Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ năm mươi chín

Tam Tạng gặp Hỏa Diệm Sơn nghẽn lối 
Hành Giả lần đầu mượn quạt ba tiêu 

Chúng tinh xưa nay vốn vẫn đồng,
Mênh mông biển rộng chứa vô cùng. Trăm nghĩ, nghìn suy thành vọng tưởng, Vô vàn sắc tướng thảy hòa dung.
Ngày nào công quả thành viên mãn, Pháp tính viên thông ắt sáng lòng. Thôi đừng phân biệt đông tây nữa, Khóa chặt ngay vào chớ thả rông. Đặt nơi lò nấu linh đơn ấy,
Quạ vàng luyện khéo đỏ màu lông. Sáng ngời lóng lánh nên kiều diễm, Ra vào rồng cưỡi cũng tùy lòng.
Lại nói chuyện Tam Tạng theo lời dạy của Bồ Tát, thu nhận
Hành Giả, cùng Bát Giới, Sa Tăng, cắt đứt nhị tâm, nhốt chặt vượn ngựa[258] đồng tâm hiệp sức lên đường sang phương Tây. Nói sao hết bóng quang âm vùn vụt như tên bắn, mặt trời mặt trăng thấm thoắt như thoi đưa, trải qua tháng hè nóng bức lại sang cảnh sương gió tiết thu. Chỉ thấy:

Gió tây thổi bạt mây trời,

Tầng không hạc rít, núi đồi sương xông.
Cảnh vật nom thật não nùng,

Núi dài, sông rộng như cùng sóng đôi.

Sếu bay ải bắc xa xôi,

Những loài huyền điểu lại dời về nam.

Đường xa lữ khách cô đơn, Mỏng manh áo vá rét luồn buốt tê.
Bốn thầy trò bước đi, dần dần cảm thấy nóng nực oi bức, Tam
Tạng dừng cương ngựa nói:

– Bây giờ đang là lúc tiết thu, sao trời lại nóng nực thế nhỉ? Bát Giới nói:
– Sư phụ không biết, đường sang phương Tây có nước Tư Cáp Lý, nơi mặt trời lặn, tục gọi là “đầu trời hết”. Cứ đến giờ Thân, giờ Dậu, quốc vương sai người lên thành đánh trống thổi tù và để lẫn vào với tiếng biển sôi. Mặt trời là thái dương chân hỏa lặn xuống vùng biển phía Tây, khác nào cục than dìm xuống nước tiếng sôi sùng sục, nếu không có tiếng trống, tiếng tù và lẫn vào, thì trẻ con trong thành sẽ giật người lên mà chết. Xứ này khí nóng xông bốc con người tưởng như đến chỗ mặt trời lặn vậy.

Đại Thánh nghe xong, không nhịn được cười, nói:

– Chú ngốc chớ có nói lăng nhăng. Nếu bàn tới nước Tư Cáp Lý thì hãy còn sớm đấy. Cứ như sư phụ thay lên đổi xuống, chùng chà chùng chình thế này, thì có từ trẻ tới già, lại từ già tới trẻ, ba lần già trẻ như thế cũng chưa tới nơi.

Bát Giới nói:

– Sư huynh ơi, cứ như sư huynh nói không phải nơi mặt trời lặn, nhưng sao lại nóng quá thế?

Sa Tăng nói:
– Có lẽ là thời tiết không thuận, mùa thu mà vẫn oi như mùa hè.

Ba người đang tranh cãi, bỗng thấy bên đường có một tòa trang viện, nhà cửa mái ngói tường vách đỏ tươi, cánh cửa cũng sơn đỏ, giường phản cũng sơn son, tất cả chỉ một màu đỏ. Tam Tạng xuống ngựa nói:

– Ngộ Không, con vào nhà kia hỏi xem vì sao xứ này lại nóng thế.

Đại Thánh cất cây gậy sắt, thắt lại quần áo, cử chỉ làm ra vẻ nhà nho thanh nhã, rời khỏi đường lớn, bước tới trước cổng xem xét. Bỗng thấy một cụ già từ trong cổng đi ra. Chỉ thấy:

Mình mặc chiếc áo vải dài,

Đỏ chẳng ra đỏ, vàng thời cũng không.

Đầu đội chiếc mũ tơ rung,

Xanh thời không phải, xanh cùng lại sai.

Tay chống cây gậy trúc tươi,

Cong thời chẳng phải, thẳng thời cũng không.

Đôi giầy cao cổ cong cong,

Chẳng phải là mới cũng không phải vàng.

Mặt đỏ chẳng khác màu đồng,

Râu trắng như bạc rung rung bên cằm.

Mày rậm che mắt nhung ngăm,

Nụ cười thoáng nở hàm răng tươi vàng.

Ông già chợt ngẩng đầu nhìn thấy Hành Giả, giật mình chống mạnh cây gậy quát:

– Nhà ngươi là ma quái ở đâu, tới cổng nhà ta có việc gì? Hành Giả cúi chào, đáp:
– Thưa cụ, xin cụ đừng sợ. Tôi không phải là ma quái nào hết, mà là nhà sư ở phương Đông, được nhà vua nước Đại Đường sai sang phương Tây lấy kinh. Thầy trò chúng tôi gồm bốn người đến xứ ta đây, thấy khí trời oi bức, một là muốn vào hỏi nguyên nhân, hai là muốn biết địa danh xứ này, vậy xin vào bái kiến và xin cụ chỉ bảo cho chút ít.

Cụ già lúc ấy mới yên tâm cười, nói:

– Mong trưởng lão thứ lỗi, tôi đây nhất thời hoa mắt, không thấy tôn nhan.

