Trang

【Tây Du Ký】Hồi 35 - Hồi 37

HỒI THỨ BA MƯƠI LĂM


Ngoại đạo ra oai lừa kẻ thẳng
Ngô Không được báu phục tà ma
Tôn Ngộ Không lấy được bảo bối thực của yêu mà, lồng vào trong áo, mừng nói:
- Yêu ma khốn kiếp đã khổ công dụng tâm bắt ta, thực là chuyện mò trăng đáy nước, nếu lão Tôn muốn bắt mi, chỉ dễ như ngọn lửa hơ giọt băng thôi.
Hành Giả giấu hồ lô rồi, lẳng lặng lẻn ra ngoài cửa, hiện rõ bản tướng, lên tiếng gọi to:
- Tinh quái mở cửa!
Tiểu yêu ở bên cạnh nói:
- Lại nhà người là ai nữa mà dám tới đây la lối?
Hành Giả nói:
- Đi báo ngay với thằng ma già khốn kiếp nhà mày có ta là Hành Giả Tôn đã đến.
Tiểu yêu vội chạy vào trong cấp báo:
- Tâu đại vương, ngoài cửa có người nào xưng là Hành Giả Tôn vừa đến.
Lão ma rất sợ nói:
- Hiền đệ ạ, không xong rồi, cả ổ nhà nó đã kéo đến. Dây kim tuyến hiện đương trói Tôn Hành Giả, hồ lô vừa mới cuốn Hành Giả Tôn, bây giờ lại còn Hành Giả Tôn nào đó, chắc là mấy anh em nhà nó đều đến đây cả.
Ma em nói:
- Huynh trưởng cứ yên tâm, hồ lô của tôi có thể cuốn được nghìn người, vừa mới cuốn có một tên Giả Hành Tôn, có sợ chi cái chú Hành Giả Tôn nào đó, để tôi ra xem, rồi cuốn cả một thể.
Lão ma nói:
- Chú em hãy cẩn thận!
Ma em cầm cái hồ lô giả, vẫn như lần trước, ra vẻ anh hùng, nghênh ngang ra ngoài cửa gọi to:
- Mi quê quán ở đâu, dám tới đây la lối?
Hành Giả nói:
- Mi không nhận được ta ư?
Nhà ở Hoa Quả sơn, nguyên quán Thủy Liêm động. Chỉ vì đại náo thiên cung, đã lâu thôi tranh cạnh. Bây giờ thoát tai ương, bỏ đạo làm hòa thượng. Vâng dạy lên Lôi Âm, cầu kinh tìm chính giáo. Gặp phải lũ ranh ma, phải thần thông biến hóa. Trả lại Đường Tăng ta sang Tây thiên bái Phật thánh. Hai nhà bãi chiến tranh đều bình yên vô sự. Trêu vào lão Tôn này, thân giả sẽ toi mạng.
Yêu ma nói:
- Mi hãy lại đây, ta không đánh nhau với mi, nhưng ta gọi mi một tiếng, mi có dám thưa không?
Hành Giả cười nói:
- Mi gọi ta, ta sẽ thưa ngay. Nhưng ta gọi mi, mi có thưa không?
Yêu ma nói:
- Ta gọi mi, vì ta có cái bảo bối hồ lô, có thể cuốn được người. Mi gọi ta, liệu có vật gì không?
Hành Giả nói:
- Ta cũng có một cái hồ lô.
Yêu ma nói:
- Đã có, đem ra cho ta xem!
Hành Giả lấy hồ lô ở trong túi ra nói:
- Ma khốn kiếp kia, mi xem đi!
Hành Giả vung ra một cái, rồi lại bỏ luôn vào tay áo, sợ nó đến cướp.
Yêu ma trông thấy rất sợ tự nghĩ:
- Cái hồ lô của y lấy ở đâu ra? Lại giống của mình như đúc… Dù là cùng một sợi mây tết thành, cũng còn lớn nhỏ không bằng nhau, chỗ thẳng chỗ lệch không giống nhau, làm sao hai chiêc hồ lô lại như cùng một khuôn đúc ra?
Y liền nghiêm sắc mặt nói:
- Hành Giả Tôn, hồ lô của mi từ đâu mà ra?
Hành Giả thật không biết lai lịch thế nào, bèn lắp theo luôn miệng nó, hỏi lại một câu:
- Hồ lô của mi từ đâu mà ra?
Yêu ma không biết là hỏi mẹo, cứ tưởng là câu hỏi chân thực, liền đem từ gốc đến ngọn tuôn hết cả ra:
- Hồ lô của ta từ khi hỗn độn mới phân, trời khai đất mở có một vị Thái Thượng lão tổ, giải hóa ra Nữ Oa, luyện đá vá trời, phổ cứu Diêm phù thế giới, vá cả nơi đất thiếu trên cung trời, thấy một bó mây tiên ở chân núi Côn Luân lấy đem đan được cái hồ lô này. Đó là của Lão quân để lại đến bây giờ đó!
Đại thánh nghe nói cũng lặp lại câu chuyện đó:
- Hồ lô của ta cũng ở đấy mà ra.
Yêu ma nói:
- Sao biết?
Đại thánh nói:
- Từ khi trong đục mới chia, trời không đầy phương tây bắc, đất không đầy phương đông nam, Thái thượng đạo tổ giải hóa ra Nữ Oa, vá hết nơi khuyết trên trời, đi đến chân núi Côn Luân, có sợi mây tiên, đan được hai cái hồ lô. Ta được một cái trống, cái của mi là cái mái.
Yêu quái nói:
- Không kể gì trống mái, hễ cứ cuốn được người, tức là bảo bối tốt.
Đại thánh nói:
- Mi nói cũng phải đấy, nhường cho mi cuốn trước.
Yêu quái rất mừng, vội vươn mình nhảy lên trên không, cầm cái hồ lô, gọi một tiếng:
- Hành Giả Tôn!
Đại thánh nghe thấy, không nén được cơn tức, thưa liền tám chín tiếng, nhưng chẳng thấy hồ lô cuốn đi. Yêu ma ngã lăn xuống, đập chân bóp bụng nói:
- Cứ bảo thế tình không biến cải. Trời ơi! Bảo bối như thế này mà cũng sợ ông chồng! Mái trông thấy trống, lại không dám cuốn!
Hành Giả cười nói:
- Mi hãy thu bảo bối lại, giờ đến lượt lão Tôn gọi mi!
Nói đoạn vội vàng lộn nhào nhảy lên không, cầm hồ lô, đáy chổng lên trời, miệng chúc xuống đất chiếu thẳng vào tên yêu cất tiếng gọi:
- Ngân Giốc đại vương!
Yêu quái không dám ngậm miệng, đành phải thưa liền một tiếng. Vụt một cái đã bị cuốn vào trong, Hành Giả bèn dán luôn đạo bùa “Thái Thượng Lão quân cấp cấp như luật lệnh phụng sắc” lên miệng, trong bụng mừng thầm:
- Con ta ơi! Ngày này con cũng được thử một lần đấy!
Hành Giả tay cầm hồ lô, từ trên mây bước xuống, tâm tâm niệm niệm, chỉ cần cứu lấy sư phụ nên lại trở về cửa động Liên Hoa. Vì đường trên núi lồi lõm, không bằng phẳng, phương chi lại quanh co, qua bên này sang bên kia, nên lúc lắc chiếc hồ lô cứ sọc sạch kêu hoài.
Tại làm sao lại có tiếng kêu? Nguyên Tôn đại thánh là người thân thể rèn luyện, không thể hóa ngay được. Yêu quái tuy cũng biết đằng vân giá vũ, nhưng chẳng qua chỉ có chút pháp thuật, thực chưa thoát hẳn phàm thai, nay bị cuốn vào trong bao bối là hóa ngay.
Hành Giả vẫn cho là chưa hóa, cười nói:
- Con ta ơi! Chẳng biết là nước đái, hay là nước dãi đấy? Đó là lão Tôn đã làm từ trước. Cứ bảy tám ngày nghỉ nữa, con hóa ra nước loãng rồi, ta cũng chưa mở ra xem vội làm cái gì? Có khẩn cấp gì đâu?
Hành Giả tay cầm hồ lô, miệng lẩm bẩm, bỗng chốc đã đến cửa động, bèn cầm hồ lô lắc lắc, nghe có tiếng kêu, y nói:
- Chẳng khác gì tiếng xốc ống thẻ của thầy bói! Có ai xem bói, lão Tôn xem một quẻ, xem sư phụ đến bao giờ mới được ra?
Tay vẫn lắc luôn, miệng không ngừng đọc:
- Chu dịch Văn Vương, Khổng Tử thánh nhân, Đào Hoa Nữ tiên sinh, Quỷ Cốc Tử tiên sinh.
Tiểu yêu trong động nhìn thấy nói:
- Tâu đại vương, tai vạ rồi! Hành Giả Tôn cuốn đại vương nhì gia gia vào trong hồ lô xóc thẻ xem bói rồi!
Yêu quái nghe thấy câu ấy, sợ hãi hồn xiêu phách lạc, xương nhũn gân mềm, ngã lăn xuống đất, òa lên khóc:
- Hiền đệ ơi! Ta và em trốn khỏi thượng giới, thác sinh xuống phàm trần, những mong cùng nhau hưởng cuộc sống vinh hoa, làm chủ sơn động lâu dài, ngờ đâu bị hòa thượng kia tàn hại tính mạng em, cắt đứt mất tình ruột thịt!
Yêu ma trong động cũng đều than khóc.
Trư Bát Giới bị treo ở trên rường nhà, nghe thấy cả nhà đều kêu khóc, nén không nổi, gọi bảo:
- Yêu tinh, đừng có khóc nữa, để lão Trư nói cho mà nghe. Người đến lần đầu là Tôn Hành Giả, người thứ hai là Giả Hành Tôn, cuối cùng là Hành Giả Tôn, ba chữ đảo lộn cũng chỉ là một mình sư huynh ta thôi! Y có bảy mươi hai phép biến hóa, đánh tráo đi vào, lấy trộm bảo bối, cuốn mất chú em rồi, chú em nhà mi đã chết, bất tất phải than khóc như vậy; hãy quét bếp rửa nồi ngay đi, hái một ít nấm hương, mướp đắng, búp chè, măng tre, đậu phụ, lúa mạch, mộc nhĩ, rau ghém, mời thầy trò chúng ta xuống tụng quyển “thụ sinh kinh” cho chú em.
Yêu ma nghe nói, hết sức tức giận nói:
- Cứ bảo Trư Bát Giới thực thà, thì ra nó chẳng thực thà gì! Nó lại còn cười nói giễu cợt mình!
Liền gọi:
- Tiểu yêu, hãy khoan làm lễ cử ai, cởi Bát Giới xuống, luộc cho thật nhừ, chén một bữa no nê, rồi sẽ đi bắt Tôn Hành Giả báo thù!
Sa Tăng oán trách Bát Giới nói:
- Sướng chưa! Tôi đã bảo anh đừng nỏ mồm, nỏ mồm y như được làm thịt trước!
Bát Giới cũng có phần sợ sệt. Một tiểu yêu đứng bên nói:
- Đại vương ạ, Trư Bát Giới ăn không ngon!
Bát Giới nói:
- A di đà Phật! Ông anh nào nhà ta mà nhân đức thế? Quả là thịt ta ăn không ngon.
Lại một tiểu yêu khác nói:
- Lột da hắn ra, ngon tất!
Bát Giới phát hoảng nói:
- Ngon tất! Ngon tất! Xương da tuy thô kệch, cứ đun nước sôi là chín dừ thôi! Thôi chết! Thôi chết!
Đường khi la lối, đã thấy một tên tiểu yêu ở ngoài cửa chạy vào báo:
- Hành Giả Tôn lại đến cửa chửi mắng!
Yêu ma sợ hãi nói:
- Tên này không coi ta ra gì!
Liền gọi:
- Chúng bay đâu, lại treo Trư Bát Giới lên như trước, tìm xem còn mấy thứ bảo bối?
Tên tiểu yêu quản gia nói:
- Trong động còn có ba thứ bảo bối.
Lão ma hỏi:
- Ba thứ gì?
Tên quản gia nói:
- Còn có kiếm thất tinh, quạt ba tiêu và tịnh bình.
Lão ma nói:
- Tịnh bình vô dụng rồi, để lại ở nhà, đưa kiếm và quạt ra đây!
Bèn điểm hết đàn yêu trong động, được hơn ba trăm tên bắt hết đứa nào đứa ấy cầm giáo vác gậy, khoác dây múa đao. Lão ma đội mũ mặc giáp, vận một tấm bào lụa đỏ rừng rực, đi ra bày trận để bắt Tôn Hành Giả. Tôn đại thánh đã biết ma em hóa ở trong hồ lô rồi, nên đeo thực chặt chẽ cẩn thận ở đằng sau lưng, tay cầm cây gậy bịt vàng sắp sửa giao chiến.
Lão ma sai lũ tiểu yêu bày thành trận thế, quát mắng:
- Con khỉ nhà mi, thực là vô lễ, giết hại em ta, làm đau chân tay ta, đáng giận, đáng giận!
Hành Giả thét mắng:
- Mi là giống quái vật đi tìm cái chết! Đưa trả ngay sư phụ, sư đệ và ngựa cho ta, biện thêm một ít tiền lộ phí, vui vẻ tiễn chân lão Tôn lên đường, lão Tôn sẽ tha cho cái mạng chó!
Yêu quái giơ bảo kiếm nhằm đầu Hành Giả chém xuống. Hành Giả quay gậy sắt đón đầu giao chiến. Một trường đại chiến ở ngoài cửa động. Ôi!
Gậy bịt vàng đấu kiếm thất tinh, choảng nhau nhoang nhoáng như sấm chớp. Rầu rầu khí lạnh ép run người, bảng lảng mây mờ che núi rợp. Hai bên cừu địch dạ không nguôi, đôi chốn căm hờn lòng chứa ngập. Đánh nhau: trời mờ đất tối quỉ thần sầu, khói tỏa mây bay hang núi sập. Kẻ qua người lại sính anh hùng, gậy đón gươm đưa đánh rất gấp!
