Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ hai mươi bảy

Thây ma ba lượt trêu Tam Tạng
Đường Tăng giận đuổi Mỹ Hầu vương

Lại nói chuyện thầy trò Tam Tạng sáng sớm hôm sau thu xếp
ra đi. Trần Nguyên tiên nhận kết nghĩa anh em với Hành Giả, hai người tâm đầu ý hợp, lưu luyến chẳng muốn rời nhau, lại tiệc tùng khoản đãi liên tục năm, sáu hôm. Tam Tạng từ hôm ăn thảo hoàn đơn, khác nào thay da đổi thịt, người khỏe, tâm tình phấn khởi, tấm lòng đi lấy kinh càng tha thiết, chẳng chịu dùng dằng ở thêm, chủ nhân bất đắc dĩ đành để họ lên đường.

Thế là thầy trò từ biệt ra đi, chẳng mấy chốc thấy một ngọn núi cao. Tam Tạng nói:

– Đồ đệ này, ngọn núi phía trước hiểm trở quá, e ngựa chẳng đi nổi, các con phải cẩn thận đấy.

Hành Giả nói:

– Sư phụ cứ yên tâm, chúng con biết rồi.

Nói đoạn, xông lên trước con ngựa, cầm ngang cây gậy, xông xáo mở đường, lên tới sườn núi cao, chỉ thấy:

Núi non trùng điệp, Khe suối uốn quanh.
Hổ báo lũ lượt, Hươu nai rập rình,
Vô số lợn dê chạy nhảy, Cơ man cáo thỏ tung hoành,
Trăn dài nghìn thước,

Rắn lớn muôn tầm nhả nọc tanh, Ven đường gai góc chằng chịt, Sườn non cổ thụ tươi xanh,
Dây leo bò khắp đất, Cỏ thơm mọc như thành. Biển bắc trời bảng lảng. Trời nam mây dăng dăng.
Nguyên khí đắp bồi từ thượng cổ, Vầng ô lạnh lẽo núi muôn tầng.
Đường Tăng ngồi trên mình ngựa lo sợ. Đại Thánh bèn thi thố tài năng, múa gậy sắt, miệng hò hét, khiến cho các loài lang trùng, trốn náu, hổ báo chạy dài. Thầy trò đi sâu vào trong núi, tới đoạn gập ghềnh. Tam Tạng nói:

– Ngộ Không ơi, ngày hôm nay, ta đói lắm, con tìm đâu ít cơm ăn đi!

Hành Giả cười ngất, nói:

– Sư phụ chẳng hiểu gì cả, giữa vùng núi hiểm, trước chẳng có bản, sau chẳng có làng, có tiền cũng không có chỗ mà mua, bảo con đi tìm cơm ở đâu?

Tam Tạng trong lòng không vui, mắng Ngộ Không:

– Con khỉ này, nhà ngươi không nghĩ tới khi bị Như Lai nhốt trong hộp đá dưới chân núi Lưỡng Giới, mồm nói được nhưng chân không đi được, nhờ ta cứu thoát, quy y thụ giới, nhận làm đồ đệ, thế mà không chịu cố gắng, chỉ sinh lòng lười biếng!

Hành Giả nói:

– Con vẫn chịu khó, đâu có lười biếng?
Tam Tạng nói:

– Nhà ngươi chịu khó, thế sao không đi tìm cơm cho ta? Ta bụng đói đi sao nổi? Hơn nữa, vùng vúi này đầy lam sơn chướng khí, làm sao đến chùa Lôi Âm được?

Hành Giả nói:

– Sư phụ đừng gắt nữa, nói ít chứ! Con biết tính thầy cao ngạo, trái ý thầy một tý là thầy niệm chú ngay. Thôi, thầy xuống ngựa ngồi nghỉ đi, đợi con tìm đâu có nhà dân xin ít cơm chay vậy.

Hành Giả co người nhẩy vút lên mây, lấy tay khum khum che mắt, quan sát khắp nơi, chỉ thấy con đường sang phương tây vắng vẻ, tịnh không một làng bản xóm thôn nào, toàn là cây cối, chẳng vệt khói buông. Một lúc lâu, Hành Giả nhìn thấy ở phía chính Nam có một ngọn núi cao. Phía đông ngọn núi, thấy một dải hồng tươi, Hành Giả bèn nhảy xuống nói:

– Thưa sư phụ, có cái ăn rồi.

Trưởng lão hỏi thức gì, Hành Giả thưa:

– Vùng này không có nhà dân xin ít cơm đâu, nhưng phía nam ngọn núi có một dải đỏ, ắt là đào rừng chín mọng, con đi hái mời thầy xơi.

Tam Tạng mừng nói:

– Người xuất gia có đào mà ăn là quý lắm rồi!

