Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ chín

Trần Quang Nhị nhậm chức gặp nạn
Sư Giang Lưu phục thù báo ơn

Nói về thành Tràng An vùng Thiểm Tây, là nơi trải bao đời đế
vương đã đóng đô. Từ các đời Chu, Tần, Hán đến nay, ba châu hoa như gấm, tám sông chảy quanh thành. Thật là một nơi danh thắng. Khi ấy, đúng vào năm vua Thái Tông nhà Đường lên ngôi, đổi niên hiệu là Trinh Quán năm đầu. Vào năm Kỷ Tỵ, nhà vua trị vì được đúng mười ba năm, thiên hạ thái bình, tám phương tiến cống, bốn biển xưng tôi.

Một hôm, vua Thái Tông khai triều, hội họp các quan văn võ. Mọi người làm lễ triều bái xong, thừa tướng Ngụy Trưng bước ra tâu rằng:

– Ngày nay thiên hạ thái bình, tám phương phẳng lặng, theo phép cổ, nên mở khoa thi, tuyển chọn hiền sĩ, sử dụng nhân tài, giúp nước thịnh trị.

Vua Thái Tông nói:

– Lời tâu của khanh phải lắm!

Bèn sai treo bảng chiêu hiền, yết thị truyền khắp thiên hạ rằng:

“Các phủ, châu, huyện, bất kể là quân hay dân, hễ có học Nho đọc sách, sáng hiểu văn nghĩa, tinh thông ba trường, đều được đến Tràng An ứng thí”.

Bảng này về đến vùng Hải Châu, có một người họ Trần, tên
Ngạc, tự là Quang Nhị, nhìn thấy bảng treo lập tức về nhà nói
với mẹ là Trương Thị rằng:

– Triều đình ban bố bảng vàng[71]

xuống chiếu khắp các nơi,
,
mở khoa thi kén chọn hiền tài. Ý con muốn ra thi, may ra được chút chức quan thì cha mẹ vinh hiển, thân mình nổi danh, vợ con phong ấm, xóm làng vẻ vang. Ấy là chí nguyện của con, vậy xin phép mẹ cho con đi.

Bà mẹ nói:

– Con là người đọc sách. Sách có nói: “Nhỏ đi học, lớn thực hành”, đúng là như vậy. Nhưng dọc đường con phải cẩn thận. Có thi đỗ, cũng nên về sơm sớm.

Quang Nhị bèn dặn dò người nhà, rồi thu xếp hành lý, từ biệt mẹ, lên đường đi thi. Đến Tràng An, đúng lúc trường thi mở cửa, Quang Nhị vào trường làm bài thi, và thi đỗ. Lại tiếp tục vào thi Đình làm ba bài văn sách, được vua Đường thân hạ bút phê cho đỗ Trạng nguyên, được cưỡi ngựa đi chơi phố ba ngày.

Một hôm, Quang Nhị đi chơi tới cửa nhà thừa tướng Ân Khai Sơn. Thừa tướng có một cô con gái tên là Ôn Kiều, lại có tên nữa là Mãn Đường Kiều, chưa gả bán cho ai, đang dịp ở trên lầu cao ném cầu kén rể. Khi Quang Nhị đi qua dưới lầu, tiểu thư nhìn thấy, biết chàng là nhân tài xuất chúng, lại vừa đỗ Trạng nguyên tân khoa, trong lòng vui lắm, bèn ném ngay quả cầu thêu xuống, trúng vào giải mũ của Quang Nhị. Thế là kèn sáo nổi lên dìu dặt, mười mấy nàng thị tì chạy xuống, túm lấy cương ngựa của Quang Nhị dắt về phủ thừa tướng làm lễ thành hôn. Thừa tướng và phu nhân lập tức bước ra khỏi nhà khách, cho mời tân khách đến làm lễ cưới, gả tiểu thư cho Quang Nhị. Hai vợ chồng lễ tạ trời đất, đáp lễ nhau xong, rồi vào lạy tạ bố mẹ vợ. Thừa tướng sai bày tiệc ăn uống vui vẻ đến tối. Sau đó chàng và nàng dắt tay nhau vào phòng loan.

Sáng sớm hôm sau, vua Thái Tông ra ngự ở điện Kim Loan,
các quan văn võ vào chầu đông đủ. Vua Thái Tông hỏi:

– Vị Trạng nguyên tân khoa là Trần Quang Nhị nên bổ chức quan gì?

Thừa tướng Ngụy Trưng tâu:

– Thần kiểm tra các châu quận, chỉ còn Giang Châu là thiếu chức quan, xin bệ hạ ban cho chức ấy.

Vua Thái Tông bèn trao cho Quang Nhị chức tri phủ Giang Châu, và lệnh cho phải thu xếp lên đường ngay, không được lỡ hạn.

Quang Nhị tạ ơn lui ra, trở về phủ thừa tướng, bàn bạc với vợ, từ biệt bố, mẹ vợ, rồi hai vợ chồng lên đường đi Giang Châu nhậm chức.

Hai người rời Tràng An lên đường vào lúc cuối xuân, gió ấm vờn liễu biếc, mưa nhẹ điểm hoa hồng. Trên đường đi, hai vợ
chồng tạt qua nhà lạy tạ mẹ già.

