Trang

【Thất Hiệp Ngũ Nghĩa】●Hồi thứ mười hai

Trấn An Bình, Ngọc Đường làm nghĩa
Xóm Miêu Gia, Song Hiệp chia vàng
Triển Chiêu ra khỏi hoa viên trở về chỗ ngụ, trống đã điểm canh năm. Ngày hôm sau từ biệt chủ nhà trọ đi thẳng lại nhà quan Thái thú dò thám. Thấy trước cửa nhà có buộc một con ngựa, yên đã sẵn, một đứa nhỏ ngồi dưới đất giữ. Biết là hạng Phúc chưa đi, Triển Chiêu vào quán uống rượu cầm chừng. Một chặp thấy Hạng Phúc đi ra, nhảy lên ngựa vụt roi cho chạy. Triển Chiêu liền trả tiền rượu, xuống lầu đi theo. Đến trấn An Bình, thấy bên đường mé tây có một nhà hàng rất lớn, biển đề là Phan Gia lầu, Hạng Phúc vào đó, Triển Chiêu cũng vào theo, thấy y ngồi bên nam, thời kéo ghế ngồi bên bắc. Triển Chiêu uống ít chén, thấy mé đông có người ngồi ăn mặc sang trọng, ra dáng giàu có lắm. Lại ở ngoài có một vị võ sinh đi vào, hình dung tuấn tú, bụng Triển Chiêu đã luyến mộ lắm. Hạng Phúc vừa thấy vị võ sinh ấy vội vã chạy lại nắm tay nói: "Bạch huynh, sao lâu gặp nhau lắm vậy?". Võ sinh ấy đáp: "Hạng huynh, xa cách nhau mấy năm, nay gặp được thật may quá". Nói rồi cùng ngồi vào một bàn, Triển Chiêu dỏng tai nghe, Hạng Phúc nói: "Chúng ta cách nhau đã ba năm, tôi nhớ lệnh huynh lắm, muốn tới tôn phủ thăm, song bị cái nghèo trói cẳng, vậy lệnh huynh năm nay vẫn mạnh khỏe chứ?". Võ sinh ấy đáp: "Anh ấy đã khuất lâu rồi". Hạng Phúc nghe nói ra chiều buồn bã, rồi bắt qua chuyện khác. 
Nguyên vị võ sinh ấy là nghĩa sĩ tên Bạch Ngọc Đường, hiệu là Cẩm mao thử. Buổi xưa Hạng Phúc đi mãi võ, lỡ tay đánh chết người, nhờ anh Ngọc Đường là Bạch Kim Đường cứu, cho tiền, và khuyên nên tìm đường lập thân. Ai dè Hạng Phúc gặp An Lạc hầu đi Trần Châu, kết liên với Bàng Phúc, cậy tiến mình cho Bàng Dực, gặp lúc Bàng Dực đương cầu dũng sĩ để giúp sức hà hiếp dân đen, nên được dung nạp. Đương lúc hai người nói chuyện, thấy một ông già áo quần rách rưới dưới lầu đi lên, lại quì một bên người nhà giàu ngồi bàn hướng đông, năn nỉ những gì không biết. Người nhà giàu không chịu. Bạch Ngọc Đường thấy vậy bước lại hỏi: "Ông có chuyện chi, nói cho tôi biết, lại cầu cạnh người khác?". Ông già đáp: "Công tử ơi? Vì tôi có thiếu bạc của Viên ngoại đây, không có mà trả, nên Viên ngoại bảo phải đem con gái tôi mà gán nợ, tôi năn nỉ không được, xin công tử giúp cho". 

