Tắm bụi rửa thân lên quét tháp
Bắt ma về chủ ấy tu thân
Suốt mười hai giờ quên chẳng đặng Trăm nghìn trở ngại vượt nên công Năm năm mười vạn tám nghìn lượt Chớ để ngưng nước thần
Chớ để buồn lửa đỏ
Thủy hòa điều hòa không tổn phá Ngũ hành liên lạc tựa móc câu Âm dương hòa hợp trên lầu cao Cưỡi hạc đến Doanh Châu
Cưỡi loan lên phủ tía
Bài từ này tên gọi Lâm giang tiên, nói về chuyện bốn thầy trò
Đường Tam Tạng sau khi thủy hỏa đã vượt, bản tính thanh lương. Thầy trò sau khi mượn được quạt báu thuần âm, quạt tắt được ngọn lửa dữ ở núi xa, rồi đi không đầy một ngày, vượt qua tám trăm dặm đường, ung dung thảnh thơi nhằm hướng Tây tiến bước, vừa vặn gặp tiết cuối thu, đầu đông. Chỉ thấy:
Cúc dại hoa vàng rụng Mai sớm nụ đâm bông Nơi nơi thu thóc lúa
Chốn chốn canh thơm nồng
Rừng già cây đổ non xa hiện
Khe lượn mù sương nước cuộn vòng
Lạnh lẽo côn trùng chui kén ngủ
Âm dương thuần, tháng Thuấn mát trong Đức thủy thịnh, ngày Nghiêu bừng sáng Khí đất giáng xuống, khí trời xông
Cầu vồng bóng chẳng hiện
Ao hồ nước giá đông
Sườn non mây quấn hoa tàn lụi
Tùng trúc càng xanh tiết lạnh lùng
Bốn thầy trò đi được một hồi lâu, chợt thấy một tòa thành trì hiện ra gần trước mặt. Đường Tăng ghìm cương nói với đồ đệ:
– Ngộ Không này, con xem đám lầu các thấp thoáng nguy nga ở phía kia là nơi nào thế nhỉ?
Hành Giả ngẩng đầu quan sát, thì ra là một tòa thành trì. Thật
là:
Hình thế dáng rồng cuộn Thành vàng thế hổ ngồi Bốn mặt lọng báu rủ Phẳng phiu đẹp núi đồi
Cầu cuốn đá hoa hình thú lạ Điện dát vàng ròng ánh sáng soi Khác nào chốn thần tiên họp mặt Kinh đô vạn dặm đế vương ngồi Man di thần phục ơn vua khắp
Sông núi chầu về thánh hội vui Thềm son sạch bóng Đường phố tuyệt vời
Quán rượu ngân nga tiếng nhạc
Lầu hoa giòn giã giọng cười Bên cung Vị Ương cây thấm mãi Phượng kêu lanh lảnh ánh hồng soi
Hành Giả nói:
– Sư phụ ạ, tòa thành ấy chắc là nơi đế đô của một nước nào đó.
Bát Giới cười nói:
– Trong thiên hạ thì phủ có phủ lỵ, huyện có huyện thành, tại sao lại cho là nơi đế đô?
Hành Giả nói:
– Chú em cóc biết gì hết. Nơi ở của đế vương phải khác xa phủ huyện chứ. Chú em nhìn kìa, bốn mặt có mười mấy tòa cổng, chu vi tới hơn một trăm dặm, lâu đài cao ngất, mây mù bao quanh, nếu không phải là nơi kinh đô của một nước thì làm gì lại tráng lệ đến thế!
Sa Tăng nói:
– Sư huynh mắt tinh, tuy biết đó là nơi ở của đế vương, nhưng gọi là gì mới được chứ?
Hành Giả nói:
– Không có cờ quạt bài biển, thì làm sao biết được? Phải vào trong thành hỏi thăm mới biết chứ.
Tam Tạng quất ngựa, một lát đã tới cổng thành, bèn xuống ngựa, bước qua cầu tới bên cổng ngắm nghía, thấy phố xá chợ
búa buôn bán sầm uất, người dân quần áo sang trọng, có vẻ phong nhã hào hoa. Đang đi, bỗng thấy một đoàn mười mấy vị hòa thượng, người nào người nấy mang xiềng đeo gông, đi ăn xin dọc từng nhà, coi thực vô cùng lam lũ khổ sở. Tam Tạng than khẽ:
– Một con ngựa đau cả tàu chê cỏ[263]
Bèn gọi:
– Ngộ không, con lên hỏi họ một lời; rằng vì sao họ lại bị tội cực khổ đến thế?
Hành Giả vâng lời, bèn gọi:
– Này, những hòa thượng kia, các ngài tu ở chùa nào? Vì sao lại mang xiềng đeo gông như vậy?
Các nhà sư quỳ xuống thưa:
– Thưa ngài, chúng tôi là những hòa thượng bị oan ở chùa
Kim Quang.
Hành Giả hỏi:
– Chùa Kim Quang ở đâu? Các nhà sư đáp:
– Đi qua góc phố này là tới.
