Thấu lẽ bồ đề là diệu lý [23]
Bỏ ma về gốc ấy nguyên thần [24]
Lại nói Hầu vương đã có tên họ, lấy làm khoái chí nhảy nhót, đến trước Tổ sư Bồ Đề lạy tạ. Tổ sư bảo mọi người dẫn Tôn Ngộ Không ra ngoài cửa thứ hai, dạy cho các việc quét dọn, cùng cách cư xử, ứng đối. Các tiên vâng mệnh đi ra. Ngộ Không ra ngoài cửa lạy chào mọi người, rồi vào hành lang dọn dẹp chỗ nằm. Sớm hôm sau, cùng các bạn học nói năng, lễ phép, giảng kinh làm đạo, tập việc thắp hương, ngày nào cũng như vậy. Lúc nhàn rỗi, thì quét sân cuốc vườn, vun hoa tỉa lá, gánh nước kiếm củi, việc gì cũng làm đủ. Thấm thoắt ở trong động đã sáu, bảy năm. Một hôm, tổ sư đăng đàn, hội họp các chư tiên lại nghe giảng đạo. Thật là:
Trời hoa rụng, đất sen ngời.
Tam thừa diệu lý giảng lời tinh thông[25]
Phất trần phe phẩy thong dong.
Lời châu tiếng ngọc vang trong chín miền.
Khi giảng đạo, lúc bàn thiền.
Ba nhà phối hợp, nghĩa liền sáng tinh.
Khai tâm cốt một chữ thành.
Lẽ huyền giác ngộ, tử sinh rõ đường.
Tôn Ngộ Không ngồi nghe giảng, sướng quá đến nỗi xoa tai vuốt má, mặt mày hớn hở, khoa tay múa chân.
Bỗng bị tổ sư trông thấy, gọi lên bảo:
- Ngươi ngồi trong lớp, tại sao lại điên cuồng nhảy nhót, không nghe ta giảng?
Ngộ Không thưa:
- Con thành tâm nghe giảng, đến những chỗ sư phụ giảng nhiệm mầu quá, lòng vui mừng khôn xiết, không nhịn được, nên có những điệu bộ như vậy, mong sư phụ tha tội.
Sư phụ nói:
- Ngươi đã hiểu chỗ nhiệm mầu, ta thử hỏi ngươi, người đến động này đã bao lâu rồi?
Ngộ không đáp:
- Con lú lẫn đần độn, không biết đã đến đây mấy năm rồi. Con chỉ nhớ những khi trong bếp không có lửa, thường ra sau núi kiếm củi, thấy có một cây đào ngon, con đã bảy lần ăn no đào rồi.
Tổ sư nói:
- Núi ấy gọi là núi Lan Đào. Ngươi đã ăn bảy lần tức là bảy năm rồi. Nay nhà ngươi muốn học đạo gì?
Ngộ Không thưa:
- Chỉ mong sư phụ dạy dỗ, miễn có vị đạo là đệ tử xin học.
Tổ sư nói:
- Trong chữ “đạo” có ba trăm sáu mươi bàng môn[26], bàng môn nào cũng có chính quả, không biết nhà ngươi muốn học môn nào?
Ngộ Không thưa:
- Tùy ý sư phụ, đệ tử nguyện dốc lòng nghe theo.
Tổ sư nói:
- Ta dạy cho ngươi đạo trong môn chữ “thuật” có được không?
Ngộ Không hỏi:
- Đạo trong môn chữ “thuật” nghĩa là thế nào?
Tổ sư đáp:
- Đạo trong môn chữ “thuật” là cầu tiến phù trợ, bói bằng cỏ thi[27], để có thể đón lành tránh dữ.
Ngộ Không hỏi:
- Nhưng có thể sống lâu được không?
Tổ sư nói:
- Không được! Không được!
Ngộ Không nói:
- Thế thì con không học đâu! Không học đâu!
Tổ sư lại nói:
- Thế thì dạy ngươi đạo trong môn chữ “Lưu” có được không?
Ngộ Không lại hỏi:
- Môn chữ “Lưu” nghĩa là thế nào?
Tổ sư nói:
- Trong môn chữ “lưu” là các loại Nho gia, Thích gia, Đạo gia, m dương gia, Mặc gia, Y gia, hoặc xem kinh, hoặc niệm Phật. Đều là loại cầu chân[28] giảng thành cả.
Ngộ Không lại hỏi:
- Theo môn này có thể sống lâu được không?
Tổ sư nói:
- Không, nếu muốn sống lâu thì chẳng khác gì “trồng cột trong vách”.
Ngộ không nói:
- Thưa sư phụ, con là người thực thà, không hiểu lời nói bóng bẩy, thế nào là “trồng cột trong vách”.
Tổ sư nói:
- Người ta làm nhà, muốn cho vững chãi, thì giữa tường phải dựng cột cái cột. Một khi cái nhà ấy đổ, thì cột kia cũng mục theo.
Ngộ không nói:
- Cứ như lời sư phụ nói thì chẳng được lâu dài, con không học, không học!
Tổ sư nói:
- Thế dạy nhà ngươi đạo trong môn chữ “tĩnh” có được không?
Ngộ không lại hỏi:
- Môn chữ “tĩnh” đạt chính quả nào?
