Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ mười

Lão Long vương vụng kế phạm phép trời
Ngụy thừa tướng gởi thư nhờ âm sứ

Tạm gác chuyện Quang Nhị nhậm chức và Huyền Trang tu
đạo lại.

Lại nói chuyện ven bờ sông Kinh Hà, phía ngoài thành Tràng An, có hai người hiền. Một người làm nghề đánh cá, tên gọi Trương Tiêu; một người làm nghề kiếm củi, tên gọi Lý Định. Hai người tuy không phải tiến sỹ bậc đăng khoa, nhưng cũng là hạng học hành nơi thôn dã. Một hôm, trong thành Tràng An, củi trên vai bán hết, cá trong giỏ bán xong, hai người đưa nhau vào quán rượu, uống được nửa tuần, hơi men chuếnh choáng, hai người bèn mỗi người cầm một cút rượu, men theo bờ sông Kinh Hà, lững thững ra về.

Trương Tiêu nói:

– Anh Lý này, tôi nghĩ những kẻ tham danh, vì danh uổng mạng; những kẻ hám lợi, vì lợi vong thân. Hưởng lộc như ôm cọp mà ngủ, chịu ơn như nuôi rắn trong tay. Xem ra họ chẳng bằng chúng ta, non xanh nước biếc mặc sức rong chơi, ăn uống thanh đạm tùy theo duyên phận.

Lý Định nói:

– Anh Trương nói chí lý lắm! Nhưng nước biếc của anh không bằng non xanh của tôi được.

Trương Tiêu nói:

– Non xanh của anh không bằng nước biếc của tôi thì có! Có
bài từ “Diệp luyến hoa”[72]

làm chứng đây:

Thuyền con một lá giữa dòng, Giọng Tây Thi vút bổng trầm vang xa. Lợi danh rửa sạch lòng ta,
Cỏ thơm tìm hái, quên lo quên phiền.

Vui tìm cò cốc dập dềnh, Càng vui có vợ con mình kế bên. Đánh giấc ngủ khi sóng êm,
Chẳng vinh, chẳng nhục, chẳng phiền, chẳng lo.

Lý Định nói:

– Nước biếc của anh bằng làm sao non xanh của tôi được! Cũng có bài từ “Diệp luyến hoa” làm chứng đây:

Hoa thông rải khắp đường ngàn, Tiếng oanh ríu rít như đàn như ca. Xuân về hoa thắm lá tơ,
Kìa hè lại đến, ngày giờ trôi mau.

Và nay thu đã bắt đầu,

Cúc thơm vàng rực một màu lòng ta.

Ơ kìa, đông đến rồi à?

Bốn mùa vui thú tự do thanh nhàn.

Người đánh cá hỏi:

– Non xanh của anh bằng sao được như nước biếc của tôi. Nơi đây có bao nhiêu của ngon vật lạ. Có bài từ “Giá cô thiên” làm chứng đây:

Vui miền sông nước kiếm ăn,
Thung dung gác mái ta nằm thảnh thơi.

Ba ba, cua tía ăn hoài,

Tôm hùm, cá chép ta ngồi say sưa.

Lúc củ niễng, lúc măng lô,

Còn thêm củ ấu sớm trưa thỏa lòng.

Nào sen ngó, nào rau cần,

Còn bao thứ lạ muốn dùng có ngay!

Người kiếm củi nói:

– Nước biếc của anh không bằng non xanh của tôi được. Ở đây cũng có bao của ngon vật lạ. Có bài từ “Giá cô thiên” làm chứng đây:

Sườn non đỉnh núi chênh vênh,

Túp lều thấp thoáng, nhà mình là đây.

Ba ba đâu sánh cáo cầy,

Cua tôm sao sánh thịt nai, thịt gà?

Nay măng trúc, mai thanh trà, Mận, đào, mai, hạnh thật là thơm ngon. Nào lê, nào táo ngát hương,
Hoa thơm cỏ lả núi non thiếu gì?

Người đánh cá nói:

– Non xanh của anh thật sự không thể bằng nước biếc của tôi được. Có một bài từ “Thiên tiên tử” đây:

Núp trong một lá thuyền con,

Giữa miền khói sóng chẳng phiền chẳng lo.

Buông câu thả lưới sớm trưa,
Đời đạm bạc vẫn đậm đà tình sâu.

Vợ chồng khuya sớm bên nhau, Cùng đàn con nhỏ lau nhau mui thuyền. Được cá đem bán Tràng An,
Mua luôn cút rượu nhắm tràn say sưa.

Áo tơi đắp, ngắm sông thu,

Khò khò đánh giấc chẳng lo chẳng phiền.

Vinh hoa phú quý nhân gian,

Mặc đời giành giật chẳng thèm bận tâm.

Người kiếm củi nói:

– Nước biếc của anh vẫn không thể bằng non xanh của tôi được. Cũng có bài từ “Thiên tiên tử” đây:

Chân non một túp lều tranh, Cúc, mai, tùng, trúc bạn gần bạn xa. Trèo non tìm kiếm củi già,
Ai người cần đến thì ta bán chừ.

Đem tiền uống rượu say sưa,

Be sành bát vại sớm trưa khề khà.

Say rồi nằm gốc thông già, Vô tâm ngủ tít, xá gì nhục vinh!
Người đánh cá nói:

– Anh Lý ơi, trong núi của anh đâu có khoan khoái thú vị như trên mặt nước của tôi được. Có bài từ “Tây giang nguyệt” làm chứng đây:

Hoa liêu rọi ánh trăng tà,
Lá lau gió thổi đung đưa xạc xào. Trời xanh, sông nước xanh theo,
Muôn sao nhấp nháy trời cao chuyển vần.

Cá to sa lưới hàng đàn,

Cắn câu cá diếc cả đàn tranh nhau.

Mang về nấu rán, ngậy sao! Giang hồ cười ngạo ai nào bằng ta?
Người kiếm củi nói:

– Anh Trương ơi, trên mặt nước của anh không thể nào khoan khoái, thú vị như trong núi của tôi được. Cũng có một bài từ “Tây giang nguyệt” làm chứng đây:

Đường đầy lá rụng cành khô, Núi đây trúc héo xác xơ úa vàng. Dây leo chằng chịt dọc ngang,
Cắt về làm chão, làm quang hơn thừng.

Củi du, củi liễu đầy rừng,

Cành thông, cành trắc khô cong bạt ngàn.

