Trang

【Tây Du Ký】Hồi 46 - Hồi 49

HỒI THỨ BỐN MƯƠI SÁU

Ngoại đạo cậy tài lừa phép chính
Ngộ Không hiển thánh giết yêu ma
Quốc vương thấy Tôn Hành Giả có phép gọi rồng, sai thánh, liền sai đóng bảo ấn vào quan văn, để người sang Tây.
Ba đạo sĩ vội vàng sụp lạy dưới điện Kim Loan. Hoàng đế liền xuống bệ rồng, hai tay đỡ dậy nói:
- Tại sao hôm nay quốc sư lại làm lễ như vậy?
Đạo sĩ nói:
- Tâu bệ hạ, chúng tôi ở đây, phù trì xã tắc, giữ nước yên dân, trải bao gian khổ hai mươi năm trời, ngày nay bọn hòa thượng cậy pháp lực, chiếm lấy công đầu, thanh danh chúng tôi bị lụn bại. Bệ hạ vì một trận mưa, mà tha cho cái tội giết người, há chẳng khinh rẻ chúng tôi lắm ru? Xin bệ hạ hãy giữ tờ quan văn lại, để anh em chúng tôi lại thi thách với y một lần nữa, xem ra thế nào?
Quả nhiên quốc vương là hạng ngu tối, bảo sao nghe vậy đã lưu giấy tờ của Đường Tăng lại và nói:
- Quốc sư, người định thi thách với họ thế nào?
Hổ Lực đại tiên nói:
- Tôi thi tọa thuyền với y.
Quốc vương nói:
- Quốc sư lầm rồi, hòa thượng đó xuất thân trong thuyền giáo, tất nhiên biết rõ thuyền cơ, mới dám dâng chỉ đi cầu kinh, sao người lại định thi với y phép ấy?
Đại Tiên nói:
- Phép tọa thuyền của tôi không phải tầm thường, có một tên riêng gọi là “vân thê hiển thánh”.
Quốc vương nói:
- Sao gọi là vân thê hiển thánh?
Đại Tiên nói:
- Phải có một trăm cái bàn, năm mươi cái làm một cái thuyền dài, cái này chồng lên cái kia, không cho vịn tay trèo lên, cũng không được dùng thang, mà phải cưỡi lên trên mây, lên đài ngồi xuống, ước định mấy thời khắc, không được động đậy.
Quốc vương nghe nói thấy có vẻ khó khăn, lập tức hạ chỉ hỏi:
- Hòa thượng kia, quốc sư ta muốn đánh cuộc với người tọa thuyền “vân thê hiển thánh” có ai biết không?
Hành Giả nghe nói, ngẫm nghĩ không trả lời.
Bát Giới nói:
- Anh kìa, sao anh chẳng nói năng gì?
Hành Giả nói:
- Chú em, thực chẳng giấu gì chú, nếu mà đá thủng trời làm giếng, dốc nghiêng bể làm sông, gánh non đuổi nguyệt, đổi vật dời sao, tôi làm được hết, các lối đánh tráo, tôi đều làm được hết, không sợ gì cả. Chỉ có tọa thuyền, tôi đành chịu thua, tôi không thể nào ngồi được thế! Chú có trói tôi vào cái cột sắt chăng nữa, tôi không phải trèo lên nhoài xuống, chớ ngồi yên thế nào được!
Tam Tạng chợt nghe thấy liền nói:
- Ta biết tọa thuyền!
Hành Giả vui vẻ nói:
- Vậy được! Vậy được! Có thể ngồi được bao lâu.
Tam Tạng nói:
- Ngày thuở nhỏ ta gặp một vị hòa thượng phương xa giảng đạo, định được tính, giữ được thần, ở trong vòng sống chết, cũng có thể ngồi được hai ba năm.
Hành Giả nói:
- Nếu sư phụ ngồi tới hai ba năm, chúng ta sẽ không đi lấy kinh nữa, nhiều ra cũng không đến hai ba giờ là đi xuống thôi.
Tam Tạng nói:
- Đồ đệ ạ, ta lại không trèo lên được.
Hành Giả nói:
- Người cứ lên trả lời đi, con sẽ đưa người lên.
Sư trưởng mới chắp tay lên ngực nói:
- Bần tăng biết tọa thuyền.
Quốc vương truyền chỉ lập thuyền đài, chưa đầy một nửa giờ, đã đặt xong hai tòa đài ở hai bên tả hữu điện Kim Loan.
Hổ Lực đại tiên xuống điện, nhảy lên một cái, cưỡi trên đám mây làm chiếu, đến trên đài bên tây ngồi xuống. Hành Giả nhổ một sợ lông, cùng với Bát Giới, Sa Tăng đứng ở mé dưới y, hóa ra mây lành năm sắc đưa Đường Tăng lên không trung, thẳng tới đài bên đông ngồi xuống. Y thu mây lành lại, biến ra con bọ mát, bay đến mang tai Bát Giới nói:
- Chú em, trông nom sư phụ cẩn thận, chớ có nói năng gì với người, thay thế lão Tôn nhé!
Chú ngốc cười nói:
- Biết thế rồi! Biết thế rồi!
Lộc Lực đại tiên ngồi trên cẩm đôn một lúc lâu. Hai người ở trên đài cao chưa phân được thua. Bọn đạo sĩ định giúp sư huynh một công, nhổ một sợi tóc ngắn đằng sau gáy, vê viên lại rồi búng lên trên đầu Đường Tăng, tức thì biến thành một con rệp to, cắn đầu sư trưởng. Ông này lúc đầu còn thấy ngứa rồi sau thì thấy đau. Nguyên phép tọa thuyền không cho động tay, động tay là bị thua. Trong lúc đau đớn không chịu được, Đường Tăng phải rụt cổ lại cho cổ áo xát vào chỗ ngứa.
Bát Giới nói:
- Hỏng bét rồi, sư phụ bị bệnh động kinh.
Sa Tăng nói:
- Không phải, phát bệnh váng đầu đấy chứ!
Hành Giả nghe thấy nói:
- Sư phụ mình là bực chí thành quân tử. Người nói biết tọa thuyền, hẳn là có biết, nói không biết, thì là không biết. Người quân tử, há lại lầm sao? Hai chú đừng nói nữa, để tôi lên xem sao.
Hành Giả ve một tiếng, bay lên trên đầu Đường Tăng đã thấy một con rệp to kếch bằng hạt đậu đương cắn trên đầu sư phụ, vội vàng thò tay bắt lấy, xoa xoa gãi gãi cho sư phụ. Đường Tăng khỏi đau khỏi ngứa, nghiêm trang ngồi ở trên.
Hành Giả nghĩ bụng:
- Hòa thượng đầu trọc, một con chấy còn không ở được, sao lại có rệp? Chắc bọn đạo sĩ dùng lối huyền hư hại sư phụ mình đây! Ha, ha, uổng công cũng chưa thấy hơn ai, để ta sẽ chơi cho một vố!
Hành Giả liền bay đi, đậu vào đầu con giống đắp ở trên Kim điện, nhào mình biến hóa, biến ra một con rết dài bảy tấc, bay thẳng đến đốt ngay một nhát vào sống mũi đạo sĩ. Đạo sĩ ngồi không vững nữa, lộn nhào một cái, ngã chổng kềnh xuống suýt nữa thì toi mạng, may có các quan ở đấy cứu đỡ nâng dậy.
Quốc vương hoảng sợ, lập tức sai quan đương giá thái sư đưa y đến điện Văn Hoa tắm rửa gội đầu. Hành Giả vẫn cưỡi tường quang, cõng sư phụ xuống tới trước thềm. Thế là sư trưởng được cuộc.
Quốc vương chỉ truyền cho đi. Lộc Lực đại tiên lại tâu xin:
- Bệ hạ, sư huynh tôi vốn có chứng phong tật, vì ngồi ở trên cao bị gió độc, bệnh cũ lại phát cho nên hòa thượng mới được cuộc. Xin giữ y lại, để tôi đánh cuộc với y lối “cách bản sai mai”.
Quốc vương nói:
- Thế nào gọi là cách bản sai mai?
Hổ Lực nói:
- Bần đạo có phép biến được vật gì để cách một tấm ván, xem hòa thượng kia có biết được không? Nếu y đoán giỏi hơn tôi, sẽ cho y đi; đoán không được, xin tùy bệ hạ trị tội để rửa giận cho anh chúng tôi, khỏi nhơ nhuốc đến công ơn giúp nước trong hai mươi năm trời.
Quốc vương thực là hạng người ngu tối, y ngay lời gièm pha đó, tức thì truyền chỉ, đem một hòm sơn son, sai quan hầu mang vào cung, nói với hoàng hậu bỏ mấy thứ bảo bối. Một lúc sau mang ra, để ở dưới thềm bạch ngọc, vua truyền cho hai bên tăng đạo:
- Hai nhà dùng pháp lực đánh cuộc, đoán xem có bảo bối gì ở trong hộp
Tam Tạng nói:
- Đồ đệ, vật gì ở trong hòm, biết làm sao được?
Hành Giả thu mây lành, lại biến làm con bọ mát đậu lên trên đầu Đường Tăng nói:
- Sư phụ cứ yên tâm, để con đi xem đã!
Đại thánh nhẹ nhàng bay đến chỗ cái hòm, đậu ở dưới chân hòm, thấy có một đường khe ván, liền chui luôn vào trong, thấy một cái khay sơn son, trên khay để một bộ áo trong cung, tức là cái áo sơn hà xã tắc, cái quần càn khôn địa lý. Hành Giả lấy tay cầm giơ lên, rũ tung ra, cắn giập đầu lưỡi, ngậm đầy miệng máu phun vào, kêu một tiếng “biến” tức thì biến ra một cái chuông mẻ sứt vứt đi; xong lại đái đầy một chuông nước đái khai khắm, rồi từ khe ván chui ra ngoài, bay lên mang tai Đường Tăng nói:
- Sư phụ, người cứ đoán là cái chuông mẻ sứt vứt đi.
Tam Tạng nói:
- Họ bảo đoán bảo bối cơ mà, chuông mẻ vứt đi là bảo bối gì?
Hành Giả nói:
- Mặc kệ họ, cứ nói thế là được!
Đường Tăng tiến lên một bước, vừa sắp đoán, Lộc Lực đại tiên nói:
- Để tôi đoán trước, ở trong hòm đựng áo sơn hà xã tắc, và quần càn khôn địa lý.
Đường Tăng nói:
- Không phải, không phải, trong hòm đựng một cái chuông mẻ sứt vứt đi.
Quốc vương nói:
- Hòa thượng này vô lễ, dám chế giễu nước ta không có bảo bối, lại đoán là cái chuông vứt đi!
Bèn truyền:
- Bắt lại!
Hai ban hiệu úy định xô ra bắt lại.
Đường Tăng hoảng sợ chắp tay nói to:
- Bệ hạ, hãy tha cho bần tăng lúc này, đợi khi nào mở cái hòm ra, nếu đúng là vật báu, bần tăng xin nhận tội; nếu không phải vật báu, chẳng hóa oan cho bần tăng sao?
Quốc vương truyền mở ra xem. Quan đương giá liền mở ra, cầm khay sơn son lên nhìn, quả nhiên là một cái chuông mẻ sứt vứt đi thật.
Quốc vương tức giận nói:
- Ai đã để vật ấy vào?
Tam cung hoàng hậu ở đằng sau long tòa đi ra nói:
- Tâu nhà vua, chính tay tên tử đồng đã để áo sơn hà xã tắc, quần càn khôn địa lý vào trong, không biết tại sao lại hóa ra vật này?
Quốc vương nói:
- Mời hoàng hậu lui gót, quả nhân biết rồi, những thức vật dụng trong cung, cái gì chẳng phải là lụa là gấm vóc, làm gì có cái thứ vứt đi quái quỷ ấy.
Bèn truyền:
- Mang hòm lên đây, để trẫm chính tay bỏ vào một bảo bối, thử lần nữa xem sao!
Hoàng đế chuyển về hậu cung, vào trong vườn ngự, hái một quả đào to gần bằng cái bát ở trên cây đào tiên, để vào trong hòm rồi sai mang xuống bảo đoán.
Đường Tăng nói:
- Đồ đệ ạ, ta lại phải đoán nữa.
Hành Giả nói:
- Cứ yên tâm, để con lại đi xem sao.
Lại ve ve một tiếng, bay đến nơi, vẫn lách qua khe ván chui vào, thấy một quả đào, thực là vừa ý, tức thì hiện rõ nguyên hình, ngồi ở trong hộp, cầm quả đào gặm cho một chặp hết nhẵn, cả hai bên khe múi cũng gặp kỹ tiệt, rồi để yên cái hột đào ở trong hòm. Lại biến thành con bọ mát, bay ra bên ngoài, đậu lên mang tai Đường Tăng nói:
- Sư phụ ạ, người cứ nói là một cái hột đào.
Trưởng lão nói:
- Đồ đệ ạ, chớ có giỡn ta, trước đây nếu không mau miệng, có khi bị bắt làm tội rồi. Lần này nên đoán là bảo bối mới phải. Hột đào là bảo bối quái gì?
Hành Giả nói:
- Không ngại, cốt nhất thắng họ là được!
Tam Tạng vừa định lên tiếng, đã nghe thấy tiếng Dương Lực đại tiên nói:
- Bần đạo xin đoán trước trong này là một quả đào tiên.
Đến lần Tam Tạng đoán:
- Không phải quả đào, chỉ là một cái hột đào.
Quốc vương quát to:
- Chính trẫm bỏ vào quả đào tiên, làm sao lại là hột? Quốc sư thứ ba đoán đúng.
Tam Tạng nói:
- Tâu bệ hạ, mở ra xem thì sẽ rõ!
Đường giá quan cầm hòm mở ra, bưng khay đỏ lên, quả nhiên là cái hột đào, da thịt mất hết.
Quốc vương nhìn thấy, sợ sệt nói:
- Quốc sư, đừng thi thách với họ nữa, để cho họ đi thôi. Chính tay quả nhân để quả đào tiên, bây giờ chỉ là một cái hột, vậy thì ai đã ăn? Hẳn có quỉ thần đã giúp ngầm họ.
Bát Giới nghe nói, tủm tỉm cười nhạt nói với Sa Tăng:
- Vẫn chưa biết anh ấy quen ăn đào đã lâu năm rồi!
Đương khi trò chuyện, Hổ Lực đại tiên đã tắm gội chải chuốt xong, từ điện Văn Hoa đi lên nói:
- Tâu hệ hạ, hòa thượng này có thuật đánh tráo mang đi, cứ đem hòm lại đậy, tôi sẽ phá pháp thuật đó, xin lại đánh cuộc nữa.
Quốc vương nói:
- Quốc sư còn muốn đoán gì nữa?
Hổ Lực nói:
- Pháp thuật chỉ đánh tráo được vật, chứ thân người thì không đánh tráo được. Sẽ đem một đạo đồng chứa vào trong đó, hẳn là họ không đánh tráo được nữa!
Bèn đem một đạo đồng giấu vào trong hòm, đậy nắp hộp lại, khiêng xuống để ở dưới, nói:
- Hòa thượng lại đoán nữa đi, lần thứ ba này là bảo bối gì?
Tam Tạng nói:
- Họ lại bắt ta đoán nữa!
Hành Giả nói:
- Để tôi lại đi xem sao.
Bèn lại ve ve bay đi, lách vào bên trong, thấy là một tiểu đồng. Đại đánh thật là: đánh tráo già tay, thiên hạ hiếm; khôn ngoan rất mực, thế gian thua.
Hành Giả liền nhao mình biến hóa, tức thì biến ra một người dung mạo giống hệt như đạo sĩ già tiến vào trong hộp gọi:
- Đồ đệ!
Đồng nghi nói:
- Sư phụ, người đi lối nào vào đây?
Hành Giả nói:
- Ta dùng độn pháp đi vào.
Đồng nhi nói:
- Người đến đây có điều gì dạy bảo?
Hành Giả nói:
- Vị hòa thượng kia đã trông thấy chú vào trong hộp, nếu họ đoán là tiểu đồng, chẳng hóa ra thua họ ư! Nên ta phải vào đây cùng chú bàn móng, bàn mỏng, chú phải cạo quách đầu đi, để chúng ta đoán là hòa thượng mới được!
Đồng nghi nói:
- Xin tùy ý sư phụ, cốt làm sao cho chúng ta được họ, chứ lại thua họ lần nữa, không những giảm mất thanh danh, còn e triều đình không trọng vọng là đằng khác.
Hành Giả nói:
- Con nói phải đấy, con hãy tới đây, hễ mà được họ, ta sẽ trọng thưởng cho con!
Liền đem gậy bịt vàng biến thành dao cạo đầu, ôm đồng nhi vào lòng, miệng thì dỗ dành:
- Ngoan, ngoan, cố chịu đau đừng có nói to để ta cạo đầu cho con.
Giây lát, cạo xong cái đầu, cuốn nắm tóc lại, nhét vào một xó ở trong hòm, cất con dao đi, xoa cái đầu trọc nói:
- Con ơi, đầu thì giống hòa thượng rồi, chỉ còn quần áo chưa được, con hãy cởi ra, ta sẽ biến ra quần áo hòa thượng cho.
Đạo đồng đang mặc một cái áo cánh hạc bằng xuyến hoa có vân màu hồ thủy, ngoài mép viền gấm bèn cởi phăng ngay ra. Hành Giả thổi hơi tiên kêu “biến”, tức thì biến ra một cái áo dài màu thổ hoàng cho y vận, lại nhổ hai sợi lông biến ra một cái mõ cá bằng gỗ, nhét vào tay nó dặn:
- Đồ đệ, con nên nhớ, hễ gọi đạo đồng, dù sao con cũng chớ ra hễ gọi hòa thượng, con sẽ đội nắp hòm lên cho ta, tay gõ mõ cá, đọc một quyển kinh Phật rồi chui ra, mới có thể thành công được.
Đồng nhi nói:
- Con chỉ biết đọc kinh Tam Quan, kinh Bắc Đẩu, kinh Tiêu Tai, chứ không biết đọc kinh Phật.
Hành Giả nói:
- Con không biết niệm Phật ư?
Đồng nhi nói:
- Câu A di đà Phật ai không biết niệm?
Hành Giả nói:
- Thôi được, thôi được, chỉ niệm Phật cho đỡ phải dạy, nhớ kỹ nhé, ta đi đây!
Lại biến ra con bọ mát, lách ra ngoài, bay lên vành tai Đường Tăng nói:
- Sư phụ cứ đoán là trong hòm có một vị hòa thượng nhé!
Tam Tạng nói:
- Lần này thì họ phải được!
Hành Giả nói:
- Thầy định thế nào?
Tam Tạng nói:
- Trong kinh có câu “Phật, Pháp, Tăng tam bảo”, hòa thượng cũng là một bảo đấy.
Đương khi bàn tán, đã thấy Hổ Lực đại tiên nói:
- Tâu bệ hạ, lần thứ ba này là một đạo đồng ở trong hòm.
Y cứ gọi mãi, nhưng đạo đồng không chịu ra.
Tam Tạng chắp tay nói:
- Trong hòm là một hòa thượng!
Đồng nhi vội vàng đội nắp hòm lên, tay gõ mõ cá, miệng niệm Phật, chui ra ngoài. Các quan văn võ mừng rỡ, đồng thanh khen ngợi. Ba người đạo sĩ mất vía, khóa miệng hết nói. Quốc vương nói:
- Bọn hòa thượng kia có quỷ thần giúp đỡ! Người đạo sĩ vào trong hòm thế nào lại hóa ra hòa thượng? Dù có người thợ cạo theo vào, cũng chỉ cạo được cái đầu thôi chứ, làm sao lại có cả y phục mặc vào mình, miệng lại biết niệm Phật? Quốc sư ạ, để cho họ đi!
