Bởi mê dâm, Phương Diên cứu Châu Giáng Trinh,
Vì tham của, Hạ Báo lầm Tử Nhiêm Bá.
Nguyên Giáng Trinh là con của vị cử nhân Châu Hoán Chương, năm nay được mười chín tuổi, vốn là người huyện Nghi Trung phủ Dương Châu, nhân mẹ chết, nên cha con mới qua Khánh Châu tìm bà con, rủi tìm không gặp mới mướn nhà ở tại cầu Tứ Lãnh gần Cô Sơn để ngày vui đọc sách. Ngày nọ Mã Cường đi qua, thấy Giáng Trinh có sắc đẹp, liền lập kế bắt Châu Tiên sinh giải xuống quan Thái thú, nói rằng: "Nó thiếu tôi một trăm rưởi lượng bạc mà không trả nên xin giam lại”. Quan Thái thú hồi trước vẫn biết Châu Tiên sinh bị oan, song thấy của hối lộ nhiều quá nên cứng họng, nhận giấy nợ giả làm thật, giam Hoán Chương vào lao. Còn Mã Cường thời trở về nhà Hoán Chương, bắt Giáng Trinh đem về tính ép làm thiếp. Ai dè việc ấy bị Quách Thị rõ được, làm toáng lên, Mã Cường kiêng oai sư tử Hà Đông, phải giao Giáng Trinh cho Quách Thị dùng làm con hầu. Giáng Trinh khôn ngoan, chiều chuộng Quách Thị, lấy tình mẹ con đãi nhau, nên Quách Thị mến thương, giao cả đồ nữ trang và các chìa khóa cho giữ, lại những việc kín không hề e ngại giấu giếm gì.
Khi Giáng Trinh nghe rõ câu chuyện của vợ chồng Mã Cường nói với nhau bèn nghĩ thầm trong bụng rằng: "Cha ta bị oan đã vừa nửa năm, biết ngày nào thoát ra được. Vậy bây giờ ta nên cứu quan Thái thú, rồi nhờ người gỡ oan cho cha thời lẽ nào người chẳng nhận làm. Nghĩ đoạn đất đèn lồng, xách tới phòng không là chỗ nhốt thầy trò Kế Tổ, thấy không ai canh giữ, bèn móc xâu chìa khóa ra mở thử, may có cái vừa, nên mở được. Thầy trò Kế Tổ bị nhốt, song không có ý gì lo, thoạt thấy cửa mở ra, có người con gái xách đèn vào thời thấy làm lạ. Hai người vừa muốn hỏi thì Giáng Trinh liền ra dấu bảo nín, đoạn dắt cả hai ra vườn hoa, lại mở lớp cửa nữa, ra tới ngoài, Giáng Trinh chỉ đường lối cho, bảo mau mau đi trốn và hỏi rằng: "Ngài có phải là quan Thái thú, thời thiếp có việc oan uổng sẽ thưa?". Nghê Kế Tổ biết không giấu giếm làm chi bèn tỏ thật cho Giáng Trinh biết. Giáng Trinh mừng rỡ, vội vàng đem việc oan ức của cha mình vừa khóc vừa kể lể, rồi cầu xin Nghê Thái thú về nhà lo phương cứu giúp. Nghê Kế Tổ gật đầu nhận lời; Giáng Trinh lại hối đi cho mau, kẻo không khỏi tay đảng dữ. Thầy trò Nghê Kế Tổ cảm tạ vô hạn, vừa quay mình đi ít bước, bỗng nghe Giáng Trinh kêu mà nói rằng: "Xin hãy dừng bước lại, còn có chút chuyện sẽ nói nữa".
Nghê Kế Tổ nghe Giáng Trinh kêu bèn dừng lại, thì Giáng Trinh chạy tới nói rằng: "Vì lật đật, thiếu chút nữa đã quên mất rồi, nguyên tôi có một vật đeo trong mình từ nhỏ tới nay chẳng hề lìa, vậy xin gửi cho Tướng công, khi cứu cha tôi rồi, xin trao lại giùm và dặn cha tôi: "Đừng thương nhớ con chi nữa!”. Nói đoạn đưa vật ấy cho Kế Tổ, Kế Tổ vừa cầm tới tay chưa kịp xem, thời Nghê Trung đã thúc hối đi, nên vội vàng đút vào túi áo, rồi cất bước ra đi ngoái đầu nhìn lại, thì cửa đã đóng chặt.
