Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ hai mươi ba

Tam Tạng không quên gốc,
Bốn thánh thử lòng thiền

Vâng mệnh sang 
Tây thẳm dặm đường
Gió thu hiu hắt cỏ hoa vàng
Khỉ kia trói buộc cần chi chão
Ngựa nọ ruổi rong há giật cương[156]
Mộc mẫu, kim công lòng vẫn hợp
Hoàng bà, Xích tử gốc thân thương[157]
Cắn đôi đạn sắt ngời tin tức[158]
Bát nhã ba la đến niết bàn.

Hồi này nói về việc trên đường đi lấy kinh, không xa rời đạo, biết chăm lo đến cái gốc của cả đời vậy.

Lại nói chuyện bốn thầy trò giác ngộ đạo chân như, thoát vòng trần tục, vượt qua sông Lưu Sa, hầu như không gặp trở ngại nào cả, cứ thẳng đường lớn sang phương Tây. Trải mấy non xanh nước biếc, ngắm khắp cỏ nội hoa rừng, ngày tháng thoi đưa, thấm thoắt đã sang tiết thu tháng chín. Chỉ thấy:
Rừng phong đỏ khắp núi, Hoa cúc vàng gió thu. Buồn bã rền giọng dế, Ra rả tiếng ve ru.
Xác xơ sen rủ lá, Um tùm quất vàng tơ.
Đáng thương vài hàng nhan, Chấm phá tít cao mờ…
Đang đi bất giác trời đã tối. Tam Tạng nói:

– Đồ đệ ơi, bây giờ trời đã tối rồi, tới đâu tìm chỗ nghỉ chứ? Hành Giả nói:
– Sư phụ nói sai rồi. Người xuất gia ăn gió nằm sương, gội mưa tắm nắng, gặp đâu là nhà đấy, sao lại nói tìm chỗ nghỉ?

Trư Bát Giới nói:

– Anh ơi, anh chỉ biết anh đi tay không, đâu có biết thương đến người gánh nặng? Từ lúc qua sông Lưu Sa, rặt những trèo đèo lội suối, gánh hành lý lại nặng trĩu trên vai, tôi mệt lắm rồi, phải tìm nhà dân, một là nghỉ ngơi ăn uống, hai là di dưỡng tinh thần, thế mới phải chứ!

Hành Giả nói:

– Đồ ngốc, nói năng lại có ý oán hận rồi. Cứ như ở thôn Cao Lão, quen ỷ lại vào người, chẳng biết tự lực là không được đâu. Đã là người theo đạo Sa Môn thì phải chịu đựng cực khổ mới làm được đồ đệ chứ!

Bát Giới nói:

– Anh ơi, anh thử nhìn xem gánh hành lý này nặng bao nhiêu? Hành Giả nói:
– Từ khi có chú và Sa Tăng, tôi có gánh nữa đâu mà biết? Bát Giới nói:
– Để tôi nói cho mà nghe:

Hai đôi sọt mây rừng Tám sợi thừng dài ngắn Lại sợ mưa phùn thấm Chăn bọc ba bốn lần Đòn gánh tre uốn còng Hai đầu đinh sắt đóng
Gậy sắt chín vòng bịt đồng sáng bóng

Áo nan đai mấy, nón lá to xòe…

Lắm thứ như thế, một mình lão Trư gánh hết ngày này sang ngày khác thì chịu sao nổi. Có lẽ một mình anh là đồ đệ của sư phụ, còn tôi là thằng gánh thuê chắc?

Hành Giả cười nói

– Chú ngốc ơi, chú nói với ai đấy? Bát Giới nói:
– Tôi nói với anh chứ ai nữa. Hành Giả nói:
– Chú nói sai rồi. Tôi phải trông nom sư phụ, còn chú và Sa Tăng chuyên gánh đồ chăn ngựa. Nếu lười nhác tôi sẽ nện cho một gậy!

Bát Giới nói:

– Ấy đừng nói đánh, đánh là lấy thịt đè người. Tôi biết tính anh cao ngạo chẳng chịu gánh giúp đâu. Nhưng con ngựa sư phụ cưỡi kia trông thật béo tốt to cao, mà chỉ mỗi một ông sư cưỡi
thôi. Giá anh bảo nó chở hộ mấy thứ, thì mới là tình anh em chứ!

Hành Giả nói:

– Chú bảo nó là ngựa thường sao? Nó chẳng phải là ngựa thường đâu, mà vốn là con trai Tây Hải long vương Ngao Nhuận, tên gọi Long Mã tam thái tử. Do để lửa đốt cháy viên ngọc minh châu trên nóc điện, bị bố tố cáo với Ngọc Hoàng là ngỗ ngược, phạm vào luật trời. May nhờ có Quan Âm Bồ Tát cứu mạng, xin cho sống ở khe Ưng Sầu đợi sư phụ. Lại được Bồ Tát thân đến tận nơi cưa sừng lột vẩy, dứt hạt châu dưới cổ ra, mới biến thành con ngựa, nguyện cõng sư phụ sang phương Tây lễ Phật. Ấy là mỗi người có một công quả riêng, chú đừng tị nạnh nữa.

