Trang

【Thất Hiệp Ngũ Nghĩa】●Hồi thứ mười bẩy

Giả bệnh nặng, Nhân Tôn nhìn mẹ
Ra mật chiếu, Quách Hòe bị tra

Kiệu của Lý Phi vào tới cửa thứ hai thì có bốn tên thái giám ra thế cho kiệu phu khiêng kiệu vào. Tới cửa thứ ba mới để xuống. Ninh Tổng quản bước ra tiếp và vấn an, bọn con hầu đỡ Lý Phi xuống kiệu đáp lễ lại Tổng quản. Ninh tổng quản liền đi trước dẫn đường, vào trong cung đã thấy Địch thái hậu ra cửa rước. Địch thái hậu vừa thấy Lý Phi thời hình như trong trí nhớ có gì ngờ ngợ, đến chừng Lý Phi tới trước mặt vừa muốn làm lễ ra mắt, Thái hậu vội khoát tay miễn lễ cho, rồi cùng nhau nắm tay mời ngồi, Lý Phi không e lệ gì, dòm thấy Địch thái hậu lúc bây giờ có phần già hơn trước nhiều, thời lộ chút vẻ buồn, còn Địch thái hậu bây giờ nhìn kỹ Lý Phi thời trong lòng băn khoăn, bụng nghĩ: "Lý Thần Phi chết rồi làm sao còn sống ở dương gian này được?". Nên cũng không nghĩ ngợi gì nữa. Hai người lúc uống trà, nhân chuyện vãn chơi tâm đầu ý hợp, Địch thái hậu mến lắm nên giữ ở lại chơi ít ngày, Lý Phi rất vừa lòng, vì tưởng lúc ở trong cung này có lẽ may gặp dịp, sẽ tỏ bày tâm sự. Địch thái hậu thấy Lý Phi nhận lời liền sai nội giám ra thưởng tiền cho bọn tùy tùng và bảo về bẩm lại với Bao Công. Tới bữa cơm, Địch thái hậu cùng Lý Nương nương kề vai nhau ngồi ăn, vừa được vài tuần rượu Địch thái hậu mới tỏ lời khen Bao Công và gọi Lý Nương nương là người hiền. "Phu nhân khéo dạy bảo con mới được như vậy". Nhân lúc ấy lại hỏi tới tuổi Lý Nương nương, Nương nương đáp rằng: "Tôi vừa được bốn mươi hai tuổi". Địch thái hậu hỏi tới tuổi của Bao Công thời Nương nương đỏ bừng mặt ấp úng không đáp được. Địch thái hậu thấy vậy không lẽ hỏi nữa, bèn chuyển sang chuyện khác. Ăn xong dắt tay nhau đi xem các chỗ, vừa đi Địch thái hậu vừa nhớ tới câu hỏi trong bữa ăn lòng hồ nghi, nghĩ rằng: "Có bao giờ mà mẹ không biết tuổi con, hay là người này có điều chi ám muội chăng? Âu là tối nay mời ngủ chung cùng ta, nhân lúc ấy sẽ hỏi lại nguyên do mới rõ được các điều bí ẩn". 
Buổi tối, khi vào màn, Địch thái hậu mới đem câu chuyện mẹ không biết tuổi con hồi chiều hỏi vặn lại Nương nương. Nương nương thấy hỏi rất khẩn cấp, không biết đối đáp làm sao, bất giác cảm động đáp nhỏ rằng: "Hoàng thư không nhận biết Ai gia hay sao?". Chỉ nói có bấy nhiêu thôi rồi mở lời không được nữa mà khóc òa, Địch thái hậu nghe qua thất kinh vội vã đáp rằng: "Có phải Phu nhân là Lý Thần Phi không?". Lý Nương nương khóc tấm tức đáp không ra lời Địch thái hậu nói rằng: "Chúng ta ở trong thâm cấm bốn phía không ai, tâm sự thế nào xin cứ nói ra, có chi mà ngại". Lý Nương nương liền đem những cảnh ngộ lúc bị hại thế nào, Dư Trung thế mạng làm sao, vì đâu mà trôi nổi tại Trần Châu, nhớ ai mà đui mắt, cùng lúc gặp Bao Công giả nhận mẹ con thế nào,  Lý phu nhân cầu trời chữa mắt sáng lại làm sao? Nhất nhất đều thuật lại và thêm rằng: "Nay nhân lễ thọ của Hoàng thư, tôi quyết tới đây thổ lộ chân tình, may được tỏ tường “. Thái hậu nghe dứt lời, nước mắt tuôn rơi hỏi rằng: "Có vật chi làm chắc không?". Lý Nương nương bèn đưa kim hoàn ra, Địch thái hậu xem thấy thất kinh quỳ xuống. Lý Thái hậu vội vàng đỡ dậy rằng: "Hoàng thư đã nhìn biết ta rồi, làm sao cho Hoàng thượng được hay nữa!". Địch thái hậu tâu rằng: "Xin Nương nương yên lòng, tôi sẽ có kế hay".  Nói rồi thuật việc Lưu hậu và Quách Hòe dùng kế đem mèo mà tráo Thái tử, chực đem giết, may sao Khấu Châu có lòng trung, giao cho thái giám Trần Lâm để vào hộp đem gửi trong cung nam Thanh nuôi lớn. Sau con của Lưu hậu chết yểu mới cất Thái tử lên ngôi Đông cung, nhân Thái tử hay vào lãnh cung chơi, thiên tính đã sẵn, thấy mẹ động lòng, Lưu hậu sinh nghi, kiếm lời gièm cho Lý Nương nương phải tự tử. Lý thái hậu nghe nói như say mới tỉnh, giọt lệ chan hòa, bảo Địch thái hậu phải làm sao cho mẹ con được tương ngộ. Địch thái hậu nghĩ ra một kế bàn kề miệng nói nhỏ vào tai Lý Nương nương như thế... như thế. 
