Ma vương ngừng đánh đi dự tiệc rượu
Hành Giả lần hai mượn quạt ba tiêu
Thổ địa nói:
– Đại lực Vương tức là Ngưu Ma Vương đó. Hành Giả hỏi:
– Lửa ở núi này chính là do Ngưu Ma Vương phóng ra, rồi gọi
giả danh là Hỏa Diệm Sơn có phải không?
Thổ địa thưa:
– Không phải, không phải. Đại Thánh xá tội cho tiểu thần, thì thần mới dám nói.
Hành Giả nói:
– Nhà ngươi có tội gì, cứ nói thẳng ra không ngại gì cả. Thổ địa nói:
– Lửa ấy chính là do Đại Thánh gây ra đấy. Hành Giả tức giận, nói:
– Ta có ở đấy đâu mà nhà ngươi nói bậy như vậy? Ta mà lại là cái phường phóng hỏa à?
Thổ địa nói:
– Chính Đại Thánh cũng không nhận ra cả tôi đấy thôi. Vùng này vốn không có quả núi ấy, năm trăm năm về trước, hồi Đại Thánh đại náo thiên cung, bị Hiển Thánh bắt, mang giải tới chỗ Lão Quân. Lão Quân quẳng Đại Thánh vào lò bát quái nấu luyện. Luyện xong mở vạc ra, bị Đại Thánh đạp đổ cả lò luyện
đơn, mấy viên gạch có dính ít lửa bị rớt xuống và những tàn lửa ấy rơi xuống đây biến thành Hỏa Diệm Sơn. Còn tôi vốn là đạo nhân giữ lò ở cung Đâu Suất, bị Lão Quân trách tội không giữ nổi lò, bèn đẩy tôi xuống đây làm thổ địa núi Hỏa Diệm Sơn vậy.
Trư Bát Giới nghe xong tức giận, nói:
– Thảo nào nhà ngươi ăn mặc như vậy. Hóa ra là đạo sĩ biến thành thổ địa!
Hành Giả nửa tin, nửa ngờ, nói:
– Ngài vừa nói, tại sao phải tìm ngay Đại Lực Vương? Thổ địa nói:
– Đại Lực Vương là chồng bà La Sát. Lâu nay hắn bỏ mặc bà La Sát, hiện đang ở động Ma Vân, núi Tích Lôi. Núi ấy có Vạn Niên Hồ Vương. Hồ Vương chết đi, để lại một người con gái, tên gọi Ngọc Diện công chúa. Công chúa gia tư ức vạn không người quản lý. Hai năm trước đây, công chúa dò biết được Ngưu Ma Vương thần thông quảng đại, bèn tự nguyện mang cả gia tư kén về làm chồng ở rể. Thế là Ngưu Ma Vương bỏ mặc bà La Sát, lâu nay chẳng đoái hoài tới. Nếu Đại Thánh tìm được Ngưu Ma Vương, mời hắn về đây mới mượn được quạt thật. Như vậy, một là dập tắt được lửa hộ vệ được sư phụ đi qua, hai là vĩnh viễn diệt trừ hỏa nạn cứu vớt sinh linh vùng này, ba là tôi được tha tội về trời, giao lại pháp chỉ cho Lão Quân.
Hành Giả hỏi:
– Núi Tích Lôi ở chỗ nào? Cách đây bao xa? Thổ địa thưa:
– Ở phía chính nam. Từ đây tới đấy chừng hơn ba nghìn dặm.
Hành Giả nghe nói, bèn dặn dò Sa Tăng, Bát Giới hộ vệ sư phụ, lại dặn dò thổ địa cùng ở lại đừng về. Rồi bỗng nghe vút
một tiếng đã chẳng thấy Hành Giả đâu cả.
Chừng độ nửa tiếng sau, Hành Giả đã nhìn thấy một trái núi cao chót vót, bèn hạ mây đứng xuống đỉnh núi xem xét. Thật là một trái núi tuyệt đẹp:
Cao chẳng cao, chạm tầng vân hán, To chẳng to, rễ cắm suối vàng, Trước núi mặt trời ấm áp,
Sau non gió thổi mơ màng.
Trước núi mặt trời ấm áp, suốt ba đông câu cỏ vô tư, Sau non gió thổi mơ màng, trải chín hạ băng sương chẳng
hóa.
Đầm rồng thông mạch khe nước trôi êm ả, Hang hổ vách non cao hoa nở sớm trưa. Nước chảy nghìn dòng tựa ngọc quỳnh sa, Hoa nở một màu trông như gấm trải.
Suối uốn quanh non, cây quanh suối,
Tùng chênh vênh giữa vách chênh vênh.
Thật là:
Núi thẳm non xanh, Suối sâu vách dựng. Hoa thơm quả thắm, Trúc tía mây hồng. Liễu biếc tùng xanh, Xinh tươi cảnh vật.
Cảnh đẹp y nguyên tứ thời bát tiết,
Sắc mầu thắm mãi muôn thuở nghìn đời.
Đại Thánh ngắm nghía hồi lâu, bèn từ đỉnh núi bước xuống, đi vào trong rừng sâu tìm đường. Đang chưa có tin tức gì, chợt nhìn thấy dưới bóng tùng một cô gái, tay bẻ một cành hương lan đang thướt tha đi tới. Đại Thánh núp sau một tảng đá để ý quan sát, thấy cô gái ấy:
Thướt tha đẹp nghiêng nước, Yểu điệu gót sen rời.