Sa Tăng nghe vậy hỏi:

– Này anh, đúng rồng thật không? Hành Giả đáp:
– Rồng thật. Bát Giới nói:
– Tôi nghe người xưa nói: Rồng có thể phun mây nhả mù, đất lở cát bay, có tài bạt sơn rẫy núi, thừa sức nghiêng biển dốc sóng cơ mà. Sao hôm nay thấy nó đi ì ạch lắm?

Hành Giả nói:

– Chú muốn nó phóng nhanh, để tôi bảo nó phóng nhanh cho mà xem.

Hành Giả bèn vung gậy sắt nạm vàng, muôn đạo hào quang lấp lánh. Chú ngựa thấy Hành Giả vung gậy, ngỡ bị đánh, sợ quá tung bốn vó phóng như bay. Sư phụ tay yếu kìm lại không nổi. Nó phóng hết sức thẳng tới sườn non, mới bước thong thả. Sư phụ hơi thở vừa định, ngẩng đầu nhìn thấy xa xa dưới bóng rừng
thông có một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ:

Cổng trùm bóng trắc biếc, Nhà sát vách núi xanh.
Mấy hàng tùng mướt mướt, Dăm ngọn trúc thanh thanh.
Bên dậu cúc khoe sắc, Chân cầu lan soi mình. Nhà cửa vôi quét sáng,
Tường gạch bọc xung quanh.

Lâu đài cực tráng lệ, Phòng lớn rất u thâm. Không trâu, dê, gà, chó, Mùa màng chắc đã xong.
Sư phụ đang dừng cương ngắm nghía, bỗng thấy anh em
Hành Giả kéo đến. Ngộ Không nói:

– Sư phụ không bị ngã ngựa chứ ạ? Tam Tạng mắng:
– Đồ con khỉ hỗn láo, nhà ngươi làm con ngựa sợ suýt nữa làm ngã ta.

Hành Giả cười ngất, nói:

– Sư phụ đừng mắng con, tại Bát Giới bảo ngựa đi chậm, nên con bắt nó chạy nhanh lên một tí.

Chú ngốc phải rảo cẳng đuổi theo con ngựa, thở hồng hộc, miệng làu bàu:

– Thôi, thôi, anh chỉ biết mình thôi, không đếm xỉa người khác. Gánh nặng bỏ mẹ, lại còn làm người ta phải lẽo đẽo đuổi
theo con ngựa.

Tam Tạng nói:

– Đồ đệ này, đằng kia có một trang viên, chúng ta hãy tới đó ngủ nhờ đi!

Hành Giả nghe nói vội ngẩng đầu giương mắt nhìn, thấy quả là trên không mây lành vây bọc, khí đẹp bao trùm, trong bụng biết là thần tiên biến hóa, nhưng không dám lộ thiên cơ, chỉ nói:

– Vâng, vâng. Chúng ta đến đấy ngủ nhờ thôi.

Tam Tạng vội vàng xuống ngựa, nhìn thấy một tòa lâu đài chạm trổ điêu khắc, nguy nga tráng lệ. Sa Tăng đặt gánh hành lý xuống. Bát Giới dắt ngựa nói:

– Nhà này giàu sang quá nhỉ!

Hành Giả định bước vào, Tam Tạng ngăn lại, nói:

– Ấy chớ. Ta là người xuất gia, nên tránh sự hiềm nghi, đừng tự tiện xông vào. Hãy đợi trong nhà có người ra, lễ phép xin ngủ nhờ mới được.

Bát Giới buộc ngựa, ngồi ngả tựa vào chân tường. Tam Tạng ngồi trên mặt chiếc trống đá. Hành Giả, Sa Tăng ngồi bên hè nhà. Lúc lâu, chẳng thấy bóng người ra, Hành Giả sốt ruột, đứng dậy đi vào trong cửa nhìn, thấy ba gian nhà to ngoảnh mặt về hướng Nam, rèm cuốn cao. Phía trên cửa, treo một bức hoành phi vẽ cảnh núi thọ biển phúc. Hai bên cột thếp vàng, dán một câu đối bằng giấy đỏ:

Bên cầu liễu yếu tơ buông muộn, Trước viện mai thơm tuyết điểm xuân.
Chính giữa, đặt một chiếc kỷ nhang sơn đen bóng. Trên kỷ đặt một chiếc đỉnh đầu thú, xung quanh có sáu chiếc ghế tựa. Hai bên tường phía đông và phía tây có đặt bức bình phong treo
tranh tứ quý.

Hành Giả đang đứng xem trộm bỗng nghe thấy tiếng chân bước ở phía sau: Một người đàn bà đứng tuổi bước ra, giọng nói ngọt ngào hỏi:

– Ông là ai mà tự tiện vào nhà quả phụ này? Đại Thánh hốt hoảng, dạ dạ vài tiếng rồi nói:
– Tiểu tăng từ nước Đại Đường bên phương Đông, vâng mệnh nhà vua sang phương Tây lễ Phật, cầu kinh. Cả đoàn có bốn người, hành trình tới đây, trời đã tối xẩm, đành vào đây xin
[159]
bà cho ngủ trọ một đêm.

