Núi Hoàng Phong, Đường Tăng gặp nạn,
Giữa rừng thâm, Bát Giới lập công
Pháp vốn theo tâm sinh,
Và cũng theo tâm diệt.
Sinh diệt vốn từ đâu?
Phải tự mình phân biệt.
Tất cả ở tâm ta,
Cần gì người khác biết.
Chỉ cần nhiều công phu,
Vặn sắt cho ra huyết.
Thừng nhung xuyên qua mũi,
Buộc vào chỗ hư không.
Buộc vào chốn vô vi,
Quyết tu tâm ráo riết.
Chờ nhận giặc làm con,
Tâm, pháp đều quên hết,
Chớ để nó lừa mình,
Dùng quyền đánh cho chết.
Hiện tâm là vô tâm,
Hiện pháp, pháp ngừng triệt.
Bài kệ trên chính là do pháp sư Huyền Trang làm ra đã triệt để giác ngộ quyển Đa tâm kinh, lòng dạ được khai sáng. Vì trưởng lão luôn luôn tụng niệm giữ gìn, nên chỉ một điểm linh quang cũng thấu tỏ cả.
Lại nói chuyện ba thầy trò đi đường ăn gió nằm sương, đeo trăng đội sao, đi đường chẳng bao lâu trời đã sang tiết hè nóng nực, chỉ thấy:
Hoa tàn bướm hững hờ, Cây cao rộn tiếng ve.
Lửa lựu hoa lập lòe, tấm cuộn tổ, Dưới hồ sen nở, ngát hương đưa.
Một hôm đang đi, bóng chiều đã xuống, họ thấy một thôn trang bên rìa đường, Tam Tạng nói:
– Ngộ Không ơi, con trông kìa: Phương Tây mặt trời đã khuất núi, phương Đông trăng hiện tỏ gương nga, may quá ven đường lại có nhà dân, chúng ta mau vào ngủ nhờ một đêm, sáng mai lại lên đường.
Bát Giới nói:
– Sư phụ nói đúng lắm! Lão Trư cũng đói bụng rồi, vào tạm nhà dân xin cơm chay ăn, thì mới có sức gánh hành lý chứ.
Hành Giả nói:
– Đồ ma quỷ nhớ nhà! Mới xa nhà được vài hôm mà đã càu nhàu rồi!
Bát Giới nói:
– Ông anh ơi, bì làm sao được với ông anh đã quen ăn gió nằm sương. Tôi đi theo sư phụ mấy hôm nay đã đói lử ra rồi, ông anh có biết không?
Tam Tạng nghe vậy, nói:
– Ngộ Năng này, tình nhà ở con còn nặng, không phải là người xuất gia, vậy hãy quay về đi thôi.
Chú Ngốc sợ quá, quỳ xuống thưa:
– Sư phụ đừng nghe lời anh Ngộ Không. Anh ấy nói ngoa lắm. Con có ấm ức gì đâu mà anh ấy bảo con ấm ức, con bụng dạ thật thà, mới nói là đói bụng tìm nhà dân xin cơm ăn, mà anh ấy đã mắng con là đồ quỷ nhớ nhà rồi. Sư phụ ạ, con đã chịu giới hạnh của Bồ tát, lại được sư phụ thương yêu, tình nguyện hầu hạ sư phụ sang phương Tây, con thề không chút chùn bước. Như vậy đã được gọi là “tu hành khổ hạnh”, sao sư phụ lại nói con không phải là người xuất gia?
Tam Tạng nói:
– Đã như thế, thì thôi, con đứng dậy đi!
Chú Ngốc đứng dậy, miệng lầm bà lầm bầm, quẩy gánh hành lý cố sống cố chết đi theo. Chẳng mấy chốc đã tới một cổng nhà
dân bên rìa đường, Tam Tạng xuống ngựa. Hành Giả đón lấy cương, Bát Giới đặt hành lý xuống, ai nấy đứng nghỉ cả dưới bóng cây. Tam Tạng chống gậy tích trượng chín vòng, sửa lại quần áo, bước vào phía cổng, thấy một cụ già ngồi dựa trên chiếc giường tre, miệng lầm rầm niệm kinh. Tam Tạng không dám cao giọng, rón rén bước tới gần nhỏ nhẹ:
[140]
– Chào cụ ạ .
Cụ già vội bước xuống giường, sửa lại quần áo, ra cửa đáp lễ:
– Không dám, xin chào trưởng lão. Ngài từ đâu tới đây? Đến cửa nhà tôi có việc gì?
Tam Tạng đáp:
– Bần tăng là nhà sư nước Đại Đường bên phương Đông, vâng mệnh nhà vua sang chùa Lôi Âm bên phương Tây lễ Phật cầu kinh, đi tới đây thì trời vừa tối, xin cụ làm ơn cho ngủ nhờ một đêm.
