Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ mười lăm

Núi Xà Bàn các thần ngầm giúp sức
Khe Ưng Sầu long mã thắng yên cương

Lại nói chuyện Hành Giả hầu hạ Đường Tăng sang phương Tây, đã đi được mấy ngày. Đang tiết tháng chạp, trời rét, gió bấc thấu xương, băng giá lạnh lẽo. Đường đi toàn là sườn non dựng đứng chon von, vách núi gập ghềnh hiểm trở. Tam Tạng ngồi trên mình ngựa, nghe văng vẳng tiếng nước chảy ào ào, bèn quay lại hỏi:

– Ngộ Không, nước réo ở đâu thế nhỉ? Hành Giả đáp:
– Con nhớ chỗ này gọi là khe Ưng Sầu, núi Xà Bàn, chắc là nước réo ở khe ấy.

Chưa dứt lời, ngựa đã tới bờ khe. Tam Tạng dừng cương xem xét. Chỉ thấy:

Ầm ầm mạch nước luồn mây chảy, Lớp lớp sóng xô rực ánh hồng.
Lộp độp mưa đêm miền động thẳm, Long lanh ráng sớm lóa hầu không.
Sóng tung nghìn trượng phun châu ngọc, Nước réo một luồng bạt gió đông.
Vạn khoảnh nước xuôi mờ sương khói, Ngư ông chẳng gặp, cốc cò không.

Hai thầy trò đang ngắm nghía, bỗng nghe đánh ầm một tiếng ở giữa lòng khe, một con rồng nhô ra, đạp sóng rẽ nước, trườn lên sườn núi vồ trưởng lão. Hành giả hốt hoảng vứt hành lý, ôm Đường Tăng xuống ngựa, cắm đầu chạy miết. Con rồng đuổi không kịp, trở lại nuốt chửng con ngựa bạch lẫn yên cương, rồi lặn xuống nước mất tăm. Hành Giả vác sư phụ lên đồi cho ngồi, quay trở lại dắt ngựa gánh đồ, nhưng chỉ còn gánh hành lý, không thấy ngựa đâu cả, bèn gánh hành lý đến trước mặt sư phụ, nói:

– Sư phụ ạ, con rồng quái ác ấy biến mất rồi, còn con ngựa cũng sợ chạy đâu mất.

Tam Tạng nói:

– Đồ đệ ơi, làm thế nào tìm được ngựa bây giờ? Hành Giả nói:
– Sư phụ cứ yên tâm, để con đi xem sao.
Hành Giả nhảy vút lên không trung, lấy tay che đôi mắt lửa ngươi vàng cho khỏi chói, nhìn kỹ khắp nơi, chẳng thấy dấu vết con ngựa đâu sất, đành nhảy xuống nói:

– Sư phụ ạ, con ngựa của chúng ta chắc là bị con rồng ăn thịt rồi, con nhìn khắp nơi không thấy.

Tam Tạng nói:

– Đồ đệ này, con rồng miệng to bao nhiêu mà nuốt nổi con ngựa lẫn yên cương? Hay là nó sợ hãi giật đứt cương, nấp vào hốc núi nào chăng? Con tìm kỹ lại xem!

Hành Giả thưa:

– Sư phụ không biết tài nghệ của con. Đôi mắt con ban ngày nhìn thấy việc lành dữ ngoài nghìn dặm. Trong vòng nghìn dặm con chuồn chuồn bay qua con cũng trông thấy, huống hồ con ngựa to như vậy lại không trông thấy sao?

Tam Tạng nói:

– Nếu nó ăn thịt rồi, thì ta đi làm sao! Khổ quá, trăm núi nghìn sông đi đứng sao đây?

Nói xong nước mắt ròng ròng.

Hành GIả thấy sư phụ khóc, không kìm nổi sự bực tức, to tiếng nói:

– Sư phụ đừng khóc lóc nữa, cứ ngồi đây, ngồi đây đợi lão
Tôn đi tìm con quái vật ấy, bắt nó phải trả lại ngựa là xong!

Tam Tạng giữ Hành Giả lại hỏi:

– Đồ đệ tìm nó ở đâu? Chỉ sợ nó từ lòng đất chui ra bắt cả ta nữa. Lúc ấy người và ngựa đều mất cả thì làm sao?

Hành Giả nghe nói, càng bực tức, gầm lên như sấm:

– Sư phụ thật hồ đồ! Muốn có ngựa cưỡi lại không muốn cho con đi. Cứ ngồi đây trông hành lý đến già à?
Hành Giả đang càu nhàu chưa nguôi cơn giận, bỗng nghe thấy tiếng nói từ trên không trung:

– Tôn đại thánh chớ phiền, Đường ngự đệ chớ khóc. Chúng tôi là những vị thần do đức Quan Âm bồ tát sai tới ngầm giúp đỡ, hộ vệ người đi lấy kinh.