Bà mẹ nói:

– Mẹ mừng cho con thi đỗ, lại đưa cả vợ về. Quang Nhị nói:
– Nhờ hồng phúc của mẹ, con đã thi đỗ Trạng nguyên, được nhà vua thưởng cho đi chơi phố. Khi con đi qua cửa nhà thừa tướng họ Ân, gặp ngay quả cầu thêu rơi trúng đầu, thế là con được thừa tướng rủ lòng thương, gả con gái cho. Triều đình lại trao cho con chức tri phủ Giang Châu, nay con về nhà đón mẹ cùng đi.

Bà mẹ mừng rỡ thu xếp hành lý cùng đi với con. Đi được mấy hôm, đến điếm Vạn Hoa, họ nghỉ ở nhà Lưu Tiểu Nhị. Đột nhiên bà Trương Thị mắc bệnh. Bà nói với Quang Nhị rằng:

– Mẹ thấy trong người khó chịu quá, hãy ở lại đây nghỉ ngơi vài ngày rồi lại đi.

Quang Nhị vâng lời.

Sớm hôm sau, có một người rao bán một con cá chép vàng ngay trước cửa điếm. Quang Nhị bỏ một quan tiền ra mua, định làm thịt cho mẹ ăn, bỗng thấy mắt con cá nhấp nháy, thì lấy làm lạ lắm, nói:

– Nghe nói con cá, con rắn nào mắt nhấp nháy là những con vật phi thường.

Bèn hỏi người đánh cá:

– Con cá này bác đánh được ở đâu? Người đánh cá đáp:
– Tôi đánh được ở sông Hồng Giang, cách phủ này mười lăm dặm.

Quang Nhị bèn mang ngay con cá đến sông Hông Giang thả
xuống cứu con cá sống, rồi trở về điếm nói lại chuyện đó cho mẹ biết. Bà mẹ nói:

– Phóng sinh là một việc tốt. Mẹ vui lòng lắm. Quang Nhị nói:
– Mẹ con mình trọ ở đây đã ba hôm rồi, hạn quan gấp lắm, con định sáng mai lên đường, không biết trong người mẹ đã khỏe hẳn chưa?

Bà mẹ nói:

– Mẹ thấy còn mệt lắm. Trời lại oi bức, e rằng đi thì bệnh nặng thêm. Hay là con cứ thuê cho mẹ một căn buồng để mẹ ở lại đây. Hai con cứ đi trước, đợi sang thu mát mẻ thì đến đón mẹ vậy.

Hai vợ chồng bàn bạc thuê một căn phòng, để lại ít tiền cho mẹ dùng, rồi chào mẹ xin đi trước.

Đường đi vất vả, đêm nghỉ ngày đi, chẳng mấy chốc đã tới bến đò sông Hồng Giang. Hai lái đò Lưu Hồng, Lý Bưu ghé đò vào bờ đón tiếp. Cũng vì kiếp trước Quang Nhị chưa trả hết nợ, nên bây giờ mới gặp phải nạn oan gia, Quang Nhị sai người hầu mang hành lý xuống đò, rồi hai vợ chồng cùng bước xuống sau. Lưu Hồng liếc thấy Ân tiểu thư mặt như trăng rằm, mắt như sóng thu, môi thắm anh đào, lưng ong liễu biếc, thực là vẻ đẹp chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường, nên động lòng lang muốn chiếm đoạt, bèn cùng với Lý Bưu tính kế. Chúng đẩy thuyền tới chỗ vắng vẻ, đợi lúc đêm khuya thanh vắng giết chết người hầu, rồi đánh chết Quang Nhị quẳng xác xuống sông. Nàng Ân tiểu thư thấy chồng bị đánh chết, định đâm đầu xuống dòng nước tự tử. Lưu Hồng ôm chặt lấy nói:

– Nàng nghe ta thì mọi sự êm đẹp! Nếu không nghe thì một nhát dao là người đứt làm hai đoạn ngay!
Tiểu thư nghĩ ngợi chẳng còn cách nào khác, đành phải tạm nghe theo Lưu Hồng. Thằng giặc ghé đò vào bờ nam, giao đò lại cho Lý Bưu, rồi mặc áo mũ của Quang Nhị, cầm văn bằng, đưa tiểu thư đến Giang Châu nhậm chức.

Lại nói chuyện xác những người hầu bị Lưu Hồng giết chết theo dòng trôi đi, chỉ có xác Trần Quang Nhị chìm xuống đáy sông nằm im bất động. Quỷ Dạ Xoa đi tuần ở cửa sông Hồng Giang nhìn thấy, phóng như bay về long cung, đúng lúc Long vương lên điện, bèn báo rằng:

– Hiện ở cửa sông Hồng Giang có kẻ nào đánh chết một người học trò, xác chìm xuống đáy sông.

Long vương sai mang thi thể vào đặt ở trước mặt, nhìn kỹ rồi nói:

– Người này chính là ân nhân cứu ta đây, làm sao bị người mưu hại nhỉ? Thường có câu: “Lấy ơn trả ơn”. Nay ta phải cứu sống người này để đền ơn cũ mới được.

Bèn viết ngay một tờ điệp văn sai quỷ Dạ Xoa đến thẳng Hồng Châu đưa cho Thành hoàng, Thổ địa, đòi mang ngay hồn phách người học trò đến để cứu mạng. Thành hoàng, Thổ địa bèn gọi tiểu quỷ trao hồn phách Quang Nhị cho Dạ Xoa mang đi. Dạ Xoa mang hồn phách Quang Nhị về cung Thủy tinh yết kiến Long vương. Long vương hỏi:

– Chàng học trò họ tên là gì? Người vùng nào mà tới đây bị người giết chết.

