Tình loạn, tình theo vi ái dục
Thần mờ, tâm động gặp yêu ma
Có bài thơ rằng:
Tâm địa dần quét sạch Bụi trần thảy tẩy trừ, Đừng để rơi mũ tì lư,
Bản thể thường thanh tĩnh, Mới bàn nổi nguyên sơ Tính sáng phải chọn lựa, Tòa Khê mặc thở vô,
Chớ để khỉ ngựa hơi thở thô, Đêm ngày thở đều đặn. Mới hiện rõ công phu
Bài thơ này có tên là Nam Kha tử, nói về chuyện Đường Tăng
thoát khỏi tai nạn băng tan ở sông Thông Thiên, cưỡi trên lưng con rùa già bước sang bờ bên kia. Bốn thầy trò thuận theo đường cái, nhằm hướng Tây phương thẳng tiến. Đúng lúc gặp tiết đông lạnh lẽo chỉ thấy: Rừng quang man mác tầng mây nhạt núi ôm mơ màng bóng nước trong. Thầy trò đang đi bỗng nhiên lại gặp một trái núi sừng sững chặn ngang lối đường hẹp vực sâu, đá bày hiểm trở, người ngựa rất khó đi. Tam Tạng ghìm cương ngựa, cất tiếng gọi:
– Đồ đệ ơi!
Một lát, Tôn Hành Giả dẫn Bát Giới, Sa Tăng bước tới đứng hầu ở bên cạnh hỏi:
– Sư phụ có việc gì dặn dò vậy? Tam Tạng đáp:
– Các con xem, trước mặt có trái núi cao, sợ có hổ báo yêu ma hãm hại người đi, lần này các con phải hết sức cẩn thận!
Hành Giả nói:
– Sư phụ cứ yên tâm đừng lo lắng gì cả, ba anh em chúng con đồng tâm hiệp lực, theo chính cầu chân, trổ hết các phép bắt quái hàng yêu, thì sợ gì các loài lang trùng hổ báo!
Tam Tạng nghe nói, vững lòng tiến bước. Đến chân núi, Tam Tạng quất ngựa đi lên sườn núi, ngẩng đầu quan sát kỹ càng. Thấy trái núi này:
Lại thấy:
Sừng sững vút cao, Nguy nga hiểm trở.
Sừng sững vút cao xông trời thẳm Nguy nga hiểm trở trấn tầng không. Đá la liệt tựa hồ ngồi trông
Tùng nghiêng ngả như rồng lượn bay
Đỉnh núi véo von chim hót rộn Sườn non thoang thoảng vị mai nồng Lòng suối róc rách làn nước trong Đầu non chập chờn đám mây bạc.
Tuyết lả tả, Gió căm căm
Hổ đói gầm vang giữa núi rừng Quạ lạnh chọn cây tìm chốn ngủ Hươu chẳng có nơi làm hang ổ Ái ngại người đi bước rã rời Buồn bã nhíu mày che mặt tới!
Bốn thầy trò run rẩy xông pha trong mưa tuyết gió rát, vượt qua đỉnh núi hiểm trở, thấy trong thung lũng xa xa bóng lâu dài thấp thoáng, nhà cửa thanh u. Đường Tăng lập tức trở lại vui vẻ nói:
– Đồ đệ ơi, hôm nay vừa đói vừa rét, may gặp lại nhà cửa lâu đài trong thung lũng kia. Đây chắc là thôn xóm cư dân, chùa chiền am quán, chúng ta tới đó xin ít cơm chay, ăn xong lại đi tiếp.
Hành Giả nghe nói, vội vàng căng mắt nhìn, thấy nơi đó mây
dữ u ám, ác khí mịt mờ, bèn quay đầu nói với Đường Tăng:
– Sư phụ ơi, chỗ ấy không lành đâu. Tam Tạng nói:
– Thấy có bóng lâu đài nhà cửa, tại sao không lành? Hành Giả cười nói:
– Sư phụ đâu có biết? Đường sang phương Tây lắm yêu ma quỷ quái giỏi biến ra nhà cửa. Bất luận là lâu đài điện các, quán vũ, đình chùa chúng vẫn có thể biến ra để lừa người. Sư phụ có biết trong chín giống rồng có một giống gọi là “Thẩn” không? Khí của loài Thẩn này phát sáng, xa trông giống như lầu các ao hồ. Nếu gặp sóng to mờ mịt, thì loài Thẩn hiện ra kiểu ấy. Chim chóc bay lượn tưởng nhà cửa định hạ xuống nghỉ cánh, lúc ấy dù có hàng nghìn hàng vạn con, thì cũng bị thứ khí ấy nuốt hết. Thứ khí ấy hại người ghê gớm lắm, nên đằng kia khí sắc hung ác, chớ có vào.
