Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ hai mươi bốn

Núi Vạn Thọ Đại Tiên lưu bạn cũ
Quán Ngũ Trang, Hành Giả trộm nhân sâm

Lại nói chuyện ba người đi sâu vào trong rừng, thấy Bát Giới
bị trói trên ngọn cây, kêu la ầm ĩ, đau đớn vô cùng. Hành Giả bước tới cười, nói:

– Con rể quý nhỉ? Sáng bảnh mắt rồi mà không dậy đi lạy tạ mẹ vợ, không báo hỉ với sư phụ, còn cứ nằm ì ra đấy? Chà, thế mẹ vợ đâu, vợ đâu, mà treo con rể chặt chẽ thế này?

Chú ngốc thấy Hành Giả đến, xấu hổ quá, cắn răng chịu đau, chẳng dám kêu la nữa. Sa Tăng thấy vậy, động lòng thương hại,
đặt hành lý xuống, bước tới cởi trói cứu cho. Chú ngốc chỉ biết dập đầu lạy mọi người, nhưng thật ra trong lòng hổ thẹn vô cùng. Có bài từ Tây Giang nguyệt làm chứng rằng:

Nữ sắc thanh kiếm hại thân,

Mê tham ắt bỏ mạng mình như không.

Gái tơ đôi tám trẻ trung,

Dạ Xoa hung dữ có phần còn thua.

Ai ơi căn bản giữ cho

Lợi danh thanh sắc nhỏ to chớ màng

Chân tâm cẩn thận giữ gìn,

Ăn chơi phóng đãng thả mình là nguy!

Bát Giới vun đất thắp hương, ngẩng lên trời làm lễ, Hành Giả hỏi:

– Chú không nhận ra những vị Bồ Tát à? Bát Giới đáp:
– Tôi đã quay cuồng hôn mê, mắt hoa đầu váng, còn nhận ra ai được?

Hành Giả đưa tờ thiếp cho Bát Giới, Bát Giới xem xong mấy lời tụng, càng thêm xấu hổ, Sa Tăng cười, nói:

– Anh hai thế mà sướng thật! Được cả bốn vị Bồ Tát đến cầu thân!

Bát Giới nói:

– Chú em đừng khui ra nữa, xấu hổ lắm rồi! Từ nay, tôi chẳng bao giờ dám dại đến thế đâu. Dù có mỏi rũ xương đi nữa, cũng chịu để cho đòn gánh đè vai, theo sư phụ sang phương Tây thôi.

Tam Tạng nói:

– Nghĩ được như thế là tốt đấy.
Hành Giả bèn dẫn sư phụ ra đường cái. Mấy thầy trò đi được một lúc lâu, bỗng thấy quả núi cao sừng sững chắn đường.

Tam Tạng gò cương dừng ngựa nói:

– Đồ đệ này, trước mặt có ngọn núi, phải cẩn thận kẻo yêu ma quấy rối làm hại chúng ta.

Hành Giả nói:

– Đã có ba chúng con đây, sợ gì ma quỷ?

Tam Tạng nghe nói vững lòng tiến lên, thấy ngọn núi này đẹp tuyệt vời:

Thế núi cao chót vót, Dáng hùng vĩ nguy nga, Mạch Côn Lôn ăn xuống, Cao ngất tận Ngân Hà. Hạc trắng vờn ngọn trắc, Vượn đen đu cành la. Nắng rọi muôn tia đẹp, Gió thổi áng mây qua. Chim ríu rít ngọn trúc,
Gà xao xác khóm hoa. Đây Nghìn Năm, Ngũ Phúc Kia Phù Dung xa xa.
Thấp thoáng muôn đỉnh núi, Hào quang rọi nguy nga. Đây Răng Hùm, Vạn Tuế, Kia hòn Tam Thiên mà.
Nằm nhấp nhô la liệt, Vầng khí đẹp chan hòa Sườn non cỏ diễm lệ, Vách núi mai hương đưa, Gai góc mọc chằng chịt, Chỉ lan xanh lòa xòa.
Phượng hoàng, chim tụ tập, Kỳ lân, thú vào ra.
Suối quanh co, uốn lượn, Núi trập trùng gần xa. Đủ hòe lục, trúc đốm, Tùng xanh, xanh bao la.
Đủ đào hồng, mận trắng, Liễu biếc đón xuân về. Rồng ngân, hổ thét váng, Hạc múa, vượn ngân nga Bên hoa, hươu ngơ ngác, Nắng rọi, loan líu lo, Đúng là nơi tiên cảnh, Bồng Lai, Lãng Uyển mà.
Lại thấy: Đầu non hoa nở hoa tàn, Đỉnh núi mây đến, ngỡ ngàng lại đi,

Tam Tạng ngồi trên lưng ngựa thích thú nói:

– Các đồ đệ ơi, ta từ ngày sang phương Tây, trải qua nhiều núi non hiểm trở, nhưng chưa thấy đâu đẹp như ngọn núi này. Thật là nơi vô cùng u nhã! Hay là sắp tới chùa Lôi Âm chăng? Nếu vậy, chúng ta mau mau sửa soạn quần áo ngay ngắn yết kiến đức Thế Tôn?
Hành Giả cười, nói: [162]
– Còn xơi, còn xơi

Sa Tăng hỏi:

mới tới chùa Lôi Âm!

