Vua Đường lòng thành mở đại hội
Quan Âm hiển thánh hóa Kim Thiền
Lại nói quỷ sứ dẫn vợ chồng Lưu Toàn ra khỏi âm ty theo làn
gió âm quấn quýt, đến thẳng kinh đô Tràng An. Quỷ sứ dẫn linh hồn Lưu Toàn vào trong quán Kim Đình, đưa hồn Thúy Liên vào nội cung. Lúc ấy công chúa Ngọc Anh đang đi chơi trên đám rêu xanh, dưới bóng cây, bỗng bị quỷ sứ đẩy mạnh một cái, ngã lăn ra đất. Chúng bắt ngay hồn của Ngọc Anh đưa đi, đẩy linh hồn Thúy Liên vào thân thể Ngọc Anh, rồi quay về âm ty. Chuyện không nói nữa.
Lại nói thị tỳ lớn nhỏ trong cung thấy Ngọc Anh ngã chết, vội vàng chạy tới điện Kim Loan tâu với Tam cung hoàng hậu.
– Công chúa nương nương ngã chết rồi. Hoàng hậu sợ hãi, vào báo với Thái Tông. Thái Tông nghe nói gật đầu than:
– Chuyện này ta biết trước rồi. Ta từng hỏi mười Diêm vương rằng: “Già trẻ có thọ không?”. Các ngài nói: “Thọ cả, chỉ em gái vua yểu mệnh thôi!”. Nay quả như lời.
Mọi người trong cung đều thương khóc, chạy cả đến gốc cây xem xét, thấy công chúa còn đang thoi thóp. Vua Đường nói:
– Đừng khóc! Đừng khóc! Làm nàng sợ. Đoạn bước tới nâng đầu nàng dậy, gọi:
– Ngọc Anh! Hiền muội tỉnh lại đi! Tỉnh lại đi! Công chúa bỗng trở mình, gọi:
– Phu quân chầm chậm cho, chờ thiếp với! Thái Tông nói:
– Hiền muội! Anh đây mà! Công chúa bèn vùng dậy.
– Nhà ông là ai mà dám giữ tôi? Thái Tông nói:
– Ta là vua, là anh trai, và cả chị dâu của hiền muội đây mà. Công chúa nói:
– Tôi đâu có anh, có chị là nhà vua, hoàng hậu. Nhà tôi họ Lý, tên tôi là Lý Thúy Liên, chồng tôi họ Lưu tên Toàn. Chúng tôi đều là người ở Quận Châu. Ba tháng trước đây, tôi rút cây thoa vàng bố thí cho một nhà sư, bị chồng tôi mắng là tự tiện ra cửa, không giữ đạo làm vợ. Tôi ức quá, bèn rút dải lụa trắng treo cổ
lên xà nhà tự tử, bỏ lại hai con nhỏ, ngày đêm kêu khóc. Nay chồng tôi vâng mệnh vua Đường xuống âm ti dâng bí, Diêm vương thấy thế thương tình tha cho vợ chồng tôi về trần. Chồng tôi đi nhanh, tôi đi chậm, theo không kịp, bị vấp ngã. Các ông thật vô lễ, chẳng rõ họ tên mà dám giữ tôi lại?
Thái Tông nghe xong, nói với mọi người:
– Có lẽ em ta ngã mê man bất tỉnh, nên nói lảm nhảm đấy! Bèn sai quan Thái y bốc thuốc, và dìu Ngọc Anh vào cung. Vua Đường đang ở trong điện, chợt có quan coi xa giá vào
tâu:
– Vạn tuế, người dâng bí là Lưu Toàn sống lại, hiện đang đứng ngoài cửa khuyết đợi lệnh.
Vua Đường cả kinh, vội vàng sai triệu Lưu Toàn vào. Lưu
Toàn vào phủ phục trước thềm son. Thái Tông hỏi:
– Việc dâng bí thế nào? Lưu Toàn thưa:
– Thần đội bí đến cửa quỷ môn, vào điện Sâm la, ra mắt mười vị Diêm vương, dâng bí lên, và trình bày đầy đủ lòng cảm tạ ân cần của bệ hạ. Diêm vương mừng lắm, khen hoàng đế Thái tông là người tín nghĩa.
Vua Đường nói:
– Ở âm ty ngươi còn thấy những gì nữa? Lưu Toàn thưa:
– Thần không được đi xa, chẳng thấy gì cả. Diêm vương chỉ hỏi thần quê quán, họ tên. Thần đem chuyện vợ tự tử, thần bỏ nhà bỏ con, xin đi dâng bí kể lại một lượt. Diêm vương vội vàng sai quỷ sứ dẫn vợ thần đến gặp ở điện Sâm La. Một mặt tra cứu sổ sinh tử, rồi nói vợ chồng thần đều được thọ lên tiên, bèn sai
quỷ sứ đưa về. Thần đi trước, vợ thần theo sau, thật may được trở về trần gian. Nhưng không rõ vợ thần về đâu.
Vua Đường sợ hãi hỏi:
– Diêm vương có nói vợ nhà ngươi thế nào không? Lưu Toàn thưa:
– Diêm vương không nói gì. Chỉ nghe quỷ sứ nói: “Lý Thúy Liên chết lâu rồi, thể xác đã nát”. Diêm vương bảo: “Em gái vua Đường là Lý Ngọc Anh vừa mới chết. Cho Thúy Liên mượn thể xác Ngọc Anh mà nhập hồn vào”. Thần không biết em gái vua Đường là ai, nhà cửa ở đâu và chưa đi tìm được.
Vua Đường nghe xong, mừng lắm, nói với các quan:
– Khi chia tay với Diêm vương, trẫm có hỏi chuyện trong cung. Các ngài nói già trẻ đều thọ cả, chỉ e có người em gái chết non mà thôi. Vừa rồi, em gái trẫm là Ngọc Anh bị ngã chết ngay dưới gốc cây, trẫm vội vàng đỡ dậy, giây lát tỉnh lại, miệng gọi: “Chàng ơi, đi chậm một tý đợi thiếp cùng đi với”. Trẫm cho rằng nàng bị ngã mê man, nói lảm nhảm. Trẫm lại hỏi tỉ mỉ, thì nàng trả lời y hệt như Lưu Toàn vậy.
Ngụy Trưng thưa:
– Em gái bệ hạ bỗng nhiên chết ngay, trong giây lát tỉnh lại, nói ra những điều như thế. Chính là người vợ Lưu Toàn nhập hồn vào. Việc ấy cũng thường có. Giờ xin mời công chúa ra, xem nàng ăn nói ra sao.
Vua Đường nói:
– Trẫm mới hạ lệnh cho Thái y viện bốc thuốc, chưa biết thế nào?
Liền sai phi tần vào cung mời ra.
Lúc ấy, ở trong cung, công chúa la hét om sòm:
– Cho tôi uống thuốc gì thế này! Không phải nhà tôi ở đây! Nhà tôi lợp ngói mát mẻ, không giống cái nhà bề bộn này. Cửa giả sao lại lòe lẹt thế kia? Buông tôi ra! Buông tôi ra!
