Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ bốn mươi ba

Ma sông Hắc Thủy bắt Tam Tạng 
Rồng biển, Tây Dương tóm Đà Long

Lại nói chuyện Bồ Tát niệm chú liền mấy lượt rồi mới ngừng.
Yêu tinh lúc ấy không thấy đau nữa, bèn đứng thẳng người định thần ngắm kỹ càng, thấy từ cổ đến chân tay đều có vòng vàng thắt vào người rất đau đớn, dù muốn dứt bỏ nó, cũng đừng hòng lúc lắc được mảy may. Bảo bối ấy đã cắm rễ vào da thịt, càng dứt càng đau. Hành Giả cười, nói:

– Chú bé bướng bỉnh của ta ơi, Bồ Tát sợ nuôi chú lâu lớn, nên đeo cho chú mấy chiếc vòng cổ, xuyến tay đấy mà.

Đồng tử nghe câu nói ấy càng bực mình, bèn vớ luôn ngọn giáo đâm về phía Hành Giả. Hành Giả vội vàng nép mình đứng nấp sau Bồ Tát, gọi:

– Bồ Tát đọc thần chú đi! Đọc thần chú đi!

Bồ Tát cầm cành dương liễu nhúng vào nước cam lộ rồi vẩy ra, miệng hô “chắp lại”, đã thấy đồng tử vứt giáo, hai tay chắp trước ngực, không tài nào rời ra được. (Đến nay vẫn còn nhắc đến “chiếc vòng Quan Âm” cũng là ý ấy).

Đồng tử không rời được tay ra, không cầm được ngọn giáo, mới biết pháp lực huyền diệu của Bồ Tát, không biết làm thế nào, đành cúi đầu lạy.

Bồ Tát niệm châm ngôn, dốc ngược tịnh bình, trả lại hết nước biển không còn một giọt, rồi nói với Hành Giả:

– Ngộ Không, yêu quái đã hàng phục, chỉ còn thú tính chưa
định, để ta bắt nó đi một bước phải lạy một lạy, lạy tới núi Lạc Già mới thu phép lại. Còn nhà ngươi bây giờ hãy mau mau vào động cứu sư phụ ra.

Hành Giả quay người, cúi đầu nói:

– Bồ Tát phải đi xa vất vả, để đệ tử đi tiễn một đoạn. Bồ Tát nói:
– Không cần đâu. Chỉ sợ tính mạng sư phụ lỡ làm sao.

Hành Giả nghe nói mừng rỡ gật đầu từ biệt. Yêu quái đã biết theo về chính quả, vái lạy Quan Âm năm mươi ba lạy.

Tạm gác chuyện Bồ Tát thu phục đồng tử lại. Lại nói chuyện Sa Tăng ngồi mãi trong rừng ngóng Hành Giả mãi chẳng thấy về, bèn đặt hành lý lên lưng ngựa, một tay cầm bảo trượng hàng yêu, một tay dắt ngựa, ra khỏi rừng tùng, nhìn về hướng Nam, đã thấy Hành Giả vui mừng bước tới. Sa Tăng đón nói:

– Kìa sư huynh, sư huynh đi mời Bồ Tát sao mãi bây giờ mới về, làm em sốt ruột quá!

Hành Giả nói:

– Chú em còn nằm mơ đấy à! Lão Tôn đã đi mời Bồ Tát, hàng phục được yêu quái rồi.

Đoạn Hành Giả kể hết chuyện pháp lực của Bồ Tát. Sa Tăng vô cùng vui mừng nói:

– Ta đi cứu sư phụ ngay thôi.

Hai người bèn nhảy qua khe, xông tới trước cửa, buộc ngựa cầm binh khí đánh thốc vào trong động diệt sạch tiểu yêu, cởi trói cứu Bát Giới ra. Chú ngốc cám ơn Hành Giả, rồi nói:

– Sư huynh ơi, yêu quái ở đâu để em bổ nó mấy nhát đinh ba cho hả giận!

Hành Giả nói:
– Hãy đi tìm sư phụ đã.

Ba người đi thẳng về phía sau, thấy sư phụ trần trụi trụi, bị trói đang than khóc ở giữa sàn. Sa Tăng vội vàng cởi dây trói, Hành Giả lấy quần áo mặc vào cho sư phụ. Cả ba đều quỳ xuống trước mặt sư phụ, nói:

– Sư phụ khổ sở quá! Tam Tạng cảm tạ, nói:
– Các đồ đệ của ta ơi, các con cũng vất vả quá! Làm cách nào hàng phục được yêu ma đấy?

Hành Giả lại kể một lượt chuyến đi mời Bồ Tát, thu phục đồng tử. Tam Tạng nghe xong, vội vàng quỳ xuống, quay về phương Nam lạy tạ. Hành Giả nói:

– Chẳng cần tạ ơn đâu. Chúng ta còn làm phúc giúp ngài ấy thu phục được một đồng tử nữa kia.

Nay nói chuyện đồng tử lạy Quan Âm năm mươi ba lạy. Ba lạy thấy Phật là từ chuyện đó mà ra.

Hành Giả bèn sai Sa Tăng thu hết báu vật trong động, tìm gạo nấu cơm khoản đãi sư phụ. Đường Tăng thoát chết, toàn là nhờ có Tôn Đại Thánh. Lấy được chân kinh cũng chỉ dựa vào sức Mỹ Hầu vương. Mấy thầy trò ra khỏi động, sư phụ vịn yên lên ngựa, tìm đường lớn, dốc lòng sang phương Tây.

