Trấn Nguyên tiên đuổi bắt người lấy kinh
Tôn Hành Giả đại náo Ngũ Trang quán
Tôn Hành Giả đại náo Ngũ Trang quán
Lại nói chuyện ba anh em kéo nhau vào trong điện nói với sư
phụ:
– Cơm sắp chín rồi, sư phụ gọi chúng con có việc gì ạ? Tam Tạng hỏi:
– Ta không hỏi chuyện cơm. Quán này có một thứ quả nhân sâm nào đó trông giống đứa trẻ con, ai trong số các con đã lấy trộm ăn rồi?
Bát Giới thưa:
– Con thật thà không biết, và cũng chưa thấy thứ quả ấy bao giờ.
Thanh Phong nói:
– Người nào cười là đúng! Người nào cười là đúng! Hành Giả nói lớn:
– Lão Tôn lúc nào chả cười, vì chuyện nhà ngươi vừa mất quả mà cấm ta cười sao?
Tam Tạng nói:
– Đồ đệ hãy bớt nóng. Chúng ta là người xuất gia, không được nói dối, ăn trộm. Nếu có trót lấy của người ta, thì phải xin lỗi tạ tội, việc gì phải che đậy không nhận!
Hành Giả thấy sư phụ nói có lý, bèn thú thực:
– Thưa sư phụ, không phải tại con. Tại Bát Giới nghe thấy hai
tiên đồng ăn quả nhân sâm nào đó ở phòng bên, hắn thèm quá muốn ăn, bèn xui con đi hái ba quả, ba anh em chúng con mỗi người ăn một quả. Bây giờ trót ăn rồi, biết làm thế nào?
Minh Nguyệt nói:
– Lấy trộm những bốn quả mà mồm vẫn cãi không phải ăn trộm.
Bát Giới nói:
– A Di Đà Phật, lấy những bốn quả mà sao mang về có ba quả để chia nhau, thì ra anh đã biển thủ một quả rồi!
Chú ngốc thế là làm ầm ĩ lên.
Hai tiên đồng biết chuyện đích thực, càng mắng nhiếc thậm tệ. Đại Thánh tức quá, răng nghiến ken két, mắt lửa tròn xoe, rút cây gậy sắt nạm vàng ra, mân mê trong tay, nhẫn nhục nghĩ thầm:
– Lũ tiên đồng đáng ghét quá, chẳng biết nể nang. Được rồi, cứ tạm nhịn chúng, sau ta dùng ngón “tuyệt hậu kế” cho lũ ngươi hết đường ăn quả!
Hành Giả bèn nhổ một sợi lông ở sau lưng, đưa lên mồm thổi phù, hô “biến”, sợi lông biến thành một Hành Giả giả, đứng cạnh Đường Tăng, cùng với Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh nghe tiên đồng xỉ vả, còn chính mình thì xuất thần nhảy lên mây, bay thẳng vào vườn nhân sâm, rút gậy sắt ra, nhắm vào gốc cây nện choang một phát, lại dùng hết sức bình sinh đẩy cây đổ lăn kềnh ra. Đáng thương thay:
Cành lìa, rễ bật lá rơi,
Thảo hoàn đơn đã hết đời từ đây!
Đại Thánh đẩy đổ cây rồi, liền lần cây tìm quả, nhưng chẳng thấy một quả nào. Nguyên do thứ quả quý này gặp kim thì rụng. Gậy của Hành Giả hai đầu bịt vàng, bên trong lại là thứ sắt thuộc loại ngũ kim nên vừa chạm vào cây là quả rụng ngay, chạm vào đất, thì chui tọt vào đất, vì vậy trên cây chẳng còn một quả nào. Hành Giả thấy thế, bèn nói:
– Hay lắm, hay lắm, thế mới hả giận!
Nói xong, cất gậy sắt quay trở về, thu lại sợi lông hóa người, hạng người trần mắt thịt không ai hay biết gì hết.
Lại nói chuyện hai tiên đồng mắng mỏ một lúc lâu, Thanh
Phong nói:
– Minh Nguyệt này, lũ hòa thượng này cũng giỏi nhịn thực. Chúng ta mắng như chó ấy mà chẳng dám cãi nữa lời. Hay là chúng không ăn trộm chăng? Có thể là do cây cao lá rậm, mình đếm không kỹ, thành ra mắng oan họ. Chúng ta đi kiểm tra lại
lần nữa xem sao.
Minh Nguyệt nói:
– Đúng đấy!
Hai người bèn kéo nhau ra vườn, thì, ôi thôi, chỉ thấy cành gãy cây nghiêng, quả không lá rụng. Thanh Phong chân tay bủn rủn, Minh Nguyệt run rẩy sững sờ. Hai người hồn vía rụng rời. Có bài thơ làm chứng rằng:
Tam Tạng sang Tây tới Thọ Sơn, Ngộ Không quật đổ thảo hoàn đơn. Cành khô lá rụng không còn rễ.
Minh Nguyệt, Thanh Phong sợ hết hồn.
Hai người ngã lăn ra đất, mồm lắp bắp:
– Làm thế nào bây giờ? Làm chết cây hoàn đơn trong quán Ngũ Trang, dòng dõi nhà tiên ta thế là đứt tuyệt! Sư phụ về, biết ăn nói làm sao?