Đương lúc công chúa la hét, thấy năm vị quan nữ, hai ba quan
Thái giám dìu nàng ra ngoài điện. Vua Đường hỏi:
– Nàng có nhận được chồng nàng là ai không? Ngọc Anh thưa:
– Ông nói lạ vậy, hai chúng tôi lấy nhau từ thuở còn trẻ, đã sinh trai đẻ gái, sao lại không nhận được?
Vua Đường sai nội quan đỡ nàng xuống. Công chúa vừa bước xuống thềm ngọc, trông thấy Lưu Toàn liền níu chặt lấy, nói:
– Chàng ơi, chàng đi đâu mà chẳng đợi thiếp cùng đi. Thiếp vừa ngã thì bị bọn người vô đạo này vây chặt lấy, thế là làm sao?
Lưu Toàn nghe đúng giọng nói của vợ, nhưng nhìn mặt thì không phải, nên không dám nhận.
Vua Đường nói:
– Thật đúng là “núi tan đất sụt có người thấy, bắt sống thay chết quả khó tin”!
Vua Đường là một ông vua đạo đức, bèn sai mang hết tư trang quần áo của người em gái thưởng cho Lưu Toàn làm của hồi môn, lại cho hai người suốt đời miễn lao dịch, rồi bảo Lưu Toàn mang công chúa về. Hai vợ chồng bước ra trước thềm tạ ơn, sung sướng đưa nhau về nhà. Có bài thơ làm chứng rằng:
Sống chết tiền định rành rành, Ngắn dài thọ yểu trời xanh định phần. Lưu Toàn tiến bí về trần,
Mượn thây công chúa hồn giành Thúy Liên.
Từ tạ nhà vua, hai vợ chồng đưa nhau về thành Quận Châu, thấy cơ nghiệp, con cái đều nguyên vẹn, bèn hết lời ngợi ca thiện quả.
Lại nói chuyện Uất Trì Cung mang một kho vàng đến phủ
Khai Phong, Hà Nam tìm nhà Tướng Lương.
Nguyên ông này làm nghề bán hàng nước, cùng vợ là Trương thị bán chậu sành ngoài cửa. Mỗi khi bán được đồng tiền nào, họ chỉ ăn uống qua loa, còn bao nhiêu đem bố thí cho các nhà sư, hoặc mua vàng mã cúng đốt gửi kho âm phủ, vì vậy được dồi dào phúc quả. Ở trần gian họ là một người nghèo tốt bụng, nhưng dưới âm phủ lại là người trưởng giả lắm ngọc nhiều vàng. Thấy Uất Trì Cung mang vàng bạc đến nhà, hai ông bà sọ hãi hồn bay phách tán. Lại thấy cả quan viên bản phủ, ngoài cửa nếp nhà tranh ngựa xe tấp nập, hai ông bà như ngây như dại, nói không thành tiếng, chỉ biết quỳ xuống sụp lạy.
Uất Trì Cung nói:
– Mời ông bà đứng dậy. Tôi tuy là quan khâm sai, nhưng là người mang vàng bạc của nhà vua đến trả nợ ông bà.
Vợ chồng run rẩy đáp:
– Chúng tôi chẳng có một chút vàng bạc nào cho ai vay cả, đâu dám nhận thứ của bất minh ấy!
Uất Trì Cung nói:
– Tôi đã hỏi thăm và được biết ông bà là người nghèo nhưng hay bố thí sư tăng; đủ ăn đủ tiêu, còn thừa thì mua vàng mã đốt đi ký gửi dưới âm phủ, nên dưới âm phủ ông bà mới có nhiều tiền bạc. Hoàng đế Thái Tông chết đi ba ngày, rồi lại hoàn hồn sống lại. Ngài đã vay của ông bà một kho vàng bạc ở dưới ấy, nay trả lại ông bà đủ số. Ông bà mau nhận lấy để chúng tôi trở về.
Hai vợ chồng Tướng Lương chỉ biết ngẩng mặt lên trời vái lạy, không dám nhận, nói:
– Nếu chúng tôi nhận số vàng bạc này, thì sẽ chóng chết. Đúng, chúng tôi có đốt vàng mã gửi kho, song việc ấy mờ mịt lắm. Vả lại đức vua vay vàng bạc ở dưới ấy thì có gì làm bằng chứng đâu? Chúng tôi quyết không dám nhận.
Uất Trì Cung nói:
– Nhà vua nói việc vay tiền của ông bà đã có Thôi phán quan làm chứng. Ông bà nhận đi cho.
Tướng Lương nói:
– Có chết chúng tôi cũng không dám nhận.
Uất Trì Cung thấy Tướng Lương một mực chối từ, đành làm sớ sai người tâu về triều. Thái Tông xem sớ, biết Tướng Lương không nhận vàng, than rằng:
– Thật là một người lương thiện!
Lập tức lệnh cho Hồ Kính Đức mang số vàng ấy dựng một ngôi chùa, một nếp sinh từ, mời sư tăng làm lễ cầu phúc, coi như đã trả nợ cho ông ấy. Chiếu chỉ đến nơi, Kính Đức ngoảnh mặt về phía cửa khuyết tạ ơn, đọc chiếu chỉ cho mọi người cùng biết, rồi đem số bạc ấy mua một khoảnh đất đẹp, rộng năm mươi mẫu, khởi công dựng một ngôi chùa, đặt tên là “chùa Sắc Kiến
[79]
Tướng Quốc”
. Bên trái là sinh từ của vợ chồng Tướng
Lương, dựng bia khắc chữ “Uất Trì Cung giám tạo”. Ngày nay tức là chùa Đại Tướng Quốc vậy.
Xong việc, Uất Trì Cung về triều tâu lại. Thái Tông rất mừng. Lại hội họp các quan, treo bảng chiêu tăng, lập đàn chay “Đại hội thủy lục”, siêu độ cho những cô hồn dưới âm phủ. Bảng treo khắp thiên hạ, sức cho quan viên các nơi kén chọn cao tăng đại đức đến Tràng An mở hội. Được độ một tháng, tăng ni trong
thiên hạ đã đến đông đủ. Vua Đường xuống chiếu sai quan Thái sử thừa là Phó Dịch kén chọn cao tăng, sửa sang việc Phật. Phó Dịch nhận được chiếu, lập tức dâng biểu can ngăn ý đồ không thiết thực ấy, nói rằng đâu có Phật. Tờ biểu viết rằng:
“Đạo của nước Tây Vực, không có vua tôi cha con, lấy La
[80]
Đường
sáu đạo lừa dối người ngu xuẩn. Truy tội quá khứ,
xét việc tương lai: miệng đọc kinh Phạn để mong trốn tránh thuế vua. Vả lại những việc sống chết thọ yểu là do tự nhiên; những việc hình đức, uy, phúc quan hệ ở bậc vua chúa. Nay nghe những bọn phàm tục, cái gì cũng cho là do Phật. Vậy thì từ đời
“năm đế ba vương”[81]
chưa có đạo Phật, mà vẫn có vua sáng
tôi trung, vận mệnh lâu dài. Đến đời Hán Minh đế mới sùng bái đạo rợ Hồ, nhưng cũng chỉ toàn nhà sư Tây Vực truyền giáo mà thôi. Thật là man di phạm vào Trung Quốc không đáng tin vậy”.