Cụ già xua tay lắc đầu, nói:
– Không đi được đâu. Sang phương Tây lấy kinh khó lắm. Nên quay về phương Đông mà lấy kinh thôi.
Tam Tạng không nói, trong bụng trầm ngâm nghĩ ngợi.
– Bồ tát đã bảo sang phương Tây, sao ông già này lại bảo là quay về phương Đông? Phương Đông làm gì có kinh?…
Rồi ngập ngừng băn khoăn không đáp.
Hành Giả sẵn tính ương ngạnh nóng nảy, chịu không nổi, bước tới quát to:
– Ông già kia nhiều tuổi mà chẳng hiểu gì cả. Chúng tôi là những người xuất gia từ phương xa tới ngủ nhờ, sao lại nói những lời gở dọa chúng tôi. Nếu nhà ông chật chội không có chỗ ngủ, thì chúng tôi ngồi dưới gốc cây một đêm cũng xong,
không phiền gì đến ông.
Cụ già túm chặt lấy Tam Tạng, nói:
– Sư phụ ơi, sao ngài không nói gì, mà người đồ đệ má lõm, mồm nhọn, mắt đỏ như con ma ốm kia, lại nổi khùng với người già thế?
Hành Giả cười, nói:
– Ông già này thực không có mắt! Đẹp mã chỉ để ngắm chứ có ăn được đâu. Lão Tôn tuy nhỏ, nhưng rắn chắc như một cục gân.
Cụ già nói:
– Chắc anh có chút tài nghệ gì. Hành Giả nói:
– Không dám khoe, rồi ông sẽ rõ. Cụ già hỏi:
– Quê anh ở đâu? Tại sao lại cắt tóc đi tu? Hành Giả đáp:
– Quê quán Lão Tôn ở động Thủy Liêm, núi Hoa Quả, nước Ngạo Lai, thuộc Đông Thắng Thần Châu. Từ nhỏ đã học làm yêu quái, tên gọi là Ngộ Không, có tài làm đến Tề thiên Đại Thánh. Do chẳng nhận lộc trời, làm phản ở thiên cung, gây nhiều tội ác, nay tai qua nạn khỏi, quay đầu làm sa môn, cầu mong chính quả, bảo vệ sư phụ nhà Đường sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, sá gì non cao dặm thẳm, biển rộng sóng to! Lão Tôn đây đã từng bắt tróc yêu quái, phục hổ hàng rồng, cả những việc lên trời xuống đất, lão Tôn cũng làm được tất. Nếu nhà ta
đây có ma mãnh quấy phá[141]
lão Tôn sẽ trừ cho.
Cụ già nghe xong, cười khà khà, nói:
– Té ra anh chỉ là một hòa thượng bẻm mép. Hành Giả nói:
– Có nhà ông bẻm mép thì có! Mấy hôm nay, đi theo sư phụ mệt lử, hơi đâu mà nói dai.
Cụ già nói:
– Ấy là mệt lử, không nói dai, chứ không thì anh đã quát tháo tôi rồi. Anh đã có tài như vậy thì sang phương Tây được đấy, được đấy! Thế tất cả có mấy người? Xin mời vào trong nhà nghỉ ngơi.
Tam Tạng nói:
– Cảm tạ cụ có lòng thương, chúng tôi có ba người. Cụ già nói:
– Còn người nữa đâu? Hành Giả chỉ tay, nói:
– Ông già mắt hoa rồi, chả phải còn người nữa ngồi dưới gốc cây gì kia?
Cụ già mắt hoa thật. Khi ngẩng đầu nhìn kỹ thấy Bát Giới mặt mũi như thế thì sợ quá, vừa chạy vừa ngã nhào vào trong nhà, kêu:
– Đóng cửa! Đóng cửa! Yêu quái đến! Hành Giả đuổi theo, túm lấy, nói:
– Ông già đừng sợ, hắn không phải là yêu quái đâu, là đồ đệ của sư phụ tôi đây.
Cụ già sợ run, nói:
– Thế ạ, thế ạ! Hòa thượng gì mà người nào cũng xấu thế. Bát Giới đến gần, nói:
– Thưa cụ, nếu cụ lấy tướng mạo xét người thì hoàn toàn sai
lầm. chúng tôi xấu thật, nhưng được việc lắm.
Cụ già đang trò chuyện với ba người ngoài cổng, thì thấy ở mé Nam thôn có hai người trẻ tuổi, một bà cụ già và ba bốn đứa trẻ. Họ thấy một con ngựa bạch, một gánh hành lý, và mấy người đang ồn ào trước cửa, chẳng cần biết mô tê ra sao, đều ùa cả lại, hỏi:
– Có chuyện gì vậy?
