Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ bẩy

Đại thánh trốn khỏi lò bát quái
Hầu vương giam dưới núi Ngũ Hành

Phú quý công danh,
Số duyên đã định Chính đại quang minh Lọc lừa nên tránh
Phúc quả dành cho người lương thiện, Hành vi cuồng vọng trời tha đâu, Nhãn tiền chưa gặp, gặp mai sau, Hỏi Đông quán vì sao,
Mà nay nhiều tai ách?

Chỉ tại kiêu căng khinh trời đất, Dưới trên bất kể loạn cương thường.
Lại nói chuyện Tề Thiên đại thánh bị thiên binh áp giải đưa
đến đài trảm yêu, trói chặt vào cột hàng yêu, đao chém, búa bổ, kiếm xỉa, giáo đâm, mà thân thể không hề xây xát. Nam Đẩu tinh quân lệnh cho các thần ở bộ Hỏa, phóng lửa đốt cũng không cháy. Lại sai các thần ở bộ Lôi lấy roi sét đánh, cũng chẳng đứt một sợi lông. Đại Lực quỷ vương cùng mọi người tâu lên Thượng đế:

– Muôn tân thánh thượng, không biết Đại thánh học được phép hộ thân ở đâu, mà bọn thần dùng dao chém, búa bổ, sét đánh, lửa thiêu, thân thể hắn cũng không mảy may thương tổn.
Vậy làm thế nào bây giờ?

Thượng đế nghe xong, nói:

– Nó đã như vậy, các khanh xem nên xử trí thế nào? Thái Thượng lão quân thưa:
– Con khỉ ấy ăn đào tiên, uống rượu ngự, xơi cả linh đơn. Năm vò rượu thuốc ngâm của thần cũng bị nó tu hết vào ruột. Nó lại luyện thân thể bằng thứ lửa tam muội nữa, nên người tựa một khối kim cương rắn chắc, không vật gì hại được. Hay là để thần mang nó về bỏ vào lò bát quái, đốt nó bằng thứ lửa văn vũ mà thần thường dùng để luyện linh đơn, thì người nó nhất định sẽ biến thành tro bụi.

Thượng đế nghe nói, lập tức sai thần Lục đinh Lục giáp giải Đại thánh đến cho Lão Quân. Lão Quân vâng lệnh liền đem đi luôn. Một mặt, Thượng đế cho triệu Nhị Lang hiển thánh vào, thưởng cho trăm đóa hoa vàng, trăm vò rượu ngự, trăm hạt linh đơn, cùng mọi thứ, ngọc ngà gấm vóc, mang về chia cho mấy anh em cùng hưởng. Nhị Lang tạ ơn Thượng đế, rồi trở về cửa sông Quán Giang. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện Lão Quân, về tới cung Đâu Suất, cởi dây trói rút móc xương, ném Đại thánh vào trong lò bát quái, sai đạo nhân coi lò và tiểu đồng quạt lò châm lửa đốt. Nguyên lò này gồm tám cung của các quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Đại thánh chui ngay vào nằm dưới cung Tốn. Tốn là gió, có gió thì không có lửa. Nhưng chỉ bị gió thổi khói vào nên đôi mắt đen bị đỏ tấy lên, thành ra mắc bệnh đau mắt. Vì vậy còn gọi Đại thánh là “mắt lửa ngươi vàng”.