Thái Tông xem xong, vứt tờ biểu cho quần thần bàn bạc. Lúc ấy, có quan tể tướng là Tiêu Vũ bước ra, cúi đầu tâu:
– Đạo Phật đã hưng thịnh từ mấy triều đại rồi. Nó lấy lành ngăn ác, ngầm giúp cho quốc gia, không có lý gì bỏ đi được. Phật là bậc thánh nhân. Kẻ phi thánh làm điều trái phép, xin trị tội nghiêm khắc.
Phó Dịch tranh cãi cùng Tiêu Vũ, nói lễ gốc ở việc thờ cha, thờ vua, mà đạo Phật thì bỏ cha mẹ đi tu, đem kẻ thất phu chống lại thiên tử, lo lấy thân mình mà bôi bạc với cha mẹ. Tiêu Vũ có lẽ chui ra từ lỗ nẻ, mới đem cái đạo không có cha mẹ ấy, thật là những kẻ bất hiếu bất trung.
Tiêu Vũ chỉ chắp tay nói:
– Đặt ra địa ngục, chính là để dành cho những hạng người này vậy.
Thái Tông cho mời Thái phó khanh Trương Đạo Nguyên,
Trung thư lệnh Trương Sĩ Hành vào, hỏi việc thờ Phật làm phúc, báo ứng thế nào. Hai người thưa:
– Đạo Phật chủ ở thanh tịnh, đối với người khoan dung nhân từ; nhân quả thì có, Phật pháp thì không. Chu Vũ Đế chia ba giáo theo thứ tự. Thiền sư Đại Tuệ có lời tán tụng những điều u viễn, mấy đời chúng sinh cúng trời, thảy đều hiển linh. Năm vị tổ sư đi đầu thai, đức Đạt Ma hiện chân tướng. Từ xưa đến nay đều cho ba giáo là chí tôn không thể bỏ được. Cúi xin bệ hạ anh minh xét đoán.
Thái Tông mừng lắm, nói:
– Lời khanh nói rất hợp ý trẫm. Ai còn tranh cãi nữa sẽ trị tội. Bèn sai Ngụy Trưng cùng Tiêu Vũ, Trương Đạo Nguyên làm
lễ thỉnh chư Phật, kén chọn một vị cao tăng đại đức làm đàn chủ, dựng đạo tràng. Các quan cúi đầu tạ ơn lui ra.
Từ hôm ấy, ban ra pháp luật: kẻ nào nhạo báng Phật tăng phải tội chặt tay.
Hôm sau, ba vị triều thần hội họp các tăng ở đàn Sơn Xuyên, xét chọn từng người. Trong số ấy, chọn được một vị cao tăng đức hạnh. Vị ấy là ai?
Linh thông xưa vốn Kim Thiền,
Vô tâm chẳng chịu nghe truyền Phật kinh.
Nên bị đày xuống thế gian, Giáng sinh thế tục tai ương vô vàn. Đầu thai đã gặp nguy nan,
Còn trong bụng mẹ mắc đường đảng gian.
Cha họ Trần, đỗ Trạng nguyên.
Ông ngoại tổng quản binh quyền ba quân.
Ra đời gặp nạn trôi sông.
Sóng to gió cả thuận dòng trôi xuôi.
Đến Kim Sơn gặp duyên may.
Thiên An hòa thượng cứu ngay nuôi giùm, Tuổi mười tám gặp mẫu thân,
Về ngay kinh khuyết báo ông ngoại tường.
Điều quân tể tướng Khai Sơn,
Hồng Châu sào huyệt tìm đường trừ gian.
Cha con gặp gỡ hân hoan vui mừng.
Đội ơn chúa thượng cao thâm.
Gác Lăng Yên được dự phần tiếng thơm, Thích tăng chẳng thích làm quan,
Về chùa Hồng Phúc tìm đường đi tu.
Xưa con Phật, nay Giang Lưu,
Trần Huyền Trang ấy sáng lòa pháp danh.
Hôm ấy, trong số cao tăng, chọn được pháp sư Huyền trang. Pháp sư đi tu từ nhỏ, lọt lòng mẹ đã ăn chay giữ giới. Ông ngoại là Ân Khai Sơn, làm quan tổng quản một lộ của triều đình. Bố là Trần Quang Nhị, đỗ Trạng nguyên, làm quan đại học sĩ điện Văn Uyên. Huyền Trang trong lòng chẳng thiết vinh hoa, chỉ vui tu hành đạo Phật. Xét thấy ông là người có căn nguyên tốt đẹp, đức hạnh cao dày, kinh điển nghìn pho đều thông thạo, hiệu Phật tiếng tiên đều tỏ tường. Ba vị triều thần dẫn Huyền Trang đến trước thềm vua, cúi đầu tâu:
– Lũ thần là bọn Tiêu Vũ vâng thánh chỉ, đã chọn được một vị cao tăng tên là Huyền Trang.
Thái Tông nghe tên, trầm ngâm hồi lâu, nói:
– Có phải là Huyền Trang, con trai học sĩ Trần Quang Nhị không?
Giang Lưu cúi đầu thưa:
– Chính phải.
Thái Tông mừng lắm, nói:
– Quả nhiên kén chọ chẳng sai. Thật là một vị hòa thượng có
Phật tâm, có đạo đức. Trẫm ban cho hòa thượng chức “Tả tăng
[82]
cương, Hữu tăng cương, Thiên hạ đại xiển đô tăng cương” .
Huyền Trang cúi đầu tạ ơn, nhận tước quan Đại xiển. Thái Tông lại ban cho một tấm áo cà sa vàng thêu chỉ ngũ sắc, một chiếc mũ tỳ lư, dặn dò phải lưu tâm học hỏi các bậc cao tăng, sắp đặt ngôi các sư, sai viết chiếu chỉ, cho làm lễ ở chùa Hóa Sinh, rồi chọn ngày lành tháng tốt, diễn giảng kinh pháp.
Huyền Trang cúi lạy tạ ơn, vâng mệnh lui ra, đến chùa Hóa
Sinh, hội họp các tăng, tu tạo giường thiền sửa sang công đức, chỉnh lý âm nhạc, chọn các cao tăng già trẻ là một nghìn hai trăm người, chia làm ba ngôi thượng, trung, hạ. Các thức lễ Phật đều chuẩn bị đầy đủ, có thứ tự đâu đấy cả rồi, hẹn đến ngày ba tháng chín năm ấy, đúng giờ tốt hoàng đạo, mở đàn chay “Đại hội thủy lục” bảy bảy bốn chín ngày. Lại dâng biểu mời nhà vua, các quan văn võ, hoàng thân quốc thích đúng hẹn đến đại hội dâng hương lễ Phật. Có thơ làm chứng rằng:
Rằng năm Trinh Quán mười ba, Nhà vua hội họp sư về giảng kinh. Đạo tràng khai diễn phép linh,
Đài cao đại nguyện mây lành trở che.
Chùa xây ơn sắc chỉ vua,
Kim Thiền lột xác tìm về Tây phương, Ban thiện quả, độ trầm luân,
Tuyên dương đạo cả ba đường dài lâu.
Năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Trinh quán thứ mười ba, tháng chín, ngày Giáp Tuất mùng ba, giờ lành Quý Mão, Đại xiển pháp sư Huyền Trang hội họp một nghìn hai trăm vị cao tăng khai diễn các pho kinh Phật ở chùa Hóa Sinh, thành Tràng An. Hoàng đế khai triều buổi sáng xong, dẫn các quan văn võ ngồi kiệu phượng, xe rồng, rời điện Kim Loan, thẳng tới chùa dâng hương làm lễ. Thật là:
Đầy trời khí lành hiện, Khắp chốn ánh hào quang. Gió đưa ấm áp,
Vầng dương đẹp lạ dường. Trăm quan tề chỉnh chia ban đứng.
Lại thấy:
Năm lớp cờ mao cắm dọc đường. Từng hàng quân lính cầm qua, việt, Đuốc hoa, lư đỉnh ngát mùi hương. Rồng bay phượng múa,
Ưng lượn dập dờn. Vua thánh sáng suốt, Tôi hiền trung lương.
Hưởng phúc nghìn năm hơn Thuấn Vũ, Thái bình muôn thuở vượt Nghiêu Thang.
Tán tía lọng vàng màu rực rỡ, Quạt hoa vòng ngọc vẻ huy hoàng. Hộ giá quân nghìn đội,
Hầu vua tướng hai hàng. Hoàng đế thành tâm vào lễ Phật,
Quy y thiện quả kính dâng hương.
Xa giá vua Đường đến trước chùa, lệnh truyền tạm dừng âm nhạc. Nhà vua xuống xe, dẫn các quan vào dâng hương lễ Phật, đi quanh ba vòng, rồi ngẩng đầu nhìn. Quả một đạo tràng tuyệt vời!
Tràng phan lộng lẫy, Lọng báu huy hoàng.
Tràng phan lộng lẫy, phấp phới bay lớp lớp tầng không. Lọng báu huy hoàng, phản chiếu ánh chiều mầu thắm đẹp. Tượng vàng đức Phật trang nghiêm,
Dung nhan La hán lẫm liệt.
Bình cắm hoa tiên, Lư đốt đàn hương.
Bình cắm hoa tiên, cây gấm lung linh quanh bảo tháp. Lư đốt đàn hương, khói thơm cuồn cuộn vút tầng xanh.
Quả hoa tươi tắn để đầy mâm, Bánh kẹo ngon lành bày khắp án. Cao tăng ngồi chật tụng kinh thiền, Siêu độ cô hồn thoát khổ nạn.
Thái Tông cùng các quan văn võ thắp hương lễ Phật tổ và các vị La hán. Lúc ấy, Đại xiển đô cương pháp sư Trần Huyền Trang dẫn các nhà sư ra chào vua Đường. Làm lễ xong, mọi người chia ban ngồi vào chỗ của mình. Pháp sư dâng bảng văn tế cô hồn lên cho Thái Tông xem. Bảng rằng:
Đức lớn mờ mịt, đạo thiền tịch diệt, Thanh tĩnh linh thông, ba cõi gồm trong. Thiên biến vạn hóa, bao quát Âm dương, Thể dụng hằng thưởng, vô cùng vô tận. Nghĩ những cô hồn, thật là thương xót. Ta nay vâng lệnh Thái Tông:
Hội họp chúng tăng, tham thiền giảng pháp.
Cánh cửa phương tiện mở toang, Bánh lái từ bi chèo miết.
Cứu vớt khổ hạnh chúng sinh, Thoát khỏi sáu đường tăm tối.
Dẫn về đường chính,
Cõi cũ dạo chơi. Cuộc sống thảnh thơi, Vô cùng thuần phác.
Hôm nay dịp tốt, xin về thưởng thức thú hanh đô, Lên hội ta đây, để thoát ngục tù nhiều cực khổ. Sang cõi trời Tây sống tự do.
Lên miền cực lạc chơi đây đó.
Lại có bài thơ rằng:
Một lò hương thơm ngát.
Mấy bộ kinh siêu sinh.
Diệu pháp thật tài tình, ơn trời nhuần khắp chốn.
Nghiệt oan kia giải trọn, Cô hồn nọ thoát tù.
Bảo hộ cho nước nhà, Thái bình muôn phúc hưởng.
Thái Tông xem xong, trong lòng rất vui, nói với các nhà sư:
– Các vị giữ lấy lòng trung, chớ biếng nhác việc thờ Phật. Đợi khi công việc xong xuôi, mọi người đều được hưởng phúc, lúc ấy trẫm sẽ trọng thưởng, không để ai nhọc mệt uổng công.
Một nghìn hai trăm nhà sư cúi đầu tạ ơn.
Hôm ấy, dùng xong ba bữa cơm chay, vua Đường ra về, đợi bảy ngày nữa là ngày chính hội, lại tới dâng hương làm lễ.
Lúc ấy, trời đã ngả về chiều, các quan cũng ra về cả. Thật là một buổi chiều tuyệt đẹp:
Bát ngát trời cao bóng ngả vàng, Chim về mây điểm lượn mơ màng.
Đầy thành đèn sáng, im phăng phắc, Chính lúc tham thiền của chúng tăng.
Sáng hôm sau, pháp sư lại lên đàn, hội họp các nhà sư tụng kinh. Chuyện không nói đến nữa.
Lại nói chuyện đức Quan Âm bồ tát ở núi Phổ Già, Nam Hải từ khi vâng lệnh đức Phật Như Lai, tìm người hiền đi lấy kinh ở thành Tràng An, lâu ngày rồi mà vẫn chưa gặp được người nào thật sự đức hạnh. Bỗng nghe Thái Tông tuyên dương thiện quả, kén chọn cao tăng, dựng đàn lập hội, lại thấy pháp sư đàn chủ là hòa thượng Giang Lưu, một Phật tử ở cõi cực lạc giáng trần, cũng chính là vị trưởng lão mà Bồ tát đã dẫn đi đầu thai. Bồ tát mừng lắm, đem những bảo bối của Phật ban cho, cùng Mộc Soa mang ra chợ bán. Đó là một tấm áo cà sa gấm cực quý, một cây gậy tích trượng chín vòng, còn ba cái lồng nhỏ khóa vàng thì không bán, giữ kín để dùng về sau, chỉ mang bán tấm áo cà sa và cây gậy tích trượng thôi.
Ở thành Tràng An có một bọn nhà sư dốt nát không được chọn, trong túi chỉ có mấy đồng xu, không biết là Bồ tát hóa thành một nhà sư ghẻ lở, quần áo rách rưới, đầu trọc chân đất, bưng tấm cà sa hào quang óng ánh, bèn đến gần hỏi:
– Nhà sư ghẻ kia, tấm cà sa bán giá bao nhiêu? Bồ tát nói:
– Tấm cà sa giá năm nghìn lạng. Cây gậy tích trượng hai nghìn lạng.
Bọn nhà sư dốt nát cười, nói:
– Hai lão sư ghẻ này thật là dở hơi! Ngốc lắm! Hai vật xoàng ấy mà bán những bảy nghìn lạng bạc! Trừ phi mặc vào người mà trẻ mãi không già, thành tiên thành Phật thì cũng chẳng đến nỗi đắt thế! Thôi mang đi, chẳng ai mua đâu.
