Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ ba mươi sáu

Ngộ Không xử đúng muôn duyên phục
Đạo tà phá bỏ thấy trăng soi

Lại nói chuyện Tôn Hành Giả dừng mây bước xuống nói cho
sư phụ nghe hết mọi chuyện về Bồ Tát mượn tiểu đồng. Lão Quân thu bảo bối. Tam Tạng cám ơn mãi không thôi, thề quyết tâm một lòng một dạ, quên mình sang bằng được phương Tây. Nói đoạn, vịn yên ngựa trèo lên, Trư Bát Giới gánh hành lý, Sa Hòa Thượng dắt ngựa. Tôn Hành Giả cắp gậy sắt đi trước mở đường, cả đoàn xuống núi, thẳng đường tiến bước. Kể sao cho xiết bao nỗi ăn gió nằm sương, tắm mưa gội nắng. Thầy trò đi được một đoạn dài, lại thấy một trái núi chắn trước mặt. Tam Tạng ngồi trên mình ngựa cất tiếng:

– Các đồ đệ trông kìa, ngọn núi kia hình thế hiểm Trở quá, ta phải đề phòng cẩn thận kẻo ma quái hãm hại.

Hành Giả nói:

– Sư phụ đừng lo nghĩ vẩn vơ, mà nên giữ vững tinh thần, tự nhiên sẽ vô sự.

Tam Tạng hỏi:

– Các đồ đệ ạ, trời Tây làm sao mà khó đi thế? Ta nhờ từ ngày rời Tràng An, dọc đường xuân qua hè tới, thu hết đông tàn, kể đã bốn năm năm rồi, mà sao đi mãi không tới?

Hành Giả nghe nói, khà khà cười ngất:

– Còn xơi, còn xơi! Còn chưa ra khỏi cổng đâu! Bát Giới nói:
– Anh đừng có nói phét! Thế gian làm gì có loại cổng nào như thế!

Hành Giả nói:

– Chú em ơi, chúng ta vẫn còn quanh quẩn ở trong nhà đấy! Sa Tăng cười, nói:
– Anh Tôn đừng có nói khoác dọa chúng tôi, làm gì có cái nhà nào to như thế. Nếu to như thế thì tìm đâu ra chiếc xà nào cho vừa?

Hành Giả nói:

– Chú em ạ, cứ như con mắt của lão Tôn nhìn, thì trời xanh là mái ngói, mặt trời mặt trăng là cửa sổ, tứ sơn ngũ nhạc là trụ cột, trời đất chỉ là một tòa nhà to mà thôi!

Bát Giới nghe xong nói:

– Thôi, thôi! Chúng ta chỉ nên tranh thủ đi thôi! Hành Giả nói:
– Thôi, cũng đừng nói linh tinh nữa, cứ biết đi theo lão Tôn là được.

Nói xong, Đại Thánh cắp ngang cây gậy sắt dẫn Đường Tăng và mọi người mở lối tiến bước. Ngồi trên mình ngựa, Đường Tăng ngắm nghía ngọn núi. Quả là một ngọn núi hiểm trở:

Đỉnh núi chon von liền bắc đẩu, Ngọn cây nghiêng ngả sát tầng mây. Trong làn khói tỏa, vượn hót đâu đây. Dưới rặng tùng xanh, hạc kêu thánh thót. Quỷ hú bờ khe, ghẹo người kiếm củi,
Hồ ly ngồi vách, dọa đám thợ săn. Mấy gốc tùng cổ xòe tán dù căng,
Quanh thân xù xì dây leo chằng chịt.

Nước khe dào dạt, hơi lạnh bốc cao người chết khiếp. Đỉnh non lởm chởm, gió ngàn xông mắt mộng hồn kinh. Thỉnh thoảng tiếng dê núi rì rầm,
Chốc chốc giọng chim ngàn khắc khoải.

Hươu nai từng đàn chui bờ bụi, Cáo cầy từng lũ kiếm ăn quanh.
Nhìn quanh co chẳng bóng khách xa gần, Trong hang hốc rặt những loài cầy cáo. Hẳn chẳng phải nơi Như Lai tu đạo. Đích thị là vùng thú chạy chim bay.
Sư phụ trong lòng sợ hãi, run rẩy nắm chặt lấy cương ngựa, gọi Ngộ Không:

– Ngộ Không ơi, ta:

Từ ngày ích tri thề non ấy. Vương bất lưu hành tiễn ngoại thành. Gặp gỡ dọc đường tam lăng tử,
Thúc roi trên nẻo mã đâu linh. Trèo non lội suối tìm kinh giới, Vượt vách qua khe hái phục linh. Phòng kỷ một thân như trúc lịch,
[199]
Hồi hương bao thuở đến triều đình? .

Tôn Đại Thánh nghe xong, cười khanh khách nói:

– Sư phụ bất tất phải lo phiền và sốt ruột, cứ yên tâm mà đi,
nhất định “có công mài sắt có ngày nên kim”[200]

Mấy thầy trò vừa đi vừa ngắm phong cảnh, chẳng mấy chốc mặt trời đã ngả về tây. Chính là lúc:

Mười dặm trường đỉnh không bóng khách.