Tổ sư nói:
- Môn ấy là nhịn ăn, ở hang, thanh tĩnh vô vi, trai giới ngồi thiền hoặc phải có công phu tập ngủ, tập đứng, nhập định[29] tọa quan[30].
Ngộ Không lại hỏi:
- Thế có sống lâu được không?
Tổ sư nói:
- Đó cũng như “hòn đất trong lò” thôi.
Ngộ Không cười, nói:
- Sư phụ cứ nói xa xôi, con không hiểu. Thế nào là “hòn đất trong lò”?
Tổ sư nói:
- Như hòn đất đã nặn thành viên gạch để trong lò, tuy đã thành hình, nhưng chưa nung lửa, một khi gặp mưa là bở ra ngay.
Ngộ Không nói:
- Vậy cũng không được lâu dài, con không học.
Tổ sư nói:
- Thế thì dạy nhà ngươi đạo trong môn chữ “động” có được không?
Ngộ Không lại hỏi:
- Đạo môn chữ “động” như thế nào?
Tổ sư đáp:
- Môn ấy là hữu vi hữu tác, lấy âm bổ dương, kéo cung đạp nỏ, xoa rốn lấy hơi, luyện đan chế thuốc, nấu hồng diên, luyện thu thạch[31] lại uống sữa người nữa.
Ngộ Không thưa:
- Thế có sống lâu được không?
Tổ sư nói:
- Nếu muốn sống lâu thì khác nào “mò trăng đáy nước”.
Ngộ Không nói:
- Sư phụ lại nói xa xôi rồi. Thế nào là “mò trăng đáy nước”?
Tổ sư nói:
- Trăng trên bầu trời, bóng trong làn nước, tuy nhìn thấy, nhưng mò không thấy. Rút cục vẫn là không.
Ngộ Không nói:
- Thế con cũng không học.
Tổ sư nghe đoạn, hừ một tiếng, từ trên đài cao nhảy xuống, tay cầm gậy giới xích, chỉ vào Ngộ Không nói:
- Loài khỉ già kia, đạo này không học, đạo kia không học, còn đòi học cái gì?
Rồi đi đến gõ đầu Ngộ Không ba cái, quay lưng giơ tay đi thẳng vào trong, đóng cửa giữa lại, bỏ mọi người ở ngoài. Cả lớp nghe giảng, ai cũng sợ hãi, đều oán Ngộ Không rằng:
- Đồ con khỉ, hỗn láo vô tích sự, sư phụ truyền đạo cho, tại sao không học, lại dám cãi sư phụ. Phen này làm phật ý sư phụ, biết bao giờ sư phụ mới lại ra?
Lúc ấy cả bọn đều oán ghét và khinh bỉ Ngộ Không. Nhưng Ngộ Không chẳng tức giận, chỉ vui cười. Nguyên do Ngộ Không vốn đã ngầm hiểu ý của sư phụ, nên không tranh cãi với chúng bạn, chỉ lặng thinh không nói. Tổ sư đánh ba cái, có nghĩa là bảo phải để ý đến canh ba, chắp tay sau lưng, đi vào bên trong, đóng cửa giữa lại, rồi đi vào lối cửa sau, ở chỗ kín ấy sư phụ sẽ truyền đạo cho.
Cả ngày hôm ấy, Ngộ Không vui đùa cùng chúng bạn trước cửa động Tam Tinh, ngước mắt nhìn trời mãi chẳng thấy tối.
Khi trời vừa hoàng hôn, Ngộ Không đã cùng các bạn vào phòng ngủ, giả vờ nhắm mắt, nín hơi định thần chờ đợi. Trong núi lại không có trống canh, không biết giờ giấc, chỉ tự mình điều hòa hơi thở ra vào qua lỗ mũi mà ước tính. Khoảng giờ tý, Ngộ Không rón rén trở dậy, mặc quần áo, sẽ mở trộm cửa trước, giấu mọi người đi ra ngoài, ngẩng đầu quan sát. Chính là lúc:
Trăng sáng sương trong vắt,
Tám cõi sạch bụi trần.
Cây cao chim rừng ngủ.
Ngọn suối nước rì rầm.
Đom đóm bay thấp thoáng.
Cánh nhạn về bầu không.
Canh ba giờ đã điểm,
Hỏi đạo, ôi thỏa lòng!
Ngộ Không theo đường cũ đến mé ngoài cửa sau, chỉ thấy cửa nửa khép nửa mở, mừng thầm nói:
- Quả sư phụ chủ ý truyền đạo cho ta, nên mới để ngỏ cửa.
Bèn đến gần, nghiêng mình vào, đi thẳng đến giường nằm của tổ sư, chỉ thấy tổ sư co mình, nằm quay mặt vào trong ngủ. Ngộ Không chẳng dám kinh động, chỉ quỳ xuống ở trước giường. Một lát, tổ sư thức dậy duỗi thẳng hai chân, ngâm nga:
Đạo huyền diệu thực khó thay!
Chớ nên quan niệm tu đây là nhàn.
Chẳng gặp người giỏi trao truyền.
Cũng đành uổng phí miếng phiền lưỡi khô
Ngộ Không cất tiếng theo:
- Thưa sư phụ, đệ tử quỳ đợi ở đây đã lâu.
Tổ sư nghe thấy tiếng Ngộ Không, vùng dậy, mặc áo, ngồi xếp bằng, quát:
- Con khỉ kia, sao không ra đằng trước ngủ, lại đến chỗ ta ở đằng sau làm gì?