Hành Giả lấy ra chiếc liễn, nhảy vút lên mây, dùng phép cân đẩu vân đi loang loáng, khí lạnh thổi vù vù chớp mắt đã tới ngọn núi phía Nam hái đào. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện người ta thường có câu: “Non cao lắm quái, núi hiểm nhiều ma”, đúng như vậy. Núi này có một con yêu tinh. Khi Hành Giả ra đi, làm kinh động con yêu quái. Trên tầng mây, đạp luồng gió âm, hắn nhìn thấy Đường Tăng đang ngồi dưới đất, xiết bao mừng rỡ nói:

– May quá! May quá! Mấy năm nay mọi người thường nói về lão hòa thượng nhà Đường bên phương Đông đi lấy kinh “Đại Thặng”. Lão vốn là Kim Thiền Tử hóa thân, tu hành mười đời, ăn được một miếng thịt của lão sẽ sống lâu mãi mãi. Hôm nay lão đến đây rồi!

Yêu tinh định xông tới bắt sống luôn, nhưng thấy bên cạnh Tam Tạng có hai đại tướng đứng bảo vệ, bèn không dám vội vã. Hai viên đại tướng ấy là ai? Đó là Bát Giới và Sa Tăng. Bát Giới và Sa Tăng tuy chẳng có võ nghệ cao cường gì. Nhưng Bát Giới là Thiên Bồng nguyên soái, Sa Tăng là Quyển Liêm đại tướng. Uy vũ của họ cũng chưa biết thế nào, nên yêu tinh cũng không
dám đường đột, bèn nói:

– Ta tạm trêu họ tí chút xem sao?

Nói đoạn, dừng vệt gió âm nhảy xuống, nấp trong hốc núi, lắc mình một cái, biến thành một cô gái xinh đẹp tuyệt vời, mày ngài mắt phượng, răng trắng môi hồng, tay trái cầm một chiếc liễn xanh, tay phải cầm một chiếc bình lục, từ hướng Tây đi về phía Đường Tăng:

Thánh tăng dừng ngựa sườn non. Bỗng đâu cô gái nõn nường tới bên Búp tay trắng muốt ngó sen.
Quần là mỏng dính như in cặp đùi.

Mặt hoa lúng liếng môi cười,

Liễu in khói biếc – nét ngài mỏng manh.

Ngó nghiêng đôi mắt đưa tình,

Xem ra đang bước tới gần Đường Tăng.

Tam Tạng trông thấy gọi:

– Bát Giới, Sa Tăng ơi, Ngộ Không vừa nói chỗ này đồng không mông quạnh, không có người ở, thế mà, các con xem, chẳng phải là người đang đi tới gì kia?

Bát Giới nói:

– Sư phụ và Sa Tăng cứ ngồi đây, để lão Trư đi xem xem. Nói xong chú ngốc vứt đinh ba, sửa lại áo xống, bước khệnh khạng ra vẻ phong thái nhà nho, tới đón cô gái. Thật là: xa trông thì chẳng thấy gì đến gần mới biết cực kỳ xinh tươi. Cô gái:

Người đâu trong ngọc trắng ngà, Áo the hở ngực đẫy đà cặp lê. Liễu xanh xanh biếc hàng mi,
Mắt phượng chơm chớp khác gì sao băng.

Dung nhan đầy đặn khuôn trăng.

Thiên nhiên phú bẩm cao thanh dáng người.

Nhẹ như én lượn bầu trời.

Tiếng oanh thỏ thẻ lòng người ngẩn ngơ.

Hải đường mơn mởn cành tơ,

Lung linh thược dược như đưa xuân tình.

Bát Giới thấy cô gái xinh đẹp tuyệt trần, lòng dục trỗi dậy, không chịu nổi, nhưng cố giữ không dám nói bậy bạ, cất tiếng:

[168]
– Chào cô

. Cô đi đâu đấy? Tay cầm vật gì vậy?

Rõ ràng là một con yêu tinh, nhưng Bát Giới không nhận ra. Cô gái đáp lại liến thoắng:

– Thưa trưởng lão, cái liễn xanh này đựng cơm gạo tám, còn chiếc bình lục này đựng bánh bao. Em mang tới đây chẳng có ý gì khác, ngoài việc phát nguyện dâng cơm chay cho trưởng lão.

Bát Giới nghe vậy, trong lòng hí hửng, vội vàng quay người, chạy một mạch như lợn phải gió, trở về báo với Tam Tạng:

[169]
– Sư phụ ơi, đúng là “ở hiền gặp lành”

, sư phụ đói, bảo
sư huynh đi tìm cơm chay, con khỉ ấy không biết đi hái đào, hay nghịch ngợm ở đâu rồi, hốc đào cho lắm vào, rồi có khi còn cãi nhau với người ta, hay là lại ngã cây nữa ấy chứ. Sư phụ xem kia, chẳng phải là người mang cơm chay đến đó sao?

Đường Tăng không tin, nói:

– Đồ bị thịt ngốc nghếch! Từ lúc chúng ta đi tới giờ, chưa gặp được một người tốt nào, làm gì có người mang cơm chay lại dâng?
Bát Giới nói:

– Thưa sư phụ, chẳng phải đang đến gì kia?

