Trang

【Tiễn Đăng Tân Thoại】●Thái Hư Tư Pháp Truyện

太虛司法傳



Phùng Đại Dị đơn danh là Kỳ, vốn là tay cuồng sĩ vùng Ngô Sở, thường ỷ tài ngạo vật khinh thị tha nhân, không tin có quỷ thần, phàm gặp những điều yêu ma quái dị, y phụ cỏ cây, làm kinh người hãi chúng, thì Phùng nhất định sẽ sắn tay, vén áo đương đầu, rồi lăng nhục, phá huỷ một hồi mới thôi.  Đôi khi còn lấy lửa đốt miếu, sau đó đem các tượng thờ trong miếu vứt bỏ xuống sông, hung hãn không hề cố kỵ.

Vì thế, Phùng được người đời khen là can đảm.

Đến năm Chí Nguyên tam niên đời vua Thuận Đế nhà Nguyên, Phùng đến cư ngụ tại cửa đông ở Thượng Sái, nhân có việc phải đến một làng bên. Lúc đó,  binh hoả đã tàn, chiến tranh cũng mới vừa chấm dứt, nên thôn xóm hoang sơ tiêu điều, không có người cư ngụ. Đường xá chỉ thấy hun hút cát vàng, xương trắng.

Khi Phùng chưa đi đến làng đó, thì mặt trời đã ngả về tây, bốn phía mây đen nổi lên, trông cảnh vật ảm đạm, u sầu. Chung quanh, không có lấy một lữ điếm. Chỉ duy có một khu rừng thông già cằn cỗi nằm cạnh ven đường. Chàng lập tức tiến vào, đến ngồi dựa dưới một gốc cây nghỉ ngơi.

Chợt nghe có tiếng cú kêu ở phía trước. Rồi tiếng lang sói gầm gừ, tiếng hồ ly gào rống ở phía sau chàng. Khoảnh khắc, lại có một bầy quạ đen ở đâu, từng con từng con bay đến. Có con nhẩy cò cò một chân mà kêu. Có con đập hai cánh vào nhau mà múa. Tiếng kêu quang quác. Âm thanh quái dị, rợn rùng. Như vây bủa lấy người Phùng.

Sau đó, lại thấy xuất hiện tám chín cái tử thi. Thằng nằm ngang. Thằng nằm dọc. Tả hữu đều có. Trong đêm tối, âm phong thổi nghe phần phật. Buốt giá. Mưa thình lình đổ xuống. Rồi một tiếng sấm nổi lên, tất cả tám chín cái tử thi ấy đều đứng bật dậy. Chúng thấy Phùng ngồi dựa gốc cây, bền bảo nhau kéo ào tới, túm lấy chàng.

Phùng nắm vội lấy một cành cây, cố leo lên. Trốn chạy. Đám tử thi chỉ còn nước vây quanh dưới gốc cây gào thét, mạ lị. Đứa đứng. Đứa ngồi, bàn tán bảo nhau :

- Đêm nay bọn mình phải bắt cho được tên này ! Bằng không, tất sẽ có tai hoạ.

Phút chốc, mây tan mưa tạnh. Nguyệt quang loang loáng xuyên qua ngọn cây đổ xuống mặt đất. Thì thấy một con quỷ Dạ Xoa từ xa tiến lại, trên đầu có hai cái sừng, mình mẩy trông xanh lè, hầm hầm bước tới, vừa đi vừa la lối. Khi vào đến rừng thông, Dạ Xoa bèn lấy tay núm lấy những tử thi, rồi bẻ từng cái đầu mà nhai ngấu nghiến, chẳng khác gì như người ta ăn dưa hấu vậy. Ăn xong, no nê thì nằm kềnh ra ngủ. Ngáy vang như sấm. Âm thanh kinh thiên động địa.

Phùng ở trên cây, bụng bảo dạ nơi đây không thể ở lại lâu được, nhân lúc Dạ Xoa còn đang ngủ say, bèn leo xuống trốn chạy. Chàng chạy chưa được hơn mười bộ, lúc ngoảnh đầu lại, đã thấy Dạ Xoa đuổi ở đằng sau. Chàng thục mạng chạy tiếp, suýt bị Dạ Xoa bắt được, may gặp một ngôi chùa bỏ hoang, bèn gấp rút lẩn vào trong đó.