Ngộ Không thưa:
- Hôm qua ở trước đàn, sư phụ có dặn rằng: đến canh ba, đi lối cửa sau vào, sư phụ sẽ truyền đạo cho. Cho nên con mới dám đến lạy trước giường sư phụ.
Sư phụ nghe nói, trong lòng rất vui mừng, thầm nghĩ rằng:
- Thằng oắt con này quả là do trời đất sinh thành. Nếu không, làm sao đoán nổi ngầm ý của ta.
Ngộ Không lại nói:
- Lúc này chẳng có một ai, chỉ có một mình con, mong tổ sư mở lòng từ bi truyền cho con đạo sống lâu, con không bao giờ dám quên ơn.
Tổ sư nói:
- Nhà ngươi nay đã gặp được duyên, ta cũng vui lòng nói cho. Đã hiểu được ngầm ý của ta, thì lại gần đây nghe cho kỹ, ta truyền cho phép sống lâu mầu nhiệm.
Ngộ Không cúi đầu lạy tạ, quỳ dưới chân giường chú ý lắng tai. Tổ sư nói:
“Kín nhiệm viên thông chân diệu quyết
Sửa tính mệnh, đừng cho ai biết.
Tất thảy vẫn là tinh, khí, thân.
Cẩn thận giữ gìn chớ lậu tiết.
Chớ tiết lậu ra, giữ ở thân,
Nghe ta truyền thụ đạo tăng dần.
Khẩu quyết thuộc lòng càng có ích,
Ngăn trừ tà dục nhẹ thân tâm.
Nhẹ nhõm thân tâm lòng thấy sáng
Đến chỗ đan đài thưởng ánh trăng.
Ngọc thỏ, kim ô nơi nhật nguyệt.
Rắn rùa quấn quýt chặt vô cùng.
Quấn quýt rắn rùa càng thêm vững.
Khác nào lửa đỏ trồng sen vàng
Tụ tán ngũ hành tùy sử dụng.
Nên công thành Phật với thành tiên.
Lúc ấy, tổ sư nói toạc căn nguyên. Ngộ Không tâm linh phúc đến, nhớ hết khẩu quyết, lạy tạ ân sâu của tổ sư, rồi trở ra lối cửa sau. Chỉ thấy: Phương Đông trời mờ sáng, đường Tây rực ánh vàng, bèn theo đường cũ, đến cửa trước, nhẹ nhàng mở cửa bước vào, ngồi nguyên trên giường, đập thình thình nói:
- Sáng rồi, sáng rồi, dậy thôi!
Mọi người còn đang ngủ say, chẳng hề biết Ngộ Không đã gặp việc may. Ngay ngày hôm ấy Ngộ Không ngấm ngầm giữ gìn, cứ khoảng thời gian từ sau giờ Ngọ đến trước giờ Tý, tự mình điều hòa hơi thở.
Trải qua ba năm nữa, tổ sư lại đăng đàn thuyết pháp cho mọi người. Bài giảng là “công án tỉ ngữ”[32] bài luận là “ngoại tượng”[33] bao bì[34], bỗng tổ sư hỏi:
- Ngộ Không đâu?
Ngộ Không bước lên, quỳ xuống thưa:
- Đệ tử đây.
Tổ sư hỏi:
- Nhà ngươi bấy nay đã tu được đạo gì rồi?
Ngộ Không thưa:
- Đệ tử dạo này pháp tinh hơi thông, căn nguyên cũng dần dần vững chắc.
Tổ sư nói:
- Đã thông pháp tinh, đã hiểu căn nguyên, đã nhập thân thể, còn phải đề phòng “ba tai hại” nữa.
Ngộ Không nghe nói, trầm ngâm hồi lâu, rồi thưa:
- Sư phụ nói sai rồi. Con thường nghe những bậc đạo cao đức trọng thọ mãi cùng trời đất, thủy hỏa đã vượt, trăm bệnh chẳng sinh thì sao lại còn “ba tai hại” nữa?
Tổ sư nói:
- Đây là một thứ đạo phi thường, cướp cả công tạo hóa, trời đất, lấn cả mây huyền vi của nhật nguyệt, sau khi luyện thành, quỷ thần không dung. Dù có thọ cũng chỉ đến năm trăm năm, sau đó trời sẽ sai sét đánh, cho nên cần phải thấy tinh sáng lòng dự phòng né tránh. Nếu tránh được, thì thọ ngang trời đất. Nếu không tránh được thì đến đây là tuyệt mệnh. Lại sau năm trăm năm nữa, trời giáng hỏa tai thiêu cháy. Thứ lửa đó không phải là lửa trời, cũng không phải là lửa thường, mà là thứ “âm hỏa” từ huyệt Dũng Tuyền[35] trong người đốt thấu lên cung Nê Viên[36], ngũ tạng cháy thành tro, tứ chi vụn nát, tu hành, khổ hạnh nghìn năm biến thành hư ảo cả. Lại sau năm trăm năm nữa, trời giáng phong tai thổi bạt. Thứ gió ấy không phải là gió bốn phương Đông, Nam, Tây, Bắc, cũng không phải là thứ gió thu ấm áp, cũng không phải là thứ gió tùng trúc liễu hoa, mà là thứ “bị phong” từ “tin môn”[37] thổi vào lục phủ, qua đan điền[38] xuyên vào chín lỗ[39] xương thịt tiêu hết, thân thể rời ra. Cho nên đều phải tránh né cả.
