HỒI THỨ BA MƯƠI TÁM
Kim Mộc[50] thăm dò rõ thực hư
Từ lúc thái tử con vua nước Ô Kê từ giã đại thánh, một lúc sau về đến trong thành, không vào lối cửa triều, chẳng dám báo truyền chiếu tuyên triều, đi tuột đến cửa hậu tể, thấy mấy viên thái giám đương ngồi canh cửa ở đây. Trông thấy thái tử không ai dám ngăn cản, phải để cho vào. Thái tử, thúc ngựa một cái, chạy tuột vào trong, đi thẳng tới Cẩm hương đình, đã thấy chính cung nương nương ngồi ở trong đình, có mấy chục phi tần cầm quạt hầu ở hai bên. Nương nương ngồi tựa lan can nhỏ lệ. Tại sao người lại khóc? Nguyên do vào hồi trống canh tư, người có nằm thấy chiêm bao nhớ được một nửa còn một nửa thì lõm bõm, đang trầm ngâm nghĩ lại. Thái tử xuống ngựa, quì ở dưới đình nói:
- Thưa mẹ!
Nương nương gượng vui lên tiếng:
- Con ta! Mừng quá! Mừng quá! Hai ba năm nay con ở với phụ vương nơi tiền điện theo học, không được gặp mẹ, mẹ rất nhớ nhung. Hôm nay con làm gì được nhàn rỗi tới đây thăm mẹ? Thực vui vẻ quá sức, thực vui vẻ quá sức! Con ơi, sao tiếng nói của con có vẻ buồn thảm thế? Phụ vương con tuổi cao thân già, một ngày kia rồng về bể biếc, phượng tới trời hồng, con sẽ lên nối ngôi vua, còn có điều gì không vừa ý nữa!
Thái tử cúi đầu nói:
- Thưa mẹ, cho con hỏi: Ngồi trên ngôi báu là ai đó, xưng trẫm, xưng cô ấy kẻ nào?
Nương nương nghe đoạn nói:
- Thằng bé này hóa điên rồi! Hoàng đế là phụ vương con, sao con lại hỏi thế?
Thái tử cúi đẩu nói:
- Muôn trông mẹ tha tội cho con, con mới dám hỏi.
Nương nương nói:
- Mẹ con trong nhà, có tội gì? Tha cho con, tha cho con, nói ngay đi nào?
Thái tử nói:
- Thưa mẹ, con hỏi mẹ, việc vợ chồng ở trong cung, tình ân ái ba năm trước kia với ba năm hiện nay của phụ vương với mẹ có như nhau không?
Nương nương nghe nói, hồn xiêu phách lạc, vội bước xuống ôm chầm lấy con, ghì chặt vào lòng, mắt ứa lệ nói:
- Con ạ, mẹ con đã lâu ngày không gặp nhau, làm sao hôm nay con lại vào cung hỏi thế?
Thái tử phát cáu nói:
- Mẹ có thế nào cứ nói, nếu không nói sẽ lỡ cả việc lớn.
Nương nương liền cho mọi người lui ra, rơm rớm nước mắt khẽ nói:
- Việc ấy con không hỏi đến thì cho đến khi xuống dưới chín suối mẹ cũng không nghĩ đến đâu. Nay con đã hỏi thì:
Ba năm về trước tình êm ấm.
Mà mấy năm nay lạnh tựa băng,
Bên gối thiết tha thường hỏi nhỏ,
Người bảo già nua sức đã tàn.
Thái tử nghe lời, giật tay vùng ra, vịn yên nhảy lên ngựa.
Nương nương níu lại nói:
- Con ơi, con có việc gì thế, nói chưa hết lời đã vội đi?
Thái tử quì ở trước mặt mẹ nói:
- Thưa mẹ, không dám giấu. Sáng ngày hôm nay, được khâm sai mang ưng khuyển ra ngoài thành săn bắn, tình cờ gặp vị thánh tăng bên Đông Thổ đi lấy kinh, có người đồ đệ là Tôn Hành Giả, bắt yêu quái rất giỏi. Nguyên là phụ vương con bị chết ở trong giếng lưu ly bát giác tại vườn ngự uyển, lão toàn chân kia biến làm phụ vương giả, chiếm mất ngôi rồng; canh ba đêm hôm nay, phụ vương báo mộng, mời người vào thành tróc quái, con chưa dám tin hết cả mới về hỏi mẹ. Mẹ nói ra câu chuyện vừa rồi, tất nhiên nó là giống yêu tinh.
Nương nương nói:
- Con ạ, câu nói người ngoài, sao con đã vội tin là thực?
Thái tử nói:
- Con vẫn chưa dám cho là thực, nhưng phụ vương đã để lại cho người ấy một vật làm di tích.
Nương nương hỏi là vật gì, thái tử bèn lấy ngọc khuê trắng nạm vàng ở trong tay áo ra, đưa cho nương nương. Nương nương nhận được là của báu của quốc vương ngày trước, không ngăn được lệ tràn ra như suối, kêu lên:
- Chúa công ơi! Chúa công đi ba năm trường, tại sao không đến báo cho tôi, lại đi báo thánh tăng trước, báo thái tử sau?
Thái tử nói:
- Mẹ nói vậy là thế nào?
Nương nương nói:
- Con ạ vào hồi canh tư, mẹ cũng nằm chiêm bao thấy như vậy. Đương khi mẹ hồ nghi, may sao con lại đến nói chuyện, đưa cả bảo bối ra. Mẹ hãy thu lấy vật này, con đi mời vị thánh tăng ra tay ngay đi cho. Nếu quả trừ diệt yêu ma, hiện rõ tà chính, cũng là đền ơn dưỡng dục cho phụ vương con đấy!
Thái tử vội vàng lên ngựa, ra cửa hậu tể, lẻn rời khỏi thành trì. Thực là nuốt lệ cúi đầu từ quốc mẫu. Rập đầu ngậm thảm đáp Đường Tăng. Chẳng mấy chốc ra khỏi cửa thành, thẳng tới trước cửa chùa Bảo Lâm xuống ngựa. Quân sĩ đón tiếp thái tử. Lại thấy vừng hồng sắp lặn, thái tử truyền lệnh quân sĩ không được nhốn nháo, chỉ riêng một mình đi vào trong chùa sửa lại áo mũ, lạy mời Hành Giả. Lúc bấy giờ đại thánh oai vệ từ chính điện di ra.
Thái tử quì gối xuống nói:
- Thưa sư phụ, con đã đến!
Hành Giả tiến tới đỡ dậy nói:
- Xin hãy đứng lên, ngài về trong thành đã hỏi ai chưa?
Thái tử nói:
- Đã hỏi mẫu thân rồi!
Rồi đem những lời lẽ trước nói lại một lượt.
Hành Giả tủm tỉm cười nói:
- Không hề chi, không hề chi! Để lão Tôn và ngài sẽ quét sạch yêu quái, nhưng hiềm vì trời đã chiều, làm việc không tiện, ngài hãy về trước, sớm mai ta sẽ đến.
Thái tử quì xuống đất cúi lạy nói:
- Con ở luôn đây, chờ đến ngày mai, cùng về với sư phụ một lối.
Hành Giả nói:
- Không được! Không được! Nếu ta cùng vào thành với ngài, quái vật sẽ sinh nghi, cho là ngài mời lão Tôn về, như thế nó lại chả làm rầy ngài ư?
Thái tử nói:
- Con về thành bây giờ, cũng bị nó làm rầy.
Hành Giả nói:
- Sao lại rầy ngài?
Thái tử nói:
- Từ sáng sớm con được sai mang theo một số người ngựa ưng khuyển ra ngoài thành, bây giờ trở về, không được một con vật nào, vào tâu làm sao được? Nó sẽ buộc con vào tội bất tài, giam vào ngục Dữu Lý ngày mai sư phụ vào thành, biết dựa vào đâu! Huống hồ trong bản bộ, không có ai là kẻ tương tri cả.
Hành Giả nói:
- Cái đó chẳng hề chi! Giá mà cho biết sớm, ta sẽ tảo cho một số.
Đại thánh bèn hóa phép ngay trước mặt thái tử, vươn mình một cái, nhảy lên trên tầng mây, đọc một câu châm ngôn “úm lam tinh pháp giới”, bắt hết sơn thẩn, thổ địa đến không trung ra mắt. Họ nói:
- Thưa đại thánh, người kêu gọi tiểu thần, có việc gì sai bảo?
Hành Giả nói:
- Lão Tôn đi bảo hộ Đường Tăng đến đây, định bắt yêu tinh, khốn nỗi vị thái tử đây đi săn không được vật gì, không dám trở về triều, định đến quấy quả các người kiếm cho mấy con hươu, nai, cầy, cáo, muông chạy chim bay, mỗi thứ mấy con, để cho họ về.
Sơn thần, thổ địa nghe lời, ai dám trái lệnh, chỉ hỏi cần mỗi thứ bao nhiêu?
Hành Giả nói:
- Không kỳ nhiều ít, có một số là được!
Các thần tức thì sai âm binh bản xứ, thổi một trận gió, âm dồn các thú vật, bắt lấy những con trĩ nội, gà rừng, hươu sừng, nai béo, lợn rừng, cáo, thỏ, hổ báo sài lang, cộng lại hơn một nghìn con, dâng lên Hành Giả.
Hành Giả nói:
- Lão Tôn không cần, các người hãy rút gân các con vật ra, quăng ở hai bên mé đường một quãng dài độ bốn mươi dặm cho bọn họ cứ việc bắt lấy mang về không cần thả ưng, chó. Thế là các người có công rồi.
Các thần vâng lời, thu gió âm lại, rải thú vật ra hai mé đường.
Hành Giả từ trên mây bước xuống, nói với thái tử:
- Dọc đường đã có các loài vật rồi, người đi mà nhặt lấy.
Thái tử thấy y biến hóa thần thông ở trên không như vậy, còn gì mà không tin, liền cúi đầu từ biệt, ra khỏi cửa chùa hạ mệnh lệnh cho quân sĩ về thành. Dọc đường ở hai bên rìa quả có những loài vật không biết bao nhiêu mà kể, bọn quân sĩ không cần thả ưng khuyển, anh nào nấy nhặt kỳ chán tay, reo hò, đều cho là hồng phúc của thái tử, có biết đâu là cống thần của lão Tôn? Tiếng khải ca vang dội vào cả trong thành.
Hành Giả bảo hộ Tam Tạng. Các hòa thượng trong bản tự, thấy bọn họ và thái tử dự bị như vậy, đâu dám trễ nải! Lại đi sửa soạn cơm chay, thết đãi Đường Tăng. Cả bọn vẫn nghỉ ngơi trong thuyền đường như thường. Vào khoảng đầu canh một, Hành Giả trong lòng áy náy, không ngủ đi được, trở dậy, đến bên giường Tam Tạng gọi:
- Sư phụ!
Lúc đó Tam Tạng vẫn chưa ngủ. Biết là Hành Giả hay làm điều quái gở, thất kinh người lên, nên Đường Tăng vờ ngủ không thưa.
Hành Giả rờ vào đầu trọc lay lay nói:
- Sư phụ đã ngủ rồi sao?
Đường Tăng tức giận nói:
- Láo hỗn thế nhỉ! Đêm khuya còn chưa đi ngủ, lèo nhèo cái gì?
Hành Giả nói:
- Sư phụ, có một chút việc, phải bàn bạc với thầy.
Sư trưởng nói:
- Việc gì?
Hành Giả nói:
- Lúc ban ngày con đã trót nói khoe với thái tử, bảo là thủ đoạn của con còn cao quá đỉnh non, sâu hơn bể thẳm, bắt yêu quái dễ như móc túi lấy vật gì, thò tay ra là bắt lấy đem về. Nghĩ kỹ ra, thấy có chỗ khó, nên con không ngủ được.
Đường Tăng nói:
- Con nói khó thì thôi đừng bắt nữa.
Hành Giả nói:
- Bắt thì vẫn cứ bắt, có điều về lý không được thuận.
Đường Tăng nói:
- Cái đồ khỉ nói nhảm! Yêu tinh đã chiếm đoạt ngôi vua, sao còn bảo là lý không thuận?
Hành Giả nói:
- Bố già nhà mình chỉ biết tụng kinh niệm Phật, đã tọa tam thuyền, biết đâu đến luật pháp của Tiêu Hà. Người ta thường nói: “Bắt giặc bắt quả tang”. quái vật kia đã làm hoàng đế ba năm, vẫn giữ kín hình tích, không lộ phong thanh. Nó vẫn ngủ với phi hậu ba cung, vui vẻ cùng các quan văn võ. Lão Tôn con dù có tài năng bắt được yêu quái, cũng khó mà bắt tội nó được
Tam Tạng nói:
- Sao lại khó bắt tội?
Hành Giả nói:
- Nó chẳng khác cái hồ lô không có miệng, lăn lộn với ngài vài vòng. Nó dám nói: “Ta là vua nước Ô Kê, có làm việc gì trái mệnh trời đâu, sao mi bắt ta?”. Bây giờ lấy gì làm bằng cớ để đối chứng.
Tam Tạng nói
- Cứ như con thì phải thế nào?
Hành Giả nói:
- Kế của lão Tôn thành rồi, nhưng còn e ngại bố già nhà mình hay bênh vực người một chút.
Tam Tạng nói:
- Ta bênh vực thế nào?
Hành Giả nói:
- Bát Giới là người lỗ mãng, người hay thiên về y.
Tam Tạng nói:
- Ta thiên về y đâu nào?
Hành Giả nói:
- Nếu người không thiên, bây giờ xin người hãy to gan hơn một chút, cứ ở chỗ này với Sa Tăng, để lão Tôn và Bát Giới nhân lúc này vào trong thành nước Ô Kê trước, tìm đến vườn ngự uyển đào giếng lưu ly lên, vớt lấy thi thể hoàng đế đem bọc vào trong gói của chúng mình. Ngày mai vào thành, chẳng xin đổi văn điệp gì hết, hễ thấy yêu quái, lão Tôn giơ gậy đánh liền. Nếu nó có nói gì, lão Tôn sẽ giở thi hài vua cho nó xem và nói: “Mi đã sát hại người này!” rồi để cho thái tử chạy lên khóc cha, hoàng hậu chạy ra nhận chồng, các quan văn võ nhìn chúa, lão Tôn cùng với chú em mới ra tay. Thế mới là việc quan có lý cứng đối khẩu đánh rất tốt..
Tam Tạng nghe lời, mừng thầm nói:
- Chỉ sợ Bát Giới không chịu đi.
Hành Giả cười nói:
- Thế nào? Con vẫn bảo người bênh vực y mà. Tại sao người lại biết y không chịu đi? Người cứ tưởng chừng như khi con đến gọi người không trả lời, hết nửa giờ là thôi chứ gì! Lần này chỉ dựa vào ba tấc lưỡi mềm dẻo, đừng nói gì Trư Bát Giới, đến cả “Trư Cửu Giới” người cũng có đủ tài bảo đi theo con.
Tam Tạng nói:
- Thì đấy, con đi mà gọi hắn.
