Trang

【Tây Du Ký】Hồi thứ nhứt

Hoa quả sơn, tiên thạch nở hầu,
Xà nguyệt động, Hầu vương cầu đạo.


Kể số trong trời đất có mười hai muôn, chín ngàn, sáu trăm năm là một nguơn. Mỗi một nguơn chia làm mười hai hội: Tý, sửu, dần, mẹo, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi; mỗi một hội cai ra là một muôn tám trăm năm, từ nửa hội tý giao qua đầu hội sửu cai là năm ngàn bốn trăm năm luân chuyển, từ tý đến hợi đều thế cả. Ðầu hội tý, khi trong nhẹ nổi lên mở mang ngôi trời, có nhựt, nguyệt, tinh, thần gọi là tứ tượng; giao qua hội sửu, khi nặng đục đọng lại lộn xuống làm ngôi đất, có nước, lửa, núi, đá, đất gọi là ngũ hành; giao đế hôi dần, khi âm dương hiệp theo hóa sanh người ta và muôn vật, phân ra có trời, có đất gọi là tam tài, mở mang đời Bàn cổ. Nội cuộc thế giới có bốn cõi bộ châu: Tây ngưu hạ châu, Nam thiện bộ châu, Bắc cư lư châu và Ðông thắng thần châu. Ngoài biển cả có một nước tê Ngao lai quốc, trong biển có một quả núi kêu là Hoa quả sơn. Trên núi có mười mạch nước và 3 suối lớn; trên đỉnh núi có một cục đá kêu là Tiên thạch, bề cao 3 trượng, 6 thước, 5 tấc, bề tròn 2 trượng 4 thước, có hai mươi bốn đường gân trong đá gọi là hai mươi bốn khí, chín hang, tám lỗ gọi là Cửu cung bái quái. Từ thuở dựng trời đất đến nay cũng lâu, thường chịu khí âm, dương, nhựt, nguyệt từ lâu nên có ý linh thông, bèn thọ thai, đến ngày sinh ra một trứng đá, nhơn hóa hình nên võ hầu, tập chạy nhảy và lạy bốn phương, hai con mắt chiếu hào quang thấu Thiên cung. Khi đó Ngọc Hoàng ngự tại Vân cung bửu điện hội chư tiên, thấy hào quang chiếu tới, liền sai hai vị đại tiên là Thiên Lý Nhãn Và Thuận Phong Nhĩ đi xem xét. Hai vị mở cửa trời xem thấy như vừa nói trên đây nên về tâu lại. Ngọc Hoàng phán rằng: "Ðó là cảm tinh hoa của trời đất mà sinh ra, cũng chẳng gì lạ."

Nói về Thạch Hầu ở tại núi ấy, ăn hoa trái, uống nước suối, làm bạn với vượn, khỉ, hươu, nai, tối ngủ thạch nhai, sớm chơi phong động. Ngày kia trời nóng nực bèn rủ nhau xuống núi tắm, đùa vui lặn theo ngọn suối tới gốc, thấy một hang đá lớn đổ nước ra như thác, đều vỗ tay khen rằng: "Thiệt nước đổ nhiều quá, lạ lắm". Bầy võ hầu nói: "Như có ai giỏi vào trong hang rồi ra đặng mà không bị vết tích chi hết, thì chúng ta lạy mà phong làm vua". Dứt lời, Thạch Hầu nhảy ra xin đi, lội vào miệng hang, lặn vào khỏi hang mở mắt xem không có nước chi hết, thấy những bờ cõi, đồng trống và có cầu sắt vàng, bèn nhảy lên đầu cầu xem thấy nước dưới cầu trào lên tại miệng hang mà chảy ra ngoài. Lại thấy tòa nhà bằng đá có những sản vật, hoa quả rất nhiều, trước nhà khắc mấy chữ "Phước địa Hoa quả sơn, Thùy Liêm Ðộng". Thạch Hầu mừng quá, nhảy ra ngoài. Bầy võ hầu hỏi: "Vậy chớ trong ấy thể nào?" Thạnh Hầu thuật chuyện lại, rồi nói: "Vậy thì chúng ta đều vào đó mà hưởng thú thanh nhàn". Chúng hầu hiệp ý đem nhau vô tới rồi, đua nhau dành cái nọ, tranh cái kia. Thạch Hầu ngồi chính giữa kêu lớn rằng: "Ủa! Các anh quên rồi sao? Các anh chẳng chịu lạy mà tôn ta làm vua sao?" Chúng hầu nghe nói đồng lạy mà xưng hô rằng: Ðại vương. Thạch Hầu lên ngôi, xưng hiệu là Mỹ hầu vương.