Tam Tạng nói:
– Không vào thì thôi, nhưng ta đói bụng lắm rồi. Hành Giả nói:
– Nếu quả sư phụ đói, thì mời sư phụ xuống ngựa, ngồi tạm chỗ bằng để con đi nơi khác tìm cơm chay mời sư phụ.
Tam Tạng nghe lời, xuống ngựa. Bát Giới đỡ lấy cương. Sa Tăng đặt hành lý, mở tay nải lấy chiếc bát tộ đưa cho Hành Giả. Hành Giả cầm lấy chiếc bát dặn dò Sa Tăng:
– Hiền đệ đừng đi đâu, cẩn thận giữ gìn sư phụ ngồi nguyên ở đây, đợi tôi đi xin cơm chay về, lại tiếp tục lên đường.
Sa Tăng vâng lời. Hành Giả lại quay sang Tam Tạng nói:
– Sư phụ ạ, chuyến đi này lành ít dữ nhiều, mong sư phụ chớ có đi đâu cả, lão Tôn đi xin cơm chay đây.
Đường Tăng nói:
– Bất tất phải nói nhiều, cốt sao con đi mau về mau, ta đợi con ở đây.
Hành Giả quay người định đi, nhưng lại quay về nói:
– Con biết tính sư phụ chẳng thích ngồi yên, để con cho sư phụ một cách an thân đã.
Bèn rút một cây gậy, sắt nạm vàng ra, múa tít, rồi vẽ một cái vòng tròn trên đất bằng, mời sư phụ ngồi vào trong, bảo Bát Giới, Sa Tăng đứng hầu ở hai bên, dắt cả con ngựa và hành lý để ngay cạnh người, đoạn chắp tay nói với Đường Tăng:
– Cái vòng lão Tôn vẽ kiên cố như thành đồng vách sắt, hổ báo lang trùng, yêu ma quỷ quái cũng không dám tới gần. Vậy mọi người đừng bước ra ngoài, cứ ngồi yên trong đó là không phải lo lắng gì hết. Nếu bước ra khỏi vòng là gặp tay độc thủ ngay. Muôn nghìn lần mong sư phụ nhớ lấy lời con dặn!
Tam Tạng nghe lời, thầy trò đều ngồi xuống ngay ngắn trong vòng.
Hành Giả nhảy vút lên tầng mây, tìm thôn xóm xin cơm, đi thẳng về hướng Nam, bỗng thấy đám cổ thụ cao ngất trời, hẳn là một thôn xóm, bèn hạ mây bước xuống, ngắm nghía kỹ càng. Chỉ thấy:
Tuyết rơi cành liễu yếu, Băng đóng mặt ao vuông
Lơ thơ khóm trúc ngả xanh rờn Ngan ngát hàng tùng phô vẻ biếc Mấy gian nhà cỏ tường vôi quét
Một chiếc cầu cong gạch phấn thoa
Thủy tiên hé mở phía rào xa,
Đũa băng rũ xuống thềm hiên trước, Gió bấc từng cơn đưa hương ngát Chẳng thấy mai cười bởi tuyết bay
Hành Giả vừa đi, vừa ngắm phong cảnh, bỗng nghe kẹt một tiếng, cánh cửa hé mở, một ông lão bước ra, tay chống gậy lê, đầu đội mũ da dê, mình mặc chiếc áo vá, chân đi đôi giày cỏ, chống gậy ngẩng mặt lên trời, nói:
– Nổi gió Tây Bắc, ngày mai là lạnh đây.
Vừa dứt lời, một con chó cụp đuôi từ đằng sau chạy đến, chợt trông thấy Hành Giả, cất tiếng sủa oang oang. Cụ già quay đầu lại nhìn thấy Hành Giả tay bưng chiếc bát tộ. Hành Giả bước tới, hỏi:
– Chào cụ, tôi là hòa thượng nước Đại Đường bên phương Đông, vâng mệnh nhà vua sang phương Tây bái Phật cầu kinh, dọc đường tới xứ ta, vừa lúc sư phụ tôi bụng đói, sai tôi tới tôn phủ đây xin ít cơm chay.
Cụ già nói:
– Thưa trưởng lão, ngài đừng xin cơm nữa, đi lầm đường rồi
Hành Giả nói:
– Không lầm đâu. Cụ già nói:
– Đường lớn sang phương Tây ở phía chính Bắc, từ đây tới đấy xa hơn nghìn dặm, tại sao lại không tìm đường lớn mà đi?
Hành Giả cười nói:
– Thưa vâng, đúng là ở chính Bắc, sư phụ tôi đang ngồi trên đường cái, đợi tôi đem cơm về.
Cụ già nói:
– Hòa thượng này nói bậy quá, sư phụ ngài ngồi trên đường cái đợi ngài xin cơm chay về, đường xa nghìn dặm như thế, dù ngài đi giỏi cũng phải mất sáu, bảy ngày, quay về mất sáu bảy ngày nữa, thì sư phụ ngài lúc ấy không chết đói rồi ấy à?