Ngộ Không nghe nói, sợ sởn gai ốc, cúi đầu lạy nói:
- Muốn mong sư phụ rủ lòng thương, truyền cho con phép tránh ba thứ tai hại ấy. Con không bao giờ dám quên ơn.
Tổ sư nói:
- Cái đó cũng không khó, chỉ vì nhà ngươi khác mọi người, nên không truyền được.
Ngộ Không nói:
- Con cũng đầu tròn đội trời, chân vuông đạp đất, cũng có cửu khiếu tứ chi, lục phủ ngũ tạng, có gì khác với mọi người đâu?
Tổ sư nói:
- Ngươi tuy giống người, nhưng so với người thì mặt choắt.
Loài khỉ vốn mặt choắt, má lõm, mõm nhọn.
Ngộ Không lấy tay sờ, cười nói:
- Sư phụ không tính cho. Con tuy mặt choắt, nhưng so với người còn hơn có cái túi, cũng có thể bù trừ chứ!
Tổ sư nói:
- Thôi cũng được. Thế ngươi muốn học ban nào? Số Thiên cương có ba mươi sáu bậc biến hóa, số Địa sát có bảy mươi hai bậc biến hóa.
Ngộ Không nói:
- Con muốn biết nhiều thứ, xin học Địa sát biến hóa vậy.
Tổ sư nói:
- Nếu thế lại đây, ta truyền khẩu quyết cho.
Rồi ghé tai Ngộ Không nói nhỏ, không biết là diệu pháp gì. Còn Hầu vương, khi một khiếu đã thông, thì trăm khiếu cũng thông, học tập khẩu quyết, tự mình tu luyện, bảy mươi hai phép Địa sát biến hóa đều thuộc làu làu.
Một hôm, tổ sư cùng đồ đệ đi vãn cảnh trước động Tam Tinh.
Tổ sư nói:
- Ngộ Không, con đã học thành chưa?
Ngộ Không thưa:
- Đội ơn sâu của sư phụ, công quả của đệ tử đã trọn vẹn, có thể bay lên mây được rồi.
Tổ sư nói:
- Con thử bay lên ta xem.
Ngộ Không bèn khoe tài, cất mình lên, đi liền mấy bước, nhảy lên khỏi mặt đất năm, sáu trượng, đạp mây đi chừng khoảng ăn xong bữa cơm, loay hoay lên không cao quá ba dặm, rồi hạ xuống trước mặt tổ sư, chắp tay cung kính thưa:
- Thưa sư phụ, đó là bay lên mây đấy ạ.
Tổ sư cười nói:
- Như thế không thể gọi là cưỡi mây được, chỉ là bò trên mây mà thôi. Xưa có câu: “thần tiên sớm chơi Bắc Hải, chiều ở Thương Ngô”, như nhà ngươi nửa ngày không lên nổi ba dặm, gọi là bò trên mây cũng chưa đáng!
Ngộ Không nói:
- Thế nào gọi là “sớm chơi Bắc Hải, chiều ở Thương Ngô?”
Tổ sư nói:
- Phàm những người đi mây về gió, buổi sớm ra đi từ Bắc Hải vượt qua Đông Hải, Tây Hải, Nam Hải, rồi lại quay về Thương Ngô. Thương Ngô là quận Linh Lăng ở Bắc Hải. Một ngày đi chơi khắp bốn biển, mới gọi là cưỡi mây chứ!
Ngộ Không nói:
- Như thế thì khó lắm! khó lắm!
Tổ sư nói:
- Chẳng có việc gì khó, chỉ sợ ý chí không bền.
Ngộ Không nghe câu nói ấy, bèn cúi đầu lạy tạ nói:
- Thưa sư phụ, sư phụ đã thương con thì thương cho trót, mở lượng từ bi, dạy cho con phép rẽ mây, con quyết không dám quên ơn.
Tổ sư nói:
- Phàm các vị tiên rẽ mây, đều cất chân là bay ngay, nhà ngươi lại không thế. Ta nhìn thấy nhà ngươi đi vài bước rồi mới nhảy lên. Nay ta truyền cho ngươi phép “cân đẩu vân”.
Ngộ Không cúi lạy chờ đợi. Tổ sư lại truyền khẩu quyết cho và nói:
- Đám mây này khi bấm quyết, niệm chân ngôn, rồi nắm hai tay lại, cất mình nhảy lên ngay. Mỗi cân đẩu đi được mười vạn tám nghìn dặm.
Mọi người nghe nói, cười ha hả:
- Ngộ Không may quá! Nếu học được phép này, làm lính đưa trát[40] thì đến đâu cũng có cơm ăn.
Trời tối, thầy trò ai nấy về động phủ.
Đêm hôm ấy, Ngộ Không vận thân luyện phép, hiểu được phép “cân đẩu vân”.
Từ đấy Ngộ Không chẳng còn gì câu thúc nữa, tiêu dao vui thú trong đạo sống lâu tuyệt vời.
Một hôm, xuân qua hè về, mọi người ngồi dưới gốc tùng trò chuyện hồi lâu, hỏi Ngộ Không rằng:
- Này Ngộ Không, anh tu đạo phép ấy từ bao giờ? Hôm trước sư phụ ghé tai anh nói nhỏ, truyền cho anh phép biến hóa tránh ba thứ tai hại, anh hiểu cả chứ?
