Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ ba mươi

Tà ma phạm chính đạo, 
Tiểu Long nhớ Ngộ Không

Lại nói chuyện yêu quái bắt được Sa Tăng đem trói nghiến
lại, không giết, không đánh đập, và cũng không thèm mắng chửi một câu nào. Hắn vung cây cương đao, thầm nghĩ:

– Đường Tăng là nhân vật thượng bang tất biết lễ nghĩa, lẽ nào ta đã tha chết cho, lại còn sai đồ đệ đến bắt ta sao? À, chắc là vợ ta có thư từ gì gửi về nước làm lộ chuyện, ta phải đi hỏi xem sao mới được.

Thế là yêu quái nổi cơn giận dữ, toan giết công chúa.

Lại nói chuyện công chúa không hề hay biết, trang điểm vừa xong, rời gót đi ra phía trước, bỗng thấy yêu quái hầm hầm giận dữ, hai mắt tròn xoe, răng nghiến ken két, nhưng công chúa vẫn tươi cười nói:

[184]
– Có chuyện gì mà chàng

phiền não thế?

Yêu quái mở mồm mắng luôn:

– Mày là con đàn bà hèn hạ chó má, không chút đạo đức. Trước kia ta đưa mày về đây, chưa hề nói nặng nửa lời, mặc gấm đeo vàng, thiếu thức gì ta đi kiếm về, bốn mùa đầy đủ, quý mến nâng niu, thế mà mày chỉ nghĩ tới bố mẹ, chẳng chút tình cảm vợ chồng nào sất.

Công chúa nghe nói sợ hãi, quỳ xuống thưa:

– Chàng ơi, cớ sao hôm nay chàng lại nói những lời ly biệt như thế?
Yêu quái nói:

– Không biết ta muốn ly biệt hay chính mày muốn ly biệt! Ta bắt được Đường Tăng, định giết ăn thịt, tại sao mày chưa bảo qua ta, mà dám tha hắn? Mày còn ngầm viết thư nhờ hắn mang về nhà. Nếu không thế thì tại sao hai lão hòa thượng lại quay lại đánh ta, bắt phải thả mày về, đó không phải là việc mày gây ra sao?

Công chúa nói:

– Chàng ơi, chàng mắng oan em rồi, em nào có thư từ gì đâu? Yêu quái nói:
– Mày còn nỏ mồm hả! Ta đã bắt sống được một tên kia, chứng cớ rõ mười mươi!

Công chúa hỏi:

– Ai?

Yêu quái đáp:

– Lão Sa hòa thượng, đồ đệ thứ hai của Đường Tăng. Phàm người ta đã đến chỗ chết, nhưng không bao giờ chịu chết, cứ cố cãi hoài.

Công chúa nói:

– Xin chàng bớt giận, chàng và em đến hỏi hắn một tiếng, nếu quả có thư thì chàng đánh chết, em cũng xin chịu. Còn nếu không có thư, chẳng hóa ra chàng đánh chết oan em sao?

Yêu quái nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, vung ngay cánh tay xám xịt to như cái chổi sể, túm tóc công chúa, lôi đi xềnh xệch, rồi thả phịch xuống đất, cầm cương đao, hừ một tiếng, quát hỏi Sa Tăng:

– Sa hòa thượng kia! Hai đứa chúng bây dám vô cớ đến đánh phá nhà ta, có phải do con mụ này viết thư về nước, nên quốc
vương mới sai chúng mày tới đây không?

Sa Tăng bị trói chặt, thấy yêu quái cực kỳ hung dữ quật ngã công chúa xuống đất, cầm dao định giết, bèn nghĩ rằng:

– Rõ ràng là nàng có viết thư. Nhưng nàng đã cứu sư phụ ta, đó là cái ơn sâu nặng. Nếu ta nói thật, thì hắn giết chết công chúa ngay, chẳng hóa ra ta lấy oán báo ơn sao? Thôi được, lão Sa này theo sư phụ bấy lâu chưa một chút báo đền, nay đã bị trói ở đây, thề đem tính mạng báo đền sư phụ!

Bèn quát:

– Yêu quái chớ có vô lễ! Nàng có thư từ gì đâu chớ có vu oan giết hại người ta! Chúng tao đến đây đòi công chúa vì lẽ khác! Chỉ vì nhà ngươi giam giữ sư phụ ta trong động, sư phụ ta thấy hết hình dung cử chỉ của công chúa. Khi đến nước Bảo Tượng xin đổi điệp văn, nhà vua mang ảnh vẽ mặt công chúa ra hỏi sư phụ ta, trên đường đi có gặp nàng không. Sư phụ ta bèn đem
chuyện công chúa nói ra, nhờ vậy nhà vua mới biết tin con gái mình, rồi ngài ban cho chúng ta ngự tửu, sai chúng ta tới bắt nhà ngươi, rước nàng về cung. Sự thật là như vậy chứ làm gì có thư từ. Nhà ngươi có giết thì giết ta đây chứ đừng giết oan người vô tội, mà trái lẽ trời!

Yêu tinh thấy Sa Tăng nói năng cứng cỏi, bèn vứt đao, hai tay đỡ công chúa dậy, nói:

– Trong lúc nóng nảy lỗ mãng, ta có xúc phạm tới em, mong em chớ giận, chớ giận!

Nói xong, yêu quái lại vuốt ve tóc nàng, dịu dàng vui vẻ dỗ dành dắt nàng vào, mời nàng ngồi lên trên lạy tạ xin lỗi. Công chúa bụng dạ đàn bà, thấy yêu quái lại kính yêu mình, cũng mủi lòng chuyển ý nói:

– Chàng ạ, nếu chàng còn nghĩ tới tình ân ái vợ chồng thì mong chàng hãy nới dây trói cho Sa Tăng một chút.