Hành Giả cười nói:
– Chẳng giấu gì cụ, tôi vừa chia tay với su phụ chỉ chưa uống hết chén trà nóng đã tới đây rồi, bây giờ đi xin cơm, quay về cho kịp bữa trưa.
Cụ già nghe nói như vậy trong lòng sợ hãi kêu lên:
– Hòa thượng này là ma! Là ma!
Rồi quay người toan chạy tọt vào trong. Hành Giả bèn túm chặt lấy cụ già, nói:
– Cụ định đi đâu? Có cơm chay cho xin một ít. Cụ già nói:
– Không có! Không có! Mời ngài sang nhà khác! Hành Giả nói:
– Cụ này quả không bết điều. Cụ xem, tôi tới đây đã phải đi xa nghìn dặm, giờ sang nhà khác mất nghìn dặm nữa thì sư phụ tôi sẽ chết đói mất!
Cụ già nói:
– Chẳng giấu gì ngài, nhà tôi già trẻ sáu bảy miệng ăn, mới vo được có ba bơ gạo đổ nồi, cơm còn chưa chín. Ngài hãy đi nơi khác tí nữa lại đây.
Hành Giả nói:
– Người xưa có câu “Đi ba nhà không bằng ngồi một nhà”, bần tăng cứ ngồi đợi ở đây.
Cụ già thấy Hành Giả bám chặt lấy mình, bèn nổi nóng cầm
gậy đánh. Hành Giả chẳng chút sợ hãi, bị cụ già nện bảy tám gậy vào đầu, chẳng khác nào phủi bụi. Cụ già bèn nói:
– Lão hòa thượng này cứng đầu thực! Hành Giả cười nói:
– Cho cụ tha hồ đánh, tôi chỉ cần nhớ rõ số gậy, cứ mỗi gậy là một bát gạo, cụ cứ đong ra mà trả.
Cụ già nghe vậy vội quẳng cả gậy, chạy vào nhà đóng chặt cửa kêu to:
– Có ma! Có ma!
Cả nhà sợ run như cầy sấy, đóng chặt mọi cửa đằng trước, đằng sau lại. Hành Giả thấy họ đóng cửa, nghĩ thầm trong bụng:
– Lão giặc già này vừa nói mới vo gạo đổ nồi, không biết có đúng không. Thường có câu “Đạo hóa hiền lương, Phật hóa ngu”. Để lão Tôn thử vào xem sao.
Đại Thánh bèn bắt quyết, dùng phép tàng hình vào thẳng trong bếp xem xét. Quả nhiên nồi cơm đang bốc hơi nghi ngút, vừa chín tới. Hành Giả bèn vục một cái được đầy bát, đoạn cưỡi mây bay về.
Lại nói chuyện Đường Tăng ngồi trong vòng chờ đã lâu, chẳng thấy Hành Giả trở về, ngó ngửa nhìn nghiêng, nói:
– Con khỉ này chẳng biết đi tận đâu xin cơm chay! Bát Giới bèn cười nói:
– Khéo anh ấy lại đi chơi ở đâu đó thôi, chứ xin cơm cháo gì, chỉ bắt tội thầy trò mình ngồi trong chuồng thế này.
Tam Tạng nói:
– Tại sao lại ngồi trong chuồng? Bát Giới nói:
– Sư phụ không biết, cổ nhân vạch đất làm chuồng. Nay anh ấy cũng vạch gậy sắt thành vòng, nói bốc là thành đồng vách sắt. Giả sử có hổ báo yêu ma đến thì làm sao mà ngăn nổi chúng? Chỉ còn cách là dâng tận mồm chúng, cho chúng ăn thịt.
Tam Tạng hỏi:
– Ngộ Năng, vậy làm thế nào bây giờ? Bát Giới thưa:
– Chỗ này trống trải, không tránh được gió rét, cứ như ý lão Trư thì cứ thuận đường đi luôn sang phương Tây. Sư huynh thì đi xin cơm chay, bay trên mây nhanh lắm, tất nhiên theo kịp. Nếu có cơm về, ăn xong lại đi tiếp. Còn ngồi đây mới có một lúc chân đã lạnh buốt!