Hành Giả rời khỏi sư phụ, đi đến bên giường Bát Giới gọi:
- Bát Giới! Bát Giới!
Chú ngốc đi đường nhọc mệt, nằm chúi đầu, chỉ cốt đánh giấc, còn ai đánh thức được. Hành Giả xách tai, nắm bờm lôi dậy rồi gọi:
- Bát Giới!
Chú ngốc vẫn cứ giằng ra. Hành Giả lại gọi một tiếng:
- Bát Giới!
Chú ngốc nói:
- Ngủ đi thôi! Đừng đùa! ngày mai còn đi đường.
Hành Giả nói:
- Không phải đùa đâu, có một món hời, tôi với chú ta chung nhau.
Bát Giới nói:
- Món hời gì vậy?
Hành Giả nói:
- Chú có nghe thái tử nói chuyện không?
Bát Giới nói:
- Tôi chẳng trông thấy mặt, chẳng biết nói những gì?
Hành Giả nói:
- Thái tử nói chuyện với tôi yêu tinh có cái bảo bối, rất mạnh, muôn người không địch nổi. Ngày mai chúng ta vào thành, khỏi sao không đánh nhau với nó, thảng hoặc yêu ma dùng bảo bối ấy, đánh đổ chúng ta, chẳng hóa ra không tốt ư? Tôi thiết tưởng đánh người không nổi, không gì bằng mình hạ thủ trước. Tôi và chú sẽ đi lấy trộm bảo bối của nó, có phải hơn không?
Bát Giới nói:
- Thưa anh, anh xui tôi làm kẻ trộm. Cái món hời ấy, tôi cũng đi được, nếu quả là đi giúp ngầm anh, nhưng tôi cần phải nói minh bạch cho anh biết: lấy trộm được bảo bối, hàng phục được yêu ma rồi, tôi không hơi đâu như hàng cá lại đi chia bảo bối đâu, tôi phải lấy hết.
Hành Giả nói:
- Chú lấy làm gì?
Bát Giới nói:
- Tôi không được khôn ngoan mồm mép như anh, dễ đi xin người ta được cơm chay, thân thể lão Trư lại thô kệch, ăn nói lại lỗ mãng, không biết tụng kinh, nếu gặp lúc cùng không biết sống vào đâu được, lão Trư sẽ đổi lấy cơm ăn!
Hành Giả nói:
- Lão Tôn chỉ cần thanh danh, chứ không cần bảo bối, sẽ để cả cho chú.
Chú ngốc nghe câu để cả cho mình, hết sức vui vẻ, đứng phắt người dậy, lấy quần áo mặc, cùng Hành Giả lên đường. Thật là rượu trắng làm mặt đỏ, thoi vàng động lòng tu. Hai người lẳng lặng ra mở cửa, cưỡi ánh sáng lành, thẳng tới thành trì kia.
Không mấy lúc đã tới nơi, ở trên mây bước xuống, nghe thấy trống lầu mới điểm canh hai, Hành Giả nói:
- Người anh em, canh hai rồi đấy!
Bát Giới nói:
- Vừa hay! Vừa hay! Mọi người bắt đầu ngủ say từ giờ này.
Hai người không đi vào cửa chính dương, đi tắt ra cửa sau; chỉ nghe thấy tiếng kẻng leng keng.
Hành Giả nói:
- Người anh em, cửa trước, cửa sau đều đóng chặt làm thế nào mà vào được?
Bát Giới nói:
- Chưa thấy kẻ trộm nào qua cửa đi vào, cứ trèo tường thôi.
Hành Giả nghe lời, tung người một cái, nhảy vọt lên thành tường. Bát Giới cũng nhảy theo lên. Hai người lẻn vào bên trong, tìm đường lối, thẳng đến vườn hoa.
Đương đi, chợt nhìn thấy một tòa lầu ba tầng mái bằng trúc ghép trắng xóa, trên có ba chữ đại tự sáng chói. Nhờ có ánh trăng sao chiếu vào, chính là ba chữ “vườn ngự uyển” Hành Giả đến gần nhìn thấy mấy lần đóng kín khóa để gỉ cả rồi, liền bảo Bát Giới mở ra. Chú ngốc quai đinh ba, bổ một nhát thật mạnh, cửa vỡ tan tành. Hành Giả co cẳng nhảy vào trước, rồi không nhịn nổi vui mừng, nhảy cẫng người lên, kêu gọi ầm ĩ. Bát Giới vội vàng ngăn lại nói:
- Anh ơi! Chết tôi bây giờ! Đời thuở nhà ai đi ăn trộm còn hò hét, người ta mà tỉnh dậy, sẽ tóm cổ chúng ta đưa lên quan xét, dù chẳng đáng tội chết, cũng phải giải về nguyên quán đi xung quân.
Hành Giả nói:
- Người anh em! Chú bảo tôi phát rồ chăng? xem đây này:
Gian chạm tranh màu trơ trọi,
Lối tô đình các ngả nghiêng.
Cồn lau bờ cói bụi trùm,
Cây cối cỏ hoa chết lụi,
Núi giả đá hoa xiêu vẹo,
Ao sâu nước cạn cá không,
Đầu cầu cuối ngõ phủ rêu xanh
Quang cảnh vườn hoa lạnh lẽo!
Bát Giới nói:
- Than thở cái đó làm gì, hãy làm ngay cái món hời của chúng mình đã nào!
Hành Giả tuy cảm khái, nhưng vẫn nhớ đến giấc mộng của Đường Tăng, nói dưới gốc cây chuối là cái giếng. Đương đi lên quả thấy một cây chuối tiêu mọc tươi tốt, khác hẳn mọi cây hoa khác.
Hành Giả nói:
- Bát Giới, ra tay đi! bảo bối chôn ở dưới gốc chuối ấy.
Chú ngốc hai tay quai đinh ba, bổ cây chuối đổ xuống, sau rồi lấy mõm chũi đất, khoét sâu tới ba bốn thước, trật ra tảng đá đậy ở trên.
Chú ngốc vui sướng nói
- Anh ạ, may mắn rồi! quả có bảo bối! Đây là một phiến đá đậy ở trên! Không biết bảo bối đựng vào chum, hay là đựng vào hòm.
Hành Giả nói:
- Chú hãy nhấc ra ngoài xem!
Chú ngốc lại lấy mõm chũi mở ra, thấy ánh sáng lấp lánh, bóng trăng long lanh.
Bát Giới cười nói:
- Hay quá! hay quá! bảo bối lòe sáng!
Khi đến gần nhìn kỹ. A! Thì ra bóng trăng sao chiếu xuống giếng nước ánh lên. Bát Giới nói:
- Anh ạ! Anh làm công việc gì cũng cứ để dắt dây.
Hành Giả nói:
- Tôi để dắt đây thế nào?
Bát Giới nói:
- Đây là một cái giếng. Khi ở trong chùa sao anh không bảo trước tôi là ở đáy giếng có bảo bối, tôi sẽ mang hai sợi dây buộc bao tải đi, để dòng lão Trư xuống. Bây giờ tay không thế này, làm thế nào mà đi lên đi xuống mang những thức ở trong giếng lên được?
Hành Giả nói:
- Chú có xuống không?
Bát Giới nói;
- Thực là muốn xuống, chỉ vì không có dây rợ.
Hành Giả cười nói:
- Chú cởi quần áo ra tôi sẽ có cách.
Bát Giới nói;
- Có quần áo quái gì đâu? Cởi tuột cái vạt áo vá này ra là xong.
Đại thánh lấy gậy bịt vàng ra, vuốt hai đầu một cái kêu dài tức thì dài ngay ra bảy tám trượng và nói:
- Bát Giới, chú ôm lấy một đầu, tôi sẽ thả chú xuống đáy giếng.
Bát Giới nói:
- Anh nhá, thả xuống thì thả, nhưng hễ đến gần nước thì dừng tay lại nhé.
Hành Giả nói:
- Biết rồi!
Chú ngốc ôm lấy gậy sắt, Hành Giả nhẹ nhàng giơ lên thả y xuống dưới, chốc đã đến gần mặt nuóc.
Bát Giới nói:
- Đến nước rồi!
Hành Giả nghe thấy y nói, cầm gậy dìm xuống một cái, chú ngốc chìm nghỉm cả người, vội buông gậy sắt ra, bơi ở dưới nước, miệng càu nhàu la ó:
- Thằng trời đánh kia! Ta đã bảo đến nước thì đừng thả nữa thế mà nó còn dìm mình một cái!
Hành Giả kéo gậv lên, cười hỏi:
- Người anh em có thấy bảo bối gì không?
Bát Giới nói:
- Có thấy bảo bối gì đâu, chỉ là một giếng nước!
Hành Giả nói:
- Bảo bối chìm ở đáy nước, chú lặn xuống mà mò lên.
Chú ngốc là người rất giỏi nghề lội nước, liền chúc đầu một cái, lặn hẳn xuống dưới. Chà! Đáy giếng sâu quá chừng! Lại lặn luôn một hồi nữa, mở mắt nhìn thấy một tòa lầu, trên có cái bài đề ba chữ “Thủy tinh cung”.
Bát Giới rất sợ nói:
- Chết rồi! chết rồi! Đi lầm đường rồi! Ra mãi ngoài bể ư! Ngoài bể mới có cung Thủy Tinh, trong giếng thì làm gì có!
Nguyên là Bát Giới không biết đây là cung Thủy Tinh của Long Vương giếng.
Đương khi Bát Giới nói lảm nhảm, có một dạ xoa đi tuần nước, mở cửa ra, trông thấy hình dáng y, vội vàng thoát thân chạy vào báo:
- Đại vương, tai vạ! Có một vị hòa thượng mồm dài tai to rơi xuống giếng, ướt đầm đìa, không có quần áo, vẫn chưa chết, đang nói lời tức tối.
Long Vương giếng vừa nghe câu đó trong lòng sợ sệt nói:
- Đấy là Thiên Bồng nguyên súy đến đấy. Đêm hôm qua Dạ du thần vâng sắc chỉ thượng đế, đến lấy linh hồn vua nước Ô Kê đi bái kiến Đường Tăng, cầu Tề Thiên đại thánh đi bắt yêu quái. Đây có lẽ là Tề Thiên đại thánh, Thiên Bồng nguyên súy tới nơi chớ có khinh thường, đi ra ngay đón tiếp người.
Long Vương sửa áo mũ, dẫn cả thủy tộc, ra ngoài cửa lên tiếng nói to:
- Thiên Bồng nguyên súy, mời người vào chơi!
Bát Giới lại vui vẻ nói:
- Té ra một bạn cố tri!
Chú ngốc bất chấp hay dở, đi thẳng tuột vào cung Thủy Tinh, chẳng biết thế nào là trên dưới, ướt đầm đìa thâm tím, cứ ngồi tót lên trên. Long Vương nói:
- Gần đây được nghe quan bác đã thoát nạn, quy y Thích giáo, bảo hộ Đường Tăng, sang Tây lấy kinh, thế nào lại đến đây được?
Bát Giới nói.
- Chính vì chuyện ấy, sư huynh tôi là Tôn Ngộ Không, sai tôi đến đây ân cần kính hỏi ngài lấy bảo bối gì ấy.
Long Vương nói:
- Đáng tiếc, tôi ở đây còn có bảo bối gì? Bì thế nào với những vị long vương sông Giang, Hà, Hoài, Tế, bay nhảy biến hóa, mới có bảo bối. Tôi bị khốn ở đây lâu ngày, mặt trời mặt trăng còn không được nhìn lâu, còn đào đâu ra bảo bối nữa?
Bát Giới nói:
- Không nên từ chối, có thì cứ đưa ra.
Long Vuong nói:
- Có thì cũng có một thứ bảo bối, chỉ phải cái không mang được, mời nguyên súy thân hành đến xem, ngài nghĩ thế nào?
Bát Giới nói:
- Hay! hay! hay! Cần phải đến xem cho rõ mới được.
Long Vương đi trước, Bát Giới theo sau, chuyển qua cung điện Thủy tinh nhìn thấy một người mình dài sáu thước đặt ở trong nhà hành lang.
Long Vương trỏ tay nói:
- Nguyên súy, cái này tức là bảo bối đấy!
Bát Giới tiến lên nhìn, chà! Té ra một vị hoàng đế chết, đội mũ xung thiên, mặc áo hoàng bào đỏ, giận giày vô ưu, lưng thắt đai lam điền, nằm sóng sượt ở trong nhà.
Bát Giới cười nói:
- Khó! khó! khó! Chẳng ra bảo bối gì cả! Nhớ khi nào lão Trư còn tác quái ở trên núi, thời thường lấy thức này thay cơm, ăn cũng đã rất nhiều, không biết bao nhiêu mà kể, chẳng thấy ở đâu gọi cái này là bảo bối cả.
Long Vương nói:
- Vì chung nguyên súy chưa biết, người đây là thi thể vua nước Ô Kê, từ khi đến giếng này, tôi đã cho ngậm viên ngọc châu định nhan giữ không cho hủy hoại. Nếu ngài chịu khó cõng y ra, gặp được Tề Thiên đại thánh, giả như có phép cải tử hồi sinh, không nói gì bảo bối, ý ngài muốn lấy thức gì cũng có.
Bát Giới nói:
- Đã nói như vậy, ta sẽ cõng giúp quan bác, nhưng phải thuê ta một món tiền chôn cất.
Long Vương nói:
- Tiền thì thực không có.
Bát Giới nói:
- Thế là làm công không à? Nếu không có tiền, ta chẳng cõng đâu!
Long Vương nói:
- Không cõng thì thôi, mời ngài đi!
Bát Giới trở về.
Long Vương sai hai tên dạ xoa có sức khỏe, khiêng thi thể ra, đưa đến bên ngoài cửa cung Thủy Tinh, để ở ngoài xối nhà, móc lấy châu ngọc tránh nước, liền có tiếng nước réo.
Bát Giới vội ngoảnh lại nhìn, chẳng thấy cung Thủy Tinh đâu nữa, quờ tay ngay phải thi thể vị hoàng đế kia, sợ hãi nhủn cả chân tay, nhoai lên mặt nước bíu lấy tường giếng kêu to:
- Sư huynh, đưa gậy sắt xuống cứu tôi với!
Hành Giả nói:
- Có thấy bảo bối không?
Bát Giới nói:
- Đào đâu ra! Chỉ có Long Vương giếng ở tận dưới đáy nước, bảo tôi cõng người chết, tôi không chịu cõng, y đưa tôi ra khỏi cửa rồi chẳng thấy cung Thủy Tinh đâu nữa, chỉ quờ phải cái xác chết, sợ nhủn cả chân tay, không cựa quậy được, làm phúc cứu vớt lấy tôi!
Hành Giả nói:
- Cái đó là bảo bối đấy, sao lại không cõng lên?
Bát Giới nói:
- Biết y đã chết bao lâu rồi, tôi cõng lên làm cái gì?
Hành Giả nói:
- Chú không cõng, tôi đi về đây.
Bát Giới nói:
- Anh đi đâu?
Hành Giả nói:
- Tôi đi về chùa, cùng ngủ với sư phụ.
