Uống nước sông, Tam Tạng mang nghén quỷ
Đi lấy nước, Sa Tăng giải thai ma
Đức hạnh nên tu tám trăm, Âm công cần chứa ba ngàn. Quân binh ta – vật, thân – oan, Mới hợp Tây Thiên bản nguyện. Ma Tỷ đao binh chẳng chuyên, Mước phun lửa cháy không sờn. Lão Quân hàng phục tang thiên, Cưỡi dắt trâu xanh quay gót.
Tiếng gọi bên đường đó là ai? Chính là sơn thần, thổ địa núi
Kim Đâu bưng chiếc bát tộ màu tía, cất tiếng nói:
– Thưa Đại Thánh, bát cơm này ngài xin ở nơi lương thiện mang về. Tại sao sư phụ không nghe lời nói phải, sa vào tay yêu ma, làm cho Đại Thánh phải vất vả vô cùng, đến bây giờ mới cứu ra được. Vậy xin mời sư phụ lại xơi cơm, sau đó tiếp tục lên đường, kẻo phụ tấm lòng hiếu thảo của Tôn Đại Thánh.
Tam Tạng nói:
– Đồ đệ ơi, thật muôn sự đều trông nhờ vào con, nói sao cho xiết! Nếu biết sớm đừng ra khỏi vòng, thì đâu đến nỗi gặp tai nạn chết người này.
Hành Giả nói:
– Chẳng giấu sư phụ, chỉ vì sư phụ không tin cái vòng của
con, nên lại sa vào cái vòng của người khác xiết bao khổ sở. Tiếc thay! Tiếc thay!
Bát Giới nói:
– Làm gì có cái vòng nào nữa? Hành Giả nói:
– Toàn là tại cái đồ bị thịt tai to mồm dài nhà chú, nên sư phụ mới bị khổ sở. Lão Tôn lại phải một phen lao đao long trời lở đất, đi mời thiên binh, Hỏa Đức, Thủy Bà, cả Kim sa của Phật tổ… Nhưng mọi thức đều bị cái vòng trắng phau phau của yêu quái cuốn đi hết. Sau nhờ Như Lai mách kín với La Hán, nói cho lão Tôn biết lai lịch của yêu quái, lúc ấy tôi mới đi mời Lão Quân tới thu phục được nó, té ra nó là con trâu xanh tác quái.
Tam Tạng nghe xong, hết lời cảm tạ:
– Đồ đệ giỏi ơi, lần này đã trót như vậy, lần sau nhất định phải nghe lời con dặn dò.
Bốn người bèn chia nhau ăn cơm. Bát cơm nóng bốc hơi nghi ngút, Hành Giả hỏi:
– Cơm này xin từ lâu rồi, sao vẫn còn nóng thế? Thổ địa quỳ xuống thưa:
– Tiểu thần biết Đại Thánh xong công việc, nên hâm nóng lại đem dâng
Một lát sau ăn cơm xong, thầy trò thu dọn, từ biệt thổ địa, sơn thần. Sư phụ lúc ấy mới nhảy lên yên, vượt qua ngọn núi cao. Thực là:
Chay tịnh thành tâm theo chính giáo, Ăn sương nằm gió lại sang Tây.
Đi được ít lâu, đúng lúc tiết xuân sang.
Chỉ nghe thấy:
Yến tía líu lo, Oanh vàng thánh thót.
Yến tía líu lo hương đượm ngọt,
Oanh vàng thánh thót giọng ngân vang.
Mặt đất hoa rơi gấm phơi vàng, Đỉnh non chồi nẩy tầng thẳm biếc, Sườn núi thanh mai vừa ngậm hạt, Vách non cổ thụ ẩn mây vương.
Xóm thôn hoa khôi quyện mơ màng, Bãi cát nắng mai soi óng ánh.
Khắp chốn núi rừng hoa lấp lánh, Xuân về khóm liễu vẻ thanh tân.
Đang đi bỗng gặp một dòng sông nhỏ nước trong leo lẻo, sóng gợn lăn tăn, Đường Tăng dừng ngựa ngắm nghía, thấy xa xa bên bờ sông bên kia, thấp thoáng bóng mấy mái nhà tranh trong khóm liễu biếc. Hành Giả chỉ sang bờ bên kia, nói:
– Trong xóm bên kia hẳn có nhà lái đò. Tam Tạng nói:
– Ta xem bờ bên ấy cũng như bờ bên này, chẳng thấy bóng thuyền bè nào, nên không dám gọi.
Bát Giới đặt gánh hành lý xuống, lớn tiếng gọi:
– Bác lái đò ơi, cho sang với!
Gọi đến dăm lần, bỗng thấy trong khóm liễu có tiếng loạt soạt rồi một con đò hiện ra. Một lát sau, con đò đã sang tới gần bên này, thầy trò nhìn kỹ. Thật là:
Mái chèo ngắn khua sóng Cây sào nhẹ bơi tung. Mạn thuyền cuộn dây sắt, Sau thuyền bánh lái cong. Tuy là con đò nhỏ,
Kém gì thuyền biển sông Chẳng lèo tơ buồm gấm, Cũng chèo quế cột tùng. Chẳng vượt nơi biển rộng, Cũng giúp người qua sông Lại qua hai đầu bên,
Ra vào chỉ một dòng.
Trong khoảnh khắc, con đò cập bờ. Người lái đò nói:
– Ai qua sông thì xuống đò đi!
