Trang

【Thất Hiệp Ngũ Nghĩa】●Hồi thứ tám

Đoán oan án, được lên Học sĩ
Tâu chẩn bần, ra xét Trần Châu

Nói về Công Tôn Sách về tới phủ Khai Phong, vào ra mắt Bao Công, thuật rõ đuôi đầu những việc mình vừa do thám được. Bao Công nghe qua mừng rỡ bội phần, thầm khen Công Tôn Sách là người có học. Tướng Công sai Bao Hưng bày tiệc rượu khoản đãi và truyền sai dịch đi đòi Vưu Cẩu Nhi.

Chẳng bao lâu chúng đem Vưu Cẩm Nhi về phủ,  Bao Công liền thăng đường, kêu vào trước mặt hỏi rằng: "Mi phải là Vưu Cẩu Nhi đó chăng?" Cẩu Nhi đáp phải. Bao Công nói tiếp: "Có hồn oan của Trương Hữu Đạo tới cáo tại bản phủ nói rằng mi và chủ mi là Trần Đại Hộ định mưu giết nó, Đại Hộ giết người để tư thông với vợ người, thời không nói chi đến. Nhưng mi nghe lời người ta mà làm ác, chắc cũng vì ham tiền, ham tiền mà chỉ ham ít như mi thời uổng lắm.  Nghe nói Đại Hộ bảo mi làm xong việc ấy rồi cho sáu mẫu đất, mà bây giờ nó không cho, đó là sự ức của mi. Vậy mi cứ thật khai ngay, bản quan sẽ vì mi mà xét đoán và cứu gỡ cho khỏi tội”. Cẩu Nhi nghe nói oan hồn tố cáo thì sợ. Lại nghe Bao công hứa vì mình mà xét việc cho đất và cứu cho khỏi tội, thì hả dạ lắm, liền khai rằng: "Nguyên chủ nhân tôi là Trần Ứng Trực có giao tình với vợ Trương Hữu Đạo là Lưu Thị.  Ngày nọ bị Trương Hữu Đạo gặp, may thoát được về nhà, lo nghĩ phương kế để giết Hữu Đạo, cho rảnh tay mới hả lòng thỏa dạ. Ông ta mới kêu tiểu nhân bảo phải giúp một chuyện. Tiểu nhân hỏi, thời ông nói kiếm con thi qui, tiểu nhân hỏi: "Thi qui hình đáng ra sao, ở đâu có?". Ông nói hình như con kim đầu trùng, hay ở trong mấy huyệt mả, khi nào thây người chết tiêu hết rồi mà cái óc còn thời trong ấy có con thi qui. Tiểu nhân nghe nói thấy chuyện khó, không chịu, ông liền lấy hai thoi bạc trao cho, và hứa nếu tìm được thời ông sẽ cho thêm sáu mẫu ruộng. Việc ấy ông sai đâu, tiểu nhân làm đó chớ thật lòng không muốn chút nào. Vậy ban ngày ông cho tiểu nhân ngủ, dưỡng tinh thần, tối đi đào kiếm cực nhọc mất mười lăm mười sáu đêm mới được một con, đem về phơi khô tán mạt, hoặc trà hoặc cơm mà rắc vào một chút, ai ăn phải liền phát chứng đau bụng mà chết ngay. Nếu tìm kiếm trong mình không thấy dấu vết gì cả, duy coi cho kỹ thời mới thấy dưới mí mắt có rựng rựng điểm máu bầm mà thôi. Khi tiểu nhân làm tròn bổn phận, không biết chủ nhân dùng để làm gì. Cách ít hôm nghe nói Trương Hữu Đạo đã chết, tiểu nhân nghĩ chắc là giống độc đó hại y, ăn năn không kịp.  Chuyện có bao nhiêu, tiểu nhân đã khai hết rồi, lạy lão gia kiếm cách cứu giùm tính mạng”. Bao Công nghe xong, truyền bảo thơ lại đem tờ cung bắt Cẩu Nhi điểm chỉ vào rồi xuất trát đòi Trần Ứng Trực, lại dặn Cẩu Nhi rằng: "Chừng Trần Đại Hộ chủ mi tới, mi cứ ra mặt đối chất, bề gì có ta đừng lo”, Cẩu Nhi dạ dạ vâng lời. Bao Công lại sai đòi mẹ con Vưu lão và Lưu Thị (vợ Trương Hữu Đạo). 

