Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ hai mươi tám

Núi Hoa Quả, lũ yêu tụ nghĩa
Rừng Hắc Tùng, Tam Tạng gặp ma

Lại nói chuyện Đại Thánh tuy bị Đường Tăng đuổi đi, nhưng vẫn nhớ thương, than thở mãi không thôi. Vừa nhìn thấy Đông Dương đại hải, bèn nói:
– Ta không đi con đường này, thoắt cái đã năm trăm năm rồi. Chỉ thấy biển cả:

Khói nước mênh mông, Sóng kình bát ngát.
Khói nước mênh mông sát thiên hà; Sóng kình bát ngát thông lòng đất.
Triều dâng dào dạt, Nước cuộn bao la…
Triều dâng dào dạt, như xuân sang sấm chớp chan hòa; Nước cuộn bao la, tựa thu về ào ào gió thổi.
Lão Phúc cưỡi rồng bay tới, sợ hãi cau mày, Tiên Đồng cưỡi hạc về qua, lo âu phấp phỏng. Bên bờ thôn xóm vắng,
Bến nước thuyền câu không. Sóng tung tuyết ngàn năm Gió dạt dào thu sớm,
Chim trời dang cánh lượn, Chim nước lặn rồi bơi. Khách câu nào thấy ai, Bên tai âu ríu rít,
Đáy biển cá đùa nghịch

Trên trời đàn én bay…

Hành Giả co người nhảy vút qua Đông Dương đại hải, đã tới ngay núi Hoa Quả, dừng mây hạ xuống, giương mắt nhìn bốn phía! Trên núi không một bông hoa ngọn cỏ, mây khói cũng tịnh không, núi non đổ nát, cây cối tiêu điều. Chính vì Đại Thánh náo thiên cung rồi bị bắt lên thượng giới. Còn quả núi này thị bị Hiển Thánh Nhị Lang thần chỉ huy bảy anh em Mai Sơn, phóng hỏa đốt sạch. Đại Thánh nhìn cảnh vật, lòng buồn nặng trĩu. Có một bài thơ cổ phong làm chứng tả cảnh núi non tan nát ấy như sau:

Ngoảnh lại non tiêu rơi giọt lệ, Núi xưa xơ xác quặn đau lòng. Đương thời cứ ngỡ non không lở, Nay mới hay rằng đất cũng băng. Đáng giận Nhị Lang sao nỡ bắt, Lừa đời Tiểu Thánh nghĩ càng căm. Đào mồ những kẻ gây hung ác, Cuốc mả nhà bay thực bất bằng! Sương tuyết đầy trời tan tác đó,
Gió mây khắp đất rạc rời đây. Núi đông bặt tiếng hùm gầm thét, Chỉ thấy non tây vượng gọi bầy.
Khe bắc cáo cầy không dấu vết, Hươu nai nào thấy ở hang nam. Đá xanh đốt vụn thành muôn cục, Ngọc biếc ngày xưa cũng nát tan.
Cửa động tùng xanh nghiêng ngả đổ, Sườn non trắc biếc xác xơ khô. Thung, sam, hòe, lật đều vàng xém, Đào, mận, lê, mơ cũng rạc rờ. Không có dâu gai tằm cũng hỏng, Bơ phờ liễu trúc chẳng chim bay. Đỉnh non đá tảng thành bùn bụi, Lòng suối cạn khô bụi phủ đầy.
Sườn núi xám sì lan huệ héo, Ven đường đỏ quạch sắn bìm leo. Chim bay ngày ấy đâu rồi nhỉ? Thú chạy giờ đây cũng vắng teo.
Báo hiềm nằm cuộn nơi hoang vắng, Hạc sợ trăn nằm chốn nát tan.
Ấy bởi ngày xưa gây chuyện ác, Cho nên giờ gặp cảnh gian nan.
Đại Thánh đang buồn rầu, bỗng thấy có tiếng động trước đống cỏ thơm, trong bụi gai góc, bảy tám con khỉ nhảy ra, ùa lại, vây lấy Đại Thánh, dập đầu chào:

– Đại vương[173]

hôm nay mới quay về đấy à?

Mỹ Hầu vương nói:

– Tại sao chúng bay không nô đùa nhảy nhót, con nào con nấy trốn biệt tăm, ta về đây đã được lúc lâu mà chẳng thấy chúng bay đâu cả là sao?