Chín tầng trời thẳm hiện trăng sao, Tám dòng sông lớn thuyền về bến, Bẩy vạn huyện châu cửa đóng vào. Năm phủ sáu cung quan vắng vẻ, Ra sông bốn biển lưới lèo tèo.
Mấy tòa lầu các chuông ngân dục, Trời đất trăng soi sáng một mầu.
Tam Tạng ngồi trên mình ngựa nhìn, chỉ thấy xa xa, trong thung lũng, lâu đài đền các điệp trùng thấp thoáng, bèn nói:

– Các đồ đệ ơi, bây giờ trời đã tối rồi, may ở phía kia có bóng nhà cửa thấp thoámg, chắc là đền miếu, tu viện gì đó, ta đến đó ngủ nhờ một đêm, sáng mai đi tiếp.

Hành Giả nói:

– Sư phụ nói phải lắm! Nhưng đừng vội vàng, chờ con đi xem hay dở thế nào đã.

Nói xong, Hành Giả nhảy vút lên không trung quan sát kỹ lưỡng. Quả nhiên đó là một tòa sơn môn. Chỉ thấy:

Tường xây gạch quét vôi hồng,

Hai bên cánh cửa đỉnh vàng song song.

Sườn non lớp lớp lầu son,

Ẩn trong vách núi hiện vàng chen nhau.

Gác Vạn Phật, điện Như Lai,
Cửa Đại Hùng ấy với lầu Triều Dương.

Tháp bẩy tầng vút trời xanh,

Tam tôn thần Phật hiện hình vẻ vang.

Đài Văn Thù, xá Già Lam, Đây đài Di Lặc, kia phòng Từ Bi. Lầu Khán Sơn ánh sàng lòa.
Gác Bộ Hư vẫn sớm trưa mây vờn.

Cửa tùng sâu trúc xanh rờn,

Phòng phương trượng sạch bụi trần, trong veo.

Cảnh vật u nhã, mĩ miều,

Giúp cho việc đạo rất nhiều cơ duyên.

Tăng ni nghe giảng kinh thiền, Nơi khu diễn lạc sáo đàn rộn vang. Đài Diệu Cao nở hoa Đàm,
Lá bổi xanh thắm bên đàn thuyết kinh.

Nơi này chính thực là:

Rừng che đất tam bảo, Núi đỡ cung Phạm vương. Đèn nến thắp sáng choang. Khói hương thơm ngào ngạt.
Hành Giả từ tầng mây nhảy xuống báo lại cho Tam Tạng:

– Thưa sư phụ, đúng là một nơi am quán, có thể ngủ nhờ được, chúng ta đi thôi!

Thế là Tam Tạng phóng ngựa một mạch đến tận bên ngoài cổng sơn môn. Hành Giả hỏi:
– Thưa sư phụ, đây là chùa gì? Tam Tạng đáp:
– Ta vừa dừng ngựa, chân còn chưa rời bàn đạp, mà ngươi đã hỏi chùa gì, thì ta biết đằng nào mà lần!

Hành Giả nói:

– Sư phụ đi tu từ nhỏ, chắc đã đọc nhiều sách vở mới có thể đi diễn giảng kinh pháp; nghĩa sách phải thông thì sau đó mới được hưởng ơn huệ của vua Đường, thế mà hàng chữ đại tự trên cửa to thế kia lại không dọc được à?

Tam Tạng mắng luôn:

– Con khỉ hỗn láo chỉ được cái nói năng càn rỡ! Ta vừa giục ngựa chạy, mặt quay về hướng tây, bị bóng mặt trời dội vào mắt chói quá. Cửa tuy có chữ nhưng bụi bặm làm mờ đi, nên ta nhìn không rõ chứ sao nữa.

Hành Giả nghe nói, lắc mình một cái, người cao hơn hai trượng, lấy lay xoa hết bụi, nói:

– Sư phụ đọc đi nào!

Trên cửa có năm chữ lớn “Sắc kiến Bảo Lâm tự”[201]

Hành
.
Giả thu lấy pháp thân, hỏi:

– Thưa sư phụ, ai vào trong chùa hỏi ngủ trọ nhờ bây giờ? Tam Tạng đáp:
– Để ta vào cho. Các con mặt mũi xấu xí, nói năng thô bạo, tính nết ương bướng mà vào ngộ nhỡ họ không cho ngủ trọ thì lại lỡ việc.

Hành Giả nói:

– Vâng, mời sư phụ vào ngay cho, không cần phải nói nhiều. Tam Tạng bèn bỏ chiếc nón ra, để lại cây gậy tích trượng, sửa
lại quần áo cho ngay ngắn, rồi chắp tay bước vào trong cổng, thấy hai bên lan can quét sơn hồng có hai bức tượng Kim Cương ngồi uy nghi đường bệ:

Một vị râu cứng mặt đen, Một vị mắt tròn mày xếch. Tay trái nắm lại như hòn sắt,
Tay phải giơ cao tựa thỏi đồng. Áo giáp vàng che kín thân mình, Dải lụa mũ gió bay phất phất.
Phương tây thực lắm người thờ Phật, Lư đá hương trầm cháy rực hồng.
Tam Tạng thấy thế, gật đầu thở dài:

– Giá mà ở phương Đông người ta cũng đắp tượng đại Bồ Tát thế này rồi hương hoa cúng dâng, thì mình hà tất phải sang phương Tây làm gì!