Đi chừng hơn một tháng, bỗng nghe tiếng nước réo ầm ầm. Tam Tạng sợ hãi, hỏi:

– Đồ đệ ơi, tiếng nước réo từ đâu thế nhỉ? Hành Giả cười nói:
– Sư phụ già đời mà còn đa nghi, thì không làm hòa thượng được đâu. Chúng ta cả đoàn bốn người, có mỗi mình sư phụ nghe thấy tiếng nước. Vả lại sư phụ quên mất bản “Đa tâm
kinh” rồi à?

Đường Tăng nói:

– Đa tâm kinh là của thiền sư Ô Sào núi Phù Đồ dạy truyền miệng cho ta, cả thảy gồm năm mươi bốn câu, hai trăm bảy mươi chữ. Lúc ấy tai ta nghe truyền, bấy nay thường niệm, nhà ngươi bảo ta quên những câu nào?

Hành Giả nói:

– Thưa lão sư phụ, sư phụ quên mất câu “không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý” rồi. Chúng ta là những người xuất gia, mắt không nhìn sắc, tai không nghe thanh, mũi không ngửi hương, lưỡi không nếm vị, thân không biết nóng lạnh, ý không còn vọng tưởng. Như vậy mới gọi là từ bỏ sáu giặc. Giờ đây sư phụ đi cầu kinh mà cứ nơm nớp trong lòng sợ yêu quái, không chịu xả thân, lưỡi muốn ăn bữa chay, mũi ngửi mùi thơm ngọt, tai ưa nghe âm thanh, mắt ngắm nhìn sự vật, sáu giặc ầm ầm kéo đến, thì làm sao mà sang phương Tây lễ Phật được?

Tam Tạng nghe xong, trầm ngâm nghĩ ngợi, rồi nói:

– Đồ đệ ơi, ta:

Nhớ ngày từ biệt thánh quân

Bôn ba lao khổ bao lần thảm thương

Hài cỏ giẫm đạp tuyết sương Nón lá che đội mây buông non ngàn Vượn kêu đêm tĩnh u buồn
Sáng trăng chim hót chán chường lòng ai

Tam tam hạnh, lúc nào đây

Diệu kinh Phật tổ đến ngày cầu xong.

Hành giả nghe xong, không nhịn được, vỗ tay cười ầm lên,
nói:

– Hóa ra sư phụ lúc nào cũng mang một nỗi nhớ nhà khôn nguôi. Nếu muốn được đầy đủ tam tam hạnh thì có khó gì!
[223]
Thường có câu: “có công mài sắt có ngày nên kim”
thôi.

Bát Giới quay đầu nói:

đấy

– Sư huynh ơi, nếu mà cứ gặp mãi lam chướng yêu ma dữ dội ghê gớm thế này, thì có đi một nghìn năm cũng chẳng thành công.

Sa Tăng nói:

– Anh hai ơi, anh cũng một giuộc như tôi, văn dốt võ nát, vậy không nên chọc tức anh cả, cứ việc mà vai quẩy gánh, ắt có ngày thành công.

Mấy thầy trò đang mải chuyện phiếm, chân bước liên tục, vó ngựa phi nhanh, bỗng thấy trước mặt có một dòng sông nước đen chảy cuồn cuộn, con ngựa không sao cất bước nổi. Bốn người dừng chân đứng trên bờ sông quan sát kỹ càng. Chỉ thấy:

Nước cuộn tầng tầng

Sóng trào lớp lớp

Sóng cuộn tầng tầng, lật sóng đen Sóng trào lớp lớp, dâng đầu xám Đến gần soi chẳng thấy bóng dáng Đứng xa trông không ngọn cỏ cây Một vùng cuộn đen tựa mực giầy Nghìn dặm tung bụi như tro xám Bọt nước lềnh bềnh đen sạm
Hoa sóng trôi nổi rề rà
Quạ thước khó bay qua

Bò dê không dám uống

Bò dê chẳng uống ngại nước sâu đen Quạ thước không bay sợ dòng bát ngát Chỉ thấy ven bờ lau đưa xào xạc
Đầu bãi gió đưa cỏ dại tràn đầy Thiên hạ thiếu gì sông hồ đó đây Đầm lạch suối khe thế gian đủ cả Đời người ta ai cũng đều gặp gỡ
Nào thấy phương Tây có Hắc Thủy hà?

Đường Tăng xuống ngựa, nói:

– Đồ đệ ơi, dòng sông này tại sao nước lại đen ngòm thế nhỉ? Bát Giới nói:
– Lại nhà ai đánh đổ vò mực hẳn? Sa Tăng nói:
– Không. Chắc người nào rửa bút nghiên đấy thôi. Hành Giả nói:
– Các chú đừng đoán già đoán non nữa, hãy tìm cách đưa sư phụ qua sông đã.

Bát Giới nói:

– Cứ như dòng sông này thì lão Trư vượt qua dễ ợt. Hoặc cưỡi mây bay qua, hoặc lặn bơi dưới nước, chỉ khoảng chưa ăn xong bữa cơm là vượt qua rồi.

Sa Tăng nói:

– Còn như lão Sa này, cũng cưỡi mây đạp nước trong khoảnh khắc là qua ngay.
Hành Giả nói:

– Bọn ta thì dễ rồi, chỉ có sư phụ là khó thôi. Tam Tạng hỏi:
– Các đồ đệ, dòng sông này rộng độ bao nhiêu? Bát Giới đáp:
– Khoảng chừng gần mười dặm. Tam Tạng nói:
– Các con thử nghĩ xem có cách nào cõng ta qua được không? Hành Giả nói:
– Bát Giới cõng được. Bát Giới nói:
– Không cõng được đâu. Nếu vừa cưỡi mây, vừa cõng, thì không rời khỏi mặt đất nổi ba thước. Thường có câu: “cõng người phàm nặng như núi”. Nếu vừa cõng vừa bơi, thì đến cả tôi cũng chìm nghỉm đáy sâu!

