Núi Bình Đính Công Tào truyền tin,
Động Liên Hoa Bát Giới gặp tai
Lại nói chuyện Đường Tăng từ nay lại có Tôn Hành Giả, thế là mấy thầy trò lại một lòng một dạ tiếp tục lên đường sang phương Tây. Từ lúc cứu thoát công chúa con vua nước Bảo Tượng, được vua tôi tiễn chân ra khỏi kinh thành, kể sao hết những chuyện dọc đường đói ăn khát uống, đêm nghỉ ngày đi, thấm thoắt đã đến tiết tam xuân. Lúc này:
Gió nhẹ rung tơ liễu. Phong cảnh rất xinh tươi. Khí ấm giục hoa cười,
Vẻ xuân khêu chim hót. Khắp nơi hương thơm ngát, Hải đường ríu rít oanh. Chính là lúc thưởng xuân, Muôn hồng xen ngàn tía. Sáo đàn buông the lụa,
Cỏ lạ vui hương xuân…
Thầy trò dang mải ngắm phong cảnh, chợt thấy một ngọn núi chắn trước mặt. Đường Tăng nói:
– Đồ đệ cẩn thận nhé. Phía trước là núi cao, e có hổ báo chặn đường đấy.
Hành Giả nói:
– Thưa sư phụ, người xuất gia không nên nói chuyện tại gia. Thầy còn nhớ câu trong tâm kinh của Ô Sào hòa thượng có câu: “Lòng không đeo đai; không đeo đai, thì mới không sợ hãi, xa lìa mọi đảo điên mộng tưởng” đấy ư? Nhưng chỉ là:
Trong tâm quét sạch bẩn, Bên tai rửa bụi trần. Không nhận điều đau khổ, Khó làm bậc thượng nhân.
Thầy chớ có lo phiền, đã có lão Tôn đây, thì dù có trời sập cũng bảo vệ được thầy bình an vô sự, chứ việc gì mà phải sợ hổ báo!
Đường Tăng kìm ngựa, quay lại nói:
– Ta đây:
Ngày nào vâng lệnh vượt Tràng An, Bái Phật đinh ninh suốt dọc đường.
Xá lị tượng vàng phô rực rỡ, Phù đồ ánh ngọc tỏa huy hoàng. Vượt nhiều sông thẳm trong trời đất. Trải mấy non cao khắp thế gian. Khói sóng mịt mờ và bát ngát,
Thân này bao thuở được thanh nhàn?
Hành Giả nghe xong, cười khà khà nói:
– Sư phụ muốn nhàn thân thì có khó gì? Sau khi công thành, muôn duyên dứt hết, mọi pháp đều không, đến lúc ấy tự nhiên nhi nhiên, chẳng là nhàn thân đó sao?
Tam Tạng nghe nói vui vẻ ngay và quên hết lo phiền, bèn buông cương giục vó ngựa, quất roi thúc Ngọc long. Mấy thầy
trò trèo lên đỉnh núi thấy cực kỳ hiểm trở. Ngọn núi này:
Sườn non sừng sững, Đỉnh núi chon von.
Suối sâu vòng vèo chảy, Núi thẳm dựng hai bên.
Suối sâu vòng vèo chảy, vang tiếng giao long vờn nước réo ào ào;
Núi thẳm dựng hai bên, chỉ thấy hổ xám vẫy đuôi gầm lanh lảnh.
Ngẩng mặt nhìn, núi sát tầng mây thẳm. Ngó sau xem, vực thông suốt suối vàng. Đến từ trên, chẳng khác bước lên thang, Đi phía dưới, hệt sa hầm sầy hố,
Đúng là nơi núi non quái kỳ lố nhố. Thực là miền vách đá dựng chon von.
Trên đỉnh non, người hái thuốc sợ hãi bồn chồn Trước vách núi, kẻ tiều phu bám leo còn khó. Dê núi, ngựa đồng chạy lung tung đây đó.
Thỏ rừng, trâu mộng bầy trận lao xao.
Núi cao che lấp cả trăng sao. Luôn luôn gặp sói lang, yêu quái.
Đường cỏ ngập ngựa kia khó bước, tìm cách nào bái Phật đến Lôi Âm?
Tam Tạng ghìm cương quan sát. Đang lúc tiến bước khó khăn, bỗng thấy một người tiều phu đứng trên sườn núi phủ cỏ xanh. Người ấy ăn mặc:
Đầu đội chiếc nón đã tàng,
Mình mặc chiếc áo vá chằng đen thui.
Nón tàng kia quả lạ đời,
Áo đen vui với phận rồi, quên lo.
Tay cầm búa thép sáng lòa.
Củi khô nỏ chặt gánh về ung dung.
Bốn mùa vui thú gió trăng.
Tấm thân ngoại vật thong dong đêm ngày.
Đến già vẫn giữ phận này,
Bao nhiêu mệt nhọc thân đây quản gì.
Người tiều phu ấy:
Đang khi chặt củi ven rừng,
Bỗng đâu trưởng lão mé đông đến kìa.
Dừng đao buông búa đi ra.
Rảo chân bước tới gửi thưa tỏ tường.
Bèn cất tiếng gọi Tam Tạng:
– Ngài hòa thượng sang Tây ơi? Tạm đừng lại đã? Tôi mách một lời đây: núi này có một bọn yêu ma hung ác lắm, chúng chuyên ăn thịt những người từ Đông qua Tây đấy!