Đang lẩm bẩm, thì chân đã bước vào tầng cửa thứ hai, lại thấy tượng bốn vị đại tiên vương là Tri Quốc, Đa Văn, Tăng Trường, Quảng Mục, tượng trưng cho mưa thuận gió hòa ở bốn phương đông, tây, nam, bắc. Vào bên trong tầng cửa thứ hai, lại thấy bốn cây tùng lớn, tán biếc lòa xòa như hình cái lọng. Đường Tăng ngẩng đầu nhìn, thì thấy đã tới điện Đại Hùng rồi, bèn chắp lạy quy y, cúi người xuống lạy. Lạy xong, lại đứng lên, bước qua Phật đài, đi về phía cửa sau. Ở đây lại thấy một bức tượng Quan Âm phổ độ ở Nam Hải. Trên tường, thợ khéo lành nghề đắp đủ các hình tôm, cá, ba ba thò đầu lộ đuôi, nhẩy nhót nô đùa trên mặt sóng. Thấy thế, Tam Tạng cứ gật gù than thở mãi:

– Thế chứ! Những loài sừng vẩy còn biết lễ Phật. Con người lại không biết tu hành sao?
Đang lẩm bẩm, bỗng thấy một đạo nhân từ tầng cửa thứ ba đi ra. Đạo sĩ thấy Tam Tạng tướng mạo thanh thoát, hình dung tuấn tú, bèn rảo bước tới gần cúi chào, rồi hỏi:

– Sư phụ từ đâu tới ạ? Tam Tạng thưa:
– Đệ tử người nước Đại Đường bên phương Đông, vâng mệnh nhà vua sang phương Tây lễ Phật cầu kinh. Hôm nay chúng tôi tới xứ nhà, trời vừa tối xẩm, vào xin các ngài cho ngủ trọ một đêm.

Người đạo nhân nói:

– Sư phụ đừng trách. Tôi không phải là chủ nhân ở đây. Tôi chỉ là người quét nhà gõ chuông mà thôi. Trong nhà đã có một vị lão sư phụ trông nom, để tôi vào thưa chuyện với ngài. Nếu ngài bằng lòng, tôi sẽ ra mời vào. Bằng không tôi đâu dám giữ.

Tam Tạng nói:

– Vâng, làm phiền ngài quá.

Người đạo nhân vội vàng quay vào báo:

– Thưa ngài, ngoài cửa có một người tới.

Vị tăng quan vội vàng đứng dậy, thay quần áo, đội mũ tì lư, khoác áo cà sa, bước ra mở cửa đón tiếp, hỏi người đạo nhân:

– Người ấy đâu?

Đạo nhân lấy tay chỉ, nói:

– Người ấy đứng sau chính điện kia ạ.

Tam Tạng đầu không đội mũ, chỉ mặc một chiếc áo Đạt Ma hai mươi nhăm mảnh, chân đi đôi giày Đạt Công bùn lấm bê bết, đang đứng dựa ở cổng sau. Tăng quan trông thấy, tức giận nói:
– Đạo nhân đạo này ít được ăn đòn hử? Nhà ngươi há lại không biết ta là tăng quan, chỉ ra tiếp những bậc sĩ phu từ thành phố đến dâng hương lễ Phật thôi, chứ cái hạng hòa thượng này, sao nhà ngươi dám vớ va vớ vẩn báo ta ra đón! Cứ trông mặt mũi thế kia, thì chẳng phải là hạng người thành thực, mà chắc là loại sư vân du lang thang, gặp buổi tối trời vào xin ngủ nhờ. Phương trượng của ta đâu có phải là chỗ cho chúng làm loạn! Sao không bảo họ ra hành lang đằng trước mà ngồi cho xong chuyện, còn bảo với ta làm gì?

Nói xong, vị tăng quan quay người đi vào. Tam Tạng nghe xong, nước mắt chảy dài, nói:
– Than ôi, thế mới gọi là “xa quê bị khinh rẻ”! Mình đi tu từ bé, làm hòa thượng chưa từng ăn mặn nghĩ xằng, chỉ biết giữ lòng thuần khiết, cũng chưa từng ném gạch ngói vào điện Phật, bóc thếp vàng trên mặt A La. Thế mà… Than ôi! Không biết kiếp trước có xúc phạm gì trời đất không, mà sao kiếp này rặt gặp người bất lương! Vị hòa thượng kia, ngài đã không cho chúng ta ngủ trọ thì thôi, tại sao lại nói những lời khinh bỉ, để chúng ta ngồi ở hành lang đằng trước. Không nói cho Hành Giả biết thì thôi, nếu ta nói ra, con khỉ ấy xông vào nện cho nhà ngươi một gậy là nát mắt cá chân ra ngay! Nhưng thôi, thường có câu: “Người ta lấy lễ nghĩa làm đầu”, ta cứ vào hỏi người ta một lời, xem ý người ta thế nào.

Thế là sư phụ lần theo vết chân, bước vào phương trượng, thấy vị tăng quan cởi quần áo, ngồi thở phì phò, chẳng biết đang đọc kinh hay viết sớ cho người nào. Trên án xếp một chồng giấy tờ. Sư phụ chẳng dám bước vào, chỉ đứng ở bậc cửa cất tiếng chào:

– Kinh chào lão viện chủ, cho phép đệ tử hỏi một chút!