Ngộ Không cười:
- Chẳng giấu gì anh em, một là sư phụ truyền thụ, hai là tôi đêm ngày chịu khó tập luyện, nên những phép đó đã nắm được cả.
Mọi người nói:
- Hôm nay đẹp trời, anh thử diễn lại cho chúng tôi xem nào.
Ngộ Không nghe nói, phấn chấn tinh thần, muốn khoe khoang với mọi người bèn nói:
- Các anh thử ra đề mục, muốn tôi biến ra cái gì.
Mọi người nói:
- Biến ra cây tùng xem nào.
Ngộ Không bấm quyết niệm chú, lắc mình một cái, biến thành một cây tùng. Thực là:
Bốn mùa đượm khói xanh tươi,
Sát mây mọc thẳng giữa trời vút cao,
Không còn dấu khỉ chút nào,
Dãi dầu sương tuyết đã bao nhiêu ngày.
Mọi người thấy thế, vỗ tay reo ầm lên:
- Con khỉ giỏi quá! Con khỉ giỏi quá!
Không ngờ tiếng ầm ĩ, náo động làm cho sư phụ nghe thấy. Sư phụ vội vàng chống gậy ra cửa hỏi:
- Ai làm gì mà huyên náo lên thế?
Mọi người nghe hỏi, sợ hãi im thít, sửa lại quần áo ngay ngắn, đứng trước tổ sư. Ngộ Không cũng hiện lại bản tướng, đứng lẫn vào trong đám bạn bè thưa:
- Thưa tôn sư, chúng con ở đây hội giảng, không có ai ở ngoài vào làm huyên náo đâu ạ.
Tổ sư tức giận mắng:
- Các ngươi la hét ầm ĩ, không ra thể thống người tu hành. Người tu hành mở miệng ra thì thần khí tán; lưỡi động thì thị phi sinh. Làm sao mà các ngươi cười đùa ở đây?
Mọi người thưa:
- Không dám giấu tôn sư, chúng con thử tài Tôn Ngộ Không biến hóa, bảo anh ấy biến thành cây tùng, quả nhiên biến thành cây tùng. Chúng con khen ngợi reo hò, to tiếng làm náo động đến tôn sư, mong tôn sư tha tội.
Tổ sư nói:
- Thôi các ngươi cút đi!
Rồi gọi:
- Ngộ Không, lại đây! Ta hỏi ngươi sử dụng tinh thần thế nào? Biến thế nào ra cây tùng? Công phu ấy có thể đùa cợt trước mặt mọi người sao? Giả sử ngươi thấy người khác có, ắt phải cầu người ta. Người khác thấy ngươi có, ắt phải cầu ngươi. Nếu ngươi sợ tai vạ, ắt phải truyền cho người ta. Nếu không truyền sẽ bị hại, tính mệnh nhà ngươi khó mà giữ nổi.
Ngộ Không cúi đầu, nói:
- Mong tôn sư tha tội!
Tổ sư nói:
- Ta cũng không bắt tội nhà ngươi, nhưng nhà ngươi phải đi đi thôi.
Ngộ Không nghe nói, ứa hai hàng lệ, nói:
- Tôn sư bảo con đi đâu?
Tổ sư nói:
- Nhà ngươi từ đâu đến thì hãy về đấy!
Ngộ Không chợt tỉnh ngộ ra, nói:
- Con từ động Thủy Liêm, núi Hoa Quả, nước Ngạo Lai, thuộc Đông Thắng Thần Châu đến đây.
Tổ sư nói:
- Ngươi mau về đấy mới toàn được tính mạng. Còn ở đây thì quyết không được!
Ngộ Không nhận tội, thưa với tổ sư rằng:
- Con bỏ nhà đã hai mươi năm, tuy được về với con cháu, nhưng nghĩ công ơn của tôn sư sâu nặng chưa báo, không dám ra đi.
Tổ sư nói:
- n nghĩa gì đâu, nhà ngươi đừng gây họa, làm phiền đến ta là được.
Ngộ Không chẳng biết làm thế nào đành cúi lạy từ giã tổ sư, chia tay mọi người. Tổ sư nói:
- Chuyến đi này, hẳn gặp điều không hay, nhà ngươi có gây vạ hành hung cũng không được nói là đồ đệ của ta. Nhà ngươi nói ra nửa lời là ta biết ngay; ta sẽ lột da róc xương, đem thần hồn đày đọa nơi cửu u, muôn kiếp không cất mình lên được!
Ngộ Không thưa:
- Con quyết không dám nói đụng đến tôn sư dù là một tiếng, chỉ nói là tự mình học biết mà thôi.
Ngộ Không từ tạ tổ sư xong, cất mình, bấm quyết, dùng phép “cân đẩu vân” trở về Đông Thắng Thần Châu. Trong giây lát, đã trông thấy động Thủy Liêm, núi Hoa Quả. Mỹ Hầu vương rất vui, tự khen thầm:
Trước đi thân thể nặng nề.
Tu hành đắc đạo nay về nhẹ không.
Ít ai lập chí bền lòng,
Bền lòng tu đạo, đạo bừng sáng soi.
Xưa đi khó vượt trùng khơi,
Nay về lướt gió thảnh thơi nhẹ nhàng
Bên tai lời dặn còn vang,
Biển Đông khoảnh khắc đã sang đến bờ.