Hành Giả dẫn họ đến trước mặt Đường Tăng rồi hỏi:
– Cớ sao bị oan, nói ra ta nghe xem. Các nhà sư thưa:
– Thưa ngài, chẳng biết các ngài ở đâu tới, nhưng chúng tôi trông quen quen, không dám thưa chuyện ở đây, mời các ngài quá bộ đến hoang sơn, chúng tôi xin bày tỏ hết nỗi khổ.
Tam Tạng nói:
– Cũng được. Chúng ta tạm đến chùa đó hỏi kỹ duyên do.
Cả bọn kéo đến cổng ngôi chùa núi. Ngoài cổng treo bức
hoành đề bảy chữ vàng “Sắc kiến hộ quốc Kim Quang tự”[264]
Thầy trò bước vào cửa ngắm nghía. Chỉ thấy: Điện cổ đèn hương lạnh Sân quang lá rụng bay Tháp cao chọc trời mây Mấy gốc tùng sừng sững Khách vắng hoa ngàn rụng Hành lang nhện chăng tơ
Lầu chuông trống chỏng chơ Tượng phật bụi trần phủ Tòa vắng sư đâu cả
Chùa hoang chim đậu đầy Cảnh vật thê lương thay Thật vô cùng u tịch
Lư hương trước đài lạnh
Lặng không hương khói bay
Tam Tạng trong lòng chua xót, không ngăn được hai hàng nước mắt chứa chan. Các nhà sư đeo gông xiềng, mở cửa chính điện, mời trưởng lão lên điện lễ phật. Tam Tạng bước vào điện đàng hoàng, lạy ba lạy, đoạn chuyển bước về phía sau, lại thấy sáu bảy chú tiểu, hòa thượng bị trói ở cột phương trượng, lòng không nỡ nhìn. Tam Tạng bước vào phương trượng, các nhà sư đều dập đầu hỏi:
– Các ngài tướng mạo chẳng ai giống ai, có phải từ nước Đại
Đường bên phương Đông tới không ạ?
Hành Giả cười nói:
– Hòa thượng này biết cách bói tiên tri chăng? Chúng tôi đúng là như vậy, tại sao ngài biết?
Các nhà sư thưa:
– Thưa ngài, chúng tôi đâu có biết cách bói tiên tri, chỉ vì nỗi đau khổ bị oan uổng, chẳng có chỗ tỏ bày, ngày đêm chỉ biết cầu trời khấn đất, chắc là động đến thiên thần, nên đêm hôm qua, chúng tôi ai nấy đều nằm mộng được biết rằng có một vị thánh tăng nước Đại Đường bên phương Đông, cứu thoát được tính mạng cho chúng tôi, ngõ hầu nỗi oan này mới tỏ được. Hôm nay gặp ngài kỳ hình dị dạng thế này nên nhận ra ngay.
Tam Tạng nghe xong mừng lắm hỏi:
– Nơi các ngài đây là địa phương nào? Các ngài oan khuất ra sao?
Các nhà sư quỳ xuống thưa:
– Thưa ngài, thành này tên gọi nước Tế Trại, là nơi đường chính sang phương Tây. Trước đây có bốn nước rợ triều cống. Phía nam nước Nguyệt Đài, phía bắc: nước Cao Xương, phía đông: nước Tây Lương, phía tây: nước Bản Bát. Hàng năm, các nước ấy tiến cống ngọc ngà châu báu, gái đẹp, ngựa hay. Nước chúng tôi đây chẳng động can qua, chẳng đi chinh phạt, những nước ấy tự nhiên tôn chúng tôi lên làm thượng bang.
Tam Tạng nói:
– Đã tôn làm thượng bang, đất nước các ngài nhà vua phải có đạo, văn võ phải hiền lương.
Các nhà sư nói:
– Thưa ngài, văn cũng chẳng hiền, võ cũng chẳng lương, nhà
vua cũng chẳng có đạo. Chùa Kim Quang chúng tôi trước đây trên ngọn bảo tháp có mây lành quấn quýt, khí đẹp dâng dâng, ban đêm ráng đẹp phóng hào quang, ngoài vạn dặm cũng có người trông thấy. Ban ngày khí lành tỏa rực rỡ, những nước ở xung quanh đều thấy tỏ tường. Vì thế đây là nơi thiên phủ thần kinh, bốn phương triều cống. Thế rồi, ba năm trước đây, vào lúc giờ Tý nửa đêm, ngày một tháng bảy, mùa thu, một trận mưa máu trút xuống. Sáng ra, nhà nhà sợ hãi, người người buồn lo. Các quan công khanh tâu lên quốc vương, rằng không biết trời khiển trách việc gì, bèn sai đi mời đạo sĩ cúng giải, mời hòa thượng đọc kinh, cầu trời khấn đất. Có biết đâu là ngọn bảo tháp hoàng kim trong chùa chúng tôi vấy bẩn, nên hai năm nay nước ngoài không đến triều cống nữa. Nhà vua chúng tôi định đi đánh dẹp, các quan can rằng do nhà sư trong chùa ăn trộm bảo bối trên tháp, vì vậy mây lành ráng đẹp biến mất, nước ngoài không triều cống. Hôn quân chẳng xét lý lẽ. Bọn tham quan ấy bèn bắt chúng tôi đi, tra khảo đủ cách, hạch sách đủ điều. Lúc ấy trong số chúng tôi có ba hạng hòa thượng: hai hạng trước không chịu nổi tra tấn đánh đập nên chết cả. Nay lại bắt đến bọn chúng tôi tra khảo xiềng xích. Có các ngài là bề trên, chúng tôi đâu dám dối trá, chúng tôi không lấy trộm bảo bối trên tháp. Muôn xin các ngài rủ lòng thương, người ba đấng của ba loài, mở lòng đại từ đại bi, thi thố pháp lực, cứu tính mạng cho chúng tôi với.