Hành Giả nói:

– Không dám ạ. Cụ già lại hỏi:
– Thế sư phụ đang ở con đường nào? Hành Giả thưa:
– Sư phụ tôi đang đứng chỗ con đường lớn phía nam đằng kia. Cụ già bảo:
– Xin mời vào, mời vào.

Hành Giả mừng rỡ, vẫy vẫy tay. Tam Tạng cùng Bát Giới, Sa
Tăng dắt ngựa bạch, gánh hành lý, bước cả tới chào cụ già.

Cụ già nhìn thấy Tam Tạng dáng người đoan chính, và Bát Giới, Sa Tăng mặt mũi xấu xí thì vừa mừng vừa sợ, nhưng cũng đành mời cả vào ngồi trong nhà, sai người ở bưng trà, một mặt sai sửa soạn cơm nước. Tam Tạng nghe nói, đứng dậy cảm tạ, rồi nói:

– Dám xin hỏi cụ, tiết trời đã sang thu rồi mà sao ở xứ ta còn nóng thế?

Cụ già đáp:
– Vùng chúng tôi đây tên gọi là Hỏa Diệm Sơn. Chẳng có xuân thu gì đâu, bốn mùa đều nóng bức.

Tạm Tạng nói:

– Hỏa Diệm Sơn ở phía nào? Có cản trở đường sang phương
Tây không ạ?

Cụ già nói:

– Sang phương Tây thì không xong rồi. Ngọn núi ấy cách đây chừng sáu mươi dặm. Đường sang phương Tây phải đi qua đấy. Lửa bốc ngùn ngụt tám trăm dặm, bốn xung quanh một tấc cỏ cũng không mọc được. Đi qua ngọn núi ấy à, dù có mình đồng da sắt cũng chảy ra nước hết.

Tam Tạng nghe nói sợ hãi tái mặt không dám hỏi thêm.

Bỗng thấy ngoài cửa có một chàng trai trẻ đẩy chiếc xe mầu đỏ đỗ ở trước cửa, cất tiếng rao:

– Ai mua kẹo nào!

Đại Thánh nhổ một sợi lông biến thành một đồng tiền, hỏi người kia mua kẹo. Người kia nhận tiền, chẳng kể hay dở, mở tấm áo phủ xe, lấy ra một chiếc kẹo nóng hôi hổi đưa cho Hành Giả. Hành Giả đưa tay cầm lấy thấy nóng như một hòn than trong lò, bỏng tựa một chiếc đinh nung đỏ, vừa đảo chiếc kẹo sang tay trái, rồi lại tay phải, vừa nói:

– Nóng quá! Nóng quá! Không ăn được, không ăn được. Chàng trai trẻ cười, nói:
– Sợ nóng thì đừng đến đây. Ở đây nóng thế đấy. Hành Giả nói:
– Chàng trai này chẳng hiểu lẽ gì cả. Thường có câu: “Không hàn không nhiệt, ngũ cốc không kết”. Vùng này nóng dữ thế này, bột làm kẹo của anh lấy đâu ra?
Người kia nói:

– Muốn có bột làm kẹo phải cầu Thiết Phiến Tiên. Hành Giả hỏi:
– Thiết Phiến Tiên là thế nào? Người kia đáp:
– Thiết Phiến Tiên có quạt Ba Tiêu, mượn được về quạt một cái là lửa tắt, quạt hai cái là gió nổi, quạt ba cái là mưa rơi, nhờ thế chúng tôi mới gieo hạt, gặt hái kịp thời, cho nên mới có ngũ cốc nuôi người. Nếu không, một tấc cỏ cũng không mọc được.

Hành Giả nghe nói, vội vàng quay người bước vào nhà, đưa kẹo cho Tam Tạng, nói:

– Sư phụ yên tâm, chắc không phải chờ đợi lâu đâu, cứ ăn kẹo đi, con sẽ nói cho mà nghe.

Tam Tạng cầm kẹo trong tay, quay về phía cụ già mời:

– Mời cụ xơi kẹo. Cụ già nói:
– Nhà chúng tôi cơm nước chưa mời các ngài, đâu dám ăn kẹo.

Hành Giả cười, nói:

– Thưa cụ, cơm nước cũng chưa cần, tôi xin hỏi cụ: Thiết
Phiến Tiên ở chỗ nào?

Cụ già nói:

– Ngài hỏi có việc gì? Hành Giả nói:
– Người bán kẹo vừa rồi có nói rằng vị tiên ấy có chiếc quạt Ba Tiêu, nếu mượn được mang về, quạt một cái là lửa tắt, hai cái là gió nổi, ba cái là mưa rơi, nhờ vậy vùng ta đây mới có thể
gieo cấy gặt hái, mới có ngũ cốc nuôi người. Tôi muốn tìm vị tiên ấy mượn chiếc quạt về quạt tắt lửa Hỏa Diệm Sơn để vùng ta được gặt cấy đúng thời, dân lành yên vui.

Cụ già nói:

– Đúng là có chuyện như vậy đấy. Nhưng ngài không có lễ vật, thì vị thánh hiền ấy không cho mượn về đâu.

Tam Tạng hỏi:

– Vị tiên ấy đòi hỏi lễ vật gì? Cụ già đáp:
– Người vùng chúng tôi đây, mười năm mới cầu một lần. Lễ vật gồm: bốn lợn, bốn dê, hoa hồng thanh khiết, quả lạ hoa thơm, rượu ngang, gà ngỗng, tắm gội lòng thành, đến núi tiên ấy lạy cầu, mời vị tiên ấy ra khỏi động đến đây làm phép.

Hành Giả hỏi:

– Ngọn núi ấy ở nơi nào? Tên gọi là gì? Cách đây bao xa? Để tôi đến hỏi mượn quạt?