Bát Giới nói:
- Tôi không đi được à?
Hành Giả nói:
- Bò nhoài lên trên này, tôi sẽ đưa chú về, nếu không nhoài lên được thì thôi.
Bát Giới hoảng sợ, biết làm thế nào mà nhoài lên được, vội kêu:
- Anh nghĩ xem! Thành tường cũng còn khó trèo, nữa là cái giếng này bụng thì to, miệng thì nhỏ, chung quanh tường đứng dựng như bức vách, lại luôn mấy năm nay không hề rửa giếng, từng đám rêu mọc lủa tủa, trơn lắm, bảo tôi nhoài làm sao? Anh ơi, anh em với nhau không nên để mất hòa khí, để tôi cõng xác chết lên vậy.
Hành Giả nói:
- Đúng thế, cõng ngay lên trên này, tôi với chú cùng về ngủ.
Chú ngốc lại chúc đầu lặn ngụp xuống tận đáy nước lần mò đến bên xác chết, kéo gần lại, cõng lên trên lưng, vọt lên mặt nước, bám lấy vách giếng gọi:
- Anh ơi! Vác lên đây rồi!
Hành Giả căng mắt nhìn xuống thấy quả Bát Giới đã cõng xác chết ở trên lưng, bấy giờ mới cầm gậy sắt thả xuống đáy giếng, chú ngốc thực là thiểu não, há miệng ra, cắn lấy gậy sắt, để cho Hành Giả từ từ kéo lên trên mặt đất.
Bát Giới bỏ cái thây xuống, lấy quần áo mặc vào. Hành Giả nhìn thấy dung nhan hoàng đế vẫn y nguyên chưa thay đổi chút nào chẳng khác gì lúc còn sống.
Hành Giả nói:
- Chú em, người này chết đã ba năm, sao dung nhan vẫn không hủy hoại?
Bát Giới nói:
- Anh không biết đấy. Long Vương giếng đã nói chuyện với tôi y dùng ngọc châu định nhan để giữ lại, cho nên thi thể không bị hủy hoại.
Hành Giả nói:
- May quá! May quá! Một là oan thù của y sẽ trả được, hai là anh em chúng mình sẽ thành công, người anh em vác luôn y đi.
Bát Giới nói:
- Vác đi đâu?
Hành Giả nói:
- Vác về trình với sư phụ.
Bát Giới lủng bủng nói:
- Bực quá chừng! Bực quá chừng! Mình đương đánh giấc ngon, bị ngay con khỉ già nói trí nói trá, đánh lừa mình bảo đi làm món hời, bây giờ lại phải đi làm cái việc vác người chết này! Vác cái thây đã vớt dưới nước thối tha ướt đầm đìa, bẩn cả ra quần áo, ai giặt giũ cho mình được. Mé trên có mấy chỗ vá, trời ẩm bị mốc còn mặc làm sao?
Hành Giả nói:
- Chú hãy cứ cõng đi, khi về đến chùa, tôi sẽ đưa quần áo cho chú thay!
Bát Giới nói:
- Nói chẳng biết xấu hổ, ngay cái xác anh cũng chẳng có quần áo mà đeo, còn có cho ai thay!
Hành Giả nói:
- Đừng nỏ mồm nữa, không chịu vác chứ?
Bát Giới nói:
- Không vác đấy!
Hành Giả nói:
- Vậy thì đưa mắt cá chân ra đây, ta đánh cho hai mươi gậy.
Bát Giới hoảng sợ nói:
- Thưa anh, gậy nặng lắm, nếu đánh hai mươi gậy tôi cũng bỏ mạng theo hoàng đế mất thôi!
Hành Giả nói:
- Nếu sợ đòn, liệu mà vác ngay đi cho sớm!
Bát Giới quả nhiên sợ phải đánh, đành chịu nhịn, lôi xác chết lại gần, cõng lên trên vai, rảo bước ra khỏi vườn hoa, trở về chùa.
Đại thánh tay cầm quyết, miệng đọc thần chú, quay mặt về phương tốn, hớp lấy khí trời, thổi phun hóa ra một trận gió lốc, thổi đưa Bát Giới bay ra khỏi cung viên nhà vua, rời khỏi thành trì, cơn gió vừa tắt, hai người rơi xuống đất, từ từ nhẹ bước đi về. Chú ngốc trong bụng tức tối, nghĩ cách báo thù Hành Giả:
- Con khỉ này chơi xỏ mình, về đến chùa, mình sẽ xỏ lại cho một vố, nói với sư phụ, bảo cu cậu có thể chữa sống lại xác chết nếu chữa không được, mình sẽ xui sư phụ đọc bài chú khẩn cô nhi, thắt riết cho con khỉ này vãi óc ra, mới hả lòng mình!
Trong khi đi đường, Bát Giới nghĩ đi nghĩ lại, nói:
- Không được! Không được! Nếu bảo y chữa sống người, cũng dễ dàng thôi, y chỉ đến nơi Diêm Vương đòi lấy linh hồn đưa về, sẽ chữa sống lại được ngay. Phải bắt y chữa sống lại ngay ở dương gian, cấm không cho y xuống âm ty, cách ấy mới tốt.
Nói chưa hết lời, đã đến trước cửa chùa, Bát Giới đi thẳng vào trong, đem thi thể bỏ ở trước cửa thuyền đường, nói:
- Sư phụ ơi! Trở dậy mà xem ma!
Đường Tăng ngủ chẳng được, đương ngồi nói chuyện với Sa Tăng về việc Hành Giả đánh lừa Bát Giới đi lâu thế chưa về, chợt nghe thấy tiếng Bát Giới gọi, Đường Tăng vội vàng đứng dậy nói:
- Đồ đệ, xem cái gì thế?
Bát Giới nói:
- Ông ngoại của Hành Giả bắt lão Trư phải vác về đấy.
Hành Giả nói:
- Cái đồ ngốc bụng đầy cám bã nhà chú, ta đào đâu ra ông ngoại.
Bát Giới nói:
- Không phải ông ngoại anh, còn bắt lão Trư vác về đây làm gì! Không biết tốn biết bao nhiêu sức lực nữa!
Đường Tăng và Sa Tăng mở cửa ra xem, nhìn thấy dung nhan hoàng đế chưa biến đổi, vẫn y như khi còn sống. Bỗng nhiên sư trưởng thê thảm nói:
- Bệ hạ, không biết oan gia từ kiếp nào, đời này gặp phải nó, chết ngấm chết ngầm, bỏ vợ bỏ con, đến nỗi văn võ không hay các quan chẳng biết, đáng thương thay vợ con người ngu tối, lấy ai bát nước nén hương!
Bỗng òa lên tiếng khóc, nước mắt tầm tã như mưa.
Bát Giới cười nói:
- Sư phụ, người ta chết, can chi đến người, cũng không phải là cha ông người, khóc làm cái gì?
Tam Tạng nói:
- Đồ đệ ạ, người xuất gia phải lấy từ bi làm gốc, phương tiện làm đầu, lòng con sao lại cứng rắn đến thế?
Bát Giới nói:
- Không phải là cứng rắn, sư huynh đã nói với con, anh ấy có thể chữa sống lại, nếu không chữa được sống, con đã chẳng vác về.
Sư trưởng xưa nay vốn là ông ba phải, bị chú ngốc làm lay động, người liền gọi:
- Ngộ Không, nếu con có tài năng chữa cho vị hoàng đế này sống lại, thật là “cứu mạng một người, còn hơn xây tòa tháp bảy từng”, cũng tựa như thầy trò sang Linh sơn bái Phật.
Hành Giả nói:
- Sư phụ sao cứ nghe lời chú ngốc nói nhảm! Người ta đã chết, hoặc tuần tam thất, hoặc ngũ thất, hết bảy trăm ngày, đã chịu hết tội ở dương gian, sẽ được đi chuyển sinh rồi, người này chết đã ba năm, còn cứu thế nào được!
Tam Tạng nghe đoạn nói:
- Vậy thì thôi.
Bát Giới tức tối, không chịu, nói:
- Sư phụ đừng nghe anh ta nói dối, anh ta có lối ép óc, đấy người cứ đọc mấy câu, bắt y phải chữa cho người kia sống lại.
Đường Tăng quả nhiên đọc chú khẩn cô nhi riết cho con khỉ lôi mắt nhức đầu.
Chưa biết cứu chữa cách nào, xem tới hồi sau sẽ rõ.
Tôn đại thánh đầu đau không chịu được kêu vang nói:
- Sư phụ ơi đừng đọc! Đừng đọc, để con chữa!
Tam Tạng hỏi:
- Chữa thế nào?
Hành Giả nói:
- Chỉ có xuống âm ty, tra khám xem vua Diêm Vương nào giữ hồn phách y, xin đem về cứu chữa.
Bát Giới nói:
- Sư phụ chớ có tin anh ta, trước anh ta nói không cần đến âm ty, cứ ở dương gian cũng chữa sống, mới là tài giỏi.
Sư trưởng hay tin lời gièm pha, lại đọc chú khẩn cô nhi làm cho Hành Giả phải luôn miệng chịu nhận hết nói:
- Chỉ chữa ở dương gian thôi! chỉ chữa ở dương gian thôi!
Bát Giới nói
- Đừng dừng lại! Cứ đọc đi! Cứ đọc đi!
Hành Giả quát máng:
- Giống súc vật ngốc nghếch kia, mi xui xiểm sư phụ đọc thần chú hử?
Bát Giới cười rũ rượi nói:
- Ông cả ơi! Ông cả ơi! Ông chỉ biết chơi xỏ tôi, chứ ông không hiểu tôi xỏ lại ông một vố đấy.
Hành Giả nói:
- Sư phụ đừng đọc! Đừng đọc! Để lão Tôn chữa ở dương gian này thôi.
Tam Tạng nói:
- Làm thế nào chữa được ở dương gian?
Hành Giả nói:
- Bây giờ con sẽ lộn lên trên mây, đi tới Nam Thiên môn, không đến cung Đẩu Ngưu, không vào điện Linh Tiêu, lên thẳng trên ba mươi ba từng trời, vào trong viện Đâu Xuất Ly hậu thiên cung, ra mắt Thái Thượng Lão quân, cầu xin người một hạt “cửu chuyển hoàn hồn đơn” tất nhiên cứu sống được y.
Tam Tạng nghe lời rất mừng nói:
- Đi mau mà về!
Hành Giả nói:
- Bây giờ đã vào khoảng canh ba rồi, giá có về cũng phải sáng rõ. Khốn nỗi người này đặt nằm ở đây, hiu quạnh lạnh lẽo như thế không đúng kiểu, cần phải có người ở bên vừa trông nom vừa hờ khóc mới được.
Bát Giới nói:
- Đừng nói nữa, con khỉ này nhất định bắt mình phải khóc đây.
Hành Giả nói:
- Sợ chú không chịu khóc! Nếu chú không khóc, tôi cũng không chữa được!
Bát Giới nói:
- Anh ạ, anh cứ đi, tôi sẽ khóc được.
Hành Giả nói:
- Khóc có nhiều kiểu: nếu chỉ nghêu ngao cái lỗ miệng, gọi là kêu, cố giẫy giụa lấy mấy giọt nước mắt thì gọi là gào. Phải khóc làm sao cho nước mắt giàn giụa, trong lòng cùng phải có chút đau thương, mới cho là thương khóc được.
Bát Giới nói:
- Tôi thử khóc cái kiểu ấy để anh nghe xem nhé!
Không biết y vớ ở đâu được tờ giấy, vẽ lại như sợi bấc đèn, ngoáy vào hai lỗ mũi, hắt hơi luôn mấy cái, nước mắt chảy ra ròng ròng, lép nha lép nhép, cất lên tiếng khóc. Y khóc luôn miệng không lúc nào ngừng, kể lể con cà con kê, đúng hệt có người chết thực. Bát Giới khóc đến chỗ thảm thiết, Đường Tăng cũng phải đau lòng nhỏ lệ.
Hành Giả cười nói:
- Đau thương như thế được đấy, nhưng không được ngừng khóc. Cái giống ngốc nhà chú lừa tôi đi rồi, sẽ không khóc nữa. Tôi vẫn nghe đấy, nếu cứ khóc như thế này thì thôi, hễ mà hơi ngừng tiếng khóc thì ta sẽ đánh hai mươi gậy vào mắt cá chân.
Bát Giới cười nói:
- Anh cứ đi! Anh cứ đi! Tôi mà đã khóc phải miệng, khóc hai ngày cũng được.
Sa Tăng thấy y chu đáo, cũng đi kiếm mấy nén hương thắp tiến cúng.
Hành Giả cười nói:
- Tốt! Tốt! Tốt! Mọi người đều có ý kính cẩn như thế này, lão Tôn mới dễ dụng công.
Lúc bấy giờ vào khoảng nửa đêm; Hành Giả từ biệt ba thầy trò nhào lên trên mây, đi thẳng vào trong Nam Thiên môn. Quả nhiên y không đến yết bảo điện Linh Tiêu, cũng không tới cung Đẩu Ngưu, thẳng đường mây sang tới ngay trong cung Ly hậu thiên Đâu Xuất trên ba mươi ba từng trời. Vừa vào đến cửa, đã thấy Thái Thượng Lão quân đương ngồi ở phòng đơn, cùng với chư tiên cầm quạt ba tiêu quạt lửa luyện đơn.
Trông thấy Hành Giả tới nơi, người dặn bảo gia đồng:
- Ai nấy cẩn thận, kẻ trộm đơn đến đấy!
Hành Giả vái chào cười nói:
- Thưa Lão quân, những cái tẹp nhẹp ấy kể chi, bây giờ tôi có làm việc ấy nữa đâu, phòng bị tôi làm gì?
Lão quân nói:
- Con khỉ nhà ngươi! Năm trăm năm trước đại náo thiên cung lấy trộm vô số linh đơn của ta ăn mất, sai Tiểu thánh Nhị Lang thần bắt về thượng giới, bỏ vào lò luyện đơn của ta đun luôn bốn mươi chín ngày, tốn bao nhiêu là than, ngày nay nhà ngươi may đã thoát nạn, quy y Phật giáo, bảo hộ Đường Tăng sang Tây Thiên lấy kinh. Trước đây bắt ma ở trên núi Bình Đính, bướng bỉnh không chịu trả lại bảo bối, bây giờ còn lại đây làm gì?
Hành Giả nói:
- Việc ngày trước, lão Tôn có dám chậm trễ đâu, đã đem năm thức bảo bối trao trả ngay bấy giờ, người còn nghi ngờ quở trách nữa ư?
Lão quân nói:
- Sao không sang Tây, lẻn vào cung ta làm gì?