Vị hòa thượng kia ý không muốn để Tam Tạng vào quấy rầy,
chỉ hỏi một câu nửa trả lời nửa không:

– Ngài từ đâu tới? Tam Tạng đáp:
– Đệ tử người nước Đại Đường bên phương Đông, vâng lệnh nhà vua sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, đi qua xứ nhà vừa lúc trời tối, xin lão viện chủ cho ngủ nhờ một đêm, mờ sáng ngày mai lại lên đường ngay. Mong lão viện chủ mở lòng từ bi làm phúc.

Vị tăng quan đứng dậy, nói:

– Ngài là Đường Tam Tạng đấy à? Tam Tạng đáp:
– Thưa vâng. Đệ tử chính là Đường Tam Tạng. Tăng quan nói:
– Ngài đã đi sang phương Tây lấy kinh, tại sao lại không biết đường?

Tam Tạng nói:

– Đệ tử chưa từng tới xứ nhà bao giờ. Tăng quan nói:
– Cứ đi theo hướng chính Tây, chừng bốn năm trăm dặm có một ngôi miếu Tam Thập Lý. Trong điếm có bán cơm, ngủ trọ rất tốt. Chỗ chúng tôi không tiện chứa các ngài từ phương xa tới.

Tam Tạng chắp tay nói:

– Thưa viện chủ, cổ nhân có câu: “Am miếu chùa chiền là trạm nghỉ của khách phương xa, gặp được sơn môn là có ba thăng gạo”, thế mà ngài không cho chúng tôi ngủ nhờ là ý làm sao?

Tăng quan giận dữ hỏi:
– Cái hạng hòa thượng lang thang các ông, miệng lưỡi sao mà trơn tuột thế.

Tam Tạng nói:

– Đâu có dám miệng lưỡi trơn tuột! Tăng quan nói:
– Cổ nhân có nói: “Hổ dữ vào thành, nhà dân đóng chặt, không ăn thịt người, thanh danh cũng mất”.

Tam Tạng nói:

– Tại sao lại mất thanh danh? Tăng quan nói:
– Năm ngoái, có mấy nhà sư hành giả lang thang đến ngồi trước cửa chùa này. Tôi thấy họ đói rét, ai nấy quần áo rách rưới, chân không giầy, đầu không mũ, tôi thương hại họ, mời vào phương trượng, cho ngồi chiếu trên, khoản đãi cơm chay, lại biếu mỗi người một bộ quần áo cũ, lưu họ ở thêm dăm ngày. Không ngờ họ thấy ở đây ăn mặc đầy đủ, không chịu ra đi, cứ ở lỳ bẩy tám năm liền. Mà nào có ở không đâu, lại còn làm nhiều chuyện bậy bạ khác nữa chứ!

Tam Tạng hỏi:

– Chuyện bậy bạ gì? Tăng quan nói:
– Ngài nghe tôi nói đây:

Lúc rỗi trèo tường ném ngói, Khi buồn phá cửa nhổ đinh, Trời lạnh bẻ song đốt sưởi, Ngày hè ngả cửa nằm nhàn. Vải phướn xé làm bao chân,
Bát nhang đổi lấy rau sam. Làm đổ dầu đèn lênh láng, Giằng nồi cướp bát tranh ăn.
Tam Tạng nghe nói, trong lòng nghĩ thầm:

– Đáng tiếc thay! Mình có phải là hạng hòa thượng dài lưng ấy đâu?

Tam Tạng nghĩ mà tủi thân muốn khóc òa lên, nhưng sợ lão hòa thượng trong chùa cười, đành lẳng lặng lấy vạt áo lau nước mắt, nuốt giận đi ra, gặp ba đồ đệ. Hành Giả thấy nét mặt sư phụ có vẻ giận dỗi, bèn hỏi:

– Hòa thượng trong chùa đánh sư phụ à? Đường Tăng đáp:
– Không.

Bát Giới nói:

– Nhất định là sư phụ bị đánh rồi. Nếu không sao trông có vẻ ấm ức thế?

Hành Giả hỏi:

– Họ mắng sư phụ à? Đường Tăng đáp:
– Không, họ không mắng. Hành Giả nói:
– Không đánh, không mắng, tại sao trông sư phụ rầu rĩ thế? Hay sư phụ nhớ nhà chăng?

Đường Tăng nói:

– Đồ đệ ơi, ở đây họ không cho trọ. Hành Giả cười, nói:
– Có lẽ ở đây là bọn đạo sĩ chăng? Đường Tăng bực mình gắt:
– Trong quán mới có đạo sĩ. Trong chùa chỉ có hòa thượng thôi.

Hành Giả nói:

– Sư phụ chẳng được việc gì. Họ là hòa thượng cũng giống chúng ta. Người ta thường nói: “Cùng hội cùng thuyền phải diúp
[202]
đỡ nhau”

. Sư phụ tạm ngồi đây, để con vào xem sao.

Thế là Hành Giả sửa lại vành kim cô trên đầu, thắt lại chiếc quần, cắp gậy sắt, vào thẳng điện Đại Hùng chỉ tay vào ba pho tượng Phật tam Tôn nói:

– Các ngài chỉ là những pho tượng bằng đất sơn son thếp vàng, lẽ nào bên trong lại không cảm ứng sao? Lão Tôn bảo vệ vị thánh tăng nhà Đường sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, gặp lúc tối trời vào đây ngủ nhờ, phải đi ngay báo danh cho ta! Nếu không cho chúng ta trọ, ta sẽ nện cho một gậy vỡ nát mình vàng, lòi đất sét ra bây giờ!

