Sa hang cọp Kim Tinh cứu thoát
Núi Song Soa Bá Khâm mời sư
Mừng vua Đường xuống sắc phong,
Huyền Trang vâng chỉ Thiền Tông thăm đường.
Bền gan tìm đến hang rồng,
[86]
Tây phương non Thứu dốc lòng cũng nên
Trải qua trăm xứ nghìn miền,
Xa xôi mấy núi triền miên dặm dài.
Hôm nay từ biệt vua tôi.
Vững lòng tu đạo, sáng ngời sắc không.
Lại nói chuyện ba ngày trước hôm rằm tháng chín, năm Trinh Quán thứ mười ba, Tam Tạng từ biệt vua Đường cùng các quan ra khỏi cổng thành Tràng An, lên đường, đi miết một hai ngày ngựa không dừng bước, tới chùa Pháp Môn. Vị trưởng lão trụ trì ở chùa này dẫn hơn năm trăm nhà sư sắp hàng hai bên đón vào trong chùa, pha trà khoản đãi. Uống trà xong lại dọn bữa cơm chay. Ăn xong thì trời vừa tối. Buổi tối ấy:
Bóng sao nhấp nháy như gần,
Vầng trăng vằng vặc bụi trần tịnh không.
Nhạn kêu lanh lảnh từng không, Tiếng chày rộn rã giữa lòng xóm tây. Chim bay về ngủ ngọn cây,
Chùa xa vẳng tiếng sư thầy tụng kinh.
Nệm êm nhập định tâm thanh,
Tham thiền ngồi suốt năm canh chẳng rời.
Dưới ánh đèn, các sư ngồi trò chuyện việc pháp sư vâng chỉ sang phương Tây lấy kinh. Người nói đường xa thăm thẳm, đường lắm hùm beo; kẻ nói non cao vách dựng khó qua, nước độc ma thiêng khó vượt. Tam Tạng chỉ ngồi im không nói, lấy tay chỉ vào tim, gật đầu mấy cái. Các nhà sư không hiểu ý, chắp tay hỏi:
– Pháp sư chỉ tay vào tim, gật đầu mấy cái nghĩa là thế nào? Tam Tạng đáp:
– Tâm sinh thì ma quỷ đều sinh. Tâm diệt thì ma quỷ cũng diệt. Ở chùa Hóa Sinh, trước bàn thờ Phật tôi đã nguyện rồi, đâu có dám không hết lòng. Chuyến đi này, tôi quyết sang đến tận phương Tây, lễ Phật cầu kinh, để bánh xe đạo pháp của chúng ta chuyển vận, để non sông của đức vua vững bền mãi mãi.
Các nhà sư nghe nói như vậy, ai nấy đều khâm phục, gọi Tam Tạng là “Đại xiển pháp sư lòng son dạ sắt”, ca ngợi hết lời, mời pháp sư vào buồng nghỉ.
Sáng hôm sau, khi trúc reo trăng lặn, gà gáy rạng mai hồng, các sư thức dậy, pha trà dọn chay. Huyền Trang mặc áo cà sa vào chính điện lễ Phật, khấn rằng:
– Đệ tử là Trần Huyền Trang, sang phương Tây thỉnh kinh, nhưng người phàm u mê, không biết rõ hình Phật sống. Nay xin nguyện rằng: Dọc đường gặp miếu dâng hương gặp chùa lễ Phật, gặp tháp quét dọn, mong đức Phật từ bi hiển hiện mình vàng sáu thước, ban cho chân kinh để truyền bá sang phương Đông.
Khấn xong, về phương trượng dùng bữa chay.
Dùng xong, hai người đi theo đã sửa soạn yên cương, thúc giục lên đường. Tam Tạng rời cổng chùa, chia tay các sư. Mọi người lưu luyến, tiễn chân đến mười dặm mới gạt lệ trở về. Tam Tạng nhằm hướng Tây thẳng bước. Lúc ấy vào quãng cuối thu. Chỉ thấy:
Xóm thôn cây trụi, lau xào xạc, Dương liễu đôi hàng lá úa bay. Mờ mịt đường xa người vắng vẻ, Núi gầy lác đác cúc vàng hây. Nước trong lạnh lẽo sen tàn cả.
Người đi tiều tụy chán chường thay! Bèo trắng răm hồng trời giá buốt, Cánh cò mất hút ráng chiều bay. Áng mây ảm đạm trôi lơ lửng,
Quạ ác bay đi chẳng thấy bầy. Sếu đã về rồi rong khắp nội, Tiếng kêu ríu rít vắng đâu đây.
