Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ năm mươi sáu

Điên lòng trừ giặc cỏ
Mê đạo đuổi Ngộ Không

Có bài thơ rằng:

Linh đài chẳng vật gọi là thanh, Tịch mịch an nhiên niệm chẳng sinh. Khỉ ngựa giữ gìn đừng thả lỏng,
Tinh thần cẩn thận chớ chênh vênh. Giặc trừ sáu đứa, Tam thừa ngộ,[248] Đoạn tuyệt muôn duyên mới hiển linh. Diệt hết sắc tà lên cõi Phật,
Tây Phương cực lạc chốn thanh bình.

Lại nói chuyện Đường Tam Tạng chịu đựng thử thách, thà
chết để giữ cho tấm thân không bị tổn hại, sau đó nhờ ơn bọn đồ đệ Hành Giả đánh chết con rết thành tinh, cứu thoát ra khỏi động Tỳ Bà, thẳng đường cái sang phương Tây. Thấm thoắt đã sang tiết mùa hè. Chỉ thấy:

Gió nồm thoang thoảng hương lan, Mưa rào vừa tạnh, trúc ngàn lại xanh. Dây non lá ngải hương thanh,
Hoa lau trắng xóa bên ghềnh đưa hương.

Ong bay cành lựu bên đường,
Sẻ vàng ríu rít khóm dương hoa hồng.

Đường xa ai gói bánh sừng,

[249]
Thuyền rồng đến viếng nơi dòng Mịch La

Thầy trò vừa đi vừa ngắm cảnh vào tiết Trung thiên, đúng ngày Đoan ngọ, bỗng nhìn thấy một trái núi cao chắn trước mặt. Tam Tạng ghìm ngựa quay đầu gọi:

– Ngộ Không ơi, phía trước có núi, sợ có yêu quái, phải cẩn thận phòng ngừa trước đấy!

Bọn Hành Giả nói:

– Sư phụ yên tâm. Chúng con quy y lòng thành, sợ gì yêu quái!

Tam Tạng nghe vậy mừng lắm, quất roi thúc tuấn mã, lỏng cương giục giao long. Lát sau, đã lên tới sườn núi, ngẩng đầu ngắm nghía. Thật là:

Đỉnh non tùng bách cao sát mây xanh, Vách đá dây leo vòng quanh từng đợt.
Muôn trượng chót vót

Nghìn tầng chênh vênh.

Lớp lớp rêu xanh phủ mờ mặt đá, Hòe cao gội cổ kết bạn rừng già. Chốn rừng thẳm chim núi líu lo,
Giọng thánh thót rừng sâu nghe khác lạ. Nước khe trong cuốn theo nhiều ngọc đá, Hoa rụng ven đường trông tựa vàng rơi.
Rừng núi hiểm, cất bước thế chơi vơi. Đi mươi bước gồ ghề hơi chán ngán,
Cầy cáo, hươu nai, từng đôi đùa giỡn, Hươu trắng, vượn đen, từng cặp lang thang. Bỗng vang lên tiếng hổ thét kinh hoàng,
Hạc nội kêu đêm vút lưng trời thẳm. Hồng hạnh, hoàng mai tha hồ yến ẩm, Cỏ nội hoa ngàn chẳng rõ tên cây.
Bốn thầy trò bước chậm chạp trong núi giờ lâu, rồi vượt qua đỉnh núi, tới một quãng đất bằng phẳng. Trư Bát Giới phấn chấn tinh thần, bảo Sa Hòa thượng gánh hành lý, còn mình hai tay cầm đinh ba, bước tới giục ngựa. Con ngựa chẳng hề sợ hãi, mặc cho Bát Giới hò hét một hồi vẫn cứ đủng đỉnh bước một.

Hành Giả nói:

– Chú Bát Giới này, thúc ngựa làm gì, cứ để mặc cho nó đi thong thả.

Bát Giới nói:

– Trời sắp tối rồi, suốt một ngày leo núi, bụng đói cồn cào, mọi người phải đi nhanh lên một tý, tìm nhà dân xin ít cơm chay ăn chứ.

Hành Giả nghe xong, nói:

– Đã như vậy, để tôi thúc cho nó phi nhanh.

Đoạn rút gậy sắt ra múa tít, miệng quát vang. Con ngựa lỏng cương, cứ thẳng con đường bằng phẳng phóng như tên bắn. Bạn xem, con ngựa không sợ Bát Giới, chỉ sợ Hành Giả là vì sao? Vì rằng năm trăm năm trước, Hành Giả được Thượng Đế phong cho chức Bật Mã Ôn nuôi ngựa ở Ngự mã giám trên trời, đến nay tiếng còn truyền, nên loài ngựa vẫn sợ khỉ. Tam Tạng cũng không ghìm được dây cương, đành nằm rạp xuống yên, mặc cho con ngựa phóng nước đại vượt qua một cánh đồng tới hai mươi
dặm, rồi mới chịu bước thong thả.

Đang đi, bỗng nghe tiếng thanh la vang dậy, hơn ba mươi người ở hai ven đường đổ ra, đứa nào đứa nấy lăm lăm thương, đao, côn, gậy, đứng cản đường quát:

– Hòa thượng kia đi đâu?

Đường Tăng sợ quá run cầm cập, ngồi không vững, ngã nhào xuống ngựa, lóp ngóp đứng trên đám cỏ bên đường nói:

– Xin đại vương tha chết cho! Xin đại vương tha chết cho! Hai tên thủ lĩnh lực lưỡng nói:
– Không thèm đánh nhà ngươi, có tiền thì để lại!