Qua ngày sau, Địch thái hậu sai Ninh Tổng quản vào triều tâu rằng: "Địch Thái nương nương, mới đêm hôm qua thốt nhiên nhuốm bệnh, nay đang rất trầm trọng”. 
Đêm ấy Nhân Tôn hoàng đế cùng nằm chiêm bao thấy một con chim phượng lông lá còi cọc, bay tới kêu một tiếng lớn rồi vỗ cánh làm cho Nhân Tôn giật mình tỉnh giấc, kinh hãi dị thường, từ đó tới sáng không ngủ được. Vừa hừng đông, thấy viên Tổng quản ở cung Nhân Thọ tới báo rằng: "Lưu Thái hậu đau nặng". Nhân Tôn vội vào thăm, tới nơi thấy thái hậu đương mê sảng miệng nói lảm nhảm rằng: "Khấu cung nhân! Sao mi dám vô lễ vậy?". Vua Nhân Tôn cũng tưởng Lưu Thái hậu mê nói cuồng thôi, nên sai mời ngự y vào điều trị rồi đi ra. Vừa khỏi cung vua chợt gặp Ninh Tổng quản ở cung Nam Thanh đón tâu Địch Thái hậu nhuốm bệnh. Vua Nhân Tôn liền đi luôn qua cung Nam Thanh vào tới tẩm phòng không thấy tùy tùng hay đầy tớ ở hầu đó, chỉ có một mình Địch thái hậu đắp chăn gấm nằm trong giường thôi.  Vua Nhân Tôn liền bước tới quỳ xuống hỏi thăm bệnh thể, Địch Thái hậu nói: "Bệnh mẹ không mấy nặng chỉ có đau xoàng thôi". Sau đó Lục hiệp Vương gia cũng vào thăm với thái giám Trần Lâm. Địch Thái hậu nhân dịp mới hỏi Nhân Tôn rằng: "Con người ở đời lấy gì làm trọng? Vương nhi có được biết không?".  Nhân Tôn đáp: "Lấy hiếu làm trọng”. Địch Thái hậu tiếp rằng: "Đã biết trước lấy hiếu làm trọng, song Vương nhi có biết ai là người không biết tới mẹ đương nổi trôi khốn khổ không?". Hai câu hỏi ấy làm cho vua Nhân Tôn ngạc nhiên không hiểu là ý gì, vội vàng tâu rằng: "Xin mẹ dạy lại điều ấy, vì con chưa được biết”. Địch thái hậu liền đưa một cái hộp cho Nhân Tôn và hỏi rằng: "Vương nhi có biết lai lịch vật này làm sao không?". Vua Nhân Tôn tiếp hộp mở ra xem thời trong ấy là một cái túi Ngọc Tỷ Long Phục, trên có chữ của Tiên Hoàng Nhân Tôn chưa hiểu đưa lên coi. Lúc đó thái giám Trần Lâm đứng bên cạnh thấy vật cũ bất giác động lòng nhớ tới chuyện xưa, nước mắt chảy ròng ròng. Nhân Tôn quay lại thấy Trần Lâm khóc lại càng lấy làm lạ nữa, liền hỏi lai lịch. Địch thái hậu nói rằng: "Lúc trước Lưu Thái hậu mưu với Quách Hòe tranh ngôi Hoàng hậu với mẹ Vương nhi là Lý Phi, nên kiếm thế hại. Lúc Lý Phi lâm bồn đem tráo Vương Nhi rồi sai con cung nữ Khấu Châu đem quăng xuống Kim Thủy Trì. Không ngờ nó trung chính giao lại cho thái giám Trần Lâm đem vào cung Nam Thanh gởi nuôi, cái túi này là vật gói Vương Nhi trong lúc đó". Nói tới đó khóc một hồi, rồi tiếp luôn tới lúc Lý Phi vào lãnh cung và lúc Dư Trung thế mạng. Tân Phụng gửi nuôi cho tới khi vào ở lò gốm cũ, sau gặp Bao Công... thuật lại một hồi.  