– Sư huynh ơi, đến chùa Lôi Âm còn bao xa nữa? Hành Giả đáp:
– Mười vạn tám nghìn dặm nữa. Mười phần còn chưa đi được một phần.
Bát Giới hỏi:

– Này anh, phải đi mấy năm nữa mới tới? Hành Giả đáp:
– Đoạn đường này, cứ như sức hai chú, phải mười ngày mới tới. Sức tôi, đi gấp năm mươi lần hai chú, thì chưa đầy một buổi. Còn sư phụ thì đừng tưởng, đừng tưởng!

Đường Tăng hỏi:

– Ngộ Không, con nói bao giờ mới tới? Hành Giả thưa:
– Sư phụ đi từ trẻ cho tới già, già rồi lại trẻ, một nghìn lần như vậy vẫn còn khó. Chỉ mong sư phụ thành tâm kiên tính, tâm tâm niệm niệm, suy nghĩ giác ngộ, là tới ngay Linh Sơn đó.

Sa Tăng nói:

– Sư huynh, nơi đây tuy không phải Lôi Âm nhưng nhìn phong cảnh này, hẳn là nơi người tử tế cư trú.

Hành Giả nói:

– Đúng lắm! Đất này không có ma quỷ đâu, nhất định là nơi thánh tăng đạo sĩ ở. Chúng ta cứ đi thong thả mà ngắm cảnh.

Chuyện không nói tới nữa.

Lại nói chuyện tòa núi này tên gọi núi Vạn Thọ. Trong núi có một đạo quán gọi là quán Ngũ Trang. Trong quán có một vị tiên, đạo hiệu là Trấn Nguyên Tử, còn có tên là Dữ Thế Đồng Quân. Trong quán có một thức báu lạ thường, từ khi vũ trụ còn hỗn độn mới chia, trời đất còn mờ mịt chưa phân, đã có thứ cây linh thiêng này. Trong bốn đại bộ châu của thiên hạ chỉ có quán Ngũ Trang thuộc Tây Ngưu Hạ Châu là có cây này thôi, tên gọi là “thảo hoàn đơn”, lại có tên nữa là “nhân sâm quả”. Giống cây này ba nghìn năm mới nở hoa, ba nghìn năm mới kết quả, lại ba
nghìn năm nữa mới chín. Tính ra phải một vạn năm mới được ăn. Và trong một vạn năm ấy chỉ kết được ba mươi quả. Hình dáng quả này tựa đứa bé mới sinh chưa đầy ba ngày, tứ chi hoàn toàn, ngũ quan đủ cả. Ai có duyên được ngửi quả này một lần, thì sống lâu ba trăm sáu mươi tuổi; ăn một quả, sống mãi bốn vạn bảy nghìn năm.

Đúng hôm ấy, Trấn Nguyên đại tiên nhận được tờ thiếp của Nguyên Thủy thiên tôn mời đến cung Di La trên Thương Thanh Thiên nghe giảng về “Hỗn nguyên đạo quả”. Các vị tiên trưởng thành từ cửa của đại tiên tản đi các nơi đã không biết bao nhiêu mà kể, hiện nay ngài vẫn còn bốn mươi tám người đồ đệ nữa, cả thảy đều đắc đạo toàn chân. Hôm ấy, tiên ông dẫn dẫn bốn mươi sáu đồ đệ lên thượng giới nghe giảng, để hai vị ở lại trông nhà. Một vị tên là Thanh Phong, một vị tên là Minh Nguyệt. Thanh Phong mới một nghìn ba trăm hai mươi tuổi, Minh Nguyệt vừa tròn một nghìn hai trăm tuổi. Trấn Nguyên Tử dặn dò hai người rằng:

– Ta không thể sai lời mời của Đại Thiên Tôn, phải lên cung Di La nghe giảng, hai con gắng trông nom nhà cửa cẩn thận. Sắp tới, có một cố nhân của ta đi qua đây, hai con phải tiếp đón nồng hậu, mang hai quả nhân sâm ra mời ngài xơi, để tỏ chút tình cố cựu.

Hai tiên đồng nói:

– Bạn cũ của sư phụ là ai, sư phụ nói cho chúng con biết để tiện tiếp đãi.

Đại tiên nói:

– Đó là vị thánh tăng nước Đại Đường bên phương Đông, đạo hiệu là Tam Tạng, nay sang phương Tây lễ Phật cầu kinh.

Hai tiên đồng cười nói:

– Khổng Tử có nói: Đạo khác nhau, không quan hệ với nhau.
Chúng ta thuộc Thái Ất huyền môn, sao sư phụ lại quen biết vị hòa thượng đó?

Đại tiên nói:

– Các con không biết. Vị hòa thượng đó vốn là Kim Thiền Tử thác sinh, đồ đệ thứ hai của Tây phương thánh lão là đức Phật Như Lai. Năm trăm năm trước, ta với ngài ấy có quen biết nhau ở “Hội Lan Bồn”. Ngài đã từng tự tay mời trà ta, kính trọng ta. Từ đấy ta coi như bạn cũ.

