Trang

【Đông Du Ký】Hồi thứ ba

Dương Tử đốt xác sư phụ
Lý Huyền nhập xác bần nhân
Khi ấy Dương Tử giữ xác thầy ngủ không ngon giấc, tính đã được sáu ngày. Xảy có thân nhân đến báo tin rằng: Mẹ bệnh ngặt nghèo, gần tắt hơi, trông về để thấy mặt mà chết. Dương Tử khóc lớn than rằng: "Thầy thiếp hồn chưa về, nếu ta đi ai giữ xác thầy, bằng ở đây không thấy mặt mẹ thảm biết chừng nào!". Người ấy hỏi rõ việc đi thiếp, rồi nói rằng: "Xác người nằm đã sáu ngày, ngũ tạng cũng hư hết, lẽ nào sống lại được! Vả lại thầy có dặn bảy ngày thiêu xác, chắc sẽ thành tiên. Nay sớm ngày mà thiêu chắc cũng không lỗi. Thà thiêu xác thầy mà được thấy mặt mẹ, thì khỏi lỗi cả hai". Dương Tử phân vân chưa quyết, song túng thế phải nghe lời. Dùng hoa quả và hương đăng tế thầy rồi thiêu xác. Khóc và đọc bài thơ vắn như vầy:
Mẹ bệnh đã hầu kề,
Thầy đi thiếp chưa về
Mẫu thân tình một thuở,
Sư phụ nghĩa nhiều bề
Vẹn thảo nên quyền biến,
Lỗi nghì luốn ủ ê
Hồn linh xin chứng chiếu,
Khoái lạc chốn non tiên.
Khóc rồi liền nhanh chóng về nhà, mới tới cửa thì mẹ đã tắt hơi, thật là ... lỗi hết cả hai, đã bất nghĩa lại không toàn hiếu sự.
Nói về Lý Ngưng Dương, hồn thiếp theo Lão Tử, dạo khắp các nước, rồi qua núi Bồng Lai, lại đến các động thần tiên ra mắt đủ mặt. Đến bảy ngày xin về. Lão Tử cười rằng: "Nghe bài kệ này thì rõ". Nói rồi ngâm rằng:
Tịch cốc ăn lúa mì,
Đường quen xe phơi phới
Muốn tìm cốt cách xưa,
Lại gặp mặt mày mới
Lý Ngưng Dương từ tạ ra về, nghĩ bài kệ không hiểu, khi hồn về tới động, không thấy học trò, coi lại xác đã hóa tro bụi. Giận học trò bất nghĩa, không y lời dặn, chưa đến bảy ngày đã thiêu xác mình, làm hại không chỗ mà nhập. Hồn bay phản phất đến chân núi, xảy thấy ăn mày nằm dựa bên đường, chân bị cùi mà có một gậy. Lý Ngưng Dương nghĩ lại bài kệ, biết là phần mình phải vậy chứ không nên trách học trò, liền nhập vào xác ấy. Vì cớ nào mà lão tử không bảo về trong lúc năm ngày, thật có ý để cho Lý Ngưng Dương bỏ xác chắc tuyệt sự hồng trần. Còn nhập vào thây ăn mày là mượn xác theo thế gian, chứ muốn biến thế nào cũng được, xác ấy để tu, mèo thấy sợ lắm.
Lý Ngưng Dương nhập hồn vào xác, ngậm nước phun cây gậy tre hóa ra gậy sắt. Bởi cớ ấy thế gian không biết căn cước tên họ, thấy cầm gậy sắt thì kêu rằng ông Thiết Quả, tục kêu Thiết Quày.
Khi ấy Thiết Quả đánh tay biết rõ công việc Dương Tử liền than rằng: "Bởi mẹ nó ngặt mình, nên túng phải thiêu xác ta. Lại vì thiêu xác ta lâu nên không thấy mặt mẹ nó. Vậy thì đem bầu thuốc này đến cứu tử, kẻo nó tức tối cả đời". Nghĩ rồi chống gậy sắt, mang bầu thuốc mà tới nhà Dương Tử. Thấy Dương Tử ôm quan tài khóc ngất một hồi rồi rút gươm định tự vận. Thiết Quả nhảy lại nắm gươm nói rằng: "Sống thác là lẽ thường, tất cả đều có số mệnh. Phàm đạo làm con, sống nuôi cho phỉ tình, thác chôn là đủ lễ, chết theo mà bỏ tang phó cho ai, thật là vô ích lắm!". Dương Tử thuật chuyện sở bức, rồi nói rằng: "Bởi cớ ấy nên tôi lỗi hẹn với thầy lại mất thảo với mẹ, còn sống làm chi?". Nói rồi quyết tự vận lần nữa. Thiết Quả can rằng: "Ngươi ở được như vậy là trọn đạo với thầy, lại vẹn thảo với mẹ, nên trời khiến ta đến đây cho thuốc tiên mà cứu mẹ ngươi. Ngươi hãy giở nắp quan tài, cạy miệng mẹ ngươi mà đổ thuốc". Nói rồi lấy một hoàn thuốc trong bầu đưa ra, bảo Dương Tử hòa với nước mà đỗ cho mẹ.