Lão ma đánh nhau với đại thánh chừng hai mươi hiệp chưa phân được thua, y liền giở lưỡi gươm ra thét:
- Tiểu yêu đến cho hết!
Hơn ba trăm tiểu yêu chạy tới một loạt, vây đại thánh vào trong vòng.
Đại thánh cứng cỏi không chút sợ hãi, múa cây gậy sắt tả xung hữu đột, đánh trước đón sau. Bọn tiểu yêu đều là tay khá, càng đánh càng hăng, chẳng khác gì tơ hồng quấn mình, dây mơ vướng cẳng, không chịu rút lui. Đại thánh phải dùng phép thần ngoại thân, nhổ một bối lông nách bên phải, bỏ vào trong miệng, nhai nát phun ra, quát to “biến”, sợi nào sợi ấy liền biến hết ra Hành Giả. Người cao thì cầm roi, người thấp thì nắm tay, người bé không đánh tới, ôm lấy mắt cá chân gậm đứt gân ra, đánh cho bọn tiểu yêu như hoa trôi bèo giạt, chúng đều kêu la ầm ĩ:
- Đại vương ơi! Việc chẳng xuôi rồi! Khó khăn hết sức! Rợp đất đầy non, đều là Tôn Hành Giả cả!
Bọn tiểu yêu bị phép thần ngoại thân đánh lui, chỉ còn trơ tên ma già bị khốn trong vòng vây, không có đường ra.
Yêu ma phát hoảng, tay phải cầm bảo kiếm, tay trái luồn qua sau gáy, lấy quạt ba tiêu ra quay về đông nam bính đinh hỏa, đối với cung ly, phành phạch quạt một nhát, bỗng nhiên bừng bừng lửa cháy từ mặt đất bốc lên. Nguyên bảo bối này, trên mặt đất có thể quạt bốc lửa. quái vật quạt luôn bảy tám nhát, hun trời nung đất, lửa bốc nghi ngút, cháy to:
Lửa này không phải lửa trên trời, không phải lửa trong lò; cũng không phải lửa đầu non, cũng không phải lửa đáy bếp, mà là một điểm linh quang lấy ở trong ngũ hành tự nhiên mà ra. Quạt này cũng không phải là vật trên thế gian thường có, cũng không phải là vật nhân công làm ra, mà là một vật báu sản xuất từ khi hỗn độn mới khai tịch tới nay. Dùng quạt này, quạt lửa này, bừng bừng rỡ rỡ, khác nào chớp siết lụa hồng; chói chói chang chang, như thể ráng bay tơ thắm. Tuyệt không một vệt khói xanh, hết thảy đỉnh non đỏ chói. Đốt cho thông dầu núi hóa ra cây lửa, trắc sườn non thành cái đèn lồng. Tẩu thú trong hang lo tính mạng chạy đông chạy tây, phi cầm đỉnh núi tiếc cánh lông, bay nam bay bắc. Một trường thần hỏa cháy trên không, đá sém sông khô lòe khắp đất!
Đại thánh thấy lửa dữ dội, trong lòng lo sợ nói:
- Hỏng cả rồi! Bản thân mình đã đành, nhưng lông tơ không chịu được, nhỡ ra rơi vào trong lửa sẽ dễ như cháy sợi lông!
Bèn rùng mình một cái thu hết lông tơ vào người, chỉ còn một sợi biến ra thân giả trốn lửa lánh nạn, còn chân thân thì cầm quyết tị hỏa, nhảy lộn nhào, vọt ra ngoài, thoát khỏi vòng lửa, vừa ở trên mây bước xuống lại thấy hơn một trăm tiểu yêu ở ngoài cửa động, đều vỡ đầu gãy cẳng, lòi thịt rách da. Những đứa này đều bị phép phân thân của Hành Giả đánh bị thương, đương đứng ở đấy nhăn nhó, rên rỉ. Đại thánh cầm cây gậy sắt, đánh ập vào, đánh tuyệt nọc bọn tiểu yêu, rồi chạy vào trong động định cứu sư phụ, bỗng thấy ở phía trong lửa sáng bừng bừng. Đại thánh sợ hãi cuống quít nói:
- Hỏng rồi! Hỏng rồi! lửa ấy từ cửa sau cháy lại, lão Tôn khó lòng cứu được sư phụ!
Tuy lo sợ, đại thánh mắt vẫn đăm đăm nhìn. A! không phải lửa cháy, chỉ là một đạo kim quang. Y tỉnh táo lại đi đến tận nơi, thì ra cái tịnh bình ngọc mỡ dê lóe sáng, trong lòng lại vui vẻ nói:
- Bảo bối tốt thay! Tiểu yêu đã mang bình này lên trên núi lóe ra ánh sáng. Lão Tôn đã lấy được, không ngờ yêu quái lục soát lấy mất, bây giờ để ở trong này, cho nên mới lóe sáng!
Hành Giả lấy trộm tịnh bình trong lòng vui vẻ, chưa đi cứu sư phụ vội quay ra ngoài động, vừa ra đến cửa, đã thấy yêu ma cầm bảo kiếm, cắp quạt từ phía nam đi tới. Đại thánh không kịp tránh, bị yêu ma múa gươm nhằm đầu chém tới. Đại thánh vội vàng lộn nhào lên mây, nhảy vọt đi ngay, trốn biệt không thấy tăm tích đâu nữa.
Yêu quái đi đến trước cửa, nhìn thấy thây nằm đầy đất đều là lũ tiểu yêu thủ hạ của hắn. Hắn sợ hãi ngửa mặt lên trời thở dài, không nín được, khóc òa lên:
- Đau thay! Khổ thay!
Yêu ma sợ hãi vô chừng, vừa đi vừa khóc, tiến vào trong động trông thấy đồ vật vẫn y nguyên, chỉ một nỗi vắng tanh vắng ngắt, không một bóng người; nỗi đau thương lại càng thê thảm. Lão ma còm cõi một mình ngồi trong động, dựa bảo kiếm bên cạnh bàn, giắt quạt ở sau vai, nằm gục xuống bàn đá buồn thỉu buôn thiu, ngủ đi lúc nào. Thế mới thực “gặp lúc vui mừng người tỉnh táo, tới khi buồn bã dạ hôn mê”.
Tôn đại thánh chuyển cân đẩu vân đứng ở trước núi, định bụng đến cứu sư phụ, cầm tịnh bình giắt chặt sau lưng đi thẳng đến cửa động dò thăm. Thấy cửa động mở toang cả hai cánh, im phăng phắc, tức thì nhẹ gót rời chân, lẻn vào bên trong, chỉ thấy yêu ma nằm ghếch trên án khò khò đương ngáy, quạt ba tiêu tuột ra khỏi cổ áo, một nửa úp vào sau gáy, kiếm thất tinh dựa vào ở trên bàn.. Y khe khẽ bước lên rút lấy cái quạt, vội quay đầu quát to một tiếng, chạy ra bên ngoài. Vì rằng cán quạt mắc vào tóc yêu quái, làm cho nó thức dậy, ngửng đầu lên ngó, thấy Hành Giả lấy trộm mất quạt rồi, vội vàng cầm bảo kiếm đuổi theo. Đại thánh đã chạy ra ngoài cửa, đem quạt cài vào sau lưng, hai tay quai cây gậy sắt, chống chọi với yêu ma.
Lão ma đánh nhau với đại thánh đến ba bốn mươi hiệp, trời đã gần chiều, lão ma không chống chọi nổi, bị thua trận, chạy tuốt về phía tây nam, chuồn tới Áp Long động.
Đại thánh ở trên mây bước xuống, đi vội vào Liên Hoa động, cới trói cho Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng xuống. Ba người thoát khỏi tay nguy, tạ ơn Hành Giả, và nói:
- Yêu ma đi đâu rồi?
Hành Giả nói:
- Ma em đã bị cuốn vào trong hồ lô, bây giờ có lẽ hóa rồi! Ma già đánh nhau vừa mới thua trận, chạy về Áp Long động ở phía tây nam. Tiểu yêu trong động bị lão Tôn hóa phép phân thân đánh chết một nửa, còn một ít tàn quân chạy về, lại bị lão Tôn diệt tuyệt nọc, mới vào được đến đây, cứu mọi người.
Đường Tăng xiết bao cảm ta nói:
- Đồ đệ ạ, nhờ có con phải chịu nhiều lao khổ!
Hành Giả cười nói:
- Thật là lao khổ! Chỉ vì mọi người còn bị treo đau đớn nên lão Tôn không thể ngơi chân tay, còn bận rộn hơn anh lính chạy công văn hỏa tốc, trở ra trở vào, bôn ba không ngừng, thế mới lấy trộm được bảo bối chúng nó, dẹp được lũ yêu quái.
Bát Giới nói:
- Sư huynh, anh lấy cái hồ lô ra cho chúng tôi xem nào. Chỉ sợ ma em đã hóa mất rồi!
Đại thánh bỏ tịnh bình ra trước, lấy dây kim tuyến và quạt ra sau, cuối cùng mới lấy hồ lô cầm ở trong tay nói:
- Đừng xem, đừng xem, trước nó cuốn lão Tôn vào trong bị lão Tôn nhổ nước bọt ra đánh lừa cho nó mở nút, lão Tôn mới thoát ra được, chỉ sợ nó cũng làm cái trò ma ấy để thoát thân.
Bọn thầy trò rất là vui vẻ, đi tìm gạo nước rau cỏ ở trong động, đốt lửa bếp lên, sửa soạn làm bữa cơm chay ăn uống cho no, nghỉ ngơi một đêm ở trong động, đến sáng sẽ hay.
Lại nói lão ma chạy về Áp Long động, hội tập tất cả nữ quái lớn nhỏ, nói rõ chuyện mẫu thân bị giết, đứa em bị cuốn, yêu tinh bị tuyệt diệt, bảo bối bị mất trộm. Bọn nữ quái khóc òa cả lên. Đau thương hồi lâu, lão ma nói:
- Mọi người đừng khóc lóc nữa, trong mình ta hãy còn một thanh kiếm thất tinh, ta muốn họp tập bọn nữ binh các ngươi lại cả đằng sau nui Áp Long, mượn thế lực họ ngoại, bắt cho kỳ được Tôn Hành Giả để báo thù.
Nói chưa dứt lời, có tiểu yêu ở ngoài cửa vào báo:
- Thưa đại vương, ở sau núi đem một đội đại quân lại.
Lão ma nghe nói, vội vàng thay mặc đồ tang phục, cúi mình ra đón tiếp. Nguyên lai ông cậu già ấy là em ruột mẹ đẻ chúng, tên gọi là Hồ A Thất đại vương. Vì nghe tin báo của tiểu yêu tuần núi nói chị hắn bị Tôn Hành Giả đánh chết rồi biến ra hình chị, lấy trộm bảo bối của thằng cháu gọi bằng cậu, mấy ngày luôn cự địch ở Bình Đính sơn, y mới đem hơn ba trăm tên yêu tinh bản bộ định tới nơi trợ chiến, cho nên mới dò đến nhà chị trước để hỏi tin. Vừa mới tới cửa, trông thấy ma già ăn vận đồ tang, hai người òa lên khóc. Khóc một lúc, lão ma sụp lạy, nói lại việc trước. A Thất tức giận, liền bảo lão ma thay đồ tang, cầm bảo kiếm, điểm hết nữ yêu hợp lại làm một, cưỡi gió đi mây bay về mạn đông bắc.
Đại thánh đã bảo Sa tăng sửa soạn bữa cơm chay, ăn xong sẽ đi. Chợt nghe có tiếng gió thét, chạy ra cửa xem, thì ra một toán yêu quái, từ đằng tây bắc đi tới. Hành Giả vội trở lại, gọi Bát Giới bảo:
- Chú em, yêu tinh lại xin cứu binh tới nơi!
Tạm Tạng nghe lời, sợ tái người đi nói:
- Đồ đệ, làm thế nào bây giờ?
Hành Giả cười nói:
- Xin cứ yên tâm! Cứ yên tâm! Đem tất cả những bảo bối của nó ra đây cho tôi!
Đại thánh buộc hồ lô và tịnh bình vào sau lưng, lồng dây kim tuyến vào trong áo, cài quạt ba tiêu lên trên vai áo, hai tay lăn cây gậy sắt, bảo Sa Tăng giữ gìn sư phụ, sai Bát Giới vác đinh ba, cùng ra ngoài động đón đánh.
Quái vật bày thành trận thế, chỉ thấy A Thất đại vương ra đương đầu. Y là người mặt ngọc râu dài, mày rậm tại nhọn, đầu đội mũ kim khôi, mình mặt áo giáp khóa, tay cầm ngọn kích phương thiên, to tiếng quát mắng:
- Mi là con khỉ khốn kiếp to gan! Sao dám dối trá, ăn trộm bảo bối, sát hại quyến thuộc ta, giết chết yêu binh, lại còn chiếm giữ động phủ của ta lâu thế? Khôn hồn thì đưa đầu ra đây chịu chết, để rửa hờn cho chị ta!
Hành Giả quát mắng:
- Cái đồ chết giẫm nhà chúng bay khong biết bản lĩnh ông ngoại Tôn nhà mi à? Đừng có chạy nhận lấy cây gậy của ta đây?
Quái vật né mình tránh, cầm kích phương thiên đón đầu giao chiến. Hai người ở trên đầu núi, kẻ đánh người đỡ, mới được ba bốn hợp, yêu quái kém sức, thua trận bỏ chạy. Hành Giả đuổi theo, lại bị lão ma ngăn lại. Hai người mới đánh nhau được ba hiệp, Hồ A Thất lại quay trở lại giáp công. Bát Giới đằng xa nhìn thấy, vội quai đinh ba ra ngăn lại. Một người đánh một người; giao chiến hồi lâu, không phân thắng bại. Lão ma quát lên một tiếng, bọn yêu tinh chạy lên vây bọc.
Tam Tạng ngồi trong động, nghe tiếng reo hò dậy đất, liền gọi:
- Sa hòa thượng, chạy ra xem sư huynh con được thua thế nào?