Mặt Vương Tường xinh tươi, Đẹp như con gái Sở.
Hệt bông hoa hé nở, Khác nào ngọc đưa hương. Tóc mây rủ mịn màng,
Mắt long lanh thu thủy. Quần là hé lộ đôi hài thủy,
Áo bay trắng muốt ánh vân thêu. Nói làm chi mưa gió sớm chiều, Thật đúng hạng môi son má phấn.
Mày ngài mượt một đường con sẫm, Hơn cả Văn Quân, cả Tiết Đào.
Cô gái dần đàn bước tới bên tảng đá, Đại Thánh nghiêng mình cúi chào, từ tốn hỏi:
– Nữ Bồ Tát đi đâu đấy?
Cô gái chưa nhìn thấy người, nghe tiếng hỏi, vội ngẩng đầu, nhìn thấy Đại Thánh tướng mạo xấu xí, vô cùng sợ hãi, muốn lui cũng khó, tiến cũng không xong, đành run run miễn cưỡng trả lời:
– Ngài ở đâu tới, đến đây hỏi ai? Đại Thánh nghĩ thầm:
– Mình nói thật chuyện đi lấy kinh, mượn quạt, e cô gái này thân tình với Ngưu Ma Vương thì hỏng, Hay là cứ nói thác là chỗ thân thiết đến mời ma vương thì hay hơn…
Cô gái thấy Hành Giả không nói thì biến sắc mặt, bực tức quát lên:
– Ngài là ai mà dám đến đây hỏi tôi?
Đại Thánh nghiêng mình mỉm cười, nói:
– Tôi ở núi Thúy Vân vừa mới tới đây không biết đường, dám xin hỏi Nữ Bồ Tát nơi đây có phải là núi Tích Lôi không ạ?
Cô gái đáp:
– Phải.
Đại Thánh hỏi:
– Động Ma Vân ở chỗ nào ạ? Cô gái nói:
– Ngài hỏi động ấy có việc gì? Đại Thánh nói:
– Tôi được Thiết Phiến công chúa ở động Ba Tiêu, núi Thúy
Vân sai đến mời Ngưu Ma Vương.
Cô gái vừa nghe nói “Thiết Phiến công chúa mời Ngưu Ma Vương” đã nổi giận đùng đùng, đỏ mặt tía tai, mở mồm quát mắng:
– Con tiện tỳ này thực vớ vẩn! Từ ngày Ngưu Ma Vương ở nhà ta chưa đầy hai năm, mà ta đã đưa cho không biết bao nhiêu là vàng bạc châu báu, gấm vóc lụa là. Củi cấp hằng năm, gạo cung hàng tháng tha hồ tự do hưởng thụ, còn không biết xấu hổ,
lại còn mời với mọc gì!
Đại Thánh nghe xong, biết đây là Ngọc Diệu công chúa, bèn rút gậy sắt ra quát:
– Con tiện tỳ khốn kiếp này, đổ của ra để mua lấy Ngưu Ma Vương, thực là lấy chồng lại mất tiền, không biết xấu hổ, còn mở mồm mắng ai?
Cô gái thấy vậy sợ quá, hồn vía rụng rời, gót sen bước thấp bước cao, run rẩy quay đầu ù té chạy. Đại Thánh hò hét đuổi theo sau, luồn qua bóng tùng râm mát, đã thấy cửa động Ma Vân. Cô gái chạy tọt vào trong, đóng sầm cửa lại. Đại Thánh lúc bấy giờ mới thu gậy sắt đứng ngắm nghía. Thật là một nơi tuyệt đẹp:
Rừng cây mọc san sát, Vách núi dựng chon von. Dây leo cây cao vút,
Lan huệ ngát hương ngàn.
Suối trong như ngọc luồn rừng trúc, Đá trắng hoa rơi ngập vệ đường. Mây khói lồng đỉnh núi,
Sường non rọi ánh dương.
Rồng gào cùng hổ thét, Hạc hót với oanh đàn.
Một chốn nên thơ và u nhã, Hoa châu cỏ ngọc đẹp vô vàn. Kém gì tiên động Thiên Thai ấy,
Hơn cả Bồng Doanh chốn đào tiên.
Tạm gác chuyện Hành Giả đang đứng ngắm cảnh. Lại nói
chuyện cô gái kia chạy, đến nỗi son phấn đẫm mồ hôi, tim gan đập tán loạn, vào thẳng thư phòng. Lúc ấy Ngưu Ma Vương đang chăm chú đọc đơn thư[259] bỗng thấy cô gái mệt nhọc ngã lăn vào lòng mình, vò đầu bứt tai, bật từng tiếng khóc nức nở, Ngưu Ma Vương cười ngất, nói:
– Người đẹp đừng buồn phiền nữa, có chuyện gì vậy? Cô gái giẫy nẩy, miệng quát:
– Con ma khốn kiếp giết chết ta rồi! Ngưu Ma Vương cười, nói:
– Có chuyện gì mà mắng ta thế? Cô gái nói:
– Chỉ vì thiếp cha mẹ mất sớm không nơi nương tựa, mới lấy chàng về chăm nom, giữ gìn cho thiếp. Đám giang hồ đều bảo chàng hảo hán, té ra chàng chỉ là một ông chồng tầm thường râu quặp!