Trưởng lão nghe xong, vội vàng sụp lạy. Hành Giả nói:

– Các ngài gồm mấy người, phải báo danh cho tôi biết chứ. Các thần nói:
– Chúng tôi là các thần Lục đinh, Lục giáp, Ngũ phương yết đế, Tứ trực công tào, mười tám vị Hộ giáo già lam, chia nhau luân phiên trực nhật đợi lệnh.

Hành Giả nói:

– Hôm nay đến phiên ai trực? Các Yết đế thưa:
– Đến lượt các vị Lục đinh, Lục giáp, Công tào, Già lam thay nhau. Còn Ngũ phương yết đế chúng tôi thì chỉ có Kim Đầu yết đế là ngày đêm luôn ở cạnh không rời.

Hành Giả nói:

– Nếu như vậy, ai chưa đến lượt trực hãy tạm lui, chỉ để Lục đinh thần tướng, Nhật trực công tào cùng các vị Yết đế ở đây giữ gìn sư phụ, đợi lão Tôn đi tìm con rồng dữ, bắt nó trả lại ngựa.

Các thần tuân lệnh. Lúc ấy Tam Tạng mới yên tâm, ngồi trên đá, dặn dò Hành Giả phải cẩn thận. Hành Giả nói:

– Sư phụ cứ yên tâm!

Đoạn hầu vương thắt lại áo bông, xắn chiếc quần da hổ lên, cầm cây gậy sắt bịt vàng đến thẳng khe suối, đứng trên mặt nước mờ mịt khói sóng, quát to:
– Loài cá đê tiện kia, trả ngựa cho ta! Trả ngựa cho ta!

Lại nói chuyện con rồng ăn thịt xong con ngựa bạch của Tam Tạng, nằm nghỉ ngơi dưỡng sức, bỗng nghe tiếng người hò hét đòi ngựa, không nén được ngọn lửa giận dữ, vội vàng tung mình rẽ sóng nhảy lên mặt nước, quát:

– Kẻ nào dám đến cửa biển này trêu ta? Hành Giả nhìn thấy, gầm lên:
– Chớ có chạy, trả ngựa cho ta mau!

Đoạn vung gậy nhằm đầu con rồng bổ xuống. Con rồng nhe nanh múa vuốt xông vào định quắp Hành Giả. Trận đấu quyết liệt diễn ra ngay trên bờ khe. Chỉ thấy:

Rồng tung vuốt sắc, Khỉ múa gậy vàng.
Kẻ kia, râu xòa dây ngọc trắng, Người này, mắt trợn con ngươi vàng.
Kẻ kia, quanh râu ngọc châu phun khí đẹp. Người này, tay cầm gậy sắt múa băng băng.
Kẻ kia con hỗn lừa cha mẹ, Người này, yêu quái dối thiên thần. Cả hai có tội đày trần thế,
Nay muốn công thành phải gắng công.

Tiến thoái đánh nhau một hồi lâu, con rồng sức yếu gân tê, không địch nổi, bèn quay người lặn xuống đáy khe sâu, trốn biệt không dám ra nữa. Hành Giả mắng chửi không ngớt mồm, con rồng vẫn giả câm giả điếc, không dám thò đầu lên. Không biết làm thế nào, Hành Giả đành quay về thưa với Tam Tạng:

– Thưa sư phụ, con quái vật ấy bị lão Tôn mắng chửi phải
chui lên. Con và nó đánh nhau hồi lâu, nó khiếp sợ phải bỏ chạy, trốn dưới khe không dám ra nữa.

Tam Tạng nói:

– Chẳng biết có đúng nó ăn thịt ngựa của mình không? Hành Giả đáp:
– Thế mà cũng nói được. Nếu nó không ăn, mà lại chịu ra đánh nhau với lão Tôn?

Tam Tạng nói:

– Hôm trước, lúc con đánh hổ, con nói rằng con có tài bắt rồng, hổ phải hàng phục, nay lại không hàng phục nổi nó à?

Loài khỉ vốn không chịu nổi lời nói khích. Tam Tạng mới chọc một câu. Hành Giả đã ra oai, quát:

– Đừng nói nữa! Đừng nói nữa! Đợi con đi đọ tài cao thấp với nó một lần nữa!

Hầu vương nhanh nhẹn phóng tới bờ khe, trổ phép thần thông lật sông dốc biển, làm cho nước khe Ưng Sầu trong veo thấu đáy đục ngầu lên như nước Hoàng Hà. Con rồng núp dưới đáy sâu đứng ngồi không yên, nghĩ thầm:

– Thật là “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Ta vừa thoát tội chết trên trời chưa được một năm, nằm đây kiếm ăn qua ngày, lại gặp phải con quỷ này đến hại ta.

Nó càng nghĩ càng chán, nhưng không chịu được nhục, bèn cắn răng, nhảy vọt lên mặt nước, quát:

– Nhà ngươi là quỷ sứ ở đâu tới đây lừa dối ta như vậy? Hành Giả nói:
– Ngươi không cần biết ta ở đâu làm gì. Chỉ cần trả ngựa cho ta, là ta tha chết cho!
Con rồng nói:

– Ngựa của ngươi ta nuốt vào trong bụng rồi, làm sao mà nôn ra được! Ta không trả, ngươi làm gì nào?