Hành Giả nói:
- Sau khi từ biệt Lão quân sang Tây đến một nơi, gọi là nước Ô Kê, quốc vương nước ấy bị một yêu tinh giả trang làm đạo sĩ, hô phong hoán vũ, ám hại mất. Yêu ma ấy biến ra tướng mạo quốc vương giả, hiện nay ngồi ở trên điện Kim Loan. Sư phụ tôi đêm mới rồi ngồi tụng kinh ở chùa Bảo Lâm, âm hồn quốc vương đó đến tham bái sư phụ tôi, nói xin lão Tôn bắt yêu cho y, vạch rõ ngay gian. Chính vì lão Tôn nghĩ không lấy gì làm chứng thực, đã cùng em Bát Giới đương đêm vào vườn hoa lục lọi trong vườn, tìm đến chỗ chôn giấu, mò được thi thể quốc vương ở trong một cái giếng lưu ly bát giác, dung nhan vẫn y nguyên. Khi mang về đến trong chùa trình thầy tôi, người phát lòng từ bi, bảo tôi cứu chữa, không cho xuống âm ty đòi hỏi linh hồn, cứ bắt cứu chữa ngay ở dương gian. Tôi nghĩ không còn nơi nào có thể hồi sinh được, mới phải lên đây bái yết, muôn trông đạo tổ rủ lòng thương, cho xin một nghìn viên “cửu chuyển hoàn hồn đơn” để lão Tôn cứu chữa cho người ta.
Lão quân nói:
- Khéo con khỉ nói nhảm! Một nghìn viên, hai nghìn viên cái gì, để ăn thay cơm sao! Viên bằng đất bùn hay sao mà dễ dàng thế? Hử! Xéo ngay! Không có!
Hành Giả cười nói:
- Một trăm viên cũng được.
Lão quân nói:
- Cũng không có.
Hành Giả nói:
- Mười viên cũng được.
Lão quân tức giận nói:
- Con khỉ khốn kiếp này dai như chão! Không có, không có! Ra ngay! Ra ngay!
Hành Giả cười nói:
- Nếu thực không có tôi đi hỏi nơi khác để cứu người ta vậy
Lão quân quát đuổi:
- Xéo! Xéo! Xéo
Đại thánh quay gót bước chân đi ra.
Lão quân chợt nghĩ kỹ nói:
- Con khỉ này ma ranh lắm, bảo đi là đi ngay, chỉ sợ nó quay trở lại lấy trộm.
Liền sai tiên đồng đi gọi trở lại bảo:
- Con khỉ nhà ngươi, chân tay táy máy, ta cho nhà ngươi một viên “hoàn hồn đơn” đây này.
Hành Giả nói:
- Thưa Lão quân, người đã hiểu rõ thủ đoạn lão Tôn, lấy ngay kim đơn đem ra đây, chia đôi cho tôi bốn người sáu phần cũng còn là may mắn cho Lão quân đấy, nếu không tôi sẽ đưa cái rổ xúc bằng da vào xúc cho người một cái là hết nhẵn.
Lão Tổ cầm hồ lô ra, giốc ngược trôn lên, đổ ra một hạt kim đơn đưa cho Hành Giả nói:
- Chỉ có thế này, cầm lấy! Cầm lấy! Ta biếu nhà ngươi một hạt, cứu sống hoàng đế ấy, cho nhà ngươi thành công quả.
Hành Giả đỡ lấy nói:
- Chả đi đâu mà vội, để tôi nếm xem đã, chỉ sợ là giả, chớ để người ta lừa dối.
Nói đoạn vỗ tuột vào miệng. Lão Tổ vội vàng chạy đến giữ lại, túm lấy đầu quả dưa, cộc cho một cái quát mắng:
- Con khỉ khốn kiếp này, hễ nuốt đi là ta đánh chết tươi!
Hành Giả cười nói:
- Thật rõ mặt! Sao hèn mạt thế, ai đã nuốt mất đâu, đáng là bao chứ! Hư nhiều thực ít mà. Chẳng phải đây là gì?
Nguyên giống khỉ có cái bìu ở dưới cuống họng. Y ngậm viên kim đơn ở trong cái bìu ấy, bị lão Tổ dúi ra nói:
- Thôi đi! Thôi đi! Đừng có đến đây mà chẳng bửa nửa!
Đại thánh cảm ơn lão Tổ, đi ra khỏi Đâu Xuất thiên cung.
Thực là:
Nghìn đường mây đẹp rời tòa ngọc
Muôn đạo hào quang xuống cõi trần.
Trong chốc lát, ra khỏi Nam Thiên môn, về đến đông quán, mới thấy vừng ô vừa mọc! Từ trên mây bước xuống, Hành Giả đến thẳng ngoài cửa chùa Bảo Lâm, nghe thấy Bát Giới vẫn đương khóc, y tới gần gọi:
- Sư phụ ơi!
Tam Tạng mừng nói:
- Ngộ Không đã về, có xin được thuốc đơn không?
Hành Giả nói:
- Có.
Bát Giới nói:
- Sao lại không có? Anh ấy vẫn đi ăn trộm của người ta đấy mà!
Hành Giả cười nói:
- Chú em, hãy lại đằng này, bây giờ không cần chú rồi, lau nước mắt đi, đừng có khóc nữa!
Lại nói:
- Sa hòa thượng đi lấy ít nước cho tôi.
Sa Tăng vội chạy ra giếng ở đằng sau, đã có gầu sẵn, múc lấy nửa bát tộ đưa cho Hành Giả. Hành Giả đỡ lấy nước, ọe viên đơn ở trong miệng ra, để lên trên môi hoàng đế, hai tay cậy răng ra, dùng ngụm nước trong đẩy trôi viên kim đơn vào trong bụng, độ chừng một nửa giờ, nghe thấy ở trong bụng có tiếng reo lọc sọc, nhưng thân thể hoàng đế vẫn không thấy cựa quậy.
Hành Giả nói:
- Sư phụ, viên kim đơn của con không cứu sống người, thế này thì lão Tôn ức chết mất.
Tam Tạng nói:
- Có lẽ đâu không sống lại. Thây người chết đã lâu làm sao lại nuốt trôi được nước xuống? Đây là sức thuốc tiên kim đơn. Từ khi kim đơn vào bụng, ruột đã thấy reo, ruột reo là huyết mạch đã hòa động, nhưng mà khí tuyệt chưa có thể co duỗi được. Đừng nói gì người dầm dưới nước ba năm, đến ngay sắt cũng phải han gỉ ra. Chỉ vì nguyên khí đã tận tuyệt, giá có ai hà hơi vào cho thì tốt.
Bát Giới tiến lên định hà hơi vào. Tam Tạng nắm ngăn lại nói:
- Con không làm được, phải gọi Ngộ Không lại đây.
Sư phụ biết rằng Bát Giới làm yêu nghiệt ăn thịt người từ khi còn nhỏ, hơi trong miệng nhơ đục, chỉ có Hành Giả tu trì ngay từ thuở còn thơ, ăn các thức đào, mơ, tùng, bách, để nuôi mình, hơi trong miệng sạch sẽ. Đại thánh bèn tiến lại đưa miệng thiên lôi ra ngậm lên môi hoàng đế, thở một hơi, thổi vào trong yết hầu, thông xuất khí quản, chuyển qua sống mũi, đến thẳng bụng dưới rồi từ dưới lòng bàn chân trở ngược lại đỉnh thóp, gọi to một tiếng vang, quốc vương tinh thần hồi lại, trở được mình, khoanh tay co cẳng, kêu lên một tiếng:
- Sư phụ!
Rồi hai gối quỳ xuống đất nói:
- Nhớ đêm qua còn là hồn ma đến bái yết, ngờ đâu sáng sớm hôm nay đã trở lại dương gian.
Tam Tạng vội vàng đỡ dậy nói:
- Bệ hạ, không can gì đến tôi, người hãy cảm ơn đồ đệ tôi.
Hành Giả cười nói:
- Sao sư phụ lại nói thế? Người ta có câu “Nhà không có hai chủ”, sư phụ nhận lạy cảm tạ, có hề gì!
Tam Tạng rất đỗi băn khoăn đỡ hoàng đế đứng dậy, cùng nhau vào trong thuyền đường. Quốc vương lại cùng với Bát Giới, Sa Tăng làm lễ bái kiến rồi mới ngồi xuống. Đã thấy các sư trong bản tự sửa soạn cơm chay sáng, định bưng lên thết đãi, chợt nhìn thấy vị hoàng đế áo ướt đẫm, người này ngơ ngác, kẻ nọ nghi ngờ. Tôn Hành Giả chạy ra bảo:
- Này các vị hòa thượng, chớ có nôn nao như thế. Đây nguyên là vua nước Ô Kê, vị vua thực của các người đó. Bị yêu quái sát hại tính mạng từ ba năm nay, đêm vừa rồi lão Tôn mới chữa sống lại. Giờ đây sẽ tiến vào trong thành, để phân biệt rõ ngay gian, nếu đã có cơm chay, bày ra đây, chúng ta ăn xong sẽ lên đường.
Mọi sư vội vàng đem nước để hoàng đế rửa mặt, thay đổi quần áo. Vị tăng quan ở bản tự đưa hai cặp áo dài ra để cho người mặc, thay áo hoàng bào tía của hoàng đế; lấy một dải lưng lụa cho người thắt, cởi bỏ đai lam điền ra; mang đôi dép nhà chùa cho người đi, trụt giày vô ưu lại; cùng ngồi ăn cơm chay xong rồi đi đóng yên cương ngựa.
Hành Giả hỏi:
- Bát Giới, hành lý của chú nặng được bao nhiêu?
Bát Giới nói:
- Thưa anh, ngày nào cũng gánh hành lý, chẳng biết nặng được bao nhiêu nữa.
Hành Giả nói:
- Chú đem một gánh chia ra làm hai gánh, chú gánh một gánh, còn một gánh để hoàng đế gánh. Chúng ta phải đi sớm vào thành làm việc.
Bát Giới vui mừng nói:
- Hay quá! Hay quá! Trước kia mình cõng y về, tốn biết bao nhiêu công sức, bây giờ chữa y sống lại, y làm đổi công thay mình.
Bát Giới dùng lối hư huyền, cởi hành lý ra, hỏi nhà chùa lấy thêm một cái đòn gánh, gánh nào nhẹ thì mình quảy, còn gánh nặng để cho hoàng đế quảy.
Hành Giả cười nói:
- Tâu bệ hạ, ngài ăn vận như thế này, quảy gánh hành lý, theo chúng tôi đi đường, ngài có thấy sao không?
Quốc vương kia vội vàng quỳ xuống nói:
- Sư phụ ạ, người là bực cha mẹ tái sinh ra tôi, đừng nói là gánh hành lý, tôi tình nguyện cầm roi giữ bàn đạp hầu hạ lão gia, cùng theo sang Tây Thiên.
Hành Giả nói:
- Không dám để ngài sang Tây Thiên, vì trong đó tôi có chút duyên cớ. Ngài chỉ gánh cho bốn mươi dặm vào đến trong thành. Đợi khi nào bắt xong yêu tinh, ngôi hoàng đế của ngài trao trả lại ngài, chúng tôi lại đi lấy kinh của chúng tôi.
Bát Giới nghe lời nói:
- Như thế ông ấy chỉ đi có bốn mươi dặm thôi, Lão Trư đây mới là người ở năm!
Hành Giả nói:
- Người anh em, đừng nói nhảm nữa, hãy ra ngoài dẫn đường cho sớm.
Bát Giới dẫn hoàng đế đi trước, Sa Tăng hầu hạ sư phụ lên ngựa, Hành Giả theo sau. Năm trăm nhà sư ở bản tự cũng đã tề chỉnh dạo bài nhạc nhỏ, tiễn đưa ra ngoài cửa chùa.
Hành Giả cười nói:
- Các vị hòa thượng không cần phải tiễn xa, sợ bọn nhà quan có người trông thấy, tiết lộ công việc chúng tôi, lại hóa ra không hay. Về đi thôi! Về đi thôi! Cần đem y phục mũ mãng của hoàng đế, giặt giũ cẩn thận, hoặc chiều nay hay sáng mai sẽ đưa vào thành, tôi sẽ kiếm chút phong tặng gì để tạ ơn các vị.
Mọi sư vâng lệnh ai nấy trở về. Hành Giả bước dài đuổi theo sư phụ, thẳng lối tiến lên. Chính là:
Tây phương có phép tìm ra thực,
Kim Mộc cùng nhau hợp luyện thần.
Mẹ đỏ mập mờ mơ huyễn mộng
Trẻ thơ ân hận rạc rài thân.
Xuống ngang đáy giếng tìm minh chúa,
Lên tận thiên cung hỏi Lão quân.
Biết được sắc không theo bản tính,
Mới hay Phật độ kẻ làm nhân.
Bốn thầy trò đi đường mới độ nửa ngày, đã thấy tới gần thành trì.
Tam Tạng nói:
- Ngộ Không, nước Ô Kê chắc ở trước mặt kia rồi.
Hành Giả nói:
- Đúng đấy, chúng ta nên đi mau vào thành làm việc.
Thầy trò đi vào trong thành, nhìn thấy trong phố xá nhân vật tề chỉnh, phong quang rộn rịp, lại thấy lầu rồng gác phượng cực kỳ tráng lệ. Có thơ làm chứng rằng:
Cung điện nước ngoài giống thượng bang
Câu ca điệu múa tựa bên Đường.
Hoa chào quạt báu mây hồng quấn.
Nắng chiếu bào tươi cảnh sáng choang.
Bình tước mở to hương bát ngát,
Rèm châu buông thấp vẻ mơ màng,
Thái bình cảnh tượng vui mừng thực,
Văn võ bày hàng đệ tấu chương.
Tam Tạng xuống ngựa nói:
- Đồ đệ, chúng ta cứ thế này vào triều xin đổi quan văn[51] khỏi phải nhờ nhõi đến nha môn thêm việc.
Hành Giả nói:
- Người dạy rất phải, anh em chúng con cùng vào cả, nhiều người mới dễ nói.
Tam Tạng nói:
- Vào tất cả, nhưng chớ hỗn hào, phải làm lễ ra mắt vua trước, sau rồi mới nói.
Hành Giả nói:
- Làm lễ ra mắt vua, sẽ phải lạy à?
Tam Tạng nói:
- Đúng vậy, cần phải làm đại lễ năm lạy ba khấu đầu.
Hành Giả cười nói:
- Sư phụ chẳng ra thế nào. Nó là ma, phải làm lễ chào nó, thực là không có trí thức. Thầy cứ để cho con vào trong ấy trước sẽ có xử trí. Hễ y nói năng điều gì, con sẽ đối đáp. Con có lạy, mọi người sẽ lạy, con mà đứng im, mọi người cứ đứng im.
Đại thánh bèn tiến đến cửa triều, nói với quan các môn đại sứ rằng:
- Chúng tôi là người bên Đại Đường, nhà vua sai sang Tây Thiên bái Phật cầu kinh. Hôm nay đến đây xin vào đổi quan văn phiền ngài chuyển đạt cho, để khỏi lỡ việc thiện quả.
Quan hoàng môn đi ngay vào tới cửa Đoan Môn, quỳ xuống thềm đan trì tâu lên:
- Ngoài triều môn có năm thầy trò nhà sư, nói là người ở nhà Đường bên Đông Thổ, khâm sai sang Tây Thiên bái Phật cầu kinh. Giờ đến đây đổi quan văn, không dám thiện tiện đi vào, hiện ở ngoài triều môn đợi lệnh.