Sa Tăng vác gậy hàng yêu chạy ra, thét một tiếng, xông ngay lại đánh lui đám yêu. A Thất thấy việc không lợi, quay đầu chạy miết, bị Bát Giới lướt tới, bổ vào lưng một đinh ba, chín vệt máu tươi như suối chảy, ba hồn lão quái tựa mây trôi. Bát Giới vội lôi lại lột quần áo ra xem, té ra là một hồ ly tinh. Lão ma thấy chết mất ông cậu, liền bỏ Hành Giả cầm thanh bảo kiếm đến đánh Bát Giới. Bát Giới quai đinh ba chống lại. Đương khi chiến đấu, Sa Tăng chạy sấn đến trước mặt, giơ gậy lên đánh, yêu ma không chống cự nổi, vội nhảy lên mây, chạy trốn về phương nam. Bát Giới, Sa tăng theo rịt không rời. Đại thánh nhìn thấy, vội cưỡi mây nhảy lên không trung, cởi tịnh bình chụp bóng lão ma gọi:
- Kim Giốc đại vương!
Yêu quái tưởng là tiểu yêu bại trận kêu gọi, liền ngoảnh đầu thưa lên một tiếng, vút một cái bị cuốn vào trong bình, bị Hành Giả dán đao bùa “Thái thượng Lão quân cấp cấp như luật lệnh phụng sắc” lên trên miệng, chỉ còn mỗi thanh bảo kiếm rơi xuống trần ai, lại vào tay Hành Giả nốt. Bát Giới đón hỏi:
- Thưa anh, anh lấy được bảo kiếm, vậy yêu quái đâu rồi! Hành Giả cười nói:
Hành Giả cười nói:
- Xong rồi, đã cuốn nó vào trong tịnh bình của ta đây rồi!
Sa Tăng, Bát Giới nghe nói rất là vui vẻ.
Mọi người đã quét sạch tà ma, về tới trong động, vui vẻ bào tin mừng với Tam Tạng, nói:
- Núi đã dẹp yên, yêu ma đã hết, mời sư phụ cưỡi ngựa lên đường.
Tam Tạng vui vẻ vô cùng. Ăn xong bữa cơm chay, thầy trò thu thập hành lý, dắt ngựa, tìm đường sàn Tây.
Đương đi bỗng nhìn thấy ở mé đường có một ông lão mù, tiến đến gần đón đầu ngựa Tam Tạng nói:
- Hòa thượng đi đâu thế? Trả lại bảo bối cho ta!
Bát Giới kinh sợ nói:
- Hỏng rồi! Đấy là lão yêu đến đòi bảo bối!
Hành Giả nhìn kỹ, té ra là Thái Thượng Lão quân, vội vàng tiến lên lễ chào nói:
- Chào Lão quân, người đi đâu?
Lão tổ vội bay lên ngọc cục bảo tạo, đứng trên chín tầng mây nói:
- Tôn Hành Giả, trả lại bảo bối cho ta!
Đại thánh cũng nhảy lên trên không nói:
- Bảo bối gì ạ?
Lão quân nói:
- Hồ lô của ta để đựng đơn, tịnh bình của ta để đựng nước, bảo kiểm của ta để luyện ma, quạt của ta để quạt lửa, dây của ta là cái thắt lưng để thắt áo bào. Hai quái vật kia, một đứa là đồng tử coi lò vàng, một đứa là đồng tử coi lò bạc. Chúng ăn trộm bảo bối, bỏ chạy xuống hạ giới, ta đương đi tìm không thấy, may sao nhà ngươi bắt được!
Đại thánh nói:
- Thưa Lão quân, người thực đã vô lễ. Người thả lỏng cho người trong nhà làm điều gian tà, người đã phạm vào tội kiềm thúc bất nghiêm.
Lão quân nói:
- Không can gì đến ta, chớ có đổ oan cho ta! Việc này do Quan Âm ngoài bể, ba lần hỏi mượn ta, đưa bọn chúng đến chốn này, thác sinh ra yêu ma, thử thầy trò nhà ngươi xem có thực lòng sang Tây Thiên hay không.
Đại thánh nghe lời, trong lòng ngẫm nghĩ:
- Cái bà Bồ Tát này thực chẳng ra sao! Khi xưa giải nạn cho lão Tôn, bảo phải đưa Đường Tăng sang Tây lấy kinh, ta đã nói đường lối gian nguy khó đi, người đã hứa với ta nếu gặp nạn gấp, sẽ thân hành đến cứu. Bây giờ lại cho tinh ma hại ngầm, ăn nói không thực như thế đáng kiếp cả đời không có chồng! Nếu không có Lão quân thân hành đến, tôi quyết không trả lại đâu. Nay người đã nói làm vậy thì xin trả lại cho người.
Lão quân thu lại năm thứ bảo bối, mở nút hồ lô và tịnh bình, đổ ra hai cục tiên khí, trỏ tay một cái, lại hóa ra hai đồng tử Kim Ngân, đứng hầu hai bên, chỉ thấy muôn đạo ráng vàng sáng rực. Ôi!
Phơi phới trở về Đâu Xuất Viện
Thênh thang thẳng tới Thượng La Thiên.
Chưa biết sau đây có những việc gì, xem tới hồi sau sẽ rõ.

HỒI THỨ BA MƯƠI SÁU


Tâm Viên đứng đắn, thắng cơ duyên
Trừ bỏ đạo tà lòe ánh sáng
Hành Giả ở trên mây bước xuống, kể lại chuyện Bồ Tát mượn đồng tử, Lão quân thu lấy bảo bối cho sư phụ nghe, Tam Tạng tạ ơn khôn xiết, giốc lòng quyết chí, một dạ chay thành, dấn mình sang Tây Trúc. Tam Trạng lên ngựa; Bát Giới quẩy hành lý; Sa hòa thượng giữ ngựa; Tôn Hành Giả cầm cây gậy sắt, đi trước mở lối theo đường xuống núi tiến bước. Kể sao xiết nỗi dãi dầu sương sương, tắm chải mưa gió. Bốn thầy rò đi đã lâu ngày, đằng trước lại có một quả núi chặn lối, Tam tạng ngồi trên mình ngựa gọi to:
- Đồ đệ ạ! Quả núi kia hình thế hiểm trở, chúng con phải nên cẩn thận đề phòng, sẽ lại có ma chướng xâm phạm vào thân đấy.
Hành Giả nói:
- Sư phụ chớ nên lo vơ nghĩ vẩn, chỉ nên vững tính định thần, tự nhiên vô sự.
Tam Tạng nói:
- Đồ đệ ạ, đường sang Tây Thiên sao mà khó khăn như thế? Nhớ từ khi ta ra khỏi Trường An, dọc đường xuân qua hạ lại, thu tới đồng về, kể đã bốn năm năm trời, mà sao vẫn chưa thấy tới nơi?
Hành Giả nghe nói, khà khà cười rộ:
- Còn chán! Còn chán! Vẫn chưa ra khỏi cửa lớn kia mà!
Bát Giới nói:
- Anh đừng có nói lòe, cửa nào ở nhân gian mà lớn thế?
Hành Giả nói:
- Người anh em, chúng ta vẫn còn ở trong nhà đi ra.
Sa Tăng cười nói:
- Sư huynh nói khoác bịp chúng tôi vừa vừa chứ! Làm cái nhà to thế, thì đào đâu ra xà quá giang mà mua được!
Hành Giả nói:
- Người anh em, cứ như lão Tôn thấy trời xanh là ngói lợp, mặt trời mặt trăng là cửa sổ, tứ sơn ngũ nhạc là dường cột, cả trời đất coi như một tòa nhà to!
Bát Giới nghe xong nói:
- Thôi vậy! Thôi vậy! Chúng tay quay trở về là rảnh chuyện.
Hành Giả nói:
- Đừng có bàn nhảm, cứ việc theo lão Tôn lên đường!
Đại thánh cầm ngang cây gậy sắt, mở lối đường núi, đưa dẫn Đường Tăng, tiến về đằng trước.
Sư phụ năm nắm nơm nớp tiến vào rừng sâu, trong lòng thê thảm, dừng ngựa lại, gọi to:
- Ngộ Không này!
Từ khí ích trí chí non thề,
Vương bất lưu hành tiễn biệt đi.
Giục mã đâu linh trên lối dốc,
Gặp tam lăng tử giữ đường mê.
Cầu kinh giới mọc luồn khe nọ,
Bái phục linh trèo lách núi kia,
Phòng kỷ một thân như trúc lịch.
Hồi hương bao thuở được về quê?[40]
Đại thánh nghe lời khanh khách cười nói:
- Sư phụ bất tất phải nói gở, không phải lo phiền, hãy cứ yên lòng tiến bước, người sẽ thấy “công đến tự nhiên thành”!
Bọn thầy trò ngắm xem cảnh núi, đương khi thủng thỉnh, bất giác vừng hồng đã lặn về tây. Chính là:
Mười dặm trường đình không khách tới,
Chín lần trời thắm hiện trăng sao.
Thuyền bè khắp bến buông neo đậu,
Châu huyện nhiều nơi đóng cửa vào,
Rảo bước quan liêu về tấp nập,
Vắng tanh chài lưới hết ồn ào,
Mấy tòa lâu các rền chuông trống,
Trời đất soi chung một bóng cao.
Tam Tạng ngồi trên mình ngựa nhìn ngắm thấy trong hốc núi có lâu đài điệp điệp, điện các trùng trùng liền nói:
- Đồ đệ ạ, bây giờ trời đã xế chiều, nhìn ở đằng kia có lâu đài, hẳn là nơi am quán, tự viện, chúng ta hãy tới đó ngủ trọ một tối, ngày mai sẽ đi.
Hành Giả nói:
- Sư phụ nói phải đấy. Cứ thư thả, để tôi đi xem hay dở thế nào đã!
Hành Giả nhảy lên trên không, xem xét kỹ lưỡng, quả nhiên là một tòa sơn môn. Chỉ thấy:
Gạch bát xây tường nề phấn đỏ
Hai bên cánh cửa đóng đinh vàng
Lâu đài từng lớp trong khe núi
Cung khuyết bao quanh giữa đỉnh non.
Chính thực là:
Rừng che đất tam bảo,
Núi đỡ phạm vương cung,
Đầy vách đèn treo lấp lánh
Một hàng hương thắp mông lung.
Hành Giả ở trên mây bước xuống, nói với Tam Tạng:
- Quả là một tòa tự viện, có thể ngủ trọ được, chúng ta đến nơi xem.
Sư trưởng phóng ngựa đi thẳng lên trước, đến tận ngoài sơn môn.
Hành Giả nói:
- Ta vừa chân ướt chân ráo đến nơi, ngựa vừa dừng bước xong, chân ta chưa rút ra khỏi bàn đạp, ngươi đã hỏi chùa gì, ta còn biết đường nào mà lần!
Hành Giả nói:
- Sự phụ nhà mình đi tu, làm sư từ nhỏ, cần phải đọc nhiều sách, mới có thể diễn giảng kinh pháp; vạn lý có thông nhiên hậu mới được hưởng ân huệ của vua Đường, sao chữ đại tự ở trên cửa to thế kia, lại không biết?
Sư trưởng quát:
- Con khỉ khốn kiếp, nói càn nói rõ. Ta giục ngựa chạy về hướng tây, ánh mặt trời chiếu xói mắt, trên cửa tuy có chữ, nhưng bụi bặm bám đã mờ đi, cho nên mới trông không rõ.
Hành Giả nghe nói, vặn mình một cái, lên cao hơn hai trượng, lấy tay xoa hết bụi bặm nói:
- Sư phụ, người xem đi!
Trên cửa có năm chữ đại tự là “Sắc kiến Bảo Lâm Tự”.
Hành Giả thu pháp thân lại nói:
- Thưa sư phụ, ai vào trong chùa hỏi ngủ trọ bây giờ?
Tam Tạng nói:
- Để ta đi cho, chúng con mặt mũi xấu xí, ăn nói thô tục, tính tình ương ách, ngộ nhỡ sư ở đây không cho ngủ trọ, lại hóa lỡ cả.
Hành Giả nói:
- Đã vậy, mời sư phụ đi cho, không cần phải nói nhiều.
Tam Tạng bỏ tích trượng xuống, cởi mũ lá ra, sửa áo chắp tay, thẳng vào sơn môn, chỉ thấy ở hai bên lan can sơn son đắp hai pho tượng kim cương, ngồi ở trên cao, trông rất xấu xí dữ tợn.
Một vị mặt sắt râu cứng, một vị mày xếch mắt tròn. Nắm tay bên tả rắn chắc như sắt nguội, nắm tay bên hữu giơ cao như cục đồng. Kim giáp quanh mình màu sáng quắc, kim khôi giải gấm gió bay tung. Phương tây thực lắm người thờ Phật, đỉnh đá lập lòe ngọn lửa hồng.
Tam Tạng nhìn thấy gật gù than thở nói:
- Ở bên Đông Thổ nhà mình, giá mà người ta cũng đắp tượng đại Bồ Tát thế này mà hương hoa cúng dạng, chắc đệ tử này cũng không cần phải sang Tây Thiên làm gì!
Đương khi than thở, thì đã đi vào đến lần cửa chùa thứ hai, có tượng tứ đại thiên vương tức là Trì Quốc, Đa Văn, Tăng Trường, Quảng Mục ngồi theo ý đông bắc tây nam, mưa hòa gió thuận. Đi vào trong lần cửa thứ hai lại thấy có bốn cây tùng lớn, cây nào cây ấy lòa xòa, hình như cái tán. Chợt ngửng đầu lên, đã thấy Đại Hùng bảo điện. Sư trưởng chắp tay quy y, rạp mình lạy xuống, rồi đứng dậy đi qua Phật đài, đến mãi đằng cửa sau. Ở đấy lại có một tòa thờ đức Quan Âm phổ độ Nam hải. Trên tường những thợ khéo lành nghề tô vẽ những giống tôm cá, cua, thuồng luồng, thò đầu lộ đuôi, nô đùa trên làn sóng bể. Sư tưởng lại bốn năm lượt gật gù khen ngợi.