Hai tiên đồng nghe nói, kính cẩn vâng lời sư phụ. Lúc sắp đi, đại tiên lại đinh ninh dặn dò thêm rằng:

– Nhân sâm quả đã có số, chỉ được mời ngài ấy hai quả, không được mời nhiều.

Thanh Phong nói:

– Lúc mở vườn, mọi người đã cùng ăn hai quả, chỉ còn hai mươi tám quả trên cây, không dám hái nhiều.

Đại tiên nói:

– Đường Tam Tạng tuy là bạn cũ, nhưng phải đề phòng bọn thủ hạ dò la biết được.

Hai tiên đồng vâng mệnh. Vị đại tiên cùng các đồ đệ bay thẳng lên thượng giới.

Lại nói chuyện bốn thầy trò Đường Tăng vừa đi vừa ngắm phong cảnh núi non, ngẩng đầu bỗng nhìn thấy mấy tầng lâu đài ẩn hiện trong rừng thông. Đường Tăng hỏi:

– Ngộ Không ơi, đây là nơi nào nhỉ? Hành Giả ngắm một lát rồi nói:
– Xem ra không phải là quán các, có lẽ là ngôi chùa. Chúng ta đến gần tí nữa chắc sẽ rõ.

Một lát, thầy trò đã tới cổng, nhìn thấy:
Rặng thông mát mẻ, Lối trúc thanh u.
Hạc trắng đón mây bay lượn, Vượn hầu dâng quả vào ra.
Trước cổng hồ quang cây soi bóng, Đá nứt rêu xanh hoa lờ mờ.
Cung điện ngất trời mây tía phủ, Lâu đài lộng lẫy ráng hồng sa. Thực là nơi phúc địa,
Bồng Lai tiên cảnh mà. Thanh hư việc đời vắng Tĩnh mịch đạo tâm về.
Chim xanh mang thư Vương Mẫu đến, Oanh tía gửi sách Lão Quân qua Một vẻ thanh kỳ đạo đức,
Thực chốn thần tiên đây mà!

Tam Tạng rời yên xuống ngựa, nhìn thấy một tấm bia dựng bên trái cổng, trên đó có khắc mười chữ lớn “Phúc địa núi Vạn Thọ, động trời quán Ngũ Trang”.

Tam Tạng nói:

– Các đồ đệ ạ, đúng là một tòa quán vũ. Sa Tăng nói:
– Thưa sư phụ, cảnh vật tươi sáng thế này, hẳn bên trong có người tốt ở, chúng ta vào thử xem. Khi nào cuộc hành trình xong, quay về phương Đông thì nơi đây cũng là một nơi cảnh đẹp, đáng dừng chân đấy.
Hành Giả nói:

– Đúng! Đúng!

Thầy trò bèn cùng nhau kéo vào, tới lần cửa thứ hai thấy dán đôi câu đối:

Phủ thần tiên sống mãi không già, Nhà đạo sĩ thọ ngang trời đất.
Hành Giả cười, nói:

– Ông đạo sĩ này nói phét quá trời! Năm trăm năm trước, khi lão Tôn đây đại náo thiên cung, ngay cả trước cửa Thái Thượng Lão Quân cũng không thấy treo câu đối có lời lẽ như thế này…

Bát Giới nói:

– Kệ người ta, ta cứ vào thôi! Hoặc giả vị đạo sĩ cũng có chút đức hạnh thì sao, biết đâu được!

Mấy thầy trò vào tới tầng cửa thứ hai, thấy hai tiểu đồng đon đả chạy ra đón. Hai người hình dáng:

Cốt cách thanh cao đẹp lạ lùng, Tóc đen chải mượt chấm ngang lưng. Thung dung áo rủ mây vương vấn, Phấp phới tay đưa gió phập phồng. Đai thắt mơ màng rồng uốn lượn,
Hài đi nhẹ nhõm sợi tằm băng. Khác thường phong cách không mùi tục, Minh Nguyệt, Thanh Phong ấy đạo đồng.
Hai tiểu đồng chắp tay lễ phép nói:

– Kính mong lão sư phụ tha tội việc không kịp đón tiếp. Xin mời sư phụ vào.
Tam Tạng vui vẻ cùng hai tiểu đồng bước lên chính điện. Đây là một tòa điện lớn năm gian quay mặt hướng Nam, cửa chạm trổ hoa lá trên sáng dưới tối. Tiên đồng mở then đẩy cửa mời Đường Tăng vào. Bên trong chỉ thấy trên tường treo một bức đại tự thêu hai chữ “thiên địa” thật to bằng chỉ ngũ sắc. Giữa điện đặt một chiếc hương án sơn son thếp vàng, trên bày chiếc bình hương bằng vàng, bên cạnh có đủ cả hương nến.

Đường Tăng bước vào thắp hương cắm vào bình, chắp tay lạy ba lạy. Lễ xong, ngoảnh lại hỏi:

– Tiên đồng ạ, quán Ngũ Trang đây thật đúng là nơi tiên cảnh chốn Tây phương. Nhưng tại sao không thấy thờ các thánh Tam Thanh, Tứ Đế, La Thiên, mà chỉ treo có hai chữ “thiên địa” thôi ư?