Ngưu Vương nghe xong, ôm chặt cô gái, nói:
– Người đẹp ơi, ta có điều gì không phải, nàng cứ bình tĩnh nói ra nghe nào, ta sẽ xin lỗi nàng.
Cô gái nói:
– Vừa rồi thiếp đi dạo mát dưới bóng hoa ở ngoài động, đang bẻ lan ngắt huệ, bỗng thấy một hòa thượng mặt lông lá, mõm như ông thiên lôi, thình lình xông tới chào, dọa thiếp sợ hết hồn. Khi thiếp định thần lại hỏi hắn là ai. Hắn nói hắn là người của Thiết Phiến công chúa sai tới mời Ngưu Ma Thương, Bị thiếp nói cho mấy câu, hắn bèn chửi thiếp một chập, sau đó rút gậy sắt đuổi đánh thiếp. Thiếp mà không nhanh chân, thì có lẽ đã bị hắn đánh chết rồi. Đó chẳng phải kêu chàng về để gây họa là gì? Không giết thiếp là gì?
Ngưu Ma Vương nghe xong, nghiêm nét mặt xin lỗi cô gái, ôn tồn giờ lâu, nàng mới nguôi giận. Đoạn Ma Vương nổi giận, nói:
– Có người đẹp đây, ta đâu dám nói dối. Động Ba Tiêu tuy là nơi hẻo lánh, nhưng u nhã thanh cao. Người vợ quê của ta tu trì từ nhỏ, cũng là một tiên nữ đắc đạo, vả lại đạo nhà nghiêm cẩn, đến một đứa con trai bé tí cũng không có, làm gì có thằng đàn ông mõm như ông thiên lôi nào tới mời. Hẳn là yêu quái ở đâu tới, giả danh hiệu đến đây tìm ta. Để ta ra xem sao.
Đoạn Ma Vương rảo cẳng ra khỏi thư phòng, lên nhà trên lấy áo giáp nai nịt gọn ghẽ, cầm cây hỗn thiết côn, bước ra ngoài động, lớn tiếng gọi:
– Thằng nào đến nhà ta mà hỗn láo thế?
Hành Giả đứng bên thấy hắn khác hẳn năm trăm năm trước. Chỉ thấy:
Đầu đội mũ thiết khôi sáng loáng, Áo giáp choàng bằng gấm đẹp sao.
Giầy thơm đánh phấn da hươu, Ngang lưng đai thẳng khác nào tướng tinh. Hai con mắt sáng xanh gương tỏ,
Đôi lông mày cong tựa cầu vồng.
Miệng như chậu máu đỏ hồng,
Hàm răng chẳng khác bịt đồng đến kinh. Tiếng gầm rung rừng xanh chuyển động, Đi đến đâu gió lộng quỷ nhường.
Tên là Hỗn Thế Ma Vương,
Tây phương Đại Lực lẫy lừng tiếng tăm.
Đại Thánh sửa lại quần áo bước tới, dạ một tiếng thật to, rồi nói:
– Chào đạo huynh, đại huynh có nhận ra tiểu đệ không? Ngưu Vương đáp lễ nói:
– Nhà ngươi là Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không phỏng? Đại Thánh nói:
– Chính phải, chính phải. Xa nhau lâu ngày không gặp, tôi vừa tới đây hỏi thăm cô gái mới gặp, thấy đại huynh phong độ hơn xưa nhiều, xin có lời chúc mừng.
Ngưu Vương quát lên:
– Chớ có bẻm mép! Ta nghe nói nhà ngươi đại náo thiên cung, bị Phật tổ bắt giam dưới núi Ngũ Hành gần đây đã thoát tai nạn, hộ vệ Đường Tăng sang phương Tây bái phật cầu kinh, thế mà cớ sao lại nỡ hại con ta là Ngưu Thánh Anh ở động Hỏa Vân, khe Khô Tùng núi Hiệu? Ta đang căm giận nhà ngươi, thế mà nhà ngươi lại mò tìm đến ta!
Đại Thánh cúi chào, nói:
– Đại huynh chớ có trách oan tiểu đệ. Hồi ấy lệnh lang bắt mất sư phụ tôi định nấu thịt ăn. Tiểu đệ không trị nổi. May có Quan Âm Bồ Tát cứu thoát sư phụ, khuyên cậu ấy quy y. Hiện cậu ấy đã trở thành Thiện Tài đồng tử, ngôi cao hơn cả đại huynh, được hưởng phúc cực lạc, cõi thọ mãi tiêu dao, có gì phàn nàn đâu mà đại huynh trách mắng tôi?
Ngưu Ma Vương quát mắng:
– Đồ khỉ già nỏ mồm kia! Chuyện hại con ta nhà ngươi nói rồi. Còn vừa rồi nhà ngươi lừa người thiếp yêu của ta, đánh tới tận cửa nhà ta là cớ sao?
Đại Thánh cười, nói:
– Tôi tìm đại huynh không thấy, gặp cô gái ấy hỏi thăm, không biết đó là chị hai. Chị ấy chửi tôi mấy câu. Lúc ấy tiểu đệ cũng hơi thô lỗ, làm bà chị sợ, mong đại huynh tha cho!