Tam Tạng bấy giờ mới tỉnh ngộ, biết chúng là một toán cướp, bèn khép nép ngẩng đầu nhìn. Chỉ thấy:

Một tên răng nhọn, mặt xanh như Thái Tuế Một thằng mắt tròn, ngươi trố tựa Tang Môn. Mái tóc đỏ quạch như lửa hun,
Chòm râu vàng khè tựa kim cắm.

Cả hai tên:

Đội mũ da hổ hoa lấp lánh, Mặc áo da điêu đẹp gấm là. Một tên tay cầm gậy lang nha,
Một thằng vai đeo dây mây cứng. Hổ Ba Sơn quả nhiên khó vững,
Rồng biển rộng thật sự vẫn thua.

Tam Tạng thấy chúng hung dữ như vậy, đành bước lên chắp tay trước ngực nói:

– Thưa đại vương, bần tăng là người bên phương Đông, được
vua Đường sai sang phương Tây lấy kinh. Từ ngày rời Tràng An đến nay năm tháng phôi pha, có chút tiền đi đường cũng đã tiêu hết. Người xuất gia chúng tôi toàn lấy việc ăn xin làm gốc, làm gì có của cải tiền nong. Muôn xin đại vương rủ lòng thương, tha cho bần tăng đi.

Hai tên cướp dẫn cả bọn đến gần nói:

– Chúng tao trấn giữ ở đoạn đường này, giở thói sài lang, chuyên cướp của cải, thương với tiếc cái gì! Nếu nhà ngươi không có tiền bạc, thì mau lột áo để ngựa lại đây ta cho đi qua!

Tam Tạng nói:

– A Di Đà Phật! Tấm áo này của bần tăng là do xin nhà này mảnh vải, nhà kia cái kim, mỗi nhà một tý mới thành cái áo, nay các ngài cướp đi thì chẳng hóa hại tôi lắm sao? Làm thế thì trong đời này tuy là hảo hán, nhưng kiếp sau thành hạng súc sinh đấy!

Bọn cướp nghe nói càng tức giận, vác gậy dài xông vào đánh. Đường Tăng chẳng nói chẳng rằng, trong bụng thầm nghĩ:

– Thương thay! Các ngươi chỉ biết cây gậy của mình, chưa biết tới cây gậy của đồ đệ ta.

Bọn cướp chẳng thèm nói năng, vung gậy đánh túi bụi. Tam Tạng cả đời chẳng biết nói dối, gặp tai nạn đột ngột này, chẳng biết làm thế nào, đành nói dối rằng:

– Mong hai vị đại vương đừng đánh vội. Tôi còn một tên đồ đệ đi đằng sau sắp đến, trong người hắn có giắt vài lạng bạc, tôi sẽ đưa biếu các ngài.

Tên cướp nói:

– Tên hòa thượng này không xực nổi. Trói hắn lại!

Bọn lâu la ra tay ngay, lấy thừng trói Đường Tăng rồi treo lủng lẳng trên cành cây cao.

Lại nói chuyện ba đồ đệ đi sau đuổi tới nơi. Bát Giới cười hềnh hệch, nói:

– Sư phụ đi nhanh quá, chẳng biết đợi chúng mình ở đâu rồi? Bỗng thấy Tam Tạng trên cành cao, Bát Giới lại nói:
– Mọi người nhìn kìa, sư phụ đợi thì đợi, chứ còn bụng dạ nào trèo lên cây, níu dây leo đu nghịch thế kia kìa!

Hành Giả thấy vậy, nói:

– Chú ngốc đừng nói lăng nhăng, sư phụ bị treo hay sao ấy. Các chú hãy thư thả, để tôi lên xem nào.

Đoạn nhảy lên sườn núi cao nhìn kỹ, biết đó là một toán cướp, trong bụng mừng thầm nói:

– May quá! May quá! Có món hời tới cửa rồi!

Bèn chuyển bước, lắc mình một cái, biến thành một chú tiểu mặc chiếc áo thâm, tuổi chừng mười sáu, vai khoác chiếc tay nải
màu chàm, rảo bước đi tới tận nơi nói:

– Sư phụ ơi, thế kia là nghĩa lý gì? Sao lại làm cái trò của hạng người xấu như thế?

Tam Tạng nói:

– Đồ đệ ơi, không cứu ta còn hỏi cái gì? Hành Giả nói:
– Sư phụ làm cái trò gì vậy? Tam Tạng đáp:
– Một toán cướp chặn đường ta, đòi tiền mãi lộ. Nhưng trên người ta chẳng có vật gì, chúng bèn treo ta lên cây, ta đành phải đợi con đến lo liệu. Ta vừa phải tống cả con ngựa cho chúng rồi.

Hành Giả nghe xong cười, nói:

– Sư phụ chẳng được tích sự gì. Thiên hạ khối hòa thượng, nhưng vô dụng như sư phụ thì ít thấy. Vua Đường Thái Tông sai sư phụ sang phương Tây bái Phật, ai bảo sư phụ đem con long mã nộp cho người khác?

Tam Tạng nói:

– Đồ đệ ơi, nhưng ta bị treo thế này, lại bị đánh nữa, thì biết làm thế nào?

Hành Giả nói:

– Sư phụ nói với chúng thế nào? Tam Tạng nói:
– Chúng đánh ta đau quá, chẳng còn cách nào, ta khai con. Hành Giả nói:
– Sư phụ không còn chỗ nào bấu víu sao, lại khai con làm gì? Tam Tạng nói:
– Ta nói con trong người có giắt ít tiền, để chúng đừng đánh. Đấy là câu nói đỡ đòn lúc ấy thôi.