Tam Tạng nghe nói, hồn vía rụng rời, run cầm cập ngồi trên yên không vững, vội vàng gọi đồ đệ:
– Núi này có ma quái độc ác, có ai dám đi hỏi kỹ lại xem không?
Hành Giả nói:
– Sư phụ cứ yên tâm, để lão Tôn đi hỏi rõ manh mối.
Hành Giả bèn rảo cẳng, lên thẳng sườn núi cất tiếng chào
người tiều phu:
– Chào ông anh! Cho hỏi một tý. Người tiều phu chào lại, rồi hỏi:
– Các ngài tới đây có việc gì? Hành Giả đáp:
– Chẳng giấu gì ông anh, chúng tôi từ phương Đông sang phương Tây lấy kinh. Người ngồi trên mình ngựa kia là sư phụ tôi, tính hơi nhút nhát, vừa nghe anh nói là có yêu ma hung ác, bèn sai ngay tôi đến hỏi anh xem ma quái ấy bao nhiêu tuổi rồi? Võ nghệ có khá không hay tầm thường? Phiền anh nói thực cho tôi biết, để tôi sẽ sai sơn thần, thổ địa giải nó đến.
Tiều phu nghe nói, ngửa mặt lên trời cười ngất, nói:
– Hóa ra anh là một hòa thượng ba hoa! Hành Giả nói:
– Không ba hoa đâu, tôi nói thực đấy. Tiều phu nói:
– Nói thực mà dám bảo bắt giải nó đi à? Hành Giả nói:
– Anh tâng bốc oai phong của nó như thế, chặn đường mách lẻo, nói năng lung tung, hẳn phải là thân thích với nó, nếu không thì là láng giềng hay bè bạn chứ gì?
Tiều phu cười, nói:
– Cái lão hòa thượng điên rồ đốn mạt này chẳng biết gì hết. Ta có lòng tốt báo cho các ngươi biết, để các ngươi đi đường biết mà phòng bị, thế mà nhà anh lại đổ vạ cho ta. Cứ tạm cho là ta không biết gì về yêu ma đi, nhưng nếu biết, nhà anh có dám bắt nó không? Và bắt giải đi đâu?
Hành Giả nói:
– Nếu là ma trời, ta sẽ giải lên Ngọc Hoàng: là ma đất, ta sẽ giải xuống địa phủ. Ma phương Tây mang về cho Phật; ma phương Đông đưa về cho Thánh; ma phương Bắc giải cho Trấn Võ; ma phương Nam giải cho Hỏa Đức. Giao tinh giải cho chúa biển; quỷ sùng giải cho Diêm Vương. Con nào con nấy có nơi chốn cả. Lão Tôn quen biết khắp nơi, chỉ gửi một tờ trát, là đưa bọn chúng đi ngay như bay.
Tiều phu không nhịn được, cười vang nói:
– Cái lão hòa thượng điên rồ đốn mạt này, chắc là lang thang đây đó, học được chút pháp thuật phù thủy, niệm chú đuổi tà trói ma, chứ chưa gặp loại yêu quái hung ác này đâu.
Hành Giả hỏi:
– Nó hung ác thế nào? Tiều phu đáp:
– Ngọn núi này rộng tới sáu trăm dặm, gọi là núi Bình Đính. Trong núi có một căn động, gọi là động Liên Hoa. Trong động có hai yêu ma. Chúng họa ảnh vẽ hình tìm họ, hỏi tên, muốn bắt hòa thượng, định ăn thịt Đường Tăng. Nhà anh ở nơi khác tới đây thì còn được, những nếu phạm vào một chữ “Đường”, thì đừng hòng đi thoát!
Hành Giả nói:
– Chúng tôi đúng là từ nước Đường tới. Tiều phu nói:
– Chính chúng muốn ăn thịt các ngài đấy. Hành Giả nói:
– May quá! May quá! Nhưng không biết chúng ăn thế nào? Tiều phu nói:
– Anh muốn chúng ăn như thế nào? Hành Giả nói:
– Nếu chúng ăn đầu trước thì coi như bỡn, còn ăn chân trước thì gay đấy.
Tiều phu hỏi:
– Ăn đầu trước thì sao? Ăn chân trước thì sao? Hành Giả đáp:
– Anh không biết sao? Nếu ăn đầu trước, thì nó ngoạm một miếng là mình đã ngoẻo rồi, nó muốn nấu nướng kho rán gì thì mình cũng không biết đau nữa. Còn nếu nó ăn chân trước, thì nó ngoạm vào mắt cá lột bắp thịt ra, chén đến sườn mà vẫn chưa chết, thế chẳng phải là mình phải chịu cái đau thịt nát xương tan, gay go khó chơi lắm là gì?
Tiều phu nói:
– Ngài hòa thượng ơi, hơi đâu nó làm thế, nó chỉ bắt sống anh, trói gô lại, nhốt vào trong lồng, rồi cứ hấp cả người lên mà chén.
Hành Giả cười, nói:
– Như thế càng tốt, càng tốt, đau cũng phải chịu, chỉ tức thở một chút thôi.
Tiều phu nói:
– Hòa thượng đừng có bẻm mép. Yêu quái trong người lúc nào cũng có năm thứ bảo bối cực kỳ lợi hại. Chúng khác nào cột ngọc chống trời, cầu vàng qua biển, dù có đưa được Đường Tăng đi, thì cũng phải chết ngất từng cơn đấy.