Người đàn bà tươi cười nói:

– Trưởng lão cùng các vị ấy đâu, xin mời cả vào. Hành Giả cất tiếng gọi:
– Mời sư phụ vào.

Tam Tạng cùng Bát Giới, Sa Tăng dắt ngựa, gánh đồ tiến vào.
Người đàn bà bước ra đón, Bát Giới đưa mắt nhìn trộm, thấy người ấy trang điểm:

Mặc áo gấm nhuộm màu quan lục, Quấn khăn hồng rất mực xinh tươi.
Quần nhung thêu cảnh mĩ miều, Hài hoa chân xỏ ra chiều thướt tha. Đúng mốt mới tóc xòa đen nhánh, Nổi vô cùng óng ánh làn mây,
Lược ngà quý phái đẹp thay,

Trâm cài chênh chếch hây hây sắc vàng.

Tóc mai cánh phượng mơ màng,
Bên tai rủ hạt ngọc cườm long lanh.

Phấn son trẻ đẹp bội phần. Phong lưu hơn lúc thanh tân thuở nào.
Người đàn bà nhìn thấy ba người, càng tỏ vẻ vui hơn, lễ phép mời vào trong nhà. Chào hỏi xong, người đàn bà mời mọi người ngồi uống trà. Một tiểu đồng gái tóc búi, từ sau tấm bình phong bước ra, mang đến khay vàng chén ngọc, hương trà thơm ngát, vị quả ngọt ngào. Thiếu phụ vén tay áo, cánh tay trắng muốt thon thả, nâng chén mời từng người. Uống trà xong lại sai dọn cơm chay. Tam Tạng hỏi:

– Bà họ gì ạ? Nơi đây gọi là gì ạ? Thiếu phụ thưa:
– Nơi đây là đất Tây Ngưu Hạ Châu. Tôi họ Giả, nhà chồng tôi họ Mạc. Bố mẹ chồng tôi không may mất sớm, vợ chồng tôi thừa hưởng gia tài, tiền của hàng vạn quan, ruộng tốt hàng nghìn khoảnh. Chúng tôi xấu số, chẳng có con trai, chỉ sinh được ba cháu gái. Năm ngoái, nhà tôi không may qua đời, một mình tôi góa bụa, đến nay đã mãn tang, cơ nghiệp ruộng nương để lại, anh em họ hàng thì không, chỉ có mẹ con tôi thừa kế, muốn đi bước nữa, chẳng lẽ, vứt bỏ cơ nghiệp. May có trưởng lão quá bộ tới đây, thầy trò đúng bốn người. Mẹ con tôi cũng bốn người, đang muốn ngồi nhà kén chồng, thật là hợp quá. Không biết tôn ý các ngài thế nào?

Tam Tạng nghe nói vờ câm giả điếc, nhắm mắt lặng thinh không đáp.

Người đàn bà lại nói:

– Nhà tôi đây có hơn ba trăm mẫu ruộng cấy, hơn ba trăm khoảnh ruộng màu, trang trại vườn tược cũng hơn ba trăm mẫu, trâu bò hơn một nghìn con, lừa ngựa hàng đàn, lợn dê vô số, bốn
phía đông tây nam bắc có đến sáu bảy mươi cánh đồng cỏ, thôn trang, thóc lúa trong kho dùng tám chín năm không hết, lụa là mặc chục năm nay vẫn còn, tiền của tiêu xài suốt đời thừa thãi, đủ mọi thứ gấm vóc lụa là, bạc vàng châu báu. Nếu thầy trò nhà ngài đổi tâm chuyển ý, làm rể nhà này thì sẽ được thoải mái tự do, vui hưởng vinh hoa phú quý, chẳng hơn sang phương Tây vất vả sao?

Tam Tạng vẫn cứ như ngây như dại, chẳng nói chẳng rằng. Người đàn bà nói tiếp:

– Tôi sinh năm Đinh Hợi, ngày ba tháng ba, vào giờ Dậu, chồng tôi hơn tôi ba tuổi. Năm nay tôi bốn nhăm. Con gái lớn của tôi tên gọi Chân Chân, năm nay hai mươi tuổi; cháu thứ hai là Ái Ái, mười tám tuổi; cháu út là Liên Liên, mười sáu tuổi. Cả ba cháu đều chưa hứa gả bán cho ai. Tôi tuy xấu xí, nhưng các cháu đều có chút nhan sắc, việc nữ công thêu thùa đều giỏi cả. Vì chồng tôi hiếm hoi không có con trai, nên nuôi nấng dạy dỗ các cháu như con trai vậy. Lúc nhỏ các cháu cũng được đi học, cũng biết làm câu đối, thơ phú. Tuy ở núi rừng, nhưng cũng khác xa hạng quê mùa thô kệch, tưởng cũng xứng đáng kết duyên cùng các ngài được. Các ngài hãy vứt bỏ ý muốn cũ, để tóc dài, ở đây làm chủ nhà này, ăn sung mặc sướng, chẳng hơn áo thâm bát sành, giày rơm nón lá sao?