Phùng thấy hai dẫy hành lang mé đông và mé tây của chùa đều đã bị sụp đổ. Duy trên điện, còn có một pho tượng đất thật lớn, sau lưng có một lỗ hổng. Đường cùng quẫn bách, bèn chui tọt vào trong nằm im trong bụng tượng, tự an ủi là kiếm được chỗ tị nạn, thoát được nguy hiểm.

Thình lình, Phùng nghe tiếng tượng đất vỗ vào bụng, cười bảo :

-Thằng cha muốn bắt hắn mà bắt không được, mình chẳng cầu thì hắn lại tự dẫn xác đến, đêm nay mình có món thịt đánh chén, khỏi cần ăn chay nữa !

Phùng nghe nói thế, sợ hãi, lập tức cố gắng đứng dậy, bỏ chạy tiếp. Nhưng cảm thấy bước đi nặng nề, trì trọng. Chạy chừng mười bộ, thì đụng một cái cửa chặn lại, té lăn cù xuống đất.

Chàng ngoái đầu lại nhìn, chỉ thấy đất cát, gỗ đá loạn xạ, bừa bãi trên mặt đất. Té ra,  thai cốt của pho tượng đất đã bị vỡ nát. Phùng vừa thoát khỏi bụng tượng, lại mở miệng lớn lối nói :

-Tên quỷ nào mà cả gan chọc vào tay "đại lão gia" này, nên mới rước hoạ vào thân như thế !

Phùng ra khỏi chùa, vừa đi vừa ngoái lại nhìn. Xa xa, ngoài cánh đồng, giữa ánh lửa lập loè, thấp thoáng có một đám người đang hành lễ tân khách, rồi cùng nhau ngồi xuống. Phùng cả mừng, dấn bước tiến tới. Chừng đến nơi, té ra đều là những thây ma không đầu. Còn đứa có đầu thì cụt hết hai tay, hoặc què một chân. Phùng thấy vậy, sợ hãi, quay mình bỏ chạy.

Lũ thây ma giận dữ bảo nhau :

-Bọn mình rượu đang đến lúc cao hứng, thằng cha này quả thật lớn mật, cả gan đến phá bĩnh, phải bắt cho được hắn làm gỏi nhắm rượu mới thoả.

Rồi cả bọn tập tễnh hô hoán tìm bắt Phùng. Đứa nắm cứt trâu mà ném. Kẻ nhặt xương khô mà chọi. Còn đứa không đầu thì nghển lên mà truy cản. Cũng may, lúc đó trước mặt Phùng có một con sông nằm chắn ngang, Phùng nhẩy liều xuống, vẫy vùng loạn xạ, bơi sang bên kia bờ.

Lũ thây ma đuổi đến bờ sông, thì ngừng lại không dám qua.

Phùng chạy được chừng nửa dặm, ngoảnh đầu lại nhìn, còn nghe tiếng lũ thây ma la lối om xòm, văng vẳng không dứt.

Chẳng mấy chốc, trăng tà khuất núi. Cảnh sắc tối mò. Đen kịt. Phùng không thể nhìn rõ đường lối, hụt chân té xuống một cái hố thật sâu, cơ hồ như không có đáy. Té ra là một hang quỷ. Dưới hang, gió cát vù vù bay đầy mắt, âm khí lạnh buốt giá rét như kim châm, thấu tận cốt tuỷ. Một bọn quỷ sứ đang tề tập họp nhau ở đấy. Có đứa tóc đỏ hoe mà lại có hai sừng. Có đứa lông xanh mà lại có hai cánh, miệng nhỏ bé như giống chim, răng lòi ra trông rất là ghê sợ. Có đứa đầu trâu mặt thú, thân hình xanh bủng như da trời, miệng phà ra lửa. Bọn quỷ trông thấy Phùng đến, đều tỏ ra mừng rỡ, chúc tụng lẫn nhau :

-Cừu nhân của chúng ta đã đến kia rồi.

Sau đó, bảo nhau lấy xích sắt cột vào cổ Phùng, và dùng dây da trói ngang lưng chàng lại, lôi đến trước chỗ ngồi của Quỷ vương, rồi tâu rằng :

-Tên cuồng sĩ này lúc ở dương thế không tin quỷ thần, lại còn lăng nhục chửi rủa bọn chúng tôi.