Thời gian thấm thoắt, chẳng mấy chốc đã được bốn mươi chín ngày, đủ số ngày luyện. Một hôm, Lão Quân mở lò lấy linh đơn. Đại thánh khi ấy hai tay đang che mắt, nước mắt giàn giụa; bỗng nghe thấy trên miệng lò có tiếng động, bèn căng mắt nhìn,
thấy có ánh sáng, tức thì co người nhảy vút ra ngoài, hét vang một tiếng, đạp đổ lò bát quát, rồi chạy vụt đi. Viên sĩ đạo coi lò, tiểu đồng đốt lò cùng các thần Lục đinh, Lục giáp chạy vào túm chặt lấy, bị Đại thánh đạp cho mấy phát ngã lăn cả ra, Đại thánh lúc này hung hăng tựa mãnh hổ trán trắng, điên cuồng như con rồng một sừng. Lão Quân xông vào túm, cũng bị Đại thánh đá một phát, ngã lăn chiêng, cố chạy thoát thân. Đại thánh rút ngay cây gậy Như ý trong tai ra đón gió múa loang loáng, cây gậy to lại như cũ, rồi bất kể hay dở, phá phách thiên cung một lần nữa. Đại thánh đánh tơi bời, khiến cho chín Diệu tinh quân phải đóng chặt cửa, bốn Thiên vương thì không biết chạy trốn phương nào, Đại thánh thật là tuyệt vời! Có bài thơ làm chứng rằng:

Hỗn mang thân thể hợp tiên thiên. Muôn kiếp nghìn đời cũng tự nhiên. Mờ mịt vô vi hòa Thái ất,
Như như bất động gọi sơ huyền. Linh đơn chẳng phải trong lò luyện, Sống mãi ngoài đời ấy bản tiên
Biến hóa vô cùng còn biến hóa,

[63]
Tam quy ngũ giới vẫn là hơn .

Lại có bài thơ rằng:

Linh quang một điểm thấu tầng mây, Cây gậy sắt kia thực thế này,
Hoặc ngắn, hoặc dài tùy sử dụng, Dọc ngang ngang dọc mặc vần xoay
Lại có bài thơ nữa rằng:

Khỉ đây đạo thể hợp tâm người,
Tuy khỉ nhưng lòng nghĩ đến nơi, Đại thánh dẹp trời đâu chuyện giả, Quan phong “Bật mã” há vui cười? Tâm viên ý mã hai loài ấy,
Trói chặt ngay vào chớ lỏng lơi. Muôn nẻo về nguồn theo một lý Rừng sâu tu luyện học Như Lai.
Lần này, Đại thánh bất kể trên dưới, múa gậy sắt đánh Đông phá Tây, không một vị thần nào dám đối địch. Khi Đại thánh đánh tới điện Thông Minh và điện Linh Tiêu, may có vị tá sứ của Hựu Thánh chân quân là Vương Linh Quan đang giữ điện, thấy Đại thánh tung hoành ngang dọc, bèn rút cây roi vàng xông đến ngăn lại, nói:

– Con khỉ khốn kiếp chạy đi đâu? Có ta ở đây, chớ có ngông cuồng!

Đại thánh chẳng thèm nói, múa gậy đánh luôn. Vương Linh Quan cũng vung roi đánh lại. Hai người đánh nhau dữ dội trước điện Linh Tiêu:

Trung lương dũng cảm tiếng thơm đồn, Lửa đất đốt trời tiếng sạch trơn. Xấu tốt thấp cao nay gặp gỡ,
Anh hùng hào kiệt quyết giành hơn. Roi vàng, gây sắt vung loang loáng, Chính trực vô tư chí chẳng sờn. Người này thái ấp ngôi tôn kính,
Kẻ nọ Tề Thiên khỉ cõi phàm. Gậy sắt, roi vàng sao tuyệt diệu,
Đều là binh khí chốn cung tiên, Ngoài điện Linh Tiêu phô võ nghệ, Khoe tài ai nấy đáng lời khen.
Kẻ nọ dõi lừa toan quấy phá, Người này ra sức giữ bình an,
Đánh nhau quyết liệt không nhường nhịn, Ai thắng ai thua khó đoán phân.
Hai người đánh nhau không phân thắng bại. Hựu Thanh chân quân lại sai tướng tá mang giấy tới Lôi phủ điều ba mươi sáu lôi thần đến vây chặt, và cùng xông vào đánh Đại thánh. Đại thánh không chút sợ hãi, múa cây gậy Như ý đỡ phải đánh trái, che trước chặn sau. Được một lát, các lôi thần mang đủ các loại binh khí đao, thương, kiếm, kích, roi, giản, búa rìu… vây đánh Đại thánh càng ráo riết hơn. Đại thánh bèn lắc mình một cái, biến thành ba đầu sáu tay, biến cây gậy Như ý thành ba cây, sáu tay cầm ba cây gậy, bay múa đánh nhau giữa vòng vây, loang loáng vù vù khác nào bánh xe quay tít. Các lôi thần không dám tới gần. Thật là:

Gậy sắt múa tít sáng ngời,

Xưa nay nổi tiếng ai người học qua?