Hành Giả nói:

– Không trả ngựa thì hãy nhìn cây gậy của ta đây! Ta sẽ giết ngươi để đền mạng cho con ngựa của ta!

Hai bên lại đánh nhau kịch liệt trên sườn núi. Chưa được vài hiệp, con rồng yếu sức không chống nổi, bèn lắc mình một cái, biến thành một con rắn nước chui vào bụi cỏ. Hầu vương vác gậy đuổi theo, vạch cỏ tìm rắn, nhưng chẳng thấy dấu vết. Lửa
[96]
giận ngùn ngụt

, Hành Giả vội vàng niệm câu thần chú “úm”,
gọi ngay các vị thổ thần, sơn thần vùng ấy lên. Các thần nhất tề kéo đến quỳ xuống thưa:

– Chúng tôi là sơn thần, thổ thần đã đến. Hành Giả nói:
– Các vị giơ mắt cá chân ra, ta đánh mỗi vị năm gậy làm lễ gặp mặt để ta giải phiền!

Hai vị thần dập đầu tâu:

– Xin Đại thánh tha tội, chúng tôi xin thưa. Hành Giả nói:
– Được rồi, ta không đánh nữa. Ta hỏi các vị: con rồng dữ từ đâu tới ở khe Ưng Sầu này? Tại sao nó lại ăn thịt con ngựa bạch của sư phụ ta?

Hai vị thần hỏi lại:

– Đại thánh xưa nay có sư phụ đâu. Ngài là người[97]

vốn
không phục trời, không sợ đất, tại sao lại còn có ngựa của sư phụ?
Hành Giả đáp:

– Các vị không biết. Chỉ vì ta phạm tội dối trời, nên bị giam năm trăm năm. Nay nhờ đức Quan Âm bồ tát khuyên làm thiện, sai vị sư nhà Đường cứu ta, lại bảo ta đi theo làm đồ đệ sang phương Tây lễ Phật cầu kinh. Nhân đi qua đây, bị mất con ngựa bạch của sư phụ.

Hai vị thần nói:

– Sự việc vốn thế này: khe này vốn xưa nay không có tà ma nào cả, chỉ là một khe nước sâu thẳm mênh mông nước trong thấu đáy, chim chóc không dám bay qua. Nước trong đến nỗi soi rõ hình bóng, lũ chim tưởng là bầy của mình, thường bay sà xuống nước. Cho nên mới gọi là khe “Ưng Sầu”. Mới năm ngoái thôi, đức Quan Âm bồ tát đi tìm người đi lấy kinh, có cứu một con rồng quý, đưa nó xuống đây ở, bảo nó đợi người đi lấy kinh, và không được làm điều gì xấu. Khi đói, nó bò lên bờ bắt chim chóc, hoặc hươu nai ăn thịt. Chắc nó không biết, nên hôm nay mới xúc phạm đến Đại thánh đấy.

Hành Giả nói:

– Lần đầu, nó còn dám đấu, với lão Tôn, loanh quanh vài hiệp. Lần sau, lão Tôn mắng chửi nó cũng chẳng dám ra. Tà dùng phép lật sông dốc biển, khuấy đục khe nước của nó, nó mới chui lên giao đấu. Không ngờ cây gậy của lão Tôn nặng quá, nó chịu không nổi, biến thành con rắn nước chui vào bụi cỏ, ta đuổi theo tìm, nhưng không thấy tung tích đâu hết.

Vị thổ thần thưa:

– Đại thánh không biết. Khe này có hàng ngàn vạn hang hốc ăn thông với nhau, cho nên nước rất sâu. Chắc nó chỉ rơi vào cái hang nào đấy. Mà Đại thánh cũng chẳng cần phải nổi khùng tìm nó làm gì. Muốn bắt nó, cứ mời quách Quan Âm bồ tát đến là xong!
Hành Giả nghe nói, mời cả sơn thần, thổ địa cùng đến ra mắt
Tam Tạng, và kể lại mọi chuyện. Tam Tạng nói:

– Đi tìm đức Bồ tát thì bao giờ mới trở về? Bần tăng đói rét chịu thế nào được?

Chưa dứt lời, đã nghe tiếng Kim Đầu yết đế trên không trung nói:

– Đại thánh, hà tất ngài phải đi, thần xin đi mời đức Bồ tát đến.