Ngộ Không từ trên mây hạ xuống, đến thẳng núi Hoa Quả, đang tìm lối đi, bỗng nghe thấy tiếng hạc kêu vượn hót. Tiếng hạc vang mấy tầng mây biếc, tiếng vượn kêu bi thiết thương tâm. Bèn cất tiếng gọi:
- Các con ơi, ta đã về đây!
Bọn khỉ trong hang đá gốc cây, khóm hoa bụi cỏ, con lớn con bé, nhảy ra hàng ngàn hàng vạn, vây xung quanh Mỹ hầu vương, dập đầu thưa rằng:
- Đại vương nỡ lòng đi lâu, bỏ chúng con ở đây. Chúng con mong đại vương như đói khát mong cơm ăn nước uống. Gần đây chúng con bị một con yêu ma hung ác chiếm động Thủy Liêm. Chúng con liều chết quên sống đánh nhau, bị nó cướp hết đồ đạc, bắt đi nhiều con cháu, khiến chúng con ngày đêm mất ngủ, canh giữ cơ nghiệp. May được đại vương về, nếu một năm nữa đại vương không về, thì đến cả động này cũng thuộc về người khác mất.
Ngộ Không nghe xong, trong lòng tức giận nói:
- Con yêu quái nào mà gớm thế! Các con hãy kể kỹ cho ta nghe, ta sẽ tìm nó báo thù.
Lũ khỉ dập đầu thưa:
- Tâu đại vương, con yêu đó tự xưng là Hỗn Thế ma vương, nhà ở mạn phía Bắc.
Ngộ Không hỏi:
- Từ đây đến chỗ nó ở khoảng độ bao nhiêu đường đất?
Lũ khí nói:
- Nó đến theo mây, đi theo mù, như gió như mưa, như sấm như chớp, chúng con không biết đường xa hay gần.
Ngộ Không nói:
- Đã như thế, các con đừng sợ, cứ việc vui chơi đợi ta tìm ra nó!
Hầu vương cất mình nhảy vút, dùng phép cân đẩu vân, đến thẳng phía Bắc, nhìn xuống quan sát, thấy một tòa núi cao rất hiểm trở. Thực là:
Núi dựng chon von
Suối vòng thăm thẳm
Suối vòng thăm thẳm thông lòng đất.
Núi dựng chon von chọc ráng xanh.
Hai bờ cỏ hoa đua lạ,
Mấy chỗ tùng trắc tươi xinh.
Bên này dáng rồng uốn lượn.
Phía nọ thế hổ ngồi rình.
Thấy cả tiền vàng mấy loại.
Cùng là trâu sắt giữa dòng[41].
Chim rừng kêu khắc khoải.
Nắng chiếu phượng vươn cành.
Đá xám xịt,
Sóng lăn tăn.
Một vẻ u huyền cổ quái.
Hiểm nguy ít thấy sự lành.
Hoa nở hoa tàn bao xiết kể,
Như cùng cảnh vật mãi đua tranh.
Bốn mùa tám tiết dương im thít,
Tổ sơn ba cõi thực đây chăng?
Nuôi dưỡng nên thành: động Thủy Tạng.
Hầu vương đang lặng lẽ quan sát cảnh vật, bỗng nghe tiếng người nói, bèn đi thẳng xuống núi tìm. Nguyên do trước sườn núi dốc ấy là động Thủy Tạng. Ngoài cửa động có mấy tiểu yêu đang nhảy múa, thấy Ngộ Không chúng vội bỏ chạy.
Ngộ Không quát:
- Đứng lại, ta mượn mồm chúng bay truyền vào những lời ta nói đây: Ta đây là chúa động Thủy Liêm, núi Hoa Quả ở phương Nam. Hỗn Thế ma mãnh nào nhà chúng bay, mấy lần lừa dối ức hiếp con cháu ta, nay ta tìm đến đây để tranh tài cao thấp.
Lũ tiểu yêu nghe nói, vội vàng chạy vào trong động báo:
- Tâu đại vương, tai họa rồi!
Ma vương hỏi:
- Tai họa gì?
Tiểu yêu thưa:
- Ngoài cửa động có một con khỉ xưng là chúa động Thủy Liêm, núi Hoa Quả. Hắn nói đại vương mấy lần lừa dối con cháu hắn. Nay hắn tìm lại đây để tranh tài cao thấp.
Ma vương cười, nói:
- Ta từng nghe lũ khỉ nói chúng có một vị đại vương xuất gia tu hành, chắc là hôm nay y đến đó. Chúng bay thấy nó ăn mặc thế nào, cầm khí giới gì?
Tiểu yêu thưa:
- Hắn chẳng có khí giới gì, đầu trọc lóc, mặc áo màu hồng, thắt hầu bao vàng, chân đi đôi hài đen, trông chẳng ra tăng, chẳng ra tục, cũng chẳng giống đạo sĩ thần tiên, chân tay không, đứng gọi ngoài cửa động.
Ma vương nghe xong, nói:
- Mang binh khí lại đây cho ta!
Bọn tiểu yêu lập tức mang ra. Ma vương mặc áo giáp trụ, cầm đại đao, cùng lũ yêu ra ngoài cửa, lớn tiếng quát:
- Kẻ nào là chúa động Thủy Liêm?