Ngưu Vương nói:
– Đã như vậy, ta nể tình cố cựu, tha cho nhà ngươi đi. Đại Thánh nói:
– Đội ơn tha tội, cảm tạ khôn xiết, nhưng còn một việc muốn nhờ vả nữa, mong đại huynh giúp đỡ.
Ngưu Vương quát lên:
– Con khỉ già này thật quá thể! Ta đã tha tội cho không đi thì chớ, lại còn lằng nhằng đòi giúp đỡ cái gì?
Đại Thánh nói:
– Thực không dám giấu đại huynh, tiểu đệ nhân hộ vệ Đường Tăng sang phương Tây, dọc đường bị núi Hỏa Diệm Sơn làm trở ngại, không sao qua được. Hỏi người thổ dân, biết được bà chị là La Sát có cây quạt Ba Tiêu, muốn mượn về dùng một chút. Hôm qua tiểu đệ có tới nhà cũ mượn chị ấy, nhưng chị ấy một mực không cho. Vì thế hôm nay tới nói với đại huynh, mong đại huynh mở lòng trời, cùng đi với tiểu đệ đến chỗ chị cả, mượn giúp cho cây quạt về quạt tắt lửa, đưa Đường Tăng qua núi, sau đó xin trả ngay lập tức.
Ngưu Vương nghe xong, lửa giận ngùn ngụt, nghiến răng quát lớn:
– Nhà ngươi bảo nhà ngươi không vô lễ, hóa ra chỉ vì chuyện mượn quạt. Nhất định là nhà ngươi đã lừa người vợ quê của ta, rồi vợ ta không chịu, nên mới tới đây tìm ta, lại đuổi đánh ái thiếp của ta! Thường có câu: “Vợ cả bạn không được lừa, vợ lẽ bạn không được đánh.” Nhà ngươi đã lừa cả vợ cả của ta, đánh cả vợ bé của ta, không là đại vô lễ đó sao? Lại đây nếm một côn
đi!
Đại Thánh nói:
– Đại huynh muốn đánh nhau, tôi đâu có sợ. Nhưng mượn bảo bối là lòng thành của tôi, xin đại huynh cho mượn về dùng một chút!
Ngưu Vương nói:
– Nhà ngươi địch nổi ta ba hiệp ta sẽ bảo vợ ta cho mượn. Bằng không, ta sẽ giết chết nhà ngươi, trả thù cho con ta!
Đại Thánh nói:
– Đại huynh nói chí phải. Tiểu đệ lâu nay lười biếng, chưa được gặp gỡ đại huynh, không biết đại huynh những năm gần đây võ nghệ so với hồi xưa thế nào. Vậy anh em ta thử diễn lại vài đường gậy xem sao.
Ngưu Vương chẳng thèm nói năng, rút hỗn thiết côn nhằm đầu Hành Giả bổ liền, Đại Thánh cũng giơ gật sắt lên đón đỡ. Hai người đánh nhau dữ dội:
Gậy sắt bịt vàng, Cây côn hỗn thế.
Trở mặt chẳng coi bè bạn nữa.
Kẻ này nói: Mối thù hại con ta phải trả! Người kia nói: Lệnh lang đã đắc đạo trách gì? Kẻ này nói: Đồ ngu si sao dám đánh cửa ta? Người kia nói: Tôi chỉ nhân tìm đường thăm hỏi. Một người mượn quạt cứu trưởng lão,
Một kẻ không cho, giữ khư khư. Lời qua tiếng lại mất cả tình xưa, Cả nhà bất nghĩa thành ra thù oán.
Ngưu Vương côn vung như rồng giỡn, Đại Thánh gậy múa quỷ trốn luôn. Lúc đầu đánh ở sườn non,
Lát sau kéo lên tầng trời thẳm. Hai bên trổ thần thông ghê gớm, Trong mây thi thố phép kỳ tài.
Gậy côn đành loạn trước cửa trời, Khó đoán ai thua, ai được cuộc.
Đại Thánh đánh nhau với Ngưu Vương hơn một trăm mười hiệp không phân thắng bại. Đang lúc không biết phân giải ra sao, chợt nghe thấy trên đỉnh núi có tiếng người gọi:
– Thưa Ngưu đại vương, đại vương tôi tha thiết kính mời ngài, đến ngay cho để buổi tiệc được bắt đầu.
Ngưu Vương nghe nói, múa cây hỗn thiết côn gạt cây gậy sắt ra nói:
– Con khỉ già kia, tạm dừng tay đã, ta còn đi dự hội ở nhà người bạn.
Nói xong hạ mây vào thẳng trong động, nói với Ngọc Diện công chúa rằng:
– Người đẹp ạ, thằng đàn ông mõm như ông thiên lôi vừa rồi là con khỉ Tôn Ngộ Không, bị ta vung côn đánh cho một chập không dám đến nữa, nàng cứ yên tâm vui chơi, ta phải đi uống rượu ở nhà một người bạn nhé!
Đoạn cởi khôi giáp, mặc một áo nhung màu cổ vịt bước ra cửa, bảo bọn nhỏ giữ cửa cẩn thận, rồi cưỡi “con thú mắt vàng tránh nước”, bay trong khoảng nửa mây nửa mù, thẳng về hướng Tây Bắc.