Lũ khỉ nghe nói, con nào con nấy khóc nức nở, thưa:

– Từ ngày đại vương bị bắt lên thượng giới đến nay, chúng con bị phường săn vây bắt, thực khổ cực! Làm sao mà ngăn nổi mỏ dài cung cứng, chim mồi chó săn, lưới chăng bẫy đặt, vì vậy chúng con sợ mất mạng, chẳng dám thò mặt vui đùa, chỉ trốn biệt trong hang động, xa lánh cửa nhà, đói bò ra đầu dốc ăn trộm cỏ, khát lần xuống bờ khe uống nước trong. Vừa rồi chợt nghe thấy tiếng đại vương, chúng con bèn ra tiếp kiến, cúi mong đại vương cứu vớt.

Đại Thánh nghe nói vậy, càng thêm buồn thảm, bèn hỏi:

– Chúng bay còn bao nhiêu đứa ở núi này?
Lũ khỉ thưa:

– Cả già lẫn trẻ được một nghìn. Đại Thánh hỏi:
– Ngày ta còn ở nhà tất cả là bốn vạn bảy nghìn đứa, mà nay chúng đi đâu cả?

Lũ khỉ đáp:

– Từ sau ngày đại vương đi, núi này bị Nhị Lang Bồ Tát phóng hỏa đốt cháy quá nửa. Chúng con phải ẩn núp dưới giếng lòng khe, trốn dưới chân cầu sắt mới sống sót. Đến khi khói lửa tan tắt, chúng con bò ra, nhưng không có hoa quả nuôi thân, khó lòng sống được, một nửa bỏ đi nơi khác kiếm ăn, một nửa chúng con đành chịu khổ ở lại núi này. Hai năm qua, lại bị phường săn bắt mất đến nửa rồi.

Hành Giả hỏi:

– Phương săn bắt chúng bay để làm gì? Lũ khỉ thưa:
– Tụi phường săn thực đáng ghét. Chúng con đứa nào bị tên bắn giáo đâm, trúng độc chết, là chúng mang về lột da róc xương, hầm ninh kho rán, dùng làm thức ăn. Hoặc có con nào sa lưới, bị chúng bắt sống mang đi, dạy làm trò vui, nào nhào lộn, nào trồng cây chuối, rồi mang ra giữa phố, gõ trống đánh chiêng bắt làm đủ mọi trò.

Đại Thánh nghe nói, nổi giận đùng đùng hỏi:

– Những đứa nào cai quản ở trong động? Lũ khỉ thưa:
– Có hai nguyên soái Mã, Lưu và hai tướng quân Băng, Ba cai quản ạ.

Đại Thánh nói:
– Đi báo ngay cho chúng biết là ta đã về. Vài con khỉ con chạy vào trong động báo:
– Đại vương đã về!

Mã, Lưu, Băng, Ba nghe báo, vội vàng ra cửa cúi chào, mời Đại Thánh vào động. Đại Thánh ngồi chính giữa, lũ khỉ xúm chung quanh tâu:

– Thưa đại vương, nghe nói gần đây ngày đã may mắn được bảo vệ Đường Tăng sang phương Tây lấy kinh, tại sao ngài không sang phương Tây nữa, mà lại trở về ngọn núi này?

Đại Thánh nói:

– Các con không biết. Đường Tam Tạng chẳng biết hiền ngu: suốt dọc đường, ta giở hết tài nghệ, hàng ma bắt quái, bao phen giết chết yêu tinh. Nhưng ông ta lại bảo là ta hành hung làm ác, không cần ta làm đồ đệ nữa, đuổi ta đi, lại còn viết cho ta một tờ giấy làm bằng, không bao giờ tin dùng ta nữa.

Lũ khỉ vỗ tay cười khành khạch nói:

– Hay quá! Hay quá! Làm hòa thượng làm quái gì, cứ ở nhà dắt chúng con đi chơi vài năm đã.

Rồi chúng gọi:

– Mau sửa soạn rượu dừa mừng đại vương. Đại Thánh nói:
– Khoan uống rượu vội. Ta muốn hỏi các ngươi: “Người đi săn bao lâu mới vào núi một lần?”.

Lưu, Mã thưa:

– Tâu đại vương, chúng chẳng có giờ giấc gì sất. Nhà chúng gần đây, ngày nào cũng tới quấy nhiễu.

Đại Thánh hỏi:
– Tại sao hôm nay chúng không đến? Mã, Lưu thưa:
– Chúng sắp đến đấy. Đại Thánh dặn dò:
– Các con ra cả ngoài, nhặt những hòn đá vụn đã nung rồi xếp lại thành đống cho ta, hoặc đống hai, ba chục hòn, hoặc đống dăm, sáu chục hòn, ta có việc dùng đến.

