Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ hai mươi sáu

Khắp ba đảo, Ngộ Không tìm thuốc,
Nước cam lồ, Bồ Tát chữa cây.

Có bài thơ rằng:

Xử thế cốt sao lòng nhẫn nhục, Tu thân nên nhớ nói lời ngay. Thường nghe chữ nhẫn là sinh ý, Phải nghĩ cho sâu chớ nói bậy. Thượng sĩ không tranh còn mãi mãi, Thánh hiền giữ đức nối tương lai.
Cương cường lại gặp cương cường trị, Rút cục bao giờ có gặp hay!
Lại nói chuyện Trấn Nguyên tiên giữ chặt lấy Hành Giả, nói:

– Ta vẫn biết tài năng của nhà ngươi, và đã được nghe tiếng
tăm của nhà ngươi. Chỉ tại nhà ngươi dối trá cãi càn, dù có bay đi đâu cũng không thoát khỏi tay ta đâu. Ta sẽ cùng nhà ngươi đến tận trời Tây gặp đức Phật Tổ, để ít ra nhà ngươi cũng phải đền trả ta cây nhân sâm chứ, nhà ngươi đừng có giở phép thần thông ra nữa!

Hành Giả cười, nói:

– Thưa ngài, sao ngài nhỏ nhen thế! Muốn cây sống lại thì có khó gì! Ngài cho biết sớm thì chúng ta đỡ phải ganh đua nhau không.

Đại tiên nói:
– Không ganh đua nhau, dễ thường ta dễ dàng tha cho nhà ngươi chắc?

Hành Giả nói:

– Ngài cởi trói cho sư phụ tôi, tôi sẽ đền cho ngài một phương thuốc chữa cây.

Đại tiên nói:

– Nếu nhà ngươi có phép gì chữa cho cây nhân sâm của ta sống lại, thì ta với ngươi sẽ lạy nhau tám lạy, kết nghĩa làm anh em.

Hành Giả nói:

– Không cần, cứ thả mấy người của tôi ra, lão Tôn sẽ chữa cây sống lại cho.

Đại tiên tin chắc họ không thể trốn thoát, bèn sai cởi trói cho
Tam Tạng, Bát Giới, Sa Tăng. Sa Tăng nói:
– Sư phụ ạ, chẳng biết rồi sư huynh sẽ giở trò ma gì ra đây? Bát Giới nói:
– Trò ma gì nữa! Điều đó chỉ là “ỡm ờ trước mặt để tìm kế thoát thân thôi”, chứ cây đã chết rồi làm sao mà chữa cho sống lại được! Anh ấy lòe người, mượn việc chữa cây để thoát thân một mình, chứ đâu có lo cho chúng ta!

Tam Tạng nói:

– Hắn quyết không dám bỏ chúng ta đâu. Chúng ta thử hỏi xem hắn đi tìm thuốc ở đâu.

Bèn gọi:

– Ngộ Không, sao con lại lừa dối tiên trưởng, cởi trói cho chúng ta?

Hành Giả nói:

– Lão Tôn nói thật lòng chứ đâu có lừa ai. Tam Tạng hỏi:
– Con đi tìm thuốc ở đâu? Hành Giả thưa:
– Người xưa nói: thuốc từ ngoài biển tới. Nay con muốn sang tận Đông Dương đại hải, đi khắp ba đảo mười châu, tìm thần tiên đạo sĩ, xin thuốc cải tử hoàn sinh, chữa cho bằng được cây kia sống lại mới nghe.

Tam Tạng hỏi:

– Con đi độ bao lâu thì quay lại? Hành Giả thưa:
– Chỉ độ ba ngày. Tam Tạng nói:
– Đã vậy thì con phải đúng hạn nhé! Ta hạn cho ba ngày là
con phải về. Nếu quá, ta sẽ niệm kinh đấy.

Hành Giả nói:

– Xin tuân lệnh.

Nói xong, Hành Giả xốc lại chiếc quần da hổ, ra cửa nói với
Đại tiên rằng:

– Ngài cứ yên tâm, tôi có đi thì có về, mong ngài trông nom sư phụ chu đáo, mỗi ngày ba tuần nước, sáu tuần cơm, đừng để thiếu thốn. Nếu để thiếu, khi quay về lão Tôn sẽ tính sổ với ngài, phá đổ bếp vạc đấy. Quần áo sư phụ tôi bẩn thì phải mang giặt, mặt vàng ra là không được, người gầy đi là không xong đâu.

Đại tiên nói:

– Nhà ngươi cứ đi đi, ta không để sư phụ ngươi đói đâu.

