Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ hai

Thấu triết lý, Bồ Ðề truyền đạo,
Về chốn cũ, Ngộ Không trừ yêu.

Nói về Hầu vương đặng họ tên rồi, lạy ông Bồ Ðề tổ sư mà tạ ơn. Tổ sư truyền cho các học trò, đem Ngộ Không ra ngoài dạy nghi lễ ở ăn, biểu quét nhà tưới nước. Ngộ Không cũng cung kỉnh các trò cũ, ăn ở theo bọn với nhau.

Ở đặng ít lâu việc làm quen thuộc, cũng xem kinh học luật, lại tập chữ thắp hương, khi thời dọn bếp quét sân, lúc phải trồng hoa sửa kiểng, ở vậy mà chịu tới bảy năm trời.

Ngày kia tổ sư giảng kinh, các học trò đều hầu hạ. Ngộ Không nghe giảng kinh mấy chỗ hay, thì thấm mật cào tay gãi mặt, trợn mắt nhướng mày, chịu không đặng bèn múa nhảy lăn xăn. Tổ sư xem thấy, kêu Ngộ Không mà nói rằng: "Ngươi đứng theo hàng, sao dám nhảy múa vô lễ vậy?" Ngộ Không thưa: "Kẻ đệ tử nghe thầy giảng dạy hay lắm, lòng thành tự nhiên bắt nhảy múa mà không hay, xin thầy tha tội". Tổ sư nói: "Như ngươi biết chỗ hay, ta hỏi ngươi nói thử. Vậy chớ ngươi ở đây đã đặng bao lâu?" Ngộ Không thưa rằng: "Tôi không biết mấy năm mấy tháng, mà đều tôi nhớ những khi tôi đi đốn củi trên núi, gặp đào chín thì tôi hái ăn no, tính ăn đặng bảy mùa đào rồi". Tổ sư nói: "Núi ấy tên là núi Lang đào, hễ ngươi ăn bảy mùa thì là đặng bảy năm rồi đó. Còn bây giờ ngươi muốn học thứ chi?" Ngộ Không thưa: "Tự ý thầy dạy chi thì tôi cũng học". Tổ sư nói: "Trong phép đạo có ba trăm sáu mươi cửa, cửa nào cũng có đạo lý, không biết ý ngươi muốn học phép nào?" Ngộ Không thưa: "Xin thầy liệu mà dạy". Tổ sư nói: ''Vậy ta dạy ngươi học phép chư thuật". Ngộ Không thưa: "Phép ấy ra làm sao?" Tổ sư nói: "Phép ấy coi việc lành dữ đều biết trước". Ngộ Không thưa: "Vậy mà đặng sống đời đời chăng?" Tổ sư nói: "Không đặng". Ngộ không thưa: "Tôi không chịu học!" Tổ sư nói: "Vậy ta dạy ngươi học phép chư lưu, chịu không?" Ngộ Không hỏi: "Phép ấy ra thể nào?" Tổ sư nói: "Phép chư lưu là học nho làm thuốc, làm sãi, làm phát, địa lý, thợ vẽ, tụng kinh, niệm phật, vân vân". Ngộ Không hỏi: "Phép ấy có sống đời chăng?" Tổ sư nói: "Học phép ấy mà muốn sống đời, có khác nào mà trồng cột tô vách". Ngộ Không nói: "Thầy ôi! Tôi là đứa dốt nát, chẳng thấu lời nói cao kỳ, làm sao mà hiểu cho đặng". Tổ sư nói: "Như ngươi làm nhà muốn cho chắc, trồng cây làm cột, ngoài xây vách tường thì chắc không ngã, đến khi nhà hư rồi thì cây cột trong vách phải hư mục". Ngộ Không nói: "Như vậy thì chẳng bền, tôi không chịu học". Tổ sư nói: "Dạy ngươi phép Chư tịnh, chịu không?" Ngộ Không thưa: "Phép ấy thể nào?" Tổ sư nói: "Phép ấy tịch cốc ngồi làm thinh mà dưỡng tinh thần, gọi lá tham thiền". Ngộ Không thưa: "Vậy mà đặng sống hoài chăng?" Tổ sư nói: "Theo phép ấy như đất mới vỗ để vào lò gạch". Ngộ Không thưa rằng: "Nghĩa làm sao vậy?" Tổ sư nói:"Ðất tuy vỗ nên hình tấm gạch, mới để vào lò chưa hầm cho chín nếu đem ra mà xài, bị nước phải rã". Ngộ Không nói: "Tôi không chịu học". Tổ sư nói: "Ngươi không chịu học chữ Tịnh thì ta dạy ngươi chữ Ðộng". Ngộ Không thưa: "Phép chữ Ðộng ra làm sao?" Tổ sư nói: "Phép ấy có hình, uốn mình bẻ xương luyện hơi thở, uống thuốc kim đơn cho khỏi bệnh, và đặng sống lâu". Ngộ Không nói: "Như vậy thì hay! Có khi sống đời khỏi chết". Tổ sư nói: "Phép ấy mà đặng trường sinh chẳng khác nào mò trăng dưới nước" Ngộ Không cười mà nói rằng: "Ðó thầy cũng nói giấu mẹo hoài! Mò trăng dưới nước là làm sao ạ thầy?" Tổ sư nói: "Trăng ở trên trời bóng rọi xuống nước, coi thời như có, mò cũng như không". Ngộ Không nói: "Như vậy tôi cũng không học". Tổ sư nạt một tiếng rồi bước xuống ghế, tay cầm cây thước điểm mặt Ngộ Không mà nói rằng: "Mầy là khỉ đột, phép nào cũng chê hết. Vậy mầy đòi giống gì nữa?" Nói rồi khỏ óc Ngộ Không ba cái, rồi chắp tay sau đít đi thẳng vào phòng đóng cửa lại. Còn các học trò ở đó ai ai cũng thất kinh! Kẻ thì oán Ngộ Không, kẻ thì lo thầy giận. Duy một mình Ngộ Không chẳng hề sầu não, lại cười giỡn nữa, là vì Ngộ Không biết thầy ra dấu, ý hiểu canh ba lén vào cửa sau, vô phòng cho thầy truyền phép. Nên tối anh ta giả ngủ sớm, chờ cho đến chừng ngủ hết, đến canh ba lén vào cửa sau, thì thấy cửa hé một tiếng.