Tam Tạng nghe lời, thế là vận đen đã tới. Thầy trò bước ra khỏi vòng, Bát Giới dắt ngựa, Sa Tăng gánh hành lý, Tam Tạng thuận đường đi bộ bước trước. Được một lát, tới chỗ có lâu đài. Đó là một tòa nhà xây mặt về hướng Nam, ngoài cửa có tường quét vôi xây hình chữ bát, lại có một tòa lầu xây kiểu hoa sen úp cửa tò vò, tất cả đều quét màu ngũ sắc. Cánh cửa nửa mở nửa khép. Bát Giới buộc ngựa vào tảng đá kè trông ở ngoài cửa. Sa Tăng đặt gánh hành lý xuống. Tam Tạng sợ gió, ngồi xuống bậc cửa. Bát Giới nói:
– Sư phụ, có lẽ đây là dinh cơ của vị công hầu tể tướng nào dó. Trước cửa không có người, dễ thường họ ngồi sưởi trong nhà. Sư phụ ngồi đây để con vào xem sao.
Sa Tăng nói:
– Cẩn thận nhé! Chớ có gây sự với người ta. Chú ngốc nói:
– Con hiểu rồi, từ dạo quy y cửa thiền, con cũng đã học được chút lễ độ, không quê mùa lỗ mãng nữa đâu.
Chú ngốc giắt đinh ba vào mạng sường, sửa lại chiếc áo ngắn bằng gấm xanh, ra vẻ nho nhã bước vào, thấy ba gian nhà khách, rèm cửa cuốn cao, vắng tanh vắng ngắt chẳng thấy bòng người, và cũng chẳng thấy có bàn ghế đồ đạc gì cả. Bát Giới bước qua tấm bình phong, vào tiếp bên trong, thấy đó là một gian nhà ngang. Đằng sau có một tòa lầu lớn, trên lầu cửa sổ hé mở, thấp thoáng treo chiếc màn lụa vàng. Chú ngốc nghĩ:
– Hay là họ sợ lạnh, vẫn còn ngủ.
Đoạn chẳng kể lạ quen, rảo bước lên lầu, lấy tay đẩy cửa nhòm vào, bỗng chú ngốc sợ rủn cả người. Số là trong màn, trên chiếc giường trắng như ngà voi, có một đống xương người trắng ởn, chiếc đầu lâu to bằng cái đấu, xương ống chân dài đến bốn năm thước. Chú ngốc định thần lại, không ngăn được hai hàng nước mắt giàn giụa bên má, gật gù thương cảm cho đống xương khô:
Ngài là nguyên soái phương nào Hay là đại tướng nước nào vậy thay? Nhớ xưa hào kiệt ra oai,
Mà nay một đống xương bày thê lương
Vợ con đâu chẳng vấn vương
Nào đâu sĩ tốt thắp hương phụng thờ?
Chạnh nhìn lòng luống ngẩn ngơ,
Đồ vương tranh bá bây giờ đáng thương!
Bát Giới đang than thở, chợt nhìn thấy đằng sau tấm màn có ánh lửa lóe lên một cái, bèn nghĩ:
– Chắc là có người lo hương khói ở bên trong.
Bèn quay người bước vào, đi qua tấm màn xem xét, thì hóa ra là tia sáng từ cánh cửa sổ nhà ngang chiếu tới. Phía ấy lại thấy một chiếc bàn sơn nhiều màu, trên bàn vứt bừa bãi mấy chiếc áo
bông và gấm thêu. Chú ngốc nhắt lên coi, té ra là ba chiếc áo lót bằn gấm.
Chẳng kể hay dở, chú ngốc cầm lấy, chạy ngay xuống lầu, ra ngoài nhà khách, về tới ngoài cửa, nói:
– Thưa sư phụ, nơi đây chẳng một bóng người, chỉ là chỗ thờ vong linh. Con đã vào hẳn trong nhà, nước lên lầu cao, thấy một đống xương người trong chiếc màn lụa màu vàng. Gần đó có ba chiếc áo lót bằng gấm, con bèn nhặt về, âu cũng là cái may trước mắt của thầy trò mình, trời rét thế này, hẳn là được việc. Sư phụ tạm cởi chiếc áo cánh ra, mặc cái này vào trong, đi đường cho đỡ rét.
Tam Tạng nói:
– Không được! Không được! Luật có câu: “Lấy trước mặt hay sau lưng cũng đều là ăn trộm”. Hoặc giả có người biết đuổi theo chúng ta, lôi đến cửa quan, thì rõ ràng phạm vào tội trộm cắp. Thôi, mang vào để nguyên chỗ cũ trả người ta! Chúng ta tạm ngồi tránh gió ở đây một chút, đợi Ngộ Không về rồi đi. Người xuất gia không nên thèm những cái nhỏ nhặt như vậy.
Bát Giới nói:
– Bốn phía chẳng có bóng người, đến gà chó cũng chẳng biết, chỉ có mỗi chúng ta biết, ai dám tố cáo? Mà nào có bằng chứng gì? Cũng như là nhặt được của rơi, đâu có phải “lấy trước mặt lấy sau lưng” gì đâu!
Tam Tạng nói:
– Con làm bậy đấy, tuy người không biết, nhung giấu được trời sao? Kinh Nguyên đế có để lại lời răn rằng: “Nhà tối xấu lòng, mắt thần như điện”. Con hãy mau mau trả lại cho họ, đừng dùng những vật phi nghĩa.