Quang Nhị cúi lạy, thưa:

– Tên tôi là Trần Ngạc, tự là Quang Nhị, người huyện Hoằng Nông, thuộc Hải Châu. Vừa qua, tôi đỗ Trạng nguyên, được nhà vua bổ chức tri phủ Giang Châu. Tôi và vợ tôi lên đường đi nhậm chức. Tới bến sông này thì đi đò. Không ngờ tên lái đò là Lưu Hồng mưu cướp vợ tôi, đánh chết tôi, vứt xác xuống sông.
Xin đại vương cứu mạng cho!

Long vương nghe xong, nói:

– À, ra thế đấy. Tiên sinh ạ, con cá chép vàng mà ngài cứu sống ngày nào chính tôi đấy. Ngài chính là ân nhân cứu mạng tôi, nay ngài gặp nạn, lẽ nào tôi lại không cứu?

Bèn sai đặt thi thể Quang Nhị vào một nơi, cho vào miệng một viên ngọc “định nhan” để thân thể khỏi hủy hoại, đợi khi khác hoàn hồn báo thù. Sau đó Long vương lại bảo với Quang Nhị rằng:

– Chân hồn của ngài nay hẵng tạm giữ chức Đô lãnh trong thủy phủ tôi nhé!

Quang Nhị cúi đầu vâng mệnh. Đoạn Long vương mở tiệc khoản đãi Quang Nhị, chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện Ân tiểu thư căm giận thằng giặc Lưu chỉ muốn lột da xé xác nó ra, nhưng hiềm một nỗi là đang có mang, chưa rõ trai gái, vạn bất đắc dĩ đành phải tạm thời miễn cưỡng đi theo thằng giặc. Chẳng bao lâu, họ đã tới Giang Châu, nha lại lính tráng trong phủ đều ra đón tiếp. Sau đó quan viên trong phủ bày tiệc khoản đãi. Lưu Hồng nói:

– Kẻ học sinh này tới đây chỉ hoàn toàn trông cậy vào sự giúp đỡ của các ngươi cả.

Các quan trong phủ nói:

– Quan lớn là bậc khôi nguyên tài giỏi, ắt là coi dân như con, giản chinh nhẹ hình, quan viên trong phủ như chúng tôi cũng có phần nhờ, hà tất phải khiêm tốn quá thế?

Tan tiệc, mọi người ra về.

Ngày tháng thấm thoát, một hôm, Lưu Hồng mắc việc quan phải đi xa, tiểu thư ở lại trong phủ nhớ mẹ, nhớ chồng, ngồi lặng ở đình hoa than thở. Bỗng nhiên nàng thấy thân thể mệt mỏi,
bụng đau dữ dội, mắt mũi tối sầm, ngã lăn ra đất, lát sau sinh hạ được một đứa con trai. Lúc ấy, bên tai nàng có giọng nói văng vẳng:

– Mãn Đường Kiều, nàng nghe ta dặn đây! Ta là Nam cực tinh quân, vâng lệnh Quan Âm bồ tát, mang đến cho nàng đứa trẻ này. Sau này tiếng tăm nó lừng lẫy, không phải hạng tầm thường đâu. Thằng giặc Lưu trở về, sẽ hãm hại đứa trẻ, nàng phải hết lòng giữ gìn mới được. Chồng nàng đã được Long vương cứu sống, sau này vợ chồng sẽ được đoàn tụ, mẹ con sẽ được quây quần, và rửa được mối thù này. Hãy nhớ kỹ lời ta dặn. Tỉnh mau! Tỉnh mau!

Nói xong, Tinh quân đi ngay. Tiểu thư tỉnh dậy, từng lời, từng lời, nhớ rõ mồn một, ôm chặt lấy đứa con không biết làm thế nào. Thế rồi, bỗng nhiên, Lưu Hồng trở về, vừa trông thấy đứa con, đã toan đem dìm chết. Tiểu thư nói:

– Bây giờ trời đã tối rồi, để sáng mai vứt ra sông

May sao, sáng hôm sau, Lưu Hồng bỗng nhiên có việc quan khẩn cấp phải đi xa ngay. Tiểu thư nghĩ bụng:

– Nếu để khi thằng giặc về, thì tính mạng đứa trẻ nguy mất, chi bằng cứ thả đứa trẻ trôi sông sớm, sống chết có mệnh, may mà trời thương, có người cứu vớt, đem về nuôi nấng, thì sau này mẹ con sẽ được gặp nhau…