Đi được vài ngày, thầy trò tới cổng thành Củng Châu. Quan lại thành Củng Châu ra đón vào trong thành, nghỉ một đêm, sáng hôm sau lại ra đi. Dọc đường đói ăn khát uống đêm nghỉ ngày đi. Hai ba ngày sau, lại đến Hà Châu Vệ, nơi biên giới của nhà Đại Đường. Quan Tổng binh trấn biên cùng các tăng đạo nghe tin có pháp sư ngự đệ khâm sai sang phương Tây cầu Phật, ai nấy cung kính, đón vào trong thành cung ứng, rồi sai tăng cương mời pháp sư ra chùa Phúc Nguyên nghỉ ngơi. Sư sãi trong chùa đón tiếp, dọn cơm chay. Ăn xong, Tam Tạng dặn dò hai người đi theo cho ngựa ăn uống, để sáng hôm sau đi sớm.
Khi gà vừa gáy, Tam Tạng gọi người đi theo làm các sư trong
chùa tỉnh giấc. Họ sửa soạn pha trà, dọn cơm chay mời. Ăn xong, vượt qua biên giới.
Do lòng dạ bồn chồn, nên Tam Tạng dậy sớm quá. Lúc ấy vào tiết cuối thu, gà gáy sớm chỉ khoảng canh tư. Một đoàn ba người, cả ngựa là bốn, đội sương lạnh, nương bóng trăng mà đi, được vài chục dặm, gặp một ngọn núi cao, phải vạch cỏ tìm đường mà đi. Đường đã gập ghềnh hiểm trở, lại e lạc lối nữa. Đang lúc băn khoăn, bỗng Tam Tạng sẩy chân, cả ba người và ngựa ngã lăn xuống hố. Tam Tạng sợ hãi, người đi theo hoảng hồn. Đang lúc bàng hoàng hốt hoảng, lại nghe thấy có tiếng quát:
– Bắt chúng lại! Bắt chúng lại!
Rồi một trận cuồng phong thổi dữ dội, năm sáu mươi yêu quái xông ra tóm Tam Tạng và cả bọn lôi đi. Tam Tạng run sợ lo lắng, liếc mắt nhìn trộm, thấy một ma vương hung dữ ngồi trên cao. Thật là:
Oai hùng thân lẫm liệt, Hung dữ mặt đường đường. Mắt đảo như chớp giật, Tiếng gầm tựa sấm vang. Răng nanh lòi bên mép, Cằm bạnh ra hai mang. Toàn thân như phủ gấm, Lưng vằn dọc vằn ngang. Ria cứng đâm tua tủa,
Móng nhọn sắc như gươm. Hoàn Công Đông Hải sợ
Vua trán trắng Nam Sơn.
Tam Tạng hồn bay phách tán, người đi theo xương nhũn gân tê. Ma vương quát sai trói lại. Lũ yêu quái lấy dây trói chặt ba người. Đang lúc sắp sửa ăn thịt, bỗng nghe thấy bên ngoài ồn ào, có một người vào báo rằng:
– Có hai vị Hồng Sơn Quân và Đặc Xử Sĩ tới.
Tam Tạng nghe nói, ngẩng đầu nhìn, thấy tên đi trước đen trũi, hình dáng:
Lầm lì và dữ tợn, Khỏe mạnh lại nhẹ nhàng. Lội nước tài khéo léo,
Leo rừng chạy băng băng. Trước nổi trôi mộng đẹp.
Nay tỏ rõ oai phong. Giỏi trèo cây bẻ lá,
Tránh rét chạy vô chừng. Cũng có chút linh hiển, Nếu gọi là Sơn Quân.
Lại thấy tên đi sau béo phệ. Hình dáng:
Mũ hai sừng cong vút, Vai lưng thịt nổi u. Bản tính vốn lầm lì,
Bước đi thật thong thả, Bố trâu đực đã rõ,
Mẹ trâu cái không sai
Có công cày giúp người.
Tên là Đặc Xử Sĩ.
Hai tên nghênh ngang bước vào. Ma vương vội vàng chạy ra đón. Hùng Sơn Quân nói:
– Thưa Dần tướng quân, ngài luôn luôn được gặp may, xin chúc mừng.
Đặc Xử Sĩ nói:
– Dần tướng quân diện mạo khác thường, thật đáng mừng! Ma vương nói:
– Hai ngài gần đây ra sao? Sơn Quân đáp:
– Cũng thường thôi. Xử Sĩ nói:
– Cũng tùy lúc thôi.