Bát Giới quay đầu lại, đôi tai vẫy vẫy, cái mõm dài dẩu ra, thì mọi người sợ quá bỏ chạy tán loạn, vấp ngã lung tung. Tam Tạng vội vàng gọi lại.
– Đừng sợ! Đừng sợ! chúng tôi không phải là người xấu đâu, mà là những nhà sư đi lấy kinh thôi!
Cụ già ra ngoài cổng đỡ cụ bà dậy, nói:
– Bà dậy nào, đừng sợ, sư phụ đây từ nước Đại Đường tới đây. Chỉ có đồ đệ của ngài mặt mũi xấu xí một chút, nhưng lòng họ tốt. Bà hãy gọi các con về đi.
Lúc ấy, bà cụ mới níu lấy ông cụ, còn hai người trẻ mới dẫn các em đi vào.
Tam Tạng ngồi trên chiếc giường tre trong nhà, nói:
– Chỉ tại hai đồ đệ mặt mũi xấu xí, ăn nói thô lỗ, làm cả nhà sợ chết khiếp, làm ta thêm tội nghiệp.
Bát Giới nói:
– Chẳng giấu gì sư phụ, lão Trư này từ ngày đi theo sư phụ, đã bảnh trai lên nhiều đấy. Cứ như khi ở nhà Cao lão, con mà dẩu mõm, vẫy tai thì hai ba chục người phải ngất xỉu.
Hành Giả cười, nói:
– Chú ngốc đừng ăn nói lung tung, hãy dấu cái mặt xấu đi một chút nữa.
Tam Tạng nói:
– Con nghe Ngộ Không nói kìa! Tướng mạo là do tự nhiên sinh thành, con bảo nó dấu làm sao được?
Hành Giả nói:
– Hãy giấu cái mõm như răng bừa ấy vào ngực, đừng có dẩu ra nữa. Còn đôi tai như cái quạt giấy thì quặt ra sau gáy, đừng ve vẩy nữa, thế nghĩa là giấu chứ sao!
Bát Giới thật thà đành giấu mõm, quặt tai đứng hầu bên cạnh sư phụ. Hành Giả gánh hành lý vào cửa buộc ngựa vào gốc cây.
Cụ già dẫn một cậu bé, tay bưng chiếc khay đặt ba chén trà lại mời. Uống trà xong, cụ lại dặn dò chuẩn bị cơm chay. Cậu bé bê chiếc bàn mộc cũ kĩ đã thủng một lỗ, và hai chiếc ghế bong mặt long chân kê ngoài sân, mời ba thầy trò ngồi hóng mát. Tam Tạng bấy giờ mới hỏi:
– Cụ họ gì? Cụ già đáp:
– Tôi họ Vương.
– Cụ được mấy con cháu tất cả?
– Tôi có hai thằng con và đứa cháu nhỏ. Tam Tạng nói:
– Quý hóa quá! Quý hóa quá! Thế năm nay cụ bao nhiêu tuổi? Cụ già đáp:
– Tôi mới sáu mốt.
Hành Giả nói:
[142]
– Quý quá, thế là “hoa giáp trùng phùng” đấy.
Tam Tạng lại hỏi:
– Lúc nãy cụ bảo sang phương Tây lấy kinh khó lắm, là vì sao?
Cụ già đáp:
– Kinh thì chẳng khó, nhưng đường đi thì khó lắm. Về phía Tây thôn chúng tôi khoảng ba mươi dặm có một dãy núi dài tám trăm dặm gọi là núi Hoàng Phong. Trong núi có rất nhiều yêu quái, cho nên tôi nói khó là vì thế. Còn như vị trưởng lão nhỏ này có nhiều tài nghệ thì đi được.
Hành Giả nói:
– Không ngại! Không ngại! Có lão Tôn và sư đệ đây, thì dù chúng có là yêu quái gì, cũng chẳng dám động đến chúng tôi.
Đang trò chuyện đã thấy người con trai bưng cơm đến, bày lên bàn, nói:
– Xin mời các ngài dùng bữa cho.
Tam Tạng vừa chắp tay tụng kinh, Bát Giới đã ăn xong một bát. Tam Tạng đọc mấy câu kinh chưa xong, thì chú ngốc đã ăn xong ba bát. Hành Giả nói:
– Cái hạng túi cơm này, y như đồ quỷ đói ấy! Cụ Vương thấy Bát Giới ăn nhanh, biết ý nói:
– Vị trưởng lão này chắc đói lắm, mau xới thêm cơm lên đây.