Đại Thánh đứng trên đỉnh núi nhìn theo, trong bụng thầm nghĩ:
– Lão Ngưu này không biết đánh bạn với thằng nào, đi dự tiệc ở đâu, để lão Tôn đi theo xem sao.
Đoạn xoay tít người, biến thành một làn gió mát đuổi theo cùng đi, một lát sau, tới một quả núi, bỗng chẳng thấy Ngưu Vương đâu nữa, Đại Thánh tụ lại nguyên thân vào núi tìm kiếm, thấy trong dãy núi ấy có một cái đầm sâu nước trong veo, bên đầm có một tấm bia đá, trên viết sáu chữ đại tự “Đầm Bích ba, núi Loạn Thạch”, bèn nghĩ thầm:
– Nhất định lão Ngưu xuống nước thôi. Yêu Tinh dưới nước, nếu không phải là thuồng luồng, thì nhất định là loài rồng, cá, ba ba, đồi mồi gì đó. Để lão Tôn cũng lặng xuống xem sao.
Đoạn Đại Thánh bắt quyết, niệm chú, lắc mình một cái biến thành một con cua không to không nhỏ, nặng khoảng ba mươi
sáu cân, nhảy tùm xuống nước lặn thẳng xuống đáy đầm, bỗng nhìn thấy một tòa lâu đài long lanh trong vắt, dưới chân lầu buộc một thú mắt vàng tránh nước. Bò vào trong lầu thì không thấy có nước. Đại Thánh nhìn kỹ, thấy phía bên kia có tiếng âm nhạc thánh thót.
Chỉ thấy:
Lầu son cài cửa ngọc, Chẳng khác gì thế gian. Ngói lợp toàn bằng vàng, Then cửa bằng ngọc trắng. Lan can san hô thắm,
Bình phong khảm đồi mồi. Ráng đẹp mây lành dọi liên đài, Trên ánh tam quang soi cung điện.
Chẳng phải thiên cung hay đáy biển, Nơi đây nào khác chốn Bồng Lai, Tiệc đặt lầu cao khách chủ vui. Quan viên lớn nhỏ ngồi la liệt, Ngọc nữ bưng mâm ngả bầy tiệc, Tiên nga lựa phím dạo đàn tranh. Cá kình hò hát, cua múa quanh,
Ba ba thổi sáo, vừa đánh trống. Châu báu long lanh soi thứ đựng, Câu thơ nét chữ dán bình phong. Rèm râu tôm treo rủ cửa cung, Khúc tiên thiều bát âm réo rắt.
Tiếng bổng trầm vang tầng trời ngất, Cá lô xanh đàn sắt dạo theo.
Cá chày mắt đỏ thổi ống tiêu, Bà cá diếc dâng nem nai rán.
Cô long nữ cài trâm duyên dáng, Thức ăn toàn bát bảo cao lương.
Thức uống toàn mỹ tửu quỳnh tương…
Người ngồi trên cao là Ngưu Ma Vương, hai bên là ba bốn yêu tinh thuồng luồng, trước mặt là một con rồng già, hai bên rồng con, rồng cháu, rồng bà, rồng cô. Đang lúc mọi người nâng cốc chúc nhau, Tôn Đại Thánh bò vào gần, bị con rồng già trông thấy, liền quát:
– Bắt ngay con cua đồng kia lại!
Rồng con, rồng cháu xô cả đến bắt giữ Đại Thánh. Đánh Thánh nói ra tiếng người rằng:
– Xin tha tội! Xin tha tội! Rồng già nói:
– Nhà ngươi là con cua đồng ở đâu tới? Tại sao lại dám vào sảnh đường bò ngang bò dọc trước mặt tôn khách? Mau mau khai ngay, thì ta tha chết cho!
Đại Thánh bịa chuyện linh tinh, khai với mọi người:
Kiếm ăn vốn ở trong hồ,
Đào hang chân núi sống qua tạm thời.
Lần đầu thân được thảnh thơi, Hoàng hành giới sĩ chức thời được trao. Đội bùn đạp cỏ sớm chiều,
Từ xưa nghi lễ noi theo bao giờ.
Không ngờ phạm tới oai vua,
Cúi xin mở lượng dung tha cho thần.
Mọi người ngồi trên tòa nghe Hành Giả khai xong đều cúi mình vái chào con rồng già, nói:
– Giới sĩ cua mới vào cung ngọc, không biết nghi lễ nhà vua, muốn xin tôn công tha cho hắn về.
Rồng già khen phải, mọi người liền nói:
– Tha cho thằng ấy, tạm cho nợ đòn, ra đứng đợi ở bên ngoài. Đại Thánh dạ vâng một tiếng, chạy thoát ra ngoài thẳng tới
dưới lầu, nghĩ thầm trong bụng:
– Ngưu Vương mải đánh chén ở đây, đợi biết đến bao giờ mới tan tiệc. Mà có tan tiệc hắn cũng chẳng cho mình mượn quạt đâu mà, chi bằng ăn trộm con thú mắt vàng của hắn, biến thành Ngưu Ma Vương đến lừa mụ La Sát lấy quạt, đưa sư phụ qua núi là hay nhất.