Tiên đồng cười nói:

– Chẳng giấu gì sư phụ, hai chữ này, chữ đầu thì xứng đáng thờ, còn chữ sau chẳng đáng để chúng tôi hương khói, sư phụ tôi
[163]
khiêm tốn

đấy thôi.

Tam Tạng hỏi:

– Tại sao lại khiêm tốn? Tiên đồng thưa:
– Tam Thanh là bạn bè, Tứ Đế là bạn cũ, Cửu Diệu là hạng sau, Nguyên Thần là khách xoàng của sư phụ chúng tôi cả.

Hành Giả nghe nói, cười ngặt nghẽo, Bát Giới hỏi:

– Anh cười gì thế? Hành Giả đáp:
– Cứ bảo sao lão Tôn hay sinh sự. Chú tiểu đồng này nói phét lắm!

Tam Tạng hỏi:
– Sư phụ nhà ta đâu rồi? Tiên đồng thưa:
– Sư phụ tôi được Nguyên Thủy Thiên Tôn gửi thiệp mời lên cung Di La trên Thượng Thanh Thiên nghe giảng về “Hỗn Nguyên đạo quả”, nay đã đi rồi, không có nhà.

Hành Giả nghe nói, không nhịn nổi, hừ một tiếng, nói:

– Đồ tiểu đồng thối tha kia! Chẳng biết quái gì, chỉ được cái ba hoa khoác lác! Ở cung Di La ai là Thái Ất thiên tiên? Ai mời cái đồ trâu đực các ngươi đi giảng làm gì?

Tam Tạng thấy Hành Giả nổi cáu, lại sợ hai tiên đồng nói lại, sinh ra cãi cọ không hay, bèn nói:

– Ngộ Không, chớ có đôi co nữa! Chúng ta vừa vào đã ra ngay, như thế vô tình quá. Người đời thường có câu: Chó không
[164]
ăn thịt chó

. Sư phụ họ đi vắng, gây rắc rối làm gì! Con hãy
ra đầu núi chăn ngựa. Sa Tăng trông nom hành lý, bảo Bát Giới cởi tay nải lấy bơ gạo, mượn nồi thổi nhờ nồi cơm, trước khi đi, nhớ trả họ tiền củi. Mỗi người một việc, để ta nghỉ một lát, cơm xong là đi luôn.

Ba người, người nào đi làm việc của người nấy.

Hai tiên đồng Minh Nguyệt, Thanh Phong, bụng dạ rất khen ngợi Tam Tạng:

– Đúng là vị hòa thượng chân chính, một vị thánh giáng trần, chân nguyên sáng suốt. Sư phụ dặn chúng ta tiếp đãi Đường Tăng, mang quả nhân sâm mời ngài xơi để tỏ tình bạn cũ, lại dặn phải đề phòng bọn thủ hạ dò la bàn tán. Quả nhiên ba người ấy mặt mũi xấu xí hung tợn, tính nết thô tục. May mà ngài đã sai bọn họ đi rồi, chớ họ ở bên cạnh, thì tránh sao họ không trông thấy được.
Thanh Phong nói:

– Người anh em này, không biết Đường Tam Tạng có phải là bạn cũ của sư phụ không, ta phải hỏi xem kẻo nhầm.

Hai tiên đồng bèn bước tới thưa:

– Chẳng hay lão sư có phải là Đường Tam Tạng bên nước Đại
Đường sang phương Tây lấy kinh không ạ?

Tam Tạng lễ phép đáp:

– Thưa vâng. Chính là bần tăng. Các vị sao lại biết tên tôi? Tiên đồng thưa:
– Trước khi đi, sư phụ có dặn dò chúng tôi đón tiếp ngài. Không ngờ xa giá đến nhanh quá, chúng tôi không kịp đón. Xin mời lão sư ngồi xơi nước.

Tam Tạng nói:

– Không dám.

Minh Nguyệt rời gót quay vào, bưng ra một chén trà hương mời Tam Tạng. Uống trà xong, Thanh Phong nói:

– Người anh em, chớ sai lời sư phụ dặn, chúng ta đi hái quả thôi.

Hai tiên đồng chào Tam Tạng trở về phòng. Một ngươi cầm chiếc ngoèo bằng vàng; một người bưng chiếc khay đan, lòng khay lót chiếc khăn lụa, đi thẳng vào trong vườn nhân sâm. Thanh Phong leo lên cây ngoèo quả. Minh Nguyệt đứng dưới gốc, hứng khay đón lấy. Một lát, ngoèo xong hai quả, đặt trong khay, hai người về thẳng điện trước, dâng lên nói:

– Kính thưa Đường sư phụ, quán Ngũ Trang chúng tôi hoang vu cằn cỗi, chẳng có thức gì đàng hoàng, gọi là có vài quả thổ sản địa phương, mời ngài dùng tạm đỡ khát.

Tam Tạng nhìn thấy, run rẩy sợ hãi, lùi xa ba thước, nói:
– Lạ quá, lạ quá! Năm nay được mùa mà sao nơi đây thất bát đến nỗi phải ăn cả thịt người? Đứa trẻ này chưa đầy ba ngày mà mang cho tôi giải khát ư?