Minh Nguyệt nói:
– Anh đừng kêu ca nữa. Chúng ta tạm sửa quần áo cho ngay ngắn, đừng làm kinh động mấy lão hòa thượng ấy. Ở đây chẳng có ai khác, đúng thằng cha mặt lông lá như thiên lôi. Nó dùng phép xuất thần, phá hoại cây quý của chúng ta. Nay nói nó, thì nó ắt cãi lại. Một khi cãi nhau, dễ thành đánh nhau. Chúng ta có hai người địch với chúng bốn người sao nổi? Chi bằng cứ trí trá là số quả đủ cả, do chúng ta đếm nhầm, lại xin lỗi họ nữa. Chúng đã thổi cơm chín rồi, đợi chúng ăn cơm còn cho thêm chúng ít rau. Khi bọn chúng ăn cơm, anh đứng phía bên trái cửa, tôi đứng bên phải cửa, đóng sập cửa lại, khóa thật chắc chắn tất cả các tầng cửa, không cho chúng ra. Đợi khi nào sư phụ về, để mặc người xử lý. Người ấy lại là chỗ bạn cũ của sư phụ, tha cho chúng là ở tình cảm của sư phụ. Không tha thì chúng ta cũng đã
giữ chúng đấy. Có thể may ra chúng ta mới được tha tội.
Thanh Phong nghe vậy nói:
– Đúng đấy, đúng đấy!
Hai người lấy lại tinh thần, giả bộ tươi tỉnh, từ vườn sau đi thẳng lên điện, cúi mình cung kính nói với Đường Tăng:
– Thưa sư phụ, vừa rồi chúng tôi nói năng thô tục, làm ầm ĩ lên, mong sư phụ thứ lỗi cho.
Tam Tạng hỏi:
– Cái gì?
Thanh Phong thưa:
– Số quả nhân sâm vẫn đủ, tại cành lá rậm rạp, nhìn không rõ. Vừa rồi chúng tôi đi đếm lại, thấy đủ cả không mất quả nào.
Bát Giới được thể nói:
– Mấy chú trẻ con, ít tuổi chẳng hiểu quái gì, chưa chi đã chửi loạn lên, mắng mỏ ầm ĩ, oan cho chúng tớ thật. Thật chẳng ra giống người!
Hành Giả biết rõ hết chuyện, chẳng nói ra mồm, trong bụng nghĩ thầm:
– Láo thật, láo thật! Quả đã đi đời hết rồi, tại sao lại nói như vậy, hay chúng có phép cải tử hoàn sinh?
Tam tạng nói:
– Vậy thì mau bưng cơm lên ăn thôi.
Bát Giới đi bắc cơm. Sa Tăng dọn mâm bát. Hai tiên đồng vội vàng lấy thêm thức ăn, nào dưa muối, cà muối, rau muống, đậu phụ… đến bảy, tám đĩa mời thầy trò xơi cơm. Lại mang ra một ấm trà ngon, hai chiếc chén đặt ở trên bàn. Bốn thầy trò vừa cầm bát định ăn, thì hai tiên đồng, mỗi người đứng một bên cửa,
đóng sập cửa lại, lấy chiếc khóa đồng khóa chặt. Bát Giới cười, nói:
– Mấy chú tiểu đồng dở thật, mà phong tục ở đây cũng chẳng ra gì, ăn cơm thì việc gì phải đóng chặt cửa?
Minh Nguyệt nói:
– Chính thế, chính thế! Hay dở gì thì cũng ăn xong đã mới mở cửa được.
Thanh Phong quát mắng:
– Đồ trộm cắp đầu trọc tham lam kia, các ngươi đã ăn trộm quả tiên của chúng ta, phạm tội tự tiện vào vườn trộm quả, lại còn quật đổ cả cây, hủy hoại dòng tiên trong quán Ngũ Trang, thế mà còn già mồm à? Lại còn đòi sang phương Tây gặp Phật nữa kia chứ? Có mà quay ngược bánh xe luân hồi thác sinh lần nữa!
Tam Tạng nghe nói, buông bát cơm, lòng nặng như đá đeo. Hai tiên đồng khóa hết cửa trước, cửa sau, xong xuôi lại tới trước cửa điện chửi mắng thậm tệ, mãi đến khi tối trời mới đi ăn cơm. Ăn xong về phòng nghỉ.
Đường Tăng trách mắng Hành Giả:
– Con khỉ kia, rặt những gây vạ! Nhà ngươi ăn trộm quả của người ta, bị người ta mắng, thì hãy mặc người ta mắng mỏ vài câu là xong, tại sao còn quật đổ cả cây? Nếu người ta kiện việc này, thì dù ông già nhà ngươi có làm quan cũng không nói vào đâu được!
Hành Giả nói:
– Sư phụ đừng làm ầm lên nữa. Bọn chúng đi ngủ rồi, đợi chúng ngủ say, ta đang đêm đi ngay thôi.
Sa Tăng nói:
– Anh ơi, mấy tầng cửa khóa chặt cả, kín như bưng, ra làm sao được?
