Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ năm mươi bảy

Núi Lạc Già, Hành Giả thật kể khổ
Động Thủy Liêm, Hầu Vương giả đọc văn


Lại nói chuyện Tôn Đại Thánh rầu rĩ chán chường, đứng ngẩn ngơ trên tầng không định trở về động Thủy Liêm, núi Hoa Quả, nhưng ngần ngại sợ bọn tiểu yêu chê cười “mèo lại hoàn mèo”, không có khí trượng của bậc đại trượng phu. Muốn lên thiên cung nhưng sợ thiên cung không cho ở lâu. Muốn ra hải đảo, nhưng cảm thấy ngượng ngập với các vị tiên ở ba đảo: Muốn xuống long cung, nhưng sĩ diện không muốn cầu cứu với Long Vương. Quả thực Hành Giả không biết dựa vào đâu, cay đắng nói:

– Thôi! Thôi! Trở về gặp sư phụ vẫn là tốt nhất.

Đoạn hạ mây bước xuống đến thẳng trước ngựa của Tam
Tạng, lễ phép nói:

– Sư phụ tha tội cho đệ tử một lần này, từ nay trở đi con không dám hành hung nữa, nhất nhất tuân theo lời dạy bảo của sư phụ, được hộ vệ sư phụ sang phương Tây như trước.

Đường Tăng nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, ghìm cương ngựa lại, niệm ngay bài chú “khẩn cô nhi”.

Đường Tăng niệm đi, niệm lại tới hơn hai mươi lần, khiến Đại Thánh ngã lăn ra đất, đến nỗi cái vòng trên đầu hằn sâu vào trong thịt đến một tấc. Lúc ấy, Đường Tăng mới ngừng niệm, nói:

– Nhà ngươi không xéo đi, còn quay lại lằng nhằng với ta làm gì?
Hành Giả chỉ nói:

– Sư phụ đừng đọc! Đừng đọc! Con có nơi có chốn sinh sống rồi, chỉ sợ sư phụ không có con thì không sang nổi phương Tây thôi.

Tam Tạng nổi giận, nói:

– Con khỉ già sát nhân kia làm liên lụy đến ta bao nhiêu lần rồi, bây giờ ta không cần đến nhà ngươi nữa. Ta đi được hay không, không can gì đến nhà ngươi. Nhà ngươi cút ngay đi! Cút ngay đi! Chần chừ là ta lại niệm chú, mà lần này ta sẽ niệm mãi cho tới khi nhà ngươi phọt óc ra mới thôi!

Đại Thánh đau đớn không chịu nổi, thấy sư phụ không thay đổi ý định, chẳng biết làm thế nào, lại đành phải nhảy vút lên tầng không. Bỗng Đại Thánh tỉnh ngộ, nói:

– Hòa thượng kia phụ lòng ta, ta sẽ đến núi Phổ Đà nói với
Quan Âm Bồ Tát.

Đoạn dùng phép cân đẩu vân, chỉ mất độ một giờ đã tới Nam Dương Đại Hải, bèn hạ đám mây lành, đến thẳng núi Lạc Già, bước vào rừng trúc tía, chợt thấy Mộc Soa hành giả ra đón hỏi:

– Đại Thánh đi đâu đấy? Hành Giả thưa:
– Tôi muốn gặp Bồ Tát.

Mộc Soa lập tức dẫn Hành Giả đến cửa động Triều Âm, Thiện Tài đồng tử bước ra chào hỏi:

– Đại Thánh đến có việc gì? Hành Giả thưa:
– Tôi có việc muốn bẩm báo với Bồ Tát.

Thiện tài nghe tiếng “bẩm báo” bèn cười, nói:
– Con khỉ già điêu toa! Chẳng khác gì ngày nào ta bắt Đường Tăng bị nhà ngươi lừa dối. Đức Bồ Tát ta là một vị Bồ Tát thánh thiện đại từ đại bi, đại nguyên đại thừa, vô biên vô lượng, có chỗ nào không phải mà nhà ngươi định “bẩm báo” người?

Hành Giả đang lòng buồn rười rượi, nghe nói như vậy lại điên tiết lên, hừ một tiếng, quát Thiện Tài lùi ra:

– Thằng súc sinh vong ân bội nghĩa kia, ngày ấy nhà ngươi là yêu tinh tác quái, ta mời Bồ Tát đến thu phục quy y chính quả, nay được lên cõi trường sinh cực lạc, tự tại tiêu dao, thọ ngang trời đất, thế mà đã không cảm tạ lão Tôn thì chớ, lại còn khinh nhờn như thế! Ta có việc đến kêu cầu với Bồ Tát, tại sao dám nói ta điêu toa bẩm báo Bồ Tát cái gì?

Thiện Tài tươi cười, nói:

– Vẫn là con khỉ nóng nảy, tôi nói đùa một tí, làm gì mà trở mặt thế?

Đang nói chuyện, chợt con chim vẹt trắng bay đến, ai nấy biết ngay là Bồ Tát đang gọi, Mộc Soa và Thiện Tài bèn dẫn Hành Giả đến bên tòa sen. Hành Giả nhìn thấy Bồ Tát bèn cúi mình sụp lạy, rồi không ngăn được hai hàng nước mắt chứa chan, khóc òa lên. Bồ Tát bảo Mộc Soa, Thiện Tài đỡ dậy, nói:

– Ngộ Không, có việc gì thương tâm, nói ra xem nào. Thôi đừng khóc nữa, ta sẽ cứu khổ trừ tai cho nhà ngươi.