Tam Tạng ngồi ở đằng trước khác nào đứa trẻ sợ tiếng sấm, cò sợ gặp mưa, ngây ngây dại dại, ngả người lơ mơ đưa cặp mắt trắng nhìn lên trời. Bát Giới nghe nói đến gái đẹp, giàu sang như thế trong lòng thấy ngứa ngáy không yên, ngồi trên ghế mà như kim châm vào đít, ngả nghiêng nhấp nhổm, nhịn không nổi, bèn chạy lên níu lấy sư phụ nói:

– Thưa sư phụ, cô nương đây đã thưa chuyện với sư phụ, sao sư phụ cứ lặng thinh, phải chiếu cố một chút chứ!
Tam Tạng ngẩng phắt đầu, hừ một tiếng, mắng Bát Giới:

– Đồ nghiệt súc! Chúng ta là người xuất gia, há lại để giàu sang động tâm, gái đẹp loạn trí, thì còn ra thể thống gì nữa?

Người đàn bà cười nói:

– Khổ lắm, đi tu thì sướng nỗi gì? Tam Tạng hỏi lại:
– Thưa bà, thì người tại gia cũng sướng nỗi gì? Người đàn bà đáp:
– Xin trưởng lão ngồi yên, để tôi nói cái sướng của người tại gia cho trưởng lão nghe. Ngài không thấy sao, có bài thơ làm chứng rằng:

Mùa xuân tha thướt bộ quần là Mùa hạ thưởng sen mặc áo sa Thu tới làm men ngâm rượu nếp Đông về sưởi ấm ở lầu hoa
Bốn mùa hưởng thụ đều sung sướng, Tám tiết ăn chơi đủ ngọc ngà. Trướng gấm màn the đèn nến tỏ,
Còn hơn mỏi miệng niệm Di Đà.

Tam Tạng nói:

– Thưa bà, người tại gia hưởng vinh hoa phú quý, ăn sung mặc sướng, con trai con gái đầy nhà. Sướng thật. Nhưng bà không biết người xuất gia cũng có chỗ sướng. Bà không biết sao? Có bài thơ làm chứng rằng:

Xuất gia lập chí phi thường,

Ái ân rũ sạch mọi đường xưa nay.
Ngoại vật coi nhẹ, nhàn thay Âm dương vũ trụ đủ đầy trong ta. Công quả viên mãn chan hòa,
Sáng lòng thấy tính trở về cố hương.

Gấp trăm tham dục người phàm, Những túi da thối, ai màng chi đâu!
Người đàn bà nghe xong, nổi cáu nói:

– Lão hòa thượng này thật vô lễ! Ta không nể nhà ngươi từ phương Đông xa xôi tới đây thì sẽ tống cổ ra. Ta đã thực lòng thực dạ, mang cả gia tài mời các người ở rể, thế mà nhà ngươi lại khích bác ta. Nhà ngươi đã thụ giới, phát nguyện, suốt đời không hoàn tục nữa thì thôi, còn trong số đồ đệ, để cho nhà ta một người cũng được, tại sao lại cứ khăng khăng từ chối thế?

Tam Tạng thấy người đàn bà nổi cáu, chỉ biết ậm ờ cho qua, rồi bảo Ngộ Không:

– Ngộ Không, con ở lại đây nhé! Hành Giả thưa:
– Con từ bé không biết làm việc đó, sư phụ bảo Bát Giới ấy. Bát Giới nói:
– Anh đừng đùa thế. Phải bàn bạc cho kỹ chứ. Tam Tạng nói:
– Hai con không chịu, để ta bảo Ngộ Tĩnh ở lại vậy. Sa Tăng nói:
– Sư phụ, nghe con nói đây. Con chịu ơn Bồ Tát khuyến hóa, đã chịu giới hạnh, chờ đợi sư phụ. Từ ngày đội ơn sư phụ thu nhận con, được sư phụ dạy dỗ, đi theo sư phụ chưa đầy hai tháng, chưa tiến được nửa phân công quả nào, con đâu dám mưu
đồ phú quý! Con thà chết để sang phương Tây, quyết không chịu làm việc dối lòng như thế.

Người đàn bà thấy mọi người từ chối cả, vội vàng quay ngoắt người trở vào sau tấm bình phong, đóng chặt cửa lại, bỏ mấy thầy trò ở bên ngoài, cơm nước không có, chẳng một bóng người. Bát Giới trong lòng bực bội, oán giận Đường Tăng, nói:

– Sư phụ chẳng biết suy tính, cứ nói thẳng ruột ngựa làm hỏng bét cả. Sao sư phụ không tinh ý một chút, cứ ừ ừ bằng lòng để kiếm chút cơm ăn, hưởng một đêm khoan khoái đã, rồi ngay mai nghe hay không nghe là do thầy trò mình chứ. Bây giờ họ đóng chặt cửa không ra nữa, còn lại chúng ta bếp lạnh tro tàn, chịu sao nổi đêm nay!