Tam Tạng vừa nhìn thấy, vội vàng đứng dậy, chắp tay trước ngực chào:

– Kính chào bà. Nhà bà ở đâu? Gia đình ra sao? Có muốn cầu mong gì mà đến dâng cơm chay vậy?

Rõ ràng là một con yêu tinh, mà Tam Tạng cũng không nhận ra. Yêu tinh thấy Đường Tăng hỏi lai lịch, bèn rắp tâm dối trá, múa mép khua môi rằng:

– Thưa sư phụ, ngọn núi này gọi là Bạch Hổ lĩnh, hổ báo, rắn rết cũng phải sợ. Nhà tôi ở mé chính tây. Cha mẹ tôi hãy còn sống, thường đọc kinh làm thiện, hay thết đãi cơm chay các hòa thượng xa gần, song hiềm một nỗi không có con, cầu cúng mãi mới được mình tôi là gái. Các cụ muốn tìm nơi môn đệ gả chồng cho tôi, nhưng e già cả không nơi nương tự, đành phải gả chồng và cho ở rể, để phụng dưỡng tuổi già.

Tam Tạng nghe vậy, nói:

– Bà nói sai rồi. Thánh nhân có câu: “Cha mẹ còn sống, không được đi chơi xa. Nếu có đi phải cho cha mẹ biết nơi chốn”. Các cụ đang còn, lại kén rể cho bà. Nếu bà có muốn cầu xin gì thì bảo nam giới đi cũng được, tại sao lại đi một mình trong núi, chẳng có người đi theo, vậy là không giữ tròn đạo đức của nữ giới đâu.

Cô gái cười thỏ thẻ, nói khéo:

– Thưa sư phụ, chồng tôi đưa mấy người làm công đi cuốc ruộng ở thung lũng phía bắc. Tôi nấu cơm trưa, mang đi cho họ. Nhưng mùa màng bận rộn, chẳng sai được ai, cha mẹ thì già, nên phải tự mang đi, bất ngờ gặp ba ngài từ phương xa tới, nghĩ tới cha mẹ hay làm việc thiện, nên mới dâng cơm chay, nếu mấy
ngài không hiềm nghi thì xin nhận tấm lòng thành.

Tam Tạng nói:

– Xin cảm ơn! Xin cảm ơn! Một người đồ đệ của tôi đi tìm quả cũng sắp về rồi, tôi chẳng dám ăn đâu. Nếu chúng tôi ăn, chồng bà biết sẽ mắng bà, thì đó chẳng phải là tội của bần tăng này hay sao?

Cô gái thấy Đường Tăng không chịu ăn, lại càng tươi cười mời mọc:

– Sư phụ ạ, cha mẹ tôi dâng cơm chay thì kể làm gì. Chồng tôi cũng thực là một người tốt, suốt đời chỉ biết sửa đường bắc cầu, kính già thương trẻ, nếu biết là dâng cơm chay mời các nhà sư, thì tình cảm vợ chồng chúng tôi càng khăng khít gắn bó hơn đấy.

Nhưng Tam Tạng vẫn không chịu ăn. Chú ngốc đứng bên cạnh khó chịu, dẩu mồm lầu bầu oán trách:

– Thiên hạ có vô số nhà sư, chẳng ai gàn như cụ hòa thượng nhà mình, cơm đã sẵn sàng ba phần rồi mà chẳng chịu ăn, cứ đợi con khỉ về chia làm bốn phần mới ăn hẳn?

Rồi chẳng phân trần gì nữa, thò ngay mõm vào liễn định chén liền.

Bỗng Hành Giả từ trên đỉnh núi phía Nam, hái được mấy quả đào, đựng trong liễn, chỉ bằng một cân đẩu vân, đã về tới nơi, trợn đôi mắt lửa ngươi vàng nhìn kỹ, nhận ra ngay cô gái là con yêu tinh, liền đặt liễn rút gậy sắt, nhằm đầu nó bổ xuống. Tam Tạng vội vàng lấy tay ngăn lại, nói:

– Ngộ Không, con xông vào đánh ai?

Hành Giả nói:

– Sư phụ ạ, đứa con gái đứng trước mặt thầy không phải người tốt đâu. Nó là con yêu tinh lừa thầy đấy!

Tam Tạng nói:

– Con khỉ kia, trước kia còn có chút nhãn lực, bây giờ sao ăn nói bừa bãi thế! Bà đây có lòng tốt mang cơm chay đến mời chúng ta, tại sao con lại bảo là yêu tinh?

Hành Giả cười, nói:

– Sư phụ đâu có nhận ra! Lão Tôn trước kia, khi còn là yêu ma động Thủy Liêm, lúc nào muốn ăn thịt người đều làm cách như thế này: hoặc biến thành vàng bạc, nhà cửa, hoặc biến thành gái đẹp say người. Kẻ nào ngu si say đắm phải lòng con, là bị con lừa mang về động. Lúc ấy, thì tùy ý con, hoặc nấu hoặc kho, ăn không hết, con phơi khô để dành phòng lúc mưa dầm. Sư phụ ơi, con mà về chậm, thì nhất định sư phụ mắc mưu nó, bị nó làm
hại rồi.

