Trang

【Tây Du Ký】Lời Nói Đầu :Nxb Văn Học - Lời Giới Thiệu :Lương Duy Thứ

LỜI NÓI ĐẦU

Tây du ký là một bộ tiểu thuyết mang tính chất thần thoại và truyền thuyết dân gian Trung Quốc của nhà văn Ngô Thừa Ân, vào khoảng năm Gia Tĩnh, Vạn Lịch giữa đời Minh. Nhiều nhân vật như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới… đã đi vào cuộc sống quần chúng và trở thành biểu tượng cho các loại người.

Cho đến nay, Tây du ký đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Anh, Nhật. v. v… Đặc biệt ở vùng Đông Nam châu Á, nó được quần chúng rất ưa thích.

Trước đây ở nước ta đã có nhiều người dịch Tây du ký ra tiếng Việt. Nhưng qua mỗi lần dịch, tác phẩm bị lược bỏ ít nhiều chi tiết, hoặc dịch nhiều đoạn không sát ý của nguyên tác (có lẽ theo các nguyên bản khác nhau).

Lần này, Nhà xuất bản Văn học chủ trương cho dịch lại Tây du ký một cách đầy đủ hơn. Trong quá trình dịch thuật, dịch giả có tham khảo các bản dịch đã xuất bản trước đây, chủ yếu là bản dịch của Thụy đình – Chu Thiên, hiệu đính Nhà xuất bản Phổ thông Hà Nội, 1960, – bản dịch gần đây nhất. Trong phần dịch thơ, nếu đoạn nào, bài nào của bản dịch cũ dịch tương đối tốt, thì dịch giả lần này không dịch lại, mà lấy nguyên vẹn và đánh dấu hoa thị ngay ở câu mở đầu.

Tuy dịch giả lần này đã có nhiều cố gắng, nhưng không sao tránh khỏi sai sót, rất mong các bạn đọc chỉ giáo thêm.

NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC

LỜI GIỚI THIỆU

Nói đến văn học cổ điển Trung Hoa người ta thường kể: tản văn bách gia, thơ Đường, từ Tống, kịch Nguyên, tiểu thuyết Minh Thanh. Quả vậy, Minh Thanh (thế kỷ 14 – 19) là thời kỳ phồn vinh của tiểu thuyết, nói cho chính xác là kể truyện kể chương hồi [1]. Có thể thấy ở đây loại truyện lịch sử, căn cứ chút ít vào sử sách rồi phát triển hư cấu thêm, mà Tam quốc là tác phẩm tiêu biểu; loại truyện anh hùng nghĩa hiệp, viết về cuộc đời các hảo hán phi thường mà Thủy hử là tiêu biểu; loại truyện thần tiên ma quái mà Tây du ký là tiêu biểu; loại truyện thế cố nhân tình mà Hồng lâu mộng là tiêu biểu. Trong kho tàng hơn 300 bộ trường thiên tiểu thuyết đó, Tây du ký có một vị trí đặc biệt. Đó là tác phẩm lãng mạn mang sắc thái thần thoại hiếm có trong lịch sử văn học cổ điển Trung Quốc.

Tây du ký ra đời vào khoảng những năm Gia Tĩnh Vạn Lịch triều Minh (thế kỷ 16). Tác giả là Ngô Thừa Ân (1500 – 1581?), người Sơn Dương, phủ Hoài An, nay thuộc tỉnh Giang Tô, tên chữ Nhữ Trung, bút danh Xạ Dương Sơn Nhân, con một nhà buôn nhỏ chuyên bán chỉ màu và đồ thêu, nhưng lại có cái thú tàng trữ sách. Điều đó cũng chẳng có gì kỳ lạ vì vốn dĩ ông nội và cố nội Ngô Thừa Ân đều xuất thân học quan. Trong kho sách gia đình, cậu bé Ngô Thừa Ân đã ngày đêm miệt mài với truyện lịch sử, đặc biệt với các bộ truyền kỳ. Lớn lên, tính khí ngang ngạnh, “bình sinh không để người thương hại”, “trong lòng mài dũa dao trừ tà… buồn không đủ sức” (Nhị lan sưu sơn đồ ca). Ông học giỏi, đọc rộng, “hạ bút thành thơ,… rất thích hài kịch, từng viết nhiều tập ký lừng danh một thời” (Thiên khải Hoài an phủ chí). Tuy đa tài nhưng lận đận trên con đường khoa hoạn, mãi đến năm 43 tuổi, ông mới đỗ “tuế cống sinh” (tức cử nhân), từ đó về sau còn đi thi hai lần nữa nhưng đều bất thành. Năm 51 tuổi, vì cảnh nhà quẫn bách, ông đến Nam Kinh tìm việc nhưng thân cô thế cô, không toại nguyện. Mãi đến năm 67 tuổi mới được bổ làm thừa lại huyện Trường Hưng, nhưng “không bao lâu nhục nhã vì phải vào luồn ra cúi mà phủi áo bỏ về”. Sau đó ông lại được tiến cử giữ chức Kỷ thiện trong Kinh vương phủ chuyên coi việc lễ nhạc và văn thơ, nhưng được ba năm thì bất đắc chí từ quan về nhà. Từ đây ông chỉ làm bạn với thơ văn, được hơn 10 năm thì mất; thơ văn của ông, người đời sau thu thập lại in thành Xa dương tiên sinh tồn cảo 4 quyển. Ông còn viết bộ Vũ đĩnh chi, cũng là truyện thần tiên ma quái, nhưng vì nghèo túng, lại không con, chẳng ai bảo quản, nên nay thất lạc hết. Tây du ký là bộ tiểu thuyết duy nhất còn giữ lại được của ông, có lẽ hoàn thành vào những năm cuối đời trong nghèo khổ ở quê nhà.

Tây du ký vốn bắt nguồn từ một câu chuyện có thật, nhà sư trẻ đời Đường Thái Tông là Trần Huyền Trang, năm 21 tuổi đã một mình sang Ấn Độ tìm thầy học đạo. Ông ra đi năm 629 đến năm 645 mới trở về, tổng cộng mất 17 năm. Đường đi trên 5 vạn dặm, qua 128 nước lớn nhỏ, đi về mất 4 năm, ở lại Ấn Độ tìm thầy học đạo 13 năm, đặc biệt lưu học những 6 năm ở chùa Na Lan Đà vốn là trung tâm Phật học thời bấy giờ. Khi về nước ông phải dùng 24 ngựa tải, mang theo 657 bộ kinh Phật, 150 Xá lợi tử (tinh cốt Phật), 6 tượng Phật. Ông để ra 19 năm trời, dịch được 75 bộ kinh Phật, cho đến khi mất. Ông còn để lại bộ Đại Đường Tây vực ký 12 quyển, ghi chép đầy đủ lịch sử, địa lý, phong tục tập quán của 128 nước mà ông đã đi qua. Khi ông mất có đến 1 triệu người đưa tang và 3 vạn Phật tử đã dựng lều cư tang gần phần mộ ông.