Gánh về phòng tiết đông hàn,

Đổi rượu, chuốc thịt uống tràn say sưa.

Người đánh cá nói:

– Trong núi của anh tuy cũng khá đấy, nhưng không thể u nhã bằng nước biếc của tôi được. Có bài từ “Lâm giang tiên” làm chứng đây:

Thuyền con đủng đỉnh chiều tà, Đêm khuya gác mái vang xa câu hò. Áo tơi đêm nguyệt thanh kỳ,
Chim âu lặng lẽ bay đi bay về.

Thanh nhàn vắng vẻ hả hê,

Mặt trời đứng bóng giấc hòe chưa tan.

Tự do, tùy tùy tâm,

Quan trong triều cũng chẳng bằng được ta!

Người kiếm củi nói:

– Nước biếc của anh tuy u nhã nhưng non xanh của tôi còn u nhã hơn kìa. Cũng có bài từ “Lâm giang tiên” làm chứng đây:

Rừng thu xanh ngắt bốn bề,

Dắt rìu gánh củi, chiều về thảnh thơi.

Hoa rừng cài tóc hương bay, Vén mây tìm lối, cửa sài trăng lên. Vợ con tíu tít quanh bên,
Giường tre gối gỗ giấc yên tuyệt trần.

Táo lê thơm ngát đầy mâm,

Rượu vừa nấu, thú trần gian nào bằng!

Người đánh cá nói:

– Những điều đó đều thú vị, đều là kế sinh nhai của cả hai chúng ta, nhưng anh không có được những lúc thanh nhàn khoái trá như tôi được. Có bài thơ làm chứng đây:

Khi nhàn ngắm hạc bay cao,

Cắm thuyền ven bãi, gác chèo nghỉ ngơi.

Vợ chồng mang lưới ra phơi, Bảo con xe lại cho dài dây câu. Lòng êm sóng cũng êm theo,
Thân nhàn gió cũng vui reo thanh nhàn.

Áo tơi nón lá xênh xang,

Còn hơn áo tía đai vàng nhà quan.

Người kiếm củi nói:

– Lúc thanh nhàn của anh không thể khoái trá bằng lúc thanh nhàn của tôi được. Cũng có bài thơ làm chứng đây:

Ngước trông mây trắng lang thang, Một mình khép cửa thanh nhàn nghỉ ngơi. Dạy con mấy chữ xong rồi,
Khách vào ta lại ngồi chơi ván cờ.

Khi vui chống gậy ngâm thơ, Hứng lên đàn dạo tiếng tơ bổng trầm. Áo gai, dép cỏ nhẹ thân,
Thung dung non nước ai bằng được ta.

Trương Tiêu nói:

– Anh Lý Định ạ, hai chúng ta thật là:

Tâm đầu ý hợp ngâm nga,

Lọ cầu chén ngọc khay ngà làm chi!

Có điều từ chương mà ai nấy tự làm thì cũng chẳng hiếm. Chi bằng hai chúng ta thử làm mấy câu thơ liên hoàn xen kẽ nhau nêu cái thú câu cá, kiếm củi xem sao!

Lý Định nói:

– Lời anh nói chí lý lắm! Mời anh ngâm trước đi nào.

Thế rồi Trương Tiêu ngâm, và hai người nói tiếp nhau ngâm nga:

Thuyền cắm giữa bao la khói sóng,
Nhà dựng nơi thăm thẳm rừng sâu.

Thú sao nước ngập chân cầu,

Đẹp sao mây sớm trắng mầu sườn non.

Cửu long môn cá tôm tùy rán, Củi núi rừng tùy bán tùy đun. Tuổi già quăng lưới độ thân,
Củi kia cũng đủ nuôi mình sống vui. Nằm cửa thuyền ngắm đôi nhạn lượn, Tựa cây rừng nghe tiếng gà gô.
Tranh giành chẳng phải phận ta, Thị phi danh lợi giành cho mọi người. Bên bãi vắng lưới phơi như giấm,
Hòn đá mài rìu trắng như gương.

Một mình câu dưới ánh trăng,

Một mình kiếm củi giữa rừng vắng tanh. Cá đổi rượu, vợ chồng chuếnh choáng, Củi bán, đi cạn chén cùng con.
Nghêu ngao giữa khoảng mênh mông, Tiếng ca bay vút giữa rừng âm u. Quây quần tán bạn bè chày lưới, Xúm xít vui bằng hữu núi non.
Ngày vui cua luộc, tôm rang, Tháng vui vịt rán, gà hầm phong lưu. Rót chén nước vợ mời tình tứ,
Gọi ăn cơm tiếng vợ ngọt ngào.
Sáng ra khua đẩy mái chèo,

Chiều về gánh củi bán rao phố phường.

Mưa rơi, khoác tơi chùng bắt cá, Gió thổi, vung rìu phá cây khô. Trốn đời giả tiếng ngu si,
Mai danh ẩn tích mũ ni bịt đầu.

Trương Tiêu nói:

– Anh Lý ạ, tôi vừa mạn phép ngâm trước rồi. Bây giờ đến lượt anh ngâm trước đi, để tôi ngâm nối theo nào.

Thế rồi Lý Định ngâm, và hai người nối tiếp nhau ngâm nga:

Kẻ sơn dã ngạo cười trăng gió, Lão ngư ông đây đó giang hồ. Thanh nhàn tùy phận tự do,
Thị phi mặc thế, âu ca thái bình. Đêm trăng sáng nhà tranh ngon giấc, Trời về chiều nhẹ khoác áo tơi.
Quên đời bạn với tùng, mai,

Vui lòng bạn với mấy loài cò, giang. Danh với lợi chẳng màng trong dạ, Thị với phi mặc bỏ ngoài tai.
Sớm chiều một chén rượu say, Qua ngày ba bữa cơm thời rau dưa. Hai bó củi kiếm thừa tiền gạo,
Một cần câu rau cháo cũng xong.

Mài rìu dặn trẻ lúc nhàn,
Lưới kia vá lại khuyên con cần cù. Mùa xuân đến liễu tơ mừng thấy, Lúc việc nhàn lau sậy ngắm xem. Hè về tránh nắng dựng dàn,
Tháng sáu tránh nóng lên ngàn vui chơi.

Tiết sương giáng, gà lôi đem luộc, Ngày trùng dương, cua béo nấu canh. Đông về đánh giấc ngon lành,
Mặt trời đứng bóng thỏa tình say sưa.