Hành Giả rơi nước mắt, lạy hai lạy, nói:

– Trước đây đệ tử làm người có bao giờ chịu bực thế này đâu? Từ ngày được đội ơn Bồ Tát cứu thoát nạn trời, theo đạo Sa môn, hộ vệ Đường Tăng sang phương Tây bái Phật cầu kinh, đệ tử xả thân liều mạng, đã bao lần cứu thoát sư phụ khỏi ma chướng, khác nào móc xương họng mồm hổ dữ, lột vẩy tươi lưng thuồng luồng, lòng những mong quy y chính quả, tẩy sạch yêu tà. Nhưng có ngờ đâu trưởng lão vong ơn bội nghĩa, chỉ mê
mẩn một tấm thiện duyên, chẳng xét trắng đen rõ ràng.

Bồ Tát nói:

– Hãy nói rõ nguyên nhân trắng đen cho ta nghe nào.

Hành Giả lập tức kể hết đầu đuôi chuyện đánh chết mấy thằng giặc cỏ. Lại nói rõ cả chuyện Đường Tăng thấy Hành Giả đánh chết nhiều người quá, sinh lòng oán giận, chẳng phân trắng đen, niệm ngay bài chú “khẩn cô nhi”, và một mực đuổi đi mấy lần, lên trời không lối, xuống đất không đường, đành phải đến bẩm báo với Bồ Tát. Bồ Tát nói:

– Đường Tam Tạng vâng lệnh nhà vua sang phương Tây, một lòng giữ điều thiện tu hành, quyết không khinh thường làm hại đến tính mạng một ai. Có vô lượng thần thông như nhà ngươi, cần gì phải mệt người đánh chết nhiều tên giặc cỏ đến thế? Bọn giặc cỏ ấy tuy là phường bất lương, nhưng rút cục chúng vẫn là con người, không nên đánh chết. Còn so với loài thú dữ chim hung, yêu ma quỷ quái thì lại khác. Đánh chết chúng, thì nhà ngươi có công. Nhưng đánh chết con người thì nhà ngươi bất nhân đấy. Chỉ cần dọa đuổi chúng chạy là tự nhiên cứu được sư phụ rồi. Cứ theo công luận thì nhà ngươi đúng là bất thiện.

Hành Giả nuốt nước mắt, dập đầu nói:

– Cho dù là đệ tử bất thiện đi nữa, thì cũng nên lấy công chuộc tội, chứ không nên đuổi đi như thế. Muôn xin Bồ Tát mở lòng đại từ đại bi, niệm bài chú “túng cô nhi”, tháo chiếc vòng kim cô ra để con trả lại cho Bồ Tát, rồi tha cho con về lánh mình ở động Thủy Liêm.

Bồ Tát cười, nói:

– Bài chú “khẩn cô nhi” vốn là của Như Lai truyền cho ta. Ngài ấy sai ta sang phương Đông tìm người lấy kinh, người trao cho ta ba thứ bảo bối, đó là chiếc áo cà sa gấm, cây gậy tích trượng chín vòng, và ba chiếc vòng vàng Kim-khẩn-cấm. Người
lại truyền riêng cho ta ba bài chú, nhưng không hề có bài chú
“Túng cô nhi” nào cả.

Hành Giả nói:

– Đã như vậy, con xin từ biệt Bồ Tát đi đây. Bồ Tát hỏi:
– Từ biệt ta con định đi đâu? Hành Giả đáp:
– Con sang phương Tây lạy đức Như Lai cầu xin Người niệm chú “túng cô nhi” cởi vòng ra cho con.

Bồ Tát nói:

– Hãy khoan, để ta xem lành dữ thế nào đã. Hành Giả nói:
– Không cần xem, chỉ có việc này là không lành thôi mà. Bồ Tát nói:
– Ta không xem cho nhà ngươi, mà xem lành dữ của Đường
Tăng cơ.

Đoạn ngồi ngay ngắn trên tòa sen mở lòng ra ba cõi, mắt tuệ nhìn ra khắp vũ trụ, trong giây lát lại mở mồm nói ngay:

– Ngộ Không, sư phụ nhà ngươi trong khoảnh khắc nữa sẽ gặp tai nạn ghê gớm, chẳng bao lâu sẽ phải tìm đến nhà ngươi. Nhà ngươi cứ ở đây, để ta nói với Đường Tăng lại cùng con đi lấy kinh cho thành chính quả.

Tôn Đại Thánh đành vâng lời, không dám nóng nảy, đứng hầu bên tòa sen. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện Đường Tăng từ lúc đuổi Hành Giả, bảo Bát Giới dắt ngựa, Sa Tăng gánh hành lý, cùng con ngựa là bốn, rảo bước sang phương Tây. Đi được chưa đầy năm mươi dặm, Tam
Tạng ghìm cương, nói:

– Các đồ đệ ơi, từ lúc canh năm rời thôn xóm, lại bị cái thằng Bật Mã Ôn làm bực mình thêm, nửa ngày trời đã đói lại càng đói, khát lại càng khát, ai đi xin ít cơm chay về cho ta ăn nào?