Thanh Phong nghĩ bụng:

– Vị hòa thượng này xét lời ăn tiếng nói, chỉ là hạng người trần mắt thịt, chẳng biết của quý nhà tiên.

Minh Nguyệt bước lên thưa:

– Thưa lão sư, quả này gọi là “quả nhân sâm” ngài cứ xơi đi, không sao đâu.

Tam Tạng nói:

– Nói bậy, nói bậy! Cha mẹ thai nghén, chịu đựng không biết bao nhiêu khổ cực mới sinh hạ được. Chưa đầy ba ngày trời mà đã mang ra, cho nó là quả ư?

Thanh Phong nói:

– Đúng là thứ quả do cây sinh ra đấy ạ. Tam Tạng nói:
– Nhảm nhí, nhảm nhí! Cây mà lại đẻ ra người sao? Bưng ngay đi! Không ra giống người nữa!

Hai tiên đồng thấy Tam Tạng từ chối nhất định không ăn đành phải bưng vào. Thứ quả này cũng nhiêu khê lắm, để lâu cứng ra, không ăn được. Hai người vào phòng trong, ngồi xuống mép giường đành chia nhau mỗi người ăn một quả.

Chà, câu chuyện rồi lại xẩy ra thế này: Căn phòng ấy ở liền sát tường căn bếp, bên này nói khẽ, bên kia cũng nghe thấy. Bát Giới đang lúi húi nấu cơm trong bếp. Lúc trước nghe thấy nói lấy ngoèo vàng, khay đan, hắn đã để ý. Giờ lại nghe thấy Đường Tăng không biết quả nhân sâm, họ đành mang vào phòng ăn với nhau. Bát Giới thèm quá, chảy nước dãi, nói:
– Giá mà được thưởng thức một quả nhỉ! Nhưng ta thân thể nặng nề ì ạch không hái được. Đợi Hành Giả về bàn mẹo với hắn mới xong.

Thế là Bát Giới chẳng còn bụng dạ nào ngồi nấu cơm nữa, chốc chốc lại thò đầu ra ngó. Một lát sau thấy Hành Giả dắt ngựa về buộc vào gốc cây hòe, rồi đi thẳng ra đằng sau. Chú ngốc vung tay vẫy rối rít gọi:

– Lại đây, lại đây!

Hành Giả quay lại đi đến cửa bếp hỏi:

– Chú ngốc, có việc gì mà gọi nheo nhéo thế? Cơm không đủ hả? Cứ để sư phụ ăn no đi, chúng ta sẽ đến nhà dân xin sau.

Bát Giới nói:

– Anh lại đây, không phải cơm ít đâu, mà là ở quán này có một của quý, anh đã biết chưa?

Hành Giả hỏi:

– Của quý gì?

Bát Giới cười, nói:

– Có nói cho anh, anh cũng chưa thấy; có đưa cho anh, anh cũng chẳng biết cơ mà.

Hành Giả nói:

– Chú ngốc coi thường lão Tôn này quá! Năm trăm năm trước, khi đi học đạo tiên, ta đã từng đi khắp chân trời góc biển, có cái gì mà ta chưa từng thấy?

Bát Giới nói:

– Thế quả nhân sâm anh đã thấy chưa nào? Hành Giả ngạc nhiên nói:
– Quả ấy thì anh chưa được thấy, chỉ nghe nói đó là một thứ
thảo hoàn đơn, ăn vào sẽ sống lâu. Thế quả đó ở đâu?

Bát Giới nói:

– Ở đây có. Tiểu đồng vừa mang hai quả ra mời sư phụ ăn. Nhưng sư phụ không biết, lại bảo đó là đứa trẻ sinh chưa đầy ba ngày, không dám ăn. Hai chú tiểu đồng – đồ vô lại – sư phụ không ăn thì phải mời bọn ta mới đúng. Đằng này chúng lại giấu bọn ta, mang vào phòng bên, mỗi đứa một quả, ăn ngốn ngấu, làm em thèm rỏ dãi. Phải làm thế nào để thưởng thức được một quả chứ nhỉ? Em nghĩ anh tháo vát, tìm cách nào lọt vào vườn trộm vài quả mang về đây bọn mình nếm thử xem sao.

Hành Giả nói:

– Điều đó khó gì, để lão Tôn đi lấy về cho.

Hành Giả co người định chạy vụt đi. Bát Giới giữ lại nói:

– Này anh, lúc nãy em nghe họ nói ở phòng bên rằng: phải dùng cài ngoèo bằng vàng nào ấy mới hái được cơ. Cẩn thận anh nhé, đừng để lộ ra đấy!

Đại Thánh bèn dùng phép tàng hình lẻn vào trong phòng xem xét. Hai người tiên đồng ăn quả xong lại lên điện chuyện phiếm với Đường Tăng, bỏ phòng không. Hành Giả ngó nghiêng bốn phía xem ngoèo vàng để đâu thấy phía trên cửa sổ treo một chiếc gậy một đầu thuôn nhỏ bằng vàng đỏ, dài khoảng hai thước, phía trên là một khối tròn như củ hành, có đục lỗ, xâu một sợi thừng tết bằng lụa xanh, bèn nói:

– Cây gậy này chắc là ngoèo vàng đây.