Đại Thánh bèn hiện nguyên hình, cởi sợi cương buộc con thú mắt vàng nhảy phốc lên yên, phóng ra khỏi đáy nước, lên đến bờ đầm, lắc mình một cái biến thành Ngưu Ma Vương, quất con thú bay vút lên mây, Một lát sau đã tới cửa động Ba Tiêu. Núi Thúy Vân, cất tiếng gọi:
– Mở cửa!
Hai đứa hầu gái giữ cửa nghe tiếng mở cửa thấy là Ngưu Ma
Vương, bèn chạy vào báo:
– Bẩm bà, đức ông đã về.
La Sát nghe nói, vội vàng vuốt lại tóc mây, rời gót sen ra cửa đón tiếp. Đại Thánh nhảy xuống tay dắt thú, cả gan đánh lừa cô gái đẹp. Bà La Sát người trần mắt thịt đâu có nhận ra, vội vàng
dắt tay Đại Thánh dẫn vào, sai nàng hầu pha trà. Cả nhà thấy ông chủ về, ai cũng kính cẩn. Lát sau, hai người tỉ tê tâm sự.
“Ngưu Vương” nói:
– Xa cách phu nhân lâu quá rồi. La Sát nói:
– Đại Vương vạn phúc. Lại nói:
– Đại Vương quá yêu cô vợ mới, ruồng bỏ con ở này. Hôm nay trận gió lành nào đưa chàng về đấy?
Đại Thánh cười, nói:
– Ta đâu có ruồng bỏ, chỉ vì sau khi ở rể nhà Ngọc Diện công chúa, việc nhà bề bộn, bạn bè quấy rầy, nên mới lấn bấn ở đấy. Hơn nữa còn phải cai quản một cơ nghiệp lớn.
Lại nói:
– Gần đây ta nghe nói cái thằng cha Tôn Ngộ Không hộ vệ Đường tăng đi đến gần vùng núi lửa, sợ hắn đến mượn cây quạt. Ta lại đang tức giận vì mối thù hắn hại con mình chưa báo. Hắn có tới, phải sai người đi báo ta ngay, để ta bắt sống hắn phân thây muôn đoạn rửa mối thù cho vợ chồng chúng ta.
La Sát nghe xong, nước mắt lã chã nói:
– Đại Vương ơi, thường có câu: “Trai không vợ như của
[260]
không chủ, gái không chồng như rồng không vây”
mạng của thiếp suýt nữa bị con khỉ đó giết hại đấy!
Đại Thánh nghe xong làm ra vẻ tức giận, quát mắng:
– Con khỉ khốn kiếp ấy, bỏ đi lâu chưa? La Sát nói:
. Tính
– Vẫn chưa đi. Hôm qua hắn đến đây mượn quạt của thiếp,
nghĩ tới việc hắn đã hại con mình, thiếp mặc võ phục múa bảo kiếm xông ra cửa chém hắn. Hắn chịu đau, gọi thiếp là chị dâu, nói là trước kia có kết nghĩa anh em với Đại Vương.
Đại Thánh nói:
– Đúng là năm trăm năm trước, ta có kết nghĩa bảy anh em. La Sát nói:
– Thiếp mắng hắn, hắn cũng không dám cãi lại, chém hắn, hắn cũng không dám ra tay. Sau đó bị thiếp quạt cho một phát bay dạt đi. Rồi không biết hắn học ở đâu được phép định phong, sớm nay đến ngoài cửa gọi ầm ĩ, bị thiếp quạt cho mấy phát, nhưng hắn vẫn đứng im không nhúc nhích. Thiếp bèn tuốt kiếm ra chém. Lần này hắn không nhường nữa. Thiếp sợ cây gậy năng của hắn, bèn chạy tọt vào động, đóng chặt cửa. Chẳng biết hắn mò vào bằng lối nào chui vào bụng thiếp, suýt nữa làm thiếp mất mạng. Thiếp phải gọi nịnh hắn mấy tiếng “chú, chú” và đưa quạt cho hắn mang đi.
Đại Thánh giả vờ đấm ngực, nói:
– Tiếc quá! Tiếc quá! Phu nhân cho mượn mất rồi à? Tại sao lại cho con khỉ đó mượn quạt? Tức chết mất thôi!
La Sát cười, nói:
– Đại Vương hãy nguôi giận, thiếp chỉ đưa chiếc quạt giả cho hắn mượn thôi.
Đại Thánh hỏi:
– Quạt thật để đâu rồi? La Sát nói:
– Yên tâm! Yên tâm! Thiếp cất kỹ rồi.
Đoạn sai bọn hầu gái bày tiệc rượu cho thêm vui vẻ. La Sát nâng chén rượu, nói:
– Thưa Đại Vương, mong Đại Vương vui duyên mới, nhưng đứng bao giờ quên người bạn kết tóc này. Mời Đại Vương uống chén nươc quê nhà.
Đại Thánh không dám chối từ, cười khà khà, nâng chén rượu trên tay, nói:
– Xin mời phu nhân uống trước đi. Ta vì phải cai quản món gia sản ở ngoài, xa cách phu nhân đã lâu, sớm hôm nhờ có phu nhân trông nom cửa nhà cho, nay xin phu nhân uống chén rượu cảm tạ của ta.