Tam Tạng nghe xong, gật đầu than thở:
– Sự việc này tối tăm ám muội lắm! Một là triều đình thiếu sót, hai là các vị gặp tai. Trời đã mưa ra máu, tháp đã vấy bẩn như vậy, lúc ấy sao không viết sớ tâu vua ngay, để đến nỗi chịu khổ thế này?
Các nhà sư nói:
– Thưa ngài, chúng tôi người phàm đâu có biết ý trời, vả lại những bậc tiền bối còn chưa làm nổi, bọn tôi còn làm được cái
gì!
Tam Tạng hỏi:
– Ngộ Không! Bây giờ là giờ gì? Hành Giả đáp:
– Khoảng giờ Thân. Tam Tạng nói:
– Ta muốn yết kiến nhà vua đổi điệp văn, hiềm nỗi gặp sự việc của các nhà sư đây, thật khó tâu bày với nhà vua quá. Trước đây khi ta rời khỏi Tràng An, ta có phát nguyện ở chùa Pháp Môn rằng: “Trên đường sang Tây phương, thấy miếu thắp hương, gặp chùa lễ Phật, gặp tháp quét tháp”. Nay tới đây, biết chuyện các nhà sư mắc oan, liên lụy tới bảo tháp. Vậy con hãy đi tìm cho ta một cái chổi đót mới, ta tắm rửa chay giới, rồi lên tháp quét dọn, xem việc ô uế này thế nào, không phóng hào quang là vì sao, hỏi rõ đầu đuôi, lúc ấy mới gặp nhà vua thưa rõ chuyện, giải thoát tai nạn cho các nhà sư ở đây được.
Mấy hòa thượng mang xiềng gông nghe nói như vậy, vội vàng xuống bếp mang con dao phay lên đưa cho Bát Giới, nói:
– Ngài làm ơn lấy con dao này chặt đứt khóa sắt thả mấy chú tiểu, hòa thượng kia ra, để bảo họ đi nấu cơm đun nước, hầu hạ trưởng lão xơi cơm, tắm gội. Chúng tôi ra phố mua cây chổi đót mới để dâng trưởng lão quét tháp.
Bát Giới cười nói:
– Mở khóa thì khó gì, chẳng cần dao búa. Để ta bảo cái ông mặt đầy lông lá kia. Ông ấy là một tay mở khóa cừ khôi đấy.
Hành Giả bèn bước tới gần, dùng phép mở khóa, lấy tay vuốt một cái, mấy cái khóa rụng rời hết. Mấy chú tiểu chạy ngay vào trong bếp, bắc bếp, cọ nồi, sửa soạn cơm nước. Thầy trò Tam Tạng ăn cơm xong, trời đã chạng vạng tối, thấy đám hòa thượng
đeo gông mang hai cái chổi về. Tam Tạng mừng lắm. Đang trò chuyện, một chú tiểu mang đèn lên mời trưởng lão đi tắm. Lúc ấy, bầu trời trăng sao vằng vặc, trống canh đã điểm trên lầu. Chính lúc ấy:
Bốn vách gió lùa lạnh. Nhà nhà ánh đèn soi.
Phố phường cửa đóng chặt, Chợ búa cũng im hơi. Thuyền câu ghé bến nghỉ. Thợ cày về thôn rồi.
Tiều phu ngưng rìu búa. Tiếng trẻ học vang vui.
Tam Tạng tắm rửa xong, mặc chiếc áo ngắn tay, thắt chiếc hầu bao to, chân đi đôi hài nhẹ, tay cầm chiếc chổi đốt mới, nói với các nhà sư:
– Các ngài cứ nghỉ đi, để ta quét tháp. Hành Giả nói:
– Ngọn tháp đã bị trận mưa máu làm ô uế, lại lâu ngày tháp không phát sáng, sợ có thủ độc, đêm khuya gió rét chẳng ai đi cùng, e lỡ có xảy ra điềm gì chăng? Lão Tôn cùng lên với sư phụ được không?
Tam Tạng nói:
– Càng tốt! Càng tốt!
Đoạn hai người, mỗi người cầm một cái chổi, bước vào điện lớn, châm cây đèn bằng lưu ly, thắp hương khấn trước đài thờ phật:
– Đệ tử là Trần Huyền Trang vâng lệnh vua Đường sang Linh
Sơn bái đức Phật Như Lai cầu kinh, hôm nay đến chùa Kim Quang nước Tế Trại, được các nhà sư trong chùa cho biết tháp báu bị ô uế, quốc vương nghi ngờ các sư lấy trộm bảo bối chịu tội oan ức, đen trắng khó phân. Đệ tử lòng thành quét tháp. Mong đức Phật uy linh, sớm cho biết nguyên nhân tháp bẩn, để bọn người phàm giải trừ oan khuất.