Thế rồi, hầu vương dùng phép cân đẩu vân rời quán Ngũ Trang, thẳng tới Đông Dương đại hải. Trên không trung, Hành Giả đi nhanh như sao băng chớp giật, thoắt một cái đã tới Bồng Lai tiên cảnh, bèn dừng mây hạ xuống, nhìn ngắm xung quanh. Thật là một nơi tuyệt đẹp! Có bài thơ làm chứng:

Nơi ở thần tiên thật tuyệt vời! Bồng Lai chia hợp trấn xa khơi. Đài dao óng ánh khung trời biếc, Cửa ngọc long lanh mặt bể ngời. Năm sắc khói mây vang sáo ngọc, Chín tầng tinh đẩu vút ngang trời. Tây Trì vương mẫu thuờng lui tới, Kính biếu đào tiên quý nhất đời.
Hành Giả ngắm mãi không chán, rồi đi thẳng vào Bồng Lai. Đang đi, thấy ngoài cửa động Bạch Vân, dưới bóng tùng, có ba
cụ già đang ngồi đánh cờ. Người ngồi xem là Thọ Tinh, người đánh cờ là Phúc Tinh và Lộc Tinh. Hành Giả bước tới chào:

– Kính chào các ông em.

Ba người xí xóa ván cờ, chào lại:

– Đại Thánh có việc gì tới đây? Hành Giả thưa:
– Đến chơi với các ngài thôi. Thọ Tinh nói:
– Nghe nói Đại Thánh bỏ đạo thần tiên theo đạo Phật, quên mình bảo vệ Đường Tăng sang phương Tây lấy kinh, bôn ba vất vả, không lúc nào nhàn, sao lại có thì giờ tới đây chơi?

Hành Giả nói:

– Chẳng giấu gì các ngài, lão tôn nhân sang phương Tây, giữa đường gặp chút trở ngại, có tí việc muốn phiền đến các ngài, không biết các ngài có chịu giúp cho không?

Phúc Tinh hỏi:

– Ở đâu? Trở ngại gì? Xin Đại Thánh nói rõ, chúng tôi còn liệu.

Hành Giả nói:

– Trở ngại ở quán Ngũ Trang, núi Vạn Thọ. Ba vị tiên kinh ngac hỏi:
– Quán Ngũ Trang là cung tiên của Trấn Nguyên đại tiên. Chắc Đại Thánh lại ăn trộm quả nhân sâm của ông ấy chứ gì?

Hành Giả cười, nói:

– Ăn trộm thì đáng là bao! Ba vị tiên nói:
– Con khỉ này, chẳng biết hay dở gì cả. Thứ quả ấy ngửi được nó đã sống lâu ba trăm sáu mươi năm; ăn một quả, thọ tới bốn vạn bảy nghìn năm, tên là “Vạn thọ thảo hoàn đơn”. Đạo của chúng tôi còn kém xa! Họ đắc đạo rất dễ, thọ ngang trời đất. Chúng tôi còn phải dưỡng tinh, luyện khí, tồn thần, điều hòa long hổ bồi bổ âm dương, tốn biết bao công sức, khắp cả thiên hạ chỉ có một cây thiêng ấy mà thôi, thế mà Đại Thánh lại bảo chẳng đáng là bao?

Hành Giả nói:

– Linh căn với linh cằn, tôi đã quật đứt rễ đổ chỏng gọng rồi. Ba vị tiên sợ hãi hỏi:
– Tại sao lại quật đứt rễ? Hành Giả đáp:
– Hôm trước chúng tôi nghỉ nhờ ở quán ấy, Đại tiên đi vắng, chỉ có hai tiểu đồng. Họ tiếp đón sư phụ, mang hai quả nhân sâm mời Người. Nhưng sư phụ tôi không biết, bảo rằng đó là đứa trẻ sinh chưa đầy ba ngày, nên từ chối, nhất định không ăn. Thế là hai tiểu đồng mang đi ăn hết, không hề mời chúng tôi. Bởi vậy lão Tôn mới lấy trộm ba quả, ba anh em mỗi người ăn một quả. Hai tiểu đồng bất kể hay dở, mắng mỏ chúng tôi là giặc này giặc nọ. Lão Tôn bực mình, phang cho cây đó một gậy, quật đổ lăn kềnh ra đất. Quả cây mất hết, cành rơi lá rụng, rễ đứt thân lìa, chết khô rồi. Không ngờ tiểu đồng đóng chặt cửa nhốt chúng tôi. Nhưng bị lão Tôn dùng phép “mở khóa” trốn thoát. Sáng sớm hôm sau, đại tiên trở về, thấy vậy, đuổi theo chúng tôi. Trong lúc lời qua tiếng lại, ăn nói không được mềm mỏng, thế là ta cùng lão ấy đánh nhau, loáng một cái, bị lão vung tay áo rộng chụp gọn chúng tôi mang về, rồi lấy thừng ra trói chặt, lấy roi ra tra tấn suốt một ngày trời. Đêm hôm ấy, chúng tôi lại trốn đi, lão lại đuổi theo chụp gọn chúng tôi như hôm trước. Lão ta trong
người chẳng có tấc sắt, chỉ vung cây phất trần lên đỡ. Ba anh em chúng tôi huy động cả ba món binh khí, mà không tài nào đánh được. Lần này lão ta sắp đặt thế này: lấy vải quấn chặt sư phụ tôi và hai anh em chúng tôi lại rồi quét sơn, ném vào vạc dầu. Nhưng tôi lại hóa phép trốn thoát, và còn đập vỡ cái vạc của lão. Lão thấy bắt lão Tôn không nổi, có chút sợ hãi. Tôi lại nói ngọt với lão, bắt lão cởi trói, thả sư phụ và hai em tôi ra, tôi hứa sẽ chữa cho cây nhân sâm của lão sống lại, như vậy cả hai bên đều được yên ổn. Tôi nghĩ rằng: “thuốc hay ngoài biển có”, nên mới tìm tới đây, thăm ba ngài, xem có phương thuốc nào chữa cây hay, truyền cho tôi một bài, để cứu cho Đường tăng thoát nạn.