Hành Giả hỏi:
– Ngất mấy cơn? Tiều phu đáp:
– Phải ngất đến ba, bốn cơn. Hành Giả nói:
– Không sao, không sao? Năm qua chúng tôi đã ngất đến bảy tám trăm cơn rồi, ba bốn lần thì dễ dàng thôi. Ngất rồi lại khỏi mà.
Đại Thánh chẳng hề sợ hãi, một lòng bảo vệ Đường Tăng, bỏ mặc người tiều phu, rảo cẳng quay về, tới trước đầu ngựa bên sườn núi, nói:
– Thưa sư phụ, chẳng có việc gì ghê gớm cả, cũng có yêu tinh đấy, nhưng người ở đây nhút nhát họ để tâm lo sợ. Có con đây, việc quái gì phải sợ. Đi thôi, đi thôi!
Tam Tạng nghe nói đã đành yên lòng đi theo.
Đang đi thì chẳng thấy người tiều phu đâu cả. Tam Tạng nói:
– Người tiều phu báo tin biến đâu rồi nhỉ? Bát Giớ nói:
– Chúng ta thật xúi quẩy, giữa ban ngày gặp ma. Hành Giả nói:
– Có lẽ anh ta chui vào rừng hái củi rồi, để tôi đi xem sao.
Bèn giương đôi mắt lửa ngươi vàng nhìn khắp xa gần rừng núi, song chẳng thấy bóng dáng anh ta. Hành Giả ngẩng đầu nhìn lên đám mây bay, chợt thấy vị Công Tào trực nhật, bèn nhảy lên đuổi theo mắng rằng:
– Đồ quỷ, tại sao nhà ngươi không nói thẳng ra lại còn biến hóa nọ kia trêu lão Tôn?
Vị Công Tào sợ hãi chào rồi nói:
– Thưa Đại Thánh, tôi báo tin có chậm, xin tha tội, tha tội. Con yêu quái này thần thông quảng đại, biến hóa khôn lường, mong Đại Thánh phát huy tài nghệ, vận động thần cơ, bảo vệ sư phụ cẩn thận, chỉ sơ hở một chút, thì đừng có nghĩ đến chuyện sang phương Tây nữa!
Hành Giả nghe nói, cho công Tào lui, đinh ninh ghi lạc trong lòng, rồi dừng mây, hạ xuống đỉnh núi, chỉ thấy Tam Tạng cùng Bát Giới, Sa Tăng đang túm tụm bước đị, bèn nghĩ thầm:
– Mình mà nói thực lời của Công Tào cho sư phụ nghe, Sư phụ sợ hãi, tất sẽ khóc lóc. Nếu không nói thật, cứ lập lờ đưa đi, thì như câu nói: “Mới vào bãi lau, biết đâu sâu cạn”. Thảng hoặc bị yêu ma tóm được, thì mình lại phải mệt sức. Thôi, hãy tạm ưu tiên Bát Giới một chuyến, để hắn xuất đầu lộ diện đánh nhau trước với yêu quái một trận xem sao. Nếu hắn đánh thắng thì ghi
cho một công. Nếu thua, bị yêu quái bắt, thì mình đi cứu hắn cũng không muộn. Lúc ấy càng chứng tỏ tài nghệ của mình.
Hành Giả đang sắp đặt mưu kế, rồi tự hỏi:
– Nhỡ Bát Giới né tránh không chịu đi, sư phụ lại hay bênh che hắn thì sao? Mình phải cột chặt hắn vào việc mới được. Đại Thánh bèn giả vờ, lấy tay giụi vào mắt, cho nước mắt chảy ra, rồi đi thẳng đến đến sư phụ. Bát Giới trông thấy, vội vàng gọi:
– Sa hòa thượng ơi, đặt gánh xuống, lấy hành lý ra hai chúng ta chia nhau mỗi người một nơi đi thôi.
Sa Tăng hỏi:
– Anh hai, chia làm gi? Bát Giới đáp:
– Chia thôi! Chú về sông Lưu Sa làm yêu quái. Lão Trư về thôn Cao Lão trông nom mẹ đĩ. Ngựa bạch thì bán lấy tiền mua cỗ quan tài chôn cất cho sư phụ, rồi mọi người chia tay, chứ còn sang phương Tây làm gì?
Tam Tạng ngồi trên mình ngựa nghe thấy thế, bèn mắng:
– Đồ hỗn láo kia, đang đi đường tại sao nói nhảm nhí thế? Bát Giới nói:
– Con mà nói nhảm nhí à? Sư phụ có thấy Tôn Hành Giả vừa về vừa khóc kia không? Anh ấy là một trang hảo hán đội trời đạp đất, đao chém lửa thiêu, bị quẳng vào vạc dầu đều không sợ mà nay lại mặt mũi rầu rĩ, nước mắt giàn giụa trở về thế kia thì hẳn là núi này hiểm trở, yêu quái hung ác lắm, cái mã chúng con chân yếu tay mềm thì đi sao nổi?
Tam Tạng nói:
– Nhà ngươi đừng có nói nhảm nữa, để ta hỏi hắn một tiếng xem hắn nói sao.
Bèn hỏi:
– Ngộ Không, có điều gì nghĩ ngợi mà trông con buồn rầu thế? Con ôm mặt khóc lóc như vậy, định dọa ta sao?
Hành Giả thưa:
– Sư phụ ạ, người vừa mới báo tin ấy là vị Công Tào trực nhật. Vị ấy nói rằng nơi đây yêu quái hung ác, đường hiểm khó đi. Thực quả là núi non hiểm trở không thể đi được, đành để ngày khác đi vậy.