Ba đứa chào hỏi xong, ngồi xuống trò chuyện vui vẻ.
Bỗng một người đi theo bị trói chặt đau quá kêu khóc. Tên đen sì hỏi:
– Ba người này ở đâu tới? Ma vương đáp:
– Họ tự dẫn xác đến, của tôi đấy. Xử Sĩ cười, hỏi:
– Có thể đãi khách chứ? Ma vương đáp:
– Xin mời, xin mời! Sơn Quân nói:
– Không ăn hết đâu, thịt hai đứa thôi, còn bớt lại một đứa.
Ma vương nghe theo, lập tức gọi tả hữu lôi hai người đi theo ra mổ bụng, xẻo thịt, moi tim gan và cắt chiếc thủ ra mời hai khách, còn mình ăn chân tay, xương thịt chia cho các yêu quái. Chỉ nghe thấy tiếng nhau gau gáu như hổ nhai thịt dê, một loáng là hết nhẵn. Còn lại một mình Tam Tạng, gần như nằm chết ngất. Đó là tai nạn đầu tiên khi vừa rời khỏi Tràng An.
Đang lúc sợ hãi, phương đông dần dần sáng ra. Hai yêu quái mãi đến lúc trời sáng rõ mới ra về. Chúng nói:
– Hôm nay chúng tôi đến quấy quả ngài, ngày khác xin báo đáp.
Rồi kéo nhau ra về.
Được một lát, mặt trời lên cao, Tam Tạng còn mê man tăm tối, chẳng phân biệt nam bắc đông tây. Đang lúc sắp mất mạng ấy, bỗng có một ông già chống gậy bước tới gần, xoa tay một cái, dây thừng đứt hết, đoạn thổi vào mặt. Tam Tạng mới tỉnh
lại, vội quỳ xuống thưa rằng:
– Đa tạ cụ đã cứu sống bần tăng! Cụ già đáp lễ nói:
– Nhà ngươi hãy đứng dậy, xem có mất mát thức gì không? Tam Tạng thưa:
– Hai người đi theo bần tăng, đã bị yêu quái ăn thịt rồi. Không biết ngựa và hành lý ở đâu?
Cụ già lấy gậy chỉ và nói:
– Chẳng phải là ngựa và hai tay nải gì kia!
Tam Tạng quay lại nhìn thấy đúng đồ vật của mình, không hề mất mát, bấy giờ mới hơi yên dạ, hỏi cụ già:
– Thưa cụ, đây là xứ nào? Tại sao cụ lại ở đây? Cụ già đáp:
– Đây là núi Song Soa Lĩnh, sào huyệt của bọn hùm sói. Tại sao nhà ngươi lại sa vào đây?
Tam Tạng thưa:
– Lúc gà gáy, bần tăng ra khỏi Hà Châu Vệ, không ngờ dậy sớm quá, đội sương rẽ cỏ, sẩy chân sa xuống chỗ này. Có một ma vương rất dữ tợn, bắt trói bần tăng và hai người đi theo. Lại thấy một tên đen trũi xưng là Hùng Sơn Quân, một tên béo phệ xưng là Đặc Xử Sĩ tiến vào. Chúng gọi ma vương kia là Dần tướng quân. Cả bọn ăn thịt hai người đi theo tôi, sáng thì ra về. Không ngờ tôi duyên may phận lớn, được cụ tới cứu giúp.
Cụ già nói:
– Đặc Xử Sĩ là con trâu rừng thành tinh. Hùng Sơn Quân là con gấu thành tinh. Dần tướng quân là con hổ thành tinh. Còn lũ yêu quái toàn là ma rừng tinh núi cả. Nhờ bản tính nhà ngươi
huyền minh, cho nên chúng không ăn thịt nổi. Nhà ngươi đi theo ta, ta dẫn ra đường cái.
Tam Tạng vô cùng cảm động xếp tay nải lên ngựa, nắm dây cương theo cụ già ra khỏi hang hổ, lên đường rộng. Lúc ấy, Tam Tạng buộc ngựa vào đám cỏ cao ngập đầu bên vệ đường, quay người lạy tạ cụ già. Song cụ già đã hóa thành một làn gió mát, cưỡi một con hạc trắng mào đỏ, bay lên không trung. Chỉ thấy một tờ thiếp phấp phới bay xuống, trên viết bốn câu tụng rằng:
Ta sao Thái Bạch, Tây phương,
Cứu người nên phải tìm đường xuống đây.
Đường đi thần giúp đêm ngày, Chớ vì sóng cả rời tay buông chèo.