Hổ Lực đại tiên nói:
- Tâu bệ hạ, hai bên như “cờ phải tay cứng, tướng gặp người tài”. Bần đạo sẽ đem những võ nghệ đã học được ở Chung Nam sơn hồi nhỏ, quyết chí thi chọi với y.
Quốc vương nói:
- Có những võ nghệ gì?
Hổ Lực nói:
- Ba người anh em đều có chút thần thông, biết chặt đứt đầu ra, rồi lại lắp vào, mổ ruột, moi tim, rồi lại mọc đủ, trong vạc dầu sôi có thể vào tắm được.
Quốc vương rất sợ nói:
- Ba việc ấy đều đi đến chỗ chết cả!
Hổ Lực nói:
- Chúng tôi có pháp lực ấy, mới dám nói ra, nhất định phải thi thách với họ mới được!
Quốc vương gọi:
- Vị hòa thượng bên Đông Thổ, quốc sư ta không ưng để cho người đi, còn muốn thi thách với người, cắt đầu, mổ bụng, tắm rửa trong vạc dầu đương sôi đấy!
Hành Giả đương còn biến làm con bọ mát, đi lại bảo ban các việc, chợt nghe câu nói ấy, tức thì thu hào mao lại hiện rõ bản tướng, khanh khách cười to nói:
- May quá! May quá! Món hời tới tay rồi!
Bát Giới nói:
- Ba việc ấy đều là những việc toi mạng cả, sao còn nói là món hời tới tay?
Hành Giả nói:
- Chú vẫn chưa biết tài tôi à?
Bát Giới nói:
- Thưa anh, anh chỉ tài những việc biến hóa, đánh lộn sòng, làm gì lại tài giỏi đến thế được!
Hành Giả nói:
- Tôi ấy à!
Cắt đứt đầu rồi mà vẫn nói, chặt tay còn cứ đánh người hoài. Hai chân cụt trọi đi như biến, mổ bụng liền ngay mới tuyệt tài! Nào có khác chi người gói bánh, nặn ra đủ hết thực là oai. Dầu sôi tắm gội coi như bỡn, nước rửa nhiều khi nóng gấp hai.
Bát Giới, Sa Tăng nghe nói khà khà cười rộ.
Hành Giả lên tiếng nói:
- Tâu bệ hạ, tiểu hòa thượng biết cắt đầu.
Quốc vương nói:
- Nhà ngươi làm gì biết cắt đầu?
Hành Giả nói:
- Khi xưa tôi tu hành ở trong chùa, từng gặp một vị Thuyền Hòa từ phương xa dạy cho tôi phép cắt đầu chẳng biết có tốt hay không, bây giờ hãy đem thử cái món mới lạ đó.
Quốc vương cười nói:
- Hòa thượng này còn ít tuổi, chưa biết việc đời, lẽ đâu còn chặt đầu thử bao giờ? Sọ là đầu lục dương, nếu cắt đi thì ngươi sẽ chết.
Hổ Lực nói:
- Bệ hạ cứ để cho y làm như thế, mới hả cái giận của chúng tôi!
Hôn quân kia tin lời nói của y, tức thì hạ chỉ, truyền lập sát trường.
Một lời truyền xuống, liền có ba nghìn quân vũ lâm, sắp hàng ở ngoài cửa triều môn.
Quốc vương nói:
- Hòa thượng đi chặt đầu trước!
Hành Giả vui vẻ trả lời:
- Tôi đi trước! Tôi đi trước!
Rồi khoanh tay lại, to tiếng nói tiếp:
- Quốc sư miễn thứ cho, tôi xin vô phép trước!
Rồi đi vội ra bên ngoài.
Đường Tăng níu lấy giữ lại nói:
- Đồ đệ ạ, cẩn thận nhé, việc này không phải trò chơi đâu.
Hành Giả nói:
- Sợ cái quái gì, bỏ tay ra, để con đi!
Hành Giả liền đi thẳng vào trong sát trường, bị bọn đao phủ túm lấy hai tay, trói lại làm một, đặt lên trên gò đất cao, rồi nghe thấy quát to một tiếng “khai đao”! Tức thì “phập” một cái, đầu rơi xuống, lại bị bọn ấy đá theo một cái, chẳng khác gì đá quả dưa bở, lăn đi có tới ba bốn mươi bước. Cổ Hành Giả ở nơi bị chém đứt ra không chảy máu. Chỉ nghe thấy trong bụng có tiếng gọi:
- Đầu trở lại!
Hổ Lực đại tiên thấy y có thủ đoạn như thế đâm hoảng, liền đọc thần chú, sai thổ địa thần kỳ bản cánh, giữ đầu Hành Giả lại, đợi khi nào y được cuộc sẽ tâu lên quốc vương, đem những cái miếu nhỏ thờ thổ địa thần kỳ xây thành ngôi miếu lớn, những tượng đắp đất sẽ đổi thành kim thân bằng vàng.
Nguyên mấy vị thổ địa thần kỳ ở đây sợ y có ngũ lôi pháp, phải chịu để cho y sai khiến, quả nhiên là đã ngấm ngầm giữ đầu Hành Giả lại.
Hành Giả lại gọi tiếng nữa:
- Đầu trở lại!
Cái đầu như là ăn rễ, không hề động đậy.
Hành Giả phát cáu, nắm hai tay lại, giằng mạnh một cái giứt cái dây trói tay đứt tung ra, quát lên một tiếng:
- Mọc!
Một cái đầu khác mọc kế ra ở chỗ vừa bị chém đứt. Làm cho bọn đao phủ kẻ kinh hồn, vũ lâm quản người người mất vía. Quan giám trảm vội chạy vào trong triều tâu:
- Tâu bệ hạ, tiểu hòa thượng kia bị chém mất đầu, lại mọc ra một cái đầu khác.
Bát Giới cười nói:
- Sa Tăng nhỉ, ai ngờ anh cả có những thủ đoạn như vậy.
Sa Tăng nói:
- Anh ấy có bảy mươi hai phép biến hóa, phải có bảy mươi hai cái đầu chứ!
Nói chưa dứt lời, Hành Giả chạy đến gọi một lời:
- Sư phụ!
Tam Tạng rất mừng nói:
- Đồ đệ, khó nhọc quá nhỉ!
Hành Giả nói:
- Không khó nhọc, lại càng chơi thích!
Bát Giới nói:
- Chú phải lấy thuốc rịt chỗ đau không?
Hành Giả nói:
- Chú thử sờ xem nào, có thấy vết chém không?
Chú ngốc thò tay lên sờ, lièn cười ngặt nghèo nói:
- Diệu thay! Diệu thay! Lại vẫn mọc ra hoàn toàn, một tí hằn lên cũng không có.
Đương khi mấy anh em đều vui vẻ, lại nghe thấy quốc vương cho gọi đến lĩnh quan văn.
- Truyền tha các người vô tội! Đi luôn! Đi luôn!
Hành Giả nói:
- Dù có lĩnh quan văn, quốc sư tất nhiên cũng phải đến trước pháp trường chặt đầu, cũng nếm thử món lạ cái đã.
Quốc vương nói:
- Đại quốc sư! Hòa thượng kia cũng không chịu tha ngươi, ngươi đã thách thức họ, chớ nên làm phiền cho quả nhân.
Hổ Lực đành phải đi ra, cũng bị mấy tên đao phủ thủ trói quật xuống đất, vung đao lên, chém rụng đầu ra, cũng đá cho một cái, bắn đi hơn ba mươi bước, ở nơi bị chém cũng không chảy máu, trong bụng cũng gọi một tiếng:
- Đầu trở lại!
Hành Giả vội vàng nhổ một sợi hào mao, thổi hơi tiên “biến” liền biến ra một con chó vàng, chạy vào trong trường, đớp luôn lấy đầu đạo sĩ vào trong miệng, chạy thẳng đến bờ sông Ngự Thủy, vứt tõm xuống nước.
Đạo sĩ kia gọi luôn ba tiếng, đầu người không trở lại. Y làm gì có thủ đoạn như Hành Giả, đầu không mọc ra được, nơi bị chém máu chảy ồng ộc. Thương thay, hô phong hoán vũ chỉ thêm uổng, sao kịp trường sinh bậc chính tiên? Vụt chốc, ngã lăn đùng xuống đất, mọi người đến xem, té ra một con hổ già lông vàng không đầu.
Quan giám trảm lại chạy về tâu:
- Tâu bệ hạ, đại quốc sư bị chém rơi đầu, không mọc ra được, chết ở dưới đất, chính là một con hổ lông vàng không có đầu.
Quốc vương nghe báo, sợ tái mặt đi, hai mắt đăm đăm nhìn hai người đạo sĩ.
Lộc Lực đứng dậy nói:
- Sư huynh tôi đã là người mình cùng số tận, sao lại hóa ra con hổ vàng? Đó chỉ là bọn hòa thượng quỷ quyệt dùng pháp thuật che hình, làm cho sư huynh tôi biến ra loài súc vật! Giờ đây tôi quyết không tha hắn, nhất định phải thi mổ bụng moi tim với hắn!
Quốc vương nghe nói, mới tỉnh dần người ra, lại gọi:
- Tiểu hòa thượng, nhị quốc sư vẫn còn thi thách với nhà ngươi đấy.
Hành Giả nói:
- Tiểu hòa thượng đã lâu không ăn những thức nấu nướng, chợt gặp một vị trại chủ cho ăn cơm, chót ăn mất mấy cái bánh hấp, mấy hôm nay thấy nó đau bụng, có lẽ sinh trùng, đương muốn nhờ nhát dao của bệ hạ, mổ phăng da bụng, nạo hết tạng phủ, rửa sạch tì vị, mới có thể sang Tây Thiến bái Phật được.
Quốc vương nghe nói, truyền lệnh:
- Đưa y ra sát trường!
Nhiều người xô vào, kẻ thì lôi ra, người thì kéo.
Hành Giả giựt tay ra nói:
- Không cần ai lôi kéo, cứ để cho tôi đi; không được trói tay, để tôi còn lấy tay rửa ráy tạng phủ.
Quốc vương hạ chỉ truyền:
- Đừng có trói người ta!
Hành Giả nghênh ngang đi tới sát trường, dựa người vào cái cọc to, cởi quần và dây lưng để hở bụng ra. Bọn đao phủ thủ lấy một dây tròng lên trên cổ, một cái dây buộc hai cẳng lại, cầm con dao nhọn tai trâu, vung một cái, rạch da bụng kéo xuống, thành một cái hố. Hành Giả hai tay phanh bụng ra, lôi hết ruột gan, dở ra từng món để hồi lâu rồi mới bỏ vào trong bụng như trước, theo như cũ xếp đặt, túm lấy da bụng, thổi hơi tiên vào kêu “liền”, tức thì lại liền như cũ.
Quốc vương trong thấy rất sợ, lấy tờ quan văn cầm ở trong tay nói:
- Thánh tăng không nên để lỡ việc sang Tây, công văn của người đây, mời người đi cho.
Hành Giả cười nói:
- Quan văn là việc nhỏ, hãy xin mời nghị quốc sư moi moi khoét khoét xem thế nào?
Quốc vương nói với Lộc Lực:
- Việc ấy không có liên quan gì đến quả nhân, đó là khanh muốn đối đầu với họ thôi, mời khanh đi, mời khanh đi!
Lộc Lực nói:
- Xin cứ yên tâm, tôi quyết không thua họ.
Y cũng làm theo kiểu đại thánh, nghênh ngang đi đến sát trường, bọn đao phủ thủ lấy dây trói y lại, cầm con dao nhọn tai trâu, rồi soạt một tiếng, mổ phanh da bụng, bới hết ruột gan, y cũng lấy tay lần ra từng món. Hành Giả liền nhổ một sợi lông tơ, thổi hơi tiên vào kêu “biến” tức thì biến ra một chim ưng đói, giương thẳng cánh móng sà xuống, bao nhiêu tạng phủ ruột gan, gắp cho một mẻ nhẵn trọi, chẳng biết tha đến phương nào. Làm cho đạo sĩ này hóa ra: vết mổ chẳng liền, mà đẫm máu; không gan không ruột, phách bơ vơ. Bọn đao phủ thủ giẫy đổ cái cọc lớn, lôi thi thể ra. Té ra là một con hươu lông trắng.
Quan giám trảm hoảng sợ vội vàng về tâu:
- Nhị quốc sư hẩm vận, đương khi phanh bụng, bị một chim ưng đói sà xuống quắp mất hết ruột gan, tạng phủ, đã chết ở ngoài đó. Nguyên là một con hươu lông trắng.
Quốc vương sợ hãi nói:
- Làm thế nào lại hóa ra con hươu?
Dương Lực đại tiên lại tâu:
- Sư huynh tôi đã chết, cớ sao lại hiện thủ hình, đều là tại cái bọn hòa thượng này dùng pháp thuật để hại chúng tôi, để tôi phải trả thù cho sư huynh.
Quốc vương nói:
- Người có pháp lực gì hơn người ta?
Dương Lực nói:
- Tôi sẽ thi tắm gội trong dầu sôi với họ.
Quốc vương liền sai lấy một cái nồi to, đổ đầy dầu thơm, cho hai người thi thách nhau.
Hành Giả nói:
- Ơn lòng hạ có, tiểu hòa thượng lâu nay chưa hề tắm gội, mấy hôm nay da dẻ ngứa ngáy, hay dở cũng phải tắm một cái.
Quan đương giá bắc nồi dầu lên bếp, chất củi khô vào, đốt lửa thực to, đổ dầu đun sôi lên, bảo hòa thượng nhảy vào trước.
Hành Giả chắp tay nói:
- Không biết văn tẩy hay là võ tẩy.
Quốc vương nói:
- Thế nào là văn tẩy? Thế nào là võ tẩy?
Hành Giả nói:
- Văn tẩy thì không cởi quần áo, tựa như người nhúng hai tay xuống, khua dầu tung lên, rồi đứng dậy không được vấy bẩn ra quần áo, nếu có một giọt dầu bắn vào là thua. Võ tẩy cần phải có một cái giá treo quần áo, một cái khăn mặt, cởi quần áo ra, nhẩy vào trong nồi, lộn nhào người, trồng cây chuối, tùy thích chơi đùa tắm gội.
Quốc vương nói với Dương Lực:
- Người định thi văn tẩy hay võ tẩy với họ?
Dương Lực nói:
- Văn tẩy sợ y đã tẩm thuốc vào quần áo, dầu không thấm được, thi võ tẩy thôi!
Hành Giả lại tiến lên nói:
- Xin thứ lỗi, mấy lần đều chiếm nhận trước cả.
Bèn cởi áo quần, trút quần da hổ xuống, vươn mình một cái, nhảy tót vào trong ngồi, rẽ sóng rạch làn, chẳng khác gì bơi ở dưới nước chơi đùa.
Bát Giới trông thấy, cắn đầu ngón tay nói với Sa Tăng:
- Chúng ta đều nhận sai con khỉ nhà mình! Lúc bình thời hay xúc xiểm chế giễu, xem trò chơi của y, mới biết y tài giỏi thực!
Hai người khúc kha khúc khích, khen ngợi không ngớt.
Hành Giả nhìn thấy sinh nghi nói:
- Các chú ngốc này cười mình hử! Thực là “khéo nhiều, lao khổ, vụng càng nhàn”. Lão Tôn phải khua múa thế này, hắn thì ung dung, để mình làm cho cu cậu bị trói một mẻ cho mà khiếp!
Đương tắm táp, bèn lặn hụp một cái, dìm người xuống tận đáy nồi, biến ra một cái đinh mũ, không nhô lên nữa.
Quan giám trảm lại tới gần tâu:
- Tiểu hòa thượng bị dầu sôi luộc chết rồi!
Quốc vương rất mừng, sai vớt hài cốt ra xem, đao phủ thủ tay cầm cái vợt bằng sắt, chao ở trong nồi dầu, chỉ vì cái vợt đan thưa. Hành Giả biến ra nhỏ quá, mò đi mò lại, chẳng mò được gì hết. Lại tâu lên:
- Hòa thượng người nhỏ, xương mềm, nhũn hết ra rồi!
Quốc vương truyền:
- Bắt ba hòa thượng kia lại!
Hiệu úy hai bên thấy mặt Bát Giới hung tợn, tóm ngay lấy, trói diệt cánh khỉ lại đằng sau.
Tam Tạng hoảng sợ kêu to:
- Bệ hạ hãy tạm khoan cho bần tăng. Người đồ đệ của tôi đó, từ khi theo đạo, trải bao công tích, ngày này xúc phạm quốc sư, bị chết ở trong nồi dầu, vì chung chết trước được là thần, bần tăng này đâu dám tham sinh! Bệ hạ chính là quan viên trong thiên hạ lại cai quản trăm họ trong thiên, bệ hạ dù bảo tôi chết, tôi há đâu dám không chết! Chỉ mong rộng lượng, cho tôi nửa chén nước trong, một lưng cháo lỏng, ba tờ giấy tiền, cho tôi đến trước nồi dầu, đốt nắm giấy ấy, để tỏ rõ ý nghĩa thầy trò, sau đó sẽ nhận tội!
Quốc vương nghe đoạn nói:
- Cũng phải, người bên Trung Hoa rất có nghĩa khí!
Liền sai lấy ít cơm, nước, giấy vàng đưa cho. Tức thì mang ra, giao cho Đường Tăng. Đường Tăng bảo Sa hòa thượng cùng đi, bước tới thềm. Có mấy người hiệu úy, nắm chặt lấy tai Bát Giới, kéo đến cạnh nồi. Tam tạng nhìn vào trong nồi chúc rằng:
- Đồ đệ Tôn Ngộ Không:
Từ khi thụ giới lạy thuyền lâm
Giúp đỡ sang Tây chẳng lỡ lầm.
Mong được cùng nhau lên đạo cả.
Ngờ đâu riêng chú trước về âm
Cầu kinh khi sống hằng lưu ý
Niệm Phật thác rồi vẫn để tâm
Muôn dặm hồn thiêng chờ đợi với
Làm ma ân phủ đến Lôi Âm!
Bát Giới nghe tiếng, nói:
- Sư phụ, không phải chúc như thế; Sa hòa thượng, chú đặt cơm nước lên giúp tôi để tôi cầu đảo.
Chú ngốc bị trói ở dưới đất vừa thở hồng hộc vừa nói:
Con khỉ khốn kiếp gây vạ
Thằng Bật Mã Ôn ngu đâu!
Con khỉ khốn kiếp đáng chết!
Thằng Bật Mã Ôn luộc dầu
Con khỉ toi mạng
Tuyệt nọc mã ôn!
Tôn Hành Giả ở dưới đáy nồi dầu, nghe thấy chú ngốc chửi bới, nhịn không được, hiện rõ bản tướng, trần trùng trục, đứng ở dưới dáy nồi dầu nói:
- Cái đồ u vai thịt bắp kia, mi chửi mắng ai vậy?
Đường Tăng trông thấy nói:
- Đồ đệ, ta sợ hút chết!
Sa Tăng nói:
- Ông anh giả vờ chết đã quen!
Hai ban văn võ hoảng sợ, vội chạy lên tâu:
- Vạn tuế, hòa thượng ấy không hề chết, lại ở trong nồi dầu đã đứng nhổm dậy.
Quan giám trảm sợ là mình nói dối triều đình, lại tâu thêm:
- Chết thì chết hẳn rồi, chỉ vì chết phải ngày hung thần, thần hồn tiểu hòa thượng hiện về đấy!
Hành Giả nghe nói cả giận, ở trong nồi dầu nhảy ra, lau sạch dầu mỡ, vận quần áo vào, quai gậy sắt xô đến quan giám trảm, choảng một nhát vào đầu, đánh nhừ ra thành đống thịt, nói:
- Ta hiện thần hồn gì nào!
Các quan sợ hãi, vội vàng cởi trói cho Bát Giới, quỳ xuống đất van lơn:
- Xin tha tội! Xin tha tội!
Quốc vương ở trên long sàng chạy xuống. Hành Giả lên điện co lại nói:
- Bệ hạ không được chạy, hãy bảo tam quốc sư nhà ngài cũng lội vào nồi dầu đi!