Chú ngốc đúng là to bụng, cứ cúi gầm mặt nuốt một chập mười mấy bát liền. Tam Tạng, Hành Giả, mỗi người ăn không đầy hai bát. Chú ngốc vẫn chưa thôi, ngồi chén hoài. Cụ Vương nói:
– Trong nhà chẳng còn sơn hào hải vị gì, nên chẳng dám mời nhiều, xin dâng thêm một liễn cơm nữa.
Tam Tạng, Hành Giả cùng nói:
– Xin đủ ạ.
Bát Giới nói:
– Cụ nói gì vậy? Có ai bói toán gì đâu mà hào năm với hào
[143]
sáu
, còn cơm thì xin cứ mang nữa ra đây.
Chú ngốc ăn một hơi hết sạch nồi cơm nấu cho cả nhà, mà vẫn nói là mới lửng bụng.
Cơm xong, người nhà thu dọn mâm bát, dọn chiếc giường tre trên nhà làm nơi ngủ.
Sớm hôm sau, Hành Giả đóng yên cương, Bát Giới thu xếp hành lý. Cụ Vương lại bảo cụ bà sửa soạn một chút canh nóng điểm tâm mời ba thầy trò. Ăn xong, ba người từ biệt lên đường. Cụ Vương nói:
– Nếu đi đường có xảy ra điều gì, xin cứ lại về đây. Hành Giả nói:
– Cụ đừng bàn chùn thế. Chúng tôi là những người xuất gia không bao giờ lùi bước đâu.
Nói đoạn, thầy trò quất ngựa, gánh đồ thẳng đường sang phương Tây.
Chà! Chuyến đi này:
Quả không đường phẳng sang Tây Trúc, Hẳn có tà ma xảy nạn to.
Ba người mới đi chưa được nửa ngày, quả nhiên gặp một tòa núi cao rất hiểm trở. Tam Tạng dừng ngựa quan sát. Quả là:
Núi cao đèo dốc gập ghềnh,
Khe sâu thăm thẳm, chênh vênh đường vòng.
Suốt quanh nước réo ỳ ầm,
Hoa rừng đua nở tưng bừng nơi nơi.
Núi cao nào có thấu trời,
Thế mà đỉnh núi quyện vời mây xanh.
Suối sâu, sâu có bâu lăm, Thế mà đáy suối sát tầng âm ty. Phía trước mây nổi xầm xì,
Sừng sững vách đá trông thì phát run.
Đằng sau quanh quất động hang, Nước rơi từng giọt tình tang đêm ngày. Hươu nai ngơ ngác từng bầy
Mới hay sóng lật hiện ra thuồng luồng.
Ù ù gió thổi trên hang,
Trong đám cỏ rậm chim ngàn vút cao.
Rừng sâu thú chạy ào ào.
Lang trùng vun vút, ai nào chẳng kinh.
Chính là lúc động rung rinh.
Động thành núi thẳm, núi thành động sâu.
Muôn tầng núi ngọc xanh mầu. Sương mù giăng kín khác nào lụa sa.
Sư phụ buông cương khoan bước, Tôn đại thánh dừng mây đi chậm, Trư Ngộ Năng gánh bước từ từ. Họ đang ngắm nhìn ngọn núi, bỗng một trận gió lốc bốc cuồn cuộn, Tam Tạng ngồi trên mình ngựa sợ hãi, gọi:
– Ngộ Không ơi, gió nổi rồi đấy! Hành Giả nói:
– Gió thì sợ quái gì, gió chỉ là thời khí của bốn mùa, việc gì mà sợ!
Tam Tạng nói:
– Ngọn gió này độc lắm, không giống gió thường đâu. Hành Giả nói:
– Làm sao sư phụ biết không phải gió thường? Tam Tạng nói:
– Con nhìn kìa:
Ào ào cuồn cuộn bay tung
Mù mù mịt mịt chín tầng trời xanh.
Qua đèo cây rít ầm ầm.
Rừng sâu cây cối đổ nằm đông tây.
Bên bờ gốc liễu lung lay,
Hoa trong vườn rụng lá bay xạc xào.
Thuyền chài thu lưới buộc vào,
Thuyền khách buồm hạ, buông neo vững vàng
Người đi chẳng thấy mặt đường, Tiều phu gánh củi hãi hùng dừng chân. Vượn trong rừng quả chạy tan,
Hươu trong bụi cỏ hoang mang trốn rồi.
Vách non quả lộp bộp rơi, Dưới khe tùng trắc lá sôi ào ào. Cát bay đá lở đất nhào,
Sông nghiêng biển lật sóng trào vút lên.
Bát Giới bước lên ngăn Hành Giả, nói:
– Sư huynh ơi, gió to quá, chúng ta tạm ẩn vào đâu một tý. Hành Giả cười, nói:
– Chú hèn lắm! Mới có gió to đã tìm chỗ trốn. Vậy giáp mặt yêu quái thì sao?