Tam Tạng giục ngựa tới gần nhìn, thấy người lái đò ăn mặc:
Đầu trùm khăn vuông gấm, Chân đi đôi hài tơ.
Áo vải bông trăm mảnh, Quần vá víu xác xơ.
Tay chai da khô cứng, Mặt rắn mắt lờ mờ. Giọng nói như oanh hót, Nhìn kỹ hóa mụ già.
Hành Giả tới sát con đò hỏi:
– Bà là lái đò đấy à?
Người đàn bà đáp:
– Thưa vâng. Hành Giả nói:
– Đàn ông đi đâu cả mà để đàn bà chèo đò?
Người đàn bà tủm tỉm mỉm cười không trả lời, hai tay bắc tấm ván làm cầu. Sa Hòa Thượng gánh hành lý xuống nước, Hành Giả đỡ sư phụ xuống cầu, đoạn bước lên thuyền, Bát Giới dắt ngựa bạch xuống sau rồi rút tấm ván. Người đàn bà đẩy con đò, khua mái chèo, trong khoảnh khắc đã sang tới bờ bên kia.
Lên bờ, Tam Tạng bảo Sa Tăng cởi hầu bao lấy tiền trả cho nhà đò. Người đàn bà chẳng chê ít nhiều, buộc đò vào chiếc cọc ở cạnh bờ, cười khúc khích rồi đi thẳng vào trong xóm. Tam Tạng thấy dòng nước trong vắt, lại đang lúc khát, bèn bảo Bát Giới:
– Con lấy bát ra múc một bát cho ta uống. Bát Giới nói:
– Con cũng đang khát đây.
Bèn lấy bát, múc một bát đưa cho sư phụ. Sư phụ uống non nửa, còn già nửa đưa cho Bát Giới. Bát Giới nhận lấy, làm một hơi hết sạch, đoạn đỡ Tam Tạng lên ngựa.
Thầy trò tìm đường sang Tây. Đi được chừng nửa tiếng, Tam
Tạng ngồi trên mình ngựa bỗng rên hừ hừ:
– Đau bụng quá!
Bát Giới đi sau cũng nói:
– Con cũng thấy bụng hơi đau. Sa Tăng nói:
– Hay tại uống nước lã?
Vừa dứt lời, thấy sư phụ kêu rống lên:
– Đau quá!
Bát Giới cũng kêu:
– Đau quá!
Hai người bụng đau dữ dội, bụng dần dần thấy to ra. Lấy tay sờ vào, thấy tựa như có hòn máu cục thịt cựa quậy không ngừng. Tam Tạng đau đớn ngồi không vững. Lúc ấy chợt thấy ven đường có một xóm dân, trên một ngọn cây có treo lơ lửng hai bó cỏ, Hành Giả bèn nói:
– Sư phụ ơi, tốt rồi! Chỗ kia có quán rượu, chúng ta vào đó xin cho sư phụ chút canh nóng ăn, và hỏi xem họ có bán thuốc không để mua cho sư phụ là thuốc cao chữa đau bụng.
Tam Tạng nghe nói mừng lắm, thúc ngựa đi. Một lát đã tới cổng thôn. Tam Tạng xuống ngựa, thấy một bà cụ đang ngồi ngay ngắn nối gai trên bãi cỏ ngoài cổng. Hành Giả bước tới nói:
– Chào bà, bần tăng từ nước Đại Đường bên phương Đông tới. Sư phụ tôi là em của vua Đường, nhân đi qua sông có uống một ngụm nước, bị đau bụng…
Bà cụ cười khà khà, hỏi:
– Các ngài uống nước ở bờ sông bên nào? Hành Giả đáp:
– Sư phụ tôi uống ít nước ở bờ phía đông. Bà cụ thích thú cười, nói:
– Chơi được đấy! Chơi được đấy! Ngài lại gần đây, tôi nói cho mà nghe.
Hành Giả bèn dìu Đường Tăng, còn Sa Tăng dìu Bát Giới. Hai người rên hừ hừ, bụng thì phưỡn ra, đau đến nỗi mặt mày nhợt nhạt, bước vào trong nhà ngồi xuống. Hành Giả nói:
– Bà làm ơn đun cho sư phụ tôi ít nước nóng, chúng tôi xin cảm tạ.
Bà cụ chẳng đi đun nước, chỉ cười hì hì chạy vào phía sau gọi:
– Mọi người lại mà xem! Lại mà xem!
Có tiếng dép lẹp kẹp vang lên, mấy người đàn bà đứng tuổi bước lại nhìn Đường Tăng cười tủm tỉm. Hành Giả thấy vậy, tức giận nghiến răng quát vang, khiến cho ai nấy sợ hãi run rẩy, chạy dạt ra đằng sau. Hành Giả chạy lại túm lấy bà già nói:
– Mau đi đun nước thì ta tha cho! Bà già run cầm cập nói:
– Thưa ngài, có đun nước cũng không làm gì được, cũng không chữa được bệnh đau bụng của hai ngài ấy đâu. Ngài buông tôi ra, tôi nói cho mà nghe…
Hành Giả buông ra, bà già nói:
– Xứ chúng tôi đây gọi là Tây Lương nữ quốc. Cả nước chúng tôi chỉ toàn là đàn bà, không có một người đàn ông nào, cho nên được thấy các ngài, chúng tôi mừng lắm. Còn sư phụ ngài uống phải thứ nước không hay rồi. Con sông ấy tên là sông Tử Mẫu. Ngoài kinh thành quốc vương chúng tôi, còn có một tòa Nghênh Dương quán dịch, cửa quán có suối chiêu thai. Người nước chúng tôi khi ngoài hai mươi tuổi mới dám đi uống nước sông ấy. Uống nước xong bèn thấy đau bụng và có thai. Độ ba hôm sau thì đến quán Nghênh Dương soi thai xuống dòng suối. Nếu soi thấy có hai bóng sẽ là đẻ con. Sư phụ ngài uống phải nước sông Tử Mẫu, nên đã mang thai, chẳng bao lâu sẽ đẻ con, nước uống chữa làm sao được?