Câu chuyện có thật đó vốn đã mang màu sắc huyền thoại và được truyền tụng rộng rãi trong dân gian. Lâu ngày nó trở thành truyền thuyết và được thần thoại hóa. Các nghệ nhân kể chuyện đời Tống đã phát triển thành những câu chuyện hoàn chỉnh nay còn giữ lại trong cuốn Đại Đường Tam Tạng Thủ kinh thi thoại, trong đó đã thấy xuất hiện Hầu hành giả, bóng dáng của Tôn Ngộ Không sau này. Đến đời Nguyên lại xuất hiện bộ Tây du ký bình thoại, so với Thủ kinh thi thoại thì nội dung phong phú hơn, nhân vật nhiều hơn, tình tiết cũng phức tạp hơn. Có thể tìm thấy tất cả những tình tiết quan trọng của Tây du ký trong bộ này. Đó là xét từ nguồn gốc thoại bản (truyện kể). Về kịch, chuyện Tây du ký cũng đã được đưa lên sân khấu khá sớm. Đời Kim có vở Đường Tam Tạng, đời Nguyên có vở Đường Tam Tạng Tây thiên thủ kinh của Ngô Xương Linh. Cuối đời Nguyên đầu Minh có vở Tây du ký tạp kịch của Dương Nội. Ngô Thừa Ân là người tập hợp và gia công cuối cùng của bộ Tây du ký, bởi vì dưới ngòi bút sáng tạo của ông không những tác phẩm có một dung lượng đồ sộ 100 hồi trước kia chưa hề có, mà tính tư tưởng cũng được nâng cao, hình tượng nhân vật trở nên sinh động, đa dạng, có tính cách rõ nét, văn phong uyển chuyển, khúc chiết và trước sau nhất quán.

*
* *

Tây du ký kể chuyện Tôn Ngộ Không cùng với Trư Bát Giới và Sa hòa thượng phò Đường Tăng sang phương Tây (Ấn Độ ở về phía Tây Trung Quốc). Đường đi gặp biết bao gian nan trắc trở, tổng cộng 81 nạn, cuối cùng đến được xứ sở của Phật tổ, mang kinh Phật truyền bá về phương Đông. Cốt truyện có thể tóm tắt như sau: Từ hồi 1 đến hồi 7, tác giả giới thiệu lai lịch Tôn Ngộ Không[2]. Đó là một con khỉ do một hòn đá tiên hóa thành. Từ nhỏ y đã thông minh, lanh lợi, dũng cảm, được đàn khỉ tôn làm vua (Mỹ hầu vương). Sau đó y đi tìm thầy học đạo, học được 72 phép biến hóa thần thông. Y náo động long cung, bắt Long vương nộp gậy thần (thiết bổng) để làm vũ khí, rồi náo động âm ti, xóa tên loài khỉ trong sổ tử để hưởng trường sinh. Long vương và Diêm vương kiện lên Ngọc hoàng, Ngọc hoàng nổ giận sai tiên binh, thiên tướng đánh bắt nhưng không được, bèn theo kế chiêu an phong cho Tôn Ngộ Không chức quan giữ ngựa (Bật mã ôn) trên thiên đình để giữ chân y. Chẳng bao lâu sau biết bị lừa, y lại náo loạn thiên cung, đòi cho được chức Tề thiên đại thánh (thánh bằng trời). Ngọc hoàng thượng đế phải nghe theo. Nhưng rồi tính khí vẫn ngang ngạnh như xưa. Các thần mở tiệc đào tiên mà không mời y, y phá tiệc rồi trốn về động khỉ. Thượng đế phải sai cháu mình là Nhị Lang thần mang “kính chiếu yêu” đuổi bắt mới được, đem xử trảm nhưng dao chém không đứt, phải bỏ vào lò bát quái nung trong 49 ngày đêm cũng không chảy, cuối cùng y phá ra được. Y lại loạn đả thiên cung, đánh cho thiên binh, thiên tướng tả tơi. Thượng đế phải vời Phật tổ Như Lai dùng pháp thuật mới bắt được, đem giam dưới núi Ngũ Hành 500 năm.

Từ hồi 8 đến hồi 12: giải thích nguyên do việc đi thỉnh kinh, giới thiệu lai lịch Huyền Trang và các đệ tử. Quan Âm bồ tát vâng mệnh Phật tổ đi tìm người sang Ấn Độ để lấy kinh Phật truyền bá về phương Đông. Trên đường đến Trường An. Quan Âm gặp Sa Ngộ tĩnh[3], nguyên là đại tướng lo việc cuốn rèm cho Thượng đế (Quyển liêm tướng quân), vì làm vỡ đèn lưu li trong Hội bàn đào mà bị đày làm quỷ trên sông Lưu Sa. Quan Âm thu nạp, cho làm đồ đệ đi thỉnh kinh đổi kiếp. Lại gặp Trư 
Bát Giới[4], nguyên là Thiên Bồng nguyên soái vì chòng ghẹo Hằng Nga mà bị đày xuống trần gian làm quái đầu lợn. Chấp nhận lời tỉnh cầu của y, Quan Âm cho làm đồ đệ giúp việc thỉnh kinh để chuộc tội. Lại gặp con rồng trắng bị treo ngược giữa trời – đó là con trai của Long vương phạm tội chờ ngày xử trảm. Quan Âm xin cho rồi hóa phép thành con ngựa vàng đỡ gót người đi thỉnh kinh. Lại gặp Tôn Ngộ Không đang bị đè bẹp dưới núi Ngũ Hành. Quan Âm cho phép đi theo hộ vệ người thỉnh kinh để cải tà quy chính. Đến Trường An, Quan Âm tìm được Trần Huyền Trang một hòa thượng chân tu, có thể phó thác sứ mệnh sang phương Tây thỉnh kinh. Vốn là đứa trẻ trôi sông được chùa cứu vớt, Huyền Trang chuyên tâm học đạo, tinh thông Phật pháp, dần dần trở thành nhà sư tiếng tăm lừng lẫy. Quan Âm bèn giao trọng trách “Tây du thỉnh kinh” cho Huyền Trang.