Bát Giới nói:

– Mời sư phụ tạm xuống ngựa, để con xem quanh đây, đâu có thôn xóm, đi xin ít cơm.

Tam Tạng nghe vậy, tụt xuống ngựa. Chú ngốc nhảy vút lên mây, đứng trên tầng không quan sát kỹ lưỡng, nhìn khắp núi non, tịnh không một bóng nhà, bèn hạ mây bước xuống, nói với Tam Tạng:

– Chẳng có chỗ nào để xin cơm đâu. Con nhìn khắp chẳng thấy bóng thôn xóm nào.

Tam Tạng nói:

– Không có cơm chay thì tìm cho ta ít nước uống đỡ khát cũng được.

Bát Giới nói:

– Để con đến con suối ở phía nam núi lấy nước mang về.

Sa Tăng lấy chiếc bát tộ ra đưa cho Bát Giới. Bát Giới cầm chiếc bát cưỡi mây bay đi. Tam Tạng ngồi xuống ven đường, chờ đợi hồi lâu chẳng thấy Bát Giới quay về, miệng khô, lưỡi đắng thật đáng thương. Có bài thơ làm chứng rằng:

Nuôi thần dưỡng khí gọi là tinh, Tán tụ xưa nay vẫn ở mình.
Tâm loạn thần hôn muôn bệnh nảy, Hình suy tinh bại đạo nguyên khuynh.
[250]
Ba hoa tàn lụi đành đau yếu,
Bốn đại tiêu điều uổng súc sinh.[251] Thổ mộc không công, kim thủy tuyệt, Biết thuở nào nên được pháp minh?
Sa Tăng đứng bên cạnh thấy Tam Tạng vừa đói vừa khát, mà Bát Giới thì đi lấy nước mãi chưa về, đành xếp hành lý cẩn thận, buộc con ngựa bạch chắc chắn, rồi nói:

– Sư phụ cứ yên tâm ngồi đây, để con đi giục anh ấy mang nước về.

Tam Tạng nuốt nước mắt chẳng nói năng gì, gật đầu bằng lòng. Sa Tăng vội vàng cưỡi đám mây lành, bay thẳng về phía nam ngọn núi.

Sư phụ ngồi một mình, cảm thấy rất đỗi cay cực, sốt ruột. Đang lúc bồn chồn buồn bực, bỗng nghe một tiếng kêu vang, Tam Tạng sợ quá nghiêng người xem xét, thì ra là Tôn Hành Giả đang quỳ ở vệ đường, hai tay bưng chiếc chén sành, nói:

– Thưa sư phụ, nếu không có lão Tôn thì sư phụ ngụm nước cũng không có mà uống. Chén nước mát lành đây, sư phụ uống đi cho đỡ khát, rồi con sẽ đi xin cơm chay.

Tam Tạng nói:

– Ta không thèm uống nước của nhà ngươi. Cho dù khát chết ngay ta cũng mặc cho số phận, không cần nhà ngươi. Nhà ngươi cút ngay đi!

Hành Giả nói:

– Không có con, sư phụ không sang phương Tây được đâu. Tam Tạng nói:
– Sang được hay không, không can gì đến nhà ngươi. Con khỉ khốn kiếp cứ lằng nhằng với ta làm gì!
Hành Giả kia liền trở mặt, nổi cơn giận dữ quát mắng Đường
Tăng:

– Tên đầu trọc khốn kiếp độc ác kia, khinh ta quá lắm!

Đoạn quẳng chiếc chén sành, vung gậy sắt, nhằm xương sống Tam Tạng nện một phát. Tam Tạng ngã lăn ra đất ngất lịm, chẳng nói được câu gì. Hành Giả kia nẫng luôn hai cái đẫy bằng mây không biết đi về phương nào mất hút.

Lại nói chuyện Bát Giới cầm chiếc bát, chạy xuống sườn núi, bỗng thấy trong thung lũng có một túp nhà tranh. Do lần trước Bát Giới nhìn, bị núi che khuất, nên không nhìn thấy, bây giờ đến gần mới nhận ra là nhà dân, bèn nghĩ thầm:

– Mình mặt mũi xấu xí thế này, chắc chắn làm họ sợ, thành ra nhọc lòng uổng công, cơm chẳng xin nổi … Cần phải khéo biến! Cần phải khéo biến mới được!

Chú ngốc bèn bấm quyết niệm chú, lắc mình đến bảy tám lần,
biến thành một hòa thượng ốm đói da vàng, miệng rên hừ hừ, lê đến trước cửa cất tiếng kêu:

– Các ngài ơi, trong bếp còn cơm thừa, ngoài đường có người đói… Bần tăng từ tận phương Đông sang phương Tây lấy kinh, sư phụ thì đang đói khát bên đường, trong nồi nhà ta còn cơm nguội cho xin một ít đỡ lòng.