Chốn rừng núi ngao du tùy ý, Miền sông hồ vui thú tùy tâm.
Hái củi là thú nhà tiên,

Buông câu cao khiết thế gian ai bằng. Đường vào ngõ hoa rừng ngan ngát, Nẻo mui thuyền dào dạt sóng xanh. Yên thân đừng mộng tam công,
Lòng yên vững quá tòa thành quy mô.

Thành mười dặm còn lo then khóa, Chức tam công nhớp nhúa lời tâu.
Vui non vui nước thanh cao,

Thần minh trời đất lòng nào quên ơn.

Hai người ngâm nga thơ phú, rồi lại cùng nhau làm thơ liên cú xong, đi tới đoạn đường rẽ, vái chào từ biệt nhau.

Trương Tiêu nói:

– Anh Lý ơi, đi đường phải giữ gìn nhé! Trong núi dễ gặp hổ
lắm. Ngộ nhỡ sảy ra điều gì thật là “sáng mai đầu phố vắng người bạn thân” đấy!

Lý Định nghe xong, bổng nổi giận hầm hầm, nói:

– Đồ chết dẫm nhà anh! Bạn bè tốt chết thay cho nhau còn được, thế mà tại sao anh lại rủa tôi? Tôi mà bị hổ ăn thịt, thì nhà anh cũng chết chìm đáy sông!

Trương Tiêu nói:

– Tôi đấy à? Có đến kiếp sau mới chìm được. Lý Định nói:
– Trời gió mưa bất chợt, người họa phúc khôn lường. Tại sao anh dám bảo đảm là vô sự?

Trương Tiêu nói:

– Anh Lý ơi tuy anh nói như thế, nhưng mà anh không lường trước được. Còn tôi lúc nào cũng lường trước được, nên nhất định không xảy ra sự cố gì.

Lý Định nói:

– Anh quanh năm kiếm ăn trên mặt nước, lênh đênh dập dềnh, cực kỳ nguy hiểm, làm sao mà lường trước được?

Trương Tiêu nói:

– Anh không hiểu được đâu. Ở phố cửa Tây thành Tràng An này có một ông thầy bói. Hằng ngày tôi biếu ông ta một con cá chép vàng, và nhờ ông ta bói cho một quẻ. Tôi cứ theo vị trí trong quẻ bói mà quăng lưới, trăm lần trúng cả trăm. Hôm nay tôi lại đi xem. Ông ta bảo tôi hãy quăng lưới ở mé Đông cửa sông Kinh Hà, buông câu ở bờ phía Tây thì nhất định khi về thu được đầy ắp tôm cá. Ngày mai vào thành, có tiền mua rượu, lại xin được trò chuyện cùng ông anh nhé!

Nói xong, hai người từ biệt nhau.
*
* * [73]
Thật là “tai vách mạch rừng”

. Nguyên ở thủy phủ sông
Kinh Hà có một tên quỷ Dạ Xoa đi tuần miền sông nước. Hắn nghe được câu nói “trăm lần trúng cả trăm”, bèn lập tức quay trở về Thủy Tinh cung báo với Long vương rằng:

– Nguy to! Nguy to! Long vương hỏi:
– Nguy to gì?

Quỷ Dạ Xoa thưa:

– Thần đi tuần đến bờ sông, nghe thấy hai người đánh cá, kiếm củi trò chuyện với nhau. Lúc chia tay; lời họ nói rất đáng sợ. Người đánh cá nói rằng: ở phố cửa Tây thành Tràng An, có một ông thầy bói, đoán rất giỏi. Mỗi ngày hắn biếu ông thầy bói một con cá chép vàng, và nhờ ông thầy xem cho một quẻ, bảo hắn vị trí quăng lưới, trăm lần trúng cả trăm. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, thì các loài thủy tộc bị bắt hết sao? Lúc ấy lấy ai trang điểm cho thủy phủ, lấy ai cưỡi sóng, vượt gió giúp đỡ uy lực cho đại vương nữa?

Long vương nghe nói, nổi giận đùng đùng, tuốt gươm ra, định đến ngay thành Tràng An giết chết người thầy bói. Nhưng bọn con rồng, bề tôi tôm, sĩ khanh cua, nguyên soái cá mòi, quan thiếu khanh cá diếc, thái tể cá chép cùng bước cả ra tâu:

– Xin đại vương nguôi giận. Thường có câu: “Lời nói thoảng qua tai, chớ nên tin chắc”. Đại vương đi chuyến này, tất phải nổi gió mưa giúp đỡ, e như vậy sẽ làm kinh động đến trăm họ ở Tràng An, thượng thiên quở trách. Chi bằng đại vương giấu kín tông tích, biến hóa khôn lường, biến thành một người tu sĩ, đến thẳng thành Tràng An, dò xét một phen. Nếu quả có tên thầy bói
như thế, thì lúc ấy giết hắn cũng không muộn. Nếu không có, thì chẳng hóa ra là giết lầm người vô tội sao?

Long vương nghe lời, quăng gươm, và chẳng cần nổi gió to mưa lớn nữa, rẽ nước, lên bờ, lắc mình một cái, biến thành một người tu sĩ áo trắng. Thật là:

Vẻ mặt tuấn tú, Dáng người cao thanh. Bước đi ngay ngắn, Thung dung dịu dàng. Ngôn từ Khổng Mạnh, Lễ độ Chu Văn.
Áo the mẫu ngọc, Khăn lượt văn nhàn.
Long vương rảo bước dặm mây, thẳng đến phố cửa Tây thành Tràng An đã thấy một bọn người xúm xít, ồn ào. Trong bọn họ có một người cất giọng oang oang, hùng hồn: “Bản mệnh thuộc long, xung khắc với người mệnh thuộc hổ. Dần, Thân, Tỵ, Hợi tuy là hợp cục, nhưng rằng hôm nay lại phạm sao Thái Tuế”.

Long vương nghe nói, biết đấy là nhà ông thầy bói bèn bước tới, rẽ mọi người ra, nhìn vào trong nhà. Chỉ thấy:

Tứ phía bày châu báu, Khắp nhà xếp lụa là. Bình sứ cắm cành hoa,
Đỉnh đồng hương thơm ngát. Tranh Vương Duy treo khắp, Hình Quỷ Cốc trên tòa.
Nào mực, nghiên Đan khê,
Ngòi bút như sương giọt. Đây tập số Quách Phác, Kia quyển kinh bí truyền. Sáu hào đã thuộc lòng, Tám quẻ cũng thông thạo. Địa lý lại tài giỏi,
Thấu hết việc quỷ thần. Tý, Ngọ an rất nhanh, Các vòng sao nhớ kỹ. Việc vị lai, quá khứ,
Trong bụng như trăng rằm.