Ba vị tiên nghe nói, trong lòng buồn rầu trả lời:

– Con khỉ này chẳng biết gì hết. Trấn Nguyên tiên là ông tổ dòng địa tiên. Chúng tôi thuộc dòng thần tiên. Đại Thánh tuy đắc đạo thần tiên, nhưng vẫn thuộc Thái Ất tán số, chưa phải là dòng chân truyền, nên thoát khỏi tay người ta làm sao được? Tưởng như Đại Thánh giết chết loài thú chạy chim bay, da vây vỏ cứng thì dùng viên đơn lúa mạch của chúng tôi đây là có thể cứu sống được. Đằng này cây nhân sâm là giống cây tiên thì cứu làm sao được? Không có thuốc đâu, không có thuốc đâu!

Hành Giả nghe nói không có thuốc, thì mày chau mắt trợn, Phúc Tinh nói:

– Đại Thánh ạ, ở đây không có thuốc thật mà. Biết đâu ở nơi khác có thì sao, việc gì mà phải buồn phiền!

Hành Giả nói:

– Không có thuốc đi tìm nơi khác, đã đành việc đó khó gì. Dù có đi khắp chân trời góc biển, khắp ba mươi sáu tầng trời, thì cũng là việc cỏn con thôi. Có điều là sư phụ tôi phép nghiêm lượng hẹp, hạn cho tôi có ba ngày trời. Quá ba ngày mà không về, thì người sẽ niệm bài chú khẩn cô nhi ngay.
Ba vị tiên cười, nói:

– Đúng, đúng! Không có phép ấy để trói buộc Đại Thánh, thì
Đại Thánh lại chọc trời mất!

Thọ Tinh nói:

– Đại Thánh cứ yên tâm, chớ có phiền não. Vị đại tiên ấy tuy là bậc trên, nhưng đối với chúng tôi cũng là chỗ quen biết. Một là xa nhau lâu ngày chưa được thăm hỏi, hai là cũng có tình với Đại Thánh. Hôm nay, ba chúng tôi sẽ cùng đi đến thăm ngài ấy, nói giùm tình cảnh của Đại Thánh, bảo Đường Tăng đừng đọc chú khẩn cô nhi, và bất kể ba ngày, năm ngày, đợi khi nào đại thánh mang được thuốc về, chúng tôi mới từ biệt.

Hành Giả nói:

– Cảm ơn ba ngài. Xin mời ba ngài đi ngay cho. Tôi cũng đi đây.

Thế rồi Đại Thánh từ biệt ba người, chuyện không nói nữa.

Lại nói ba vị tiên cuỡi mây lành bay tới quán Ngũ Trang. Mọi người trong quán đang hội họp, bỗng nghe thấy tiếng hạc hót lanh lảnh trên trời cao, thì ra ba vị tiên đã tới. Chỉ thấy:

Đầy trời ấm áp mây lành hiện, Ngào ngạt hương đưa khắp mọi miền. Khí đẹp nghìn tia quanh áo lụa,
Mây bồng một áng đỡ chân tiên. Loan vờn phượng múa sao dìu dặt, Tay áo gió lùa đất thoảng hương. Gậy đỡ rồng đưa cười hớn hở, Chòm râu trước ngực nhẹ bay vờn. Mặt hoa rạng rỡ không phiền não,
Khỏe mạnh oai nghiêm lắm phúc duyên.

Sao nắm gác xây nơi biển rộng, Hồ lô, vòng nhạc dắt bên sườn. Lâu đài phúc thọ muôn ngàn kiếp, Ba đảo mười châu thỏa kiếp tiên.
Thường giúp nhân gian nhiều phúc đức, Vẫn theo người thiện tạo lương duyên. Vẻ vang phúc lộc trong trời đất,
Phúc thọ tràn trề hưởng vạn niên.

Ba vị cưỡi mây thăm bạn cũ, Khí hòa ấm áp khắp nhà tiên.
Tiên đồng nhìn thấy, vội vàng vào báo:

– Thưa sư phụ, có ba vị tiên ở ngoài biển tới.

Trấn Nguyên tiên đang cùng thầy trò Đường Tăng trò chuyện, nghe báo, vội vàng xuống thềm nghênh đón. Bát Giới nhìn thấy Thọ Tinh, bèn bước tới túm lấy, cười nói:

– Cái lão đầu bị thịt này, lâu lắm không gặp, có vẻ bảnh chọe gớm nhỉ? Mũ đâu mà không đội vào?