Ngộ Không thẳng vô phòng thầy, thấy thầy nằm day mặt vô vách mà ngủ, Ngộ Không quì dựa bên giường không hề động dạn, một hồi Tổ sư thức dậy, duỗi hai chân mà ngâm rằng:

Ðừng tưởng kim đơn việc dễõ duôi,
Ðạo khó muôn đời, đạo chẳng nguôi,
Chẳng gặp người tiên mà truyền phép,
Ðọc kinh mỏi miệng lại khô môi.

Ngộ Không cất tiếng thưa rằng: "Tôi chực thầy nãûy giờ đã lâu". Tổ sư biết là Ngộ Không, vùng chờ dậy ngồi xếp bằng mà nạt rằng: "Con khỉ kia, sao chừng này mà chưa ngủ, vô đây làm gì?" Ngộ Không thưa: "Lúc ban ngày thầy có dạy tôi canh ba vô ngã sau cho thầy truyền phép, nên tôi mới dám vào hầu". Tổ sư ngẫm nghĩ giây phút rồi nói rằng: "Thằng này là trời sanh thành, nên bàn đặng sự mẹo mực ra dấu của ta!" Ngộ Không nói: "Ở đây không có sáu tai, xin thầy truyền đạo trường sinh, tôi há dám quên đại đức". Tổ sư nói: "Thiệt ngươi có phước, ta cũng muốn truyền. Ngươi bàn đặng sự ra dấu rồi, thôi, lại gần ta truyền đạo trường sinh bất lão". Ngộ Không lạy tạ, rồi quì bên giường, vảnh tai nghe dạy.

Tổ sư ngâm như vầy:

Nhiệm nhặc cho thông là phép đạo,
Xác hồn biến luyện truyền không giấu,
Giống linh ba thứ: Tinh, khí, thần,
Gìn giữ khít khao đừng sơ lậu.