Lửa thiêu chẳng bén tới da, Nước kia cũng chịu, dìm ta nổi nào. Ngọc ma ni sáng một màu,
Thân người giáo, mác, gươm, đao cũng quằn.

Thiện ác cũng chính ở mình,

Nhãn tiền báo ứng rành rành cho xem!

Thiện thời thành Phật, thành tiên,
Ác! – lông thú với sừng liền mọc ngay.

Thiên cung đại náo phen này, Thiên binh thần tướng bó tay chịu lùi.

Khi ấy, các thần đã dồn được Đại thánh vào một góc, nhưng không thể nào đến gần, hò hét loạn xị làm kinh động tới Thượng đế. Thượng đế bèn sai ngay Du Dịch linh quan và Dực thánh chân quân sang phương Tây mời Phật tổ tới bắt yêu quái.

Hai thánh vâng lệnh tới thẳng bảo sái Lôi Âm ở núi Linh Sơn. Hai người chào hỏi bốn vị Kim cương và tám vị Bồ tát xong, và nhờ họ vào thưa với Phật tổ. Mấy vị Kim cương, Bồ tát vào trước đài sen báo tin. Như Lai cho mời vào. Hai vị thánh lạy đức Phật ba lạy, rồi đứng hầu dưới đài.

Như Lai hỏi:

– Thượng đế có việc gì mà phiền hai thánh tới đây?
Hai thánh thưa:

– Trước đây có một con khỉ sinh ra từ núi Hoa Quả, giỏi phép thần thông biến hóa, tụ tập lũ khỉ quấy phá khắp nơi. Thượng đế đã xuống chiếu dụ phong chức “Bật mã ôn”. Song hắn chê chức quan nhỏ, bỏ về. Thượng đế sai Lý thiên vương, Na Tra Thái tử đi đánh mà không bắt nổi. Ngài lại xuống chiếu chiêu an, phong hắn làm “Tề Thiên Đại thánh”, chỉ có chức quan nhưng không có bổng lộc, và sai hắn trông nom vườn đào tiên. Ở đây, hắn ăn trộm đào, rồi đến cung Dao Trì ăn vụng thức ăn, uống trộm rượu ngự, phá rối hội vui. Hắn lại lẻn tới cung Đâu Suất, ăn cắp linh đơn của Lão Quân, rồi bỏ thiên cung mà đi. Thượng đế lại sai mười vạn thiên binh đi bắt mà không nổi. Về sau đức Quan Âm bồ tát tiến cử Nhị Lang chân quân cùng mấy anh em kết nghĩa đi đánh. Hắn biến hóa đủ kiểu. May nhờ có Lão Quân ném vòng kim cương trúng người, lúc ấy Nhị Lang mới bắt nổi, và giải hẳn lên thượng giới. Thượng đế sai mang đi chém. Nhưng đao chém, búa bổ, lửa thiêu, sét đánh, người hắn chẳng mảy may xây xát. Lão Quân xin đem về đốt hắn trong lò bát quái. Bốn mươi chín ngày sau, mở lò ra, hắn lại nhảy ra đánh dạt thiên binh, đánh thốc đến bên ngoài điện Thông Minh và điện Linh Tiêu. Ở đây, hắn bị viên tá xứ của Hựu Thành chân quân là Vương Linh Quan, cùng ba mươi sáu lôi thần chặn lại và vây chặt, nhưng không sao tới gần hắn được. Tình hình đang rất khẩn cấp, vì vậy, Thượng đế sai chúng tôi đi mời Như Lai đến cứu giá ngay.