Tam Tạng xem xong, ngẩng lên trời lạy tạ, nói:
– Xin đa tạ Kim Tinh đã cứu thoát nạn này!
Lạy tạ xong, lại dắt ngựa, lủi thủi một mình tiếp tục vượt qua ngọn núi. Thật là:
Rét căn cắt thổi gió mưa, Nước ào ào chảy xuống khe.
Hương thoang thoảng hoa rừng nở, Đá lổn nhổn dọc đường đi.
Nghe văng vẳng tiếng vượn hót.
Từng đàn lũ hươu nai về, Giọng ríu rít chim rừng hót, Đường vắng tanh bóng người đi. Chú ngựa gầy chân bước mỏi
Vị trưởng lão lòng tái tê.
Tam Tạng liều mình gắng sức trèo lên đỉnh núi, đi nửa ngày đường mà chẳng thấy có nhà cửa xóm thôn nào. Bụng đói đường xa. Đang lúc nguy khốn, chợt thấy trước mặt có hai con mãnh hổ gầm thét đằng sau lại có mấy con rắn dài quằn quại bò theo. Bên trái có loài trùng độc, bên phải có con quái thú. Tam Tạng một mình đành bó tay, chỉ biết mặc kệ, phó mặc định mệnh. Khốn nữa là con ngựa chẳng biết thế nào lại lưng còng chân khuỵu, ngã lăn ra đất, quất mãi cũng chẳng dậy, kéo thế nào cũng chẳng đi. Pháp sư đành chẳng biết ẩn nấp vào đâu. Thật là muôn phận thê lương cực khổ, chắc sẽ bỏ mạng, chẳng biết làm thế nào.
Tam Tạng mắc tai nạn, nhưng vẫn có người cứu.
Đang lúc tưởng chết, bỗng trông thấy trùng độc bỏ đi, quái thú bay vụt, mãnh hổ mất tăm, rắn dài biến mất. Tam Tạng ngẩng đầu lên thấy một người tay cầm xoa sắt, lưng đeo cung tên, từ sườn núi đi ra. Thật là một trang hảo hán. Người ấy:
Đầu đội mũ hoa da báo đốm, Mình mang áo lụa cẩm hồi la. Thắt lưng tô điểm hình sư tử, Giầy thuộc da hươu tựa gấm là.
Mắt sáng tròn xoe như mãnh tướng, Râu ria quanh mép mọc lua tua. Trên vai đeo túi cung tên độc,
Cầm chắc trong tay: một mũi xoa Tiếng vang vỡ mật loài lang sói, Dũng mãnh linh hồn lũ quỷ ma.
Tam Tạng thấy người ấy đến gần, bèn quỳ xuống vệ đường, chắp tay cất tiếng:
– Đại vương cứu tôi với, cứu tôi với!
Người ấy đến trước mặt đặt cây xoa xuống đất, đỡ Tam Tạng dậy, nói:
– Xin trưởng lão đừng sợ. Tôi không phải là kẻ xấu đâu. Tôi là người thợ săn ở núi này, họ Lưu tên Bá Khâm hiệu là Trấn Sơn Thái Bảo, vừa mới tới đây, định bắn hai con thú rừng về ăn thịt, không ngờ gặp Hòa thượng, đột ngột quá!
Tam Tạng nói:
– Bần tăng là hòa thượng nước Đại Đường, vâng mệnh nhà vua sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, vừa lúc tới đây gặp rắn rết hổ báo vây chặt, không sao đi được. May là có Thái Bảo đến, chúng chạy tán cả. Thế là tính mạng tôi được cứu thoát, xin đa tạ, đa tạ!
Bá Khâm nói:
– Tôi ở đây chỉ chuyên nghề săn thú kiếm ăn. Cho nên chúng thấy tôi là sợ chạy cả. Ngài từ kinh đô nhà Đường tới đây, vậy là cùng quê hương xứ sở với tôi. Chỗ này vẫn thuộc địa giới nhà Đường, tôi cũng cùng uống nước nhà Đường, đều là người trong một nước cả. Ngài đừng sợ, cứ đi theo tôi, về nhà tôi, nghỉ ngơi, ngày mai tôi đưa ngài lên đường.
Vượt qua sườn núi, bỗng nghe thấy tiếng gió rít ào ào, Bá
Khâm nói:
– Trưởng lão hãy dừng lại, ngồi tạm vào đấy. Chỗ gió nổi ấy là có hổ báo đến đây. Đợi tôi đi bắt nó mang về thết đãi ngài.