Ðừng cho sơ lậu để trong mình,
Ngươi học ta truyền đạo rất tinh,
Dạy miệng để lòng ghi nhớ đủ,
Bỏ đàng tà dục, bước đàng thinh.

Bước đàng thinh cũng thêm có ích,
Khá lên đài thuốc xem trăng lịch,
Trăng trong thỏ bạc nhực gà vàng,
Thì có rắn rùa theo vấn vít.

Theo vấn vít mới đặng vẹn toàn,
Tòa sen trỗ lửa chang chang
Năm hành xây trở theo ngôi đặt,
Nên phật nên tiên đã rõ ràng.

Khi Tổ sư ngâm những điều khó hiểu như vậy, mà Ngộ Không ở cõi tiên đã lâu, vẫn là người trời sinh nữa, nên thông minh lắm. Nghe rồi thì hiểu liền, bèn lạy tạ ơn thầy, rồi lui ra nhà trước, ngồi lặp lại, lầm thầm mà thuộc làu hết, từ đó sắp về sau, hễ đêm canh ba, ngày đứng bóng, tập luyện như vậy đặng ba năm.

Ngày kia Tổ sư giảng kinh, nói về sự báo ứng nhơn quả, luận sơ việc bề ngoài mà thôi, mà hỏi: "Ngộ Không ở đâu hé?" Ngộ Không dạ: "Thưa tôi ở đây". Tổ sư nói: "Bấy lâu mi luyện tập dường nào?" Ngộ Không thưa: "Tôi đã học thông, tập luyện các nghề đều làu". Tổ sư nói: "Gốc cội tuy suốt rồi, song còn lo ba điều tai nạn". Ngộ Không suy nghĩ hồi lâu rồi thưarằng: "Ðệ tử có thấy trong kinh nói, hễ học đặng phép tiên, sống tày trời đất, tinh thần no đủ chẳng có bệnh chi, sao lại còn ba điều tai nạn?" Tổ sư nói: "Cái đạo tiên lớ lắm! Cướp máy tạo hóa của trời đất, cho nên qủy thần chẳng dung đó. Tuy sống lâu sức khỏe thì mặc lòng, năm trăm năm nữa ngươi sẽ bị trời đánh. Như ngươi tránh khỏi thì sống đời, bằng tránh không khỏi thì phải chết. Rồi năm trăm năm nữa ngươi sẽ bị trời đốt. Lửa ấy chẳng phải lửa trời, mà cũng không phải lửa người, thiệt là lửa khí âm ở dưới bàn chân ngươi cháy lò lên tới trên óc. Ngũ tạng là: Tam, can, tì, phế, thận, đều cháy ra tro, uổng công tu luyện ngàn năm, mà không còn chi hết! Rồi cách năm trăm năm nữa, trời cho có gió thổi ngươi. Gió ấy là không phải gió bốn phương trời, ấy là gió độc lắm, ở trên mỏ ác của ngươi thổi dộng xuống lục phủ là: Ðởm, vị, đại trường, tiểu trường, bàn quang và tam tiêu. Thổi lò theo cửa khiếu thì thịt xương rời rã. Phải giữ lấy hồn, mà tránh cho khỏi ba điều tai nạn ấy, kẻo mà bỏ mình!"

Ngộ Không nghe nói rởn óc, bèn quỳ xuống mà thưa rằng: "Trăm lạy thầy, xin truyền phép cho tôi, đặng tránh khỏi ba điều tai nạn ấy, thì tôi cảm đức thầy trọn đời". Tổ sư nói: "Chuyện ấy cũng không khó gì. Một là ba mươi sáu phép thiên cang, hai là bảy mươi hai phép địa sát, bụng ngươi muốn học phép nào?" Tôi ráng gắn công học bảy mươi hai phép địa sát cho rộng xài". Tổ sư nói: "Như vậy lại đây cho thầy truyền cho". Bèn kề tai mà nói nhỏ giống gì không biết, bởi Ngộ Không saÜn thông phép trước, nên dễ hiểu ngày sau, tập luyện bảy mươi hai phép biến hóa đều đặng hết.