Tam Tạng nghe xong sợ hãi tái mặt nói:
– Đồ đệ nói, làm thế nào bây giờ? Bát Giới ôm bụng quằn quại nói:
– Cha mẹ ơi, sắp đẻ con, mà chúng ta lại là đàn ông thì đẻ ở chỗ nào? Thai ra đằng nào được?
Hành Giả cười, nói:
– Cổ nhân có câu: “Quả chín tự rụng”. Đến lúc ấy nhất định ở nách sẽ rách ra một đoạn để thai chui ra chứ!
Bát Giới nghe xong sợ run lên, không chịu nổi đau đớn, nói:
– Thôi, thôi! Thế là chết rồi! Sa Tăng cười, nói:
– Anh hai ơi, chớ có quằn quại, lỡ lệch dạ con, cái thai sẽ
mang bệnh đấy.
Chú ngốc càng phát hoảng, nước mắt giàn giụa, túm tay Hành
Giả, nói:
– Anh ơi, anh hỏi bà cụ xem ở đâu có bà đỡ mát tay, tìm sẵn mấy bà. Em đau quặn từng cơn, cảm thấy hình như sắp đẻ đến nơi rồi. Mau lên! Mau lên!
Sa Tăng càng cười khỏe, nói:
– Anh Hai ơi, đã đau quặn như thế thì chớ có cựa quậy, kẻo vỡ nước ối đấy!
Tam Tạng rên hừ hừ nói:
– Bà lão ơi, ở đây có thầy lang không? Để tôi bảo đồ đệ đi mua thang thuốc trụy thai về uống cho ra thai.
Bà già nói:
– Có thuốc cũng không chữa được. Có điều là ở phía chính nam dãy phố này có ngọn núi Giải Dương, trong núi có động “Phá Nhi”, trong đọn có suối “Rụng thai”. Chỉ có uống nước suối ấy mới phá đượ cái thai. Nhưng bây giờ thì chẳng lấy được rồi. Năm ngoái có một đạo nhân xưng là Như Ý chân tiên đến đây, đổi tên động Phá Nhi thành am Tụ Tiên, chiếm giữ suối “Rụng thai”, không cho ai tự tiện đến lấy. Ai muốn xin thứ nước ấy phải sắm lễ hoa hồng, khay quả, rượu ngon chí thành dâng lên mà mới xin được có một bát. Các ngài là những nhà sư lang thang lấy đâu ra lắm tiền mà sắm lễ? Thôi đành tùy số phận, đợi đủ ngày mà đẻ vậy.
Hành Giả nghe nói như vậy, trong lòng mừng rỡ, hỏi:
– Thưa bà, từ đây đến núi Giải Dương có xa không? Bà cụ đáp:
– Khoảng ba mươi dặm.
Hành Giả nói:
– Tốt rồi! Tốt rồi! Sư phụ yên tâm, đợi lão Tôn đi mang nước về cho sư phụ uống.
Đoạn lại dặn dò Sa Tăng:
– Chú trông nom sư phụ cẩn thận. Nếu có ai vô lễ chòng ghẹo sư phụ thì chú cứ giở thủ đoạn ngày xưa hóa làm hổ cái dọa họ, để tôi đi lấy nước nhé!
Sa Tăng nghe lời. Bà cụ đưa chiếc bát sành cho Hành Giả, nói:
– Cầm cái bát này đi, lấy nhiều nhiều một chút thừa cho chúng tôi xin, có lúc cần dùng đến.
Hành Giả cầm chiếc bát sành, bước ra khỏi nhà, cưỡi mây đi luôn. Bà cụ ngửa mặt lên trời lạy nói:
– Cha mẹ ơi, vị hòa thượng này biết cưỡi mây!
Đoạn quay vào gọi mấy người đàn bà kia ra dập đầu lạy Đường Tăng và gọi Đường Tăng là La Hán, Bồ Tát. Một mặt sai người đi đun nước nấu cơm thết đãi Đường Tăng. Chuyện không nói nữa.
Lại nói chuyện Tôn Đại Thánh dùng phép cân đẩu vân bay đi, trong chớp mắt đã trông thấy ngọn núi cao vút tầng mây, bèn dừng mây, căng mắt xem xét. Thật là một ngọn núi tuyệt đẹp. Chỉ thấy:
Hoa rừng thêu gấm biếc, Cỏ nội phơi thắm xanh. Nước khe chảy róc rách, Mây núi vẫn bay quanh.
Tầng tầng hang hốc dây leo kín,
Lớp lớp non cao cây tựa thành.
Chim kêu nhạn bay lượn, Hươu uống, vượn đu cành. Núi xanh như mây sẫm, Non biếc tựa tóc xanh.
Bụi trần cuồn cuộn khôn đường tới, Nước chảy rì rào suối uốn quanh. Tiên đồng hái thuốc trên non thẳm, Tiều phu kiếm củi dưới ngàn xanh. So với Thiên Thai nào có kém,
Tây Hoa sơn nữa cũng khôn dành.