Nói đoạn, bèn vớ ngay chiếc mũ nhà sư của mình chụp ngay lên đầu Thọ Tinh, rồi vỗ tay cười khà khà, nói:

– Hay lắm, hay lắm! Đúng là “đội mũ tiến lộc” nhé! Thọ Tinh vứt mũ ra, mắng Bát Giới:
– Đồ bị thịt, già đời người mà không biết thấp cao gì cả. Bát Giới nói:
– Tôi không phải là bị thịt, chính bọn các ông mới là hạng tôi tớ thì có!
Thọ Tinh nói:

– Nhà ngươi không là bị thịt, sao lại dám mắng ta là tôi tớ? Bát Giới cười nói:
– Không là tôi tớ người ta, thì sao lại gọi là “thêm thọ”, “thêm phúc”, “thêm lộc”?

Tam Tạng thấy thế quát Bát Giới lui ra, vội vàng sửa lại quần áo chào ba vị tiên. Ba vị tiên cũng lấy lễ đàn em chào hỏi đại tiên, sau đó cùng ngồi trò chuyện.

Lộc Tinh nói:

– Chúng tôi đã lâu chưa yết kiến tôn nhan, thật là có lỗi. Nay đến cũng vì chuyện vừa rồi Tôn Đại Thánh có quấy nhiễu núi tiên, đến nhờ chúng tôi giúp đỡ.

Đại tiên hỏi:

– Tôn Hành Giả đã đến Bồng Lai rồi cơ à? Thọ Tinh thưa:
– Vâng. Bởi vì Đại Thánh làm chết cây linh đơn của ngài, nên có đến chỗ chúng tôi tìm thuốc chữa. Chúng tôi không có, Đại Thánh đi tìm nơi khác rồi, lại sợ sai hẹn ba ngày với Đường Tăng, bị ngài ấy niệm chú “khẩn cô nhi”. Vì vậy chúng tôi đến đây một là thăm hỏi ngài, hai là xin gia hạn cho Đại Thánh.

Tam Tạng nghe nói, dạ luôn mấy tiếng và nói:

– Không dám niệm đâu ạ.

Mọi người đang trò chuyện, thì Bát Giới xồng xộc vào níu áo Phúc Tinh đòi ăn quả, đưa tay sờ nắn khắp tay áo, thọc cả vào mạng sườn, lật cả áo Phúc Tinh lên. Tam Tạng cười, nói:

– Bát Giới chẳng còn ra khuôn phép gì nữa! Bát Giới nói:
– Không phải con không giữ khuôn phép đâu. Thế mới gọi là
“mỗi việc mỗi phúc” chứ!

Tam Tạng quát đuổi Bát Giới ra. Chú ngốc hậm hực đi ra cửa, còn quay lại giận dữ nhìn Phúc Tinh không chớp mắt. Phúc Tinh nói:

– Đồ bị thịt ngốc nghếch, ta có làm gì nhà ngươi mà nhà ngươi giận ta?

Bát Giới nói:
– Ta đâu có giận nhà ngươi. Đó là “quay đầu mong phúc” đấy. Chú ngốc ra khỏi cửa, thấy một tiểu đồng cấm bốn chiếc thìa
trà: phương trương, tầm chung, thủ quả, khám trà, bèn vồ lấy một cái, chạy lên điện, vớ ngay một chiếc khánh nhỏ gõ ầm lên. Đại tiên nói:

– Vị hòa thượng này ngày càng không biết tôn trọng. Bát Giới cười, nói:
– Không phải là không biết tôn trọng đâu. Đó là “bốn mùa mừng cát khánh” đấy.

Tạm gác chuyện Bát Giới bông đùa lại. Lại nói chuyện Hành Giả nhảy vút lên đám mây lành, rời khỏi Bồng Lai, chớp mắt đã đến núi tiên Phương Trượng. Núi này phong cảnh cũng tuyệt đẹp. Có bài thơ làm chứng rằng:

Phương Trượng riêng vẻ nguy nga, Thần tiên hội họp chính là cung đây.
Đài tía soi bóng hàng cây,

Cỏ hoa thơm ngát vẻ mây năm màu.

Phượng loan ríu rít lại chầu,

Cỏ chi bóng bẩy khác nào mỡ xoa.
Mận đào chín đỏ gần xa,

Người tiên thưởng thức sống là vạn năm.

Hành Giả dừng mây hạ xuống, lâng lâng ngắm cảnh chợt ngửi thấy mùi hương thơm ngào ngạt, tiếng hạc trong veo, nhìn ra thì đó là một vị thần tiên. Chỉ thấy:

Khắp trời muôn đạo hào quang,

Khí đẹp bảng lảng mênh mang xa gần.

Phượng múa hoa ngậm lung linh, Loan bay giọng hót trong lành véo von. Phúc dầy như biển như non,
Mặt mũi sáng sủa, dáng còn trẻ trung. Dáng người thanh thoát, thọ cùng trời xanh Trần gian giáng phúc mấy lần,
Bao phen giúp đỡ người trần giải tai.

Vũ Đế ban tuổi thọ dài,

Bàn Đào hội ấy được mời tới luôn. Vẫn thường giác ngộ chúng tăng,
Chỉ ra đạo lớn sáng chưng lòng người.

Đã từng vượt biển chúc đời,

Vẫn thường yết kiến Phật ngoài núi Linh.

Tên gọi Đông Hoa Đế Quân, Thần tiên đệ nhất ở trong yên hà.
Tôn Hành Giả bèn bước tới, cất tiếng chào:

– Kính chào Đế Quân.