Yêu quái nghe nói, sai ngay lũ tiểu yêu cởi trói cho Sa Tăng, chỉ giam lỏng trong nhà. Sa Tăng được cởi trói tháo gông, bèn đứng phắt dậy, mừng thầm nghĩ: “Cổ nhân nói “ở hiền gặp
[185]
lành”

đúng thật! Nếu mình không cãi cho nàng, thì đời nào
nàng bảo yêu quái cởi trói cho mình?”.

Yêu quái lại sửa soạn yến tiệc, mời công chúa uống rượu giải phiền. Khi đã chuếch choáng hơi men, yêu quái bỗng thay mặc một bộ quần áo mới tinh, dắt một thanh bảo đao bên sườn, quay lại vỗ về công chúa:

– Em cứ ở nhà uống rượu, trông nom hai con, đừng có thả Sa hòa thượng, nhân dịp Đường Tăng còn ở trong nước, anh cũng cần phải về nhận bố mẹ chứ!

Công chúa hỏi:

– Chàng nhận bố mẹ nào?
Yêu quái đáp:

– Phụ vương em ấy. Ta là phò mã, ngài là bố vợ, tại sao lại không về nhận?

Công chúa nói:

– Chàng không đi được. Yêu quái hỏi:
– Tại sao không đi được? Công chúa nói:
– Phụ vương em không phải là nhờ thanh gươm yên ngựa lấy được giang sơn. Xã tắc của người là do tổ tông để lại. Người là thái tử lên ngôi từ nhỏ, chưa từng đi xa ra ngoài cổng thành, chưa từng trông thấy người nào nom hung tợn như chàng. Tướng mạo mặt mũi chàng xấu xí thế này, e rằng cha em trông thấy chàng sẽ sợ chết khiếp, rồi chẳng ra sao cả, thà rằng không đi nhận còn hơn.

Yêu quái nói:

– Đã thế, để ta biến thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú rồi đi vậy.

Công chúa nói:

– Chàng thử biến em xem nào!

Thế là yêu quái đang ngồi giữa đám tiệc, lắc mình một cái, biến thành một chàng trai thật là:

Hình dung tuấn tú, Thân thể khang cường. Ăn nói đĩnh đạc,
Đi đứng đàng hoàng. Tài thơ như Tử Kiến
Mặt đẹp tựa Phan An. Đầu mũ lông đuôi tước, Mầu đen thẫm dịu dàng. Mình áo lụa dát ngọc, Tay áo rộng xênh xang, Chân giày thêu hoa ánh, Lưng đai ngọc mơ màng. Rõ ràng trang tuấn kiệt Phơi phới vẻ hiên ngang.
Công chúa trông thấy rất vui. Yêu quái cười, hỏi:

– Em xem, ta biến thế có được không? Công chúa đáp:
– Biến giỏi lắm! Giỏi lắm! Chàng mà vào triều chuyến này, phụ vương em không đứt được đâu, nhất định phải sai các quan văn võ giữ chàng lại ăn tiệc. Trong lúc ăn uống, muôn ngàn lần mong chàng phải cẩn thận giữ gìn, chớ có để lộ nguyên hình bản tướng, mà hỏng việc đấy nhé!

Yêu quái nói:

– Không cần phải dặn, ta đã có cách.

Nói xong, yêu quái nhảy vút lên tầng mây hạ xuống, đi thẳng tới bên ngoài cửa thành, nói với quan giữ cửa:

– Phò mã thứ ba xin vào yết kiến, nhờ ngài chuyển tâu cho. Viên quan Hoàng môn tâu việc bước vào trước thềm ngọc tâu:
– Muôn tâu bệ hạ, có phò mã thứ ba đến yết kiến, hiện đứng ngoài cửa chờ lệnh.

Quốc vương đang ngồi chuyện phiếm với Đường Tăng, chợt
nghe nói tới phò mã thứ ba, liền hỏi các quan:

– Trẫm chỉ có hai vị phò mã, làm gì có phò mã thứ ba nào? Các quan nói:
– Phò mã thứ ba hẳn là yêu quái. Quốc vương nói:
– Có thể mời hắn vào không? Tam Tạng sợ hãi nói:
– Tâu bệ hạ, yêu tinh đấy ạ? “Không thiêng ai gọi là tinh”. Hắn biết cả quá khứ tương lai, biết đi mây về gió, thì mời hắn cũng vào, không mời hắn cũng vào, chi bằng cứ cho mời vào, còn tránh được điều tiếng.

Quốc vương nghe theo, cho mời yêu tinh vào trước thềm vàng. Hắn cũng làm lễ tung hô yết kiến. Các quan thấy hắn khôi ngô tuấn tú, không ai dám bảo là yêu tinh, bởi trông hắn cũng như người trần mắt thịt, lại có vẻ người tốt nữa. Quốc vương thấy yêu tinh tuấn tú hiên ngang, cho là hắn có tài lỗi lạc, bèn hỏi:

– Nhà phò mã ở đâu? Người phương nào? Lấy công chúa từ bao giờ mà bây giờ mới tới chào bố mẹ vợ?

Yêu quái cúi đầu thưa:

– Thưa chúa công, nhà thần ở động Ba Nguyệt, núi Uyển Tử, ở phía đông thành này.