Nguyên nhà này đàn ông đi làm đồng vắng cả, chỉ có hai người đàn bà ở nhà đang thổi cơm trưa, vừa dỡ cơm ra hai cái liễn to, sửa soạn mang ra đồng. Trong nồi vẫn còn ít cơm cháy chưa dỡ hết. Người đàn bà thấy nhà sư hình dung ốm yếu như vậy, lại nghe nói từ phương Đông sang phương Tây, chỉ lo là nhà sư đã hôn mê nói lảm nhảm, lỡ ngã lăn ra chết ở cửa nhà mình thì khốn, đành vội vàng vét ít cơm cháy, xới đầy một bát đưa cho Bát Giới. Chú ngốc cầm ngay lấy, hiện rõ nguyên hình, theo đường cũ về thẳng.

Đang đi, bỗng nghe có tiếng người gọi: “Bát Giới”. Bát Giới ngẩng đầu nhìn, thấy Sa Tăng đứng ở trên sườn núi gọi:

– Lại đây! Lại đây!

Đoạn lại đi xuống chân núi đón Bát Giới nói:

– Nước khe này trong mát thế kia không múc mà anh lại đi đâu?

Bát Giới cười, nói:

– Tôi tới đây thấy trong thung lũng có nhà dân, bèn tới đó xin được bát cơm nguội về đây.

Sa Tăng nói:

– Cơm cũng cần. Nhưng sư phụ đang khát khô cổ, sao không lấy nước về?

Bát Giới nói:
– Muốn nước thì có khó gì. Chú đưa vạt áo ra túm lấy chỗ cơm này, để tôi lấy bát đi múc nước.

Hai người hớn hở quay về bên vệ đường, thấy Tam Tạng nằm trên chỗ bụi rậm mặt úp xuống đất, con ngựa bạch thì tuột cương, lồng lộn hí vang, gánh hành lý thì chẳng thấy đâu cả. Bát Giới sợ quá, giậm chân vỗ ngực gào lên:

– Không cần nói! Không cần nói! Đúng là dư đảng của tụi cướp đuổi theo Tôn Hành Giả đến đánh chết sư phụ, cướp hành lý đấy mà!

Sa Tăng nói:

– Phải buộc con ngựa lại đã. Đoạn lại than thở:
– Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào bây giờ? Thật là: Giữa đường đứt gánh, nửa chừng dở dang!

Lại cất tiếng gọi:

– Sư phụ ơi!

Rồi hai hàng nước mắt giàn giụa, khóc lóc thảm thiết. Bát Giới nói:
– Chú đừng khóc nữa, bây giờ cơ sự đã thế này, công việc lấy kinh đừng nói tới vội. Chú ngồi trông coi thi hài sư phụ, để tôi cưỡi ngựa đến phủ, châu, huyện, xa, thôn điếm nào đó, gom lấy hai lạng bạc mua cỗ quan tài về mai táng sư phụ, rồi sau đó hai chúng ta tìm đường kiếm ăn sinh sống.

Sa Tăng thực lòng không nỡ xa sư phụ, lật ngửa người sư phụ ra, lấy má mình áp vào má sư phụ, cất tiếng khóc:

– Sư phụ xấu số ơi!

Chợt thấy trong miệng, trong mũi sư phụ vẫn còn thở ra hơi ấm, ngực cũng vẫn còn nóng, bèn gọi:
– Bát Giới ơi, anh lại đây, sư phụ chưa chết đâu!

Chú ngốc bước lại đỡ lấy sư phụ. Sư phụ tỉnh lại thở khe khẽ một lúc rồi nói:

– Con khỉ già khốn kiếp ấy nó đánh chết ta! Bát Giới, Sa Tăng cùng hỏi:
– Con khỉ già nào?

Tam Tạng không nói, chỉ thở dài. Sau khi đòi nước, uống được mấy ngụm, sư phụ mới nói:

– Đồ đệ ạ, các con vừa đi xong, thì Ngộ Không lại quay về lằng nhằng với ta, nhưng ta dứt khoát chối từ, hắn bèn đánh ta một gậy, rồi cướp luôn cả chiếc tay nải bằng dạ xanh.

Bát Giới nghe xong, nghiến răng ken két, lửa giận bừng bừng nói:

– Con khỉ khốn kiếp quá quắt, dám vô lễ đến thế cơ à? Bèn bảo:
– Sa Tăng, chú hãy trông nom sư phụ để tôi đến tận nhà hắn đòi tay nải.

Sa Tăng nói:

– Anh hãy bớt giận, chúng ta hãy dìu sư phụ vào xóm dân trong thung lũng xin ít canh nóng, hâm nóng lại cơm đã xin hôm trước để sư phụ ăn cho đỡ mệt, rồi hãy tìm hắn sau.

Bát Giới nghe lời, đỡ sư phụ lên ngựa, đựng chút cơm nguội vào chiếc bát tộ, vào thẳng cổng ngôi nhà ban nãy. Trong nhà chỉ có một bà cụ ở nhà, thấy thầy trò Đường Tăng vào, vội vàng toan chạy trốn. Sa Tăng chắp tay nói:

– Thưa lão mẫu, chúng tôi người nước Đại Đường bên phương Đông, được nhà vua sai sang phương Tây. Sư phụ tôi hơi bị mệt, chúng tôi đến nhà ta đây xin lão mẫu ít canh nóng để
cho sư phụ tôi ăn chút cơm.