Ngộ Tĩnh nói:

– Anh hai này, hay anh ở lại làm rể nhà này đi! Bát Giới nói:
– Chú em đừng đùa như thế, nên bàn bạc kỹ đã. Hành Giả nói:
– Còn bàn bạc gì nữa. Nếu chú bằng lòng thì nói với sư phụ làm thông gia với bà ấy. Chú sẽ là một chàng rể gửi thoải mái. Nhà họ giàu có như thế, nhất định sẽ cho chú món của hồi môn kếch sù, sửa soạn một bữa tiệc thật to mời thông gia, chúng tớ cũng được đánh chén, còn chú ở lại đây hoàn tục, thế là vẹn cả hai bề.

Bát Giới nói:

– Nói ra thì đúng như thế đấy. Nhưng chẳng lẽ tôi thoát tục lại hoàn tục, bỏ vợ lại lấy vợ à?

Sa Tăng hỏi:

– Anh hai vốn trước đã có bà chị rồi à?
Hành Giả nói:

– Chú chưa biết đấy thôi, chú ấy trước là con rể của ông Cao Thái Công ở thôn Cao Lão, nước Ô Tư Tạng, sau được lão Tôn đây thu phục. Vả lại, chú ấy trước cũng chịu giới hạnh Bồ Tát, song chưa kịp nghĩ ngợi đã bị tôi bắt về làm hòa thượng, bỏ cô vợ trước theo sư phụ sang phương Tây lễ Phật. Chắc chú xa cách lâu ngày, bây giờ lại tưởng đến cái món ấy, nên vừa nghe đến là sinh lòng dục vọng ngay. Chú ngốc ơi, hay ở lại làm rể nhà này đi! Chỉ cần lạy lão Tôn mấy lạy, lão Tôn sẽ lựa lời cho là xong.

Chú ngốc nói:

– Đừng nói lôi thôi! Ai mà chẳng có bụng ấy, mà cứ độc mang lão Trư ra bêu giếu. Người ta thường nói: Hòa thượng là con ma đói về nữ sắc. Anh nào mà chẳng muốn như vậy? Chẳng qua chỉ vì sĩ diện giả vờ, làm bộ làm tịch, đem việc lành quành ra việc dữ. Bây giờ chè cháo chẳng có, đèn đóm cũng không, người tuy miễn cưỡng chịu đựng một đêm, nhưng còn con ngựa, ngày mai nào là chở người, nào là đi đường phải nhịn đói suốt đêm, có đem mà lột da cho rảnh! Các anh cứ ngồi đây, để lão Trư đi chăn ngựa vậy.

Thế là chú ngốc vội vàng cởi cương, dắt ngựa đi. Hành Giả nói:

– Sa Tăng, chú hãy ngồi đây hầu sư phụ nhé, để lão Tôn đi xem hắn chăn ngựa ở đâu.

Tam Tạng dặn:

– Ngộ Không, con đi xem hắn thì cứ đi, nhưng đừng trêu ghẹo hắn nữa.

Hành Giả thưa:

– Vâng ạ.
Đại thánh ra ngoài hiên nhà, lắc mình một cái, biến thành một con chuồn chuồn ớt, bay về phía cổng đuổi theo Bát Giới.

Chú ngốc dắt ngựa đi, chỗ có cỏ chẳng để ngựa ăn, lại quát tháo đuổi ngựa vòng về phía cửa sau, bỗng thấy người đàn bà cùng ba cô con gái đang đứng ngắm hoa cúc bên ngoài cửa sau. Trông thấy Bát Giới, ba cô lẩn vào trong nhà. Người đàn bà đứng ở trước cửa chào:

– Chú tiểu đi đâu đấy?

Chú ngốc buông cương, dạ một tiếng, bước lên thưa:

– Thưa mẹ, con đi chăn ngựa ạ. Người đàn bà nói:
– Sư phụ nhà chú thật là lầm to. Làm rể nhà tôi lại không hơn làm ông sư vai vác tay mang, thất thểu sang phương Tây à?

Bát Giới cười, nói:

– Họ tuân theo chiếu chỉ của vua Đường không dám trái lệnh, không chịu làm việc ấy. Vừa rồi, ở ngoài nhà, bọn họ cứ vun vào cho con, song con còn ngại ngần chưa quyết, chỉ e mẹ chê con tai to mõm dài thôi.

Người đàn bà nói:

– Mẹ thì chẳng chê đâu, trong nhà đang không có người cai quản, có được một chàng rể là quý rồi. Chỉ ngại mấy em nó chê xấu thôi.

Bát Giới nói:

– Thưa mẹ, mẹ hãy thuyết phục các em đừng có quá kén chọn như thế. Như thầy Đường Tăng của con tuấn tú đẹp trai thật, mà không dùng được việc gì đâu. Con xấu thật, nhưng có mấy lời này…

Người đàn bà hỏi:
– Mấy lời gì? Bát Giới thưa:
– Con đây:

Tuy mặt mũi xấu xí, Nhưng tính rất cần cù.
Ruộng nhà nghìn khoảnh rộng, Cần gì trâu với bò!
Đinh ba con bổ xuống, Mọi việc xong ngay mà… Không mưa con cầu đảo, Không gió con thổi vù, Cửa nhà e lụp xụp,
Hai ba tầng con lo. Sân sướng bẩn con dọn, Cống rãnh tắc con mò. Mọi công to việc nhỏ,
Con đây, sức có thừa!