Đại thánh mừng lắm, nói:

– Phiền một chút nhé! Đi nhanh lên đấy!
Yết đế lập tức bay vút lên từng mây, thẳng hướng Nam Hải. Hành Giả dặn dò sơn thần, thổ địa giữ gìn sư phụ. Nhật trực
công tào đi kiếm cơm chay, còn mình đi tuần quanh bờ khe, chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện Kim Đầu yết đế cưỡi mây đã tới Nam Hải, dừng đám mây lành, xuống thẳng cánh rừng trúc tía núi Lạc Già nhờ Kim giáp chư thiên và Mộc Soa Huệ Ngạn vào báo, được vào yết kiến Bồ tát. Bồ tát hỏi:

– Nhà ngươi tới đây có việc gì? Yết đế thưa:
– Đường Tăng bị mất ngựa ở khe Ưng Sầu, núi Xà Bàn, làm cho Tôn Đại thánh tiến thoái lưỡng nan. Khi hỏi Thổ thần vùng ấy, họ nói là bị con rồng dữ mà Bồ tát đưa tới khe này ăn thịt mất rồi. Đại thánh sai thần tới đây, mời Bồ tát tới hàng phục con rồng, trả lại ngựa cho Đường Tăng.

Bồ tát nói:

– Con rồng ấy là con Tây hải Ngao Thuận. Vì hắn châm lửa đốt hạt minh châu trên điện. Bố hắn tâu tội ngỗ nghịch, thiên
đình bèn xử tội chết. Ta phải thân gặp Thượng đế xin tha cho, đẩy hắn xuống đấy bảo hắn làm ngựa cho Đường Tăng. Thế mà hắn lại ăn thịt ngựa của Đường Tăng là làm sao? Đã thế để ta đi xem.

Bồ tát bước xuống đài sen, ra khỏi động tiên, cùng Yết đế cưỡi đám mây lành rực rỡ, vượt qua Nam Hải bay tới. Có bài thơ làm chứng rằng:

Phật thuyết Tam Tạng chân kinh,

Bồ tát khuyến thiện dân sinh khắp vùng.

Ma ha điệu ngữ tinh thông.

Chân ngôn bát nhã cứu lòng chúng sinh.

Kim Thiền thoát xác muốn xong,

Thì Huyền Trang phải dốc công tu hành.

Khe Ưng Sầu bị cách ngăn.

Rồng kia theo đạo biến thành ngựa khôn.

Một lát sau, Bồ tát và Yết đế đi tới núi Xà Bàn, dừng đám mây lành giữa tầng không, cúi xuống xem xét, thấy Tôn Hành Giả đang mắng chửi bên bờ khe. Bồ tát sai Yết đế gọi lên. Yết đế từ trên mây hạ xuống, không qua chỗ Tam tạng, đến thẳng bờ khe gặp Hành Giả thưa:

– Bồ tát đã đến!

Hành Giả nghe nói, vội vàng phóng vút lên không, quát Bồ tát rằng:

– Ngài là thầy của bảy Phật, là giáo chủ từ bi, cớ sao tại làm phép hại tôi.

Bồ tát nói:

– Nhà ngươi thật là giống trâu ngựa lì lợm, loài khỉ đỏ đít ngu
si. Ta đã kiên trì tìm được người lấy kinh đến, đinh ninh dặn dò rằng chính người đó cứu sống ngươi. Nhà ngươi chẳng nhớ ơn ta cứu mạng cho thì chớ, lại còn cằn nhằn nỗi gì?

Hành Giả nói:

– Vâng, ngài tốt với tôi lắm đấy! Ngài đã tha tôi thì hãy mặc tôi tiêu dao đây đó là hơn. Hôm trước, ngài đón tôi ở ngoài biển, dặn tôi mấy câu, tôi hết lòng hết sức hầu hạ Đường Tăng thế thôi. Tại sao ngài lại đưa cho ông ta chiếc mũ hoa, lừa cho tôi đội lên đầu chịu khổ? Ngài đem cái vòng ấy gắn mãi ở trên đầu lão Tôn, lại còn dạy ông ta niệm bài chú “khẩn cô nhi”. Cứ khi nào lão Hòa thượng ấy niệm bài chú ấy, là đầu tôi lại đau nhói. Thế chẳng phải ngài hại tôi là gì?

Bồ tát cười nói:

– Đồ khỉ kia, nhà ngươi không theo lời dạy, không nhận chính quả, nếu không gò nhà ngươi như thế, thì nhà ngươi lại dối trên lừa dưới, không biết tốt xấu, lại gây họa như trước, thì ai cai quản nổi? Cần phải trị nhà ngươi như vậy, thì nhà ngươi mới chịu theo vào đường tu Du Già của ta chứ!

Hành Giả nói:

– Thôi, việc ấy coi như xong. Nhưng tại sao ngài lại đem con rồng dữ có tội xuống đây, để nó thành tinh ăn thịt mất con ngựa của sư phụ tôi? Như vậy có phải là dung túng cho kẻ ác làm bậy, làm điều đại bất thiện không?

Bồ tát nói:

– Con rồng ấy do chính ta tâu với Thượng đế đưa nó xuống đấy để làm ngựa cho người đi lấy kinh. Nhà ngươi nghĩ xem, con ngựa xoàng ở phương Đông, làm sao có thể vượt qua muôn núi ngàn sông được? Làm sao có thể đến đất Phật Linh Sơn được? Cần phải có con long mã ấy mới đi nổi chứ?
Hành Giả nói:

– Nay nó sợ lão Tôn trốn biệt không dám ra thì làm thế nào? Bồ tát gọi Yết đế, bảo:
– Nhà ngươi đến bờ khe gọi “Ngao Nhuận long vương ngọc long tam thái tử” ra ngay, có Bồ tát ở Nam Hải tới là nó ra ngay.