Nhà ai bại, ai hưng, Như thần minh sáng tỏ. Việc cát hung đoán rõ, Việc sinh tử đoán hay. Mở mồm gió mưa bay, Hạ bút quỷ thần sợ. Biển đề rõ tên họ:
Viên Thủ Thành tiên sinh.

Người này là ai? Đó là người chú của quan Khâm thiên giám đài Viên Thiên Cương, tên là Viên Thủ Thành. Tiên sinh tướng mạo thật khôi ngô, kỳ vĩ, dáng người thật đẹp đẽ, đoan trang, tiếng tăm vang khắp nước, đoán giỏi nhất Tràng An. Long vương bước vào cửa, họ vái chào nhau xong, tiên sinh mời Long vương ngồi trên, đoạn sai tiểu dồng dâng trà rồi hỏi:

– Ngài tới hỏi về việc gì hả?
Long vương thưa:
– Nhờ thầy xem cho một quẻ bói về việc nắng mưa thế nào? Tiên sinh lập tức gieo quẻ rồi đoán rằng: Mây trùm đỉnh núi,
mù quấn rừng cây. Nếu xem việc mưa thì đúng sáng mai sẽ có mưa.

Long vương hỏi:

– Sáng mai thì mưa vào giờ nào? Lượng mưa bao nhiêu thước tấc?

Tiên sinh đáp:

– Sáng mai, giờ Thìn mây kéo, giờ Tỵ sấm nổi, giờ Ngọ mưa rơi. Mưa đến giờ Mùi thì tạnh, lượng mưa là ba thước ba tấc bốn mươi tám giọt.

Long vương cười, nói:

– Lời đoán không phải chuyện đùa đâu. Nếu sáng mai có mưa. Mưa đúng thời gian, số lượng như ngài đoán, thì tôi xin biếu ngài năm mươi lạng vàng. Nếu sai, thì tôi nói thực với ngài: tôi sẽ phá cửa hàng, đập biển, đuổi ra khỏi Tràng An, không cho ở đây mê hoặc dân chúng nữa.

Tiên sinh vui vẻ nói:

– Điều đó tùy ngài. Mời ngài về, sáng mai mưa tạnh ta lại gặp nhau.

Long vương từ biệt người thầy bói, rời Tràng An, trở về thủy phủ. Thủy thần lớn bé chạy tới đón tiếp, hỏi:

– Đại vương đi tìm người thầy bói thế nào? Long vương đáp:
– Có, có. Cũng có gặp một lão thầy bói nói lếu láo. Ta hỏi hắn bao giờ mưa. Hắn nói ngày mai mưa. Hỏi hắn mưa vào giờ nào và lượng mưa bao nhiêu? Hắn nói giờ Thìn mây kéo, giờ Tỵ
sấm nổi, giờ Ngọ mưa rơi, giờ Mùi mưa tạnh, lượng mưa là ba thước ba tấc bốn mươi tám giọt. Ta bèn cùng hắn đánh cuộc: nếu hắn đoán đúng, ta sẽ tạ năm mươi lạng vàng, nếu sai, ta sẽ phá nhà, tống cổ hắn đi, không cho ở thành Tràng An mê hoặc dân chúng nữa.

Mấy loài thủy tộc cười, nói:

– Đại vương là Đô tổng quản tám con sông, đại Long vương coi việc mưa. Chỉ có đại vương mới biết chuyện mưa nắng, thế mà tại sao hắn lại ăn nói hồ đồ như thế! Lão thầy bói ấy nhất định sẽ thua cuộc! Nhất định sẽ thua cuộc!

Lúc ấy con rồng, cháu rồng, sĩ khanh cua, cá, mọi người còn đang vui vẻ bàn tán, bỗng nghe thấy có tiếng gọi từ trên không trung:

– Long vương sông Kinh Hà nhận chiếu chỉ!

Mọi người ngẩng đầu nhìn lên, thấy một lực sĩ áo vàng, tay bưng chiếu chỉ của Thượng đế, bước thẳng vào thủy phủ. Long vương sợ hãi, vội vàng sửa lại mũ áo ngay ngắn, đốt hương nhận chiếu chỉ xong. Vị lực sĩ áo vàng lại bay lên không trung trở về. Long vương lạy tạ, rồi mở tờ chiếu ra xem. Tờ chiếu viết:

Lệnh Tổng đốc tám sông, Nổi sóng ran chớp giật. Sớm mai làm mưa gấp, Tưới gắp thành Tràng An.
Tờ chiếu còn ghi rõ thời gian, số lượng hoàn toàn khớp với lời đoán của người thầy bói, khiến cho Long vương hồn bay phách lạc. Một lát sau, Long vương tỉnh lại, nói với các loại thủy tộc:

– Trần gian mà cũng có người tài giỏi, thấu hết việc trời đất đến như vậy. Ta thua cuộc mất rồi!
Quân sư cá mòi tâu:

– Đại vương cứ yên tâm. Muốn thắng hắn thì có gì là khó. Thần có một kế mọn có thể bịt mồm hắn lại.

Long vương hỏi kế gì, quân sư nói:

– Ta làm mưa sai thời điểm, bớt đi mấy giọt, thế là lời đoán của lão thầy bói không đúng, thì sợ gì không được cuộc hắn? Và khi ấy phá nhà, đập biển, tống cổ hắn ra khỏi Tràng An có khó gì?

Long vương nghe xong, không còn lo lắng gì nữa.