Nghe xong, Như Lai nói với các vị Bồ tát:

– Các vị ở nhà giữ Phật đường yên ổn, chớ gây rối loạn ngôi thiền, để ta đi diệt ma cứu giá.

Đoạn, Như Lai gọi hai vị tôn giả là A Nan và Ca Diếp cùng đi, rời chùa Lôi Âm, đến thẳng điện Linh Tiêu. Khi tới nơi, mọi người nghe thấy tiếng reo hò vang động của ba mươi sáu lôi thần đang đánh nhau với Đại thánh.
Phật tổ ra lệnh:

– Các lôi thần hãy dừng tay, mở vòng vây, gọi Đại thánh ra đây để ta hỏi hắn có những phép gì?

Các tướng liền lui ra. Đại thánh cũng thu phép, hiện nguyên hình, bước tới trước mặt Phật tổ, vẻ giận dữ ngông nghênh lớn tiếng quát.

– Nhà ngươi là thiện sĩ phương nào mà dám tới đây ngăn cản việc binh đao, lại còn hỏi ta cái gì?

Như Lai cười nói:

– Ta là Phật A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni tôn giả ở thế giới Tây phương cực lạc. Nghe tin nhà ngươi ngông cuồng nơi hoang dã, mấy lần quấy phá cả thiên cung. Vậy ta hỏi nhà ngươi sinh trưởng ở nơi nào? Tu hành đắc đạo bao giờ mà dám ngang ngược thế?

Đại thánh đáp:

– Ta đây:

Đất trời dưỡng dục khỉ tiên,

Núi Hoa Quả chính là miền quê hương, Động Thủy Liêm ấy nhà riêng,
Tìm thầy học đạo lẽ huyền sáng thông.

Trường sinh phép ấy nhập lòng, Muôn hình biến hóa thần thông rõ ràng. Chỉ vì chật đất trần gian,
Muốn lên thượng giới chiếm làm cơ ngơi.

Lẽ đâu ở mãi ngôi trời?

Đế vương hạ giới bao đời đổi thay.

Ai mạnh là chủ xưa nay,
Anh hùng là tớ nhường ngay cho rồi!

Phật tổ nghe xong, cười khà khà, nói:

– Nhà ngươi chẳng qua chỉ là con khỉ thành tinh, cớ sao dám dối trá định cướp ngôi chí tôn của Thượng đế? Thượng đế tu hành từ nhỏ, trải qua một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp. Mỗi kiếp là mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm. Nhà ngươi tính xem. Thượng đế phải tu hành bao nhiêu năm mới được hưởng cái đạo lớn vô cực ấy? Thế mà nhà ngươi mới từ súc sinh lên làm người, sao dám khoác lác như vậy. Thật không đáng làm cái giống người, thế nào cũng chết non chết yểu! Nhà ngươi hãy sớm quy y đi, đừng có ăn nói lếu láo nữa. Chỉ e gặp tay thủ địch lợi hại hơn, trong khoảnh khắc, tính mạng nhà ngươi tan tành, thì đáng tiếc cho đời nhà ngươi lắm!

Đại thánh nói:

– Thượng đế tuy tu luyện lâu năm, nhưng cũng không nên ngồi mãi ngôi ấy. Thường có câu: “Làm vua phải luân chuyển, sang năm đến lượt ta”. Nên bảo hắn dọn đi, nhường lại thiên cung cho ta, thì ta thôi. Nếu không, ta còn quấy phá, không bao giờ yên ổn được.

Phật tổ nói:

– Ngoài phép trường sinh, biến hóa ra, nhà ngươi còn có tài gì mà đòi chiếm thiên cung?

Đại thánh nói:

– Tài nghệ ta nhiều lắm! Ta có bảy mươi hai phép biến hóa, vạn kiếp sống mãi không già, lại biết cả phép cân đẩu vân nữa. Mỗi cân đẩu vân đi được một vạn tám nghìn dặm. Như thế ta không đáng ngồi ngôi trời sao?