Ngày kia Tổ sư cùng các bạn học trò đều xem cảnh vật ngoài động. Tổ sư hỏi Ngộ Không rằng: "Ngươi luyện tập các phép xong chưa?" Ngộ Không thưa: "Tôi nhờ ơn thầy dạy, nay tôi tập đã thuộc hết rồi, và bay cũng đặng nữa". Tổ sư biểu: "Ngươi bay thử coi?" Ngộ Không làm giỏi, nhảy lên hỏng đất bay bổng đặng hơn ba dặm, rồi bay về đáp xuống trước mặt thầy, xá mà nói rằng: "Thưa thầy, đằng vân như vậy phải không?" Tổ sư cười rằng: "Chưa phải đằng vân, ấy là vọng vân đó, lời xưa có nói: Thần tiên sớm mai ở biển Bắc, chiều trở lại Thương ngô, phép thần tiên đằng vân một ngày khắp bốn biển. Thương ngô là bay giáp vòng trở về ranh biển Bắc".

Ngộ Không nói: "Như vậy thì khó lắm!" Tổ sư nói: "Trên đời không việc chi khó, chính bởi ngươi chẳng siêng". Ngộ Không nghe rõ, rồi lạy thầy mà thưa rằng: "Xin thầy làm ơn cho trót, mở lượng từ bi, dạy tôi phép đằng vân luôn thể". Tổ sư nói: "Phép thần tiên đằng vân thì ngồi xếp bằng, còn mi đằng vân thì hay nhảy dựng, vậy để ta dạy mi phép nhảy; gọi là cân đẩu vân lẹ lắm". Ngộ Không nghe mừng lạy tạ, Tổ sư truyền thần chú biểu niệm chú cho mau, hai tay nắm lại cho chặt, nhảy tưng lên nhào một cái xa đặng mười muôn tám ngàn dặm đường, xong rồi thầy trò đem nhau vào động. Ðêm ấy Ngộ Không tập luyện làu thông, từ ấy Tổ sư không hay nhắc nhở, anh ta mặc sức nghinh ngang. Bữa nọ các trò xúm chơi dưới cội tòng, nói chuyện cùng nhau, rồi vỗ vai Ngộ Không mà rằng: "Trò này có phước lắm! Vậy thầy dạy trò bảy mươi hai phép biến hóa, mà trò đã luyện tập hết chưa?" Ngộ Không cười rằng: "Không giấu chi các trò, trước nhờ ơn thầy dạy, sau tôi tập luyện gắn công, cho nên phép nào tôi cũng tinh thông hết cả thảy". Các trò nói: "Ðâu, trò biến ra cây tòng thử coi?" Ngộ Không luyện chú lâm dâm rùng mình một cái, thoạt hiện ra cây thông rõ ràng. Các trò đều lấy làm lạ, lấy làm hay, đồng vỗ tay cười ngất!

Tổ sư nghe cười rộ, chống gậy ra mà hỏi rằng: "Ai làm gì om sòm ngoài này vậy?" Ngộ Không nghe hỏi thất kinh, hiện nguyên hình lại nhập tụi với chúng! Mấy trò sửa áo lại đứng chắp tay mà thưa rằng: "Chúng tôi trò chuyện chơi chứ không dám làm rầy". Tổ sư quở rằng: "Bây la ó ré om sòm, không phải cách tu hành như vậy". Các trò thưa: "Không dám giấu thầy, vả khi nãy anh em tôi biểu Ngộ Không biến làm cây tòng thử coi, nói rồi không thấy Ngộ Không, lại thấy cây tòng đứng sừng sựng, chúng tôi thấy phép hay như vậy, vùng cười lớn lên, xin thầy tha tội cho chúng tôi". Nói rồi rùng rùng cúi lạy. Tổ sư nói: "Thôi chúng bây chờ dậy". Rồi kêu Ngộ Không quở rằng: "Sao ngươi làm phách, biến ra cây tòng cho chúng coi! Ta hỏi ngươi, ví như ngươi thấy ai giỏi thì ngươi muốn học, còn ai thấy ngươi giỏi thì cũng muốn học, như ngươi không dạy thì họ giết ngươi còn gì?" Ngộ Không quỳ lạy mà thưa rằng: "Kẻ đệ tử mới dại một phen, xin thầy tha lỗi". Tổ sư nói: "Ta không quở phạt chi mi! Nhưng mà mi phải đi cho khỏi". Ngộ Không nghe nói khóc ròng mà thưa rằng: "Xin thầy mở lượng từ bi mà dung thứ, nếu thầy quyết đuổi, tôi biết đi đâu?" Tổ sư nói: "Hồi trước mi ở đâu bây giờ về chỗ đó". Ngộ Không nhớ sực lại thưa rằng: "Tôi ở Ðông thắng thần châu, núi Hoa Quả, động Thủy Liêm". Tổ sư nói: "Mi đi cho kịp thì còn hồn, bằng nán lại ở đây thì ta không thứ!" Ngộ Không biết thầy giận lắm, năn nỉ thế cũng không rồi, mới lạy tạ thầy mà đi, và từ giã chúng bạn.