Đế Quân vội vàng đáp lễ:
– Xin chào Đại Thánh. Mời Đại Thánh vào nhà xơi nước.

Bèn dắt tay Hành Giả cùng bước vào. Quả thực nơi đây chính là cung tiên, ngắm không chán, gác quỳnh ao ngọc. Vừa ngồi xuống ghế, đã thấy một tiểu đồng từ sau bức bình phong màu biếc bước ra. Tiểu đồng này ăn mặc:

Áo tiên lộng lẫy trên người Ngang lưng thắt dải tơ ngời tung bay. Trên đầu khăn vấn vòng dây,
Chân đi hài cỏ đó đây giang hồ.

Luyện chân thoát xác, tự do,

Tu hành đắc đạo sớm trưa vui mừng.

Cội nguồn là tinh, khí, thần,

Chủ nhân nhận rõ không phần hồ nghi.

Giấu tên tu luyện một khi,

Sống lâu mãi mãi quản gì thời gian.

Lầu vàng gác ngọc thênh thang, Ba lần ăn trộm đào tiên trên trời. Bình phong hương thoảng gót rời,
Chính Đông Phương Sóc, đúng rồi chẳng sai.

Hành Giả trông thấy, cười nói:

– Thằng trộm ôn này ở đây à? Nhà Đế Quân không có đào cho nhà ngươi ăn trộm đâu!

Đông Phương Sóc bước tới, đáp lại:

– Kính chào cụ trộm. Cụ đến đây có việc gì vậy? Sư phụ tôi không có tiên đơn để cụ ăn trộm đâu!

Đế Quân cất lời:
– Mạn Thiến không được hỗn. Mau đi pha trà!

Mạn Thiến vốn là đạo hiệu của Đông Phương Sóc. Anh ta vội vàng quay vào trong nhà bưng ra hai chén trà. Uống trà xong, Hành Giả hỏi:

– Lão Tôn đến đây có chút việc phiền đến ngài, không biết ngài có giúp không?

Đế Quân đáp:

– Việc gì? Xin cho biết. Hành Giả nói:
– Gần đây, nhân việc bảo vệ Đường Tăng sang phương Tây, dọc đường có đi qua quán Ngũ Trang, núi Vạn Thọ, do đứa tiểu đồng vô lễ, tôi liền nổi giận, quật đổ cây nhân sâm, thành ra gặp trở ngại, Đường Tăng không đi thoát, đành phải tới đây xin phương thuốc chữa cây sống lại, rất mong ngài giúp đỡ.

Đế Quân nói:

– Con khỉ này chẳng kể gì cả, đến đâu cũng gây vạ. Trấn Nguyên Tử ở quán Ngũ Trang, thánh hiệu là Dữ Thế Đồng Quân, là ông tổ của dòng địa tiên, sao nhà ngươi dám gây sự? Cây nhân sâm đó gọi là thảo hoàn đơn, ăn trộm đã là có tội, huống hồ lại quật cả cây, thì ngài ấy để yên sao được?

Hành Giả nói:

– Chính thế vậy. Chúng tôi đã trốn thoát, ông ta vẫn đuổi theo, vung tay áo chụp gọn chúng tôi như túm một miếng giẻ lau. Tức lắm, nhưng chẳng biết làm thế nào cả, tôi đành hứa xin đi tìm phương thuốc chữa cây sống lại, nên mới đến đây cầu ngài.

Đế Quân nói:

– Tôi có một viên “Cửu chuyển Thái Ất hoàn đơn” có thể chữa mọi sinh linh ở thế gian, nhưng không thể chữa cho cây
được. Cây là loại thổ mộc chi linh, được trời đất nuôi dưỡng thấm nhuần. Nếu là cây cỏ trần gian thì còn có thể chữa được, chứ núi Vạn Thọ là tiên thiên phúc địa, quán Ngũ Trang là Hạ Châu động thiên, cây nhân sâm là giống linh căn từ lúc khai thiên lập địa, thì làm sao mà chữa được! Chịu thôi, không có thuốc gì đâu!

Hành Giả nói:

– Không có thuốc thì lão Tôn xin cáo từ vậy.

Đế Quân muốn lưu Hành Giả uống chén rượu tiên, nhưng
Hành Giả từ chối, nói:

– Việc kíp lắm, không dám chậm trễ.

Bèn lại cưỡi mây sang ngay Doanh Châu hải đảo. Đây cũng là nơi tuyệt vời! Có bài thơ làm chứng rằng:

Cây ngọc lung linh lồng khói biếc, Doanh Châu cung điện vút tầng xanh. Non xanh nước biếc hoa kiều diễm, Đài ngọc lầu vàng đá uốn quanh.
Gọi sáng gáy vang gà ngũ sắc, Nhả hơi hót dịu phượng ngàn năm. Người đời ai biết bầu tiên đẹp, Muôn thuở là xuân khác cõi trần.
Đại Thánh đến Doanh Châu chỉ thấy mấy cụ già râu tóc bạc phơ, mấy vị tiên hồng hào thanh thoát đang uống rượu chơi cờ, hát cười vui vẻ dưới gốc cây ngọc bên sườn núi xanh. Thật là:

Mây lành bay rực rỡ, Ráng đẹp đưa hương thơm. Loan tía hót cửa động,
Hạc đen múa đầu non. Ngó, đào bày tiệc rượu, Lê, táo thọ vô cương. Chiếu chỉ vua chẳng có, Sổ tiên khác thế gian. Tiêu dao tùy sở thích, Tản bộ mặc lòng mình.
Thời gian không ràng buộc, Trời đất sống thung dung. Vượn đen dâng quả quý,
Lũ lũ dáng tươi xinh. Hươu trắng ngậm hoa đẹp, Hàng hàng đi rập rình.
Mấy cụ già đang uống rượu ca hát vui vẻ, Hành Giả cất tiếng:

– Cho tôi cùng vui với có được không?