Khấn xong cùng Hành Giả mở cửa tháp, quét từ tầng thấp lên tầng cao. Thấy ngọn tháp ấy thực là:
Cao vút lưng trời thẳm Sừng sững giữa tầng không Tháp lưu li ngũ sắc
Ngọn xá lị vàng ròng Thang cuốn như chui hố Sổ lỏng cửa mở tung
Bình báu soi bóng nguyệt Mõ vàng rộn gió rung Sao rọi bên cửa sáng
Đỉnh thẳm mây uốn vòng Đá đẽo xen hoa phượng Quanh tháp cuộn bóng rồng Nhìn tít xa ngàn dặm
Lên cao giữa chín tầng Đèn lưu li trong tháp Lửa tắt bụi bay nồng Bước bước lan can ngọc Rác rưởi phủ điệp trùng
Lòng tháp trước tòa Phật Hương khói vắng lạnh lùng Trước mặt thần bên cửa
Tơ nhện chăng mịt mùng Trong lò toàn cứt chuột Dưới đĩa vệt dầu loang Chỉ tại đồ thờ quý bị mất Đổ riệt cho sư thật ức oan
Tam Tạng lòng thành lên quét tháp
Vẻ xưa rực rỡ lại đường hoàng.
Đường Tăng cầm chổi quét hết tầng này đến tầng khác, cứ như thế quét đến tầng thứ bảy. Lúc ấy vào quãng canh hai, Tam Tạng có phần mỏi mệt.
Hành Giả nói:
– Sư phụ mệt thì ngồi nghỉ tạm một lúc, để lão Tôn quét thay cho.
Tam Tạng hỏi:
– Tháp này bao nhiêu tầng? Hành Giả đáp:
– Có lẽ đến mười ba tầng. Tam Tạng gượng sức nói:
– Phải quét hết mới thỏa bản nguyện.
Đoạn lại quét thêm ba tầng nữa, nhưng lưng đau chân mỏi mệt bèn ngồi bệt xuống tầng thứ mười nói:
– Ngộ Không, con quét sạch nốt ba tầng nữa cho ta nhé.
Hành Giả phấn chấn tinh thần, trèo lên tầng mười một rồi
thoắt lại tới tầng mười hai. Đang quét bỗng nghe thấy trên đỉnh tháp có tiếng người. Hành Giả nói:
– Quái lạ! Quái lạ! Mới khoảng canh ba, làm sao lại có tiếng người nói trên đỉnh tháp nhỉ? Hẳn là tà ma đó thôi. Để ta lên xem sao.
Đoạn Hầu Vương xắn gọn quần áo, cắp chổi chui ra ngoài cửa trước, nhảy lên mây xem xét, thấy hai yêu tinh đang ngồi trong tầng tháp thứ mười ba, một mâm cơm, một cái bát, một bầu rượu đặt trước mặt. Chúng vừa đùa thụi nhau vừa uống rượu. Hành Giả bèn trổ thần thông, vứt cây chổi, rút gậy sắt ra, đứng chặn trước cửa tháp, quát lớn:
– Bọn yêu quái kia, hóa ra kẻ ăn trộm bảo bối trên tháp là chúng mày!
Hai yêu quái hốt hoảng, vội vàng đứng dậy, cầm bầu rượu, bát đũa ném lung tung, bị Hành Giả cầm ngang cây gậy sắt ngăn
lại, nói:
– Nếu ta đánh chết các ngươi, thì lấy ai khai cung!
Bèn chỉ dùng cây gậy ép sát chúng vào tường, khiến chúng không sao giãy giụa cựa quậy được, chỉ há miệng kêu:
– Xin tha chết! Xin tha chết! Việc ấy không can gì đến chúng tôi. Người lấy bảo bối ở kia cơ ạ.
Hành Giả đang dùng phép bắt người, một tay túm cả hai đứa kéo xuống thẳng tầng tháp thứ mười báo với sư phụ:
– Thưa sư phụ, bắt được bọn trộm lấy bảo bối rồi ạ!
Tam Tạng đang ngủ gật, chợt nghe thấy thế, vừa mừng vừa sợ, hỏi:
– Bắt được ở đâu?
Hành Giả lôi yêu quái tới trước mặt, bắt quỳ xuống, nói:
– Chúng đang uống rượu, đùa nhau trên đỉnh tháp. Lão Tôn nghe thấy tiếng loáng thoáng, bèn nhảy vút lên mây, rồi hạ xuống đỉnh tháp bắt giữ chúng. Con vẫn chưa dùng sức, sợ phang một gậy chúng chết mất thì không có người lấy khẩu cung. Vì vậy con bèn nhẹ nhàng túm chúng mang về đây. Sư phụ nên lấy khẩu cung, xem chúng là yêu quái ở đâu, lấy trộm bảo bối giấu ở chỗ nào?
Hai yêu quái run cầm cập, nói:
– Xin tha chết!