Bồ tát chẳng cãi lại làm gì, cùng Mộc Soa đi tiếp. Đi được lúc lâu, đến cửa Đông Hoa, gặp ngay tể tướng Tiêu Vũ tan triều về. Quân đi trước hò hét dẹp đường, nhưng Bồ tát vẫn điềm nhiên không tránh, cứ cầm áo cà sa đi giữa phố, đến trước mặt quan tể tướng. Tể tướng dừng ngựa ngắm nghía, thấy tấm áo óng ánh hào quang, bèn sai người hầu hỏi tấm áo ấy bán bao nhiêu tiền. Bồ tát nói:
– Áo cà sa giá năm nghìn lạng, gậy tích trượng hai nghìn lạng. Tiêu Vũ hỏi:
– Tấm áo có gì quý mà bán đắt thế? Bồ tát nói:
– Tấm áo này có chỗ quý, có chỗ không quý; có chỗ lấy tiền, có chỗ không lấy tiền.
Tiêu Vũ hỏi:
– Thế nào là quý? Thế nào là không quý? Bồ tát nói:
– Mặc tấm áo cà sa của ta thì không bị đắm chìm, không sa địa ngục, không gặp tai ương ác độc, không bị hoạn nạn sói lang. Đó là chỗ quý. Còn như lũ sư dâm ô, cười vui trước đau khổ người khác; bọn hòa thượng giữ giới không nghiêm; hạng phàm phu hủy kinh nhạo Phật, thì khó lòng nhìn thấy được áo cà sa của ta. Đó là chỗ không quý.
Tiêu Vũ lại hỏi:
– Thế nào là lấy tiền, và không lấy tiền? Bồ tát nói:
– Không tuân Phật pháp, không kính tam bảo, rằng mua bằng được cà sa, tích trượng, thì nhất định ta bán với giá bảy nghìn lạng, như thế là lấy tiền. Nếu kính trọng tam bảo, thấy điều thiện
theo ngay, quy y đức Phật, được nhận tu hành, thì ta sẽ tình nguyện dâng cho cả cà sa, tích trượng và cùng ta kết duyên lành, như thế là không lấy tiền.
Tiêu Vũ nghe nói, vui ra mặt, biết nhà sư là một người tốt, lập tức xuống ngựa vái chào nói:
– Mong Đại pháp trưởng lão tha tội cho Tiêu Vũ này. Đức hoàng đế Đại Đường chúng tôi rất chuộng điều thiện, các quan văn võ trong triều không ai là không theo làm việc thiện. Hôm nay đang mở “Đại hội thủy lục”, tấm áo cà sa này để cho vị Đại đô xiển pháp sư Trần Huyền Trang mặc là rất hợp. Nhà sư cùng tôi vào triều ra mắt hoàng đế ngay cho.
Bồ tát vui vẻ đi theo, rảo bước tới cửa Đông Hoa. Quan Hoàng môn vào tâu. Nhà vua truyền lệnh cho gọi vào trong điện. Tiêu Vũ dẫn hai nhà sư ghẻ vào đứng trước thềm. Vua Đường hỏi:
– Tiêu Vũ vào tâu việc gì?
Tiêu Vũ phủ phục trước thềm thưa:
– Thần ra cửa Đông Hoa, ngẫu nhiên gặp hai nhà sư bán áo cà sa và gậy tích trượng. Thần nghĩ rằng pháp sư Huyền Trang cần những thứ ấy, nên dẫn họ vào ra mắt.
Thái Tông mừng lắm, bèn hỏi áo cà sa giá bao nhiêu. Bồ tát và Mộc Soa đứng hầu dưới thềm không làm lễ, nghe thấy hỏi giá áo cà sa, bèn đáp:
– Áo cà sa giá năm nghìn lạng, gậy tích trượng hai nghìn lạng. Thái Tông hỏi:
– Tấm cà sa ấy có gì quý mà bán đắt thế? Bồ tát thưa:
– Tấm áo cà sa này:
Đường khâu rồng lượn, thoát tai ương quạ mổ diều tha; Sợi chỉ hạc bay, được phúc quả siêu phàm tuyệt diệu. Khi ngồi: có muôn thần chầu lễ.
Lúc đứng: được bẩy Phật theo đưa
Tấm áo cà sa này:
Tằm băng ươm kéo thành tơ, Thợ khéo tết xe nên sợi. Tiên nga dệt lại.
Ngọc nữ may thành.
Từng vuông gấm vóc đẹp như tranh, Mỗi tấm lụa từng chồng óng ánh. Diễm lệ màu tươi cùng sắc thắm. Hoa thêu kim tuyến sáng long lanh.
Mặc vào: khắp người mây tía quấn quanh, Cởi ra: một làn ráng xa bay nhẹ.
Ba cửa trời cao mầu rực rỡ, Năm tòa núi lớn đượm hương lành.
Từng lớp xếp ken, chẳng khác đóa sen Tây Trúc. Ngọc châu rủ xuống, lung linh sao sáng đêm thanh. Bốn góc dát ngọc dạ quang,
Đỉnh cài trân châu tổ mẫu.
Tuy không chiếu rọi khắp toàn thân, Nhưng cũng sáng ngời hơn bát bảo.
Tấm áo cà sa này:
Khi nhàn thường gấp lại,
Gặp thánh mới mặc vào.
Khi nhàn gấp lại, muôn tầng rực rỡ tựa cầu vồng; Gặp thánh mặc vào, kinh động thiên thần, ma quỷ sợ,
Bên trên có: ngọc ma ni, ngọc tị trần, ngọc dịch phong, ngọc như ý;
Lại có thêm: san hô tía ngọc dạ minh, viên xá lỵ mã não hồng.
Đỏ hơn mặt trời đỏ, Trong hơn vành trăng trong. Muôn làn khí đẹp tỏa tầng không,
Ngàn lớp mây lành dâng các thánh, Chiếu khắp non sông beo cọp sợ. Bóng trùm hải đảo cá rồng kinh. Hai chiếc khóa vàng cài vạt áo, Một viên ngọc bạch rủ bên mình
Có bài thơ rằng:
Tam bảo ngồi cao đạo chí lớn, Bốn sinh sáu đạo giảng bàn luôn Đạo trời giảng rõ nhờ tâm sáng, Đuốc tuệ truyền xa bởi tính còn. Cõi Phật trang nghiêm thân hộ vệ, Ngọc hồ trong trắng tâm lòng son. Từ khi Phật chế cà sa ấy,
Muôn kiếp đường tu vững chẳng môn.
Vua Đường ngồi trên điện nghe nói như thế, trong lòng rất vui
lại hỏi thêm:
– Thưa Hòa thượng, còn cây gậy tích trượng chín vòng có gì quý không?
Bồ tát thưa:
– Cây gậy tích trượng của ta là:
Nạm thau bịt sắt chín vòng liền, Chín đốt song tiên tiết rất bền.
Tay chống mừng thầm thân nhẹ nhõm, Chân đi phơi phới cưỡi mây lên. Ma Ha năm tổ chơi trời thẳm,
La Bặc tìm bà phá đất đen.
Ô uế hồng trần không chút bợn, Thần tăng làm bạn đến Tây thiên.