Châu Giáng Trinh cứu thầy trò Kế Tổ xong, lại nghĩ tới Cẩm Nương ở tại nhà lao, động lòng thương liền đi tới đó tìm cách giải phóng. May thay, tới nơi không có ai canh giữ, nên Giáng Trinh được thong thả mở cửa vào nhà lao hỏi Cẩm Nương rằng: "Nay tôi cứu chị ra khỏi đây, vậy có chỗ nào nương dựa chăng?". Cẩm Nương nói: "Tôi có người cô ở cách đây chẳng xa, có thể tới đó nương nhờ được". Giáng Trinh cả mừng, dắt Cẩm Nương ra khỏi hoa viên đưa ra đường cái, rồi chia tay nhau.
Cẩm Nương đi rồi, Giáng Trinh nghĩ tới việc mình làm mà kinh sợ, nghĩ rằng: "Thôi, việc ta làm thế này, làm sao khỏi ác tặc nổi giận, nếu nó giận, thân ta còn gì, nếu chẳng chết cũng không khỏi ô nhục, thà là một chết còn hơn, người đời có ai trăm tuổi. Ta cứu được thầy trò Thái thú, giải phóng Cẩm Nương, nay ta cũng nên vào nhà lao treo cổ tự vẫn. Chết như thế danh còn mãi mãi, sống làm chi chịu nhục đời đời. Cha ôi! Oan uổng của cha, con cậy Thái thú cứu giúp thế là trọn đạo làm con, dẫu chết cũng không còn oán". Giáng Trinh nghĩ vẩn nghĩ vơ, than dài khóc vắn, rồi quyết ý một chết, bèn đi vào nhà lao, mở dây lưng treo cổ.
Đây nói lại tại quán Chiêu Hiền, lúc bắt được Cẩm Nương có một người động lòng hiếu sắc, ao ước cho được Cẩm Nương làm vợ. Kế thấy Cẩm Nương bị nhốt vào nhà lao thời nghĩ thầm rằng: "Ta phải làm như thế... mới thỏa chí!”.
Người ấy là ai? Tức là Trại Phương Sóc Phương Diêu vậy. Phương Diêu là người thế nào cứ suy danh hiệu của anh ta thời biết. Anh ta nghe người nói Đông Phương Sóc là ông tiên trộm đào nên khoái chí xưng hiệu là Trại Phương Sóc chớ có biết nghĩa lý là gì đâu?
Phương Diêu nghĩ thế rồi, đợi tới nửa canh hai, chẳng thấy Mã Cường tới liền lén lén ra khỏi quán Chiêu Hiền, đi thẳng vào nhà lao. Trong chỗ tăm tối ấy chỉ thấy một người thắt cổ, thời thất kinh, lật đật mở xuống, chẳng biết là Cẩm Nương hay là ai, cứ kê vai cõng riết ra sau hoa viên, thấy cửa mở hé hé, lòng mừng khấp khởi lách mình ra khỏi đi một quãng chừng hai ba dặm tới một chỗ có rãnh nhỏ. Ai dè tại nơi ấy có một tên trộm ngồi rình, thấy Phương Diêu đi tới, trên lưng có cõng một vật tưởng là túi đãy gì liền nhảy tới đập một gậy, Phương Diêu lẹ mắt bắt được gậy, đánh lại tên trộm nhào lăn xuống đất, rồi bò ra xa tìm đường thoát thân. Chính lúc ấy, nàng Giáng Trinh cũng vừa tỉnh hồn lại.
Tên trộm nọ vùng đứng dậy chạy ít bước, có một người to lớn vạm vỡ đón lại hỏi rằng: "Mi làm gì đó?". Tên trộm nói: "Xin ngài cứu tôi, vì tên cướp kia mới đánh tôi và giật mất hành lý". Người cao lớn ấy là Bắc Hiệp Âu Dương Xuân nghe nói cả giận, rút bảo đao cầm tay trở lại hét rằng: “Ác tặc mau để bao hành lý lại". Phương Diêu nghe tiếng tưởng là một bọn với tên trộm nọ, liền để nàng Giáng Trinh xuống bên gốc cây xách gậy của tên trộm khi nãy nhảy tới nghênh địch. Vừa quay qua trở lại, gậy bị đao chặt đứt làm hai. Phương Diêu vội rút phát đao trong lưng ra chém tới, Bắc Hiệp giơ bảo đao ra đỡ, nghe khua một cái rẻng, phát đao cũng gãy hai. Phương Diêu thất kinh cuốn vó chạy dài. Bắc Hiệp không thèm đuổi theo.
