Trong trà phố, Trịnh Tân bị trộm,
Trên hồ đình, Châu Lão chịu ơn.
Triển Chiêu ngồi một bên nghe người khách ấy nói chuyện với Lục Hòe, nhất nhất đều y như mình khi nãy, bèn lắng nghe, lén xem dung mạo cho kỹ, thời quả là gã thuyền câu đã cứu Châu lão hồi sáng, thời lấy làm lạ nghĩ rằng: "Đã là võ sinh sao còn giả đóng làm thuyền chài là ý gì?". Chợt thấy gã sinh ấy đứng dậy đi tới trước mặt Triển Chiêu vòng tay thi lễ rằng: "Chào tôn huynh". Triển Chiêu vội vã để chén trà xuống đứng dậy đáp lễ rồi nói: "Nếu chẳng ngại sang hèn cùng nhau xin chung bàn, trò chuyện chơi cho vui”. Võ sinh ấy đáp: "Đã nhớ tưởng tới, lẽ nào dám chẳng vâng lời”. Nói rồi hai người ngồi vào một bàn, Lục Hòe dưới lầu bưng trà lên thấy vậy, nó thầm trong bụng rằng: "Hai người này cùng một chỗ lại đây, lạ gì chẳng hỏi y nhau một cách". Liền bưng bình trà Võ Tiền và cái chén để chung vào một nơi. Gã võ sinh lại bảo rằng: "Chúng ta muốn uống rượu, vậy mi đem lên cho ta hai bầu, và lựa thứ đồ ăn nào ngon bưng luôn thể”. Lục Hòe dạ dạ xuống lầu. Võ sinh ấy bèn hỏi Triển Chiêu rằng: "Chẳng hay ông anh tên họ là chi, và quê quán tại đâu?". Triển Chiêu đáp: "Tôi nhà tại phủ Thường Châu huyện Võ Tấn họ Triển tên Chiêu tên chữ là Hùng Phi". Gã võ sinh tiếp: "Có phải mới được lên tứ phẩm, đoái đao hộ vệ và khâm tứ là Ngự miêu, người xưng là Nam hiệp Triển gia đây chăng?". Triển Chiêu đáp: "Đâu dám như thế, vậy chẳng rõ anh tên họ là chi?". Võ sinh đáp: "Tôi người phủ Tòng Giang thôn Mạc Hoa tên là Đinh Triệu Huệ đây”. Triển Chiêu vội vàng hỏi tiếp: "Có phải có ông anh tên Lang, mà thiên hạ gọi là Đinh nhị quan hay không?". Đinh Triệu Huệ đáp: "Anh em chúng tôi đâu có được như thể”. Triển Chiêu nói: "Lâu nay đã từng nghe danh hai ngài, song chưa tới ra mắt được, bây giờ gặp gỡ ở đây thật may mắn vô cùng “. Đinh Triệu Huệ nói: "Anh em chúng tôi cũng vẫn nghe danh anh hằng ao ước tới chơi, nhưng chưa có dịp nay gặp đây thỏa chí biết bao".
Nói vừa tới đó Lục Hòe bưng rượu và đồ ăn lên, Đinh Triệu Huệ cầm bầu rót rượu mời Triển Chiêu. Triển Chiêu cũng rót đáp lại, hai người ăn uống chuyện vãn rất vui vẻ. Nhân hỏi tới việc giả dạng ông chài, Triệu Huệ cười mà đáp rằng: "Tôi vâng lệnh lên chùa Linh Ẩn để hương, đi qua bờ hồ này, thấy cảnh đẹp trời thanh non cao nước biếc nên cải trang du thưởng, bất ý cứu được Châu lão, xin chớ cười“. Đương lúc nói chuyện, có một đứa tiểu đồng dưới lầu đi lên thưa với Triệu Huệ rằng: "Mới rồi đại nhân (Triệu Lang) có sai người tới giục ngài về và có thư dâng lên, xin quan nhân hội kiến". Triệu Huệ tiếp lấy xem, rồi nói với tiểu đồng rằng: "Ta gởi lời về thưa với đại nhân rằng mai sẽ về“. Triển Chiêu thấy vậy hỏi rằng: "Anh đã có chuyện, sao lại chưa kiếu về, bất tất phải lưu luyến với tôi làm chi?". Đinh Triệu Huệ nói: "Biết không có chuyện gì, nếu anh đã dạy như vậy, xin cho tôi lui về, mà mai này thế nào, lúc quá trưa, ngô huynh cũng nhớ lại chốn hồ đình tương hội nhé". Triển Chiêu nhận lời. Đinh Triệu Huệ bèn kêu Lục Hòe lên bảo rằng: "Chúng ta ăn uống nãy giờ, tính hết, bao nhiêu ta xuống dưới sẽ trả đủ“. Nói rồi đi xuống, còn