Vua Đường nghe xong, bèn giơ áo cà sa ra xem tỉ mỉ, thấy đây quả là một vật quý, nói rằng:
– Thưa Đại pháp trưởng lão, chẳng giấu gì ngài, hôm nay trẫm mở mang thiện giáo, gieo trồng ruộng phúc, hội họp các vị cao tăng ở chùa Hóa Sinh tụng kinh niệm Phật. Trong số ấy có một vị đức hạnh cao dầy, pháp danh là Huyền Trang. Trẫm sẽ mua những vật báu này ban cho nhà sư ấy dùng. Vậy đúng giá là bao nhiêu?
Bồ tát nghe nói, cùng với Mộc Soa chắp tay niệm Phật, nghiêng mình thưa rằng:
– Nếu là người có đức hạnh thì bần tăng này xin biếu, quyết không lấy tiền.
Nói xong quay người định đi ngay. Vua Đường vội vàng bảo
Tiêu Vũ giữ lại, đứng trên điện cúi mình, nói:
– Lúc nãy ngài nói áo cà sa năm nghìn lạng, gậy tích trượng hai nghìn lạng. Nay thấy trẫm muốn mua, lại không lấy tiền. Hay là cho rằng trẫm cậy thế vua lấy không vật báu của ngài sao? Không thể như thế được đâu. Trẫm cứ y giá mà trả, ngài đừng từ chối nữa.
Bồ tát xua tay, nói:
– Bần tăng đã phát nguyện từ trước, nếu gặp vị nào kính trọng tam bảo, làm theo điều thiện, quy y Phật pháp, thì không lấy tiền mà biếu không. Ngày nay gặp bệ hạ đức sáng lòng lành, vị cao tăng lại là người đức hạnh, chấn hưng đạo cả, vậy xin kính dâng, quyết không lấy tiền. Bần tăng xin để những vật này lại và xin cáo từ.
Vua Đường thấy Hòa thượng khẩn khoản như thế, mừng lắm, sai ngay quan Quang lộc tự làm tiệc chay thết đãi tạ ơn. Bồ tát từ chối, vui vẻ ra đi, theo đường cũ về ẩn trong miếu thổ địa. Chuyện không nói nữa.
Lại nói Thái Tông khai triều vào buổi trưa, sai Ngụy Trưng, mang chiếu chỉ đi mời Huyền Trang vào triều.
Pháp sư đang hội họp các sư trên đàn tụng kinh niệm Phật, thấy có chiếu chỉ, vội vàng sửa sang quần áo, xuống đàn, theo Ngụy Trưng vào triều. Thái Tông nói:
– Pháp sư làm việc phúp đức nhọc mệt, trẫm chẳng biết lấy gì tạ ơn. Sớm nay Tiêu Vũ đưa vào hai nhà sư tình nguyện kính biếu một tấm áo cà sa gấm và một cây gậy tích trượng chín vòng, vậy nên mời Pháp sư vào lĩnh về dùng.
Huyền Trang cúi đầu tạ ơn. Thái Tông nói:
– Nếu pháp sư bằng lòng, hãy mặc vào cho trẫm nhìn xem. Huyền Trang giở tấm áo ra khoác lên người, tay, chống gậy
tích trượng, đứng nghiêm dưới thềm. Vua tôi ai nấy tấm tắc ngợi
khen. Thật đúng là con đức Phật Như Lai:
Dung nhan lẫm liệt uy nghi,
Áo Phật vừa khít khác gì may đo.
Hào quang rực rỡ gần xa. Ngưng trong vũ trụ, tỏa ra đất trời. Dưới trên ngọc ánh màu tươi.
Hàng hàng kim tuyến sáng ngời hai bên.
Áo đơm khuy quý một hàng,
Đai nhung thắt bụng trông càng uy nghiêm.
Áo này thêu cả Phật, Tiên, Các vì tinh tú dưới trên đủ đầy. Huyền Trang thực có duyên may, Cà sa báu vật hôm nay được dùng. Khác nào La hán, thiên thần,
Hôm nay giáng xuống giữa vòng trần gian.
Lại thêm tích trượng khua vang. Mũ tỳ lư đội trông càng xinh tươi. Đúng là con Phật chẳng sai,
So Bồ đề ấy gấp mười lần hơn.
Lúc ấy, các quan văn võ đứng dưới thềm khen ngợi. Thái Tông vui mừng khôn xiết, truyền cho pháp sư cứ mặc áo cà sa, cầm gậy tích trượng, có hai đội nghi vệ đi hai bên, các quan, tiễn đưa ra khỏi triều. Lại dặn pháp sư đi giữa phố lớn về chùa, như nghi thức người đỗ Trạng nguyên thăng quan vậy. Huyền Trang lạy hai lạy tạ ơn, rồi lẫm liệt uy nghi đi giữa phố lớn. Trong thành Tràng An, người buôn kẻ bán, công tử vương tôn, tao
nhân mặc khách, nam nữ già trẻ, ai nấy xúm xít lại xem, khen ngợi:
– Pháp sư đẹp quá! Đúng là vị La Hán sống dưới trần, đức
Phật Bồ tát xuống hạ giới!
Huyền Trang vừa đến cổng chùa, các nhà sư xuống thềm nghênh đón. Vừa thấy Huyền Trang khoác tấm áo, chống cây gậy tích trượng như thế, họ đều nói là đức Địa Tạng vương đã đến. Mọi người rời về chỗ, đứng hầu hai bên. Huyền Trang lên đàn châm hương lễ Phật, thuật lại ơn vua cho mọi người nghe, rồi trở về thiền tọa. Lúc ấy mặt trời đã lặn về Tây. Thật là:
Chiều về cây cỏ phủ sương,
Đế đô chuông trống rộn ràng nổi lên.
Bỗng nghe ba tiếng chuông rền,
Đường trên phố dưới tuyệt nhiên không người.
Riêng chùa đèn thắp sáng ngời. Xóm thôn im ắng đất trời tối tăm. Lúc này rất hợp các tăng.
Ngồi thiền dưỡng tính, đọc kinh trừ tà.
Thì giờ thấm thoắt, đã đến ngày thứ bẩy là ngày chính hội. Huyền Trang lại dâng biểu mời vua Đường đến dự lễ. Lúc ấy tiếng lành lan khắp thiên hạ. Thái Tông ngự giá dẫn các quan văn võ, hậu phi quốc thích đến chùa. Người trong thành chẳng kể già trẻ sang hèn, đều đến chùa nghe giảng. Lúc ấy Bồ tát nói với Mộc Soa:
– Hôm nay là ngày hội chính của “Đại hội thủy lục” lấy một số bảy nối tiếp bảy số bảy, đúng đấy. Ta và con đi lẫn vào trong đám dân chúng đến dự lễ, một là xem hội ấy như thế nào, hai là xem Kim Thiền Tử có phúc đáng được mặc áo cà sa của ta
không, ba là xem họ giảng kinh gì.
Hai người theo vào trong chùa. Thật là:
Có duyên gặp được người quen cũ, Bát nhã về đây bản đạo tràng.