Đương khi ấy có một người đạo sĩ ở trong lần cửa thứ ba đi ra. Người đó trông thấy Tam Tạng, vẻ mặt khôi ngô, phòng tu khác tục, vội vàng rảo bước đến gần chào hỏi:
- Sư phụ ở đâu ta tới đây?
Tam Tạng nói:
- Đệ tử là người nước Đại Đường bên Đông Thổ, nhà vua sai sang bên Tây Thiên bái Phật cầu kinh. Bây giờ đến bảo phương, trời đã xế chiều, vào xin ngủ trọ một đêm.
Người đạo sĩ nói:
- Xin sư phụ chớ lạ, tôi không có quyền. Tôi chỉ là một đạo nhân làm việc nặng ở trong chùa, đánh chuông quét dọn, việc này tôi không dám quyết. Ở đây đã có vị lão sư phụ quản gia, để tôi vào thưa chuyện với người; nếu người bằng lòng, tôi sẽ ra mời vào, bằng không, tôi không dám để chậm!
Tạm Tạng nói:
- Làm phiền người quá!
Đạo nhân vội trở vào phương trượng nói:
- Thưa lão gia, ở ngoài kia có người ở đâu đến.
Vị tăng quan vội đứng dậy, thay đổi quần áo, trên đầu đội mỹ tỳ lư, mình mặc áo cà sa, vội vàng mở cửa ra đón tiếp.
Tăng quan hỏi đạo nhân:
- Người mới đến ở đâu?
Đạo nhân lấy tay trỏ nói:
- Đằng sau chính điện kia chẳng có người là gì?
Tam Tạng để đầu trần, mình mặc tấm áo đạt ma y hai mươi nhăm mụn, chân giận đôi giày đạt công, bùn nước be bét, đứng dựa ở cửa sau.
Tạng Quan nhìn thấy tức giận nói:
- Đạo nhân muốn ăn đòn hử! Mi còn không biết ta là bực tăng quan sao? Chỉ có những bậc sĩ phu ở trong thành đến lễ Phật, ta mới phải ra đón tiếp. Đối với những hạng hòa thượng này, sao mi cũng vớ va vớ vẫn, bảo ta ra đón? Trông mặt mũi thế kia, thường là hạng vân du lang thang; giờ đã gần tối, chắc là đến xin ngủ trọ. Phương trượng của mình, lẽ nào để cho y quấy bậy? Sao không bảo họ ngủ ở nhà xối còn báo ta làm gì!
Nói xong quay vào.
Sư trưởng nghe tiếng, nước mắt ràn rụa nói:
- Thương hại! Thương hại! Thế mới thực “Sẩy nhà ra thất nghiệp”! Đệ tử tôi xuất gia từ thuở còn nhỏ, làm hòa thượng, chưa từng nói dối, ăn mặn, gây trái y, đọc kinh mạng giận phá đường tu, cũng không dám tung gạch ném sành vào Phật điện, lột thếp vàng trên mặt A La. Ôi! Đáng thương thay, không biết kiếp trước có ăn trộm chuông vàng không, mà đời nay lại gặp người bất thiện! – Hòa thượng kia, nhà ngươi không cho ta ngủ trọ thì thôi, nỡ nào lại nói ra những câu hèn hạ, bảo chúng ta nằm rấp ở nhà xối! Hành Giả không nghe thấy câu nói ấy còn khá đấy, nếu bảo cho y biết, con khỉ sẽ tiến vào, một cây gậy sắt, nó đánh cho nát mắt cá ra. Thôi được, thôi được! Thường có câu “Người ta lấy lễ nghĩa làm trước”, ta hãy cứ hỏi hắn một lời, xem ý hắn thế nào?
Tam Tạng lần theo vết chân tiến vào trong phương trượng thấy lão Tăng quan đó đã cởi y phục, hổn hà hổn hển ngồi ở bên trong, chẳng biết là đọc kinh, hay là giấy sớ cho người ta, trên bàn thấy có một đống giấy tờ. Đường Tăng không dám đi vào, đứng ở ngoài sân, khúm núm lên tiếng nói:
- Thưa viện chủ, xin có lời chào người!
Lão hòa thượng kia ý không muốn để cho Đường Tăng vào trong rầy rà, nên nửa đáp lễ nửa như không hỏi:
- Người ở đâu tới đây?
Tam Tạng nói:
- Đệ tử ở bên Đông Thổ, vua nước Đại Đường sai sang Tây Thiên bái Phật cầu kinh, nhân qua bảo phương, trời đã chiều, xin ngủ trọ một đêm, sáng tờ mờ ngày mai ra đi, muốn xin lão viện chủ làm phúc, làm phúc!
Lão tăng quan mới đứng dậy khẽ nghiêng mình nói:
- Người có phải là Đường Tam Tạng không?
Tam Tạng nói:
- Thưa vâng, đúng là đệ tử.
Tăng quan nói:
- Người đã đi sang Tây lấy kinh, sao lại không biết lối?
Tam Tạng nói:
- Đệ tử chưa được tới quí xứ bao giờ.
Y nói:
- Cách đây chừng bốn năm dặm, về đằng chính tây, có một tòa điếm Tam thập lý, trong điếm có người bán hàng, ngủ trọ dễ dãi. Chúng tôi ở đây, không tiện để bọn nhà sư các ông đi phương xa ngủ trọ.
Tam Tạng chắp tay nói:
- Thưa viện chủ, cổ nhân có câu “Đền miếu chùa chiền đều là trạm nghỉ của những người phương xa chúng tôi, gặp sơn môn sẽ có ba thăng gạo”. Thế mà người lại không cho trọ, là ý thế nào?
Tăng quan tức giận nói:
- Cái đồ hòa thượng lang thang nhà ngươi, cũng mồm loa mép giải, khiếp quá!
Tam Tạng nói:
- Sao lại mồm loa mép giải?
Tăng quan nói:
- Người xưa có câu “Mãnh hổ chạy vào thành, các nhà đóng cửa lại, tuy không ăn thịt người, thanh danh đã hủy hoại”.
Tam Tạng nói:
- Sao lại “thanh danh đã hủy hoại”?
Y nói:
- Mấy năm trước đây có mấy vị tăng đi hành cước[41] đến ngồi ở cửa chùa; Thấy họ đói rét, người nào, người nấy đầu không mũ, chân không giày, quần áo tả tơi, lam lũ, chúng tôi vội vã mời vào phương trượng, mời ngồi lên trên, thết đãi cơm chay, lại đem quần áo cũ biếu mỗi người một cắp, giữ ở lại mấy ngày. Ngờ đâu bọn họ thấy có ăn mặc sẵn, không chịu nhắc xác nữa, ở lì bảy tám năm liền. Đã vậy, họ lại còn làm bao nhiêu công việc bậy bạ khác nữa.
Tam Tạng nói:
- Làm bậy bạ thế nào?
Tăng quan nói:
Nghe tôi kể đây:
Lúc rỗi trèo tường ném đá,
Khi buồn lên vách nhổ đinh,
Trời rét bẻ chấn song đốt,
Mùa hè ngáng cửa nằm kềnh.
Vải phướn làm dây buộc cẳng,
Mạch nhà trộm đổi rau xanh
Dầu ở đĩa đèn thường đổ trộm,
Cạo nồi vét bát sạch sành sanh.
Tam Tạng nghe lời, trong lòng tự nghĩ:
- Đệ tử đây có phải cái hạng hòa thượng dài lưng như thế đâu!
Nghĩ mà cực, muốn khóc òa lên, lại sợ lão hòa thượng trong chùa chê cười, chỉ lẳng lặng lấy vạt áo lau nước mắt, im hơi lặng tiếng, vội chạy ra ngoài, tìm ba đồ đệ.
Hành Giả thấy sư phụ có vẻ giận dỗi tiến lên hỏi:
- Thưa sư phụ, hòa thượng trong chùa đánh thầy ư?
Đường Tăng nói:
- Không ai đánh!
Bát Giới nói:
- Nhât định là thầy bị đánh, nếu không, sao lại nói như người khóc?
Hành Giả nói:
- Họ mắng thầy chăng?
Tam Tạng nói:
- Cũng không hề mắng.
Hành Giả nói:
- Đã không bị đánh, lại không bị mắng, tạ sao lại khổ não làm vậy? Hay là thầy nhớ quê hương đấy?
Tam Tạng nói:
- Đồ đệ ạ, trong ấy họ không cho trọ.
Hành Giả cười nói:
- Có lẽ ở trong đó có đạo sĩ chăng?
Tam Tạng tức giận nói:
- Ở trong quán mới có đạo sĩ, còn trong chùa chỉ có hòa thượng thôi!
Hành Giả nói:
- Sư phụ chẳng ra thế nào cả, đã là hòa thượng thì cùng một môn với mình rồi. Người ta thường nói: “Đã ở trong Phật hội, đều là người có duyên”. Người cứ ngồi đây, để con vào xem sao.
Hành Giả sửa lại vành chít trên đầu, thắt cạp quần lại, cầm cây gậy sắt thẳng tới điện Đại Hùng, trỏ tây vào ba pho tượng Phật nói:
- Các vị đều là tượng giả đắp đất thếp vàng hay sao, bên trong lẽ đâu không có cảm ứng? Lão Tôn này bảo hộ vị thánh tăng nhà Đại Đường sang Tây Thiên bái Phật cầu lấy chân kinh, đêm hôm nay tới đây xin ngủ trọ, đi ngay báo danh cho ta, nếu không cho ta trọ ta đánh cho một chập vỡ tan mình vàng cho trở đất thó ra!
Đương khi Đại thánh ở đằng trước phát cáu kiếm chuyện nói bữa bãi, đã thấy một đạo nhân thắp hương chiều, châm mấy nén hương, đến cắm vào bát hương thờ Phật. Hành Giả quát lên một tiếng, y sợ ngã lăn ra, vừa ngỏm dậy nhìn thấy mặt Hành Giả lại ngã lăn ra, mất vía, lảo đảo chạy vào trong phương trượng cấp báo:
- Lão gia! Có một vị hòa thượng ở ngoài kia!
Lão tăng quan kia nói:
- Bọn đạo nhân các ngươi đều đáng đánh đòn! Cứ bảo ngay họ nằm rắp ở nhà xối, còn báo làm gì. Hễ báo nữa sẽ đánh hai chục!
Đao Nhân nói:
- Vị hòa thượng này, không như vị hòa thượng kia, coi rất hung ác ghê sợ!
Tăng quan nói:
- Hình dáng thế nào!
Đạo nhân nói:
- Là người mắt tròn xoay, mặt đầy lông, tai bẹp dí, miệng lôi công, tay cầm một cây gậy, mắm miệng hầm hè, sục sạo tìm người chực đánh.
Tăng quan nói:
- Để ta ra xem thế nào!
Cửa vừa mở, Hành Giả cũng vừa sấn đến. Thực là con người xấu xí, mặt chỗ lồi chỗ lõm như mắt cá chân, hai con mắt vàng hoe, một cái tráng dô, răng cời ra, hình như giống cua cáy, thịt lõm vào trong, xương gồ ra ngoài. Lão hòa thượng hoảng sợ vội đóng cửa phương trượng lại. Hành Giả sấn tới đập vỡ cánh cửa ra, nói:
- Phải lập tức dọn dẹp quét tước sạch sẽ lấy một nghìn gian phòng, cho lão Tôn ngủ đây!
Tăng quan trốn ở trong phòng nói với đạo nhân:
- Sao mà người y xấu xí thế? Mà lại nói rất khoác lác, làm gì ra vẻ mồm mép ghê gớm lắm. Kể tất cả tứ phương trượng cho tới Phật điện, lầu chuông gác trống, hai bên hành lang, tổng cộng chưa được ba trăm gian, y lại đòi những một nghìn gian để ngủ thì đào đâu ra?
Đạo nhân nói:
- Sư phụ ạ, con cũng đã sợ hãi vỡ mật ra rồi, mong người ra mà trả lời với người ta thế nào cho phải.
Tăng quan sợ run bần bật gọi to báo:
- Kính thưa vị trưởng lão xin ngủ trọ, nhà chùa nhỏ mọn chúng tôi ở núi hoang đây, không đủ phương tiện, không dám mời người nghỉ lại, xin người đi trọ nơi khác.
Hành Giả biến cây gậy xòe như cái chậu thon nhỏ cắm sừng sững ở giữa sân chùa nói:
- Hòa thượng nếu không cho ta trọ, ngươi hãy dọn đi ngay nơi khác!
Tăng quan nói:
- Chúng mình trụ trì tại chùa từ thuở nhỏ, sư tổ truyền đến sư cụ, sư cụ truyền đến chúng mình, chúng mình sẽ truyền cho người sau về lâu về dài không biết y là danh phận gì, giả thực giả hư lại bắt chúng mình dọn đi nơi khác.
Đạo nhân nói:
- Lão ạ, chớ có chòng ghẹo vào, cứ dọn đi cho rảnh. Đòn khiêng đánh vào cửa bây giờ!
Tăng quan nói:
- Đừng có nói nhảm, chúng mình tất cả già trẻ có tới bốn năm trăm hòa thượng, dọn đi đâu bây giờ? Cứ dọn đi cũng không ở vào đâu được.
Hành Giả nghe tiếng nói:
- Không có nơi dọn đi, hãy cho người ra đi một bài gậy!
Lão hòa thượng gọi đạo nhân bảo:
- Nhà ngươi hãy ra đi một đường gậy giúp ta.
Đạo nhân hoảng sợ nói:
- Ối cha mẹ ơi! Cái đòn khiêng to thế kia, lại bảo tôi đi một đường gậy!
Lão hòa thượng nói:
- “Nuôi quân nghìn ngày dùng quân một lúc”, tại sao nhà ngươi không chịu ra?
Đạo nhân nói:
- Cái đòn khiêng ấy, chưa nói là bị đánh phải, nó mà đổ vào người, thịt cũng bị ép như ép giò!
Lão hòa thượng nói:
- Cứ dựng ở giữa sân như thế, đêm hôm qua lại nhỡ ra không nhớ, va đầu phải là vỡ sọ ra, chứ đừng nói đổ lên người nữa!