Yết đế xuống bờ khe gọi hai lần, thấy con rồng vượt nước rẽ sóng nhô lên, biến thành hình người, nhảy vút lên mây cúi lạy Bồ tát, nói:

– Đội ơn bồ tát cứu mạng. Tôi chờ đợi ở đây đã lâu rồi, mà chẳng thấy tăm hơi người đi lấy kinh đâu cả.

Bồ tát chỉ Hành Giả, nói;

– Chẳng phải đồ đệ của người đi lấy kinh là gì đây. Con rồng thưa:
– Thưa Bồ tát, người này là đối thủ của con đấy. Hôm qua đói quá, con trót ăn thịt một con ngựa của hắn. Hắn cậy sức khỏe, đánh con phải chạy trốn, lại mắng chửi con nữa, làm con phải đóng cửa không dám ra. Chẳng thấy hẳn nói nửa lời “đi lấy kinh” nào cả.

Hành Giả nói:

– Nhà ngươi không hỏi ta họ tên là gì, thì ta việc gì phải nói. Con rồng nói:
– Ta chẳng hỏi nhà ngươi là ma quỷ ở đâu tới đây sao? Nhà ngươi còn quát ta: “Chẳng cần biết ở đâu tới, chỉ cần trả ngựa cho ta”, chứ có nhắc đến chữ “Đường” nào đâu?

Bồ tát nói:

– Con khỉ kia, chỉ chuyên cậy sức khỏe, có chịu khen ai bao giờ đâu. Lần này đi trước, còn có người quy thuận nữa đấy. Nếu
có ai hỏi, thì phải nhớ trả lời ngay là đi “lấy kinh”. Như vậy người ta quy phục liền, có đỡ nhọc sức không?

Hành Giả mừng rỡ vâng theo. Bồ tát bước lên dứt hạt minh châu dưới cổ con rồng ra, lấy cành dương liễu dúng vào nước cam lộ vẩy vào người con rồng, miệng hô “biến”. Con rồng tức khắc biến thành một con ngựa bạch như trước. Bồ tát lại dặn dò:

– Nhà ngươi hãy cố gắng trả hết nghiệp chướng. Sau khi thành công sẽ được thoát khỏi hạng rồng thường trở về với chính quả mình vàng.

Con rồng chỉ im lặng, tâm niệm vâng theo lời dạy.

Bồ tát bảo Ngộ Không dắt con ngựa đến chỗ Tam Tạng và nói:

– Thôi, ta về Nam Hải đây! Hành Giả níu lấy Bồ tát, nói:
– Tôi không đi đâu, tôi không đi đâu. Đường sang phương Tây xa xôi hiểm trở lại phải hộ vệ nhà sư phàm tục này, thì bao giờ mới tới nơi? Cứ bao nhiêu khó khăn rắc rối như thế này, thì đến tính mạng lão Tôn cũng chẳng còn, nói gì đến việc thành chính quả nữa? Tôi không đi đâu! Không đi đâu!

Bồ tát nói:

– Nhà ngươi trước kia chưa thành đạo người mà đã dốc lòng tu đạo. Nay thoát tai nạn rồi, lại sinh ra lười biếng sao? Môn phái ta lấy sự tịch diệt làm chân lý, cần phải có lòng tin tu thành chính quả. Nếu gặp cảnh ngộ khó khăn nguy hiểm, ta hứa sẽ giúp nhà ngươi, nói với trời đất giúp đỡ. Khi nào gặp hoạn nạn không tài nào thoát được, thì ta sẽ thân đến cứu nhà ngươi. Nhà ngươi lại đây, ta ban cho mấy phép này.

Bồ tát ngắt ba chiếc lá dương liễu áp vào sau gáy Hành Giả, đoạn hô “biến”, liền hóa thành ba sợi lông cứu mạng, và dặn:
– Khi nào gặp hoạn nạn không ai cứu giúp được hãy tùy cơ ứng biến mà dùng, nó sẽ cứu thoát hiểm nghèo.

Hành Giả nghe những lời nói tốt đẹp ấy, bèn cảm tạ đức Bồ tát đại từ đại bi. Một làn gió thơm thoảng, mây lành rực rỡ đức Bồ tát thẳng về núi Phổ Già.

Hành Giả từ trên mây hạ xuống, nắm bờm con long mã, đến gặp Tam Tạng, nói:

– Thưa sư phụ, ngựa đây rồi.

Tam Tạng trông thấy, mừng rỡ nói:

– Đồ đệ, con ngựa này béo hơn con trước một chút. Con tìm thấy ở đâu đấy?

Hành Giả thưa:

– Sư phụ vẫn đang mơ hay sao? Kim Đầu yết đế đã mời Bồ tát đến, biến con rồng dưới khe thành con ngựa bạch cho chúng ta, lông bờm giống con cũ. Chỉ có điều là thiếu yên cương, nên lão Tôn phải nắm bờm dắt về.