Hành Giả nói:

– Tốt! Tốt! Cảm ơn sư phụ tiến cử, khai như vậy rất phải. Giả sử trong một tháng, sư phụ khai bảy tám chục lần như thế, lão Tôn càng có món hời.

Toán cướp thấy Hành Giả trò chuyện với sư phụ, bèn bủa ra vây chặt xung quanh, nói:

– Tiểu hòa thượng kia, sư phụ nhà ngươi nói trong người nhà ngươi có giắt tiền, vậy đưa ra cho sớm thì bọn tao tha chết cho. Nếu nói nửa lời “không”, thì cũng cho cả nhà ngươi toi mạng luôn một thể!

Hành Giả đặt tay nải xuống, nói:

– Thưa các vị trưởng quan, các vị đừng làm ầm ĩ lên, tiền thì có trong tay nải đây, không nhiều lắm đâu, vàng khoảng hai mươi thoi, bạc trắng độ ba chục nén, còn chỗ vụn thì chưa hề đếm. Các vị cần thì tôi đưa cả túi, nhưng đừng có đánh sư phụ tôi. Sách xưa có nói: “Đức là gốc, tiền là ngọn”. Những thứ ấy chỉ là ngọn thôi, người xuất gia chúng tôi sẽ có chỗ khuyến hóa được. Nếu gặp được các nhà trưởng giả bố thí, thì tiền bạc cũng có quần áo cũng có, có dùng tới bao nhiêu đâu! Chỉ mong các vị tha cho sư phụ tôi, tôi sẽ biếu tất cả.

Tụi cướp nghe xong, hớn hở nói:

– Lão hòa thượng già kia keo kiệt. Chú tiểu hòa thượng này còn khí khái hơn.

Đoạn ra lệnh:

– Cởi trói hạ xuống!

Tam Tạng thoát chết, nhảy vội lên ngựa, chẳng để ý đến Hành
Giả, gia roi phóng thẳng về lối cũ.
Hành Giả vội vàng gọi:

– Sư phụ lầm đường rồi.

Đoạn xách tay nải toan đi. Tụi cướp giữ lại nói:

– Đi đâu? Để tiền lại đã, chúng tao đỡ phải ra tay! Hành Giả cười, nói:
– Nói thực, tiền thì phải chia làm ba phần đấy. Tên tướng cướp nói:
– Chú hòa thượng nhóc này khôn vặt, định giấu sư phụ giữ riêng một phần hả? Cũng được. Nào, bỏ ra đây. Nếu nhiều, ta cũng chia cho chú một ít để ăn quà vụng.

Hành Giả nói:

– Ông ơi, tôi không nói như thế. Tôi đâu có tiền bạc gì! Mà là các ông có ăn cướp được vàng bạc của ai thì phải chia cho tôi ấy.

Tụi cướp nghe nói như vậy, giận lắm, quát:

– Tên hòa thượng này không biết sợ chết! Đã không chịu bỏ tiền ra, lại còn đòi hỏi chúng tao à? Hừ, coi chừng chúng tao nện đấy!

Đoạn vung chiếc gậy quấn mây nện túi bụi xuống chiếc đầu trọc của Hành Giả. Hành Giả vờ như không biết, lại còn tươi cười, nói:

– Các ông ơi, cứ đánh thế này, thì đánh đến tết cũng chẳng thấm tháp gì!

Toán cướp cả sợ, nói:

– Tên hòa thượng này đầu cứng gớm nhì! Hành Giả cười, nói:
– Không dám, không dám, các ngài cứ quá khen và cũng biết
được như vậy à?

Toán cướp chẳng thèm nói năng, dăm đứa lại xông vào đánh túi bụi. Hành Giả nói:

– Các vị bớt giận, tôi xin mang ra đây ạ.

Đoạn Đại Thánh gãi gãi mang tai, rồi rút ra một cây kim thêu, nói:

– Thưa các vị, chúng tôi là người xuất gia, không hề giắt tiền bạc bao giờ, chỉ có cây kim này biếu các vị.

Toán cướp nói:

– Xúi quẩy quá! Thả mất lão hòa thượng giầu sang, lại đi giữ cái con lừa trọc kiết xác này! Chúng tao có là thợ may đâu, lấy kim làm quái gì!

Hành Giả nghe thấy toán cướp bảo không lấy, bèn cầm trong tay, múa loang loáng, biến thành một cây gậy to bằng miệng bát. Toán cướp sợ hãi, nói:

– Hòa thượng này nhỏ người, lại biết cả pháp thuật. Hành Giả cắm cây gậy xuống đất, nói:
– Vị nào nhấc nổi, tôi sẽ biếu đấy.

Hai tên cướp bước tới cướp cây gậy. Đáng thương thay, chẳng khác nào chuồn chuồn lay cột đá, cây gậy chẳng nhúc nhích lấy nửa phân. Bởi lẽ cây gậy ấy vốn là cây gậy Như Ý nạm vàng cân nặng một vạn ba nghìn năm trăm cân, tụi cướp đâu có biết được điều đó. Đại Thánh bước lên, nhẹ nhàng cầm lấy, đứng thế rắn vươn mình chỉ tụi cướp nói:

– Các ngươi không may gặp phải lão Tôn rồi!

Tụi cướp lại sấn vào nện Hành Giả năm sáu mươi gậy nữa. Hành Giả cười, nói:

– Cho các ngươi đánh mỏi tay, rồi để lão Tôn đánh một gậy
cho biết sự thực.