Bốn thầy trò đang đứng trên bờ sông bàn bạc, bỗng thấy trên thượng nguồn có một người chèo chiếc thuyền con bơi xuống. Đường Tăng mừng quá, nói:

– Các đồ đệ ơi, có thuyền đến kìa, gọi họ chở chúng ta qua. Sa Tăng cất tiếng gọi:
– Ông lái ơi, cho chúng tôi qua với! Người trên thuyền nói:
– Thuyền tôi không phải là đò ngang đâu, chở làm sao được! Sa Tăng nói:
– Trên trời dưới đất, giúp đỡ người là trước nhất. Thuyền bác tuy không phải đò ngang, nhưng chúng tôi cũng không phải là
người đến quấy quả luôn. Chúng tôi là những phật tử bên phương Đông vâng mệnh nhà vua đi lấy kinh, mong bác vui lòng chở giúp chúng tôi sang, chúng tôi xin tạ ơn.

Người kia nghe nói như vậy, bèn ghé thuyền vào bờ, chống mái chèo nói:

– Thưa sư phụ, thuyền tôi đây thì nhỏ, các ngài lại đông, chở cả sang làm sao được?

Tam Tạng đến gần xem, thấy đó là chiếc thuyền độc mộc, khoang thuyền ở giữa chỉ ngồi vừa hai người, bèn nói:

– Làm thế nào bây giờ? Sa Tăng nói:
– Thuyền thế này đành chở làm hai chuyến vậy. Bát Giới giở ngay trò ranh vặt láu cá, nói:
– Ngộ Tĩnh ạ, chú và anh Hành Giả tạm ở lại bên này trông hành lý và con ngựa, để tôi hộ vệ sư phụ sang trước, chuyến sau chở con ngựa và chú. Còn anh Hành Giả nhảy qua sông mà sang.

Hành Giả gật đầu nói:

– Chú nói phải lắm!

Chú ngốc bèn đỡ Đường Tăng xuống thuyền. Người lái đò đẩy thuyền, chèo thẳng ra giữa dòng. Vừa lúc tới giữa sông, bỗng nghe thấy một tiếng nổ vang, nước tung sóng cuộn, trời đất mịt mờ. Một trận cuồng phong nổi lên vô cùng khủng khiếp:

Không trung tiếng sấm nổ vang lưng Cuồn cuộn sóng đen ngút giữa dòng Cát bốc đôi bờ trời tối mịt
Cây nhào bốn phía đất mông lung
Sóng nghiêng bể dốc thần long sợ Đất cuốn bụi bay cỏ nát tung Trận trận thét gào con hổ đói Cơn cơn giòn giã sấm qua dòng Ba ba cua cá cầu thoát nạn
Cầm thú chim muông trốn động cùng Dân chúng năm hồ e khó sống Thuyền bè bốn bể chẳng yên chung Ngư ông không thể câu trong suối Bác chài khôn bủa lưới ngoài sông Gạch vỡ ngói bay nhà đổ cả
Kinh thiên động địa Thái Sơn rung

Trận gió ấy chính là do người chèo đò gây ra. Hắn vốn là quái vật ở sông Hắc Thủy này. Rõ ràng mắt trông thấy Đường Tăng, Bát Giới và con đò chìm nghỉm xuống dòng nước, vô hình vô ảnh, không biết bị cuốn đi phương nào.

Đứng trên bờ, Sa Tăng và Hành Giả trong lòng hốt hoảng, nói:

– Làm thế nào bây giờ? Sư phụ mỗi bước mỗi mắc nạn, vừa thoát khỏi ma chướng, đi được một đoạn đường bình yên, đã lại gặp gian truân ở sông Hắc Thủy rồi!

Sa Tăng nói:

– Hay là đắm đò nhỉ, chúng ta xuống phía dưới dòng tìm xem sao.

Hành Giả nói:

– Không phải đắm đò. Bát Giới biết bơi, tất phải đưa sư phụ vào bờ chứ. Vừa rồi tôi nhìn tên lái đò có vẻ gian lắm. Có lẽ
chính hắn gây ra trận gió dìm sư phụ xuống sông đấy thôi.

Sa Tăng nghe xong, nói:

– Sao sư huynh không bảo em sớm. Bây giờ sư huynh trông ngựa, hành lý để em lặn xuống nước tìm xem.

Hành Giả nói:

– Dòng sông này nước không bình thường, sợ chú em đi không nổi.

Sa Tăng nói:

– Sông này sánh làm sao được với sông Lưu Sa của em ngày trước? Em đi được! Đi được!

Đoạn Sa Tăng cởi áo, xoa xát chân tay, múa bảo trượng hàng yêu rồi nhảy đánh ùm một tiếng, rẽ làn nước lao xuống, rảo bước bơi đi. Đang đi, bỗng nghe thấy tiếng người, Sa Tăng bèn nép vào một bên đưa mắt xem xét, thấy bên kia có một tòa lâu đài. Trước cửa treo bức hoành trên có tám chữ đại tự “Thần phủ sông Hắc Thủy, hang Hành Dương”. Lại nghe thấy tiếng yêu quái ngồi ở phía trên nói:

– Bao nhiêu lâu khó nhọc nay mới vớ được của quý. Lão hòa thượng này đã trải qua mười kiếp tu hành, chỉ cần ăn một miếng thịt của hắn sẽ sống lâu, trẻ mãi không già. Chỉ vì hắn, mà ta mất công chờ đợi đã lâu, hôm nay mới được thỏa chí.