Đại Thánh đang bực tức, kiếm chuyện nói văng mạng, bỗng thấy một đạo nhân dâng hương tới, đang châm mấy nén hương cắm vào bát hương trên bàn thờ Phật. Hành Giả quát một tiếng, đạo nhân sợ quá ngã lăn ra, lồm cồm bò dậy, nhìn thấy mặt mũi Hành Giả, lại sợ quá ngã lăn ra, cuống quýt lảo đảo chạy vào phương trượng báo:

– Thưa ngài, ngoài cửa có một hòa thượng đang vào! Vị tăng quan nói:
– Đồ đạo nhân các ngươi thật đáng đánh đòn! Vừa nói xong là bảo họ ra hành lang đằng trước mà ngồi, mà lại còn báo cái gì! Báo nữa ta nện cho hai mươi roi!
Đạo nhân nói:

– Thưa ngài, vị hòa thượng này khác vị hòa thượng trước. Trông xấu xí dữ tợn lắm!

Tăng quan hỏi:

– Hình dạng thế nào? Đạo nhân thưa:
– Ông này mắt tròn xoe, tai mỏng, mặt đầy lông miệng như ông thiên lôi, tay cầm cây gậy sắt, nghiến răng ken két căm giận như muốn tìm đánh ai!

Tăng quan nói:

– Để ta ra xem sao.

Cửa vừa mở, Hành Giả đã ập vào, mặt mũi xấu xí: chỗ lồi chỗ lõm như mắt cá chân, hai mắt vàng khè, trán dô ra bướng bỉnh, răng chìa ra như loài ma, thịt ở trong, xương ở ngoài. Lão hòa thượng trông thấy sợ quá, vội vàng đóng chặt cửa phương trượng lại. Hành Giả xông đến phá vỡ cánh cửa, quát:

– Phải lập tức quét dọn sạch sẽ một nghìn gian buồng để lão
Tôn ngủ!

Tăng quan trốn ở trong phòng nói với đạo nhân:

– Người ở đâu mà xấu thế! Mà mồm mép lại khoác lác đến kinh người! Chùa ta gộp cả phương trượng, điện phật, gác chuông, hành lang, giải vũ mới có chưa đầy ba trăm gian, thế mà hắn đòi những một nghìn gian để ngủ thì đào đâu ra!

Đạo nhân nói:

– Sư phụ ơi, con cũng sợ vỡ mật rồi, sư phụ ra mà trả lời họ thôi.

Tăng quan run như cầy sấy đành cất tiếng:
– Vị trưởng lão xin ngủ nhờ ơi, chùa chúng tôi chật hẹp ở nơi hoang vu bất tiện, không dám lưu các ngài, xin các ngài tìm nơi khác vậy!

Hành Giả biến cây gậy thành cái ống thon nhỏ, cắm sừng sững giữa sân chùa, nói:

– Này lão hòa thượng kia! Không tiện thì dọn ngay đi nơi khác!

Tăng quan nói:

– Chúng ta trụ trì ở chùa này từ nhỏ. Sư tổ truyền đến sư cụ, sư cụ truyền đến chúng ta. Chúng ta rồi sẽ truyền cho con cháu. Không biết hắn là người ở đâu, vênh vênh váo váo bắt chúng ta dọn đi.

Đạo nhân nói:

– Thưa ngài, đừng dây dưa vào họ nữa, dọn quách đi thôi, cây
đòn khiêng kia xông vào bây giờ.

Tăng quan nói:

– Nhà ngươi chớ nói càn! Bọn ta lớn bé cũng tới bốn, năm trăm hòa thượng dọn đi đâu bây giờ? Mà có dọn, cũng không có chỗ.

Hành Giả nghe thấy, nói:

– Lão hòa thượng kia! Không có chỗ hử? Thế thì cho một người ra đây đấu gậy!

Lão hòa thượng bèn bảo đạo nhân:

– Nhà ngươi ra đấu với hắn đi! Đạo nhân sợ hãi nói:
– Thưa ngài, cây đòn khiêng to thế kia mà bảo tôi đấu sao? Lão hòa thượng nói:
– “Nuôi quân nghìn ngày, dùng quân một sớm”. Tại sao nhà ngươi không ra?

Đạo nhân nói:

– Cây đòn kia thì đừng có nói chuyện đấu! Nó mà đè vào người thì thịt cứ nát như bùn!

Lão hòa thượng nói:

– Chẳng phải nói chuyện đè, cứ mà dựng ở giữa sân thế kia, đêm hôm đi lại, nhỡ ra không nhớ, đầu va vào thì vỡ sọ!

Đạo nhân nói:

– Sư phụ cũng biết thế, lại còn bắt con ra đấu sao? Nói xong, bỏ đi vào phía trong.
Hành Giả nghe thấy, nói:

– Mình mà không kìm được, vung gậy giết một mạng, sư phụ
lại trách mình hành hung. Để mình tìm một cái gì đánh cho chúng xem.

Đoạn ngẩng đầu nhìn thấy ngoài phương trượng có một con sư tử đá, bèn vung gậy nện đánh sầm một cái, con sư tử nát vụn. Lão hòa thượng từ trong cửa sổ nhìn ra sợ quá, tay chân bủn rủn vội vàng rúc vào gậm giường trốn. Đạo nhân vội chuồn ra cửa sau, mồm lắp ba lắp bắp:

– Ôi cha ôi, gậy nặng lắm! Gậy nặng lắm! Cho họ ngủ thôi, cho họ ngủ thôi!