Bà cụ nói:

– Vừa rồi có một hòa thượng ốm yếu nói là từ tận phương Đông tới, tôi đã cho ít cơm, bây giờ lại còn phương Đông nào nữa. Nhà tôi đi vắng cả, xin mời sang nhà khác.

Tam Tạng nghe xong, vịn vào Bát Giới tụt xuống ngựa, nghiêng mình nói:

– Thưa cụ, đệ tử tôi có ba người tâm đầu ý hợp hộ vệ tôi sang chùa Đại Lôi Âm, nước Thiên Trúc bái Phật cầu kinh. Chỉ vì người đồ đệ cả của tôi tên gọi Tôn Ngộ Không, bản tính hung ác, không theo đạo thiện, bị tôi đuổi đi. Không ngờ hắn lại ngầm quay lại, nện vào lưng tôi một gậy, cướp mất cả y bát, hành lý. Bây giờ tôi muốn sai một đồ đệ đi tìm hắn đòi lại, nhưng giữa đường giữa chợ không tiện ngồi, nên tìm đến nhà cụ đây ngồi nghỉ nhờ một lát, khi nào lấy lại được hành lý là đi ngay, không dám ở lâu đâu ạ.

Bà cụ nói:

– Vừa rồi có một hòa thượng ốm yếu vàng bủng đến xin cơm đi rồi, cũng nói là ở phương Đông sang phương Tây. Vậy bây giờ là bọn khác à?

Bát Giới không nhịn được cười, nói:

– Chính tôi đây. Bởi vì tôi tai to mõm dài sợ người nhà ta sợ hãi, không chịu cho cơm, nên đành phải biến ra hình dạng như thế. Nếu lão mẫu không tin, thì chỗ cơm trong vạt áo chú em kia, chẳng phải cơm vớt nồi nhà lão mẫu là gì?

Bà cụ nhận ra đúng là cơm mình cho, lúc ấy mới không từ chối nữa, bằng lòng cho thầy trò ngồi lại, rồi đi đun một ấm trà nóng đưa cho Sa Tăng chan cơm, Sa Tăng chan vào bát cơm nguội đưa cho sư phụ. Sư phụ ăn vài miếng, lát sau định thần lại
hỏi:

– Ai đi lấy hành lý bây giờ? Bát Giới nói:
– Năm ngoái, hồi sư phụ đuổi anh ấy đi, con đã đi tìm anh ấy một lần, nên biết động Thủy Liêm, núi Hoa Quả. Để con đi! Để con đi!

Tam Tạng nói:

– Con không đi được. Con khỉ ấy với con không được hòa thuận. Vả lại con ăn nói thô lỗ, nói vài câu có gì thất thố, hắn lại đánh cho. Để Ngộ Tĩnh đi là hơn.

Sa Tăng bằng lòng, nói:

– Để con đi! Để con đi!

Tam Tạng dặn dò thêm Sa Tăng:

– Con đến đấy phải liệu tình thế. Nếu hắn bằng lòng trả lại hành lý, thì con cứ giả vờ cảm ơn nhận lấy. Bằng không, thì đừng có tranh chấp với hắn cứ đến thẳng Nam Hải gặp Bồ Tát, nói rõ chuyện cho người hay, mời người đến đòi hộ.

Sa Tăng nhất nhất vâng lời, đoạn quay sang nói với Bát Giới:

– Bây giờ em đi tìm hắn, muôn nghìn lần mong anh chớ có lơ đễnh, phải chăm sóc sư phụ thật chu đáo. Cũng không nên trêu ghẹo người trong nhà, e họ không cho cơm ăn. Em đi sẽ về ngay.

Bát Giới gật đầu, nói:

– Tôi biết rồi. Chú cứ đi đi! Tìm được hay không thì cũng về ngay, chớ có làm cái lối “bắt cá hai tay” xôi hỏng bỏng không nhé![252]

Sa Tăng bèn bấm quyết, nhảy vút lên mây, bay thẳng đến
Đông Thắng Thần Châu. Thật là:

Thân ở thần bay không giữ bỏ, Lò không lửa đỏ thuốc tồi ngay,
Hoàng Bà biệt chúa tìm Kim Lão,[253] [254]
Mộc Mẫu trông thầy dạ đắng cay.

Bao thuở quay về lần biệt ấy? Ngày nào trở lại chuyến đi này?
Ngũ hành sinh khắc tình không thuận,

[255]
Chỉ đợi Tâm Viên trở lại ngày.