Phật tổ nói:

– Ta đánh cuộc với nhà ngươi, nếu nhà ngươi có tài nhảy một
cân đẩu vân ra khỏi được lòng bàn tay phải của ta, thì nhà ngươi thắng. Khi ấy, không phải dùng đến binh khí đánh nhau làm gì nữa. Ta mời Thượng đế sang Tây phương ở với ta, nhường Thiên cung lại cho nhà ngươi. Nếu không ra khỏi bàn tay ta, thì nhà ngươi cứ về hạ giới làm yêu quái, tu luyện thêm vài kiếp nữa, rồi lên đây mà tranh giành.

Đại thánh nghe nói, cười thầm:

– Như Lai sao ngốc thế! Mỗi cân đẩu vân của Lão Tôn đi được một vạn tám nghìn dặm, bàn tay của ông ta vuông tròn không đầy một thước, thì có gì là khó mà ta không nhảy qua được.

Bèn vội vàng nói:

– Được! Ngài có dám thi ngay bây giờ không? Phật tổ nói:
– Được, được!

Bèn xòe bàn tay phải ra, trông như cái lá sen. Đại thánh cất gậy, vận thần thông, co người nhảy lên đứng giữa lòng bàn tay của Phật tổ, và nói:

– Ta đi đây!

Bạn xem, Đại thánh vút đi như một luồng ánh sáng chớp mắt đã không thấy bóng dáng đâu nữa. Phật tổ phóng cặp mắt tuệ quan sát, thấy Đại thánh đi vun vút như chiếc xe gió không dừng ở chỗ nào. Đang đi, Đại thánh bỗng thấy năm cây cột thịt đỏ hồng, chống đỡ một vầng khí xanh, bèn nói:

– Nơi đây đã là tận cùng rồi. Phen này quay về, có Như Lai làm chứng, điện Linh Tiêu nhất định sẽ là nơi ta ngự trị.

Lại tính toán rằng:

– Khoan đã, ta phải đánh dấu vào thì mới nói chuyện với Như
Lai được.

Bèn nhổ một sợi lông, thổi tiên khí, hô “biến”, tức thì biến thành một cây bút đẫm mực, đề một hàng chữ lớn vào cây cột giữa: “Tề Thiên Đại thánh đã tới đây chơi một lần”. Viết xong, Đại thánh thu lông, rồi bất kể là làm bẩn nơi tôn nghiêm, đái một bãi ngay dưới chân cây cột thứ nhất xong xuôi chuyển cân đẩu vân, về thẳng nơi trước, đỗ xuống lòng bàn tay Như Lai, nói:

– Ta đã đi và trở về đây. Ngài bảo ngay Thượng đế nhường
Thiên cung cho ta.

Như Lai mắng luôn:

– Ta còn nắm được ít nước đái của loài khỉ đây này! Nhà ngươi, đã từng ra khỏi bàn tay ta đâu!

Đại thánh nói:
– Ngài đâu có biết! Ta đã đi tới cùng đường rồi, thấy có năm cây cột thịt đỏ hồng, chống đỡ một vầng khí xanh, ta cũng đã viết chữ đánh dấu ở đó. Ngài có dám cùng ta đi xem không?

Như Lai nói:

– Không cần đi, nhà ngươi cứ cúi đầu xuống mà nhìn.

Đại thánh tròn xoe đôi mắt lửa ngươi vàng cúi xuống xem, bỗng thấy ngón tay giữa bàn tay phải của Phật tổ có hàng chữ “Tề Thiên Đại thánh đã tới đây chơi một lần”. Dưới kẽ ngón trỏ và ngón cái có mùi nước đái khỉ khai khai. Đại thánh giật mình, nói”

– Sao lại thế này? Ta viết hàng chữ này vào cây cột chống trời, tại sao bây giờ lại thấy trên ngón tay Phật tổ nhỉ? Hay hắn có phép thuật gì biết trước chăng? Không tin được! Không tin được! Để ta lại đi một lần nữa!