Hồi 13 đến hồi 98: thuật lại quá trình đi thỉnh kinh. Ban đầu có hai người đưa đường Huyền Trang. Nhưng vừa ra khỏi biên giới thì bị hổ và gấu ăn thịt mất. Huyền Trang hết đường lui tới, chỉ biết ngồi khóc. May gặp Tôn Ngộ Không nằm bẹp dưới núi Ngũ Hành đang chờ người thỉnh kinh để được giải thoát. Huyền Trang bèn dùng phép để giải phóng cho y và thu nhận làm đệ tử. Từ đó đường đi mới thuận lợi. Với cây gậy thần trong tay, dùng 72 phép biến hóa thần thông, Tôn Ngộ Không đã tiêu diệt hết mọi yêu ma quỷ quái cản đường. Nhưng Huyền Trang lại rầy la y làm việc sát sinh, vi phạm giới luật nhà Phật. Y bực bội bỏ đi. Quan Âm phải cho Huyền Trang chiếc mũ kim cô để kiềm chế. Khi cần, Huyền Trang chỉ niệm chú là chiếc vành vàng sẽ siết chặt lấy đầu Tôn Ngộ Không làm y đau đớn không chịu được, phải tuân theo lệnh Huyền Trang. Đường đi yêu quái ngày một nhiều. Quan Âm bèn ban cho Tôn Ngộ Không ba cái lông hộ mạng mọc sau gáy, khi cần nhổ một cái rồi lâm râm niệm chú là lập tức biến thành vô số Tôn Ngộ Không; kế đó Huyền trang lại thu nhận ngựa rồng ở suối Ưng Sầu, thu nhận Trư Bát Giới ở động Vân Sơn, thu nhận Sa hòa thượng ở sông Lưu Sa. Đoàn thỉnh kinh đã có cả thảy năm thầy trò, thêm nhiều thuận lợi. Có điều Trư Bát Giới là kẻ hiếu sắc, lười biếng, suýt nữa mắc lừa bốn nữ yêu quái, làm cho đoàn thỉnh kinh một phen lận đận. Y lại xúc xiểm làm cho nội bộ đoàn trở nên lục đục. Một lần Tôn Ngộ Không đánh chết con Bạch cốt tinh ba lần đổi lốt để đánh lừa Tam Tạng, giữa lúc Tam Tạng bất bình thì y lại nhỏ to khích bác làm nhà sư nổi giận đuổi Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không buồn rầu bỏ về động khỉ, nhưng vẫn không cởi được chiếc mũ kim cô. Vắng y, bốn thầy trò Đường Tăng bị yêu quái hãm hại suýt mất mạng. Bất đắc dĩ, Huyền Trang phải sai Trư Bát Giới tìm y trở về. Năm thầy trò lại tiếp tục Tây du. Tôn Ngộ Không lại lần lượt đánh thắng các yêu quái, đấu phép thắng các đạo sĩ. Nhưng gặp con quái một vòi (Độc giác quỷ) dùng bùa phép cướp được cây gậy thần thì y chịu thua; y phải cầu viện Phật tổ mới lấy lại được “thiết bổng”. Y lại phò Đường Tăng vượt qua “nước con gái”, phá được kế cưỡng hôn của bà vua nước này. Rồi đánh thắng “Thiết Phiến công chúa”, lấy được cái quạt ba tiêu để quạt tắt núi lửa ngăn trở đường đi. Cuối cùng năm thầy trò vượt qua tất cả 81 nạn, đến xứ sở Phật tổ tìm thầy học đạo.

Hồi 99 và 100: kể lại quá trình thắng lợi trở về. Năm thầy trò xin được rất nhiều kinh Phật, được bệ kiến Phật tổ. Phật tổ ban thưởng rất hậu rồi dùng phép đưa họ “cưỡi mây” trở về Trung Quốc. Đường Thái Tông cùng Tăng ni Phật tử và dân chúng đã đón tiếp rất trọng thể. Họ bàn giao kinh Phật rồi theo lệnh Phật tổ “cưỡi mây” trở lại xứ Phật. Tùy theo công trạng, Đường Tăng được ban tước Đằng công công đức Phật, Tôn Ngộ Không được cởi mũ kim cô, được ban tước Đấu chiến thắng Phật, các đồ đệ khác đều được ban thưởng. Họ ở lại xứ Phật hưởng phúc muôn đời.

Với một cốt truyện như thế, phải chăng Tây du ký chỉ là truyện hài hước, “đùa cợt với đời” chẳng bao hàm một ý nghĩa sâu xa nào cả”[5] như Hồ Thích, một học giả tư sản từng nói?
Hoàn toàn không phải như vậy. Một tác giả suốt đời long đong lận đận, luôn luôn bất mãn với hiện thực, nhất định không thể cặm cụi hoàn thành tác phẩm lớn của mình vào những năm cuối
đời mà không nhằm một mục đích nghiêm túc nào. Cứ so sánh khuynh hướng tư tưởng của câu chuyện Tây du ký trong thoại bản và tạp kịch với Tây du ký thì đủ rõ Ngô Thừa Ân không đơn thuần làm công việc sưu tầm và sao chép để tiêu khiển. Dưới ngòi bút của ông, truyện Tây du đã có nhiều thay đổi cơ bản. Có thể thấy từ ba mặt sau:

1) Nhân vật Huyền Trang từ chỗ là nhân vật chủ yếu biến thành nhân vật thứ yếu; ngược lại Tôn Ngộ Không từ địa vị nhân vật hộ tống biến thành nhân vật quyết định thành bại của cuộc Tây du.

2) Câu chuyện thỉnh kinh trở thành thứ yếu so với câu chuyện đấu tranh khắc phục thiên tai nhân họa trên con đường thỉnh kinh. Tư tưởng thuận tông, nhân sinh quan xuất thế trở thành thứ yếu so với tư tưởng phản nghịch, nhân sinh quan nhập thế. Có thể thấy nhà văn viết truyện Tây du là để gửi gắm một tâm sự, thể hiện một lý tưởng, bênh vực một quan niệm nhân sinh chứ quyết không phải chỉ là chuyện đùa vui để tiêu khiển.