Khi vào đến trong chùa, hai người nhận thấy đúng là đại quốc
thiên triều, hơn hẳn cõi sa hà[83]
sánh ngang với thành Xá Vệ,
Kỷ Viê [84]
, chẳng thua Thượng sát khiêu đề. Một ban nhạc
tiên réo rắt, tiếng tụng kinh ngân nga. Bồ tát đến sát bên bảo đài, quả đúng là Kim Thiền trí tuệ:
Có bài thơ rằng:
Muôn vẻ sáng trong không chút bụi, Huyền Trang hòa thượng đứng đài cao. Siêu sinh hồn quỷ phiêu diêu tới,
Nghe giảng dân thành dắt díu nhau. Lòng rộng khoan dung thường cứu giúp. Tạng môn rộng mở mặc ra vào.
Giảng truyền kinh Phật mầu vô lượng, Trai gái trẻ già sướng biết bao!
Lại có bài thơ rằng:
Nhân đến giảng đường pháp giới chơi, Gặp kẻ tương tri khéo lạ vời.
Nói hết chuyện hay nghìn vạn việc, Lại bàn trần kiếp biết bao đời.
Mây thiêng quấn quýt quanh ngàn núi, Lưới pháp trùm giăng khắp đất trời.
Xem xét người đời quy thiện niệm, Mưa bay dào dạt cánh hồng rơi.
Pháp sư ngồi trên đài tụng kinh “Thụ sinh độ vong”, giảng tập “An bang thiên bảo”, đọc quyển “Khuyến tu công đức”. Bồ tát đến gần, gõ vào bảo đài, hỏi to mấy tiếng:
– Thưa Hòa thượng, ngài chỉ biết giảng giáo lý “Tiểu thừa”, có giảng được giáo lý “Đại thừa” không?
Huyền Trang nghe nói, trong lòng mừng rỡ, đứng dậy bước xuống đài, chắp tay vái Bồ tát, nói:
– Thưa lão sư phụ, đệ tử vô ý thật có tội. Hiện nay các nhà sư đều giảng giáo lý Tiểu thừa, chưa biết giáo lý Đại thừa là thế nào.
Bồ tát nói:
– Giáo lý Tiểu thừa ấy không siêu độ được vong hồn, chỉ có thể mát mẻ sáng sủa hơn mà thôi. Ta có pho kinh “Đại thừa Phật pháp tam tạng” có thể siêu độ cho vong hồn được lên trời, cứu vớt người hoạn nạn thoát khổ, có thể tu sống lâu vô lượng, có thể bất diệt, bất sinh.
Lúc ấy, có vị quan giữ việc đèn hương đến tâu với vua Đường rằng:
– Pháp sư đang giảng kinh hay, bị hai nhà sư lang thang ghẻ lở kéo xuống đàn nói những chuyện linh tinh.
Nhà vua ra lệnh bắt lại. Mọi người đưa hai nhà sư ấy vào đằng sau pháp đường, yết kiến Thái Tông. Hai nhà sư chẳng chắp tay, chẳng lạy, ngửa mặt nói:
– Bệ hạ hỏi chúng tôi việc gì? Vua Đường nhận ra, bèn hỏi:
– Ngài có phải vị Hòa thượng hôm trrớc biếu ta áo cà sa
không?
Bồ tát đáp:
– Chính phải. Thái Tông hỏi:
– Ngài đã đến đây nghe giảng thì chỉ nên dùng bữa chay nữa là xong, tại sao còn bàn bạc linh tinh với pháp sư, gây rối loạn ở nơi giảng kinh, làm hỏng cả việc Phật của ta?
Bồ tát thưa:
– Vị pháp sư giảng toàn là giáo lý “Tiểu thừa”, không siêu độ được các vong hồn để được lên trời. Tôi có pho kinh “Đại thừa Phật pháp tam tạng” có thể cứu vớt các vong hồn thoát khổ, sống lâu không chết.
Thái Tông mừng lắm, hỏi:
– Pho Đại thừa Phật pháp của ngài ở đâu? Bồ tát đáp:
– Để ở chỗ Phật Như Lai, chùa Đại Lôi Âm, nước Thiên Trúc bên phương Tây, có thể giải trừ mọi nỗi ràng buộc oan uổng, diệt trừ mọi tai ách.
Thái Tông hỏi:
– Ngài có nhớ không?. Bồ tát đáp:
– Nhớ kỹ lắm.
Thái Tông vui mừng, nói:
– Truyền cho pháp sư dẫn ngài lên đài giảng kinh.
Bồ tát dẫn Mộc Soa bay lên đài cao, cưỡi mây lành vút thẳng lên chín tầng xanh, hiện nguyên hình đức Quan Âm cứu khổ, tay cầm bình nước cành dương, bên trái là Mộc Soa Huệ Ngạn, tay
cầm cây côn, tinh thần phấn chấn.
Vua Đường sung sướng ngẩng mặt lên trời mà lạy. Các quan văn võ quỳ xuống thắp hương. Khắp chùa tăng ni đạo tục, từ quan cho chí người dân, ai ai cũng cúi lạy, nói:
– Kính lạy đức Bồ tát, kính lạy đức Bồ tát. Có bài thơ làm chứng rằng:
Mây lành bay bảng lảng, Hào quang quanh pháp thân Chín tầng trời trong sáng
Hiện rõ nữ chân nhân.
Đức Bồ tát:
Đầu đội mũ dát sợi vàng,
Cài bông hoa biếc, hào quang chói nồng.
Mình choàng tấm áo bào hồng.
Sắc phô dìu dịu thêu rồng phượng bay.
Cổ đeo vòng ngọc đẹp thay.
Sáng như trăng bạc gió lay giữa trời.
Ngang lưng thắt dải lụa ngời,
Quần nhung óng ánh vàng tươi huy hoàng.
Chú vẹt mỏ đỏ lông vàng,
Chịu ơn, khắp mọi nẻo đường bay theo.
Bình nước dương liễu quý sao. Đức Bồ tát vẫn mang theo bên người. Giơ tay vẩy khắp đất trời,
Xua tan mù tối, quét loài ác hung.
Sen vàng vòng ngọc sáng trưng. Ba trời bát ngát thung dung đi về. Quan Thế Âm chính tên đề,
Cứu khổ, cứu nạn sớm khuya ân cần.
Đường Thái Tông mừng rỡ quên cả mọi người [85]. Các quan văn võ thích thú chẳng màng nghi lễ. Mọi người đều khấn:
– Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát.
Thái Tông lập tức truyền chiếu chỉ sai thợ khéo vẽ chân dung Bồ tát. Lệnh vừa ban ra, đã chọn đựợc một tay thợ vẽ tài giỏi là Ngô Đạo Tử. Người này về sau vẽ chân dung các công thần treo ở gác Lăng Yên. Ngô Đạo Tử lúc ấy đưa nét bút thần, vẽ bức chân dung Bồ tát cưỡi mây lành bay xa dần, một lát sau ánh hào quang mới tắt. Một tờ thiếp từ trên không trung phấp phới bay xuống, trên có mấy lời tụng, viết rất rõ ràng. Lời tụng rằng:
Gửi vua Đường đáng kính, Phương Tây có diệu kinh. Đường mười tám nghìn dặm. Đại thừa ân cần dâng.
Kinh này về thượng quốc. Siêu độ cho chúng sinh. Nếu ai chịu đi thỉnh
Thành chính quả vĩnh hằng.
Thái Tông xem tờ thiếp rồi lệnh cho các sư:
– Hôm nay hãy dừng hội, đợi trẫm sai người lấy được kinh Đại thừa mang về, bấy giờ giữ tấm lòng thành lại dựng đàn cầu phúc.