Đại Thánh đang ngắm nhìn ngọn núi, bỗng nhìn thấy một trang viên thấp thoáng trong lùm cây, và nghe thấy cả tiếng chó sủa, bèn hạ xuống sườn núi, đi thẳng vào trong trang viên. Quả là một nơi u nhã:
Cầu nhỏ vắt qua suối, Nếp tranh dựa núi xanh. Chó sủa bên gian vắng, Người đi cốt cách thanh.
Lát sau, Hành Giả đi tới trước cửa, thấy một đạo nhân già đang ngồi xếp bằng tròn trên bãi cỏ xanh, bèn đặt chiếc bát sành xuống, bước tới gần chào hỏi. Đạo nhân nghiêng người đáp lễ hỏi:
– Ở phương nào tới? Đến tiểu am có việc gì? Hành Giả thưa:
– Bần tăng là người vâng lệnh nhà vua nước Đại Đường bên
phương Đông sang phương Tây lấy kinh. Do sư phụ tôi uống lầm phải nước sông Tử Mẫu, hiện nay bụng trướng lên đau đớn vô cùng. Hỏi người địa phương, họ bảo là đã có thai không cách nào trị được. Tôi lại được họ mách rằng ở động Phá Nhi núi Giải Dương có suối “Rụng thai” có thể tiêu được thai đi, nên nay đến đây bái yết Như Ý chân tiên, xin ít nước suối mang về cứu sư phụ, phiền lão đạo nhân chỉ dẫn cho.
Đạo nhân cười, nói:
– Đây chính là động Phá Nhi, nhưng nay đã đổi thành am Tụ Tiên rồi. Ta chẳng phải là ai khác, chính là đồ đệ cả của Như Ý chân tiên. Nhà ngươi tên là gì để ta vào báo cho.
Hành Giả nói:
– Tôi là đồ đệ cả của pháp sư Đường Tam Tạng, tên gọi là
Tôn Ngộ Không.
Đạo nhân hỏi:
– Thế món lễ hoa hồng và rượu để ở đâu? Hành Giả đáp:
– Chúng tôi là những nhà sư lang thang, chưa biện được lễ vật.
Đạo nhân cười, nói:
– Sao mà nhà ngươi ngu si thế! Sư phụ ta chiếm giữ núi này, chưa từng cho không ai bao giờ. Nhà ngươi về sắm lễ vật tới đây, ta mới vào báo cho. Nếu không thì mời về đừng hòng! Đừng hòng!
Hành Giả nói:
– Tình người là trọn [237]
, ngài cứ vào nói rõ họ tên lão Tôn,
ngài ấy chắc thông cảm, có khi cho cả suối ấy chứ!
Đạo nhân nghe thấy nói như vậy, bèn vào báo. Lúc ấy vị chân
tiên đang gảy đàn, đợi gảy đàn xong đạo nhân mới thưa:
– Thưa sư phụ, ngoài cửa có một hòa thượng nói là đồ đệ cả của Đường Tam Tạng, tên Tôn Ngộ Không muốn xin ít nước suối “Rụng thai” chữa cho sư phụ.
Vị chân tiên không những chẳng thèm để ý, mà còn vừa nghe đến tên Ngộ Không, cơn giận đã bốc bừng bừng, ác ý đã cao cuồn cuộn, vội vàng bật dậy quăng đàn, trút bộ đồ thường, mặc bộ đồ đạo sĩ, cầm chiếc móc câu như ý, chạy ra ngoài cửa am, cất tiếng quát:
– Tôn Ngộ Không đâu?
Hành Giả quay đầu nhìn, thấy vị chân tiên ấy ăn mặc:
Mũ sao sặc sỡ đội đầu,
Pháp y mình mặc một màu vàng au.
Hài vân thêu gấm đẹp sao, Ngang lưng đai báu đủ màu long vân. Xà cạp gấm đẹp vô ngần,
Quần nhung buông nửa đôi chân rõ ràng.
Móc câu như ý tay quàng,
Cán dài sáng quắc rồng vàng lượn bay.
Mày ngài mắt phượng đẹp thay,
Môi son, răng trắng sánh tày Kim Cương.
Dưới cằm râu bạc hơi sương,
Tóc mai xoăn tít nhẹ nhàng bước đi.
Hành Giả nhìn thấy, chắp tay làm lễ, nói:
– Bần tăng là Tôn Ngộ Không. Chân tiên cười, nói:
– Nhà ngươi đúng là Tôn Ngộ Không hay là giả danh Tôn
Ngộ Không đấy?
Hành Giả nói:
– Sao ngài lại nói như vậy? Thường có câu: “Quân tử đi không đổi tên, ngồi không thay họ”. Tôi chính là Tôn Ngộ Không, lẽ đâu lại làm trò giả mạo?
Chân tiên hỏi:
– Nhà ngươi có nhận ra ta không? Hành Giả nói:
– Tôi vì đã theo cửa Thiền, giữ nền tăng giáo, lâu nay trèo non lội suối, những bạn bè giao du từ thuở nhỏ, ít qua lại thăm non, tôn nhan chẳng gặp. Vừa rồi có hỏi những người trong xóm bờ tây sông Tử Mẫu, họ nói có ngài là Như Ý chân tiên, nên mới biết.
Chân tiên nói:
– Nhà ngươi đi theo đường của mình, ta tu theo đạo của ta, vậy hỏi ta có việc gì?