Tam Tạng cả sợ, nói:

– Bồ tát ở đâu rồi để ta lạy tạ ngài. Hành Giả nói:
– Bây giờ Bồ tát đã về lại Nam Hải rồi, không phải tạ ơn nữa.

Tam Tạng bèn vun đất thắp hương, ngoảnh về hướng Nam lạy tạ. Lạy xong, đứng dậy cùng Hành Giả thu xếp hành lý lên đường. Hành Giả bảo các vị sơn thần, thổ địa quay về, dặn dò Yết đế, Công tào, và mời sư phụ lên ngựa, Tam Tạng nói:

– Ngựa không có yên cương làm sao mà cưỡi được, vả lại còn phải đi tìm thuyền vượt khe đã rồi sẽ liệu sau.

Hành Giả nói:
– Sư phụ chẳng hiểu lẽ đời gì cả, giữa rừng núi hoang vu này, tìm đâu ra thuyền? Con ngựa này ở khe đây đã lâu, chắc biết rõ luồng nước, cứ cưỡi nó làm thuyền vượt qua thôi!

Tam Tạng chẳng biết làm thế nào, đành nghe theo, cưỡi lên lưng ngựa, còn Hành Giả gánh hành lý đi tới bờ khe. Bỗng thấy ở phía thượng lưu có một ngư ông đang đẩy một chiếc bè thuận dòng xuôi xuống, Hành Giả vẫy gọi:

– Bác lái ơi, vào đây, vào đây! Chúng tôi là những người ở phương Đông đi lấy kinh. Sư phụ tôi đến đây không qua được. Phiền bác chở giùm qua với.

Ngư ông nghe tiếng gọi, vội vàng đẩy ngay bè vào. Hành Giả mời sư phụ xuống ngựa, đỡ sư phụ lên bè. Tam Tạng bước lên bè, túm bờm ngựa, xếp hành lý xuống. Ngư ông đẩy bè ra, chèo đi như bay, chẳng mấy chốc đã vượt qua khe Ưng Sầu. Tới bờ phía Tây. Tam Tạng bảo Hành Giả mở tay nải, lấy mấy đồng tiền nhà Đại Đường trả công ngư ông. Ngư ông đẩy bè ra, nói:

– Không lấy tiền đâu, không lấy tiền đâu!

Đoạn đẩy bè ra xa giữa dòng mịt mờ khói sóng đi mất. Tam Tạng rất băn khoăn, chỉ biết chắp tay cảm tạ. Hành Giả nói:
– Sư phụ chẳng cần phải cảm tạ đâu. Sư phụ không nhận ra người ấy sao? Người ấy là thủy thần ở khe này, không đến đón tiếp lão Tôn, thì lão Tôn cho ăn đòn ấy chứ. Hôm nay tha đánh cho là may, còn dám lấy tiền à?

Tam Tạng nửa tin nửa ngờ, chỉ biết trèo lên lưng ngựa, đi theo
Hành Giả ra đường cái, nhằm hướng Tây mà tiến. Thực là:

Rộng lẽ chân như, lên bờ giải thoát, Tâm thành linh sáng, tới cõi Linh Sơn.
Hai thầy trò lên đường, chẳng mấy chốc mặt trời đã lặn về
Tây, bóng chiều bảng lảng. Chỉ thấy:

Mây xám chập chờn, Trăng ngân mờ mịt,
Đầy trời sương xuống lạnh lùng, Bốn phía gió ngàn rét buốt. Chim lẻ loi bay sông bát ngát, Ráng chiều ánh rọi núi xa xăm. Núi trọc vượn kêu khắc khoải, Rừng thưa cây động xạc xào,
Đường xa không bóng người qua lại, Muôn dặm thuyền về, đêm vắng sao!
Tam Tạng ngồi trên mình ngựa đưa mắt nhìn ra xa, bỗng thấy một trang trại bên cạnh đường, bèn nói:

– Ngộ Không này, trước mặt có nhà, ta vào đấy ngủ nhờ, sáng mai lại đi.

Hành Giả ngẩng đầu nhìn, nói:

– Thưa sư phụ, đây chẳng phải trang trại nhà dân đâu! Tam Tạng nói:
– Tại sao không phải? Hành Giả đáp:
– Trang trại nhà dân gì, mà chẳng thấy dấu vết chim bay thú chạy, chắc là một ngôi đền, tòa miếu nào đó thôi.

Thày trò mải trò chuyện, một lát đã đi đến trước cổng. Tam Tạng xuống ngựa, chỉ thấy trên cửa có ba chữ lớn “đền Lý Xã”, bèn bước vào trong. Trong đền, một ông già cổ đeo tràng hạt,
chắp tay ra đón, nói:

– Mời sư phụ ngồi.