Cụ già đáp:

– Ngọn núi ấy ở về phía tây nam, tên gọi là núi Thúy Vân. Trong núi có một ngôi động, gọi là động Ba Tiêu. Thiện nam tín nữ vùng chúng tôi đi lễ núi tiên, cả đi cả về mất một tháng, khoảng chừng một nghìn bốn trăm sáu chục dặm gì đó.

Hành Giả cười, nói:

– Ăn thua gì, tôi đi một tí là về ngay.

– Khoan đã, hãy ăn chút cơm, làm ít lương khô và cần có hai người đi theo là ba. Đường đến đấy không có nhà dân, lắm hổ báo, không phải một ngày tới được đâu, chớ có coi làm trò đùa.

Hành Giả cười, nói:
– Không cần, không cần! Tôi đi đây!

Vừa nói xong đã không thấy Hành Giả đâu cả. Cụ già sợ quá, nói:

– Cha mẹ ơi, hóa ra là người thần biết đằng vân giá vũ.

Tạm không nói đến chuyện mọi người trong nhà chăm lo Đường Tăng chu đáo gấp bội. Lại nói chuyện Hành Giả trong nháy mắt đã đến núi Thúy Vân, bèn hạ đám mây lành, toan tìm đường vào động, bỗng nghe tiếng chan chát của người tiều phu chặt củi trong rừng, liền rảo bước đi đến, lại nghe thấy người ấy ngâm:

Trong mây rừng cũ nhận ra,

Sườn non cỏ ngập rườm rà khó trông.

Non tây buổi sớm mưa ròng, Chiều về đã thấy khe trong nước đầy.
Hành Giả bước tới chào, nói:

– Chào bác tiều phu, muốn hỏi bác một điều. Người tiều phu buông rìu đáp lễ, rồi hỏi:
– Trưởng lão đi đâu đấy? Hành Giả đáp:
– Xin hỏi bác một điều, đây có phải là núi Thúy Vân không ạ? Người tiều phu nói:
– Chính phải. Hành Giả nói:
– Động Ba Tiêu của Thiết Phiến Tiên ở nơi nào? Người tiều phu cười, nói:
– Động Ba Tiêu thì có, nhưng không có Thiết Phiến Tiên. Chỉ
có Thiết Phiến Công Chúa, và có tên nữa là bà La Sát thôi.

Hành Giả nói:

– Người ta đồn rằng vị ấy có cây quạt Ba Tiêu có thể dập tắt được lửa Hỏa Diệm Sơn có phải không?

Người tiều phu nói:

– Phải! Phải! Vị thánh ấy có thứ bảo bối có thể dập tắt lửa, bảo vệ cho người dân vùng ấy, nên ở vùng ấy người ta gọi là Thiết Phiến Tiên. Chứ người vùng tôi không cần đến vị thánh ấy, nên chỉ gọi theo tên là bà La Sát, vợ của Đại Lực Ngưu Ma Vương.

Hành Giả nghe nói sợ hãi tái mặt, nghĩ thầm trong bụng:

– Lại oan gia rồi!… Hồi nào thu phục Hồng Hài Nhi, nghe nói hắn chính do mụ này đẻ ra. Lại lúc trước gặp chú hắn ở động Phá Nhi, núi Giải Dương, chú hắn còn có ý báo thù không chịu cho nước. Nay gặp đích thân bố mẹ hắn, thì không biết có mượn được quạt không đây?

Người tiều phu thấy Hành Giả trầm ngâm nghĩ ngợi, than ngắn thở dài, bèn cười nói:

– Trưởng lão là người xuất gia thì có điều gì lo buồn? Cứ đi theo con đường này về hướng Đông không đầy năm sáu dặm là tới động Ba Tiêu. Việc gì phải lo nghĩ.

Hành Giả nói:

– Chẳng giấu gì bác, tôi là đồ đệ cả của Đường Tăng, được vua Đường bên phương Đông sai sang phương Tây lấy kinh, năm ngoái cũng có điều tiếng với Hồng Hài Nhi con trai của bà La Sát, nay sợ bà ấy còn thù không cho, nên mới sinh ra lo nghĩ.

Người tiều phu nói:

– Đại trượng phu xem xét sắc mặt, chỉ cốt được quạt mà thôi,
còn việc cũ vứt đi nghĩ làm gì, cứ cố mượn là được.

Hành Giả nghe lời, khe khẽ vâng một tiếng, rồi nói:

– Xin đa tạ bác chỉ giáo. Tôi đi đây.

Đoạn từ biệt người tiều phu, đến thẳng cửa động Ba Tiêu, chỉ thấy hai cánh cửa đóng chặt im ỉm, ngoài động cảnh vật xinh tươi. Thật là một nơi tuyệt đẹp. Chỉ thấy:

Núi lấy đá là xương, Đất là tinh của đá.
Mây khói thuần cây lá, Rêu biếc phủ xanh trong.
Nguy nga chót vót tựa non Bồng. U tĩnh hương bay như Doanh đảo. Hạc nội đậu cành tùng khô ráo, Oanh líu lo bên khóm liễu tơ. Chính nơi cổ tích tự bao giờ,
Thật chốn dấu tiên vạn năm trước. Khóm ngô đồng phượng hoàng vui hót, Dòng nước trong rồng quẫy tung tăng. Đường quanh co vướng vít dây rừng, Bậc đá núi mây song chằng chịt.
Vượn hú sườn non chim ríu rít. Dưới chòm cổ thụ thưởng trăng thanh. Trong rừng trúc mát tựa hương lành. Đường non hoa dại như phơi gấm.
Mây trắng lang thang vờn núi sẫm,
Gió thổi hiu hiu suốt dặm trường.