Lũ khỉ ùa ra như ong vỡ tổ, nhặt nhạnh đá to nhỏ xếp thành từng đống. Đại Thánh nhìn qua, dặn:

– Các con trốn vào hết trong động, để lão Tôn làm phép.

Đại Thánh đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, thấy ở phía nam trống nổi tùng tùng, chiêng gõ phèng phèng, thấp thoáng đến mấy nghìn người ngựa, tay dắt chó săn, vai mang gươm giáo đi tới. Hầu vương nhìn kĩ, thấy chúng rất hung dữ, kiêu hùng. Chỉ thấy:

Áo da cáo che ngực, Dải lụa gấm thắt lưng. Túi đầy tên nhọn hoắt.
Nách cắp cung cong cong. Người như hùm sục núi, Ngựa như rồng băng băng. Đi theo đàn chó dữ,
Cùng một lũ chim ưng. Sọt mây đựng hỏa pháo, Cẩn thận buộc dây thừng. Que dính nhựa hàng gánh,
Bẫy cạm cũng hàng trăm.

Bủa lưới toàn quỷ sứ, Thắt lưới rặt Diêm Vương. Hò hét vang khắp núi,
Lăng xăng chạy khắp rừng.

Đại Thánh thấy bọn người ấy bủa vây núi mình, trong lòng giận lắm, tay bắt quyết, miệng lẩm nhẩm vài câu, ngoảnh về phương đông nam hít một hơi, rồi thổi phù ra, biến thành một trận cuồng phong khủng khiếp. Chỉ thấy:

Bụi bay tung khắp đất, Cây đổ chỏng khắp rừng. Sóng biển cao như núi,
Nước cuộn dâng muôn tầng.

Đất trời đen kìn kịt, Nhật nguyệt tối sầm sầm.
Hổ gầm – gió lướt tùng nghiêng ngả, Rồng thét – mưa bay trúc bật tung. Muôn hốc rít gào trời nổi giận,
Cát bay đá lở chết phường săn.

Đại Thánh làm một trận gió to, những đống đá vụn theo gió bay tung tóe, đáng thương cho hơn một nghìn người ngựa, ai nấy:

Đá choảng ô đầu nát vụn, Cát bay hải mã thương vong. Đỉnh non sâm, quế xơ xác, Mặt đất chu sa máu hồng.
Phụ tử khó về quê cũ,

Tân lang quay lại: đừng hòng. Thây như khinh phấn rơi đầy núi,
Tựa cửa hồng nương luống đợi trông[174].

Có bài thơ rằng:

Người ngựa chết sạch cả rồi, Phen này ma quỷ đầy nơi núi rừng. Ghê thay vị tướng anh hùng,
Hiền ngu giết tất máu hồng thành sông.

Đại Thánh từ trên mây nhảy xuống, vỗ tay cười ầm lên:

– Thế mới hay chứ! Ta từ ngày quy thuận Đường Tăng, làm hòa thượng, ngài thường nhắc nhủ ta rằng: “Một nghìn ngày làm việc thiện, thiện vẫn chưa đủ; một ngày làm việc ác, ác đã có thừa”. Câu nói ấy quả là chí lí! Ta đi theo ngài, đánh chết có mấy con yêu tinh, ngài đã mắng ta hành hung, hôm nay về nhà, kết liễu bao nhiêu mạng sống bọn thợ săn!

Rồi cất tiếng gọi:

– Tụi nhỏ ra cả đây!

Trận cuồng phong qua rồi, lũ khỉ nghe thấy Đại Thánh gọi, liền nhảy ùa ra. Đại Thánh nói:

– Chúng bay hãy ra mé nam núi, lột hết áo sống của bọn thợ săn đã bị giết chết, giặt sạch vết máu, mặc tạm vào cho đỡ rét; vứt hết thây người chết xuống đầm sâu, lột hết da ngựa chết để đóng giầy, còn thịt thì đem muối dùng để ăn, thu lấy cung nỏ gươm giáo để luyện tập võ nghệ, mang cả những lá cờ ngũ sắc về cho ta dùng.