Ma vương hạ chỉ cho vào. Đường Tăng cũng cùng đi vào trong triều môn. Quốc chủ mới sống lại cũng đi theo, vừa đi vừa không ngăn được nước mắt tràn ra, trong lòng ngẫm nghĩ:
- Thương thay! Giang sơn đồng bọc, xã tắc sắt vây của ta, ngờ đâu bị nó chiếm ngầm mất.
Hành Giả nói:
- Bệ hạ chớ nên thương cảm, sợ tiết lộ tăm hơi. Cây gậy ở trong mang tai tôi đã thấy máy động đây, hôm nay quyết phải thành công, đánh giết yêu ma kỳ được, chẳng mấy nỗi sẽ đem giang sơn này sẽ trả lại cho ngài.
Quốc vương không dám trái lời, đành lấy vạt áo lau nước mắt, liều mạng đi theo, thẳng tới dưới điện Kim Loan.
Lại nhìn thấy hai bên văn võ, bốn trăm quan triều, người nào người ấy oai nghiêm đoan túc, tướng mạo hiên ngang. Hành Giả dẫn Đường Tăng đứng im ở dưới thềm bạch ngọc.
Các quan đứng ở dưới thềm trông thấy thế đều sợ sệt nói:
- Bọn hòa thượng này cực kỳ ngu tối, đến ra mắt vua mình tại sao lại không lễ lạy, cũng không mở miệng hô chúc, một tiếng chào cũng không có, thật vô lễ!
Các quan chưa dứt lời, ma vương mở miệng hỏi:
- Hòa thượng kia ở đâu lại đây?
Hành Giả ngang nhiên trả lời:
- Ta là người nước Đại Đường bên Đông Thổ thuộc Nam Thiêm Bộ châu, khâm sai sang chùa đại Lôi Âm nước Thiên Trúc bên tây vực bái Phật sống cầu chân kinh; ngày nay đến đây không dám đi buột qua, phải đến đổi thông quan văn điệp.
Ma vương nghe lời, làm ra bộ giận dữ nói:
- Đông Thổ nhà ngươi là thế nào! Ta đây không phải triều cống nước nhà ngươi, không có giao thông với nước nhà ngươi, có sao đến ra mắt ta lại kháng lễ, không chịu sụp lạy!
Hành Giả nói:
- Đông Thổ ta là thiên triều từ cổ đại, là thượng quốc đã lâu ngày, các ngươi là nước nhỏ ngoài biển. Từ xưa có câu “Hoàng đế thượng bang là cha, là vua; hoàng đế hạ bang là tôi, là con”. Ngươi nói chưa từng tiếp ta, đã dám cùng ta tranh lễ.
Ma vương rất giận, sai các quan văn võ:
- Bắt lấy bọn hòa thượng cỏ rác đó!
Vua vừa mới thét một tiếng “bắt”, các quan đều nhảy lên một loạt.
Hành Giả quát to một tiếng, lấy tay trỏ một cái nói:
- Không được đến!
Trỏ tay như thế, là Hành Giả dùng phép định thân, các quan không ai được cựa quậy nữa. Thực là:
Hiệu úy dưới thềm như tượng gỗ,
Tướng quân trên điện tựa người bùn.
Ma vương thấy y hãm giữ các quan văn võ, vội vàng đứng dậy, bước xuống long sàng, định chạy ra bắt.
Hành Giả nghĩ bụng mừng thầm:
- Tốt! Hợp ý lão Tôn lắm rồi! Nếu mi lại đây thì đầu mi có là sắt nguội chăng nữa, ta choảng cho một gậy cũng vỡ sọ ra.
Vừa chực bước đi, tình cờ một vị sao cứu mệnh ở bên cạnh chuyển ra. Người ấy là ai? Chính là thái tử vua nước Ô Kê vội vàng tiến lên níu lấy áo triều phục ma vương, quỳ xuống trước mặt nói:
- Phụ vương nguôi cơn giận.
Yêu Tinh hỏi:
- Hài nhi định nói gì?
Thái tử nói:
- Tâu phụ vương biết cho. Ba năm trước nghe người ta nói, có vị thánh tăng ở Đường triều bên Đông Thổ được nhà vua khâm sai sang Tây Thiên bái Phật cầu kinh, dè đâu hôm nay mới đến nước ta. Tính cao quý của phụ vương oai liệt, nếu bắt hòa thượng ấy giết đi, sợ rằng một ngày kia bên Đại Đường hay được tin tức, tất nhiên tức giận. Cha đã biết Lý Thế Dân từ khi lên ngôi vua, nhất thống giang sơn, lòng vẫn chưa hả, còn vượt bể đi đánh dẹp, nếu biết phụ vương giết hại thánh tăng ngự đệ của y, nhất định y điều binh khiển tướng sang tranh địch với phụ vương. Khốn nỗi ta quân ít tướng hèn, bấy giờ hối thì đã muộn. Xin phụ vương y lời tâu của con, hãy đem bốn người hòa thượng hỏi lai lịch họ cho phân minh, trước buộc cho là không lạy nhà vua, sau sẽ đem xử tội.
Đây vốn là lòng cẩn thận của Thái tử, sợ rằng Đường Tăng bị hại, mới cố ý giữ yêu ma lại, biết đâu là Hành Giả đã sửa soạn để đánh.
Ma vương tin lời nói ấy, đứng ở đằng trước long sàng quát to một tiếng:
- Hòa thượng kia rời khỏi Đông Thổ từ bao giờ, vì lẽ gì Đường Vương sai nhà ngươi đi cầu kinh?
Hành Giả ngang nhiên trả lời:
- Sư phụ ta là ngự đệ của Đường Vương, hiệu là Tam Tạng. Nhân trong triều Đường Vương có quan thừa tướng họ Ngụy tên là Trung, vâng lệnh trời nằm mộng chém Kính Hà Long vương. Vua Đường nằm mộng xuống âm ty địa phủ, sau khi lại được hồi sinh, lập một đàn trường đại thủy lục phổ độ cho oan hồn nghiệt quỷ. Sư phụ ta phô diễn kinh văn, vận dụng từ bi, bỗng có Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ giáo cho sang Tây. Sư phụ ta mở rộng lòng hoằng nguyện, vui tình đẹp ý, báo nước tận trung, được vua Đường ban cho văn điệp. Lúc bấy giờ là ngày trước ngày rằm tháng chín ba ngày, năm Trinh Quán thứ mười ba nhà Đại Đường. Khi rời khỏi Đông Thổ đến núi Lưỡng Giới, thu ta làm đại đồ đệ, họ Tôn, tên là Ngộ Không Hành Giả; lại đến Cao Gia trang nước Ô Tư, thu được nhị đồ đệ, họ Trư, tên là Ngộ Năng Bát Giới; ở bờ sông Lưu Sa lại thu được tam đồ đệ, họ Sa, tên là Ngộ Tĩnh hòa thượng; hôm trước đến chùa Bảo Lâm mới thu được một hành đồng đạo nhân quẩy hành lý.
Ma vương nghe lời, đã hết lối tra kiểm Đường Tăng, đành phải kiếm cách nộ nạt Hành Giả, bèn nhăn mặt lại hỏi:
- Hòa thượng kia, lúc mới đầu, có một mình nhà ngươi đi từ Đông Thổ, lại thu được bốn người; ba nhà sư sẽ tha, một đạo sĩ khôn dung, hành đồng kia tất nhiên là man trá. Y tên họ là gì, có độ điệp hay không? Bắt y lên lấy cung!
Hoàng đế sợ hãi run bật người lên nói:
- Sư phụ ơi! Tôi sẽ cung thế nào?
Tôn Hành Giả dúi y một cái nói:
- Ngài đừng sợ, đã có tôi cung thay!
Đại thánh rảo bước lên trước, lên tiếng nói to với quái vật:
- Tâu bệ hạ, lão này là người dở câm dở ngọng, lại hơi nghễnh ngãng, vì khi còn nhỏ y đã qua Tây Thiên, quen thuộc đường lối, những điều căn bản của y đầu cuối thế nào, tôi đã biết hết, mong bệ hạ khoan thứ cho tôi khai thay lão.
Ma vương nói:
- Phải cứ thực mà cung thay cho y.
Hành Giả nói:
Hành đồng cung tội tuổi già nua,
Điếc lác không nhà câm dở dại.
Tiên tổ xưa kia vẫn ở đây.
Năm năm về trước bị lụn bại
Trời không mưa,
Ruộng khô ải.
Vua tôi dân chúng đều khấn vái,
Thắp hương tắm gội đảo cầu trời.
Muôn dặm không mây trời nắng dãi
Dân đói như treo giốc ngược lên,
Chung Nam dẫn đến toàn chân quái.
Gọi mưa hô gió đủ tài năng,
Sau đó mạng vua bị ám hại
Thây vứt xuống giếng nơi vườn hoa,
Ngầm chiếm ngôi rồng ai dám cãi.
Công quả to,
Có ta lại,
Cải tử hoàn sinh không quản ngại,
Tình nguyện quy y làm hành đồng,
Theo sư cùng đi sang Tây giới,
Biến làm vua giả chính toàn tân,
Đạo nhân nay là vua hiện tại.
Ma vương ở trên Kim Loan điện nghe đoạn văn chương ấy, hoảng sợ trong lòng như có con hươu nhảy nhót, trên mặt đỏ bừng như lửa đốt, vội vàng định trốn chạy thoát thân, khốn nỗi trong tay không có binh khí, quay đầu lại, nhìn thấy một vị Trấn điện tướng quân, lưng đeo một thanh bảo đao, bị Hành Giả dùng phép định thân làm cho như ngây như dại, đứng im mặt chỗ. Nó chạy đến cướp lấy thanh đao ấy, cưỡi mây nhảy lên trên không chạy mất. Sa Tăng tức tối nhẩy nhót như sấm, Trư Bát Giới hò hét kêu gào, oán trách Hành Giả là con khỉ nóng nảy!
- Anh hãy nói vừa vừa chứ có phải bắt được nó không? Bây giờ nó cưỡi mây trốn mất rồi, biết đường nào mà tìm?
Hành Giả cười nói:
- Các chú em chớ có om sòm lên. Chúng ta hãy gọi thái tử xuống lạy bố, hoàng hậu phi tần ra chào chồng đã.
Thế rồi miệng đọc thần chú, giải phép định thân cho các quan hồi tỉnh trở lại bái vua để biết rõ hoàng đế chân thực.
Hành Giả dặn thêm:
- Nhà vua nói rõ việc trước, cho bọn họ biết, chúng ta sẽ đi tầm nã yêu quái.
Đại thánh khôn ngoan dặn dò Bát Giới, Sa Tăng:
- Cẩn thận trông nom vua tôi cha con, hoàng hậu phi tần nhà họ và sư phụ chúng ta nhé!
Rồi chỉ nghe có tiếng “đi”, đã không thấy hình bóng đâu nữa.
Nguyên y nhảy lên đám mây trên lưng chừng trời, căng mắt nhìn ra bốn phía, dòm xem ma vương ở đâu. Nhìn thấy súc sinh kia quả đã thoát được tính mạng, đương chạy thẳng về mạn đông bắc. Hành Giả đuổi đến gần quát to:
- Quái vật kia, chạy đi đâu! lão Tôn đã tới nơi!
Ma vương vội vàng quay lại, tuốt bảo đao ra quát to nói:
- Tôn Hành Giả! Nhà ngươi thực là khéo ghét! Ta đến chiếm ngôi vua của người khác, bận gì đến ngươi, tại sao nhà ngươi đến chẳng chuộc, làm tiết lộ việc cơ mật của ta?
Hành Giả cười khanh khách nói:
- Ta cho mi là quái vật khốn kiếp to gan, lại còn để cho mi làm hoàng đế nữa à? Mi đã biết ta là lão Tôn thì phải tránh xa ra, cớ sao còn lếu láo làm khó dễ cho sư phụ ta, hỏi cung hỏi kẹo lằng nhằng! Những lời cung trạng vừa qua có phải hay không? Mi đừng có chạy, có giỏi hãy xơi một gậy của lão Tôn đây!
Yêu ma né mình tránh qua, múa bảo đao đón đánh vào mặt.
Hai người giao chiến, đánh nhau luôn mấy hợp. Yêu ma không chống nổi Hầu Vương, vội quay đầu theo lối cũ trở về trong thành, lẩn vào trong đám các quan văn võ đứng ở trước thềm bạch ngọc, nhao người biến hóa, biến ngay ra được y như hình dung Đường Tam Tạng, cũng khoanh tay đứng ở trước thềm. Hành Giả đuổi tới, định giơ gậy toan đánh, yêu quái kia nói:
- Ấy đồ đệ chớ đánh, ta đây mà!
Hành Giả vội vàng giơ gậy sắt định đánh Đường Tăng, lại cũng nói:
- Ấy đồ đệ chớ có đánh, ta đây mà!
Hai vị Đường Tăng giống nhau, thực khó phân biệt. Ví bằng gậy sắt đánh chết được yêu quái biến ra Đường Tăng, như thế cũng thành công quả, ngộ nhỡ ra đánh chết mất sư phụ thực thì làm thế nào!... Đành phải dừng tay gọi Bát Giới, Sa Tăng hỏi:
- Kẻ nào là yêu quái, người nào là sư phụ ta, các chú chỉ rõ cho biết, để ta đánh nó.
Bát Giới nói:
- Tôi vừa nghe thấy anh đánh chửi nhau với nó trên lưng chừng trời, thoắt một cái đã thấy có hai sư phụ rồi cũng chẳng biết ai giả ai thực nữa.
Hành Giả nghe nói, liền bắt quyết đọc thần chú, gọi hộ pháp chư thiên, lục đinh lục giáp, ngũ phương yết đế, tứ trực công tào, mười tám vị hộ pháp già lam, thành hoàng thổ địa ở nơi ấy đến hỏi:
- Lão Tôn đến đây bắt yêu quái nó biến ra sư phụ ta, hình thể giống nhau, khó đường phân biệt, các người khẽ nói cho sư phụ ta biết, mời người lên trên điện để ta bắt ma.
Nguyên yêu quái biết đằng vân giá vũ, nghe được tiếng Hành Giả, vội vàng vung tay đi lên điện báu Kim Loan. Hành Giả giơ gậy sắt lên nhằm Đường Tăng đánh xuống. Hú vía! Nếu không có mấy vị thần vừa gọi đến, một nhát ấy đến hai mươi vị Đường Tăng thịt cũng nát ra tương. May nhờ có các thần ngăn gậy sắt lại và nói:
- Đại thánh ơi, yêu quái biết đằng vân, chạy lên điện trước mất rồi.
Hành Giả chạy theo lên điện, nó lại chạy xuống níu lấy Đường Tăng, trong đám đông người ầm ỹ rối loạn, vẫn không nhận ra được. Hành Giả trong lòng không thỏa lại nhìn thấy Bát Giới ở bên cười nhạt, liền tức quá hỏi:
- Chú là cái đồ bị thịt ngốc nghếch! Hiện giờ có hai sư phụ, chú còn bị gọi, bị thưa, hầu hạ đủ thứ, còn sung sướng nỗi gì mà hý hửng thế?