Lại sợ sau này không nhận ra con mình, tiểu thư bèn cắn đứt ngón tay, lấy máu viết một lá thư kê khai tỷ mỷ họ tên cha mẹ, quê hương bản quán, lại cắn đứt một vết nhỏ trên ngón chân út bàn chân trái của đứa con để đánh dấu, lấy chiếc áo lót mình bọc đứa trẻ lại, nhân lúc vắng người, ẵm con ra ngoài cửa nha môn. Cũng may là nha môn gần bờ sông, đến bờ sông, nàng khóc lóc một lúc lâu, rồi toan thả đứa bé xuống sông. Bỗng thấy một tấm ván trôi sát vào bờ, nàng vội vàng ngẩng mặt lên trời cầu khấn,
rồi đặt đứa bé lên tấm ván, lấy dây buộc lại, cài lá thư vào trong ngực đứa bé, đoạn đẩy tấm ván ra xa, mặc cho tấm ván trôi về đâu, rồi nuốt nước mắt trở về. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện đứa bé nằm trên tấm ván, thuận dòng trôi đến chân chùa Kim Sơn thì dừng lại. Vị trưởng lão chùa Kim Sơn là Hòa Thượng Pháp Minh, một bậc chân tu mộ đạo, đã học được diệu quyết trường sinh. Đang ngồi tham thiền, Hòa thượng bỗng nghe thấy tiếng trẻ khóc, và thấy tâm mình xao xuyến, bèn chạy ra bờ sông quan sát và trông thấy một tấm ván dạt vào bờ, trên đó có một đứa bé đang nằm. Trưởng lão vội vàng xuống vớt lên. Ngài lại tìm thấy cả lá thư viết bằng máu, nên biết rõ lai lịch đứa bé, bèn giấu tên bố mẹ đặt cho nó, và đặt tên là Giang Lưu, nhờ người nuôi nấng. Bức thư viết bằng máu được Hòa thượng giấu kín.

Thời gian thấm thoát, ngày tháng thoi đưa, chẳng mấy chốc Giang Lưu đã mười tám tuổi, trưởng lão bèn cắt tóc đi tu, đặt pháp danh là Huyền Trang. Huyền Trang từ ngày làm lễ thụ giới, bền lòng tu đạo.

Một hôm, vào dịp cuối xuân, mọi người đang ngồi giảng kinh tham thiền, bàn cãi nhau về lễ đạo vi diệu dưới bóng cây. Một Hòa thượng rượu thịt bị Huyền Trang gạt bỏ hết lời lẽ này đến lời lẽ khác bèn tức tối, mắng rằng:

– Đồ nghiệt súc, cha mẹ chẳng có, họ tên chẳng hay kia, định làm quỷ ở đây chắc!

Huyền Trang bị mắng nhiếc như vậy, bèn vào chùa, nước mắt giàn giụa, quỳ xuống hỏi sư phụ:

– Người ta sinh ra ở trong vòng trời đất, bẩm thụ khí âm dương, ngũ hành, đều là do cha sinh mẹ dưỡng cả. Có lẽ nào là người ở trên đời lại không có cha mẹ sao?

Huyền Trang hỏi vặn mãi sư phụ về họ tên và cha mẹ mình.
Trưởng lão nói:

– Nếu con thực muốn tìm cha mẹ thì hãy đi theo ta vào phương trượng.

Huyền Trang bèn đi theo sư phụ vào phương trượng, Trưởng lão bèn lấy ra một chiếc tráp nhỏ giấu trên xà nhà, mở ra, lấy bức huyết thư, và chiếc áo lót mình đưa cho Huyền Trang. Huyền Trang mở thư đọc mới hiểu rõ hết họ tên cha mẹ va sự việc oán cừu của gia đình mình. Đọc xong thư, Huyền Trang khóc, nằm lăn ra đất nói:

– Mối oan thù này của cha mẹ mà không biết báo thì không đáng làm người. Mười tám năm nay, con không hề biết tên cha mẹ, đến hôm nay mới biết. Thân con nếu không được sư phụ cứu vớt nuôi nấng, thì đâu có ngày nay? Mong sư phụ cho phép con đi tìm cha mẹ, sau đó con lại xin đầu đội bát nhang, dựng thêm đền miếu, báo đền ơn sâu của sư phụ.

Sư phụ nói:

– Con hãy đi tìm cha mẹ con đi, và mang theo cả bức huyết thư và chiếc áo này, làm nhà sư đi quyên giáo, đến thẳng tư thất nha môn ở Giang Châu thì mới có thể gặp mẹ con được.

Huyền Trang vâng lời sư phụ, đóng vai một hòa thượng đi quyên giáo, đến thẳng Giang Châu. Vừa vặn lúc Lưu Hồng có việc phải đi xa, và cũng là lòng trời run rủi cho mẹ con được gặp gỡ, nên Huyền Trang cứ đến thẳng cửa tư thất nha môn quyên giáo.

Ân tiểu thư, đêm hôm trước nằm mơ thấy trăng khuyết lại tròn, bèn nghĩ thầm:

– Mẹ chồng thì chẳng có tin tức gì, chồng thì bị giặc cướp giết hại, còn đứa con thì mình đành phải thả trôi sông rồi. Nếu con ta có người cứu vớt nuôi nấng, thì nay đã mười tám tuổi. Hoặc giả ngày nay trời xui khiến cho gặp gỡ cũng chưa biết chừng…
Đang suy nghĩ mông lung, bỗng nàng nghe thấy tiếng niệm kinh ở ngoài cửa, và có tiếng gọi liên tiếp “quyên giáo”, bèn chạy ra hỏi:

– Ngài ở đâu tới? Huyền Trang thưa:
– Bần tăng là đồ đệ của trưởng lão Pháp Minh chùa Kim Sơn. Tiểu thư nói:
– Ngài là đồ đệ của vị trưởng lão chùa Kim Sơn ạ, vậy xin mời ngài vào nha.

Đoan tiểu thư sai dọn cơm chay mời nhà sư. Trong lúc ấy, tiểu thư chăm chú quan sát nhà sư, thấy lời nói, cử chỉ của nhà sư giống chồng mình như đúc, bèn bảo bọn thị tỳ lui ra, rồi hỏi:

– Ngài xuất gia từ nhỏ hay lớn tuổi mới xuất gia? Họ tên là gì? Cha mẹ còn thọ cả chứ?