Triển Chiêu ngồi một mình, giây lát cũng trở về, nghỉ ngơi tới canh hai bèn thay hình đổi dạng mang bảo kiếm đi tới lầu của Trịnh Tân. Từ dưới chân lầu leo tuốt lên mái, dòm trong cửa nọ, thấy có bóng đèn, bèn lại gần nghe có tiếng đàn bà hỏi rằng: "Sao mi đi gọi ngài lại chẳng thấy lên?". Con hầu đáp: "Ngài còn bận việc tiền bạc một lát, xong sẽ lên sau”. Một lát lâu người đàn bà lại giục: "Mi đi xem thử coi quan nhân đã tính xong chưa. Bây giờ đã canh ba rồi mà sao chưa thấy lên?". Vừa dứt lời nghe dưới lầu có người đi lên và nói rằng: "Không có tiền à, không được, phải đòi cho có, để đấy sẽ coi ta!". Dứt tiếng nghe mở cửa và nghe đánh rổn một tiếng, Triển Chiêu dòm theo khe của, thấy người ngồi ở tủ tiền lúc ban ngày đi vào, và trên bàn để tám gói bạc bao bằng giấy tây ngoài lại có niêm dấu. Trịnh tân vừa thò tay mở cửa tủ vừa nói rằng: "Ta đương mắc tính toán việc mua bán, mình có việc chi cần mà sai con hầu đi gọi đến đôi ba lần như vậy?". Miệng thời nói, còn tay thời lấy mấy gói bạc cất vào tủ rồi đóng lại. Người đàn bà nghe hỏi đáp rằng: "Thiếp tưởng công việc đã xong xuôi nên mời mình lên". Trịnh Tân hỏi: "Có việc gì vậy?”. Người đàn bà đáp: "Ấy là chuyện của lão chết bầm đó mà, tuy lão đã bị trục xuất, song tại huyện lão còn dám tới cáo, thời chắc phủ hay mà kinh đô lão cũng chẳng từ, thì biết tính thế nào?". Trịnh Tân thở ra than rằng: "Nếu nghĩ tới ơn chiếu cố của lão buổi xưa, mà ngày nay ta bạc đãi đến nông nỗi này, thời thật cũng phụ với vợ trước của ta lắm". Nói tới đó tuôn hai giọt lụy nghẹn ngào. Triển Chiêu đứng ngoài nghe, nói thầm rằng: "Trịnh Tân vẫn là đứa còn lương tâm mà!". Bỗng nghe tiếng chén đũa khua loang choang và có tiếng thầm thì khóc lóc, Triển Chiêu nghe kỹ là người đàn bà kêu khóc. Lại nghe Trịnh Tân nói rằng: "Mình chớ nên giận dữ làm chi, tôi nói thế là có ý đâu?”. Người đàn bà khóc rằng: "Mình đã tưởng nhớ vợ cũ, sao lúc chị ấy chết mình không chết theo, lại cưới tôi làm chi?". Trịnh Tân nói: "Đó chẳng qua nói chuyện vậy thôi, mình đừng giận tôi nữa". Nói rồi lại đi bên người đàn bà ấy dỗ dành năn nỉ, một lát mới hết khóc.
Trịnh Tân thấy vợ hết giận bèn sai con hầu đi hâm rượu. Con hầu vâng lời đi xuống, một lát nghe dưới lầu có tiếng la hoảng, con hầu hớt hải chạy lên coi bộ rất kinh hãi. Trịnh Tân vội vã hỏi, nó đáp rằng: "Ở dưới... dưới thang lầu, có... có cái gì như cục lửa to lắm, lăn... lăn tròn hoài?". Người đàn bà nghe xong liền nói: "Có gì lạ đâu, không chừng là tiền của lão chết bầm kia chôn, nên kim khí xung thiên, vậy hai ta cũng nên xuống xem cho nhớ sáng ngày sai đào lấy”. Trịnh Tân nghe nói máu tham nổi lên, bèn sai liễu hoàn đốt đèn lồng lên. Bấy giờ liễu hoàn đã hết hồn không dám đi lấy, sẵn trên giá có cây đèn sáp, nó bèn lấy đốt, cầm đi trước, vợ chồng Trịnh Tân nối gót xuống lầu. Lúc này Triển Chiêu đứng ngoài cửa mừng lắm nghĩ rằng: "Ta cũng nên thừa cơ hội này vào lấy bạc mới nhẹm”. Chợt thấy có bóng người thoáng qua, Triển Chiêu coi rõ là gã thuyền câu ban ngày, liền cười và nói trong bụng rằng: "Chà chà! Y cũng dám vào đây kiếm tiền nữa chớ, thật giỏi, mà làm sao y