Bát Giới nói:
- Anh ạ, cứ bảo tôi ngốc, kể anh lại còn ngốc hơn! Sư phụ không nhận ra được, hà tất phải tốn công, anh cứ chịu đau đầu một chút, nói với sư phụ ta đọc cái bài ấy, tôi và Sa Tăng lắng nghe từng người, ai mà không biết đọc, hẳn là yêu quái. Có gì là khó!
Hành Giả nói:
- Chú mình ạ, nhờ có chú đấy! Chính vậy, bài chú ấy chỉ ba người nhớ được. Nguyên là đức Phật Như Lai nhà mình từ trong bụng nghĩ ra, truyền cho Quan Thế Âm Bồ Tát, Bồ Tát lại truyền cho sư phụ nhà mình, ngoài ra không còn ai biết. Được rồi, sư phụ đọc đi!
Đường Tăng thực liền tụng niệm, ma vương biết làm sao được trong miệng lẩm bẩm quanh quéo.
Bát Giới nói:
- Tên này ấm ớ quanh quéo, đúng là yêu quái rồi!
Liền buông tay ra quai đinh ba bổ xuống, ma vương vươn mình nhảy lên, cưỡi mây chạy trốn.
Bát Giới quát một tiếng, cũng nhảy lên trên mây đuổi theo. Sa Tăng vội vàng để Đường Tăng ở đấy, cũng vác bảo trượng tới đánh. Đường Tăng mới dừng miệng không đọc thần chú, Hành Giả chịu đau, lê gậy sắt nhảy theo lên trên không. Chà, lần này ba vị hòa thượng giận dữ vây giữ một giống yêu ma hèn.
Yêu ma bị Bát Giới, Sa Tăng cầm đinh ba, bảo trượng giáp công hai bên. Hành Giả cười nghĩ:
- Mình cũng muốn đến, đánh thẳng vào mặt nó, nhưng nó vốn sợ mình sẵn, chỉ e nó chạy mất. Cứ để lão Tôn nhảy lên trên cao, làm cái kiểu giã tỏi đánh xuống, kết quả nó đi thôi.
Đại thánh cưỡi mây sáng lên trên cửu tiêu, định đánh một miếng chí tử, đã nghe thấy ở trong đám mây hoa ngũ sắc trên mạn đông bắc có tiếng gọi to:
- Tôn Ngộ Không, chớ có đánh vội!
Hành Giả vội ngoảnh lại nhìn, thì là Văn Thù Bồ Tát. Hành Giả bèn thu gậy lại tiến lên thi lễ nói:
- Bồ Tát, ngài đi đâu?
Văn Thù nói:
- Ta đến thu yêu quái giúp nhà ngươi đây!
Hành Giả tạ ơn nói:
- Phiền ngài quá!
Bồ Tát lấy cái kính soi yêu ở trong tay áo ra soi xuống nguyên thân quái vật. Hành Giả mới gọi Bát Giới, Sa Tăng cùng đến ra mắt Bồ Tát. Lại cùng nhìn vào trong gương, thấy hình dáng yêu quái rất đỗi hung ác.
Mắt bằng chén sáng quắc
Đầu to như nồi rang.
Khắp mình xanh tựa cỏ
Bốn móng bóng như sương.
Tai cúp trấp xuống mắt,
Đuôi dài quét lê đường.
Lông xanh đâm nhọn hoắt
Mắt đỏ phóng hào quang.
Khuôn răng như ván ngọc
Râu cứng hơn giáo trường.
Gương soi rõ chân tướng,
Nguyên là Sư Ly Vương.
Hành Giả nói:
- Bồ Tát, đây là con sư tử lông xanh của ngài vẫn cưỡi, sao lại trốn đi thành tinh mà ngài không đi thu phục nó về?
Bồ Tát nói:
- Ngộ Không, có phải nó trốn đâu, có Phật chỉ sai nó đấy chứ.
Hành Giả nói:
- Giống súc vật thành tinh, chiếm đoạt ngôi vua còn vâng Phật chỉ sai đi, thế thì như lão Tôn đi bảo hộ Đường Tăng, chịu khổ nhục, dễ thường phải lĩnh mấy đạo sắc thư!
Bồ Tát nói:
- Nhà ngươi không biết. Nguyên xưa vua nước Ô Kê thích việc thiện, thết cơm chay các nhà sư, Phật sai ta đến độ y về tây, được chứng kim thân la hán. Vì chưng không thể để nguyên thân gặp y được, mới biến ra một nhà sư thường, đến hỏi xin một ít cơm chay, bị ta hỏi vặn cho mấy câu, y không biết ta là người tốt, lấy một cái dây thừng trói ta lại, bỏ xuống sông Ngự Thủy ngâm ta ba ngày ba đêm. Nhờ được lục giáp Kim thân cứu ta về đây, tâu với Như Lai. Như Lai mới cho quái vật này đẩy y xuống giếng, ngâm ba năm, để báo cái giận ba ngày thủy tai cho ta. “Một ngụm nước, một miếng cơm cũng là tiền định” ngày nay được các người tới đây lập nên công tích.
Hành Giả nói:
- Người tuy báo chí tư thù “một ngụm nước, một miếng cơm” gì đó, nhưng quái này vật đã hại không biết bao nhiêu là người!
Bồ Tát nói:
- Cũng chưa hề hại người. Từ khi nó đến, trong ba năm trời, gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân yên, có hại ai đâu?
Hành Giả nói:
- Đã đành như vậy, nhưng mà tam cung hoàng hậu đã ăn nằm với nó, làm nhơ nhuốc cả thân thể người ta, phá hoại cương thường luân lý biết là bao, lại còn bảo là chưa hề hại người?
Bồ Tát nói:
- Nhơ nhuốc thế nào được, nó là một con sư tử thiến rồi.
Bát Giới nghe lời, chạy đến gần, vỗ vào lưng yêu quái cười nói:
- Yêu tinh này đúng là một chú “mũi điếc không uống rượu” uổng cả cái tiếng.
Hành Giả nói:
- Đã như vậy, người nhận lấy nó, nếu không có Bồ Tát thân đến, quyết không tha tính mạng nó.
Bồ Tát đọc thần chú, quát bảo:
- Súc sinh! Sao chưa quy chính, còn đợi cái gì?
Ma vương hiện ra nguyên thân. Bồ Tát phóng hoa sen trùm lấy yêu ma, ngồi lên trên lưng, cưỡi tường quang từ biệt Hành Giả. Ôi!
Thẳng trỏ Ngũ Đài sơn đi tới
Dưới tòa sen báu lắng nghe kinh.
Chưa biết thầy trò Đường Tăng ra đi thế nào, xem tới hồi sau sẽ rõ.
Ba anh em Tôn đại thánh ở trên mây bước xuống về thẳng trong triều. Đã có vua tôi, thái tử, hoàng hậu, các quan đứng làm mấy hàng bái tiếp tạ ơn. Hành Giả đem việc Bồ Tát hàng ma thu quái nói lại một lượt cho vua tôi nhà họ nghe, mọi người lạy tạ khôn xiết. Mọi người đương vui vẻ mừng rỡ, lại nghe thấy quan hoàng môn vào tâu:
- Thưa chúa công, ở bên ngoài lại có bốn vị hòa thượng vừa đến.
Bát Giới hoảng sợ nói:
- Anh ạ, hay là yêu ma hóa phép, giả làm Bồ Tát, đánh lừa chúng ta rồi lại biến làm hòa thượng, đến đây đấu trí với bọn mình chăng?
Hành Giả nói:
- Lẽ nào như thế?
Liền cho gọi vào xem.
Các quan văn võ truyền lệnh cho dẫn họ vào. Hành Giả nhìn thấy chính là những nhà sư ở chùa Bảo Lâm, mang các thức mũ xung thiên, đai bích ngọc, giầy vô ưu đưa về trả.
Hành Giả rất mừng nói:
- Đến vừa hay, đến vừa hay!
Nói đoạn gọi đạo nhân đến nơi, bảo trật khăn bịt đầu ra, đội mũ xung thiên lên, trút các áo vải ra, vận áo hoàng bào đỏ, cởi dây lưng ra thắt đai bích ngọc lại, trụt dép nhà sư ra, đóng giày vô ưu vào, bảo thái tử cầm ngọc khuê trắng ra, đưa cho người cầm và mời ngay lên điện giữ ngôi vua. Đúng như người xưa đã nói: “Trong triều đình không thể một ngày không có vua!”
Vị hoàng đế kia khi nào chịu lên, khóc rưng rức, quì xuống dưới thềm nói:
- Tôi chết đã ba năm, nay nhờ ơn sư phụ cứu tôi sống lại, có đâu dám tự xưng tôn xằng, xin mời sư phụ lên làm vua, tôi tình nguyện đem vợ con ra ngoài thành làm dân là đủ.
Tam Tạng đời nào chịu nhận, một lòng chỉ quyết bái Phật cầu kinh. Lại mời Hành Giả, Hành Giả cười nói:
- Chẳng giấu gì các ngài, nếu lão Tôn muốn làm vua thì những ngôi hoàng đế khắp cả muôn nước chín châu, khắp cả thiên hạ lão Tôn đã làm cả rồi. Chỉ vì chúng tôi quen làm hòa thượng, nhàn tản hư thân, nếu làm hoàng đế đầu lại phải để tóc dài, tối chưa được nằm canh năm đã dậy, nghe lời phi báo, trong dạ lo âu, thấy năm mất mùa nghĩ thêm phiền não. Chúng tôi chịu sao nổi? Người nên lên ngôi hoàng đế, tôi thì quyết chí làm sư, đi tu hành vậy.
Quốc vương nhường mãi không được, mới chịu lên trên bảo điện, quay mặt về phương nam xưng trẫm, đại xá cho thiên hạ, phong tặng các nhà sư chùa Bảo Lâm rồi cho về. Lại truyền mở tiệc tại điện Đông Các thết đãi Đường Tăng. Một mặt hạ chỉ tuyên triệu những người thợ vẽ họa chân dung bốn vị thầy trò nhà Đường, cúng dạng ở trên điện Kim Loan.
Bọn thầy trò đã dẹp yên việc nước không chịu ở lâu, muốn từ biệt nhà vua sang Tây. Hoàng đế cùng ba cung phi hậu, thái tử, triều thần, đem bảo bối trấn quốc, bạc vàng, gấm vóc, dâng lên sư phụ để đền ơn. Tam Tạng không nhận gì hết, chỉ cần trao đổi quan văn, giục bọn Ngộ Không đóng ngựa ra đi. Quốc vương rất đỗi áy náy, chỉnh đốn loan giá mời Đường Tăng ngồi lên, cho hai hàng văn võ dẫn đường; vua, ba cung phi hậu và thái tử thân đẩy xe đưa ra ngoài thành, rồi xuống xe rồng tiễn biệt mọi người.
Quốc vương nói:
- Thưa sư phụ, đến khi trở về, xin mời sư phụ quá bộ vào qua địa giới quả nhân.
Tam Tạng nói:
- Xin vâng!
Hoàng đế nước mắt ròng ròng cùng các bầy tôi trở về.
Đường Tăng và cả bọn bốn người đi lên đường cái, một lòng chuyên bái Linh sơn, gặp lúc thu tàn đông tới, chỉ thấy:
Sương tàn lá đỏ rừng xờ xạc
Mưa chín kê vàng khắp chốn đầy.
Nắng sấy ngàn mai hoa chớm nở
Gió lay khóm trúc động hơi may.
Bọn thầy trò rời khỏi nước Ô Kê, ngày đi đêm nghỉ, độ một tháng có lẻ, chợt lại thấy một tòa núi cao, thật là chọc trời cản nắng. Tam Tạng ngồi trên ngựa lo sợ, vội gò cương kêu gọi Hành Giả.
Hành Giả nói:
- Sư phụ có việc gì truyền bảo?
Tam Tạng nói:
- Con xem trước mặt lại có núi cao đỉnh thẳm, phải nên cẩn thận đề phòng, sợ có khi tà ma xâm phạm đến ta chăng?
Hành Giả cười nói:
- Cứ việc đi đường, chớ nên đa tâm. Lão Tôn sẽ tự có cách phòng hộ.
Sư trưởng mới thấy thư tâm, giơ roi giục ngựa, tế lên đỉnh núi, quả nhiên cũng mười phần hiểm trở.
Đương lúc ấy, lại nhìn thấy một đám mây hồng ở trong hốc núi bay vút lên trên chín tầng xanh, kết tụ lại thành một đám hơi lửa. Hành Giả rất sợ, đi đến gần cầm chân Đường Tăng lôi từ trên ngựa xuống gọi:
- Anh em ơi đừng đi nữa, yêu quái đến đấy!
Bát Giới hoảng sợ, vội giơ đinh ba, Sa Tăng cầm ngang bảo trượng, đứng vây chung quanh Đường Tăng.
Trong đám ánh sáng hồng ấy, quả có yêu tinh thực. Mấy năm trước đây nó đã nghe người ta nói:
- Đường Tăng bên Đông Thổ sang Tây Thiên lấy kinh, người là Kim thuyền trưởng lão thác sinh, một người tốt đã mười đời tu hành, ai mà ăn được một miếng thịt người ấy sẽ được trường thọ ngang với trời đất. Cho nên ngày nào nó cũng đợi chờ ở trên núi, không ngờ hôm nay Đường Tăng đến thực. Đương khi nó mải ở trên không trung dòm ngó, đã nhìn thấy ba người đồ đệ, đứng vây chung quanh người ngựa Đường Tăng, đều cùng chuẩn bị. Yêu tinh hết lời khen ngợi nói:
- Ta vừa mới trông thấy một vị hòa thượng mặt mũi trắng trẻo cưỡi ngựa, đúng là Đường Triều thánh tăng, ở đâu lại nảy ra ba vị hòa thượng xấu xí hộ trì dừng lại! Người nào người nấy xắn áo giơ tay, đều cầm binh khí, tựa hồ định đánh nhau với ai. Ôi! Không biết kẻ nào tinh mắt thế, có lẽ họ nhận ra mình rồi! Kiểu cách thế này, đừng hòng mà ăn thịt Đường Tăng được!
Nghĩ ngợi một lát, yêu quái lòng lại hỏi lòng:
- Nếu cứ cậy thế đến bắt, khó lòng tới gần được, hoặc giả lấy khéo léo làm cho y mê, thì mới có thể. Hễ mà lòng y đã mê hoặc, ta sẽ liệu cách khéo léo, tất nhiên bắt được y. Hãy xuống bỡn thử một cái.
Yêu quái làm tan đám mây hồng, từ trên mây bước xuống đi vào trong sườn núi, nhao người biến ra đứa trẻ bảy tuổi, mình trần trùng trục không có quần áo, lấy dây trói cả chân tay, treo cao tít trên ngọn cây thông, bù lu bù loa kêu khóc:
- Cứu tôi với! Cứu tôi với!