La Sát lại rót tiếp chén rượu đưa cho Đại Vương, nói:
– Từ xưa có câu: “Vợ là người tề gia nội trợ, chồng là cha nuôi dưỡng thân mình”, Đại Vương còn cảm tạ cái gì?
Hai ngươi khiêm nhường trò chuyện một lúc, rồi mới ngồi xuống uống rượu. Đại Thánh không dám ăn tạp, chỉ ăn vài thứ hoa quả, rồi cùng nàng trò chuyện.
Rượu được vài tuần, La Sát đã hơi chuếnh choáng, dục tình rung động, bèn lả lơi nhả nhớt nắm tay Đại Thánh, nói năng nũng nịu, ngả mình vào Đại Thánh, thỏ thẻ giọng oanh. Hai người nâng chén, chàng uống một chén, nàng uống một chén, đoạn cùng ăn hoa quả.
Đại Thánh cũng giả vờ giả vịt tươi cười hớn hở, chẳng biết làm thế nào cũng đành cùng nàng kề ngực áp vai. Quả thật là:
Thơ hẹn ước, chổi quét buồn,
Phá trừ mọi sự, chẳng màng rượu ngon.
Nam thì lập mẹo tinh khôn,
Nữ kia chẳng biết miệng luôn tươi cười.
Mắt xanh, má ửng hồng tươi, Thân đưa lả lướt dáng người liễu tơ.
Ậm ờ, nũng nịu nhỏ to,
Lả lơi âu yếm mắt đưa sóng tình.
Tay tiên vuốt mái tóc xanh,
Làn da trắng muốt thon xinh vô ngần.
Mấy lần kiêng kiễng đôi chân, Mấy lần tay áo vén dần run run. Cổ tròn mịn phấn thấp dần,
Tấm thân tròn lẳn như gần chạm nhau
Lời ân ái nói vài câu,
Khuy vàng đã cởi, trắng phau ngực đầy.
Hai vầng núi ngọc mê say,
Mắt tình sóng sánh ngất ngây đợi chờ…
Đại Thánh thấy nàng say đắm mê mệt như thế, bèn ngấm ngầm để ý, gợi chuyện nói:
– Phu nhân ơi, quạt thật nàng cất ở đâu, nhớ phải sớm tối gìn giữ kẻo Tôn Hành Giả biến hóa trăm đường, lọt vào đánh lừa lấy mất đấy!
La Sát cười hi hí, nhè ra từ trong mồm một chiếc lá tí xíu đưa cho Đại Thánh, nói:
– Chả bảo bối là gì đây?
Đại Thánh cầm trong tay, nhưng vẫn chưa tin nghĩ bụng:
– Chẳng lẽ cái vật bé tí tẹo này lại dập tắt được lửa? Hay là của giả?
La Sát thấy người chồng ngắm nghía bảo bối, trầm ngâm suy nghĩ, bèn nhích sát người, áp má phấn vào mặt Hành Giả, nói:
– Mình ơi, hãy cất bảo bối đi, để còn uống rượu đã cứ mải mê
để tâm đến nó làm gì?
Đái Thánh liền gác chân lên, hỏi:
– Cái vật bé tí tẹo này làm sao quạt tắt được tám trăm dặm lửa?
La Sát rượu say la đà, chẳng còn kiêng dè gì nữa kể hết cách thức ra, nói:
– Đại Vương mới xa thiếp có hai năm, chắc đêm ngày mê mải cuộc vui, bị Ngọc Diên công chúa cướp mất hồn vía, nên cách thức sử dụng bảo bối của nhà mà cũng quên hết sạch. Chỉ cần lấy đầu ngón tay cái của bàn tay trái ấn vào nút tơ đỏ thứ bảy trên cán quạt, rồi niệm câu “hồi-hư-ha-hấp-hi-xuy-hô”, là cây quạt lập tức dài tới một trượng hai thước ngay. Bảo bối này biến hóa vô cùng, tám vạn dặm lửa kia cũng chỉ cần quạt một phát là tắt rụi.
Đại Thánh nghe nói, nhất nhất ghi nhớ trong lòng, đoạn bỏ chiếc quạt vào trong mồm, hiện rõ bản tướng, lớn tiếng quát:
– Bà La Sát kia! Nhà ngươi nhìn lại xem ta có phải là đức ông chồng của nhà ngươi không, mà lại giở đủ trò xấu xa với ta! Không biết xấu hổ! Không biết xấu hổ!
Ngươi đàn bà vừa nhìn thấy Tôn Hành Giả, sợ quá đạp đổ bàn tiệc, ngã lăn ra đất, thẹn thùng không biết nhường nào, chỉ kêu lên:
– Tức chết đi được! Tức chết đi được!
Đại thánh thì chẳng cần biết bà La Sát sống hay chết, vung tay rảo cẳng bước thẳng ra ngoài động. Ba Tiêu. Thật là:
Bụng không tham nữ sắc, Hớn hở thỏa lòng Thiền.