Ngộ Không vội trừng mắt nhìn, thấy Ma vương:
Đầu đội mũ kim khôi.
Chói chang tia nắng rọi.
Tấm la bào vai khoác,
Gió vờn nhẹ bay tung.
Áo giáp sắt quanh thân,
Sợi dây da thắt chặt.
Đôi hài hoa tuyệt đẹp,
Oai như vị tướng quân.
Lưng rộng chừng mười vòng
Thân cao tới ba trượng
Ngọn đao trong tay nắm,
Lưỡi thép sáng như gương.
Tên Hỗn Thế ma vương.
Thật vô cùng hung hãn!
Hầu vương quát:
- Con ma khốn kiếp kia, mắt to thế mà không thấy lão Tôn à?
Ma vương trông thấy, cười nói:
- Nhà ngươi cao không đầy bốn thước, tuổi không quá ba tuần, tay không binh khí, mà dám cuồng điên tìm đến ta so tài sao?
Ngộ Không mắng lại:
- Đồ ma quái khốn kiếp có mắt như mù kia! Nhà ngươi cho ta là nhỏ, muốn to nào có khó gì! Nhà ngươi cho ta là không có binh khí, chỉ hai tay ta vươn ra cũng tới mặt trăng, mặt trời. Nhà ngươi đừng sợ, thử nếm một quyền của lão Tôn đây.
Nói đoạn, Hầu vương tung người nhảy vút lên, đánh vào má Ma vương. Ma vương giơ tay đỡ, nói:
- Nhà ngươi lùn tịt, ta thì cao lớn, nhà ngươi dùng quyền, ta thì dùng đao, dùng đao thì giết được ngươi ngay, nhưng người ta sẽ cười cho. Đợi ta vứt đao, đấu quyền với nhà ngươi!
Ngộ Không nói:
- Nhà ngươi nói chí phải, đáng là hảo hán! Nào lại đây!
Ma vương vào thế đánh ngay. Ngộ Không cũng xông lên, hai bên đánh đỡ, tay đấm chân đá, đánh lộn một hồi. Nguyên do quyền dài chậm hở, quyền ngắn chắc bền. Ma vương bị Hầu vương tóm được sườn, nắm được áo, đánh cho mấy đòn đau. Ma vương tức quá, vớ ngay đao thép, nhắm đầu Ngộ Không bổ xuống. Ngộ Không vội nghiêng mình né tránh. Ma vương chém hụt. Ngộ Không thấy hắn hung dữ, bèn lập tức dùng phép ngoại thân, nhổ một nhúm lông, bỏ vào miệng nhai nát vụn, rồi ngửa mặt phun lên trời, hô “biến”, tức thì hóa ra hai, ba trăm con khỉ con xúm xít xung quanh.
Do Hầu vương học được phép tiên, biến hóa Chân thông, không phép gì là không biết. Sau khi Hầu vương đắc đạo, tám vạn bốn nghìn sợi lông trên người, sợi nào cũng có thể biến hóa được thành vật khác tùy theo ý mình. Lũ khỉ con ấy nhảy nhót lanh lẹ, dao chém không đứt, giáo đâm không thủng. Chúng nhảy trước, lộn sau, xông vào vây kín Ma vương. Con túm, con kéo, con đấm, con đá, túm quần bứt lông, bóp mũi đấm mắt, tung lên lộn xuống, xúm đánh một hồi.
Lúc ấy Ngộ Không cướp được thanh đao của Ma vương, gạt bọn khỉ con ra, nhằm đỉnh đầu Ma vương, chém đứt đôi thành hai mảnh. Đoạn Ngộ Không dẫn chúng vào động, giết sạch yêu ma lớn nhỏ, rồi thu lông về trên người. Lại thấy một số con khác không thu được, chúng là những con bị Ma vương bắt ở động Thủy Liêm trước đó. Ngộ Không nói:
- Chúng bay sao lại đến đây?
Ước chừng dăm ba chục con ứa nước mắt, nói:
- Sau khi đại vương đi tu tiên, chúng tôi hai năm trời bị hắn ức hiếp, bắt chúng tôi đem đi, đồ đạc trong động như chậu đá, bát đá đều bị chúng cướp mất sạch.
Ngộ Không nói:
- Phàm là đồ đạc của ta, chúng bay đều phải dọn về.
Sau đấy, Hầu vương lập tức phóng hỏa, đốt trụi động Thủy Tạng, rồi cùng lũ khỉ kéo về, nói với chúng rằng:
- Chúng bay đi theo ta!
Lũ khỉ nói:
- Thưa đại vương, khi chúng tôi đến đây, chỉ nghe tiếng gió rít bên tai, ào ào hư ảo, rồi tới nơi, nên không biết đường về. Nay làm sao mà về được.
Ngộ Không nói:
- Đó là nó dùng pháp thuật, có khó gì đâu! Nay ta cũng có đủ mọi phép thần thông biến hóa, cũng dùng phép cho mà xem. Chúng bay nhắm mắt lại, đừng sợ!
Hầu vương bèn niệm thần chú, tự nhiên một trận cuồng phong nổi lên đưa đi, rồi từ trên mây hạ xuống, Hầu vương gọi:
- Các con mở mắt ra!