Đường Tăng đâu có chịu tin, một mực nói là người tốt. Hành
Giả nói:

– Sư phụ ạ, con biết rồi. Sư phụ thấy nó mặt mũi xinh đẹp, tất động lòng phàm. Nếu quả đúng như thế, thì bảo Bát Giới chặt cây, Sa Tăng tìm cỏ, con làm thợ mộc, dựng tạm cho thầy túp lều, thầy với nó động phòng thành thân, chúng con sẽ tản đi. Âu thế cũng là một sự nghiệp, hà tất phải lặn lội đi lấy kinh làm gì?

Tam Tạng vốn là người hiền lành nhu mì, nay nghe Hành Giả nói như vậy, thì xấu hổ đỏ mặt tía tai.

Đang lúc Tam Tạng xấu hổ, Hành Giả lại nổi tính hung, rút gậy sắt, nhằm đúng mặt yêu tinh bổ xuống. Yêu tinh cũng có chút tài nghệ, dùng “phép giải thây”. Thấy Hành Giả vung gậy đánh, bèn lấy hết tinh thần giở “phép giải thây” chạy trước, để lại cái xác chết giả nằm lăn trên mặt đất, khiến cho Tam Tạng run rẩy sợ hãi, lẩm bẩm:

– Con khỉ này vô lễ quá! Khuyên can mãi không nghe, lại vô cớ đánh chết người!

Hành Giả nói:
– Sư phụ chớ giận nữa, cứ đến xem trong liễn kia đựng cái gì. Sa Tăng đỡ Tam Tạng tới gần xem: Đâu có cơm tám gạo
thơm, mà toàn là giòi bọ nhung nhúc; cũng chẳng có bánh bao bánh rán, chỉ thấy ễnh ương, cóc nhái nhẩy lung tung khắp mặt đất. Lúc này Đường Tăng mới hơi tin được vài phần. Bát Giới không kìm được bực tức, đứng cạnh dẩu cái mõm dài chọc ngang:

– Thưa sư phụ, đúng ra thì cô gái này là một nông dân đi đưa cơm ra đồng, giữa đường gặp chúng ta, chứ đâu có phải là yêu tinh? Cây gậy của anh con nặng, chạy lại định đánh thử cô ta
một gậy, không ngờ quá tay đánh chết, sợ thầy niệm chú khẩn cô nhi, nên cố ý dùng phép, biến ra những thứ ấy che mắt thầy, để thầy không niệm chú đấy thôi.

Tam Tạng nghe câu nói ấy, khí giận lại bốc lên, tin chú ngốc xúc xiểm, bên tay bắt quyết, mồm niệm chú.

Hành Giả vội kêu:

– Đau đầu quá! Đau đầu quá! Đừng niệm nữa, đừng niệm nữa! Có gì xin thầy cứ nói.

Đường Tăng nói:

– Con nói gì nữa. Người xuất gia phải luôn luôn mở lòng từ bi, một ý nghĩ cũng phải nghĩ lành, quét nhà còn e con kiến chết, thắp đèn vẫn sợ cháy thiêu thân. Thế mà nhà ngươi bước bước hành hung, vô cớ đánh chết người, thì lấy kinh về phỏng có ích gì? Thôi nhà ngươi cút ngay đi!

Hành Giả nói:

– Sư phụ bảo con đi đâu? Đường Tăng nói:
– Ta không cần nhà ngươi làm đồ đệ nữa. Hành Giả nói:
– Thầy không cần con làm đồ đệ, chỉ sợ thầy không sang nổi phương Tây thôi.

Đường Tăng nói:

– Tính mệnh ta là do trời. Nếu đến số bị con yêu tinh kia ăn thịt, thì tránh cũng không khỏi. Nếu không nhà ngươi giải được đại hạn cho ta sao? Nhà ngươi cứ cút ngay đi!

Hành Giả nói:

– Sư phụ ạ, con đi cũng được thôi, chỉ e rằng chưa báo đền
được công ơn sư phụ.

Đường Tăng nói:

– Ta có ân huệ gì với nhà ngươi?

Đại Thánh nghe vậy, vội vàng quỳ xuống, dập đầu thưa:

– Lão Tôn này do đại náo thiên cung, tự gây tội hại mình, bị Phật tổ giam dưới chân núi Lưỡng Giới, may nhờ có Quan Âm Bồ Tát cho được thụ giới hạnh, lại được sư phụ cứu thoát, nếu không cùng đi với sư phụ sang phương Tây, thì rõ là “quên ơn chẳng phải là quân tử, muôn kiếp nghìn đời để tiếng chê”.

Đường Tăng vốn là một vị thánh tăng rất từ bi, thấy Hành Giả nói tha thiết thương tâm, lại thay đổi chủ ý, nói:

– Đã vậy, thì tạm tha cho con lần này, từ rầy không được vô lễ nữa. Nếu quen thói làm ác như vừa rồi, thì ta sẽ niệm chú hai mươi lần!