Tam Tạng nghe nói, sợ hãi run rẩy, túm lấy chiếc quần da hổ của Hành Giả, nói:
– Đồ đệ ơi, ba phần đường, chúng ta đã đi được phần rưỡi rồi, sao con lại nói những lời chùn bước thế?
Hành Giả nói:
– Con đâu có phải là người không hết lòng, chỉ sợ ma thì nhiều, sức con thì yếu, thế lực lại cô đơn. Tuy là cục sắt đấy, nhưng đưa vào lò phỏng rèn được mấy chiếc đinh?
Tam Tạng nói:
– Đồ đệ ạ, con nói cũng phải đấy. Một người thì khó thật. Binh thư có câu: “Ít không thể địch nhiều”, chúng ta đây còn có Bát Giới, Sa Tăng đều là đồ đệ cả, tùy con sai khiến sử dụng, chúng có thể giúp đỡ con một tay, hiệp sức đồng lòng, dọn quang đường núi đưa ta qua thì lẽ nào lại không thành chính quả được sao?
Hành Giả phải vờ vĩnh như thế thì mới câu được mấy lời ân cần của sư phụ, đoạn lau nước mắt nói:
– Sư phụ ạ, muốn vượt qua được ngọn núi này, Bát Giới phải làm đúng hai điều kiện của con thì mới được, bằng không nửa bước cũng không đi nổi.
Bát Giới nói:
– Sư huynh ơi, không đi được thì giải tán, chứ đừng chọc ghẹo tôi nữa.
Tam Tạng nói:
– Con đừng hỏi anh con lôi thôi nữa, xem anh con bảo phải làm gì đã nào.
Chú ngốc thật thà hỏi ngay Hành Giả:
– Anh bảo tôi làm gì? Hành Giả nói:
– Việc thứ nhất là trông nom sư phụ, việc thứ hai là đi tuần núi.
Bát Giới nói:
– Trông sư phụ là ngồi. Đi tuần núi là đi. Chẳng lẽ bảo tôi ngồi một lúc lại đi, đi một lúc lại ngồi, hai việc làm sao cùng làm một lúc được?
Hành Giả nói:
– Không ai bắt chú làm hai việc cùng một lúc đâu, chỉ làm một việc là được rồi.
Bát Giới lại cười, nói:
– Như vậy thì cũng được. Nhưng tôi không biết trông sư phụ phải thế nào, đi tuần núi phải thế nào? Anh nói trước cho tôi biết để tôi cứ theo đó mà làm.
Hành Giả nói:
– Trông sư phụ thì: Sư phụ đi đại tiện chú cũng phải đứng đợi. Sư phụ đi đường chú phải đỡ đần. Sư phụ muốn ăn, chú phải đi kiếm cơm chay. Nếu để người đói, chú sẽ ăn đòn, mặt xanh đi một chút, gầy đi một chút, chú càng phải ăn đòn.
Bát Giới sợ hãi nói:
– Thế thì khó quá, khó quá! Chờ đợi hay đỡ đần cũng không ngại, chỉ có việc cõng thì cũng dễ thôi. Còn bảo tôi vào bản tìm cơm chay, thì ở cái lối sang phương Tây này, họ chẳng biết tôi là hòa thượng đi lấy kinh, mà cho ngay là con heo nửa nạc nửa mỡ từ trong núi mò ra, họ xúm ngay vào, đinh ba, chổi sể, đánh lão Trư lăn quay ra, khiêng về nhà mổ thịt, muối để dành ăn tết, thì chết bỏ đời!
Hành Giả nói:
– Thế thì đi tuần núi vậy. Bát Giới nói:
– Tuần núi thì thế nào? Hành Giả đáp:
– Phải vào trong núi này, điều tra xem yêu quái nhiều hay ít, tên núi là gì? Tên động là gì? Để chúng ta biết đường mà vượt qua.
Bát Giới nói:
– Cái đó cũng tạm được. Lão Trư đi tuần núi vậy.
Thế là chú ngốc xắn quần gọn gàng, cầm ngọn đinh ba hăng hái bước vào núi thẳm, hiên ngang chạy ra đường to.
Hành Giả đứng bên cạnh, không nhịn nổi, khành khạch cười nhạt, Tam Tạng bèn mắng:
– Đồ khỉ khốn khiếp! Anh em với nhau mà không có chút tình thương yêu, chỉ rặt ghen ghét đố kỵ. Nhà ngươi giở trò hươu vượn, nói trí nói trá, lừa bắt nó đi tuần núi, lại còn cười cái gì?
Hành Giả nói:
– Không phải cười hắn đâu. Con cười là có ý đấy. Sư phụ xem, Trư Bát Giới đi chuyến này, quyết chẳng tuần núi, chẳng
dám giáp mặt yêu quái gì đâu, lại không chui vào xó nào một hồi, rồi bịa ra chuyện gì nói dối, chúng ta cho mà xem!
Tam Tạng hỏi:
– Tai sao con biết hắn như vậy? Hành Giả thưa:
– Con đoán như thế. Không tin, sư phụ cứ để con đi theo hắn nghe ngóng xem sao, một là giúp hắn hàng phục yêu quái, hai là xem hắn có thành tâm lễ Phật hay không.
Tam Tạng nói:
– Được, được! Nhưng mà đừng chòng ghẹo hắn nhé!
Hành Giả vâng dạ nghe lời, rồi đi thẳng lên sườn núi, lắc mình một cái, biến thành một con bọ mát bé xíu:
Cánh mỏng gió đưa sức chẳng dùng, Lưng eo bé lẹo tựa kim châm.