Phải chăng “Tây du là điển hình một con người. Tam Tạng điển hình cho lý trí, Tề Thiên điển hình cho sức mạnh, Bát Giới điển hình cho dục vọng. Sa Tăng cho sự lười biếng. Bốn đức tính ấy họp thành con người mà đường đi thỉnh kinh là đường đời, lý trí điều khiển được cả”[6]. Nếu coi đây là ý nghĩa suy rộng của Tây du ký thì hoàn toàn thuộc quyền mỗi độc giả – một tác phẩm lớn thường có những vang động khác nhau đối với những loại độc giả khác nhau. Nhưng nếu coi đây là giá trị cơ bản của Tây du ký thì hoàn toàn không ổn. Trên thực tế, nó đã tách tác phẩm văn học khỏi bối cảnh xã hội, khỏi hoàn cảnh cụ thế của nhà văn, bởi vậy nó không giải thích nổi tia hồi quang của triều đại chuyên chế nhà Minh còn in đậm nét trong tác phẩm. Một tác phẩm văn học dù lấy đề tài từ trong lịch sử xa xưa, từ cuộc sống những xứ sở xa lạ thì vẫn là sản phẩm của một tác giả cụ thể. Sống trong một hoàn cảnh cụ thể dù ít dù nhiều, dù gián tiếp, dù trực tiếp, nó vẫn mang hơi thở của thời đại nhà văn đang sống. Huống hồ Ngô Thừa Ân lại là người bất mãn sâu sắc với thời cuộc và thường mượn văn chương để tỏ bày tâm sự. Hiểu Tây du ký là con người với tất cả những thói xấu và khả năng chiến thắng thói xấu của nó, thì cũng chẳng khác gì khẳng định tác phẩm này không cần có quê hương, không cần có năm sinh tháng đẻ, nó treo lơ lửng trên mọi thời gian và không gian. Vả chăng, con đường thỉnh kinh mà tác giả mô tả cụ thể, sinh động, đâu có phải chỉ có cản trở là dục vọng và sự lười biếng; thắng lợi của cuộc Tây du cũng đâu phải chỉ do một mình Tam Tạng quyết định. Cách hiểu này do đó vừa thoát ly hoàn cảnh xã hội đẻ ra tác phẩm, vừa thoát lý nội dung cụ thể của tác phẩm. Đó là một lối suy diễn gượng gạo, mang màu sắc xã hội dung tục.

Thực ra, nội dung tư tưởng của Tây du ký cũng không rõ ràng, dễ nhận thấy như Thủy hử. Nó được thể hiện quanh có kín dáo dưới hình thức ảo tưởng. Nhưng ảo tưởng chứ không phải là loạn tưởng; người đọc vẫn có thể chấp nhận các hình tượng và từ đó suy ra lý lẽ của tác giả. Cũng giống như Thủy hử, Tây du ký trước hết thể hiện sự bất mãn và phản kháng của tác giả với hiện thực đen tối thời Minh. Hai tác phẩm gấn như cùng thời điểm này đều mượn chuyện lịch sử để bày tỏ thái độ đối với đời sống xã hội. Thủy hử lấy chuyện bạo động nông dân đời Tống làm đề tài, Tây du ký mượn chuyện nhà sư đời Đường đi tìm lý tưởng ở một xứ sở khác. Thoạt nhìn, có thể lầm tưởng tính phản kháng của Thủy hử cao hơn. Nhưng thật ra câu chuyện Thủy hử chỉ đóng khung trong phạm vi một triều đại – nông dân đời Tống chống lại vua quan đời Tống. Còn Tây du ký thì đả kích, châm biếm, thậm chí lật nhào toàn bộ những thần tượng trong đời sống xã hội – từ Ngọc Hoàng, Diêm vương, Long vương đến Nho giáo, Lão giáo, Đạo giáo v. v… Mặt đối lập của tác phẩm vô cùng rộng lớn, tư tưởng phản kháng của tác giả so với Thủy hử có phần sâu sắc hơn. Mặc dù với hình thức ảo tưởng, tác giả tránh được sự xung đột chính diện, giai cấp thống trị nhà Minh với chính sách “văn tự ngục”[7] khét tiếng không tìm đâu ra lý do để đàn áp, nhưng nếu đem Thượng đế, Diêm vương, Long vương, Thủy tổ đạo giáo v. v… ra mà phủ định hết thảy, thì cơ hồ mọi thứ trong trời đất đều có thể phủ định được cả. Qua câu chuyện đại náo thiên cung, long cung, địa phủ, các thế lực tối cao trên trời, dưới nước và dưới âm ti đều bị lật đổ, chỉ còn lại các cung điện của hoàng đề trần gian là không bị đụng chạm. Nhưng lẽ nào vua ở trần gian lại giỏi hơn vưa trên trời, vua long cung, vua xứ âm ti? Lẽ nào kẻ bất mãn với thiên đình, long cung và địa phủ lại vừa ý với triều đình trần gian? Lẽ nào con khỉ lại giỏi hơn con người? Đó chính là phương pháp “vẽ rồng không mắt” – tác giả cố ý dành một chỗ trống và đặt một câu hỏi vào đấy bắt mọi người phải trả lời.

Nhưng không phải chỉ có thế. Ở nhiều chỗ trong tác phẩm dấu hỏi đó đã có được câu trả lời. Tác giả dành 7 hồi đầu để ca ngợi hành vi nổi loạn của Tôn Ngộ Không, dẫn mọi người đi đến kết luận: chỉ có phản kháng, đấu tranh mới giải quyết được bất công ngang trái. Tôn Ngộ Không nêu khẩu hiệu: Thay nhau làm vua, sang năm đến lượt ta. Nếu trên lịch sử Trung Quốc không có những cuộc khỏi nghĩa nông dân quy mô lớn, có lúc lật nhào một triều đại, thì không thể tưởng tượng nổi một Tôn Ngộ Không với khẩu khí ngang tàng như vậy. Đó cũng chính là tiếng vang động của phong trào nổi dậy của nông dân đời Minh. Thực tế từ Minh Hiến Tông đến Minh Thánh Tông biết bao cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra và nhất định có ảnh hưởng đến tác giả. Mới nhìn qua, tưởng như Tôn Ngộ Không đã quấy phá bừa bãi không có lý do rõ rệt. Kỳ thực đâu phải vậy. Bằng hình thức quanh co, tác giả cho chúng ta thấy nguyên do nổi loạn là hiện thực đen tối, vua quan thối nát. Thái độ của Ngọc hoàng thượng đế đối với Tôn Ngộ Không là một ví dụ. Vừa nghe lời tâu thiên vị của Long vương và Địa tạng vương đã lật đật hạ chỉ đánh dẹp. Đến chừng nghe Thái bạch kim tinh phân tích lý lẽ lại xuống chiều chiêu an, phong cho Tôn Ngộ Không chức Bật mã ôn hữu danh vô thực để cầm chân. Đến khi Tôn nổi giận bỏ về núi Hoa Quả, Thượng đế sai binh tướng đánh dẹp không nổi, bất đắc dĩ phải phong làm:Tề Thiên đại thánh”. Thái độ hẹp hòi, mềm nắn rắn buông đó, có khác gì cách cư xử của vua quan nhà Minh với viên thừa lại một huyện nhỏ như Ngô Thừa Ân? Rồi sao Mộc lang xuống trần bắt gái, rồi các đệ tử nơi cửa Phật đòi tiền hối lộ người thỉnh kinh. Đó là hiện thực nơi cung trời, nơi cửa Phật, cũng chính là hiện thực xã hội đời Minh. Trong tác phẩm còn biết bao ma quỷ, thú dữ, trùng độc, cũng nham hiểm quỷ quyệt chẳng khác gì con người, nhờ tu luyện giỏi, có con biến thành kẻ quân tử, có con biến thành mỹ nữ, có con thành nhà thuyết giáo. Đó chính là hình bóng bọn cường hào, ác bá, quan lại, văn nhân học sỹ nhan nhản trong đời sống hiện thực.