Tam Tạng vội vàng đáp lễ, rồi lên điện lạy tượng thánh. Ông già gọi tiểu đồng pha trà. Uống trà xong, Tam Tạng hỏi ông già rằng:

– Tại sao đền này gọi là đền “Lý Xã”? Ông già thưa:
– Vùng này là thuộc nước Cáp Tất ở Tây Phiên. Đằng sau ngôi đền có một xóm người, họ đều phát nguyện lòng thành, xây ngôi đền này. “Lý” nghĩa là đất của xã, “xã” nghĩa là thổ thần của xã. Mỗi khi đến ngày cày mùa xuân, làm cỏ mùa hè, gặt
[98]
mùa thu, cất giữ mùa đông, đều có biện lễ tam sinh

hoa quả
đến tế thần xã, để thần phù hộ cho bốn mùa thời tiết thuận hòa, mùa màng tươi tốt, gia súc béo khỏe.

Tam Tạng nghe nói, gật gù khen ngợi:

– Đúng là:

Cách nhà chỉ ba dặm, Phong tục đã khác xa.
Dân chúng làng chúng tôi chẳng có tục hay như thế. Ông già hỏi lại:
– Sư phụ quê ở đâu nhỉ? Tam Tạng đáp:
– Bần tăng người nước Đại Đường bên phương Đông, vâng mệnh nhà vua sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, nhân đi qua quý thôn đây trời đã xẩm tối, đành vào trong thánh điện ta ngủ nhờ một đêm, ngày mai trời sáng là đi ngay.

Ông già mừng lắm, chỉ biết nói mấy lời “không dám” sau đó
sai tiểu đồng dọn cơm. Tam Tạng ăn xong cảm tạ.

Hành Giả đưa mắt thấy dưới hàng hiên có căng một sợi dây phơi quần áo, bèn rút ra làm dây buộc chân ngựa. Ông già thấy thế, cười nói:
– Ăn trộm ở đâu được con ngựa đấy? Hành Giả tức mình, nói:

– Ông già này nói năng kỳ quặc thậ [99]
lễ Phật, mà lại ăn trộm ngựa à?

Ông già cười, nói:

, chúng tôi là nhà sư

– Không phải ăn trộm, thì tại sao lại không có yên cương, phải đi dứt dây phơi mà buộc?

Tam Tạng xin lỗi, nói:

– Đồ vô lễ kia chỉ được cái nóng nảy. Con muốn buộc ngựa, tại sao không hỏi cụ đây xin một sợi thừng, mà lại đi dứt dây phơi? Xin cụ bỏ qua cho, chẳng giấu gì cụ, chẳng phải ăn trộm đâu, mà là hôm qua chúng tôi từ phương Đông lại, đến khe Ưng Sầu, con ngựa bạch của tôi cưỡi có yên cương đủ cả, không ngờ bị con rồng đã thành tinh ở khe nuốt chửng mất. May nhờ người đồ đệ tôi đây tài giỏi, lại được đức Bồ tát tới khe bắt con rồng ấy, biến nó thành con ngựa bạch giống hệt con ngựa tôi cưỡi khi trước, để giúp tôi sang phương Tây lễ Phật cầu kinh. Nay vượt khe chưa đầy một ngày, đến đền của cụ đây, vẫn chưa có yên cương.

Ông già nói:

– Sư phụ bỏ quá cho, tôi nói đùa một chút thôi, không ngờ vị đồ đệ này tưởng thật. Hồi trẻ tôi cũng kiếm ra tiền, lại thích cưỡi ngựa hay. Do mấy năm liền làm ăn sa sút, bị cháy nhà, thành thử bây giờ nghèo túng, đành làm ông từ giữ đền trông nom việc
đèn nhang, nhờ có bà con ở sau đền bố thí sống qua ngày. Tôi đây vẫn còn một bộ yên cương là vật quý nhất đời, dù nghèo đói tôi cũng không dám bán. Vừa rồi nghe sư phụ nói Bồ tát cứu mạng con rồng thần, biến nó thành ngựa để ngài cưỡi, tôi già rồi nhưng lại không giúp đỡ ngài được chút ít sao? Ngày mai tôi xin dâng ngài bộ yên cương để ngài dùng, mong ngài vui lòng nhận cho.

Tam Tạng nghe nói, hết lời cảm tạ. Lại thấy tiểu đồng bưng cơm chay ra mời. ăn xong, thắp đèn, xếp giường, ai nấy đi nghỉ.

Sớm hôm sau. Hành Giả trở dậy nói:

– Sư phụ ạ, hôm qua ông từ giữ đền hứa cho bộ yên cương, phải hỏi chứ, không thể hứa suông được.

Chưa nói dứt lời, đã thấy ông già mang ra một bộ yên cương, dây chằng, bàn đạp… những thứ dùng để cưỡi ngựa, đều đủ cả. Ông già đặt xuống đầu hè nói:

– Thưa sư phụ, yên cương đây ạ.