Ngày hôm sau, Long vương chỉ huy bác gió, ông sấm, cậu mây, mẹ chớp kéo thẳng đến bầu trời thành Tràng An. Long vương thi hành lệnh chậm lại, đến giờ Tỵ mới đùn mây, giờ Ngọ mới phát sấm, giờ Mùi mới làm mưa, giờ Thân thì cho tạnh, và chỉ cho mưa có ba thước bốn mươi giọt, đổi chậm một giờ và bớt đi ba tấc tám giọt nước. Làm mưa xong, Long vương hạ lệnh cho các tướng rút quân, còn mình dừng mây bước xuống, biến thành một người tu sĩ áo trắng, đến thẳng phố cửa Tây thành Tràng An, xông vào nhà Viên Thủ Thành, chẳng nói năng gì, cứ thế đập nát vụn cả tấm biển, nghiên mực… Còn Viên tiên sinh cứ điềm nhiên ngồi yên trên ghế, chẳng nói năng gì. Long vương còn cầm cả tấm cánh cửa toan đánh, và mắng rằng:

– Đồ yêu quái nói bừa chuyện họa phúc mê hoặc chúng sinh kia! Bói toán lung tung, nói năng xằng bậy! Nhà ngươi nói thời điểm mưa và lượng mưa sai loét cả, mà lại còn nghễu nghện ngồi cao thế kia? Biết điều cút đi cho sớm thì ta tha tội cho!

Thủ Thành vẫn ngồi yên chẳng chút sợ sệt, ngửa mặt lên trời cười lạt mà rằng:

– Ta không sợ! Không sợ! Ta không có tội gì sất. Chỉ có nhà ngươi mới bị tội đáng chết thôi. Người khác, thì nhà ngươi giấu được, chứ làm sao giấu được ta? Ta biết rồi, nhà ngươi chẳng
phải là tu sĩ, mà là Long vương Kinh Hà. Nhà ngươi làm trái sắc chỉ của Thượng đế, đổi thay thời điểm, bớt số lượng mưa, phạm vào luật trời. Nhà ngươi khó mà tránh khỏi lưỡi đao nơi trảm long đài, thế mà còn dám ở đây chửi ta sao?

Long vương nghe nói, sợ hãi vô cùng, khắp người nổi gai ốc, vội vàng quẳng cánh cửa, sửa lại sống áo, quỳ xuống lại tiên sinh nói:

– Xin tiên sinh bớt giận. Vừa rồi tôi chỉ có ý đùa bỡn thôi, có ngờ đâu đùa quá hóa thật, phạm vào luật trời, chẳng biết làm thế nào, mong tiên sinh cứu tôi với! Nếu không, chết tôi cũng không tha tiên sinh đâu.

Thủ Thành nói:

– Tôi không cứu nổi ngài đâu tôi chỉ có thể mách cho ngài một con đường sống.

Long vương nói:

– Mong tiên sinh chỉ giáo cho. Thủ Thành nói:
– Ngày mai, vào quãng giờ Ngọ ba khắc, ngài sẽ bị giải tới cho vị tào quan là Ngụy Trưng xử chém. Vậy muốn sống chỉ có cách đến cầu ngay với vua Đường Thái Tông mới xong. Ngụy Trưng là thừa tướng của vua Đường, nếu nhà vua thể tất nhân tình, thì ngài mới được vô sự.

Long vương nghe xong, nuốt nước mắt cáo từ. Chẳng mấy chốc, mặt trời đã lặn về tây, vầng trăng đã mọc. Chỉ thấy:

Quạ mỏi, sương rơi, núi tím nhòa, Người đi tìm quán nghỉ đường xa. Bến sông nhạn lượn, sao thưa thớt, Thôn vắng đèn khêu, ánh nhạt nhòa.
Khói bếp lững lờ, sân vắng vẻ, Giấc mơ mờ ảo, bóng người qua. Lan can lay động chùm hoa thắm, Thánh thót đồng hồ đêm vắng xa.
Long vương Kinh Hà không về thủy phủ, mà cứ đứng ở trên không trung, đợi đến quãng giờ Tý lúc nửa đêm, thu mây dọn mù, bước thẳng vào cửa hoàng cung.

Lúc ấy, vua Đường đang ngủ, mơ thấy mình đi ra ngoài cửa cung, lững thững ngắm hoa thưởng nguyệt. Long vương bèn biến thành hình người, bước tới quỳ xuống, thưa:

– Bệ hạ cứu tôi với! Cứu tôi với! Thái Tông hỏi:
– Nhà ngươi là ai? Trẫm sẽ cứu cho.
Long vương đáp:

– Bệ hạ là chân long, còn thần là nghiệp long. Thần do bị phạm vào luật trời, sắp bị bề tôi hiền của bệ hạ là tào quan Ngụy Trưng xử chém, nên thần đến đây cầu cứu. Mong bệ hạ cứu thần với!

Thái Tông nói:

– Ai chứ Ngụy Trưng xử thì trẫm cứu được. Ngài cứ yên tâm mà về.

Lại nói chuyện Thái Tông sau khi tỉnh mộng, trong bụng vẫn nhớ như in. Chẳng mấy chốc đã nghe thấy tiếng trống canh năm điểm ba tiếng. Vua Thái Tông thiết triều, hội họp các quan văn võ. Chỉ thấy:

Hoa khói vờn gác phượng, Hương thơm ngát lầu rồng.
Mây bay nhẹ như bông, Ánh dương soi lấp lánh.
Vua tôi sánh Nghiêu, Thuấn, Lễ nhạc tựa Hân, Chu.
Đèn quan, quạt cung nga, Sắc màu trông lộng lẫy. Điện Kỳ Lân, Khổng Tước, Vẻ rực rỡ huy hoàng.
Tiếng vạn tuế ngân nga, Đuốc hoa nghìn dặm sáng. Đức vua khai triều sớm, Trăm quan tới lạy mừng.
Hoa nở hương thơm lừng, Liễu bay, đàn réo rắt. Rèm trân châu đẹp nhất, Móc vàng cuốn thật cao.
Cửa Long phượng lối vào, Nơi vua dừng xa giá. Quan văn mặt tuấn tú,
Quan võ dáng hiên ngang. Ven đường chia thứ ban, Trước thềm phân cao thấp. Muôn nghìn vẻ lộng lẫy, Trường tồn với đất trời.
Các quan làm lễ triều hạ xong, ai nấy ngồi vào chỗ. Vua Đường mắt phượng mày ngài, nhìn khắp một lượt, thấy trong đám quan văn có Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Từ Thế Tích, Hứa Kính Tông, Vương Khuê. Hàng võ quan có Mã Tam Bảo, Đoàn Chí Hiền, Ân Khai Sơn, Lưu Hồng Kỷ, Hồ Kính Đức, Tần Thúc Bảo. Ai nấy trông uy nghi oai vệ. Chỉ thấy vắng mỗi thừa tường Ngụy Trưng. Vua Đường gọi Từ Thế Tích đến bảo:

– Đêm qua trẫm có một giấc mộng kỳ lạ: Trẫm mộng thấy một người bước tới trước mặt trẫm sụp lạy, xưng là Long vương Kinh Hà, phạm vào luật trời sắp bị tào quan Ngụy Trưng xử chém, đến cầu cứu với trẫm. Trẫm đã nhận lời. Hôm nay, trong ban chỉ thiếu có Ngụy Trưng là cớ sao nhỉ?