Hành Giả cười, nói:
– Đừng lo, lão Tôn sẽ có cách. Bát Giới nói:
– Lo gì anh không có cách! Anh biến thoắt một cái ra con sâu con bọ gì đó, chui qua lỗ cửa bay ra. Chỉ khổ chúng tôi không biết biến hóa đành nằm đây chịu tội thay cho anh thôi.
Đường Tăng nói:
– Nó mà giở trò ấy ra, không để cho chúng ta cùng đi, ta sẽ niệm mấy câu kinh cũ, thì nó chết ngay!
Bát Giới nghe xong, vừa bực vừa buồn cười, nói:
– Sư phụ nói gì vậy? Con chỉ nghe thấy trong Phật giáo có kinh Lăng Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Khổng Tước, kinh Quan Âm, kinh Kim Cương, chưa từng nghe thấy nói “kinh cũ” bao giờ!
Hành Giả nói:
– Chú em không biết. Cái vòng chụp trên đầu tôi là của Quan Âm Bồ Tát cho sư phụ đấy. Sư phụ lừa đội vào đầu tôi, khác nào mọc rễ, không tài nào dứt ra được. Lại có lời chú “khẩn cô nhi”, hay còn gọi là kinh “khẩn cô nhi”. Kinh “cũ” của sư phụ là nó đấy. Hễ sư phụ niệm lời chú đó, là tôi đau đầu ngay. Đó là pháp nạn của tôi vậy. Thưa sư phụ, mong sư phụ đừng niệm, con không bao giờ phụ sư phụ đâu. Con phải cứu mọi người cùng ra chứ!
Xong câu chuyện, trời đã tối. Chốc lát, phương đông vầng trăng đã hiện. Hành Giả nói:
– Lúc này bốn bề yên lặng, trăng sáng vằng vặc, chính là lúc
trốn đi rất hợp.
Bát Giới nói:
– Anh ơi, chớ có nói mồm, cửa đóng hết rồi đi lối nào được? Hành Giả nói:
– Chú trông đây!
Bèn rút gậy sắt nạm vàng ra cầm trong tay, dùng phép “mở khóa”, vừa chỉ gậy vào cửa đã nghe choang một tiếng, khóa kép mấy tầng cửa đều bung ra rơi xuống đất, cánh cửa kèn kẹt mở ra. Bát Giới cười, nói:
– Giỏi thật! Đến như bác thợ rèn quai búa cũng không nhẹ nhàng được như thế!
Hành Giả nói:
– Cái cửa quèn này đã ăn thua gì! Đến cả cửa Nam Thiên ta trỏ một cái cũng mở toang ngay.
Nói xong, mời sư phụ ra khỏi cửa, lên ngựa. Bát Giới gánh hành lý, Sa Tăng dắt ngựa, cứ thẳng đường sang phương Tây mà đi. Hành Giả nói:
– Mọi người đi chầm chậm một chút, để lão Tôn quay lại chiếu cố cho hai chú tiểu đồng này ngủ một tháng liền.
Tam Tạng nói:
– Con chớ có làm hại tính mạng của người ta nghe, nếu không là phạm vào tội cướp của giết người đấy!
Hành Giả nói:
– Con hiểu rồi.
Hành Giả bèn quay lại, đến bên ngoài cửa phòng hai tiên đồng đang ngủ, bên lưng đã giắt sẵn mấy con bọ ngủ, vốn là mấy con vật mà Hành Giả thắng cuộc Tăng Trường Thiên
Vương ở cửa Đông Thiên ngày nào. Hành Giả bắt ra hai con, đút qua lỗ cửa, chúng bò thẳng lên mặt hai tiên đồng, khiến họ ngủ say tít, không dậy được nữa. Xong xuôi, mới rảo cẳng đuổi theo Đường Tăng, thẳng đường lớn sang phương Tây!
Đêm ấy người ngựa đi liền một mạch, cho tới khi trời sáng. Tam Tạng nói:
– Con khỉ này làm ta mệt đến chết! Chỉ vì cái mõm nhà ngươi làm ta suốt đêm chẳng được ngủ.
Hành Giả noi:
– Sư phụ đừng ca thán nữa. Trời đã sáng rồi, ta tạm lẩn vào bóng cây ven đường nghỉ một lát, lấy lại sức lực rồi sẽ đi tiếp.
Tam Tạng đành xuống ngựa, tựa vào gốc thông tạm làm giường ngồi xuống. Sa Tăng đặt gánh xuống làm một giấc. Bát Giới gối lên tảng đá ngủ khì. Riêng Tôn Đại Thánh còn khỏe, nhảy lên cành cây đu nghịch. Bốn thầy trò nghỉ ngơi, chuyện không nói nữa.
Lại nói chuyện vị đại tiên tan hội ở cung Nguyên Thủy dẫn các vị tiên khác ra khỏi tầng trời Đâu Suất, xuống thẳng Dao Thiên, rời đám mây lành, đã về ngay trước cửa quán Ngũ Trang núi Vạn Thọ. Nhìn quanh quẩn, vị đại tiên chỉ thấy cửa quán mở toang, mặt đất sạch sẽ, bèn nói:
– Thanh Phong, Minh Nguyệt trông nhà giỏi lắm! Hàng ngày mặt trời lên cao bằng con sào nhưng họ vẫn say sưa chẳng hề cựa mình. Chúng ta đi vắng ít ngày mà họ đã biết dậy sớm mở cửa quét nhà đấy!