– Sư phụ tôi uống lầm phải nước sông Tử Mẫu, đau bụng mang thai, nên tôi phải tới tiên phủ đây xin bát nước suối “Rụng thai” về chữa cho sư phụ.
Chân tiên trợn mắt, hỏi:
– Sư phụ nhà ngươi có phải là Đường Tam Tạng không? Hành Giả đáp:
– Thưa vâng.
Chân tiên nghiến răng, căm giận nói:
– Nhà ngươi có biết ai là Thánh Anh đại vương không? Hành Giả nói:
– Có phải là con yêu quái tên là Hồng Hài Nhi ở động Hỏa Vân, khe Khô Tùng, núi Hiệu Sơn không? Ngài hỏi hắn có việc gì?
Chân tiên nói:
– Nó là cháu ta. Ta là em Ngưu Ma Vương. Trước đây anh ta có viết thư nói cho ta biết là có một tên xưng là Tôn Ngộ Không, đồ đệ cả khốn kiếp của Đường Tam Tạng đã làm hại nó. Ta ở đây chưa tìm được nhà ngươi báo thù, thì nhà ngươi dẫn xác tới tìm ta, lại còn định xin nước nữa cơ à?
Hành Giả cười ngất, nói:
– Ngài nhầm rồi. Lệnh huynh ngài cũng đã từng kết bạn với tôi, cả thảy gồm bảy anh em, từ ngày còn trẻ cơ. Lâu nay tôi chẳng biết nhà cửa của bác ấy ở đâu nên không đến thăm hỏi được. Nay thằng cháu ngài đã được ở chỗ hay, theo Quân Âm bồ tát làm Thiện Tài đồng tử, đến chúng tôi cũng chẳng bằng được, tại sao ngài lại trách tôi?
Chân tiên quát lên:
– Con khỉ già khốn kiếp kia lại còn nỏ mồm à? Thằng cháu ta làm vua tự do tự tại hơn, hay làm đầy tớ cho người ta hơn? Chớ có vô lễ, nếm một móc câu của ta đây!
Đại Thánh vung gậy gạt ra, nói:
– Ngài chớ nói chuyện đánh nhau hãy cho tôi một ít nước đi đã.
Chân tiên quát mắng:
– Con khỉ khốn kiếp chẳng hay sống chết! Nếu ba hiệp địch nổi ta thì ta cho nước, bằng không ta sẽ băm nát như tương, báo thù cho cháu ta.
Đại Thánh chửi lại:
– Đồ nghiệt súc không biết cứng mồm kia! Muốn đánh thì coi cây gậy đây!
Chân tiên vác móc câu như ý đánh lại. Hai người đánh nhau quyết liệt ở am Tụ Tiên:
Thánh tăng uống lầm, bụng mang thai
Hành Giả tìm đến tiên Như Ý. Đâu biết chân tiên là ma quái
Cậy mạnh giữ riệt quyết không cho.
Đến khi gặp gỡ kẻ oán thù,
Căm nhau quyết chẳng nhường nhịn nữa.
Điều qua tiếng lại thành đôi co Tính ác nổi lên thù muốn rửa Người này xin nước chữa cho thầy. Kẻ kia vì cháu chẳng chịu nhả,
Móc câu như ý như rắn vờn, Gậy sắt nạm vàng tựa rồng bổ. Nhắm ngực đâm bừa tỏ oai phong, Mác xiên vào đùi khoe tài cả.
Cánh tay gậy nện đau điếng người, Bả vai câu móc buốt tê lạ.
Khóa sườn một gậy ưng vồ sẻ.
Đè đầu ba móc cáo tha gà, Qua lại, lại qua tranh phần thắng. Tiến tiến lui lui chẳng chịu hòa. Câu móc, gậy đâm vung tới tấp,
Hai bên quyết chiến chẳng buông tha.
Chân tiên đánh nhau với Đại Thánh đến mười hiệp không địch nổi Đại Thánh. Đại Thánh càng đánh càng hăng, cây gậy bay loang loáng như sao băng quanh đầu chân tiên, chân tiên gân cốt rã rời, kéo lê chiếc móc câu như ý bỏ chạy lên núi.
Đại Thánh không đuổi theo mà quay vào trong am lấy nước. Cửa am bị chân tiên đóng chặt tự bao giờ. Đại Thánh cầm chiếc bát sành đuổi tới trước cửa, lấy hết sức đá một phát vỡ tung cửa am, xông thẳng vào, thấy chân tiên đang gục xuống lan can, bèn quát to một tiếng, vung gậy bổ xuống. Chân tiên chạy tọt ra đằng sau. Đại Thánh thu được chiếc gầu toan múc nước lại bị chân tiên xông đến cầm móc câu như ý móc vào cẳng, làm Đại Thánh ngã xoài ra đất. Đại Thánh bò dậy, cầm gậy đánh, chân tiên né người sang bên, cầm móc câu nói:
– Để xem nhà ngươi có lấy nổi nước của ta không nào! Đại Thánh quát:
– Nhà ngươi lại đây! Nhà ngươi lại đây! Ta sẽ giết chết cái đồ nghiệt súc nhà ngươi!
Chân tiên cũng không dám xông vào đánh, chỉ ngăn không cho Đại Thánh lấy nước mà thôi. Đại Thánh thấy hắn đứng im, bèn tay trái múa gậy, tay phải cầm dây gầu lộc cộc thả xuống. Lúc ấy chân tiên lại xông vào, Đại Thánh một tay cầm gậy chống đỡ không nổi, bị hắn lấy móc câu móc vào chân, ngã sóng xoài, rơi cả dây gầu xuống giếng.