Hành Giả thưa:

– Sư phụ đánh ba mươi lần cũng được, từ nay con sẽ không đánh người nữa.

Nói đoạn, đỡ Đường Tăng lên ngựa, đem đào ra mời, Đường
Tăng ngồi trên mình ngựa ăn tạm mấy quả đào đỡ đói.

Lại nói chuyện con yêu tinh thoát mình bay lên không trung (bởi cây gậy của Hành Giả có đánh chết được nó đâu, nó đã xuất thần trốn thoát rồi), đứng trên đám mây, nghiến răng nghiến lợi nhìn Hành Giả căm tức nói:

– Mấy năm trước ta đã nghe nói tài nghệ của nhà ngươi, hôm nay mới thấy quả đúng không sai. Đường Tăng không nhận ra ta, đã toan ăn cơm, chỉ cần cúi xuống ngửi một cái, là ta sẽ quắp lấy, biến thành mồi của ta rồi. Không ngờ hắn trở về, phá mất công việc của ta, lại suýt nữa bị hắn nện một gậy. Bây giờ tha
[170]
cho lão hòa thượng này, thì hóa ra công mình là công cốc
à? Phải trêu lão lần nữa mới được!

Yêu tinh bèn dừng đám mây đen, nhảy xuống trước sườn núi, lắc mình một cái, biến thành một bà già tuổi trạc tám mươi, tay chống cây gậy trúc, vừa đi vừa khóc nức nở tiến lại phía Đường Tăng, Bát Giới nhìn thấy, sợ hãi nói:

– Sư phụ ơi, bà cụ kia đi tìm người đấy! Đường Tăng hỏi:
– Tìm ai?

Bát Giới thưa:

– Người mà sư huynh đánh chết chắc là con gái của cụ ấy. Đúng là cụ ấy đi tìm con gái không sai.

Hành Giả nói:

– Chú đừng nói bậy! Cô gái ấy tuổi mười tám, bà cụ này tuổi tám mươi, chẳng lẽ sáu mươi tuổi vẫn còn đẻ à? Đúng là giả dối, để lão Tôn đi xem xem!

Thế là Hành Giả rảo cẳng, bước lại gần xem xét. Thì ra:

Biến thành bà cụ già, Mái tóc bạc như sương. Tập tễnh lê chân bước, Chậm chạp tựa loài sên. Mặt quắt tầu lá héo,
Người ngợm gầy trơ xương.

Gò má nhô nhọn hoắt. Môi trề xuống dị thường. Già nua dáng mệt mỏi,
Đầy mặt vết tàn nhang.

Hành Giả nhận ra ngay là yêu tinh, bèn chẳng nói năng nửa lời, vung gậy nhằm đầu nó bổ xuống. Yêu tinh vừa thấy Hành Giả vung gậy, vội vàng dùng phép “giải thây” như lần trước trốn thoát, để lại cái xác chết giả nằm quay bên đường. Đường Tăng nhìn thấy, sợ hãi xuống ngựa, nhắm mắt ngồi ngay vệ đường chẳng nói chẳng rằng, niệm đúng hai mươi lượt bài chú “khẩn cô nhi”, làm cho đầu Hành Giả đau đớn vô cùng, lăn lộn quằn quại van xin Tam Tạng:

– Sư phụ đừng niệm nữa! Cứ nói con xin nghe! Đường Tăng nói:
– Còn nói gì nữa! Người xuất gia tai nghe lời thiện, thì không sa xuống địa ngục. Ta đã khuyên bảo nhà ngươi như thế, mà sao nhà ngươi cứ một mực hành hung? Trước nhà ngươi dám đánh chết một người vô tội, nay lại còn đánh chết một người nữa, thế là cớ sao?

Hành Giả nói:

– Mụ ấy là yêu tinh đấy! Đường Tăng nói:
– Con khỉ này chỉ nói nhảm! Lấy đâu ra mà lắm yêu tinh thế? Nhà ngươi là hạng không có lòng thiện, quan thói làm ác, cút ngay đi!

Hành Giả nói:

– Sư phụ lại đuổi con đi sao? Đi cũng được thôi, nhưng có một điều con không bằng lòng.

Đường Tăng nói:

– Không bằng lòng nỗi gì? Bát Giới nói:
– Anh ấy muốn chia hành lý với sư phụ đấy. Theo sư phụ làm hòa thượng mấy năm, chẳng lẽ về tay không à? Sư phụ xem trong tay nải có cái áo cũ, mũ rách nào chia cho anh ấy vậy!

Hành Giả nghe nói, tức nẩy người lên nói:

– Đồ mõm dài xấu xa kia, từ ngày lão Tôn theo đạo Sa Môn, không hề mảy may có lòng ghen ghét, tham lam, chia hành lý mà làm gì!

Đường Tăng nói:

– Nhà ngươi không có lòng tham lam, ghen ghét thế tại sao không đi?