Đại thánh vội vàng tung người nhảy vút đi, nhưng bị ngay Phật tổ lật bàn tay túm chặt lấy, mang ngay ra ngoài cửa Tây Thiên, biến năm ngón tay thành năm quả núi: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, gọi là núi Ngũ Hành, nhẹ nhàng đè chặt Đại thánh xuống dưới. Các lôi thần cùng A Nan, Ca Diếp, ai nấy chắp tay khen ngợi:
– Giỏi quá! Giỏi quá! Thực là:

Năm nao trứng đã nở thành người, Lập chí tu hành cũng đến nơi.
Muôn kiếp rong chơi nơi thắng cảnh, Một giây biến đổi đã tong đời.
Dối trên lừa dưới lòng ngông bạo, Nhục thánh trộm đơn loạn lẽ trời.
Quen thói làm càn nay quả báo. Biết ngày rào thoát, hỡi trời ơi!
Phật tổ Như Lai trừ xong loài khỉ quái, bèn gọi A Nan, Ca Diếp trở về Tây phương cực lạc. Lúc ấy, có hai vị thần Thiên Bồng, Thiên Hựu vội chạy ra ngoài điện Linh Tiêu gọi:

– Xin mời Như Lai thư thư một chút, có xa giá của Thượng đế sắp tới.

Phật tổ nghe tiếng, quay đầu nhìn. Một lát thấy xe loan bát cảnh, lọng báu cửu quang, nhã nhạc vang lừng, cờ quạt phấp phới, mùi hương ngát thơm. Thượng đế bước tới trước mặt Phật tổ cảm tạ:

– Nhờ có pháp lực của Như Lai, nên yêu quái đã bị diệt trừ. Dám mong Như Lai nán lại thêm một ngày, để mời các vị tiên đến mở tiệc cảm tạ.

Như Lai chẳng dám chối từ, chắp tay nói:

– Bần tăng được Đại thiên tôn gọi tới đây, chứ có pháp lực gì đâu? Chính là nhờ hồng phúc của Thiên tôn và các thần, đâu dám phiền đến Thượng đế phải cảm tạ.

Thượng đế ra lệnh sai các lôi thần ở bộ Lôi chia nhau đi mời các vị thần tiên ở tam thanh, tứ ngự, ngũ lão, lục ty, thất nguyên, bát cực, cửu diệu, thập đô, cùng đến dự hội để tạ ơn Phật tổ. Thượng đế lại sai bốn đại thiên sư, cửu thiên tiên nữ mở rộng cửa các cung khuyết, cung Thái Huyền, quán Động Dương, mời Như Lai ngồi trên đài Thất bảo, sắp xếp vị trí các ban, bày đủ các món gan rồng, tủy phượng, rượu ngự, đào tiên…

Một lát sau, thấy các vị Nguyên Thủy thiên tôn ở Ngọc Thanh, Linh Bảo thiên tôn ở Thái Thanh, các vị Chân quân, Tinh quân, Tả phù, Hữu bật, Thiên vương, Na Tra… cờ quạt rực rỡ, lọng phướn huy hoàng kéo đến. Mọi người mang các thứ
ngọc ngà châu báu, quả lạ hoa thơm đến dâng lên Phạt tổ và thưa rằng:

– May nhờ có pháp lực vô biên của Như Lai thu phục khỉ quái. Hôm nay, đức Đại Thiên tôn bày tiệc mời chúng tôi dự, bày tỏ long biết ơn đối với Phật tổ. Vâyh xin Phật tổ đặt tên cho hội này, có được không ạ?

Như Lai nhận lời, nói:

– Hôm nay đặt tên, thì nên đặt tên là “Đại hội Yên Trời”. Mọi người ai nấy đồng thanh nói:
– “Đại hội Yên Trời”, tuyệt quá! Tuyệt quá!

Nói xong, ai nấy ngồi vào chỗ, hoa tung đàn gẩy, chén chuốc ly mời. Thực là một đại hội rất vui. Có bài thơ làm chứng rằng:

Hội đào trước bị Khỉ ngăn, Nay trời mở hội gấp trăm hội đào, Kiệu rồng, xe phượng dập dìu,
Tràng phan, cờ quạt ánh hào long lanh.