Hoàng đế run run sợ sợ nói:
- Tam quốc sư, cứu mạng tôi với, xuống ngay nồi đi, chớ để hòa thượng đánh tôi!
Dương Lực ở trên điện xuống, theo y như Hành Giả, cởi trút quần áo ra, nhảy vào nồi dầu, cũng bắt chước tắm táp vờ vẫn.
Hành Giả buông quốc vương ra, đến bên nồi dầu, kêu người đun lửa chất thêm củi, lại dùng tay vào thăm một lượt. Chà! Dầu sôi sao lạnh ngắt? Trong bụng nghĩ thầm nói:
- Lúc ta tắm nóng sôi, lúc y tắm lạnh ngắt. Ta hiểu cả rồi. Không biết Long Vương nào đạ hộ trì y ở đây thế?
Vội vươn mình nhảy lên trên không, đọc thần chú “úm” một tiến, gọi ngay Bắc Hải Long Vương đến:
- Ta truyền cho cái giống con giun có sừng, cá dầm đất có vây nhà ngươi, cớ sao dám đem rồng lạnh hộ trì ở đáy nồi, giúp bọn đạo sĩ, để cho nó hiển thánh được cuộc ta?
Long Vương sợ hãi luôn miệng vâng dạ nói:
- Ngao Thuận này không dám giúp đỡ. Nguyên đại thánh không biết, con nghiệt súc kia khổ công tu hành một trường, thoát khỏi bản xác, lại học được phép ngũ lôi, còn những cái khác đều theo bàng môn cả, khó nên đạo tiên. Đó là y đã học được phép “đại khai bát” ở núi Tiểu Mao sơn. Hai kẻ kia đã bị đại thánh phá mất pháp thuật, hiện rõ bản tướng. Còn một kẻ này cũng là tự mình luyện được rồng lạnh, cũng chỉ là cái trò đùa để lừa thế tục, dối thế nào được đại thánh. Bây giờ tiểu long sẽ thu con lãnh long của y, để cho y nát xương cháy thịt.
Hành Giả nói:
- Thu ngay đi, ta miễn đánh cho!
Long Vương bèn hóa ra một trận cuồng phong, đến bên nồi dầu, bắt lãnh long đem xuống dưới bể.
Hành Giả trở xuống, cùng với Tam Tạng, Bát Giới, Sa Tăng đứng ở trước điện, thấy đạo sĩ quằn quại ở trong nồi dầu sôi, choài ra không được, trong chớp mắt trụt xương, cháy thịt, nhũn ra.
Giám trảm quan bèn về tâu:
- Vạn tuế, tam quốc sư đã điệp hóa rồi!
Quốc vương ứa hai hàng nước mắt, đập tay xuống ngự án, cất tiếng khóc to:
Thân người khó giữ được gian nan!
Chẳng được chân truyền, chẳng luyện đan
Dù có khua bùa thần phép quỷ
Nhưng không thuốc báo thọ tràng toàn
Không viên tích
Phải thác oán
Uổng dụng tâm cơ mệnh chẳng an
Ví biết nhường này non yếu thế
Chẳng thà núp xó ở thâm san!
Thế mới thực:
Luyện thủy điểm vàng thành chuyện hão
Hô phong hoán vũ chỉ là không.
Chưa biết thầy trò thế nào, xem tới hồi sau sẽ rõ.

HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY

Thánh Tăng đêm vướng sông Thiên Thủy
Hành Giả làm ơn cứu tiểu đồng
Quốc vương ngồi dựa long sàng, nước mắt chảy ra như suối, khóc mãi đến chiều không nín.
Hành Giả tiến lên gọi to bảo:
- Ngài làm sao lại đắm đuối thế vậy? Thi hài bọn đạo sĩ quẳng ở đằng kia, một đứa là hổ, một đứa là hươu. Dương Lực là một con dê xồm. Nếu không tin cứ vớt xương ra mà xem. Người ta làm gì có xương cốt như thế? Chúng vốn là lũ thú rừng thành tinh, cùng nhau đến hại ngài. Vì khí số ngài còn vượng, nên chúng chưa dám động đến. Nếu quá vài năm nữa, khí số ngài suy yếu, chúng sẽ hại tính mạng ngài. Tất cả một tòa giang sơn này sẽ lọt vào tay chúng hết. May mà chúng tôi đến đây sớm, trừ yêu tà, cứu tính mạng ngài. Ngài còn khóc gì nữa! Nên trả ngay quan văn để chúng tôi đi!
Quốc vương nghe nói, mới tỉnh ngộ ra. Các quan văn võ đều tâu nói:
- Những xác chết quả nhiên là hổ trắng, hươu vàng, ở trong nồi dầu quả là bộ xương dê. Lời nói của vị thánh tăng thật là đúng.
Quốc vương nói:
- Nếu quả như vậy, xin cảm ơn thánh tăng. Hôm nay trời đã chiều rồi!
Liền truyền chỉ:
- Quan thái sư, hãy mời thánh tăng đến chùa Trí Uyên, buổi đại triều sớm mai, ta sẽ sai quan Quang Lộc Tự đặt tiệc chay tịnh tại điện Đông Các để thù tạ ơn ngài.
Đoạn rồi đưa đến nghỉ đêm ở chùa Trí Uyên.
Vào hồi canh hai ngày hôm sau, quốc vương ngự triều, hội họp các quan, truyền chỉ:
- Phải ra văn bản đem dán khắp bốn cửa thành gọi các nhà sư về!
Một mặt đặt tiệc lớn, xa giá ra khỏi triều, đến chùa Trí Uyên, mời thầy trò Tam Tạng, cùng đến dự yến ở điện Đông Các.
Bọn hòa thượng thoát chết nghe thấy có bảng gọi sư, mọi người vui vẻ vào cả trong thành đi tìm đại thánh, trao trả mọi lông tơ, tạ ơn.
Tan tiệc, quan văn đã đổi rồi, quốc vương cùng hoàng hậu phi tần, các quan văn võ đưa thầy trò Đường Tăng ra cửa triều, đã thấy bọn hòa thượng quỳ ở bên đường, miệng nói:
- Thưa Tề Thiên đại thánh gia gia! Chúng tôi là bọn sư thoát chết ở trên bãi cát, nghe nói gia gia đã quét sạch bọn yêu nghiệt, cứu sống chúng tôi, lại đội ơn nhà vua ra bảng gọi sư, xin đến trả lại lông tơ, cúi tạ ơn trời bể.
Hành Giả cười nói:
- Có bao nhiêu người lại?
Các sư nói:
- Đủ cả năm trăm người, không thiếu ai hết.
Hành Giả rùng mình một cái, thu hết lông tơ lại. Rồi nói với tất cả vua tôi sư tục mọi người:
- Những vị hòa thượng này chính thực lão Tôn đã thả ra. Xe cộ cũng là lão Tôn đã vận chuyển đến hai lần cửa, xuyên qua đường sống trâu, đập vỡ tan ra. Hai yêu đạo kia cũng là lão Tôn đánh chết. Ngày nay diệt hết yêu tà, mới biết là thuyền môn có đạo. Từ đây trở đi chớ có làm quàng tin nhảm. Mong rằng ngài sẽ coi tam giáo như một: kính cả tăng, kính cả đạo và cũng chăm sóc nhân tài. Chúng tôi sẽ giữ gìn giang sơn của ngài bền bỉ mãi.
Quốc vương nghe theo, cảm tạ khôn xiết và tiễn chân Đường Tăng ra khỏi cửa thành.
Ngày đi đêm nghỉ, khát uống đói ăn, xuân tàn hạ hết, đã tới mùa thu.
Một ngày kia, trời đã về chiều, Đường Tăng dừng ngựa nói:
- Đồ đệ ạ, đêm nay yên nghỉ ở đâu?
Hành Giả nói:
- Người xuất gia không nói cái kiểu người tại gia.
Tam Tạng nói:
- Thế nào là người tại gia? Thế nào là người xuất gia?
Hành Giả nói:
- Người tại gia lúc này phải giường êm chiếu ấm, trong lòng ủ con, sau lưng bận vợ, tự do giấc ngủ yên. Chúng mình là người xuất gia, gặp sao hay vậy, nhưng là đội trăng mặc sao, ăn gió ngủ mưa, có lối thì đi, không đường mới nghỉ.
Bát Giới nói:
- Thưa anh, anh biết điều ấy, không biết điều khác. Hiện nay đường lối hiểm trở, tôi quảy gánh nặng, thật là khó đi, hãy tìm lấy chỗ trọ, nghỉ ngơi một đêm, đi dưỡng tinh thần, ngày mai mới quảy gánh được, nếu không, tôi lại không mệt lăn ra ư?
Hành Giả nói:
- Nhân trời sáng trăng, gắng đi quãng nữa, đến đâu có nhà sẽ ở ngủ trọ.
Thầy trò chẳng biết làm thế nào, đành phải theo Hành Giả tiến bước.
Lại đi một lúc nữa, đã nghe thấy ầm ầm tiếng sóng.
Bát Giới nói:
- Hỏng rồi, ta đi đến chỗ đường cùng!
Sa Tăng nói:
- Một con sông chặn ngang lối đi.
Bát Giới nói:
- Để tôi thử xem nông sâu ra làm sao?
Tam Tạng nói:
- Ngộ Năng, con chớ nói bậy, nước sâu hay nông, thử làm sao được?
Bát Giới nói:
- Lấy một hòn đá bằng quả trứng gà, ném xuống nước nếu mà bọt nước bắn vọt lên, thì là nông, nếu mà có tiếng sùng sục thì là sâu.
Hành Giả nói:
- Chú làm thử xem nào?
Chú ngốc cầm lấy một hòn đá, ném xuống nước, đã nghe thấy tiếng sùng sục tăm cá đùn lên, chìm xuống đáy nước.
Y nói:
- Sâu! Sâu! Sâu! Không đi qua được!
Đường Tăng nói:
- Con tuy thử biết nông sâu, lại không biết rộng hẹp bao nhiêu à?
Bát Giới nói:
- Cái đó không thể biết được!
Hành Giả nói:
- Để tôi đi xem!
Đại thánh giỏi lộn lên trên mây, để ý xem xét, chỉ thấy:
Mênh mang mờ trăng sáng, loang loáng ngút trời không. Mạch thiêng nuốt suối Họa, dòng thẳm trùm trăm sông. Nghìn trùng làn sóng vỗ, muôn đợt nước triều dâng. Đầu bãi cò đậu ngủ, bên bờ lửa chài không, mịt mờ như bể rộng, bờ bến rộng mênh mông!
Đại thánh vội thu mây lại, nhảy xuống mé sông nói:
- Sư phụ ạ, hãy khoan, hãy khoan! Không sang được. Cặp mắt lửa đồng tử vàng của lão Tôn, giữa ban ngày có thể biết được việc dữ lành ngoài nghìn dặm. Ban đêm cũng trông thấy tới dăm trăm dặm, hiện nay trông không thấy bờ bến gì hết, biết nó rộng đến chừng nào!
Tam Tạng rất sợ, nói chẳng ra lời, sụt sùi khóc nói:
- Đồ đệ ơi, vậy thì biết làm thế nào?
Sa Tăng nói:
- Sư phụ đừng khóc nữa, thầy hãy nhìn xuống mé sông, chẳng phải có người đứng là gì kia?
Hành Giả nói:
- Có lẽ người đánh cá, để tôi đến hỏi xem sao?
Liền cầm lấy gậy sắt, đi vài bước tới nơi nhìn xem. Trời ơi! Không phải là người, té ra một cái bia đá, trên bia có ba chữ triện lớn, dưới có hai dòng chữ nhỏ. Ba chữ lớn là “Thông Thiên Hà”, mười chữ nhỏ là “Rộng hơn tám trăm dặm, tự cổ ít người qua”.
Hành Giả gọi:
- Thầy xuống mà xem!
Tam Tạng trông thấy, xa nước mắt nói:
- Đồ đệ ơi, xưa kia ta từ biệt Trường An, cứ bảo là Tây Thiên dễ đi, có ngờ đâu yêu ma ngăn trở, non nước xa xăm thế này.
Bát Giới nói:
- Sư phụ ạ, người nghe xem, tiếng trống, tiếng não bạt ở đâu thế? Có lẽ người ta làm chay, chúng ta hãy đến xin bữa cơm chay, hỏi xem bến đò ở đâu, sẽ tìm thuyền qua sông.
Tam Tạng ở trên ngựa lắng nghe quả nhiên có tiếng trống, tiếng não bạt thật, liền nói:
- Không phải là nhạc khí của đạo gia, nghe như là nhà chùa có việc. Chúng ta hãy đi tới!
Hành Giả đi trước dắt ngựa, nghe chỗ có tiếng nhạc lần đến. Ở đây không có đường cái, phải bước cao bước thấp, đi qua bãi cát, mới trông thấy một đám nhà ở, đoán phỏng độ bốn năm trăm nhà cũng đều có vẻ phong quang. Chỉ thấy:
Đường thông lối núi, bờ soải tới khe. Nhà đóng cánh cửa liếp sân vây hàng giậu tre. Bờ liễu quạ kêu đầu lưỡi lạnh. Bãi sa cò đậu mộng hồn tan. Sáo buông tiếng nhỏ, vải đập dịp thưa. Lá hoàng lô gió cuốn, cành hồng lục trăng soi. Ngoài bến ngư ông ngủ thuyền cá, đầu đường chó xóm sủa phên thưa. Đèn lửa tắt, người vắng teo. Trăng dọi trên không tựa kính treo. Một trận ngổ hương đưa thoáng tới, gió Tây bên ấy thổi đưa veo...
Tam Tạng xuống ngựa, trông thấy một ngôi nhà ở ngay đầu đường, ngoài cửa trồng một cây phướn, bên trong thì đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút. Tam Tạng nói:
- Chỗ này so với chỗ hốc núi ở bờ sông thì còn hơn; ở ngay dưới hiên nhà người ta này, có thể khuất được gió lạnh, yên tâm ngủ kỹ. Các con đừng đi cả, để ta đến nhà ông trại chủ này hỏi xin trọ trước, nếu ưng cho ở, ta sẽ gọi các con; ví bằng họ không ưng, các con chớ nên chạy quanh. Mặt mũi các con xấu xí, khiến người ta sợ hãi, rồi gây ra tai vạ, lại không có chỗ mà trọ.
Hành Giả nói:
- Sư phụ nói phải lắm, mời sư phụ đi trước, chúng con ở đây chờ người.
Sư trưởng trật nón tu lờ ra, để đầu trần, vuốt ve áo chẽn, chống gậy tích trượng, đi thẳng đến cửa nhà người ta.
Cánh cửa nửa khép nửa mở, Tam Tạng không dám vào, đứng đợi một lúc, thấy có một ông già ở trong đi ra, cổ đeo một chuỗi tràng hạt, miệng niệm A Di Đà Phật, đi thẳng ra đóng cửa.
Tam Tạng vội vàng chắp tay gọi to:
- Bần tăng xin kính chào thí chủ.
Ông già đáp lễ nói:
- Vị hòa thượng này, đến khí chậm rồi!
Tam Tạng nói:
- Ngài nói gì vậy?
Ông già nói:
- Đến chậm không còn gì! Đến sớm một chút, nhà tôi đây làm cơm mời sư, sẽ ăn no cơm, ba thưng gạo trắng, một tấm vải trắng, mười đồng tiền đồng. Làm sao bây giờ ngài mới đến?
Tam Tạng nghiêng mình nói:
- Bần tăng không phải đi xin cơm chay.
Ông già nói:
- Đã không đi xin cơm, còn đến đây làm gì?
Tam Tạng nói:
- Tôi là người nước Đại Đường bên Đông Thổ khâm sai sang Tây Thiên cầu kinh, nay đến quý xứ, trời đã tối rồi, nghe thấy nhà đây có tiếng chuông trống, đến xin ngủ trọ một tối, sáng mai sẽ đi sớm.
Ông già xua tay nói:
- Hòa thượng ạ, người xuất gia chớ nên nói dối. Từ nước Đại Đường bên Đông Thổ tới chúng tôi, xa năm vạn bốn nghìn dặm đường, ngài có một mình như vậy, đi làm sao được?
Tam Tạng nói:
- Lão thí chủ nói rất phải, nhưng tôi còn có ba tiểu đồ, qua rừng mở lối, gặp suối bắc cầu, bảo hộ bần tăng, mới đến được đây.
Ông già nói:
- Đã có đồ đệ sao không cùng đi?
Rồi tiếp:
- Xin mời, xin mời, nhà tôi đây có nơi nghỉ ngơi!
Tam Tạng ngoảnh đầu gọi to:
- Đồ đệ, lại cả đây!
Hành Giả vốn là người tính nóng, Bát Giới là người thô lỗ, Sa Tăng thì liều lĩnh, cả ba người nghe thấy sư phụ gọi, người dắt ngựa, kẻ quảy gánh, bất chấp hay dở, chạy ồ cả đến, như một trận gió.
Ông già vừa trông thấy, sợ hãi ngã lăn ra đất, miệng kêu la:
- Yêu quái tới nơi! Yêu quái tới nơi!
Tamg Tạng đỡ dậy nói:
- Không phải yêu quái, đồ đệ tôi đấy!
Ông già run run sợ sợ nói:
- Sư phụ tuấn tú thế kia, sao lại tìm những đồ đệ xấu thế?
Tam Tạng nói:
- Tướng mạo tuy không đẹp, nhưng đều có tài hàng rồng phục hổ, bắt quái trừ yêu.
Ông già nửa tin nửa ngờ, đỡ Đường Tăng đi thong thả.
Ba người hung hăng đi sấn vào trong nhà, buộc ngựa bỏ hành lý xuống. Ở trong nhà có mấy vị hòa thượng đương tụng kinh. Bát Giới chẩu cái mồm dài ra hỏi to:
- Hòa thượng kia, tụng niệm gì vậy?
Mấy vị hòa thượng nghe thấy có tiếng hỏi, vội ngửng đầu lên:
Nhìn thấy người lạ vào, mồm dài tai lớn kếch, mình thô chân tay to, tiếng vang như tiếng sét. Hành Giả cùng Sa Tăng, mặt mũi đều thô kệch. Các sư trên sảnh đường, không ai dám nhúc nhích. Sư chú còn tụng kinh, trưởng ban bảo thôi quách. Chuông khánh chẳng thèm nhìn, tượng Phật vứt bệu dệch! Đèn nến thổi tắt ngay, ai nấy bỏ chạy sạch. Ngã lăn ngã lộn ra, qua cửa phải nhảy thách. Đầu chú va đầu tôi, như sọ dừa lách cách. Đàn tràng đương trang nghiêm, biến thành trận cười thích!
Ba anh em thấy những người ấy ngã lăn ngã lộn, cũng vỗ tay cười ầm cả lên. Bọn nhà sư lại càng sợ hãi, va đầu chạm trán, chạy thục mạng, chẳng còn người nào nữa.
Tam Tạng đỡ ông già đi đến sảnh đường, thấy đèn lửa không có nhưng ba người vẫn khúc khích nô đùa.
Đường Tăng quát mắng:
- Những con vật khốn kiếp, thực là bất thiện! Ta đã luôn luôn dạy bảo, dặn dò. Người xưa có câu: “Không dạy mà hay, chẳng phải thánh là gì! Dạy mà sau hay, chẳng phải hiền gì! Dạy cũng không hay, chẳng phải ngu là gì!” Chúng con liều lĩnh như vậy, thực là loài ngu đó! Sao vừa mới đến cửa, chưa biết nếp tẻ thế nào, đã làm cho lão thí chủ sợ hãi, nhà sư tụng kinh bỏ chạy, quấy rối công việc tốt lành của nhà người ta, gieo vạ gieo tai cho ta hử?
Mấy người không dám cạy răng. Ông già đó mới tin là đồ đệ của người thực, vội ngoảnh đầu làm lễ nói:
- Mới rồi chỉ có lễ phóng đăng tán hoa đấy thôi, không có việc gì to tát đâu ạ, việc Phật cũng sắp xong rồi!