Sa Tăng đi trên không trung mất ba ngày ba đêm mới tới Đông Dương đại hải, bỗng nghe tiếng sóng vỗ ầm ầm, bèn cúi đầu nhìn, thật là: ngất trời âm khí mây đen phủ, mờ mịt bể khơi ánh nhật che. Sa Tăng cũng chẳng có lòng nào ngắm cảnh, cứ nhằm ngọn núi tiên, vượt qua Doanh Châu, đi về hướng đông đến thẳng địa phận núi Hoa Quả. Lại cưỡi gió khơi, đạp thế nước một lúc lâu nữa, thì nhìn thấy ngọn núi cao lô nhô như kiếm dựng, vách núi đá dựng đứng tựa bình phong, bèn bước tới đầu núi, hạ mây theo đường xuống núi, tìm lối vào động Thủy Liêm. Sa Tăng bước tới gần xem xét, chỉ thấy khỉ yêu vô số đang hò reo ầm ĩ, bèn bước tới gần xem xét kỹ càng, thì hóa ra là Tôn Hành Giả ngồi ngất ngưởng trên một đài đá cao, hai tay cầm một tờ giấy, miệng đọc sang sảng:

“Hoàng đế họ Lý, vua nước Đại Đường ở phương Đông, trước xa giá, sắc mệnh cho Ngự đệ thánh tăng là Huyền Trang pháp sư sang chùa Đại Lôi Âm trên núi Sa Bà Linh Sơn nước Thiên Trúc bên phương Tây bái Phật tổ Như Lai, cầu chân kinh.

Trẫm do thân thể mắc bệnh, hồn chơi âm ty, may mắn tuổi thọ
còn dài, được vua Diêm Vương cho về dương thế. Trẫm bèn mở hội làm việc thiện, cho dựng đạo tràng cứu độ vong linh. Ơn nhờ Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn hiện rõ mình vàng, chỉ bảo cho biết phương Tây có Phật có kinh, độ cho u hồn siêu thoát. Vậy trẫm đặc sai pháp sư Huyền Trang lặn lội nghìn non, hỏi tìm kinh kệ. Thảng hoặc có đi qua các nước phương Tây, mong rằng không dứt thiện duyên, chiểu theo tờ điệp văn này cho thông hành.

Năm thứ mười ba niên hiệu Trinh Quán nhà Đại Đường, mùa thu ngày lành. Ngự tiền văn điệp. Từ lúc rời khỏi Đại Đường đã đi qua nhiều nước. Dọc đường thu nhận được người đồ đệ cả là Tôn Ngộ Không Hành Giả, đồ đệ hai là Trư Ngộ Năng Bát Giới, đồ đệ ba là Sa Ngộ Tĩnh Hòa Thượng”.

Tôn Hành Giả kia lại đọc từ đầu một lượt nữa. Sa Tăng nghe biết đó là tờ điệp văn thông hành, không nén được, bước lại gần lớn tiếng nói:

– Sư huynh ơi, đấy là tờ điệp văn của sư phụ, anh mang ra đọc làm gì?

Hành Giả nghe nói, vội vàng quay đầu lại, nhưng không nhận ra là Sa Tăng, bèn quát:

– Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!

Lũ khỉ nhất loại vây chặt, bắt lôi xềnh xệch Sa Tăng đến gần quát hỏi:

– Nhà ngươi là ai mà dám tiện thiện vào sơn động của ta?

Sa Tăng thấy Hành Giả trở mặt, không thèm nhận nhau, đành bước tới cúi chào, nói:

– Thưa sư huynh, vừa rồi sư phụ quả có nóng tính lầm trách cứ sư huynh, có đọc chú mấy lần rồi đuổi sư huynh về nhà. Một là tại chúng em cũng chưa hề khuyên giải, hai là sư phụ đói khát
bảo chúng em đi xin nước xin cơm. Không ngờ sư huynh có lòng tốt quay trở lại, trách sư phụ giữ phép không lưu mình, đánh sư phụ chết ngất lăn ra đất, lại cướp cả hành lý mang đi. Chúng em đã cứu sống sư phụ và đến đây xin với anh. Mong anh nếu không giận sư phụ, còn nhớ tới công ơn sư phụ giải thoát, thì cùng em mang hành lý trở về với sư phụ, cùng sang phương Tây cho tròn chính quả. Nếu oán hận còn sâu, không chịu cùng đi, thì muôn ngàn lần mong anh cho em xin lại tay nải. Anh ở lại núi sâu vãn cảnh biển dâu, cũng là hai bề vẹn cả.

Hành Giả nghe xong, cười nhạt nói:

– Hiền đệ ạ, lời bàn ấy không hợp ý anh. Anh đánh Đường Tăng cướp hành lý, không phải là anh không muốn sang phương Tây, và cũng chẳng phải rằng anh thích sống ở đây. Vừa rồi anh đã đọc thuộc lầu tờ điệp văn, rồi tự anh sẽ sang phương Tây bái Phật cầu kinh mang về phương Đông. Như vậy là chỉ một mình anh có công, người Nam Thiệm Bộ Châu sẽ lập anh làm tổ, lưu danh muôn đời.