Tam Tạng nghe nói, sợ hãi không dám cất bước. Thái Bảo tay cầm xoa sắt, bước nhanh lên đón đầu. Một con hổ vẫn đi đến trước mặt. Thấy Bá Khâm, nó quay đầu bỏ chạy, Thái Bảo hét một tiếng vang như sấm:
– Nghiệt súc, chạy đi đâu!
Con hổ thấy Bá Khâm đuổi kịp, quay người tung vuốt chồm tới. Thái Bảo múa cây xoa ba mũi đến đánh. Tam Tạng sợ quá nằm dí xuống bãi cỏ. Từ thuở lọt lòng mẹ, Tam Tạng đã bao giờ trông thấy trận đánh nhau dữ dội như thế này đâu. Thái Bảo quần nhau với hổ trên sườn núi, người và hổ đấu nhau, thật quyết liệt:
Khí giận bừng bừng, Cuồng phong cuồn cuộn,
Khí giận bừng bừng, Thái Bảo ra oai khoe sức lực; Cuồng phong cuồn cuộn, hùm vằn trổ sức thổi mù tung, Bên này, nhe nanh múa vuốt,
Bên kia, chuyển bước quay lưng, Xoa ba mũi tung hoành ngang dọc Tựa nghìn hoa lấp lánh không trung
Chỉ nghe:
Bên này, nhằm ngực đâm tới, Bên kia, vỗ mặt cắn vung.
Đánh cho không đường về dương thế, Đánh cho hồn phải xuống âm cung.
Hổ vằn gầm rú, Thái Bảo thét vang.
Hổ vằn gầm rú, chấn động núi rừng kinh muông thú; Thái Bảo thét vang, xé toang trời rộng hiện sao trăng, Bên này, mắt vàng nhìn giận dữ,
Bên kia, mặt lớn cắn hung hăng. Trấn Sơn Thái Bảo đáng yêu thật, Làm vua muông thú giữa rừng xanh;
Tham sống: người, hùm tranh thắng bại
Lỡ thời một chút, chết như không.
Hai bên đánh nhau một hồi lâu, con hổ đuối sức chùn vuốt, sụn lưng, bị Thái Bảo giơ mũi xoa đâm thẳng vào ức. Than ôi, mũi xoa sắt đâm thấu tim gan. Trong giây lát, máu chảy lênh láng. Thái Bảo tóm lại, lôi thẳng đến trước mặt Tam Tạng, mặt không biến sắc, miệng không thở dốc, thật là một trang hảo hán, nói:
– Thật là trời cho, trời cho, con hổ này thết đãi được trưởng lão cả ngày đây.
Tam Tạng khen ngợi hết lời:
– Thái Bảo thật là một vị sơn thần! Bá Khâm nói:
– Có gì đâu mà ngài quá khen! Cũng là nhờ hồng phúc của trưởng lão đây. Ta về thôi, còn lột da nấu nướng khoản đãi ngài chứ.
Đoạn, một tay cầm xoa, một tay kéo hổ đi trước dẫn đường. Tam Tạng dắt ngựa theo sau. Vượt qua sườn núi quanh co, bỗng thấy một trang trại. Trước cửa:
Cổ thụ cao ngất trại,
Mây móc quấn quanh đường.
Muôn khe gió lạnh rít, Nghìn non cảnh lạ thường;
Một hàng hoa dại hương thơm ngát, Mấy cây thanh trúc lá xanh rờn. Rào nửa nhà tranh như cảnh vẽ, Tường vôi cầu đá thú nào hơn! Cảnh thu vắng vẻ,
Khí lạnh dâng dâng Bên đường lá vàng rụng, Đỉnh non mây trắng vờn Rừng thưa chim ríu rít, Cổng trại chó gầm vang.
Về đến cổng, Bá Khâm thả con hổ chết xuống đất, gọi:
– Lũ nhỏ đâu?
Ba, bốn người hầu hình thù kì quái, xấu xí chạy ra mở cổng, khiêng hổ vào. Bá Khâm dặn dò bảo mau mau lột da, làm cơm thết khách, rồi quay lại mời Tam Tạng vào. Hai bên thi lễ, Tam Tạng một lần nữa cảm ơn Bá Khâm đã cứu sống.
Bá Khâm nói:
– Cùng là người trong một nước cả, có gì phải cảm ơn.
Hai người ngồi uống trà xong, thấy một bà cụ dắt một thiếu phụ vào vái chào Tam Tạng, Bá Khâm nói:
– Đây là mẹ tôi, còn đây là vợ tôi. Tam Tạng nói:
– Xin mời cụ ngồi lên trên, để bần tăng được vái chào. Bà cụ nói:
– Trưởng lão từ phương xa tới, xin cứ tự nhiên, không cần phải làm lễ.