Đoạn khai hết sự thực:
– Hai chúng tôi là người của Vạn Thánh Long Vương ở đầm Bích Ba, núi Loạn Thạch được sai đến tuần tháp. Tên này là Bôn Ba Nhi Bá, còn tôi là Bá Ba Nhi Bôn. Hắn là yêu quái cá trê, tôi là yêu tinh cá sộp. Vạn Thánh Long Vương tôi có sanh được một người con gái, tên gọi Vạn Thánh công chúa. Công
chúa mặt hoa da phấn, tài giỏi hơn người, kén được một vị phò mã tên gọi Cửu Đầu phò mã, thần thông quảng đại. Năm ngoái Long Vương tới đây, trổ pháp lực giáng xuống một trận mưa máu làm ô uế bảo tháp, lấy trộm báu vật nhà Phật là xá lị đặt ở trong tháp. Công chúa lại lên tầng trời Đại La, đến điện Linh Tiêu, lấy trộm chín lá cỏ Linh Chi chủa Vương Mẫu mang về trồng ở đáy đầm, nên ráng đẹp hào quang chiếu rọi suốt ngày đêm. Gần đây nghe nói có tên Tôn Ngộ Không sang phương Tây lấy kinh, tên ấy thần thông quảng đại, dọc đường chuyên trừng trị những kẻ bất nghĩa, cho nên Long Vương thường sai chúng tôi đến đây tuần tra. Nếu biết tin có tên Tôn Ngộ Không ấy tới thì chuẩn bị đối phó.
Hành Giả nghe xong, khì khì cười nhạt, nói:
– Đồ nghiệt súc vô lễ kia! Thảo nào tên đó hôm nọ mời Ngưu Ma Vương đến ăn tiệc! Thật là bọn ma quái cấu kết với nhau làm chuyện bất lương!
Vừa dứt lời đã thấy Bát Giới và ba chú tiểu xách hai cây đèn lồng từ chân tháp trèo lên, nói:
– Sư phụ quét xong tháp không xuống đi ngủ, còn ở đó chuyện trò gì thế?
Hành giả nói:
– Chú đến đúng lúc quá. Bảo bối trong tháp bị Vạn Thánh Long Vương lấy trộm. Nay hắn sai hai tên tiểu yêu này đến tuần tra ở tháp, thăm dò tin tức bọn ta, vừa bị tôi bắt sống đây.
Bát Giới hỏi:
– Chúng tên là gì? Thuộc loại yêu tinh nào? Hành Giả đáp:
– Chúng vừa khai xong, một tên là Bôn Ba Nhi Bá, một tên là
Bá Ba Nhi Bôn. Một là yêu quái cá trê, một là yêu tinh cá sộp.
Bát Giới giơ đinh ba lên, toan đánh, nói:
– Đã là yêu tinh, lấy khẩu cung rồi, không đánh chết để làm gì?
Hành Giả nói:
– Chú em không biết. Để cho chúng tạm sống còn vào ra mắt nhà vua, rồi sai chúng dẫn đường tìm kẻ trộm lấy lại bảo bối chứ.
Chú ngốc bèn thu cây đinh ba về, đoạn mỗi người túm một đứa, bước xuống tháp.
Hai yêu quái kêu van:
– Xin tha tội! Bát Giới nói:
– Đang cần mấy chú cá trê, cá sộp nấu nồi canh giấm cho những vị hòa thượng bị oan uổng ở đây ăn.
Mấy chú tiểu khoái trá cười hỉ hả, xách đèn lồng đưa trưởng lão xuống tháp. Một chú tiểu chạy trước báo với mọi người:
[265]
– Hay lắm! Hay lắm! Chúng ta được tỏ nỗi oan rồi
! Bọn
yêu quái ăn trộm bảo bối bị các ngài đây bắt sống giải về đây này!
Hành Giả nói:
– Mang dây sắt ra xuyên vào xương quai xanh, buộc chúng ở đây để mấy ngài trông coi. Bây giờ chúng tôi đi ngủ, sáng mai sẽ phân xử.
Đám hòa thượng coi giữ cẩn thận để thầy trò Tam Tạng đi ngủ.
Chẳng mấy chốc trời đã sáng, Tam Tạng nói:
– Ta và Ngộ Không vào triều đổi điệp văn nhé!
Đoạn mặc áo cà sa gấm, đội mũ tì lư, dáng điệu đường hoàng, rảo bước vào triều. Hành Giả cũng mặc một chiếc khăn da hổ với chiếc áo ngắn bằng vải bông, cầm tờ điệp văn cùng đi.
Bát Giới nói:
– Không mang hai thằng trộm đi theo à? Hành Giả nói:
– Để chúng tôi vào tâu qua đã, rồi nhà vua có lệnh sai người dẫn chúng đến.
Hai người bèn đi tới trước cửa triều môn, thấy lầu son cửa tía, sẻ đỏ rồng vàng, vô cùng lộng lẫy. Tam Tạng tới cửa Đông Hoa, vái chào quan Các môn đại sứ rồi nói:
– Phiền ngài vào chuyển tấu giùm, bần tăng ở nước Đại Đường bên phương Đông, vâng lệnh nhà vua đi lấy kinh, muốn vào yết kiến đức vua, xin đổi điệp văn.