Hành Giả nói:

– Lão hòa thượng kia, ta không đánh nhà ngươi đâu. Ta hỏi đây: Chùa này có bao nhiêu hòa thượng?

Tăng quan run rẩy trả lời:

– Cả trước sau có hai trăm lăm mươi nhăm phòng, và năm trăm hòa thượng có độ điệp.

Hành Giả nói:

– Nhà ngươi mau mau cho gọi tất cả năm trăm hòa thượng ăn mặc quần áo chỉnh tề ra đây đón sư phụ nhà Đại Đường ta vào thì ta tha đánh cho.

Tăng quan thưa:

– Thưa ngài, nếu không đánh thì ngài bảo kiệu vào, tôi cũng xin kiệu.

Hành Giả giục:

– Đi mau lên!

Tăng quan gọi đạo nhân:

– Đừng có sợ vỡ mật hay vỡ tim nữa, gọi ngay mọi người ra đây đón ngài Đường Tăng vào.
Đạo nhân chẳng còn cách nào, đành phải liều mạng nhưng vẫn không dám đi lối cửa, mà luồn qua lỗ chó chui ở đằng sau chui ra, lẻn vào chính điện, rồi nổi trống bên đông, khua chuông bên tây. Tiếng trống, tiếng chuông vang lên làm kinh động mọi tăng ni già trẻ ở hai dãy hành lang. Họ kéo nhau lên điện hỏi:

– Vẫn còn sớm mà đã nổi trống, chuông làm gì? Đạo nhân nói:
– Mau mau thay quần áo, đứng sắp hàng theo lão sư phụ ra nghênh đón ngài hòa thượng bên Đường triều tới.

Tất cả mọi người vội vã đi thay quần áo, sắp hàng tề chỉnh từ ngoài cửa đón tiếp. Người thì mặc áo cà ca, người thì mặc áo cánh, người thì không có áo, mặc một chiếc áo ngắn rách một miếng to, rất là cực khổ. Người không có áo dài, lấy hai ống quần xỏ tay vào, rồi khoác lên người. Hành Giả thấy vậy, hỏi:

– Mấy hòa thượng kia, các ngươi mặc loại quần áo gì vậy? Bọn họ thấy Hành Giả xấu xí, dữ tợn, bèn nói:
– Xin ngài đừng đánh, để chúng tôi nói. Đây là những mảnh vải chúng tôi ăn xin ở trong thành. Trong chùa không có thợ may, chúng tôi tự khâu túm vào thành “cái khố tải”.

Hạnh Giả nghe xong cười thầm, dẫn các nhà sư ra ngoài cửa, bảo quỳ xuống. Vị tăng quan dập đầu lớn tiếng nói:

– Kính mời ngài hòa thượng nhà Đại Đường vào phương trượng nghỉ ạ!

Bát Giới thấy vậy, nói:

– Sư phụ già cả chẳng được tích sự gì! Lúc trở ra thì nước mắt ròng ròng, môi trễ ra như đeo lọ mỡ. Còn sư huynh sao mà tài giỏi thế! Bắt họ phải dập đầu đón tiếp!

Tam Tạng nói:
– Đồ ngốc nghếch nhà ngươi, chẳng biết gì cả! Thường có câu
“Quỷ còn sợ người ác” đấy.

Đường Tăng thấy mọi người cúi rạp xuống đón tiếp, có ý hơi thẹn, bèn bước tới nói:

– Mời các vị đứng đậy. Mọi người dập đầu nói:
– Nếu ngài bảo người đồ đệ nói lời giúp đỡ, đừng động đến đòn khiêng kia, thì chúng tôi quỳ một tháng cũng được.

Đường Tăng gọi:

– Ngộ Không, con đừng đánh họ nữa! Hành Giả nói:
– Con có đánh đâu, nếu đánh, bọn họ đã nát nhừ rồi.

Các nhà sư lúc đó mới đứng cả dậy, người dắt ngựa, kẻ gánh hành lý, kiệu Đường Tăng, cõng Bát Giới, dìu Sa Tăng cùng bước vào trong sơn môn, vào thẳng phòng phương trượng phía sau, theo thứ tự ngồi xuống. Các hòa thượng lại cúi lạy. Tam Tạng nói:

– Mời viện chủ đứng dậy, không cần phải lạy mãi làm bần tăng áy náy lắm. Chúng ta đều là đệ tử nhà Phật cả mà.

Tăng quan nói:

– Ngài là vị khâm sai thượng quốc. Hòa thượng mọn này có lỗi không kịp đón tiếp. Nay các ngài đến nơi chùa hoang, hiềm vì mắt tục không biết tôn nghi, đường đột gặp gỡ quý ngài, vậy cho hỏi một điều: dọc đường các ngài ăn chay hay ăn mặn để chúng tôi sửa soạn ạ?

Tam Tạng nói:

– Chúng tôi ăn chay.
Tăng quan nói:

– Còn ngài đồ đệ này chắc ăn mặn? Hành Giả nói:
– Tôi cũng ăn chay. Ăn chay từ trong bụng mẹ cơ! Tăng quan nói:
– Cha mẹ ơi, hung hãn thế kia mà cũng ăn chay! Có một hòa thượng đánh bạo bước tới gần hỏi:
– Các ngài dùng cơm chay, nhưng phải thổi bao nhiêu gạo mới đủ?