Mấy vị tiên nhìn thấy, chạy vội ra đón. Có bài thơ làm chứng rằng:

Nhân sâm cây báu đổ rồi,

Ngộ Không tìm thuốc khắp nơi xa gần.

Doanh Châu tiên đảo dừng chân, Chín ông già đã vui mừng đón ngay.
Hành Giả nhận ra chín ông già, bèn cười nói:

– Mấy ông anh tự do tự tại, thoải mái quá nhỉ? Chín ông già thưa:
– Hồi xưa mà Đại Thánh giữ đúng đắn, không đại náo thiên
cung, thì còn tự do hơn chúng tôi ấy chứ. Nay thì tốt rồi. Nghe đâu ngài đã quy chân sang Tây phương lễ Phật, sao lại rỗi rãi tới chơi đây?

Hành Giả mang chuyện tìm thuốc chữa cây kể hết một lượt, chín ông già sợ hãi nói:

– Ngài gây ra tai họa rồi. Chúng tôi thực không có thuốc gì đâu.

Hành Giả nói:

– Không có thuốc, tôi xin cáo từ vậy.

Chín ông già định giữ Hành Giả ở lại uống rượu quỳnh tương, ăn ngó sen biếc. Hành Giả nhất định không chịu ngồi, chỉ đứng uống một chén quỳnh tương, ăn một củ ngó quý, rồi vội vã rời Doanh Châu, sang thẳng Đông Dương đại hải. Trong giây lát đã thấy núi Lạc Già hiện ra trước mắt. Hành Giả dừng mây hạ xuống, vào thẳng núi Phổ Đà, thấy Quan Âm Bồ Tát cùng với các vị thiên thần, Mộc Soa, Long Nữ đang giảng kinh thuyết pháp trong rừng trúc tía. Có bài thơ làm chứng rằng:

Biển rộng thành cao khí đẹp bay, Càng nhìn càng thấy diệu kỳ thay! Mới hay thấp thoáng ngoài muôn cõi, Xuất hiện nơi đây tuyệt phẩm này.
Bốn thánh nghe kinh thành chính quả, Sáu phàm giác ngộ thoát từ đây. Thiếu Lâm riêng một trời thi vị,
Hoa nở hồng cây hương ngát bay.

Bồ Tát nhận ra Hành Giả đang đi tới, bèn sai Thủ Sơn đại thần ra đón. Vị đại thần ra cửa rừng gọi:
– Tôn Ngộ Không đi đâu thế? Hành Giả ngẩng đầu, quát:
– Đồ gấu kia! Dám gọi trống không ta là Ngộ Không? Ngày nào nếu ta không tha cho nhà ngươi, thì nhà ngươi đã là cái thây ma ở núi Hắc Phong rồi. Nay theo Bồ Tát, tu hành chính quả, thường được nghe giáo pháp ở ngọn núi tiên này, thế mà không đáng gọi ta một tiếng là “cụ” à?

Con gấu đen này nay đã thực thành chính quả, trấn thủ núi Phổ Đà cho Bồ Tát, được gọi là đại thần, nên cũng có ý khinh Hành Giả, nghe Hành Giả nói, chỉ cười hề hề:

– Thưa Đại Thánh, người xưa có câu: quân tử không nghĩ đến cái ác cũ, nhắc đến chuyện đó làm gì, Bồ Tát sai tôi ra đón ngài đây.

Hành Giả lấy lại dáng điệu trang nghiêm, cùng vị đại thần đi vào khu rừng trúc tía. Bồ Tát hỏi:

– Ngộ Không, Đường Tăng đi đến xứ nào rồi? Hành Giả thưa:
– Đi đến núi Vạn Thọ, thuộc Tây Ngưu Hạ Châu rồi ạ. Bồ Tát hỏi tiếp:
– Núi Vạn Thọ có tòa quán Ngũ Trang. Thế nhà ngươi đã gặp
Trấn Nguyên tiên chưa?

Hành Giả cúi đầu, thưa:

– Vâng, cũng chính ở quán Ngũ Trang này, đệ tử không biết Trấn Nguyên đại tiên, nên đã quật đổ cây nhân sâm, gây sự với ông ấy, bị ông ấy giữ sư phụ lại, không đi được.

Bồ Tát nghe chuyện, mắng rằng:

– Con khỉ kia, không biết hay dở gì cả! Cây nhân sâm ấy là một loại linh căn có từ ngày khai thiên lập địa. Trấn Nguyên tiên
là ông tổ dòng địa tiên, ta cũng còn kém ngài ấy vài phân, tại sao nhà ngươi lại quật đổ cây của người ta?

