnh đã ba năm, chưa từng thử cách đó. Cho mời ngài ấy vào.

Quan cận thị vội vàng quay ra, nói:
– Chúa công đã bằng lòng mời ngài vào “treo sợi tơ bắt mạch”, mời Tôn trưởng lão vào cung xem bệnh.

Hành Giả bèn bước vào bảo điện. Đường Tăng bước ra đón, mắng luôn:

– Con khỉ khốn khiếp kia làm hại ta rồi! Hành Giả cười, nói:
– Sư phụ rõ khéo! Con làm vinh hạnh cho sư phụ thế mà sư phụ lại bảo con làm hại?

Tam Tạng quát lớn:

– Nhà ngươi đi theo ta mấy năm, nào có thấy nhà ngươi chữa chạy cho ai đâu. Thuốc men không biết, sách thuốc không hay, tại sao dám to gan rước lấy tai họa?

Hành Giả cười, nói:

– Sư phụ chẳng hiểu quái gì cả. Con có mấy bài thuốc lá chữa khỏi những bệnh nặng: chữa khỏi cho ông ấy thì hay, mà có chết cũng chỉ mang tội lang băm giết người, không đến nỗi bị tội chết, sư phụ sợ quái gì! Đừng lo, đừng lo, sư phụ cứ ngồi đây xem con bắt mạch đã.

Tam Tạng lại nói:

– Con có đọc Tô Vấn, Nạn Kinh, Bản Thảo, Mạch Quyết bao giờ đâu. Chương cú thế nào, chú giải ra sao, con đâu có biết, mà dám nói lăng nhăng biết cả “treo sợi tơ bắt mạch”?

Hành Giả cười, nói:

– Con có sợi kim tuyến trong mình, sư phụ chưa được trông thấy bao giờ.

Bèn thò tay xuống dưới nhổ ba sợi long đuôi, tay vê vê, miệng hô “biến”, liền biến thành ba sợi tơ, mỗi sợi dài hai trượng bốn thước, theo hai mươi tư khí, cầm trong tay, nói với
Đường Tăng:

– Kim tuyến của con đây này.

Đám hoạn quan và quan cận thị đứng bên cạnh nói:
– Xin trưởng lão dừng câu chuyện để vào cung xem bệnh đã. Hành Giả bèn tạm rời Đường Tăng, theo quan cận thị vào
cung xem bệnh.

Thật đúng là:

Bụng sẵn bí phương tài chữa trị, Trong tàng diệu quyết giỏi trường sinh.
Cuối cùng, chuyến đi này không biết Hành Giả tìm ra bệnh gì, chữa bằng thuốc gì, xem hồi sau sẽ rõ.
----------------------------
[282] Nguyên văn: Chuông hiện có chẳng đánh, lại đánh chuông đang đúc.
[283] Quan thái giám còn gọi là hoạn quan, bị thiến mất dương vât, nên Bát Giới gọi là bà.