Lũ khỉ răm rắp vâng mệnh.
Đại Thánh sai giặt sạch những lá cờ, khâu dồn cả lại thành một lá cờ to sặc sỡ trên viết mười bốn chữ: “Trùng tu núi Hoa Quả, phục chỉnh động Thủy Liêm, Tề Thiên Đại Thánh”, trồng một cây cột to ngoài cửa động, rồi kéo cờ lên, ngày ngày chiêu nạp yêu ma muông thú, tích trữ lương thảo, không hề nhắc gì tới hai chữ “hòa thượng” nữa. Hành Giả lại giao du rộng, tài nghệ giỏi, bèn đến thăm Long Vương bốn biển, xin một ít nước tiên Cam Lâm về gột rửa làm xanh lại núi rừng, đằng trước trồng đa, liễu; phía sau trồng trắc tùng, đào mận táo mơ không thiếu thứ gì, tiêu dao tự tại, lạc nghiệp an cư, chuyện không nhắc đến nữa.

Lại nói chuyện Đường Tăng nghe lời dèm pha, ruồng đuổi Hành Giả đi rồi, mới vín yên trèo lên ngựa, Bát Giới đi trước mở đường, Sa Tăng gánh hành lý, ba thầy trò tiếp tục đi sang phương Tây, vượt qua núi Bạch Hổ, chợt thấy một dải rừng mây leo sắn cuốn, bách tốt tùng xanh, Tam Tạng cất tiếng gọi:

– Các đồ đệ ơi, đường rừng khấp khểnh khó đi quá. Vả lại rừng tùng rậm rạp, cây cối um tùm, cần phải cẩn thận nhé kẻo yêu ma quỷ quái đấy!

Chú ngốc lấy lại tinh thần, bảo Sa Tăng dắt ngựa, còn mình cầm đinh ba đi trước mở đường, đưa Đường Tăng đi sâu vào trong rừng tùng. Đang đi, Đường Tăng dừng cương ngựa, nói:

– Bát Giới ơi, hôm nay ta đói lắm rồi, tìm đâu cho ta ít cơm chay nhỉ?

Bát Giới nói:

– Mời sư phụ xuống ngựa nghỉ, để lão Trư đi tìm.

Đường Tăng xuống ngựa, Sa Tăng đặt gánh, lấy liễn bát, đưa
Bát Giới. Bát Giới nói:

– Con đi đây. Đường Tăng hỏi:
– Con định đi đâu? Bát Giới đáp:

[175]
– Không lo, con đi chuyến này dù có khó khăn đến đâu
cũng mang kì được cơm chay về cho sư phụ.

Nói xong, bước ra khỏi rừng tùng, đi thẳng về hướng Tây mười dặm, nhưng chẳng gặp một nhà dân nào, thật là một vùng hẻo lánh không một bóng người. Chú ngốc bước đi vất vả, rầu rầu nghĩ bụng:

– Lúc còn Hành Giả, sư phụ cần gì là có ngay. Bây giờ đến
lượt mình. Thế thực là “ăn nhạt mới thương đến mèo[176]

nuôi
,
con mới biết lòng cha mẹ”. Dọc đường tuy không kiếm được cơm chay, nhưng cũng phải về chậm một chút. Bởi vì về ngay mà không kiếm được cơm, thì sư phụ sẽ không tin mình lặn lội. Cứ nghỉ một lúc lâu rồi về cũng được, tạm nằm trên đống cỏ này đánh một giấc đã.

Thế là chú ngốc hếch đầu lên đống cỏ đánh một giấc. Lúc đầu cứ tưởng chỉ chợp mắt một lúc là dậy thôi, ai ngờ đi đường nhọc mệt, vừa ngả lưng là đã khò khò ngủ say tít.

Tạm gác chuyện Bát Giới ngủ lại đã. Lại nói chuyện Đường Tăng ngồi trong rừng tùng, nóng tai máy mắt bồn chồn không yên, vội gọi Sa Tăng:

– Ngộ Năng đi tìm cơm chay, suốt từ sớm đến bây giờ, sao mãi chưa về nhỉ?

Sa Tăng nói:

– Sư phụ không biết đấy thôi. Anh ấy thấy ở phương Tây có nhiều nhà dâng cơm chay cho nhà sư, bụng anh ấy lại to, nghĩ gì đến thầy nữa. Chắc là ních chặt dạ dày rồi mới về.

Tam Tạng nói:
– Có lẽ thế đấy. Hoặc là hắn ham ăn ở đấy cũng nên, làm sao mà tìm hắn được, trời thì tối rồi, chỗ này không trú được, phải tìm chỗ nào ngủ trọ thôi.

Sa Tăng nói:

– Đừng vội sư phụ ạ. Thầy cứ ngồi đây, để con đi tìm anh ấy về.