Đoạn múa gậy loang loáng, cây gậy to bằng cái miệng giếng, dài tới bảy tám trượng, rồi giáng một gậy, một thằng lăn quay ra, mồm miệng dính đất, nằm im thin thít.

Một thằng khác mở mồm quát:

– Tên đầu trọc này vô lễ quá! Tiền đã không đưa lại còn đánh chết người của ta!

Hành Giả cười, nói:

– Chưa xong đâu! Chưa xong đâu! Ta còn đánh chết từng thằng, cho tuyệt giống nhà chúng bay đi!

Đoạn giáng một gậy nữa, tên thứ hai lại chết ngay. Bọn còn lại sợ quá, vứt thương quẳng gậy, bỏ chạy tán loạn.

Lại nói chuyện Đường Tăng cưỡi ngựa chạy về hướng đông. Bát Giới, Sa Tăng giữ lại hỏi:

– Sư phụ đi đâu? Lầm đường rồi. Tam Tạng ghìm cương nói:
– Đồ đệ ơi, đến ngay nói với sư huynh con rằng nên nhẹ nhẹ tay gậy một tí, đừng đánh chết bọn cướp nhé!

Bát Giới nói:

– Sư phụ đứng đây, để con đi cho.

Chú ngốc chạy một mạch lên phía trước lớn tiếng gọi:

– Sư huynh ơi, sư phụ dặn là đừng đánh chết người. Hành Giả nói:
– Chú em ạ, ta có đánh ai đâu! Bát Giới nói:
– Lũ cướp giạt đi đâu rồi?
Hành Giả nói:

– Bọn chúng chạy ráo cả. Chỉ có hai thằng đầu sỏ nằm ngủ ở đây.

Bát Giới cười, nói:

– Hai thằng chúng bay mắc ôn dịch hay sao mà ngủ ở đây khổ sở thế này? Sao không đi chỗ khác mà ngủ lại ở đây?

Chú ngốc bước tới bên cạnh, ngắm nghía hai tên cướp, rồi nói:

– Chẳng khác gì mình, ngủ cũng há hốc mồm, mũi dãi chảy ra nhoe nhoét.

Hành Giả nói:

– Chúng bị lão Tôn nện một gậy, phọt cả đậu phụ ra đấy. Bát Giới nói:
– Đầu người cũng có đậu phụ à? Hành Giả nói:
– Đánh phọt óc ra mà lị!

Bát Giới nghe nói đánh phọt óc ra, sợ quá chạy luôn về nói với Đường Tăng:

– Toán cướp tản đi rồi. Tam Tạng nói:
– Hay quá! Hay quá! Chúng chạy đi đường nào? Bát Giới nói:
– Đã đánh chết thẳng cẳng còn chạy đi đằng trời! Tam Tạng hỏi:
– Con nói tản đi thế nào? Bát Giới đáp:
– Đánh chết chẳng phải tản đi là gì? Tam Tạng lại hỏi:
– Đánh như thế nào? Bát Giới đáp:
– Đánh thủng hai lỗ to tướng ở đầu. Tam Tạng nói:
– Mở đẫy ra, lấy mấy đồng, đi mua ngay lấy hai lá cao dán cho họ.

Bát Giới cười, nói:

– Sư phụ chẳng có kinh nghiệm gì cả. Thuốc cao chỉ dán chỗ nhọt sưng của người sống, chứ đâu có dán được chỗ đầu thủng của người chết!

Tam Tạng nói:

– Đánh chết thật à?

Thế là Đường Tăng nổi giận, miệng càu nhàu không ngớt con khỉ nọ, con khỉ kia, đoạn quay ngựa cùng Sa Tăng, Bát Giới đến chỗ người chết, thấy xác họ lăn lóc bên sườn núi, máu me lênh láng.

Tam Tạng không nỡ nhìn, sai Bát Giới:

– Con mau lấy đinh ba đào huyệt chôn cất, để ta tụng kinh
Đảo đầu độ cho họ.

Bát Giới nói:

– Sư phụ bắt ức thế. Hành Giả đánh chết sao không bắt anh ấy chôn, lại bắt lão Trư làm phu đào huyệt?

Hành Giả bị sư phụ mắng đang bực mình, bèn quát Bát Giới:

– Đồ bị thịt khốn kiếp, đi chôn đi cho rảnh! Chậm trễ ta cho một gậy!
Chú ngốc sợ quá, đi xuống dưới sườn núi đào một cái hố sâu độ ba thước, gặp toàn đá, đinh ba bổ không xuống, bèn vứt đinh ba, lấy mõm dũi, dũi tới chỗ đất mềm, làm một dũi sâu được hai thước rưỡi, dũi thứ hai sâu được năm thước, đoạn ném xác hai tên cướp xuống đấy, đắp đất thành ngôi mộ.

Tam Tạng gọi:

– Ngộ Không, lấy hương nến ra thắp lên để ta tụng kinh cầu siêu.

Hành Giả quai mồm ra nói:

– Chẳng hiểu quái gì giữa lưng chừng núi, trước chẳng thôn xóm, sau không quán hàng, đào đâu ra hương nến, có tiền cũng chẳng mua được ấy chứ.

Tam Tạng đùng đùng nói:

– Con khỉ kia cút ngay đi, để ta vun đất thắp hương khấn khứa.