biết chỗ để tiền mà lấy, ta làm sao nói cho y biết được? Đương còn suy nghĩ thì thấy Đinh Triệu Huệ đi thẳng lại bên tủ, tay đè một cái, cửa liền mở ra, thò vào lượm bạc bỏ vào túi. Triển Chiêu đứng ngoài đếm cả thảy tới chín lần lượm rồi mới đóng cửa tủ lại, lấy làm lạ lắm vì khi nãy chỉ thấy có tám gói mà thôi, sao bây giờ lại tới chín gói. Đương còn nghĩ ngợi, thời nghe dưới lầu có tiếng đi lên và nghe tiếng Trịnh Tân rầy con hầu rằng: "Đồ hư quen nết, chuyện không có gì làm cho ta kinh hãi!". Nói rồi dắt nhau đi lên. Triển Chiêu thất kinh nghĩ thầm rằng: "Chúng nó đã đóng cửa rồi, thế thì làm sao cho bạn ta ra khỏi, nếu y thật là tay hiệp khách thời đỡ lo!". Bổng thấy trong ấy đèn đuốc đều tắt cả bốn phía tối đen. Triển Chiêu khen thầm và mừng lắm, kể nghe Trịnh Tân kêu rằng: "Sao mà đèn tắt hết như vậy? Còn đèn sáp sao cũng quăng đi, mau mau xuống lầu lấy lửa thắp đèn lên coi!”. Triển Chiêu biết Đinh Triệu Huệ là tay giỏi, nên mượn lúc tắt đèn mà thoát thân, lại tự cười mình sao bạc gần tới tay để cho Triệu Huệ lấy, vậy còn ở đây làm gì, bèn hối hả tuột xuống lầu đi thẳng về chỗ trọ.
Lúc Trịnh Tân có lửa đốt đèn lên, thấy cửa tủ hình như có ai mở, liền chạy lại coi, mở tủ ra xem không còn một gói bạc nào cả, bèn la hoảng rằng: "Bị trộm rồi, bị trộm rồi". Vợ y hỏi: "Có mất tiền hay không?". Trịnh Tân đáp: "Chẳng những là mất tám gói bạc mới cất vào, cho đến gói bạc cũ hai mươi bốn lượng cũng mất". Vợ chồng lật đật chạy xuống lầu tìm kiếm khắp nơi, không thấy tăm hơi chi, chỉ có than thở cùng nhau mà thôi.
Triển Chiêu quay về, ngủ một giấc tới mặt trời mọc ba sào mới dậy, ăn lót lòng ba hột rồi lững thững đi ra Đoạn Kiều Bình, tới nơi chỉ thấy Châu lão đợi đó chứ chưa thấy Đinh Triệu Huệ. Châu lão thấy Triển Chiêu tới bèn thi lễ và nói: "Lão hàn tới đây đợi đã lâu rồi". Triển Chiêu nói: "Anh thợ câu kia chưa lại đây sao?". Châu lão đáp: "Vẫn chưa". Đương còn trông đợi, thấy Đinh Triệu Huệ đi tới lại có đem theo hai đứa tớ. Triển Chiêu chỉ và nói rằng: "Bạc giúp cho ông đã có rồi kìa". Châu lão dòm lại, thời chẳng phải là thợ câu hôm qua, mà lại là một vị võ sinh công tử. Triển Chiêu bước tới thi lễ, cả ba chào hỏi xong xuôi, Đinh Triệu Huệ bèn hỏi Châu lão rằng: "Bấy giờ tiền bạc sẵn sàng, vậy lão trượng có lựa chỗ nào để mở cửa hàng hay chưa?". Châu lão đáp: "Đã có rồi, lầu ấy của người bạn tôi, ở cách Trịnh gia lầu ước một lần tên, chỗ đó trước là tiệm vẽ, nhân bạn tôi là Mạnh Mồ già yếu thôi nghề rồi, giao lầu ấy cho tôi coi chừng giùm, nay muốn mở lại buôn bán cũng dễ". Đinh Triệu Huệ nói: "Vậy lại càng tốt, mà ông có ai giúp sức buôn bán với không?". Châu lão đáp: "Có, tôi có một đứa cháu tên là Ô Tiểu Ất lúc trước làm ở tiệm tôi, sau này Trịnh Tân cải hiệu tiệm, rồi đuổi nó đi". Đinh Triệu Huệ lại nói: "Như vậy thời có thể mở được một tiệm trà khác rồi, tôi có một đứa tớ cũng có thể giúp ông được, nó lanh lợi, chuyện chi ông cũng nên trông cậy ở nó". Nói rồi sai tiểu đồng đem gói lại mở ra. Triển Chiêu đứng xem chằng chằng không nháy mắt.
Thật là:
Thấy việc bất bình không lẽ bỏ.
Lấy tiền vô nghĩa giúp người cùng.