Các tiên hài lòng lắm, kéo nhau vào cả trong điện, chỉ thấy khói hương lạnh lẽo, tịnh không bóng người, chẳng thấy Thanh Phong, Minh Nguyệt đâu cả, bèn nói:
– Có lẽ nhân thầy trò đi vắng, hai người vơ vét đồ đạc bỏ đi
rồi chăng?
Đại tiên nói:
– Chẳng lẽ người tu tiên lại dám làm chuyện bậy bạ đó sao? Hay tối qua họ quên không đóng cửa, cứ thế đi ngủ, bây giờ chưa dậy?
Các vị tiên bèn đến phòng họ xem xét. Quả nhiên cửa đóng then cài, hai người vẫn đang ngáy khò khò, mặc cho bên ngoài mọi người đập cửa thình thình, họ vẫn ngủ say tít không sao gọi dậy được. Mọi người phá cửa xông vào, lôi họ xuống đất mà vẫn không tỉnh. Đại tiên cười, nói:
– Các đồ đệ này, người đã tu thành tiên, tinh thần đầy đủ không thiết ngủ nữa, mà tại sao hai người lại ngủ mê mệt thế này? Hay là có kẻ nào trêu nghịch họ chăng? Mau đem nước vào đây!
Một tiên đồng vội vàng mang lưng chén nước vào. Đại tiên niệm thần chú, hớp một ngụm, phun lên mặt họ, lập tức giải ngay ma ngủ.
Hai người tỉnh dậy, giụi mắt xoa mặt, ngẩng đầu nhìn, nhận ra ngay tiên sư Dữ Thế Đồng Quân cùng các vị tiên huynh, sợ quá dập đầu thưa:
– Kính thưa sư phụ, bạn cũ của người, vị hòa thượng từ phương Đông tới ấy, đúng là lũ trộm cướp hung bạo!
Đại tiên cười nói:
– Đừng hốt hoảng, cứ thong thả kể lại xem nào. Thanh Phong nói:
– Kính thưa sư phụ, hôm ấy sư phụ đi được ít ngày quả có ngài Đường Tăng từ phương Đông tới. Cả đoàn có bốn người, với con ngựa là năm. Chúng con không dám trái lời sư phụ dặn, hỏi đúng sự thể mới trẩy hai quả nhân sâm dâng lên. Vị sư ấy
người trần mắt thịt, không nhận ra của quý nhà tiên chúng ta, lại nói là đứa trẻ sinh chưa đầy ba ngày, mời mãi không ăn. Thế là chúng con mỗi người ăn một quả. Không ngờ ngài ấy có ba người thủ hạ. Một người họ Tôn, tên Ngộ Không Hành Giả, trẩy trộm bốn quả ăn mất. Chúng con vặn hỏi, thực có nói mấy câu nặng lời. Tên ấy có vẻ bất bình, ngầm dùng thủ đoạn xuất thần này. Cực quá! Cực quá!
Nói đến đây, hai tiên đồng không kìm được, nước mắt ròng ròng chảy xuống hai gò má. Các vị tiên hỏi:
– Lão hòa thượng ấy đánh các anh à? Minh Nguyệt đáp:
– Không, chỉ quật đổ cây nhân sâm của chúng ta thôi. Đại tiên nghe thế vẫn không tỏ ra giận dữ, nói:
– Đừng khóc nữa. Các con không biết, người họ Tôn ấy cũng là một vị Thái Ất tiên tán đi, đã từng đại náo thiên cung, thần thông quảng đại nay lại quật đổ cây báu của ta. Các con còn nhớ mặt bọn chúng không?
Thanh Phong thưa:
– Có ạ.
Đại tiên nói:
– Nếu vậy đi theo ta.
Các vị tiên vâng mệnh. Đại tiên cùng Minh Nguyệt, Thanh Phong nhảy vút lên đám mây lành, đuổi theo Đường Tăng, trong chốc lát đã vượt qua nghìn dặm. Đại tiên đứng trên mây nhìn về hướng Tây chẳng thấy Đường Tăng đâu cả, bèn ngoảnh đầu về hướng Đông, thì thấy đã cách Đường Tăng hơn chín trăm dặm, bởi vì Đường Tăng cho ngựa đi suốt đêm, chỉ mới đi được một trăm hai mươi dặm đường, còn đại tiên đi trên mây, loáng một cái đã vượt qua chín trăm dặm. Tiên đồng nói:
– Thưa sư phụ, người ngồi dưới gốc cây ven đường kia chính là Đường Tăng đấy.
Đại tiên nói:
– Ta nhìn thấy rồi. Hai con quay về chuẩn bị thừng chão, để mặc ta tự bắt hắn.
Thanh Phong, Minh Nguyệt trở về trước. Chuyện không nói nữa.
Vị đại tiên dừng mây hạ xuống, lắc mình một cái, biến thành một nhà sư lang thang, ăn mặc:
Tấm áo vá trăm mụn, Sợi dây thắt ngang lưng. Tay phất trần phe phẩy Trống cơm gõ bập bùng. Chân xỏ đôi giày cỏ,
Đầu đội chiếc khăn chùng.
Phất phơ tay áo rộng, Miệng hát bài trăng trong.