Đại Thánh nói:
– Thằng cha này vô lễ quá lắm!
Đoạn đứng dậy, hai tay múa gậy, xông vào đánh túi bụi. Chân tiên lại bỏ chạy, không dám chống đỡ. Đại Thánh lại đi lấy nước, hiềm nỗi không có gầu, lại sợ chân tiên khoèo chân, bèn
nghĩ thầm trong bụng:
– Phải về gọi người giúp sức mới xong.
Đoạn nhảy vút lên mây, về thẳng đầu xóm cất tiếng gọi:
– Sa Hòa Thượng ơi!
Tam Tạng đang đau đớn rên rỉ. Bát Giới cũng đang rên hừ hừ. Nghe tiếng gọi, hai người mừng rỡ gọi:
– Sa Tăng ơi, Ngộ Không về rồi. Sa Tăng vội vàng ra cửa đón hỏi:
– Anh ơi, lấy nước về chưa?
Đại Thánh bước vào nhà nói hết mọi chuyện với Đường
Tăng. Tam Tạng nước mắt giàn giụa nói:
– Đồ đệ ơi thế thì làm thế nào? Đại Thánh nói:
– Con về nhà gọi chú Sa cùng đi với con. Đến am con đánh nhau với tên ấy, còn Sa Tăng thừa cơ lấy nước mang về chữa cho sư phụ.
Tam Tạng nói:
– Hai con không mắc bệnh gì cả, bỏ ta với Bát Giới bị bệnh ở lại lấy ai chăm nom?
Bà lão đứng cạnh nói:
– Xin lão La Hán cứ yên tâm, không cần đến đồ đệ của ngài đâu, người nhà chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc chu đáo. Hồi sớm, lúc các ngài mới đến, chúng tôi thực sự đã có lòng quý mến. Vừa rồi lại thấy vị Bồ Tát này biết đi mây về gió, mới biết các ngài là La Hán, Bồ Tát cả, nhà chúng tôi không ai dám hại đâu.
Hành Giả hừ một tiếng, nói:
– Các người là hạng đàn bà cả, dám hại ai? Bà cụ cười nói:
– Ngài ơi, các ngài còn gặp may là đến nhà chúng tôi đây. Chứ đến nhà khác thì các ngài không thoát được đâu!
Bát Giới rên hừ hừ, hỏi:
– Tại sao lại không thoát được? Bà cụ đáp:
– Nhà tôi có bốn năm người đều đã đứng tuổi cả rồi, không còn tơ vương chuyện gió trăng nữa, cho nên không động chạm tới các ngài. Giá mà ở nhà khác đông người trẻ tuổi, đời nào các cô ấy buông tha, bắt các ngài phải ăn nằm với mình. Nếu các ngài không chịu, họ sẽ hại đến tính mạng, lột da các nài làm túi thơm ngay!
Bát Giới nói:
– Nếu như vậy thì nhất định tôi chẳng bị hại. Các người mùi thơm phưng phức mới làm được túi thơm, chứ tôi là con lợn tanh hôi, có bỏ thịt đi cũng vẫn tanh, nên không bị hại rồi.
Hành Giả cười, nói:
– Chú đừng có nói mép nữa, giữ gìn hơi sức cho dễ đẻ. Bà cụ nói:
– Thôi đừng chậm trễ, đi lấy nước ngay thôi. Hành Giả nói:
– Nhà cụ có gầu không, cho mượn một chút?
Bà cụ ra đằng sau mang vào một chiếc gầu và cả cuộn dây đưa cho Sa Tăng.
Sa Tăng nói:
– Mang cả hai sợi dây đi, sợ giếng sâu phải dùng tới.
Sa Tăng cầm lấy cuộn dây, theo Đại Thánh ra khỏi thôn, cưỡi mây cùng đi. Lát sau đã tới địa phận núi Giải Dương. Hai người dừng mây bước xuống, đến thẳng bên ngoài cửa am. Đại Thánh dặn dò Sa Tăng:
– Chú cầm gầu và dây, đứng nấp một chỗ, để lão Tôn ra khiêu chiến, chờ khi nào tôi và nó mải mê đánh nhau, chú thừa dịp lẻn vào múc nước mang về nghe!
Sa Tăng vâng lời.
Đại Thánh bèn rút gậy sắt, đến trước cửa lớn tiếng quát:
– Mở cửa! Mở cửa!
Tên giữ cửa trông thấy vội trở vào báo:
– Thưa sư phụ, thằng cha Tôn Ngộ Không lại tới. Chân tiên trong lòng nổi giận nói:
– Con khỉ khốn kiếp thực ghê gớm! Trước kia ta từng nghe nói hắn có chút tài nghệ, quả nhiên ngày nay mới rõ. Cây gậy sắt ấy thực khó địch lắm!
Đạo nhân nói:
– Thưa sư phụ tài nghệ của hắn tuy cao, nhưng tài sư phụ cũng chẳng kém, thật là xứng đáng đối thủ.