Bát Giới nói:

– Hòa thượng oắt con kia, hỏi cái gì! Cả nhà là cứ phải thổi
[203]
một thạch

gạo mới đủ!

Vị hòa thượng sợ quá, vội vàng đi cọ nồi vo gạo. Mọi người đi sửa soạn cơm nước, treo đèn, dọn bàn thết đãi thầy trò Đường Tăng.

Thầy trò ăn xong bữa cơm tối, mấy hòa thượng vào dọn dẹp. Tam Tạng cảm ơn rối rít:

– Thưa lão viện chủ, chúng tôi làm phiền các ngài quá! Tăng quan nói:
– Không dám, có gì đâu ạ. Tam Tạng nói:
– Thầy trò chúng tôi cử ngủ ngay ở đây chứ? Tăng quan nói:
– Ngài cứ thong thả, để mấy vị hòa thượng trẻ thu xếp. Rồi cất tiếng gọi:
– Đạo nhân à, đằng ấy có người nào để sai bảo không? Đạo nhân nói:
– Thưa sư phụ, có ạ. Tăng quan dặn dò:
– Gọi hai người lo cỏ cho con ngựa của ngài Đường Tăng. Dăm người dọn dẹp sạch sẽ ba gian thiền đường đằng trước, trải đệm buông màn để mời mấy ngài lên nghỉ.

Đạo nhân vâng lệnh. Khi mọi việc xong xuôi đâu đấy, vị tăng quan mời thầy trò Đường Tăng lên nghỉ. Mấy thầy trò dắt ngựa, gánh hành lý, rời phương trượng đến thẳng gian thiền đường, đã thấy đèn nến sáng choang, bốn chiếc giường mây trải đệm sạch sẽ. Hành Giả thấy vậy, lại gọi người đạo nhân mang cỏ vào trong thiền đường, buộc con ngựa bạch lại, rồi bảo người đạo nhân đi ra. Tam Tạng ngồi ở chính giữa. Dưới ánh đèn, năm trăm vị hòa thượng chia làm hai ban đứng hầu, không ai dám đi đâu. Tam Tạng nghiêng người nói:
– Xin mời các ngài về, để mặc chúng tôi nghỉ ngơi tự nhiên. Mọi người vẫn không dám quay ra. Vị tăng quan bước tới dặn
dò mọi người:

– Phải chăm sóc các ngài đây nghỉ ngơi đâu đấy, rồi mới được về.

Tam Tạng nói:

– Thế này là chu tất lắm rồi, xin mời các ngài về thôi. Lúc ấy, mọi ngurời mới dám quay ra.
Đường Tăng mở cửa ra ngoài đi tiểu, thấy vầng trăng vằng vặc giữa trời, bèn gọi:

– Các đồ đệ ơi!

Hành Giả, Bát Giới, Sa Tăng đều ra sân đứng hầu. Nhân thấy
trăng sáng vằng vặc, bầu trời thẳm xanh, một vầng trăng treo cao chiếu rọi, mặt đất sáng sủa bao la, sư phụ nhìn trăng cảm nhớ quê hương. Thơ rằng:

Vằng vặc gương nga sáng giữa trời, Non sông soi tỏ rõ mười mươi.
Lầu quỳnh quản ngọc mầu trong vắt, Mâm bạc gương băng khí thảnh thơi.
Muôn dặm lúc này đều sáng tỏ, Quanh năm đêm ấy tuyệt xinh tươi. Khác nào băng tuyết treo trời biếc, Như thể sương ngân vượt bể khơi. Cô khách lạnh lùng nơi quán khách. Ông già mệt mỏi chốn xa xôi.
[204]
Vừa vào vườn Hán kinh giá đến,

[205]
Mới đến lầu Tần ước kính soi.

Dữu Lượng có thơ truyền sử sách,[206]

Viên Hoằng chẳng ngủ đẩy thuyền chơi.

Ngoài sân rực rỡ người tiên đứng, Miệng chén lạnh lùng ngấn rượu vơi. Đây đó ngân nga thơ bạch tuyết,
Xa gần trầm bổng điệu đàn trời. Đêm nay ngủ trọ ngôi chùa núi. Thuở nào trở lại, cố hương ơi!

Hành Giả nghe xong, bước tới gần nói:

– Sư phụ chỉ biết nhìn trăng vằng vặc, cảm nhớ quê hương mà thôi, chứ không biết được ý nghĩa của mặt trăng là chuẩn mực của tiên thiên pháp tượng vậy. Mặt trăng đến ngày ba mươi, hồn dương thuộc hành kim tán hết, phách âm thuộc hành thủy đầy tràn, vì vậy bầu trời thuần đen không có chút ánh sáng, nên gọi
[207]
là ngày “hối”

. Khi ấy, mặt trăng và mặt trời giao nhau vào
[208]
giữa ngày hối và ngày sóc

, mặt trăng cảm ánh sáng khí
dương mà hình thành. Đến ngày mồng ba một khí dương xuất hiện: ngày mồng tám, hai khí dương nẩy sinh, trong phách âm đã có một nửa hồn dương, mặt trăng phẳng như sợi chỉ dặt, nên gọi là “thượng huyền”. Đến hôm nay là ngày rằm, ba khí dương đầy đủ, nên mặt trăng mới tròn vành vạnh, và gọi là “ngày vọng”. Sang ngày mười sáu, một khí âm sinh ra, ngày hai mươi hai, hai khí âm sinh ra. Lúc này, trong hồn dương đã có nửa
phách âm, mặt trăng cũng thẳng như sợi chỉ dặt, nên gọi là “hạ huyền”. Đến ngày ba mươi, ba khí âm đầy đủ, nên gọi là “ngày hối”. Đó là ý nghĩa tiên thiên chọn luyện vậy. Nếu chúng ta biết
[209]
tu dưỡng thành công được hai tám, chín chín

thì đến lúc ấy,
thấy Phật dễ dàng lắm, và trở về làng cũ cũng khó gì.