Bá Khâm nói:
– Mẹ ạ, ngài đây là hòa thượng vâng mệnh vua Đường sang Tây Trúc lễ Phật cầu kinh, vừa rồi con gặp ngài trên sườn núi. Con nghĩ rằng đều là người trong một nước cả, nên mời người về nhà ta nghỉ ngơi, ngày mai con sẽ đưa ngài lên đường.
Nghe lời, bà cụ rất vui, nói:
– Tốt quá, tốt quá! Con đã mời ngài về đây, thì không được vội vàng làm vậy. Ngày mai giỗ cha con, mời trưởng lão nán lại làm phúc, tụng kinh niệm Phật, đến ngày kia ngài hãy lên đường.
Lưu Bá Khâm là một thợ săn hổ, vị Thái Bảo trấn giữ núi này, nhưng lại là người rất hiếu hạnh, nghe mẹ nói liền đi sửa soạn đèn nhang, lưu Tam Tạng ở lại.
Mải trò chuyện, chẳng hay trời đã xế chiều. Người nhà dọn bàn ăn, đặt mấy bát thịt hổ hầm nhừ, bốc khói thơm phức lên trên mâm. Bá Khâm mời Tam Tạng xơi tạm, rồi ăn cơm sau.
Tam Tạng chắp tay trước ngực, thưa:
– Xin cảm ơn, bần tăng chẳng dám giấu Thái Bảo, từ thuở lọt lòng mẹ đã đi tu rồi, nên không biết ăn mặn.
Bá Khâm nghe nói, ngẫm nghĩ một lát, rồi nói:
– Thưa trưởng lão, nhà tôi mấy đời nay không biết thế nào là ăn chay. Có ít măng, mộc nhĩ, rau khô, đậu phụ, nhưng cũng đều rán bằng mỡ hổ báo hươu nai cả, không được chay tịnh lắm. Hai chiếc nồi đồng cũng nấu mỡ cả, chẳng biết làm thế nào. Hay là tôi mời trưởng lão có điều gì không phải chăng?
Tam Tạng nói:
– Thái Bảo không phải băn khoăn gì cả. Xin cứ dùng tự nhiên. Bần tăng bốn năm ngày không ăn cơm vẫn có thể chịu được, chứ không dám phá trai giới đâu!
Bá Khâm nói:
– Lỡ ra chết đói thì làm sao? Tam Tạng nói:
– Nhờ ơn Thái Bảo cứu thoát khỏi chốn hùm beo, giá có chết đói vẫn còn hơn bị hổ ăn thịt.
Bà mẹ Bá Khâm nghe vậy liền bảo:
– Con đừng nói cà kê nữa, mẹ đã có thức ăn chay để mời hòa thượng rồi.
Bá Khâm nói:
– Thức ăn chay ở đâu? Bà mẹ đáp:
– Con không phải lo, mẹ đã sắp sẵn rồi.
Bà gọi người con dâu mang đến chiếc nồi nhỏ, đun lửa cho mỡ chảy ra, lau rửa sạch sẽ, rồi lại đặt lên bếp đun lưng nồi nước sôi tráng nồi, sau mới bỏ vào một nắm lá dâu đất, đổ nước
đun làm trà uống, rồi mới lấy nắm kê thổi cơm, luộc chín một ít rau khô, múc đầy hai bát đặt lên trên bàn. Bà cụ nói với Tam Tạng:
– Xin mời trưởng lão dùng chay. Đây là thức ăn chay chính tôi và con dâu tôi nấu nướng rất thanh khiết.
Tam Tạng bước xuống tạ ơn, rồi ngồi vào bàn. Bá Khâm bày riêng một góc la liệt những bát thịt hổ, thịt nai, thịt trăn, thịt cáo, thịt thỏ, chẳng muối, chẳng tương gì sất, và một ít thịt hươu khô, ngồi tiếp Tam Tạng dùng chay. Vừa ngồi xuống, định cầm đũa, lại thấy Tam Tạng chắp tay tụng kinh, Bá Khâm vội vàng hạ đũa bật dậy đứng sang một bên.
Tam Tạng niệm mấy câu, rồi nói:
– Xin mời các vị vào bữa. Bá Khâm hỏi:
– Ngài là hòa thượng đọc kinh ngắn phải không? Tam Tạng đáp:
– Đây chẳng phải là kinh, chỉ là câu chú đọc lúc ăn cơm thôi. Bá Khâm nói:
– Các ngài xuất gia lắm chuyện rắc rối, ăn cơm cũng tụng tụng, niệm niệm.