Tam Tạng nhìn thấy, vui lòng nhận, đoạn bảo Hành Giả đặt lên lưng ngựa xem có vừa không, Hành Giả bước đến, giơ lên xem kỹ từng thứ, thấy toàn là đồ quý. Có bài thơ làm chứng rằng:

Yên thêu sao bạc, sắc long lannh, Đệm báu vàng au, chỉ kết vành. Bàn đạp mấy tầng nhung tía mịn, Tơ điều xoắn xít sợi cương thanh. Tấm da hoa về bên hàm thiếc. Chiếc quạt mây thêu thú mấy hình. Vòng xích làm bằng đồ sắt luyện, Dải tơ mềm mại rủ bên mình.
Hành Giả mừng thầm, thắng bộ yên cương lên mình ngựa, ra vẻ hài lòng lắm. Tam Tạng cúi lạy tạ ơn ông già. Ông già vội vàng đỡ dậy, nói:

– Không dám, không dám, có gì đáng tạ ơn đâu!

Ông già cũng chẳng giữ thêm nữa, mời Tam Tạng lên ngựa. Tam Tạng ra khỏi cửa, vịn yên lên ngựa. Hành Giả gánh hành lý. Ông già lại rút trong tay áo ra một chiếc roi làm bằng gân hổ tết, có cán bằng mây hương bọc da, đứng ven đường cung kính dâng lên, nói:

– Thưa thánh tăng, tôi còn một chiếc roi đây, xin dâng nốt ngài.

Tam Tạng ngồi trên mình ngựa, nhận lấy, nói:

– Đa lạ ông già có lòng tốt![100]

Đang nói lời cảm tạ, thì đã chẳng thấy ông già đâu nữa, quay lại nhìn ngôi đền Lý Xã thì cũng chỉ còn một đám đất hoang trơ trụi. Bỗng trên không trung có tiếng người nói:

– Thưa thánh tăng, xin ngài thứ lỗi đón tiếp xuê xoa. Chúng tôi là sơn thần, thổ địa núi Lạc Già được Bồ tat sai mang yên cương tới cho ngài. Ngài hãy cố gắng hành trình sang phương Tây, chớ có một phút chậm trễ.

Tam Tạng sợ hãi, cuốn yên xuống ngựa, ngước lên trời lạy tạ, nói:

– Đệ tử người trần mắt thịt, không nhận ra thần thánh, cúi xin tha tội, nhờ các ngài chuyển tới Bồ tát lòng biết ơn vạn bội.

Nói xong, Tam Tạng cứ sụp đầu lạy mãi, không biết bao nhiêu lần. Đứng bên đường, Tôn đại thánh cười ngặt nghẽo, bước lên níu lấy Đường Tăng, nói:

– Sư phụ ơi, đứng dậy thôi. Người ta đã đi xa rồi, có nghe
thấy sư phụ cầu, sư phụ lạy đâu, mà cứ dập đầu mãi?

Tạm Tạng nói:

– Tên đồ đệ kia, trong khi ta dập đầu lạy tạ, nhà ngươi chẳng lạy lấy một cái, thì chớ, lại còn đứng cười thế thì còn ra thể thống gì nữa?

Hành Giả đáp:

– Sư phụ không biết, cái hạng giấu đầu hở đuôi ấy chỉ đáng cho một trận đòn. Chỉ vì nể mặt Bồ tát, con tha đánh cho là may, chứ việc gì lão Tôn phải lạy? Lão Tôn từ nhỏ là một trang hảo hán, không biết lạy ai sất. Ngay cả đối với Thượng đế và Thái Thượng lão quân con cũng chỉ vâng một tiếng là xong.

Tam Tạng nói:

– Đồ mất nết! Rặt nói giọng huênh hoang! Mau lên đi đừng làm lỡ hành trình của ta.

Lúc ấy sư phụ mới đứng dậy, sửa soạn lên đường.

Suốt hai tháng trời đi một đoạn đường bình yên, chỉ gặp những người La La, Hồi Hồi và các loại lang trùng hổ báo.

Tháng ngày thấm thoắt đã sang tiết xuân, núi rừng khoe màu biếc, cây cỏ nảy mầm xanh, hoa mai rụng cả, cành liễu nhú mầm. Thầy trò vừa đi vừa ngắm cảnh xuân, bất chợt mặt trời đã ngả về Tây lúc nào không biết. Tam Tạng dừng ngựa nhìn ra xa, thấy trong hẻm núi có bóng lâu đài thấp thoáng, điện gác lờ mờ, bèn hỏỉ:

– Ngộ Không này, con nhìn xem kia là gì? Hành Giả ngẩng đầu nhìn, thưa:
– Không phải cung điện thì chắc cũng là chùa chiền thôi. Chúng ta đi mau lên đến đấy xin ngủ nhờ.

Tam Tạng vui vẻ nghe theo, quất ngựa đến thẳng nơi ấy.
Cuối cùng không biết chuyến đi này thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích:
[96][97][98][99][100]

Nguyên văn: Tức nổi tam bành, bảy khiếu bốc khói.

Nguyên văn: Hỗn nguyên thượng chân.

Tam sinh: Ba loài trâu, dê, lợn giết để tế thần.

Nguyên văn: Không biết cao thấp.

Nguyên văn: Bố thí.