Huyền Trang thưa:

– Tôi chẳng phải xuất gia từ nhỏ, cũng chẳng phải lớn tuổi mới xuất gia. Chuyện của tôi nói ra thì oan to bằng trời, thù sâu như bể! Cha tôi bị người giết hại, mẹ tôi bị cướp chiếm đoạt. Sư phụ tôi là trưởng lão Pháp Minh bảo tôi cứ đến thẳng tư thất nha môn Giang Châu mà tìm mẫu thân.

Tiểu thư hỏi:

– Mẹ ngài họ gì? Huyền Trang thưa:
– Mẹ tôi họ Ân, tên là Ôn Kiều. Cha tôi họ Trần, tên là Quang Nhị. Tên lúc nhỏ của tôi là Giang Lưu, pháp danh là Huyền Trang.

Tiểu thư nói:
– Ôn Kiều là mẹ đây. Nhưng con có bằng chứng gì không?

Huyền Trang vừa nghe tiếng mẹ, vội vàng quỳ xuống khóc thảm thiết:

– Mẹ ơi, mẹ không tin, thì con có bức huyết thư và chiếc áo đây.

Ôn Kiều cầm lấy xem, thấy quả là đúng, thế là hai mẹ con ôm nhau khóc. Bỗng tiểu thư nói:

– Con phải đi ngay đi. Huyền Trang nói:
– Mười tám năm trời, con chẳng biết bố mẹ là ai, nay vừa mới gặp mẹ, mà sao mẹ lại đuổi con đi ngay sao?

Tiểu thư nói:

– Con ơi, con phải khẩn cấp đi ngay thôi, thằng giặc Lưu về bây giờ thì tính mạng con nguy mất. Ngày mai mẹ giả ốm, nói là năm ngoái có hứa cúng nhà chùa một trăm đôi hài sãi, mẹ sẽ đến chùa của con làm lễ. Lúc ấy, mẹ con mình sẽ nói chuyện.

Huyền Trang vâng lời, từ biệt mẹ.

Lại nói chuyện từ sau khi Ân tiểu thư gặp được con, trong lòng mừng mừng sợ sợ. Bỗng một hôm tiểu thư bị ốm, không ăn uống được, cứ nằm liệt trên giường, Lưu Hồng trở về, hỏi nàng nguyên do, nàng đáp:

– Thuở nhỏ, thiếp có phát nguyện cúng một trăm đôi giày sãi cho nhà chùa. Năm hôm trước, thiếp nằm mộng thấy một hòa thượng tay cầm dao nhọn đến đòi, tỉnh dậy thấy trong người khó chịu.

Lưu Hồng nói:

– Việc nhỏ mọn ấy sao không nói sớm?

Bèn lên ngay công đường bảo hai viên nha lại họ Vương, họ
Lý, truyền lệnh cho trăm họ trong thành Giang Châu, trong năm ngày, mỗi nhà phải nạp một đôi hài sãi.

Mọi nhà đều y hẹn nộp đủ. Tiểu thư nói với Lưu Hồng:

– Hài sãi đủ rồi, gần đây có chùa nào có thể đến làm lễ phát nguyện không nhỉ?

Lưu Hồng nói:

– Giang Châu có hai chùa Kim Sơn và Tiêu Sơn, tùy nàng muốn tới chùa nào cũng được.

Tiểu thư nói:

– Từ lâu thiếp nghe nói chùa Kim Sơn đẹp lắm, nay muốn tới chùa này.

Lưu Hồng bèn gọi hai viên nha lại Vương, Lý sửa soạn thuyền bè. Tiểu thư cùng mấy người tâm phúc bước xuống thuyền. Người lái đò đẩy thuyền ra, chèo thẳng tới chùa Kim Sơn.

Lại nói chuyện Huyền Trang trở về chùa, gặp trưởng lão Pháp Minh, kể hết đầu đuôi câu chuyện. Trưởng lão mừng lắm. Mấy hôm sau, có một thị tỳ đến chùa báo rằng có người đến chùa làm lễ. Sư sãi trong chùa đều ra cổng đón tiếp. Tiểu thư vào trong chùa, lạy đức Quan Âm, lập đàn chay, sai thị tỳ đặt lễ vật vào khay mang lên bàn thờ. Tiểu thư dâng hương làm lễ xong, mời trưởng lão Pháp Minh phân phát cho các tăng ni. Khi các nhà sư đã ra cả rồi, pháp đường không còn một ai, Huyền Trang mới bước tới quỳ xuống trước mặt tiểu thư. Tiểu thư bảo Huyền Trang cởi giày ra xem, quả nhiên thấy ngón chân út bên trái có vết sẹo nhỏ. Thế là hai người lại ôm nhau khóc, rồi lạy tạ cảm ơn công nuôi dưỡng của trưởng lão. Trưởng lão Pháp Minh nói:

– Nay mẹ con dù được gặp gỡ, e rằng gian tặc biết, vậy cũng nên mau mau về sớm đi, kẻo tai vạ.
Tiểu thư nói:

– Con ơi, mẹ đưa con chiếc vòng thơm này, con hãy tới Hồng Châu ở mé Tây Bắc, cách đây chừng một nghìn năm trăm dặm. Vùng ấy có ngôi điếm Vạn Hoa. Bà Trương Thị có khi còn trọ ở đó. Đấy là bà mẹ sinh ra bố con vậy. Mẹ lại viết cho con một bức thư nữa, con hãy đến thẳng kinh đô nhà Đường, ở bên trái điện vàng có nhà thừa tướng Ân Khai Sơn, đó là nhà ông ngoại sinh ra mẹ đấy. Con dâng thư của mẹ cho ông ngoại con, kêu với ông tâu lên vua Đường mang ngay binh mã đến Giang Châu bắt giết thằng giặc, báo thù cho bố con, có thế mới cứu được cả mẹ nữa. Bây giờ mẹ chẳng dám ở lâu, sợ thằng giặc trách mẹ về chậm.