Đoạn hắn gọi:

– Bọn nhỏ đâu, khiêng lồng sắt lại đây, hầm nhừ tuốt cả hai hòa thượng, rồi viết giấy mời cậu hai đến, chúc thọ cậu một thể.

Sa Tăng nghe nói, không nén nổi ngọn lửa tức giận, bèn vung bảo trượng đánh loạn ở ngoài cửa, miệng thì chửi bới:

– Đồ quái vật khốn kiếp kia, mau trả sư phụ Đường Tăng và sư huynh Bát Giới cho ta!

Bọn yêu quái canh cửa hoảng sợ, vội vàng vào báo:

– Tai họa rồi! Lão quái hỏi:
– Tai họa gì?

Bọn tiểu yêu thưa:

– Ngoài cửa có một hòa thượng mặt đen sì đang đánh loạn xạ, miệng chửi đòi người.

Yêu quái nghe nói, lập tức ra lệnh lấy giáp trụ, binh khí. Lũ tiểu yêu khiêng ra. Lão yêu nai nịt gọn ghẽ, tay cầm một ngọn roi sắt đốt trúc chạy ra ngoài cửa, trông rất hung dữ độc ác. Chỉ
thấy:

Mặt vuông chành chạnh mắt sáng quắc Miệng rộng môi cong đỏ hồng hồng Lơ thơ mấy sợi râu chành ngạnh
Lòa xòa hai chỏm tóc hung hung Lẫm liệt oai phong nhu Thái Tuế Gớm ghê hùng hổ tựa Lôi Công Giáp sắt mình mang ngời lấp lánh Kim khôi đầu đội ngọc xanh trong Tay múa một cây roi đốt trúc
Bước đi cuồn cuộn trận cuồng phong

Đẻ ra đã sống trong làn nước Thoát khỏi nguyên lưu biến hóa cùng Họ tên quái vật ai cần biết
Tiền thân vốn gọi Tiểu Đà Long

Yêu quái quát lớn:

– Kẻ nào đến phá cửa nhà ta? Sa Tăng nói:
– Đồ yêu quái khốn kiếp vô tri kia, cớ sao giở trò bịp, biến thành người chở đò cướp sư phụ ta đi? Trả ngay cho ta thì ta tha chết cho!

Yêu quái cười khà khà, nói:

– Lão hòa thượng này không biết sợ chết! Sư phụ nhà ngươi, ta đã bắt đấy và đang định hôm nay làm thịt mời khách. Nhà ngươi lại đây, cùng ta quyết một trận sống mái. Nếu địch nổi ta ba hiệp, ta sẽ trả sư phụ cho. Bằng không ta sẽ thịt nốt cả nhà
ngươi. Lúc ấy đừng có mong sang phương Tây nữa!

Sa Tăng bèn đánh dứ một đòn, rồi kéo lê bảo trượng mà chạy. Yêu quái không chịu đuổi theo, nói:

– Cho nhà ngươi chạy, ta không thèm đấu với nhà ngươi. Ta phải về viết thiếp mời khách đã.

Sa Tăng tức ngùn ngụt nhảy ra khỏi làn nước, gặp Hành Giả nói:

– Sư huynh ơi, yêu quái vô lễ quá lắm! Hành Giả hỏi:
– Chú em lặn xuống đã lâu, nay mới về, hẳn là có yêu quái. Thế có tìm thấy sư phụ không?

Sa Tăng đáp:

– Quả là dưới ấy có một tòa lâu đài, ngoài cửa có treo một bức hoành trên viết mấy chữ “Thần phủ sông Hắc Thủy, hang Hành Dương”. Tôi nấp vào một bên, nghe bên trong có tiếng nói bảo bọn nhỏ kỳ cọ chiếc lồng sắt để hầm sư phụ và Bát Giới, đồng thời cho người đi mời ông cậu tới cùng hưởng, để tăng tuổi thọ. Tôi tức giận đánh cửa nhà nó. Yêu quái bèn cầm một cây roi sắt đốt trúc xông ra đánh nhau với tôi đến nửa ngày, khoảng ba mươi hiệp không phân thắng bại. Tôi giả thua để nhử nó ra để anh đánh giúp. Yêu quái gớm lắm, không đuổi, nói rằng phải về viết thiếp mời khách. Lúc ấy tôi đành phải về.

Hành Giả hỏi:

– Không biết nó là giống yêu quái nào? Sa Tăng đáp:
– Trông bề ngoài, giống một con ba ba to. Nếu không, hẳn là loài đà long.

Hành Giả nói:
– Không biết thằng nào là cậu nó?

Chưa dứt lời, bỗng thấy một cụ già từ phía cửa sông đi tới, quỳ từ xa cất tiếng gọi:

– Thưa Đại Thánh, thần sông Hắc Thủy xin cúi đầu kính chào. Hành Giả nói:
– Nhà ngươi là yêu quái chèo đò lại đến lừa ta phải không? Cụ già gật đầu rơi lệ, nói:
– Thưa Đại Thánh, tôi không phải là yêu quái, mà là chân thần ở sông này. Hồi tháng năm năm ngoái, yêu quái từ Tây Dương đại hải, theo nước triều lớn đến đây giao chiến với tiểu thần. Hiềm vì tiểu thần tuổi già sức yếu, địch không nổi, bị nó chiếm mất cả thần phủ, lại giết hại bao nhiêu loài thủy tộc. Chẳng biết làm thế nào, tôi đành ra biển kiện nó. Nhưng Tây Hải long vương vốn là cậu ruột nó, ngài không nhận đơn kiện, lại bắt tôi nhường chỗ này cho nó. Tôi muốn kiện lên tận trời, hiềm vì quan nhỏ chức hèn, không sao gặp được Thượng Đế. Nay biết tin Đại Thánh tới đây, xin đến vái chào cầu cứu. Muôn ngàn lần mong Đại Thánh ra tay báo thù giúp.