Hành Giả bước tới gọi:

– Ngưu đại ca, mở cửa! Mở cửa!

Kẹt một tiếng, tấm cánh cửa mở ra, một người con gái lông lá đi ra, tay xách một chiếc lẵng hoa, vai vác một cái cuốc. Thật là:

Khắp người lam lũ không trang điểm, Mặt mũi tinh thần vẻ đạo tâm.
Hành Giả bước lên, chắp tay nói:

– Chào nữ tiểu đồng, nhờ nàng vào tâu với công chúa một tiếng, rằng tôi là hòa thượng đi lấy kinh trên đường sang phương Tây, không qua được Hỏa Diệm Sơn, đến mượn quạt Ba Tiêu về dùng một chút.

Cô gái lông lá nói:

– Ngài là hòa thượng chùa nào? Tên gọi là gì? Tôi mới vào tâu báo cho được.

Hành Giả nói:

– Tôi từ phương Đông tới, tên gọi Tôn Ngộ Không hòa thượng.

Cô gái lông lá lập tức quay người bước vào trong động, quỳ xuống trước mặt bà La Sát nói:

– Bẩm bà, ngoài cửa động có hòa thượng Tôn Ngộ Không ở phương Đông tới muốn yết kiến bà, mượn quạt Ba Tiêu để dùng khi vượt qua Hỏa Diệm Sơn.

La Sát nghe nói tới ba chữ “Tôn Ngộ Không”, khác nào muối bỏ vào lửa, lửa đổ thêm dầu, bụng hầm hầm nổi giận, mặt căm tức đỏ bừng, miệng hét lên:

– Con khỉ khốn kiếp hôm nay mới tới!
Đoạn gọi:

– Tụi nhỏ, mang áo giáp, binh khí ra đây!

Đoạn mặc áo giáp, nai nịt gọn ghẽ, hai tay cầm hai cây thanh phong bảo kiếm bước ra ngoài động. Hành Giả đưa mắt nhìn trộm xem mụ ấy ăn mặc thế nào. Chỉ thấy:

Đầu quấn chiếc khăn hoa, Mình áo bào vân gấm. Ngang lưng gân hổ quấn, Quần lụa thêu đẹp sao. Hài mỏ phượng vút cao, Xiên râu rồng vàng óng.
Bảo kiếm cầm tay, miệng thét rống, Dữ tợn khác nào mụ Nguyệt Bà.
La Sát ra ngoài cửa, lớn tiếng quát:

– Tôn Ngộ Không đâu?

Hành Giả bước tới nghiêng mình chào:

– Thưa bà chị, lão Tôn xin kính chào! La Sát hừ một tiếng, nói:
– Ai là chị của nhà ngươi! Ai cần nhà ngươi chào! Hành Giả nói:
– Tôn phủ Ngưu Ma Vương ngày xưa kết nghĩa với lão Tôn, gồm bảy anh em thân thích. Nay nghe nói công chúa là chính thất của Ngưu đại ca, vậy không gọi là chị thì gọi là gì?

La Sát nói:

– Con khỉ khốn kiếp kia, đã là tình anh em thân thiết, sao lại hại con ta?
Hành Giả vờ hỏi lại:

– Lệnh lang là ai cơ? La Sát nói:
– Con trai ta là Thánh Anh đại vương Hồng Hài Nhi ở động Hỏa Vân, khe Khô Tùng, núi Hiệu, bị nhà ngươi hãm hại. Chúng ta đang chưa tìm được nhà ngươi để báo thù, thì nay nhà ngươi tới nộp mạng. Vậy ta đâu có thể tha cho nhà ngươi được!

Hành Giả cười ngất, nói:

– Bà chị chẳng xét lí lẽ gì cả, lại còn trách lão Tôn. Lệnh lang nhà chị định bắt sư phụ tôi đem về kho rán, may được Quan Âm Bồ Tát thu phục, cứu thoát sư phụ tôi. Hiện nay cậu ấy đã là Thiện Tài đồng tử chỗ Bồ Tát, theo chính quả của Người, bất sinh, bất diệt, bất cấu bất tịnh, thọ sánh ngang với trời đất, sống lâu như mặt trăng mặt trời, chị không tạ ơn cứu mạng của lão Tôn thì chớ, lại còn trách cứ lão Tôn là nghĩa lí gì?

La Sát nói:

– Nhà ngươi là con khỉ nỏ mồm! Con ta tuy không bị thiệt mạng, nhưng làm thế nào cho nó sống bên ta được, bao giờ ta mới được gặp nó?

Hành Giả cười, nói:

– Bà chị muốn gặp lệnh lang thì có gì khó? Cứ cho tôi mượn quạt để tôi quạt tắt lửa, đưa sư phụ tôi qua núi, sau đó tôi sẽ đến Nam Hải nói với Bồ Tát cho cậu ấy về gặp chị, trả quạt cho chị một thể, có gì mà chẳng được? Lúc ấy bà chị xem cậu ấy có bị tổn thương mảy may nào không. Nếu có chút tổn thương nào thì trách tôi mới có lí, còn béo khỏe hơn trước thì phải cảm ơn tôi đấy nhé!

La Sát nói:

– Đồ khỉ khốn kiếp! Múa lưỡi ít chứ! Cứ giơ đầu ra đây để ta
chém mấy nhát. Nếu chịu được đau đớn ta sẽ cho mượn. Bằng không thì nhà ngươi về chầu Diêm Vương sớm!

Hành Giả khoanh tay trước ngực, cười nói:

– Bà chị không cần lắm lời, lão Tôn xin vươn cái đầu trọc ra đây cho bà chị muốn chém bao nhiêu tùy ý, cho đến hết hơi thì thôi. Nhưng mà phải cho mượn quạt đấy.