Chú ngốc đâu có chịu nghe, cười nói với Đường Tăng:
– Sư phụ à, từ khi con làm người, cũng đã mặc nhiều áo lót, nhưng chưa được mặc một cái nào bằng gấm thêu cả. Sư phụ không mặc thì để con mặc một cái, thử một tí cái đồ mới cho nó ấm cật. Chừng nào sư huynh về, con sẽ cởi trả người ta rồi đi.
Sa Tăng nói:
– Đã như vậy, con cũng mặc một cái.
Hai người cùng cởi chiếc áo ngoài ra, mặc chiếc áo lót vào. Vừa thắt dây xong, thì chẳng biết vì sao, hai người đứng không vững, ngã lăn kềnh ra đất. Hóa ra tấm áo lót ấy trói còn chặt hơn cả thừng chão. Trong chớp mắt, chiếc áo đã trói hai cánh tay dán chặt vào bụng. Tam Tạng sợ quá giậm chân oán trách, vội vàng bước tới cởi. Nhưng đâu có cởi được?
Ba người kêu la om sòm không ngớt, làm kinh động đến yêu ma.
Nguyên lâu đài nhà cửa ấy đúng là do yêu tinh hóa phép ra, suốt ngày nó đợi ở đó để bắt người. Yêu quái đang ngồi trong động bỗng nghe thấy tiếng ai oán, bèn vội vàng mở cửa nhìn, thấy quả có người bị trói, bèn sai bọn tiểu yêu đến đó, thu hết hình lâu đài nhà cửa, bắt giữ Đường Tăng, dắt ngựa, gánh hành lý cùng cả Bát Giới, Sa Tăng đưa tất cả về động. Lão yêu quái ngồi trên đài cao. Bọn tiểu yêu lôi Đường Tăng đến bên đài bắt quỳ phủ phục xuống đất. Yêu quái hỏi:
– Nhà ngươi là hòa thượng ở đâu? Tại sao dám to gan, giữa ban ngày ăn trộm quần áo của ta?
Tam Tạng nước mắt giàn giụa trả lời:
– Bần tăng là người nước Đại Đường bên phương Đông, vâng mệnh nhà vua sang phương Tây lấy kinh. Nhân lúc bụng đói, sai đồ đệ cả đi xin cơm chay chưa về, lại không chịu nghe lời hắn dặn dò, đi nhằm vào sân tiên tránh gió. Không ngờ hai đồ đệ của tôi tắt mắt, nhặt lấy mấy chiếc áo ấy đem về. Bần tăng quyết
không có bụng xấu, bắt chúng đem trả lại chỗ cũ. Nhưng chúng không nghe lời, muốn mặc một lát cho ấm cật, không ngờ trúng phải mưu kế của đại vương, bắt bần tăng về đây. Muôn nghìn lần mong đại vương rủ lòng thương, tha cho tấm thân tàn, lấy được chân kinh, thì tôi mãi mãi ghi sâu công ơn của đại vương, chừng nào về tới phương Đông sẽ ngợi khen, lưu tên muôn thuở!
Yêu tinh cười nói:
– Ta ở đây thường nghe người ta nói: người nào ăn được một miếng thịt Đường Tăng, thì tóc bạc lại đen, răng rụng lại mọc. May sao hôm nay không mời mà Đường Tăng tự đến, vậy thì làm gì có chuyện tha nhà ngươi? À, còn đồ đệ cả của nhà ngươi tên là gì? Đi xin cơm chay ở đâu?
Bát Giới nghe yêu quái hỏi như vậy, bèn mở mồm ca ngợi luôn:
– Sư huynh tôi là Tề Thiên đại thánh Tôn Ngộ Không, đại náo thiên cung năm trăm năm về trước.
Yêu quái nghe nói là Tề Thiên đại thánh Tôn Ngộ Không, trong lòng có vẻ sợ hãi, nhưng không nói ra, nghĩ thầm trong bụng:
– Từ lâu ra đã nghe tiếng hắn thần thông quảng đại, không ngờ hôm nay gặp gỡ.
Bèn ra lệnh:
– Bọn nhỏ, trói Đường Tăng lại, cởi bảo bối cho hai tên kia rồi lấy hai sợi thừng trói cả lại, khiêng chúng quẳng ở đằng sau, đợi ta bắt nốt tên đồ đệ cả, tắm rửa sạch sẽ, bỏ tuốt vào lồng hấp chín ăn thịt.
Bọn tiểu yêu dạ ran vâng lệnh, trói nghiến cả ba người lại khiêng ra đằng sau, buộc con ngựa bạch vào trong tầu, và cất
hành lý vào trong nhà, đoạn chuẩn bị mài sắc binh khí để bắt
Hành Giả. Chuyện không nói nữa.