Quân Hoàng môn đứng trước thềm tâu:
– Ngoài cửa có hai nhà sư quần áo hình dáng lạ lùng, nói là người nước Đại Đường bên phương Đông, thuộc Nam Thiệm Bộ Châu vâng lệnh nhà vua sang phương Tây bái phật cầu kinh, muốn vào chầu bệ hạ xin đổi điệp văn.
Quốc vương nghe xong truyền lệnh cho vào, Tam Tạng dẫn Hành Giả vào triều. Trăm quan văn võ nhìn thấy Hành Giả, ai cũng khiếp sợ. Người thì nói là hòa thượng khỉ, người thì nói là hòa thượng mõm thiên lôi, thấy đều sợ sệt, chẳng dám nhìn lâu. Tam Tạng làm lễ tung hô vạn tuế trước thềm. Đại Thánh khoanh tay cúi mình đứng bên cạnh chẳng hề nhúc nhích.
Tam Tạng tâu:
– Thần là nhà sư nước Đại Đường bên phương Đông, thuộc Nam Thiệm Bộ Châu, vâng lệnh nhà vua đến chùa Đại Lôi Âm, nước Thiên Trúc bên phương Tây bái Phật, cầu chân kinh. Dọc
đường qua xứ ta, không dám thiện tiện vượt qua, có điệp văn mang theo, xin bệ hạ xem xét rồi cho đi.
Quốc vương nghe xong mừng lắm, hạ lệnh đưa vị thánh tăng Đường triều lên điện Kim Loan, trải đệm gấm mời ngồi. Một mình Tam Tạng lên điện, dâng điệp văn lên, sau đó mới tạ ơn ngồi xuống.
Quốc vương cầm tờ điệp văn xem một lượt, trong lòng mừng rỡ nói:
– Cứ như vua nước Đại Đường có bệnh, cầu được cao tăng, chẳng ngại đường sá xa xôi, đi bái Phật cầu kinh, còn hòa thượng của quả nhân ở đây, chỉ chuyên nghề ăn trộm lừa vua hại nước mà thôi.
Tam Tạng nghe xong chắp tay hỏi:
– Tại sao lại lừa vua hại nước? Quốc vương nói:
– Nước của quả nhân liệt vào bậc thượng bang ở Tây vực, thường được các nước xung quanh triều cống. Chẳng là nước trẫm có chùa Kim Quang, trong chùa có một ngọn tháp báu bằng vàng, hào quang chiếu sáng rực trời. Gần đây bọn nhà sư trong chùa ăn trộm bảo bối trong tháp, ba năm nay tháp không phát sáng nữa. Và vì vậy ba năm nay nước ngoài cũng không tới triều cống. Quả nhân rất lấy làm căm giận.
Tam Tạng chắp tay cười, nói:
– Vạn tuế! Thật là “sai một ly đi một dặm”. Chiều qua, bần tăng tới quý quốc, vừa tới cửa thành gặp một đoàn hòa thượng mang xiềng đeo gông, có hỏi họ bị tội gì. Họ nói họ là những người bị oan khuất ở chùa Kim Quang. Chúng tôi bèn tới chùa tìm hiểu cặn kẽ, thấy việc ấy không can hệ gì tới các nhà sư trong chùa cả. Đêm ấy, bần tăng lên tháp quét dọn, đã bắt được
bọn yêu quái lấy trộm bảo bối rồi.
Quốc vương mừng lắm, hỏi:
– Bọn kẻ trộm ấy ở đâu? Tam Tạng thưa:
– Hiện bị đồ đệ của bần tăng giữ ở chùa Kim Quang.
Quốc vương lập tức giáng bài vàng: “Sai đội quân cẩm y vệ đến chùa Kim Quang giải bọn yêu quái kẻ trộm về, để đích thân quả nhân tra xét”. Tam Tạng lại tâu:
– Vạn tuế! Tuy có quân cẩm y, nhưng phải có đồ đệ của bần tăng đi cùng mới được.
Quốc vương hỏi:
– Đồ đệ của khanh đâu? Tam Tạng chỉ tay, nói:
– Người đứng ở bên thềm ngọc kia ạ. Quốc vương nhìn thấy cả sợ nói:
– Thánh tăng phong nhã thế này, mà đồ đệ lại xấu xí thế kia sao?
Tôn Đại Thánh nghe vậy lớn tiếng nói:
– Tâu bệ hạ, không nên “trông mặt mà bắt hình dong, nước biển chớ có lấy cong đo lường”. Nếu chỉ ưa người xinh đẹp thì làm sao bắt được yêu quái ăn trộm?
Quốc vương nghe xong, chuyển sợ thành vui, nói:
– Thánh tăng nói đúng lắm. Trẫm đây chẳng phải chọn nhân tài, chỉ cốt bắt được kẻ trộm, lấy lại được bảo bối về cho bảo tháp là được.