Nhạc tiên thánh thót bổng trầm. Tiếng đàn, tiếng sáo bay gần bay xa. Thần tiên vui họp một nhà,
Bể yên sóng lặng vui ca thánh triều.

Mọi người say sưa vui hội. Bỗng thấy Vương Mẫu dẫn một đoàn tiên nga, tiên nữ hát múa, thướt tha bước tới trước mặt Phật tổ cúi lạy và thưa rằng:

– Trước đây hội Bàn Đào bị khỉ quái quấy phá. Nay nhờ đại pháp lực của Như Lai diệt trừ khỉ quái, mở hội Yên Trời, chúng tôi chẳng có vật gì đáng tạ ơn cả, xin tự tay hái mấy quả đào tiên to nhất kính dâng Phật tổ.
Thật là:

Vàng vàng đỏ đỏ ngát hương bay, Hấp dẫn muôn đời thứ quả này. Giống lạ Vũ Lăng đâu sánh được; Quả tiên Thiên phủ chính loài đây. Mỡ màng vân tía nhân gian hiếm, Hạt nhỏ vị thanh quý bấy nay.
Có phúc được ăn, ôi tuyệt diệu!

Sống lâu muôn tuổi chẳng ai tày.

Phật tổ chắp tay cảm tạ Vương Mẫu. Vương Mẫu lại sai đoàn tiên nữ, tiên nga hát múa, để các vị thần tiên thưởng thức.

Thật là:

Ngan ngát hương bay khắp điện, Tưng bừng nhị hé hoa cười.
Kim khuyết ngọc kinh nhộn nhịp, Của ngon vật lạ đầy vơi
Từng người chúc trời muôn tuổi, Từng cặp chúc nhau ngàn đời. Cho dù biến non dời đồi,
Từ nay hết sợ, cứ vui.

Vương Mẫu đang điều khiển đoàn tiên nữ, tiên nga múa hát, mọi người vừa xem được một lát, bỗng lại thấy:

Một làn hương lạ thoảng bay. Khắp nhà tinh tú vui say giật mình, Thần tiên, Phật tổ chén ngừng,
Mọi người ngẩng mặt xem chừng là ai.

Một cụ già hiện giữa trời,

Cỏ chi tay nắm sắc ngời long lanh.

Hồ lô đựng thuốc linh đơn

Sổ báu ghi chép ngàn năm tuổi trời, Trong động mặc sức vui chơi,
Trong bầu ngày tháng sống đời tự do

Mười châu, bốn biển gần xa, Thanh nhàn mặc sức la cà đó đây Hội bàn đào mấy phen say.
Tỉnh ra cảnh vật chẳng thay đổi gì

Đầu, tai lớn, thân lùn tì,

Ở phương Nam cực, tên thì Thọ Ông.

Thọ Tinh đến nơi, cúi lạy Thượng đế xong, bèn đến yết kiến
Như Lai, cảm tạ rằng:

– Vừa qua, tôi nghe nói khỉ quái đã bị Lão Quân đưa đến cung Đâu Suất đốt trong lò bát quái, tưởng là thiên cung đã được bình an. Không ngờ hắn lại trốn thoát. May nhờ có Như Lai diệt trừ được. Nghe tin Thượng đế mở hội khoản đãi cảm tạ Phật tổ, nên tôi đến đây, chẳng có vật gì quý hiếm, gọi là có mấy thứ cỏ chi tía, ngó sen biếc, cùng kim đơn kính dâng.

Có bài thơ rằng:

Ngó biếc, đan vàng hiến Thích Ca, Sống lâu như thể cát Hằng Hà. Thanh bình vui mãi tam thừa gấm, Khỏe mạnh an khang cứu phẩm hoa,
Võ tương cửa này là pháp chủ, Sắc không trời ấy chính tiên gia. Khắp trong trời đất xưng là Tổ
Sáu trượng thân vàng phúc thọ xa!