Đó là:

Tam Tạng xuống yên khóc mả lạc, Thánh tăng lòng thiện lễ mồ hoang.
Tam Tạng khấn rằng:

Kính lạy hảo hán, Nghe thấu nguyên nhân. Tôi đây đệ tử,
Nước Đường phương Đông. Vâng lệnh đức Thái Tông hoàng đế, Sang phương Tây để lấy kinh văn, Kíp đến đất này,
Gặp người đông quá,
Người phủ nào, châu nào, huyện nào khác lạ, Tụ tập thành đoàn giữa chốn rừng sâu.
Ta nguyện thỉnh cầu, Van lạy hồi lâu. Không nghe thì chớ, Lại còn càn rỡ.
Gặp phải Hành Giả, Một gậy nát thân.
Nghĩ tới thi hài chết lăn, Xót thương đắp thêm mộ kín. Bẻ tre tươi làm hương nến,
Không hương khói, cũng thành tâm.

Nhặt đá cuội để làm cơm, Không mùi vị, mà lòng kính. Nếu tới Sâm La đi kiện,
Truy cội nguồn tìm nguyên nhân.

Thì hắn họ Tôn, ta họ Trần, Riêng biệt mỗi người một họ. Oan trái có nơi, nợ nần có chủ Chớ đổ nhà sư đi lấy kinh văn.
Bát Giới cười, nói:

– Sư phụ rũ sạch sẽ nhỉ? Lúc anh ấy đánh chết người, không có hai chúng con ở đấy.

Tam Tạng lại vun đất khấn thêm:

– Hảo hán có tố cáo tội trạng thì chỉ tố cáo một mình Hành
Giả, chứ Bát Giới, Sa Tăng không có liên quan.

Đại Thánh nghe xong, không nhịn nổi, cười nói:

– Sư phụ già đời người rồi mà chẳng có tình nghĩa gì hết! Vì sư phụ đi lấy kinh mà con tốn biết bao công lao khó nhọc. Vừa rồi đánh chết hai thằng giặc cỏ, sư phụ nỡ lòng nào bảo chúng đi kiện lão Tôn? Tuy chính tay con đánh chết chúng thật, nhưng cũng chỉ vì sư phụ mà thôi. Sư phụ không sang phương Tây lấy kinh, con không làm đồ đệ của sư phụ, thì con đâu có tới đây? Đâu có đánh chết người? Sư phụ để con khấn chúng một lời.

Đoạn giơ gậy sắt vụt xuống mả ba phát, nói:

– Quân cường đạo ôn dịch này nghe đây! Ta bị các người đánh bảy tám gậy, sau lại đánh ta bảy tám gậy nữa. Đánh ta chẳng đau chẳng ngứa, chỉ làm ta điên tiết lên, một sai hai lỡ, trót đánh chết các ngươi. Cho các ngươi đi kiện đâu thì kiện, lão Tôn cũng cóc sợ. Thượng Đế cũng biết ta, Thiên Vương cũng quen ta, Nhị thập bát tú đều sợ ta, Cửu điệu tinh quan cũng hốt ta, thành hoàng các phủ, huyện phải quỳ lạy ta, Đông Nhạc thiên tề cũng khiếp ta, mười ngài Diêm Vương từng làm đầy tớ cho ta, Ngũ lộ xướng thần chỉ đáng là hậu sinh của ta, bất luận Tam giới ngũ ty, Thập phương chư tể đều là chỗ thân thiết với ta, cho các ngươi muốn đi kiện đâu thì đi!

Tam Tạng thấy Hành Giả nói ra những lời hung hăng như vậy càng sợ hãi, nói:

– Đồ đệ ạ, ta khấn khứa như vậy là dạy con mở lòng hiếu sinh, thành người lương thiện, thế mà con lại tin thực à?

Hành Giả nói:

– Sư phụ ơi, như thế không phải là trò đùa hay đâu. Thôi, chúng ta hãy sớm sớm đi tìm quán trọ.

Tam Tạng đành nén giận lên ngựa.
Tôn Đại Thánh trong lòng bực bội, Bát Giới, Sa Tăng cũng có ý ghen ghét. Thầy trò bằng mặt không bằng lòng, theo đường cái đi sang hướng Tây. Bỗng mọi người nhìn thấy một tòa trang viện ở phía bắc con đường. Tam Tạng giơ roi chỉ về phía trang viện, nói:

– Chúng ta tới đó ngủ trọ. Bát Giới nói:
– Phải đấy.

Mọi người bèn đến bên trang viện dừng ngựa ngắm nghía. Thật là một nơi êm đềm. Chỉ thấy:

Đầy đường hoa dại nở, Cửa rợp bóng cây che. Nước róc rách lòng khe, Ruộng nương xanh rờn lúa.
Khóm lau rậm rạp cò êm ngủ, Chòm liễu rung rinh sẻ mệt về. Tùng nhạt bách xanh phơi tán biếc,
Bông hồng ngổ tía thoảng hương quê.

Chó sủa vang vang gà gáy rộn, Trâu bò no bụng trẻ đưa về.
Mơ màng khói bếp nồi kê chín, Chính lúc nhà nông được thỏa thuê.
Tam Tạng bước lên trước, bỗng thấy một ông già từ trong cổng xóm đi ra, bèn vái chào và hỏi thăm. Ông già hỏi:

– Nhà sư từ đâu tới? Tam Tạng thưa:
– Bần tăng người nước Đại Đường bên phương Đông vâng lệnh nhà vua sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, dọc đường qua xứ ta vừa lúc trời tối, vào nhà ta đây xin ngủ nhờ một đêm ạ.

Ông già cười, nói:

– Từ quý xứ của ngài đến chỗ chúng tôi đường sá xa xôi, làm sao một mình ngài trèo đèo lội suối tới đây được?

Tam Tạng nói:

– Bần tăng cùng đi với ba đồ đệ nữa. Ông già hỏi:
– Các vị cao đệ đâu cả rồi? Tam Tạng chỉ tay, nói:
– Họ đứng bên phía đường kia ạ.