Sa Tăng cười, nói:

– Sư huynh nói sai rồi. Xưa nay làm gì có ai nói “Tôn Hành Giả đi lấy kinh”. Đức Phật tổ Như Lai viết ra ba tạng chân kinh, rồi sai đức Quan Âm Bồ Tát sang phương Đông tìm người đi lấy kinh, lại muốn chúng ta lặn lội nghìn non, hỏi tìm các nước, hộ vệ người đi lấy kinh cơ mà. Bồ Tát chẳng từng nói: “Người đi lấy kinh là môn sinh của Như Lai, hiệu là Kim Thiền trưởng lão. Chỉ vì người không nghe Phật tổ giảng kinh, nên bị đày ra khỏi Linh Sơn, thác sinh chốn Đông Thổ, bảo cho chính quả Tây phương, sửa lại đạo lớn, chịu đựng biết bao ma chướng dọc đường, giải thoát cho ba chúng ta để đi hộ pháp cho người. Sư huynh mà không đi với Đường Tăng, thì Phật tổ nào truyền kinh cho sư huynh, chẳng hóa ra uổng phí cả mọi tính toán sao?
Hành Giả nói:

– Hiền đệ ạ, chú còn ngu muội lắm! Chỉ biết một mà chưa biết hai. Cứ như chú nói, chú có Đường Tăng, cùng với tôi đi hộ vệ, thì chẳng lẽ tôi không có Đường Tăng chắc? Tôi sẽ chọn một vị chân tăng đắc đạo ngay tại đây rồi tự đi lấy kinh. Một mình lão Tôn hộ trì, lại không được hay sao? Tôi cũng đã chọn ngày mai lên đường rồi. Nếu chú không tin, để tôi mời sư phụ ra cho mà xem.

Bèn ra lệnh:

– Bọn nhỏ, mời sư phụ ra đây!

Bọn tiểu yêu chạy vào dắt một con ngựa bạch, mời cả một Đường Tam Tạng có cả Bát Giới đi theo gánh hành lý, Sa Tăng cầm tích trượng.

Sa Tăng thấy vậy, nổi giận nói:

– Lão Sa này đi không thay tên, ngồi không đổi họ, lẽ đâu lại có một Sa Hòa thượng nữa? Chớ có vô lễ! Nếm một trượng của ta đây!

Đoạn Sa Tăng hai tay vác bảo trượng hàng yêu nện một phát trúng đầu Sa Tăng giả. Tên này chết ngay, té ra là một con khỉ thành tinh, Hành Giả kia giận dữ, vung gậy sắt, chỉ huy đàn khỉ vây chặt lấy Sa Tăng, Sa Tăng tả xung hữu đột, đánh ra ngoài cửa động, nhảy vút lên mây chạy trốn, nói:
– Con khỉ khốn kiếp đểu giả kia, ta sẽ đi mách với Bồ Tát! Hành Giả thấy Sa Tăng đánh chết một tiểu yêu, và mình đã
đánh đuổi được Sa Tăng đi rồi bèn không đuổi theo nữa, quay
về động sai bọn tiểu yêu kéo xác con khỉ chết ra một nơi, lột da, lấy thịt đem rán, lại sai mang rượu dừa, rượu nho cùng đàn khỉ ăn uống, sau đó hắn chọn một con khỉ khác biết biến hóa, biến ra một Sa Hòa Thượng, dạy bảo lại từ đầu, sửa soạn sang phương Tây. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện Sa Tăng cưỡi mây rời Đông Hải, đi suốt ngày đêm đến Nam Hải. Đang đi, bỗng nhìn thấy núi Lạc Già trước
mặt, bèn hạ thấp đám mây dừng lại quan sát. Quả là một nơi tuyệt đẹp, chỉ thấy:

Bao cả trời cao, Gồm luôn đất rộng.
Hội trăm sông chỗ tinh tú tắm mình, Tụ muôn suối nơi gió trăng lay động. Cá côn hóa lúc triều dâng cuồn cuộn,
Con ngao bơi khi sóng dậy mênh mang. Bắc Hải, Tây Hải nguồn nước thông sang, Sóng nước chan hòa Đông Dương đại hải. Bốn biển thông nhau cùng đưa mạch giới, Non tiên thấp thoáng bóng tiên cung.
Cảnh Bồng Lai đừng vội hài lòng, Hãy xem động mây Phổ Đà đây đã. Cảnh đẹp quá!
Ráng đẹp đầu non vờn nguyên khí, Mây lành chân núi lượn vầng trăng.
Trong rừng trúc tía, khổng tước tung tăng, Trên ngọn dương xanh, chim thiêng ca hót.
Cỏ ngọc hoa ngà bốn mùa tươi tốt, Cây báu sen vàng suốt tháng đơm bông. Hạc trắng véo von chót đỉnh non tùng,
Loan xanh thánh thót bay quanh cung điện.

Cá bơi đến luyện tu chân tính, Vượt triều dâng tìm chốn nghe kinh.
Sa Tăng thong thả vừa bước, vừa ngắm cảnh núi Lạc Già, chợt thấy Mộc Soa bước tới trước mặt chào hỏi:

– Sa Ngộ Tĩnh không hộ vệ Đường Tăng đi lấy kinh, lại đến đây có việc gì?

Sa Tăng chào lại xong, nói:

– Có việc cần gặp Bồ Tát, phiền ngài dẫn vào hộ với.

Mộc Soa biết là đến tìm Hành Giả, nhưng cũng không nhắc đến, bèn vào trước nói với Bồ Tát:

– Bên ngoài có đồ đệ út của Đường Tăng là Sa Ngộ Tĩnh muốn gặp.

Tôn Hành Giả đứng bên đài nghe thấy nói như vậy bèn cười nói:

– Đúng là Đường Tăng gặp nạn, nên Sa Tăng mới đến mời Bồ
Tát đây.