Đạo nhân nói:
- Sư phụ ạ, người đã biết nó nặng như vậy, sao còn bảo tôi ra đánh một bài?
Nói đoạn, y bỏ vào phía trong nhà.
Hành Giả nghe thấy nói:
- Giả sử cứ để ta thì mỗi gậy ta đập chết một đứa, nhưng làm như thế sư phụ ta lại quở là hành hung. Hãy để ta đánh vào một thứ gì khác cho các ngươi xem.
Vừa ngửng đầu lên nhìn thấy ngay một con sư tử đá ở ngoài cửa phương trượng, liền tới nơi giơ gậy lên, đập đánh choang xuống một cái, con sư tử vỡ tan ra như cám. Hòa thượng ở trong cửa sổ nhìn ra thấy vậy sợ nhủn cả người, vội vàng chui nép xuống gầm giường; đạo nhân chuồn ngay ra cửa sau, luôn miệng kêu la:
- Cha ơi là cha! Gậy nặng! Gậy nặng! Không ngăn nổi đâu! Cho trọ, cho trọ!
Hành Giả nói:
- Hòa thượng ơi, ta không đánh ngươi đâu. Cho ta hỏi trong chùa này có bao nhiêu hòa thượng?
Tăng quan sợ run người nói:
- Trước sau có hai trăm tám mươi nhăm phòng, cộng tất cả có năm trăm vị hòa thường có độ điệp.
Hành Giả nói:
- Nhà ngươi đi gọi hết tất cả năm trăm vị hòa thượng đó, ăn vận quần áo dài cho thực tề chỉnh, lập tức đi đón tiếp sư phụ bên Đường Triều của ta vào đây ngay, ta sẽ tha cho không đánh.
Tăng quan nói:
- Cha ơi, nếu mà không đánh, muốn rước vào cũng xin rước.
Hành Giả nói:
- Đi mau lên!
Tăng quan gọi đạo nhân:
- Đừng có nói sợ vỡ mật hay là sợ nát tim nữa, hãy đi ngay gọi hết mọi người ra đón tiếp Đường Tăng gia gia cho ta.
Đạo nhân chẳng biết làm thế nào được đành phải liều mạng, luồn qua lỗ chó chui phía sau chuồn ra ngoài, lên đến chính điện, bên đông gióng trống, bên tây khua chuông.
Tiếng chuông trống ầm ầm vang dội, làm kinh động hêt thẩy tăng gia ở hai bên hành lang, họ kéo lên điện hỏi:
- Bây giờ hãy còn sớm, đã khua chuông đánh trống làm gì?
Đạo nhân nói:
- Ai nấy thay ngay quần áo, đứng sắp hàng, theo sư phụ đi đón tiếp lão gia bên Đường Triều tới đây.
Mọi hòa thượng vội sắp hàng tề chỉnh ra cửa nghinh tiếp. Có người khoác áo cà sa, có người mặc áo một vạt, người không có thì mặc áo chùng mụn vá to, có người mười phần cùng khổ không có áo dài lấy quần sỏ hai tay vào quàng lên.
Hành Giả nhìn thấy hỏi:
- Hòa thượng, người mặc thứ quần áo gì vậy?
Hòa thượng thấy y xấu xí nói:
- Gia gia người đừng đánh, để tôi nói: đây là vải ăn xin ở trong thành. Ở đây không có thợ may, phải khâu rúm lấy làm “một cái khố tải”.
Hành Giả nghe nói cười thầm, áp đưa mọi sư ra ngoài cửa chùa quì xuống.
Vị tăng quan rập đầu nói lớn tiếng:
- Kính mời Đường lão gia vào trong phương trượng !
Bát Giới nhìn thấy nói:
- Sư phụ già nua không được việc, khi người trở ra, nước mắt ròng ròng, miệng dài có mở ra. Sư huynh sao mà tài giỏi đến thế, bắt họ phải dập đầu đón tiếp!
Tam Tạng nói:
- Cái đồ ngốc nhà mi, chẳng biết cái quái gì! Người ta thường nói “Quỉ cũng phải sợ người ác”.
Đường Tăng thấy họ rập đầu làm lễ, trong lòng rất ái ngại, tiến lên gọi:
- Các vị đứng dậy!
Các sư cúi đầu nói:
- Nếu lão gia và các vị đồ đệ người chỉ nói một lời phương tiện, không dùng tới đòn khiêng chúng tôi quì một tháng cũng được.
Đường Tăng gọi:
- Ngộ Không, đừng đánh người ta!
Hành Giả nói:
- Chưa hề đánh, nếu đánh, bây giờ họ đã tuyệt diệt rồi!
Bọn hòa thượng mới đứng cả dậy, người thì dắt ngựa, kẻ gánh hành lý, công kênh Đường Tăng, cõng Trư Bát Giới, kép tay Sa Tăng, cùng nhau tiến vào trong chùa, đi vào trong phương trượng đằng sau chùa, theo thứ tự ngồi xuống.
Các sư lại đến làm lễ.
Tam Tạng nói:
- Mời viện chủ đứng dậy, bất tất phải lễ bái mãi làm cho bần tăng thêm áy nấy. Chúng ta đều là đệ tử nhà Phật cả!
Tăng quan nói:
- Lão gia là vị khâm sai bên thượng quốc, tiểu hòa thượng không kịp nghênh tiếp. Nay đã quá bộ đến nơi chùa hoang, hiềm vì mắt tục, không biết tôn nghi, được gặp lão gia trong khi bất thình lình, xin người cho biết trong khi đi đường người dùng chay hay dùng tạp, để chúng tôi sửa soạn bữa ăn?
Tam Tạng nói:
- Chúng ta ăn chay!
Tăng quan nói:
- Các vị đồ đệ gia gia này dễ thường dùng tạp?
Hành Giả nói:
- Chúng tôi cũng ăn chay, đều ăn chay từ khi còn trong bụng mẹ.
Hòa Thượng kia nói:
- Cha mẹ ơi, hung hãn thế này mà cũng ăn chay!
Có một vị hòa thượng bạo dạn đến gần hỏi:
- Lão gia đã dùng cơm chay, phải thổi bao nhiêu gạo mới đủ ăn?
Bát Giới nói:
- Hòa thượng nhỏ xíu này hỏi han gì! Cứ thổi cho chúng tôi một thùng gạo.
Các hòa thượng đều hoảng sợ, vội đi rửa nồi dọn bếp, mọi người đều vào phòng sửa soạn cơm nước, đặt bàn kê ghế, thiết đãi Đường Tăng.
Thầy trò ăn xong bữa cơm chay chiều, cất dọn đồ vật, Tam Tạng nói câu cảm ơn:
- Thưa lão viện chủ, quấy quả các vị quá!
Tăng quan nói:
- Không dám, không dám, chúng tôi thật trễ nải, trễ nải!
Tam Tạng nói:
- Thầy trò chúng tôi xin nghỉ lại ở đây?
Tăng quan nói:
- Lão gia cứ thư thả, chúng tôi sẽ thu xếp.
Liền gọi:
- Đạo nhân ở bên ấy có người nào để sai bảo không?
Đạo nhân nói:
- Thưa sư phụ, có ạ.
Tăng quan dặn bảo:
- Các người cho hai người sửa soạn cỏ lá cho ngựa Đường lão gia ăn, mấy người đi dọn dẹp quét tước ba gian thuyền đường đằng trước cho sạch sẽ, kê giường quây màn, mời lão gia sang nghỉ ngơi.
Mấy đạo nhân vâng lệnh, các việc xong xuôi đâu vào đấy rồi, bèn đến mời Đường lão gia đi nghỉ. Bọn thầy trò dắt ngựa, quẩy hành lý ra khỏi phương trượng, thẳng tới trước cửa hai gian cuối thuyền đường, đã thấy ở bên trong đèn nến sáng rực, có đặt bốn cái giường bằng mây.
Hành Giả nhìn thấy, gọi bảo đạo nhân chu biện việc cỏ ngựa, đem rơm cỏ đến, để trong thuyền đường, buộc ngựa bạch lại, rồi cho đạo nhân về cả. Tam Tạng ngồi ở giữa, năm trăm vị hòa thượng đứng thành hai hàng, vây chung quanh bên đèn chầu chực hầu hạ, không dám đi đâu.
Tam Tạng nghiêng mình nói:
- Mời các vị về ngơi, để bần tăng tự nhiên thôi.
Các sư không dám lui ra, tăng quan tiến đến dặn dò mọi người:
- Phải hầu hạ lão gia chu tất rồi mới được về!
Tam tạng nói:
- Thế này là chu tất cả rồi, mời chư vị về nghỉ.
Mọi người mới dám đâu về đấy.
Đường Tăng mở cửa ra ngoài đi tiểu tiện, nhìn thấy mặt trăng vằng vặc trên trời, cất tiếng gọi:
- Đồ đệ!
Hành Giả, Bát Giới, Sa Tăng đều ra đứng hầu.
Nhân thấy trăng một vùng trong vắt, cung Quảng thâm trầm, thực là bóng nguyệt treo cao, vòm trời sáng sủa, nhìn trăng hoài cảm ứng khẩu một bài thơ cổ phong trường thiên, thơ rằng:
Phách quế treo cao sáng khắp miền.
Non sông soi tỏ bóng y nguyên
Lầu quỳnh đền ngọc đầy trong sáng,
Mâm bạc gương băng rất vẹn tuyền
Muôn dặm lúc này đều trắng đẹp.
Quanh năm đêm ấy thực tươi duyên
Khác gì vừng tuyết treo trời biếc,
Như thể xe băng vượt bể huyền,
Lữ thứ ngồi buồn người viễn khách
Sơn thôn nằm ngủ cụ cao niên
Tóc thu vườn Hán lo mau đến[42]
Gương hộp lầu tần muốn có liền[43]
Dữu Lượng còn thơ thuyền lại sứ[44]
Viên Hoành chẳng ngủ cứ buông thuyền[45]
Sáng vồng miệng chén mừng quên rét
Bóng ánh trong sân tưởng có liền
Gẩy ngón đàn tranh trong viện vũ
Ngâm thơ bạch tuyết ở ngoài hiên,
Đêm nay yên nghỉ nơi sơn tự
Biết lúc nào đây lại cố viên?
Hành Giả nghe nói, tiến đến trình thưa:
- Thưa sư phụ, người nhìn thấy bóng trăng trong vắt, lòng nhớ làng xưa, chứ chưa biết ý nghĩa chị Hằng, tức là dây mực của tiên thiên pháp trượng[46]. Mặt trăng đến ngày ba mươi hồn dương thuộc hành kim đã tan hết, phách âm thuộc hành thủy đã đầy vành, cho nên thuần đen mà không có ánh sáng, mới gọi là ngày “hối”[47]. Lúc đó trong quãng hai ngày hối và sóc, mặt trăng và mặt trời giao nhau, cảm ánh sáng khí dương mà thành, đến mồng ba một khí dương hiện, đến mồng tám hai khí dương hiện, nửa hồn ở trong phách, thẳng như sợi chỉ đặt, cho nên gọi là “thượng huyền”. Hôm nay là ngày rằm ba khí dương đầy đủ, nên mới tròn vàng, cho nên gọi là “vọng”. Đến ngày mười sáu, một khí ấm sinh, ngày hai mươi hai, hai khí âm sinh, lúc ấy nửa phách ở trong hồn, thẳng như sợi chỉ đặt, mới gọi là “hạ huyền” đến ngày ba mươi, ba khí âm đầy đủ thì lại hối. Đó là ý nghĩa tiên thiên gọi luyện. Nếu chúng ta biết tu dưỡng được thành công hai tám, chín chín[48] rồi, lúc bấy giờ, thấy Phật sẽ dễ dàng, trở về làng cũ cũng dễ dàng thôi[49]. Thơ rằng:
Chính sau huỳnh trước, trước huyền sau,
Vị thuốc bình bình rất nhiệm mầu,
Hái lấy bó lò đun luyện kỹ,
Sang Tây công quả khó gì đâu!
Sư trưởng nghe nói tức thì tỉnh ngộ, thấu suốt châm ngôn, hết lòng vui vẻ, cảm tạ Ngộ Không.
Sa tăng đứng bên cười nói:
- Câu nói đó của sư huynh tuy cũng đúng, nhưng chỉ nói huyền trước thuộc khí dương, huyền sau thuộc khí âm, trong khí âm có nửa khí dương được hành kim trong hành thủy, nhưng không nói:
Thủy hỏa nương nhau rất có duyên
Toàn nhờ mẹ đất phối thiên nhiên
Ba nhà hội hợp không tranh cạnh
Nước ở trường giang, trăng ở trên
Sư trưởng nghe nói, cũng rạng rỡ thêm, chính là biết ra một khiếu thông nghìn khiếu, dù chẳng trường sinh cũng thể tiên.
Bát Giới nghe đoạn, níu sư trưởng lại nói:
- Sư phụ, đừng nghe tán phượu, nhỡ cả giấc ngủ, trăng ấy à:
Khuyết đi chẳng mấy lại đoàn viên
Cái kiếp tôi đây chẳng vẹn tuyền,
Cầm bát lại ghê mồm lắm dãi,
Ăn cơm những sợ bụng bằng thuyền
Người ta linh lợi tu tròn phúc
Tôi chỉ ngu si tích chút duyên
Tôi bảo người:
Lấy kinh trả hết ba đường nghiệp
Ngóng cổ cong đuôi đến thượng thiên!
Tam Tạng nói:
- Các đồ đệ đi đường mỏi mệt, hãy đi ngủ trước. Ta còn lấy kinh ra đọc mấy lượt đã.
Hành Giả nói:
- Sư phụ lầm rồi. Người xuất gia từ thuở nhỏ, đã làm hòa thượng, những kinh học khi còn bé, còn quyển nào là không thuộc, lại lĩnh chỉ ý của vua Đường sang tây Thiên bái Phật, cầu lấy “Đại thừa chân điển”. Ngày nay công chửa hoàn thành, Phật chưa được thấy, kinh chưa lấy được, người định đọc quyển kinh gì?
Tam Tạng nói:
- Từ khi ra khỏi Trường An, sớm hôm bạt thiệp, ngày tháng bôn ba, những kinh học thuở nhỏ sợ quên mất, may đêm nay được rỗi, để ta học ôn lại.