Tác giả không chỉ dừng lại ở sự châm biếm quanh co. Có thể tác giả đả kích thẳng vào đời sống hiện thực. Trên đường thỉnh kinh, tác giả dựng lên 9 nước trần gian, trong đó nhiều nước vua vô đạo, quan văn võ bất tài. Ví dụ, vua nước Xa Trì tôn ba con yêu quái hóa thành đạo sĩ làm quốc sư, chúng có thể “lên điện không lạy vua, xuống điện không chào chúa”, vua nước Tỳ Khưu thì tin vào thuốc trường sinh luyện bằng 1111 bộ tim gan trẻ con. Tuy tên gọi khác nhau nhưng tình trạng thối nát nói ở đây, so với hiện thực đời Minh cũng chỉ là một.

Tóm lại, Tây du ký trước hết là một tác phẩm phản kháng mạnh mẽ hiện thực đen tối. Diện phản kháng của tác phẩm rất rộng. Đó là tất cả những gì bất công ngang trái, hủ bại và tàn bạo ở trên trời, dưới đất và giữa trần gian. Mũi nhọn của sự chống đối đó, trước hết nhằm vào hiện thực xã hội thời Minh, một xã hội mà cường quyền và bạo lực thống trị, một xã hội đầy rẫy bất công ngang trái mà chính tác giả là nạn nhân.

Tây du ký còn phản ánh lý tưởng tự do bình đẳng cũng như tinh thần khắc phục khó khăn, chiến thắng thiên tai nhân họa để thực hiện bằng được lý tưởng của nhân dân và tầng lớp thị dân mới trỗi dậy đương thời. Tuy kể chuyện nhà sư đi tìm thầy học đạo, nhưng tác giả không coi dạo Phật như một giải pháp chính trị để xóa sạch bất công ngang trái, để giải phóng con người. Về mặt này, tác giả chịu ảnh hưởng rõ rệt khuynh hướng tư tưởng của các truyền thuyết về chuyện Tây du vốn lưu truyền rọng rãi trong dân gian. Theo dõi thái độ của tác giả đối với hai nhân vật Đường Tăng và Tôn Ngộ Không thì rõ. Dưới ngòi bút của tác giả, Đường Tăng là một hòa thượng ngây thơ, muốn thực hiện lý tưởng song không có biện pháp gì khả thủ. Trái lại, Tôn Ngộ Không với cây thiết bổng trong tay đã mở đường máu để đi tìm lý tưởng. Không làm như y thì không thể đạt mục đích. Nhiều lần nhà sư đã rầy la y về chuyện sát sinh, nhưng đã bất chấp giới luật nhà Phật, và rõ ràng y đúng. Y cũng quy y Phật pháp, cũng mặc áo cà sa, nhưng tư tưởng và hành động của y thì rõ ràng đi ngược hẳn giáo lý nhà Phật. Bởi vậy, đạo Phật ở đây cũng chỉ là biểu tượng của tự do, bình đẳng, bác ái nói chung mà thôi. Đó là tư tưởng chính trị và quan niệm dạo đức của nhân dân được thể hiện dưới cái vỏ tôn giáo. Là “thuốc phiện tinh thần của nhân dân”, mọi thứ tôn giáo đều nói đến tự do, bình đẳng, bác ái. Các thần tượng tối cao của các loại tôn giáo đều ban phát tình thương yêu như nhau cho mọi người, đều mở rộng cửa thiên đường để đón tiếp các linh hồn tội lỗi. Trong xã hội mà cường quyền và bạo lực thống trị, nhân dân vẫn mượn ảo tưởng tự do, bình đẳng, bác ái đó để đối lập với bất công ngang trái trong cuộc đời. Ở chỗ này tác giả đã tiếp thụ quan điểm của nhân dân – những người đã lưu truyền và không ngừng sáng tạo thêm các truyền thuyết về công cuộc Tây du. Lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái cũng như tinh thần táo bạ, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện lý tưởng đó, cũng phản ánh những ước mơ sôi nổi của tầng lớp thị dân mới trỗi dậy thời bấy giờ. Đó là tư tưởng dân chủ sơ khai, hình thành trong thời kỳ các nhân tố kinh tế tư bản chủ nghĩa đã nảy mầm. Lý tưởng mới mẻ cũng như tinh thần năng nổ táo bạo đó, đã tạo nên màu sắc dân chủ ít thấy [8] trong những tác phẩm trước kia .

Tuy nhiên, chỗ mới mẻ ấy cũng chình là chỗ tác giả tỏ ra lung túng, có lúc mơ hồ và hỗn loạn. Tác giả không thừa nhận giải pháp của đạo Phật, nhưng lại miêu tả giáo lý nhà Phật như một thứ quyền uy vô thượng. Tôn Ngộ Không đã có lúc đánh phá mọi thần tượng truyền thống, nhưng lại không vượt nổi bàn tay Phật tổ Như Lai. Đó là chỗ mâu thuẫn tư tưởng tác giả. Về mặt này Thủy hử rõ ràng và dứt khoát hơn Tây du ký. Trong Thủy hử, do tư tưởng thuần nhất của tác giả, động cơ và mục đích của cuộc bạo động diễn đạt rõ ràng, sáng sủa. Trong Tây du ký thì nhiều chỗ uẩn khúc, làm cho người đọc có lúc không rõ tác giả tán thành cái gì, phản đối cái gì. Ví dụ: một mặt tác giả thể hiện Đường Huyền Trang và Tôn Ngộ Không như những người tự động hành hương đi tìm chân lý, nhưng mặt khác tác giả lại miêu tả Phật tổ chủ động phái Quan Âm sang Trung Quốc tìm người truyền đạo về phương Đông. Việc đi thỉnh kinh cũng còn được mô tả như là chấp nhận ý muốn của vua Đường Thái Tông[9]. Như vậy việc đi tìm chân lý chỉ là thừa hành mệnh lệnh của nhà Phật và nhà vua và do đó mọi sự phản kháng đấu tranh đều trở nên vô nghĩa. Một ví dụ khác nêu việc đi thỉnh kinh được hiểu như là hành động tìm kiếm chân lý, thì mục đích của nó phải là phổ biến chân lý để cải tạo hiện thực bất công ngang trái. Nhưng tác giả lại kết thúc câu chuyện ở chỗ họ đưa được kinh Phật về Trung Quốc, rồi nhờ công lao đó mà được công nhận tu hành chính quả, được gọi sang đất Phật và ở đấy hưởng phúc muôn đời. Đó là một kết thúc không tương xứng với cơ cấu tác phẩm, có phần tùy tiện, làm giảm sút ý nghĩa của tác phẩm. Những chỗ mơ hồ hỗn loạn như thế chứng tỏ tầm tư tưởng hạn chế của tác giả. Tác giả bất mãn với hiện thực, lên tiếng phê phán những bất công ngang trái, theo đuổi lý tưởng tự do, bình đẳng, nhưng lại có tư tưởng vương quyền và chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Bởi vậy tác giả không chỉ ra được một phương hướng giải quyết nào thật rõ ràng và sáng sủa. Chỗ mơ hồ và hỗn loạn đó cũng để lại dấu vết rõ ràng trong tư tưởng và hành động của nhân vật chính của tác phẩm: Tôn Ngộ Không.