Bát Giới nói:
- Nếu đã cúng lễ xong, hãy mang lộc Phật ra thừa huệ đánh chén rồi cùng chúng tôi đi ngủ.
Ông già gọi:
- Cầm đèn lên! Cầm đèn lên!
Người nhà nghe tiếng gọi, ngơ ngác bảo nhau:
- Ở trên nhà tụng kinh, rất có nhiều hương nến, sao lại còn gọi đốt đèn?
Bèn chạy ra ngoài xem, chỉ thấy tối mù tối mịt, tức thì đốt lửa vào đèn lồng chạy ồ cả lên. Chợt ngửng đầu nhìn thấy Bát Giới, Sa Tăng, lại ù té chạy đóng chặt cửa lại, vào trong la to:
- Yêu quái đến nơi! Yêu quái đến nơi!
Hành Giả lấy lửa đốt đèn nến, kéo một cái ghế dựa, mời Đường Tăng ngồi lên trên, mấy anh em ngồi ở hai bên, ông già ngồi ở phía trước. Đương khi xếp chỗ ngồi, lại trông thấy cửa trong cũng mở ra, một ông già nữa đi tới, tay chống gậy nói:
- Tà ma nào đêm hôm lại đến cửa nhà tử tế?
Ông già ngồi ở phía trước vội vàng đứng dậy đón đỡ đến sau bình phong nói:
- Xin anh nguôi giận, không phải tà ma, đây là vị la hán người nước Đại Đường bên Đông Thổ đi lấy kinh đấy. Bọn đồ đệ tướng mạo tuy hung tợn, nhưng tính tình rất tốt, quả thực là tướng ác người lành.
Ông già kia mới buông gậy ra, đến chào bốn vị này. Chào hỏi xong, cũng ngồi xuống phía trước gọi:
- Pha trà, sắp cơm chay!
Gọi luôn mấy lượt, bọn đồng bộc sợ run cầm cập, không dám dọn bàn.
Bát Giới nhịn không được, liền hỏi:
- Thưa lão trượng, các chú ở của ngài đi ra hai bên làm gì?
Ông già nói:
- Bảo các chú đi sửa cơm chay để mời lão gia.
Bát Giới nói:
- Có mấy người phục dịch?
Ông già nói:
- Có tám người.
Bát Giới nói:
- Tám người ấy phục dịch những ai?
Ông già nói:
- Phục dịch bốn vị.
Bát Giới nói:
- Vị sư phụ mặt trắng kia, chỉ cần một người thôi, vị mặt lông miệng lôi công, chỉ cần độ hai người, vị mặt xám kia cần dùng tám người, còn tôi phải có hai mươi người phục dịch mới đủ.
Ông già nói:
- Ngài nói vậy, có lẽ dạ dầy ngài to thì phải?
Bát Giới nói:
- Rồi sau sẽ thấy.
Ông già nói:
- Xin có đủ người, xin có đủ người!
Bèn gọi tất cả người nhà ra tới ba bốn mươi người.
Hòa thượng và ông già, kẻ hỏi người thưa, vui vẻ trò chuyện; người nhà lúc ấy mới không sợ nữa; đặt một cái bàn mời Đường Tăng ngồi ở phía trên, hai bên đặt ba cái ghế, mời ba vị kia ngồi, phía trước đặt hai cái ghế, mời hai ông già ngồi. Thoạt tiên bày lên bàn các thức hoa quả rau dưa, sau mới đặt bánh bột, cơm tẻ, thức ăn, cháo bột, bày đặt rất là tề chỉnh.
Đường Tăng cầm lấy đôi đũa, đọc một quyển Khải Trai Kinh. Chú ngốc một là có tính háu ăn, hai là đương đói lòng, không đợi Đường Tăng đọc kinh xong, vớ luôn cái bát gỗ sơn son, làm một bát cơm gạo trắng, trong nháy mắt, bát đã sạch trơn.
Chú nhỏ đứng bên cạnh nói:
- Vị lão gia này thật không biết suy tính, không lấy phần bánh lại lấy phần cơm, không bẩn quần áo ra ư?
Bát Giới cười nói:
- Không lấy phần, ăn đây thôi!
Thằng nhỏ nói:
- Không thấy ngài há miệng, làm sao mà ăn được?
Bát Giới nói:
- Bé con cũng biết nói dối, rõ ràng ta ăn rồi, không tin ta ăn nữa cho chú xem.
Chú nhỏ lại cầm bát, xới một bát đưa cho Bát Giới. Chú ngốc đánh lém một cái, và một miếng bát cơm lại sạch trơn.
Bọn đồng bộc trông thấy nói:
- Cha mẹ ơi, cái cổ họng của ngài có lẽ xây bằng gạch, mới vừa trơn, vừa mau như thế!
Đường Tăng chưa đọc xong một quyển kinh, Bát Giới đã xơi năm sáu bát rồi. Đến sau y mới cùng mọi người cầm đũa, cùng ăn cơm chay một lúc, vô luận cơm tẻ bánh bột, quả phẩm, thức ăn, chỉ chúi đầu vơ vét, đánh lem lẻm mà vẫn nheo nhéo:
- Lấy cơm thêm! Lấy cơm thêm!
Nhưng mãi không thấy ai mang lên.
Hành Giả kêu bảo:
- Hiền đệ, ăn đói một tí, chẳng còn hơn người ở hốc núi nhịn đói ư, cứ như đầy nửa ruột là tốt rồi.
Bát Giới nói:
- Rõ cái mặt! Thường có câu: “Cho sư ăn không no, chẳng thà đem chôn sống”.
Hành Giả nói:
- Cất dọn đồ vật đi, đừng đếm xỉa đến y nữa!
Hai ông già cúi mình nói:
- Chẳng nói giấu gì lão gia, giá ban ngày thì không ngại gì hết, cứ dạ dày to như ngài, cũng có thể mời được một trăm vị, chỉ vì ban đêm, lấy cả cơm chay nguội mới được một thùng, năm đấu gạo thổi cơm, sửa mấy món thức ăn, cần mời mấy ông hàng xóm và mấy nhà sư đến cúng lễ chứng quả cho, không ngờ các vị tới nơi, các sư sợ bỏ chạy, cả đến mấy ông hàng xóm cũng không dám sang, nên đem tận số cung kính các vị. Nếu chưa no sẽ đi thổi cơm nữa.
Bát Giới nói:
- Thổi nữa đi! Thổi nữa đi!
Nói xong, thu hết đồ vật bàn ghế lại.
Tam Tạng cúi mình, tạ ơn đã đãi cơm và hỏi:
- Lão thí chủ họ gì?
Ông già nói:
- Họ Trần.
Tam Tạng chắp tay nói:
- Thế ra ngài cùng họ với bần tăng.
Lão già nói:
- Lão gia cũng họ Trần?
Tam Tạng nói:
- Vâng, tục gia cũng họ Trần. Xin hỏi vừa rồi ngài làm chay có việc gì?
Bát Giới cười nói:
- Sư phụ hỏi ông ấy làm gì, há lại không biết tất nhiên là “chay cầu lúa tốt”, “chay cầu bình yên”, “chay độ người chết” chứ còn để làm gì nữa!
Ông già nói:
- Không phải, không phải!
Tam Tạng lại hỏi:
- Thực là việc gì?
Ông già nói:
- Chúng tôi làm chay dự trước cho người chết.
Bát Giới cười lăn ra nói:
- Ông cụ thực không có mắt! Chúng tôi toàn là hạng đại vương nói dối bịp bợm người cả, tại sao cụ lại còn đưa những câu nói dối ấy ra bịp chúng tôi? Nhà sư còn chẳng biết việc chay tiêu hay sao? Chỉ có “chay dự gửi vào kho”, “chay dự điền hoàn” đời thuở nào lại có “làm chay dự chết” bao giờ? Nhà ta đây làm gì có người chết, còn độ vong cái gì?
Hành Giả nghe lời mừng thầm tự nhủ:
- Chú ngốc bây giờ cũng láu cá gớm!
Rồi nói với hai cụ già:
- Thưa hai cụ, người nhận lầm rồi, sao lại gọi là “làm chay dự độ vong trước”?
Cả hai ông già nghiêng mình nói:
- Các vị đi lấy kinh, sao không theo đường cái, lại quành đến chỗ chúng tôi làm gì?
Hành Giả nói:
- Vẫn đi theo đường cái, chỉ vì có con sông ngăn trở không sang qua được, nhân nghe thấy tiếng chuông trống mới tới nhà ta đây xin ngủ trọ.
Ông già nói:
- Các vị đến mé sông có thấy gì không?
Hành Giả nói:
- Chỉ thấy một cái bia đá, trên có ba chữ “Thông Thiên Hà”, dưới có mười chữ “rộng hơn tám trăm dặm, tự cổ ít người qua” ngoài ra không có gì nữa.
Ông già nói:
- Đi quá lên mé trên một ít, cách chỗ cái bia chỉ độ một dặm, có một tòa miếu “Linh Cảm đại vương”, ngài không trông thấy ư?
Hành Giả nói:
- Không trông thấy, xin cụ nói cho biết “Linh Cảm đại vương” là thế nào?
Cả hai cụ già kia đều rỏ nước mắt nói:
Cảm ứng một phương xây miếu vũ,
Oanh linh muôn dặm giúp lê dân.
Năm năm trên xóm ơn mua móc,
Tháng tháng trong thôn hướng khánh vân.
Hành Giả nói:
- Mưa nước ngọt, hiện mây thiêng, cũng là tốt lành chứ, sao các cụ còn lo âu phiền não?
Mấy ông già vỗ ngực dậm chân giọng đau khổ:
- Lão già ơi:
Tuy có ơn sâu nhưng oán nặng
Từ tâm song vẫn hại nhân dân
Vị đòi ăn thịt trai cùng gái,
Chẳng phải anh linh vị chính thần.
Hành Giả nói:
- Đòi ăn thịt trẻ con, con trai, con gái ư?
Ông già nói:
- Thưa vâng!
Hành Giả nói:
- Có lẽ đến lượt nhà ngài hay sao?
Ông già nói:
- Năm nay đến lượt nhà tôi. Nơi chúng tôi đây, có một trăm nhà ở. Chỗ này thuộc sự quản hạt huyện Nguyên Hội nước Xa Trì, gọi là Trần Gia Trang. Vị đại vương ấy mỗi năm một lần tế lễ, phải có một đồng nam, một đồng nữ, lợn dê xôi rượu đem cúng hiến ông ấy xơi một bữa no, mới phù hộ cho gió hòa mưa thuận, nếu không cũng lễ, sẽ trả tai trả vạ ngay.
Hành Giả nói:
- Nhà ta đây có bao nhiêu em bé?
Ông già vuốt bụng nói:
- Xót xa! Xót xa! Hỏi đến con cái chúng tôi hổ thẹn đến chết! Ông này là em ruột tôi, tên gọi Trần Thanh; già này tên gọi Trần Trừng. Tôi năm nay sáu mươi ba tuổi, về đường con cái rất hiếm hoi. Ngoài năm mươi tuổi tôi vẫn chưa có con, anh em bè bạn khuyên tôi lấy vợ lẽ, thôi thì cũng đành lòng lấy người tiểu thiếp, may được mụn con gái, năm nay mới lên tám tuổi, đặt tên cho cháu là Nhất Xứng Kim.
Bát Giới nói:
- Tên quí hóa quá! Tại sao lại đặt là Nhất Xứng Kim?
Ông Già nói:
- Chỉ vì đường con cái khó nhọc, tôi phải làm một quyển sổ ghi chép những tiền cúng vào việc bắc cầu làm quán, xây tháp làm chùa, mời sư bố thí, năm lạng, ba lạng đều ghi rõ cả. Tính cho đến khi sinh cháu, đã dùng hết ba mươi cân vàng, ba mươi cân là một xứng, cho nên mới đặt tên cháu là Nhất Xứng Kim.
Hành Giả nói:
- Cụ này có em bé không?
Ông già nói:
- Chú cháu có một thằng cháu giai, cũng là con vợ bé, năm nay lên bảy, đặt tên là Trần Quan Bảo.
Hành Giả nói:
- Sao lại đặt tên thế?
Ông già nói:
- Nhà chúng tôi đây thờ đức Thánh Quan, nhân vì cầu khẩn đức Thánh Quan, sinh được thằng cháu này, cho nên mới đặt tên là Quan Bảo. Hai anh em chúng tôi đã một trăm hai mươi tuổi, chỉ có hai mụn con nối dõi, ngờ đâu lại đến lượt nhà chúng tôi phải sửa lễ. Chỉ vì không hiến không được, cho nên trong tình cha con, không cắt bỏ được, phải lập đàn chay siêu sinh cho con trẻ trước đi, nên gọi làm chay dự độ vong trước là vì vậy.
Tam Tạng nghe nói, không nén được nước mắt ròng ròng, nói:
- Thực đúng như người xưa đã nói: “Mơ vàng chưa rụng, mơ xanh rụng, tạo hóa ghen chi kẻ hiếm con?”!
Hành Giả cười nói:
- Để con hỏi lại xem. Thưa cụ, gia sản nhà ta đây tất cả có bao nhiêu?
Hai ông cụ nói:
- Cũng có đôi chút, ruộng cấy có bốn năm mươi khoảnh, ruộng màu có sáu bảy mươi khoảnh, đồng cỏ có tám chín mươi nơi, trâu bò có hai ba trăm con, lừa có hai ba mươi cỗ, lợn dê gà vịt vô số. Trong nhà lượng của ăn không hết, quần áo mặc có thừa, gia tài sản nghiệp kể cũng kha khá.
Hành Giả nói:
- Cái gia nghiệp cụ đây cũng nhờ ở sự chắt bóp của cụ mà gây nên.
Ông già lại nói:
- Sao lại bảo tôi chắt bóp?
Hành Giả nói:
- Đã có gia sản như thế, nỡ nào dứt tình để cho con phải đem dùng làm đồ tế lễ được? Cụ chi phí đi năm mươi lạng bạc, có thể mua được một đồng nam, kể cả số phí tổn vào đấy không tới hai trăm lạng, có phải cứu tính mạng được cho hai đứa con mình để nối dõi về sau, lại chẳng tốt ư?
Hai ông già sa nước mắt nói:
- Lão gia! Không biết đấy! Đại vương người rất là linh thiêng, người thường về nhà chúng tôi luôn.
Hành Giả nói:
- Y thường về nhà, vậy các cụ trông thấy mặt mũi y thế nào, dài ngắn ra sao?
Hai ông già nói:
- Không trông thấy hình dáng, hễ nghe thấy một trận gió thơm biết là đại vương gia gia đã đến, tức thì thắp hương đốt nến, già trẻ trông vào chiều gió lễ bái. Trong nhà chúng tôi, từ chổi cùn giẻ rách trở đi người thông suốt hết. Giờ sinh tháng đẻ các cháu đã ghi chép cả rồi. Cứ phải con chúng tôi đẻ ra, người mới nhận cho. Đừng nói hai ba trăm lạng bạc không mua được, ngay đến hai ba nghìn lạng cũng không chuốc đâu ra những đứa trẻ giống mặt và cùng năm sinh tháng đẻ như các cháu được.
Hành Giả nói:
- À ra thế đây! Thôi được, thôi được, cụ hãy cho em bé ra ngoài này xem nào.
Trần Thanh vội vã trở vào bế Quan Bảo ra.
Trẻ con có hay biết sống chết gì đâu, nhét đầy hai tay áo hoa quả, múa may nhảy nhót, vừa ăn vừa nô. Hành Giả trông thấy, lẳng lặng đọc thần chú, nhao người biến hóa, lập tức biến ngay ra một đứa trẻ giống Quan Bảo như đúc. Hai đứa trẻ con bá tay nhau, nhảy múa trước đèn. Ông già sợ hãi vội vàng quỳ xuống.
Đường Tăng nói:
- Lão gia, không dám thế dâu, không dám thế đâu!
Ông già nói:
- Vị lão gia này còn đương nói chuyện, thế mà biến ngay ra thằng cháu nhà tôi chẳng sai tí nào, gọi lên một tiếng, cùng thưa cùng đến, làm cho tôi giảm thọ, xin hiện lại bản tướng cho!
Hành Giả lấy tay vuốt mặt một cái, hiện rõ bản tướng như cũ. Ông già quỳ gối ở trước mặt nói:
- Lão gia vốn có tài năng đến thế kia ư?
Hành Giả cười nói:
- Có giống em nhà ta không?
Ông già nói:
- Giống! Giống! Giống! Quả nhiên mặt mũi giống nhau, tiếng nói giống nhau, quần áo như nhau, cao thấp như nhau.
Hành Giả nói:
- Người vẫn chưa xem kỹ, hãy để vào cân nhắc lên, xem có nặng như em không?
Ông già nói:
- Phải! Phải, phải, cũng nặng bằng nhau.
Hành Giả nói:
- Giống như thế đã làm được lễ cũng tế chưa?
Ông già nói:
- Rất tốt! Rất tốt! Làm đồ tế được!
Hành Giả nói:
- Hôm nay tôi sẽ thay thế tính mạng cho thằng bé này, để lưu hương khói cho nhà cụ, hãy khấn vái đại vương ấy đi.
Trần Thanh quỳ xuống đất đập đầu nói:
- Lão gia quả có lòng từ bi thay thế cho, tôi xin biếu một nghìn lạng bạc trắng, đề Đường lão gia dùng làm tiền ăn đường sang Tây Thiên.
Hành Giả nói:
- Thế không tạ ơn lão Tôn ư?
Ông già nói:
- Ngài đã đi tế, sẽ không còn nữa!
Hành Giả nói:
- Sao lại mất được?
Ông già nói:
- Bị đại vương ăn thịt mất.
Hành Giả nói:
- Nó dám ăn thịt tôi chăng?
Ông già nói:
- Dễ thường nó sợ tanh, không dám ăn thịt lão gia hẳn?
Hành Giả cười nói:
- Trăm sự nhờ trời! Ăn thịt tôi, tôi sẽ uổng mạng, nếu không ăn là may cho tôi. Tôi với cụ cùng đi tế.
Trần Thanh chỉ những dập đầu lễ bái, bằng lòng đưa thêm năm trăm lạng bạc nữa, riêng có Trần Trừng không lễ lạy, cũng không cảm ơn, chỉ ngồi dựa bình phong ngoài cửa kêu khóc.
Hành Giả biết thế, tiến lên đỡ dậy nói:
- Thưa cụ, cụ không cho tôi, không cảm ơn tôi, có lẽ cụ không nỡ dứt tình con gái cụ phải không?
Trần Trừng mới quỳ gói nói:
- Vâng, không dứt được! Được trông thịnh tình của lão gia, thằng bé cháu đã được thay thế rồi, nhưng già này không có con trai, chỉ có một mụn con gái, dứt làm sao được!
Hành Giả nói:
- Cụ cho thổi ngay năm đấu gạo cơm, sửa các món rau dưa cho tốt, để vị sư đệ mồm dài của tôi ăn, y sẽ biến ra con gái cụ, anh em chúng tôi cùng đi cúng lễ, quyết làm một việc âm chất, cứu lấy tính mạng các cháu nhà.
Bát Giới nghe thấy rất sợ nói:
- Thưa anh, anh muốn giở pháp thuật gì cứ giở, nhưng đừng gây cái chết cho tôi, kéo chằng tôi làm gì?
Hành Giả nói:
- Hiền đệ, thường có câu “Con gà không ăn không của ai”, chú với tôi đây, được người ta cho ăn tử tế, chú còn kêu ăn chưa no, tại sao thấy người ta hoạn nạn chú không cứu giúp?
Bát Giới nói:
- Thưa anh, công việc biến hóa, tôi lại không biết?
Hành Giả nói:
- Chú cũng có ba mươi sáu lối biến hóa, sao bảo không biết?