Mỹ hầu vương cùng bọn võ hầu sớm mai dạo chơi núi Hoa quả, ban tối nghỉ ởđộng Thủy liêm, hưởng thú thiên nhiên đã đặng ba trăm năm. Ngày kia mở tiệc vui mừng, Mỹ hầu vương đang ăn uống, xét lẽ đời, vùng sa nước mắt! Quần thần sợ sệt, quỳ lạy tâu rằng: "Vì cớ nào mà Ðại vương không vui vậy?" Hầu vương nói rằng: "Ta có chút việc lo xa, nên lòng buồn bực". Chúng hầu tâu rằng: "Ðộng này là phước địa, vui chơi thong thả, hoa quả chẳng thiếu, không ai bắt buộc, có điều chi mà phòng lo xa?" Hầu vương nói: "Ta lo là lo khi già rồi phải thác, sao khỏi Diêm vương cai quản". Chúng hầu nghe nói đều ủ mặt. Có một viên hầu nói lớn rằng: "Lòng Ðại vương muốn phát đạo tâm cũng có chỗ đặng, như Phật, Tiên, Thánh, vào ba bậc ấy thì khỏi luân hồi, thọ tày trời đất, lo chi Diêm vương cai quản". Hầu vương hỏi: "Ba bậc ấy tìm ở đâu?" Viên hầu thưa: "Chỉ ở nơi chốn tiên sơn, cổ động trong thế giới thôi". Hầu vương cả mừng nói: "Vậy thì các ngươi ở đây, để ta đi kiếm ba bậc ấyhọc phép trường sinh rồi sẽ tái hiệpcùng chúng ngươi". Chúng hầu liền kiếm hoa quả, sớm mai bày tiệc tiễn chân. Ngày thứ, Hầu vương thọ yến rồi, liền từ giã chúng hầu đi tới mé biển, bẻ một nhánh tòng thả xuống làm bè và một nhánh làm sào, chống ra dòng nước mà thả, thẳng tới phía Bắc, thuộc về Nam Thiện bộ châu. Hầu vương bỏ bè lên bờ, thấy mấy người đang đánh lưới, nghĩ thầm rằng: "Ta hình tướng thế vầy mà không mặc quần áo thì khó lộn lạo cùng người ta, vậy ta phải làm oai dữ cho chúng sợ mà giựt y phục mới đặng". Nghĩ rồi chạy tới ra oai làm dữ, mấy người ấy xem thấy cả sợ, vùng bỏ chạy, có kẻ khiếp sợ quá té xuống, bị Hầu vương cướp lấy y phục, chạy thẳng vào rừng mặc vào, đi lần vô chốn dân cư thành thị. Hầu vương cố chí học lời ăn tiếng nói và lễ nghĩa loài người, đặng mà tìm Tiên, Phật. Lần lần đã đặng tám năm, xem thấy loài người toàn tham danh vụ lợi, chẳng thấy ai nói đến đạo cùng chuyện Tiên, Thánh cả. Hầu vương tưởng thầm ở đây đến thác cũng chẳng gặp ba bậc ấy, bèn bỏ mà đi kiếm chỗ khác.