Nói xong bèn rời chùa lên thuyền trở về.

Huyền Trang khóc lóc, trở về chùa thưa với sư phụ, rồi từ biệt sư phụ đến thẳng Hồng Châu. Tới điếm Vạn Hoa, chàng hỏi với chủ điếm là Lưu Tiểu Nhị:

– Ngày xưa, có bà cụ mẹ của Trần quan lớn trọ ở đây. Nay bà cụ còn khỏe không?

Lưu Tiểu Nhị thưa:

– Bà cụ trước có trọ điếm tôi, về sau mắt bị mù, ba bốn năm chẳng có tiền trả tiền thuê nhà cho tôi, rồi bà cụ dời về trú ở trong ngôi nhà đổ ở cửa Nam, ngày ngày vào phố ăn mày sống qua ngày. À mà vị quan lớn ấy đi bao lâu rồi, chẳng hề có tin tức gì cả, không biết cớ làm sao?

Huyền Trang nghe xong, lập tức dò đến ngôi nhà đổ ở cửa
Nam tìm bà. Bà cụ nói:

– Tiếng anh giống tiếng đứa con tôi là Trần Quang Nhị quá! Huyền Trang nói:
– Cháu không phải là Trần Quang Nhị. Cháu chính con trai
của bố cháu là Trần Quang Nhị đây. Tiểu thư Ôn Kiều là mẹ của cháu.

Bà cụ hỏi:

– Bố mẹ cháu sao không đến? Huyền Trang thưa:
– Bố cháu bị kẻ cướp giết chết, mẹ cháu bị kẻ cướp cưỡng làm vợ rồi.

Bà cụ lại hỏi:

– Thế cháu làm sao biết được mà tới đây tìm bà? Huyền Trang thưa:
– Mẹ cháu bảo cháu đến tìm bà. Mẹ cháu còn đưa cho cháu một bức thư và một chiếc vòng thơm nữa.

Bà cụ cầm lá thư và chiếc vòng rồi òa lên khóc thảm thiết:

– Con ơi, chỉ tại công danh mà con tới nông nỗi này. Mẹ cứ tưởng con bội nghĩa vong ơn, có ngờ đâu là con bị người mưu hại. May nhờ có lòng trời thương xót, không nỡ làm tuyệt giống con tôi, hôm nay còn có đứa cháu tới đây tìm bà nó.

Huyền Trang hỏi:

– Mắt bà làm sao mà mù vậy? Bà cụ đáp:
– Tại bà nhớ bố cháu quá suốt ngày mong ngóng, chẳng thấy bố cháu lại, bà khóc nhiều quá nên mắt lòa đi.

Huyền Trang bèn quỳ xuống, ngẩng mặt lên trời cầu khấn:

– Huyền Trang tôi mười tám tuổi, mối thù của cha mẹ chưa trả được, nay vâng lời mẹ đi tìm bà mong Trời, Phật thương xót, chứng giám lòng thành, cứu cho bà tôi hai mắt lại sáng sủa như cũ!
Khấn xong, chàng lại lấy lưỡi đánh mắt cho bà cụ. Trong giây lát, hai mắt bà cụ lại mở được, sáng lại như xưa.

Bà cụ ngắm nghía chú tiểu rồi nói:

– Đúng là cháu bà, giống bố Trần cháu như đúc!

Bà cụ vừa mừng vừa thương. Huyền Trang đưa bà nội ra khỏi căn nhà nát, trở về điếm Vạn Hoa, tính tiền thuê một căn buồng cho bà ở, rồi đưa thêm cho bà một ít tiền và dặn dò:

– Cháu đi độ một tháng sẽ quay lại đón bà.

Nói xong, Huyền Trang tạm biệt bà nội, lên thẳng kinh thành, tìm đến phủ Ân thừa tướng ở mé đông hoàng thành, nói với lính canh cổng:

– Tiểu tăng là thân thích, đến thăm tướng công.

Lính canh vào bẩm cho thừa tướng biết. Thừa tướng nói:

– Ta không có quan hệ họ hàng với nhà sư nào cả. Phu nhân nói:
– Đêm qua thiếp mộng thấy con gái Mãn Đường Kiều về thăm nhà. Hay là con rể mình có tin tức gì chăng?