*
* *

Trong Tây du ký tác giả tập trung khắc họa tính cách các nhân vật trong đoàn thỉnh kinh. Dưới ngòi bút tác giả, Đường Tăng là một hòa thượng thành tâm sung đạo, bền gan quyết chí theo đòi việc lớn, nhưng đồng thời cũng là một trí thức phong kiến chịu sự ràng buộc của đủ thứ lễ nghi quy tắc, lại ít được tôi luyện trong thực tế cuộc sống, trói gà không chặt, do đó thường lung túng và bó tay trước khó khăn. Tuy xuất hiện với tư cách dẫn đầu đoàn thỉnh kinh nhưng vai trò ông ta không nổi bật, cơ hồ chỉ là nhân vật chiếu ứng để làm rực rỡ thêm Tôn Ngộ Không mà thôi. Trư Bát Giới là một nhân vật được xây dựng rất xuất sắc, đặc biệt là trong yêu cầu cá thể hóa tính cách. Nếu ở Tôn Ngộ Không hầu như chỉ có toàn bản lĩnh của “trượng phu”, “hào kiệt” thì ở Trư Bát Giới chúng ta thấy tất cả những cái bình thường, thậm chí hèn mọn của con người. Được vũ trang bằng cái cào cỏ, y có dáng dấp một nông dân. Y ham lao động, suy nghĩ đơn thuần, nhưng cũng rất tư lợi, thích nhàn nhã, dễ bị cám dỗ bởi sinh hoạt vật chất. Không thể coi Trư Bát Giới là “điển hình của dục vọng”, là “con lợn lòng của loài người”. Hình tượng Trư Bát Giới đa dạng hơn như thế và do đó lớn hơn thế. Tác giả cũng không có ý định miêu tả y thành nhân vật phản diện, mặc dù y vẫn luôn luôn xuất hiện như một nhân vật hài kịch. Hình tượng rực rỡ nhất trong Tây du ký là hình tượng nhân vật anh hùng nổi loạn Tôn Ngộ Không. Đó là một kiểu hiệp sĩ chống trời. Hành động của họ chỉ là quấy rối và đập phá. Quấy rối và đập phá để xây dựng lên một cái gì không rõ ràng. Do vậy hành động của họ thường mang tính chất bột phát, manh động và vô chính phủ. Họ thường chiến đấu đơn độc, lẻ loi và không tránh khỏi thất bại. Trong hoàn cảnh xã hội cũ khi mà áp bức bóc lột, bất công ngang trái tồn tại phổ biến và được thừa nhận như là đương nhiên không thể khác được, thì những hành động nổi loạn như vậy cũng có ý nghĩa nhất định. Nó phủ nhận hiện thực, kêu gọi phản kháng dự báo bùng nổ. Tôn Ngộ Không là loại hiệp sĩ chống trời kiểu đó. Đại náo thiên cung là truyện ký anh hùng của y. Tây thiên thỉnh kinh là lịch sử xây dựng nghiệp của y. Y không thừa nhận bất kỳ một thứ quyền uy nào. Sau khi học được 72 phép thần thông, rồi xuống long cung đoạt được gậy thần để tự võ trang, sự nghiệp phản kháng, nổi loạn của y bắt đầu. Y xuống âm ti buộc Diêm vương xóa hết tên họ loài khỉ trong sổ tử, rồi đánh lên thiên cung bắt Ngọc hoàng thượng đế phải nhường ngôi và tuyên bố “nếu không nhường thì sẽ quấy rối mãi mãi không có thái bình”. Đó là một nhân vật phản nghịch triệt để dám phủ nhận mọi thứ quyền uy, dám thách thức cả kẻ thống trị tối cao. Về khách quan, hình tượng này phản ánh tinh thần phản kháng vĩ đại của nhân dân. Tuy nhiên sự quấy rối và đập phá của Tôn Ngộ Không hầu như không nhằm một mục đích gì rõ rệt; nói cho chính xác hơn, không nhằm một mục đích xã hội nào rõ rệt. Có lúc chỉ nhạo báng quyền uy, có lúc để thỏa mãn cái tức khí cá nhân. Có thể tưởng tượng: nếu Tôn Ngộ Không đánh đổ thiên đình thật, thì rồi y cũng sẽ bỏ về động khỉ mà không biết làm gì hơn. Ở chỗ này chúng ta thấy được hạn chế trong lý tưởng xã hội của những người sản xuất nhỏ, nhưng đồng thời cũng thấy được tính chất vô chính phủ, manh động, bột phát của hành động nổi loạn.