Hành Giả nghe xong, nói:

– Nếu vậy thì Tây Hải long vương cũng có tội. Hôm nay hắn bắt mất sư phụ và sư đệ ta, nói phao lên là sẽ đem hầm nhừ rồi mời cậu hắn tới cùng dự cho tăng tuổi thọ. Ta đang định đi bắt hắn, thì may có ngài tới báo tin. Vậy thì thế này, ngài cứ ở đây cùng Sa Tăng coi giữ, để ta ra biển, bắt long vương tới bảo lão ta bắt yêu quái nghe.

Thần sông nói:

– Xin cảm ơn sâu của Đại Thánh.

Hành Giả lập tức cưỡi mây đến thẳng Tây Dương đại hải, đứng mây hạ xuống, niệm chú: “tỵ thủy” rẽ sóng mà đi. Đang
đi, bỗng gặp một con hắc ngư tinh bưng một cái tráp đựng thiếp mời màu vàng từ hạ lưu đi tới như tên bắn. Hành Giả xông đến trước mặt, rút ngay gậy sắt nện một phát vào đầu. Thương thay, yêu quái kêu ối một tiếng xương sọ nát vụn, óc bắn tung tóe, xác trôi theo dòng nước. Hành Giả mở tráp, thấy bên trong có một tờ thiếp. Tờ thiếp viết:

“Cháu ngoại là Đà Khiết cúi đầu lạy trăm lạy, thưa với cậu thứ hai là Ngao lão đại nhân rằng: Xưa nay cháu được đội ơn dày, vô cùng cảm tạ. Nay cháu có bắt được hai con vật là nhà sư bên phương Đông thực là thế gian hiếm có. Cháu không dám hưởng một mình, lại nghĩ sắp tới sinh nhật của cậu, cháu gọi là sửa bữa tiệc mọn chúc thọ cậu sống lâu nghìn tuổi. Muôn ngàn lần mong xa giá cậu tới dự. Kính thưa.”

Hành Giả cười, nói:

– Thằng cha này đã dâng tờ khai lên lão Tôn đây.

Nói xong lại cất tờ thiếp vào tay áo, tiếp tục đi. Mội lát sau, gặp một tên quỷ Dạ Xoa đi tuần biển. Hắn nhìn thấy Hành Giả, vội vàng quay người về thẳng Thủy Tinh cung báo với đại vương:

– Có Tề Thiên đại thánh tới.

Long vương Ngao Thuận lập tức dẫn các loài thủy tộc ra ngoài cung điện đón tiếp, nói:

– Kính chào Đại Thánh. Xin mời ngài vào cung ngồi chơi xơi nước.

Hành Giả nói:

– Tôi chưa được uống trà của ngài, mà ngược lại ngài lại được uống rượu của tôi trước đấy.

Long vương cười nói:

– Đại Thánh lâu nay quy y cửa Phật, không uống rượu ăn mặn
nữa, vậy bao giờ mời tôi uống rượu đấy?

Hành Giả nói:

– Ngài thì không phải đi uống rượu, mà chỉ là mang một cái tội uống rượu thôi.

Ngao Thuận cả sợ, hỏi:

– Tiểu long này phạm tội gì vậy?

Hành Giả rút tờ thiếp trong tay áo ra đưa cho long vương. Long vương xem xong, hồn vía rụng rời, sợ hãi quỳ xuống dập đầu, nói:

– Xin Đại Thánh tha tội. Thằng ấy là con thứ chín của bà chị tôi. Vì anh rể tôi thi hành sai lệnh làm mưa gió, giảm số lượng mưa, bị Thiên Tào xuống chiếu, sai quan nhân tào là thừa tướng Ngụy Trưng chém đầu trong giấc mộng. Chị tôi không chốn nương thân nên tôi đưa thằng tiểu long ấy về đây nuôi dưỡng cho nên người. Năm ngoái chị tôi không may ốm chết, nó chẳng có nơi sinh sống, tôi bèn cho nó ở sông Hắc Thủy làm nơi tu thân dưỡng tính. Không ngờ nó lại phạm vào tội ác này. Tôi sẽ sai người đi bắt nó về ngay ạ.

Hành Giả hỏi:

– Bà chị ngài được tất cả mấy cậu? Họ làm yêu quái ở những đâu?

Long vương đáp:

– Chị tôi có chín người con trai. Tám đứa kia thì ngoan cả. Cháu đầu là Tiểu Hoàng Long, hiện ở sông Hoài. Cháu thứ hai là Tiểu Ly Long, hiện ở sông Tế. Cháu thứ ba là Thanh Bối Long, chiếm cứ sông Giang. Cháu thứ tư là Xích Nhiêu Long, trấn thủ sông Hà. Cháu thứ năm là Đồ Đao Long, giữ việc đánh chuông cho Phật Tổ. Cháu thứ sáu là Ôn Thú Long, trấn thủ trong thần cung. Cháu thứ bảy là Kính Trọng Long giữ cây Kinh
thiên hoa biểu cho Thượng Đế. Cháu thứ tám là Thần Long, ở với anh cả tôi coi giữ Thái Nhạc. Thằng thứ chín là Đà Long, vì còn ít tuổi và chưa có công việc gì, mãi tới năm ngoái, tôi mới cho ra sông Hắc Thủy để tu dưỡng, đợi khi nào thành danh sẽ điều đi nơi khác. Ai ngờ nó không tuân lệnh tôi, xúc phạm tới Đại Thánh.