La Sát chẳng thèm nói năng, hai tay múa kiếm, nhằm thẳng đầu Hành Giả chém xuống coong coong, mấy chục nhát liền. Đầu Hành Giả vẫn không hề gì. La Sát sợ quá, quay đầu toan chạy. Hành Giả nói:

– Bà chị chạy đi đâu? Mau đưa quạt cho tôi mượn! La Sát nói:
– Bảo bối của ta đâu có thể cho mượn dễ dàng thế? Hành Giả nói:
– Không cho mượn thì nếm một gậy của ông em đây!

Đoạn Hầu Vương một tay túm chặt lấy La Sát, một tay rút chiếc gậy sắt trong tai ra, múa một vòng, to bằng cái miệng bát. La Sát giật tay ra, giơ kiếm đón đỡ, Hành Giả rượt theo vung gậy đánh liền. Hai người ở trước núi Thúy Vân, chẳng còn thân tình, chỉ còn thù oán. Một trận đánh nhau dữ dội:

Quần thoa tu luyện thành yêu,

Vì con báo oán đánh liều Hầu Vương.

Hành Giả lòng giận không lường,

Vì thầy nghẽn lối phải nhường nữ yêu.

Lễ phép tìm mượn Ba Tiêu,

Hiền hòa khoan nhặt nói điều phải chăng.

La Sát vung kiếm chém phăng,
Hầu Vương đón đỡ, nói rằng thân xưa.

Nữ hung, nam chẳng chịu thua, Cuối cùng nam phải đánh bừa nữ yêu. Gậy sắt dữ dội đến điều!
Thanh phong bảo kiếm cũng nhiều đường hay.

Nện đầu mặt, chém chân tay,

Hai bên cố đánh chẳng ai chịu nhường.

Đỡ phải đón trái tỏ tường,

Đâm sau đánh trước khoe đường võ hay.

Đánh nhau mê mải hăng say, Mặt trời đã khuất núi tây lúc nào. La Sát rút quạt Ba Tiêu,
Phất lên một cái, quỷ yêu kinh hoàng.

La Sát đánh nhau với Hành Giả cho tới chiều, thấy cây gậy của Hành Giả quá nặng, các miếng đánh lại rất kín đáo, liệu không địch nổi, bèn rút cây quạt Ba Tiêu ra vung lên, phát ra một luồng gió âm đẩy Hành Giả đi đâu mất tăm mất dạng, không sao có thể bấu víu vào đâu được nữa. La Sát đắc thắng trở về.

Đại Thánh lên đênh trôi giạt, chìm sang bên trái nhưng không rơi xuống đất, tụt sang bên phải không sao giữ nổi mình, khác nào cơn gió lốc quay tròn chiếc lá khô, hệt như cánh hoa trôi theo dòng nước xoáy. Hành Giả bị lăn đi mất một đêm, đến nỗi sáng hôm sau mới rơi xuống một trái núi, hai tay ôm chặt một tảng đá, định thần giờ lâu mới để ý xem xét tỉ mỉ và nhận ra đây là trái núi Tiểu Du Di. Đại Thánh thở dài một tiếng nói:

– Mụ đàn bà ấy lợi hại thật! Làm sao mà mụ ấy lại tống mình tới tận đây nhỉ? À, ta nhớ ra rồi, hồi nào ta đã từng tới đây cầu cứu Linh Cát Bồ Tát thu phục con yêu quái Hoàng Phong cứu sư phụ. Từ núi Hoàng Phong tới đây thẳng về hướng nam độ hơn ba nghìn dặm. Mình vừa ở con đường phía Tây tới góc Đông nam này không biết là mấy vạn dặm. Hãy tạm xuống hỏi Linh Cát Bồ Tát xem về theo đường cũ lối nào tốt nhất.

Đang trù trừ bỗng nghe thấy tiếng chuông ngân nga, Hành
Giả bèn bước xuống sườn núi, vào thẳng thiền viện. Một vị đạo
nhân đứng trước cổng nhận ra Hành Giả lập tức chạy vào báo:

– Vị Đại Thánh mặt lông lá năm ngoài đến mời Bồ Tát đi hàng phục yêu quái Hoàng Phong bây giờ lại tới.

Bồ Tát biết là Ngộ Không, vội vàng bước xuống tòa báu ra nghênh đón, mời vào trong nhà cúi chào, nói:

– Xin có lời chúc mừng, đi lấy kinh về rồi chăng? Ngộ Không đáp:
– Chưa đâu! Còn xơi! Còn xơi! Linh Cát nói:
– Chưa tới Lôi Âm thì quay lại chốn hoang sơn này làm gì? Hành Giả nói:
– Từ ngày nhờ tấm thịnh tình của Bồ Tát hàng phục yêu quái Hoàng Phong, dọc đường đi trải qua biết bao vất vả. Hiện nay đi tới vùng núi Hỏa Diệm Sơn không sao qua được, hỏi thăm thổ dân ở đấy, họ bảo có Thiết Phiến Tiên quạt cây quạt Ba Tiêu thì lửa sẽ tắt. Lão Tôn tìm đến, hóa ra vị tiên ấy là vợ của Ngưu Ma Vương, mẹ của Hồng Hài Nhi. Mụ ấy nói rằng tôi đã bắt con mụ làm tiểu đồng cho Quan Âm Bồ Tát làm mụ chẳng được gặp mặt con, đâm ra thù tôi, không cho mượn quạt thì chớ, lại còn đánh nhau với tôi. Mụ thấy cây gậy sắt của tôi quá nặng khó bề chống đỡ, bèn rút cây quạt Ba Tiêu ra quạt tôi một phát, đẩy tôi lênh đênh trôi dạt đến tận đây mới rơi xuống. Vậy tôi mạn phép vào thiền viện để hỏi thăm đường về. Từ đây tới núi Hỏa Diệm Sơn xa chừng bao nhiêu dặm nhỉ?