Chẳng bao lâu Trần Ứng Trực tới, Bao Công thăng đường hỏi rằng: "Trần Ứng Trực, vì sao mi giết Trương Hữu Đạo cứ thật khai ngay đi”. Trần Ứng Trực nghe hỏi run rẩy đáp rằng: "Thiệt tôi không làm điều ấy, lạy lão gia xin thương”. Bao Công vỗ án hét lớn rằng: "Mi thật gan lớn, dám lẻo mép chối, tả hữu đâu đem Cẩu Nhi ra đây đối chất”. Trần Ứng Trực xám cả mặt cuống quýt nói rằng: "Việc tư thông với Lưu Thị thời có, còn việc giết Hữu Đạo thì quả không, xin thượng quan chớ nghe lời Cẩu Nhi mà hại oan người lương thiện “. Bao Công cả giận kêu tả hữu đem hình cụ lên. Tả hữu dạ rân, khiêng ra ba khúc cây để trước công đường, Ứng Trực đã lạnh lòng sốt ruột nói rằng: "Lạy thượng quan, để tôi khai, xin khai cho khỏi hình cụ “. Nói rồi khai y như lời Cẩu Nhi và thêm rằng: "Lúc được độc dược ấy tôi liền đưa cho Lưu Thị, dặn rưới vào cơm cho Trương Hữu Đạo ăn, y ăn rồi thời chết mà mình không có thương tích “. Bao Công nghe rồi bắt Ứng Trực ký tờ cung xung. Sau đó Lưu Thị và mẹ con Vưu lão bà tới. 

Bao Công dạy dắt Lưu Thị vào trước. Lưu Thị tưởng chuyện đã ổn thỏa rồi, nên đi vào coi bộ vui vẻ tự đắc lắm, đến khi thấy mặt Trần Ứng Trực thì má hồng chẳng nhuộm mà thâm, mày liễu chưa chà đã rủ. Bao Công không cần hỏi tới, dạy kêu Trần Ứng Trực đối chất. Trần Ứng Trực ngó Lưu Thị khóc rằng: "Chuyện bí mật mà tôi bảo nàng làm đó, tưởng không ai hay, thời mình được vui vẻ cùng nhau yên hưởng khoái lạc, ai dè hồn oan Trương Hữu Đạo đã tới tố ở cửa quan, việc đã bại lộ còn giấu giếm làm chi. Tôi đã cung rồi, thôi nàng cũng khai ngay cho khỏi da tan thịt nát”. Lưu Thị nghe qua mắng rằng: "Oan gia, khéo hại ai vậy?". Chưa dứt lời, bị Bao Công hét một tiếng. Lưu Thị cúi đầu suy nghĩ hồi lâu rồi khai rằng: "Thôi, Trần lang cũng khai rồi, còn gì mà chối. Dạ, thượng quan, giết chồng thiếp án kia thiếp chịu, còn chuyện Trương Trí Nhân chòng ghẹo mà thiếp khai trước đó là nói xấu cho người, chớ thật không có “. Bao Công liền biểu ký tờ cung, rồi cho kêu mẹ con Vưu lão bà lên. Vưu Thị khóc tỏ các lẽ không sai một lời và thêm rằng: "Bây giờ mẹ con tôi không biết lấy gì làm kế sinh nhai, chỉ còn mong ở sáu mẫu đất của Trần Đại Hộ hứa cho, và có giấy của dâu tôi đây, xin thượng quan minh xét “. Nói rồi móc trong tay áo ra một tờ giấy đưa cho Bao Công. Bao Công xem bút tích của Công Tôn Sách thời cười thầm, rồi ngó Trần Ứng Trực hỏi: "Mi có hứa cho mẹ con Vưu lão bà ruộng đất, sao không cho, vậy bằng lòng hay không?". Ứng Trực chịu bằng lòng. Bao Công liền giao việc ấy cho huyện quan lo liệu, rồi lên án lăng trì Lưu Thị, trảm Trần Ứng Trực, xử giảo Vưu Cẩu Nhi nhưng còn cho án treo. 