Ông già ngẩng đầu nhìn, thấy anh em Hành Giả mặt mũi xấu xí, vội vàng quay người chạy tọt vào. Đường Tăng giữ lại nói:

– Thưa cụ, xin cụ rủ lòng từ bi cho ngủ nhờ một đêm. Ông già run cầm cập, lắc đầu xua tay, miệng lắp bắp:
– Không, không, không, không phải người, mà là mấy… mấy con yêu tinh.

Tam Tạng cười ngất, nói:

– Cụ đừng sợ, đồ đệ của tôi sinh ra đã có tướng mạo như vậy, chứ không phải yêu tinh đâu.

Ông già nói:

– Ngài ơi, một người như quỷ dạ xoa, một người mặt ngựa, một người như ông thiên lôi.

Hành Giả nghe thấy thế, bèn lớn tiếng nói:

– Thiên lôi chỉ đáng là cháu ta, Dạ xoa là chắt ta, mặt ngựa là chút ta thôi.
Ông già nghe nói như vậy hồn bay phách tán, mặt mũi tái xanh, chỉ chực chạy vào.

Tam Tạng nắm tay ông già cùng đi vào nhà tươi cười, nói:

– Cụ đừng sợ họ. Họ đều thô lỗ như thế cả, không biết trò chuyện gì đâu.

Đang khuyên giải, chợt thấy một bà cụ tay dắt đứa trẻ chừng năm sáu tuổi, ở đằng sau đi ra nói:

– Có điều gì mà ông sợ hãi thế? Lúc ấy ông già mới gọi:
– Bà ơi, mang trà lại đây.

Bà cụ buông đứa trẻ, quay vào trong nhà bưng ra hai chén trà. Uống trà xong, Tam Tạng mới quay lại chào bà cụ và nói:

– Bần tăng là người nước Đại Đường bên phương Đông, được nhà vua sai sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, vừa mới tới quý xứ đây, vào nhà ta xin ngủ nhờ một tối. Chỉ vì ba đồ đệ của tôi mặt mũi xấu xí, ông nhà ta trông thấy có phần sợ hãi.

Bà cụ nói:

– Thấy người xấu xí mà sợ hãi như vậy, ngộ gặp hổ báo sói lang thì làm sao?

Ông cụ nói:

– Bà ơi, mặt mũi xấu xí còn khả dĩ, chứ ăn nói mới khiếp chứ! Tôi nói họ giống thiên lôi, mặt ngựa, Dạ xoa, họ quát lên thiên lôi chỉ đáng là cháu, Dạ xoa là chắt, mặt ngựa là chút. Tôi nghe vậy mới đâm hoảng.

Đường Tăng nói:

– Không phải, không phải. Người mặt giống thiên lôi là đồ đệ cả của tôi tên gọi Tôn Ngộ Không. Người giống mặt ngựa là đồ
đệ hai, tên gọi Trư Ngộ Năng. Người giống Dạ xoa là đồ đệ ba tên gọi Sa Ngộ Tĩnh. Tuy họ mặt mũi xấu xí nhưng theo đạo Sa môn, quy y thiện quả, không phải là ma thiêng quỷ dữ gì đâu, việc gì mà sợ!

Hai ông bà nghe nói đến tên hiệu của họ và rằng họ đã theo đạo Sa môn, quy y thiện quả, lúc ấy mới yên tâm bảo:

– Xin mời vào, xin mời vào!

Tam Tạng ra cửa gọi anh em Hành Giả vào và dặn dò:

– Vừa rồi ông bà rất ghét các con. Bây giờ vào gặp người ta, các con chớ có vô lễ, phải tôn trọng người ta mới được.

Bát Giới nói:

– Con đẹp trai, con nho nhã, không càn quấy như sư huynh con đâu.

Hành Giả cười, nói:

– Nếu không phải cái mõm dài, tai to, mặt xấu thì cũng bảnh trai đấy.

Sa Tăng nói:

– Đừng cãi vã nữa. Đây không phải là chỗ tranh hơn tranh kém. Vào đi! Vào đi!

Đoạn gánh hành lý, dắt ngựa vào nhà. Mấy anh em cùng chào một tiếng thật to rồi ngồi xuống. Bà cụ nom hiền lành dắt đứa trẻ quay vào dặn người nhà thổi cơm, dọn bữa cơm chay để thầy trò xơi cơm. Ăn cơm xong trời đã xâm xẩm tối, đèn được đốt lên, mọi người ngồi trong căn nhà tranh nói chuyện phiếm. Tam Tạng hỏi:

– Thưa cụ, cụ họ gì ạ? Ông cụ thưa:
– Tôi họ Dương.
Lại hỏi tuổi, ông cụ đáp:

– Năm nay tôi bảy mươi tư. Lại hỏi:
– Cụ được mấy người con? Ông cụ nói:
– Chỉ được một người con trai. Thằng nhỏ bà lão vừa dắt là cháu nội.

Tam Tạng nói:

– Xin mời cậu ấy ra để chúng tôi có lời chào. Ông cụ nói:
– Thằng ấy không đáng gặp, tôi đây xấu số không dạy nổi nó. Vả lại bây giờ nó cũng không có nhà.

Tam Tạng nói:

– Cậu ấy đi làm ăn ở đâu ạ? Ông già gật đầu, thở dài nói:
– Đáng thương! Đáng thương! Nếu nó chịu đi làm ăn thì đã phúc cho tôi. Đằng này nó chỉ chuyên làm điều ác, chẳng thiết làm ăn, rặt là ăn cướp đón đường, đốt nhà giết người, chơi bời giao du toàn những quân mèo đường chó điếm, đi suốt năm ngày nay chưa thấy về.