Tên trộm nọ thấy Phương Diêu chạy rồi thì mừng rỡ nói rằng: "Nhờ tráng sĩ cứu cho nên bao hành lý của tôi mới còn lại gốc cây kia!”. Bắc Hiệp nghe nói liền bước lại xem, té ra là một nàng con gái liền lật đật hỏi rằng: "Nàng là ai, sao lại đến nỗi này?". Giáng
Trinh nói: "Tôi bị nạn, kẻ xấu cõng tới đây, tên này là trộm giật đồ, thấy cõng tôi tưởng là vác bao hành lý, nên đánh lén, song mưu bất thành, mới trở trái làm phải đó". Bắc Hiệp nghe nói liền bắt tên trộm lại và hỏi rằng: "Ác tặc! Sao mi dám dối ta?". Tên trộm đáp: “Lạy tráng sĩ xin dung thứ, vì cùng khổ mới làm càn, lại ở nhà còn mẹ già đã tám mươi, không gian làm sao cho đủ nuôi mẹ!". Bắc Hiệp nghe dứt không hỏi nữa, quay qua hỏi Giáng Trinh rằng: "Nàng vì sao mà gặp nạn?". Giáng Trinh liền đem việc vừa qua mà thuật lại và tiếp lời rằng: "Hiện bây giờ chẳng chỗ nương tựa, xin tráng sĩ cứu phận hèn". Bắc Hiệp liền hỏi tên trộm rằng: "Nhà mi quả có mẹ già sao?". Tên trộm đáp: "Quả có, nào tôi dám nói dối với tráng sĩ". Bắc Hiệp hỏi: "Nhà mi cách đây bao xa?". Tên trộm đáp: "Chỉ ước vài dặm đường". Bắc Hiệp cả mừng, đáp: “Vậy thời ta tha cho mi, nhưng mi phải cõng nàng này về nhà mi, rồi ta sẽ có chuyện nói". Tên trộm cực chẳng đã phải vâng lời, cõng Giáng Trinh lên lưng, nhằm nhà mình trở lại.
Đây lại nói Nghê Thái thú bị lão bộc Nghê Trung kéo đi hết một hơi ước vài dặm, mỏi mệt quá, liền bảo Nghê Trung hãy thủng thẳng mà đi, vừa đi vừa xem tín vật của Giáng Trinh giao khi nãy, rồi hỏi Nghê Trung rằng: "Quái lạ! Sao Ngọc Liên hoa lại hạ lạc nơi đây?". Nghê Trung lật đật hỏi rằng "Tướng công nói cái gì mà Ngọc Liên hoa đó?”. Kế Tổ đáp: "Khi nãy người con gái cứu mình có gởi tín vật, dặn rằng khi giải oan cho cha nàng rồi mới trao vật ấy lại, khi nãy ta thấy tín vật rõ là một nhành Bạch Ngọc liên hoa, màu sắc, hình dáng đều giống hệt của ta, vừa muốn hỏi đã bị ngươi kéo bừa đi, không kịp hỏi gì hết". Nghê Trung nói: ”Thôi, không cần phải biết, chỉ nên cất kỹ là hơn, nàng đã cứu thầy trò ta, ơn sâu xin chớ phụ”. Kế Tổ và Nghê Trung mải nói chuyện mà đi lạc mất đường. Ban đầu đi theo mé tây bắc, thấy có bóng đèn và nghe tiếng ngựa hí. Nghê Trung hoảng kinh nói: "Không xong, có người theo kịp rồi, vậy tướng công mau mau chạy trốn, để lão bộc ở lại liều mạng với chúng nó". Nói đoạn quay lại mé đông, nhắm chỗ bóng đèn đi tới. Ai dè đi vài dặm thời bóng đèn, tiếng ngựa tách đi qua mé tây bắc.
Nghê Trung thấy vậy mới yên lòng, bèn quay lại đường cũ tìm Nghê Thái thú. Tìm mãi không gặp bèn kêu lớn lên: "Bớ anh, anh ở đâu?". Gọi một lát, chợt thấy có một người trước mặt đi lại hỏi rằng: "Anh kêu ai vậy?". Nghê Trung nói: ”Vì có người đi chung với tôi, rủi lạc nhau, nên tôi mới kêu như vậy". Người nọ nói: "Người đi chung với anh lạc mất, thôi, để tôi giúp anh gọi thử có nghe không". Nói rồi xúm nhau kêu réo um sùm, nhưng chẳng thấy tăm dạng đâu cả. Nghê Trung mới hỏi người nọ đi đâu, tên họ là gì? Người nọ đáp: "Tôi là Vương Phụng Sơn, vì bạn tôi bị chúng lập mưu hãm hại và bắt mất đứa cháu gái, nên tôi đi dò thám, mà vẫn bặt tăm mất dạng; bây giờ không biết nghĩ sao, phải bó tay mà về. À! Mà anh tên gì?". Nghê Trung đáp: "Tôi họ Lý, bây giờ mệt lắm, phải kiếm chỗ nghỉ mới được".