Chân tiên nói:
– Hai lần vừa rồi ta thua hắn cả. Đạo nhân nói:
– Hai lần trước tuy nó được, chẳng qua do tính hung hăng. Hai lần sau lúc hắn múc nước, bị sư phụ móc ngã, chẳng phải là ngang tài đấy ư? Vừa rồi hắn chẳng làm gì nổi phải bỏ đi, bây giờ lại đến chắc là cái thai trong bụng Tam Tạng to ra, hắn bị sư phụ trách mắng dữ lắm, bất đắc dĩ phải quay lại, chắc hắn bực dọc với sư phụ hắn lắm. Sư phụ phen này giành phần thắng là
điều không còn nghi ngờ gì nữa.
Chân tiên nghe nói khấp khởi mừng thầm, cười oang oang để lấy khí thế, đoạn cầm chiếc móc câu như ý bước ra ngoài cửa, lớn tiếng quát:
– Con khỉ già khốn kiếp kia! Nhà ngươi lại đến có việc gì? Đại Thánh nói:
– Ta đến lấy nước. Chân tiên nói:
– Nước mạch trong giếng nhà ta, đến bậc đế vương tể tướng cũng phải sắm lễ vật rượu thịt đến cầu, ta cũng chỉ cho một ít, huống hồ nhà ngươi là kẻ thù của ta, mà dám tay không thiện tiện đến lấy hả?
Đại Thánh nói:
– Thật không cho chứ? Chân tiên nói:
– Không cho! Không cho! Đại Thánh quát mắng:
– Đồ nghiệt súc khốn kiếp! Không cho nước thì bây giờ coi cây gậy đây!
Bèn vào miếng, giữ thế, vung gậy nhằm đầu chân tiên bổ xuống. Chân tiên nghiêng người tránh, giơ cây móc câu lên đỡ. Trận này còn dữ dội hơn trận trước nhiều:
Gậy, móc đánh đỡ tương tàn,
Hò la vang động non ngàn ngút mây.
Cuồng phong cuồn cuộn xô cây, Bừng bừng sát khí phủ dày trăng sao. Yêu tiên pháp thuật tài cao,
Đại Thánh mưu trí khác nào yêu tiên.
Hai bên đánh trận triền miên,
Đấu trí đấu lực chẳng bên nào nhường.
Hai người nhảy nhót đánh nhau ở ngoài cửa am, đoạn kéo nhau xuống sườn núi đánh nhau rất dữ dội quyết liệt. Chuyện không nói nữa.
Trong khi ấy Sa Hòa Thượng cầm chiếc gầu xông vào trong cửa. Một đạo nhân ngồi bên miếng giếng ngăn lại quát:
– Nhà ngươi là ai mà dám lấy nước?
Sa Tăng đặt gầu, rút bảo trượng hàng yêu ra, chẳng nói chẳng rằng, bổ luôn xuống đầu. Đạo nhân tránh không kịp, cánh tay trái bị đánh gãy, lăn ra đất giãy giụa. Sa Tăng quát mắng:
– Đồ nghiệt súc này đáng lẽ phải đánh cho chết. Khốn nỗi nhà ngươi cũng là thân người, nên ta tha cho, hãy cút ngay đi để ta lấy nước!
Đạo nhân kêu trời kêu đất, bỏ ra đằng sau trốn mất. Sa Tăng mới lấy gầu dòng xuống giếng múc đầy một gầu, chạy thẳng ra ngoài am, nhảy vút lên mây, ngoảnh gọi Hành Giả:
– Sư huynh ơi, em đã lấy được nước rồi, tha cho nó, tha cho nó!
Đại Thánh nghe tiếng, vung gậy sắt, gạt cây móc câu ra nói:
– Đáng lẽ ta diệt cho tuyệt nòi, tuyệt giống nhà chúng bay, nhưng xét ra một là nhà ngươi cũng không phạm pháp, hai là nể tình lệnh huynh Ngưu Ma Vương ta tha chết cho. Lần trước ta bị nhà ngươi móc hai lần, không lấy được nước. Lần này ta dùng kế điệu hổ ly sơn, đánh lừa nhà ngươi ra tận đây đánh nhau để cho em ta lấy được nước mang về rồi. Nếu lão Tôn cứ đem hết tài ra đánh nhau với nhà ngươi, thì đừng nói một thằng Như Ý chân tiên, ngay đến dăm thằng ta cũng đánh chết hết. Nhưng đánh chết chẳng bằng phóng sinh. Ta tạm tha cho nhà ngươi sống thêm mấy năm nữa. Từ nay trở đi, có ai tới lấy nước, thì chớ có sách nhiễu người ta.
Chân tiên chẳng kể hay dở, lại giở trò vung móc câu khoèo vào chân Đại Thánh. Đại Thánh tránh thoát xông tới, quát mắng:
– Chớ chạy!
Chân tiên trở tay không kịp, bị ẩy một cái ngã đánh bịch, giãy giụa trên mặt đất. Đại Thánh cướp lấy cây móc câu bẻ gãy đôi, đoạn lại chập vào bẻ tiếp gãy làm bốn đoạn, rồi vứt xuống đất, nói:
– Đồ nghiệt súc khốn kiếp dám hỗn láo nữa không?
Chân tiên run cầm cập chịu nhục nín lặng chẳng nói năng gì. Đại Thánh cười khà khà, nhảy lên mây bay đi.
Có bài thơ làm chứng rằng:
Chân diên nấu luyện cần chân thủ [238],
[239]
Chân thủy điều hòa chân hống ra .
Chân hống, chân diên không khí mẹ, Tiên đơn tức linh dược, linh sa.
[240]
Anh nhi oan kết thai trong bụng ,
Mẹ đất ra công khó chẳng nhòa[241]. Đánh đố bàng môn theo chính giáo, Lòng vua đắc ý mặt như hoa.