Hành Giả nói:
- Người đã nói vậy, chúng con xin đi ngủ trước.
Cả ba người cùng lên giường mây đi ngủ, trưởng lão đóng cửa thuyền đường lại, khêu cao ngọn đèn, mở quyển kinh ra, lẩm bẩm nhẩm đọc khẽ. Chính là lúc:
Trên lầu canh một người yên tĩnh
Ngoài bến ngư ông lửa tắt rồi.
Chưa biết Đường Tăng rời khỏi chùa như thế nào, xem tới hồi sau sẽ rõ.

HỒI THỨ BA MƯƠI BẢY


Vua quỷ đương đêm cầu trưởng lão
Ngộ Không hóa phép dẫn hài nhi
Tam Tạng ngồi ở trong thuyền đường chùa Bảo Lâm tụng một lượt kinh Lương hoàng thủy sám, xem một lượt Khổng tước chân kinh, ngồi mãi tới canh ba, mới bỏ kinh vào trong bao gói lại. Vừa định đứng dậy đi ngủ bỗng có một trận gió quái lạ rít lên ràn rạt, tiếng gió vụt vào cửa ngoài ầm ầm. Tam Tạng sợ gió thổi tắt đèn vội vàng lấy vạt áo che lại. Thấy đèn lúc sáng lúc tối, trong bụng đâm ra sợ hãi lo lắng; lại có phần thấy mỏi mệt, nằm phục xuống bàn thiu thiu ngủ đi. Tuy mắt nhắm lơ mơ, nhưng trong bụng vẫn tỉnh táo, bên tai vẫn nghe rõ tiếng gió vi vu ở ngoài cửa.
Trong lúc mơ màng, Tam Tạng nghe thấy trong tiếng gió vừa thổi qua, rõ ràng có tiếng gọi “sư phụ” văng vẳng ở ngoài thuyền đường, vội vàng ngó cổ nhìn ra, thấy một người đàn ông đứng ở ngoài cửa ướt đầm đìa từ đầu đến chân, miệng luôn gọi “sư phụ”.
Tam Tạng nghiêng mình hỏi:
- Nhà ngươi có phải là thần quái tà ma, nhân lúc đêm khuya, tới đây trêu ta đấy không? Ta đây không phải hạng người tham dục, tham sân, vốn là nhà sư quang minh chính đại, vâng sắc chỉ nhà Đại Đường bên Đông Thổ sang Tây Thiên lạy Phật cầu kinh. Thủ hạ ta có ba người đồ đệ, đều là những bực anh hào hàng long phục hổ, tài tráng sĩ sát quỷ trừ tà, nếu chúng vớ được, nhà ngươi sẽ tan thây nát xác. Đó là ta đây có ý đại từ bi, có lòng phương tiện, nhà ngươi nên sớm liệu mà trốn xa đi, đừng bén mảng đến thuyền môn nữa!
Người đó đứng dựa vào thuyền đường nói:
- Thưa sư phụ, tôi không phải là yêu ma quỷ quái, cũng không phải là tà thần bậy bạ.
Tam Tạng nói:
- Nhà ngươi đã không phải loại ấy, vậy đêm khuya đến đây làm gì?
Người kia nói:
- Thưa sư phụ, người hãy để mắt nhìn qua tôi một lượt.
Tam Tạng định thần xem kỹ lưỡng, chà, chỉ thấy người ấy:
Đầu đội mũ xung thiên, lưng thắt đai bích ngọc. Mình mặc áo bào đỏ thêu phượng múa rồng bay, chân giận giày vô ưu giát đầu mây miệng gấm, tay cầm một cây ngọc khuê trắng la liệt những vì sao. Mặt như vua trường sinh Đông Nhạc, hình tựa thánh khai hóa Văn Xương.
Tam Tạng trông thấy sợ tái mặt đi, vội vàng cúi mình nói to:
- Người là vua nước nào, xin mời ngồi!
Nói rồi lấy tay đỡ xuống, nhưng chẳng thấy gì, lại quay mình ngồi xuống, nhìn trở lại, vẫn là người ấy.
Liền hỏi:
- Tâu bệ hạ, người là thiên tử ở đâu ta, hoàng đế nước nào? Chắc là trong nước không được yên, bị kẻ gian thần hung ngược, nửa đêm mới phải trốn lẩn tới đây, có chuyện gì xin cứ nói cho nghe?
Người đó mới hai má lệ tràn thưa chuyện cũ, đôi mày sầu khóc kể tình xưa:
- Thưa sư phụ, nhà tôi ở về đằng chính tây, cách đây chừng độ trên dưới bốn mươi dặm, nơi đó có một tòa thành trì, là nơi khai cơ dựng nghiệp.
Tam Tạng nói:
- Địa danh đấy gọi là gì?
Người đó nói:
- Không dám giấu sư phụ, cái hồi trẫm sáng lập quốc gia, đổi hiệu là Ô Kê.
Tam Tạng nói:
- Bệ hạ sợ sệt như vậy là vì đâu đến nỗi?
Người đó nói:
- Thưa sư phụ, hồi năm năm trước, ở vùng chúng tôi, trời làm hạn hán cây cỏ cũng chết, dân gian chết đói, rất đỗi thương tình. Chợt có một gã toàn chân ở núi Chung Nam có tài gọi gió kêu mưa, điểm đá ra vàng, đến trước ra mắt các quan văn võ, sau ra mắt trẫm, trong khoảnh khắc khiến được trời mưa như trút nước. Quả nhân chỉ cầu mưa ba thước nước là đủ. Y nói đại hạn đã lâu, chưa đủ thấm nhuần, lại làm mưa thêm hai tấc nước nữa. Trẫm thấy y trọng nghĩa như vậy, liền làm lễ tám lạy, kết giao với y gọi nhau là “anh em”.
Tam Tạng nói:
- Đó là một việc đáng mừng to lớn hiếm có của bệ hạ.
Người đó nói:
- Mừng ở đâu ra? Trẫm với y cùng ăn cùng ở với nhau. Năm ấy, gặp tiết xuân, hạnh đỏ đào tơ, trẫm với y khoác tay khoan bước vào vườn ngự uyển, chợt đi tới giếng lưu ly bát giác, không biết y ném vật gì xuống giếng, dưới giếng lòe ra muôn đạo kim quang rồi y đánh lừa bảo trẫm đến bên giếng xem là bảo bối gì. Trẫm đến xem, ai ngờ y đem lòng hung ác, đẩy trẫm ngã lăn xuống giếng, lấy tảng đá đè trên miệng giếng, phủ đất đi, đem một khóm chuối giồng trên mặt đất.
Đường Tăng nghe nói, sợ nhủn người, sởn tóc gáy, không biết làm thế nào, đành phải hỏi:
- Tâu bệ hạ, những lời người vừa nói đây, không có lý chút nào cả; bệ hạ chết những ba năm rồi, thế mà các quan văn võ, ba cung hoàng hậu, khi đến chầu vua ở trên điện không thấy, tại sao lại không đi tìm?
Người đó nói:
- Sư phụ ạ, nói đến tài năng của hắn, thực là thế gian hiếm có! Từ khi sát hại trẫm, hắn biến ngay ra hình dung trẫm ở trong vườn hoa, không sai chút nào. Hiện nay hắn đương chiếm giữ giang sơn, ngầm lấn đất nước của trẫm, hai ban văn võ, bốn trăm quan triều hoàng hậu trong ba cung, phi tần nơi sáu viện, đều lọt vào trong tay hắn hết.
Tam Tạng nói:
- Vậy thì người nhu nhược lắm!
Người đó nói:
- Nhu nhược thế nào?
Tam Tạng nói:
- Mặc dù yêu quái đó có chút thần thông, biến ra được hình dung bệ hạ, xâm chiếm đất nước của bệ hạ, các quan văn võ không nhận ra được, hậu phi chẳng hiểu là ai, chỉ có người đã chết là biết rõ, vậy sao người không đem kiện lên vua Diêm Vương hỏi âm phủ, tố rõ nỗi oan khuất ra?
Người đó nói:
- Hắn thần thông quảng đại, quan lại đều quen thân cả, Đô thành hoàng thường chè chén với hắn, Hải Long Vương có họ với hắn, Đông Nhạc Tề Thiên là bè bạn thân của hắn, thập đại Diêm La đều là anh em khác họ với hắn. Vì thế, nên trẫm không thể kiện cáo vào đâu được.
Tam Tạng nói:
- Tâu bệ hạ, dưới âm ty ngài còn không làm gì được hắn, vậy tôi ở trên dương thế làm được trò trống gì?
Người đó nói:
- Thưa sư phụ, một điểm oan hồn của tôi, đâu dám lên tới cửa người? Nhân có các vị hộ pháp chư thiên, lục đinh lục giáp, ngũ phương yết đế, ngự trị công tào, mười tám vị hộ pháp già lam, theo liền yên ngựa của người, mới rồi lại được vị Dạ Du thần hóa ra một trận gió thần đưa tôi đến đây. Người nói hạn thủy tai ba năm của tôi đã mãn, cho tôi đến đây bái yết sư phụ và nói với tôi rằng thủ hạ người đây có một vị đại đồ đệ là Tề Thiên đại thánh, chém quái hàng ma rất giỏi, nên tôi đến đây chí tâm khẩn cầu mời người quá bộ đến nước tôi, tróc nã yêu quái, phân rõ ngay gian, tôi xin kết cỏ ngậm vành, báo đến công ơn sư phụ!
Tạm Tạng nói:
- Bệ hạ, người đến đây để cầu đồ đệ tôi trừ khử yêu quái ấy cho người có phải không?
Người đó nói:
- Chính thế! Chính thế!
Tam Tạng nói:
- Đồ đệ của tôi bảo làm việc gì thì cũng khó đấy, chứ bảo hàng yêu tróc quái, rất hợp với hắn. Thưa bệ hạ, tuy rằng bảo y tróc quái, nhưng theo lý thì khó khăn.
Người đó nói:
- Khó khăn thế nào?
Tam Tạng nói:
- Yêu ma đã thần thông quảng đại, biến được như người, các quan văn võ trong triều, người nào người nấy đều vui lòng thuận phục, ba cung phi tần, người nào người nấy đều ý hợp tình đầu, đồ đệ tôi dù có thủ đoạn quyết không dám động đến can qua, thảng hoặc bị các quan bắt lại, buộc chúng tôi lừa vua dối nước, khép vào tội đại nghịch, đem giam cầm ở trong thành, chẳng hóa ra vẽ hùm khắc ngỗng ư?
Người đó nói:
- Trong triều vẫn còn có người cơ mà!
Tam Tạng nói:
- Vậy được! Vậy được! Có lẽ là những bực thân vương thái giám được sai đi trấn thủ ở nơi xa?
Người đó nói:
- Không phải, trong cung tôi còn có thái tử, đó là vị trừ quân chính tôi thân sinh ra.
Tam Tạng nói:
- Vị thái tử đó tưởng đã bị yêu ma cách chức rồi chứ?
Người đó nói:
- Thưa chưa, cháu vẫn ở trên điện Kim Loan, trong lầu Ngũ Phượng, thường đọc sách với học sĩ, hoặc cùng ngồi với toàn chân; đã ba năm trời, y cấm thái tử không cho vào hoàng cung, không được giáp mặt mẹ.
Tam Tạng nói:
- Tại làm sao thế?
Người đó nói:
- Vì rằng yêu quái sợ rằng mẹ con gặp nhau, rỗi miệng bàn tán quả cà quả táo, lỡ làm lộ chuyện ra chăng, cho nên nó không để cho hai bên gặp mặt.
Tam Tạng nói:
- Tai vạ của người, tự trời trao lại, cũng chẳng khác gì tôi. Cha tôi xưa kia cũng bị bọn thủy quái hãm hại, mẹ tôi bị thủy quái chiếm mất, sau đó ba tháng mẹ tôi đẻ tôi. Nhờ dòng nước xuôi tôi thoát chết, may sao có vị ân sư chùa Kim sơn cứu vớt nuôi nấng nên người. Nhớ lại tôi xưa không bố mẹ, bây giờ thấy thái tử mất song thân, thực là đáng thương!
Lại hỏi tiếp:
- Dù người có thái tử tại triều chăng nữa, nhưng làm thế nào mà gặp mặt được?
Người đó nói:
- Sao lại không gặp được?
Tam Tạng nói:
- Thái tử đã bị yêu ma giam lỏng, đến ngay chính mẹ đẻ còn không được gặp mặt, nữa là tôi chỉ là một nhà sư gặp làm sao được?
Người đó nói:
- Sáng sớm mai cháu sẽ ra khỏi triều.
Tam Tạng nói:
- Ra khỏi triều làm gì?
Người đó nói:
- Sáng sớm ngày mai, cháu sẽ dẫn ba nghìn người ngựa giong ưng khuyển, ra khỏi thành săn bắn, tất nhiên sư phụ sẽ được gặp mặt. Khi gặp xin người cứ đem những lời lẽ của tôi nhắc lại cho nghe, cháu sẽ tin ngay.
Tam Tạng nói:
- Thái tử là người trần mắt thịt, bị yêu ma lừa dối, giữ ở trên điện, ngày nào chẳng mấy lần kêu thưa phụ vương, khi nào lại chịu nghe lời tôi nói ra?
Người kia nói:
- Nếu sợ cháu không tin, tôi xin đưa cho người một vật di tích làm tin.
Tam Tạng nói:
- Vật gì vậy?
Người đó buông viên ngọc khuê trắng nạm vàng cầm ở trong tay xuống nói:
- Vật này có thể làm tin được.
Tam Tạng nói:
- Vật này là thế nào?
Người kia nói:
- Từ khi gã toàn chân biến hóa ra tôi, còn thiếu cái bảo bối này không biến ra được. Về đến trong cung, nó nói dối là vị toàn chân lấy mất ngọc khuê mang đi, nên đã ba năm nay không có vật ấy. Nếu thái tử của tôi nhìn thấy, trông thấy vật nghĩ đến người thì thù này sẽ trả được.