Hai người nói dứt chuyện, nhìn phía xa xa thấy có bóng đèn, bèn tính cùng nhau đi tới đó xin ngủ nhờ. Khi vào nhà ấy thời không có đàn ông, chỉ có một mụ già mà thôi. Nghê Trung khô cổ, xin chén trà thấm giọng, người đàn bà nói: "Nhà tôi không có nước trà, chỉ có rượu, quan khách dùng đỡ có được không?". Vương Phụng Sơn nói: "Được vậy lại càng tốt". Mụ già lật đật đi hâm cho hai người hai chén rượu. Nghê Trung và Vương Phụng Sơn uống xong, đầu xoay như chong chóng, nằm sải tay trên chõng, miệng chảy nước dãi tràn trề. Mụ già vỗ tay cười rằng: "Sướng không, bay sai mụ già hầu hạ như vầy vừa ý chưa?". Nói đoạn kéo hai người để nằm xuống đất, rồi lên chõng ngồi. chợt nghe ngoài cửa có tiếng kêu, mụ già nói: "Khoan đã, thủng thẳng chờ một chút, đừng có vào gấp!". Bắc Hiệp đứng ngoài hỏi tên trộm rằng: "Người đó phải là mẹ mi không?". Tên trộm đáp: “Chẳng phải, ấy là vợ tôi". Bắc Hiệp lại nghe người đàn bà nói lầm bầm rằng: ”Sao bữa nay lại về sớm, giật đồ đem về quãng này người ta thấy thì sao? Phải tôi không bỏ thuốc mê cho hai người này thì khổ to, sáng ra họ đi báo quan, rồi mới tính sao?". Nói dứt lời chạy ra mở cửa, thấy Bắc Hiệp vóc dáng cao lớn, tay cầm đao bén thời kinh hồn nín thinh. Bắc Hiệp bảo tên trộm để nàng Giáng Trinh lên giường. Rồi hai vợ chồng quỳ xuống đất xin dung mạng. Khi nãy Bắc Hiệp đứng ngoài cửa nghe mụ già nói bỏ thuốc cho hai người mê thì định chắc cũng là một kẻ bất lương, liền hỏi: "Bây dùng thuốc gì làm cho hai người này mê man như vầy?". Mụ già nói: !”Đó là rượu mông hán, chừng muốn cho hết mê thời xốc nước, tức khắc tỉnh liền". Bắc Hiệp liền truyền giải thuốc mê cho hai người kia, rồi lại nói gạt nó rằng: "Thuốc rượu mông hán ta uống không bao giờ mê, chúng bay đem cho ta dùng thử coi". Vợ chồng tên trộm có ý muốn hại Bắc Hiệp nên nghe nói vậy mừng lắm, vội vàng đi múc rượu.
Bấy giờ Nghê Trung và Vương Phụng Sơn tỉnh dậy, thấy tên trộm đem rượu ra, Nghê Trung liền hỏi rằng: "Mi có phải Hạ Báo đó chăng?". Tên trộm lại hỏi: "Ủa! Dương Phương, sao mi lại tới đây?". Vương Phụng Sơn đứng nghe lấy làm lạ lắm, sao Nghê Trung nói là họ Lý rồi mà lại họ Dương? Bắc Hiệp chẳng để cho vợ chồng Hạ Báo nói nhiều lời, lập tức ép chúng nó phải uống chén rượu mông hán mới bưng ra đó. Hai vợ chồng tên bất lương nọ uống vào rồi thì ngã ra mê man như chết. Chừng ấy Bắc Hiệp mới hỏi Nghê Trung coi Nghê Thái thú đi đâu? Nghê Trung liền thuật việc bị gạt vào Bá Vương trang, gặp Châu Giáng Trinh đi cứu, đến lúc tản lạc v.v... cho Bắc Hiệp nghe. Bắc Hiệp chưa kịp hỏi nữa, thời nghe Giáng Trinh nói rằng: "Như vậy thì uổng công tôi lắm rồi!". Nghê Trung nghe tiếng quay qua hỏi rằng: "Ủa, sao tiểu thư lại tới đây nữa?”. Giáng Trinh liền đem việc cứu Cẩm Nương rồi treo cổ tự vẫn, đến lúc bị chúng vác đi thuật lại một lượt. Vương Phụng Sơn nghe xong nói rằng: "Nói vậy Cẩm Nương cháu tôi nhờ ơn tiểu thư giải thoát rồi sao? Đa tạ, đa tạ!".
Bắc Hiệp thấy ai nấy đều vô sự, duy có Nghê Thái thú chưa biết ở đâu thời lo ngại lắm, liền trói vợ chồng tên bất lương Hạ Báo lại, rồi dặn dò Vương Phụng Sơn và Nghê Trung sáng mướn kiệu đưa Giáng Trinh về nhà họ Vương tạm trú, rồi Nghê Trung tức khắc về phủ dò thêm coi Thái thú lạc nơi nào? Dặn dò xong, Bắc Hiệp lật đật từ giã đi qua Bá Vương trang.