Đại Thánh nhảy lên đám mây lành đuổi theo Sa Tăng. Hai người lấy được nước, cười hể hả quay về xóm. Tới nơi, họ hạ mây đi thẳng vào trong nhà, thấy Trư Bát Giới bụng phưỡn ra, ngồi tựa bên cửa rên hừ hừ. Hành Giả rón rén bước lại, nói:
– Chú ngốc ơi, bao giờ ở cữ đấy? Chú ngốc sợ quá, nói:
– Sư huynh đừng đùa nữa, có lấy được nước không?
Hành Giả định trêu nữa, nhưng Sa Tăng đi đằng sau cười nói:
– Nước đây rồi, nước đây rồi.
Tam Tạng cố nén đau, cúi người nói:
– Các đồ đệ vất vả quá!
Bà già cũng vui lắm. Cả mấy người đều bước ra cúi lạy nói:
– Thưa Bồ Tát, thực là hiếm có! Hiếm có!
Bèn vội vàng mang ra chiếc chén con đưa cho Tam Tạng nói:
– Thưa lão sư phụ, uống chút xíu thôi, chỉ cần một ngụm là giải được cái thai.
Bát Giới nói:
– Tôi không uống chén, đưa cả thùng đây cho tôi. Bà già nói:
– Ngài ơi, chết người đấy! Uống cả thùng thì ruột gan sẽ tan hết!
Chú ngốc sợ quá không dám làm bừa, chỉ uống có nửa chén. Độ khoảng ăn xong bữa cơm, hai người thấy bụng quặn đau,
bụng sôi ùng ục đến dăm ba trận. Sau cơn sôi bụng, chú ngốc
chịu không nổi đau đái ỉa vung vãi cả ra. Đường Tăng cũng chịu không nổi cơn đau, muốn tìm chỗ kín đi ngoài. Hành Giả nói:
– Sư phụ đứng ra chỗ gió, sợ phải vía, lỡ ra bị trúng phong, thành bệnh sản hậu đấy.
Bà già vội đi lấy hai chiếc thùng sạch đến bảo hai người cứ đi vào đấy. Trong giây phút, hai người đi đến mấy lần, bấy giờ mới thấy đỡ đau, bụng trướng dần dần tiêu đi, tan hết máu cục, thịt hòn. Người nhà bà già lại nấu một nồi cháo hoa cho ăn để bổ hư. Bát Giới nói:
– Thưa bà, người tôi khỏe lắm, chẳng cần bổ hư. Bà đưa giùm ít nước nóng để tôi tắm rửa sạch sẽ rồi mới ăn cháo.
Sa Tăng nói:
– Anh hai ơi, không tắm được đâu. Ở cữ mà dầm nước là sinh bệnh đấy.
Bát Giới nói:
– Tôi có phải đẻ thực đâu. Chẳng qua chỉ là tiểu sản thì có sợ gì. Tắm cho sạch sẽ.
Bà già bèn đi đun ít nước nóng để hai người rửa ráy chân tay. Sau đó Đường Tăng ăn độ hai bát con cháo, còn Bát Giới ăn luôn mười bát vẫn còn muốn ăn nữa.
Hành Giả cười nói:
– Đồ bị thịt, hốc ít chứ! Người ta tưởng là cái “dạ dày bao tải”
còn ra quái gì!
Bát Giới nói:
– Không sao! Không sao! Em không phải là con lợn sề thì sợ quái gì!
Người nhà bà già lại sửa soạn nấu cơm. Bà già nói với Đường Tăng:
– Thưa lão sư phụ, cho tôi xin chỗ nước thừa kia. Hành Giả nói:
– Chú ngốc uống nước nữa không? Bát Giới nói:
– Bụng em đã hết đau, cái thai chắc tan hết, bây giờ cảm thấy nhẹ nhõm khỏe khoắn, còn uống nước làm gì?
Hành Giả nói:
– Hai người đã khỏi hẳn rồi, nước này xin biếu bà.
Bà già cảm ơn Hành Giả, bưng chỗ nước thừa trút vào chiếc vò sành, chôn đằng sau nhà, đoạn nói với mọi người:
– Vò nước này là món tiền sắm quan tài của tôi đấy!
Mọi người trong nhà ai cũng vui mừng, lau bàn dọn cơm mời khách. Thầy trò Đường Tăng ăn xong, thư thả khoan khoái ngủ lại một đêm
Sáng hôm sau, thầy trò cảm tạ bà già, ra khỏi xóm nhỏ. Đường Tam Tạng vịn yên lên ngựa. Sa Hòa Thượng gánh hành lý. Tôn Đại Thánh đi trước dẫn đường, Trư Bát Giới dắt dây cương. Thế mới thực là:
Rửa trôi khẩu nghiệt thân trong sạch, Tiên hết thai phàm thể tự nhiên.
Cuối cùng không biết vào tới nước Tây Lương còn xảy ra những việc gì, xem hồi sau sẽ rõ.
-----------------------------------
[237] Nguyên văn: Tình người là quan trọng ngang chiếu chỉ nhà vua.
[238] Chân diên: tức chì.
[239] Chân hống: tức thủy ngân. Những câu thơ này nói về thuật luyện đơn của đạo sĩ.
[240] Anh nhi: Thuật ngữ của đạo giáo chỉ chì. Ở đây chỉ Tam Tạng, Bát Giới.
[241] Mẹ đất: Ở đây chỉ Sa Tăng, Hành Giả.