Hành Giả nói:

– Chẳng giấu gì sư phụ, năm trăm năm trước, lão Tôn nổi tiếng anh hùng ở động Thủy Liêm, núi Hoa Quả, thu phục yêu ma bảy mươi hai động, trong tay có bốn vạn bảy nghìn tiểu yêu, đầu đội mũ kim ô, mình mặc áo bào đỏ, lưng thắt đai lam điền, chân đi hài bộ vân, tay cầm gậy như ý nạm vàng, thực là đáng mặt! Từ ngày cắt tóc theo đạo Sa Môn, theo sư phụ làm đồ đệ, bị thầy chụp vòng khẩn cô nhi lên đầu, nếu cứ để thế mà về thì còn mặt mũi nào nhìn thấy người cố hương nữa? Nếu quả sư phụ không cần con nữa, thì sư phụ hãy niệm “túng cô nhi chú”, cởi cái vòng ấy ra, trao lại trả thầy để thầy chụp lên đầu người khác, như vậy con mới sung sướng bằng lòng. Cũng là đi theo thầy một độ, chẳng lẽ chút mong muốn ấy cũng không được sao?

Đường Tăng cả sợ nói:

– Ngộ Không, khi ấy Bồ Tát chỉ trao cho ta bài chú “khẩn cô nhi”, chứ không có bài chú “túng cô nhi” nào cả.

Hành Giả nói:

– Nếu không có bài “túng cô nhi”, thì sư phụ lại cho con đi
theo vậy.

Đường Tăng không biết làm thế nào, đành nói:

– Thôi nhà ngươi đứng dậy. Ta tạm tha cho nhà ngươi lần nữa, nhưng từ rầy chớ có hành hung nữa.

Hành Giả nói:

– Con không dám thế nữa đâu ạ.

Đoạn lại đỡ Đường Tăng lên ngựa, mở đường tiến lên.

Lại nói chuyện con yêu tinh, phát gậy thứ hai của Hành Giả cũng không giết chết được nó. Đứng trên không trung, yêu tinh khen Hành Giả hết lời:

– Hầu Vương khá thật, mắt tinh quá! Ta đã biến như thế mà hắn vẫn nhận ra. Bọn hòa thượng này đi nhanh lắm, qua khỏi ngọn núi này về phía Tây bốn mươi dặm, không phải phạm vi ta cai quản nữa, thì sẽ bị yêu ma khác bắt mất. Lúc ấy thì thực là “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. Ta phải trêu hắn lần nữa mới xong.

Nói đoạn, yêu tinh lại dừng vệt gió âm, nhảy xuống sườn núi, lắc mình một cái, biến thành một ông già.

Tóc bạc như Bành Tổ, Râu dài như Thọ Tinh. Nghễnh ngãng tai rền sấm, Lèm nhèm mắt lóe tinh. Gậy rồng lê từng bước.
Áo hạc mặc thùng thình.

Tay lần lần tràng hạt. Lẩm nhầm Nam vô kinh.
Đường Tăng ngồi trên mình ngựa, trong lòng mừng rỡ, nói.
– A Di Đà Phật, phương Tây quý hóa quá, cụ già bước không vững thế kia mà vẫn tụng kinh!

Bát Giới nói:

– Sư phụ chớ khen quá lời, cụ ấy là mối họa đấy! Đường Tăng hỏi:
– Mối họa là thế nào? Bát Giới thưa:
– Sư huynh đánh chết con gái cụ ấy, lại đánh chết cả vợ cụ ấy. Chính cụ ấy đi tìm vợ con đấy. Nếu chúng ta bị cụ ấy tóm được ấy à, thì sư phụ phải đền mạng bị xử chém, con là tòng phạm bị sung quân, Sa Tăng là người sai khiên, bị đi đầy. Sư huynh thì dùng chước chuồn, chỉ chết ba thầy trò ta giơ đầu chịu báng!

Hành Giả nghe vậy, nói:

– Thằng ngốc kia chỉ ăn nói nhảm nhí, lừa sao được sư phụ? Để lão Tôn này lại xem sao.

Nói xong, bèn rút gậy ra giấu trong người, bước lên đón quái vật, cất tiếng chào:
– Lão quan đi đâu vậy? Có việc gì mà vừa đi vừa đọc kinh? Yêu tinh tính toán nhầm, cứ tưởng Tôn Ngộ Không tầm
thường, bèn đáp:

– Thưa trưởng lão, tổ tiên nhà tôi sinh sống ở vùng này, suốt đời chúng tôi chỉ biết làm việc thiện bố thí tăng, tụng kinh niệm Phật. Số chúng tôi không có con trai, chỉ sinh hạ được một mụn con gái, định cho gửi rể, sáng nay đưa cơm ra đồng, sợ rơi vào miệng hổ. Bà lão nhà tôi đã đi tìm, mãi mà chẳng thấy về, không biết lại lạc phương nào rồi, tôi đành phải đi tìm. Nếu quả nhiên thiệt mạng, thì cũng chẳng biết làm sao, đành thu nhặt hài cốt mang về chôn cất vậy.
Hành Giả cười, nói:

– Ồ, ta đây là thủy tổ của loài cọp. Tại sao nhà ngươi dám lấy
“vải thưa che mắt thánh”[171]

lừa ta? Bịp ta sao nổi, ta nhận ra
ngay nhà ngươi là một con yêu tinh!