Bèn lấy xuống, vác ra khỏi phòng, đi thẳng ra phía sau, mở toang cửa, ngẩng đầu quan sát.

Ồ, hóa ra là vườn hoa!

Rào sen giậu báu,
Non bộ quanh co

Hoa lạ tranh đẹp với vầng hồng

Trúc thắm đua xanh cùng mây biếc.

Ngoài đình hóng mát, một vòm liễu rủ khói buông tơ; Trên gác ngắm trăng, mấy khóm tùng xanh màu tím nhạt Đỏ chót chót, lựu như thêu gấm.
Xanh rờn rờn, cỏ tựa thảm nhung. Lan bích sa xanh mướt mơ màng. Nước khe chảy rì rầm một giải.
Cây đan quế, cây ngô đồng bên giếng vàng phấp phới; Cây cẩm hòe luồn giàn ngọc đơm hoa,
Đào nghìn lá, lá hồng chen lá trắng bao la, Cúc tháng chín, vàng ươm hương ngan ngát, Bên đình mẫu đơn, giàn trà mi khép nép, Cạnh khu thược dược, bụi dâm bụt lơ thơ, Quân tử trúc nhìn chẳng chán bao giờ.
Đại phu tùng coi thường sương tuyết.

Chuồng hươu và lồng hạc, Ao vuông với hồ tròn. Nước gợn sóng dập dờn. Đất hoa đùn vàng chất.
Hoa mai nở sắc khoe trong gió bấc, Hải đường chúm chím đón xuân sang.
Thực là: Cảnh tiên đệ nhất chốn nhân gian, Cỏ hoa đệ nhất vùng tây vực.
Hành Giả ngắm nghía mãi, lại thấy một lần cửa, đẩy cửa vào thì ra là một vườn rau:

Rau cỏ bốn mùa đủ, Nào cần, nào nghệ gừng Nào dưa, nào bầu bí, Hành tỏi cùng rau thơm. Kia mướp leo xanh tốt. Đây cà mọc tốt um,
Mã thầy mầm vươn khỏe, Kinh giới, húng xanh rờn.
Hành Giả cười, nói:

– Ông này cũng là một đạo sĩ tự cấp tự túc!

Đi qua vườn rau, lại thấy một lần cửa nữa. Hành Giả đẩy cửa bước vào. Chà! Một cây cổ thụ cực to, cành xanh thơm ngát, lá biếc um tùm, lá trông từa tựa lá chuối, dựng đứng cao hơn nghìn thước, gốc to đến bảy tám ôm. Hành Giả tựa vào gốc cây nhìn lên, thấy cành phía Nam lấp ló một quả nhân sâm rất giống đứa trẻ, cuống quả dính vào ngọn cây, chân tay đung đưa, đầu mặt gật gù, gió thổi qua kẽ lá nghe như tiếng trẻ kêu. Hành Giả vui mừng khôn xiết, trong bụng tấm tắc khen thầm:

– Thứ quả quý quá! Thật là hiếm có, hiếm có!

Bèn bám vào gốc cây, trèo tót lên. Lần đầu trèo cây trộm quả này, Hành Giả quẳng luôn ngoèo xuống đất. Ngoèo vừa chạm đất, quả cũng rụng đánh độp. Hành Giả bèn tụt xuống tìm, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy quả ấy đâu cả. Hành Giả vạch cỏ tìm khắp bốn phía, cũng chẳng thấy dấu vết, bèn nói:

– Lạ thật, lạ thật! Cứ như là có chân biết chạy ấy. Nhưng nó nhảy qua tường thế nào được? Thôi, đúng rồi. Chính lão thổ địa
giữ vườn không cho mình lấy trộm, nên nhặt lấy rồi.

Hành Giả bèn bấm quyết, niệm chú, hô “úm” một tiếng, lôi thần thổ địa giữ vườn đến trước mặt. Vị thần chào Hành Giả:

– Kính chào Đại Thánh. Ngài gọi tiểu thần chắc là có việc gì dặn dò chăng?

Hành Giả nói:

– Nhà ngươi không biết lão Tôn đây là một thằng trộm nổi tiếng thiên hạ, đã từng trộm bàn đào, ngự tửu, linh đơn, chưa từng một kẻ nào dám đòi chia phần, thế mà nay ta mới ăn trộm có một quả nhân sâm, nhà ngươi đã dám cướp phần của ta sao? Quả ấy, nẩy ra ở trên cây, con chim bay qua còn có phần, huống hồ ta ăn một quả thì có hại gì? Thế mà ta vừa ngoèo xuống, nhà ngươi đã cuỗm của ta?

Thổ địa nói:
– Thưa Đại Thánh, ngài mắng oan tiểu thần rồi. Thứ quả quý đó là thức của địa tiên, tiểu thần là quỷ tiên, đâu có quyền dám lấy? Ngay ngửi cũng không có phúc được ngửi nữa là.

Hành Giả nói:

– Nhà ngươi không nhặt thì tại sao quả vừa rơi xuống đã không thấy?

Thổ địa nói:

– Đại Thánh chỉ biết quả này có thể kéo dài tuổi thọ nhưng chưa hiểu xuất xứ của nó.