Tam Tạng nói:

– Ừ, ừ, có cơm hay không cũng thôi. Cốt tìm chỗ ngủ trọ đã.

Sa Tăng bèn cắp bảo trượng ra khỏi rừng tùng đi tìm Bát Giới. Đường Tăng ngồi một mình trong rừng tùng, buồn rầu lo lắng, lấy tinh thần gượng dậy xếp hành lí vào một chỗ, buộc ngựa vào gốc cây, bỏ nón lá ra, cầm gậy tích trượng, sửa lại chiếc áo thâm, lững thững đi vào trong rừng tạm giải khuây, ngắm khắp hoa rừng cỏ nội, nghe chim về tổ gọi bầy. Nhưng do khu rừng này đường mòn cỏ rậm, lại thêm Tam Tạng đầu óc rối tinh, thế là lạc đường. Định bụng một là đi bách bộ giải buồn, hai là muốn tìm Bát Giới, Sa Tăng, ngờ đâu hai người kia đi về hướng Tây, còn Đường Tăng đi quanh một hồi, lại quay về hướng Nam. Ra khỏi rừng tùng, Đường Tăng ngẩng đầu, thì thấy mé bên kia hào quang lấp lánh, khí đẹp dịu dàng. Nhìn kĩ thì ra một tòa bảo tháp, đỉnh tháp lóe ánh vàng. Ấy là do lúc mặt trời lặn, ánh sáng chiếu chiếu trên đỉnh tháp vàng, tỏa ánh hào quang.

Đường Tăng nói:

– Đệ tử của ta chẳng gặp nhân duyên rồi. Ta từ ngày rời phương Đông đã phát nguyện rằng gặp miếu thắp hương, gặp Phật lễ Phật, gặp tháp quét tháp. Nơi phát ánh hào quang kia chẳng phải một tòa hoàng kim bảo tháp ư? Tại sao lại không đi theo con đường này? Cạnh tháp ắt là có chùa, trong chùa ắt có nhà sư, ta thử vào đó xem sao. Còn hành lí và ngựa, đường này
chẳng có ai đi qua, không mất đâu mà sợ. Nếu ở đấy thuận tiện, đợi hai đồ đệ về, cùng xin ngủ trọ một thể.

Chà! Tam Tạng tai vạ đến nơi rồi. Ông ta rảo bước đến thẳng chân tháp nhưng chỉ thấy:

Vách đá cao muôn trượng, Đỉnh non chọc chồi xanh.
Chân núi liền lòng đất, Đỉnh núi ngang cửu trùng. Cây cối nghìn loài giống, Dây leo trăm vạn vồng. Bóng cỏ hoa óng ánh,
Nước chảy hiện mây trăng.

Khe sâu cây gỗ bắc, Đỉnh núi dây leo chằng. Dưới cầu nước cuồn cuộn, Trên đài đá trắng bong.
Xa trông ngỡ Tam Đảo, Gần ngắm tưởng non Bồng. Tùng trúc um bờ suối,
Quạ, vượn nhảy lung tung.

Cửa động đàn thú chạy, Chim bay rộn rừng xanh.
Mơn mởn cỏ xanh tốt, Phơi phới hoa lung linh. Đích thực nơi độc ác,
Trưởng lão mê, chẳng rành.

Đường Tăng lảo đảo bước tới, vừa mới đến cửa tháp đã thấy một bức rèm trúc treo ở trong, bèn mạnh dạn bước vào cửa, tiến hẳn vào bên trong, ngẩng đầu nhìn, thấy một con yêu quái nằm nghiêng ngủ trên một chiếc giường đá. Hình dáng:

Mặt xanh, răng trắng ởn, Miệng há, ngáy khò khè. Tóc mai xoăn quấn tít, Đỏ như nhuộm yên chi. Râu ria mọc lởm chởm, Như chồi vải xanh rì.
Mũi diều hâu quằm quặm, Mắt trắng, môi thâm sì. Hai bàn tay quắp lại,
To như bát nhà sư. Hai đùi béo nung núc, Khác gì gốc cây to.
Áo bào màu vàng nhạt, Cà sa gấm thấm gì. Con dao để bên cạnh, Sắc lạnh ánh xanh lè.
Phiến đá làm giường ngủ, Mịn bóng như sừng tê. Đã từng bày trận kiến, Từng cai quản lũ ve.
Uy phong cực lẫm liệt, Mọi kẻ gọi bằng cha.
Ngắm trăng, hầu chúc rượu, Hóng gió, lính dâng trà. Thần thông tài nghệ giỏi, Đi mây về gió cừ.
Rừng hoang chim sợ hãi, Bụi rậm rắn im re.
Người tiên trồng cây ngọc, Đạo sĩ luyện đơn sa. Hang động tuy lụp xụp, Khác nào ngục A Tỳ.
Yêu ma tuy ngờ nghệch, Quỷ Dạ Xoa khác gì!
Đường Tăng nhìn thấy hình dáng nó như vậy, vội vàng quay ngoắt người, thân thể mềm nhũn, hai chân tê dại, co người định chạy ra. Vừa quay người, thì con ma, như có linh tính, mở to đôi mắt vàng khè, cất tiếng gọi:

– Lũ nhỏ! Tụi bay xem ngoài cửa có ai đấy?

Một tiểu yêu thò đầu ra cửa nhìn, thấy một vị hòa thượng đầu trọc, vội vàng chạy vào báo:

– Tâu đại vương, ngoài cửa có một vị hòa thượng đầu to mặt lớn, hai tai dài chấm vai, thân thể mỡ màng non búng, da dẻ mịn màng trắng phau. Thật là một hòa thượng ngon quá!

Yêu ma nghe nói, cười khanh khách, nói:

– Thế mới gọi là “cỗ bưng đến tận mồm”[177]

chứ! Tụi bay
đâu, mau mau đuổi theo bắt lại cho ta! Ta sẽ trọng thưởng.

Lũ tiểu yêu như ong vỡ tổ, ùa cả ra. Tam Tạng tuy hai chân chạy như tên bắn, nhưng rồi sợ quá, tim gan rụng rời, chân tay tê nhũn, lại thêm đường núi gập ghềnh, rừng sâu tối om, đâu có bước được nữa, bị bọn tiểu yêu bắt sống khiêng về. Thực là:

Rồng sa vũng cạn tôm đùa

Hổ sa vào cũi, chó lừa như không.

Đành rằng việc lớn khó khăn,

Ai như Tam Tạng nhọc nhằn hiểm nguy?

Bọn tiểu yêu khiêng Tam Tạng về đặt ngoài bức rèm trúc, hể hả vào báo:

– Tâu đại vương, bắt được lão hòa thượng rồi ạ.

Yêu ma nheo mắt nhìn thấy Tam Tạng đầu thẳng, mặt mũi đường hoàng, đúng là một hòa thượng chân chính, bèn nghĩ
thầm:

– Trông lão thế kia, hẳn là một nhân vật thượng lưu, không phải bọn lèm nhèm đâu. Nếu ta không tỏ rõ oai phong, thì khó mà hàng phục được lão!

Đoạn, cáo mượn oai hổ, râu đỏ vểnh ngược, mắt vàng trợn lên, hầm hầm vênh mặt, cất tiếng quát:

– Mang ngay lão hòa thượng vào đây!

Bọn tiểu yêu dạ ran, rồi đẩy Tam Tạng vào. Thật là “Cho dù nhà lụp xụp, đâu dám không cúi đầu”, Tam Tạng đành chắp tay vái chào. Yêu ma hỏi:

– Nhà ngươi là hòa thượng ở đâu, từ đâu tới? Và đi đâu? Nói mau!

Tam Tạng thưa:

– Tôi vốn là nhà sư nước Đại Đường, vâng lệnh đức vua sang phương Tây lấy kinh Phật, vừa rồi đi tới ngọn núi của ngài đây, định tới chân tháp lễ Phật, không ngờ làm động đến oai nghiêm, cúi xin tha tội. Đợi khi nào sang phương Tây lấy được kinh trở về sẽ ghi nhớ mãi cao danh.

Yêu ma nghe vậy, cười khanh khách, nói:

– Ta đã nói nhà ngươi là nhân vật thượng bang, quả đúng không sai. Ta đang muốn ăn thịt nhà ngươi thì nhà ngươi đến đúng lúc lắm. Tuyệt lắm! Nếu không như thế thì hóa ra ta bỏ mất cơ hội tốt à? Nhà ngươi đã là miếng thịt trong miệng ta rồi, tự nhiên lại dẫn xác đến, có xin cũng không tha, có chạy cũng không thoát đâu!

Rồi gọi lũ tiểu yêu:

– Trói lão hòa thượng này lại!

Lũ tiểu yêu xông lên, trói chặt Tam Tạng vào cột định hồn.
Lão yêu cầm dao hỏi:

– Lão hòa thượng kia, tụi bay có mấy người? Chứ một mình lại dám sang phương Tây à?