Bát Giới nói:
– Anh không nghe câu nói: “Tránh gái như tránh giặc, che gió như che tên” sao? Chúng ta ẩn vào đâu một tý có hề gì?
Hành Giả nói:
– Thôi đừng nói nữa, để anh túm luồng gió này ngửi xem sao. Bát Giới cười, nói:
– Sư huynh rặt nói khoác, gió mà lại túm được! Dù có túm được thì nó cũng tuột ra mất chứ!
Hành Giả nói:
– Chú không biết lão Tôn này có phép “túm gió” à?
Nói xong, Hành Giả để mặc cho ngọn gió đi qua, rồi túm lấy đuôi ngọn gió lại ngửi, thấy có mùi tanh tanh, bèn nói:
– Đúng là không phải gió lành. Cứ như mùi gió này nếu không phải gió hùm beo, thì cũng là gió yêu quái. Chắc có chuyện chẳng lành đây.
Chưa dứt lời, đã thấy dưới sườn núi có một con mãnh hổ lông đốm vẫy đuôi nhảy vọt ra. Tam Tạng sợ quá, ngồi không vững ngã lăn xuống đất, nằm lịm bên vệ đường hồn bay phách tán. Bát Giới quẳng hành lý, vác đinh ba, không đợi Hành Giả xông đến quát vang:
– Nghiệt súc kia, chạy đi đâu?
Rồi xông lên, nhằm đầu hổ bổ xuống. Con hổ dựng đứng người lên, giơ vuốt chân trái ra trước, nhằm ngực mình cào rách soạt một tiếng, lột bộ lốt hổ ra, đứng thẳng ở ven đường, trông thật là hung dữ:
Toàn thân như tắm máu tanh lòm.
Hai cẳng cong queo thắm tựa son. Mái tóc loăn xoăn vàng tựa lửa,
Đôi mày ngang ngạnh dựng cao lên.
Bốn nanh trắng ởn thò bên mép, Hai mắt tròn xoe rực lửa hờn, Hùng hổ ra oai mõm dọa dậm, Hung hăng hò hét miệng gào tuôn.
Quái vật quát:
– Hãy khoan! Ta chẳng phải ai xa lạ, mà chính là tướng tiên phong của Hoàng Phong đại vương, nay vâng lệnh đại vương đi tuần tra quanh núi, bắt mấy thằng phàm phu làm đồ nhắm. Nhà ngươi là hòa thượng ở đâu mà dám dùng binh khí đánh ta.
Bát Giới mắng:
– Đồ súc sinh kia, ngươi không nhận ra ta sao? Chúng ta không phải là những kẻ qua đường bình thường, mà là đồ đệ của Tam Tạng, em đức vua nước Đại Đường bên phương Đông vâng mệnh nhà vua sang phương Tây lễ Phật cầu kinh. Ngươi mau mau cút đi nơi khác để chúng ta đi, đừng làm sư phụ ta sợ hãi, thì ta sẽ tha chết cho. Nhược bằng cứ ngông cuồng cản trở, thì cây đinh ba này sẽ không nể mặt các ngươi đâu!
Yêu quái không chờ Bát Giới nói hết, xông vào vứt bộ lốt, nhằm mặt Bát Giới mà cào. Bát Giới vội vàng nghiêng người né tránh rồi múa đinh ba đánh lại. Yêu quái không có binh khí đành quay người chạy, Bát Giới đuổi theo. Chạy tới sườn núi, yêu quái lấy ra hai cây đao bằng đồng đỏ giấu trong đống đá ngổn ngang, quay lại đón đánh Bát Giới. Hai bên đánh nhau trên sườn núi rất kịch liệt. Hành Giả đỡ Đường Tăng dậy, nói:
– Sư phụ đừng sợ, hẵng ngồi đây để lão Tôn lại giúp Bát Giới
đánh chết yêu quái.
Tam Tạng ngồi dậy, run rẩy sợ hãi, luôn miệng lẩm bẩm niệm
Đa tâm Kinh.
Hành Giả rút gậy sắt ra, hét vang:
– Bắt lấy nó!
Lúc ấy, Bát Giới phấn chấn tinh thần, yêu quái thua chạy. Hành Giả quát:
– Không tha nó, đuổi theo mau!