Thế Tích thưa:

– Bệ hạ đã nhận lời trong giấc mộng rồi, thì hãy cho gọi Ngụy
Trưng vào chầu, đừng để cho ngài ấy đi đâu nữa. Qua ngày hôm
nay thì chắc cứu được Long vương.

Vua Đường mừng lắm, lập tức truyền lệnh cho gọi Ngụy
Trưng vào triều.

Lại nói chuyện thừa tướng Ngụy Trưng ở trong phủ, đêm xem thiên văn, đang lúc hương bay ngào ngạt, bỗng nghe thấy tiếng hạc kêu trên chín tầng trời thẳm, thì ra là một vị thiên sứ mang sắc chỉ của Thượng đế sai đúng giờ Ngọ ba khắc, chém Long vương Kinh Hà ở trong mộng. Thừa tướng lại tạ ơn trời, trai giới tắm gội sạch sẽ, ở nguyên trong phủ mài thanh kiếm tuệ, vận động nguyên thần, cho nên không vào chầu vua được. Bỗng có quan Đương giá mang thánh chỉ đến triệu, Ngụy Trưng sợ hãi bàng hoàng, xong không dám trái lệnh vua, bèn vội vàng sửa lại mũ áo, theo quan vào chầu. Đến trước thềm son, Ngụy Trưng dập đầu cúi lạy, xin tha tội. Vua Đường nói:

– Ta miễn tội cho khanh.

Khi ấy, các quan vẫn chưa lui chầu, nhà vua bèn truyền lệnh cuốn rèm tan chầu, chỉ lưu lại một mình Ngụy Trưng, cho ngồi xe kim loan, cùng vào nội điện. Nhà vua bàn kế yên nhà định nước với Ngụy Trưng xong, thì đã đến cuối giờ Tỵ đầu giờ Ngọ, bèn sai cung nhân mang bàn cờ ra nói:

– Trẫm cùng hiền khanh chơi một ván.

Các cung phi bày bàn cờ trên ngự án. Ngụy Trưng tạ ơn, rồi ngồi chơi cờ với vua Đường. Hai người lần lượt đi nước cờ, bày thành thế trận, đúng như Kinh Lạn Kha nói:

“Đạo đánh cờ, quý ở chỗ nghiêm túc, cẩn thận. Người cao cờ, đánh ở trung tâm. Người thấp cờ, đánh ở bên cạnh. Người trung bình, đánh ở các góc. Đó là phép thường trong đạo đánh cờ vậy. Phép đánh cờ có nói: Thà thua một quân, chứ không để mất thế chủ động. Đánh bên trái, phải nhìn bên phải. Đánh phía trước phải nhìn phía sau. Có khi đánh trước mà lại sau, có khi
đánh sau mà lại trước, hai bên liên lạc, không được tách rời. Thế rộng nhưng không nên quá thưa: thế dày nhưng không nên quá chặt. Cố giữ quân để cầu sống, không bằng thí quân để thắng cờ. Cầu vô sự mà đi nước rời, không bằng bổ sung bền thế trận. Người nhiều ta ít, trước phải bảo tồn. Người ít ta nhiều, cần căng trận thế. Người khéo thắng không tranh, người khéo trận không đánh, người khéo đánh không thua, người khéo thua không loạn. Phàm đánh cờ, trước hết phải đàng hoàng, cuối cùng dùng mẹo lạ mà giành thắng. Phàm bên địch vô sự mà giữ thế là có ý tấn công, bỏ quân nhỏ mà không cứu tất là có chí lớn. Những kẻ thò tay đi ngay là đồ vô mưu, ứng phó không suy nghĩ là tìm thất bại. Kinh Thi nói: “Nơm nớp sợ hãi, như xuống vực sâu”, là như vậy đó”.

Có bài thơ rằng:

Bàn cờ là đất, quân là trời, Tạo hóa âm dương thật tuyệt vời. Đến chỗ huyền vi thông biến ấy, Lạn Kha kinh ấy cũng trò chơi.
Vua tôi hai người ngồi đánh cờ đến khoảng giờ Ngọ ba khắc, chưa xong một ván, Ngụy Trưng bỗng nhiên nằm phủ phục xuống án, thiu thiu ngủ tít. Thái Tông cười nói:

– Hiền khanh vất vả nhọc mệt vì giang sơn xã tắc, nên bất chợt buồn ngủ.

Nói xong cứ mặc cho Ngụy Trưng ngủ, không đánh thức. Một lát sau, Ngụy Trưng tỉnh dậy, cúi rạp xuống đất thưa:

– Thần thật đáng tội chết! Đáng tội chết! Vừa rồi ngủ mê man không biết gì, mong bệ hạ tha tội khinh mạn cho thần.

Thái Tông nói:

– Khanh có tội kinh mạn gì đâu! Cho khanh đứng dậy, xóa
ván cờ này đi, ta cùng khanh chơi ván khác.

Ngụy Trưng tạ ơn, vừa cầm lấy quân cờ trong tay toan bày ván khác, bỗng nghe thấy ngoài cửa có tiếng huyên náo, rồi thấy bọn Tần Thúc Bảo, Từ Mậu Công xách một chiếc đầu rồng máu me đầm đìa đến trước mặt nhà vua tâu:

– Muôn tâu bệ hạ, bể cạn sông khô còn thấy, chứ việc lạ lùng này thì chưa từng thấy bao giờ!

Thái Tông và Ngụy Trưng đứng lên hỏi:

– Con vật này ở đâu thế? Thúc Bảo, Mậu Công thưa:
– Ở ngã tư ngoài phố, cách đây chừng nghìn bước về phía Nam, thấy một cái đầu rồng này từ trên mây rơi xuống. Hạ thần tâu lên bệ hạ rõ.

Vua Đường thất kinh, hỏi Ngụy Trưng:
– Thế này là thế nào?