Đại tiên đi thẳng tới gốc cây, cất tiếng chào Đường Tăng:
– Bần đạo xin kính chào trưởng lão. Đường Tăng vội vàng đáp lễ:
– Không dám, không dám! Đại tiên hỏi:
– Trưởng lão ở đâu tới đây mà ngồi nghỉ giữa đường vậy? Tam Tạng đáp:
– Bần tăng ở nước Đại Đường bên phương Đông, được nhà vua sai sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, đường xa tới đây,
nghỉ tạm một chút.
Đại tiên giả vờ hỏi:
– Trưởng lão từ phương Đông lại, vậy chắc là có đi qua núi hoang của bần đạo?
Đường Tăng thưa:
– Chẳng hay ngọn núi quý của tiên quan ở đâu ạ? Đại tiên nói:
– Quán Ngũ Trang, núi Vạn Thọ chính là nơi bần đạo tu trì. Hành Giả nghe thấy thế, có tật giật mình, vội vàng nói:
– Không, không. Chúng tôi đi lối đường trên. Đại tiên chỉ thẳng vào mặt nói:
– Con khỉ hỗn láo kia, nha ngươi định giấu ai nữa! Chính nhà ngươi ở quán của ta, quật đổ cây nhân sâm của ta, rồi đang đêm chạy trốn đến đây, còn vờ vĩnh gì! Chớ có chạy, quay lại đền cây cho ta!
Hành Giả nghe nói, trong lòng giận dữ, rút luôn gậy sắt, chẳng cần phân bua, nhằm đầu đại tiên bổ xuống. Đại tiên nghiêng mình tránh, nhảy phắt lên mây. Hành Giả cũng nhảy lên, đuổi theo. Trên không trung, đại tiên hiện nguyên hình:
Đầu đội mũ vàng óng, Mình mặc áo cánh tiên. Gót chân giày nhẹ bước, Bên mình dải tơ buông.
Dáng dấp như đạo sĩ, Mặt mũi đẹp thần tiên,
Ba chòm râu quanh mép.
Hai món tóc đôi bên, Đánh nhau không khí giới, Phất trần nhẹ vung lên.
Hành Giả chẳng biết thấp cao, vung gậy đánh bừa. Đại tiên cũng giơ phất trần che phải đỡ trái. Hai người đánh nhau trong ba hiệp, đại tiên bèn dùng phép “càn khôn trong tay áo” đứng trên tầng mây, nhẹ nhàng vung tay áo đón gió, tay áo rộng tỏa ra khắp mặt đất, úp chụp lấy cả bốn thầy trò và con ngựa.
Bát Giới nói:
– Hỏng rồi, chúng ta bị nhốt ráo cả vào trong tay đẫy rồi. Hành Giả nói:
– Đồ ngốc! Không phải đẫy đâu. Chúng ta bị nhốt vào trong tay áo đấy.
Bát Giới nói:
– Không sao! Để em bổ một nhát đinh ba thủng một lỗ mà chui ra, chỉ sợ lão ta không cẩn thận, úp không chặt, là toi mạng!
Chú ngốc bèn vác đinh ba bổ lung tung, nhưng chẳng ăn nhằm gì. Tay áo sờ vào thì mềm, mà khi bổ vào lại rắn hơn sắt.
Đại tiên cưỡi mây trở về quán Ngũ Trang gọi đồ đệ mang thừng ra. Mọi người tuân mệnh răm rắp. Đại tiên khác nào điều khiển con rối, lôi Đường Tăng từ trong tay áo ra, trói vào cột ngoài hiên chính điện, lại lôi ba người ra trói mỗi người vào một cột; con ngựa buộc ở ngoài sân, vứt cho nắm cỏ; hành lý ném vào xó hành lang, rồi nói với đồ đệ:
– Lão hòa thượng này là người xuất gia, không nên dùng gươm giáo, búa rìu, hãy mang roi da ra đây để ta đánh cho hắn một trận, toát hết khí nhân sâm ra!
Mọi người mang ra một cây roi. Cây roi này chẳng phải da trâu, da bò hay da dê da hươu, mà là cây roi Thất Tinh làm bằng da rồng vẫn ngâm nước cất ở đây. Đại tiên sai một vị tiên lực lưỡng cầm roi đánh. Vị tiên này hỏi:
– Thưa sư phụ, đánh tên nào trước? Đại tiên nói:
– Đường Tam Tạng là người trên mà không biết tôn trọng, đánh hắn trước.
Hành Giả nghe thấy thế, trong bụng nghĩ thầm:
– Cụ hòa thượng già nhà mình cũng không thoát đòn. Giả sử, người bị một trận roi đánh chết, thì chẳng hóa bởi tại ta gây ra sao?
Nghĩ vậy, nhịn không được, đành phải mở mồm:
– Ngài nói sai rồi. Chính tôi là người trộm quả, ăn quả, và quật đổ cây cũng chính là tôi, vậy không đánh tôi trước, mà lại đánh người khác là cớ sao?
Đại tiên cười, nói:
– Con khỉ này nói năng có vẻ cứng rắn nhỉ? Vậy thì đánh nó trước.
Vị tiên kia hỏi:
– Đánh bao nhiêu roi ạ? Đại tiên đáp:
– Chiếu theo số quả, đánh ba mươi roi.