Hai người vác đinh ba, gậy sắt đuổi xuống núi. Yêu quái sợ quá, bủn rủn chân tay, bèn dùng kế “ve sầu lột xác”, cuộn một vòng, hiện nguyên hình là một con mãnh hổ. Hành Giả và Bát Giới đâu chịu buông tha, đuổi theo miết, quyết trừ cho bằng được. Yêu quái thấy hai người đuổi đến gần, vội móc vào ngực, trút lốt da ra, lấy cỏ phủ lên tảng đá hình hổ nằm, thoát thân biến thành một trận cuồng phong chạy về lối cũ, chợt nhìn thấy Đường Tăng đang ngồi niệm Đa tâm kinh, bèn chộp lấy bắt đi. Thật đáng thương cho Tam Tạng:
Giang Lưu số định nhiều tai ách, Cửa Phật tu hành thật khó khăn.
Tên quái mang Đường Tăng về tới cửa động, ngừng gió, nói với bọn canh cửa rằng:
– Mau vào báo cho đại vương biết, biết Hổ tiên phong bắt được một hòa thượng, đang chờ lệnh ở ngoài cửa.
Tên chúa động truyền lệnh cho vào. Hổ tiên phong, lưng dắt hai thanh đao đồng đỏ, hai tay bê Đường Tăng bước vào, quỳ xuống thưa:
– Bẩm đại vương, tiểu tướng bất tài vâng lệnh đi tuần quanh núi, bỗng gặp một hòa thượng là pháp sư Tam Tạng, em vua nước Đại Đường bên phương Đông sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, hắn đã bị tiểu tướng bắt sống đem dâng để dùng vào bữa tiệc.
Chúa động nghe xong, giật nảy mình, nói:
– Ta nghe trước đây có người nói rằng: Pháp sư Tam Tạng là bậc thần tăng vâng mệnh vua Đường sang phương Tây lấy kinh,
hắn có một đồ đệ tên là Tôn Hành Giả thần thông biến hóa, võ nghệ cao cường thế mà tại sao nhà ngươi bắt được hắn?
Hổ tiên phong đáp:
– Hắn có hai tên đồ đệ. Một tên tai to mõm dài, sử dụng một cây đinh ba chín răng. Còn tên kia mắt lửa ngươi vàng, sử dụng một cây gậy sắt bịt vàng. Chúng đuổi đánh tiểu tướng, tiểu tướng phải dùng kế “ve sầu lột xác”, biến thân mình thành hư ảo, quay lại bắt ngay hòa thượng đem nộp đại vương, gọi là chút lễ mọn để đại vương nhắm rượu.
Tên chúa động nói:
– Tạm chưa thịt hắn vội. Hổ tiên phong nói:
– Thưa đại vương, miếng ngon để mồm mà không ăn thì là vồ dại đấy!
Chúa động nói:
– Nhà ngươi không biết. Ăn thịt hắn thì khó gì, chỉ ngại hai tên đồ đệ đến đây làm phiền thì không ổn. Hẵng trói hắn vào cột định phong ở vườn sau, đợi dăm ba ngày, không thấy hai tên kia đến gây sự, lúc ấy, một là người hắn sạch sẽ, hai là tránh được miệng tiếng, mặc chúng ta bung nấu, rán kho, tha hồ tùy ý đánh chén có thú hơn không?
Hổ tiên phong mừng lắm:
– Đại vương mưu kế sâu xa, nói chí lý lắm! Rồi hắn gọi đàn em:
– Chúng bay đâu, mang nó đi!
Bảy tám tên lâu la đứng cạnh lôi Đường Tăng lại, lôi đi chẳng
[144]
khác con quạ tha gà con
. Đó thật là:
Khốn cùng Tam Tạng mong Hành Giả, Hoạn nạn Đường Tăng nhớ Ngộ Năng.
Tam Tạng thầm kêu:
– Đồ đệ ơi, không biết các con hàng yêu bắt quái ở đâu, mà để thầy bị ma bắt thế này. Gặp nạn này biết bao giờ mới lại được gặp nhau. Trời ơi, các con mau đến sớm cứu thầy, nếu chậm, mạng thầy e khó toàn mất.
Tam Tạng vừa than thở, vừa nước mắt như mưa.
Lại nói chuyện Hành Giả, Bát Giới đuổi hổ xuống chân núi thấy con hổ ngã lăn nằm phủ phục ở rìa núi. Hành Giả bèn vung gậy giáng mạnh một phát, đến nổi ê ẩm cả tay, Bát Giới cũng bồi thêm một phát đinh ba nữa, đến nỗi răng đinh ba bật long lên, thì té ra đấy chỉ là một tấm da hổ trùm lên một tảng đá hình con hổ nằm. Hành Giả giật mình, nói:
– Hỏng, hỏng! Trúng mưu của nó rồi. Bát Giới hỏi:
– Trúng mưu gì? Hành Giả đáp:
– Đây gọi là phép “ve sầu lột xác”, hắn phủ tấm da hổ ở đây, còn người thì chạy mất. Chúng ta mau quay về xem sư phụ ra sao, kẻo trúng độc kế của nó mất.