Tam Tạng nói:
- Ngộ Năng, sư huynh con nói rất phải, sách thường có câu “Cứu một mạng người, còn hơn xây tháp bảy từng”. Một là cảm tạ hậu tình, hai là tích chút âm đức, vả chăng đêm thanh rảnh việc, anh em chúng con đi chơi đùa một lúc.
Bát Giới nói:
- Anh xem sư phụ nói đấy, tôi chỉ biết biến ra núi, ra cây, ra tảng đá, ra voi ghẻ, ra trâu, ra người lớn béo phệ, chứ biến ra em gái bé, có phần khó khăn lắm.
Hành Giả nói:
- Cụ đừng tin chú ta, hãy cứ bế em bé ra đây!
Trần Trừng vội vào trong, bế em Nhất Xứng Kim ra nhà ngoài. Cả nhà, vợ cả vợ bé, bất kỳ người già người trẻ trong nhà, đều đi tới cúi đầu lễ bái, chỉ cầu cứu tính mạng đứa trẻ.
Đứa em bé gái đầu đội cái mũ thóp bát bảo thùy châu thêu hoa, trên mình vận một cái áo lụa màu hồng thêu kim tuyến, bên ngoài có một cái áo quàng khoác bằng đoạn màu quan lục cổ vuông bàn cờ, ngang lưng mặc một cái quần bằng lụa hoa hồng đại đóa, chân giận một đôi giày mõm nhái nõn gai đỏ, dưới chân xỏ đôi bít tất tơ màu vàng, cũng cầm hoa quả đương ăn.
Hành Giả nói:
- Bát Giới, em bé như thế đấy, chú biến ngay ra em đi, chúng ta cùng đi cúng lễ.
Bát Giới nói:
- Đỏm dáng xinh xắn thế kia, biến ra làm sao được?
Hành Giả nói:
- Mau lên! Muốn đòn hử?
Bát Giới hoảng sợ nói:
- Thưa anh, chớ có đánh, để tôi biến thử xem!
Chú ngốc miệng đọc thần chú, nhao đầu đi một cái, hô “biến” một tiếng, tức thì biến ngay ra một đứa trẻ mặt mũi cũng giống em Nhất Xứng Kim chỉ phải cái bụng thì to phệ, kềnh càng.
Hành Giả cười nói:
- Hãy biến lại!
Bát Giới nói:
- Anh có đánh cũng vậy, không biến được nữa, làm thế nào?
Hành Giả nói:
- Đầu không phải đầu trẻ em, mình vẫn là mình hòa thượng không phải trai cũng chẳng ra gái thì làm thế nào? Chú hãy bày cách lại đi!
Nói đoạn Hành Giả liền thổi một hơi tiên khí lên người Bát Giới, tức thì Bát Giới lại quay mình biến lại, thành giống đưa em gái kia như đúc. Liền bảo:
- Hai cụ già hãy đưa bảo quyến và hai cháu vào trong nhà, kẻo lát nữa, anh em chúng tôi sẽ đua tài rơ khéo, đưa nhau đi, thành ra khó nhận. Các cụ cầm đem hoa quả cho các em ăn, chớ nên để chúng khóc, sợ đại vương có khi biết ra, lộ mất công việc, để hai người chúng tôi đi chơi đây!
Đại thánh dặn dò Sa Tăng bảo hộ Đường Tăng:
- Tôi biến làm Trần Quần Bảo, Bát Giới biến làm Nhất Xứng Kim.
Hai người sửa soạn xong xuôi, Hành Giả lại hỏi:
- Cúng hiến phải làm thế nào? Có phải trói cả chân tay, hay là trói hai tay, có phải luộc chín hay lột da?
Bát Giới nói:
- Anh ơi, chớ có đùa tôi, tôi chẳng có thủ đoạn gì đâu!
Ông già nói:
- Không dám! Không dám! Chỉ việc lấy cái mâm sơn son, mời hai vị ngồi lên mâm, để mâm lên bàn, sai hai chú trai trẻ khiêng cái bàn, đưa các vị ra miếu.
Hành Giả nói:
- Tốt! Tốt! Tốt! Cho mang mâm ra đây để chúng tôi ngồi thử.
Hai ông già lấy ngay ra hai cái mâm son. Hành Giả cùng Bát Giới ngồi lên trên, bốn chú trai trẻ khiêng hai cái bàn, đi xuống dưới sân, rồi lại khiêng lên nhà để xuống.
Hành Giả vui vẻ nói:
- Bát Giới, chẳng kém gì nô đùa nhỉ? Chúng ta cũng là những vị hòa thượng ngồi trên mâm triện.
Bát Giới nói:
- Nếu mà cứ khiêng trở đi, lại khiêng trở về, cứ thế khiêng mãi đến sáng tôi cũng không sợ, chỉ ghê là họ khiêng vào trong miếu sẽ bị xơi đi, cái đó lại không phải nô đùa mất rồi.
Hành Giả nói:
- Chú cứ nhìn vào tôi, khi nào thấy nó ăn thịt tôi, chú sẽ chạy trốn đi.
Bát Giới nói:
- Biết nó ăn ra làm sao? Nếu như nó ăn đồng nam trước, tôi mới chạy thoát, nếu nó ăn đồng nữ trước, thì làm thế nào?
Ông già nói:
- Mấy năm trước, khi tế lễ, chúng tôi đây có những người lớn mật, nấp đằng sau miếu, hoặc ở dưới gậm bàn thờ, trông thấy ngài ăn thịt đồng nam trước, rồi mới ăn đến đồng nữ sau.
Bát Giới nói:
- May mắn! May mắn!
Anh em đương bàn luận, đã nghe thấy tiếng trống phách vang trời, đèn đuốc sáng quắc, mọi người trong thôn mở cửa ra gọi:
- Khiêng đồng nam, đồng nữ ra!
Mấy ông già kêu la khóc lóc, bốn người trai trẻ khiêng Hành Giả và Bát Giới đi ra!
Chưa biết tính mạng hai người ra sao, xem tới hồi sau sẽ rõ.

HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM

Ma nổi hàn phong sa tuyết lớn
Sư cần bái Phật giẫm băng dày
Những người thiện tín ở Trần Gia Trang, khiêng các thức lợn dê chè cùng Hành Giả, Bát Giới rầm rộ đựa đến bày biện ở miếu Linh Cảm. Đồng nam, đồng nữ đặt ở trên cùng.
Hành Giả quay đầu nhìn thấy trên bàn thờ có hương đèn nến, chính giữa đặt một cỗ bài vị chữ vàng trên viết “Thần Linh Cảm đại vương”, không có thần thượng tượng nào khác. Thiện tín đã bày biện xong, mọi người ngoảnh mặt vào khấu đầu khấn:
- Tâu đại vương gia gia, năm nay, tháng này, ngày này, giờ này, tế chủ ở Trần Gia Trang là bọn Trần Trừng và các Thiện tín kính tuân lệ làng, cung hiến một tên đồng nam là Trần Quan Bảo, một tên đồng nữ là Trần Nhất Xứng Kim, lợn dê rượu thịt đủ số, dâng lên đại vương hưởng dụng, phù hộ cho mưa hòa gió thuận, lúa tốt cau sai.
Khấn xong, đốt vàng mã, ai về nhà nấy.
Bát Giới thấy mọi người đi rồi, nói với Hành Giả:
- Chúng ta cũng về thôi chứ?
Hành Giả nói:
- Nhà chú ở chỗ nào?
Bát Giới nói:
- Về nhà ông già Trần đánh giấc.
Hành Giả nói:
- Chú Ngốc lại tán nhảm rồi! Đã nhận lời với người ta, phải làm cho người ta vừa ý mới được chứ!
Bát Giới nói:
- Anh chính là thằng ngốc, lại bảo tôi là thằng ngốc! Chỉ đánh lừa họ chơi thế thôi, cớ sao lại đi hiến mình làm lễ vật cho chúng ăn như vậy?
Hành Giả nói:
- Giúp người phải giúp đến cùng, nhất định ta phải đợi đại vương ma đến ăn thịt, mới là người toàn thủy toàn chung. Nếu không, chẳng hóa ra gieo tai gieo vạ cho họ, như thế không tốt.
Đương nói bỗng nghe thấy tiếng gió vun vút.
Bát Giới nói:
- Không tốt rồi, gió thổi là chuyện ấy đến đấy!
Hành Giả kêu dặn:
- Đừng nói nữa, mặc tôi đáp ứng!
Trong khoảnh khắc, một yêu ma đã đến ngoài cửa miếu. Hình dáng nó:
Khôi giáp toàn vàng nguyên mới mẻ,
Lưng đeo đai báu lộn mây hồng.
Cưa gang còn kém hàm răng nhọn,
Trăng sớm khôn bì cặp mắt trong.
Dưới gót ráng vàng bay bảng lảng,
Bên mình mù tía nóng bừng bừng,
Gió âm từng trận theo chân nối,
Sát khí bao tầng chỗ đứng nung…
Rõ vẻ đại môn thần trấn giữ,
Quyển Liêm phù giá mặt anh hùng.
Quái vật đứng chặn cửa miếu hỏi to:
- Năm nay nhà nào sửa lễ?
Hành Giả tủm tỉm cười trả lời:
- Ngài đã hỏi đến, nhà lềnh trong thôn là Trần Trừng và Trần Thanh.
Yêu quái thấy trả lời, trong lòng nghi hoặc nghĩ:
- Đồng nam này to gan, nói năng linh lợi. Những đứa thường đem đến cúng hiến, hỏi một tiếng không nói ra lời, hỏi tiếng nữa sợ bở vía, lấy tay sờ đã chết cứng rồi. Tại sao đồng nam năm nay thưa thốt rõ ràng làm vậy?...
Quái vật không dám đến bắt lại hỏi:
- Đồng nam đồng nữ tên gọi là gì?
Hành Giả cười nói:
- Đồng nam là Trần Quan Bảo, đồng nữ là Nhất Xứng Kim.
Quái vật nói:
- Lễ cúng này theo thể lệ năm trước, đã đem hiến cúng ta, ta sẽ ăn thịt chúng mi.
Hành Giả nói:
- Không dám kháng cự, mời ngài cứ xơi đi cho!
Quái vật nghe nói, càng không dám mó tới, đứng chặn cửa quát to:
- Mi đừng bẻm mép, những năm trước ta ăn thịt đồng nam trước, năm nay ta muốn ăn thịt đồng nữ trước.
Bát Giới phát hoảng nói:
- Đại vương cứ theo lệ cũ, không nên làm trái lệ!
Quái vật không để cho nói, quờ tay định bắt Bát Giới. Chú ngốc nhảy phịch xuống đất, hiện rõ bản tướng, quai đinh ba, bổ thẳng xuống, quái vật rụt tay lại, chạy ra đằng trước, bỗng nghe có tiếng đánh soạt một cái.
Bát Giới nói:
- Vỡ mai ra rồi!
Hành Giả cũng hiện rõ bản tướng nhìn xem, thì ra hai cái vảy cá, to như hai cái mâm băng, liền quát to:
- Đuổi theo!
Hai người nhảy lên trên không. quái vật vì đi ăn hội, nên không mang theo binh khí, tay không ở trên tầng mây hỏi:
- Các ngươi là hòa thượng ở đâu, đến đây dối người, phá hại hương quả của ta, làm phí thanh danh của ta?
Hành Giả nói:
- Số là quái vật khốn kiếp không biết, chúng ta là đồ đệ của vị thánh tăng Tam Tạng nước Đại Đường bên Đông Thổ khâm sai sang Tây Thiên lấy kinh, nhân đêm hôm qua ở trọ nhà họ Trần, nghe có yêu ma, giả hiệu Linh Cảm, hàng năm cứ bắt cúng đồng nam đồng nữ. Chúng ta là người từ thiện, muốn cứu vớt sinh linh nên đến đây bắt quái vật khốn kiếp nhà mi! Thế nào, cung thực ngay ra, mỗi năm ăn thịt hai đồng nam đồng nữ, mi ở chỗ nào mạo xưng đại vương đã bao nhiêu năm? Ăn hết bao nhiêu trai gái? Tính trả lại từng người cho ta, ta sẽ tha tội chết cho!
Quái vật nghe nói bỏ chạy, lại bị Bát Giới bổ theo một đinh ba, nhưng không trúng. Nó hóa ra một trận gió cuồng, trụt xuống sông Thông Thiên mất.
Hành Giả nói:
- Bất tất phải đuổi theo, nó chỉ là quái vật ở dưới sông.
Bát Giới y lời trở về trong miếu. Hai người khiêng hết bàn lợn dê rượu lễ đưa về nhà họ Trần.
Lúc bấy giờ Đường sư trưởng, Sa hòa thượng cùng anh em nhà họ Trần đương ngồi ở trong nhà ngóng tin, chợt nghe thấy hai người đưa các thức dê lợn về để cả ngoài sân.
Tam Tạng chạy ra hỏi:
- Ngộ Không, công việc tế lễ làm sao?
Hành Giả đem chuyện xưng danh đuổi quái vật tụt xuống dưới sông, nói lại một lượt. Hai ông già hết sức vui vẻ, liền sai quét dọn buồng khách, sửa soạn giường chiếu, mời bốn thầy trò đi nghỉ.
Lại nói yêu quái thoát khỏi chết, về đến dưới nước, ngồi ở trong cung, chẳng rằng chẳng nói.
Quyến thuộc già trẻ dưới nước đến hỏi:
- Mỗi năm đại vương đi hưởng tế, khi về vui vẻ, tại sao năm nay lại phiền não thế?
Yêu quái nói:
- Thường niên hưởng tế, còn mang được chút dư vật về để các người dùng, năm nay cả ta cũng không được miếng gì. Thật xúi quẩy, gặp ngay kẻ đối đầu, suýt nữa thì chết toi!
Bọn thủy tộc hỏi:
- Tâu đại vương, kẻ nào vậy?
Yêu quái nói:
- Hắn là đồ đệ vị thánh tăng nước Đại Đường bên Đông Thổ sang Tây Thiên bái Phật cầu kinh, biến ra trai gái giả, ngồi ở trong miếu, ta bị nó phát hiện rõ bản tướng, đánh một trận suýt nữa thì toi mạng. Từ trước ta vẫn nghe người ta nói Đường Tam Tạng là người tốt tu hành những mười đời, nếu ăn được một miếng thịt y sẽ được trường thọ. Không ngờ bọn thủ hạ y lại có những người như vậy. Ta bị họ hủy hoại thanh danh, triệt mất hương hỏa, định tâm muốn bắt Đường Tăng chỉ sợ không thể làm nổi thôi.
Trong bọn thủy tộc, một mụ Quyết Bà[57] áo vằn sặc sỡ, tiến ra ngập ngừng kính cẩn nói với yêu quái:
- Đại vương muốn bắt Đường Tăng, nào có khó gì, nhưng không biết bắt được y, đại vương có thưởng rượu thịt cho tôi không?
Yêu quái nói:
- Nếu nhà ngươi có mưu gì bắt được Đường Tăng, ta sẽ cùng ngươi kết làm em gái, ngồi ăn cùng một chiếu
Quyết Bà bái tạ nói:
- Vẫn biết đại vương có thần thông hô gió gọi mưa, có thế lực nghiêng sông dốc bể, không biết người có làm ra mưa tuyết được không?
Yêu quái nói:
- Có thể làm được.
Lại nói:
- Đã biết làm mưa tuyết vậy có thể làm giá đông lại được không?
Yêu quái nói:
- Càng làm được.
Quyết Bà vỗ tay cười nói:
- Thế thì rất dễ! Rất dễ!
Yêu quái nói:
- Cô hãy đem cái công việc rất dễ ấy nói cho tôi nghe.
Quyết Bà nói:
- Đêm hôm nay vào hồi canh ba, đại vương nên làm ngay phép ấy, không nên chậm trễ, thổi một trận gió lạnh, mưa một trận tuyết dày, sông Thông Thiên kết đông nước lại, những người biết biến hóa như chúng tôi, biến ra làm mấy người, cầm dù khoác đãy, quảy gánh đun xe, đi lại không biết ngớt bên trên nước đông, ở gần đầu đường. Đường Tăng đi lấy kinh nóng lòng sốt ruột, tất nhiên đi trên băng qua sông. đại vương. ngồi rình dưới lòng sông, hẽ nghe thấy tiếng chân đi, liền xé nước đông ra, cả bọn thầy trò họ sẽ chìm hết xuống đáy sông, như thế chỉ một loáng là ta tóm được cả.
Yêu quái nghe nói, lòng vui vẻ nói:
- Diệu kế! Diệu kế!
Liền ra khỏi thủy phủ, lên trên không, thổi gió làm mưa, kết hơi lạnh, đọng nước lại thành băng tuyết.
Bốn thầy trò trưởng lão, nghỉ ở nhà họ Trần, trời đã gần sáng, thầy trò chăn gối lạnh lùng. Bát Giới rét run cầm cập không ngủ được, kêu lên:
- Sư huynh ơi, rét lắm!
Hành Giả nói:
- Đồ ngốc nhà chú, không có chí to, người xuất gia nắng rét không phạm đến mình được, sao còn sợ lạnh?
Tam Tạng nói:
- Đồ đệ ạ, quả rét thực!
Cả thầy trò đều không ngủ được, choàng cả dậy, lấy quần áo mặc, mở cửa ra xem. Chà! Bên ngoài coi trắng xóa, nguyên là tuyết đã xuống rồi!
Hành Giả nói:
- Thảo nào mọi người kêu rét, té ra đại tuyết thế kia!
Bốn người cùng nhìn ra chỉ thấy:
Mây hồng tràn kín, gió mây rin rít gào trời, mù thảm đùn thêm, tuyết nặng lui phui ngập đất.
Thực là:
Sáu tầng hoa cánh cánh châu pha, nghìn rừng gỗ cây ngọc giát. Chốc thành phấn bột, lát hóa muối khô. Bạch anh kêu bạt tiếng, hạc trắng lông cánh rù.
…Chỉ thấy thôn xóm mấy nhà như bạc xếp, núi non muôn dặm tựa châu thêu. Bông liễu đầy cầu, ngư phủ bên cầu đeo áo khoác. Hoa lê lợp mái, dã ông dưới mái sưởi cây khô. Khách lạ khôn mua rượu, người hầu khó tìm mơ. Phất phới rập rờn, tung cánh bướm, rì rào ào ạt tóc lông ngan…
Trận mưa tuyết này, tầm tã, khác nào ngọc đứt bông bay, thầy trò ngắm nghía giờ lâu, đã thấy ông già nhà họ Trần sai hai người ở, đi trước quét mở đường và hai người bưng nước nóng rửa mặt đem ra. Một lát sau, lại đem ra nước trà nóng bánh sữa, bưng cả hỏa lò than đến! Mọi người lên cả nhà trên, thầy trò theo thứ tự ngồi chơi. Tam Tạng hỏi:
- Thưa lão thí chủ, thời tiết quý xứ đây, có chia ra xuân, hạ, thu, đông không nhỉ?
Trần lão cười nói:
- Ở đây là nơi hẻo lánh, phong tục và nhân vật, không được như bên thượng quốc, nhưng các việc cấy cày chăn nuôi, thì cũng trời đất ấy cả, có lẽ đây lại không chia ra bốn mùa.
Tam Tạng nói:
- Đã chia ra bốn mùa, làm sao bây giờ lại có tuyết lớn như vậy, giá lạnh như vậy?
Trần lão nói:
- Bây giờ tuy là tháng bảy, hôm qua đã sang tiết bạch lộ, thế là tiết tháng tám rồi. Ở chúng tôi đây hàng năm cứ đến tháng tám đã có sương tuyết.
Tam Tạng nói:
- So với bên Đông Thổ chúng tôi không giống tí nào cả. Ở bên chúng tôi mãi đến mùa đông mới có.