Hầu vương lần tới biển Tây dương, thả bè qua biển, tới bờ địa phận Tây ngưu hạ châu. Lên bờ rồi đi khắp mọi nơi, nghe trong rừng có tiếng người ca những lời tiên ngữ. Hầu vương nghe mừng lắm, mới nói một mình rằng: "Vậy thì ta gặp thần tiên rồi!" Lật đật chạy vô, thấy ông tiều đốn củi. Hầu vương đến trước mặt, vái mà nói rằng: "Ðệ tử xin ra mắt thần tiên". Ông tiều vội vàng bỏ búa xuống, xá lại mà rằng: "Không phải đâu, tôi đây là người nghèo khó, đốn củi chai tay, thèm rượu nhiễu nước miếng, mà thần tiên gì, ông lầm rồi!" Hầu vương nói: "Ủa, ông không phải thần tiên, sao ông nói những chuyện thần tiên như vậy?" Ông tiều hỏi: "Tôi nói chuyện thần tiên làm sao?" Hầu vương nói: "Ông nói gặp tiên ta hỏi đạo đường sinh, rảnh rang giảng Huỳnh đình, kinh Huỳnh đình là kinh giảng đạo thần tiên, mà ông giảng nổi, thì ông là thần tiên chứ gì". Ông tiều cười mà rằng: "Tôi không nói giấu ông, bài ca đó kêu là Mảng đình phương, của ông tiên dạy tôi, ổng cũng ở với tôi một xóm, ổng dạy tôi để buồn ca chơi cho giải khuây.Tôi đốn củi ca nghêu ngao chơi, không dè thấu tai ông". Hầu vương nói: "Ông ở một xóm với tiên sao không theo ngài học phép sống đời khỏi chết? Thật uổng quá!" Ông tiều thở ra nói rằng: "Rủi cho tôi quá! Mồ côi cha hồi còn nhỏ, bây giờ còn một mẹ già, sớm khuya có một mình tôi, lo đốn củi đổi gạo mà nuôi mẹ, vì vậy nên theo tiên chưa tiện". Hầu vương khen rằng: "Như vậy ông cũng là bậc hiền, ở với mẹ có hiếu lắm! Ngày sau cũng đặng theo tiên. Bây giờ xin chỉ rằng ông tiên ở đâu, đặng tôi tới mà học đạo". Ông tiều nói: "Không mấy xa, hòn núi nầy tên là núi Linh đài phương thốn, trong núi nầy có động Tà nguyệt tam linh, trong động ấy có ông tiên hiệu là: Bồ Ðề Tổ sư. Ông tiên ấy đuổi người học trò cũ không biết là bao nhiêu mà kể, nay còn chừng ba bốn mươi mà thôi. Ông muốn tìm thì theo con đường nhỏ này, đi qua hướng Nam chừng bảy tám dặm, thì tới động". Hầu vương ngó ông tiều mà biểu rằng: "Ông đi giùm với tôi cho đặng gặp ông tiên thì tôi cám ơn ông vô cùng". Ông tiều nói: "Ông biểu vậy ngặt cho tôi lắm! Nếu tôi đi với ông thì ai hái củi đổi gạo mà nuôi mẹ già cho tôi". Hầu vương nghe ông tiều than nói như vậy, rồi giã từ đi một mình, theo đường đã chỉ, đi bảy tám dặm, quả có một cái động, đi tới thì thấy cửa động đóng chặt, lặng lẽ như tờ không người thấp thoáng. Ngó lên chót núi thấy có tấm bia, đề mười chữ rằng: Linh đài Phương thốn sơn, Tà nguyệt tam tinh động. Hầu vương lấy làm vui đẹp, lăm le muốn vào mà không dám gõ cửa, rồi leo tuốt lên ngọn tòng hái trái mà ăn.