Lại nói chuyện Tôn Hành Giả từ lúc xúc được bát cơm của một nhà ở xóm phía Nam, bèn cưỡi mây theo lối cũ về thẳng chỗ bãi đất bằng bên sườn núi, hạ mây bước xuống nhìn quanh chẳng thấy Đường Tăng, không biết sư phụ đi đằng nào. Cái vòng vạch bằng gậy vẫn còn đó, mà người ngựa chẳng thấy đâu. Cả nhà cửa lâu đài cũng không thấy nốt, chỉ thấy toàn đá bày lởm chởm dưới chân núi. Hành Giả trong lòng sợ hãi, nói:
– Chẳng cần phải hỏi, đích thị thầy trò gặp phải tay độc thủ rồi! Bèn vội vàng lần vết chân ngựa đuổi theo về hướng Tây. Đi
được chừng năm sáu dặm, đang khi lo lắng, bỗng nghe thấy ở
sườn núi phía Bắc có tiếng người nói. Hành Giả bèn để ý quan sát, thấy một ông già áo lông chiên che kín người, mũ ấm trùm đầu, chân xỏ một đôi giày da đã hơi cũ, tay chống chiếc gậy chạm đầu rồng. Một chú tiểu đồng đi theo sau bẻ một cành hoa mai vừa đi vừa hát ở phía trước sườn núi. Hành Giả dặt chiếc bát, bước tới gần cất tiếng:
– Chào cụ, cụ cho bần tăng hỏi một chút. Cụ già đáp lễ, rồi hỏi lại:
– Trưởng lão ở đâu tới đây? Hành Giả đáp:
– Chúng tôi từ tận phương Đông sang phương Tây lễ phật cầu kinh. Cả đoàn có bốn người. Nhân sư phụ tôi đói bụng, tôi đi xin cơm chay, và dặn họ ngồi đợi ở bãi đất bằng bên sườn núi này. Khi tôi quay về chẳng thấy họ đâu cả, không biết họ đi lối nào. Dám xin hỏi cụ, rằng cụ có gặp họ không ạ?
Cụ già nghe xong, khà khà cười nhạt nói:
– Ba vị ấy có phải có một người tai to mõm dài không?
Hành Giả nói:
– Phải, phải!
Cụ già nói tiếp:
– Lại còn một người mặt đen sì, dắt con ngựa bạch, dẫn dường cho một vị hòa thượng mặt trắng béo tốt.
Hành Giả nói:
– Đúng! Đúng! Cụ già nói:
– Họ đi lạc đường, ai nấy đã bỏ mạng rồi, ngài đừng tìm nữa. Hành Giả nói:
– Người mặt trắng là sư phụ tôi, hai người mặt mũi xấu xí là sư đệ của tôi. Chúng tôi đã cùng nhau nguyện quyết một lòng sang phương Tây lấy kinh, không tìm họ thì làm sao được?
Cụ già nói:
– Tôi vừa mới qua đây thấy họ đi lầm đường, vào thẳng chỗ miệng yêu quái.
Hành Giả nói:
– Phiền cụ chỉ giùm đó là yêu quái gì? Ở nơi nào? Biết rõ, tôi mới có thể đến tận cửa nhà nó mà đòi về, để còn sang phương Tây chứ!
Cụ già nói:
– Ngọn núi này gọi là núi Kim Đâu, trước núi có động Kim Đâu, trong động có một yêu quái tên là Độc Giác Tỷ đại vương. Đại vương ấy thần thông quảng địa, võ nghệ cao cường. Ba người ấy chuyến này khéo chết mất. Ngài mà đi tìm họ thì e rằng ngay ngài cũng khó toàn tính mạng, chi bằng ngài đừng đi còn hơn. Tôi chẳng dám ngăn, cũng chẳng dám giữ ngài, tùy
ngài suy tính cho kỹ.
Hành Giả lạy hai lạy cảm tạ, rồi nói:
– Đa tạ cụ đã chỉ giáo. Lẽ nào tôi lại không đi tìm?
Đoạn trút bát cơm chay cho cụ già, còn mình chỉ giữ lại chiếc bát không. Cụ già đặt gậy, đỡ lấy chiếc bát đưa cho tiểu đồng, rồi hiện rõ chân tướng, quỳ gối dập đầu nói:
– Thưa Đại Thánh, tiểu thần không dám giấu, hai chúng tôi đây là sơn thần, thổ địa núi này đến đây đón Đại Thánh. Cơm chay và chiếc bát, tiểu thần xin giữ hộ, để Đại Thánh nhẹ người dễ thi thố pháp lực. Khi nào cứu Đường Tăng thoát nạn, lại xin dâng cho Đường Tăng bát cơm này, để tỏ rõ tấm lòng chí thảo chí hiếu của Đại Thánh.