Bồ Tát lập tức sai Mộc Soa ra ngoài cửa dẫn vào, Sa Tăng sụp xuống lạy. Lạy xong, bèn ngẩng lên định kể lại mọi chuyện vừa xẩy ra, bỗng nhìn thấy Tôn Hành Giả đứng bên cạnh, liền chẳng nói năng, rút luôn bảo trượng hàng yêu nện thẳng vào mặt Hành Giả.

Hành Giả cũng không đánh lại, chỉ nghiêng người né tránh. Sa Tăng luôn miệng chửi ầm ĩ:

– Con khỉ khốn kiếp độc ác phản bội kia! Nhà ngươi lại còn đến đây che giấu Bồ Tát hả?

Bồ Tát quát lên:

– Ngộ Tĩnh đứng im nào! Có việc gì nói cho ta nghe!

Sa Tăng bèn thu bảo trượng, lạy Bồ Tát hai lạy, nói với Bồ
Tát giọng vẫn bừng bừng:

– Con khỉ ấy dọc đường hành hung không biết bao nhiêu lần.
Mấy hôm trước, hắn đánh chết hai tên cướp đòi tiền mãi lộ ở bên sườn núi, sư phụ mắng quở hắn. Không ngờ buổi tối hôm ấy khi ngủ nhờ trong nhà một tên cướp, hắn lại cạn tầu ráo máng đánh chết cả bọn cướp, xách cả một cái thủ cấp máu me đầm đìa đến giơ lên cho sư phụ xem. Sư phụ sợ quá đến nỗi ngã ngựa, sau đó mắng hắn mấy câu, đuổi hắn đi. Khi chia tay rồi, sư phụ quá đói khát, sai Bát Giới đi tìm nước. Bát Giới đi mãi không về, sư phụ lại sai con đi tìm Bát Giới. Không ngờ Tôn Hành Giả thấy hai chúng con không ở đấy, bèn quay lại đánh sư phụ một gậy sắt, cướp cả hai chiếc tay nải bằng dạ xanh. Chúng con quay về, cứu chữa sư phụ tỉnh lại. Sau đó sư phụ sai con tới động Thủy Liêm tìm hắn đòi lại tay nải. Không ngờ hắn trở mặt, không thèm nhận con, lôi điệp văn thông hành ra đọc đi đọc lại. Con hỏi hắn đọc làm gì, hắn nói không thèm hộ vệ Đường Tăng, tự một mình hắn sang phương Tây lấy kinh mang về phương Đông, coi đó là công quả của mình hắn, người ta phải dựng hắn làm tổ, lưu danh muôn đời. Lúc ấy con nói: “Không có Đường Tăng thì ai truyền kinh cho anh?”. Hắn nói là hắn đã chọn được một vị chân tăng đắc đạo. Khi hắn mời ra, quả là có một con ngựa bạch, một Đường Tăng, theo sau có cả Bát Giới, Sa Tăng. Con nói: “Ta chính là Sa Hòa Thượng, làm gì có một Sa Hòa Thượng nào nữa?”, và con xông lên đập cho hắn một bảo trượng chết tươi, té ra là một con khỉ thành tinh. Hành Giả liền xua quân vây bắt con, thế là con phải đến đây tâu báo cho Bồ Tát biết. Không ngờ hắn có phép “cân đẩu vân” bay tới đây trước, và con chưa biết hắn đã nói trí trá những gì để che giấu Bồ Tát nữa.

Bồ Tát nói:

– Ngộ Tĩnh, không được vu vạ cho người. Ngộ Không đến đây đã được bốn hôm rồi, ta chưa từng thả cho hắn về một phút nào, vậy làm gì có chuyện hắn đi mời một Đường Tăng khác, có
ý tự đi lấy kinh một mình?

Sa Tăng nói:

– Hiện nay ở động Thủy Liêm có một Tôn Hành Giả thật, con đâu dám nói dối?

Bồ Tát nói:

– Đã vậy thì nhà ngươi chớ nóng nẩy, ta sẽ bảo Ngộ Không cùng đi với nhà ngươi về núi Hoa Quả xem sao. Sự thật thì khó dệt, giả dối sẽ dễ trừ, cứ đến đó tự khắc sẽ rõ.

Đại Thánh nghe lời, lập tức cùng Sa Tăng từ biệt Bồ Tát. Chuyến đi này, đến nơi sẽ:

Núi Hoa Quả phân rõ trắng đen, Động Thủy Liêm bày ra thật giả.
Cuối cùng không biết phân biệt thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.
---------------------
[250] Ba hoa: Một phép tu dưỡng của đạo giáo: Ba hoa tụ ở đỉnh đầu, năm khí về nguồn. Ba hoa rụng thì chết. “Ba hoa chưa rụng” chỉ sự sống
[251] Bốn đại: theo thuyết nhà Phật, bốn chất: đất, nước, lửa, gió tạo thành cơ thể con người gọi là “bốn đại”.
[252] Nguyên văn: Đòn xóc nhọn hai đầu tuột hết cả củi. 
[253] Hoàng Bà: ở đây chỉ Sa Tăng-Kim Lão: chỉ Ngộ Không.
[254] Mộc Mẫu: ở đây chỉ Bát Giới
[255] Tâm Viên: chỉ Hành Giả