Các quan đều tuân lệnh. Lúc ấy, nhà vua hỏi các nhà sư trong chùa:
– Vị nào vâng mệnh trẫm sang phương Tây lễ Phật thỉnh kinh?
Chưa dứt lời, một pháp sư đã bước ra, đi đến trước mặt nhà vua, thi lễ nói:
– Bần tăng bất tài, xin hết sức khuyển mã đi thỉnh chân kinh về dâng bệ hạ, để giữ gìn cho sông núi được vững bền mãi mãi.
Vua Đường mừng lắm bước đến đỡ nhà sư dậy, nói:
– Nếu pháp sư hết lòng trung nghĩa, chẳng quản đường xa dặm thẳm, trèo đèo lội suối, thì trẫm xin kết nghĩa anh em.
Huyền Trang cúi đầu tạ ơn. Vua Đường quả là một người hiền đức, cùng Huyền Trang vào chùa, đến trước bàn thờ Phật, lạy pháp sư bốn lạy, và gọi là “ngự đệ thánhh tăng”.
Huyền Trang cảm động khôn xiết, nói:
– Thưa bệ hạ, bần tăng có tài đức gì đâu mà dám nhận ơn vua sâu nặng đến như thế? Chuyến đi này, thần xin cố gắng quên mình, đến tận Thiên Trúc. Nếu không sang tới nơi, không thỉnh được chân kinh, thần xin chết, không dám trở về nước, mãi mãi chịu đắm chìm nơi địa ngục.
Rồi Huyền Trang thắp hương thề trước bàn thờ Phật.
Vua Đường rất vui, truyền xa giá về cung, đợi chọn ngày lành tháng tốt, cấp tờ điệp cho Huyền Trang lên đường. Các quan ai nấy ra về.
Huyền Trang trở về chùa Hồng Phúc. Các nhà sư và đồ đệ trong chùa nghe chuyện đi thỉnh kinh, vào hỏi thăm.
– Có thực pháp sư tình nguyện sang phương Tây không? Huyền Trang đáp:
– Thực vậy! Đồ đệ nói:
– Thưa sư phụ, người ta nói rằng phương Tây xa lắm, lại nhiều hổ báo yêu ma, chỉ sợ có đi không về, khó toàn tính mạng.
Huyền Trang nói:
– Ta đã phát lời nguyền, nếu không thỉnh được chân kinh thì đắm chìm vào địa ngục mãi mãi. Ta đã chịu ơn sâu nặng của nhà vua, không thể không tận trung báo quốc. Chuyến đi này thật mênh mông mờ mịt, lành dữ chưa biết trước được.
Huyền Trang lại nói thêm:
– Các đồ đệ này, sau khi ta đi rồi. Hoặc hai ba năm, hoặc dặm bảy năm, nếu thấy những cành tùng trước cửa hướng về phía Đông, là ta về đấy. Bằng không là vĩnh viễn không trở lại.
Mọi người tâm niệm nhớ kỹ câu nói ấy.
Sáng hôm sau, Thái Tông khai triều hội họp các quan văn võ, viết tờ điệp đi thỉnh kinh, đóng dấu thông hành.
Lúc ấy có quan khâm thiên giám vào tâu:
– Hôm nay là ngày có sao tốt chiếu, tất hợp với việc xuất hành đi xa.
Vua Đường rất mừng. Lại thấy quan Hoàng môn vào tâu:
– Có Ngự đệ pháp sư đứng ngoài cửa triều đợi chiếu chỉ. Nhà vua cho mời vào điện, nói:
– Ngự đệ ạ, hôm nay là ngày tốt hợp với việc xuất hành. Tờ điệp văn thông hành của ngự đệ đây. Trẫm lại ban cho ngự đệ chiếc bát bằng vàng để đi đường dùng bữa chay, chọn hai người đi theo, và ban cho một con ngựa để đỡ chân đường xa. Ngự đệ có thể lên đường được rồi.
Huyền Trang mừng lắm, cúi đầu tạ ơn, nhận hành trang và có ý muốn đi ngay.
Vua Đường lên xa giá cùng các quan tiễn chân ra tận ngoài cửa thành. Các nhà sư và đồ đệ chùa Hồng Phúc cũng đã mang quần áo mùa đông, mùa hè của Huyền Trang đợi cả ngoài ấy. Vua Đường truyền cho xếp hành trang, ngựa cưỡi xong xuôi, sai các quan rót rượu nâng chén hỏi:
– Ngự đệ lấy nhã hiệu là gì? Huyền Trang thưa:
– Bần tăng là người xuất gia, chưa dám xưng hiệu. Thái Tông nói:
– Hôm ấy Bồ tát nói ở phương Tây có pho kinh Tam Tạng. Ngự đệ có thể lấy tên kinh làm hiệu, đặt hiệu là “Tam Tạng” có được không?
Huyền Trang tạ ơn, đỡ lấy chén rượu nói:
– Thưa bệ hạ, rượu là thứ kiêng đầu tiên của nhà sư. Bần tăng từ khi làm người chưa hề uống rượu.
Thái Tông nói:
– Chuyến đi này, không giống những việc khác. Đây là thứ rượu thuần khiết, xin ngự đệ uống một chén để thỏa tấm lòng lưu luyến của trẫm.
Tam Tạng không dám chối từ, nâng chén rượu định uống, thấy Thái Tông cúi đầu, nhặt một dúm đất, thả vào chén rượu. Tam Tạng chưa hiểu ý, Thái Tông cười, nói:
– Ngự đệ sang Thiên Trúc bao giờ mới trở về? Tam Tạng thưa:
– Chỉ độ ba năm là về tới thượng quốc. Thái Tông nói:
– Tháng ngày dằng dặc, đường sá xa xôi, ngự đệ uống chén rượu này để:
Nhớ nhung mảnh đất quê hương
Đừng ưa đất khách bạc vàng ngàn cân
Tam Tạng nhận ra ý nghĩa của dúm đất, tạ ơn cạn chén, rồi từ biệt mọi người ra khỏi cửa thành lên đường.
Vua Đường cũng quay xa giá ra về.
Chưa biết chuyến đi này như thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.
Chú thích:
[79] Chùa Tướng Quốc xây dựng theo sắc chỉ nhà vua.
[80] Ba đường: theo đạo Phật, người làm ác phải rơi xuống ba đường: đường địa ngục lửa dữ đốt thân, đường súc sinh ăn thịt lẫn nhau, đường quỷ đói bị đao thương đâm chém. (theo nguyên chú).
[81] Năm đế ba vương: các triều vua xa xưa nhất của Trung Quốc: Phục Hy, Hoàng Đế, Thần Nông, đế Nghiêu, đế Thuấn và vua Vũ nhà Hạ, vua Thành Thang nhà Thương, vua Văn vương, Võ vương nhà Chu.
[82] Đô tăng cương: Tăng cương là chức vụ của nhà sư quản lý các tăng, còn đô tăng cương là chức vụ tổng quản lý các tăng (theo nguyên chú).
[83] Sa bà: thế giới loài người.
[84] Xá Vệ, Kỳ Viên: nơi đức Phật giảng đạo bên Ấn Độ.
[85] Nguyên văn: giang sơn.