Chui vào cỏ rậm, qua hoa biếc, Nhanh lắm, sao băng cũng chẳng bằng. Mắt sáng tinh tường soi lấp lánh,
Tiếng kêu văng vẳng giọng âm âm.
Côn trùng nhỏ nhất là ta đó. Đậu đậu, bay bay mẹo rất thâm. Thanh nhàn mấy bận rừng sâu ngủ, Nghìn mắt truy tìm cũng uổng công.
Hành Giả biến thành một con bọ mát kêu vo ve, bay đi đuổi theo Bát Giới, đậu trên sợi lông đằng sau tai hắn. Chú ngốc chỉ mải đi đường, đâu có biết trên thân mình có người, đi chừng bẩy tám dặm, bèn chống đinh ba, quay đầu về phía Đường Tăng, chân tay vung vẩy chửi đổng:
– Cái lão hòa thượng hèn nhát, cái thằng Bật Mã Ôn đểu cáng, cái tên Sa hòa thượng nhu nhược kia! Các người ngồi đó ung dung, bắt lão Trư này phải đi tuần tra. Ai đi lấy kinh chẳng muốn thành chính quả, chỉ bắt một mình lão Trư đi tuần núi là cái quái gì! Hừ, hừ! Đã biết là có yêu quái, thì đi tránh sang lối khác chẳng tốt hơn à, lại còn bắt ta đi tìm nó. Thật là vớ vẩn! Cứ chui vào chỗ nào đánh một giấc rồi về, nói quanh nói quẩn rằng đã đi tuần núi rồi, thế cũng xong chuyện.
Thế là chú ngốc ta có vẻ hãnh diện, kéo đinh ba đi tiếp. Chợt nhìn thấy một bụi cỏ tía trong hốc núi, chú ngốc chui luôn vào. Lấy đinh ba san thành đệm bằng phẳng, nằm lăn xuống, ưỡn cái bụng lên, nói:
– Sướng thật! Đến Bật Mã Ôn kia cũng chẳng sướng bằng ta! Lúc ấy, Hành Giả đậu ngay sau tai, nghe rõ từng câu, không
chịu nổi, liền bay ra ngoài, định bụng, trêu Bát Giới một tý, bèn
lắc mình, biến thành một con chim gõ kiến:
Mỏ đỏ cứng nhọn hoắt. Cánh biếc sáng long lanh. Bụng đói tìm cây gỗ,
Móng chân sắc như đinh. Thích nhất gỗ khô mục, Ngại nhất cây già đanh.
Vẫy đuôi dáng nhanh nhẹn, Tiếng kêu rộn rừng xanh.
Loại chim này không to cũng không nhỏ, đem cân lên chỉ khoảng hai, ba lạng, mỏ đỏ chót, chân đen sì, vỗ cánh bay xuống. Bát Giới ngoẹo cổ đang ngủ say, Hành Giả mổ một phát vào môi, chú ngốc hốt hoảng chồm dậy, kêu rầm rĩ:
– Có yêu quái! Có yêu, quái! Nó đâm ta một giáo vào môi rồi. Đau quá!
Đoạn đưa tay lên sờ môi, thấy có máu chảy bèn nói:
– Khổ quá! Mình toàn gặp vận đen, tại sao trên môi lại đỏ thế này?
Chú ngốc nhìn vết máu ở tay mình, miệng càu nhàu nhìn quanh quẩn xung quanh chẳng thấy động tĩnh gì, bèn nói:
– Làm quái gì có yêu quái, mà tại sao mình bị giáo đâm nhỉ? Rồi chú ngốc ngẩng đầu nhìn lên trời, thấy con chim gõ kiến
bay vút tầng không, bèn nghiến răng chửi:
– Đồ vô nhân! Thằng Bật Mã Ôn đã lừa tao rồi, mày lại lừa tao nốt sao? À, biết rồi, Mày không nhận ra tao là người, tưởng môi tao là một cây gỗ mục, bên trong có sâu, muốn tìm sâu ăn, nên mổ tao một phát. Lần này tao phải dấu mõm vào bụng mà
ngủ mới xong.
Chú ngốc trở mình tiếp tục nằm ngủ như cũ. Hành Giả lại bay xuống mổ vào mang tai một phát nữa. Chú ngốc giật mình chồm dậy nói:
– Đồ chết tiệt cứ quấy nhiễu ông mãi! Chắc là ở đây có tổ của nó, đẻ trứng nuôi con, sợ mình chiếm mất, nên nó mới mổ mình như thế. Thôi! Thôi! Không ngủ ở đây nữa!
Bèn cầm đinh ba, chui ra khỏi bụi cỏ tía, tìm đường đi tiếp. Hành Giả khoái quá, được mẻ cười ngất.
Hành Giả nói:
– Đồ khốn kiếp, hai mắt trợn lên thế kia mà không nhận ra người nhà!
Bèn lắc mình một cái, lại biến thành con bọ mát, đậu vào sau vành tai Bát Giới không rời Bát Giới một phân.
Chú ngốc đi sâu vào trong núi khoảng bốn, năm dặm nữa, thấy trong thung lũng có ba phiến đá xanh vuông vức to bằng cái mặt bàn, bèn đặt đinh ba, đứng trước ba tảng đá cúi chào. Hành Giả cười thầm, nói:
– Đồ ngốc! Hòn đá chứ có phải người đâu, đã không biết trò chuyện, lại không biết chào hỏi, thì chào làm gì? Không có mắt hay sao?