Tổ sư nói: "Nếu ngươi về xứ cũ, ắt ngươi làm việc chẳng lành, ngươi làm dữ thì mang họa mặc kệ ngươi, song ta cấm ngươi không đặng xưng là đệ tử của ta, nếu mi nói nửa lời thì ta cũng đủ hiểu, chừng đó ta lột da nghiền xương mi, rồi ta bắt hồn mi đem giam dưới địa ngục cho mạt kiếp". Ngộ Không nói: "Thầy đà nghiêm cấm, tôi đâu dám hở môi". Ngộ Không từ tạ xong rồi, bèn cân đẩu vân bay một giờ ra tới biển Ðông, rồi bay thẳng về núi Hoa Quả. Nghe những chim kêu vượn hú, liền cất tiếng kêu rằng: "Bớ bây, bớ bây ta đã về đây!" Những khỉ lớn khỉ nhỏ, trên cây trong bụi rùng rùng nhảy rakhông biết muôn ngàn nào mà kể xiết, đứng vây xung quang Ngộ Không đều lạy mừng mà than rằng: "Ðại vương ôi! Ðại vương đi sao lâu dữ vậy? Chúng tôi ở nhà đợi như khát trông nước, đói trông cơm. Xưa rày bị một con yêu, tới chiếm cứ động Thủy Liêm, chúng tôi đánh liều mạng với nó mà không lại, bị nó giết và bắt rất nhiều, nếu Ðại vương không về, ắt xứ sở đều về tay chúng hết!" Ngộ không nghe nói giận lắm mới nói rằng: "Con yêu nào dữ vậy? Ðể ta kiếm nó ta trả thù cho". Bầy khỉ nói: "Nó nương mây mà tới, theo gió trở về, chúng tôi có biết đường đâu mà chỉ".

Ngộ Không nói: "Vậy để ta đi tìm nó". Nói rồi nhảy tuốt qua hướng Bắc, thấy núi Khảm Nguyên cao chớn chở, lại có tiếng người, liền đáp xuống tìm kiếm.

Giữa đỉnh núi, có cái động Thủy Tang, mấy con yêu nhỏ nhảy múa ngoài cửa động, thấy Ngộ Không trên trời đáp xuống, nên chúng nó chạy vô động. Ngộ Không kêu rằng: "Ðừng có chạy, ta là chúa động Thủy Liêm đây, chủ bây là con ma Hổn Thế đến phá hoại ta hoài, nay ta đến đánh với chủ bây một phen cho biết tài cao thấp".

Lũ quỷ nghe nói lật đật chạy vào động mà báo rằng: "Ðại vương ơi! Họa đã tới rồi! Ngoài cửa động có một con khỉ đột xưng là chúa động Thủy Liêm, nó nói Ðại vương hà hiếp con cháu nó hoài, nay nó tìm đến đây đánh báo thù đó". Hổn Thế cười rằng: "Ta có nghe bầy khỉ nói chủ nó đi tu, trong thế hắn tiếc bần nên nay về đó. Bây thấy nó ăn mặc ra thể nào, và cầm đồ binh khí chi đó?". Tiểu quỷ nói: "Nó không có cầm cái chi hết, đầu sói sọi bận áo hoe hoe, buộc sợi dây lưng vàng đi đôi giày đen, nửa in tu niệm, nửa giống thế gian, múa hai tay không, đứng làm khỉ ngoài cửa. Hổn Thế ma vương nghe rồi, liền mặc áo cầm siêu dẫn bầy quỷ ra cửa mà hỏi rằng: "Nào, thằng nào xưng chủ động Thủy Liêm đâu?"