Yêu tinh sợ líu cả lưỡi chẳng nói được câu nào. Hành Giả rút gậy sắt ra, bụng nghĩ thầm:

– Nếu không đánh nó, nó lại lên mặt. Đánh nó, lại sợ sư phụ niệm chú thì chết!

Song lại nghĩ:

– Không đánh chết nó, nhỡ nó lừa tóm được sư phụ, thì ta lại chẳng phải nhọc công phí sức đi cứu sao? Phải đánh thôi, đánh một gậy cho chết, sư phụ chẳng lẽ niệm chú mãi? Người ta thường có câu: “Hổ ác không ăn thịt con”. Ta lại ăn nói khôn khéo, miệng lưỡi linh hoạt, tri trá một chặp là cũng xong thôi.

Thế là Đại Thánh niệm thần chú, gọi ngay thổ địa, sơn thần vùng này lên dặn rằng:

– Con yêu tinh này ba lần trêu sư phụ ta, lần này ta phải đánh chết nó, các ngài phải đứng trên không trung làm chứng cho ta, đừng để nó chạy thoát.

Các vị thần vâng mệnh răm rắp, đứng trên đám mây theo dõi. Đại Thánh bèn vung gậy đánh ngã quay yêu tinh. Lần này mới tuyệt được linh quang của nó.

Đường Tăng ngồi trên mình ngựa, run rẩy sợ hãi, nói không ra hơi. Bát Giới đứng bên cạnh cười, nói:

– Hành Giả phát rồ rồi, một buổi đánh chết ba người!

Đường Tăng định niệm chú, Hành Giả vội vàng đến trước ngựa nói:

– Sư phụ ơi, đừng niệm, đừng niệm! Sư phụ hãy đến mà xem
hình thù của nó.

Thì ra chỉ có đống xương khô nát vụn. Đường Tăng sợ hãi, hỏi:

– Ngộ Không, người này vừa mới chết, chẳng lẽ đã thành đống xương khô rồi cơ à?

Hành Giả đáp:

– Nó chỉ là một cái thây chết khô, hồn phách tác quái, mê người hại đạo, bị con đánh chết, nay hiện nguyên bản tướng. Trên xương sống nó chẳng có hàng chữ “Bạch Cốt phu nhân” là gì kia?

Đường Tăng nghe nói đã có phần tin, nhưng làm sao cấm được Bát Giới đứng cạnh thò mõm vào:

– Sư phụ ạ, anh ấy tay khỏe gậy dài, đánh chết người, sợ thầy niệm chú, nên mới cố ý biến hóa ra như thế để che mắt thầy đấy.

[172]
Đường Tăng ba phải

, tin ngay Bát Giới, niệm chú liền,
Hành Giả đau quá, quỳ xuống đất van xin:

– Sư phụ đừng niệm nữa, đừng niệm nữa! Có gì cứ nói đi, con nghe đây!

Đường Tăng nói:

– Đồ khỉ, còn nói gì nữa! Người xuất gia làm việc thiện như cỏ trong vườn xuân, không thấy nó lớn lên, nhưng càng ngày càng tăng. Người làm việc ác, như hòn đá mài dao, không thấy nó mòn, nhưng càng ngày càng lõm xuống. Nhà ngươi giữa nơi hoang vu hẻo lánh, đánh chết liền ba người, may mà không ai tố cáo, chẳng kẻ hỏi tra. Giá như giữa thành thị, người đông như hội, với cây gậy lợi hại kia, chẳng kể hay dở, đánh bừa vào người ta, gây ra tai vạ, phỏng ta có thoát tội chăng? Thôi, nhà ngươi xéo ngay đi!
Hành Giả nói:

– Sư phụ mắng oan con rồi. Rõ ràng nó là con yêu tinh, rắp tâm làm hại thầy, con đánh chết nó, giúp thầy trừ họa, mà thấy không nhận ra, lại tin thằng ngốc gièm pha, mấy lần đuổi con. Người ta thường nói: “Sự bất quá tam”, con mà không đi, thành ra hạng hạ lưu không biết xấu hổ. Thôi, con đi đây, đi đây! Đi cũng được thôi, chỉ e sư phụ không có thủ hạ giỏi.

Đường Tăng nổi cáu nói:

– Con khỉ kia chớ có vô lễ! Cứ tưởng chỉ có nhà ngươi là người giỏi thôi à? Còn Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh không giỏi chắc?