Quỷ vương nghe tâu, hầm hầm nổi giận, trách mắng Phùng :

-Nhà ngươi có đầy đủ tứ chi, đầu não, lại có học hành, lẽ nào không nghe nói rằng oai đức của quỷ thần đầy dẫy khắp nơi. Khổng Tử là bậc thánh hiền mà còn nói "kính nhi viễn chi", đối với quỷ thần phải kính trọng mà xa lánh, Kinh Dịch thì bảo rằng "tải quỷ nhất xa". Sách "Tiểu Nhã" ghi "vi quỷ vi vực". Còn các sách khác như "Tả truyện" thì chép giấc mộng của Tấn Cảnh Công, và truyện Bá Hữu mắng quỷ, đều là những truyện chính đáng, ngươi là cái thá chi, dám cả gan nói là không có quỷ thần. Bọn ta bị ngươi hối nhục đã lâu, hôm nay gặp nhau đây, không thể làm ngơ được.

Nói xong, ra lệnh cho chúng quỷ lột áo quần, mũ mạo của Phùng ra, đánh đòn khảo đả. Phùng bị đánh đến nước thân thể bầm tím, máu chảy lâm ly, cầu sống cũng không xong, cầu chết cũng không được.

Lúc đó Quỷ vương lại bảo Phùng :

-Ngươi muốn khuấy bùn thành tương, hay muốn biến thành thân cao ba trượng ?

Phùng nghĩ bụng, quấy bùn thành tương thì không thể được, nên xin được làm thân cao ba trượng.

Lũ quỷ bèn lôi Phùng đặt lên trên một chiếc giường bằng đá, rồi như người ta vê xoắn bột bánh, chúng quỷ dùng tay xoa bóp người Phùng, lật qua lật lại, thân thể Phùng bỗng dần dần dãn dài ra. Lát sau, chúng quỷ vực chàng đứng dậy, quả nhiên người chàng cao đến ba trượng, trông lêu nghêu như một cây gậy trúc. Chúng quỷ, nhìn chàng đùa rỡn, chửi rủa và gọi chàng là "Trường can quái "

Quỷ vương lại hỏi Phùng :

-Ngươi có muốn thành đá chiên ra nước, hay muốn nhỏ lại bằng một xích ?

Phùng còn đang khổ sở, buồn rầu vì thân thể lềnh khềnh cao dài, không thể tự mình đứng dậy được, nay Quỷ vương hỏi thế, bèn xin được nhỏ lại còn một xích. Chúng quỷ lại lôi chàng đến đặt trên chiếc bàn đá, rồi như người ta nhào bóp bột mì, lấy hết sức lực dằn nén trên thân thể Phùng. Chỉ nghe tiếng xương cốt của chàng bị vỡ vụn kêu rắc rắc, rồi chúng quỷ vê vét chàng lại thành một khối, quả nhiên người chàng chỉ còn một xích, tròn tròn như một con cua lớn. Chúng quỷ lại reo cười bêu rếu Phùng, gọi chàng là "bành kỳ quái 蟛蜞怪".

Phùng lổm ngổm bò ở dưới đất, khổ sở không sao chịu nổi. Bấy giờ đứng gần bên cạnh chàng, có một lão quỷ già thấy cảnh tượng như vậy, vỗ tay cười ha hả, bảo với Phùng :

-Túc hạ bình nhật vốn không tin có quỷ thần, hôm nay sao hình cốt lại như thế này ?

Nói xong lão quỷ già quay ra thỉnh cầu với chúng quỷ :

-Hắn tuy vô lễ với bọn mình, nhưng chịu nhục nhã cũng đã nhiều, xin quý huynh thương tình tha cho hắn !

Được chúng quỷ đồng ý, lão quỷ già cúi xuống nâng Phùng dậy, rồi xốc xốc mấy cái, thân hình Phùng lập tức khôi phục trở lại nguyên dạng.

Phùng năn nỉ xin được trở về nhà.

Chúng quỷ nói :

-Ngươi đã đến nơi này, thì cũng không nên trở về tay không. Bọn ta mỗi người có một vật tặng ngươi, để khi về trên ấy, cho nhân gian biết rõ là có sự tồn tại của quỷ thần bọn ta.

Lão quỷ già nói :

-Vậy, xin anh em cho biết là những tặng vật nào ?