Hai người vội vàng quay lại, thì đã không thấy Tam Tạng đâu cả.
Hành Giả gầm lên như sấm:
– Hỏng bét, sư phụ bị nó bắt mất rồi!
Bát Giới vội vàng dắt lấy ngựa, mắt đẫm lệ, nói:
– Trời ơi, trời ơi! Biết tìm sư phụ ở đâu bây giờ?
Hành Giả ngẩng đầu, nói:
– Đừng khóc nữa. Khóc làm mất nhuệ khí. Chắc nó chỉ quanh quẩn ở núi này, ta phải đi tìm ngay.
Hai người xông thẳng vào giữa dãy núi, trèo hết ngọn này đỉnh nọ một hồi lâu, bỗng thấy bên vách núi có một tòa động phủ, bèn đứng lại quan sát, thấy quả là hiểm yếu:
Vách đá chon von, Lối đi quanh quất.
Rặng thông, khóm trúc rườm rà, Bụi liễu, hàng dương xanh mướt.
Sườn non đá xếp ngổn ngang, Rừng sâu chim vui ríu rít. Vách núi nước vỗ ỳ ầm,
Bờ cao suối reo róc rách.
Mây trời lớp lớp, Cỏ ngọc xanh xanh.
Cáo thỏ chạy tung tăng, Hươu nai dương sừng húc.
Tùng bách lâu năm bờ suối mọc, Sườn non muôn thuở rủ đầy mây. Chót vót chon von hơn núi Nhạc, Hoa bay chim hót quả Thiên Thai.
Hành Giả nói:
– Bát Giới này, chú hãy đem hành lý giấu vào trong hốc núi, giấu cả ngựa đi đừng để lộ ra, để tôi đến cửa động bắt yêu quái, cứu sư phụ.
Bát Giới nói:
– Không phải dặn dò lôi thôi, cứ đi mau lên!
Hành Giả xốc lại áo, buộc lại chiếc quần da hổ, rút gậy sắt, xông tới cửa động, thấy bên trên cửa động có sáu chữ to “động Hoàng Phong núi Hoàng Phong”, bèn đứng thế đinh tấn, nắm chắc gậy, quát:
– Yêu quái kia, mau trả sư phụ cho ta, nếu không ta sẽ phá tan sào huyệt, san bằng hang động của chúng bay!
Bọn tiểu yêu nghe nói, sợ hãi run rẩy, chạy vào báo:
– Ngoài cửa động có một hòa thượng mặt lông, mõm nhọn như ông thiên lôi, tay cầm cây gậy sắt to sụ đến đòi sư phụ.
Tên chúa động sợ hãi gọi Hổ tiên phong đến bảo:
– Ta dặn ngươi đi tuần, chỉ được bắt trâu rừng lợn lòi, hươu to dê béo thôi, tại sao lại bắt cả Đường Tăng, để đồ đệ hắn tới đây phá rối, biết làm sao bây giờ?
Hổ tiên phong nói:
– Đại vương cứ yên tâm ăn no ngủ kỹ. Tiểu tướng tuy bất tài, xin mang năm mươi tên lính bắt tên Tôn Hành Giả nào đó, mang về thịt luôn một thể.
Tên chúa động nói:
– Ngoài những thủ lĩnh lớn nhỏ ra, ta còn dăm bảy trăm lính nữa, cho nhà ngươi tùy ý chọn bao nhiêu cũng được, cốt sao bắt được Hành Giả thì ta mới yên tâm chén lão hòa thượng được. Ta bằng lòng kết nghĩa anh em với nhà ngươi, nhưng chỉ lo bắt không nổi hắn, mà nhà ngươi bị thua, lúc ấy cũng đừng oán ta nhé!
Hổ tiên phong nói:
– Đại vương cứ yên tâm, để tôi đi.
Đoạn điểm ngay năm mươi tên lính tiểu yêu khỏe mạnh, đánh trống phất cờ, dắt hai thanh đao bằng đồng đỏ mở cửa bước ra, quát:
– Nhà ngươi là hòa thượng khỉ ở đâu, dám đến cửa nhà ta sừng sộ nỗi gì?
Hành Giả mắng:
– Đồ súc sinh lột da kia, nhà ngươi giở trò thoát xác bắt sư phụ ta còn hỏi cái gì? Mau trả sư phụ cho ta thì ta tha chết cho!
Hổ tiên phong nói:
– Sư phụ nhà ngươi ta bắt để làm bữa cho đại vương ta đây, biết điều thì ngươi hãy cút ngay! Nếu không ta sẽ bắt nốt cả ngươi cùng thịt một thể, như thế mới là “mua một con lại được thêm một con” chứ!