Bạch Ngọc Đường nghe nói mới hỏi người nhà giàu kia rằng: "Ông này thiếu tiền chú bao nhiêu?". Người nhà giàu đáp: "Thiếu tôi năm lượng vốn, đã ba năm không trả lời, cộng cả vốn lời là ba mươi lăm lượng”.  Ngọc Đường hỏi: "Có giấy tờ chi không?". Người nhà giàu nói có, rồi móc trong túi đưa ra cho Ngọc Đường coi Ngọc Đường liền móc bạc ra trả thay, người nhà giàu được bạc cả mừng, lấy bỏ túi rồi xuống lầu đi thẳng. Bạch Ngọc Đường liền đưa giấy nợ cho ông già và dặn rằng: "Từ rày về sau có ai cho vay nặng lãi như vậy thời đừng vay nữa". Ông già dạ dạ vâng lời và cám ơn liền miệng rồi từ giã đi xuống, đi ngang chỗ Triển Chiêu ngồi, Triển Chiêu liền mời rằng: "Xin mời ông ngồi dùng với tôi một chén rượu". Ông già nói: "Tôi với ngài chưa từng quen, nào dám làm bận lòng ngài". Triển Chiêu nói: "Có ngại chi chuyện đó". Ông già từ chối mãi không được, phải ngồi uống ít chén. Triển Chiêu nhân hỏi tên tuổi và chỗ ở người nhà giàu khi nãy. Ông già nói: "Nó tên là Miêu Tú ở Miêu Gia tập, vì con y là miêu Hằng Nghĩa làm kinh thừa trong nha quan Thái thú, nên y ỷ thế ngang dọc khinh rẻ hàng xóm, cho vay cắt cổ lắm, tôi không dè mới ra thế này “. Nói đoạn cáo từ ra đi. Triển Chiêu lại đứng nghe câu chuyện của Hạng Phúc và Bạch Ngọc Đường. Bạch Ngọc Đường hỏi Hạng Phúc rằng: "Bây giờ anh dễ thở không?". Hạng Phúc nói: "Lúc trước nhờ lệnh huynh cứu khỏi, gặp được An Lạc hầu thâu nạp, nay vâng lệnh người ra trấn Thiên Xương có việc công”. Bạch Ngọc Đường hỏi: "An Lạc hầu nào?". Hạng Phúc nói: "Ở đây có mấy An Lạc hầu? Chỉ có một mình con Bàng Thái sư mà thôi”. Nói rồi hỉnh mũi coi bộ tự đắc lắm. Bạch Ngọc Đường tỏ ý không bằng lòng nói rằng: "Sao anh lại gửi thân ở đó?". Dứt lời đứng dậy đi xuống lầu. Triển Chiêu thấy vậy khen thầm trong bụng rằng: "Chim khôn phải lựa cây lành, thế mới đáng tay hiệp sĩ chớ". Bây giờ Triển Chiêu tính phải tới nhà Miêu Tú, nên vội vã tính tiền trả rồi ra đi. Trống điểm canh một, Triển Chiêu thay hình đổi dạng đi lại xóm Miêu Gia, tìm nhà Miêu Tú. Khi tới nơi thấy trong nhà khách đèn thắp sáng trưng, Triển Chiêu lại gần dòm qua theo kẹt cửa, thấy Miêu Tú và con là Miêu Hằng Nghĩa ngồi nói chuyện. Miêu Tú nói với con rằng: "Ngày nay tại xóm Phan Gia, tao đòi được ba mươi lăm lượng bạc trừ vốn năm lượng, tao còn lời ba chục lượng, con nghĩ có sướng không?". Hằng Nghĩa lần lưng lôi ra sáu gói bạc, rồi nói với cha rằng: "Cha được có ba chục, còn tôi lời tới ba trăm mới sướng chứ!". Miêu Tú hỏi "Bạc đâu được nhiều vậy?". Hằng Nghĩa đáp: "Vì hôm quan Thái thú sai Hạng Phúc đi rồi, sợ việc không nên, Hầu gia mới tính mưu khác, sẽ thay đổi hình dạng lên theo đường rừng Đồng cao đi về kinh. Chờ cho Bao Công xét việc phát chẩn rồi thế nào sẽ lo liệu, đã vậy lại còn gom góp đồ tế nhuyễn và đem nàng Kim Ngọc Tiên về theo. Song cả đoàn lại đi đường khác, việc đưa đón ấy lại giao phần con, có cho đủ tiền. Thế nhưng con còn dối quan Thái thú rằng Hầu gia bảo phải cấp cho ba trăm lượng bạc. Con tính về tới kinh sẽ xin thêm Hầu gia ít nhiều nữa. Cha nghĩ coi có hay không? Việc của Hầu gia làm đều ám muội cả đành phải cho tiền, cha nghĩ mình như thế sướng không?". Triển Chiêu đương rình chợt có bóng người vụt thoáng qua, trông giống như gã võ sinh ở Phan Gia Lầu lúc ban ngày, chợt cười thầm rằng: "Ban ngày thế người trả nợ, tối đi vạch vách lấy tiền". Cười rồi dòm thấy xa xa có bóng đèn, sợ người đi tới, Triển Chiêu bèn trèo lên mái nhà ngồi rình, một chặp thấy con hầu hơ hải chạy ra nói với cha con Miêu Tú rằng: "Nguy lắm! Khổ lắm! An nhân đi đâu mất, kiếm không được rồi!". Cha con Miêu Tú vội vã chạy vào. Ngoài này Triển Chiêu nhân vắng người tuột xuống, lẻn vào trong nhà, lại gần sáu gói bạc, bụng nghĩ rằng: "Ta nên lấy một nửa mà thôi, còn một nửa chia cho gã võ sinh kia". Nghĩ đoạn lượm ba gói bỏ vào túi, rồi lách mình chui ra nhắm Thiên Xương trấn đi tới. 