Quốc vương hỏi:

– Ngọn núi ấy cách đây bao xa? Yêu quái thưa:
– Gần thôi, khoảng ba trăm dặm. Quốc vương nói:
– Ba trăm dặm, con gái ta làm sao có thể đến đấy để kết duyên với nhà ngươi được?

Yêu tinh khua môi múa mép, trả lời một cách trí trá:

– Thưa chúa công, thần từ nhỏ đã luyện tập cung nỏ lấy nghề săn bắn sinh nhai. Mười ba năm trước đây, thần đem mấy chục người nhà xua chim dắt chó đi săn, bỗng thấy một con hổ vằn vác một cô gái từ sườn núi đi xuống. Thần giương cung bắn một phát mãnh hổ ngã lăn ra đất, cứu thoát và mang cô gái về nhà, phục thuốc cho cô gái tỉnh lại. Thần có hỏi nàng người ở đâu, nhưng nàng không hề nói tới hai tiếng “công chúa”. Nếu nàng sớm nói là công chúa thứ ba của chúa công, thì thần đâu dám vô lễ, tự tiện kết duyên? Thần phải đưa nàng về triều, to nhỏ gì thì thần cũng được ban một chức quan cho sướng thân chứ. Chỉ vì nàng nói là con nhà thường dân, nên thần mới dám giữ lại trong nhà, trai tài gái sắc, hai bên ý hợp tâm đầu, nên mới ăn ở với nhau được ngần ấy năm. Ngày ấy, sau khi lấy nhau, thần đã muốn giết thịt con hổ mời bà con họ hàng, nhưng nàng khuyên thần đừng giết. Duyên do của việc không giết, có bài thơ rất hay như sau:

Nhờ trời đất nên vợ chồng,

Chẳng cần mối lái duyên nồng vẫn xong.

Kiếp xưa chỉ thắm buộc chân,

Kiếp này nhờ hổ hợp thành nhân duyên.

Vì bài thơ ấy, thần mới cởi trói tha cho mãnh hổ. Mãnh hổ mang vết thương tên bắn trên người, chồm cẳng vẫy đuôi đi mất. Không ngờ con hổ ấy sau khi thoát chết, ẩn náu trong núi, tu luyện mấy năm thành tinh, chuyên lừa hại dân lành. Thần nghe nói năm ngoái có Đường Tăng và mấy người đi lấy kinh qua đấy, chắc là con hổ đã ăn thịt Đường Tăng, rồi biến thành hình giống hệt Đường Tăng vào triều lừa dối chúa công. Tâu chúa
công, người ngồi trên chiếc ghế đôn gấm kia chính là con mãnh hổ mười ba năm trước bắt công chúa, không phải là người đi lấy kinh chân chính đâu!

Quốc vương là người ba phả [186]

, tầm thường u mê, không
nhận ra yêu tinh, coi lời nói dối làm thật, bèn hỏi:

– Phò mã làm sao có thể nhận ra được lão hòa thượng này là con hổ bắt công chúa ngày trước?

Yêu quái thưa:

– Thưa chúa công, thần ở trong núi, ăn thịt hổ, mặc áo da hổ, cùng ngủ cùng thức với hổ, làm gì mà không nhận ra?

Quốc vương nói:

– Nhà ngươi đã nhận ra, thì hãy bắt nó hiện nguyên bản tướng ta xem!

Yêu quái nói:

– Cho thần xin nửa chén nước trong, thần sẽ bắt nó phải hiện nguyên bản tướng.

Quốc vương sai quan mang nước đưa cho phò mã. Yêu quái cầm lấy chén nước, đứng thẳng người dậy, bước tới, dùng phép “hắc nhãn định thần”, niệm chú, hớp một ngụm nước phun vào Đường Tăng, hô “biến!”, tức thì Tam Tạng đang ngồi trên điện biến ngay thành một con hổ vằn. Lúc ấy, vua tôi người trần mắt thịt chỉ thấy con hổ:

Đầu tròn trán trắng, Mắt sáng thân vằn. Bốn chân vươn thẳng, Móng sắc cong cong. Răng nanh nhọn hoắt,
Tai nhọn mi thanh. Mềm mại mèo núi, Dũng mãnh trâu rừng. Râu cứng như sắt, Mõm thở hơi tanh,
Hệt hổ vằn dữ, Gầm gió thổi tung.

Quốc vương vừa nhìn thấy, hồn bay phách tán. Các quan ai nấy sợ hãi lẩn trốn. Chỉ có mấy viên võ tướng to gan dẫn mấy viên tướng quân, hiệu úy ùa lên vác các đồ binh khí đâm chém loạn xạ. Lần này, nếu không phải số Đường Tăng chưa đến lúc chết thì dù có tới hai mươi nhà sư cũng bị băm nát như tương. Lúc ấy may có các vị thần Lục đinh, Lục giáp, Yết đế, Công tào, Hộ giáo, đứng trên không trung ngầm bảo vệ, cho nên bao nhiêu
binh khí của ngần ấy người đánh vào mà Đường Tăng vẫn không việc gì. Các quan hô hoán ầm ĩ mãi tới lúc trời tối mới bắt sống được con hổ, bèn dùng xích sắt cột chặt, bỏ trong cũi sắt đặt ở trong phòng.