Đương khi trò chuyện, lại thấy người ở bên bày bàn ghế, mời ăn cháo. Ăn cháo xong mưa tuyết lại to hơn lúc sáng sớm, đất bằng chốc đã sâu hơn hai thước. Tam Tạng sốt ruột nhỏ lệ. Trần lão nói:
- Lão gia cứ yên tâm, chớ thấy tuyết sâu này lo ngại. Nhà chúng tôi còn ít lương thực, có thể cúng hiến thầy trò lão gia nửa đời.
Tam Tạng nói:
- Lão thí chủ không biết cái nỗi khổ của bần tăng. Hồi năm xưa tôi được thánh ơn ban xuống ý chỉ, bày đai giá thân tiễn chân tôi đi, chính ta vua Đường đã nâng chén tiễn biệt và hỏi: “Bao giờ sẽ trở về?” Bần tăng không biết có núi non hiểm trở, thuận miệng tâu trả lời: “Chỉ trong ba năm sẽ lấy kinh trở về”. Sau khi từ biệt, tới nay đã bảy tám năm trời, vẫn chưa được thấy mặt Phật, sợ sai mất hạn trên. Vả chăng lại sợ yêu ma hung mãnh, cho nên lòng lo lắng. Ngày nay có duyên, được nghỉ nhờ nhà ta đây, bọn ngu đồ đêm qua lại giúp được ơn nhỏ để báo đáp, thực tình tưởng mong cầu khẩn một cái thuyền chở qua sông, không dè trời giáng đại tuyết, đường sá mờ mịt, không biết bao giờ mới được thành công trở về đất cũ?
Trần lão nói:
- Lão gia cứ yên tâm, người cứ ở đây thêm mấy hôm nữa, chờ trời lạnh, băng tan sẽ đi, già này sẽ không ngại tổn phí, xin chu tất việc đưa lão gia qua sông.
Rồi lại thấy một người đã đến tiến cơm sáng. Cơm xong, ngồi chuyện hồi lâu, lại tiếp đến bữa trưa. Tam Tạng thấy thức ăn thịnh soạn, hết sức áy náy nói:
- Được cho ở lại, xin cứ cho ăn cơm thường.
Trần lão nói:
- Thưa lão gia, cảm công ơn ngài đã thế mạng cho, dù ngày nào cũng đặt tiệc thết đãi, vẫn chưa đền bù được.
Sau rồi tuyết lớn cũng tan, đã có người đi lại. Trần lão thấy Tam Tạng không được vui vẻ, lại cho sửa chốn vườn hoa, đốt lửa vào chậu lớn, mời vào nơi động tuyết chơi phiếm cho đỡ buồn.
Bát Giới cười nói:
- Ông cụ già không biết suy tính! Tháng hai tháng ba, mùa xuân mới chơi vườn hoa, trời mưa tuyết lạnh buốt, thưởng ngoạn cái gì chứ!
Hành Giả nói:
- Chú ngốc chẳng biết gì hết! Cảnh tuyết mới là u tĩnh. Một là đi chơi thưởng thức, hai là để sư phụ thư tâm một chút.
Trần lão nói:
- Chính thế! Chính thế!
Thế rồi mùa thu, phong quanh tháng chạp. Thông xanh đâm nhị ngọc, liễu cỗi kết hoa ngần. Rêu mọc dưới thềm đùn phấn vụn, tre xanh trước sổ trổ mầm ngà. Đá chạm đầu non; nhọn hoắt bày hàng măng trúc mọc. Dưới ao nuôi cá, trong veo làn nước đám băng trôi. Bờ suối phù dung phô sắc tía, bên sườn dâm bụt rủ cành non.
Trên vách treo mấy bức tranh đời xưa, là những bức:
Thất hiền qua cửa khuyết, Hàn Giang một người câu, dãy núi từng non phô cảnh tuyết. Tô Vũ nuốt lông chiên, bẻ cành mai gặp sứ giả, rừng quỳnh cây ngọc tả trời đông. Nói không hết chuyện. Nhà cạnh thủy đình mua cá rẻ, tuyết mờ lối tắt rượu khôn mua. Ngồi khềnh rung đùi thừa thú vị, suy đi hà tất phải Bồng Hồ!
Mọi người ngồi ngắm nhìn lâu, ngồi chơi trong động, nói chuyện việc lấy kinh với mấy ông già hàng xóm, cầm chén trà hương uống cạn.
Trần lão hỏi:
- Các vị lão gia, có xơi rượu không?
Tam Tạng bíu:
- Bần tăng không uống, bọn tiểu đồ uống được mấy chén rượu chay qua loa.
Trần lão rất mừng, liền sai:
- Lấy quả chay, hâm rượu lên để cùng các vị uống chống rét.
Các đồng bộc liền bày bàn đốt lò, cùng với hai ông già hàng xóm, mỗi người uống mấy chén rồi thu dọn đồ vật lại.
Bỗng chốc trời đã gần tối, lại mời về nhà trên ăn cơm chiều nghe thấy người đi lại ở ngoài đường ai cũng nói:
- Trời rét quá đỗi! Nước sông Thông Thiên đông cả lại rồi!
Tam Tạng nói:
- Ngộ Không, nước sông đông lại, chúng mình phải tính thế nào?
Trần lão nói:
- Gió lạnh bất thình lình, có lẽ những chỗ nông gần bờ sông, nước bị kết đám lại.
Những người đi đường nói:
- Cả tám trăm dặm nước đông lại chẳng khác gì mặt gương có người đi lại ở trên.
Tam Tạng nghe nói có người đi lại, muốn đi ra xem. Trần lão nói:
- Lão gia chớ vội! Hôm nay tối rồi, sáng mai sẽ đi.
Bèn từ biệt mấy ông hàng xó. Lại ăn cơm chiều xong, vẫn nghỉ ở trong phòng như trước.
Kịp đến sáng hôm sau, Bát Giới trở dậy nói;
- Sư huynh ạ, đêm nay lại càng lạnh, có lẽ nước sông đông chặt lại rồi.
Tam Tạng ra trước cửa chầu lên trời lễ bái nói;
- Các vị phù hộ giáo, đệ tử một niềm sang Tây, lòng thành bái Phật, trải bao núi sông khó nhọc, không dám một lời oán hận. Ngày nay đến đây, cảm thấy hoàng thiên bảo trợ, nước sông đông lại. Đệ tử lòng không, xin lấy đầu tạm làm lễ tạ, đợi khi lấy kinh trở vể, tâu lên vua Đường tận thành đền đáp.
Lễ bái xong, liền bảo Ngộ Tĩnh dắt ngựa, đi trên băng sang sông.
Trần lão lại nói:
- Chớ vội, đợi mấy ngày cho thuyết tan băng rữa, chúng tôi ở đây sẽ sắm sửa thuyền đò chở ngài đi.
Sa Tăng nói:
- Bảo rằng đi cũng không được, ở lại nữa cũng không xong, lời nói không có bằng cứ, trăm nghe không bằng một thấy. Tôi sẽ dắt ngựa, mời sư phụ đến tận nơi xem sao.
Trần lão nói:
- Nói thực chí lý!
Liền sai:
- Bọn nhỏ đâu, dắt ngay cho ta sáu con ngựa ra đây, đừng có dắt ngựa của Đường Tăng lão gia.
Đã có sáu người đầy tớ đi theo, một bọn người đi thẳng tới bờ sông xem xét. Thực là:
Tuyết đóng cao như núi, mây tan mới sáng ra. Lạnh đông ải, Sở nghìn non quanh, băng đọng sông hồ một giải xa. Gió may rin rít, tuyết nhoáng lập lòa. Cá ao núp rong kín, chim nổi quẩn góc nhà. Rụng ngón tay chinh phu ngoài cửa ải, đập hàm răng chú lái ngoài bãi sa…
Tam Tạng cùng mọi người đi đến bờ sông, dừng ngựa xem xét trên lối quả có người đi lại thực.
Tam Tạng nói:
- Thưa thí chủ, người đi lại ở trên băng kia, họ đi đâu thế?
Trần lão nói:
- Bên kia sông Tây Lương Nữ Quốc. Bọn người đó đều là những khách buôn bán cả. Những thức ở bên chúng tôi đáng trăm đồng, sang bên ấy đáng vạn đồng; những thức ở bên ấy đáng giá một trăm đồng, sang bên này cũng có thể đáng vạn đồng. Vốn ít lãi nhiều, cho nên người ta không quản ngại sống chết đi bừa. Thường thường họ cứ bảy người một thuyền, hoặc mười lăm người một thuyền, lênh đênh qua sông, hiện bây giờ nước sông đông lại, cho nên họ liều mạng đi bộ.
Tam Tạng nói:
- Việc đời chỉ có danh lợi là tối trọng, bọn họ chỉ vì lợi mà liều sống quên chết, đệ tử tôi vâng chỉ vẹn lòng trung, cũng chỉ vì danh, chẳng khác họ mấy tí!
Liền bảo:
- Ngộ Không, về ngày nhà thí chủ, thu thập hành lý, đóng yên cương ngựa, nhân lúc nước đông này, đi sang Tây Phương cho sớm.
Hành Giả tỉm tỉm vâng lời.
Sa Tăng nói:
- Sư phụ ạ, thường có câu “Nghìn ngày ăn hết nghìn thăng gạo”. Nay đã nhờ được Trần phủ đây, hãy ở mấy ngày nữa, đợi cho trời tạnh tuyết tan, làm cái thuyền mà qua sông. Sợ rằng trong lúc vội vàng hay lầm lỡ đấy.
Tam Tạng nói:
- Ngộ Tĩnh, sao mà lại ngu ngốc đến thế! Nếu là tháng giêng, hai, một ngày một ấm lên, mới có thể đợi cho nó tan. Bây giờ là tháng tám, một ngày một rét mãi xuống, đợi đến bao giờ cho tuyết tan, lại không lỡ cả hành trình một nửa năm ư?
Bát Giới ở trên ngựa nhảy xuống nói:
- Thôi mọi người đừng tán hão nữa, để lão Trư đi thử xem dày mỏng thế nào đã!
Hành Giả nói:
- Chú ngốc đêm trước thử nước còn lấy đá ném xuống, bây giờ nước đã đông đặc xịt, làm thế nào mà thử?
Bát Giới nói:
- Sư huynh không biết. Tôi lấy đinh ba bổ xuống, một cái nếu mà vỡ ra thì là băng mỏng, chớ có đi lên, ví bằng không vỡ thì là băng dày, sẽ đi qua được.
Tam Tạng nói:
- Phải đấy, nói có lý lắm!
Chú ngốc xắn áo rảo bước, đi tới bờ sông, hai tay quai đinh ba, hết sức bổ xuống một cái, chỉ thấy kêu đánh “sột” một tiếng, bắn lên chín mảnh trắng nhỏ, đau ê cả tay.
Chú ngốc cười nói:
- Đi được! Đi được! Rắn đến tận đáy sông!
Tam Tạng nghe nói, rất là mừng rỡ, cùng mọi người về nhà họ Trần, truyền bảo thu xếp lên đường. Mấy ông già nhà họ Trần giữ thế nào cũng không ở, vội vã sửa soạn một ít lương khô sao chín, rang làm một ít bánh khô tiễn chân. Người trong nhà cúi đầu làm lễ. Lại bưng ra một khay bạc vụn, quỳ ở trước mặt nói:
- Đội ơn nặng lão gia cứu sống con, xin kính dâng một chút gọi là bữa cơm dọc đường.
Tam Tạng xua tay lắc đầu, nhất định không nhận nói:
- Bần tăng là người xuất gia, dùng tiền làm gì? Đi dọc đường cũng không dám lấy ra. Xin nhận lương khô là đủ.
Hai ông già nói đi nói lại mãi. Hành Giả lấy đầu ngón tay nhúm lấy một khối nhỏ, nặng độ bốn năm đồng cân đưa cho Đường Tăng và nói:
- Sư phụ, để dùng làm tiền bố thí, không nên để phụ lòng hai cụ,
Hai bên chào nhau từ biệt thẳng tới bến sông nước đông, bước xuống, ngựa trượt chân một cái, xuýt nữa thì quẳng cả Tam Tạng xuống băng. Sa Tăng nói:
- Sư phụ ạ, khó đi lắm!
Bát Giới nói:
- Hãy khoan, hỏi lão quan Trần xin một bó rơm để tôi dùng có việc.
Hành Giả nói:
- Dùng rơm để làm gì?
Bát Giới nói:
- Anh biết thế nào được? Lấy rơm buộc vào móng chân ngựa thì nó mới không trượt, sư phụ mới khỏi ngã.
Trần lão ở trên bờ nghe tiếng, liền sai người về nhà lấy một bó rơm, mời Đường Tăng lên bờ xuống ngựa. Bát Giới lấy rơm bọc vào chân ngựa, sau mới đi lên trên băng.
Từ biệt Trần lão, rời khỏi bờ sông, đi chừng trên dưới ba bốn dặm. Bát Giới cầm gậy tích trượng chín vòng đưa cho Đường Tăng và nói:
- Sư phụ, xin cầm ngang gậy mà ngồi trên mình ngựa.
Hành Giả nói:
- Chú ngốc này man trá! Chính chú phải cầm tích trượng, làm sao lại đưa cho sư phụ giữ?
Bát Giới nói:
- Anh chưa đi qua băng hổng bao giờ, nên không hiểu. Phàm đi ở trên tuyết đông, tất nhiên có những chỗ hổng, thảng hoặc trượt chân xuống lỗ hổng, không có cái gì chắn ngang, lọt thỏm xuống dưới nước, sẽ như cái nồi đậy chặt vung, còn chui lên thế nào được nữa! Cần phải có cái ngáng như thế mới được.
Hành Giả cười thầm nói:
- Chú ngốc ngày là người đi trên băng đã lâu năm!
Quả nhiên ai cũng làm theo y. Đường Tăng cầm ngang cây tích trượng. Hành Giả cầm ngang cây gậy sắt, Sa Tăng cầm ngang cây đinh ba vào lưng, mấy thầy trò yên lòng đi lên. Đi mãi đến chiều, ăn lương khô rồi không dám ngừng cứ mải miết đi suốt cả đêm. Sáng ra ăn một chút lương khô, rồi tiến thẳng về Phương Tây.
Đương đi, bỗng nghe thấy một tiếng ầm kêu vang ở dưới đáy băng, con ngựa bạch sợ hãi suýt ngã kềnh ra.
Tam Tạng rất sợ nói:
- Đồ đệ ạ! Sao lại có tiếng kêu vang như vậy?
Bát Giới nói:
- Sông này băng kết thực là kiên cố, hổng đất kêu đấy, hoặc giả cái hổng ở giữa chừng thông với cái hổng dưới đáy bị tắc đấy chăng?
Tam Tạng nghe nói, nửa lo nửa mừng, giúc ngựa tiến bước đi sang,
Lại nói, yêu tà kia từ khi về đến thủy cung, dẫn bọn tinh rình ở dưới từng băng, chờ đợi đã lâu, bỗng nghe thấy có tiếng chân ngựa, y ở dưới hóa phép thần thông, băng tuyết ầm ầm ta ra. Tôn đại thánh hoảng sợ, nhảy lên trên không. Con ngựa bạch rơi xuống dưới đáy nước, ba người cũng đều chìm cả.
Yêu tà bắt được Tam Tạng, dẫn bọn tinh trở về thủ phủ, lên tiếng gọi to:
- Cô cả Quyết đâu?
Lão Quyết Bà đón ở trước cửa làm lễ nói:
- Tâu đại vương, không dám! Không dám!
Yêu Tà nói:
- Hiền muội sao lại nói thế “Một lời đã nói ra, ngựa tứ không đuổi kịp”, trước đây ta có nói nghe theo kế của cô mà bắt được Đường Tăng, ta sẽ nhận cô làm em gái ta. Ngày nay quả nên diệu kế, bắt được Đường Tăng rồi, lẽ đâu lại quên lời nói trước?
Bèn truyền lệnh ngay:
- Bọn nhỏ đâu, khiêng bàn ghế ra, mài dao cho sắc, bắt hòa thượng kia mổ bụng moi tim, lột da, xẻo thịt, một mặt thì tấu nhạc, để ta cùng với hiền muội ăn thịt Đường Tăng cho được trường thọ.
Quyết Bà nói:
- Hãy khoan ăn thịt y đã, sợ lũ đồ đệ của y đến đây đòi hỏi. Cố đợi mấy ngày, hễ bọn chúng không đến tìm, sẽ làm thịt ăn, mời đại vương ngồi lên trên, cả quyến thuộc hầu chung quanh, đàn địch múa hát, ung dung ăn uống, lại chẳng tốt sao?
Yêu quái y lời, đem Đường Tăng giấu ở sau cung, bỏ vào trong hòm đá dài sáu thước, đậy chặt nắp lại.
Bát Giới, Sa Tăng mò được hành lý ở dưới nước, để lên mình ngựa bạch, rẽ lối nước ra, vượt sóng phá vòng đội nước nhoai lên. Hành Giả ở trên lưng chừng trời trông thấy liền hỏi:
- Sư phụ đâu?
Bát Giới nói:
- Sư phụ họ “Trần” tên là “Đến đáy” rồi! Hiện nay không biết đâu mà tìm, hãy lên trên bờ, sẽ liệu sau.
Nguyên Bát Giới xưa là Thiên Bồng nguyên súy xuống trần, trước cai quản tám vạn thủy binh ở sông Thiên Hà. Sa hòa thượng xuất hiện ở sông Lưu Sa, ngựa bạch long là Long Tôn ở Tây Hải, cho nên đều quen đi nước cả.
Đại thánh ở trên không chỉ dẫn. Giây phút, trở về cả bờ sông bên đông, chải chuốt ngựa bạch, vắt qua quần áo, đại thánh ở trên mây bước xuống, cùng về cả Trần gia trang, đã có người báo với hai ông già.
- Bốn vị lão gia lấy kinh, bây giờ chỉ có ba vị trở lại thôi.
Anh em vội vàng ra cửa đón tiếp, trông thấy mọi người quần áo còn ướt, bèn hỏi:
- Các vị lão gia, chúng tôi cố ý lưu lại, không chịu ở cho, để đến nỗi thế này! Tại sao lại không thấy Tam Tạng lão gia?
Bát Giới nói:
- Đừng gọi là Tam Tạng nữa, sư phụ tôi đã đổi tên là “Trần đến đáy” rồi.
Hai ông già sa nước mắt nói:
- Thương ôi! Thương ôi! Chúng tôi đã nói đợi khi tuyết tan sẽ lấy thuyền chở sang, lại khăng khăng không nghe, đến nỗi mất mạng!
Hành Giả nói:
- Thưa các cụ, đừng có lo thay cho cố nhân. Sư phụ chúng tôi thế nào cũng không chết, còn sống lâu. Lão Tôn biết rồi, quyết nhiên là Linh Cảm đại vương kia làm phép lập mưu đấy thôi. Cụ cứ yên tâm, hong hộ quần áo, phơi giúp quan văn, cắt cỏ cho ngựa bạch ăn, để anh em chúng tôi đi tìm thằng cha đó cứu sư phụ ra, cắt cỏ nhổ rễ cho kỳ được, trừ mối lo về sau, giúp cho mọi người trong trang, ngõ hầu mới được bình yên lâu dài.
Trần lão nghe nói, hết sức vui mừng, liền sai sửa soạn cơm chay.
Ba anh em ăn một bữa no, đem hành lý và ngựa giao cho nhà họ Trần coi giữ, rồi mang binh khí đi đến bên sông bắt quái.
Chưa biết làm thế nào cứu được Đường Tăng, xem tới hồi sau sẽ rõ.

HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN

Chìm đáy sông, Đường Tăng gặp nạn
Hiện làn cá, Bồ Tát trừ tai
Đại thánh cùng Bát Giới, Sa Tăng cáo từ Trần lão, ra đến bờ sông nói:
- Anh em, hai chú bàn định xem, người nào nên xuống nước trước?
Bát Giới nói:
- Anh ạ, thủ đoạn hai chúng tôi chẳng ra thế nào, anh nên xuống trước xem.