Đoạn sai quan Đương giá sắp xếp xe kiệu, cùng đội quân cẩm y đi theo thánh tăng giải yêu quái về. Quan Đương giá lập tức
sửa soạn một cỗ kiệu lớn, một cây lọng vàng, cẩm y vệ điểm quan hiệu úy, mời Hành Giả ngồi lên kiệu bát cống, tiền hô hậu ủng, đến thẳng chùa Kim Quang. Khắp thành biết tin, ai nấy kéo nhau đi xem thánh tăng và yêu quái đông như hội.
Bát Giới, Sa Tăng nghe thấy tiếng ồn ào, biết là Quốc vương sai người tới, vội vàng ra nghênh đón, thấy Hành Giả ngồi trên kiệu, chú ngốc cười ngất nói:
– Sư huynh vinh hạnh quá nhỉ!
Hành Giả xuống kiệu, kéo Bát Giới, hỏi:
– Tôi vinh hạnh cái gì? Bát Giới nói:
– Sư huynh đươc che lọng vàng, ngồi kiệu tám người khiêng, thật đáng mặt chức phận Hầu vương. Như thế không vinh hạnh là gì?
Hành Giả nói:
– Thôi đừng làm trò cười nữa.
Bèn cởi trói hai yêu quái, giải tới trình quốc vương. Sa Tăng nói:
– Sư huynh ơi, chúng em có được đi theo không? Hành Giả nói:
– Chú ở lại trông ngựa, hành lý: Các nhà sư mang gông nói:
– Các ngài cứ đi hưởng ơn vua cả đi, để chúng tôi ở đây trông giữ cho.
Hành Giả nói:
– Đã như vậy, chúng tôi vào tâu vua tha cho các ngài.
Bát Giới túm một tên yêu quái, Sa Tăng túm một tên. Tôn Đại
Thánh lại ngồi vào kiệu, dẹp đường mở lối, giải hai tên yêu quái vào triều.
Lát sau, đến trước thềm ngọc, Hành Giả tâu với quốc vương:
– Yêu quái ăn trộm đã bị giải về.
Quốc vương bước xuống ngai vàng, cùng Đường Tăng và các quan văn võ đưa mắt nhìn. Một tên mang cứng vẩy đen, mõm nhọn, răng sắc; một tên bụng ỏng, da trơn, mồm rộng, râu dài. Tuy chúng có chân đi được, nhưng cũng chỉ là giống hình người mà thôi. Quốc vương hỏi:
– Chúng bay là kẻ trộm ở đâu? Yêu tinh chốn nào? Vào nước ta đã mấy năm? Lấy trộm bảo bối của ta từ bao giờ? Cả bọn có bao nhiêu đứa? Họ tên là gì? Mau khai ra cho thực!
Hai yêu quái quỳ xuống, quanh cổ máu bê bết, mà vẫn không biết đau đớn. Chúng khai:
– Trước đây ba năm, vào ngày một tháng bảy, có người là Vạn Thánh Long Vương dẫn rất nhiều họ hàng thân thích đến cư trú ở phía đông nam bảo quốc, cách đây chừng một trăm dặm. Ấy là đầm Bích Ba, núi Loạn Thạch. Long vương sinh được một người con gái vô cùng xinh đẹp, và kén được một chàng rể tên là Cửu Đầu phò mã, quảng đại thần thông. Họ biết bảo tháp của bệ hạ có vật báu, bèn cùng với Long Vương tìm cách lấy trộm. Trước hết, giáng một trận mưa máu, sau sẽ lấy cắp xá lị. Hiện bây giờ bảo bối xá lị đang chiếu sáng rực rỡ long cung, đêm tối vẫn sáng tựa ban ngày. Công chúa lại trổ tài ngấm ngầm bí mật lên lấy cắp cỏ Linh Chi của Vương Mẫu mang về trồng làm báu vật ở trong đầm. Chúng tôi không phải là bọn thủ lĩnh, chỉ là tiểu tốt của Long Vương sai đến, bị bắt đêm qua. Chúng tôi khai thực đấy ạ.
Quốc vương hỏi:
– Đã khai cung tại sao lại không khai họ tên?
Yêu quái thưa:
– Tôi tên Bôn Ba Nhi Bá, tên này là Bá Ba Nhi Bôn. Bôn Ba
Nhi Bá là yêu quái cá trê, Bá Ba Nhi Bôn là yêu tinh cá sộp.
Quốc vương sai quân cẩm y giam giữ chúng cẩn thận, đoạn ra lệnh:
– Tha tội mang gông cho các nhà sư chùa Kim Quang. Truyền ngay cho quan Quang lộc tự đặt tiệc ở điện Kỳ Lân để trẫm thưởng công thánh tăng bắt trộm và nhờ thánh tăng đi bắt bọn đầu sỏ.
Quan Quang lộc tự lập tức sửa soạn hai loại tiệc chay, tiệc mặn. Quốc vương mời bốn thầy trò Đường Tăng lên điện Kỳ Lân ngồi và nói:
– Thánh tăng tôn hiệu là gì? Đường Tăng chắp tay thưa:
– Bần tăng vốn họ Trần, pháp danh là Huyền Trang, đội ơn nhà vua ban cho họ Đường, hiệu là Tam Tạng.