Tôn đại thánh chợt ngẩng đầu lên nhìn, đã thấy đám mây hồng tan hết, hơi lửa tắt rồi, liền nói:
- Sư phụ lên ngựa đi thôi!
Đường Tăng nói:
- Bảo có yêu quái tới nơi, sao còn dám ra đi?
Hành Giả nói:
- Vừa rồi con thấy một đám mây hồng từ dưới đất bay lên, đến trên không kết thành một đám hơi lửa, đoán hẳn là yêu tinh. Được một lúc, mây hồng lại tan, có lẽ là yêu tinh đi qua đường, không dám hại người. Chúng ta đi thôi.
Bát Giới cười nói:
- Sư huynh thực khéo bẻm mép, yêu tinh lại còn có cái hạng quá lộ nào nữa?
Hành Giả nói:
- Chú biết thế nào được? Hoặc giả ma vương ở động nào núi nào đặt tiệc, thỉnh mời yêu tinh các núi các động đến dự hội, phải có đủ tinh linh khắp nơi đông tây nam bắc đều tới hội, cho nên chúng chỉ có lòng đi hội, không có ý hại người, như thế chúng là yêu tinh quá lộ đấy.
Tam Tạng nghe nói, cũng nửa tin nửa ngờ, song cứ nhảy lên mình ngựa, thuận lối tiến lên trên núi. Bỗng nghe thấy tiếng kêu cứu.
Tam Tạng rất sợ nói:
- Đồ đệ ạ, trên lưng chừng núi, sao lại có tiếng người kêu ở đâu thế?
Hành Giả tiến lên nói:
- Sư phụ chỉ cốt sao đi được, không nên chẳng vào nào “kiệu người” “kiệu lửa” “kiệu ngồi” kiệu nằm”[52]. Ở chỗ này cho có kiệu nữa, cũng chẳng ai khiêng thầy đâu.
Đường Tăng nói:
- Không phải là kiệu khiêng, chính là tiếng kêu gọi cơ mà.
Hành Giả cười nói:
- Con hiểu rồi. Đừng nghĩ việc gì cả, hãy cứ đi!
Tam Tạng y lời, giục ngựa tiến lên. Đi chưa được một dặm, lại nghe thấy tiếng người kêu “cứu tôi với!”.
Trưởng lão nói:
- Đồ đệ, tiếng kêu như thế, không phải quỷ quái yêu tà đâu. Nếu phải quỷ quái yêu tà, chỉ có tiếng kêu, không có tiếng vang. Con nghe mà xem, cứ một tiếng kêu, lại một tiếng vang, có lẽ một nạn nhân nào đó. Chúng ta nên đến cứu người ta với!
Hành Giả nói:
- Sư phụ ạ, ngày nay hãy đem cái lòng từ bi ấy tạm xếp lại, xếp lại, đợi khi nào qua núi, sẽ mở lòng từ bi ra. Ở chỗ này dữ nhiều lành ít. Thầy nên biết rằng cái thuyết nương cây dựa cỏ, giống gì cũng có thể thành tinh, các loại còn khá, chỉ có cái loại mãng xà, hễ mà tu được lắm năm nhiều tháng, thành ra quỷ tinh, biết được cả tên tục người ta; nó ở trong những đống cỏ, hoặc trong hốc núi, gọi người một tiếng, người không trả lời còn khá, hễ trả lời một tiếng, nó sẽ đem linh hồn người ta dẫn đi, đến đêm theo về, tất nhiên mạng người bị hại cả. Đi luôn đi! Đi luôn đi, xưa có câu 'Thoát được đi rồi, tạ thần minh” chớ có nên nghe nó.
Sư trưởng chỉ còn y lời giục ngựa tiến lên:
Hành Giả trong bụng nghĩ thầm.
- Quái vật khốn kiếp không biết ở chỗ nào, cứ kêu la hoài, đợi lão Tôn sẽ đưa cho nó một cái “phép mão dậu tinh” để hai bên không trông thấy nhau.
Đại thánh liền gọi Sa hòa thượng đến bảo:
- Giữ lấy ngựa cho đi thong thả, để lão Tôn nghỉ tay tí!
Đại thánh bèn để cho Đường Tăng đi lên trước mấy bước, đọc bài thần chú làm phép chuyển núi rút đất, cầm gậy bịt vàng, trỏ về đằng sau, thầy trò y đã sang qua đỉnh núi này, đi lên phía trước rồi bỏ quái vật phía sau. Y lại rảo cẳng mấy bước, theo kịp Đường Tăng, cùng nhau trèo núi.
Đường Tăng lại nghe thấy có tiếng kêu cứu ở đằng sau núi, liền nói:
- Đồ đệ ạ! Nạn nhân nào đó, thật là vô duyên, không gặp được chúng ta, chúng ta đã đi quá rồi, còn nghe thấy người ta kêu ở mạn sau núi.
Bát Giới nói:
- Ở đây vẫn là đằng trước núi, chỉ vì bây giờ đổi gió rồi.
Hành Giả nói:
- Đổi gió hay không đổi gió, bận gì đến mình, cứ đi lên!
Vì thế không ai nói năng gì, cứ đi, chỉ tức không thể một bước nhảy sang qua núi được.
Yêu quái ở trong sườn núi, gọi luôn ba bốn tiếng liền, không có ai đến, y ngẫm nghĩ trong bụng:
- Ta đợi Đường Tăng ở đây, trông thấy y cách xa không tới ba dặm, sao đã lâu thế mà không thấy y đến?... Có lẽ, họ đi theo lối dưới.
Y rợp nhỏ người lại, trụt dây trói ra, lại phóng mây hồng lên trên không nhìn lại.
Không ngờ Tôn đại thánh ngoảnh nhìn trở lại, biết rõ là yêu quái, lại cầm chân Đường Tăng từ trên ngựa kéo xuống nói:
- Anh em ơi, cẩn thận! cẩn thận! Yêu tinh lại đến đấy!
Bát Giới, Sa Tăng hoảng sợ cầm đinh ba, cầm trượng lại đứng vây chung quanh Đường Tăng.
Yêu tinh ở trên không trung trông thấy ngợi khen không dứt, nói:
- Ta vừa nhìn thấy vị hòa thượng mật trắng ngồi trên mình ngựa bạch, sao đã bị ba người kia giấu đi rồi? Lần này phải đến xem tận mặt mới rõ. Người nào có cái nhìn giỏi như thế, ta phải tính trước đi đã, sau mới bắt được Đường Tăng. Nếu không, uổng phí tâm cơ không bắt được, toi công hí hửng lại thành không.
Ở trên mầy bước xuống, y lại biến hóa như lần trước, treo cao lên ngọn cây thông chờ đợi. Lần này cách không tới nửa dặm.
Tôn đại thánh lại ngửng đầu lên xem, thấy đám mây hồng lại tan đi, bèn mời sư phụ lên đường.
Tam Tạng nói:
- Con bảo yêu tinh lại đến, sao lại mời đi?
Hành Giả nói:
- Cũng lại là yêu tinh quá lộ, không gây chuyện với chúng ta.
Sư trưởng đã hơi tức nói:
- Con khỉ khốn kiếp này, nhờn với ta quá sức! Chính những lúc có yêu ma, lại bảo là vô sự, đương khi ở nơi thanh bình thế này, lại cứ dọa dẫm ta, bỗng chốc lại gào lên có yêu tinh, hư nhiều thực ít, bất chấp khinh trọng, cầm chân ta lôi tuột từ trên ngựa xuống, bây giờ lại giải thuyết là yêu tinh quá lộ quái quỷ gì! Giả sử ta ngã què thì lại hối không kịp! Những cái như thế! Những cái như thế…!
Hành Giả nói:
- Sư phụ đừng lèo nhèo, nếu làm ngã què chân tay, còn chữa khỏi được, chứ bị yêu tinh cuỗm đi mất, thì biết đâu mà tìm?
Tam Tạng tức quá, miệng lấm rầm, chực đọc chú khẩn cô nhi, may có Sa Tăng van xin mới lại lên ngựa ra đi.
Tam Tạng ngồi chưa yên chỗ, đã nghe thấy tiếng kêu “Sư phụ cứu tôi với”.
Tam Tạng ngửng đầu lên xem, thấy một đứa trẻ con, mình trần trùng trục, treo ở trên cây. Tam Tạng bèn dừng cương lại, gọi mắng Hành Giả:
- Con khỉ khốn kiếp thực là tệ hại! Không có một tí gì là lương thiện, trong bụng lúc nào cũng chăm chăm làm ác! Ta đã nói mãi tiếng kêu đó đích là tiếng người, y cứ mồm năm miệng mười bảo là yêu quái! Mi thử nhìn xem có phải là người bị treo ở trên cây không?
Đại thánh thấy sư phụ quở trách mình, lại chính người trông thấy hình dạng tận nơi, một là giở tay không được, hai là sợ lại đọc chú khẩn cô nhi, đành cúi đầu, không dám trả lời, để cho Đường Tăng đi đến gốc cây. Sư trưởng chỉ đầu roi ngựa lên hỏi:
- Cháu là con cái nhà ai? Nhân có việc gì, bị treo ở đây? nói cho ta biết, ta sẽ cứu cháu?
Ôi! Rõ ràng nó là yêu tinh, biến hóa như thế, sư phụ kia lại là người mắt thịt, phàm tục, không nhận ra được.
Yêu ma thấy Đường Tăng hỏi tới, lại càng làm ra bộ nước mắt sướt mướt nói:
- Thưa sư phụ, về phía tây núi là khe Thông Héo, bên khe có một thôn trang, con là người ở đấy. Ông con họ Hồng chỉ vì tích nhiều vàng bạc, gia tư cự vạn, hỗn quân gọi là Hồng Bách Vạn, tuổi già qua đời đã lâu, để lại gia sản cho bố con. Gần đây bố con sinh ra chơi bời, gia tư sa sút, đổi tên là Hồng Thập Vận, chỉ chuyên kết giao với những người hào kiệt khắp nơi, bỏ tiền tài ra cho vay, hòng lấy nhiều lãi, dè đâu hạng xiêu cư bạt quán, lấy cách lừa dối, gốc lãi không trả. Bố con phát thệ, một đồng cũng không cho ai vay nữa. Những con nợ cũ, nhà nghèo vô kể, kết thành đảng cướp, cầm hồng vác gậy, giữa ban ngày sấn đến nhà con, của cải trong nhà cướp cho kỳ hết, bắt giết phụ thân con, thấy mẫu thân con có chút nhan sắc chúng càn đi làm áp trại phu nhân gì đó. Lúc bấy giờ mẹ con không nỡ rời con ra, ôm con vào trong lòng, khóc nức nở run cả người, đi theo kẻ cướp, không ngờ đi đến núi này, chúng đi chậm lại, chực giết con; nhờ có mẹ con van xin tha thiết, con khỏi bị nhát dao bỏ mạng; chúng lại lấy dây treo con lên trên cây, để cho con bị chết đói chết rét. Bọn kẻ cướp đem mẫu thân con đi đâu cũng không biết nữa. Con bị treo ở đây đã ba ngày ba đêm, không có một người nào đi lại. Không biết con tu hành từ kiếp nào, lại gặp được sư phụ. Xin người đại xá từ bi, cứu mạng con về nhà, con sẽ gán mình bán xác để đền công sư phụ, cho mãi khi cát vàng lấp mặt, không dám quên ơn.
Tam Tạng nghe nói, cho là chân thực, bảo Bát Giới lên cởi dây ra, cứu nó mang xuống. Chú Ngốc cũng không nhận ra, toan trèo lên cởi dây.
Hành Giả đứng bên không nhịn được, quát một tiếng to hỏi:
- Con vật khốn kiếp kia! Có người biết là mi ở chỗ nào rồi, đừng giở cái lối nói ma nói cuội, dối lừa người ta! Mi nói gia tư bị cướp, bố bị giặc giết, mẹ bị bắt đi, cứu mi đem giao cho người nào? Mi lấy vật gì tạ ơn ta, cái nói đối của mi đã trật khấc ra đấy!
Yêu quái nghe nói, trong lòng sợ sệt, biết rằng đại thánh là người tài năng, ngầm để ý riêng. Rồi lại run run sợ sợ gạt nước mắt mà nói:
- Sư phụ ạ, tuy cha mẹ con không còn, gia tài tận tuyệt, vẫn còn một ít điền sản chưa động đến, thân thích đều còn cả.
Hành Giả nói:
- Mi có thân thích thế nào?
Yêu quái nói:
- Ông ngoai con nhà ở phía nam núi, cô ruột con trú nơi bắc núi, Lý Tứ ở đầu khe là chồng dì, Hồng Tam ở trong rừng là bác họ. Còn những chú họ, anh ruột đều ở trong thôn. Lão sư phụ nếuchịu cứu con, đưa con về thôn gặp họ đương nhà con, con sẽ đem cái công ơn cứu vớt của lão sư phụ nói hết cho mọi người biết, bán đợ ruộng nương báo đền ơn sâu.
Bát Giới nghe lời, ngăn Hành Giả lại nói:
- Thưa anh, cái thằng trẻ con bằng ngần này, anh cứ tra hỏi mãi làm gì? Nó nói là kẻ cướp, chỉ có ăn cướp những của nổi nhà nó, chẳng lẽ cả nhà cửa ruộng nương cũng ăn cướp được sao? Nếu mà nói cho họ đương nhà nó biết, dạ dầy chúng mình dù có to đến đâu chăng nữa cũng không ăn hết tiền bán mười mẫu ruộng. Cởi cho nó xuống!
Chú ngốc chỉ tưởng ăn làm đầu, còn biết gì là hay dở, cầm dao cắt đứt dây trói đỡ yêu quái xuống. Yêu quái nước mắt ròng ròng sì sụp lạy ở trước ngựa Đường Tăng. Sư trưởng lòng lành, liền hỏi:
- Hài nhi, trèo lên mình ngựa, ta mang con đi.
Đường Tăng bảo Bát Giới cõng.
Yêu quái dụi mắt một cái nói:
- Sư phụ ạ, da dẻ con đã nhũn cả ra, không dám để cho vị sư phụ ấy cõng, người mồm dài tai lớn, lông bờm gáy cứng, làm cho con sợ..
Đường Tăng nói:
- Để cho Sa hòa thượng cõng vậy!
Yêu quái cũng dụi mắt một cái nói:
- Sư phụ ạ, khi quân giặc đến ăn cướp nhà con, đứa nào cũng vẻ nhọ mặt, đeo bộ râu giả, cầm dao vác gậy, con bị chúng dọa nạt sợ hãi, trông thấy vị sư phụ mặt đen này, con không còn hồn vía nào nữa, cũng không dám để cho người cõng.
Đường Tăng bảo Tôn Hành Giả cõng.
Hành Giả khanh khách cười nói:
- Ta cõng! Ta cõng!
Yêu quái mừng thầm trong bụng. Hành Giả dắt nó ra bên mé đường, nhấc thử một cái, chỉ nặng chừng ba cân mười lạng.
Hành Giả cười nói:
- Con quái vật khốn kiếp kia! Hôm nay mi đến ngày chết rồi, trước mặt lão Tôn còn dám giả trò ma ra! Ta biết mi là một đứa “nói láo mép”!