Vị tiên vung roi đánh liền. Hành Giả sợ phép của nhà tiên ghê gớm, giương cặp mắt tròn xoe nhìn kỹ xem họ đánh vào đâu. Thì ra họ đánh vào chân. Hành Giả bèn uốn người hô “biến” một cái, lập tức hai chân biến thành hai chân sắt luyện, để xem họ đánh ra sao. Vị tiên lần lượt đánh đủ ba mươi roi thì trời đã sắp trưa. Đại tiên lại dặn rằng:
– Phải đánh cả Tam Tạng về tội dạy dỗ không nghiêm, bỏ mặc đồ đệ phóng túng làm càn.
Vị tiên kia định vung roi đánh liền. Hành Giả nói:
– Ngài dạy sai rồi. Sư phụ tôi đâu có biết tôi ăn trộm quả. Khi ấy người ở trên điện trò chuyện với hai tiểu đồng. Chỉ có anh em chúng tôi làm chuyện này. Nếu ngài có phạt tội dạy dỗ không nghiêm đi nữa, thì tôi là đệ tử, tôi xin chịu thay. Cứ đánh tôi nữa đi!
Đại tiên nói:
– Con khỉ này tuy bướng bỉnh giảo hoạt, nhưng cũng có chút hiếu thảo. Đã vậy, đánh cho hắn trận nữa!
Vị tiên kia lại đánh tiếp ba mươi roi. Hành Giả cúi đầu nhìn xuống, thấy hai chân sáng bóng như gương, càng đánh càng sáng, chẳng thấy đau đớn ngứa ngáy chút nào. Lúc này, trời đã sắp tối. Đại tiên nói:
– Hãy đem roi đi ngâm nước, sáng mai đánh tiếp.
Vị tiên kia mang roi đi ngâm nước. Ai nấy về phòng ăn cơm tối xong, rồi đi nghỉ. Chuyện không nói nữa.
Lại nói chuyện Tam Tạng nước mắt đôi dòng, oán trách ba đồ đệ:
– Chúng bây gây ra tai họa, lại lụy cả đến ta phải chịu tội lây, giờ biết tính sao?
Hành Giả nói:
– Sư phụ đừng oán trách nữa. Chỉ mỗi mình con bị đánh trước, sư phụ chưa hề bị đánh roi nào, mà cứ than vãn mãi!
Đường Tăng nói:
– Tuy ta chưa bị đánh, nhưng cũng bị trói đau lắm. Sa Tăng nói:
– Sư phụ còn bị trói thêm ở đây nữa chứ. Hành Giả nói:
– Thôi đừng làm ầm ĩ lên. Nghỉ đi một chút rồi đi. Bát Giới nói:
– Ông anh lại nói khoác rồi. Thừng đay ngâm nước, trói chặt thế này, có như cửa điện khóa, bị anh dùng phép “mở khóa” mở ra mà đi thoát đâu!
Hành Giả nói:
– Chẳng nói khoác đâu. Ta đâu có sợ ba cái sợi dây thừng đay ngâm nước của họ. Dù to như sợi song kéo thuyền ta cũng coi thoảng như làn gió thu!
Đang lúc trò chuyện, trời đã bốn bề vắng lặng, khuya khoắt tịch mịch. Hành Giả rút người nhỏ lại, chui ra khỏi sợi thừng nói:
– Sư phụ ơi, đi thôi!
Sa Tăng hốt hoảng nói:
– Anh ơi, cứu chúng em với! Hành Giả nói:
– Khẽ mồm chứ!
Nói đoạn, bèn lần lượt cởi trói cho Tam Tạng, Bát Giới, Sa Tăng, buộc lại áo xống cho gọn gàng, đóng yên cương, lấy hành lý ở góc hành lang, cả bọn kéo nhau ra khỏi cửa. Hành Giả quay lại bảo Bát Giới:
– Chú đi đẵn bốn cây liễu ngoài sườn núi mang về đây! Bát Giới hỏi:
– Để làm gì? Hành Giả đáp:
– Có việc. Mau mau lên!
Chú ngốc khỏe mạnh, chạy đi ngay, mỗi cây một ngoạm, cả thảy bốn cây, một mạch mang về. Hành Giả bẻ hết cành lá, đoạn hai anh em mang vào trong nhà, lấy thừng buộc vào cột như đã trói mọi người hôm qua. Xong xuôi, Đại Thánh niệm chú, cắn vào đầu lưỡi, phun máu vào cây, hô “biến!”, lập tức một cây biến thành Tam Tạng, một cây biến thành chính mình, hai cây kia biến thành Sa Tăng, Bát Giới, dung mạo giống hệt, cũng hỏi nói gọi thưa. Lúc ấy, hai người mới rảo cẳng đuổi theo sư phụ.
Đêm ấy, người ngựa đi liền một hơi không nghỉ, thoát khỏi quán Ngũ Trang.
Mãi tới lúc trời sáng, Tam Tạng ngồi trên mình ngựa ngủ gật xiêu vẹo. Hành Giả thấy thế, bèn nói:
– Sư phụ dở quá. Người xuất gia gì mà lại khổ sở thế kia. Lão
Tôn đây dù có một nghìn đêm không ngủ cũng chẳng nhọc mệt
chút nào. Thôi sư phụ tạm xuống ngựa đi, kẻo người qua đường trông thấy cười chết! Và tìm nơi khuất gió trên sườn núi nghỉ tạm một lát rồi hẵng đi.