Một quỷ nói :

-Tôi xin tặng cặp "bát vân giác" !

Rồi lấy hai chiếc sừng cắm vào trán của Phùng, hướng vào nhau trông cao nghễu nghện.

Một quỷ khác nói :

-Tôi xin tặng một chiếc "sáo phong chuỷ".

Lập tức lấy ra một cái còi sắt gắn vào môi của Phùng, trông nhọn hoắt như mỏ chim.

Một quỷ nói :

-Tôi xin tặng "chu hoa phát".

Nói xong lấy lấy một thứ nước mầu đỏ bôi lên đầu Phùng. Đầu tóc của Phùng trở thành tán loạn, dựng đứng cả lên, trông đỏ như lửa.

Lại một quỷ nữa nói :

-Còn tôi xin tặng cặp "bích quang tình".

Rồi lấy hai con ngươi mắt xanh, gắn vao mắt của Phùng. Mắt Phùng biến thành mầu bích lục.

Sau đó, lão quỷ già dẫn đưa Phùng ra ngoài cửa hang, căn dặn bảo Phùng :

-Túc hạ nên tự bảo trọng. Vừa rồi bọn tiểu quỷ xâm phạm châm trọc túc hạ, xin túc hạ đừng để bụng làm gì.

Phùng may mắn thoát khỏi hang quỷ, nhưng hình dạng biến đổi. Đầu mang sừng. Mắt xanh. Tóc đỏ. Miệng chim. Nghiễm nhiên trông giống hệt một con quỷ kỳ quái. Chàng về đến nhà, vợ con không ai dám nhận. Ra ngoài chợ búa, người ta xúm đông lại quan sát, coi như một quái vật. Trẻ con đều sợ hãi bỏ chạy. Do đó, Phùng buồn chán, đóng cửa ở trong nhà, không ăn uống gì, uất ức sinh bệnh.

Lúc lâm chung, Phùng dặn bảo với người nhà :

-Ta bị lũ quỷ quấy phá, nay sắp chết, hãy bỏ nhiều giấy bút vào quan tài cho ta, để ta làm đơn thưa lên thiên đình.

Vài ngày nữa, vùng Thái Châu này, ắt sẽ phát sinh một số điều quái dị, đó là lúc ta được thắng kiện, các ngươi hãy lấy rượu mà vẩy xuống đất để chúc mừng ta.

Nói xong thì chết.

Quả nhiên, sau đó ba ngày, trời đang nắng ráo, bỗng mưa to gió lớn ào ào đổ xuống. Mây đen vần vũ nổi lên bốn góc trời. Rồi sấm xét ầm ầm vang động cả vùng. Bao nhiêu mái nhà bằng ngói đều tan vỡ, bay đi mất. Cây cối thì bật gốc rễ. Một ngày sau mưa tạnh mới tạnh, trời quang đãng trở lại. Cái hang động mà Phùng bị té trước đó, biến thành một cái hồ lớn, rộng dài hàng mấy dậm. Nước hồ trông đỏ ngầu như máu.

Những gia nhân của Phùng thình lình nghe có tiếng nói phát từ quan tài của Phùng phát ra :

- Ta nay đã thắng được vụ kiện. Lũ quỷ ở cái hang đó đều bị tiêu diệt hết, không còn vết tích gì. Thượng đế thương ta là người chính trực, nên phong cho ta làm Tư Pháp trông coi Thái Hư Điện. Chức phận rất long trọng, nay không muốn tái hồi trần thế nữa.

Gia nhân của Phùng tế lễ xong, đem thi hài chàng mai táng. Đó đây, sự linh thiêng ẩn hiện thấp thoáng như vẫn tồn tại mãi.


Chú thích:
Thuận Đế 順 帝:

Thuận Đế là thụy hiệu của vua Nguyên Huệ Tông, vua đời thứ 11 và cũng là vị vua cuối cùng của Nguyên triều. Thuận Đế tên là Kỳ Ốc Ôn Thoả Hoan Thiếp Mục Nhĩ, con trưởng của Nguyên Minh Tông, mẹ là Hãn Lộc Lỗ Thị, sinh năm 1320, tức vị năm 1333. Năm 1368 Nguyên Thuận Đế rút khỏi Bắc Kinh, nhà Nguyên vong, đến năm 1370 Thuận Đế bị bệnh qua đời, chung niên 51 tuổi, miếu hiệu là Huệ Tông, thụy hiệu là Thuận Hoàng Đế, còn gọi là Ô Cáp Đồ Khả Hãn.