Tam Tạng thấy hắn cầm dao, đành thực thà nói:

– Thưa đại vương, chúng tôi còn hai đồ đệ nữa là Trư Bát Giới và Sa hòa thượng, họ đi kiếm cơm chay phía ngoài rừng tùng. Ngoài ra, còn một gánh hành lí, một con ngựa bạch vẫn để trong rừng ạ.

Lão yêu nói:

– Lại càng may, hai đồ đệ với nhà ngươi nữa là ba, con ngựa là bốn, chén một bữa cả thể!

Lũ tiểu yêu nói:

– Chúng tôi xin đi bắt về. Lão yêu nói:
– Đừng đi, hãy đóng cửa lại. Hai thằng ấy đi xin cơm về, nhất định phải đi tìm sư phụ. Tìm không thấy, nhất định phải mò đến đây. Thường có câu “Những thức mang bán tận nhà mới tốt”, cứ thong thả hẵng bắt.

Lũ tiểu yêu tuân mệnh đóng chặt cửa trước lại.

Tạm gác chuyện Tam Tạng gặp nạn lại. Giờ nói chuyện Sa Tăng đi ra ngoài rừng tìm Bát Giới, đi xa hơn mười dặm chẳng thấy làng bản nào hết, bèn đứng trên gò cao quan sát, chợt nghe thấy tiếng người nói trong bụi cỏ, vội vàng cầm trượng vạch cỏ ra xem, thì ra là chú ngốc nằm trong đó ngủ nói mê. Sa Tăng túm tai gọi dậy:

– Anh ngốc này giỏi nhỉ! Sư phụ sai đi tìm cơm chay, chứ cho anh ngủ ở đây à?

Chú ngốc lồm cồm bò dậy, hỏi:
– Chú em, giờ gì rồi nhỉ? Sa Tăng nói:
– Về ngay thôi, sư phụ bảo rằng có hay không có cơm chay cũng được, tôi và anh phải đi tìm chỗ ngủ trọ.

Chú ngốc quờ quạng vớ lấy chiếc bát, vác cây đinh ba cùng Sa Tăng về thẳng. Khi vào trong rừng thì chẳng thấy sư phụ đâu cả, Sa Tăng oán trách:

– Chỉ tại anh ngốc này đi tìm cơm chay không về ngay, chắc là sư phụ bị yêu tinh bắt mất rồi.

Bát Giới cười, nói:

– Chú em chớ có nói nhảm. Khu rừng này là nơi thanh nhã, làm gì có yêu tinh. Chắc là sư phụ ngồi buồn, đi ngắm cảnh ở đâu đó thôi. Chúng ta đi tìm xem.

Thế rồi hai người dắt ngựa, quẩy gánh hành lí, thu nhặt nón lá, tích trượng ra khỏi rừng tùng tìm sư phụ.

Lần này Đường Tăng cũng chưa đến số chết. Hai người đi tìm một lúc lâu không thấy, bỗng thấy ở hướng chính nam có ánh sáng lấp lánh. Bát Giới nói:

– Chú em này, có phúc lại gặp nơi có phúc. Hẳn là sư phụ đến đây thôi. Chỗ có ánh sáng kia chắc là một tòa bảo tháp, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Nhất định là họ đã làm cơm chay mời sư phụ ăn rồi. Chúng ta còn chần chờ gì mà không tới đó đánh chén!

Sa Tăng nói:

– Anh ạ, chẳng biết lành dữ thế nào, cứ đến đó xem sao đã.

Hai người hăng hái bước tới trước cửa. Chà, cửa đóng im ỉm. Chỉ thấy trên cửa có gắn một phiến đá bằng bạch ngọc khắc sáu chữ “núi Uyển Tử, động Ba Nguyệt”.
Sa Tăng nói:

– Anh này, đây chẳng phải chùa chiền gì đâu, chỉ là hang động của yêu tinh thôi. Sư phụ mình ở trong này rồi, không thể tìm được nữa.

Bát Giới nói:

– Chú em đừng sợ, cứ dắt ngựa, trông hành lí để ta lên xem sao.

Chú ngốc cầm ngay đinh ba, bước tới gọi:

– Mở cửa! Mở cửa!

Lũ tiểu yêu canh cửa vừa mở cửa ra, vừa nhìn thấy hai người hình dạng như vậy, vội vàng co người chạy vào báo:

– Đại vương ơi, họ tới rồi! Lão yêu hỏi:
– Họ ở đâu?