Tạm gác chuyện bốn thầy trò ngủ tạm ở dọc đường. Lại nói chuyện vị đại tiên kia, khi trời sáng hẳn, ăn bữa sáng xong, lại lên điện, truyền mang roi đến, ra lệnh:
– Hôm nay đến lượt đánh Tam Tạng.
Vị tiên kia vung roi, nhìn Đường Tăng nói:
– Đánh nhà ngươi đây! Cây liễu cũng trả lời:
– Đánh đi.
Vị tiên vun vút quật ba mươi roi liền, đoạn vung roi chỉ Bát
Giới, nói:
– Đánh nhà ngươi đây! Cây liễu cũng trả lời:
– Đánh đi.
Khi đánh đến Sa Tăng, cây liễu cũng trả lời “đánh đi”. Khi đánh đến Hành Giả, thì Hành Giả đang đi trên đường, bỗng rùng mình nói:
– Hỏng rồi! Tam Tạng hỏi:
– Con nói sao? Hành Giả thưa:
– Con biến bốn cây liễu thành bốn thầy trò mình, cứ tưởng rằng hôm qua họ đánh con hai trận rồi thì hôm nay không đánh nữa. Ai ngờ họ lại đánh vào hóa thân con, cho nên con thấy rùng mình, phải thu phép lại thôi!
Nói xong, Hành Giả vội vàng niệm chú thu phép về. Vị tiên đồng kia sợ hãi quá, rơi cả roi, báo rằng:
– Thưa sư phụ, người con đánh đầu tiên là nhà sư Đại Đường, lần này đánh thấy rặt là thân cây liễu.
Đại tiên nghe xong, khà khà cười nhạt, khen ngợi hết lời:
– Tôn Hành Giả thật là một chú hầu vương giỏi! Ta từng nghe hắn đại náo thiên cung, thiên la địa võng bủa kín đất mà không bắt nổi. Quả đúng thế không sai. Nhưng nhà ngươi đã bỏ chạy rồi thì thôi, cớ sao còn dám trói mấy cây liễu ở đây, đổi tên lừa bịp, ta quyết chẳng tha, phải đuổi bắt ngay!
Đại tiên vừa nói xong, đã nhảy vút lên mây, nhìn về hướng Tây, thấy mấy hòa thượng đang gánh đồ dắt ngựa đi đường. Đại tiên từ tầng mây nhảy xuống, quát:
– Tôn Hành Giả chạy đi đâu! Trả cây nhân sâm cho ta! Bát Giới nghe vậy, nói:
– Hỏng rồi, địch thủ lại đến rồi! Hành Giả nói:
– Sư phụ hãy gói “chữ thiện” lại để chúng con dùng đòn hiểm kết liễu đời hắn, mới đi thoát được.
Đường Tăng nghe nói, run rẩy sợ hãi, chưa kịp trả lời, thì Sa Tăng đã rút bảo trượng, Bát Giới vung đinh ba, Đại Thánh múa gậy sắt, nhất tề xông lên, vây chặt lấy đại tiên trên không trung, lao vào đánh tới tấp. Trận đấu rất quyết liệt. Có bài thơ làm chứng rằng:
Ngộ Không chẳng biết Đại tiên, Đồng Quân Dữ Thế đạo huyền diệu thay! Thần binh ba món bao vây,
Phất trần một chiếc tung bay oai hùng.
Che sau đỡ trước ung dung,
Đỡ trên gạt dưới vững lòng tự tin.
Trốn đêm sáng lại bắt liền,
Bao giờ mới được lên đường sang Tây.
Ba anh em, mỗi người một loại binh khí cùng xông cả vào đánh. Vị Đại tiên vung phất trần đón đỡ. Đánh nhau được nửa tiếng, Đại tiên vung rộng tay áo, lại chụp gọn cả bốn thầy trò, cùng con ngựa, hành lý vào trong tay áo như lần trước, rồi cưỡi mây trở về quán. Mọi người ra đón tiếp. Đại tiên ngồi trên chính điện, lôi từng người trong tay áo ra, trói Đường Tăng vào gốc cây hòe thấp; trói Bát Giới, Sa Tăng vào hai cây ở hai bên, Hành Giả bị trói gô dưới đất, nghĩ thầm:
– Chắc là sắp tra hỏi đây.
Lát sau, trói buộc đã xong, đại tiên lại sai mang ra mười súc vải dài. Hành Giả cười, nói:
– Bát Giới này, ngài đây có lòng tốt, mang vải ra may áo cho chúng ta đấy. Tiết kiệm một chút, mỗi người cũng may được
[166]
một chiếc áo chuông .
Một vị đại tiên mang số vải tự dệt lấy ấy ra, Đại tiên nói:
– Lấy vải quấn Tam Tạng, Bát Giới, Sa Tăng lại!
Mọi người cùng bước lên lấy vải quấn chặt ba người lại. Hành Giả cười, nói:
– À, à, té ra họ khâm liệm cho tụi mình.