Nhân Tôn nghe hết kinh hãi không cùng, khóc như mưa xối. Khóc rồi hỏi rằng: "Bây giờ mẹ của con còn ở đâu?”. Hỏi rồi nghe sau vách có tiếng khóc và bước ra một vị mặc sắc phục theo Nhất phẩm phu nhân.  Nhân Tôn sững sờ. Lý Phi e Thiên tử chưa tin bèn đưa hột kim hoàn cho coi. Nhân Tôn xem thấy không khác chi hột của Lưu Hậu nhưng trên khắc chữ Ngọc Chân cung và tên Lý Thần Phi, bèn vội vàng quỳ xuống lạy và khóc rống lên, Lục Hiệp vương gia cùng Trần Lâm cũng khóc. Địch Thái hậu bước xuống an ủi ai nấy mới nguôi, Nhân Tôn cầm tay Trần Lâm khóc rằng: "Trần Thái giám ơi! Nếu trẫm không nhờ lòng trung của ngươi, ngày nay đâu còn mà gặp mẹ". Trần Lâm cảm khích quá chỉ có ứa nước mắt mà không nói gì. Nhân Tôn quay lại thưa với Địch Thái hậu rằng: "Hài nhi làm Thiên tử, để mẹ phiêu lưu, còn mặt mũi nào ngó các văn võ bá quan nữa”. Địch Thái hậu khen phải rồi ghé tai nói nhỏ... Nhân Tôn vâng lời, an ủi mẹ ít lời rồi kêu kiệu về cung lập tức ngự bút thảo chiếu, sai Quách Hòe và Trần Lâm đi đến phủ Khai Phong tuyên đọc, Quách Hòe nào rõ chuyện gì một mực vui cười vâng chỉ. 
Bao Công ăn cơm sáng xong, nghe báo lật đật thay triều phục, truyền bảo mang hương án ra trước phủ rước thánh chỉ. Bao Công tung hô rồi đứng chờ Quách Hòe mở đọc. 
"Phụng thiên thừa vận Hoàng đế chiếu rằng: Nay có thái giám Quách... ". Đọc mới tới đó thấy tên mình,  Quách Hòe kinh hãi ngừng lại không đọc nữa. Trần Lâm vội vã tiếp rằng: "Nay có thái giám Quách Hòe mưu nghịch lòng gian khó lường. Chẳng kể Tiên hoàng, lại không giữ dạ trung thành. Lý Thái hậu lâm bồn, bị mưu gian ác, túi vàng gói lại quyết hại trừ quân, nơi lãnh cung giam khốn hiền phi rấp lòng tranh vị, nhờ có Khấu Châu trọn nghĩa, Trần Lâm hết lòng trung, nay mới được yên hoàng tộ. Nếu không có Tân Phụng mưu cao, Dư Trung thế mạng, xưa đà tan nát. Nhưng mà, Quốc mẫu trầm oan, khốn khổ hai mươi năm lẻ, nếu không có Bao Khanh trung nghĩa, ai biết đâu kẻ chính người tà. Kẻ dữ đã lộ, mưu phép công nên đoán án. Chiếu phó cho phủ Khai Phong, tra tấn rồi luận hình". Bao Công nghe xong tung hô vạn tuế, tiếp thánh chỉ, rồi xuống lịnh bắt gian thần. Bọn dũng sĩ Vương Triều, Mã Hán áp lại trói Quách Hòe cởi cả triều phục đem tới công đường xô quỳ xuống, tuyên đọc thánh chỉ một lần nữa rồi hỏi rằng: "Những chuyện đã qua rồi, mưu mẹo thế nào mau khai ngay kẻo bị tra tấn". 

Đó thật là: 
Phụng lại non kỳ, kẻ gian lậu kế. 
Trời còn có mắt, đứa dữ mang tai.