Lũ khỉ đặt chân xuống đất, nhận ra nhà mình, vui mừng thích chí, chạy theo lối cũ vào động. Bọn khỉ trong động nhất tề kéo ra dắt vào, theo tuổi chia ngôi thứ, lạy tạ Hầu vương, rồi bày tiệc rượu, quả, ăn mừng, hỏi han việc giết yêu ma cứu con cháu. Ngộ Không kể lại đầy đủ, chi tiết, lũ khỉ khen ngợi hết lời:
- Đại vương đi đâu mà học được phép thuật cao cường thế?
Hầu vương lại nói:
- Dạo ấy ta từ biệt chúng bay, theo sóng lênh đênh vượt qua Đông Dương đại hải, đến địa phận Tây Ngưu Hạ Châu, thẳng đường đến Nam Thiệm Bộ Châu, học giống người, mặc áo đi giầy, nghênh ngáo lang thang tám, chín năm, vẫn không học được đạo. Sau đó, ta lại vượt Tây Dương đại hải, đến địa phận Tây Ngưu Hạ Châu, hỏi han khắp nơi, may gặp được một lão tổ sư truyền cho ta công quả chân chính, thọ ngang trời đất, pháp môn vĩ đại bất tử trường sinh.
Lũ khỉ khen ngợi, nói:
- Thật là muôn kiếp không gặp được như thế!
Ngộ Không lại cười:
- Này lũ nhỏ, lại mừng cho ta có họ nữa chứ!
Lũ khỉ nói:
- Đại vương họ gì?
Ngộ Không nói:
- Ta nay họ Tôn, pháp danh là Ngộ Không.
Lũ khỉ nghe xong, vỗ tay vui mừng nói:
- Đại vương là lão Tôn, chúng tôi là Tôn hai, Tôn ba, Tôn lớn, Tôn bé, một nhà họ Tôn, một nước họ Tôn, một ổ họ Tôn!
Rồi chúng xúm lại cung phụng lão Tôn, nào chậu to bát nhỏ, nào rượu dừa, rượu nho, hoa thơm quả lạ, cả nhà vui vẻ vô cùng. Thật là:
Gồm chung cả họ về một gốc,
Chỉ đợi sang tên vào sổ tiên.
Không biết kết quả ra sao, ở cõi này trước sau thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.
Chú thích
[23]
[24]
Bồ Đề: Phiên âm tiếng Ấn Độ, có nghĩa là giác ngộ chân lý, biết rõ mọi việc ác (theo nguyên chú).
Nguyên thần: Đạo giáo quan niệm linh hồn người chết đã trải qua tu luyện thì gọi là nguyên thần. Những
người đắc đạo thành tiên, nguyên thần của họ có thể thoát khỏi xác, tự do tự tại (theo nguyên chú).
[25]
Tam thừa: “thừa” là vận chuyển, chuyên chở. Phật giáo cho rằng Phật pháp có thể đưa người tu hành đến cõi
Phật. Nhưng tùy theo trình độ và phương pháp của người tu hành có khác nhau, mà chia làm ba bậc: Đại thừa, trung thừa và tiểu thừa, gọi chung là “tam thừa “(theo nguyên chú).
[26]
Bàng môn: Đạo giáo cho rẳng chỉ có đạo luyên “kim đan” là con đường tu hành chính đáng, còn ngoài ra đều
là bàng môn, ngoại đạo cả, không thành chính quả (theo nguyên chú).
[27]
Bói bằng cỏ thi: Một phép bói của Kinh Dịch.
[28]
[29]
Chân tức là chân nhân, đạo tiên.
Nhập định: Một cách tu hành trong Phật giáo, ngồi ngay mắt nhắm, không có những tạp niệm, để có thể cảm
thông với quỷ thần (theo nguyên chú).
[30]
Tọa quan: Một phép tu hành của Phật gia, đạo gia, ngồi trong phòng nhỏ, kín, cách biệt với bên ngoài, trong
một thời gian lâu (theo nguyên chú).
[31]
“Nấu hồng diên, luyện thu thạch”: Hồng diên là kinh nguyệt của phụ nữ, thu thạch là tinh hoàn nam giới (theo
nguyên chú)
[32]
[33]
Công án tỉ ngữ: công án dùng lời nói hình tượng để so sánh, ví von giúp người nghe khai mở, hiểu được ý chỉ.
Ngoại tượng: những cái thiện ác, tốt xấu biểu hiện ở thân, cùng hành động ngần ngừ biểu hiện ra ngoài (theo
nguyên chú).
[34]
[35] [36] [37] [38] [39] [40]
Bao bì: chỉ hình thức, cái vỏ biểu hiện ra bên ngoài, giống nghĩa “ngoại tượng” (theo nguyên chú)
Huyệt Dũng Tuyền: ở gan bàn chân (theo nguyên chú)
Cung Nê Viên: Chỗ thóp trẻ con giật giật. Còn gọi là cung Nê Hoàn (theo nguyên chú)
Tin môn: tức đỉnh thóp (theo nguyên chú)
Đan điền: vùng dưới rốn 3 tấc (theo nguyên chú)
Chín lỗ: Bảy lỗ (khiếu) trên mặt (hai lỗ mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, một lỗ mồm) và hai đường đại tiểu tiện.
Nguyên văn: Bộ binh: một loại lính liên lạc dùng trong khi có tình hình khẩn cấp thời Nguyên, mỗi ngày phải
chạy trạm 400 dặm (theo nguyên chú).
[41]