Yêu quái nói:
- Tôi là con cái nhà tử tế, chẳng may mắc phải nạn to, sao lại bảo là đứa “nói láo mép”?
Hành Giả nói:
- Mi là con cái nhà tử tế, cớ sao người mi lại nhẹ thế?
Yêu quái nói:
- Tôi cốt cách son nhỏ.
Hành Giả nói:
- Mi năm nay bao nhiêu tuổi?
Yêu quái nói:
- Tôi lên bảy tuổi.
Hành Giả cười nói:
- Mỗi một tuổi nặng lên một cân, cũng phải bảy cân, cớ sao mi nặng chưa đầy bốn cân?
Yêu quái nói:
- Tôi hồi còn nhỏ mất sữa mẹ.
Hành Giả nói:
- Thôi được, ta cứ cõng mi, muốn đi đái đi ỉa, phải nói với ta.
Đường Tăng mới cùng Bát Giới, Sa Tăng đi trước, Hành Giả cõng đứa trẻ theo sau, cả bọn thẳng lối sang Tây.
Tôn đại thánh cõng yêu ma, trong lòng oán trách Đường Tăng không biết gian khổ:
- Đi trên sơn trường hiểm dốc thế này, đi không cũng khó lòng bước được, còn bắt lão Tôn cõng người! Thằng này dù chẳng yêu ma, có là người tử tế, cũng chẳng còn cha mẹ nào, không biết cõng nó giao cho ai; chi bằng giết ngấm nó đi.
Quái vật đã biết ngay rồi, liền hóa phép thần thông, quay bốn mặt hấp bốn ngụm hơi, phun lên mình Hành Giả liền thấy nặng tới nghìn cân.
Hành Giả cười nói:
- Con ta ơi, con dùng phép nặng mình đè ép bố đấy ư!
Yêu quái nghe tiếng, sợ đại thánh hại nó, liền dừng phép giải thi, xuất nguyên thần ra, nhảy vọt đi lên, đứng trên chín từng mây. Trên lưng Hành Giả lại càng nặng. Hành Giả phát cáu, kéo lại đằng trước, quai một cái vào tảng đá, ở bên mé đường, quật cho thi hài nhũn ra chẳng khác gì thỏi thịt. Nhưng vẫn sợ nó lại giở trò chăng bèn thẳng cánh xé tứ chi, quẳng xuống bên đường, vụn ra như cám.
Quái vật ở trên không, trông thấy rõ ràng, nén không được cơn tức bốc lên nói:
- Hòa thuợng con khỉ này, cực kỳ hỗn láo, dù ta có là yêu ma định hại sư phụ mi chăng nữa, nhưng vẫn chưa hề động chạm gì đến ngươi, cớ sao mi đã làm thương tổn đến ta thế kia? May mà ta đã tính toán trước, xuất thần chạy đi, không thì đã vô cớ bị hại rồi! Nếu không nhân lúc này bắt lấy Đường Tăng, đợi để lần sau, càng dễ cho y có thì giờ thêm khôn ra.
Yêu quái tinh ranh ở trên không trung thổi cơn gió lốc đá chuyển cát bay, thực là dữ dội. Gió to quá:
Ào ào dậy cuốn nước mây xanh
Mù mịt ùn ùn lấp bóng xanh.
Ngã rạp cây rừng lên cá rễ.
Gẫy phăng gốc lớn đổ liền cành,
Đá vàng đẩy mắt người xiên xọ,
Đá vụn quăng chân bước gập ghềnh.
Cuồn cuộn đất bằng mờ mịt tối,
Khắp rừng cầm thú tiếng kêu inh.
Gió thổi quét cho Tam Tạng ngồi trên ngựa không yên, Bát Giới không dám ngửa mặt, Sa Tăng cắm cổ gục đầu. Tôn đại thánh biết là quái vật làm gió, vội vàng chạy đuổi theo thì yêu quái đã lướt theo đầu gió, cuốn Đường Tăng đi rồi. Mất tăm mất tích, chẳng biết nó đem đi phương nào, khó đường tìm kiếm.
Một lát sau, tiếng gió bớt dần, mặt trời ló sáng, Hành Giả tiến lên xem xét, chỉ thấy bạch long mã đứng run lập cập kêu thét, gánh hành lý bỏ lăn lóc ở mé đuờng. Bát Giới phục ở sườn non rên rỉ, Sa Tăng rạp vào khe núi kêu la.
Hành Giả gọi:
- Bát Giới.
Chú ngốc nghe tiếng quen biết là Hành Giả, ngửng đầu lên, xem cơn gió cuồng đã tắt, nhổm trở dậy, níu lấy Hành Giả nói:
- Anh ơi, gió to quá sức!
Sa Tăng cũng chạy đến nói:
- Anh ơi, đây là một trận gió lốc!
Lại hỏi:
- Sư phụ đâu?
Bát Giới nói:
- Gió thổi rất gấp, chúng tôi đều chúi đầu bịt mắt, ai nấy tránh gió to, sư phụ cũng gục trên mình ngựa!
Hành Giả nói:
- Bây giờ biết sư phụ đi đằng nào?
Sa Tăng nói:
- Sư phụ người nhẹ như cái bóng đèn, có lẽ bị gió cuốn đi mất rồi.
Bát Giới nói:
- Chúng mình nên tan từ đây đi thôi! Tan sớm, mỗi người một ngả, lại còn tốt hơn, đường sang Tây Thiên vô cùng vô tận, bao giờ mới tới nơi?
Sa Tăng nghe nói, giật mình, tê tái cả người nói:
- Sư huynh ạ, anh nói làm chi thế! Chỉ vì kiếp trước chúng ta có tội, đội ơn Quan Thế Âm Bồ Tát khuyến hóa, cho chúng ta cắt tóc đi tu, thay đổi pháp danh, quy y Phật quả, tình nguyện bảo vệ Đường Tăng sang Tây Thiên bái Phật cầu kinh, lấy công chuộc tội. Ngày nay đến đây, bỗng nhiên thốt ra câu nói mỗi người một ngả, há chẳng trái lòng thiện quả của Bồ Tát, hoài cả đạo đức của chính mình, để cho người ta chê cười, cho chúng ta là phường hữu thủy vô chung ư!
Hành Giả nói:
- Người anh em nói cũng phải đấy! Khốn nỗi sư phụ không chịu nghe lời. Cặp mắt thau của lão Tôn đây biết rõ hay dở. Trận gió vừa rồi, chính là thằng bé bị treo ở trên cây hóa phép. Tôi biết rõ nó là giống yêu tinh, các chú không nhận ra, sư phụ cũng không biết, cho nó là con nhà tử tế, bảo tôi phải cõng nó đi. Lão Tôn đã tìm cách trừ khử nó, nó lại hóa phép nặng mình đè lên lão Tôn. Lão Tôn đã quật cho nó nát nhừ người ra, nó lại dùng phép giải thi, hóa ra trận gió lốc cuốn mất sư phụ chúng mình.
Bát Giới nói:
- Anh ạ, chẳng chấp làm gì, nên tin lời nói của Sa đệ, hãy đi tầm nã yêu quái cứu lấy sư phụ.
Hành Giả mới đổi giận làm lành nói:
- Anh em mình, phải kết chặt mối đồng tâm, thu thập hành lý ngựa nghẽo, lên núi đi tìm quái vật cứu lấy sư phụ.
Cả ba người rạch lau rẽ cỏ, lặn suối trèo non, đi tới chừng năm bảy mươi dặm, vẫn chưa thấy tăm hơi. Ở trên núi tuyệt không thấy chim bay thú chạy, chỉ những trúc hóa thông reo. Tôn đại thánh ruột nóng như đốt, vươn mình một cái, nhảy lên trên đỉnh núi ngất cao, quát một tiếng kêu “biến” tức thời biến ra ba đầu sáu tay, tựa như hình dáng hồi đại náo thiên cung, cầm gậy như ý vung một cái, biến ra ba cây gậy, tay múa miệng thét, đánh sang phía bên đông, đánh sang phía bên tây, đánh rối rít ra hai bên không ngớt.
Bát Giới trông thấy nói:
- Sa hòa thượng ạ, hỏng cả rồi. Sư huynh đi tìm sư phụ không thấy, bốc cơn thịnh nộ lên rồi!
Hành Giả đánh được một lúc, dồn ra một bọn thần cùng khổ đều là quần một mảnh, áo một mảnh, lưng không thắt dây, quần chẳng có ống, quì ở trước núi kêu:
- Tâu đại thánh, sơn thần thổ địa đến hầu!
Hành Giả nói:
- Làm sao có nhiều sơn thần, thổ địa thế?
Các thần cúi đầu nói:
- Bẩm lên đại thánh, núi này gọi là núi “Hiệu đầu khóa sáu trăm dặm”. Chúng tôi cứ mười dặm có một sơn thần, mười dặm một thổ địa. Hôm qua nghe được đại thánh tới nơi, chỉ vì hội họp không kịp, cho nên đón chậm, để cho đại thánh phát giận, xin người tha tội.
Hành Giả nói:
- Tha tội cho các ngươi! Ta hỏi các ngươi: Ở trên núi này có bao nhiêu yêu tinh?
Các thần nói:
- Thưa gia gia, chỉ có mỗi một mống yêu tinh, mà nó còn bắt chúng tôi cạo trọc hết đầu, làm cho chúng tôi ít hương không giấy, huyết thực tuyệt không, người nào người nấy, áo không đủ che thân, cơm chẳng có bỏ miệng, nhiều yêu tinh nữa thì chịu làm sao được.
Hành Giả nói:
- Yêu tinh nó ở đằng trước núi hay ở đằng sau núi?
Các thần nói;
- Nó không ở đằng trước, đằng sau núi. Trong núi này có một cái khe, tên gọi là khe Thông Héo, bên khe có một cái động, tên gọi động Hỏa Vân, trong động có một tên ma vương, thần thông quảng đại, thường thường bắt bọn sơn thần thổ địa chúng tôi đến đun bếp đóng cửa, ban dêm phải đánh kẻng hô hiệu cho nó. Lũ tiểu yêu còn hạch lạc tiền thường lệ.
Hành Giả nói:
- Các người đều là tiên âm quỷ, làm gì ra tiền?
Chúng thần nói:
- Đúng là không có tiền cho chúng, đành phải bắt mấy con nai rừng hươu núi, thỉnh thoảng đem thí cho đàn yêu, nếu không cho chúng cái gì, chúng sẽ đến phá miếu thờ, lột quần áo, làm cho chúng tôi không được yên thân. Trông mong đại thánh tiễu trừ yêu quái cho chúng tôi, cứu vớt sinh linh trên núi.
Hành Giả nói:
- Các người đã bị nó cai quản, thường ở trong động nó, vậy có biết yêu tinh ấy ở đâu, gọi tên là gì không?
Các thần nói:
- Nói đến nó, hoặc giả đại thánh có biết chăng. Nó là con trai Ngưu ma vương, La Sát nữ đẻ ra nó. Nó đã tu hành ba trăm năm ở núi lửa, luyện nên ngọn lửa thần “tam muội”[53] lại cũng là thần thông quảng đại. Ngưu Ma Vương sai nó trấn thủ núi Hiệu này, tên sữa nó gọi là Hồng Hài Nhi, tên hiệu gọi là Thánh Anh đại vương.
Hành Giả nghe lời, rất là vui vẻ, cho sơn thần thổ địa lui bước, ở đỉnh núi đi xuống nói với Bát Giới, Sa Tăng:
- Các anh em cứ yên tâm, không cần phải lo nghĩ, sư phụ quyết không bị hại, yêu tinh có họ với lão Tôn!
Bát Giới cười nói:
- Anh chớ nên nói dối. Anh ở Đông Thắng thần Châu, nó ở đây là Tây Ngưu Hạ Châu, đường sá xa xôi, cách nhau thiên sơn vạn thủy, lại có hai lần đại dương, sao lại có họ với anh?
Hành Giả nói:
- Bọn người mới rồi đều là sơn thần, thổ địa ở đây, tôi hỏi lai lịch yêu quái, họ nói là con trai Ngưu ma vương, La Sát nữ đẻ ra nó, tên gọi là Hồng Hài Nhi, tên hiệu là Thánh Anh đại vương. Nhớ khi lão Tôn đại náo thiên cung hồi năm trăm năm trước đây, đi dạo khắp núi non trong thiên hạ, thăm tìm hào kiệt cả bốn phương Ngưu ma vương cùng với lão Tôn kết làm bảy anh em, trong bọn năm sáu vị ma vương, chỉ có lão Tôn là người bé hơn, nên mới tôn Ngưu ma vương làm anh. Yêu tinh này là con Ngưu Ma Vư ơng, tôi với phụ thân y có biết nhau, cứ lấy thứ vị mà nói lão Tôn còn là ông chú cơ mà, y đâu dám hại sư phụ mình.
Sa hòa thượng nói:
- Anh ạ, thường có câu “Ba năm không tới cửa, đáng thân cũng chẳng thân”. Anh với hắn ta xa nhau hàng năm sáu trăm năm cũng chẳng đi lại chè chén, những ngày tế lễ cũng chẳng mời nhau, đời nào hắn còn nhận anh làm thân nữa?
Hành Giả nói:
- Sao chú lại lượng người như vậy! Thường có câu “Một cánh bèo trôi về bể lớn, đến đâu mà chẳng gập người than”, túng nhiên y chẳng nhận quen, có thể nói y cũng không dám hại sư phụ mình. Chẳng mong gì y giữ lại đánh chén, nhất định y cũng phải trả Đường Tăng nguyên vẹn cho mình.
Ba anh em đều giữ lòng thành, dắt ngựa bạch, lập tức quẩy gánh hành lý, tìm đường lớn thẳng tiến.
Không kể ngày đêm, đi tới trên dưới một trăm năm mươi dặm, chợt thấy một rừng thông, trong rừng có một cái khe quanh co, dưới khe có một dòng nước trong vắt tuôn qua, trên ngọn suối có một tòa cầu đá, ăn thông vào động phủ.
Hành Giả nói:
- Anh em, các chú xem chỗ sườn đá phẳng lỳ ở bên kia, hẳn là chỗ ở của yêu ma. Chúng ta phải cùng nhau bàn tính xem ai ở lại trông hành lý giữ ngựa, ai theo tôi đi bắt yêu quái?
Bát Giới nói:
- Lão Trư không có tính ngồi im, cho tôi theo anh đi.
Hành Giả nói:
- Tốt! Tốt!
Lại dặn:
- Sa Tăng đưa ngựa và hành lý lẩn vào trong rừng sâu giữ gìn cẩn thận, đợi hai chúng tôi tới cửa động tìm kiếm sư phụ nhé.
Sa Tăng vâng mệnh, Bát Giới đi theo, cầm binh khí cùng Hành Giả tiến lên. Chính là:
Tính trẻ chưa tôi, tà hỏa bốc,
Tâm viên, mộc mẫu hết lòng phù.
Chưa biết đi phen này lành dữ ra sao, xem tới hồi sau sẽ rõ.