Đại Thánh nghe nói hai người kia là người giỏi không nén được nỗi đau lòng, nói với Đường Tăng:

– Than ôi! Kể từ ngày sư phụ rời Tràng An, chỉ có mỗi Lưu Bá Khâm tiễn đưa. Khi đến núi Lưỡng Giới, cứu con ra, con nhận thầy làm sư phụ, đã từng chui động thẳm, vượt rừng sâu, bắt ma tróc quái, thu phục Bát Giới, Sa Tăng, nếm đủ muôn vàn cay đắng, đến bây giờ, sư phụ đâm ra tối tăm lẫn cẫn, một mực đuổi con đi. Thế mới hay: “Được chim bỏ ná, được cá quăng câu”. Thôi được, thôi được! Nhưng chỉ sợ sư phụ niệm chú khẩn cô nhi thôi.

Đường Tăng nói:

– Ta không niệm nữa đâu. Hành Giả nói:
– Khó lắm, khó lắm! Ngộ gặp nơi nào ma thiêng nước độc chẳng thể thoát thân. Bát Giới, Sa Tăng không cứu nổi, bấy giờ nghĩ đến con, thầy nhịn sao nổi không niệm chú? Ở nơi vạn dặm xa xôi, đầu con lại nhức nhối. Lúc ấy lại phải đến gặp thầy, chi bằng không nên như thế là hơn.

Đường Tăng thấy Hành Giả kèo nhèo mãi, càng giận dữ, vội
vàng xuống ngựa, sai Sa Tăng mở khăn gói lấy giấy bút, lấy nước suối mài mực, viết một tờ giấy đuổi, đưa cho Hành Giả nói:

– Con khỉ, cầm lấy tờ giấy này làm bằng. Không bao giờ ta nhận nhà ngươi làm đồ đệ nữa. Nếu còn gặp nhà ngươi, ta sẽ sa xuống ngục A Tỳ!

Hành Giả cầm ngay lấy tờ đơn, nói:

– Sư phụ chẳng phải thề nữa, con đi đây!

Đoạn gấp tờ đơn đút tay vào trong tay áo, rồi ôn tồn nói với
Đường Tăng:

– Thưa sư phụ, con đã đi theo thầy một dạo, lại chịu ơn Bồ Tát chỉ giáo, hôm nay giữa đường dang dở, công quả chẳng thành. Vậy mời thầy ngồi xuống đây, cho con lạy tạ, con đi mới yên tâm.

Đường Tăng quay lưng lại không thèm nhìn, miệng lúng búng nói:

– Ta là hòa thượng tốt, không nhận lễ của kẻ xấu!

Đại Thánh thấy Đường Tăng không thèm nhìn, bèn dùng phép “ngoại thân”, nhổ ba sợi lông gáy hà hơi, hô “biến”, tức thì biến thành ba Hành Giả, cùng với bản thân là bốn, đứng bốn phía quanh sư phụ lạy tạ. Đường Tăng không thể lẩn tránh được, đành nhận một lễ.

Xong việc, Đại Thánh đứng dậy, rùng mình thu lông, lại dặn dò Sa Tăng rằng:

– Hiền đệ là một người tốt, phải đề phòng Bát Giới, ăn không nói có, dọc đường càng phải cẩn thận. Ngộ có yêu tinh bắt giữ sư phụ, thì chú cứ nói lão Tôn đây là đồ đệ của Người. Ma quái khắp nơi nghe thấy tài nghệ của ta là không dám hãm hại sư phụ đâu.
Đường Tăng nói:

– Ta là hòa thượng tốt, không cần mượn tên tuổi của kẻ xấu đâu. Nhà ngươi cút ngay đi!

Đại Thánh thấy Đường Tăng ba bốn phen không thay lòng đổi ý, chẳng biết làm thế nào, đành bỏ đi. Thật là:

Nuốt nước mắt giã từ sư phụ, Nén đau thương nhắn nhủ Sa Tăng. Sườn non rẽ cỏ băng băng,
Hai chân đi khắp xa gần đó đây, Khắp trời đất vần xoay mọi nhẽ, Vượt bể non tài nghệ nhất đời, Phút giây bóng dáng xa vời,
Lối xưa nẻo cũ về rồi, từ nay…

Hành Giả đành lòng từ biệt Đường Tăng, dùng phép cân đẩu vân, bay thẳng về động Thủy Liêm núi Hoa Quả. Đương một mình buồn da diết, bỗng nghe tiếng nước reo ào ào bên tai, Đại Thánh bèn từ trên không trung nhìn xuống, thì ra là tiếng nước triều dâng ở Đông Dương đại hải, bất giác lại nhớ tới Đường Tăng, không ngăn được hai hàng lệ nhỏ, phải dừng lại hồi lâu trên mây rồi mới đi được.

Cuối cùng không biết chuyến đi này như thế nào xem hồi sau sẽ rõ.

-------------
[168] Nguyên văn: Nữ bồ tát
[169] Nguyên văn: “Người hiền tự có trời giúp”.
[170] Nguyên văn: có mệt nhọc mà không có công.
[171] Nguyên văn: Giấu quỷ trong tay áo
[172] Nguyên văn: Tai mềm