Quốc vương hỏi tiếp:
– Các đồ đệ của thánh tăng hiệu là gì? Tam Tạng đáp:
– Họ đều không có hiệu. Người thứ nhất là Tôn Ngộ Không, người thứ hai là Trư Ngộ Năng, người thứ ba là Sa Ngộ Tĩnh. Họ đều do đức Quan Thế Âm Bồ Tát ở Nam Hải đặt tên cho. Sau đó họ nhận bần tăng làm sư phụ, bần tăng đặt tên cho Ngộ Không là Hành Giả, Ngộ Năng là Bát Giới, Ngộ Tĩnh là Sa Hòa Thượng.
Quốc vương nghe xong, mời Tam Tạng ngồi ở trên, Tôn Hành Giả ngồi bên cạnh, chỗ hàng đầu bên trái; Bát Giới, Sa Tăng ngồi bên cạnh, chỗ hàng đầu bên phải. Các thức toàn là
món chay: hoa quả, rau dưa, trà thơm, cơm tẻ. Phía đằng trước là bàn tiệc mặn, có quốc vương ngồi trên; phía dưới là trăm bàn tiệc mặn nữa cho bá quan văn võ ngồi dự. Các quan tạ ơn vua, đồ đệ xin phép sư phụ rồi ngồi xuống. Quốc vương chuốc chén, Tam Tạng không dám uống rượu. Ba đồ đệ đều nhận chén rượu vào tiệc. Lại nghe thấy tiếng đàn sáo hòa nhau du dương. Đó là ty giáo phường tấu nhạc. Bát Giới mở to thực quản, ăn như rồng
[266]
cuốn, uống như rồng leo
. Chén sạch sẽ mọi thức hoa quả
rau dưa trên bàn tiệc. Một lát sau, cơm canh được mang lên thêm. Bát Giới cũng ăn nhẵn nhụi không còn một hột. Rượu hết tuần này đến tuần khác, Bát Giới cũng không từ chối một chén nào. Bữa tiệc vui vẻ kéo dài cho tới quá trưa mới dứt.
Tam Tạng cảm tạ nhà vua cho dự yến tiệc, quốc vương giữ lại, nói:
– Bữa tiệc này tạm gọi là buổi đầu ban thưởng công lao bắt yêu quái của thánh tăng.
Đoạn bảo với quan Quang lộc tự:
– Mau mau dọn tiệc sang cung Kiến Chương, để mời thánh tăng đến đó định mưu kế bắt bọn đầu sỏ, lấy lại bảo bối trả bảo tháp.
Tam Tạng nói:
– Nếu muốn bắt yêu quái lấy lại bảo bối, thì mong bệ hạ đừng phiền phức đặt tiệc nữa. Bần tăng xin từ biệt bệ hạ để đi bắt yêu quái đây.
Quốc vương không nghe, nhất định mời bằng được thầy trò đến cung Kiến Chương, dự một bữa tiệc nữa.
Quốc vương nâng chén rượu, hỏi:
– Vị thánh tăng nào dẫn tướng mang quân đi bắt yêu quái?
Tam tạng đáp:
– Sai đồ đệ cả là Tôn Ngộ Không đi.
Đại Thánh khoanh tay vâng lệnh. Quốc vương hỏi:
– Tôn trưởng lão đi thì cần bao nhiêu quân? Bao giờ rời khỏi thành?
Bát Giới không nhịn nổi, lớn tiếng quát:
– Dùng quân với lính làm gì! Mà cần quái gì giờ giấc! Nhân lúc này cơm lo rượu say, tôi cùng đi với sư huynh, ra tay bắt về luôn!
Tam Tạng mừng lắm, nói:
– Bát Giới dạo này siêng năng quá! Hành Giả nói:
– Đã vậy thì để Sa Tăng trông nom sư phụ, hai chúng con sẽ
đi.
Quốc vương nói:
– Hai vị trưởng lão không dùng quân lính thì cần binh khí gì? Bát Giới cười nói:
– Binh khí của bệ hạ, chúng tôi không dùng được. Anh em
chúng tôi đã có khí giới tùy thân rồi.
Quốc vương nghe nói, vội vàng rót chén rượu to tiễn Hành
Giả, Bát Giới lên đường.
Tôn Đại Thánh nói:
– Chúng tôi không uống rượu nữa, chỉ cần bệ hạ sai quân cẩm y giải hai tiểu yêu ra đây, để chúng tôi bắt chúng dẫn đường.
Quốc vương vừa hạ lệnh, hai tiểu yêu lập tức được dẫn ra. Hai người túm lấy hai tên tiểu yêu, cưỡi lên ngọn gió, sử phép nhiếp thân, đi thẳng về hướng đông nam. Chà! Thực là:
Vua tôi vừa thấy bay mây gió
Mới biết thầy trò bậc thánh tăng.
Cuối cùng chuyến đi này bắt quái như thế nào? Xem hồi sau sẽ rõ.
----------------------------------
[263] Nguyên văn: Con thỏ chết con cáo thương, vật cùng loài thì thương nhau.
[264] Chùa Kim Quang bảo hộ đất nước dựng theo sắc chỉ của nhà vua.
[265] Nguyên văn: Thấy trời xanh.
[266] Nguyên văn: như hổ nhai, sói nuốt.