Hành Giả hỏi:

– Xuất xứ thế nào? Thổ địa thưa:
– Thứ cây quý này, ba nghìn năm mới một lần ra hoa, ba nghìn năm nữa mới kết quả, lại ba nghìn năm nữa mới chín. Trong khoảng một vạn năm chỉ ra được ba mươi quả. Người nào có duyên ngửi được một lần thì sống lâu ba trăm sáu mươi tuổi, ăn một quả thì sống lâu bốn vạn bảy nghìn năm. Chỉ phải cái ngũ hành tương khắc thôi.

Hành Giả hỏi:

– Thế nào là ngũ hành tương khắc? Thổ địa thưa:
– Quả này gặp kim thì rụng, gặp mộc thì khô, gặp thủy thì hóa, gặp hỏa thì héo, gặp thổ thì nhập. Hái quả phải dùng đồ kim khí mới rụng được. Rụng rồi phải đựng trong một cái khay lót vải, nếu không chạm vào đồ gỗ là khô ngay, ăn vào cũng vô ích không thể kéo dài tuổi thọ được. Muốn ăn phải đựng vào đồ gốm, chiêu với nước trong. Quả này gặp hỏa là héo, vô dụng, gặp thổ là chui vào đất. Vừa nãy Đại Thánh chọc rụng, vừa
chạm đất là nó chui vào đất ngay, và đất ấy cũng thọ bốn vạn bảy nghìn năm, cứng hơn cả sắt, có khoan có bổ cũng chẳng ăn thua gì. Có thế, người ta ăn vào mới sống lâu chứ! Đại Thánh không tin, cứ bổ thử chỗ đất này mà xem.

Hành Giả lập tức rút ngay gậy sắt nạm vàng ra, bổ xuống choang một phát, nẩy cả gậy lên, mà chẳng thấy mặt đất có dấu vết gì, bèn nói:

– Đúng thật, đúng thật! Cây gậy của ta bổ đá nát vụn, nện sắt cũng quằn, thế mà chẳng thấy mặt đất xây xát gì. Ta mắng oan nhà ngươi rồi. Thôi, cho nhà ngươi về.

Thổ địa lập tức trở về bản miếu.

Đại Thánh nghĩ ra một cách: một tay dùng ngoèo chọc, một tay kéo vạt áo vải bông căng ra làm túi đựng, rồi chui cành rẽ lá chọc luôn ba quả, đựng vào vạt áo, nhảy xuống, chạy thẳng về nhà bếp. Bát Giới cười, hỏi:

– Anh ơi, có lấy được không? Hành Giả đáp:
– Sao lại không? Lão Tôn đã mang về đây. Cũng đừng giấu Sa
Tăng quả này, gọi hắn một tiếng!

Bát Giới lập tức vẫy tay gọi:

– Ngộ Tĩnh, lại đây!

Sa Tăng đặt gánh hành lý, chạy vào bếp hỏi:

– Có việc gì thế anh?

Hành Giả mở vạt áo ra nói:

– Chú thử đoán xem gì đây? Sa Tăng trông thấy nói:
– Quả nhân sâm.
Hành Giả nói:

– Đúng! Chú cũng biết à? Chắc chú được ăn ở đâu rồi chứ gì? Sa Tăng nói:
– Em chưa được ăn bao giờ, nhưng trước kia, khi làm Quyển Liêm đại tướng, hộ vệ xa giá đến hội Bàn Đào, thường thấy các vị tiên ngoài biển dâng quả này chúc thọ Vương Mẫu. Thấy thì có thấy, nhưng đã được ăn đâu. Anh cho tôi nếm với!

Hành Giả nói:

– Đây, mỗi người một quả.

Ba người chia nhau mỗi người một quả. Bát Giới mồm rộng bụng to, lúc trước thấy hai tiên đồng ăn, bụng đã thấy cồn cào, giờ vừa cầm lấy quả, đã phồng mồm trợn mắt, đút tỏm vào miệng, nhai ngốn ngấu nuốt ực xuống bụng, rồi trợn đôi mắt trắng dã ngớ ngẩn hỏi Hành Giả, Sa Tăng:

– Các anh ăn cái gì đấy? Sa Tăng đáp:
– Quả nhân sâm. Bát Giới lại hỏi:
– Mùi vị thế náo? Hành Giả nói:
– Ngộ Tĩnh, mặc kệ hắn, đã ngốn trước rồi còn hỏi lôi thôi gì. Bát Giới nói:
– Anh ạ, em ăn vội quá, không nhấm nháp thưởng thức như các anh, nên chẳng biết mùi vị ra sao cả, chẳng biết nó có hột hay không nữa, cứ thế nuốt liền. Anh này, đã thương thì thương
[165]
cho trót. Em đã đỡ thèm

rồi, nhưng cho em thêm miếng
nữa, lần này em nhấm nháp thưởng thức từng miếng bé tí thôi.
Hành Giả nói:

– Chú chẳng biết “tri túc” gì cả, thứ này có phải cơm đâu mà nốc cho lắm! Thứ này một vạn năm chỉ kết có ba mươi quả, chúng ta mỗi người được ăn một quả là đã phúc to lắm, không phải thường đâu. Thôi, thôi, đủ rồi.