Thừa tướng bèn cho mời nhà sư trẻ vào nhà khách. Nhà sư vừa trông thấy thừa tướng và phu nhân đã lăn ra đất khóc lạy, rồi rút từ trong người ra một lá thư đưa cho thừa tướng. Thừa tướng mở thư đọc hết một lượt, bỗng òa lên khóc thảm thiết. Phu nhân hỏi:

– Tướng công có việc gì vậy? Thừa tướng đáp:
– Đứa trẻ này là cháu ngoại của chúng ta đó. Con rể ta là Trần Quang Nhị bị cướp giết chết, con gái ta là Mãn Đường Kiều bị cướp cưỡng chiếm làm vợ.
Phu nhân nghe xong cũng nức nở khóc mãi. Thừa tướng nói:

– Phu nhân chớ buồn phiền nữa. Ngày mai vào chầu, tôi sẽ tâu hết cho chúa thượng rõ, rồi tự cầm quân, báo thù bằng được cho con rể.

Ngày hôm sau, thừa tướng vào chầu, tâu với vua Đường:

– Con rể thần là Trạng nguyên Trần Quang Nhị, cùng vợ đến Giang Châu nhậm chức, bị tên lái đò là Lưu Hồng đánh chết, chiếm con gái thần làm vợ, giả mạo con rể thần, làm quan từ bấy đến nay. Thật là tai họa ghê gớm của gia đình thần, xin bệ hạ cho mang quân tới tiểu trừ giặc cướp.

Vua Đường nghe xong, vô cùng phẫn nộ, lập tức sai mang sáu vạn quân ngự lâm, giao cho Ân thừa tướng thống lĩnh đi diệt giặc cướp. Thừa tướng vâng lệnh lui ra, đến giáo trường điểm binh, rồi nhắm hướng Giang Châu thẳng tiến. Đoàn quân ngày đi đêm nghỉ, chẳng mấy chốc đã tới Giang Châu. Binh mã của Ân thừa tướng đóng trại ở bờ Bắc. Ngay đêm hôm ấy, thừa tướng sai mang thẻ bài gọi hai viên đồng tri và phán châu ở Giang Châu đến, nói rõ cho họ biết sự việc, và lệnh cho họ mang binh tới giúp. Khi ấy quân sĩ nhất loạt vượt sông sang bờ bên kia. Trời chưa sáng rõ, nha môn của Lưu Hồng đã bị vây chặt. Lưu Hồng còn đang mơ mơ màng màng, bỗng nghe tiếng pháo nổ ran, trống chiêng inh ỏi, quan quân đã ập vào tư thất. Lưu Hồng không kịp trở tay, đã bị bắt sống. Thừa tướng thừa lệnh giải Lưu Hồng ra pháp trường và truyền lệnh cho quân sĩ đóng trại ở ngoài thành.

Thừa tướng vào thẳng nha môn, ngồi ở gian giữa rồi sai mời tiểu thư ra gặp mặt. Tiểu thư muốn ra song nghĩ thẹn với cha, nên định treo cổ tự tử. Huyền Trang nghe tin, vội vàng chạy vào cởi dây cứu mẹ xuống, đoạn quỳ xuống thưa với mẹ:

– Con và ông ngoại mang binh mã tới đây báo thù cho cha.
Nay giặc đã bị bắt, mà tại sao mẹ lại đi tìm cái chết? Mẹ mà chết, con còn sống làm gì nữa?

Thừa tướng cũng trở vào khuyên giải. Tiểu thư nói:

– Con nghĩ: “Gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Chồng con đã bị giặc giết, con còn mặt mũi nào mà theo giặc? Chỉ vì cái thai trong bụng, nên con đành nhẫn nhục sống thừa. Nay may mắn cháu đã khôn lớn, lại được cha mang binh tới báo thù cho chồng con, con còn mặt mũi nào nhìn thấy cha nữa, chỉ còn cái chết báo tạ chồng con mà thôi!

Thừa tướng nói:

– Điều đó cũng không phải vì cơn thịnh suy mà đổi tiết, mà chỉ là bất đắc dĩ mà thôi, có gì phải hổ thẹn!

Rồi hai cha con ôm nhau khóc nức nở. Huyền Trang cũng sùi sụt mãi không thôi. Thừa tướng gạt nước mắt nói:

– Mẹ con chớ nên buồn phiền nữa. Nay ta đã bắt được tên giặc thù, phải đi xét xử.

Bèn đi ra ngay pháp trường. Đúng lúc viên đồng tri Giang Châu cũng sai quân tuần tiễu bắt được tên Lý Bưu giải tới. Thừa tướng mừng lắm, sai lính ngục áp giải Lưu Hồng, Lý Bưu tới, nọc ra đánh mỗi tên một trăm gậy lớn, bắt khai khẩu cung, nói rõ duyên do giết chết Trần Quang Nhị năm nào, rồi sai mang Lý Bưu đóng đanh vào con lừa gỗ, đẩy ra chợ, xả thịt làm nghìn mảnh, bêu đầu thị chúng. Lai sai đưa Lưu Hồng tới bến đò sông Hồng Giang – nơi năm nào hắn giết chết Trần Quang Nhị. Thừa tướng, tiểu thư, Huyền Trang, ba người đến cả bến sông, lập bàn thờ, mổ bụng moi gan Lưu Hồng tế Quang Nhị, sau đó châm lửa đốt bài văn tế đi.

Ba người nhìn xuống dòng sông khóc lóc thảm thiết làm kinh động đến thủy phủ. Lại có tên quỷ Dạ Xoa đi tuần tra dưới nước mang tờ văn tế dâng lên trình Long vương. Long vương xem
xong, lập tức sai nguyên soái ba ba đi mời Quang Nhị đến.