Ngụy Trưng quay người sụp lạy, thưa:

– Thần vừa nằm mộng chém nó xong. Vua Đường nghe xong sợ hãi nói:
– Hiền khanh vừa ngủ thiếp đi, thân thể chân tay không hề nhúc nhích, trong tay lại không có đao kiếm, làm sao chém được con rồng?

Ngụy Trưng thưa:

– Tâu chúa công, thần tuy thân thể bên cạnh chúa công, chơi cờ với chúa công, rồi chợp mắt mơ màng ra đi. Thần mơ thấy mình cưỡi mây, tinh thần mạnh mẽ, bay tới trảm long đài. Ở đây thần đã thấy con rồng bị thiên binh giải tới, thân thể bị trói chặt. Thần nói:

– Nhà ngươi vi phạm luật trời, đáng tội chết. Ta vâng mệnh trời xử chém nhà ngươi.

Con rồng nghe nói sợ hãi cụp vuốt co người cam chịu tội chết. Thần lấy tinh thần, vén tay áo bước tới vung đao chém. Tiếng đao nghe đánh phập một tiếng, đầu rồng đã lìa khỏi cổ.

Thái Tông nghe nói, trong lòng vừa mừng vừa sợ. Mừng là vì có Ngụy Trưng là bề tôi giỏi. Trong triều có hào kiệt, lo gì giang sơn chẳng vững bền? Sợ vì trong giấc mộng, mình đã hứa cứu Long vương, không ngờ Long vương vẫn bị xử chém. Vua Thái Tông đành phải lấy lại tinh thần, ra lệnh cho Thúc Bảo mang đầu rồng bêu ngoài chợ, hiểu dụ dân chúng Tràng An, sau đó ban thưởng cho Ngụy Trưng. Các quan đều tan triều.

Chiều hôm ấy, vua Đường về cung điện trong lòng lo lắng. Nghĩ đến con rồng trong giấc mộng khóc lóc thảm thiết, cầu xin cứu mạng, ngờ đâu sự việc sảy ra, không tránh khỏi tai nạn. Đang nghĩ ngợi, thấy thân thể, tinh thần mệt mỏi. Khoảng canh
hai đêm ấy, bỗng nghe thấy tiếng kêu khóc ngoài cửa cung, Thái Tông càng thêm kinh sợ. Đương lúc thiu thiu ngủ thiếp đi, bỗng thấy Long vương Kinh Hà, tay bưng một cái đầu rồng máu me đầm đìa, gọi to:

– Đường Thái Tông, trả mạng ta đây! Trả mạng ta đây! Hôm qua chính mồm nhà ngươi nhận lời cứu ta, tại sao hôm nay lại sai tào quan nhân chém đầu ta? Ta sẽ đi kiện với Diêm vương cho mà xem! Đi kiện cho mà xem!

Nói xong, Long vương túm chặt lấy Thái Tông, làm ầm ĩ, om sòm, mãi không chịu buông tha. Thái Tông tắc họng chẳng nói được gì, mồ hôi vã ra ướt thấm lưng. Đương lúc chẳng biết phân giải ra sao, bỗng thấy ở phía chính Nam, hương thơm ngào ngạt, mây đẹp quấn quanh, một vị nữ chân nhân xuất hiện trên tầng không, tay cầm cành dương liễu phất nhẹ một cái, lập tức con rồng không đầu kia khóc lóc ủ rũ bỏ đi thẳng về phía Tây bắc. Nguyên đó là đức Quan Âm bồ tát, vâng lệnh Phật tổ, sang phương Đông tìm người lấy kinh. Ngài đang nghỉ trong miếu Thổ địa ở kinh thành Tràng An, đang đêm nghe thấy tiếng ma khóc quỷ gào, bèn tới nơi đuổi con rồng nghiệp chướng, cứu thoát vua Đường. Con rồng bèn đi thẳng xuống âm ty tâu với Diêm vương, chuyện không nói nữa.

Lại có chuyện Thái Tông tỉnh dậy, vội kêu toáng lên:

– Có ma! Có ma!

Làm cho các hoàng hậu ở ba cung, các phi tần trong sáu điện, và bọn thái giám cận thần run rẩy sợ hãi, suốt đêm không sao chợp mắt được.

Chẳng mấy chốc, trống canh năm đã điểm. Các quan văn võ vào chầu vua đều đứng đợi cả ngoài cửa. Đợi đến lúc trời sáng rõ, vẫn không thấy nhà vua ra khai triều, mọi người bồn chồn sợ hãi. Mãi tới khi mặt trời đã lên bằng con sào, mới có chiếu chỉ
ban ra rằng:

“Lòng trẫm không vui, cho các quan được miễn chầu”.

Thấm thoát đã bảy tám ngày trôi qua, mọi người lo lắng đang định vào cung vấn an. Bỗng lại có chiếu chỉ của thái hậu với quan thái y vào cung bốc thuốc, thế là mọi người đứng lại ở ngoài cửa đợi tin tức. Một lát, quan thái y đi ra, mọi người xúm lại hỏi thăm bệnh tình nhà vua thế nào.

Quan thái y nói:

– Mạch của hoàng thượng không đều, hư rồi lại sắc, nói mê lảm nhảm gặp ma. Bắt mạch thấy đập mười cái lại dừng, ngũ tạng không còn khí, may lắm chỉ được bảy ngày nữa là cùng.

Mọi người nghe nói, sợ hãi biến sắc mặt. Đang lúc mọi người bàng hoàng lo sợ, bỗng có chiếu chỉ vời Từ Mậu Công, Hộ Quốc Công, Uất Trì Cung vào chầu. Ba người lập tức vào thẳng nội cung sụp lạy, chờ lệnh. Thái Tông nghiêm sắc mặt, gượng nói:

– Các hiền khanh ạ, trẫm mười chín tuổi đã cầm quân, đánh đông dẹp bắc, trải qua bao vất vả gian nan, chưa từng gặp ma quỷ bao giờ, thế mà bây giờ lại gặp ma!

Uất Trì Cung thưa:

– Bệ hạ mở cơ dựng nghiệp, đã giết bao nhiêu mạng còn sợ gì ma quỷ?

Thái Tông nói:

– Khanh không tin sao? Ở ngoài nội cung của trẫm cứ tối là có ma quỷ khóc gào, ném gạch ném ngói, không tài nào ngăn được. Ban ngày thì thôi, đến đêm lại thế.