Ăn cơm xong, thu dọn bát đũa, thì trời đã sẩm tối. Bá Khâm dẫn Tam Tạng ra khỏi nhà giữa, đi ra đằng sau, xuyên qua một con đường hẹp đến một gian nhà cỏ. Đẩy cửa vào, chỉ thấy bốn vách treo đầy cung dài nỏ cứng, mấy túi tên, hai tấm da hổ còn tanh máu căng trên xà nhà, rất nhiều thương, đao, giáo, mác dựng phía chân tường, chính giữa đặt hai chiếc ghế.
Bá Khâm mời Tam Tạng ngồi. Tam Tạng thấy quang cảnh rùng rợn bẩn thỉu, chẳng dám ngồi lâu, bèn ra ngoài nhà cỏ, đi
về phía sau một chút nữa, thấy một khu vườn rộng, có những khóm cúc nở nhị vàng, hàng hàng dương liễu buông cánh đỏ. Lại thấy Bá Khâm cất tiếng gọi, gần mười con hươu, báo, một đàn nai vàng chạy ra, thấy người chúng tỏ vẻ rất ngoan ngoãn, không chút sợ sệt.
Tam Tạng hỏi:
– Hươu nai này Thái Bảo để nuôi à? Bá Khâm thưa:
– Cũng như người ở thành Tràng An ấy, có tiền của thì để dành, có ruộng thì chứa thóc. Chúng tôi là phường săn ở núi rừng, cũng phải nuôi vài con dã thú phòng khi mưa gió.
Hai người vừa đi dạo, vừa trò chuyện, chẳng hay trời đã tối hẳn, bèn quay trở về nhà trước nghỉ ngơi.
Hôm sau, trẻ già trong nhà đều dậy, sửa soạn cơm chay thết đãi trưởng lão làm lễ tụng kinh. Trưởng lão rửa tay, cùng Thái Bảo đến bàn thờ, thắp hương làm lễ gia đường. Xong xuôi, Tam Tạng mới gõ mõ, niệm câu châm ngôn tịnh khẩu nghiệp, cầu thân chủ tịnh thân tâm, rồi sau mới tụng kinh độ vong.
Tụng kinh xong, Bá Khâm lại xin hòa thượng viết cho một tờ sớ tiến vong. Tam Tạng lại cao giọng tụng kinh Kim Cương và kinh Quan Âm. Tụng xong thì đi ăn bữa trưa; rồi lại tụng kinh Pháp Hoa, kinh Di Đà, mỗi kinh tụng vài quyển; rồi lại tụng một quyển kinh Khổng Tước nữa, và nói truyện tỳ kheo tẩy
nghiệp[87]
Đến chiều dâng hương hoa, đốt vàng mã và tờ sớ
tiến vong. Việc cúng lễ thế là xong, ai nấy đi nghỉ.
Lại nói linh hồn cha Bá Khâm được siêu độ thoát khỏi hồn quỷ trầm luân, trở về trong căn nhà phía Đông, ứng mộng vào tất cả trẻ già trong nhà rằng:
– Ta ở âm ty chẳng thoát khổ nạn, lâu ngày chẳng được siêu
sinh. Nay nhờ thánh tăng tụng kinh niệm Phật, giải trừ ác nghiệp của ta. Diêm vương sai người đưa ta về Trung Quốc, đầu thai vào một nhà giàu có. Các con phải tạ ơn ngài, đưa ngài đi không được lười biếng. Ta đi đây!
Thế mới là:
Muôn pháp linh thiêng đều ý nghĩa
Cứu vong thoát khỏi nạn trầm luân
Khi cả nhà tỉnh mộng, thì vầng dương đã mọc phương Đông. Vợ Bá Khâm nói với chồng:
– Thưa chàng, đêm qua thiếp nằm mộng thấy cha về, nói rằng khó qua khỏi hoạn nạn ở âm ty, lâu ngày chẳng được siêu sinh. Nay nhờ có thánh tăng tụng kinh niệm Phật, giải trừ ác nghiệp. Diêm vương sai người đưa về Trung Quốc, đầu thai vào một nhà trưởng giả. Các con phải tạ ơn trưởng lão, không được lười biếng. Nói xong, cha đẩy cửa nhẹ gót đi luôn. Thiếp gọi cha chẳng thưa, giữ cha chẳng ở, tỉnh dậy mới biết là giấc mộng.