Ngộ Không nghe nói trợn mắt mà coi, ngó thấy Ma Vương đầu đội kim khôi đen, mình mang giáp sắt, chân đi hia ô, mình cao ba trượng, lưng lớn mười vây, tay cầm cây siêu sáng giới. Ngộ Không trả lời rằng: "Con mắt mầy bằng cái chân tượng, không thấy tao đây sao?" Ma Vương cười mà rằng: "Mi hình thù vắn vỏi, tuổi tác nhỏ nhoi, đi tay không nói chuyện chống trời, e chút nửa xương chôn dưới đất".

Ngộ Không mắng rằng: "Mi là đồ ma dại, nào có thấy xa; mi chê tao nhỏ, tao lớn mi coi; mi chê tao tay không, tao đánh cho mi biết". Nói rồi nhảy xốc thoi trong mặt Hổn Thế ma vương một cái. Ma Vương lật đật đỡ mà nói rằng: "Khoan đã, ta cao mi thấp, ta đánh đao, mi đánh tay, ta có giết mi họ cũng cười ta không giỏi. Ðể ta bỏ đao đánh mi cho biết sức".Nói rồi ào tới đánh đùa. Ma Vương thì dình dàng, trở xây chậm chạp. Ngộ Không thì nhỏ thó qua lại lẹ làng. Dện cho Ma Vương một đấm muốn xẹo đùi. Ma Vương túng thế phải lấy đao mà chém. Ngộ Không tránh khỏi, liền nhổ một nắm lông bỏ vô miệng nhai nhỏ phun lên, biến ra hai ba trăm con khỉ, vây phủ lấy Ma Vương. Bầy khỉ áp vô con thì trì, con thì cắn, còn Ngộ Không thì giựt cây đao, rồi vẹt khỉ ra, chém Ma Vương một đao đứt làm hai đoạn. Riết vô động giết hết bầy yêu nhỏ, rồi dùn mình thâu lông lại. Còn mấy con khỉ bị Ma Vương bắt khi trước, thì Ngộ Không đem ra, rồi nổi lửa đốt động Thủy Tang cháy hết. Mới nói với mấy con khỉ rằng: "Chúng bây nhắm con mắt lại, đặng tao làm phép về động cho mau". Nói rồi cân đẩu vân phút nổi trật gió bay hết. Về sa xuống trước của động Thủy Liêm, biểu chúng hầu mở ccn mắt ra coi thử. Bầy khỉ mở con mắt ra, thì thấy động cũ của mình rõ ràng. Mừng rỡ vô cùng, dắt nhau vào động. Bầy khỉ trong động ra tiếp rước chào mừng, rồi bày tiệc thết đãi. Mới hỏi việc đánh với Hổn Thế ma vương thắng phụ dường nào? Ngộ Không thuật hết đầu đuôi; bầy khỉ khen rồi lại hỏi: "Chẳng hay Ðại vương đi học ở đâu mà giỏi lắm vậy?" Ngộ Không tỏ cạn chuyện mình tầm sư học đạo cho bầy khỉ nghe hết. Bầy khỉ nói: "Ðại vương có phước lắm nên học mới đặng tài phép như vậy". Ngộ Không cười mà rằng: "Bây ôi! Bây giờ mình có họ mới là tử tế cho chớ!" Bầy khỉ hỏi: "Họ chi đó Ðại vương?" Ngộ Không nói: "Ta nay họ Tôn tên là Ngộ Không". Bầy khỉ cười ré lên mà rằng: "Ðại vương tên là Ðại Tôn, còn chúng tôi là Tiểu Tôn, Tôn Tôn hết cả bầy!" Nói rồi bày tiệc ăn mừng nữa.

Ấy là:

Quê cũ trở về mừng đặng họ,
Hang tiên còn đợi thuở biên tên.