Hình tượng Tôn Ngộ Không hiện lên rực rỡ ở 7 hồi đầu, từ hồi 8 trở đi, không mặc áo cà sa, hộ tống Đường Tăng thì hành động của y đã được gán cho một mục đích cụ thể. Y trở thành Tôn Hành Giả phò tá Đường Tăng mà không còn là anh hùng nổi loạn như trước kia nữa. Tác giả tạo cho nhân vật một ý nghĩa mời. Nếu ở các hồi đại náo thiên cung, địa phủ, tác giả tập trung làm nổi bật lòng dũng cảm của y thì trên con đường thỉnh kinh, tác giả tập trung khắc họa mưu trí của y. Y nhận được bất kỳ loại yêu ma quỷ quái nào và tìm cách trừng trị được hết. Phương pháp tốt nhất của y là chui tọt vào bụng đối phương, quấy rối lung tung làm cho kẻ địch chịu không nổi phải khuất phục. Trong cuộc đấu tranh với đủ loại yêu ma quỷ quái, y luôn bền bỉ dẻo dai, thọc sâu tận sào huyệt, vật lộn đến cùng, chưa đạt mục đích thì chưa buông tha. Gặp trắc trở, y luôn lạc quan, không bao giờ khóc lóc như Đường Tăng, hay buông lời chán nản như Trư Bát Giới. Trước sau vẫn thế, có điều Tôn Ngộ Không ngày trước thì ngang tang, không hề mảy may ràng buộc, còn Tôn Ngộ Không sau này thì bị chiếc vành vàng tượng trưng cho giáo lý nhà Phật xiết ngang đầu. Đã bao lần chiếc vành phát huy tác dụng của nó, thậm chí có đến ba lần Đường Tăng đuổi Tôn Ngộ Không, nhưng cuối cùng thầy trò Đường Tăng phải thừa nhận Tôn là người không thể vắng mặt. Nói cách khác, Tôn đã liên tục vi phạm giáo lý nhà Phật để đảm bảo cho thắng lợi của cuộc thỉnh kinh. Y được phong “Đấu chiến thắng Phật”, nghĩa là ông Phật biết đấu tranh và đã chiến thắng. Ở chỗ này, một mặt tác giả khẳng định phẩm chất dám đấu tranh và giỏi đấu tranh của nhân vật, nhưng mặt khác cũng để lộ những mâu thuẫn khó giải quyết trong tư tưởng của mình. Xét cho cùng, việc quy y Phật pháp của Tôn Ngộ Không là việc đương nhiên, không thể khác được. Điều đó gắn chặt với những mâu thuẫn trong tư tưởng tác giả cũng còn do đề tài tác phẩm quy định. Tác giả để 7 hồi đại náo lên đầu nhằm biểu dương tính cách phản kháng của Tôn, nhưng cuối cùng y phải quy y Phật mới có thể dẫn đến việc thỉnh kinh. Cách giải quyết đó tất nhiên cũng có liên quan với tư tưởng chính thống phong kiến của nhà nho Ngô Thừa Ân.

Dầu sao, Tôn Ngộ Không vẫn là hình tượng rực rỡ của loại anh hùng mà đặc trưng tính cách là phản kháng, nổi loạn, dám đấu tranh và biết đấu tranh. Nó thể hiện những nguyện vọng sâu kín của nhân dân lao động Trung Quốc bao đời nay chịu áp bức bóc lột.

*
* *

Tây du ký là bộ truyện lãng mạn mang sắc thái thần thoại, khác với Tam quốc, Thủy hử được sáng tác theo phương pháp hiện thực. Đối tượng miêu tả của Tây du ký là thần Phật, yêu quái. Sức tưởng tượng mạnh mẽ của tác giả đưa người đọc vào một thế giới huyền ảo, diệu kỳ. Đọc Tây du ký chúng ta gặp hết việc ly kỳ này đến việc ly kỳ khác, không thể đoán trước được. Mỗi hồi mỗi đoạn đều mới mẻ và hấp dẫn, không chỗ nào giống chỗ nào. Tất nhiên, thế giới huyền ảo đó đã được miêu tả căn cứ vào hiện thực. Tác giả làm cho chúng ta vừa kinh ngạc vừa cảm thấy gần gũi. Điều đó là công phu quan sát, khám phá hiện thực của tác giả. Ví dụ, nếu tác giả miêu tả Tôn Hành Giả (cốt khỉ) thành một nhân vật cuồng vọng, dâm dục (như con lợn) và ngược lại miêu tả Trư Bát Giới (cốt lợn) thành một nhân vật thông minh mau lẹ (như khỉ), thì chắc không ai còn biết tác giả muốn nói gì. Từ câu chuyện lịch sử Đường Tăng trong cuộc Tây du thỉnh kinh đến bộ Tây du ký đồ sộ là cả một quá trình chắp nối trí tưởng tượng vừa ảo vừa thực của biết bao tác giả vô danh và hữu danh. Tây du ký là một bộ tiểu thuyết lãng mạn vĩ đại, cũng là kho tàng thần thoại quý giá của Trung Quốc.

Khác với chuyện tôn giáo – nơi con người khuất phục trước sức mạnh thần linh. Tây du ký tuy nói chuyệ nhà Phật nhưng lại gần thần thoại với tư cách là phương tiện lý giải xã hội chiến thắng thiên nhiên của con người. Lạc quan, dí dỏm và hài hước là đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật Tây du ký. Tác phẩm này mô tả toàn truyện thần tiên yêu quái, nhưng không hề để lại cho người xem ấn tượng rung rợn, kinh hoàng. Chính tính cách lạc quan, tự tin của nhân vật chủ yếu Tôn Ngộ Không đã quyết định khuynh hướng tác phẩm. Tác giả đã thông qua hành động đùa bỡn, ngôn ngữ hài hước của y để châm biếm, giễu cợt. Ví dụ: vua nước Chu Tử thích thuốc trường sinh, Tôn Ngộ Không đã bốc cho những viên đan tẩm nước đái ngựa. Tôn còn trả lời vua nước Ô Kê “Lão Tôn này nếu chịu làm hoàng đế thì đã ở ngôi khắp thiên hạ, vạn quốc cửu châu rồi. Chỉ quen làm hòa thượng, quen nhàn tản như thế này. Nếu làm vua, phải để tóc dài, mất ăn mất ngủ, nghe biên ải có giặc thì hoang mang sợ hãi, gặp năm đói kém thì lo lắng buồn phiền. Tôn này làm sao chịu nổi? Ông cứ làm vua đi, còn tôi thì cứ làm hòa thượng của tôi vậy”. Đọc những đoạn như thế người ta thấy buồn cười và sau đó thấy việc tham sống cũng như tham quyền cố vị là lố bịch.