Hành Giả lại cúi lạy, thưa:

– Đệ tử thực không biết. Hôm ấy Trấn Nguyên tiên không có nhà, chỉ có hai tiên đồng đón tiếp chúng tôi. Trư Ngộ Năng biết thứ quả quý đó, muốn nếm một quả. Thế là con ăn trộm ba quả, chia cho ba anh em mỗi người một quả. Hai tiên đồng biết chuyện, mắng chửi chúng con mãi. Vì vậy đệ tử mới nổi cáu, quật đổ cây nhân sâm. Hôm sau, Trấn Nguyên tiên về, đuổi theo chúng con, vung tay áo chụp gọn chúng con bắt về, lấy thừng trói và lấy roi đánh, tra khảo suốt một ngày. Chúng con đương đêm lại trốn thoát, rồi lại bị ông ấy đuổi theo, bắt gọn như lần trước, ba bốn phen, không tài nào trốn thoát được, đệ tử đành phải xin ông ấy cho đi tìm thuốc chữa cây. Đệ tử đã ra biển tìm thuốc, đi khắp ba đảo, nhưng các vị thần tiên không ai có thuốc cả. Vì thế đệ tử mới đến đây, chân thành cung kính, thưa chuyện với Bồ Tát, cúi mong Bồ Tát rộng lượng, ban cho một phương thuốc, để cứu Đường Tăng thoát nạn, sớm được sang phương Tây.

Bồ Tát nói:

– Tại sao nhà ngươi không đến sớm gặp ta, lại còn ra đảo tìm tòi làm gì?

Hành Giả nghe nói thế, trong bụng mừng thầm:

– May rồi, may rồi! Chắc là Bồ Tát có thuốc đây. Đoạn lại bước tới khẩn khoản cầu xin. Bồ Tát nói:
– Ta có bình nước cam lộ có thể chữa khỏi hết các loại cây tiên cỏ thánh.

Hành Giả hỏi:

– Đã được chứng nghiệm bao giờ chưa?
Bồ Tát nói:

– Chứng nghiệm rồi. Hành Giả lại hỏi:
– Chứng nghiệm bao giờ? Bồ Tát nói:
– Trước kia, Thái Thượng Lão Quân có đánh cuộc với ta: ngài bẻ một cành dương liễu của ta bỏ vào lò luyện đơn, đốt cháy khô sém, rồi lại đưa trả ta, ta cắm vào trong bình, qua một ngày đêm cành lá lại xanh tươi như cũ.

Hành Giả cười, nói:

– Thực là hay quá, hay quá! Đốt khô sém vẫn còn chữa được, huống hồ cây mới quật đổ thì dễ như bỡn!

Bồ Tát dặn dò:

– Mọi người ở nhà trông nom nhà cửa, ta đi sẽ về ngay.

Nói đoạn, tay xách bình nước cam lộ, vẹt trắng líu lo đằng trước, Đại Thánh theo sát phía sau, đi luôn. Có bài thơ làm chứng rằng:

Voi vàng lòng trắng đời ca ngợi, Hỷ xả từ bi cứu khổ bần.
Quá khứ kiếp xưa: vô cấu Phật, Mà nay thành tựu: hữu vi thân. Mấy tầng biển đục êm trong vắt, Một tấm lòng ngay tuyệt bụi trần. Cam lộ, cửu kinh màu nhiệm lắm!
Cây tiên chữa sống dễ vô cùng.

Lại nói chuyện Đại tiên cùng ba vị tiên đang trò chuyện bỗng
thấy Tôn Đại Thánh từ trên mây hạ xuống, cất tiếng:

– Bồ Tát đã đến, mau mau ra nghênh đón.

Ba vị tiên, Trấn Nguyên tiên cùng với thầy trò Tam Tạng vội vàng cùng kéo nhau ra ngoài điện đón tiếp. Bồ Tát dừng đám mây lành bước xuống, trước chào Trấn Nguyên tiên, sau chào ba vị tiên. Chào hỏi xong, mọi người vào chỗ ngồi. Hành Giả dẫn Đường Tăng ra trước thềm vái chào Bồ Tát. Các vị tiên trong quán cũng kéo cả ra chào hỏi, Đại Thánh nói:

– Xin Đại tiên đừng chậm trễ nữa, bày ngay hương án, để Bồ
Tát chữa cây.

Đại tiên cúi lạy cảm tạ Bồ Tát:

– Việc nhỏ nhặt, đâu dám phiền Bồ Tát phải mệt nhọc tới đây. Bồ Tát nói:
– Đường Tăng là đệ tử của tôi, Tôn Ngộ Không gây chuyện với ngài, theo lý là phải bồi thường cây báu.

Ba vị tiên nói:

– Như vậy thì chẳng cần khiêm tốn nữa, xin mời Bồ Tát cùng chúng tôi ra vườn xem sao.