Nguyên chú ngốc giả vờ coi ba phiến đá là Đường Tăng, Sa
Tăng, Hành Giả, thử diễn tập chào hỏi, trình bày. Chú ngốc nói:
– Chuyến này trở về, gặp sư phụ, nếu người hỏi là có yêu quái không, thì nói là có. Người hỏi núi gì, thì ta nói là núi nặn bằng bùn, xây bằng đất, rèn bằng sắt, đúc bằng đồng, hồ dán, giấy bồi, bút vẽ tạo thành. Họ thấy mình nói ngô nghê như vậy sẽ cười mình là đồ ngốc. Ta cứ nói là núi đá vậy. Người hỏi là động gì, thì bảo là động đá. Người hỏi ta cửa gì, thì bảo là cửa sắt
đóng đinh. Người hỏi bên trong xa hay gần, thì bảo là bên trong có ba tầng, con đã điều tra tỉ mỉ. Họ hỏi trên cửa đóng bao nhiêu chiếc đinh, thì bảo vội vàng không nhớ được. Mình cứ bịa ra như thế để lừa bắt Bật Mã Ôn phải đi!
Chú ngốc sắp sếp xong, kéo đinh ba, trở về theo đường cũ. Nhưng chú ngốc có biết đâu Hành Giả đậu ở mang tai nghe rõ từng lời. Hành Giả thấy Bát Giới trở về, lập tức dang đôi cánh bay về trước, hiện nguyên hình, ra mắt sư phụ. Sư phụ hỏi:
– Ngộ Không, con về rồi đấy à? Ngộ Năng sao không thấy về?
Hành Giả cười, đáp:
– Hắn đang sắp đặt sẵn bài nói dối, cũng sắp về rồi. Tam Tạng nói:
– Hắn là người ngu ngốc vụng về, hai tai trùm kín mắt, cũng biết sắp đặt bài nói dối sao? Hay là con lại bịa chuyện ma quỷ nào đó bịp hắn?
Hành Giả nói:
– Sư phụ toàn bênh che cho hắn. Đây lời hỏi đáp của chú ấy thế này…
Hành Giả bèn kể lại hết mọi chuyện Bát Giới chui vào bụi cỏ ngủ, bị chim gõ kiến mổ: chuyện Bát Giới lạy mấy phiến đá, bịa ra những lời nào là núi đá, động đá, cửa sắt, yêu tinh để dự tính cách trả lời. Hành Giả kể xong, được một lát. Bát Giới cũng trở về. Sợ quên hết bài nói dối, Bát Giới cúi đầu, lẩm nhẩm ôn lại. Hành Giả quát hỏi:
– Chú ngốc lẩm nhẩm gì vậy?
Bát Giới vểnh hai tai nghiêng ngó, trả lời:
– Em đã đến nơi rồi đấy!
Chú ngốc bước tới quỳ xuống. Tam Tạng đỡ dậy, an ủi:
– Đồ đệ vất vả quá! Bát Giới nói:
– Đúng thế. Người đi đường, trèo núi là vất vả nhất đấy ạ. Tam Tạng hỏi:
– Thế có yêu quái không? Bát Giới thưa:
– Có, có, có đến một đống yêu quái ấy! Tam Tạng nói:
– Thế chúng tha con về à? Bát Giới nói:
– Chúng gọi con là cụ ngoại, ông ngoại, dọn cơm canh mời con chén một bữa. Chúng nói sẽ trống rong cờ mở tiễn thầy trò ta qua núi.
Hành Giả nói:
– Hay là lại chui vào bụi cỏ ngủ rồi nói phét đấy? Chú ngốc nghe nói, sợ dúm người lại nói:
– Chết cha rồi, mình ngủ mà làm sao hắn cũng biết nhỉ? Hành Giả bước tới, túm lấy Bát Giới, nói:
– Chú lại đây tôi hỏi:
Chú ngốc sợ hãi, run rẩy nói:
– Hỏi thì cứ hỏi, việc gì phải túm chặt tôi. Hành Giả hỏi:
– Núi gì?
Bát Giới đáp:
– Núi đá.
– Động gì?
– Động đá.
– Cửa gì?
– Cửa sắt đóng đinh.
– Bên trong sâu không?
– Bên trong có ba tầng. Hành Giả nói:
– Không cần nói nữa. Nửa sau tôi nhớ kỹ rồi. Sư phụ không tin, tôi nói thay chú cho mà xem.
Bát Giới nói:
– Vớ vẩn! Anh có đi đâu mà biết, mà dảm nói thay tôi. Hành Giả cười, nói:
– Nếu có hỏi “cửa đóng bao nhiêu đinh”, thì nói “vội vàng không nhớ được” có phải không?
Chứ ngốc nghe nói, sợ quá, vội vàng quỳ xuống. Hành Giả nói:
– Lại còn ngoảnh mặt về phía ba tảng đá, giả làm ba người chúng tôi vái chào, tập hỏi và trả lời nữa có phải không? Mồm còn nói: “Mình phải bịa ra một bài nói dối để lừa bắt Bật Mã Ôn phải đi!”, có đúng không?