Linh Cát cười, nói:

– Người đàn bà ấy tên gọi là bà La Sát, lại có tên nữa là Thiết Phiến Tiên Công Chúa. Cây quạt Ba Tiêu của bà ta vốn là một báu vật do trời đất sinh ra từ thuở còn hỗn độn hoang sơ ở sau núi Côn Lôn. Đấy là chiếc lá tinh túy của Thái Âm, nên mới dập
tắt được lửa khi quạt. Quạt vào người nào, thì người ấy phải bay đi xa tới tám vạn bốn nghìn dặm. Từ chỗ tôi tới núi Hỏa Diệm Sơn chỉ độ hơn năm vạn dặm. Đó là may Đại Thánh có tài giữ mây đấy, nên mới dừng lại được. Còn như người phàm thì không sao dừng được đâu.

Hành Giả nói:

– Lợi hại thật! Lợi hại thật! Sư phụ tôi làm sao đi qua được vùng đó?

Linh Cát nói:

– Đại Thánh cứ yên tâm. Ngài tới đây cũng là do nhân duyên của Đường Tăng giúp Đại Thánh thành công.

Hành Giả nói:

– Thành công thế nào? Linh Cát nói:
– Trước đây tôi có vâng lời dạy của Như Lai. Ngài ban cho tôi một hạt “định phong đơn”, và một cây gậy “phi long”. Gậy “phi long” thì dùng để hàng phục yêu quái gió rồi. Còn viên “định phong đơn” này chưa dùng đến, nay xin đưa cho Đại Thánh. Cho dù bà ta có quạt bao nhiêu, Đại Thánh cũng bất động. Lúc ấy Đại Thánh đòi mượn quạt, quạt tắt lửa. Như thế chẳng thành công ư?

Đại Thánh cúi đầu chào cảm tạ không xiết. Bồ Tát lấy chiếc túi gấm trong tay áo ra, cầm hạt “định phong đơn” đưa cho Hành Giả nhét vào lần trong cổ áo, rồi khâu kĩ lại, đoạn tiễn Hành Giả ra ngoài cửa, nói:

– Không dám giữ Đại Thánh ở lại để khoản đãi. Đại Thánh cứ đi về hướng Tây bắc, đấy là vùng núi của bà La Sát đấy.

Hành Giả từ biệt Linh Cát, dùng phép cân đẩu vân tới thẳng núi Thúy Vân. Một lát sau đã tới nơi. Hành Giả nện gậy sắt vào
cửa động, gọi:

– Mở cửa! Mở cửa! Lão Tôn đến mượn quạt về dùng đây! Mấy đứa tiểu đồng gái giữ cửa sợ quá, vội vàng vào báo:
– Bẩm bà, người đòi mượn quạt lại tới ạ! La Sát nghe báo, trong bụng sợ hãi nói:
– Con khỉ khốn kiếp ấy tài giỏi quá! Bảo bối của ta quạt vào người nào, người ấy phải bay xa tám vạn bốn nghìn dặm mới dừng lại được. Thế mà hắn vừa bị quạt đã lại về được ngay rồi là cớ làm sao nhỉ? Phen này ta phải quạt hai ba cái liền cho hắn không sao tìm thấy đường về mới nghe!

Bèn đứng dậy, nai nịt gọn ghẽ, hai tay cầm kiếm bước ra ngoài quát:

– Tôn Hành Giả! Nhà ngươi không sợ ta, lại đến tìm cái chết hả?

Hành Giả cười, nói:

– Bà chị không nên khắt khe làm gì, cho tôi mượn về dùng, hộ vệ Đường Tăng qua núi xong, sẽ đem trả liền. Tôi là người quân tử, chí thành có thừa, không như hạng tiểu nhân mượn rồi không trả đâu.

La Sát lại quát mắng:

– Con khỉ già khốn kiếp lì lợm không hiểu đạo lý kia! Mối thù cướp con ta, ta chưa trả được, lẽ nào lại để cho ý muốn mượn quạt của nhà ngươi được thỏa mãn sao? Chớ có chạy, nếm mùi một kiếm của ta đây!

Đại Thánh bình tĩnh như không, đưa gậy sắt lên đỡ. Hai người qua lại đánh nhau chừng dăm bảy hiệp, La Sát thấy tay nhũn khó tránh, Hành Giả khỏe hơn đánh hăng. Mụ thấy tình thế gay go, vội vàng rút cây quạt ra nhằm người Hành Giả quạt một
phát, Hành Giả vẫn sừng sững đứng im, thu cây gậy sắt về, cười khành khạch nói:

– Lần này không giống lần trước nữa đâu, cho bà chị tha hồ mà quạt, lão Tôn nhúc nhích một ly thì không gọi là hảo hán!

La Sát quạt tiếp hai phát nữa, Hành Giả vẫn đứng bất động. La Sát sợ quá, vội vàng thu bảo bối, quay người chạy vào động, đóng chặt cửa lại.

Hành Giả thấy mụ ta đóng chặt cửa, bèn trổ tài nghệ, xé rách cổ áo, lấy viên “định phong đơn” bỏ vào miệng ngậm, đoạn lắc mình một cái, biến thành một con bọ mát, chui qua khe cửa mà vào, thấy mụ La Sát đang gọi:

– Khát quá! Khát quá! Mang nước trà lại đây mau lên!