Lũ tiểu yêu đáp:

– Ngoài cửa động có một hòa thượng mõm dài tai to, và một hòa thượng mặt sạm đen đến gọi cửa.

Lão yêu hí hửng nói:

– Đúng là Trư Bát Giới và Sa Tăng tìm đến rồi! Chà họ cũng khéo tìm nhỉ? Làm sao mà họ cũng lần mò tới đây được? Mặt mũi họ hung tợn thế, chớ có coi thường.

Bèn gọi:

– Mang binh khí ra đây!

Lũ tiểu yêu mang ngay áo giáp, vũ khí đến. Lão yêu nai nịt gọn gàng, cầm dao, ra thẳng ngoài cửa.

Bát Giới, Sa Tăng đang đợi ngoài cửa, bỗng thấy yêu ma hung hãn xông ra.Trông người:
Mặt xanh râu tóc đỏ hoe

Mình mang áo giáp sáng lòe vàng tươi.

Ngang lưng đai khảm đồi mồi, Ngựa thắt dây lụa sắc ngời lung linh. Hiên ngang đầu núi gió rung,
Chơi trong bốn biển sóng tung ào ào.

Hai tay gân guốc hồng hào,

Lăm lăm nắm chặt lưỡi dao truy hồn.

Nào ai muốn biết họ tên,

Hoàng Bào hai tiếng khắp miền lừng danh.

Hoàng Bào lão quái vừa ra tới cửa, liền quát:

– Bọn bay là hòa thượng phương nào mà dám tới cửa tao quát tháo?

Bát Giới nói:

– Con trai ơi, không nhận ra bố à? Ta là bố đẻ của con đây mà! Ta được vua nhà Đường sai sang phương Tây lấy kinh đấy! Sư phụ ta là ngự đệ Tam Tạng, nếu có trong nhà mày, thì sớm đưa ra ngay, để ta đỡ phải mang cây đinh ba này vào!

Yêu ma cười, nói:

– Có, có, có Đường Tăng trong nhà ta đấy. Ta cũng không rẻ rúng ông ta đâu, đã làm ít bánh bao nhân thịt người mời ông ta xơi rồi. Các ngài cũng vào ăn một chiếc chứ? Thế nào?

Chú ngốc tưởng thật, định vào, Sa Tăng ngăn lại nói:
– Anh ơi, nó lừa đấy! Đời thủa nào lại ăn thịt người bao giờ? Chú ngốc ta nhận ra, vung ngay đinh ba nhằm thẳng mặt lão
yêu bổ xuống. Hai bên trổ phép thần thông, nhảy lên không trung cưỡi mây giao chiến. Sa Tăng cũng bỏ hành lí và con ngựa
dưới đất, cắp bảo trượng xông vào đánh giúp. Lúc này, hai hòa thượng hùng dũng, một yêu ma dữ tợn đánh nhau rất quyết liệt trên tầng mây. Thật là:

Trượng vung đao đón đỡ, Đinh ba bổ, đao đâm. Một yêu ma thi thố,
Hai hòa thượng thần thông… Đinh ba cực lợi hại,
Bảo trượng cực oai hùng.

Nhất tề xông vào đánh, Hoàng Bào vẫn ung dung. Cương đao lòe chớp giật, Tỏ võ nghệ vô song.
Đánh nhau thật quyết liệt, Mây mù phủ không trung.
Cả một vùng núi vắng, Cát đá bay rầm rầm.
Kẻ vì thanh danh quyết dành phần thắng, Người vì sư phụ chẳng lùi một phân.
Ba người trên không trung, tiến lui qua lại, đánh nhau tới hàng chục hiệp, không phân thắng bại. Hai bên đều muốn kết liễu cho xong, nhưng kì thực khó mà phán đoán được.

Không biết cuối cùng làm thế nào để cứu thoát được Đường Tăng, xem hồi sau sẽ rõ.

----------------
[173] Nguyên tác: Đại thánh gia gia.
[174] Mỗi một câu thơ, tác giả dùng tên một vị thuốc bắc: Ô đầu, hải mã, nhân sâm, quan quế, chu sa, phụ tử, tân lang, khinh phấn, hồng nương tử, mà vẫn miêu tả được cảnh bọn thợ săn bị thương vong (theo nguyên chú).
[175] Nguyên văn: Dùi băng lấy lửa, ép tuyết tìm dầu.
[176] Nguyên văn: Làm bếp mới biết giá gạo củi.
[177] Nguyên văn: Nhặng xanh đậu trên râu, của cải tự đến.