Là một bộ trường thiên tiểu thuyết chương hồi, Tây du ký mang đặc điểm kết cấu của loại này. Đó là kiểu kết cấu móc xích, mỗi khâu có ý nghĩa độc lập, đứng riêng ra có thể thành truyện ngắn, nhưng móc nối với nhau trong một dây chuyền thống nhất. Mở đầu là ba truyện đại náo thiên cung, đứa trẻ trôi sông, nằm mộng chém rồng trên sông Kinh Hà, thoạt nhìn như không dính dáng gì lắm với chuyện thỉnh kinh, nhưng lại nhằm giải thích lai lịch các nhân vật và nguyên do dẫn đến việc đi thỉnh kinh. Cũng vậy, quá trình thỉnh kinh được triển khai trên 81 nạn bao gồm 41 truyện. Những truyện đó cái này dẫn đến cái kia, hoặc giải thích bổ sung cho nhau, không thể thiếu được. Ví dụ: ở hồi 8, Như Lai trao cho Quan Âm ba chiếc vành để đi về phía Đông tìm người sang Tây thỉnh kinh. Người đọc sẽ lại chiếc vành thứ nhất (vành xiết) ở hồi 14 trao cho Đường Tăng khống chế Tôn Ngộ Không, chiếc vành thứ hai (vành cấm) ở hồi 17 để thu phục yêu tinh Gấu đen trên núi Hắc Phong, chiếc vành thứ ba (vành vàng) ở hồi 42 để thu phục Hồng Hài Nhi. Lại như ở hồi 49 có chuyện con rùa thần chở thầy trò Đường Tăng qua sông Thiên Hà và chỉ nhờ Tam Tạng có một điều là gặp Phật tổ thì hỏi hộ xem bao giờ thì loài rùa thoát kiếp. Đó là một chi tiết phục bút nhằm dẫn đến tai nạn 81 ở hồi 99: thầy trò Đường Tăng chỉ lo việc mình, quên mất lời dặn của rùa, nên khi trở về rùa lại chở qua sông, sắp đến bờ, rùa hỏi mới biết rõ sự tình, bèn buồn bực lặn xuống nước, làm cho thầy trò Đường Tăng đều rơi xuống sông và các bộ kinh mang về đều mất trang cuối cùng. Cứ như thế, các mẩu chuyện tưởng như rời rạc đã được xâu chuỗi lại trên chủ đề chung là khắc phục khó khăn trở ngại trên con đường tìm kiếm lý tưởng và trong sự phát triển giao nhau giữa mâu thuẫn trong nội bộ đoàn thỉnh kinh và mâu thuẫn giữa cuộc thỉnh kinh và thiên tai nhân họa. Loại trừ một số phần tử trung lập, một số đoạn ngâm vịnh sa đà, nhìn chung đó là một bộ truyện có kết cấu đồ sộ nhưng chặt chẽ, mạch lạc rõ ràng.

Ngôn ngữ Tây du ký lưu loát, mang màu sắc khẩu ngữ linh hoạt, sáng sủa. Tác giả đã thành công trong yêu cầu cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật, đặc biệt là ngôn ngữ của Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới. Ví dụ: khi Tôn Ngộ Không bị Thái Bạch kim tinh dẫn đến yết kiến Ngọc hoàng thượng đế, Ngọc hoàng hỏi: “Kẻ nào là yêu tiên?”. Tôn liền đáp: “Lão Tôn ta đây!”. Bốn tiếng đó đúng là khẩu khí ngang ngạnh xem thường quyền uy của Tôn. Lại như khi ở núi Vạn Thọ, Đường Tăng hỏi ba đồ đệ ai ăn cắp quả nhân sâm, Trư Bát Giới liền tranh nói trước: “Tôi thật thà, không biết, không hề thấy!”. Nói “tôi thật thà” để đánh tháo thì cũng chỉ là cách nghĩ nông cạn của Trư Bát Giới. Ngôn ngữ phù hợp với cá tính nhân vật như vậy đã thể hiện rõ tính cách nhân vật và làm cho tác phẩm thêm sinh động, đa dạng.

*
* *

Từ khi ra đời cho đến nay, đã trên bốn thế kỷ, Tây du ký cũng như Tam quốc, Thủy hử được nhân dân Trung Quốc yêu mến và truyền tụng. Nhiều nhân vật như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới đã đi vào cuộc sống quần chúng trở thành biểu tượng cho các loại người. Đó là vinh quang lớn nhất cũng là niềm an ủi vĩ đại đối với tác giả.

Noi theo Ngô Thừa Ân, hàng loạt tiểu thuyết thần ma yêu quái ra đời: Phong thần diễn nghĩa, Tục tây du, Hậu tây du v. v… nhưng không có tác phẩm nào vượt nổi Tây du ký. Tây du ký là bộ truyện lãng mạn, thành công nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc.

Nó được dịch rất sớm ra tiếng Pháp rồi tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Nga. Đặc biệt ở vùng Đông – Nam Á nó được quần chúng quen biết và ưa thích giống như Tam quốc, Thủy hử. Ở Việt Nam Tây du ký cũng như Tam quốc, Thủy hử, đã sớm làm quen với bạn đọc như những nhịp cầu nối liền nhân dân lao động hai nước Trung – Việt.

Tháng 12 năm 1987
LƯƠNG DUY THỨ

Chú thích:

[1] Nhà Hán học xô viết V. I Xêmanốp coi Tam quốc, Thủy hử, Tây du ký là “trung gian giữa anh hùng sử ca và tiểu thuyết”. Xem bài: Tiểu thuyết anh hùng Trung Hoa và vai trò của nó trong việc hình thành nền văn học mới, in trong cuốn Chủ nghĩa hiện thực và tương quan giữa nó với các phương pháp sang tác khác. Viện hàn lâm khoa học Liên Xô xuất bản – Mátxcơva 1962.

[2] Tôn Ngộ Không có nghĩa là giác ngộ giáo lý nhà Phật (sắc không).

[3] Ngộ Tĩnh có nghĩa là giác ngộ giáo lý nhà Phật (tĩnh tâm).

[4] Bát Giới là tám điều răn của nhà Phật, Trư là con lợn. Trư Bát Giới có nghĩa là con lợn đã phá giới luật nhà Phật (8 điều ấy là: không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm ngồi giường quá rộng, ăn chay).

[5] Trong bài Tây du ký khảo chứng Hồ Thích coi Tây du ký là “hàng nhập khẩu”, Tôn Ngộ Không là hình bóng của hoàng tử Hanuman trong trường ca Ramayana của Ấn Độ, giá trị văn học của Tây du ký chỉ là “đùa cợt với đời”. Lỗ Tấn đã bác bỏ quan điểm này, coi Tây du ký là tác phẩm lãng mạn kiệt xuất, cho rằng hình tượng Tôn Ngộ Không bắt nguồn từ Lý thang truyện đời Đường.

[6] Lời nói đầu bộ Tây du ký do Phan Quán dịch, nhà sách Khai trí Sài Gòn in năm 1962. Thật ra lập luận này vốn là của A. Walley, người dịch Tây du ký ra tiếng Pháp.

[7] Chính sách bỏ ngục, thậm chí chặt đầu các nhà văn, nhà thơ châm biếm chính trị.

[8] Theo V. I Xêmanốp, Tây du ký đánh dầu bước chuyển biến từ khuynh hướng “tiểu thuyết anh hùng” mà Tam quốc, Thủy hử là tiêu biểu sang khuynh hướng “tiểu thuyết sinh hoạt” mà Kim Bình Mai, Hồng lâu mộng là tiêu biểu.

[9] Sự thật thì Trần Huyền Trang phải trốn đi và triều đình đã có lệnh truy nã, nhưng nhờ có thứ sử Qua Châu là Lý Xương che chở nên mới đi thoát. Bấy giờ, nhà Đường nghiêm cấm việc đi sang phía Tây có lẽ vì sợ thong đồng với Tây phiên.