Đứa tiểu đồng gái đứng hầu bên cạnh vội vàng bưng ấm trà tới, rót ồng ộc đầy một bát nước trà sủi bọt. Hành Giả trông thấy mừng lắm, vo ve bay lại đậu trên đám bọt trà. Mụ La Sát khát quá, đỡ lấy bát trà, ừng ực hai hơi uống cạn. Hành Giả đã chui được vào trong bụng bà La Sát rồi, bèn hiện rõ nguyên hình, lớn tiếng gọi:

– Bà chị ơi cho tôi mượn quạt về dùng nào! La Sát sợ hãi, tái mặt gọi:
– Bọn nhỏ, đóng chặt cửa vào chưa? Tất cả đều đáp:
– Đóng chặt rồi ạ. La Sát lại nói:
– Đóng chặt, tại sao Tôn Hành Giả lại vào được trong nhà, đang gọi ở đâu đó?

Tiểu đồng gái thưa:

– Gọi ở trong người bà đấy ạ.
La Sát nói:

– Tôn Hành Giả, nhà ngươi trổ pháp thuật ở đâu? Hành Giả nói:
– Lão Tôn cả người không biết trổ pháp thuật, dùng toàn thủ pháp chân chính thôi. Nói thực, lão Tôn đang đùa nghịch ở trong bụng bà chị và đã thấy hết cả ruột gan rồi. Tôi biết bà chị đang đói khát, xin mời trước bà chị một bát trà giải khát nhé!

Đoạn co cẳng đạp xuống một cái, khiến La Sát cảm thấy bụng dưới đau đớn vô cùng, ngồi bệt xuống đất kêu la.

Hành Giả lại nói:

– Bà chị không nên chối từ, tôi lại dâng bà chị một món điểm tâm lót dạ nữa nhé!

Đoạn lại húc đầu lên một cái, khiến cho La Sát cảm thấy phổi đau thắt lại đến nỗi nằm lăn ra đất quằn quại, mặt mày tái nhợt, lắp bắp gọi:

– Chú Tôn ơi, tha chết cho tôi!

Lúc ấy Hành Giả mới thu chân tay lại, nói:

– Bây giờ bà chị mới nhận ra lão Tôn là chú à? Tôi nể tình Ngưu đại ca, tạm tha chết cho chị, nhưng phải đem ngay quạt ra đây cho tôi mượn!

La Sát lập tức gọi hầu gái mang cây quạt Ba Tiêu ra đặt ngay bên cạnh. Hành Giả bò lên chỗ cổ họng trông thấy, bèn nói:

– Bà chị này, tôi đã tha chết cho bà chị, không chui ra ở đằng nách, mà chui ra ở đằng mồm. Bà chị hãy há rộng mồm ra ba lần ra ba lần đi nào.

La Sát bèn há mồm ra. Hành Giả lại biến thành con bọ mát, bay ra đậu trên cây quạt. La Sát không trông thấy cứ há miệng ra ba lần, rồi gọi:
– Chú chui ra đi!

Hành Giả hiện nguyên hình, cầm lấy cây quạt, nói:

– Tôi đây cơ mà! Xin cảm ơn bà chị cho mượn! Cảm ơn bà chị cho mượn!

Đoạn rảo bước đi luôn. Bọn nhỏ vội vàng mở cửa để Hành
Giả đi ra.

Đại Thánh nhảy vút lên mây, về thẳng con đường phía đông. Lát sau đã hạ mây bước xuống, đứng bên bức tường gạch đỏ. Bát Giới nhìn thấy, mừng quá nói:

– Sư phụ ơi, sư huynh về rồi! Sư huynh về rồi!

Tam Tạng lập tức cùng các cụ già trong xóm và Sa Tăng ra cửa đón, rồi cùng vào nhà. Hành Giả đặt chiếc quạt Ba Tiêu xuống bên cạnh, nói:

– Thưa các cụ, có phải chiếc quạt này không?
Cụ già đáp:

– Đúng rồi! Đúng rồi! Đường Tăng vui mừng nói:
– Công của con lớn quá! Cầu được bảo bối này thật là vất vả! Hành Giả nói:
– Khoan nói vất vả vội. Thế sư phụ có biết Thiết Phiến Tiên ấy là ai không? Bà ta hóa ra là vợ của Ngưu Ma Vương, mẹ của Hồng Hài Nhi, tên gọi là bà La Sát, còn gọi là Thiết Phiến Công Chúa. Con tìm tới cửa động mượn quạt, mụ ta lại giở chuyện hiềm thù ra nói, rồi chém con mấy nhát kiếm. Con múa gậy đánh lại, mụ liền rút quạt ra quạt con một phát, khiến con lênh đênh trôi dạt tới tận núi Tiểu Tu Di. May gặp Linh Cát Bồ Tát, ngài cho con một hạt “định phong đơn”, chỉ cho con đường về. Con lại tới núi Thúy Vân gặp bà La Sát. Mụ ta lại lấy quạt ra quạt, nhưng lần này con bất động chẳng nhúc nhích. Mụ sợ quá bèn chạy tọt vào động. Con liền biến thành con bọ mát bay theo vào, đúng lúc mụ đòi uống trà, thế là con đậu vào đám bọt trà chui vào trong bụng mụ, khua chân múa tay. Mụ ta đau quá, rối rít gọi: “chú ơi tha chết cho tôi, tôi bằng lòng cho mượn quạt”. Con bèn tha cho mụ, mang quạt về. Chừng nào vượt qua Hỏa Diệm Sơn rồi, con sẽ trả lại mụ ấy.