Người đàn bà nói:

– Đã như vậy thì anh đi thương lượng với sư phụ của anh xem, nếu được, ta sẽ cho ở rể.

Bát Giới nói:

– Không cần phải thương lượng. Ông ấy có phải bố đẻ con đâu. Muốn hay không là do con tất.

Người đàn bà nói:

– Cũng được, để mẹ hỏi các em.
Nói xong quay vào trong nhà, đóng cửa lại. Bát Giới cũng không chăn ngựa nữa, dắt về đằng trước, chẳng hề hay biết Đại Thánh đã nắm hết mọi chuyện. Đại Thánh nghiêng cánh bay vút về, hiện nguyên hình, ra mắt Đường Tăng thưa:

– Thưa sư phụ, Ngộ Năng chăn ngựa đã về kìa. Tam Tạng nói:
– Ngựa nếu không được chăn, chỉ sợ nó lại tung vó đi mất.

Hành Giả cười ngất, mang chuyện người đàn bà và Bát Giới ra kể hết một lượt. Tam Tạng nửa tin nửa ngờ.

Một lát, Bát Giới dắt ngựa về, buộc xong xuôi. Tam Tạng hỏi:

– Con chăn ngựa rồi chứ? Bát Giới thưa:
– Chẳng có cỏ non, không biết chăn ở đâu cả. Hành Giả nói:
– Không có chỗ chăn ngựa, thế chỗ nào “dắt ngựa”[160]
không?

Chú ngốc nghe nói, biết là lộ chuyện, cúi đầu rụt cổ chúm mõm cau mày, chẳng nói chẳng rằng. Bỗng nghe kẹt một tiếng, hai cánh cửa mở ra, thấy hai đôi đèn lồng, một chiếc lư hương, khói thơm nghi ngút, vòng ngọc leng keng, người đàn bà dẫn ba cô con gái đi ra, cất tiếng:

– Chân Chân, Ái Ái, Liên Liên, các con ra chào các vị hòa thượng đi lấy kinh nào!

Ba cô đứng sắp hàng trong nhà, chắp tay thi lễ. Thật là tuyệt sắc giai nhân. Cô nào cô ấy:

Mày ngài mềm mại, Da phấn xinh tươi,
Thướt tha yểu điệu, Mê mệt lòng người.
Vàng đeo tỏa ánh sáng ngời,

Dải áo phơ phất tuyệt vời thanh tao!

Môi xinh chúm chím hoa đào,

Bước đi mỗi bước hương ngào ngạt hương.

Tóc mây lóng lánh hạt cườm,

Áo hoa lẳn tấm thân tròn thơm tho.

Ngu Cơ, Tây Tử kém xa,

Khác nào tiên nữ, Hằng Nga giáng trần!

Tam Tạng chắp tay cúi đầu. Hành Giả lạnh lùng chẳng thiết ngó ngàng, Sa Tăng ngoảnh mặt quay lưng. Chỉ có Bát Giới mắt nhìn ngây dại, lòng dục sục sôi, sóng dâm dào dạt, ngượng ngùng rụt rè, nhỏ nhẹ cất tiếng:

– Phiền các nàng tiên quá, mời các cô hãy quay vào thôi.

Ba cô gái quay vào sau tấm bình phong, đặt đôi đèn lồng ở lại. Người đàn bà hỏi:

– Bốn vị trưởng lão đã bàn nhau để vị nào ở lại kết duyên với con gái chúng tôi chưa ạ?

Ngộ Tĩnh đáp:

– Chúng tôi đã bàn rồi, định để anh chàng họ Trư ở lại làm rể bà đấy.

Bát Giới nói:

– Chú em đừng có vun vén cho tôi, còn phải bàn bạc kỹ đã chứ.

Hành Giả nói:
– Còn bàn bạc quái gì nữa. Lúc ở cổng sau chú đã đàng hoàng gọi bà ấy là “mẹ” rồi còn gì. Bàn bạc gì nữa! Sư phụ sẽ đại diện họ nhà trai, bà đây đại diện nhà gái, tôi sẽ là chủ hôn, Sa Tăng là người mối. Cũng chẳng cần xem “thông thư” tìm ngày lành tháng tốt đâu, hôm nay chính là ngày thiên ân thượng cát rồi, chú lại lạy sư phụ rồi ở đây làm rể là xong.

Bát Giới nói:

– Không được! Không được! Sao lại quá dễ dàng thế. Hành Giả nói:
– Chú ngốc đừng vờ vịt nữa. Cái mồm kia đã gọi “mẹ” ngọt xớt mấy lần rồi lại còn làm bộ. Mau mau gật đầu đi, và dẫn chúng tớ vào đánh chén, thế là hay nhất.

Nói xong, Hành Giả một tay túm lấy Bát Giới, một tay giữ người đàn bà nói:

– Thưa bà thông gia, bà hãy dẫn chàng rể của bà vào.