Dạ Xoa 夜 叉:

Dạ Xoa được dịch âm từ Phạn văn Yaksa, cũng còn gọi là "Dược Xoa", "Duyệt Xoa", có nghĩa là nhanh nhẹn, dũng tiệp.

Theo thần thoại Ấn Độ thì Dạ Xoa là một loại bán thần. Còn theo Phật Giáo thì Dạ Xoa là một loại Hộ Pháp Thần trong Thiên Long Bát Bộ gồm có: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La,  Gìa Lâu La, Khẩn Na La , Ma Hầu La Gìa.

Dạ Xoa nguyên là một loại quỷ ăn thịt người, có tài đằng vân độn thổ, được coi là tuần la binh của Long Chúng. Nhưng ở một vài tác phẩm văn học cổ điển, Dạ Xoa bị coi là một ác ma, nên trong dân gian, người Trung Hoa thường gọi người đàn bà hung ác là Mẫu Dạ Xoa.



Bộ 步 :

Đơn vị đo chiều dài ngày xưa, một bộ bằng năm xích, và một xích bằng một phần ba mét, vậy một bộ bằng gần hai mét.



Xích 尺 :

Đơn vị đo chiều dài của Trung Hoa. Mười thốn là một xích, và 10 xích bằng một trượng. Một xích bằng 1/3 mét.



Khổng Tử 孔子 :

Khổng Tử sinh năm 551 trước Công Nguyên và mất năm 479 trước Công Nguyên.

Ông là người cuối thời Xuân Thu, vừa là một tư tưởng gia, chính trị gia, giáo dục gia, đồng thời là người sáng lập ra Nho Gia Học Phái, tên là Khâu, tự là Trọng Ni, người Tưu Ấp nước Lỗ (nay thuộc Khúc Ấp tỉnh Sơn Đông). Tổ tiên của Khổng Tử vốn là quý tộc nước Tống, nhưng vì loạn lạc phải chạy sang nước Lỗ, đã nhiều đời làm người nước Lỗ.

Hồi trẻ, Khổng Tử chẳng những nghèo, đến khi trưởng thành được bổ nhiệm vài chức quan nhỏ như Uỷ Lại, trông coi về thương khố, và Thừa Điền, trông coi về súc vật, từng theo học Vô Thương Sư, theo truyền thuyết, Khổng Tử từng hỏi Lý Đam về "lễ". Khổng Tử cũng từng học nhạc với Trường Hoằng, và học đàn với Sư Tương , đến trung niên thì lo việc dậy học và sinh hoạt chính trị.

Năm năm mươi tuổi, dưới thời Lỗ Định Công, do chức Trung Đô Tể được thăng làm Tư Không, Tư Khấu, hành nhiếp công việc của Tướng quốc. Sau vì người nước Tề ly gián, Khổng Tử bị Lỗ Định Công lãnh ngộ nên dẫn đệ tử dời nước Lỗ, chu du các nước Vệ, Tống, Trần, Sái, Tề, Sở nhưng không được các nước này sử dụng. Đến năm Lỗ Ai Công thập nhất niên, tức năm 484 trước Công Nguyên, ông trở về nước Lỗ, hết lòng lo việc dậy học và văn hoá, chỉnh lý các sách cổ điển "Thi", "Thư", và san tu lại sách "Xuân Thu", cuốn sử của nước Lỗ, trở thành một tác phẩm đầu tiên thuộc loại biên niên thể của Trung Quốc. Học sinh của ông rất đông, được mệnh danh là "đệ tử tam thiên, thất thập nhị hiền nhân弟子三千七十二賢 học trò có đến ba nghìn người, và bẩy mươi hai người hiền". Ông lấy "Nhân 仁", tức "Nhân ái 人愛", tình yêu thương con người, làm nòng cốt cho học thuyết của ông, và là nguyên tắc đạo đức tối cao, quyết định, trong sự quan hệ giữa người với người. Ông đề xướng "khắc kỷ phục lễ", và cái đạo "hiếu đễ", "trung thứ", chủ trương "chính danh" và duy hộ chế độ tông pháp đẳng cấp " quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử". Trong suốt hơn hai ngàn năm, kể từ Hán Võ Đế, Khổng Tử được các nhà cầm quyền phong kiến thống trị tôn thờ là thánh nhân, và coi tư tưởng học thuyết của ông là tư tưởng học thuyết chính thống để cai trị dân, ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng. Sách "Luận Ngữ", là sách kinh điển chủ yếu để nghiên cứu về tư tưởng của Khổng Tử.