Hành Giả nghe xong, cười hỏi:

– Bà chị ngài có mấy ông chồng? Ngao Thuận thưa:
– Có một đời chồng thôi ạ. Đó là Long vương Kinh Hà, năm kia bị chém. Chị tôi góa bụa về đây sống. Đến năm ngoái cũng bị ốm chết rồi.

Hành Giả nói:

– Một vợ một chồng, làm sao lại đẻ ra mấy giống tạp thế? Ngao Thuận nói:
– Như thế mới gọi là “Rồng đẻ chín giống, chín giống khác nhau” mà.

Hành Giả nói:

– Vừa rồi tôi trong lòng buồn bực, định lấy tờ thiếp làm bằng, tâu lên thiên đình, tố ngài về tội thông đồng tác quái, chiếm đoạt nhân khẩu. Nhưng theo lời ngài, thì do tên kia không tuân giáo huấn. Vậy tạm tha cho ngài lần này. Một là nể tình anh em nhà ngài; hai là yêu quái kia ít tuổi không biết, mà ngài cũng không quan tâm cho lắm. Vậy ngài hãy mau mau sai người bắt hắn về, cứu sư phụ tôi, rồi tôi sẽ khu xử sau.

Ngao Thuận lập tức gọi thái tử Ma Ngang dặn:

– Mang ngay năm trăm tôm cá tinh nhuệ, bắt Tiểu Đà về trị tội. Một mặt sửa soạn tiệc rượu để tạ ơn Đại Thánh.
Hành Giả nói:

– Long vương đừng bày vẽ nữa. Đã bảo tha là tha, hà tất phải tiệc tùng. Vả lại, bây giờ tôi cũng cần đi cùng thái tử. Một là sư phụ tôi đang mắc nạn, hai là sư đệ tôi cũng đang mong.

Long vương giữ thế nào Đại Thánh cũng không ở. Lại thấy có long nữ bưng trà ra mời. Hành Giả bèn uống một chén trà hương, rồi từ biệt long vương, cùng thái tử Ma Ngang dẫn quân rời Tây Dương đại hải. Trong chốc lát đã tới sông Hắc Thủy. Hành Giả nói:

– Thái tử bắt đầu cứu người nhé, tôi đợi trên bờ. Ma Ngang nói:
– Đại Thánh cứ yên tâm. Tiểu long sẽ bắt hắn lên trình Đại Thánh, để Đại Thánh trị tội hắn trước, rồi đưa sư phụ lên bờ, xong xuôi mới dám trở về trình thân phụ tôi.

Hành Giả mừng rỡ tạm biệt, bấm quyết “tỵ thủy”, nhảy ra khỏi mặt nước, đứng trên bờ sông phía đông chờ đợi.

Sa Tăng và vị thần sông đón hỏi:

– Sư huynh ơi, lúc đi thì sư huynh đi trên không, tại sao lúc về lại chui từ dưới nước lên?

Hành Giả đem chuyện đánh chết ngư tinh, bắt được tờ thiếp mời, chuyện trách long vương, cùng thái tử dẫn binh, kể hết một lượt. Sa Tăng nghe xong vô cùng mừng rỡ, đứng trên bờ sông, chờ đón sư phụ. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện thái tử Ma Ngang dẫn quân tới cửa thủy phủ của yêu quái, cho người vào báo với yêu quái:

– Có thái tử của Tây Hải lão long vương là Ma Ngang tới.

Yêu quái đang ngồi, bỗng nghe tiếng Ma Ngang tới, trong lòng nghi hoặc, nói:
– Ta sai Hắc Ngư tinh mang thiếp đi mời cậu hai, từ sớm đến giờ không thấy về báo. Mà tại sao ông cậu ta không tới, lại sai biểu huynh tới nhỉ?

Đang nói, bỗng có một tiểu yêu đi tuần sông chạy về báo:

– Thưa đại vương, trong sông có một đạo binh đóng đồn ở phía Tây thủy phủ. Cờ hiệu có hàng chữ “Tây Hải trừ quân Ma Ngang tiểu soái”.

Yêu quái nói:

– Biểu huynh thực là cuồng vọng. Ta tưởng cậu ta không đến được, thì sai hắn tới dự tiệc. Đã đến dự tiệc cớ sao còn mang quân cho khó nhọc? Hừ! Chắc là bên trong có chuyện gì đây.

Bèn ra lệnh:

– Bọn nhỏ, mang sẵn giáp trụ, roi sắt ra đây để phòng khi có biến. Đợi ta ra đón hắn xem sao.

Lũ tiểu yêu răm rắp vâng lệnh. Con nào con nấy xoa tay nắm quyền chuẩn bị.

Đà Long ra ngoài cửa. Đúng là có một đội hải quân đóng trại ở phía ngoài thủy cung. Chỉ thấy:

Tinh kỳ bay phấp phới Họa kích bày sáng choang Bảo kiếm ánh huy hoàng Giáo dài tua rực rỡ
Tên nhọn như nanh chó Cong cong tựa vành trăng Đại đao sáng long lanh Đoản côn cứng vô kể
Kình ngao và cua bể
Cá tôm cùng hến trai Lớn nhỏ xếp hàng dài Binh khí dày nêm cối
Nguyên nhung lệnh chưa đội

Cựa quậy ai dám nào!

Yêu quái thấy vậy, bước đến thẳng cửa doanh trại, lớn tiếng gọi:

– Kính chào biểu huynh, tiểu đệ đến đây đón tiếp. Xin có lời mời.

Một tên ốc đi tuần quanh doanh trại vội vàng chạy về trướng trung quân báo:

– Kính thưa điện hạ, bên ngoài có Đà Long đến mời.