Chú ngốc vội vàng dập đầu nói:
– Tại sao tôi đi tuần núi, anh lại đi theo tôi nghe lỏm? Hành Giả mắng:
– Đồ bị thịt ăn cám kia, công việc cần kíp như vậy, ta mới giao cho nhà ngươi đi tuần núi, mà nhà ngươi lại bỏ đi ngủ? Nếu không có con chim gõ kiến mổ cho nhà ngươi tỉnh lại, thì nhà
ngươi chắc vẫn còn đang ngủ ở đấy. Khi bị mổ tỉnh dậy rồi, lại còn bịa ra một bài nói dối làm nhỡ mất việc lớn của ta. Nhà ngươi mau mau giơ mắt cá ra ta đánh cho năm gậy để nhớ đời!
Bát Giới sợ hãi nói:
– Cây gậy đưa ma ấy nặng lắm, chạm vào là bong gân trầy da ngay, thế mà đánh năm gậy thì em chết mất!
Hành Giả nói:
– Nhà ngươi sợ đòn, sao lạỉ còn nói dối? Bát Giới nói:
– Anh ơi, em trót dại lần này, từ này em không dám thế nữa. Hành Giả nói:
– Lần này hãy đánh ba gậy. Bát Giới nói:
– Cha mẹ ơi, nửa gậy em cũng chết mất!
Chú ngốc chẳng biết làm thế nào, túm lấy sư phụ cầu cứu:
– Sư phụ nói giúp con một lời với! Tam Tạng nói:
– Ngộ Không bảo rằng con bịa ra và nói dối, ta vẫn không tin. Bây giờ quả là đúng, thế thì đáng đánh lắm! Nhưng sắp sửa qua núi thiếu người sai bảo. Ngộ Không ơi, con tạm tha cho hắn, đợi khi nào vượt qua núi rồi sẽ đánh sau.
Hành Giả nói:
– Người xưa có nói: “Vâng lời cha mẹ là đại hiếu”, sư phụ đã can khoan đánh, ta cũng tạm tha cho chú. Nhưng chú phải đi tuần núi lần nữa. Lần này mà còn nói dối, làm nhỡ việc, thì ta nhất định không tha!
Chú ngốc đành lồm cồm bò dậy lại đi tuần một lần nữa. Bước
ra đường lớn, có tật giật mình, chỉ sợ Hành Giả biến hóa bay theo, nhìn vật gì cũng nghi là Hành Giả. Đi được khoảng bảy, tám dặm, bỗng thấy một con hổ già từ sườn núi vụt qua, Bát Giới cũng không sợ, giơ đinh ba lên nói:
– Sư huynh lại đi theo ta nghe lỏm phỏng? Lần này ta không bịa chuyện nữa đâu.
Nói rồi lại tiếp tục đi. Gió núi ở đây bỗng thổi rất mạnh, ầm một tiếng, cây khô đổ lổng chổng trước mặt, Bát Giới vò đầu giậm chân nói:
– Anh ơi, thế là thế nào? Em đã nói là không nói dối nữa, mà anh lại còn biến ra cây cối đổ lổng chổng vào người ta!
Bát Giới lại tiếp tục đi, chợt thấy một con quạ khoang kêu quạ, quạ ầm ĩ ở trên đầu, bèn nói:
– Anh không biết xấu hổ! Em đã nói là không bịa không bịa nữa, thế mà anh còn biến ra con quạ làm gì? Đi nghe lỏm à?
Lần này Hành Giả đâu có đi theo, chỉ vì Bát Giới có tật giật mình, sợ quanh sợ quẩn, nghi ngờ lung tung, cái gì cũng cho là Hành Giả đi theo mình. Chuyện chú ngốc sợ hãi nghi ngờ tạm không nói nữa.
Lại nói chuyện núi này gọi là núi Bình Bính, có một tòa động gọi là động Liên Hoa. Trong động có hai yêu quái. Một gọi là Kim Giác đại vương, một gọi là Ngân Giác đại vương. Đang ngồi, Kim Giác nói với Ngân Giác rằng:
– Người anh em này, chúng mình bao lâu chưa đi tuần núi rồi nhỉ?
Ngân Giác nói:
– Đến nửa tháng rồi. Kim Giác nói:
– Người anh em, hôm nay chúng ta đi tuần đi! Ngân Giác hỏi:
– Hôm nay đi làm gì? Kim Giác đáp:
– Chú không biết. Gần đây tôi nghe nói vua Đường bên phương Đông có sai người em là Đường Tăng sang phương Tây lễ Phật. Đi theo hắn có bốn người: Tôn Hành Giả, Trư Bát Giới, Sa Tăng và con ngựa. Chú xem chúng ở đâu, bắt về đây cho tôi.
Ngân Giác nói:
– Chúng mình muốn ăn thịt người, bắt ở đâu chẳng được dăm đứa. Lũ hòa thượng ấy tới đây, tha cho chúng đi.
Kim Giác nói:
– Chú không biết. Cái hồi tôi ra khỏi thiên giới thường nghe nói: Đường Tăng là Kim thiền trưởng lão xuống trần. Hắn là một người đã tu hành mười kiếp liền, một giọt nguyên dương chưa hề mất. Ăn được thịt hắn sẽ trường sinh bất tử đấy.
Ngân Giác nói:
– Nếu ăn thịt hắn mà trường sinh bất tử, thì chúng ta cần gì phải ngồi thiền; cần gì phải lập công; cần gì phải luyện long hổ; cần gì phải lập âm dương, cứ ăn thịt hắn là xong, để em đi bắt hắn về.
Kim Giác nói:
– Người anh em hơi nóng nẩy đó, chớ có hấp tấp. Bây giờ chú ra khỏi cửa, bất kể hay dở, cứ hòa thượng là bắt về. Giả sử không phải là Đường Tăng thì sao? Tôi có nhớ mặt mũi chúng, sẽ vẽ chân dung thầy trò từng đứa một để chú mang theo. Ngộ có gặp hòa thượng thì mang ra mà đối chiếu.