Sau đó Bao công lấy giấy giao cho Công Tôn Sách viết sớ tấu. Công Tôn Sách viết xong, thấy Bao Hưng cầm lại một tờ tấu văn nói rằng: "Tướng công tôi bảo đem tờ này lại cho ông, dặn gài chung với mấy cái đó, sáng đem dâng cho Thiên tử". Công Tôn Sách tiếp lấy xem, bất giác đổ mồ hôi, bụng phập phồng. 

Ngày sau, Bao Công mặc đồ triều phục, tay cầm tấu văn, vào điện lạy vua, miệng tung hô vạn tuế, rồi dâng lên. Vua xem qua lòng đã không vui, lần lần nghĩ lại đó là lời ngay can phải, thật người vì nước vì dân, chớ chẳng phải tư thù tư oán, liền đổi giận làm vui, cho phép Bao Công an vị. Vua nghĩ nỗi tình tệ ở Trần Châu, e moi chuột hư nền, phang chim đổ lá, nên muốn cho kín bớt việc, liền gia phong cho Bao Công chức Long đồ các Đại học sĩ, song vẫn còn trị sự ở phủ Khai Phong như thường và phải tới Trần Châu tra xét việc phát chẩn. Bao Công quỳ tâu: "Hạ thần không đủ quyền bính, e không phục được lòng người, nếu phụng chiếu rồi mà người không tuân lệnh thời hạ thần nguyện chẳng dám". Vua phán: "Trẫm ân tứ cho khanh Ngự trát tam đạo (ba tờ thông trát của vua) thời còn ai lại chẳng dám tuân lệnh”. Bao Công tạ ơn, lĩnh chỉ lui ra khỏi triều. 

Lúc Bao Công vào triều, Công Tôn Sách ở tại thư phòng ngồi đứng chẳng an, đương lúc lo lắng bỗng thấy Bao Hưng chạy vào cho hay rằng Bao Công được gia phong Long đồ các Đại học sĩ và phải ra Trần Châu tra xét vụ phát chẩn. Công Tôn Sách nghe nói mới mừng, ngó ra trước phủ thấy Bao Công vừa về tới. Công Tôn Sách ra đón, Bao Công liền nói rằng: "Thánh thượng sẽ ân tứ cho tôi Ngự trát tam đạo, vậy tiên sinh nghĩ giúp tôi coi phải làm sao, cho khỏi phụ thánh ân?". Nói đoạn đi thẳng vào trong. Còn Công Tôn Sách thời trở vào thư phòng trăm ngàn lo nghĩ: "À! À! Có khi ông ta muốn lập mưu đuổi khách, chớ ân tứ ngự trát thời còn phải nghĩ gì nữa, đó thuộc về phần nội các, ta có quyền gì mà nghĩ. Thôi, chắc là không muốn dùng ta nữa, nên kiếm chuyện khỏi khó chớ gì. Vậy ta nên làm thế nào... để tỏ lòng ta và dò ý ông luôn thể “. Nghĩ rồi mài mực vuốt giấy vẽ ba ngọn trát đao để tên là Long, Hổ, Cẩu, biên rõ thước tấc và cách làm. (Lấy ý rằng Ngư trát tam đạo mà vua phán ra đó là thông trát cho bá tính, bây giờ cũng đọc như vậy mà tại trại một chút là Ngự trát tam đao nghĩa là ba ngọn đao ngự trát). 
Khi vẽ xong Công Tôn Sách đem bức ấy đưa lên cho Bao Công xem, nhưng trong bụng hồi hộp sợ bị quở ai dè Bao Công xem rồi sắc mặt vui lộ ra mặt khen: "Tiên sinh thật là bực chân tài “. Nói rồi sai Bao hưng đi kêu thợ mộc chiếu theo bức vẽ và phương pháp đó làm thành ba ngọn ngự trát bằng gỗ rồi buổi sáng sẽ dâng lên Thiên tử. 
Rạng ngày Bao Công sửa soạn đi chầu, sai người dùng rương vàng đựng ba ngọn đao kiểu đó vào trong, ngồi kiệu vào triều tâu rằng: "Hạ thần là Bao Chửng ngày hôm qua được Bệ hạ ân tứ Ngự trát tam đao, nay hạ thần vâng theo thánh chỉ, nghĩ ra dạng thức thế này, chẳng dám chuyên dùng, xin dâng lên để hầu ngự lãm". Tâu xong, thị thần mở rương vàng ra ngọn trát đao chia ba phẩm Long, Hổ, Cẩu. Bao Công lại tâu: "Như có kẻ nào phạm phép thời xin cứ theo phẩm cấp mà hành “. Vua nghe qua đã hiểu ý Bao Công muốn nhân lời phán đổi làm ra được trát đao để răn đe ở quan ngoài, thời mặt rồng lộ vẻ vui mừng và chuẩn tấu. Bao Công tạ ơn rồi lên kiệu trở về phủ. 
Vừa đi qua đường chợ, ông thấy mười vị phụ lão, đồng quỳ trước kiệu tay dâng tờ trình. Bao Công sai ngừng kiệu. Bao Hưng góp tờ trình dâng lên. Bao Hưng xem rồi xé nát quăng xuống đất, truyền cho quan địa phương đuổi họ ra khỏi thành lập tức. Mấy vị phụ lão khóc rằng: "Chúng ta chẳng từ cực nhọc, từ xa xôi lặn lội tới kinh sư, chỉ mong trả được chút hờn, ai dè gặp vị lão gia này cũng sợ quyền thế, thôi oan uổng của chúng ta, biết kêu đâu bây giờ?". Nói rồi lại khóc rống lên nữa. Bọn sai dịch nạt rằng. "Đi cho mau, dẫu khóc cũng vô ích, có ai lại chẳng sợ chết bao giờ?". Các vị phụ lão không biết làm sao, chỉ dắt nhau ríu rít đi ra khỏi thành. Vừa ra khỏi cửa chợt thấy một người cưỡi ngựa chạy tới, đó là Bao Hưng, đón các vị phụ lão dắt vào chỗ vắng nói rằng: "Lão gia không phải không muốn nhận tờ trình của các ông, song sợ nơi đường chợ đông đảo, tai mắt rất nhiều, e hỏng việc, nên lão gia sai đón các ông, mời về phủ hai người, còn bao nhiêu kiếm nơi trú tạm. Vậy bây giờ ông nào chịu đi với tôi?”. Các vị phụ lão mừng rỡ lắm, lựa ra hai người đi với Bao Hưng. 