Bá Khâm nói:
– Ta cũng nằm mơ y như nàng vậy. Chúng ta đi kể cho mẹ nghe đi.
Hai vợ chồng định đi, bỗng thấy mẹ gọi:
– Bá Khâm lại đây, mẹ kể cho mà nghe!
Hai người chạy lại, bà mẹ ngồi trên giường nói:
– Các con này, đêm qua mẹ nằm mộng rất vui. Mẹ thấy bố con về nói rằng, nhờ có trưởng lão siêu độ cho, thoát được ác nghiệp được đầu thai vào một nhà trưởng giả ở Trung Quốc.
Hai vợ chồng cũng cười vui, nói:
– Chúng con cũng nằm mơ thấy y như vậy, định kể cho mẹ nghe, không ngờ mẹ gọi lại kể cho nghe cũng giấc mộng ấy.
Đoạn gọi cả nhà dậy tạ ơn Hòa thượng, sửa soạn hành trang ngựa cưỡi, rồi nói rằng:
– Xin đa tạ trưởng lão đã độ cho vong hồn cha chúng tôi được siêu sinh thoát nạn. Chúng tôi không bao giờ quên ơn.
Tam Tạng nói:
– Bần tăng có tài cán gì đâu mà dám nhận ơn.
Bá Khâm kể lại giấc mộng mà ba người cùng mơ thấy cho
Tam Tạng nghe. Tam Tạng cũng vui lắm.
Gia đình dọn cơm chay và tạ ơn Tam Tạng một lạng bạc trắng. Tam Tạng nhất quyết không nhận. Cả nhà khẩn khoản mãi, Tam Tạng vẫn không nhận, nói:
– Chỉ mong mọi người mở lòng từ bi, đưa tôi đi một đoạn đường là quý lắm rồi!
Bá Khâm cùng mẹ, vợ, gọi thêm hai ba người nhà mang khí giới đi săn cùng đi theo. Phong cảnh núi non nhìn không biết chán.
Đi độ nửa ngày, thấy trước mặt là một ngọn núi cao ngất tầng xanh, sừng sững hiểm trở. Tam Tạng thoáng một lát đã đi tới chân núi. Thái Bảo trèo núi thoăn thắt như đi trên đường phẳng. Đến lưng chừng núi, Bá Khâm quay lại, đứng bên đường nói:
– Thưa trưởng lão, ngài đi một mình thôi, chúng tôi xin từ biệt, quay về.
Tam Tạng vội vàng xuống ngựa, nói:
– Phiền Thái Bảo đưa thêm một đoạn nữa. Bá Khâm nói:
– Trưởng lão không biết. Núi này tên là núi Lưỡng Giới. Nửa bên Đông thuộc nước Đại Đường, nửa bên Tây thuộc nước Thát Đát. Hổ báo bên ấy không chịu hàng phục tôi, tôi cũng không
thể vượt qua biên giới được. Ngài đi một mình vậy.
Tam Tạng lo sợ, dang tay níu áo, rơi lệ chia tay, mắt nhìn theo quyến luyến không rời. Đang lúc đinh ninh dặn dò từ biệt, bỗng nghe thấy dưới chân núi có tiếng gọi như sấm:
– Sư phụ đến rồi! Sư phụ đến rồi!
Khiến Tam Tạng ngẩn người, Bá Khâm phát hoảng. Chưa biết là ai gọi Tam Tạng, xem hồi sau sẽ rõ.
Chú thích:
[86][87]
Non Thứu: tức nước Phật, còn đọc là non Tựu
Tỳ kheo tẩy nghiệp: Theo truyền thuyết nhà Phật: có một lần đức Phật Như Lai nom thấy dưới chân một ngôi
thần ở mé Đông bắc vườn Cấp Cô Độc một người tu hành đau khổ. Như Lai hỏi ông ta: “Tại sao lại ngồi một mình buồn khổ như vậy?”. Người kia nói: “Tôi đang ốm và chẳng có ai chăm sóc”. Đức Phật Như Lai bèn lấy tay xoa nhẹ lên người người ấy, người ấy khỏi bệnh ngay. Như Lai lại đỡ người ấy dậy, dắt đi tắm, thay quần áo mới cho, và khuyên cố gắng tu hành. Từ đấy, người ấy tâm thần rất là thoải mái. Câu chuyện này, nhà Phật gọi là: tỳ kheo tẩy nghiệp. Tỳ kheo, dịch theo âm tiếng Ấn Độ, nghĩa là người tu hành (theo nguyên chú).