Thái tử sửa lại mũ kim khôi, thắt lại đai báu, tay cầm một cây giản ba mũi, bước rảo ra cửa doanh trại, nói:

– Nhà ngươi mời ta đến có việc gì? Đà Long cúi chào, nói:
– Tiểu đệ sớm nay có gửi thiếp mời cậu. Cứ tưởng là cậu đến, hóa ra lại sai biểu huynh đến. Huynh trưởng đã đến dự tiệc, tại sao còn mang quân cho khó nhọc? Không vào thủy phủ, đóng trại ở đây, lại còn mặc giáp cầm binh khí là cớ sao vậy?

Thái tử hỏi:

– Nhà ngươi mời cậu có việc gì? Yêu quái đáp:
– Tiểu đệ luôn luôn nhớ ơn cậu cho được ở chốn này. Lâu ngày xa cách tôn nhân chưa được báo hiếu. Hôm qua đệ có bắt được một nhà sư bên phương Đông. Nghe nói hắn đã trải qua mười kiếp tu hành, ai ăn thịt hắn sẽ được sống lâu. Nên đệ định
bỏ vào lồng sắt hấp chín, muốn mời cậu qua chơi cùng xơi để tăng tuổi thọ.

Thái tử quát lớn:

– Nhà ngươi thật quá sức ngu muội! Ngươi có biết nhà sư ấy là ai không?

Yêu quái nói:

– Hắn là nhà sư của nhà Đường, một hòa thượng sang phương
Tây lấy kinh.

Thái tử nói:

– Nhà ngươi chỉ biết ngài ấy là Đường Tăng, mà không biết đồ đệ, thủ hạ của ngài ấy lợi hại thế nào à?

Yêu quái nói:

– Hắn có một hòa thượng mõm dài là Trư Bát Giới cũng đã bị tôi bắt sống, định đem hầm cùng với Đường Tăng một thể. Một hòa thượng nữa tên là Sa Tăng, người đen sì sắc mặt tối om om, sử dụng một cây bảo trượng, hôm qua đến ngoài cửa đòi sư phụ, bị tôi đem quân ra, vung roi sắt đánh cho một trận thua tơi bời, vội vàng bỏ chạy thoát thân. Chúng có gì lợi hại đâu?

Thái tử nói:

– Nhà ngươi vốn không biết. Ngài ấy còn có một đồ đệ cả nữa, là một vị thượng phương Thái Ất kim tiên tức Tề Thiên đại thánh đã đại náo thiên cung năm trăm năm về trước, nay hộ vệ Đường Tăng sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, đã được chính Quan Âm Bồ Tát đại từ đại bi ở núi Phổ Đà khuyến thiện đổi tên cho là Tôn Ngộ Không hành giả. Tại sao nhà ngươi ngu tối lại dám gây họa? Chính ngài đã bắt gặp đứa đưa thư của nhà ngươi ở ngoài biển, lấy được tờ thiếp mời, vào tận Thủy Tinh cung, kết tội cha con ta là “thông đồng với yêu quái cưỡng bắt nhân khẩu”. Nhà ngươi phải mau mau đưa Đường Tăng, Bát Giới lên
bờ, trao trả cho Tôn Đại Thánh, rồi ta cùng nhà ngươi lạy tạ ngài. Như vậy nhà ngươi mới toàn tính mạng. Nếu nói nửa lời “không”, thì đừng hòng được sống yên ở đất này!

Yêu quái nghe xong, trong lòng nổi giận, nói:

– Ta với nhà ngươi là anh em con cô con cậu, thế mà nhà ngươi lại về hùa với nó. Cứ như nhà ngươi nói thì ta phải thả Đường Tăng ra. Trên đời này đâu có chuyện dễ dàng như vậy? Nhà ngươi sợ hắn, chứ ta đâu có sợ! Nếu hắn tài giỏi, dám đến trước thủy phủ ta đây, đánh nhau với ta ba hiệp, ta sẽ trả sư phụ cho. Nếu không thắng được ta, thì ta sẽ bắt cả hắn, hầm nhừ một thể, mà cũng chẳng mời họ hàng, chẳng mời khách khứa nữa, cứ đóng chặt cửa lại, bảo bọn nhỏ múa hát, ta ngồi ở trên, ung dung tự tại, chén thịt mẹ chúng nó đi không sướng hơn à?

Thái tử nghe vậy, lớn tiếng quát:

– Đồ yêu quái khốn kiếp kia, thực là hỗn láo hết mức! Không cần phải Tôn Đại Thánh đánh nhau với nhà ngươi, nhà ngươi có dám đánh nhau với ta không?

Yêu quái nói:

– Đã là hảo hán, sợ gì mà không đánh! Bèn ra lệnh:
– Mang giáp trụ lại đây!

Tiếng hô vừa dút, lũ tiểu yêu tùy tòng mang giáp trụ, roi sắt đến. Thế là cả hai bên đều trở mặt khoe anh hùng, truyền hiệu lệnh, nhất tề nổi trống. Trận đánh này quyết liệt hơn trận đánh với Sa Tăng nhiều. Chỉ thấy:

Tinh kỳ rực rỡ Gươm giáo sáng choang Bên này cả doanh xốc tới
Bên kia cửa phủ mở toang Thái tử Ma Ngang múa giản vàng Yêu quái Đà Long vung roi đỡ Một hồi trống tiến quân giục giã
Ba tiếng chiêng ngàn tướng sẵn sàng

Tôm đấu tôm hung hăng Cua cắp cua quyết liệt Kình ngao nuốt cá chép Mập voi đuổi cá trôi
Cá ngạnh đớp cá mòi

Trai sò ăn ốc hến Cá rô dương vây đến Cá trê tuốt ngạnh vươn
Rắn biển đuổi chạch lươn