Khi đến phủ Khai Phong, Bao Công mời vào thư phòng hỏi các việc, rồi cho ra ngoài tạm nghỉ. Dặn tả hữu đừng nói việc đó cho ai hay đợi mình sửa soạn đi thăm Trần Châu. Hai vị phụ lão khấu đầu bái tạ đi ra khỏi thành. 

Lúc Bao Công được Thiên tử chuẩn cho ba vật ngự hình là Long, Hổ, Cẩu, ba ngọn trát đao thời liền sai Công Tôn Sách coi sóc cho thợ làm. Khi làm xong đưa cho bốn dũng sĩ Vương Triều, Mã hán, Trương Long, Triệu Hổ. Rồi mời cả các quan liêu tới phủ chứng giám. Ai nấy xem thấy cũng rùng mình sởn gáy, khen ngợi vô cùng. 

Xong việc ấy, Bao Công liền hạ lệnh đi thẩm tra việc phát chẩn ngoài Trần Châu. Bốn dũng sĩ, Bao Hưng, Lý Tài, Công Tôn Sách đều theo. Điền Trung được đưa theo. Ra thành Bao Công đòi các vị phụ lão tới, củng đi.  Ngày kia Bao Công đi tới Trần Tam Tinh chợt nghe trước kiệu có tiếng kêu oan. Bao Công thấy một người đàn bà đầu đội trạng quỳ dưới đất liền tiếp lấy dâng lên. Bao Công xem xong nói với người đàn bà rằng: "Mi khá trở về, chờ bản quan tới công quán, sẽ tới hầu”. Người đàn bà dạ dạ lui ra, Bao Công đi vào công quán. 

Thật là: 
Hết sức giúp ngay trừ vạ. 
Lo chi nhọc sức cực lòng