Long vương nói:

– Xin chúc mừng ngài! Hôm nay có phu nhân, công tử và nhạc phụ của ngài đến cả bờ sông tế ngài. Bây giờ tôi xin trả lại hồn để ngài về dương gian, và xin tặng ngài một viên ngọc như ý, hai viên ngọc tẩu bàn, mười tấm lụa, một chiếc đai ngọc minh châu gọi là để tiễn chân. Hôm nay chắc là vợ chồng, mẹ con gia đình ngài sẽ được đoàn viên gặp gỡ.

Quang Nhị cảm tạ không ngớt. Long vương hạ lệnh cho quỷ Dạ Xoa mang thi thể Quang Nhị tới cửa sông để trả lại hồn. Quỷ Dạ Xoa vâng lệnh đi ngay.

Lại nói chuyện Ân tiểu thư khóc lóc tế chồng một hồi xong, lại định nhảy xuống sông tự tử. Huyền Trang hoảng hốt giữ chặt lấy mẹ. Đang lúc bối rối, bỗng mọi người nhìn thấy một xác người nổi trên mặt nước, trôi dạt vào bờ. Tiểu thư vội vàng chạy lại gần xem, nhận ra ngay đó là xác của chồng mình, thế là nàng khóc nấc lên thảm thiết. Mọi người chạy xô cả lại, thấy Quang Nhị tay chân duỗi ra, thân thể dần dần cử động, rồi đột nhiên ngồi dậy. Mọi người vô cùng kinh ngạc, sợ hãi. Quang Nhị mở to mắt, nhìn thấy Ân tiểu thư, bố vợ là Ân thừa tướng và một nhà sư trẻ đang đứng gần mình khóc, bèn hỏi:

– Mọi người làm gì ở đây vậy? Tiểu thư thưa:
– Chàng trước đây bị giặc cướp giết hại, sau đó thiếp sinh hạ được đứa con đây. May nhờ trưởng lão chùa Kim Sơn nuôi nấng lớn khôn, nó đi tìm thiếp. Thiếp bảo nó đi tìm ông ngoại. Ông biết chuyện tâu lên triều đình, thân mang binh tới bắt được thằng giặc, thiếp vừa sai mổ bụng moi gan tế tôn vị chàng rồi chẳng biết vì sao chàng lại hoàn hồn sống lại được.

Quang Nhị nói:
– Hồi nào tôi cùng nàng trọ ở điếm Vạn Hoa, tôi có mua được một con cá chép mình vàng bèn thả xuống sông cho sống. Không ngờ con cá ấy là Long vương xứ này. Khi giặc cướp giết vứt xác tôi xuống sông, ngài bèn cứu tôi, vừa rồi lại sai trả lại hồn cho tôi được sống lại. Ngài còn tặng tôi một ít báu vật nữa, tôi có mang theo bên người đây. Tôi thật không ngờ nàng đã sinh được đứa con trai và được cả nhạc phụ báo thù cho. Thật là hết ngày khổ tận đến thì cam lai, không còn gì vui bằng!

Các quan nghe chuyện Trần Quang Nhị sống lại đều tới chúc mừng. Thừa tướng sai đặt tiệc ăn mừng cảm ơn các viên quan sở thuộc, rồi nhổ trại đem binh về. Khi tới điếm Vạn Hoa, thừa tướng truyền lệnh đóng quân nghỉ lại. Quang Nhị và Huyền Trang đến Lưu Gia điếm tìm bà Trương Thị. Bà cụ đêm ấy mộng thấy cây khô nở hoa. Sáng ra, sau nhà chim khách hót véo von giục giã, bà cụ thầm nghĩ:

– Hay là cháu mình trở lại chăng?

Vừa lúc ấy, đã thấy bố con Quang Nhị từ ngoài cửa bước vào. Nhà sư trẻ chỉ tay nói:

– Bà nội con kia kìa!

Quang Nhị nhìn thấy mẹ già, vội vàng quỳ xuống lạy. Mẹ con ôm nhau khóc lóc hồi lâu, kể lể chuyện xưa hết một lượt, đoạn tính toán trả tiền trọ cho Tiểu Nhị, rồi lên đường về thẳng kinh đô. Đến phủ thừa tướng, vợ chồng Quang Nhị, bà cụ và Huyền Trang cùng vào yết kiến phu nhân. Phu nhân vui mừng khôn xiết, dặn dò người hầu bày tiệc ăn mừng.

Thừa tướng nói:

– Bữa tiệc hôm nay nên đặt tên là “Hội đoàn viên”. Rồi cả nhà ăn uống chuyện trò vui vẻ.
Sớm hôm sau, vua Đường khai triều. Ân thừa tướng bước ra
tâu rõ câu chuyện cho vua Đường biết, và tiến cử Trần Quang
Nhị là người tài dùng được vào việc lớn.

Vua Đường đồng ý với lời tâu, thăng cho Quang Nhị chức Học sĩ giúp việc tại triều đình. Còn Huyền Trang quyết chí tu hành, được đưa tới chùa Hồng Phúc tu đạo.

Từ đây, Ân tiểu thư được xênh xang hạnh phúc, Huyền Trang lại được trở về chùa Kim Sơn báo đáp trưởng lão Pháp Minh.

Sau này, không biết sự thể sẽ ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích:
[71]
Bảng vàng: Bản yết thị của nhà vua viết bằng giấy màu vàng nên thường gọi là bảng vàng (Theo nguyên chú)