Quốc vương lại truyền lệnh cho quan Quang lộc tự sửa soạn đại tiệc, thết đãi tạ ơn phò mã cứu giúp, bởi nếu không thì đã bị lão hòa thượng hãm hại rồi. Tối hôm ấy, các quan tan chầu, yêu quái bước vào điện Ngân An. Nhà vua lại kén mười tám cung nga mỹ nữ gảy đàn múa hát, mời yêu quái uống rượu vui vẻ. Yêu quái ngồi một mình một chiếu ngất ngưởng, hai bên toàn là những thiếu nữ xinh đẹp đứng hầu. Yêu quái đánh chén say sưa, đến khoảng canh hai thì quá say, không tự chủ nổi, bắt đầu hành động bậy bạ. Hắn đứng phắt dậy, cười sằng sặc, hiện nguyên bản tướng, mặc sức làm ác, vươn bàn tay to như chiếc chổi sể, túm lấy một cô gái đánh đàn tỳ bà, lôi tuột vào lòng, ngoạm một miếng mất đầu, nhai gau gáu. Mười bảy cô cung nga còn lại sợ quá bỏ chạy tán loạn. Thực là:

Cung nga sợ sệt, Mỹ nữ kinh hoàng.
Cung nga sợ sệt, khác nào mưa xối nát phù dung: Mỹ nữ kinh hoàng, như thể gió xuân vờn thược dược. Quẳng cả tỳ bà mong thoát chết,
Vứt bừa đàn sáo, chạy như bay. Ra khỏi cửa chẳng kể đông tây, Rời hoàng cung nào hay nam bắc. Mặt mày xây xát,
Thân thể bơ phờ. Mong chạy cho xa,
Giữ mình thoát chết.

Mấy cô gái chạy thoát, không dám ho he. Đêm đã khuya, họ cũng chẳng dám làm kinh động nhà vua, ẩn chốn nơi góc tường xó tối, run rẩy sợ sệt. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện yêu quái ngồi ngất ngưởng, một mình đánh chén, uống rượu ăn thịt, máu me đầm đìa hai bên mép. Bên trong, yêu quái đánh chén, bên ngoài mọi người kháo nhau: Đường Tăng là con hổ thành tinh!

Mọi người xì xào bàn tán, tiếng đồn lan ra đến tận quán trọ. Lúc ấy, trong quán trọ không có một ai, chỉ có con ngựa bạch đang ăn cỏ trong tầu. Nó vốn là tiểu long vương ở Tây Hải, do vi phạm nội quy nhà trời, nên bị cưa sừng lột vẩy biến thành ngựa bạch, cõng Đường Tăng sang phương Tây lấy kinh, bỗng nghe thấy mọi người xì xào “Đường Tăng là con hổ thành tinh”, bèn nghĩ thầm:
– Sư phụ ta vốn là người tốt, bị yêu quái hãm hại biến thành hổ. Làm sao bây giờ? Đại sư huynh thì bỏ đi đã lâu, Bát Giới, Sa Tăng thì bặt vô âm tín!

Con ngựa dùng dằng mãi tới canh hai, mới nhảy phắt lên nói:

– Mình mà không đi cứu Đường Tăng thì công quả hỏng mất! Hỏng mất!

Ngựa không đành được, giựt đứt dây cương, tháo tung yên cưỡi, tung người biến ngay thành một con rồng như xưa, cưỡi mây bay thẳng lên chín tầng trời quan sát. Có bài thơ làm chứng rằng:

Cầu kinh Tam Tạng sang Tây, Đường xa yêu quái hàng bầy chẳng tha. Đêm nay hóa hổ nạn to,
Một lòng cứu chủ ngựa ta lo toàn.

Tiểu Long vương bay trên lưng trời thấy trong điện Ngân An, đèn nến sáng choang, thì ra đó là tám cây nến đốt sáng trưng trên tám cây đế mãn đường hồng. Xuống thấp tí nữa Tiểu Long nhìn thật kỹ lưỡng, chỉ thấy có một mình yêu quái đang ngồi ngất ngưởng uống rượu nhắm thịt người. Tiểu Long cười nói:

– Thằng này hỏng rồi, để lộ tung tích, giấu đầu hở đuôi, ăn thịt người thế kia làm sao ở lâu được! Không biết sư phụ mình sa vào đâu, mà gặp thằng yêu quái chết toi này. Hãy thử trêu hắn một chút xem sao, may ra bắt được yêu tinh cứu thoát sư phụ cũng không muộn.

Đoạn Tiểu Long vương lắc người một cái biến thành một nàng cung nga, thân thể nhẹ nhàng, dung nhan kiều diễm, bước vội vào trong điện chúc tụng:

– Kính chào phò mã. Ngài đừng ăn thịt em. Em tới chuốc rượu ngài đây.
Yêu quái nói:

– Rót rượu ra!

Tiểu Long cầm lấy bầu rượu rót vào chén, rượu chảy xuống cao ba bốn tầng như chiếc chuông mà không tràn ra giọt nào. Đấy là Tiểu Long dùng phép “bức thủy”, nhưng yêu quái không biết, hớn hở nói:

– Em tài quá nhỉ! Tiểu Long thưa:
– Em còn rót được cao nữa kia! Yêu quái nói:
– Rót cao nữa đi! Cao nữa đi!

Tiểu Long lại cầm bầu mặc sức rót, rượu chảy xuống cao như cây bảo tháp mười ba tầng nhọn hoắt đường bệ, mà vẫn không chảy tràn ra ngoài một giọt nào. Yêu quái dẩu mõm uống hết một chén, đoạn lật thây người chết cắn một miếng, rồi hỏi:

– Biết hát không? Tiểu Long đáp:
– Cũng biết sơ sơ.

Rồi theo đúng làn điệu hát một bài, hát xong, lại mời yêu quái một chén rượu. Yêu quái hỏi:

– Biết múa không? Tiểu Long đáp:
– Cũng biết chút ít, nhưng hiềm vì tay không, nên múa không được đẹp mắt.