Nguyên bóng người mà Triển Chiêu thấy đó là Bạch Ngọc Đường. Ngọc Đường thấy người đứng rình bên cửa, đến khi người ấy thấy bóng đèn lại leo lên mái nhà, thời biết là đồng nghiệp với mình, nên đi vòng ra mé sau. Đèn ấy của con hầu bưng cho vợ Miêu Tú đi tiêu, khi vợ Miêu Tú chui vào cầu tiêu, con hầu bưng đèn vào nhà. Nhân dịp đó Bạch Ngọc Đường xô cửa giơ đao bảo đừng la, vợ Miêu Tú thất kinh chịu phép. Ngọc Đường móc khăn bịt họng rồi kéo ra xó vựa lúa. Con hầu bưng đèn trở ra thấy mất phu nhân, hoảng hốt kêu ầm lên, ra cho cha con Miêu Tú hay. Miêu Tú và Hằng Nghĩa chạy vào bên trong tìm kiếm. Bạch Ngọc Đường trở ra nhà khách thấy bạc còn có ba gói, đoán chắc bợm ngồi mái nhà khi nãy đã lấy bớt rồi, song lòng cũng tốt nên nhường lại cho mình, bỗng thấy vui cầm ba gói rồi đi ra. 

Cha con Hằng Nghĩa sai gia đinh lục soát các nơi kiếm được phu nhân rồi, mới nhớ lại ba trăm lượng bạc còn để trên nhà. Hằng Nghĩa lật đật chạy lên, nó đã biến đâu mất rồi, tức mình than trời trách đất. Miêu Tú chạy lên xem, biết mình đã bị mưu "nhử cọp lìa rừng” của kẻ trộm rồi, cha con ngó nhau buồn rầu hết sức. 

Thật là: 
Của trái lẽ không hề được hưởng. 
Người gian tham có lúc bị trừng. 

Nói về Bao Công ở lại Trấn Tam Tinh xét rõ án Hàng Thoại Long rồi, sắp sửa đi Trần Châu. Một ngày rỗi rãi, Bao Hưng ngồi một mình nhớ tới gối Du tiên mới nghĩ rằng: "Tối nay ta thử dùng gối Du Tiên ngủ chơi một giấc coi sao?”. Nghĩ vậy, đến tối lúc Bao Công ngủ rồi, Bao Hưng mới năn nỉ với Lý Tài rằng: "Mấy bữa nay trong mình tôi không được khỏe, tối nay cần phải ngủ một giấc cho ngon để dưỡng thần, vậy phiền anh hầu Tướng công một đêm, sáng ngày tôi sẽ thế”. Lý Tài nói: "Được, anh em mà lo gì, anh về nghỉ đi, tôi hầu cho". Bao Hưng mừng rỡ lắm đi tuốt về phòng riêng, lấy gối Du tiên ra xem, bất giác trong mình mệt mỏi, sẵn gối liền kê đầu, vừa nằm xuống đã ngáy pho pho. Hồn dạo chơi trong làng mộng, thấy mình đi ra khỏi cửa gặp một con ngựa đã thắng yên sẵn, có hai đứa mặc áo xanh đứng hầu, không suy nghĩ gì, nhảy lên ngựa vụt roi đi, đến một chỗ kia, giống như phủ Khai Phong, liền nhảy xuống ngựa đứng ngơ ngáo, dòm lên cửa thấy biển đề bốn chữ: "Âm dương bảo điện". Một vị Phán quan trong cửa bước ra hỏi rằng: "Mi là ai sao dám giả dạng Tinh chủ* xuống làm quỷ đây?". Nói rồi có lực sĩ áo vàng bước tới hét một tiếng. Bao Hưng giật mình thức dậy mình toát mồ hôi, nghĩ rằng: "Phàm việc gì đều có đấng tạo hóa xếp đặt trước, vậy cái gối này để cho Tinh chủ nằm, làm sao mình nằm cho được.  Còn Lý Khắc Minh nói dâng cho Tinh chủ mà Tinh chủ nào vậy nhỉ?". Nghĩ vơ tính vẩn hoài, ngủ không được, nghe trống trở canh tư liền trở dậy vào phòng Bao Công. 

* Tinh chủ: Tức Bao Công.