Hành Giả quát mắng:
– Đồ ma quỷ hèn mọn, đáng đánh đòn các ngươi! Đã biết ta đến, tại sao không ra đón sớm, lại giở trò giấu đầu hở đuôi là nghĩa lý gì?
Thổ địa nói:
– Bởi Đại Thánh nóng tính, nên tiểu thần không dám đường đột, e xúc phạm oai danh, đành phải ẩn tướng báo cho Đại Thánh biết.
Hành Giả tạm nguôi cơn giận noi:
– Ta cho nợ đòn đấy! Giữ lấy chiếc bát cho ta, để ta đi bắt yêu quái!
Thổ địa, sơn thần tuân lệnh.
Đại Thánh bèn thắt lại chiếc dây quần bằng gân hổ xắn gọn ống quần bằng da hổ, tay cầm cây gậy sắt bịt vàng, đến thẳng trước núi tìm động yêu quái. Khi đi qua sườn núi, Hành Giả chỉ thấy đá xếp bừa bãi lởm chởm, bên sườn núi xanh biếc có hai
tấm cửa đá, ngoài cửa có rất nhiều tiểu yêu đang hoa thương múa kiếm, thật là:
Khói mây ngưng vẻ đẹp, Rêu thẳm nổi gò xanh, Đá tầng tầng xếp đặt,
Đường khấp khểnh len quanh
Vượn hót chim kêu phong cảnh đẹp Oanh bay phượng múa chốn bồng doanh Mai đón ánh dương cười chúm chím
Trúc phơi nắng ấm nhuộm xanh xanh Chân núi suối sâu băng đóng cứng Đỉnh non tuyết phủ trắng long lanh. Đôi rừng tùng bách nghìn năm đẹp Mấy gốc sơn trà đượm vẻ thanh
Đại Thánh ngắm mãi không chán, rồi rảo bước thẳng tới trước cửa, lớn tiếng gọi:
– Bọn tiểu yêu kia, hãy mau mau vào báo cho chúa động chúng bay, rằng ta là Tề Thiên đại thánh, đồ đệ của vị thánh tăng nhà Đường đây, hãy mau mau vào báo cho hắn trả ngay sư phụ cho ta, thì ta tha chết cho chúng bay!
Bọn tiểu yêu vội vàng chạy vào báo:
– Thưa đại vương, ngoài cửa có một hòa thượng mặt lông mõm dài, xưng là Tôn Ngộ Không Tề Thiên đại thánh đến đòi sư phụ.
Ma vương nghe vậy, trong lòng mừng rỡ, nói:
– Ta đang mong hắn đến đây. Từ ngày ta rời bản cung xuống trần thế, chưa từng đấu thử võ nghệ một lần nào. Hôm nay hắn đến, tất là một đối thủ.
Đoạn lập tức sai bọn tiểu yêu mang binh khí ra. Tiểu yêu lớn nhỏ trong động, con nào con ấy tinh thần phấn chấn, vội vàng khiêng ra một cây thương điểm gang dài một trượng hai thước đến cho lão quái.
Ma vương hạ lệnh:
– Lũ nhỏ, tất cả phải chỉnh tề. Đứa nào tiến sẽ thưởng, đứa nào lui sẽ giết!
Bọn tiểu yêu vâng lệnh theo sau ma vương ra ngoài động. Ma vương cất tiếng quát:
– Đứa nào là Tôn Ngộ Không?
Hành Giả nhìn qua, thấy một ma vương cực kỳ hung dữ:
Một sừng nhô cong vút, Hai mắt sáng long lanh, Dưới tai thịt xám xanh, Trên đầu da thô xám, Lưỡi dài thò liếm mũi,
Mồm rộng răng vàng khè, Da lông xanh lè lè,
Gân cốt cứng như thép Giống tê mà sợ nước Giống trâu chăng biết cày
Tuy cày bừa sớm tối không hay Nhưng dối đất lừa trời nức tiếng Hai tay nổi gân xanh lấp lánh
Sử thương dài báu vật hiên ngang
Trong hình thù dữ tợn hung hăng
Tên Tỷ đại vương thật xứng đáng.
Tôn Đại Thánh bước tới, nói:
– Ông ngoại họ Tôn của nhà ngươi đây! Mau mau trả sư phụ cho ta, thì cả hai bên vô sự. Nếu còn nói nửa lời “không”, thì ta nện cho một gậy không có đất mà chôn!
Ma vương quát lớn:
– Đồ con khỉ to gan khốn kiếp kia! Nhà ngươi có những mánh khóe gì mà dám khoác lác như vậy?
Hành Giả nói:
– Đồ yêu quái khốn kiếp, nhà ngươi chắc là chưa được thấy tài của lão Tôn?