Yêu quái đứng dậy, cởi áo ra, lấy bảo kiếm tuốt ra khỏi bao, đưa cho Tiểu Long. Tiểu Long nhận lấy kiếm liền chủ tâm múa theo bài “đao hoa pháp”, trên ba dưới bốn, trái năm phải sáu
ngay trước tiệc rượu.

Yêu quái xem múa mắt tít lại. Tiểu Long múa vòng hình chữ hoa, nhằm đầu yêu quái chém phắt một phát. Yêu quái vội né người tránh, cuống cả chân tay, cầm ngay được cây nến đỡ thanh bảo kiếm. Nguyên cây nến ấy bằng sắt luyện, cả thân nặng tới tám, chín mươi cân.

Hai bên phóng ra ngoài điện. Tiểu Long hiện rõ nguyên hình, nhảy vút lên mây, cùng đánh nhau với yêu quái trên không trung. Trận đánh rất quyết liệt. Chỉ thấy:

Một bên ma Uyển Tử Sơn,

Một bên Tây Hải Long vương đó mà.

Một bên điện chớp sáng lòa,

Một bên nhuệ khí chan hòa tầng không.

Một bên voi lão trắng răng,

Một bên vuốt sắc mèo rừng phi nhanh.

Một bên trụ chống trời xanh, Một bên cầu bắc qua mình bể khơi. Rồng bạc bay lượn chơi vơi,
Ma vàng nhảy nhót tung người trời cao.

Bảo đao loang loáng như sao, Cây thắp nến cũng ào ào chẳng tha.
Hai người đánh nhau trên tầng mây chừng tám, chín hiệp, Tiểu Long đã thấy tay chân tê nhũn. Yêu quái thân to lực khỏe, Tiểu Long chống đỡ không nổi, bèn phi đao lên chém yêu quái. Yêu quái có thuật tiếp đao, một tay tiếp lấy bảo đao, một tay cầm cây nến mãn đường hồng ném đánh Tiểu Long. Tiểu Long đỡ không kịp, bị ném trúng vào bắp chân, phải vội vàng từ trên
mây nhảy xuống, may mà có sông Ngự Thủy cứu thoát chết. Tiểu Long chúi đầu chui vào làn nước. Yêu quái đuổi tới nơi tìm không thấy, bèn cắp bảo đao, tay cầm cây nến, quay về điện Ngân An, tiếp tục uống rượu rồi quay ra ngủ. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện Tiểu Long trốn dưới đáy sông, một hồi lâu không thấy động tĩnh gì nữa, mới cắn răng chịu đựng vết thương đau đớn nơi bắp chân, chui ra khỏi mặt nước, nhảy lên đám mây đen, trở về quán trọ biến thành hình ngựa như cũ, nằm ép xuống sàn tầu. Thật đáng thương cho chú ngựa, khắp người ướt như chuột lột, chân lại bị đau. Lúc này:

Ngựa, khỉ tâm hồn tan tác cả,

Kim công, mộc mẫu thảy bơ ph [187] Hoàng bà nay cũng hình xơ xá [188] Đạo nghĩa tiêu điều chẳng giống xưa.
Tạm gác chuyện Tam Tạng gặp tai nạn, Tiểu Long thua trận lại. Giờ nói chuyện Trư Bát Giới từ lúc bỏ Sa Tăng, chúi đầu trốn trong bụi cỏ, cuộn tròn như heo nằm xó rãnh, đánh một giấc mãi quá nửa đêm mới tỉnh dậy, chẳng biết mình đang ở đâu, bèn dụi mắt, định thần, nghiêng tai nghe ngóng. Chà! Đây chính là núi sâu không chó cắn, đồng vắng chẳng gà kêu. Bát Giới ngước nhìn tinh tú di chuyển, đoán khoảng canh ba, nghĩ thầm:

– Mình phải quay về cứu Sa Tăng kẻ “đơn thương độc mã
[189]
chống lại sao đặng”

. À, thôi, thôi, hay là vào thành gặp sư
phụ, báo lại sự việc hôm nay, xin thêm binh hùng tướng mạnh giúp mình ngày mai đi cứu Sa Tăng vậy!

Thế là chú ngốc nhảy vút lên mây, về thẳng kinh thành. Phút chốc, đã về tới quán trọ. Lúc ấy người vắng trăng thanh, Bát
Giới tìm khắp nơi chẳng thấy sư phụ đâu, chỉ thấy con ngựa bạch ngủ trong tầu, toàn thân ướt đẫm, chân sau có một vết tím bầm to bằng cái bát, bèn sợ hãi nói:

– Hỏng bét rồi! Con ngựa này không đi đâu, mà sao mồ hôi khắp người, chân lại tím bầm thế kia? Hay là kẻ gian đã cướp mất sư phụ, rồi đánh què ngựa?

Ngựa bạch nhận ra Bát Giới, bỗng bật ra tiếng người, gọi:

– Sư huynh ơi!

Chú ngốc sợ ngã lăn quay, bò lổm ngổm định ù té chạy, bị con ngựa vươn người ngoạm lấy vạt áo thâm, nói:

– Anh ơi, đừng sợ.

Bát Giới run rẩy, hỏi:

– Làm sao chú em hôm nay lại nói được thế? Chú nói được hẳn có chuyện gì bất hạnh lắm phải không?

Tiểu Long đáp:

– Anh biết sư phụ gặp nạn gì không? Bát Giới nói:
– Không.