Như Lai mừng rỡ cảm ơn. Thọ Tinh ngồi vào chỗ rót rượu vào chén uống tự nhiên. Bỗng lại thấy có Xích Cước đại tiên bước vào, đi tới trước mặt Thượng đế cúi lạy rồi đi lại phía Phật tổ cảm tạ rằng:

– Nhờ có pháp lực vô biên của Phật tổ diệt trừ được khỉ quái, tôi chẳng có gì làm phẩm tạ ơn, gọi là có mấy quả lê vân, táo đỏ kính dâng.

Có bài thơ rằng:

Lê táo thơm lừng của đại tiên, Kính dâng Phật tổ thọ vô biên. Đài sen thất bảo như ban thạch, Tòa báu thiên kim tựa gấm viền.
Thọ sánh trời đất nguyện kính chúc, Phúc ngang sông bể nức trung kiên.
Phúc thọ đời đời là Phật tổ,

Tây phương cực lạc hưởng riêng miền.

Như Lai sung sướng cảm ơn, rồi gọi A Nan, Ca Diếp thu nhận lễ vật, đoạn bước tới trước mặt Thượng đế cảm tạ. Mọi người đang uống rượu vui vẻ, bỗng có viên linh quan đi tuần chạy vào báo:

– Bẩm, Đại thánh lại thò đầu ra. Phật tổ nói:
– Không sao, không sao!
Và rút trong tay áo ra một tờ giấy, trên có sáu chữ vàng “Úm- ma-ni-bát-mê-hồng đưa cho A Nan dặn mang đi dán lên đỉnh núi. A Nan vâng lệnh cầm đạo bùa, ra khỏi cửa trời, đến thẳng đỉnh núi Ngũ Hành, dán chặt đạo bùa vào tảng đá bốn cạnh vuông vức. Quả núi tức thì mọc rễ khép liền lại, chỉ để một lỗ thông hơn. Đại thánh bị quả núi đè chặt, chỉ thở được, và chân tay thò ra cựa quậy được mà thôi. A Nan trở về báo:

– Đã dán xong ạ.

Như Lai bèn cáo từ Thượng đế và các vị thần cùng hai tôn giả ra khỏi cửa trời. Lúc ấy, ngài lại phát tâm từ bi, niệm thần chú, gọi cả Thổ địa, Thần kỳ, cùng Ngũ phương Yết đê dặn canh giữ núi Ngũ Hành, thấy khi nào Đại thánh đói thì cho ăn viên sắt, khát cho uống nước rỉ đồng, đợi bao giờ hết hạn tai ách, tự khắc có người đến cứu.

Thật là:

To gan, khỉ quái phản trời,

Như Lai hóa phép, khỉ thời thua ngay

Khát, rỉ đồng uống cho đầy

Đói ăn viên sắt tháng ngày sớm trưa.

Thượng đế đày đọa xót xa,

Thân tuy thê thảm mệnh kia còn dài.

Anh hùng thoát nạn rồi đây.

Có ngày bái Phật phương Tây lên đường.

Lại có bài thơ rằng:

Cậy mình tài giỏi xưng hùng, Hàng long phục hổ vẫy vùng tứ tung. Trộm đào, trộm rượu thiên cung.
Ban ơn, trời nhận vào cùng sổ tiên.

Quen thói ác, thân bị lèn,

Song le căn thiện Phật hiền vẫn thương

Bao giờ thoát khỏi tai ương,

Ấy ngày sư thánh nhà Đường sinh ra

Cuối cùng không biết đến năm nào, tháng nào, Đại thánh mới thoát được tai nạn, xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích:
[63]
Tam quy: Đạo Phật gọi quy y phật, quy y pháp, quy y tăng là tam quy.
Ngũ giới: Năm điều cấm của đạo Phật: cấm sát sinh, cấm trộm cắp, cấm tà dâm, cấm nói dối, cấm uống rượu (theo nguyên chú).