Tam Tạng nghe xong chẳng dám hé răng, trong lòng nghĩ thầm:

– Hay là tên cướp bị Ngộ Không đánh chết nhỉ? Tam Tạng sắc mặt lo lắng, nghiêng mình nói:
– Lạ nhỉ, lạ nhỉ! Cha mẹ hiền lành mà lại sinh con ngỗ ngược! Hành Giả bước tới gần nói:
– Cụ ạ, cái hạng con cái bất lương bất hiếu, trộm cắp tà dâm làm phiền lụy đến cha mẹ như thế dùng được việc gì, để tôi tìm về hộ cụ rồi đập chết quách cho rảnh!

Ông cụ nói:

– Tôi cũng muốn tống khứ nó đi, nhưng hiềm không có đứa thứ hai, nên tuy nó hư hỏng cũng vẫn phải nuôi để sau này nó đắp nấm mồ cho cái thân già này chứ.

Sa Tăng và Bát Giới cười, nói:

– Sư huynh ơi, mặc các cụ nói chuyện phiếm. Chúng ta chẳng phải quan phủ, nhà họ không muốn, mình dây vào làm gì! Hãy nói với cụ chủ nhà xin bó cỏ khô trải vào góc kia mà ngủ, sáng mai đi sớm.

Ông già bèn đứng dậy bảo Sa Tăng ra vườn sau lấy hai ôm rơm rồi bảo vào cả trong túp lều giữa vườn mà ngủ. Hành Giả dắt ngựa, Bát Giới gánh hành lý, cùng Tam Tạng vào ngủ cả trong lều. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện trong toán cướp có người con của cụ Dương. Bọn chúng bị Hành Giả đánh chết hai tên cầm đầu ở sườn núi lúc sáng sớm, những đứa còn lại bỏ chạy toán loạn, vào khoảng canh tư, chúng mới tụ tập rồi trở về nhà gọi cổng. Ông già nghe tiếng gõ cửa, vội vàng mặc áo vào nói:

– Bà ơi, cái lũ ấy về đấy. Bà cụ nói:
– Đã về à, ông ra mở cổng để chúng vào đi. Ông già ra mở cửa. Cả toán cướp kêu la ầm ĩ:
– Đói quá! Đói quá!

Thằng con cụ Dương ập ngay vào trong nhà gọi người vợ dậy, bắt lấy gạo nấu cơm. Nhưng dưới bếp hết củi, hắn phải ra vườn
sau kiếm củi, rồi trở vào bếp hỏi vợ:

– Con ngựa bạch ở vườn sau của ai đấy? Người vợ đáp:
– Của ngài hòa thượng người phương Đông đi lấy kinh, tối qua đến ngủ nhờ. Ông bà đã mời họ ăn cơm và bảo họ vào ngủ trong lều.

Người con trai cụ Dương chạy ra khỏi nhà, vỗ tay cười, nói:

– Anh em ơi, may quá! May quá! Lũ oan gia nằm trong nhà đây rồi!

Bọn cướp hỏi:

– Oan gia nào? Người con trai nói:
– Tên hòa thượng đánh chết thủ lĩnh của chúng ta đến ngủ nhờ ở nhà tôi, hiện chúng đang ngủ trong lều tranh.

Bọn cướp nói:

– Hay lắm! Hay lắm! Phải bắt sống mấy con lừa trọc này băm nát từng thằng, một là cướp lấy hành lý, hai là báo thù cho thủ lĩnh chúng ta!

Người con trai nói:

– Đừng vội! Anh em cứ đi mài dao, để tôi nấu cơm, mọi người ăn no xong, ta nhất tề hạ thủ.

Thế là bọn cướp, đứa thì mài dao, đứa thì mài giáo.

Ông già nghe thấy bọn cướp bàn tán như thế, bèn len lén đi ra vườn sau, nói với bốn thầy trò Đường Tăng rằng:

– Thằng con tôi dẫn tụi cướp về, chúng biết các ngài ở đây, bụng muốn mưu hại. Tôi nghĩ các ngài ở xa đến, không nỡ nhìn các ngài bị hại. Vậy các ngài mau thu xếp hành lý, tôi đưa ra
cổng sau mà trốn đi!

Tam Tạng nghe nói như vậy, run rẩy dập đầu lạy tạ ông già, rồi vội vàng bảo Bát Giới dắt ngựa, Sa Tăng gánh hành lý, Hành Giả cầm gậy tích trượng chín vòng. Ông già mở cổng sau đưa thầy trò ra, đoạn lại rón rén quay về đi ngủ như cũ.

Lại nói chuyện bọn cướp giáo mác mài sáng loáng, chén một bữa no say, lúc đó vào khoảng canh năm, cả bọn bèn kéo nhau vào vườn xem xét, nhưng chẳng thấy bóng người, vội vàng đốt đuốc châm đèn, tìm kiếm hồi lâu, cũng chẳng thấy dấu vết, lại thấy cổng sau mở toang, bèn nói:

– Chúng trốn bằng đường cổng sau rồi!

Đoạn bọn chúng hét váng, hò nhau đuổi theo.

Cả bọn chạy như tên bắn đuổi theo cho tới khi mặt trời đằng đông đã mọc mới trông thấy Đường Tăng.