Tiểu Long nói:

– Anh thì biết gì! Anh và Sa Tăng khoe tài khoe giỏi trước mặt nhà vua, chắc mẩm bắt được yêu quái, lập công lĩnh thưởng. Ai ngờ yêu quái tài nghệ hơn, các anh kém cỏi đánh nó không lại. Lẽ ra các anh phải cử một người về báo tin mới phải. Đằng này lại chẳng hề có tin tức gì. Còn yêu quái thì biến thành một văn nhân tuấn tú mò vào trong triều nhận bố vợ là nhà vua, và biến sư phụ thành một con hổ vằn, bị các quan bắt nhốt trong cũi sắt đặt trong hoàng cung. Em biết tin buồn não ấy, lòng như dao cắt. Còn hai anh thì cả ngày chẳng biết ở đâu, chỉ e rằng có khi
mất mạng rồi. Thế là em đành hóa thành con rồng bay đi cứu. Không ngờ khi vào triều, chẳng thấy sư phụ đâu cả. Khi đến ngoài điện Ngân An, biết có yêu quái ở đấy, em lại biến thành một nàng cung nga để lừa hắn. Yêu quái bắt em múa kiếm cho hắn xem, em liền rắp tâm chém hắn một phát, hắn né tránh kịp, vác ngay cây nến mãn đường hồng đánh em thua. Em lại phóng một ngọn phi đao, hắn lại bắt được đao, rồi cầm cây nến mãn đường hồng ném vào đùi em. Em phải lủi xuống sông Ngự Thủy trốn thoát. Vết thương tím bầm ở đùi là do cây nến mãn đường hồng ném trúng đấy.

Bát Giới nghe xong, nói:

– Thật có chuyện ấy sao? Tiểu Long nói:
– Em nói dối anh làm gì? Bát Giới nói:
– Biết làm sao bây giờ? Chú còn dò đi được không? Tiểu Long nói:
– Em đi được thì làm sao? Bát Giới nói:
– Chú còn đi được thì xéo về biển cho rảnh, còn tôi gánh hành lý trở về Cao Lão trang làm rể như trước.

Tiểu Long nghe nói, bèn cắn chặt lấy vai áo Bát Giới, không buông tha, nước mắt giàn giụa nói:

– Sư huynh ơi, muôn ngàn lần mong anh đừng chán nản! Bát Giới nói:
– Không chán nản thì biết làm gì bây giờ? Chú Sa Tăng cũng bị nó bắt rồi, tôi thì đánh không nổi nó, không nhân dịp này mà bỏ đi, còn chờ gì nữa!
Tiểu Long lặng lẽ hồi lâu, lại ứa nước mắt nói:

– Sư huynh ơi, anh đừng nói đến ly tán. Muốn cứu được sư phụ, chỉ có cách là mời một người đến mà thôi.

Bát Giới hỏi:

– Chú bảo anh đi mời ai? Tiểu Long đáp:
– Anh phải cưỡi mây đến ngay núi Hoa Quả, mời đại sư huynh Tôn Hành Giả đến. Chỉ anh ấy mới có pháp thuật cao cường hàng phục yêu quái, cứu thoát sư phụ, trả cái thù thua trận của anh em mình.

Bát Giới nói:

– Chú em ạ, mời người khác thôi. Con khỉ ấy xung khắc với tôi. Trước kia, ở núi Bạch Hổ, hắn đánh chết Bạch Cốt phu nhân, bị tôi xúc xiểm sư phụ niệm chú khẩn cô nhi, nên hắn giận tôi lắm. Tôi cũng chỉ định đùa thôi, ai ngờ sư phụ niệm thật, sau lại đuổi hắn đi. Hắn oán tôi lắm, không chịu đến đâu. Hoặc giả tôi ăn nói điều gì sơ suất, thì cây gậy đưa ma của hắn nặng lắm, chẳng kể ngô khoai, phang cho mấy gậy, tôi sống sao nổi?

Tiểu Long nói:

– Anh ấy quyết chẳng đánh anh đâu. Anh ấy là một vị hầu vương nhân nghĩa. Anh gặp anh ấy, đừng nói là sư phụ mắc nạn vội, cứ nói rằng: “Sư phụ nhớ anh lắm”. Cốt lừa anh ấy đến đây, thấy tình cảnh thế này, tất nhiên anh ấy không giận nữa nhất định sẽ đi đánh yêu quái, và chắc chắn là bắt được nó, cứu thoát sư phụ.

Bát Giới nói:

– Thôi được. Chú còn biết hết lòng như thế, tôi mà không đi, chẳng hóa ăn ở không hết lòng sao? Tôi đi chuyến này, nếu Hành Giả chịu đi, thì sẽ về cùng với Hành Giả. Nếu Hành Giả
không đi, thì chú cũng đừng mong tôi. Tôi cũng không về đâu.

Tiểu Long nói:

– Anh cứ đi đi! Đi đi! Thế nào anh ấy cũng đến đấy!

Chú ngốc bèn sửa soạn đinh ba, gọn gàng áo xống, nhảy vút lên mây, đi thẳng về hướng đông. Hồi này cũng là số Đường Tăng chưa chết, nên chú ngốc gặp xuôi gió, vểnh hai tai lên, tựa hai cánh buồm hứng gió, chốc lát đã vượt qua Đông Dương đại hải, dừng mây bước xuống, vừa lúc mặt trời rạng đông, bèn đi vào núi tìm đường. Đang đi, bỗng nghe thấy có tiếng người, Bát Giới lắng tai nghe. Nguyên là Hành Giả đang tụ tập tiểu yêu trong thung lũng. Hành Giả ngồi trên một tảng đá lớn, trước mặt là một nghìn hai trăm con khỉ xếp hàng thành từng ban, miệng hô vang “Đại Thánh chúa công vạn tuế”. Bát Giới nói:

– Sung sướng thế này, thảo nào mà hắn không thiết làm hòa thượng, chỉ muốn ở nhà! Chỗ này tuyệt quá, cơ nghiệp to tát, lại thêm bao nhiêu là khỉ con hầu hạ nữa! Giá mà mình có một ngọn núi như thế này, thì cần quái gì làm hòa thượng. Bây giờ mình đã đến đây rồi còn đứng lại làm gì, phải gặp hắn thôi.