Cá lô săn cá bống

Một sông thủy quái tranh thua thắng Hai xứ quân rồng đấu thấp cao Hỗn chiến giờ lâu sóng lật nhào Ma Ngang thái tử tài hơn hẳn Nhắm đầu yêu, hét vang bổ giản Bắt sống Đà Long hết tác oai

Thái tử vung cây giản ba mũi đánh dứ một miếng, yêu quái không hề biết đó là mẹo lừa, xông ngay vào, bị thái tử đánh cho một miếng hiểm, đâm một mũi giản trúng cánh tay phải. Thái tử lại xông tới bồi tiếp một cú đá, yêu quái ngã lăn ra mặt đất. Bọn quân biển nhất tề ập vào đè chặt lấy, dùng thừng trói chặt hai tay quặt ra sau lưng, lấy móc sắt móc vào mép lôi lên bờ, giải tới trước mặt Tôn Hành Giả, nói:

– Thưa Đại Thánh, tiểu long đã bắt được yêu quái Đà Long, xin Đại Thánh xét xử.

Hành Giả và Sa Tăng thấy vậy, nói:

– Nhà ngươi không tuân thượng lệnh. Ông cậu nhà ngươi đã cho nhà ngươi ở chỗ này, dặn phải tu thân dưỡng tính, đợi nhà ngươi chừng nào công thành danh toại, sẽ điều đi cai trị nơi khác. Thế mà nhà ngươi dám chiếm nhà thần sông, cậy thế ăn hiếp, dối mình lừa trên, giở trò bịp bợm, lừa bắt sư phụ, sư đệ ta
nữa. Ta định nện cho nhà ngươi một gậy, khốn nỗi cây gậy của lão Tôn nặng lắm, chỉ chạm khẽ nhà ngươi đã toi mạng rồi. Nhà ngươi giấu sư phụ ta ở chỗ nào?

Yêu quái dập đầu lia lịa, nói:

– Thưa Đại Thánh, Tiểu Đà này không biết đại danh của Đại Thánh, mới dám trái lời biểu huynh, cậy mạnh làm càn, bị biểu huynh bắt sống. Nay được gặp Đại Thánh, đội ơn Đại Thánh không giết, tôi thật cảm tạ vô cùng. Sư phụ ngài, tôi vẫn trói nhốt trong thủy phủ. Xin Đại Thánh cởi dây sắt thả tôi ra, tôi xin xuống sông đưa ngài lên.

Ma Ngang đứng bên cạnh, nói:

– Thưa Đại Thánh, thằng này ngỗ ngược, gian trá lắm, nếu thả hắn, e hắn lại làm ác.

Sa hòa thượng nói:

– Tôi biết chỗ nó ở rồi, để tôi đi tìm sư phụ cho.

Sa Tăng và thần sông nhảy xuống sông, đến thẳng trước cửa phủ, thấy cánh cửa đã mở toang, không có một tên yêu quái nào, bèn vào thẳng trong phủ, thấy Đường Tăng, Bát Giới trần như nhộng đang bị trói ở đấy. Sa Tăng vội vàng cởi trói cho sư phụ, thần sông cởi trói cho Bát Giới, cứ một người cõng một người ra khỏi làn nước, bước lên bờ. Bát Giới trông thấy yêu quái nằm đấy, vội vàng rút đinh ba xông tới bổ, miệng thì chửi:

– Đồ yêu quái súc sinh khốn khiếp, sao bây giờ không ăn thịt tao đi?

Hành Giả ngăn lại, nói:

– Chú em ạ, nể tình bố con ông Ngao Thuận, ta tạm tha chết cho nó.

Ma Ngang cúi lạy, nói:
– Thưa Đại Thánh, tiểu long này không dám ở lâu. Bây giờ đã cứu được sư phụ rồi, tôi xin đem tên này về trình gia phụ. Tuy Đại Thánh đã tha chết cho hắn, nhưng gia phụ tôi quyết chẳng tha hắn đâu. Người khu xử thế nào, tôi sẽ trở lại tạ tội Đại Thánh sau.

Hành Giả nói:

– Đã vậy thì thái tử đưa hắn về. Xin có lời kính chào lệnh tôn, và thứ cho việc đến gặp cảm tạ nhé!

Thái tử bèn giải yêu quái nhảy xuống làn nước, dẫn đoàn quân biển kéo thẳng về Tây Dương đại hải. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện thần sông Hắc Thủy cảm ơn Hành Giả, nói:

– Nhờ ơn Đại Thánh, tôi đã lấy lại được thủy phủ! Đường Tăng nói:
– Các đồ đệ ơi, bây giờ vẫn còn ở bờ đông, làm cách nào qua sông được?

Thần sông nói:

– Xin ngài chớ lo, cứ việc lên ngựa, thần sẽ mở đường, dẫn ngài qua sông.

Lúc ấy, sư phụ mới cưỡi lên con ngựa bạch, Bát Giới cầm cương, Sa Tăng gánh hành lý, Tôn Hành Giả đi bên cạnh hộ vệ. Thần sông dùng phép ngăn nước, chặn dòng nước trên thượng nguồn lại. Trong chớp mắt, hạ lưu nước cạn sạch, một con đường lớn mở ra. Bốn thầy trò qua được sang bờ tây, cảm ơn thần sông, bước lên đường cái. Chính thực là:

Thiền tăng được cứu sang Tây vực

Ngăn dòng hết sóng vượt sông đen

Cuối cùng không biết bao giờ mới được lễ Phật cầu kinh, xem hồi sau sẽ rõ.

--------------------
[223] Nguyên văn: công đến tự nhiên thành