Tam Tạng nói:
- Thế thì được, tôi sẽ giữ lại, giao cho đồ đệ tôi xử trí giúp người. Người chờ đợi ở đâu?
Người kia nói:
- Tôi cũng không dám chờ đợi. Bây giờ lại phải chờ Dạ Du thần hóa một trận gió thần đưa tôi về với hoàng cung trong nội viện, báo mộng cho chính cung hoàng hậu của tôi cho mẹ con họ hợp ý để thầy trò người đồng tâm.
Tam Tạng gật đầu nhận lời và nói:
- Vâng, người đi thôi!
Oan hồn kia cúi đầu từ biệt, Tam Tạng đi theo tiễn chân, chẳng may vấp ngã bổ nhào ra, giật mình tỉnh dậy, thì ra một giấc chiêm bao. Trước ánh đèn lờ mờ, Tam Tạng vội vàng kêu gọi:
- Đồ đệ! Đồ đệ!
Bát Giới tỉnh giấc hỏi:
- thổ địa, thổ địa cái gì? Xưa kia tôi là hảo hán, chuyên ăn thịt người cho qua ngày, ngốn những thức tanh tưởi rất là ngon lành, đâm đi theo người xuất gia, chúng tôi phải bảo hộ người đi đường! Trước kia tôi là hòa thượng, bây giờ coi như người ở, ban ngày quẩy hành lý dắt ngựa, ban đêm lấy chậu đựng nước đái và nằm để cho người khác gác ủ chân! Đêm khuya rồi sư phụ chưa ngủ, còn gọi đồ đệ làm gì?
Tam Tạng nói:
- Đồ đệ, ta vừa mới phục xuống án thiu thiu đã thấy một giấc mơ quái lạ.
Hành Giả chồm dậy nói:
- Sư phụ ạ, mộng mị do tư tưởng mà ra, người chưa lên đến núi, đã sợ ma rồi, lại buồn vì Lôi Âm đường xa, không thể đến được, mong nhớ Trường An biết bao giờ lại được trở về, vì vậy sinh ra đa tâm đa mộng. Cứ như lão Tôn quyết một lòng, chỉ mong đến Tây Phương bái Phật, chẳng có mộng mị gì hết.
Tam Tạng nói:
- Đồ đệ, giấc chiêm bao này không phải giấc mộng nhớ quê hương. Ta vừa mới nhắm mắt bỗng có một trận gió thổi qua, thấy một vị hoàng đế ở ngoài cửa chùa, tự xưng là vua nước Ô Kê, khắp mình ướt đẫm, đầy mắt lệ sa.
Rồi Tam Tạng đem hết những điều ở trong mộng nói lại cho Hành Giả nghe.
Hành Giả nói:
- Chẳng cần phải nói! Y đến báo mộng cho người rõ ràng chiếu cố cho lão Tôn một mẻ làm ăn. Để tôi đi xem rõ thực hư thế nào. Cây gậy này có thể làm nên chuyện đây!
Tam Tạng nói:
- Đồ đệ, y nói yêu ma thần thông quảng đại lắm.
Hành Giả nói:
- Sợ gì nó quảng đại, nếu biết lão Tôn đến, lại không có đường mà chạy!
Tam Tạng nói:
- Ta còn nhớ y có để lại một thứ bảo bối làm di tích.
Bát Giới trả lời:
- Sư phụ chớ có quàng bậy, nằm chiêm bao là chiêm bao, sao lại nói những câu chuyện không đâu?
Sa Tăng nói:
- Không tin điều thẳng trong việc thẳng, nên phòng lòng nhân của kẻ bất nhân, chúng ta đốt lửa, mở cửa ra, xem thế nào sẽ rõ.
Hành Giả mở ngay cửa ra. Một lũ chạy cả lên xem: dưới ánh trăng sao, mọi người nhìn thấy một viên ngọc khuê trắng, nạm vàng để ở trên thềm chùa. Bát Giới tới gần cầm lấy nói:
- Anh ơi, cái này là vật gì?
Hành Giả nói:
- Đây là bảo bối của quốc vương cầm ở trong tay, gọi là ngọc khuê. Sư phụ ạ, đã có vật này, thiết tưởng việc có thực. Công việc bắt yêu ngày mai, ở tay lão Tôn cả. Chỉ cần người làm cho khéo ba việc thôi.
Bát Giới nói:
- Tốt! Tốt! Tốt! Chỉ có giấc chiêm bao cũng phải nói với y, về cái món trò hề đó y có chịu làm không? Chưa chi y đã trút ngay cho người làm khéo ba việc đấy.
Tam Tạng trở vào trong nói:
- Làm ba việc gì?
Hành Giả nói:
- Ngày mai người phải đội đèn, chịu bực tức, gặp ôn dịch.
Bát Giới cười nói:
- Một việc cũng còn khốn thay, ba việc thì chịu làm sao nổi?
Đường Tăng là một vị trưởng lão thông minh, liền hỏi:
- Đồ đệ ạ! ba việc ấy nghĩa là thế nào?
Hành Giả nói:
- Chưa cần nói vội, hãy đưa trước cho người hai vật này.
Hành Giả bèn nhổ ngay một sợi lông, thổi hơi tiên vào kêu một tiếng “biến”, biến thành một cái hộp sơn son thếp vàng, bỏ viên bạch ngọc vào trong hộp ấy và nói:
- Sư phụ ạ, người bưng vật này ở trong tay, đến sáng ngày ra, mặc áo cà sa vạt gấm đi lên chính điện ngồi đọc kinh để tôi đi vào trong thành xem xét, nếu đích xác là giống quái vật, sẽ đánh chết nó, lập công ngay ở nơi đó, ví bằng không phải thời thôi, không gây vạ.
Tam Tạng nói:
- Phải lắm! Phải lắm!
Hành Giả nói:
- Nếu thái tử không ra khỏi thành thì thôi, ví bằng đúng như trong mộng, thái tử ra khỏi thành, tôi sẽ dẫn y đến đây gặp người!
Tam Tạng nói:
- Nếu gặp ta sẽ phải đối đáp thế nào?
Hành Giả nói:
- Khi tới nơi, tôi sẽ báo trước, để tôi biến ra một vị hòa thượng nhỏ xíu độ hai tấc bỏ vào trong hộp, người bưng cả tôi vào trong tay. Khi thái tử vào trong chùa tất nhiên phải lễ Phật, người cứ mặc kệ cho y lễ không đếm xỉa gì đến. Y thấy người không nhúc nhích, tất nhiên sai bắt người, người cứ mặc kệ cho họ bắt. Đánh cũng ở họ, trói cũng ở họ, giết cũng ở họ.
Tam Tạng nói:
- Ối! Nhỡ họ chiếu quân lệnh, giết chết thật, thì ta làm thế nào?
Hành Giả nói:
- Không hề chi, đã có tôi. Gặp lúc khó khăn tôi sẽ bảo hộ người. Khi nào họ hỏi, người trả lời là hòa thượng bên Đông Thổ được khâm sai sang Tây Thiên lạy Phật cầu kinh và dâng bảo bối. Nếu họ hỏi: “Có bảo bối gì?”. Người nói cho họ nghe chuyện áo cà sa vạt gấm một lượt và nói đấy là bảo bối hạng ba, còn bảo bối hạng nhất và hạng nhì quý hơn. Hễ họ hỏi nữa, sẽ nói trong hộp này có một thứ bảo bối biết năm trăm năm về trước, biết năm trăm năm về sau, biết năm trăm năm hiện tại, các việc quá khứ vị lai tất cả một nghìn năm trăm năm đều hiểu biết hết. Thế rồi sư phụ thả lão Tôn ra; tôi sẽ đem những lời trong mộng nói với thái tử, nếu y chịu nghe theo, sẽ đi tróc nã yêu ma, thì một là y báo thù được cho phụ vương y, hai là ta cũng lập được chút danh vọng. Nếu y không tin, mới đưa ngọc khuê trắng cho y xem. Chỉ sợ y còn thơ ấu, vẫn không nhận ra được thôi!
Tam Tạng nghe lời rất mừng nói:
- Đồ đệ ạ, chước ấy tuyệt diệu! Nhưng còn những bảo bối, một cái gọi là vạt cà sa gấm, một cái gọi là ngọc khuê trắng, còn bảo bối con biến ra gọi tên là gì?
Hành Giả nói:
- Cứ gọi là “lập đế hóa” cũng được.
Tam Tạng y lời, trong lòng ghi nhớ. Cả thầy trò suốt đêm không ngủ, thức cho đến sáng, giận không thể giơ tay với gọi vừng ô mọc, chúm miệng phun bay hết vị sao.
Một lúc sau, phương đông rực sáng. Hành Giả dặn dò Bát Giới, Sa Tăng, bảo hai người:
- Không nên quấy nhiễu nhà chùa, ra vào bừa bãi đợi khi nào tôi đã thành công, cùng đi với các chú.
Hành Giả từ biệt mọi người lộn vèo một cái, nhảy lên trên không căng mắt thau nhìn về hướng tây, quả có một tòa thành trì. Tại làm sao lại trông thấy được? Vì rằng trước kia đã nói thành trì đó cách xa chùa chỉ có bốn mươi dặm, cho nên đứng ở trên cao có thể trông thấy.
Hành Giả đến gần xem xét kỹ lưỡng, thấy những mù quái mây sầu man mác, gió yêu khí oán bời bời. Hành Giả ở trên không than thở:
Nếu phải thực vua lên bảo tọa.
Làm mây năm sắc lóe hào quang.
Chỉ vì yêu quái xâm ngôi báu
Trời tối âm thầm khóa cửa vàng.
Hành Giả đương cảm thán, chợt nghe tiếng súng nổ vang, lại thấy cửa đông mở rộng một đoàn người ngựa tiến ra, thực là đội quân săn bắn, khí thế oai hùng. Chỉ thấy:
Sớm ra cửa thành đông,
Trên cỏ đứng quây vòng,
Rợp trời cờ màu phất.
Đuổi gió ngựa bạch dong,
Trống ếch bòng bòng thúc,
Giáo lao cặp cặp xông.
Quân khua ưng dữ dội.
Tướng dắt chó oai hùng,
Que nhựa lòe trời nắng,
Súng nổ kêu đẹt đùng.
Kẻ nọ đeo tên nỏ
Người kia khoác dây cung,
Chăng lưới nơi chân núi
Giăng dây lối tắt thông,
Tiếng hô như sấm dậy,
Quân kéo tựa mây lồng
Giảo thỏ không đường trốn,
Sói rừng vận đã cùng
Hồ ly ngày tận số
Hươu nai buổi thương vong.
Trĩ nai bay đâu thoát?
Gà rừng sống chớ hòng!
Nhóm người kia đi ra khỏi thành tản mát về phía đông, chẳng mấy chốc đã đi được chừng hai mươi dặm, tới một vùng ruộng cao. Trong dinh trung quân thấy có một vị tướng quân nhỏ xíu, đầu đội mũ, mình mặc giáp, tay cầm thanh bảo kiếm lưỡi xanh, cưỡi con ngựa vàng, lưng đeo cung lên thẳng dây, thực là:
Quân vương thực đáng mặt,
Vua chúa đúng con dòng
Quy mô khác phường tục,
Đi đứng rõ oai rồng.
Hành Giả ở trên không mừng thầm:
- Chẳng cần phải nói, người ấy đích xác là thái tử của hoàng đế rồi. Để ta đùa hắn một tí.
Đại thánh ở trên mây bước xuống, đi lộn vào đám quân, đến trước ngựa thái tử, nhao người biến ra một con thỏ trắng chạy rối rít đằng trước ngựa thái tử. Thái tử trông thấy vui vẻ, đặt tên vào giương thẳng dây cung, bắn một phát tin ngay con thỏ ấy.
Nguyên đại thánh cố ý để cho y bắn trúng, lanh tay tinh mắt giơ đón lấy mũi tên, thay cái lông cánh chim lắp ở cuối tên ra đằng trước, co cẳng chạy miết. Thái tử nhìn thấy ngọc thỏ bị trúng tên, phóng luôn ngựa, một mình lên trước rượt theo. Hay đâu ngựa chạy nhanh, Hành Giả đi như gió, ngựa chạy chậm lại, Hành Giả đi thong thả, vẫn chỉ ở đằng trước ngựa thái tử không xa; cứ thế từng độ từng quãng Hành Giả đã lừa được thái tử đến cửa chùa Bảo Lâm, Hành Giả hiện rõ bản thân. Không thấy thỏ đâu nữa, chỉ thấy một mũi tên cài ở trên khung cửa. Hành Giả đi thẳng vào trong nói với Đường Tăng:
- Sư phụ ạ! Y đến đây! Y đến đây!
Hành Giả lại biến luôn ra một hòa thượng nhỏ dài độ hai tấc, chui vào trong hộp sơn.
Thái tử đến trước cửa chùa, không thấy thỏ ngọc đâu, chỉ thấy một mũi tên sáp lông chim cài ở trên khung cửa. Thái tử kinh sợ tái người nói:
- quái lạ! quái lạ! Rõ ràng mũi tên của mình bắn trúng ngọc thỏ, tại sao không thấy thỏ, chỉ thấy tên ở đây! Có lẽ lắm năm nhiều tháng thỏ đã thành yêu tinh chăng?
Bèn thu lấy mũi tên, ngẩng đầu lên nhìn thấy trên cửa chùa có năm chữ đại tự “Sắc kiến Bảo Lâm Tự”.
Thái tử nói:
- Ta nhớ ra rồi. Mấy năm trước đây, phụ vương ta ở trên điện Kim Loan đã sai quan mang vàng lụa cùng với vị hòa thượng ở đây sửa lại điện Phật và tượng Phật, tình cờ hôm nay ta lại đến đây: Chính là! Đi nói chuyện cùng sư trong đạo viện, cái kiếp phù sinh được chút nhàn! Ta hãy đi vào trong chùa.