Đoạn lại còn nói rõ tên từng người một cho Ngân Giác biết.
Ngân Giác cầm ảnh, nhớ kỹ họ tên bước ra khỏi động, chọn ba mươi tiểu yêu bên núi đi tuần.
Lại nói chuyện Bát Giới gặp vận rủi, đang đi đụng ngay một lũ yêu ma chặn đường hỏi:
– Người kia đi đâu?
Chú ngốc ngẩng đầu, vểnh tai nhìn thấy một lũ yêu ma, sợ quá, trong bụng thầm nghĩ:
– Nếu mình nói là hòa thượng đi lấy kinh thì nó tóm ngay, Hay cứ nói là người đi đường.
Tiểu yêu chạy về báo:
– Thưa đại vương, đó là người đi đường.
Trong số ba mươi tiểu yêu, có đứa nhận ra, có đứa không nhận ra. Một tên đứng bên cạnh đường đã được nghe lời chỉ dặn, bèn nói:
– Thưa đại vương, vị hòa thượng này giống Trư Bát Giới trong ảnh lắm.
Liền gọi treo bức ảnh vẽ lên. Bát Giới nhìn thấy sợ quá nói nhỏ:
– Quái, sao lúc này mình mê muội đến thế? Chúng đã vẽ truyền thần mình ra rồi cơ à?
Một tiểu yêu cầm ngọn giáo treo bức vẽ lên cao, Ngân Giác chỉ tay, nói:
– Người cưỡi con ngựa bạch kia là Đường Tăng. Người mặt lông kia là Tôn Hành Giả.
Bát Giới nghe thấy thế, nói:
– Ối Thành Hoàng ơi, miễn là không có mình là được rồi. Thủ lợn cúng, xin chia làm hai mươi bốn phần…
Mồm Bát Giới liến láu cầu nguyện. Yêu quái lại nói:
– Tên mặt đen kia là Sa Tăng. Tên mõm dài tai to kia là Trư
Bát Giới.
Chú ngốc nghe nói tới tên mình, sợ quá rúc mõm giấu vào ngực. Yêu quái quát:
– Tên hòa thượng kia, dẩu mõm ra. Bát Giới nói:
– Có bệnh từ trong bụng mẹ, không dẩu được. Yêu quái sai tiểu yêu lấy cái móc móc ra:
Bát Giới sợ quá, dẩu mõm ra nói:
– Đây mõm ta đây, cứ việc xem đi, móc cái gì?
Yêu quái nhận ra ngay Bát Giới, lập tức rút ngay bảo đao chém liền. Chú ngốc vung đinh ba gạt ra, nói:
– Con trai của bố ơi, chớ có vô lễ! Hãy xem cây đinh ba đây! Yêu quái cười, nói:
– Lão hòa thượng này hẳn xuất gia nửa đời đây. Bát Giới nói:
– Con khá lắm! Cũng có chút linh tính đấy! Biết được cả bố già mày đây xuất gia nửa đời.
Yêu quái nói:
– Nhà ngươi biết dùng đinh ba, hẳn là do cuốc đất xới vườn cho người ta, rồi ăn cắp đem về chứ gì?
Bát Giới nói:
– Con trai của bố ơi, con đâu có biết cây đinh ba này của bố già mày. Nó không phải là dụng cụ cuốc đất mà là:
Răng to như thể vuốt rồng.
Sắt kia tôi cứng tựa hình hổ to.
Đánh nhau gió táp mưa sa,
Gặp tay địch thủ lửa kia bừng bừng.
Trừ nạn bảo vệ Đường Tăng. Đường sang Thiên Trúc yêu tinh rụng rời. Vung lên sầu thảm đất trời,
Múa lên tăm tối tận nơi thiên hà.
Thái Sơn sập, hổ run lo,
Biển sông nghiêng đổ, rồng co kinh hoàng.
Yêu ma giỏi, tớ tha luôn,
Đinh ba này bổ máu tuôn khắp người!
Yêu quái nghe nói, đâu có chịu thua, lấy kiếm thất tinh đánh nhau với Bát Giới, kẻ tiến người lui, đấu nhau trong núi đến hai mươi hiệp không phân thắng bại. Bát Giới nổi khùng lên, liều chết xông vào đánh. Yêu quái thấy Bát Giới vểnh tai, sùi bọt mép, múa đinh ba, miệng quát tháo thì cũng có vẻ sợ sệt, vội vàng quay đầu gọi lũ tiểu yêu, nhất tề xông vào đánh giúp. Cứ kể như một chọi một còn được. Bát Giới thấy cả lũ yêu xông vào, luống cuống chân tay, đánh đỡ loạng choạng, bị thua, quay đầu chạy miết. Nhưng đường lối gập ghềnh, đi lại không thuộc, bị dây leo chằng chịt quấn chặt lấy chân, vừa gỡ ra được định chạy, bị ngay một tiểu yêu nằm ngang dưới đất ngáng chân. Bát Giới ngã sấp xuống, liền bị ngay một lũ yêu giữ chặt lấy, túm lông, xách tai, kéo đuôi, ghì cẳng, khiêng về động. Ôi thôi, thật là:
Một mình khôn diệt yêu ma, Muôn ngàn tai họa khó mà giải nguy.
Cuối cùng không biết tính mạng Bát Giới ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.