Tuy thế, năm 1974, Mao Trạch Đông vì nhu cầu bảo vệ "Cuộc Cách Mang Văn Hoá" chống lại phe dị kỷ đối lập, phê chuẩn cho Vương Hồng Văn và Giang Thanh, vận động phong trào " Phê Lâm phê Khổng" trên toàn quốc, xếp Khổng Tử ngang với Lâm Bưu để phê đấu, và ảnh xạ Chu Ân Lai là "Hiện đại nho gia", "Đảng nội đích đại nho". Các tượng Khổng Tử bị Vệ Binh Đỏ đập phá tan tành. Các miếu thờ Khổng Tử bị tịch thâu làm kho trữ thóc lúa.



Kính nhi viễn chi 敬 而 遠 之:

Nguyên cả câu là :" Kính quỷ thần nhi viễn chi 敬 鬼 神 而 遠 之" trong sách Luận Ngữ. Có nghĩa là kính trọng quỷ thần thì nên xa cách không nên đế gần. Sau trở thành thành ngữ "Kính nhi viễn chi" để biểu thị thái độ đối với người khác mình kính sợ, hoặc không ưa thích, thì nên tránh, không nên thân cận, để khỏi mang lỗi.



Tả Truyện 左 傳:

Một trong những kinh điển của Nho gia. Nguyên gốc gọi là "Tả Thị Xuân Thu 左 氏 春 秋" hoặc "Xuân Thu Tả Thị Truyện 春 秋 左 氏 傳", tương truyền là do sử quan nước Lỗ là Tả Khâu Minh người cuối đời Xuân Thu soạn ra.

Tả Truyện là bộ biên niên sử kế tục "Xuân Thu", bắt đầu ghi chép từ năm Lỗ Ẩn Công nguyên niên,  tức năm 722 trước Công Nguyên, chấm dứt vào năm Lỗ Điệu Công tứ niên, tức nam 464 trước Công Nguyên, tổng cộng 259 năm lịch sử, so với "Xuân Thu" thì dài hơn 17 năm. Tư tưởng có phần tiến bộ, yêu nước, dân bản. Văn chương ưu mỹ, ký sự rõ ràng, nghị luận tinh tế, đề tài rộng lớn, bảo lưu được nhiều tài liệu sử cổ đại, được coi là một bộ Trung Quốc cổ đại sử và là một sáng tác văn học trứ danh. Tả Truyện được các học giả nhiều triều đại quan tâm chú giả. Như Đỗ Dự đời Tấn có "Xuân Thu Tả Thị Tập Giải". Khổng Dĩnh Đạt đời Đường có "Xuân Thu Tả Truyện Chính Nghĩa", Hồng Lượng Cát có "Xuân Thu TẢ Truyện Cổ".



Tấn Cảnh Công 晉 景 公 :

Theo Tả Truyện thì đời Xuân Thu Tấn Cảnh Công nằm mộng thấy quỷ, đầu tóc rũ rượi đến tận đất, dậm chân đấm bụng, phá huỷ đại môn, tẩm môn,  rồi đi vào ngoại thất của Tấn Ẩn Công.



Bá Hữu 伯有 :

Theo Tả Truyện thì Lương Tiêu (良霄) là Đại Phu nước Trịnh thời Xuân Thu, tự là Bá Hữu, bị người sát hại. Sau khi chết thuộc quỷ, mới báo mộng cho người nước Trịnh hẹn thời gian sẽ giết kẻ thù của mình, đến kỳ hẹn, quả nhiên ứng nghiệm.



Túc hạ 足下:

Túc hạ là từ ngữ dùng để xưng hô người đối thoại với mình, một cách trang trọng kính nể. Tương truyền từ ngữ này được sử dụng từ thời Xuân Thu, khi Tấn Văn Công , tức Công Tử Trùng Nhĩ gọi Giới Tử Thôi là túc hạ.