Giây phút nghe tiếng người tằng hắng, mở cửa bước ra một trò nhỏ, la lên rằng: "Ai hái giống gì đó vậy?" Hầu vương vội vã nhảy xuống mà nói rằng: "Tôi là người tìm thầy tiên mà học đạo, không phải kẻ phá phách chi". Trò nhỏ hỏi rằng: "Anh thiệt là người tìm thầy học đạo sao?" Hầu vương thưa: "Phải". Trò nhỏ nói: "Thầy mới vừa thức dậy, sửa soạn ra khách giảng kinh, dạy tôi ra đây rước người tu niệm, có khi anh đây chứ ai". Hầu vương cười mà rằng: "Phải rồi, tôi chứ ai". Trò nhỏ biểu đi theo. Hầu vương theo vào trong động, năm ngăn bảy nắp điện ngọc cung châu, nghiên tịnh rõ ràng kể sao cho xiết! Thẳng đến trước đài ngọc, thấy ông Bồ Ðề Tổ sư ngồi trên cao, dưới thời đệ tử đứng hầu hơn ba chục. Hầu vương xem thấy nhào vô lạy lia. Miệng thì nói: "Ðệ tử xin ra mắt thầy". Tổ sư hỏi: "Nhà ngươi ở xứ nào, tên họ là chi đó?" Hầu vương thưa rằng: "Tôi ở bên Ðông thắng thần châu, núi Hoa quả, động Thủy liêm". Tổ sư nạt lớn rằng: "Ðuổi nó ra, nó là đứa ăn nói trớ trêu, tu hành sao đặng!" Hầu vương vừa lạy vừa nói rằng: "Thưa thầy! Tôi nói thiệt thà dám đâu xảo trá". Tổ sư nói: "Ngươi thiệt thà sao nói ở bên Ðông thắng thần châu; bên ấy qua tới đây, cách hai cửa biển, và một cõi Nam Thiện bộ châu, làm sao mà đi đặng?" Hầu vương lạy mà thưa rằng: "Tôi thả bè qua hai cửa biển, trèo non lặn suối, mười mấy năm trời, tìm mới tới đây, xin thầy đoái tưởng". Tổ sư nói: "Ngươi đi lâu vậy thì phải. Mà nhà ngươi danh tánh là chi?" Hầu vương thưa rằng: " Tôi không có tánh chi lạ, ai mắng không hờn, ai đánh cũng nhịn". Tổ sư nói: "Ta không hỏi tánh nết, ta hỏi tánh danh là của mẹ cha đặt kia". Hầu vương nói: "Thưa thầy tôi không có cha mẹ". Tổ sư nói: "Nếu không có cha mẹ thì là cây bần sinh ngươi hay sao?" Hầu vương thưa rằng: "Tôi chẳng phải cây sinh, thiệt là đá sinh đó. Nguyên trên núi Hoa quả có hòn đá, khi ấy đá nứt mà sinh tôi ra". Tổ sư nghe thì mừng thầm rằng: "Nói như vậy thì là khí trời đất sinh ra nó. Thôi, ngươi chờ vậy, hãy đi qua đi lại coi thử nào?" Hầu vương vùng dậy chạy qua chạy lại vài lần. Tồ sư cười rằng: "Bộ tịch ngươi hỳ hợm coi hệt như con khỉ ăn bần vậy. Thôi để ta cứ theo bộ vận mà đặt họ cho mi, mới tính đặt họ Hồ, chữ Hồ mà bỏ khuyển bằng, thì còn chữ cổ chữ nguyệt, cổ nguyệt nghĩa là trăng già, không đặng. Thôi để ta cho mi họ Tôn, chữ Tôn mà bỏ khuyển bằng, thì còn chữ tử chữ hệ, chữ tử hệ nghĩa là con trẻ thì càng ngày càng lớn càng khôn, tốt lắm! Nhất định cho mi họ Tôn đó". Hầu vương nghe nói lòng mừng phới phở cúi lạy mà thưa rằng: "Bữa nay tôi mới biết họ, xin thầy từ bi đại đức đặt tên cho tôi luôn thể, phòng khi sai khiến đặng kêu cho dễ". Tổ sư nói: "Trong đạo có mười hai chữ để chia ra làm chữ lót cho mấy người tu, là: Quảng. Ðại, Trí, Huệ, Chơn, Như, Tánh, Hải, Dỉnh, Ngộ, Viên, Giáp, trong mười hai chữ đó sắp dồn tới mi nhằm chữ Ngộ, đặt tên mi là Tôn Ngộ Không tốt chăng? Ngộ Không nghĩa là biết thấu việc không nhưng". Hầu vương cười rằng: "Tốt lắm! Tốt lắm!" Từ đây mới gọi mình là Ngộ Không.

Ấy là:

Mịt mù trước thì chưa có họ,
Phá ngu sau mới gọi rằng Không.