Đại tiên lập tức sai quét dọn vườn sau, đặt bày hương án, mời Bồ Tát đi trước, ba vị tiên theo sau. Thầy trò Tam Tạng cùng các vị tiên trong quán cũng đều kéo cả ra vườn. Mọi người thấy cây đồ chỏng chơ, cành khô lá rụng. Bồ Tát gọi:

– Ngộ Không, chìa tay ra.

Hành Giả chìa tay trái ra. Bồ Tát nhúng cành dương liễu vào nước cam lộ trong bình, vẽ vào lòng bàn tay Hành Giả một đạo bùa cải tử hồi sinh, sai Hành Giả ấn vào gốc cây, khi nào thấy nước chảy ra thì thôi. Hành Giả nắm bàn tay lại, đi tới gốc cây áp tay vào. Trong giây lát, đã thấy nước trong chảy ra. Bồ Tát
nói:

[167]
– Thứ nước này, những dụng cụ bằng ngũ hành

không
đựng được, phải dùng bầu ngọc mà múc, dựng cây thẳng lên, tưới từ ngọn trở xuống, tự nhiên thân rễ lại liền, cành xanh lá tốt, khai hoa kết quả.

Hành Giả nói:

– Các vị ơi, mang bầu ngọc ra đây. Trấn Nguyên tiên nói:
– Ở núi hoang này của bần đạo, làm gì có bầu ngọc, chỉ có chén uống rượu bằng ngọc thôi, có dùng được không ạ?

Bồ Tát nói:

– Chỉ cần bằng ngọc là có thể múc được, lấy ra đi!

Đại tiên bèn sai tiểu đồng mang ra đến hai ba chục chiếc chén
uống trà, bốn năm chục chiếc chén uống rượu bằng ngọc, múc nước trong ở gốc cây thấm ra. Hành Giả, Bát Giới, Sa Tăng dựng cây lên, đứng đỡ xung quanh cho thẳng, vun đất vào, đưa từng chiếc chén ngọc đựng nước trong cho Bồ Tát. Bồ Tát nhúng cành dương liễu vào nước nhẹ nhàng vẩy lên cây, miệng niệm thần chú. Một lát sau, khi nước vẩy xong, cây nhân sâm quả nhiên lại xanh tốt xum xuê như cũ, trên cây vẫn còn nguyên hai mươi ba quả. Thanh Phong, Minh Nguyệt hỏi:

– Hôm trước, khi mất quả, đếm mãi cũng chỉ thấy hai mươi hai quả, bây giờ sống lại, mà sao lại nhiều hơn một quả nhỉ?

Hành Giả đáp:

– “Ở lâu mới biết lòng người” mà. Hôm trước lão Tôn chỉ lấy trộm có ba quả, một quả chui vào lòng đất. Thổ địa nói rằng thứ quả này gặp thổ thì chui. Bát Giới không biết cứ trách ta lấy cắp một quả. Vì thế chuyện mới lộ ra. Bây giờ mới rõ ràng nhé!

Bồ Tát nói:

– Vừa rồi ta không dùng những vật làm bằng ngũ hành, bởi vì biết nó tương khắc với ngũ hành vậy.

Đại tiên vô cùng mừng rỡ, vội vàng sai mang cây sào vàng ra, trảy xuống mười quả, mời Bồ Tát cùng ba vị tiên trở lại ngôi điện, một là để đền ơn khó nhọc, hai là mở “hội quả nhân sâm”. Các vị tiên sắp xếp bàn ghế, dọn bày chén khay, mời Bồ Tát ngồi chính giữa, ba vị tiên ngồi bên trái. Đường Tăng ngồi bên phải, Trấn Nguyên tiên ngồi phía trước mời khách, mỗi người ăn một quả. Có bài thơ làm chứng rằng:

Động trời nơi Vạn Thọ sơn,

Nhân sâm gần vạn năm trường chín thơm.

Linh căn cành lá úa vàng,

Nước cam lộ tưới, mỡ màng như xưa.
Ba tiên mừng gặp bạn già,

Bốn tăng gặp gỡ, chắc là tiền duyên.

Hôm nay ngồi dự hội tiên,

Nhân sâm thưởng thức vạn niên không già.

Bồ Tát và ba vị tiên mỗi người ăn một quả. Đường Tăng lần đầu tiên mới biết đây là của báu của nhà tiên, cũng ăn một quả. Ba anh em Ngộ Không, mỗi người được ăn một quả. Trấn Nguyên tiên ăn một quả. Các vị tiên trong quán chia nhau ăn một quả. Hành Giả lạy tạ, Bồ Tát trở về núi Phổ Đà, tiễn ba vị tiên về đảo Bồng Lai. Trấn Nguyên tiên lại bày tiệc rượu, cùng Hành Giả kết làm anh em. Thật là “đánh nhau vỡ đầu mới nhận họ”, hai bên lại hòa hợp. Bốn thầy trò Đường Tăng rất vui vẻ. Trời đã tối, ai nấy đều đi nghỉ. Đường Tăng thế mới là:

Có duyên ăn thảo hoàn đơn

Sống lâu ma quỷ tai ương lo gì.

Cuối cùng, sáng mai, họ chia tay làm sao, xem hồi sau sẽ rõ.

--------------------
[167] Ngũ hành: kim loại, gỗ, nước, lửa, đất