Đoạn này vút lên, đạp áng mây lành đứng trên đỉnh núi, nhè
cây quạt ra, theo đúng cách thức diễn lại, ngón tay cái bên bàn tay trái ấn nút tơ đỏ thứ bảy trên cán quạt, miệng niệm chú “hồi- hư-ha-hấp-hi-xuy-hô”, quả nhiên cây quạt dài ra một trượng hai thước. Hành Giả cầm lấy trong tay, xem kỹ một lượt, thấy đúng là có khác cây quạt giả lần trước, mây lành phơi phới, khí đẹp dâng dâng, trên có ba mươi sáu sợi tơ điều kết sợi dọc sợi ngang, trong ngoài dệt kín. Nguyên Hành Giả chỉ biết cách làm cho dài ra, mà không biết cách niệm chú thu nhỏ lại, loay hoay mãi cây quạt vẫn cứ to dài, chẳng biết làm thế nào, đành vác cây quạt lên vai tìm đường cũ ra về. Chuyện không nói nữa.
Lại nói chuyện Ngưu Ma Vương cùng mọi người ăn tiệc dưới đầm Bích Ba, tan tiệc ra về, ra khỏi cửa động không nhìn thấy con thú mắt vàng tránh nước đâu cả. Lão Long Vương tụ tập mọi người, hỏi:
– Kẻ nào ăn trộm con thú mắt vàng của ngài Ngưu?
Mọi người quỳ xuống, thưa:
– Không ai dám lấy trộm đâu. Chúng tôi đều ở cả trên tiệc rót rượu bưng mâm, đánh đàn ca hát, không một ai ở đằng trước cả.
Lão Long Vương nói:
– Người trong nhà chắc không dám, hẳn có người lạ mặt nào lẻn vào chăng?
Rồng con, rồng cháu nói:
– Đúng lúc mọi người vừa an tọa, có một con cua bò vào đây. Chỉ có hắn là người lạ.
Ngưu Vương nghe xong, tỉnh ngộ ra ngay nói:
– Không cần nói nữa, sáng nay hiền hữu sai người tới mời tôi, có thằng Tôn Ngộ Không hộ vệ Đường tăng đi lấy kinh, dọc đường gặp Hỏa Diệm Sơn không qua nổi, đến hỏi ta mượn quạt Ba Tiêu. Ta không cho mượn và cùng hắn đánh nhau một trận bất phân thắng bại, ta bèn bỏ hắn đi dự tiệc. Con khỉ ấy khôn ngoan lanh lợi, biến hóa trăm đường, chắc chắn hắn đã biến thành con cua đến đây để thám thính dò la, ăn trộm con thú rồi đến chỗ vợ ta lừa lấy cây quạt Ba Tiêu đây.
Mọi người nghe nói, ai nấy sợ hãi lo lắng hỏi:
– Có phải Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung không? Ngưu Vương đáp:
– Chính phải. Các vị trên con đường sang phương Tây, nếu có chỗ không phải, nên tránh xa hắn ra.
Lão Long Vương nói:
– Nếu như vậy, con thú Đại Vương cưỡi thì tính làm sao? Ngưu Vương cười, nói:
– Không ngại, không ngại, các vị cứ về để tôi đuổi theo hắn.
Đoạn rẽ đôi làn nước nhảy ra khỏi đầm, cưỡi đám mây vàng đến thẳng động Ba Tiêu, núi Thúy Vân. Tới nơi đã nghe thấy bà La Sát giậm chân vỗ ngực, gào nhỏ khóc to. Ngưu Vương đẩy cửa bước vào, bèn cao tiếng gọi:
– Phu nhân, Tôn Ngộ Không chạy đằng nào rồi?
Đám hầu gái thấy Ngưu Vương vể, tất cả đều quỳ xuống chào:
– Đại Vương đã về!
Bà La Sát túm chặt lấy Ngưu Vương, dập đầu vỗ ngực, miếng mắng chửi:
– Cái thằng trời đánh khốn kiếp! Mà sao chàng lại hớ hênh để cho con khỉ ấy ăn trộm con thú mắt vàng, rồi biến thành chàng để đến lừa thiếp như vậy?
Ngưu Vương nghiến răng, nói:
– Con khỉ già ấy chạy đằng nào rồi? La Sát vỗ ngực đồm độp, mắng chửi:
– Con khỉ khốn kiếp ấy lừa lấy bảo bối của thiếp, rồi hiện nguyên hình đi mất. Tức chết đi được!
Ngưu Vương nói:
– Phu nhân hãy bình tĩnh, chớ nên nóng nảy, để ta đuổi theo con khỉ ấy cướp lại bảo bối, lột da róc xương nó ra, mổ bụng moi gan nó ra cho hả giận!
Bèn gọi:
– Mang binh khí ra đây! Người hầu gái nói:
– Binh khí của Đại Vương không để ở đây ạ. Ngưu Vương nói:
– Lấy binh khí của bà cũng được!
Thị tỳ bưng đến hai cây thanh phong bảo kiếm. Ngưu Vương cởi tấm áo nhung mầu xanh cổ vịt mặc đi dự hội ra, chỉ mặc mỗi chiếc áo lót mình, hai tay hai kiếm bước ra khỏi động Ba Tiêu, đến thẳng núi Hỏa Diệm Sơn. Thật là:
Gã vong ơn dối lừa ả đắm đuối,
Ma nóng tính đền gần người Mộc Soa.
Cuối cùng không biết chuyến đi này lành dữ ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.
---------------------
[259] Sách đơn thư: Sách dậy phép luyện linh đơn của đạo giáo
[260] Nguyên văn: Như thân mình không có chủ.