Thái tử ở trong ngựa nhảy xuống, đương định tiến vào đã thấy các quân tướng đi bảo vệ cùng ba nghìn người ngựa theo tới, từng đoàn từng lũ, kéo nhau cả vào trong chùa. Các sư trong bản tự vội vàng ra cúi đầu bái tiếp, đón vào gian chính điện, tham bái tượng Phật. Thái tử đưa mắt xem nom, lại muốn qua hành lang ngắm cảnh, chợt nhìn thấy một vị hòa thượng ngồi ở chính giữa, thái tử tức giận nói:
- Hòa thượng này vô lễ! Xa giá một nửa triều đình của ta đến chùa, mặc dù không có giấy báo trước không phải đi đón, nhưng giờ đây quân mã đã đến chùa cũng phải đứng dậy, sao vẫn ngồi yên không thèm nhúc nhích?
Bèn truyền lệnh:
- Bắt lấy y!
Vừa nói một tiếng “bắt”, các quan hiệu úy đứng hai bên sấn ngay tới nơi, túm lấy Đường Tăng lôi đi, tìm dây trói lại.
Hành Giả ở trong hộp lầm rầm đọc thần chú gọi:
- Hời hỡi hộ pháp chư thiên, lục đinh lục giáp! Ta đương bày kế bắt yêu, thái tử nay chưa nhận ra, đem dây định trói sư phụ ta, các ngươi phải liệu hộ trì, nếu để người bị trói, các người sẽ có tội.
Những lời dặn bảo ngấm ngầm đó của đại thánh còn ai dám cưỡng, họ liền tới bảo hộ Tam Tạng đâu vào đấy. Một nhóm người kia không tài nào mó vào đầu trọc được. Y như có bức tường chặn lại, không chạm được tới mình Đường Tăng.
Thái tử nói:
- Nhà ngươi ở phương nào tới đây, định làm phép ẩn thân để lừa dối ta?
Tam Tạng tiến lên vái chào nói:
- Bần tăng không có phép ẩn thân, chính là Đường Tăng bên Đông Thổ, sang chùa Lôi Âm bái Phật cầu kinh và dâng bảo vật.
Thái tử nói:
- Đông Thổ nhà ngươi, tuy là trung nguyên, nhưng nghèo khổ lắm, còn có bảo bối gì, hãy nói cho ta nghe?
Tam Tạng nói:
- Áo cà sa ta đương mặc ở trong mình đây, là bảo bối thứ ba, còn có cái thứ nhất và cái thứ nhì tốt hơn nữa.
Thái tử nói:
- Cái áo của nhà ngươi, một nửa che mình, một nửa hở tay có đáng là bao, sao dám nói là bảo bối?
Tam Tạng nói:
- Áo cà sa này tuy không được toàn thể, nhưng có mấy câu thơ. Thơ rằng:
Hở vai áo Phật chớ bàn quanh,
Trong ẩn chân như thoát tục tình,
Muôn sợi nghìn kim thành chính quả,
Chín châu tám báu hợp chân linh.
Tiên nga thánh nữ mây cung tiến,
Để tặng nhà sư giữ sạch mình,
Chẳng đón xe ra còn có thể,
Ai kia
Thù cha không trả thực hư sinh!
Thái tử nghe xong trong lòng rất tức nói:
- Hòa thượng khốn kiếp này nói nhảm! Chỉ được cái mồm gầu lưỡi chổi, khoe tốt khoe hay cái áo nửa bức của nhà ngươi! Nỗi oan của cha ta vì đâu chưa trả được, nhà ngươi nói cho ta nghe?
Tam Tạng tiến lên một bước, chắp tay hỏi:
- Thưa điện hạ, người ta sống ở trong khoảng trời đất, có mấy thứ ơn?
Thái tử nói:
- Có bốn ơn.
Tam Tạng nói:
- Bốn ơn gì?
Thái tử nói:
- Cảm ơn trời đất che chở, mặt trăng mặt trời sáng soi, ơn đất nước của vua, ơn nuôi nấng của cha mẹ.
Tam Tạng cười nói:
- Điện hạ nói có chỗ sai. Người chỉ biết có trời đất che chở, mặt trăng mặt trời sáng soi, đất nước của nhà vua, chứ làm gì đã có cha mẹ nuôi nấng?
Thái tử tức giận nói:
- Hòa thượng này là kẻ ăn bơ làm biếng, trốn việc quan đi ở chùa, người mà không có cha mẹ nuôi nấng thì ở luống cày chui lên à?
Tam Tạng nói:
- Điện hạ không biết, tôi có một bảo bối ở trong hộp sơn son này tên gọi “lập đế hóa” biết được việc năm trăm năm về trước, năm trăm năm hiện tại, và năm trăm năm về sau. Cộng tất cả công việc quá khứ, vị lai một nghìn năm trăm năm, không điều gì là không biết. Hỏi bảo bối ấy điện hạ sẽ biết không có ơn dưỡng dục của cha mẹ, khiến cho bần tăng phải chờ đợi ở đây lâu ngày.
Thái tử nghe lời liền nói:
- Đưa cho ta xem!
Tam Tạng cầm nắp hộp mở ra, Hành Giả nhảy luôn ra ngoài, lũn cà lũn cũn, đi lung tung mọi nơi.
Thái tử nói:
- Chú bé tí hon này, biết được việc gì?
Hành Giả nghe thấy chê mình nhỏ, vươn mình một cái, đã dài ra tới ba thước bốn năm tấc.
Quân sĩ hoảng sợ nói:
- Nếu mà chóng dài ra thế này, chỉ độ mấy ngày sẽ chọc thủng trời ra mất.
Hành Giả chỉ vươn cho bằng thân cũ thôi, không dài thêm ra nữa.
Thái tử mới hỏi:
- Lập đế hóa, vị lão hòa thượng đây nói nhà ngươi có thể biết được những việc lành dữ quá khứ, vị lai, vậy thì nhà ngươi có phép bói rùa, có phép bói cỏ thi, theo lời dạy ở trong sách đoán họa phúc cho người ta phải không?
Hành Giả nói:
- Một ly về cái đó cũng không dùng, chỉ ở ba tấc lưỡi muôn việc thảy đều hay.
Thái tử nói:
- Cu cậu này thật là nhảm nhí. Từ xưa tới nay, bộ sách Chu Dịch rất là huyền diệu, đoán hết được việc lành dữ trong thiên hạ, để cho người ta biết đường mà theo, mà tránh, cho nên mới có phép bói rùa, bói cỏ thi. Cứ như ngươi nói thì bằng cứ vào đâu? Quàng xiên họa phúc, mê hoặc lòng người!
Hành Giả nói:
- Xin điện hạ đừng vội, để tôi nói cho người nghe, người vốn là thái tử của vua nước Ô Kê. Năm năm trước đây trong nước bị đại hạn, muôn dân khổ sở, hoàng đế nhà người cùng với thần tử, lòng thành cầu đảo, giữa lúc cầu không được mưa, có một người đạo sĩ ở núi Chung Nam đi tới, y biết hô phong hoán vũ, điểm đá nên vàng, quân vương đem lòng yêu mến, kết làm anh em với y. Việc ấy có hay không?
Thái tử nói:
- Có! Có! Có! Nhà ngươi nói nữa đi!
- Phụ vương người bèn kết làm anh em với y, ăn cùng một mâm, ngủ cùng một giường. Ba năm trước đây khi đi ngoạn cảnh ở vườn ngự uyển, bị y hóa một trận gió thần, móc mất viên ngọc khuê trắng nạm vàng ở trong tay phụ vương người đem về Chung Nam mất. Tới nay phụ vương vẫn còn nhớ nhung. Cũng vì không có y, nên người không thích ngoạn cảnh nữa. Từ ba năm nay, người đã đóng chặt cửa vườn lại rồi.
Thái tử nói:
- Ở ngôi hoàng đế, không phải phụ vương ta còn là ai?
Hành Giả nghe nói tủm tỉm cười. Thái tử hỏi mãi Hành Giả cũng không trả lời, cứ cười mỉm hoài.
Thái tử phát giận nói:
- Cái cậu này, điều đáng nói thì không nói, tại sao cười mỉm như vậy?
Hành Giả lại nói:
- Hãy còn rất nhiều chuyện, chỉ vì đông người hầu hạ, nói ra không tiện.
Thái tử thấy y nói năng có chứng cớ, giơ tay áo bào vẫy một cái, bảo quân sĩ tạm lui ra. Các quan tướng đi hộ giá, vội hạ lệnh, đem ba nghìn người ngựa, đều ra ngoài cửa chùa đóng quân. Lúc ấy trên điện không còn ai, thái tử ngồi ở phía trên, Tam Tạng đứng ở phía trước. Hành Giả đứng ở bên tả. Các sư ở bản tự ra cả ngoài.
Hành Giả mới tiến lên nghiêm sắc mặt nói:
- Tâu điện hạ, người hóa ra gió bay mất chính là bố đẻ ra ngài, kẻ đương ngồi ở ngôi vua là tên toàn chân đảo vũ.
Thái tử nói:
- Nói nhảm! Nói nhảm! Cha ta từ khi toàn chân đi rồi, mưa hòa gió thuận, nước thịnh dân yên. Cứ như nhà ngươi nói, thì không phải là phụ vương ta. Vì ta hãy còn ít tuổi, nên hãy tha cho nhà ngươi, nếu phụ vương ta nghe những lời phản loạn của nhà ngươi, sẽ bắt ngay băm thây làm muôn mảnh.
Nói đoạn quát mắng Hành Giả và đuổi đi.
Hành Giả nói với Tam Tạng:
- Làm thế nào? Tôi đã bảo là y không tin. Quả nhiên! Quả nhiên! Bây giờ hãy đưa bảo bối trả lại cho y, đổi lấy công văn, sang Tây Thiên cho rảnh.
Tam Tạng đưa hộp sơn son cho Hành Giả. Hành Giả đỡ lấy, nhún mình một cái, chẳng thấy hộp đâu nữa - nguyên là lông tơ biến ra đã bị y thu vào trong người - hai tay cầm viên ngọc khuê trắng hiến lên thái tử.
Thái tử trông thấy nói:
- Ghê thật hòa thượng! Ghê thật hòa thượng! Nhà ngươi chính là toàn chân năm năm trước đến lừa ăn cắp bảo bối nhà ta, bây giờ dám to gan làm ra hòa thượng đem tiến hiến.
Liền gọi:
- Bắt lại!
Một tiếng truyền ra, làm cho Tam Tạng sợ sệt, trỏ tay mắng Hành Giả:
- Cái đồ Bật Mã Ôn nhà mi, độc là gây vạ vu vơ, để lụy cho ta!
Hành Giả đến gần, ngăn tất cả lại nói:
- Chớ có to tiếng, đừng để lộ chuyện! Ta không phải là lập đế hóa, còn có tên thực khác.
Thái tử tức giận nói:
- Mi lên đây, ta hỏi rõ tên thực, đưa ra pháp ty định tội!
Hành Giả nói:
- Ta là đại đồ đệ của vị sư trưởng đây, tên gọi Ngộ Không Tôn Hành Giả. Nhân đi theo sư phụ ta sang Tây Thiên lấy kinh, đêm hôm qua tới đây ngủ trọ. Đến đêm sư phụ ta đọc kinh, vào hồi canh ba, người nằm chiêm bao, mộng thấy phụ vương ngài nói là bị toàn chân kia lừa dối, đẩy xuống giếng lưu ly bát giác tại vườn ngự uyển, toàn chân biến ra hình dung người, khắp các quan triều không ai biết cả. Ngài còn nhỏ tuổi, cũng không hiểu rõ, y cấm không cho ngài vào cung, đóng cửa vườn lại, chính là sợ lộ chuyện ra. Đêm vừa rồi phụ vương ngài đến đây nhờ ta bắt ma, ta sợ không phải yêu tà, từ trên không nhìn xuống, quả nhiên là giống yêu tinh, đương định ra tay bắt nó, vừa khi ngài ra săn bắn ngoài thành. Mũi tên của ngài bắn trúng ngọc thỏ, chính là lão Tôn đây. Lão Tôn dẫn ngài đến chùa, đi gặp sư phụ, nói điều tâm sự, toàn là chuyện thực cả. Giờ đây ngài đã nhận được ngọc khuê, sao không nghĩ tới ơn tình nuôi nấng báo thù cho đấng thân?
Thái tử nghe đoạn, trong lòng đau xót, ngấm ngầm thương cảm, tự nghĩ:
- Nếu không tin, câu chuyện lại có phần chân thực, mà tin thì khốn nỗi trên điện lại chính là phụ vương mình.
Thế mới thực: lui tới khó khăn lòng hỏi miệng, tính suy kỹ lưỡng miệng dò lòng.
Hành Giả thấy y nghi hoặc không quyết, lại tiến lên nói:
- Điện hạ bất tất nghi hoặc, mời ngài trở về nước, hỏi quốc mẫu nương nương một câu, xem trong tình ân ái vợ chồng, so với ba năm trước thế nào? Chỉ hỏi một câu ấy, sẽ rõ thực hư.
Thái tử mủi lòng nói:
- Phải đấy! Để tôi về hỏi mẫu thân tôi xem.
Y đứng ngay dậy, bỏ ngọc khuê vào túi đi luôn.
Hành Giả cản lại nói:
- Nếu mà người ngựa ngài cùng về, lại chẳng lộ chuyện ra ư, tôi khó thành công. Chỉ cần một mình ngài cưỡi ngựa trở về, không nên to tiếng khoe khoang. Chớ vào cửa chính dương, nên đi theo cửa hậu tể mà vào. Khi người vào cung gặp mẫu thân, chớ có to tiếng tức tối, phải cần nói nhỏ, chuyện thầm: sợ rằng yêu quái thần thông quảng đại, một khi để lộ chuyện ra, tính mạng mẹ con nhà ngài khó mà giữ được.
Thái tử vâng theo lời dạy, ra khỏi cửa chùa dặn bảo quân tướng:
- Hãy cứ đóng quân ở đây không được đi đâu! Ta có chút việc đi đằng này một lát, rồi sẽ về, cùng vào trong thành một thể.
Thực là:
Chỉ huy hiệu lệnh dồn quân lại,
Cưỡi ngựa như bay trở lại thành.
Chưa biết thái tử đi lần này, gặp mẹ nói những chuyện gì, xem tới hồi sau sẽ rõ.