Chú ngốc ngập ngừng đã định bước vào. Người đàn bà gọi tiểu đồng:

– Con lau bàn ghế, bưng cơm chay mời ba vị bên nhà trai xơi, để ta đưa chú rể vào phòng.

Rồi quay sang phía khác dặn dò nhà bếp sửa soạn đại tiệc sớm mai mời khách. Mọi người vâng mệnh. Ba thầy trò ăn xong, trải giường nệm nghỉ tại phòng khách. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện Bát Giới đi theo bà mẹ vợ vào bên trong, đi hết phòng nọ sang phòng kia, đụng đụng chạm chạm, rặt bị vấp chân vào bục cửa. Chú ngốc nói:

– Mẹ đi chậm chậm một chút, con lạ cửa lạ nhà, mẹ dắt con với.
Người đàn bà nói:

– Đây toàn là nhà kho, nhà xay lúa giã gạo, còn chưa tới nhà bếp nữa kìa.

Bát Giới tấm tắc:

– Nhà người giàu có khác!

Lại tất tất tả tả đi hết phòng nọ góc kia, một hồi lâu nữa mới đến phòng giữa nhà chính. Người đàn bà nói:

– Này con, vừa nãy sư huynh con nói rằng hôm nay là ngày thiên ân thượng cát, đưa con vào làm rể. Mẹ thảng thốt đễnh đãng quên khuấy chưa làm lễ tơ hồng, bây giờ con hãy quay lại đây lạy mẹ tám lạy là xong.

Bát Giới thưa:

– Mẹ dạy phải lắm. Xin mời mẹ ngồi lên để con lạy mấy lạy, vừa là lễ gia tiên, vừa là lạy mẹ, thật là nhất cử lưỡng tiện, đỡ nhiêu khê.

Bà mẹ vợ cười, nói:

– Cũng được. Đúng là một chàng rể thạo việc nhà. Mẹ ngồi đây con lạy đi!

Chà chà, đầy nhà đèn nến sáng trưng, Bát Giới lom khom cúi lạy. Lạy xong, bèn hỏi:

– Thưa mẹ, mẹ cho em nào lấy con ạ? Bà mẹ vợ nói:
– Mẹ khó nghĩ ở chỗ ấy đấy. Gả đứa lớn thì sợ đứa thứ hai tị. Gả đứa thứ hai thì sợ đứa út tị. Muốn gả em út cho con lại sợ đứa lớn tị, cho nên mẹ mới chù chừ chưa quyết.

Bát Giới nói:

– Mẹ ạ, nếu sợ các em tranh nhau, thì mẹ gả tất ba em cho con
là xong, đỡ phải cãi nhau ầm ĩ, làm rối gia đạo.

Bà mẹ vợ nói:

– Lẽ nào lại thế! Một mình con chiếm cả ba em thì không được.

Bát Giới nói:

– Mẹ cứ nói thế, chứ người ta ba thê bảy thiếp thì sao? Giá mà thêm mấy cô nữa, con rể mẹ cũng sẵn sàng thu nhận. Thuở nhỏ, con đã học được phép nhẫn nại, có bao nhiêu vợ con cũng có cách ăn ở được vừa lòng.

Người đàn bà nói:

– Không được, không được! Mẹ có chiếc khăn mặt đây, con trùm lên đầu, che kín mặt, mẹ cho mấy em đến trước mặt con, hễ con sờ phải em nào thì mẹ cho em ấy lấy con.

Chú ngốc nghe theo, nhận lấy chiếc khăn mặt, trùm lên đầu. Có bài thơ làm chứng rằng:

Ngu si không thấu rõ nguyên do, Gươm dục hại mình chẳng biết lo. Xưa nay hôn phối theo chu lễ [161] Giờ rể trùm khăn khéo vẽ trò!
Chú ngốc trùm khăn đâu đấy rồi nói:

– Mẹ gọi các em ra đi! Bà mẹ vợ gọi:
– Chân Chân, Ái Ái, Liên Liên, các con ra cầu duyên trời, kén chú rể nào!

Bát Giới chỉ nghe thấy tiếng vòng ngọc leng keng, mùi lan xạ thơm ngát, khác nào tiên nữ giáng trần, vội vàng thật thà thò tay ra sờ soạng bên nọ bên kia chẳng đụng phải ai, rồi cứ sờ soạng
qua lại mãi, chẳng cần biết có bao nhiêu cô gái, trong bụng chỉ mong vơ được một cô. Nhưng, sờ sang bên đông thì vớ phải cột nhà; quờ sang bên tây thì đụng phải cánh cửa, đằng sau va phải tường gạch, tất tất tả tả, ngã sưng cả mõm, xanh xám mặt mày, ngồi thừ ra, thở hồng hộc nói:

– Mẹ ơi, con gái mẹ tinh quái quá, con chẳng sờ được em nào cả, biết làm thế nào bây giờ?

Người đàn bà nhấc chiếc khăn trùm đầu ra, nói:

– Con ạ, không phải con gái mẹ tinh quái đâu. Chúng nó khiêm nhường, không bằng lòng lấy con đấy.