Nói xong, Hành Giả đứng dậy, cầm ngoèo vàng lao bừa qua cửa sổ, chẳng đếm xỉa gì nữa.

Chú ngốc ta cứ càu nhà càu nhàu mãi, không ngờ hai tiên đồng trở về phòng pha trà mời khách, nghe thấy Bát Giới đang làu bàu rằng: “quả nhân sâm ăn vẫn còn thèm, giá được quả nữa thì mới thỏa”. Thanh Phong nghe vậy, sinh nghi nói:

– Này Minh Nguyệt, anh có nghe thấy lão hòa thượng mõm dài nói rằng: “Quả nhân sâm ăn hãy còn thèm” không? Sư phụ lúc đi có dặn phải đề phòng bọn thủ hạ dò la biết được, hay là họ đã ăn trộm quả quý của chúng ta rồi?

Minh Nguyệt quay lại nói:

– Anh ơi, hỏng rồi, hỏng rồi! Tại sao ngoèo vàng lại rơi xuống đất thế này? Chúng ta mau mau ra vườn xem sao!

Hai người vội vàng chạy ra vườn, thấy cửa vườn hoa đã mở. Thanh Phong nói:
– Chính tay tôi đã đóng cửa vườn, ai lại mở ra thế này?

Vội vàng đi qua vườn hoa vào vườn rau, thấy cửa vườn rau cũng bị mở. Hai người lại vội vàng vào vườn nhân sâm, đứng dưới gốc, ngẩng mặt lên đếm, đếm đi đếm lại, vẫn chỉ còn hai mươi hai quả.

Minh Nguyệt nói:

– Anh biết tất cả có bao nhiêu không? Thanh Phong nói:
– Biết. Nhưng anh nói xem. Minh Nguyệt nói:
– Cả thảy vốn có ba mươi quả, sư phụ vào vườn hái đã chia cho chúng ta hai quả, còn hai mươi tám, vừa nãy hái hai quả mời Đường Tăng, còn hai mươi sáu. Tại sao bây giờ còn có hai mươi hai quả, mất đứt bốn quả! Đúng quân khốn kiếp này ăn trộm rồi. Chúng ta đi mắng cho Đường Tăng một trận.

Hai người rời khu vườn, lên thẳng trên điện, chỉ mặt Đường Tăng xỉ vả, mắng nhiếc, lời lẽ thô tục, nào là hạng đầu trộm đuôi cướp, xấu xa bỉ ổi. Đường Tăng không chịu nổi, nói:

– Các tiên đồng có việc gì mà làm ầm lên vậy. Cứ từ từ thư thả mà trình bày, việc gì phải nói năng hàm hồ thế!

Thanh Phong nói:

– Tai ngài điếc à? Tôi có nói thứ tiếng khác đâu, mà không hiểu. Đã ăn trộm nhân sâm mà lại còn không cho người ta nói!

Đường Tăng nói:

– Quả nhân sâm như thế nào? Minh Nguyệt nói:
– Vừa mang vào mời ngài ăn đấy, ngài chả nói giống đứa trẻ con là gì!

Đường Tăng nói:

– A Di Đà Phật, thứ ấy tôi vừa trông thấy đã sợ hết hồn, đâu dám lấy trộm ăn. Dù có đói chết, tôi cũng chẳng bao giờ làm chuyện trộm cắp, đừng có đổ oan cho người.

Thanh Phong nói:

– Ngài không ăn, nhưng bọn thủ hạ ngài đã lấy trộm. Tam Tạng nói:
– Cũng có thể như vậy. Các vị bớt nóng nảy, để tôi hỏi chúng xem. Nếu đúng họ lấy, thì phải bồi thường.

Minh Nguyệt nói:

– Bồi thường à? Có tiền cũng chẳng mua đâu được! Tam Tạng nói:
– Nếu có tiền cũng không mua được, thì người ta thường có câu “nhân nghĩa đáng nghìn vàng”, tôi bảo chúng lễ tạ xin lỗi cũng được chứ gì. Mà đã chắc đâu chúng ăn trộm!

Minh Nguyệt nói:

– Sao lại không chắc? Chúng chia nhau không đều, cãi nhau ầm ĩ kia kìa.

Tam Tạng gọi:

– Các đồ đệ, lại cả đây! Sa Tăng nghe thấy, nói:
– Hỏng bét, lộ hết rồi! Sư phụ gọi chúng ta, tiểu đồng đang làm ầm ĩ, chẳng phải lời nói gió bay, lộ rồi còn gì!

Hành Giả nói:

– Xấu hổ chết người đi được! Lại là chuyện ăn uống lèm nhèm nữa chứ! Giờ mà nói thực, thì đích thực chúng ta ăn trộm. Chi bằng chối phắt đi là hơn.

Bát Giới nói:

– Đúng lắm, đúng lắm! Cứ chối phắt đi! Ba người bèn ra khỏi nhà bếp, đi lên điện.
Chà, không biết họ chối cãi ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích:
[162][165]
Còn lâu, còn lâu.
Nguyên văn: Xiểm nịnh.
Nguyên văn: Cò không ăn thịt cò
Nguyên văn: Đã điều động con trùng tham của em rồi.