Yêu quái nói:
– Sư phụ nhà ngươi ăn trộm quần áo của ta, bị ta bắt sống, đang định mổ thịt chén. Nhà ngươi là thằng cha nào mà dám tới cửa ta đòi?
Hành Giả nói:
– Sư phụ ta là nhà sư hiền lành ngay thẳng, lẽ điều lại lấy trộm vật mọn của nhà ngươi?
Yêu quái nói:
– Ta biến hóa ra một tòa lâu đài bên đường núi, sư phụ nhà ngươi lẻn vào bên trong, động lòng tham lấy trộm ba chiếc áo lót bằng vải bông viền gấm của ta mặc vào người, có tang chứng rõ ràng nên ta mới bắt. Bây giờ nhà ngươi thực có tài thì hãy đọ sức với ta, nếu ba hiệp địch được ta, thì ta tha chết cho sư phụ nhà ngươi. Bằng không, ta cũng cho nhà ngươi về âm phủ nốt!
Hành Giả cười, nói:
– Đồ yêu quái khốn kiếp, không cần lắm lời, chính hợp ý lão
Tôn. Nào, lại đây, nếm thử một gậy của ta!
Yêu quái đâu có sợ giao đấu, chĩa thẳng cây thương, ưỡn ngực xông vào. Trận đánh nhau thật khủng khiếp:
Gậy sắt vung lên, Thương dài múa tít,
Gậy sắt vung lên, ánh loang láng như rắn vàng uốn lượn Thương dài múa tít, chớp lòe lòe tựa rồng vượt biển xa Bọn tiểu yêu trước động hò la,
Bầy trận thế giúp sức thủ lĩnh, Bên này Đại Thánh tấn công mạnh, Ngang dọc tung hoành trổ võ oai Bên kia yêu quái múa thương dài,
Quyết được thua tinh thần phấn chấn.
Kẻ hảo hán gặp người hảo hán Đúng là hai địch thủ kỳ phùng Ma vương phun hơi đỏ tứ tung
Đại Thánh mắt lóa vầng mây sáng Cũng chỉ tại Đường Tăng gặp nạn Nên hai bên vô nghĩa đánh nhau!
Hai người đánh nhau đến ba hiệp không phấn thắng bại. Ma vương thấy Tôn Ngộ Không đường gậy tề chỉnh, tiến thoái nhịp nhàng, không một miếng sơ hở, bèn khoái trá hét tiếng khen ngợi:
– Con khỉ khá lắm! Con khỉ khá lắm! Thật đúng là có bản lĩnh đại náo thiên cung!
Đại Thánh cũng thích phép đánh thương phân minh, che phải đỡ trái, rất có phép tắc của yêu quái, cũng cất tiếng khen:
– Yêu quái giỏi lắm! Yêu quái giỏi lắm! Quả đúng là con ma ăn trộm linh đơn!
Hai bên lại đấu tiếp hai mươi hiệp nữa. Đoạn ma vương chống mũi thương xuống đất, ra lệnh cho bọn tiểu yêu nhất tề xông ra. Bọn tiểu yêu con nào con nấy cầm đao vác gậy, múa kiếm hoa thương, vây chặt Đại Thánh vào giữa. Hành Giả bình tĩnh như không, lớn tiếng gọi:
– Lại đây! Lại đây! Chính hợp ý ta!
Bèn sử cây gậy sắt, che trước đỡ sau, đánh dông chặn tây. Lũ tiểu yêu vẫn không chịu lùi bước. Hành Giả không kìm được tức giận, bèn tung cây gậy sắt lên, hô “biến”, tức thì biến thành hằng trăm, hàng nghìn cây gậy sắt đầy khắp không trung, loang loáng như rắn lượn, rồng bay đánh xuống tơi bời. Bọn tiểu yêu thấy vậy, con nào con nấy hồn bay phách tán, ôm đầu rụt cổ chạy tháo thân vào trong động.
Ma vương cười nhạt, nói:
– Con khỉ không được vô lễ! Hãy nhìn tài nghệ của ta đây! Đoạn rút trong tay áo ra một cái vòng trắng sáng lấp lánh, ném
vút lên tầng không, miệng hô “thu”, bỗng ầm một tiếng, bao nhiêu cây gậy sắt bị thu lại thành còn có một cây, ma vương cướp lấy đem đi, khiến cho Đại Thánh còn trơ tay không, phải tìm đường chạy trốn thoát thân.
Yêu quái thắng trận quay về động. Hành Giả đầu óc tối tăm chẳng còn biết làm thế nào nữa. Thế mới thật là:
Đạo một thước ma cao một trượng, Tính hôn mê nhầm tưởng nhà dân Giận ai chẳng vững pháp thân,
Nghĩ sai, hành động lần lần cũng sai.
Cuối cùng không biết phen này kết quả ra sao xem hồi sau sẽ rõ.