Chú ngốc vẫn hơi sợ sệt, không dám đàng hoàng vào thẳng, đi vòng sang bên bãi cỏ, lóp nghóp chen lẫn trong đám khỉ, theo chúng vào lạy Hầu vương.

Không ngờ Đại Thánh ngồi chỗ cao, mắt lại tinh nhanh, nhận ra ngay, bèn hỏi:

– Trong ban có một thằng lạ nào lạy rối rít thế kia? Hắn ở đâu tới? Lôi hắn vào đây!

Chưa dứt lời, lũ khỉ xúm vào như đàn ong túm lấy Bát Giới điệu vào quẳng trên mặt đất.

Hành Giả quát:

– Mày là thằng nào ở đâu tới đây?

Bát Giới cúi gằm mặt thưa:

– Không dám được ngài hỏi tới. Tôi đâu có phải người lạ mà là người quen, người quen đấy mà!

Hành Giả nói:

– Đàn khỉ bộ hạ của ta toàn giống nhau một loại. Nhà ngươi mặt mũi tướng mạo xấu xí ngờ nghệch thế kia, hẳn là yêu ma từ nơi khác tới. Người nơi khác tới, muốn xin làm bộ hạ của ta, thì trước hết phải nộp một tờ đơn, khai rõ họ tên, thì ta mới cho phép đứng trong ban điểm danh. Ta chưa cho phép nhà ngươi, tại sao nhà ngươi lại dám đứng lẫn trong ban lạy rối rít như vậy?

Bát Giới vẫn cúi đầu, chỉ dẩu mõm ra nói:

– Đồ không biết ngượng, đối xử gì mà tệ thế! Tôi với anh kết nghĩa anh em với nhau đã mấy năm rồi, thế mà nhận không ra, lại còn gọi là người lạ!
Hành Giả cười, nói:

– Ngẩng mặt lên ta xem nào! Chú ngốc vểnh mặt lên nói:
– Anh xem đi, tôi mà anh không nhận ra à? Không nhận ra cái mõm này sao?

Hành Giả không nhịn được cười, nói:

– Trư Bát Giới!

Bát Giới thấy gọi đúng tên, bèn nhảy cẫng lên nói:

– Đúng, đúng! Trư Bát Giới đây. Rồi lại nghĩ thầm:
– Nhận ra là có thể nói được rồi. Hành Giả nói:
– Chú không theo Đường Tăng đi lấy kinh, còn đến đây làm gì? Hay là lại hỗn láo với sư phụ, bị sư phụ ghét đuổi đi. Tờ giấy đuổi đâu, đưa đây ta xem!

Bát Giới nói:

– Không hỗn với sư phụ, cũng không có tờ giấy đuổi nào cả. Sư phụ chẳng đuổi em bao giờ đâu.

Hành Giả nói:

– Không có giấy đuổi, không bị đuổi, thì chú đến đây có việc gì?

Bát Giới nói:

– Sư phụ nhớ anh, sai em đi mời anh đến. Hành Giả nói:
– Sư phụ chẳng nhớ ta và cũng chẳng mời ta đâu. Ngày ấy người đã thề với trời đất, tự cầm bút viết tờ đuổi, thì đời nào còn
nhớ ta, đời nào còn sai chú lặn lội xa xôi đến mời ta nữa? Ta đoán có việc gì không hay xẩy ra.

Bát Giới hoảng sợ, vội vàng nói:

– Đúng là nhớ anh mà, đúng là nhớ anh mà. Hành Giả hỏi:
– Tại sao sư phụ lại nhớ ta? Bát Giới đáp:
– Sư phụ ngồi trên mình ngựa, đang đi, bỗng gọi “đồ đệ”, tôi không nghe tiếng, Sa Tăng cũng nghễnh ngãng. Sư phụ nhớ tới anh, nói chúng tôi là đồ vô dụng, khen anh là con người thông minh linh lợi, gọi một tiếng là thưa ngay, hỏi một đáp mười. Nhân lúc người nhớ anh da diết như thế, nên mới sai tôi đi mời anh, mong anh đi ngay cho. Một là khỏi phụ lòng mong nhớ của sư phụ; hai là không phụ công tôi từ xa lặn lội tới đây.

Hành Giả nghe xong, nhảy xuống đất, đỡ Bát Giơi dậy, nói:

– Chú khó nhọc lặn lội từ xa tới đây, hãy tạm nghỉ ngơi, vui chơi với tôi một chút đã.

Bát Giới nói:

– Anh ạ, đường sá xa xôi, chỉ e sư phụ thấy chậm trễ quá, mong mỏi, em không dám vui chơi đâu.

Hành Giả nói:

– Chú mới tới đây một lần, hãy đi ngắm phong cảnh ngọn núi của tôi một chút xem sao.

Chú ngốc không dám chối từ, đành đi theo Hành Giả.