Tam Tạng nghe thấy tiếng hò hét bèn quay đầu nhìn, thấy đằng sau có khoảng hai ba chục người vác giáo mác cung tên đang đuổi tới, liền gọi:

– Các đồ đệ ơi, bọn cướp đuổi tới, biết làm sao bây giờ? Hành Giả nói:
– Sư phụ cứ yên tâm. Lão Tôn biết chúng đuổi theo rồi. Tam Tạng ghìm cương, nói:
– Ngộ Không ơi, chớ có giết người, chỉ dọa cho chúng rút là được.

Hành Giả đâu có chịu nghe, rút gậy sắt ra quay lại đón bọn cướp, nói:

– Các vị đi đâu? Bọn cướp quát:
– Thằng đầu trọc vô lễ, trả mạng đại vương ta đây!

Bọn cướp tản ra vây chặt Hành Giả vào giữa, vung gươm giáo đâm chém loạn xị. Đại Thánh cầm cây gậy sắt quay một vòng, to bằng miệng bát, rồi xông vào đánh bọn cướp như mây tan sao rụng, cây gậy đụng vào là toi mạng, quệt vào là hết đời, chạm vào là gãy xương, cọ vào là toạc da. Thằng nào nhanh chân còn chạy thoát, những đứa chậm chạp đều chầu Diêm Vương.

Tam Tạng ngồi trên mình ngựa thấy Hành Giả đánh chết nhiều người, sợ quá vội vàng phóng ngựa sang hướng Tây. Trư Bát Giới và Sa Hòa Thượng theo sát sư phụ cùng chạy.

Hành Giả hỏi một tên cướp bị thương chưa chết:

– Thằng nào là con cụ Dương? Tên cướp rên hừ hừ, nói:
– Thưa ngài, đứa mặc áo vàng kia ạ.
Hành Giả bước tới, giật lấy con dao, cắt ngay đầu tên mặc áo vàng, xách trong tay máu me đầm đìa, đoạn thu gậy sắt, rảo bước tới trước mặt Đường Tăng, giơ chiếc đầu lên nói:

– Thưa sư phụ, thằng nghịch tử nhà cụ Dương bị con cắt thủ cấp mang về đây.

Tam Tạng nhìn thấy, sợ hãi tái mặt, ngã lăn xuống ngựa, quát mắng Hành Giả:

– Con khỉ già khốn kiếp làm ta sợ hết hồn, mang đi mau! Mang đi mau!

Bát Giới bước lại đá chiếc đầu lâu lăn lông lốc xuống vệ đường, đoạn lấy đinh ba đào đất lấp lên.

Sa Tăng đặt gánh hành lý, đỡ Đường Tăng dậy nói:

– Mời sư phụ đứng dậy.

Đường Tăng đứng dưới đất định thần lại, bắt đầu niệm bài “khẩn cô nhi”, làm cho đầu Hành Giả như bị thắt lại, đỏ mặt tía tai, mắt lồi đầu váng, lăn lộn trên mặt đất, kêu la:

– Sư phụ đừng niệm nữa. Đừng niệm nữa!

Tam Tạng cứ niệm liền một mạch đến hơn mười lượt, mà vẫn chưa thôi. Hành Giả đau đớn nhào lộn như chuồn chuồn, không sao chịu nổi chỉ gọi:

– Sư phụ ơi tha tội cho con! Sư phụ trách gì thì cứ nói, đừng niệm nữa! Đừng niệm nữa!

Tam Tạng lúc ấy mới dừng niệm, nói:

– Chẳng có gì phải nói cả, ta không cần nhà ngươi đi theo ta nữa, nhà ngươi về đi!

Hành Giả nén đau, dập đầu nói:

– Sư phụ ơi, làm sao mà sư phụ đuổi con đi?
Tam Tạng nói:

– Nhà ngươi là con khỉ già khốn kiếp cực kỳ độc ác, chứ không phải là người đi lấy kinh nữa. Hôm qua ở sườn núi, nhà ngươi đánh chết hai tên tướng cướp, ta đã trách là bất nhân. Buổi tối tới nhà cụ Dương, được người ta cho ăn cho ngủ, lại mở cửa sau, bảo cho chạy thoát. Tuy con người ta hư hỏng, nhưng liên can gì đến ta, tại sao lại cắt bêu đầu, lại còn đánh bao nhiêu người, giết bao nhiêu sinh mạng, làm tổn thương bao nhiêu là hòa khí của trời đất nữa? Ta đã nhiều lần khuyên nhà ngươi mà nhà ngươi chẳng mảy may có một ý nghĩ lành nào, vậy dùng nhà ngươi làm gì! Cút ngay đi! Cút ngay đi! Không ta lại niệm chú nữa bây giờ!

Hành Giả sợ quá, vội nói:

– Sư phụ đừng niệm nữa! Đừng niệm nữa! Con đi đây!

Vừa dứt lời, Hành Giả đã nhảy vút lên mây, dùng phép cân đẩu vân bay đi mất tăm mất dạng, chẳng thấy đâu nữa. Than ôi, thế mới là:

Tâm tính hung cuồng linh đơn sượng, Tinh thần bất định đạo công toi.
Cuối cùng không biết Đại Thánh đi đâu, xem hồi sau sẽ rõ.

-------------------
[248] Sáu giặc (lục tặc) gồm: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chúng quấy rối, cướp đoạt thiện pháp làm người ta mê muội. Muốn giác ngộ đạo Tam thừa (đạo phật), phải diệt trừ sáu tên giặc đó.
[249] Người nước Sở gói bánh nếp hình sừng bò thả xuống sông Mịch La nơi Khuất Nguyên tự vẫn để viếng ông vào ngày Tết Đoan dương (hay) Đoan ngọ ngày năm tháng năm âm lịch.