Hành Giả nói:
- Chẳng giấu gì các chú, nếu là yêu tinh ở trên núi, không cần phải các chú tốn công. Nhưng đây là việc dưới nước, tôi làm không được. Ví bằng xuống bể, qua sông, tôi phải cầm quyết tránh nước, hay biến thành ra giống tôm cua mới qua được. Mà tay đã phải nắm quyết thì không cầm được gậy, không hóa pháp thần thông, đánh sao được yêu quái? Tôi vẫn biết các chú là những người quen việc dưới nước, cho nên mới cần hai chú xuống.
Sa Tăng nói:
- Tiểu đệ tuy xuống được, nhưng không biết đáy nước ra làm sao. Tất cả chúng ta cùng đi. Anh sẽ biến ra hình dạng gì đó, hay là để tôi cõng anh đi, rẽ nước ra, tìm đến sào huyệt yêu quái, rồi anh vào trước dò xét. Nếu sư phụ vẫn còn ở trong đó, chúng ta mới hết sức đánh dẹp; giả sử không phải yêu quái hóa phép. Sư phụ chết đuối rồi, hoặc đã bị yêu tinh thịt mất, chúng ta không cần phải khổ công, sớm sớm tìm đường kiếm nẻo chứ?
Hành Giả nói:
- Phải lắm, vậy chú nào cõng tôi?
Bát Giới mừng thầm nghĩ:
- Con khỉ này không biết đã bao nhiêu lần chơi khăm mình, lần này vì không biết việc dưới nước, để lão Trư cõng y, cũng sẽ chơi khăm cho y một vố!
Chú ngốc bèn hi hí cười nói:
- Thưa anh, tôi cõng anh.
Hành Giả biết ý, tính sẽ liệu chiều đối phó, bèn nói:
- Được! Thế tốt, so với Ngộ Tĩnh chú cõng khỏe hơn.
Bát Giới cõng Hành Giả lên vai. Sa Tăng rẽ lối nước ra, mấy anh em cùng xuống sông Thông Thiên, đi ở dưới đáy nước trên dưới một trăm dặm. Bát Giới định chơi khăm Hành Giả, Hành Giả liền nhổ một sợi lông tơ, biến làm mình giả, bám ở trên lưng Bát Giới, còn mình thì biến làm con rận lợn bám chặt vào mang tai Bát Giới.
Bát Giới đương đi, hốt nhiên trượt chân một cái, mượn đà quật đại thánh về đằng trước. Té ra cái thân giả ấy chỉ là sợ lông tơ biến ra nên bay vù đi luôn, mất tăm mất tích.
Sa Tăng nói:
- Anh hai, làm trò gì thế? Không chịu tử tế, lại ngã lăn ra bùn, thế là xong chuyện, quăng anh cả không biết trôi đi đằng nào mất rồi?
Bát Giới nói:
- Con khỉ ấy không chịu được ngã, vừa ngã một cái là đã hóa liền. Chú em ạ, ta không cần đếm xỉa đến cái sống chết của hắn nữa, chú và tôi hãy đi tìm sư phụ.
Sa Tăng nói:
- Không được, phải đi tìm được đại huynh về. Anh ấy dù không biết tính của nước, nhưng khôn khéo hơn chúng ta, nếu không tìm được về, tôi sẽ không đi với anh nữa.
Hành Giả ở mang tai Bát Giới, nhịn không được quát to lên bảo:
- Ngộ Tĩnh, lão Tôn ở trong này rồi!
Sa Tăng nghe tiếng cười nói:
- Được rồi, anh ngốc thế mới chết! Tại sao anh lại chơi khăm anh ấy thế? Bây giờ chỉ nghe thấy tiếng không trông thấy người, biết làm thế nào?
Bát Giới hoảng sợ quỳ xuống đống bùn nói
- Anh ơi, tôi đã không phải, chờ khi nào cứu được sư phụ, lên tới bờ sẽ tạ tội. Anh nói ở chỗ nào thế, làm tôi phải khiếp chết! Xin anh hãy hiện ra nguyên thân, để tôi cõng đi, không dám xúc phạm đến anh nữa.
Hành Giả nói:
- Nếu chí chịu cõng tôi đi, tôi không chòng chú nữa, chú đi luôn! Đi luôn!
Chú ngốc luôn miệng cười nói câu tạ tội, rồi nhổm người đứng dậy, đi với Sa Tăng.
Lại đi tới trên dưới một trăm dặm nữa, chợt ngửng đầu trông thấy một tòa lâu đài, trên có mấy chữ đại tự “Tòa Nhà Thủy Nguyên”.
Sa Tăng nói:
- Chắc nơi đó là chỗ ở của yêu tinh, hai chúng tôi không biết hư thực, làm thế nào tới cửa thách đánh được?
Hành Giả nói:
- Ngộ Tĩnh, bên trong, bên ngoài cửa có nước không?
Sa Tăng nói:
- Không có nước.
Hành Giả nói:
- Nếu không có nước, các chú hãy ẩn náu quanh đây, để lão Tôn đi nghe ngóng xem sao.
Đại thánh nhoài người ra khỏi mang tai Bát Giới, lại nhao mình biến ra một con tôm cái dài còng, nhảy hai ba cái vào bên trong cửa, mở to mắt nhìn, thấy yêu quái ngồi ở bên trên, bọn thủy tộc xếp hàng hai bên, có mụ Quyết Bà áo vàng sặc sỡ ngồi ở bên cạnh đang bàn chuyện ăn thịt Đường Tăng. Hành Giả để ý, tìm kiếm hai bên không thấy Đường Tăng đâu. Chợt trông thấy một con tôm càng bụng phệ vừa đi thẳng đến hành lang bên tây rồi đứng lại.
Hành Giả nhảy đến trước, cung kính nói:
- Thưa mẹ, đại vương đương bàn bạc với mọi người định ăn thịt Đường Tăng, vậy thì Đường Tăng ở đâu?
Tôm Bà nói:
- Đường Tăng bị đại vương hạ tuyết đông lại, hôm qua đã bắt về nhốt ở trong hòm đá nơi đằng sau cung, đợi đến ngày mai, bọn đồ đệ không đến đòi hỏi, ta sẽ tấu nhạc đánh chén.
Hành Giả nghe xong, đứng nói tào lao một lúc rồi lần mò đến sau cung xem, quả thật có một cái hòm đá, tựa như cái cũi chuồng lợn, lại cũng tựa như cỗ quan tài, dài độ trên dưới sáu thước, liền nằm phục ở trên nắp, nghe ngóng một hồi, thì thấy Tam Tạng đương hu hu khóc lóc ở bên trong. Hành Giả không nói năng, vẫn lắng tai nghe thấy sư phụ bị đè nghiến răng, đặng một tiếng và nói:
Giận số Giang Lưu lắm tội khiên,
Cái đời nạn nước thật liên miên.
Nổi chìm ngày lúc ra lòng mẹ,
Đắm đuối từ khi bái Phật Thiền.
Thoát nạn đắm đò qua Hắc Thủy,
Gặp tai băng lở xuống hoàng tuyền.
Biết rằng đồ đệ hay không nhỉ,
Lấy được chân kinh trở gót tiên?
Hành Giả nhịn không được gọi nói:
- Sư phụ chớ oán hận, Kinh thủy tai có câu: “Thổ là mẹ ngũ hành, thủy là nguồn ngũ hành, không có thổ không sinh, không có thủy không lớn”; lão Tôn đã đến đây!
Tam Tạng nghe đoạn nói:
- Đồ đệ ơi, cứu ta với!
Hành Giả nói:
- Thầy cứ yên tâm, chờ chúng con bắt được yêu tinh khắc thầy thoát nạn.
Tam Tạng nói:
- Làm mau mau việc đi, chậm một ngày nữa, ta sẽ chết ngạt mất!
Hành Giả nói:
- Không hề chi! Không hề chi! Con đi đây!
Vội quay đầu nhảy ra bên ngoài, lên khỏi cửa, hiện rõ nguyên thân gọi:
- Bát Giới!
Chú ngốc và Sa Tăng đến gần hỏi:
- Thưa anh, thế nào?
Hành Giả nói:
- Đúng là quái ấy đã đánh lừa sư phụ, sư phụ chưa bị hại, quái vật đem nhốt người vào trong hòm đá. Hai chú đi ngay khiêu chiến, để tôi ra khỏi mặt nước. Nếu các chú bắt được nó thì cứ bắt, không bắt được, vờ giả cách thua, dẫn nó ra khỏi nước để tôi đánh nó.
Sa Tăng nói:
- Anh cứ yên tâm đi trước, để bọn tiểu đệ chúng tôi xem mặt đặt tên cho nó.
Hành Giả cầm quyết tránh nước, chui từ dưới sông lên, đứng ở bờ sông chờ đợi.
Trư Bát Giới hành hung đến trước cửa lên tiếng gọi to:
- Yêu quái khốn kiếp! Đưa sư phụ ta ra đây!
Tiểu yêu ở cửa, sợ hãi vội vào báo:
- Tâu đại vương, ngoài cửa có người đến đòi sư phụ.
Yêu quái nói:
- Đấy tất là bọn hòa thượng khốn kiếp đã tới!
Liền truyền lệnh:
- Đem áo giáp và binh khí ra đây.
Bọn tiểu yêu vội vàng mang đến. Yêu quái ăn vận chỉnh tề, cầm binh khí ở tay, rồi sai mở cửa, đi ra bên ngoài.
Bát Giới và Sa Tăng đứng sắp hàng ở hai bên, trông xem yêu tà ăn vận thế nào. quái vật thật đỏm dáng:
Đầu đội kim khôi lấp loáng, mình mang áo giáp đỏ lòe. Lưng quàng đai báu trùm châu biếc, chận dận giày thêu lắm vẻ kỳ. Sống mũi nhô cao như núi nhọn, thiên đình rộng nở tựa rồng che. Miệng ngậm một cành răm xanh nõn, tay cầm chùy chín rẻ đỏ hoe. Quát to một tiếng mở toang cửa, như sấm đầu xuân vang bốn bề. Dung mạo thế kia đời ít có, xưng là Linh Hiển đại vương Uy.
Yêu quái đi ra khỏi cửa, có một trăm tiểu yêu theo sau, đứa nào đứa nấy múa gươm giơ giáo, đứng làm hai đội. Nó quát bảo Bát Giới:
- Mi là hòa thượng chùa nào, sao lại đến đây nói láo?
Bát Giới quát mắng:
- Ta truyền cho cái giống vật khốn kiếp trời đánh kia! Đêm hôm trước mi đã giáp mặt ta, hôm nay sao còn vờ không biết, đến hỏi ta. Ta nguyên là đồ đệ vị thánh tăng nước Đại Đường bên Đông Thổ, sang Tây Thiên bái Phật cầu kinh. Mi làm trò hão huyền, mạo xưng là Linh Cảm đại vương gì đó, chuyên ăn thịt đồng nam đồng nữ ở Trần Gia Trang; ta vốn là Nhất Xứng Kim của nhà Trần Thanh, mi sao không nhận được ta?
Yêu quái nói:
- Cái đồ hòa thượng nhà mi, không biết nghĩa lý! Mi biến làm Nhất Xứng Kim, đã phạm tội mạo danh thay thế. Ta đã không ăn thịt mi, lại bị ni đánh bị thương ở tay và ở lưng. Ta đã nhường nhịn mi đến thế, sao mi còn lần đến đây làm gì?
Bát Giới nói:
- Mi đã nhường ta, cớ sao còn nổi gió lạnh, giáng đại tuyết làm nước đông lại, để hại sư phụ ta? Đưa ngay sư phụ ta ra đây, các việc sẽ xí xóa cả; hễ hé răng nói nửa tiếng không, mi hãy coi chừng ngọn đinh ba trong tay ta, quyết không tha mi!
Yêu Tà nghe đoạn, tủm tỉm cười nói:
- Hòa thượng này thật là dài lưỡi, khua môi múa mép, quả nhiên ta đã làm rét sa tuyết cho đông nước lại để bắt sư phụ mi, bây giờ mi lần tới cửa ta, nằng nặc đòi hỏi, chỉ lo lần này không như lần trước thôi! Hôm nọ vì ta đi sự hội, không mang theo binh khí, lỡ để mi đánh phải, hôm nay đây mi chớ có chạy, ta với mi đấu nhau ba hợp, nếu mi địch nổi ta ba hợp, ta sẽ trả sư phụ cho mi; bằng không ta ăn thịt cả mi luôn thể.
Bát Giới nói:
- Cu con ngoan quá, đúng như thế đấy! Nhìn kỹ cây ba đây!
Yêu Tà nói:
- A, ra mi vốn là hòa thượng xuất gia nửa đời nửa đoạn!
Bát Giới nói:
- Con ta quả có chút linh cảm, làm sao con biết ta nửa đời xuất gia?
Yêu Tà nói:
- Mi biết dùng đinh ba, có lẽ trước kia đi cuốc thuê cho người ta, lấy đinh ba trốn đi chứ gì?
Bát Giới nói:
- Con ơi đinh ba của bố, không phải thứ đinh ba cuốc đất. Con hãy xem:
Đúc kiểu móng rồng răng rất lớn,
Tráng vàng hình rắn vẻ thêm xinh.
Phải tay đối thủ như luồng gió,
Gặp mặt tương tri tựa lửa sinh.
Giúp đỡ thánh tăng trừ quỉ quái,
Qua đường Thiên trúc tróc yêu tinh.
Che kín trăng trời khi chiến đấu,
Tối tăm tinh đấu lúc giao tranh.
Cuốc đổ Thái sơn nghìn hổ sợ,
Giốc nghiêng bể cả vạn rồng kinh.
Dù mi có chút oai linh nữa,
Chín lỗ chui vào chịu bỏ mình!
Con yêu tà kia, khi nào chịu tin, quai chùy đồng đánh luôn vào đầu Bát Giới. Bát Giới đưa đinh ba ra đỡ và nói:
- Con vật khốn kiếp nhà mi, mi vốn là tà ma nửa đời, mới thành tinh!
Yêu quái nói:
- Cớ sao mi lại cho ta là nửa đời mới thành tinh?
Bát Giới nói:
- Mi biết đánh chùy đồng, tất nhiên mi đã kéo thuê bễ cho một hiệu thợ bạc nào đó, mi vớ được đánh cắp mang đi chứ gì!
Yêu quái nói:
- Cái này không phải hạng búa của thợ bạc. Mi coi:
Chín cánh kết thành hoa một đóa,
Cán trong ruột rỗng vạn năm xanh,
Vật phàm chớ có mang so sánh,
Tiên phẩm từ xưa đã nổi danh.
Màu xanh nhuộm tân Dao Trì xuống,
Chất trắng thơm từ giếng biếc sinh
Ta đã dày công tôi luyện được,
Bền hơn thép nhọn rất oai linh.
Gươm đao kiếm kích khôn bề thắng
Rìu búa mác đồng đố dám tranh.
Dù ngọn đinh ba kia có sắc,
Trùy đồng ra cũng đánh quằn đinh!
Sa Tăng thấy hai người nói lải nhải mãi, tức không chịu được đến gần quát to:
- Quái vật kia, đừng có nói hão! Người xưa có câu: “Nói miệng không, vô chứng cứ, có làm mới được hay”. Đừng có chạy, hãy nếm một trượng của ta.
Yêu quái đưa trùy đồng ra đỡ nói:
- Mi cũng là hòa thượng nửa xuất gia.
Sa Tăng nói:
- Sao mi lại biết?
Yêu ma nói:
- Cái khổ dạng của mi, y như một anh xay thóc xuất thân.
Sa Tăng nói:
- Tai sao mi bảo ta như người xay thóc?
Yêu Tà nói:
- Nếu mi không phải là người xay thóc, cớ sao mi lại biết dùng cái chàng xay.
Sa Tăng quát mắng:
- Cái giống nghiệt chướng nhà mi, chưa hề nhìn thấy:
Trên đời binh khí nhường này hiếm,
Bảo trượng nào ai đã biết danh?
Cung khuyết đưa ra không thấy bóng,
Gỗ tiên vân tốt rũa mài thành.
Bên ngoài nạm khảm màu loang loáng,
Trong đổ hoàng kim đượm khí lành.
Thuở trước đã từng bồi yến tiệc,
Giờ theo Tam Tạng lấy chân kinh.
Tây phương lối thẳm ai ngờ biết,
Thượng giới cung tiên lắm kẻ sành.
Tên gọi hàng yêu chân bảo trượng,
Đầu kia một nhát sẽ tan tinh.
Yêu quái không để cho Sa Tăng nói nữa, liền cùng hai người đánh nhau một trận dữ dội dưới đáy nước, mãi không phân được thua.
Trư Bát Giới liệu chừng không thể thắng nổi, đưa mắt nháy Sa Tăng, hai người giả cách thua trận, kéo lê binh khí chúi đầu chạy miết.
Quái vật hạ lệnh:
- Bọn nhỏ đâu, hãy đóng lại đây, để ta đuổi theo bọn chúng, bắt đem về giết thịt cho chúng bay ăn
Liền đó như gió tung lá nỏ, mưa dập hoa tàn, nó đuổi theo người ra khỏi mặt nước.
Tôn đại thánh ở bờ sông bên đông, mắt cứ đăm đăm, nhìn thế nước dưới lợi sông. Chợt thấy sóng nước dào cao, tiếng kêu ầm ĩ, Bát Giới ngảy lên bờ trước nói:
- Nó đến đấy! Nó đến đấy!
Sa Tăng cũng nhảy lên trên bờ nói:
- Nó đến đấy! Nó đến đấy!
Yêu Tà theo sau gọi:
- Chạy đường nào cho thoát?
Y vừa nhô đầu lên bị Hành Giả quát bảo:
- Hãy coi gậy ta!
Yêu quái né mình tránh qua, cầm chùy đồng đón đánh. Một kẻ dưới sông rẽ sóng, một người trên cạn ra oai.
Mới chưa được ba hợp, yêu quái đỡ không lại, ngụp một cái, lặn ngầm xuống dưới nước mất. Từ lúc ấy mặt sông lại gió yên sóng lặng.
Hành Giả lên trên gò cao nói:
- Các anh em mỏi mệt quá!
Sa Tăng nói:
- Anh ạ, yêu tinh này ở trên bờ thì không ra gì, nhưng ở dưới nước cũng có phần lợi hại! Tôi cùng nhị kha hai bên giáp công, mới đánh ngang với nó, vậy ta phải làm thế nào để cứu sư phụ bây giờ?
Hành Giả nói:
- Nên cẩn thận, kẻo nó hại mất sư phụ.
Bát Giới nói:
- Anh ạ, lần này tôi cứ dụ cho nó ra, anh đừng lên tiếng, cứ đợi ở trên không trung, lừa khi nó ở dưới nước nhô đầu lên, dùng miếng đong giã tỏi nhằm đầu nó mà đánh xuống một nhát dù nó không chết hẳn nhưng cũng bị đau ngất đi, bấy giờ lão Trư bồi thêm một ba, cho xong đời nó đi.
Hành Giả nói:
- Phải đấy! Phải đấy! Thế gọi là “trong đánh ra ngoài đánh vào” mới xong việc được.
Hai người lại nhảy xuống nước.
Yêu Tinh kia thua trận chạy trốn, về đến địa viện, bọn yêu tiếp vào trong cung, Quyết Bà tiến lên hỏi:
- Đại vương đuổi theo hai hòa thượng đó mãi đến tận đâu?
Yêu quái nói:
- Bọn hòa thượng đó hãy còn người nữa giúp sức. Hai người kia nhảy lên trên bờ, người giúp sức múa một cây gậy sắt đến đánh ta, ta tránh qua rồi mới giao chiến với hắn, cũng chẳng biết cái gậy của hắn nặng bao nhiêu cân, nhưng chùy đồng của ta không tài nào đỡ nổi. Đánh được ba hợp, ta bị thua trận chạy về đây.
Quyết Bà nói:
- Đại vương có nhớ tướng mạo người giúp sức ấy thế nào không?