Hành Giả nghe xong, bừng bừng nổi giận, hàm răng nghiến ken két, hai mắt trợn tròn xoe, rút gậy ra quát:
– Nhà ngươi tài nghệ được bao lăm mà khoác lác thế? Chớ có chạy, hãy nhìn cây gậy đây!
Hổ tiên phong vội giơ đao đón đỡ. Hai bên mang hết tài năng đánh nhau kịch liệt:
Quái vật là quả trứng gà
Ngộ Không trứng đá thật là rắn thay!
Dao kia đấu với gậy này, Trứng chọi với đá có ngày vỡ tan. Gà đồng tranh với phượng loan,
Sẻ non đấu quạ có toàn được đâu?
Yêu quái phun gió ào ào,
Ngộ Không thổi khói bay cao ngút trời.
Giao tranh mới được dăm hồi, Tiên phong mất vía rụng rời chân tay. Quay đầu bỏ chạy như bay,
Ngộ Không ráo riết đuổi ngay tức thì.
Hổ tiên phong không địch nổi, quay đầu chạy. Mới vừa trót khoác lác trước mắt tên chúa động, nên không dám quay về động nữa, chạy thẳng ra sườn núi lẩn trốn. Hành Giả không chịu buông tha, cắp gậy đuổi theo ráo riết, hò hét vang trời. Khi đuổi tới chỗ hốc núi tránh gió, Hành Giả ngẩng đầu nhìn thấy Bát Giới đang chăn ngựa, bỗng nghe tiếng hò hét ầm ầm, quay đầu nhìn, thấy Hành Giả đang đuổi yêu quái Hổ, bèn buông ngựa, vác ngay đinh ba đâm chéo một phát vào đầu. Than ôi, Hổ tiên
[145]
phong, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa
, bị một phát đinh ba của
Bát Giới, chín lỗ máu phun ngầu đỏ, khắp đầu óc trắng phọt ra. Có bài thơ làm chứng rằng:
Năm bảy năm xưa học chính tông, Ăn chay, giác ngộ đạo chân không. Thực lòng bảo vệ Đường Tam Tạng, Vừa nhập Sa môn đã lập công.
Chú ngốc một chân dẫm lên lưng hổ quái, hai tay cầm đinh ba tiếp tục đâm. Hành Giả thấy vậy, mừng lắm, nói:
– Chú đâm mạnh vào! Hắn dẫn mấy chục tên tiểu yêu ra đánh nhau với lão Tôn, bị ta đánh thua, nhưng hắn không chạy vào động, mà lại chạy đi tìm chỗ chết. May có chú đánh tiếp, không thì nó lại chạy mất.
Bát Giới hỏi:
– Có phải chính hắn biến thành gió bắt sư phụ không? Hành Giả đáp:
– Phải!
Bát Giới hỏi:
– Anh có hỏi hắn sư phụ ở đâu không? Hành Giả đáp:
– Hắn nhốt sư phụ ở trong động, định thịt cho thằng đại vương nào đó ăn. Lão Tôn giận quá đuổi đánh hắn tới đây, thì chú kết liễu tính mạng. Chú em ơi, công lao này là của chú đấy. Chú lại tiếp tục giữ ngựa và hành lý nhé, đợi anh lôi cái thây này đến cửa động khiêu chiến phải bắt bằng được con yêu già ấy, thì mới cứu được sư phụ.
Bát Giới nói:
– Anh nói đúng lắm! Thôi anh đi đi, nếu nó thua, anh lại đuổi nó đến đây để lão Trư rạch thịt nó ra nhé!
Thế là Hành Giả một tay cầm gậy sắt, một tay kéo xác hổ quái đi, đi thẳng đến cửa động. Thật là:
Pháp sư gặp nạn hổ già,
Hai trò tương đắc trừ ma giúp thầy.
Chưa biết lần ày Hành Giả có hàng phục được quái, cứu được Đường Tăng không, xem hồi sau sẽ rõ.
Chú thích:
[140] Nguyên văn: Chào thí chủ
[141] Nguyên văn: ném đá ném gạch, rồi kêu mở cửa
[142] Theo lịch Trung Quốc, sáu mươi năm gọi là một hoa giáp, hết lại quay lại từ đầu. Vì vậy, sáu mươi mốt tuổi, Hành Giả gọi là “hoa giáp trùng phùng”.
[143] Chữ Hán là quẻ bói đồng âm với chữ hào là món ăn ngon. Ở đây tác giả chơi chữ là cách sử dụng từ đông âm dị nghĩa.
[144] Nguyên văn: chim ưng tha chim sẻ
[145] Nguyên văn: thoát thân muốn nhảy ra khỏi lưới, lại gặp rọ của ông chài.