Điển tích ghi rằng Công Tử Trùng Nhĩ cùng với Giới Tử Thôi trốn ở nước ngoài 18 năm;Giới từng phải cắt thịt đùi của mình để cho Trùng Nhĩ ăn. Khi Trùng Nhĩ trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng các người cùng từng bôn ba với mình, riêng Giới Tử Thôi không được phong gì hết, ông bèn làm một bài ca, Trùng Nhĩ thấy vậy mới bảo :

-A!Ta thật có lỗi!Khanh tất phải được phong thưởng, đợi sáng mai vào triều ta sẽ ban tước và đất đai ở phía bắc Hà Đông cho.

Nhưng Giới Tử Thôi đáp :

-Thôi này nghe nói là đạo người quân tử, nếu phải nhờ xin sỏ mới có tước vị, thì kẻ sĩ có lòng ngay không làm. Phải đua tranh dành dật mới có của cải, thì bậc liêm khiêm không cần.

Rồi bỏ vào núi ở ẩn, Trùng Nhĩ phái người đến gọi, nhưng Thôi không chịu đi ra, bèn cho đốt rừng để mong Giới Tử Thôi phải sợ mà ra , Cuối cùng, Giới Tử Thôi nhất định ôm cây chịu chết.

Trùng Nhĩ thương sót vô hạn, ra lệnh cho dân gian vào ngày 5 tháng 5 không được đốt lửa thổi cơm, rồi chặt cây làm guốc đi ở dưới chân, mỗi khi nhìn xuống guốc, lại than :

-Bi hồ !Túc hạ.

(Thương thay!túc hạ. )

Túc hạ ở đây chỉ Giới Tử Thôi. Đó là nguồn gốc của từ ngữ "túc hạ",  đựơc xử dụng để xưng hô.



Tư Pháp 司 法:

Tư Pháp là tên gọi một chức quan đời xưa, trông coi về hình pháp. Dưới lưỡng Hán, các quận có viên quan phụ tá gọi là Quyết Tào và Phú Tào Duyện trông coi về hình pháp. Nhà Bắc Tề gọi là Pháp Tào Tham Quân, ở châu thì gọi là Tư Pháp Tham Quân, tại huyện thì gọi là Tư Pháp. Nhà Tống ngoài Tư Pháp Tham Quân còn có Tư Lý Tham Quân. Đến nhà Nguyên thì bỏ.



Dịch Kinh (易 經):

Dịch 易, cũng gọi là "Chu Dịch", hay "Dịch kinh", là cuốn sách bói toán cổ xưa của người Trung Hoa, có 64 quái 卦, ta thường gọi là quẻ. Mỗi quẻ chia làm 2 bộ phận trên và dưới. Thượng quẻ có 3 hào爻. Hạ quẻ có ba hào, cộng là 6 hào. Hào có hào âm và hào dương không giống nhau. Quái thì có quái từ 卦 辭 (lời của quẻ), hào có hào từ 爻 辭(lời của của hào), cổ đại hào từ và quái từ mông lung lờ mờ khó hiểu, và văn tự lại giản đơn, Khổng Tử mới nghiên cứu những quái từ và hào từ rồi giảng giải tường tận, làm thành tư tưởng triết học của Nho gia để truyền thụ cho học trò. Những lời giảng của Khổng Tử được ghi chép, về sau được các người chuyên môn về Dịch bổ sung gọi là Dịch truyện 易傳, hay là Thập Dực 十翼.

Tự 序, tức tự quái 序卦, giải thích ý nghĩa chung và thứ tự của 64 mươi quẻ. Tượng 象, tức tượng từ 象辭, là những câu luận đoán đại ý của quái từ, rõ ràng hơn lúc nguyên thủy, trong đó đại tượng 大象 căn cứ vào ý của quẻ đưa ra những điều nên tránh. Thuyết quái 說卦, thì tự thuật về sự biến hóa của bát quái 八卦(tức tám quẻ chính).

Văn Ngôn 文言, chuyên giải thích những quái từ của hai quẻ Càn và Khôn 乾坤;

Dịch bao hàm những yếu tố đơn sơ tự phát của tư tưởng biện chứng pháp, đó là cái căn bổn của triết học của Khổng Tử.

Dịch được người Trung Hoa xếp vào trong lục nghệ là Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, và Xuân Thu.