Yêu Tà nói:
- Là một hòa thượng mặt lông lá, mồm lôi công, tai bẹp dí, sống mũi gẫy, mắt lửa, đồng tử vàng.
Quyết Bà nghe đoạn, miệng run lên cầm cập nói:
- Thưa đại vương, may mà ngài còn biết liệu trước đấy nên mới thoát tay y. Chứ chỉ ba hợp nữa, quyết nhiên không sống được nào! Lão hòa thượng ấy tôi đã biết.
Yêu Tà nói:
- Cô biết hắn là người thế nào?
Quyết Bà nói:
- Thuở xưa tôi ở nơi Đông Dương đại hải, đã từng nghe thấy Lão long vương nói tới y, chính là vị Hỗn Nguyên Nhất Khí Thượng Phương Thái Ất kim tiên Mỹ Hầu vương Tề Thiên đại thánh, năm trăm năm trước đây đã đại náo thiên cung, ngày nay quy y Phật Giáo, bảo hộ Đường Tăng sang Tây Thiên lấy kinh, đổi tên là Tôn Ngộ Không Hành Giả. Y thực thần thông quảng đại, biến hóa nhiều bề. Đại vương sao lại gây chuyện với y, từ sau chớ có đánh nhau với người ấy.
Nói chưa dứt lời, đã thấy bọn tiểu yêu ở ngoài cửa chạy vào bảo:
- Tâu đại vương, hai hòa thượng lại đến ngoài cửa đòi đánh.
Yêu quái nói:
- Kiến thức hiền muội rất cao, ta không ra nữa, xem y làm gì?
Vội vàng truyền lệnh:
- Bọn nhỏ đâu, đóng chặt cửa lại, “kệ anh kêu ngoài cửa, nhất định không mở ra”. Mặc họ chờ lằng nhằng mấy hôm, lúc nào chán nản bỏ về, chúng mình sẽ ung dung ăn thịt Đường Tăng.
Hết thẩy bọn tiểu yêu đều đi khuân đá đổ đất chặn chặt lấy cửa.
Bát Giới và Sa Tăng gọi mãi không thấy yêu tà ra, chú ngốc nóng lòng bèn vác đinh ba bổ vào cửa. Cửa đóng chặt lại rất kiên cố, không tài nào phá vỡ, Bát Giới bổ luôn bảy tám nhát, một cánh cửa mở toang ra, ở trong đều là những tảng đá khối, cao ngút nghìn tầng.
Sa Tăng trông thấy nói:
- Anh hai ạ, yêu quái sợ hãi lắm rồi, đóng cửa không dám ra. Tôi và anh hãy lên trên bờ sông, lại cùng với anh cả bàn tính xem sao.
Bát Giới theo lời trở về bờ sông.
Hành Giả ở trên lưng chừng chờ đợi. Nhìn thấy hai người đi lên, không thấy yêu tinh, Hành Giả liền ở trên mây bước xuống đón ở bờ sông hỏi:
- Anh em, quái vật sao không thấy lên?
Sa Tăng nói:
- Quái vật đóng chặt cửa lại, không dám ra nữa. Anh hai đánh vỡ cửa ra xem thì ra nó lấy đất đá vít chặt lấy cửa rất chắc chắn, cho nên không đánh nhau được. Chúng tôi về bàn bạc với anh, anh phải tìm cách nào để cứu sư phụ.
Hành Giả nói:
- Như vậy cũng không có cách gì trị nó được. Hai chú cứ ở trên bờ sông đi tuần đừng để cho nó trốn đi nơi khác, đợi tôi về.
Bát Giới nói:
- Anh định đi đâu thế?
Hành Giả nói:
- Tôi lên Phổ Đà Nham lạy hỏi Bồ Tát, xem yêu quái kia xuất thân từ đâu, họ tên là gì, tìm đến tận tổ chấy nhà nó, nã hết gia thuộc, bắt cả lân bang nhà chúng nó, rồi sẽ trở về bắt yêu cứu sư phụ.
Bát Giới cười nói:
- Anh ạ, làm như vậy rối công rối việc, chậm trễ mất nhiều thời giờ.
Hành Giả nói:
- Đoan với các chú là không rối việc, không ngáng trở, tôi sẽ đi về ngay!
Hành Giả vội lên mây sáng, rời khỏi cửa sông, thẳng tới Nam Hải. Độ nửa giờ nhìn thấy Lạc Già sơn bèn hạ thấp từng mây, đi thẳng tới sườn núi Phổ Đà. Đã thấy cả chư thiên hai mươi bốn lộ, cùng thủ sơn đại thần, Mộc Xoa Hành Giả, Thiện Tài Đồng Tử, Phùng Châu Long Nữ, mọi người tiến lên, thi lễ chào hỏi:
- Đại thánh đi đâu?
Hành Giả nói:
- Có việc cần gặp Bồ Tát.
Các thần nói:
- Sáng hôm nay Bồ Tát ra động không cho ai theo, tự vào trong rừng trúc ngắm cảnh. Bồ Tát biết hôm nay thế nào đại thánh cũng đến đây, dặn bảo chúng tôi ở đây đón tiếp đại thánh, không được đến gặp. Mời người ngồi tạm ở Thủy Nham chờ đợi một lúc, đợi Bồ Tát ra.
Hành Giả y lời, chưa kịp ngồi xuống, đã thấy Thiện Tài Đồng Tử tiến lên thi lễ nói:
- Tôn đại thánh, trước nhờ thịnh ý, may được Bồ Tát quá thương thu lưu, sớm hôm không rời bên cạnh, hầu hạ ở dưới đài sen, rất được ngài mở lòng từ thiện.
Hành Giả biết là Hồng Hài Nhi bèn cười nói:
- Lúc bấy giờ chú bị ma nghiệt làm mê tâm, ngày nay được thành chính quả, mới biết lão Tôn là người tốt.
Hành Giả đợi lâu không thấy sốt ruột nói:
- Xin các vị truyền báo cho một tiếng, nếu chậm trễ, sợ hại đến tính mạng thầy tôi.
Chư thiên nói:
- Không dám vào báo, Bồ Tát đã dặn để người tự đi ra.
Hành Giả máu nóng, vội đứng dậy đi ra bên ngoài. Ôi!
Cái lão Mỹ Hầu vương, tính nóng lại láo xược. Chư thiên giữ không nghe, nhảy vào trong kỳ được. Rảo bước tới rừng sâu, nhìn trộm, đưa mắt ngước. Xa trông Cứu Khổ Tôn, ngồi xếp tre tan tác. Chẳng buồn dùng lược gương, dung nhan rất đĩnh đạc. Đương gỡ bối tơ vò, chưa hề đeo giải bạc. Không mặc áo bào lam, lót mình quàng quệch quạc. Quần gấm mặc trong người, để lộ trần đôi gót. Trắng muốt hai cánh tay giải thêu vai chẳng khoác. Tay ngọc cầm dao ngà, cật tre đương vót tước.
Hành Giả trông thấy, nhịn không được, lên tiếng kêu to:
- Bồ Tát, đệ tử Ngộ Không giốc lòng triều lễ.
Bồ Tát nói:
- Hãy đợi ở bên ngoài!
Hành Giả khấu đầu nói:
- Bồ Tát, sư phụ con mắc nạn, con tới đây lạy hỏi tông tích yêu quái ở Thông Thiên Hà.
Bồ Tát nói:
- Nhà ngươi hãy ra ngoài, ta sẽ ra ngay!
Hành Giả không dám cưỡng, đành phải đi ra rừng trúc nói với các vị chư thiên:
- Hôm nay Bồ Tát lại thu xếp việc nhà. Sao lại không ngồi trên đài sen, không trang sức, không vui vẻ, chẻ nan làm gì ở trong rừng?
Chư thiên nói:
- Chúng tôi cũng không biết, sáng nay ra động, không thấy người ăn vận, lại thấy người đi ngay vào trong rừng, dặn chúng tôi ở đây đợi tiếp đại thánh, tất nhiên có việc gì vì đại thánh đấy.
Hành Giả chẳng biết làm sao, đành phải chờ đợi.
Chẳng bao lâu đã thấy Bồ Tát ra, tay xách một cái làn đan bằng trúc tía nói:
- Ngộ Không, ta và nhà ngươi đi cứu Đường Tăng!
Hành Giả vội vàng quỳ xuống nói:
- Đệ tử không dám giục giã, mời Bồ Tát mặc áo lên tòa.
Bồ Tát nói:
- Không cần mặc áo, ta cứ thế này đi!
Bồ Tát rời khỏi chư thiền, cưỡi mây lành đi trên không trung. Tôn đại thánh đi theo sau.
Trong khoảnh khắc, đã đến trên sông Thông Thiên.
Bát Giới và Sa Tăng trông thấy nói:
- Sư huynh nóng tính, không biết làm nôn làm náo ở Nam Hải thế nào mà ép được một vị Bồ Tát chưa kịp ăn vận dẫn đến đây thế kia?
Nói chưa dứt lời, Bồ Tát và Hành Giả đã đến bờ sông.
Hai người sụp lạy nói:
- Bồ Tát, chúng con thiện tiện, có tội! Có tôi!
Bồ Tát cởi một sợi tơ thắt áo, buộc vào cái làn chắc chắn rồi cầm lấy sợi tơ, bước lên trên không, tủa xuống lòng sông, chảy đến khúc trên dừng lại, miệng đọc bài tụng:
- Chết trôi đi, sống ở lại! Chết trôi đi, sống ở lại!
Đọc xong bảy lần, nhắc cái làn lên, đã trông thấy một con cá vàng sáng nhoang nhoáng ở trong cái làn mắt vẫn nhấp nháy đuôi vẫn ve vẩy.
Bồ Tát gọi:
- Ngộ Không, lội ngay xuống sông cứu sư phụ ngươi lên!
Hành Giả nói:
- Chưa hề bắt được yêu tà, cứu làm sao được sư phụ?
Bồ Tát nói:
- Chẳng ở trong làn kia là gì?
Bát Giới và Sa Tăng bái lạy hỏi:
- Con cá này làm sao mà có thủ đoạn đến thế?
Bồ Tát nói:
- Y nguyên là con cá vàng ở trong ao sen của ta nuôi lớn. Ngày thường ngóc đầu nghe kinh, tu thành thủ đoạn. Cái cây chùy đồng chín cánh là một cành hoa dâm bụt chưa nở, bị nó vận luyện thành binh khí, không nhớ ngày nào đó, nước bể rẫy lên, tràn đến nơi đây. Sáng hôm sau ta ra xem hoa, không thấy nó ra chào lạy, bấm tay bắt độn, biết nó thành tinh ở đây, hại sư phụ nhà ngươi, cho nên không kịp điểm trang, phải vận thần thông, đan một cái làn bằng tre để bắt nó.
Hành Giả nói:
- Đã như vậy, xin Bồ Tát thư cho một lát, con sẽ đi gọi các thiện tín ở Trần Gia Trang đến xem kim nhan của Bồ Tát, một là để lưu ân, hai là để nói việc thu yêu, để cho người phàm có lòng cúng dạng.
Bồ Tát nói:
- Cũng được, nhà ngươi đi gọi ngay họ lại.
Bát Giới và Sa Tăng chạy cả vào trong trang, gọi to bảo:
- Ra cả đây mà xem vị Quan Âm Bồ Tát sống! Ra cả mà xem vị Quan Âm Bồ Tát sống.
Già trẻ trai gái trong trang ra cả bờ sông, cũng chẳng quản bùn lội, đều quỳ ở trước mặt, rạp đầu lễ bái, trong đó có mấy người thợ vẽ khéo, vẽ bức truyền thần. Sau đó Bồ Tát trở về Nam Hải.
Bát Giới và Sa Tăng rẽ lối nước ra, thẳng tới tòa nhà Thủy Nguyên, tìm sư phụ; bao nhiêu thủy quái, ngư tinh, giết cho kỳ hết, mới vào sau cung, mở nắp hòm đá, cõng Đường Tăng ra, vút qua sóng nước, lên đến bờ sông, ra mắt mọi người.
Anh em Trần Thanh cúi đầu tạ ơn nói:
- Lão gia không nghe chúng tôi khuyên can, phải khổ sở như thế.
Hành Giả nói:
- Bất tất phải nói nữa. Tất cả những nhà ở đây, từ sang năm trở đi không phải cúng lễ nữa, đại vương đó đã bị trừ tận gốc rồi, không bao giờ còn tác hại được nữa. Ông cụ Trần, bây giờ xin phiền cụ tìm ngay cho một chiếc thuyền, đưa chúng tôi sang qua sông.
Trần Thanh nói:
- Xin có, xin có!
Liền sai người xẻ gỗ đóng thuyền. Các trang khác hay được tin ấy, chẳng ai là không thích bỏ tiền ra. Người bày xin mua buồm cột; người kia xin sắm sào chèo, có người đưa dây chão, có người nhận thuê chân sào.
Đương khi mọi người ở bờ sông bàn tán, chợt nghe thấy ở giữa sông có tiếng gọi:
- Tôn đại thánh không cần phải đóng thuyền, làm phí tổn tiền nhà người ta. Tôi xin đưa thầy trò ngài qua sông.
Mọi người nghe nói, ai nấy sợ hãi, người nào nhát gan bỏ chạy về nhà, người nào lớn mật run cầm cập ở lại xem. Trong giây phút, một con yêu quái ở dưới nước ngóc lên. Hình thù nó:
Đầu vuông phải biết là thần vật, giúp chín linh cơ gọi thủy tiên. Đuôi quệt sống lâu trên vạn kỷ, thân chìm ẩn kín cả trăm xuyên. Sóng xô nước rẽ bờ sông tới, gió mát trăng trong ngủ bể rền. Nuốt khí ngậm hơi thành đạo cả, sống lâu rùa mốc tiếng lưu truyền.
Rùa già lại gọi:
- Đại thánh không phải đóng thuyền, tôi sẽ đưa thầy trò ngài ngang qua sông.
Hành Giả giơ gậy sắt lên nói:
- Ta truyền cho giống nghiệt súc nhà mi, hễ đến bờ sông ta sẽ cho một gậy chết toi.
Rùa nói:
- Tôi cảm ơn đại thánh, tình nguyện sẵn lòng đưa thầy trò ngài, tại sao ngài định đánh tôi?
Hành Giả nói:
- Có ơn huệ gì với nhà ngươi?
Rùa nói:
- Người không biết nếp nhà Thủy Nguyên ở dưới đáy nước, là nhà của tôi, từ mấy mươi đời này, tổ tiên lưu truyền đến đời tôi. Vì tôi nhớ đến nguồn gốc, nuôi thành khí thiêng, tu hành ở đây, nên đem nơi tổ tiên ở trước sửa chữa lại một loạt, dựng nên nếp nhà Thủy Nguyên ấy. Chín năm trước đây khi bể dâng nước rẫy, yêu quái kia theo nước triều đến tận cho này, cậy sức hung hăng, tranh giành với tôi. Tôi bị nó hại mất nhiều con cái, cướp mất rất nhiều quyến thuộc. Tôi đánh nhau với nó không lại, thế là nó cướp mất sào huyệt của tôi. Nay nhờ đại thánh đến đây cứu đỡ Đường sư phụ, mời đức Quan Âm Bồ Tát quét sạch yêu tà, bắt quái vật đi, tôi lấy lại được nhà cửa. Ngày nay nhà tôi già trẻ đoàn viên, khỏi phải nằm bùn rúc đất, được ở nhà cũ, ơn ấy cao như non Thái, rông tựa bể khơi. Vả chăng không những chúng tôi được đội ơn, mà cả những người ở trên trang, khỏi phải hàng năm cúng lễ, cứu sống được biết bao trai gái nhà người ta. Thế mới thực là công ơn “nhất cử nhi lưỡng đắc”, lẽ đâu không báo đáp!
Hành Giả nghe nói, trong bụng mừng thầm thu gậy sắt lại nói:
- Những lời nói có thực là chân tình không?
Rùa già nói:
- Vì ơn đức sâu rộng của đại thánh, đâu dám đơn sai?
Hành Giả nói:
- Nếu quả thực, ngươi hãy ngửa mặt lên trời khấn nguyện đi.
Rùa già mở cái miệng đỏ, ngửa mặt lên trời thề rằng:
- Nếu tôi quả tình không đưa Đường Tăng sang qua sông, thân tôi sẽ hóa ra máu và nước.
Hành Giả cười nói:
- Ngươi lên đây, ngươi lên đây!
Rùa mới đến gần bờ sông, vươn mình một cái, bò lên bờ sông, Mọi người đến gần nhìn xem, thấy một cái mai trắng lớn, chu vi có tới bốn trượng.
Hành Giả nói:
- Sư phụ, chúng ta trèo cả lên lưng hắn, qua sang bên kia.
Tam Tạng nói:
- Đồ đệ, băng dày tuyết đóng thế kia mà còn gặp tai nạn, huống hồ ngồi lên cái lưng con này sợ không ổn chăng?
Rùa già nói:
- Sư phụ yên tâm, lưng tôi so với băng dày tuyết đóng còn ổn hơn nhiều, nhưng nếu tôi trành mình một cái, sẽ không thành công quả!
Hành Giả nói:
- Sư phụ ạ, phàm các chúng sinh biết nói tiếng người, quyết không có nói dối.
Bèn truyền:
- Các chú em, dắt ngựa đến!
Đi đến bờ sông, già trẻ trai gái ở Trần Gia Trang đều ra tiễn chân.
Hành Giả bảo dắt ngựa lên mai rùa trắng, mời Đường Tăng đứng ở ngang cổ ngựa bên phải, Sa Tăng đứng bên hữu. Bát Giới đứng ở đằng sau ngựa, Hành Giả đừng ở đằng trước ngựa, lại sợ nói vô lễ, cởi sợi dây cương ngựa, một chân đứng ở trên mai, một chân giận lên trên đầu, ta cầm gậy sắt, một tay giữ dây cương, gọi to:
- Nhà ngươi từ từ đi sang, hễ trành mình một cái là ta đánh vào đầu một nhát.
Rùa nói:
- Không dám! Không dám!
Liền nhoài người bốn chân ra, bơi trên mặt nước, như đi đất bằng, mọi người đứng trên bờ sông, đều thắp hương cúi đầu, miệng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Thế mới thực chân la hán xuống trần, hoạt bồ tát xuất hiện. Mọi người lễ bái mãi đến khi không trông thấy mới về.
Sư phụ cưỡi trên rùa trắng, chỉ có một ngày, đã vượt qua sông Thông Thiên rộng tám trăm dặm, ráo tay khô chân lên bờ.
Tam Tạng lên bờ, chắp tay cảm ơn nói:
- Làm phiền rùa không có gì biếu, khi nào lấy kinh trở về sẽ tạ ơn người!
Rùa nói:
- Không dám làm phiền sư phụ cho gì! Tôi nghe nói Phật tổ bên Tây Thiên bất sinh bất diệt, biết được những việc quá khứ vị lai. Tôi ở chỗ này đã tu hành đủ hơn một nghìn ba trăm năm rồi, tuy sống lâu thân nhẹ nhàng, nói được tiếng người, nhưng không trút được xác cũ. Muốn nhờ sư phụ khi đến Tây Thiên hỏi Phật tổ một lời giùm tôi, xem rằng bao giờ tôi trút được vỏ cũ, thành ra thân người?
Tam Tạng nhận lời nói:
- Tôi sẽ hỏi, tôi sẽ hỏi!
Rùa mới lặn xuống, Hành Giả đỡ Đường Tăng lên ngựa, Bát Giới quảy hành lý, Sa Tăng đi đầu hai bên. Thầy trò tìm đường cái đi sang bên Tây. Thế mới là:
Thánh tăng vâng chí bái Di Đà
Nước thẳm non cao lắm nạn ma.
Ý chí tam thành không sợ chết,
Có rùa cõng vượt khỏi Thiên Hà.
Chưa biết sau này Đường Tăng còn đi dài ngắn thế nào, lành dữ ra sao, xem tới hồi sau sẽ rõ.