Có bài thơ rằng:

Từ huyền trước đến huyền sau,

Khí tượng toàn vẹn, thuốc màu vị êm.

Hái về luyện kỹ lò tiên,

Lòng thành, công quả tây thiên đợi chờ.

Tam Tạng nghe xong hốt nhiên tỉnh ngộ, chân lý sáng tỏ vô cùng vui vẻ, cảm tạ Ngộ Không. Sa Tăng đứng bên cạnh cười, nói:

– Lời nói ấy của sư huynh tuy đúng, nhưng chỉ mới nói được ngày huyền trước thuộc dương, ngày huyền sau thuộc âm, trong âm có nửa dương, được hành kim trong hành thủy, mà chưa nói được:

Hữu duyên thủy hỏa nương nhau, Ấy nhờ mẹ đất nhiệm mầu giúp nên. Ba nhà hội họp vững bền,
Nước ngoài sông rộng, trăng trên bầu trời.

Tam Tạng nghe nói, lòng càng thông sáng. Thật là:

Một khiếu sáng thông nghìn khiếu sáng, Phá dưỡng sinh tử ấy là tiên.
Bát Giới nghe xong, bước tới níu lấy Tạm Tạng nói:

– Sư phụ đừng có nghe họ tán nhảm, lỡ cả giấc ngủ. Trăng ấy à:
Khuyết mai rồi lại tới tròn,

Như tôi kiếp sống vẹn toàn mấy khi?

Ăn cơm hiềm bụng to, phè,

Cầm bát lại sợ người chê dãi nhoèn.

Người ta linh lợi phúc toàn.

Tôi đây ngốc nghếch tích duyên tẹo tèo

Lấy kinh trả nợ xong xuôi,

Cong đuôi nghển cổ về trời như xưa.

Tam Tạng nói:

– Thôi, mấy con đi đường mỏi mệt, cứ đi ngủ trước đi, ta còn đọc kinh vài lượt đã.

Hành Giả nói:

– Sư phụ sai rồi. Sư phụ đi tu từ bé, những bộ kinh học từ nhỏ còn bộ nào chưa thuộc đâu? Bây giờ lại vâng mệnh vua Đường sang phương Tây lễ Phật cầu kinh Đại Thừa, công quả chưa thành, Phật chưa được gặp, kinh chưa được lấy, vậy sư phụ niệm bộ kinh gì?

Tam Tạng nói:

– Ta từ khi rời Tràng An, sớm tối lặn lội, tháng ngày bôn ba, những kinh đọc lúc nhỏ e quên mất. Đêm nay, được lúc nhàn rỗi, ta phải ôn tập lại.

Hành Giả nói:

– Nếu vậy, chúng con đi ngủ trước đây.

Thế là ba người vào phòng nằm trên giường mây đi ngủ; Tam Tạng đóng cửa thiền đường lại, khêu cao ngọn đèn mở quyển kinh, lâm râm tụng niệm. Lúc ấy:

Lầu canh, trống điểm đêm khuya khoắt,
Bến vắng lửa thuyền tắt đã lâu.

Cuối cùng không biết Tam Tạng rời khỏi ngôi chùa như thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

-----------------------------------
[199] Bài thơ làm bằng tên các vị thuốc: ích tri, vương bất lưu hành, tam lăng tử, mã đâu linh, kinh giới, phục linh, phòng kỷ, trúc lịch, hồi hương.
[200] Nguyên văn: công đến tự nhiên thành.
[201] Chùa Bảo Lâm dựng theo sắo chỉ vua ban.
[202] Nguyên văn: Trong Phật hội, đều là người có duyên.
[203] Một thạch, đơn vị đo lường cũ bằng mười đấu.
[204] Vua Hán Vũ đi ra vuờn chơi làm bài ca “thu phong tử” than tiếc tuổi già.
[205] Tần Thủy Hoàng có chiếc gương soi các cung nữ, biết được rõ tâm địa của mỗi người.
[206] Dữu Lượng: Một viên tướng giỏi đời Tấn. Một đêrn, các tướng ngắm trăng trên lầu, bất chợt Lượng đến. Mọi người định bỏ trốn. Luợng vui vẻ giữ mọi người lại, cùng nhau làm thơ vịnh trăng.
[207] Ngày hối: Ngày cuối tháng âm lịch.
[208] Ngày sóc: Ngày mồng một âm lịch hàng tháng.
[209] Theo thuyết nhà Phật: Hai tám là mười sáu, chỉ sự viên mãn, đầy đủ. Chín chín tám mốt. Tính từ ngày đông chí trở đi tám mươi mốt ngày là vào lúc giữa xuân, muôn vật tuơi tốt, ở đây chỉ sự tu đạo đến chỗ vẹn tròn đầy đủ.