Trong giây lát, đã quấn xong. Lại sai lấy sơn ra. Mọi người vội vàng mang ra thứ sơn sống tự chế lấy, quét kín lượt vải bọc quanh ba người, chỉ để hở đầu mà thôi.
Bát Giới nói:
– Thưa ngài, trên đầu không thít chặt thì thôi, phía dưới phải chìa ra một lỗ, để chúng tôi còn ỉa chứ!
Đại tiên lại sai khiêng ra một cái vạc to. Hành Giả cười, nói:
– Bát Giới ơi, may quá, có lẽ mang vạc ra nấu cơm cho chúng ta chén đấy.
Bát Giới nói:
– Có lẽ thế. Cho chúng ta chén tí chút, rồi làm con ma no lại hóa hay.
Mọi người khiêng ra một cái vạc to đặt trước bậc điện. Đại tiên sai chất củi khô, châm lửa, rồi truyền:
– Đổ đầy dầu vào vạc, đun sôi lên, ném Tôn Hành Giả vào rán giòn, trả thù cho cây nhân sâm của ta!
Hành Giả nghe vậy, mừng thầm:
– Trúng ý lão Tôn rồi, lâu lắm chưa được tắm, da dẻ ngứa ngáy khó chịu. Hay dở gì mặc kệ cứ tắm đã. Cám ơn tấm thịnh tình của các ngài nhé!
Trong phút chốc, dầu sôi sùng sục. Hành Giả lại nghĩ rằng: “E phép tiên khó thoát, trong vạc dầu, ngộ có lỡ làm sao thì khốn, bèn ngó nghiêng nhìn xung quanh, thấy phía đông có chiếc đài xem bóng nắng mặt trời, phía tây có một con sư tử đá. Hành Giả co người lăn ra phía tây, cắn đầu lưỡi lấy giọt máu phun vào con sư tử đá rồi hô “biến!”, biến thành một Hành Giả giả bị trói nằm đấy, còn mình xuất thần, nhảy vút lên mây, cúi đầu nhìn xuống xem đạo sĩ làm gì. Chỉ thấy mọi người bảo rằng:
– Thưa sư phụ, dầu sôi kỹ lắm rồi ạ. Đại tiên ra lệnh:
– Ném Tôn Hành Giả vào!
Bốn tiên đồng khiêng không nổi, tám người cũng khiêng không nổi, lại thêm bốn người nữa cũng chịu.
Các vị tiên nói:
– Con khỉ này lưu luyến với đất, khó chuyển gớm nhỉ! Oắt con mà đã nặng ghê!
Rồi sai hai mươi vị tiên khênh Hành Giả lên, ném tủm vào vạc, khiến dầu bắn tung tóe, các vị tiên đứng xung quanh đều bị bỏng, phồng rộp cả mặt mày. Bỗng một tiên đồng kêu toáng lên:
– Vạc thủng rồi, vạc thủng rồi!
Nói chưa dứt lời, dầu đã chảy ra lênh láng. Đáy vạc bị thủng, nằm chỏng chơ một con sư tử đá.
Đại tiên nổi giận, nói:
– Con khỉ này thực vô lễ! Dám nhờn trước mặt ta! Nhà ngươi đã bỏ chạy rồi thì thôi, nhưng tại sao dám phá bếp của ta? Bắt con khỉ này thật công toi, mà có bắt được thì cũng chẳng khác trói bùn chém nước, bắt bóng đuổi hơi. Thôi, hãy tha cho hắn. Nhưng cởi Đường Tam Tạng ra, đun vạc dầu khác, ném hắn vào, trả thù cho cây nhân sâm của ta.
Mọi người tuân lệnh, xé lớp vải sơn ra. Hành Giả đứng trên không trung nghe rõ hết, nghĩ thầm:
– Sư phụ hỏng mất. Chúng mà bỏ vào vạc sôi thế kia thì chết ngay, một lát sau thì cháy vàng, mấy lát nữa thì rữa nát. Ta phải đi cứu ngay mới xong.
Thế là Đại Thánh từ trên mây nhảy xuống, khoanh tay bước tới nói:
– Đừng xé lớp vải sơn ra nữa. Tôi xin chịu vào thay cho sư phụ tôi.
Đại tiên kinh ngạc quát mắng:
– Con khỉ hỗn xược kia, tại sao dám bày trò phá bếp của ta? Hành Giả cười, nói:
– Ngài gặp tôi thì cái bếp này hỏng, việc ấy liên can gì đến tôi? Tôi cũng định lĩnh món quà quý là vạc dầu nóng của ngài, nhưng phiền nỗi mót đi ỉa, đi đá quá, mà bĩnh vào vạc của ngài thì e ô nhiễm cả vạc dầu, không nấu canh được. Bây giờ tôi đã giải quyết xong việc, sạch sẽ rồi, lại xin được vào trong vạc. Vậy đừng ném sư phụ tôi, ném tôi vào là xong.
Đại tiên nghe nói, khanh khách cười nhạt, từ trong điện bước ra, ôm chặt lấy Hành Giả.
Cuối cùng không biết Hành Giả nói năng ra sao, làm thế nào để thoát thân, xem hồi sau sẽ rõ.
-----------------
[166] Áo chuông: Một loại áo của nhà sư, hình như cái chuông, trên chật dưới rộng (theo nguyên chú).