Hai người dắt tay nhau cùng đi, lũ khỉ nhỏ đi theo sau trèo lên đỉnh ngọn núi Hoa Quả. Ngọn núi đẹp tuyệt vời! Từ hôm Đại Thánh trở về, mới có mấy ngày, mà ngọn núi đã được sửa sang lại như mới. Chỉ thấy:
Xanh xanh khóm trúc, Vời vợi mây trời.
Thế vòng vèo hổ ngồi rồng cuốn, Bốn chung quanh hạc vượn hót vui. Sáng ngắm mây bay vờn đỉnh núi, Chiều xem vầng ác xế non đoài.
Rì rào nước chảy rung đàn ngọc, Thánh thót khe tuôn thổi sáo trời. Trước núi sườn non cao sừng sững, Sau non hoa nở thắm mầu tươi. Đỉnh núi tiếp liền thau ngọc nữ, Chân non thông suốt tận sông trời. Đất trời chung đúc Bồng Lai đảo, Trong đục nuôi thành động phủ coi. Thần bút đan thanh khôn họa nổi, Thiên cơ tiên tử vẽ sao đòi.
Đỉnh núi, long lanh toàn đá lạ, Ngũ sắc mây vờn vách sáng ngời. Bóng xế tỏa nghìn tia đỏ, tím,
Khí lành buông vạn đạo hồng tươi.

Động trời phúc địa trần gian có, Đầy non cây thắm với hoa cười.
Bát Giới ngắm cảnh không chán mắt, lòng vui hớn hở nói:

– Anh ơi, đẹp quá! Đúng là nơi danh sơn đệ nhất thiên hạ! Hành Giả hỏi:
– Thế nào chú em, sống được chứ? Bát Giới cười, đáp:
– Anh nói hay nhỉ! Phúc địa động trời núi báu mà còn hỏi sống được chứ?

Hai người trò chuyện hồi lâu rồi cũng xuống núi. Bên đường đã thấy mấy chú khỉ nhỏ bưng những chùm nho chín mọng, những trái lê, táo hương thơm ngào ngạt, những quả tỳ bà vàng sậm, những trái mơ hồng tươi, quỳ xuống ven đường thưa:

[190]
– Xin mời Đại Thánh chúa công

Hành Giả cười, nói:

dùng bữa sáng.

– Chú em họ Trư của ta đây dạ dày lớn lắm, không thể dùng bữa bằng hoa quả đâu. Thôi được, đừng hiềm ít ỏi, tạm điểm tâm vài quả nhé!

Bát Giới nói:

– Em tuy dạ dày lớn, nhưng cũng xin “nhập gia tùy tục [191]. Nào, mang lại đây, mang lại đây, nếm tạm vài quả.

Hai người ăn hoa quả xong, mặt trời dần dần lên cao. Chú ngốc sợ nhỡ mất việc cứu Đường Tăng, luôn mồm giục giã:

– Anh ơi, sư phụ đang mong anh em mình lắm. Chúng ta phải đi ngay thôi.

Hành Giả nói:

– Mời chú vào chơi trong động Thủy Liêm một chút đã! Bát Giới kiên quyết từ chối:
– Xin cảm ơn lòng tốt của anh. Ngặt vì sư phụ đợi lâu, em chẳng thể vào động được đâu.

Hành Giả nói:
– Đã thế, tôi cũng chẳng giữ lâu, ta chia tay nhau ở đây vậy. Bát Giới nói:
– Anh không đi sao? Hành Giả nói:
– Tôi còn đi đâu nữa! Ở đây, trời không cai, đất không quản, tự do tự tại, thỏa chí vui chơi, làm hòa thượng làm gì? Tôi không đi đâu, chú về một mình đi và thưa lại với Đường Tăng rằng: đã đuổi đi rồi thì đừng nhớ nữa.

Chú ngốc nghe nói, không dám năn nỉ thêm, chỉ sợ Hành Giả phát khùng phang cho mấy gậy thì chết, rồi không biết làm thế nào, chỉ đành vâng dạ chào từ biệt, rồi tìm đường ra về.

Hành Giả thấy Bát Giới đi rồi, bèn sai ngay hai chú khỉ lẽo đẽo đi theo Bát Giới, nghe xem Bát Giới nói gì. Chú ngốc xuống núi, đi chưa đầy ba, bốn dặm, đã ngoảnh đầu về phía Hành Giả, cất tiếng chửi:

– Con khỉ kia, không làm hòa thượng, chỉ thiết làm yêu quái! Cái đồ khỉ ma quái nhà mày, ta có ý tốt đến mời mà mày không đi. Mày không đi thì cũng cóc cần!

Bát Giới lại vừa đi vừa chửi. Hai con khỉ chạy vội về báo:

– Tâu Đại Thánh chúa công, lão Trư Bát Giới rất là dối trá. Hắn vừa đi vừa chửi ngài.

Hành Giả nổi giận, quát:

– Bắt nó lại!

Lũ khỉ ầm ầm đuổi theo như bay, tóm lấy Bát Giới quật xuống đất, túm tóc nắm tai, lôi đuôi giữ cẳng điệu về.

Cuối cùng không biết Bát Giới bị xử trí ra sao, tính mạng sống chết thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

------------------------------
[184] Nguyên văn: lang quân.
[185] Nguyên văn: Cho người phương tiện cũng là cho mình phương tiện.
[186] Nguyên văn: Có tính chất của nước.
[187] Kim công, mộc mẫu, hoàng bà: Xem chú thích ở hồi hai mươi hai và hai mươi ba.
[188] Xem chú thích trang trên.
[189] Nguyên văn: Một sợi tơ không thành chỉ, một bàn tay vỗ khó kêu.
[190] Nguyên văn: Đại Thánh gia gia
[191] Nguyên văn: Tùy làng vào làng