Bát Giới nói:

– Mẹ ạ, các em không chịu lấy con, hay là mẹ lấy con vậy. Người đàn bà nói:
– Con rể giỏi nhỉ! Chẳng kể trên dưới, dám đòi lấy cả mẹ vợ?
Ba đứa con gái ta khéo tay lắm, đứa nào cũng có móc một chiếc áo lót bằng sợi gấm trân châu, con mặc vừa áo của đứa nào, thì mẹ gả đứa ấy cho.

Bát Giới nói:

– Vâng, vâng! Mẹ mang ngay cả ba chiếc áo ra đây để con mặc thử, con mặc vừa tất là con sẽ lấy tất đấy.

Người đàn bà quay vào trong nhà, rồi chỉ mang ra một chiếc đưa cho Bát Giới. Chú ngốc cởi ngay chiếc áo gấm xanh đang mặc ra, giật lấy chiếc áo lót, mặc vào người, chưa kịp thắt dây, thì phốc một cái, ngã quay ra đất. Thì ra mấy sợi thừng đã trói chặt lấy người, Bát Giới đau đớn không sao chịu nổi. Mấy mẹ con người đàn bà cũng không thấy đâu cả.

Lại nói chuyện Tam Tạng, Hành Giả, Sa Tăng ngủ dậy, đã thấy phương đông trắng bạch, mở mắt ngẩng đầu nhìn xung quanh, chẳng thấy lâu đài nguy nga tráng lệ đâu nữa, thì ra mấy thầy trò ngủ giữa rừng thông. Tam Tạng hốt hoảng gọi Hành Giả. Sa Tăng nói:

– Anh ơi, đúng là chúng ta gặp ma rồi!

Tôn Ngộ Không biết rõ cả, chỉ tủm tỉm cười, nói:

– Chú nói sao? Đường Tăng hỏi:
– Con xem, chúng ta ngủ ở đâu thế này? Hành Giả thưa:
– Ngủ trong rừng thông thích thật. Nhưng không biết chú ngốc ta chịu tội ở đâu rồi?

Tam Tạng hỏi:

– Sao, ai chịu tội? Hành Giả cười, đáp:
– Mẹ con mấy cô gái nhà này hôm qua, hẳn là Bồ Tát biến hóa thử thách chúng ta, chắc đã đi từ nửa đêm rồi, chỉ khổ cho Bát Giới phải chịu tội thôi.

Tam Tạng nghe nói, chắp tay làm lễ. Bỗng thấy một tờ thiếp bay phấp phới trên cành cây bách cổ thụ phía sau. Sa Tăng vội vàng chạy tới giật lấy đưa sư phụ xem. Tờ thiếp viết tám câu tụng rằng:

Lê Sơn lão mẫu ngại chi phàm, Bồ Tát Quan Âm cũng giáng trần, Thêm cả Phổ Hiền, Văn Thù nữa, Biến thành gái đẹp thử lòng tăng,
Đường Tăng đức trọng không nhơ tục, Bát Giới lòng phàm vẫn nặng căm. Nhắn nhủ từ đây nên sửa đổi,
Nếu không chính quả khó muôn phần!

Tam Tạng, Hành Giả, Sa Tăng đang đọc tờ thiếp, bỗng nghe thấy trong rừng sâu có tiếng gọi:

– Sư phụ ơi, trói chết con rồi, cứu con với! Từ nay con không dám thế nữa!

Tam Tạng nói:

– Ngộ Không, có phải Ngộ Năng gọi đấy không? Sa Tăng nói:
– Đúng đấy. Hành Giả nói:
– Chú em, mặc xác hắn. Chúng ta đi thôi. Tam Tạng nói:
– Chú ngốc tuy tâm tính ngu muội bướng bỉnh, nhưng được cái hồn nhiên, khỏe mạnh gánh được hành lý. Vả lại phải nghĩ tới lời Bồ Tát dặn ngày nào, cứu cho hắn đi theo thôi. Chắc từ nay về sau, hắn chẳng dám thế nữa đâu.

Sa Tăng bèn thu dọn chăn chiếu, sắp xếp hành lý. Tôn Đại thánh cởi cương dắt ngựa, đưa Đường Tăng vào rừng sâu tìm. Chà, thế mới là:

Theo chính tu hành nên cẩn thận, Rửa lòng ái dục để quy chận.
Cuối cùng không biết chú ngốc lành dữ thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích:
[156]
Mộc mẫu: tức thủy ngân, chỉ Trư Bát Giới

[157]
Kim công: tức chì, chỉ Tôn Ngộ Không

Hoàng bà: thần của tỳ tạng

Xích tử: thần của tâm

Những từ trên đều là thuật ngữ của Đạo giáo

[158]
Câu này ý nói phải có sự tu luyện công phu mới đạt được chính quả, cũng như muốn nắm bắt được những
hiểu biết chân chính (chân tiên tức) thì cần phải phá vỡ lớp vỏ che đậy bên ngoài rắn chắc (thiết đạn).

[159]
[160] [161]

Nguyên văn: Lão bồ tát

Dắt ngựa: Ở đây còn có nghĩa “dắt mối” (theo nguyên chú)

Chu lễ: Một cuốn sách dạy nghi lễ của Trung Quốc thời xưa