Tam Tạng nghe xong, cảm tạ khôn xiết. Bốn thầy trò bèn chào từ biệt cụ già, tiếp tục lên đường sang phương Tây. Đi chừng bốn chục dặm, dần dần mọi người thấy nóng bức như hun. Sa Tăng kêu lên:

– Gan bàn chân bỏng rộp rồi! Bát Giới lại nói:
– Móng chân cũng rát quá!

Con ngựa cũng đi nhanh hơn mọi ngày, vì lẽ mặt đất nóng
quá không dừng lại được.

Hành Giả nói:

– Mời sư phụ xuống ngựa, các chú khoan hãy đi, để tôi quạt tắt lửa đã. Sau khi có mưa gió rồi, mặt đất nguội lạnh, lúc ấy thì mới vượt qua núi được.

Hành Giả bèn cầm chiếc quạt, bước tới bên ngọn lửa lấy hết sức phất một cái. Ngọn lửa trên đỉnh núi bốc cao rừng rực. Hành Giả quạt lần nữa, ngọn lửa bốc cao hơn trăm lần. Lại quạt lần nữa, ngọn lửa bốc cao nghìn trượng, dần dần cháy lan bén cả vào người. Hành Giả vội vàng quay về, đám lông ở hai cẳng chân đã bị cháy sém. Hành Giả chạy đến trước mặt Đường Tăng gọi:

– Chạy nhanh lên! Chạy nhanh lên! Lửa cháy tới nơi rồi! Lửa cháy tới nơi rồi!

Sư phụ nhảy ngay lên ngựa cùng Bát Giới, Sa Tăng chạy mau về phía đông, hơn hai mươi dặm mới dừng lại, nói:

– Ngộ Không, thế là thế nào nhỉ? Hành Giả vứt xoạch chiếc quạt, nói:
– Hỏng! Hỏng! Bị mụ ấy lừa rồi!

Tam Tạng nghe nói lo nhíu lông mày, buồn đau tấc dạ, không kìm được hai hàng lệ chảy chứa chan, nói:

– Biết làm thế nào bây giờ? Bát Giới nói:
– Sư huynh ơi, sư huynh vội vàng bảo quay ngay trở về là vì sao?

Hành Giả nói:

– Tôi mang quạt ra quạt một phát, thấy lửa cháy ngùn ngụt, quạt phát thứ hai, lửa càng bốc cao, quạt phát thứ ba, ngọn lửa
bay cao nghìn trượng. Nếu không chạy cho mau, thì không bị cháy trụi lông à?

Bát Giới cười, nói:

– Sư huynh thường khoe sét đánh không chết, lửa cháy không đau, tại sao hôm nay lại sợ lửa?

Hành Giả nói:

– Chú ngốc chẳng biết cái quái gì! Những lúc ấy đã để ý đề phòng nên không việc gì. Còn hôm nay dùng quạt dập tắt lửa, không bắt quyết tỵ hỏa, không dùng phép hộ thân, nên lông ở hai cẳng chân mới bị cháy sém chứ!

Sa Tăng nói:

– Lửa cháy dữ dội như thế, không có đường sang phương Tây, làm thế nào bây giờ?

Bát Giới nói:

– Đành chọn phương nào không có lửa mà đi vậy. Tam Tạng nói:
– Phương nào không có lửa? Bát Giới nói:
– Phương Đông, phương Nam, phương Bắc không có lửa. Tam Tạng lại hỏi:
– Thế phương nào có kinh? Bát Giới đáp:
– Phương Tây có kinh. Tam Tạng nói:
– Ta chỉ muốn đến nơi nào có kinh thôi! Sa Tăng nói:
– Nơi có kinh thì có lửa, nơi không lửa lại không kinh, thực là tiến thoái lưỡng nan.

Thầy trò đang bàn tính quanh quẩn, chợt nghe thấy tiếng người gọi:

– Đại Thánh chớ buồn phiền, tạm xơi chút cơm chay rồi hãy bàn.

Bốn người quay lại nhìn, thấy một cụ già mình mặc áo lông chim, đầu đội mũ yển nguyệt, tay chống chiếc gậy đầu rồng, chân đi đôi giày da có đinh sắt, đeo sau lưng một cái làn đan mắt cáo bên trong đặt một chiếc chậu bằng đồng, bên trong chậu đựng ít bánh hấp, bánh nướng, cơm tẻ, bột kê. Cụ già đứng ở phía tây con đường, nghiêng mình nói:

– Tôi là thổ địa Hỏa Diệm Sơn, biết Đại Thánh hộ vệ thánh tăng chưa vượt qua được, nên đến dâng chút cơm chay.

Hành Giả nói:

– Ăn cơm là việc nhỏ, còn ngọn lửa này bao giờ mới tắt được để cho sư phụ ta đi qua?

Thổ địa nói:

– Muốn dập tắt ngọn lửa phải cầu đến quạt Ba Tiêu của bà La
Sát.

Hành Giả bước tới vệ đường nhặt chiếc quạt lên nói:

– Chiếc quạt này không phải hay sao? Tại sao càng quạt ngọn lửa càng bốc to?

Thổ địa xem xong cười, nói:

– Quạt này không phải quạt thật. Đại Thánh bị họ lừa rồi. Hành Giả hỏi:
– Thế nào là quạt thật?
Thổ địa lại khom lưng cúi mình cười tủm tỉm, đáp:

– Muốn mượn được quạt Ba Tiêu, phải cầu đến Đại Lực vương cơ.

Cuối cùng không biết Đại Lực Vương có tài nghệ gì, xem hồi sau sẽ rõ.

-----------------------
[258] Ý nói thầy trò đã giác ngộ, vứt bỏ lối suy nghĩ nhị nguyên luận, giữ tâm mình trong lặng không xao động, nhảy nhót trong những tạp niệm như loài vượn, loài ngựa hiếu động nữa.