Thúc Bảo thưa:

– Bệ hạ cứ yên tâm. Đêm nay, thần cùng Kính Đức xin giữ
cửa, xem có ma mãnh gì không.

Thái Tông bằng lòng. Mậu Công lạy tạ lui ra. Chiều hôm ấy, hai người nai nịt gọn ghẽ, cầm gươm xách búa, đừng canh giữ ngoài cửa cung. Trông họ thật oai hùng:

Mũ kim khôi sáng loáng, Áo giáp bóng vẩy rồng. Kinh hộ tâm mây vờn, Chiếc đai thêu ráng đẹp.
Một người mắt phượng, nhìn trời tinh tú sợ, Một người mắt tròn lấp lánh ánh trăng mờ. Họ vốn là anh hùng, hào kiệt công thần xưa,
Muôn thuở làm môn thần, ngàn năm xưng họ quỷ.

Hai vị tướng quân đứng canh gác suốt đêm, chẳng thấy một con ma nào cả. Đêm ấy, Thái Tông ngủ ngon vô sự. Sáng ra, nhà vua cho gọi hai người vào, thưởng cho rất hậu, và nói:

– Trẫm từ hôm mắc bệnh tới nay, không đêm nào ngủ được. Đêm nay, nhờ oai lực của hai tướng quân, nên trẫm mới được ngủ yên. Bây giờ, các khanh hãy về nghỉ đến tối lại hộ mệnh trẫm.

Hai tướng lạy tạ lui ra. Hai ba đêm liền như vậy, Thái Tông được ngủ yên ổn. Chỉ có điều nhà vua ăn uống sút kém, nên bệnh vẫn nặng thêm. Nhà vua không nỡ để hai tướng khó nhọc mãi, bèn cho gọi Thúc Bảo, Kính Đức cùng Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hối vào cung dặn dò:

– Mấy hôm nay trẫm được ngủ yên, nhưng không nỡ để hai tướng Tần, Hồ khó nhọc suốt đêm, trẫm muốn cho gọi thợ vẽ giỏi, vẽ ảnh truyền thần chân dung hai tướng quân dán ngoài cửa, để đỡ vất vả cho hai người, các khanh thấy thế nào?
Các quan vâng lệnh, chọn ngay hai người thợ vẽ giỏi, vẽ chân dung hai tướng Tần, Hồ dán ngoài cửa. Mấy đêm ấy Thái Tông cũng được ngủ yên.

Song được dăm hôm, lại nghe tiếng gạch ngói ném loảng xoảng ở cửa Hậu tể. Sáng ra, nhà vua cho gọi các quan vào, nói:

– Mấy hôm nay, ở phía cửa trước bình yên vô sự. Đêm qua, ở phía cửa sau lại có tiếng loảng xoảng làm trẫm sợ quá!

Mậu Công bước ra, tâu:

– Cửa trước không yên thì sai Kính Đức, Thúc Bảo canh gác, nếu cửa sau không yên, hãy sai Ngụy Trưng giữ gìn.

Thái Tông bằng lòng, truyền lệnh cho đêm nay Ngụy Trưng giữ cửa sau. Ngụy Trưng vâng lệnh, đêm ấy quần áo chỉnh tề, cầm thanh bảo kiếm chém rồng, đứng gác ở cửa Hậu tể, trông thật xứng đáng là bậc anh hùng, hào kiệt.

Khăn lụa biếc xanh đầu vấn, Bào gấm đai ngọc quanh thân. Tay áo gió bay phất phới, Trông oai hơn cả linh thần. Chân xỏ hài thâm đen bóng, Tay cầm lưỡi kiếm sáng xanh. Hai mắt tròn xoe lấp lánh,
Ma quỷ nào dám tới gần.

Suốt đêm ấy tới sáng, cửa trước cửa sau bình yên vô sự, chẳng có ma quỷ nào cả. Tuy vậy, bệnh tình nhà vua ngày càng nặng thêm. Một hôm, Thái Hậu xuống chiếu cho gọi các quan vào bàn việc tang ma. Thái Tông cho vời Từ Mậu Công vào dặn dò việc lớn của quốc gia, định việc thác cô như Lưu Bị ngày xưa. Dặn dò xong, tắm gội thay quần áo, đợi giờ tạ thế. Ngụy
Trưng đứng bên cạnh, vội vàng nắm lấy áo rồng thưa:

– Bệ hạ cứ an tâm, thần có một cách giữ cho bệ hạ trường thọ. Thái Tông nói:
– Bệnh đã vào tới cao hoang là nguy lắm rồi, sống làm sao được mà giữ?

Ngụy Trưng nói:

– Thần có lá thư nhờ bệ hạ khi xuống âm ty chuyển cho vị phán quan ở Phong Đô tên là Thôi Giác.

Thái Tông hỏi:

– Thôi Giác là ai? Ngụy Trưng thưa:
– Thôi Giác là vị quan hầu giá đức Thái thượng hoàng, trước kia ông ấy đã từng giữ chức lệnh ở Từ Châu sau thăng chức Thị lang Bộ Lễ, lúc còn sống giao du với thần rất thân mật, nay mất đi, được giữ chức phán quan có nhiệm vụ giữ sổ sinh tử ở Phong Đô. Hiện nay thần vẫn thường hay gặp ông ta trong giấc mộng. Chuyến này, bệ hạ trao bức thư cho ông ta, ông ta nghĩ tới bổn phận làm tôi, chắc sẽ tha cho bệ hạ trở về.

Trao cho hồn phách về đương thế, Trả lại long nhan đến đế đô.
Thái Tông nghe xong, cầm lấy bức thư bỏ vào tay áo rồi nhắm mắt tắt thở. Sáu cung, ba điện, hoàng hậu, phi tần, thái tử, cùng các quan ở hai ban văn võ đặt linh cữu ở điện Bạch Hổ, rồi làm lễ phát tang. Chuyện không nhắc tới nữa.

Cuối cùng không biết Thái Tông hoàn hồn như thế nào. Xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích:
[72][73]
Từ là một thể thơ cách luật của Trung Quốc, phát triển mạnh ở đời Tống, có số chữ trong bài cố định, câu dài
câu ngắn, cùng cách gieo văn có phối hợp chặt chẽ với âm nhạc. Có nhiều làn điệu từ khác nhau. Trong hồi này chúng tôi chuyển dịch sang thể thơ Việt Nam cho thích hợp.

Nguyên văn: Nói chuyện trên đường, bụi cỏ có người.